KHO THUỐC VƯỢT BIÊN
Mới sau có bốn ngày sơ khởi làm việc, khu Ngoại Khoa đã tiêu thụ một số lớn bông băng và nước biển. Tổng cộng cả mổ lớn lẫn mổ nhỏ chỉ mới chừng 30 người, vậy mà cấp số y cụ và vải băng trong tháng đã tiêu đi gần hết. Công bằng mà nói, tổng số bệnh nhân trong bốn ngày đó cũng bằng cả một tháng hoạt động của bệnh viện trong thời bình.
Tôi nhận thấy, nếu cứ sử dụng như thế này thì chả mấy chốc sẽ cạn hết nguồn tiếp liệu. Tôi thông báo cho tất cả các trại bệnh phải bắt đầu một chương trình tiết kiệm. Không được phóng tâm dùng bừa bãi. Khi xuống kho thuốc lớn, tôi thấy bông còn rất nhiều nhưng băng còn ít thôi. Tôi ra lệnh chỉ dùng băng đã khử trùng rồi cho Phòng Mổ để băng bó cho những bệnh mới giải phẫu xong. Đối với những vết thương cũ, tôi cho dùng gòn hấp hay băng cá nhân dã chiến, như vậy cũng tiết kiệm được một số.
Tôi biết chắc rằng tỉnh Bình Long đã bị bao vây, cô lập nên việc xin tiếp tế sẽ rất chậm chạp, khó khăn. Nếu không biết lo xa thì sẽ không còn gì để làm việc nữa.
Bệnh viện có ba kho thuốc: Kho Chẵn, Kho Lẻ và Kho Vượt Biên. Khi tôi về đây thì mọi sự đã được sẵn sàng như vậy nên tôi cứ thế mà làm. Tôi nghĩ rằng chia ra Kho Chẵn và Kho Lẻ để dễ kiểm soát. Ngày chẵn thì lãnh thuốc men y cụ ở Kho Chẵn. Ngày lẻ thì lãnh ở Kho Lẻ.
Kho thuốc Vượt Biên được thành lập từ hơn một năm nay, từ khi có cuộc hành quân vượt biên sang Cambodge và Lào.
Trong kho có đầy đủ mọi thứ nước biển, bông băng và thuốc cấp cứu đủ dùng cho một Bệnh Viện Tiểu Khu trong một tháng. Kho thuốc này được đặt trong một phòng thuộc trại Ngoại Khoa, xéo của phòng tôi. Những đồ tiếp liệu trong kho này chỉ để dành riêng cho những trường hợp bất ngờ khi bệnh viện phải tiếp nhận một số lớn thương binh mang về từ những cuộc hành quân vượt biên. Sáng kiến thành lập một kho thuốc như vậy tại mấy tỉnh gần biên giới thực đáng đề cao.
Chính nhờ kho thuốc này, tôi có đủ thuốc men dùng được gần một tháng là thời kỳ tiếp tế thuốc rất khó khăn vì tỉnh đã bị hoàn toàn cô lập.
Kho thuốc Chẵn hay kho thuốc chính của bệnh viện, nằm ngay sau nhà Bảo Sanh. Khu vực này là nơi lãnh nhiều đạn pháo kích nhất trong bệnh viện. Ngay những ngày đầu, kho thuốc đã bị sáu trái 82 ly và 61 ly, làm sập một phần mái nhà nhưng may mắn không cháy. Do đó không bị thiệt hại nặng nề cho lắm.
Tôi thấy cứ để thuốc men trong đó sẽ có ngày bị pháo cháy tiêu. Nhưng dời đi chỗ khác thì không được vì bệnh viện đã chật không còn chỗ trống. Vả lại, cũng không còn chỗ nào an toàn cả, chỉ còn cách duy nhất là phân tán mỏng.
Tôi mời dược sĩ Tân, bác sĩ Chí,Trung sĩ Thành thủ kho Y Dược xuống kho kiểm điểm thuốc men. Đồng thời tôi huy động thêm bốn người ở Phòng Mổ tới khuân vác y cụ lên chia cho mỗi phòng một ít để dễ dàng cất chứa. Tôi thấy còn nhiều băng cá nhân, ống chích, kim chích và các thứ thuốc sát trùng để rửa vết thương. Dưới con mắt của một y sĩ giải phẫu thì lúc bấy giờ, những thứ đó đối với tôi là vàng. Tôi không quên mang lên Phòng Mổ các ống thông phổi, băng thun, găng tay cùng nhiều thuốc trụ sinh các loại.
Có nhiều thứ ngày thường tôi tưởng hết, nay lục lọi ra mới thấy đầy dẫy như băng thun giãn rất tốt để băng các mấu chỉ sau khi thiết đoạn, như băng lớn dùng để băng vết thương sau khi mổ bụng, Phisohex hàng mấy chục thùng v.v…
Với số thuốc men sẵn có tạm thời tôi không lo thiếu thuốc. Nhưng chỉ cần một trăm thương binh nhập viện một ngày thì không đầy một tuần, các đồ tiếp liệu sẽ vơi đi một cách đáng kể. Nên tôi nghĩ tốt hơn hết, cứ xin sẵn thuốc men cần thiết để dự phòng. Tôi vừa gọi điện thoại vừa đánh công điện về Liên Đoàn để xin tiếp liệu. Chỉ vài ngày sau, tôi đã nhận được một phần danh sách tôi yêu cầu, trong đó có 30 bịch máu O.
Có đầy đủ phương tiện để làm, nhất là có máu truyền cho thương binh, tôi phấn khởi vô cùng. Có ngày tôi mổ tới bảy trường họp, liên tiếp ba ca bụng liền làm mấy y tá mệt đừ. Cô Đào không kịp ăn cơm, mặt mũi nhợt nhạt. Cô Bích than đứng lâu, chân muốn sụm. Thượng sĩ Lỹ,Trung sĩ Xòm, Binh nhất Thiện cũng phờ phạc cả người. Tôi nói đùa:
– Mọi sự xảy ra đều tại cô Mỹ cả, mọi người cố chịu khó một chút.
Cô Mỹ là Nữ Điều Dưỡng mới đổi lên đây được hai ngày, trước khi Việt Cộng mở cuộc pháo kích vào An Lộc. Nghe tôi nói vậy, cô Mỹ đang lúi húi bên bàn giải phẫu dọn dẹp mấy tấm khăn mổ, ngẩng lên ngơ ngác nhìn tôi nói:
– Ủa em có làm gì đâu.
Tôi thản nhiên trả lời, mặt tỉnh bơ:
– Ai bảo cô xin đổi lên đây làm gì để Việt Cộng nó đánh Bình Long. Cô quên Việt Cộng nói “chống Mỹ cứu nước” à.
Vỡ lẽ, cô biết tôi nói đùa, mỉm cười tiếp tục làm việc. Mặc dù mới tới được mấy ngày, cô đã thạo công việc và tỏ ra rất chăm chỉ, tận tâm. Sau cuộc tấn công đợt nhất của Việt Cộng vào An Lộc, đa số nhân viên dân sự đều nghỉ việc. Một số nhỏ nhanh chân theo các chuyến máy bay tản thương về Lai Khê rồi Sài Gòn. Một số về nhà ở với gia đình. Bệnh viện chỉ còn lại cô Mỹ, cô Bông, cô Bích, cô Đào, Thìn, Thêm, Tuy và Ngọc. Cô Mỹ ở lại tới ngày 18 tháng 4 thì có người anh tới chở cô xuống ấp Phú Đức tỵ nạn.
Phòng Hậu Giải Phẫu giờ đầy bệnh nhân. Có sáu giường mà nằm tới bảy người, đều là những bệnh bị mổ bụng cả. Một đứa nhỏ mới có 3 tuổi, người Việt gốc Miên tên Thạch Ngọc, bị thương ở ruột già. Tôi làm hậu môn nhân tạo, phải để nó nằm trên nóc tủ đựng đồ linh tinh của Phòng Mổ. Từ xưa tới giờ, nhà thương này chưa hề có nhiều trường hợp mổ bụng nằm la liệt như thế. Hai máy hút bao tử liên tục làm việc suốt ngày, luân phiên đi từng giường bệnh.
Những người bị gãy xương, sau khi bó bột hoặc những người cắt tay chân đều phải chuyển ngay xuống trại, không được nằm tại Phòng Hậu Giải Phẫu nữa.
Những người mổ bụng thì từ 3 tới 5 ngày sau mới thay băng. Một khi đã mở băng rồi, tùy theo vết thương sạch hay làm độc sẽ được thay băng cách ngày hay hàng ngày. Những vết thương khác cũng vậy, bình thường cứ hai ngày thay băng một lần. Chúng tôi phải làm như vậy mới có đủ thi giờ mổ bệnh nhân mới, săn sóc bệnh nhân cũ đồng thời cũng tiết kiệm được một số bông băng.
No comments:
Post a Comment