Chương XVI
Cây cầu trên sông Đa Nhim
Xe chạy được hơn nửa giờ trên Quốc lộ 20, khúc đường này cong queo, ngoằn ngoèo như một con rắn, tôi quay đầu nhìn sang bên phải, cây cối thi nhau chạy giật lùi trong cánh rừng thưa đầy lau sậy với những bụi tre gai mọc chen chúc. Thỉnh thoảng xen vào giữa vùng đất hoang dọc theo quốc lộ, là mươi ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo ngả nghiêng, xóm không ra xóm, làng không ra làng. Cho đến khi xe qua khỏi đèo Ông Cố một đoạn khá xa, tôi nhìn thấy cầu Đại Ninh sơn toàn một màu trắng, hiện ra sừng sững trước mắt. Cây cầu này, tôi đã đi qua, đi lại nhiều lần vào những năm Quốc lộ 20 còn an ninh, chưa bị Việt Cộng đắp mô, chận đường xe đò để thu thuế. Cầu Đại Ninh được đúc bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố, ánh nắng ban mai của mặt trời chiếu sáng cả một vùng quanh cầu, khiến tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong mơ.
Tôi vẫn còn nhớ như in, dưới ánh sáng dìu dịu của hàng chục ngọn đèn néon trong phòng hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, Đại úy Thi công binh của trường, đứng nghiêm trước mặt Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng “Trình Thiếu tướng, tôi đã giật sập cầu Đại Ninh rồi”. Đang làm việc nhưng tôi vẫn lén nhìn, gương mặt của Đại úy Thi trông bơ phờ, mệt mỏi sau một chuyến công tác đầy khó khăn nguy hiểm. Với gương mặt đó, giọng nói đó, tôi biết Đại úy Thi nói thật, có nghĩa là ông ấy có cho nổ mìn cầu Đại Ninh. Như vậy, tại sao cho đến hôm nay, cây cầu vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Chuyện về cây cầu Đại Ninh không bị vùi sâu dưới lòng sông Đa Nhim, chỉ có Đại úy Thi mới có câu trả lời chính xác, rõ ràng mà thôi.
Minh giảm bớt tốc độ, cho xe chạy từ từ qua cầu. Khi xe đến giữa cầu, đột nhiên Minh rà thắng, chiếc xe chạy chậm hẳn lại. Tôi nhìn về phía trước, trên mặt cầu chỗ mí nối, nơi mà hai tấm bê tông khổng lồ với bề dày hơn cả một thước tây, tiếp giáp nhau. Mặt đường ở đây bị sụp xuống tạo ra độ chênh lệch, một bên thấp, một bên cao khoảng năm, sáu tấc. Vết sụp chạy dọc theo bề ngang từ trái qua phải của cầu. Một thân cây thông khá lớn, đường kính cũng vào khoảng sáu tấc được thả xuống dọc theo vết nứt, nhờ vậy mà xe cộ vẫn có thể lưu thông được, tuy có hơi khó khăn chút đỉnh. Bất chợt một tia sáng lóe lên trong đầu, tôi hấp tấp nói với Minh:
-Anh ngừng xe lại cho tôi xuống đây.
Minh nói nhanh.
-Luật không cho phép ngừng xe ở giữa cầu.
Tôi cằn nhằn.
-Anh là một người quyền biến lanh lẹ, tại sao anh lại có thể nói một câu ngớ ngẩn như vậy. Từ tối hôm qua tới giờ, tôi đếm được ba chiếc xe chạy ngược chiều với mình, đường sá vắng tanh, không một đồn bót, không một trạm kiểm soát. Lính Việt Cộng còn đang lo ăn mừng chiến thắng, Quốc lộ 20 này, ngày hôm nay coi như là của riêng anh. Anh ngừng xe lại cho tôi xuống thì đã sao, có chết thằng Tây nào không? Hay là anh sợ lính Việt Cộng tịch thu bằng lái xe của anh.
Minh hỏi tôi.
-Tại sao cậu muốn xuống ở đây?
-Tôi cần tìm hiểu chút việc riêng.
Khi xe đã dừng hẳn lại, tôi phóng cái ào ra khỏi xe, miệng nói to với Cúc mà mục đích là muốn cho Minh nghe luôn.
-Em với anh Minh, qua khỏi cầu rồi đợi anh ở đó.
Tôi đứng trên thân cây thông, ngay mí nối giữa cầu, đưa mắt nhìn quanh. Mặt đường chỉ bị hư hại nhẹ tại một điểm. Thiệt hại nặng nhất của cây cầu, là độ chênh lệch cao thấp khoảng sáu tấc giữa hai tấm bê tông khổng lồ.
Từ giữa cầu, tôi thong thả vừa đi vừa đếm cho đến khi qua hết cầu, tất cả được một trăm hai mươi bước. Tôi biết, khoảng cách trung bình giữa hai bước chân của tôi là bảy mươi phân, như vậy một nửa cây cầu, sẽ có chiều dài khoảng tám mươi lăm mét.
Tôi bước lên xe, câu đầu tiên tôi hỏi Minh.
-Bên Nhảy Dù, anh Minh có biết gì về việc sử dụng mìn và chất nổ hay không?
Minh nổ máy xe, gài số rồi nói với tôi.
-Lính như tôi thì mù tịt về chuyên môn, tôi hoàn toàn không biết gì về chất nổ, còn về mìn claymore, thì bất cứ người lính Nhảy Dù nào cũng đều sử dụng thuần thục. Trước khi gài một trái mìn claymore, tôi chỉ cần nhớ mấy động tác sau đây: ôm cái mặt lõm của trái mìn áp vào bụng, hướng mặt lồi về phía địch, đặt trái mìn xuống đất, gắn ngòi nổ, kéo dây điện, kích hỏa bằng cách bấm vào con cóc. Tất cả sự hiểu biết của tôi về mìn claymore chỉ có vậy. Ngoài ra, tôi không biết gì hơn nữa.
Tôi cười với Minh.
-Tôi cũng như anh thôi, sau gần bảy năm làm việc ở Trường Võ Bị, bao nhiêu bài học về mìn cũng như chất nổ ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi gởi trả lại cho huấn luyện viên hết rồi. Có điều này, tôi muốn hỏi anh. Tết Mậu Thân, khi anh tung trái lựu đạn để diệt mấy tên Việt Cộng đóng chốt, anh có nhìn theo cho đến khi nó nổ hay không?
Minh cười trong cổ họng.
-Trước khi quăng lựu đạn, tôi đã liếc mắt tìm sẵn nơi an toàn. Khi trái lựu đạn rời khỏi tay, tôi núp ngay lập tức, ở đó mà coi với ngó. Tuy vậy do kinh nghiệm nơi chiến trường, tôi cũng biết được một điều, thông thường lựu đạn chạm đất rồi mới nổ, miểng lựu đạn sẽ bung mạnh lên trời theo hình chữ V, hình cái nón lá lật ngửa.
Tôi nói.
-Anh Minh nhớ giùm tôi cái điểm này.
Minh hỏi.
-Tại sao tôi phải nhớ.
-Chút nữa tôi sẽ giải thích cho anh biết.
Tôi nhắc Minh.
-Anh còn nhớ không, lúc ở Sài Gòn tôi có nói với anh là cầu Đại Ninh đã bị giật sập. Vậy mà, trong thực tế cây cầu vẫn còn nguyên vẹn như anh thấy đó. Để giải thích tại sao có chuyện như vậy, cách suy luận của tôi như thế này, anh Minh nghe thử coi có hợp lý không? Khoảng tám giờ tối của hơn một tháng về trước, Đại úy Thi công binh Trường Võ Bị, nhận được khẩu lệnh trực tiếp từ Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, đi phá cầu Đại Ninh. Đại úy Thi dùng một chiếc xe dodge chở đầy hợp chất C4, cùng với bốn người lính công binh của ông ta đi phá cầu. Mười một giờ đêm, năm người đến nơi, họ dừng xe trên cầu Đại Ninh rồi quan sát hiện trường. Dưới sông, ở độ sâu ước chừng mười lăm thước, từng làn hơi nước lạnh lẽo từ mặt sông Đa Nhim bốc lên cộng với những cơn gió rét lùa qua vách núi, lòn dưới chân cầu. Cái lạnh thấu xương của núi rừng cao nguyên vào lúc nửa đêm về sáng, khiến cho mọi người run cầm cập. Tối hôm đó, nếu tôi nhớ không lầm thì hình như là đêm rằm hay mười sáu gì đó. Cho dù là có ánh trăng, cũng không đủ soi sáng khắp dưới gầm cầu, để lính công binh thực hiện công tác đặt chất nổ. Thường thì khi muốn phá sập một cây cầu, người ta phải cột chất nổ vào chân cầu, vì đó là điểm trọng yếu của nó. Chân cầu gãy, cầu sẽ sập. Những người lính công binh của Đại úy Thi, không phải là biệt kích, làm sao họ có thể treo mình dưới những sợi dây dài hàng chục mét, đánh đu bên hông hoặc dưới gầm cầu tối đen, để cột chất nổ vào chân cầu. Nội cái chuyện đong đưa trong gió như là làm xiếc, cũng đủ cho mấy anh lính công binh mất hồn, sơ ý sẩy tay là rơi tòm xuống sông, kể như toi mạng. Chuyện mỗi anh Công binh phải ôm theo vài chục kí chất nổ để cột vào chân cầu, gài ngòi nổ, chạy dây dẫn điện, đó là chuyện làm không tưởng, ngoài khả năng của họ.
Minh chận ngang.
-Cậu Quân nói là cậu không biết gì về chất nổ, sao cậu lại có thể diễn tả một cách rành rọt như vậy.
Tôi cười.
-Tất cả từ ciné, tôi coi nhiều phim chiến tranh với những toán Biệt kích quân được huấn luyện thuần thục, công tác của họ là xâm nhập vào đất địch, dùng chất nổ phá hoại cầu cống, đường xá của đối phương. Kiến thức về phá cầu, là do tôi học được trong những phim chiến tranh.
Tôi ngưng nói, quay tìm lon nước bên chỗ Cúc ngồi, ực một hơi rồi mới nói tiếp.
-Không thể làm gì khác vì những khó khăn, trở ngại như trên, Đại úy Thi sau khi quan sát hiện trường kỹ càng ông de xe đến giữa cầu, ra lịnh cho lính của ông ta đem tất cả chất nổ từ chiếc xe dodge xuống, sắp thành đống ngay mí nối giữa cầu Đại Ninh, chỗ cây thông mà anh vừa cho xe chạy qua, gắn ngòi nổ. Khi mọi việc xong xuôi, Đại úy Thi cùng toán lính của ông ta lăn cuộn dây điện về phía bên này cầu, thuộc địa phận Đà Lạt. Khoảng cách từ khối chất nổ, cho đến nơi an toàn mà Đại úy Thi cùng lính của ông ta ẩn nấp, ít ra cũng phải hơn tám mươi lăm mét. Để cho chắc ăn, tôi đoán nơi họ ẩn núp phải cách xa nơi đặt chất nổ, tối thiểu là trên một trăm mét. Cuối cùng Đại úy Thi chính tay bấm nút để kích hỏa, nhiều tia chớp xé toạc màn đêm tiếp theo là tiếng nổ tưởng chừng như rung chuyển cả đất trời, một cột lửa khổng lồ cao vài chục mét bùng lên soi sáng cả một vùng. Cầu Đại Ninh hoàn toàn chìm trong biển lửa, có nghĩa là cầu đã bị chôn vùi dưới sông Đa Nhim. Đại úy Thi cùng toán lính của ông ta leo lên chiếc xe dodge đã quay đầu sẵn, chạy về Đà Lạt. Đại úy Thi tin chắc rằng công tác hoàn tất tốt đẹp, mà không kiểm soát lại hiện trường, cho nên ông ta mới báo cáo với Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng là cây cầu đã sập rồi. Có một điều khá quan trọng mà Đại úy Thi quên nghĩ đến là, khối chất nổ mà ông ấy đặt trên mặt cầu, khi nổ sẽ tỏa ra như hình cái nón lá lật ngửa. Tất cả sức công phá của nó bung mạnh lên trời cao, giống như trái lựu đạn mà anh Minh cho nổ, khi diệt mấy tên Việt Cộng đóng chốt. Đỉnh cái nón lá chỉ là một điểm nhỏ nằm trên mặt đường của cây cầu, nơi đó, sức phá hủy của chất nổ gần như là con số không. Cho dù Đại úy Thi có đặt thêm hàng tấn chất nổ vào đó, cũng không làm cho cây cầu sập được.
Tôi nhìn Minh rồi kết luận.
-Tôi đã tự đặt mình vào vị trí của Đại úy Thi, và tôi biết bất cứ ai ở vào hoàn cảnh đó, cũng sẽ hành sử giống như ông ấy mà thôi. Anh Minh nghĩ coi tôi suy luận như vậy có đúng không?
Minh nhìn tôi rồi gật đầu.
-Có thể là đúng, dấu vết sụp ở giữa cầu chứng tỏ là Đại úy Thi có cho nổ mìn tại đó.
Cúc đang chăm chú lắng nghe tôi nói chuyện với Minh, bỗng nàng đột ngột hỏi tôi.
-Anh à, tại sao anh quan tâm nhiều đến chuyện cây cầu như vậy, em chỉ muốn mau mau về Đà Lạt để gặp ba má.
Minh hỏi Cúc với giọng đầy ngạc nhiên.
-Ủa, bộ ba má cô còn kẹt ở Đà Lạt sao? Chuyện này mệt cầm canh à nghen, Việt Cộng mà bắt được ba cô, khác nào họ trúng số độc đắc. Tài xế xe tải như tôi mà cũng biết rằng, cứ nhắm mắt mà khảo ba của cô, thế nào cũng lòi ra của, lòi ra đô la.
Cúc cười thích thú.
-Anh nói đúng, nhưng ba tôi kẹt ở bên Mỹ rồi, ở Đà Lạt là ba má chồng của tôi. Gần hai tháng rồi, tôi chưa được gặp ông bà, cho nên tôi mới nóng lòng như vậy.
Nghe Cúc nói, tôi vội hỏi Minh.
-Anh Minh à, mấy giờ mình tới Đà Lạt?
Liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay, Minh nói.
-Chậm lắm là mười giờ.
Khi xe chạy ngang qua khu phố Hòa Bình, tôi nhìn quanh, người đâu không thấy, chỉ thấy cờ đỏ sao vàng treo khắp phố phường. Nếu đem so sánh cờ của nước Việt Nam Cộng Sản với cờ của Trung Cộng, nó giống nhau đến chín mươi phần trăm. Cái khác biệt duy nhất là trên lá cờ của Tàu Cộng ngoài một cái ngôi sao vàng ở giữa, họ thêm vào lá cờ bốn cái ngôi sao vàng nhỏ, Mãn, Tạng, Hồi, Mông. Chừng đó chi tiết cho tôi thấy, Việt Nam Cộng Sản đã thần phục Thiên Triều, đã tự đặt nước Việt Nam vào vị trí là chư hầu của Tàu Cộng, tất cả được thể hiện qua lá cờ đỏ sao vàng, một lá cờ nô lệ lai căn như vậy không thể nào được coi là cờ của người Việt Nam. Cả Thành phố Đà Lạt nhuộm bởi một màu đỏ rực, xen lẫn vào đó lác đác dăm ba lá cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Đà Lạt vốn là thành phố du lịch của Việt Nam, có nhịp sống trầm lặng yên tĩnh, với nét đẹp của hoa Đào và sương mù, đến hôm nay sau hơn một tháng giải phóng, trông nó cứ như là một góc phố nào đó của Tàu Cộng, một góc phố chết trong nô lệ, chết trong rừng cờ đỏ, sao vàng.
Theo sự hướng dẫn của tôi, Minh ngừng xe trước nhà ba tôi. Nhìn căn nhà, Minh rối rít khen:
-Nhà đẹp quá mạng, của cậu hả?
Tôi cười với Minh.
-Anh nghĩ sao mà hỏi như vậy, tôi chỉ có cái mạng cùi, đây là nhà của ba tôi.
Tôi bắt tay Minh với chút ngập ngừng, không hiểu sao, tôi lại lừng khừng nửa muốn xuống xe, nửa muốn nấn ná thêm chút nữa. Có phải vì chút tình giữa hai người lính Việt Nam Cộng Hòa hay không? Hay là tôi thích tính tình bộc trực, thẳng như ruột ngựa của Minh, của người Miền Nam. Chắc là cả hai.
No comments:
Post a Comment