Friday, July 15, 2022

CĂN NHÀ DƯỚI GỐC CÂY ĐA - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 CĂN NHÀ DƯỚI GỐC CÂY ĐA

Tôi rời Phòng Mổ đi về nhà. Tới cổng bệnh viện, liếc nhìn hố hỏa tiễn nổ sát bờ rào bên ngoài bệnh viện, ngay sau nhà gác cổng. Tôi thấy ơn ớn xương sống. Tôi rảo bước băng qua bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5. Băng ngang đường Nguyễn Huệ, đi chừng vài chục bước nữa là tới nơi tôi trú ngụ từ khi làm việc tại tỉnh lỵ này. Như thế, nơi tôi ở cách bệnh viện chừng 300 thước. Thường ngày tôi hay đi bộ để đi làm. Đôi khi tôi quá giang xe Thiếu tá Diệm, sĩ quan Trưởng Phòng 4 Tiểu Khu, cũng là người ở cùng nhà với tôi.

Tôi biết Thiếu tá Diệm từ hồi ở Trung Đoàn 43. Hồi đó ông là Sĩ Quan Trưởng Phòng 4 Trung Đoàn. Hôm tôi lên nhận việc tại bệnh viện, có nhờ bác sĩ Nguyễn Phúc –Trưởng Ty Y Tế – chở tôi tới tòa Tỉnh Trưởng chào Đại tá Nhựt. Thấy tôi, Đại tá Nhựt mừng lắm, vồn vã đón mừng vì là chỗ quen biết cũ và đã từng cùng đi hành quân mấy lần, từng đóng quân ở đồi Dốc Mơ, Gia Kiệm gần cả một năm trời, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Đại tá Nhựt giả giọng Bắc cười nói:

– Thế là cụ lại theo tôi lên đây đấy hả?

Tôi mỉm cười gật đầu đáp:

– Dạ, cũng gần như vậy. Tôi chọn ở đây tương đối cũng gần Sài Gòn, hơn nữa lại biết có Đại tá làm Tỉnh Trưởng ở đây, được gặp lại chắc cũng vui lắm.

Đại tá Nhựt chợt hỏi:

– À, bác sĩ đã gặp ông Diệm chưa?

– Dạ thưa chưa.

– Để tôi mời ông ấy tới nói chuyện cho vui.

Vài phút sau Thiếu tá Nguyễn Kiếm Diệm tới, vừa trông thấy tôi ông reo lên:

– À, bác sĩ Quý, tôi nghe tin ông sắp lên làm việc ở đây. Tôi mừng quá cứ mong gặp lại ông. À, mà ông đã có chỗ ở chưa?

– Thưa chưa, tôi mới tới đây ngày hôm nay, chưa biết sẽ ở đâu.

Ông Diệm vui vẻ nói:

– Khỏi lo, về ở chung với tôi. Chỗ tôi ở sạch sẽ mát mẻ lắm, lại gần bệnh viện, rất tiện cho ông đi làm.

Thế là ngay từ ngày đầu tiên lên Bình Long tôi đã có chỗ tạm trú tốt, không phải mất thì giờ lo lắng, số tôi như vậy, đi xa thường hay gặp người giúp đỡ.

Tôi bước vào nhà, căn phòng mát rượi. Đó là một căn nhà nhỏ có một phòng ngủ và một phòng khách. Căn nhà này đã cũ kỹ lắm, ước chừng cũng phải ba, bốn chục năm.

Tôi được biết trước kia căn nhà này thuộc Ty Tiểu Học Bình Long. Không hiểu sao nó đã bị bỏ hoang đổ nát cho đến khi Thiếu tá Diệm đổi về đây, xin phép tỉnh sửa sang lại nên bây giờ mới ở được. Nhà rộng 5 thước, dài 10 thước, nền cao tới 40 phân trên mặt đất. Phòng khách làm phòng ăn luôn. Phòng ngủ kê hai cái giường sắt nhà binh, một cho Thiếu tá Diệm và một cho tôi. Trên trần nhà cũng như chung quanh vách tường có chất hai lớp bao cát để tránh mảnh đạn pháo kích. Ngoài ra còn có một cái hầm nổi khá rộng, khá kiên cố ăn thông ngay bên hông phòng ngủ. Nếu có biến động gì thì chỉ trong nháy mắt tụi tôi đã có chỗ an toàn trú ẩn. Căn phòng này thực ra cũng chỉ mới được Thiếu tá Diệm cho dựng lên dùng làm chỗ ở tạm cho bà Diệm lên đây sanh đứa con út mấy tháng trước. Sau khi sanh xong được một tháng, cháu bé đã cứng cáp rồi, bà Diệm và các con đã về lại Sài Gòn. Phía trước nhà còn có một hàng ba khá rộng. Chiều chiều khi đi làm về hay những ngày nghỉ, tôi và Thiếu tá Diệm thường ngồi chơi hay uống nước trà nói chuyện trước khi đi ngủ.

Nhà cất trên một khoảng đất khá rộng bên cạnh trường Trung Học Bình Long. Trước cổng có hai cây chà là và một cây mãng cầu Xiêm. Tôi đã được nếm những trái cây nhà lá vườn này. Phía sau là một cây đa cổ thụ vĩ đại, lớn nhất Bình Long, bao trùm gần trọn vẹn mái nhà khiến cho trong nhà lúc nào cũng mát lạnh. Dưới gốc cây đa có một miếu thờ. Tôi không biết thờ ai và cũng chẳng muốn hỏi thêm chi tiết.

Những đêm đầu ngủ tại nhà này, thỉnh thoảng tôi giật mình sờ sợ vì có những quả đa rơi lộp độp trên mái ngói, tưởng như những bước chân người rón rén đi ở đâu đây. Cây đa này quá âm u và người ta đồn nhà tôi đang ở có ma.

Có thể vì lý do ấy căn nhà này đã bị bỏ hoang lâu ngày. Cho đến bây giờ dân tỉnh này vẫn còn nhiều người không dám đi đêm qua đó. Nhưng tôi ở đây đã gần một năm vẫn chưa thấy gì. Ông Diệm nói:

– Tôi có tượng ảnh Chúa đã được Cha làm phép, treo trong nhà này thì ma đâu còn dám lộng hành nữa.

Tôi không theo đạo Chúa, nhưng nếu đúng như lời ông Diệm nói thì cũng tốt thôi. Những ngày rảnh rỗi, tôi vác cuốc lên luống quanh nhà trồng ít khoai lang, thứ rau tôi rất thích, vừa được ăn lá lại được ăn củ.

Tôi cất tiếng gọi:

– Anh Châu ơi, có cơm chưa?

Anh Châu là người nấu cơm và coi nhà cho chúng tôi. Anh là lính Địa Phương Quân của tỉnh, bị thương hư mắt trái từ mấy năm trước. Lúc nào cũng băng mắt. Ra ngoài anh thường hay đeo kính râm để che con mắt hư và tuy gần năm mươi tuổi anh vẫn còn bay bướm. Nghe ông Diệm nói anh Châu đã có vợ và ba con sống ở quận Chơn Thành. Tôi chưa bao giờ gặp mặt và cũng ít thấy khi nào thấy anh về thăm gia đình. Hiện nay anh còn có thêm một bà nữa ở ngay bên kia đường. Bà này có hai đứa con, chắc goá chồng. Ngoài ra tôi không biết gì thêm.

– Xong rồi bác sĩ.

– Thiếu tá về chưa?

– Ông đang rửa mặt ở đằng sau.

– Sao bác sĩ về muộn vậy? – Thiếu tá Diệm từ sau nhà bước ra hỏi tôi.

– Tôi mắc mổ một người bị thương bụng.

– Liệu có sống không?

– Sống chứ, vết thương ở ruột non dễ lành lắm. Anh lính này cũng hên, bao nhiêu mảnh đạn đều ghim vào ruột non, chừa ruột già và những động mạch lớn ra, thế có phúc không?

Tôi tiếp:

– Đêm qua súng nổ dữ rồi ông có biết đánh nhau ở đâu không?

Thiếu tá Diệm gật đầu:

– Địch quân tấn công đồn điền Quản Lợi. Lôi Hổ bắn chết sáu tên, tịch thu hai súng. Địa Phương Quân bị thương ba người.

– Sao tôi mới nhận có một?

– Chắc hai người kia bị nhẹ chuyển ra sau. Có tin địch quân sắp đánh Bình Long đấy. Nó kéo về đây mấy sư đoàn.

Tôi thản nhiên nói:

– Nó hăm đánh mình hoài mà có thấy gì đâu!

Thiếu tá Diệm chép miệng trả lời:

– Mình cũng mong như vậy, nhưng dù sao cũng phải đề phòng.

Chúng tôi lên phòng trên kéo ghế ngồi vào bàn ăn. Mâm cơm bữa nay có rau cải cúc nấu với sườn, một dĩa thịt heo kho và một dĩa rau cải xào thịt bò. Tôi ăn rất ngon miệng. Anh Châu nấu ăn rất khéo. Bữa cơm kết thúc mau chóng. Chúng tôi sửa soạn đi ngủ trưa. Hôm qua tôi trực nên chiều nay được nghỉ. Tuy nhiên lắm khi cũng không được ngủ yên. Có bệnh ngoại khoa phải mổ bất kể ngày giờ.

Là y sĩ giải phẫu đã cực rồi, cực từ khi học đến lúc ra trường. Y sĩ giải phẫu duy nhất tại tỉnh nhỏ lại càng cực hơn. Có thể nói lúc nào cũng trong tình trạng 24 trên 24.

Tại Bệnh Viện Bình Long có ba bác sĩ. Bác sĩ Trưởng Ty không phải gác. Chỉ còn hai người, tôi với bác sĩ Chí, chia nhau ra cách ngày một lần, hôm sau được nghỉ buổi chiều. Nhưng bác sĩ Chí là bác sĩ Nội Khoa chỉ làm được những vết thương nhỏ. Những vết thương lớn, vết thương bụng tôi phải làm. Trong thời chiến này, nhất là ở tỉnh Bình Long, một tỉnh gần biên giới Miên Việt, những cuộc đụng độ xảy ra thường xuyên, chiến thương ngày nào mà chẳng có. Do đó tôi luôn phải có mặt, đi đâu phải để địa chỉ cho người ta dễ kiếm. Có nhiều khi tôi đang dự tiệc hoặc xem trình diễn văn nghệ phải hấp tấp trở về bệnh viện. Có lần tôi đang ngồi hớt tóc ngoài phố họ cũng tìm được lôi về, khiến tôi phải hối anh thợ cắt cho thiệt lẹ.

Tỉnh Bình Long mấy năm trước không có y sĩ giải phẫu, chỉ có một phái đoàn Milphap Hoa Kỳ có khả năng làm được những cuộc mổ lớn. Tuy nhiên thường những bệnh nặng đều được tản thương bằng trực thăng về Bình Dương hoặc Sài Gòn. Hồi ấy có một đơn vị Không Kỵ Hoa Kỳ đóng ở gần tỉnh nên phương tiện tản thương rất dồi dào và dễ xin. Về sau tình hình an ninh khả quan hơn, đường bộ có thể đi được dễ dàng vì Quốc lộ 13 mới được tu bổ nên hầu hết các vụ tản thương đều theo đường bộ. Tản thương bằng trực thăng mới đầu giới hạn, dành riêng cho quân nhân, về sau cũng ngưng luôn. Phải mất một giờ rưỡi xe Hồng Thập Tự mới có thể đi từ Bình Long tới Bình Dương. Thời gian lâu như vậy lại thêm đường dằn xóc nên chuyển bệnh bằng đường bộ rất rủi ro cho thương bệnh binh, có khi chịu không nổi chết ở dọc đường. Từ ngày tôi về đây vấn đề tản thương ít khi được đặt ra. Hầu hết bệnh nhân đều được giải phẫu ngay tại bệnh viện, số thương vong vì thế giảm đi rất nhiều. Tôi nói ra điều này không phải tự đề cao, nhưng trong thâm tâm tôi rất lấy làm hài lòng về sự có mặt của tôi đã giúp đỡ được nhiều cho bệnh nhân tỉnh này.

Tôi còn nhớ mấy tháng trước đây, hơi rảnh rỗi, tôi đã bàn với bác sĩ Risch đi lùng bệnh. Vào những thôn xóm, những sóc quanh tỉnh để tìm những trẻ bị tật bẩm sinh như sứt môi hay tất cả những bệnh gì chúng tôi có thể mổ được, đem về bệnh viện để trước chữa cho dân, sau thêm kinh nghiệm trong nghề nghiệp.

Những trường hợp quá khó khăn thì bác sĩ Risch cho chở về bệnh viện Long Bình của Mỹ. Ở nơi này có khá nhiều bác sĩ chuyên khoa và phương tiện lại dồi dào nên có thể giải quyết được mọi trường họp một cách an toàn hơn cho bệnh nhân. Nhân thể trong khi phụ mổ cho các bác sĩ chuyên khoa, tôi cũng được học thêm. Mới hai tháng trước đây, chúng tôi kiếm được một em nhỏ tám tuổi bị một bướu ở não, Meningioma. Bác Risch đã dàn xếp chuyển bệnh nhân về 24th Evacuation Hospital ở Long Bình. Tôi được may mắn phụ mổ và học hỏi thêm về Neurosurgery (giải phẫu thần kinh) từ một bác sĩ chuyên khoa rất dễ thương và rất giỏi về môn này. Ông ta còn trẻ, đã để tôi cầm dao mổ và chỉ bảo một cách tận tình cũng như khuyến khích khen ngợi tôi sau khi mổ xong một cách an toàn khiến tôi thấy thoải mái tự tin lắm. Chương trình đang tiến hành tốt đẹp thì xảy ra trận chiến này, chúng tôi không thể tiếp tục được nữa.

Tôi còn độc thân, đang tuổi thanh niên, không phải lo lắng về sinh kế cho gia đình. Mẹ và các em tôi sống an lành tại Sài Gòn. Ở đây tôi chỉ lấy công việc làm vui. Cố gắng học hỏi trau dồi tay nghề cho vững để có dịp đem khả năng của mình ra giúp người. Tôi không hay đau vặt, sức khỏe dồi dào nhờ năng tập luyện thể dục. Tôi có thể mổ xẻ suốt ngày không biết mệt. Ước ao chân thành nhất của tôi là trở thành một y sĩ giỏi. Tôi ham học hỏi và đọc sách, nhưng tiếc rằng nơi đây không có bạn học.

Bệnh viện có quá ít y sĩ, ai nấy đều lo làm công việc của mình nên hết thì giờ rồi. Chúng tôi ít có dịp ngồi lại với nhau để bàn chuyện học hành. Nhất là tạo thành một Journal Club mà tôi đã có dịp tham dự tại một bệnh viện Mỹ ở Long Bình. Hồi tôi còn đang học khóa Giải phẫu Binh đoàn, mỗi tuần các bác sĩ trong bệnh viện thay phiên nhau đọc những tạp chí y khoa, chọn lấy những bài hay đem ra trình bày cho các đồng nghiệp để bàn thảo và học hỏi thêm để chúng tôi có thêm tin tức về những tiến bộ y khoa trên thế giới. Nếu không có những phương tiện truyền thông đó, ở một xứ xa xôi hẻo lánh này, kiến thức y khoa của chúng tôi sẽ bị tụt lùi càng ngày càng xa. Cho nên tôi rất thích phương pháp học hỏi của Journal Club. Chỉ cần một người đọc mà mọi người đều được chia sẻ những tin tức mới. Một mình không ai có thể đọc hết những tạp chí đó vì có quá nhiều. Do đó tôi vẫn mang ý định về sau sẽ thành lập một hình thức học hỏi như vậy tại bệnh viện này, nhưng thấy khó có thể thực hiện.

Về đây tôi chỉ có cái cảm giác sung sướng là tự mình điều khiển lấy mình. Muốn làm gì có thể làm ngay được, không cần phải qua những thủ tục giấy tờ như ở các bệnh viện lớn. Những trường hợp mổ khẩn cấp chỉ trong vòng 15 đến 30 phút là có thể thực hiện được. Điều này rất có lợi cho bệnh nhân, đỡ mất thì giờ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên nhiều khi tôi cũng thấy tiếc không có thầy hoặc các đồng nghiệp đàn anh chỉ bảo cho những trường hợp khó khăn.

Bác sĩ Risch cũng không có nhiều kinh nghiệm vì mới xong năm thứ nhất về giải phẫu chỉnh xương đã được phái đi cầm đầu phái đoàn Milphap của tỉnh. Trước đây bác sĩ có làm việc mấy tháng tại một bệnh viện Mỹ ở Cam Ranh, hình như là bệnh viện 94th Evacuation Hospital.

Tôi thích Phòng Mổ bệnh viện này, nơi tương đối sạch sẽ nhất trong nhà thương. Phòng Mổ khá rộng khoảng 6 thước X 6 thước và có một máy điều hòa không khí. Dụng cụ khá đầy đủ đựng trong một dãy tủ bằng sắt không rỉ sáng bóng. Tôi có đủ các bộ đồ để mổ trong mọi trường hợp. Năm bộ đồ mổ bụng, giải phẫu thần kinh, giải phẫu thẩm mỹ, bộ mổ tử cung, bàng quang, túi mật, xương, ghép da v.v….. Đối với một bệnh viện hạng bét như bệnh viện này tôi thấy thế là quá đủ. Như vậy khả năng tối đa của phòng mổ này là năm trường hợp giải phẫu lớn trong ngày.

Cái khó khăn nhất trong Phòng Mổ là vấn đề điện nước. Máy phát điện có hai cái thì một cái bị hư, một cái trục trặc thường xuyên. Có nhiều lần tôi đã phải mổ dưới ánh đèn pin như đã nói ở trên. Điện không được liên tục 24 giờ. Sáng từ 8 giờ đến 12 giờ, trưa từ 2 giờ đến 6 giờ, tối từ 7 giờ đến 9 giờ 30. Tình trạng điện như vậy gây rất nhiều trở ngại trong việc săn sóc hậu giải phẫu.

Vấn đề nước cũng không kém phần quan trọng. Đôi khi không có nước giặt những khăn mổ. Thành ra có nhiều ngày mổ nhiều, thiếu khăn trải phải dùng áo choàng mổ thay thế.

Bác Sĩ Nguyễn Văn Quý 




No comments:

Post a Comment