Cũng như mọi miền quê khác của Nam Bộ, kinh rạch ngang dọc, chằng chịt tiếp nối vào nhau. Mười dẫn tôi quanh co theo những bờ kinh, ngược hướng về phía Đông.
Như vậy, theo địa lý mà tôi học thì chúng tôi đã dọc theo sông Vàm Cỏ, trở lại phần đất của Đức Hòa. Trên đường đi, nhà cửa nhân dân thưa thớt, lâu lâu mới gặp một căn nhà lợp đưng trống trước trống sau, khép nép ẩn trong những chòm cây rậm, hoang vu.
Không khí vắng lặng buồn hiu. Thỉnh thoảng mới có vài người đi ngược chiều mang túi vải, súng vác vai. Họ lầm lũi bước nhanh như vội vã. Ngang qua chúng tôi, họ ném một cái liếc mắt lạnh lùng, thờ ơ, không cảm giác.
Qua những vườn chuối, vườn đào hoang vu, cỏ cao ngang đầu phủ mất những nền nhà cũ, tôi thấy sao buồn lạ. Một nỗi buồn man mác, khôn nguôi.
Chúng tôi cứ đi mãi không ngừng nghỉ. Chân tôi mỏi như rời ra, nặng như treo đá nhưng vẫn cứ phải cố bước theo Mười, vì cậu ta không ngớt nhắc nhở cho tôi biết rằng đoạn đường ngày hôm nay xa lắm, nếu không cố gắng đi liên tục thì trời tối chưa đến nơi. Trời tối còn ở dọc đường rất nguy hiểm vì không thấy đường đi, có thể vướng vào lựu đạn gài, sa vào bẫy chông của du kích địa phương.
Mãi hơn 6 giờ chiều, chúng tôi đến Vườn Thơm, quá giang xuồng sang bên kia bờ kinh xáng và ghé vào cái quán nhỏ ăn hủ tiếu. Cho đến giờ này, tôi cũng không hiểu là sẽ còn đi đến những đâu, đêm nay ngủ ở nơi nào ? Quả thực, tôi chỉ là một cái bóng lặng lẽ, trung thành của kẻ dẫn đường.
Ăn xong, tôi trả tiền thì trời đã tối hẳn. Mồ hôi ra như tắm. Hai chân tôi cứng đơ, mỏi đến tưởng chừng không sao đứng lên được. Mười lại mang súng lên vai. Tôi nhăn mặt, gượng gạo, khập khiểng bước tới.
Mười khuyến khích tôi :
– Ráng lên anh ! Đi kha khá một chút thì chừng nửa giờ nữa mình tới trạm giao liên của huyện đội Bình Tân. Tắm rửa sơ qua, cái khỏe liền !
Phải ngót một giờ sau chúng tôi mới đến một bờ sậy rậm. Ánh đèn leo lét trong cái lều nhỏ cao ngang đầu hiện ra. Tôi nghe có tiếng cười nho nhỏ, tiếng rì rầm nói chuyện của nhiều người ở chung quanh chòi. Tôi nghĩ đây chắc là một địa điểm, một căn cứ nào đó của du kích xã địa phương, chứ trạm giao liên tất đóng ở nhà đồng bào, có đâu ở ngoài rừng ngoài bụi thế này. Tôi nóng ruột, lại hỏi Mười :
– Tới chưa anh Mười ?
Mười không trả lời ngay câu hỏi tôi, bước thêm mấy bước :
– Anh đứng đây chờ tui. Tui vô trạm một chút!
– Bộ tới trạm rồi hả ?
– Ừ, trạm đường dây của huyện đội Bình Tân.
Tôi mừng vô tả. Mười bước vào chòi. Tuy từ chỗ tôi đứng cách chòi chừng mười thước nhưng vì nói nhỏ quá nên tôi chỉ nghe tiếng nói chuyện xì xầm giữa Mười và một người đàn ông nào đó.
Chưa đầy một phứt đã thấy Mười lui ra đứng trước cửa chòi, lớn tiếng nói vọng vào :
– Các đồng chí không nhận anh ta thì tôi phải làm sao đây?
Từ trong chòi, tiếng nói của một người đàn ông vọng ra :
– Làm sao thì làm, ai biết ! Tùy đồng chí. Kiếm chỗ nào đó nghỉ đỡ đi chớ, ở đây ban đêm ban hôm tui đâu dám nhận khách !
– Không dám nhận sao đầy nhóc người vậy ?
– Tui đã nói là không có khách nào hết. Chỉ có số tân binh do Huyện đội đưa tới hồi trưa để gởi về Phòng Tuyển Mộ I tư. Tôi giải thích cho đồng chí nghe rồi mà !
Mười vẫn còn kỳ kèo :
– Khách tui đưa tới cũng là tân binh đưa về Phòng Tuyển Mộ I tư vậy. Sao đồng chí không nhận ?
Tiếng nói ở trong chòi bỗng lớn hơn :
– Tại không nhận chớ sao ! Gì mà kỳ kèo hoài vậy? Tui đã giải thích với đồng chí là bây giờ tối rồi, trong trạm cũng như xung quanh trạm, chật nứt không còn một chỗ trống, nằm sắp cá mòi nè thấy không ? Việc thu xếp chỗ ngủ, việc canh gác, bảo vệ là cả một vấn đề khó khăn, trở ngại cho tui nên tui không nhận. Đồng chí chịu khó về đi! Mai đưa đến đây tui nhận cho.
Mười vẫn chưa thôi, gay gắt:
– Đồng chí biết, bộ đơn vị tui ở gần đây sao? Đi một ngày trời, giờ đồng chí biểu về! Bữa nay tới trễ bị anh Hùng, anh đó ảnh không quen đi bộ, bết bát dọc đường nên tới trễ. Nguyên tắc gì mà nguyên tắc dữ vậy ?
-Tui nói hổng được là hổng được. Hổng có nguyên tắc gì hết ! Sáng đưa lại đây !
Mười lại càu nhàu :
– Đồng chí phải thông cảm cho tôi, phải linh động một chút chớ ! Qua sự liên hệ công tác, các đồng chí phải nhận khách của tôi đưa đến chớ ! Ngay trường hợp đêm nay, khách của tôi là một trí thức ở Saigòn đến, đồng chí làm như vậy có phải gây ấn tượng xấu, thất chính sách của Mặt Trận đẻ ra không ?
Tiếng nói ở trong chòi trở thành giận dữ như hét lên :
– Ê.. Ê! Thất chính sách hả ? Đồng chí đừng có đem chính sách ra mà dọa tui ! Chính sách gì cũng dẹp ! Bây giờ ông trời tui cũng không nhận chớ trí thức. Trí thức là cái gì ? Hỏng có tri thức trí ngủ gì hết ! Ngày mai đưa tới đây. Đúng một giờ chiều, trễ sớm gì cũng không nhận thử coi ai làm gì tui. Mẹ… về nhà làm ruộng ăn còn khoái hơn làm cái nhiệm vụ trưởng trạm này.
Mười không nói nữa, tức tối xâm xâm quay ra. Tôi thất vọng hết sức. Sau một ngày đường xa, mệt tưởng đứt hơi, tay chân rũ liệt, giờ này tôi như một cái máy đồng hồ hết dây thiều. Tôi chỉ ao ước được ngả lưng xuống nằm nghỉ.Vậy mà nghe cuộc đối thoại, cãi vã vừa qua tôi cũng muốn nổi khùng lên.
Mười đến bên tôi hậm hực nói :
– Đi anh!
Tôi chép miệng, ngao ngán :
– Đi đâu bây giờ ?
– Đi kiếm chỗ ngủ! Mình trở lại đường cũ, chỗ cái quán hủ tiếu, nhờ cô con gái ông chủ quán bơi xuồng qua bờ kinh xáng bên kia, chun vô trường học của con nít bỏ trống đó, dọn chỗ ngủ.
Tôi chắc lưỡi kêu trời, tưởng chừng ngã lăn ra !
-Trời ơi ! Năm bảy cây số chớ ít gì! Bây giờ tôi đi hết nổi rồi. Bò cũng không xiết nữa. Tôi giờ này như cái áo rách, bèo nhèo, trời lại tối om không thấy đường đi làm sao nổi. Hay là kiếm nhà gần đây xin ngủ nhờ đi.
– Không được đâu anh ! Đồng bào không cho đâu. Kêu cửa họ cũng không mở.
– Trời đất !
– Họ sợ nửa đêm Quốc Gia đột kích họ bị vạ lây. Tui bị họ từ chối nhiều lần rồi.
Tôi chép miệng :
– Lạ thiệt ! Đồng bào ở đây…
– Lạ gì anh! Kinh xáng này chạy đến lộ Đức Hòa – Chợ lớn đó. Từ đây đến đồn Cầu Xáng chừng năm cây số. Cho nên ban ngày anh muốn nói gì thì nói, ban đêm có ai thèm nghe đâu !
Tôi lại đề nghị :
– Hay là xem coi bụi cây nào gần đây, khô ráo mình tấp vào ngủ đại đi!
– Không được đâu ! Rủi nửa đêm có động thì chạy ngõ nào ?
– Vậy ở trạm mà có động họ chạy đi đâu ?
– Tui nói hổng được mà ! Họ có một tiểu đội súng bắn bảo vệ, lại thông thuộc đường đi nước bước ở đây. Tui lại không biết đường… Có trở về bên kia Kinh xáng, vừa xa đồn, vừa có rừng tràm gần bên, có gì mình rút vô rừng tràm trốn được.
Tôi đành thở dài, buông xuôi :
– Thực là đại họa ! Phải được ngủ lại trạm này thì tốt biết bao nhiêu. Thôi thì đi vậy.
Mười nghe tôi nói, cậu ta có lẽ tức lên đến tận cổ nên chửi thề một câu cho đỡ tức:
– Đéo mẹ ! Cái thằng trưởng trạm trời đánh thiệt ! Bữa nay gì vật nó nên nó sanh chứng. Mọi lần đâu có dị hợm như vậy ! Vậy chớ cũng thuộc hàng cán bộ B, trung đội trưởng trung đội phó như ai. Đảng viên cốt cán nữa chớ ! Chó thiệt !
Bỗng có tiếng lên cò súng lách cách, rợn người. Tiếp theo là tiếng nạt lớn :
– Đ.m. ! Thằng nào đó ? Thằng nào chửi tao đó. Đứng yên ! Chạy tao bắn bỏ mẹ bây giờ !
Thì ra trong lúc tôi và Mười đứng láp dáp nói chuyện ở đây, trưởng trạm giao liên lần mò ra hồi nào không hay. Câu chửi thề của Mười làm anh ta nổi đom đóm mắt. Tôi và Mười đứng im phăng phắc, nghe lạnh ở sống lưng.
Anh ta lại làm mặt lạ, hét lên :
– Đâu, tụi bay trong chòi xách ra cho tao cây đèn pin, rọi lên coi!
Từ trong chòi có hai người bấm đèn, rầm rập chạy ra.
Cách tôi và Mười chừng năm thước là một thanh niên đang cầm khẩu súng trường trên tay, lăm lăm chĩa thẳng vào phía chúng tôi. Anh ta giật lấy đèn pin của người mới ra tới, soi ngay vào mặt Mười, cười gằn, giọng khó thương làm sao :
– Tưởng thằng nào lạ, té ra thằng giao liên B39 ! Ê, sao mày chửi tao mậy ? Đơn vị mày giáo dục lính như vậy hả ?
Mười run run nói :
– Có gì thì đồng chí phê bình tui chớ đồng chí không được nói lỗ mãng vậy…
– Lỗ mãng hả ?
– Hổng lỗ mãng mà giở thái độ thằng này thằng nọ, đéo mẹ, đéo bà ! Đồng chí tưởng đồng chí có súng tui hổng có súng sao ?
– Ừ, có súng thì làm gì làm thử cái coi! Bộ lính của I4 là ngon hả ?
Trước sự thể không dằn được, tôi bắt đầu lên tiếng:
– Thôi, hai anh cho tôi xin đi! Đồng chí với nhau mà. Có gì thì phê bình kiểm thảo nhau…
Anh ta ngắt lời tôi :
– Đó, anh thấy đó, tui có đụng chạm, nặng nhẹ gì nó đâu. Chỉ có việc nó biểu tôi nhận khách là anh đó. Tui nói tối rồi trạm không còn chỗ, tui không nhận, sáng mai trở lại tui nhận cho. Vậy mà nó ra đây đéo mẹ tùm lum, chửi thề nào là trời đánh, sanh chứng, dị hợm, cán bộ, đảng viên chó nữa !
– Kể ra anh Mười nói vậy cũng không phải mà anh bây giờ nóng quá cũng không nên. Thôi cho tôi xin đi.
Anh ta buông xụi súng xuống nhưng vẫn còn hậm hực:
– Để tui làm báo cáo gởi về B39 thử xem thủ trưởng B39 có dám lạy nó không?
Anh ta quay sang Mười :
– Cho đồng chí biết, vì cách mạng đó ! Dân này giác ngộ lắm rồi đó !Nếu không thì.. máu đổ nãy giờ…
Mười cũng trả đũa một câu :
– Hừ! Tui cũng sẽ làm báo cáo gởi Huyện ủy Bình Tân, xem Huyện ủy có mời đồng chỉ về kiểm thảo không?
Anh ta nổi nóng :
– C.! Cho đồng chí làm một chục báo cáo đó. Thôi, đi đi! Đi khuất mắt đi ! Láng cháng một hồi nữa có chuyện lớn bây giờ.
Không thể làm gì khác hơn, tôi kéo tay Mười :
– Thôi, đi anh Mười. Anh em với nhau không mà!
Tôi và Mười lửng thửng đi ra khỏi bờ sậy.
Mò mẫm trong đêm, chúng tôi trở lại quán hủ tiếu nhờ cô con gái ông chủ quán bơi xuồng đưa sang bờ kinh xáng bên kia. Phải năn nỉ mãi và viện lý do là một khách hàng quen thưộc, cô gái kia mới miễn cưỡng tát nước xuồng chở chúng tôi sang bên kia bờ.
Mười phút sau, chúng tôi đến trường học. Trường học là một mái nhà tranh nhỏ, xiêu vẹo nằm trên môt mảnh đất hoang, bốn bề không phên vách. Mười móc quẹt máy, bật lửa cháy sáng làm đèn.
Tôi để túi vải cao su xuống đầu bàn học. Bàn học là những miếng gỗ tạp ọp ẹp, chiều rộng hơn một gang tay. Băng ngồi là những thân cây so đũa gầy khẳng khiu, buộc lạt dừa nằm song song từng hàng. Tôi ngồi xuống băng thở dốc, lắng nghe cơ thể mình dường như muốn rời ra từng đoạn một.
Ống quần đầy những sình và lưng áo ướt đẩm mồ hôi. Mùi mồ hôi đóng nhiều lớp cộng với mùi meo mốc của bàn ghế, mùi đất ẩm ướt xông lên tôi thấy ngột ngạt, buồn nôn. Quẹt máy khô tim tắt ngóm. Gian nhà chìm trong tối đen. Muỗi bắt đầu đáp vào mặt, vào chân tôi, đốt những phát đau điếng.
Tôi uể oải hỏi Mười :
– Nhà cửa như vầy thì đêm nay mình ngủ bằng cách nào đây ? Chẳng lẽ mình ngủ ngồi, chịu trận sáng đêm ?
Mười cũng ngồi đối diện với tôi, bập bập điếu thuốc lá vấn tay :
– Ngủ võng chớ ! Hôm qua tui mướn người ta may nuông võng cho anh rồi mà!
– May rồi nhưng chưa có dây dù lấy gì cột võng?
– Hay là… cũng không được! Thôi… thì đành ăn chay nằm đất ! Để tui trải nylon xuống lót lưng, anh nằm tạm vậy nhá ?
– Anh lấy nylon choàng che mưa ấy à ?
Mười tháo tấm nylon cao su che mưa cuốn tròn chặt vào thắt lưng ra, giũ mạnh mấy cái. Nylon khô dòn chạm vào nhau như tiếng bánh tráng vỡ :
– Tấm nylon của tui nó cũng «gần miền» lắm rồi, dòn như giấy, rách hết mấy lỗ. Phen này, về đề nghị xin lần nữa mà không được chắc phải bỏ tiền túi ra mua. Anh biết! Tui đề nghị xin ba lần rồi chưa được chấp thuận. Lần nào anh Bảy, ảnh cũng bảo chưa đúng tiêu chuẩn.
– Còn anh, anh ngủ bằng cách nào ?
– Tui có võng. Tui giăng võng xéo qua hai góc nhà là xong rồi !
Mười trải nylon ra đất làm chỗ ngủ cho tôi xong, anh ta đi mò mẫm chọn chỗ giăng võng. Dù trời tối om, thoáng cái anh ta đã giăng xong. Tôi xách túi vải cao su liệng xuống làm gối kê đầu, nằm phịch xuống theo.
Mười leo lên võng gọn hơ :
– Một phút đồng hồ sau tui có thể ngáy được rồi đó!
Băn khoăn về mình mẩy đầy mồ hôi, ngứa ngáy, chân toàn bùn đất, tôi lên tiếng:
– Quần áo, mình mẩy thế này làm sao anh Mười ? Tôi muốn xuống kinh rửa sơ qua, thay quần áo một chút quá?
– Thôi anh ơi! Tắm làm gì. Ráng ở dơ cho nó quen. Ngày nào cũng đi, ngày nào cũng lội sình… Nếu ngày nào anh cũng tắm, cũng giặt thay quần áo thì bồng, bị của anh toàn đồ ướt!
Tôi nghĩ lời của Mưrời nói có lý. Ngày nào cũng đi, vịêc phơi phóng ra làm sao ? Duỗi chân nằm dài ra trên tấm nylon, cơ thể tôi như chiếc áo rách, rũ xuống bất động. Mười nằm trên võng đưa cót két, có lẽ còn ấm ức về chuyện đã xảy ra nên cố nói thêm ít câu cho hả dạ :
– Cai thằng trưởng trạm chó chết thiệt ! Nếu không giờ này mình đã ngủ mất rồi.
Sực nhớ đến cái chuyện Bảy làm giấy giới thiệu gởi tôi đi, tôi tò mò muốn biết :
– À,anh Mười ! Anh thấy giấy giới thiệu của tôi, anh Bảy ảnh giới thiệu tôi đi về đơn vị nào không?
Mười làm như không nghe lời tôi hỏi :
– Trạm này là trạm giao liên của Huyện đội Bình Tân. Anh biết hông ? Bình Tân là tên của hai quận Bình Chánh với Tân Bình sát nhập lại đó. Trước giờ đơn vị tui liên hệ với họ, hễ có khách đưa về rờ (R) hay i tư (I 4) thì đưa đến họ. Mọi lần đâu có hì hợm vầy. Không biết bữa nay nó bị ai cạo nên nó trút lên đầu mình để gỡ. Đúng là thua me gỡ bài cào !
Tôi lập lại câu hỏi :
– Anh Mười nè ! Anh thấy giấy giới thiệu của anh Bảy đưa tôi đi về đơn vị nào không ?
Mười ấp úng :
– Tui… tui à! Tui đâu biết. Giấy giới thiệu đựng trong bao thơ, kèm theo lý lịch của anh. Tui đâu có biết!
– Vậy, ngoài bao thơ đề tên đơn vị nào ?
– Tui… tui cũng hổng có đọc nữa ! Thôi, ngủ anh!
Tôi đành ấm ức làm thinh.
Nằm trên nền đất ẩm, hăng hăng mùi mốc lẫn với mùi mồ hôi nồng nặc, rồi những ụ đất nhỏ lởm chởm dưới lớp nylon, dội vào lưng gây cho tôi một cảm giác khó chịu lạ thường. Nhưng rồi sự mỏi mệt tột độ làm tôi lịm dần trong giấc ngủ say. Giấc ngủ không màn, không chiếu trong bộ quần áo đầy sình nhớp nháp giữa bầy muỗi đói sao mà ngon thế không biết nữa…
Cho đến lúc tôi giật mình thức dậy thì trời đã sáng từ lâu. Măt trời lên cao. Đầu óc tôi lúc đó thật tỉnh táo nhưng toàn thân ê ẩm. Đau như dần. Hai chân cứng đơ ra.
Tôi châm một điếu thuốc, ngồi nhìn ra sân, lắng nghe cái yên tĩnh buổi sáng sớm ở miệt quê vắng lặng xa lạ này.
Mười cũng vừa thức dậy, loay hoay cuốn võng, ngáp một cái thật dài:
– Anh ngủ… có ngon không ?
Tôi đáp :
– Ngon lắm ! Làm một giấc tới sáng không biết đầu đuôi gì hết. Giá mà có ai khiêng liệng xuống sông cũng không hay.
Cuốn đồ đạc xong, Mười dẫn tôi khập khiểng xuống sông vốc nước súc miệng rửa mặt. Rồi cậu ta dẫn tôi đến nhà một bà cụ già sống bằng nghề bứt dây choại phơi khô, bán cho người ta bện đăng, xin nấu nhờ bữa cơm. Ăn cơm sáng vào khoảng 9 giờ, chúng tôi lại tiếp tục ngủ nữa.
Mười hai giờ, chúng tôi khăn gói, quá giang sang bên kia kinh xáng, đi đến trạm giao liên khi hôm.
Bước chân đến khu rừng sậy, Mười cười với tôi :
– Phen này, ban ngày ban mặt lại đúng hẹn, thử xem thằng trưởng trạm đó nó còn dở trò chó chết như đêm hôm qua nữa không cho biết! Vậy chớ cũng đảng viên, cán bộ B trưởng.
Tôi thắc mắc, không hiểu :
– Cán bọ B là gì vậy ?
– B là trung đội. Cán bộ B là cán bộ trung đội. Bây giờ cách mạng mình dùng toàn những chữ tắt để giữ bí mật. Như A là tiểu đội, B là trung đội, C là đại đội. D là Tiểu đoàn.
– Như vậy lực lượng của mình chưa có đơn vị nào lớn hơn tiểu đoàn sao ?
– Có chớ ! “Rờ” có hai trung đoàn chủ lực là Q-761, Q-762. Ở tỉnh có tiểu đoàn cơ động là lớn nhất.
– Còn I là gì vậy ?
– I là khu, mà cũng còn kêu là T nữa. Như Sàigòn-Chợ Lớn -Gia Định là khu bốn hay khu tư. I bốn hay T bốn cũng vậy.
Chúng tôi bước đến cửa chòi. Mười ngạc nhiên thốt lên :
– Ơ.. Sao trong trạm vắng hoe vậy cà ?
Mười xông vào chòi. Lọt ra phía sau là con kinh nhỏ, la lên:
– Có ai ở nhà hông ?
Có tiếng con gái, ở dưới kinh :
– Có ! Ai đó?
Một cô gái bưng rổ cá dưới kinh đi lên. Mười hỏi :
– Có đồng chí trưởng trạm ở nhà không chị ?
– Ảnh đi công tác về Huyện đội rồi !
– Còn chuyến đường dây về I-4 đi chưa ?
– Đi rồi! Đi hồi mười hai giờ rưỡi! Đồng chí ở B39 hả ? Đồng chí Trưởng Trạm dặn tôi nói lại, đồng chí có gởi khách thì đưa tới chỗ đổi trực tại xóm nhà cháy, bờ kinh trên. Họ chờ đồng chí tại đó tới năm giờ là giờ chót, để qua kinh rồi qua lộ Đức Hòa.
– Trời đất ơi! – Mười tức tối thốt lên.
Không nói không rằng, Mười quay ra, dẫn tôi trở lại đường cũ. Mười càu nhàu.
– Cái thằng thù vặt : Hẹn 1 giờ trưa này, vậy mà 12 giờ rưỡi nó đã đi rồi. Nó bắt tôi phải chạy theo mấy tiếng đồng hồ nữa.
Mặt Mười đỏ gay như trái mồng tơi chín. Cậu ta lôi tôi đi như một một cơn gió về phía bờ kinh, đón xuồng quá giang sang bờ bên kia, luồn qua những rẫy thơm bỏ hoang cỏ cao đến ngực.
Cứ mỗi một quãng ngắn, tôi thấy có một tấm biển nhỏ cắm bên lối mòn, vẽ chiếc sọ người gác lên hai đốt xương tréo lại. Hoặc không vẽ thì đề chữ : «VÙNG TỬ ĐỊA». Mỗi khi đến trước một bảng cấm như vậy, anh ta lại rẽ sang trái hay sang phải.
Qua hết rẫy thơm chạy dài mút mắt, chúng tôi đi vào khu rừng lau. Đường mòn, mòn lẳng. Bông lau trắng xóa và nắng nóng như thiêu. Những phiến hoa lau nhỏ mỗi khi có làn gió nhẹ lướt qua, bay trắng như bông gòn vào mặt, vào cổ tôi. Ngứa và xót vô tả.
Hết rừng lau, chúng tôi lại chui vao rừng tràm thấp, quá đầu người. Bốn giờ chiều đến bìa rừng tràm. Mười và tôi dừng chân lại ngồi nghỉ, quạt mồ hôi và gở hoa lau. Trước mặt là một khoảng ruộng trống bỏ hoang. Phía trong là chân vườn, cách hơn cây số.
Mười bẻ nhánh tràm tươi, cành lá sum sê vắt qưanh người để ngụy trang. Cậu ta cũng yêu cầu tôi làm như vậy để tránh khỏi bị phi cơ phát hiện khi ra ngoài ruộng trống. Mười bảo :
– Băng ngang ruộng mình phải chạy cho mau. Hễ nghe tiếng phi cơ anh phải lập tức ngồi xuống. Nhờ có nhánh cây ngụy trang phi cơ sẽ không phát hiện được mình.
Chúng tôi vừa đi vừa chạy. Tiếng lá cây chạm vào nhau rào rào. May mắn, băng qua ruộng chúng tôi không gặp gì cũng không nghe tiếng phi cơ, duy chỉ có mệt tưởng đứt hơi, mắt hoa, tai ù, ngồi nghỉ đến mười lăm phút vẫn chưa hết mệt.
Gần đến năm giờ, Mười dẫn tôi đến xóm nhà cháy, nằm dọc theo bờ kinh xáng. Cảnh vật chìm trong vắng vẻ quạnh hiu. Những tưởng phen này bị thêm một vố chơi khăm nhưng khi nhảy qua một cái mương con, sang hàng cây thưa thì tôi thấy phía trước lố nhố hàng mấy mươi người. Tốp đứng, tốp ngồi quanh mấy gốc ô môi sát bờ kinh.
Tốp người đứng thành hàng thì im lặng, đứng hai hàng dọc. Mỗi hàng chừng mười người. Còn tốp ngồi chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm vài ba người, ngồi rải rác thì thầm nói chuyện.
Những người đứng trong hàng, hầu hết ở vào lớp tuổi 20 đến 30. Vài người còn lại, trên dưới 35. Người quấn cổ bằng khăn rằn, người quấn cổ bằng chiếc quần dài bà ba đen cởi ra. Trên người không ai mang gì khác hơn bộ đồ họ đang mặc. Cách trang phục thật hỗn độn. Kẻ mặc áo sơ mi, kẻ mặc áo bà ba, kẻ ở trần, kẻ mặc quần đùi, kẻ mặc quần dài, quần tây đủ cả. Duy có điều giống nhau là ai cũng cúi đầu xuống buồn hiu. Trông thiểu não làm sao!
Tôi thoáng nghĩ, họ là tù binh vừa bắt được trong một trận nào mới xảy ra đây. Tương phản với nhóm người này, những người ngồi, người nào cũng đội nón. Không nón vải thì nón lá. Người nào cũng mang thắt lưng to bản, đeo lịch kịch những bình lon, nylon, bao đựng đạn. Vài người có cả súng lục bên hông. Trên lưng họ, không ba-lô thì cũng bồng, bị, xắc-cốt, túi dết v.v… Chân mang dép râu. Tất cả đều có vũ khí, mang đủ loại.
Thấy tôi và Mười đi tới, trong đám người ngồi, một thanh niên mặc quân phục vải ta đen, thắt lưng cài lúc nhúc những lựu đạn, tiến ra hỏi :
– Phải hai đồng chí ở B39 tối hôm qua tới trạm đó không?
Mười trả lời ngay :
– Phải ! Có đồng chí trưởng trạm ở đây không đồng chí?
– Không ! Bàn giao khách với công văn thư từ hả? Được, đồng chí cứ bàn giao với tôi. Tôi nhận!
Mười cau có:
– Sao các đồng chí hẹn vói tui 1 giờ trưa tại trạm mà các đồng chí lại bỏ đi trước không chờ ?
Anh thanh niên kia cười, vỗ vai Mười :
– Chúng tôi xin nhận khuyết điểm… nhưng vì lý do đặc biệt, ông xem kìa !
Tôi và Mười đưa mắt nhìn theo tay anh ta chỉ về phía số người hỗn tạp đang đứng hai hàng dọc. Mười hỏi :
– Tù binh hả?
– Đâu phải ! Tù binh thì trói lại chớ ai thả lỏng vậy!
– Vậy thi hàng binh ?
– Cũng không ! Tân binh ở trong ấp chiến lược Tân Nhựt đó. Huyện đội phối hợp với du kích mấy xã càn vào ấp chiến lược, lùa được máy chư vị này đó. Đêm hồi hôm để họ ngủ ở trạm, tụi này phải thức canh chừng trắng mắt ra.
Mười thản nhiên như không. Tôi lại thấy khó chịu tò mò muốn được biết rõ hơn những điều mình chưa biết :
– Đồng chí ! Mộ lính kiểu này kỳ quá. Không biết ở trên có…
– Có gì nữa ! – Anh ta ngắt lời.- Vụ này do một tỉnh ủy viên chỉ thị trực tiếp thì có còn gì nữa bây giờ ?
Tôi thấy bất nhẫn trong lòng, không phục, không tán thành nổi kiểu bắt lính như Tây trước kia.
Trường hợp tôi, người ta dùng áp lực để buộc tôi phải «tự nguyện tự giác», buộc tôi phải bằng lòng đi vào con đường ngoài ý muốn đã là một bất nhân, thất nhân tâm nhưng nếu so với những thanh niên này, tlực là quá quắt lắm. Tôi không sao bằng họ được. ‘
Tham gia cách mạng là sự tự giác tự nguyện. Đảng chỉ tuyên truyền giải thích, giác ngộ nhân dân quần chúng để nhân dân quần chúng chấp nhận. Như vầy, Đảng sẽ giải thích ra sao ? Chính nghĩa là cưỡng bách như thế này đây sao?
Trong 9 năm kháng chiến, những sách vở, tài liệu cho đến những bản cương lĩnh, tuyên ngôn mà tôi đrợc nghe, được đọc, chưa hề thấy những chuyện tương tự như vầy xảy ra hay trù liệu đến. Tôi không hiểu người ta sẽ ăn làm sao, nói làm sao, giải thích cho trôi được khi những thanh niên bị lùa đi đó, họ yêu cầu một sự giải thích ?
Tôi đưa mắt quan sát họ lần nữa với sự xúc động và thông cảm của kẻ đồng hội, đồng thuyền. Tôi có khác gì họ đâu?
Giữa lúc đó, Mười và anh thanh niên kia kéo xề xuống gốc cây, bàn giao thư từ. Mười nói :
– Nè nhá ! Ba cái thư không tiền và một cái thư kèm một người khách. Làm phiếu nhận đi để tui về cho sớm.
– Ừ làm đây ! Nhưng sao lại thư kèm một người khách ? Sao không có giấy giới thiệu đi đường ? Bộ tân binh hả ?
Giọng Mười thấp xuống :
– Ừ, tân binh ! Nhưng tân binh đặc biệt !
– Cha nội ! Tân binh là tân binh chớ gì mà tân binh đặc biệt ?
Mười không trả lời, quay về phía tôi :
– Xin giới thiệu với anh Hùng, đây là đồng chí giao liên, lát nữa sẽ dẫn anh đi đó. Còn đây là anh Hùng, một trí thức sinh viên Sàigon ra.
Anh giao liên nhướng mi, thắc mắc :
– Gì mà tân binh trí thức sinh viên ?
– Ừ!
– Sao lạ vậy ? Sao trí thức không đưa qua Mặt Trận lại đưa đi tân binh cha?
Mười lúng túng:
– Ai biết. Thôi ! Cha nội! Làm ơn biên phiếu nhận dùm đi.
Anh giao liên xé một mảnh giấv học trò, kê lên đầu gối hí hoáy viết phiếu nhận, ký tên trao cho Mười. Mười đứng dậy vỗ vai tôi :
– Anh ở lại lên đường mạnh giỏi nghe ! Chúc anh tiến bộ nhiều.
Tôi gật đầu. Mười thoăn thoắt quay trở lại đường cũ. Anh giao liên cầm một bao thư nhỏ, đưa lên đọc. Tôi liếc mắt thấy đề : Kg : C216T4. Ở góc có viết hàng chữ : KÈM MỘT TÂN BINH TÊN VŨ HÙNG. Gạch đít cẩn thận. Đọc xong anh ta liếc nhìn tôi lần nữa, đoạn mở bồng cho thư vào cột lại. Anh ta đứng lên :
– Anh mới ở Sàigon ra ?
– Dà !
– Sàigòn vui lắm mà, sao hổng ở ăn Tết mà ra sớm vậy ?
Tôi chưa hiểu ý anh ta định đùa cợt mỉa mai tôi hay nói thật, cho nên tôi không trả lời. Anh ta nói tiếp :
– Anh lại đằng kia ngồi nghỉ một chút đi. Sắp tới giờ lên đường rồi.
Tôi lửng thửng tiến lại đám đông. Mọi người đưa mắt nhìn tôi nhưng không ai nói gì. Tôi ngồi trên một rễ cây ô môi. Dưới đất rụng đầy hoa, lấm tấm đỏ. Tôi không nhìn ai cả mà nhìn lại cuộc đời mình, rưng rưng… Những biến cố, hình ảnh dồn dập xảy đến từ lúc tôi ra đi đến nay làm tôi mệt mỏi và chán chường vô tả. Chưa bao giờ tôi thấy mình cô đơn, tủi nhục trong cái thế giới bi quan vô tận này.
Tôi chợt nghe có tiếng ghe xuồng khua chạm lộp cộp, tiếng tát nước xành xạch lẫn với tiếng người lao xao :
– Xuồng qua sông rồi !
– Xuồng tới rồi. Sửa soạn tiêu tiểu gì đi, rút quai dép để không kịp đó.
Và có tiếng vỗ tay báo hiệu. Một người la lớn ra lệnh :
– Tập họp ! Tập họp! Yêu cầu các đồng chí tập họp để chúng tôi kiểm điểm quân số và sinh boạt, phổ biến tình hình trên đường đi. Nhanh lên các đồng chí!
Anh giao liên có vẻ là người chỉ huy một tiểu đội vũ trang anh ta bảo :
– Các đồng chí tổ trưởng trong tiểu đội bảo vệ đường dây, yêu cầu các đồng chí kiểm điểm lại tân binh xem coi có đủ không và hướng dẫn khách tập họp. Kiểm điểm lại xem có quên, có sót gì không.
Quang cảnh nhộn nhịp hẳn lên. Số tân binh ở ấp chiến lược Tân Nhựt được hai cảnh vệ đếm tới đếm lui và không ngớt tiếng nhắc so hàng cho ngay ngắn.
Số khách cũng được tập trung nhưng không phải so hàng, nói chuyện huyên thiên. Riêng tôi không biết số phận mình ra sao, đứng chung vào với loại nào, cứ xớ rớ gần bên anh giao liên đang quay mặt nhìn hai nhóm,
Lên giọng chỉ huy, anh ta hỏi :
– Đủ chưa các đồng chí ?
Và được trả lời :
– Tân binh 20, đủ!
– Khách 7, đủ !
– Báo cáo, tất cả là hai mươi tám, chưa kể A bảo vệ.
Anh giao liên nói :
– Vậy là hai mươi chín. Mới thêm một tân hinh của B39 giao. Yêu cầu đồng chí phụ trách đoàn tân binh tiếp nhận và quản lý !
Một bảo vệ mang súng cạc bin đứng bên hàng tân binh hướng về phía tôi, ra lệnh cộc lốc :
– Ê, anh kia, lại đây ! Sắp hàng này nè!
Tôi lủi thủi bước đi. Anh ta nói :
– Lẹ lên cha nội !
Anh ta bắt tôi đứng đầu ở một trong hai hàng tân binh đang sắp. Mọi người dồn ra phía sau. Anh ta nói :
– Chỗ đằng kia là nhóm cán bộ, nhóm khách, tân binh đứng riêng chỗ này nè.
Ngưng một chút, anh ta hỏi tôi :
– Anh tên họ gì? Ở đâu tới ?
Vốn đã giận vì những lời lẽ, thái độ thiếu lịch sự, giờ giọng nói cộc cằn của anh ta làm tôi chịu đựng không nổi nữa. Giọng nói của tôi trở nên cộc lốc :
– Vũ Hùng! Ở đâu đưa đến cứ hỏi anh giao liên. Tôi không biết !
Anh ta nghiêng đầu, lõ mắt nhìn tôi :
– Ê! Sao lạ vậy ? Bộ giỡn với anh hả ? Tui hỏi tên họ anh, tui đâu có hỏi bí danh mà bảo là Vũ Hùng ! Còn ở đâu tới, tại sao anh không biết ?
– Tôi cũng không đùa với anh ! Tôi không có bí danh. Vũ là họ. Hùng là tên. Còn ở đâu tới tôi không biết thì bảo không biết chớ ! Anh mới thật là kỳ cục. Tôi ở Sàigòn, người ta đến rước tôi ra đây bốn năm ngày nay. Lạ hoắc, tôi có biết chỗ nào là chỗ nào, ất giáp gì đâu mà hỏi tôi chớ ?
Chừng như thấy mình vô lý, để khỏa lấp, anh ta lại bắt bẻ tôi một cách lố bịch về cái tên Vũ Hùng :
– Tên họ thiệt sao không có chữ lót ? Nếu tên họ thiệt thì phải là Vũ văn Hùng.
Tôi tức qua nói to lên :
– Không! Không có chữ “văn”. Anh nghe chưa ! Vũ Hùng ! Vũ Hlùng chứ không phải Vũ văn Hùng.
Mặt tôi nóng ran vì tức. Mọi người đổ xô mắt về phía tôi. Anh giao liên thay vì phải can thiệp, anh ta tỉnh bơ, vỗ tay đồm độp :.
– Các đồng chí chú ý ! Đừng cãi cọ nói chuyện om sòm nữa ! Im lặng nghe tôi phổ biến.
Ngưng một chút, anh ta đảo mắt nhìn mọi người :
– Đoạn đường mà chúng ta đi đêm nay rất căng. Rất nguy hiểm. Chúng ta phải qua hai con lộ chiến lược, thông thương với Sàigòn và hai ấp chiến lược khác. Thanh niên chiến đấu của địch rất đông. Trên đường đi ta còn băng ngang một cánh đồng rộng có nhiều lung con đầy dứa gai. Do đó, trên con đường mà các đồng chí phải đi trong những ngày tới, chỉ có đêm nay là căng nhứt. Phải đi ngang qua vùng giặc. Theo nguyên tắc hành quân, mỗi giờ ta nghỉ mười phút nhưng vì đặc điểm địa hình bất lợi, ta chỉ có thể nghỉ ngơi chỗ nào tương đối an toàn nhứt. Nên không áp dụng giờ khắc được. Không có gì trở ngại, lối bốn giờ rưỡi sáng chúng ta đến nơi. Tôi lập lại. Bốn giờ rưỡi sáng chúng ta đến nơi. Bốn giờ rưỡi giờ Đông Dương tức năm giờ rưỡi sáng giờ Sàigòn. Các đồng chí rõ chưa ?
Nhiều người nhao nhao :
– Rõ !Rõ !
Anh ta nói tiếp :
– Về an ninh trên đường đi, chúng tôi có nhiều tổ bảo vệ để chiến đấu khi cần. Các đồng chí hãy yên tâm. Trước khi lên lộ, chúng tôi đã cho trinh sát bám giữ hai đầu. Đêm nay các đồng chí chú ý nhớ : Ám hiệu hỏi CHIẾN đáp THẮNG ! Ám số cộng tròn 5. Khi gặp giặc tấn công bất ngờ, chạy trở lui về con đường cũ chừng vài trăm thước, tấp gần đường để sau đó chúng tôi tìm lại đầy dủ, không bị lạc. Trường hợp bị vây, chúng tôi sẽ chiến đấu để đưa các đồng chí trở lại. Khẩu hiệu chung: hô XUNG PHONG tức là RÚT. Hô VẬN ĐỘNG TRUNG LIÊN tức là bị thương. Tôi xin lập lại lần nữa : Ám hiệu hỏi CHIẾN đáp THẮNG, ám số cộng tròn 5. Nghĩa là hỏi “anh hai: thì đáp “anh ba”, hỏi “anh ba” đáp “anh hai”. Khẩu hiệu XUNG PHONG đáp RÚT. VẬN ĐỘNG TRUNG LIÊN là bị thương. Các đồng chí nhớ rõ chưa ?
– Rõ! Rõ! Rõ!
Anh giao liên tiếp theo :
– Sau cùng, chúng tôi nhắc lại để các đồng chí thông suốt. Trên đường đi chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về sinh mạng của các đồng chí, cho nên các đồng chí phải tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của chúng tôi. Đó là nội quy, kỷ luật của đường dây. Trong trường hợp khẩn cấp, ai trái lịnh chúng tôi có quyền nổ súng. Do đó trên đoạn đường đêm nay, chúng tôi có mấy yêu cầu. Một là tuyệt đối không được nói chuyện, gây tiếng động, không được hút thuốc, chỉ hút khi nào chúng tôi thông báo. Hai là mỗi khi qua lộ, qua ấp chiến lược phải đi nhanh, bám sát nhau, cự ly một thước không được đứt quãng. Ba là có chuyện gì khó khăn hoặc gặp chướng ngại, đau ốm v.v… phải tuần tự chuyền miệng từng người, từ trước ra sau hoặc từ sau ra trước để chúng tôi biết mà dừng lại hoặc có biện pháp giúp đỡ hay đề phòng. Các đồng chí rõ chưa ?
– Rõ! Rõ !
Nhìn mọi người một thoáng, đoạn anh ta xốc lại cái bồng to mang trên lưng, xoay ngang người ra lệnh :
– Vậy, bây giờ ta bắt đầu lên đường! Một tổ chiến đấu đi truớc. Kế đó các anh em tân binh, có một tổ bảo vệ đi kèm. Sau hết là khách và một tổ bảo vệ đoạn hậu. Tất cả xuống xuồng tuần tự, im lặng sang sông. Chờ nhau ở bên kia, kiểm điểm đủ mới tiếp tục đi. Bây giờ, ai có tiêu, tiểu, uống nước, rút quai dép, chuẩn bị cá nhân thì tranh thủ làm đi. Đang lúc hành quân không được dừng lại và tách ra khỏi hàng, tai hại có thể xảy ra. Báo cáo với các đồng chí, sang sông là chúng ta chuẩn bị qua lộ thứ nhất. Lộ Đức Hòa – Chợ Lớn, cách đồn địch không xa. Rất căng, yêu cầu các đồng chí cảnh giác cao độ.
Mọi người rầm rập, hối hả xuống xuồng, lần lượt qua sông. Hết chuyến này đến chuyến khác, trên chiếc xuồng con mục nát, nước theo kẽ xuồng tràn vào như mội. Mỗi chuyến chỉ được bốn người.
Đến phiên tôi cùng ba anh tân binh bị lùa ở ấp chiến lược Tân Nhựt bước xuống xuồng. Một anh lính trong tiểu đội bảo vệ đứng sau lái quơ chiếc sào tre dài xọc. Miệng không ngớt càu nhàu :
– Xuống ! Xuống mau ! Xuống lẹ lên chớ mấy cha nội. Không được nói chuyện nghe !
Tuy bảo là không được nói chuyện vì nói chuyện sợ địch nghe nhưng anh ta cứ oang oang :
– Ê, xích ra sau chớ ! Chìm xuồng bây giờ… Coi ! Coi! Tát nước ra mau lên. Kìa ! Hai ông ngồi trước mũi xuồng xăn tay áo lên, thò tay ra hai bên làm dầm bơi phụ với chớ… Nữa ! Đừng có lúc lắc. Chìm bây giờ !
Cứ thế, tiếng anh ta nói, tiếng sào khua nước bì bõm, tiếng tát nước xuồng lộp cộp, xành xạch tạo thành một thứ tiếng động vang dội, giữa chiều hoang tĩnh mịch, lạnh lùng. Con kinh xáng thẳng tắp. Sương chiều xuống che mờ những rặng cây xa.
Ngồi trước mũi xuồng, theo lệnh anh ta, tôi kẹp cái túi vải cao su vào lòng, cho một tay thọc xuống nước làm dầm bơi lõm bõm. Chiếc xuồng mục cứ lắc lư, rung rinh như chực tan ra từng mảnh. Khi sang được bên kia bờ kinh xáng, tôi mới biết chắc là mình đã thoát khỏi tai nạn chìm xuồng.
Tôi bước lên bờ, đi lại đứng tiếp nối vào cái hàng dọc đang xếp sẵn bên hàng trâm bầu, mọc theo con đường xe rộng chạy thẳng ra cánh đồng trước mặt.
Thế là từ đây tôi được ghép chung vào đám tân binh bị lùa từ ấp chiến lược ra. Dù rằng trong những ngày đã qua, khi ra khỏi thành phố Sàigòn, cách đối xử của người ta gieo vào lòng tôi nhiều phiền muộn, tủi hờn cho một người không may sa cơ, thất thế về chính trị này, nhưng nó cũng chưa làm cho tôi đau đớn, tột cùng như giờ đây.
Mới bước chân vào Cách mạng thì thằng nào cũng như thằng nào, không cần có một sự phân biệt cần thiết tối thiểu nào về trình độ hiểu biết, về khả năng, về học vấn, về những giá trị riêng tư. Thực nó khác xa với những lúc người ta mua chuộc, tuyên truyền. Lúc nào cũng ra vẻ chiều chuộng, quý trọng tôi ở những phút đầu.
Liệt tôi vào cái hạng tân binh bị lùa ở trong ấp chiến lược ra, đối xử không khác đối xử với tù binh thực quá quắt lắm. Tự ái tôi bị thương tổn trầm trọng nhưng tôi biết đối với những người này có nói gì với họ cũng là vô ích.
Khi mọi người đã sang đầy đủ, bẻ lá giắt đầy người xong, tổ trinh sát tiền vệ súng xuống tay, hấp tấp bước đi. Cành lá ngụy trang rung xào xạc…
Chờ cho tổ này mở đường đi trước chừng trăm thước, vừa khuất ở đường mòn xuống ruộng, anh giao liên từ phía sau vượt lên đầu hàng, khẩn trương ra lệnh :
– Các đồng chí khách có vũ khí, súng xuống tay. Tất cả trong tư thế chiến đấu. Chúng ta sắp sửa qua lộ rồi. Khi đi phải cố gắng đi thật nhanh, bám sát người đi trước đừng để đứt quãng. Các đồng chí theo tôi !
Anh giao liên xoay người bước vội. Tất cả bươn bả theo sau. Không khí thật hết sức khẩn trương hồi hộp.
Men theo bờ trâm bầu, đoàn đi ra khỏi chân vườn rồi theo đường mòn tách xuống ruộng khô, nhắm về hướng Đông Bắc. Ánh nắng buổi hoàng hôn vàng nhạt còn le lói, xô bóng của những người đi trước ngã dài xuống ruộng, lay động tiến thành từng hàng song song.
Hết quãng ruộng trống, chúng tôi chui vào khoảng rừng tràm con. Đường mòn lẳng, cát trắng.
Trời tối dần. Tôi phải chạy lúp xúp mới theo kịp người đi trước. Phía sau tôi có tiếng hét chìm, rít lên trong cổ họng, giữ cho âm thanh không thoát đi xa :
– Nhanh lên ! Nhanh lên ! Tiến cho kịp người đi trước. Đừng để đứt quãng. Không được tách ra khỏi hàng. Chúng tôi bắn đấy!
Đoàn người chạy lúp xúp, uốn quanh theo lối mòn ra khỏi khu rừng tràm. Quãng ruộng trống lại hiện ra trước mắt. Và lộ Đức Hòa – Chợ Lớn như một con đê nhỏ nổi cao hơn mặt ruộng, cây cỏ mọc xanh rì giăng ngang, án ngữ trước mặt chừng năm trăm thước..
Về phía tay mặt, ở hướng Đông, tôi đã thấy có ánh đèn. Xa hơn, có mấy chiếc đèn đỏ nhô lên cao khỏi chân trời chớp tắt đều đều và đèn của phi cơ vòng vòng ở trên mây. Tiếng động cơ nghe thật gần.
Tôi chợt hiểu. Phi trường Tân sơn Nhất chỉ chừng tám cây số là cùng. Vòng phi cơ đảo gần, mấy chiếc đèn đỏ của Đài Kiểm Báo phi trường minh xác cho tôi biết điều đó.
Trời nhá nhem tối. Phía sau nổi lên nhiều tiếng giục khẽ:
– Nhanh lên ! Tới lộ rồi ! Chạy nhanh qua !
Hết người này đến người khác nhảy lên lộ, lom khom phóng qua mặt đường thật nhanh rồi nhảy xuống ruộng. Ở hai phía lộ, hai bóng người đầy cành lá ngụy trang, quay mặt về hai hướng đối diện. Súng lăm lăm trong tay, nổi bật trên nền trời tối xám như những bức tượng.
– Chạy lẹ qua ! Coi chừng lạc dấu người trước. Đồn Cầu Kinh Xáng trước mặt đó. Chạy lẹ qua!
Tiếng chân rầm rập lẫn với tiếng thở hổn hển trở thành một thứ âm thanh quen thuọc, lo sợ bâng quơ.
Trời tối hẳn. Cơn hồi hộp căng thẳng thần kinh tột độ vừa đi qua. Mồ hôi ra đầm đìa và hơi thở dồn dập. Tôi mệt mỏi vô kể. Tim nhảy thình thịch. Tôi muốn được ngồi bệt xuống nghỉ nhưng đoàn người cứ khẩn trương chạy lúp xúp biết làm thế nào bây giờ ?
Trăng lưỡi liềm treo lơ lững, xế qua đầu soi mờ cảnh vật chung quanh. Tổ bảo vệ tách ra khỏi hàng, chạy cặp theo hai bên, càn trên những gốc rạ khô, đất nứt nẻ, tiến song song để quan sát, giám thị đoàn đi. Tôi mường tượng nhớ tới những anh chàng cao bồi cỡi ngựa đưa đàn súc vật chạy ngang qua sa mạc mà tôi thường thấy trong phim cao bồi Texas chiếu ở Sàigòn.
Vì nhìn sang hai bên, đôi chân đã đuối, nặng nề, tôi vấp phải mô đất, nhào lăn một vòng, lửa đom đom mắt tóe ra như một vùng hào quang, toàn thân tôi đau không thể tưởng. Cổ chân trái buốt đến tận tim, như vừa bị gãy lìa. Tôi nằm im, không cựa quậy gì nữa nhưng cũng không ngăn được tiếng xuýt xoa :
– Úi cha !
Có nhiều tiếng hỏi nổi lên cùng một lúc :
– Gì đó?
– Gì đó ?
– Té hả ? Đứng dậy chạy nhanh lên !
Người đi sau vượt qua, rồi người kế tiếp… Một anh bảo vệ chạy đến kéo tôi dậy:
– Đứng dậy chạy nhanh lên ! Không nghỉ ở đây được, gần lộ lắm !
Tôi nín thinh. Anh ta tiếp :
– Phải tiến lên đuổi cho kịp đoàn. Tới chân vườn đằng kia hãy nghỉ.
Tôi vẫn không trả lời, thở dốc, ôm lấy chân xuýt xoa.
Thêm một anh bảo vệ nữa từ phía trước trở lộn lại :
– Cứ xốc nách anh ta đưa tới đằng kia hãy hay!
Thế là hai người kẹp hai bên, xốc nách tôi đứng lên, đoạn kéo lê tôi chạy về phía trước. Chân trái tôi, mỗi bước chạm đất đau đến tưởng chừng không thở nổi. Nhưng với áp lực của hai người kèm hai bên, tôi không tài nào cưỡng lại được. Cũng như tôi không sao cưỡng lại để cho những giòng nước mắt khỏi trào ra.
May sao đã đến chỗ nghỉ chân. Tôi nghe tiếng nói chuyện lào xào phía trước. Mấy đốm lửa thuốc lá lập loè qua mấy khe hở của bàn tay che còn trống.
Có tiếng anh giao liên hỏi :
– Phía sau còn mấy người ?
– Một ! Còn anh tân binh này bị té ngã dìu đến đây thôi !
– Bị thương ra sao ? Vậy là mất hết bốn người. Đâu, mấy đồng chí cho điểm số lại đám tân binh coi !
Hai anh bảo vệ buông nhẹ tôi ngồi phịch xuống đất, chạy đi. Và tiếng đếm nổi lên :
– Một, hai ba… năm… mười lăm mười sáu ! Chỉ cở mười sáu, đúng là mất bốn.
Giọng nói của anh giao liên gắt gỏng :
– Các đồng chí tổ trinh sát trở lại khu rừng tràm bên kia lộ, tìm xem có gặp họ không ? Bốn thằng đó đào ngũ đó. Có lẽ lợi đụng lúc đi ngang rừng tràm, tụi nó ẩn lại rồi. Bắt tụi nó dẫn tới đây.
– Nếu tụi nó chạy thì sao ?
– Bắn bỏ ! Phải! Các đồng chí cứ nổ súng ! Để tụi nó sống vô ích. Nó báo với địch đường đi nước bước của mình, nguy hiểm lắm.
Tiếng chân rầm rập chạy đi.
Người ta bỏ mặc tôi ngồi một mình. Chẳng buồn hỏi qua hay xem lại tình hình thương thế của tôi ra sao.
Ngồi yên một chốc tôi thấy đỡ đau nhiều. Tôi cho tay vào túi vải cao su lôi ra chai dầu khuynh diệp, xoa bóp cổ chân. Chai dầu này, má tôi đưa cho tôi hôm đêm mồng ba Tết. Tôi không lấy nhưng má tôi giận bắt tôi phải lấy. Người bảo :
– Đi đường mà không có dầu đâu được, con. Có nó, ngừa sương gió, nắng nôi, nhức đầu, cảm mạo. Đừngười có nói tầm bậy. Không lấy tao giận…
Tôi, từ bé đến giờ, có thích xài bất cứ loại dầu trừ gió, trừ phong nào đâu. Ghét là đằng khác. Bây giờ, giữa lúc nầy, tôi nhớ đến nó. Và tôi thấy hình ảnh của má tôi như hiện ra trước mặt. Tự dưng, hai má tôi thấy nóng hổi. Hai dòng lệ chảy rưng rưng…
Hơn một giờ sau, tổ trinh sát trở về cho biết rằng họ không dòm thấy gì hết. Đoàn giao liên lại lên đường. Một người cho tôi cây gậy tre. Tôi chống gậy, khập khiễng bước theo.
Đêm đó chúng tôi vượt qua cánh đồng, mà theo lời anh giao liên cho biết, nhân dân địa phương đặt cho nó cái tên đồng Chó Ngáp, trước khi vượt qua quốc lộ số 1, cách chợ Củ Chi hơn một cây số về phía Đông vào lúc bốn giờ rưỡi sáng.
Ngày đi đêm nghỉ. Bốn ngày sau, đoàn tân binh chúng tôi đến Lộc Thuận. Về địa danh, trên suốt quãng đường tôi đã đi qua, không bao giờ ai mở miệng cho biết điều gì. Nếu có biết, chỉ là một may mắn, một tình cờ nào đó, được nghe lóm câu chuyện của những nhân viên các trạm đường dây, hoặc đôi phút nào đó nói chuyện với đồng bào hay những người khách, cán bộ đi chung.
Lộc Thuận là một ấp nằm bên bờ hữu ngạn sông Sàigon, thuộc xã Lộc Hưng, quận Trãng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đối điện với Bến Súc nằm phía bên kia sông, khoảng 5 cây số ngàn.
Buổi chiều khoảng 5 giờ, khi ra khỏi rừng cao su bước lên bờ mẫu băng ngang một quãng ruộng ngắn, tôi đi sau hai người cán bộ khách, một đàn ông, một đàn bà, tình cờ được nghe người đàn ông khoa tay về phía trước nói :
– Tới rồi đó! Chỗ này là ấp Lộc Thuận, xã Lộc Hưng của Trãng Bàng đây. Để nghỉ một bữa, tôi rủ chị xuống Hố Bò chơi, tha hồ ăn trái cây. Và ở đó chị muốn mua sắm gì cũng có hết. Saigòn có thứ gì ở Hố Bò có thứ đó. Tụi tôi lần nào về đây cũng bỏ ra một ngày để đi Hố Bò rửa ruột, rửa mắt, chụp vài tấm hình kỷ niệm gởi về nhà. Cà phê, hủ tíu, nước đá, cà rem, xe đạp, đồng hồ, ra dô… khong thiếu một thứ nào.
Nhờ vậy tôi biết chỗ mà chúng tôi sắp đến chốc nữa đây là ấp Lộc Thuận. Nhìn sang bên kia ruộng là một rừng cây giăng ngang. Phía trước có một con lộ cát trắng xóa. Dọc theo lộ là những hàng trúc, hàng tre. Vài ngôi nhà ngói nóc đỏ, những túp lều tranh nóc trắng lưa thưa ẩn hiện sau rặng cây thưa. Những cây dừa cao vượt lên trên và những cây xoài to sum sê cành lá.
Dưới khoảng ruộng trống, mấy con bò thả ăn rong. Mấy chú bé chăn bò tò mò ngồi bèn bờ mẫu, đưa mắt nhìn chúng tôi không chớp. Khung cảnh này êm đềm làm sao. Nó gợi cho tôi những hình ảnh quen thuộc cũ của những xóm làng yên tĩnh sinh hoạt bình thường, vui vẻ ở quê tôi.
Suốt từ hôm ra đi đến nay, hơn mười ngày rồi, vất vả nhiều quá, mệt mỏi nhiều quá, lại thiếu thốn đủ thứ. Nghe người cán bộ ấy nói, tôi thấy thèm một ly cà phê đá, thèm một điếu thuốc thơm. Những thứ ấy, bao nhiêu năm trời nay ở Sàigòn tôi chẳng bao giờ quan tâm để ý, giờ thì nó là một cái gì khó kiếm, quý giá, xa xỉ ngang hàng với những bữa đại yến, đầy cao lương mỹ vị của bậc đế vương. Tôi nghĩ đến sự so sánh đó mà cười lấy một mình. Tôi chỉ là bạch đinh, làm sao biết được đại yến của bậc vua chúa nó ra sao? Có lẽ đoàn tân binh của tôi sẽ được nghỉ chân ở đây đôi ngày. Tôi nghĩ vậy và ao ước như vậy. Chắc thế nào cũng nếm được ly cà phê đá, hút điếu thuốc thơm, ăn tô hủ tiếu đầy thịt có nặn chanh và cắn miếng ớt cay… Ôi ngon phải biết. Tôi nuốt ực nước miếng qua cổ. Đột nhiên tôi thấy hết mệt mỏi, bước chân sao thấy nhẹ lâng lâng.
Qua quãng ruộng ngắn, cô giao liên ra hịêu cho tất cả đoàn ngừng lại bên một hàng tre. Một chú bé chừng 12,13 tuổi mặc quân phục đen, áo có cầu vai không biết từ đâu chạy lại, thì thầm nói chuyện với cô giao liên một lúc đoạn tiến ra, thành thạo như một người lớn :
– Mấy anh, mấy chú tân binh đâu, tập họp lại đây, rồi theo tôi về trạm.
Cùng lúc đó, cô giao liên cũng lên tiếng :
– Các đồng chí cán bộ, khách theo đường dây đi theo tôi.
Và cô ta đi ngược trở về phía cuối hàng tre rồi mất.
Như vậy chỉ còn có tân binh chúng tôi ở đây. Khách, cán bộ không còn phải chung đụng với chúng tôi như suốt mấy hôm nay trên quãng đường dài.
Chú bé đi tới, đi lui điểm số. Chú ta đếm xong, cười khì nói một mình :
– Đủ rồi !
Nhìn theo chú, trông điệu bộ đó tôi cũng cười. Tôi hỏi:
– Em tên gì?
– Quyết Chiến!
Tôi cười thành tiếng :
– Em mấy tuổi rồi ? Tên đó ai đặt cho em vậy ?
Thấy tôi cười, Quyết Chiến có vẻ mắc cỡ nhưng cũng cười theo :
– Cháu mười hai. Tên đó do bác Hai thủ trưởng đặt cho đó.
Tôi nghe ở phía sau cũng có tiếng cười :
– Cái tên nghe oai thiêt. Anh hùng dữ đa !
Quyết Chiến ngượng ngùng quay mặt bước đi !
– Mấy chú đi theo tui, coi chừng lọt hầm chông hổng biết à!. ‘
Tôi ngỡ chú bé này sẽ dẫn chúng tôi đến một nhà nào đó trong xóm, nhưng không. Chú bé dẫn chúng tôi đi đến cuối hàng tre là bắt đầu rẽ vào khu rừng chồi, cây thấp, rồi cứ đi mãi hơn mười lăm phút sau. Không một bóng nhà, không một tiếng động quen thuộc nào xảy ra. Chung quanh là rừng. Trên đường mòn, hàng chục hố chông để trần, chông tre chơm chởm ngay giữa hoặc sát bên lối đi.
Rồi những hàng rào giả do những cây con được kéo ngọn xuống đan vào nhau hay thả chà khô tạo thành. Chú bé cho biết lựu đạn và mìn chôn dài theo « hàng rào chiến đấu» đó.
Đến hàng rào thứ ba, chú bé đưa tay đẩy nhanh cây làm cổng chận ngang đường, mở lối đi. Có hai thanh niên mặc quân phục vải ta đen mang súng sau lần cồng lên tiếng cười :
– Mới về tới hả, Quyết Chiến ! Bữa nay đông không mậy ?
– Đông! Mười bảy người. – Chú bé trả lời.
– Sao về tối vậy? Bộ ra ngoài xóm mày bị con nhỏ nào dụ khị dẫn đi chơi phải hông ?
– Bậy !Tui dẫn về tới đây là tui hết nhiệm vụ rồi đó. Giao mấy anh đó.
Bước qua cổng, tôi thấy bên trong giăng những võng nylon đủ màu, từ cây này sang cây khác. Phía trên mỗi võng đều có căng một tấm nylon cao su để che mưa, nắng, giống như một mái nhà con.
Thấy chúng tôi đến, mọi người bỏ võng ùa ra vây quanh, hỏi thăm lăng xăng :
– Ở đâu tới đó ?
– Ở xã nào ? quận nào ?
– Kiếm coi có ai quen, bà con gì không mà!
Trước tình cảnh này, tôi ngơ ngác không hiểu ra sao.
Tôi ngồi xuống một mô đất đưa mắt nhìn, quan sát. Giữa lúc đó, một người mặc quân phục đen; đội nón vải xanh, mang súng ngắn xệ bên hông từ ngoài đi vào, vỗ tay mấy cái ra hiệu :
– Các đồng chí mới đến đâu ? Tập họp lại đây tôi sinh hoạt chút coi !
Anh ta vừa đi vừa vỗ tay, mắt thì quan sát hết người này đến người nọ. Anh ta đến gần bên tôi, dừng lại. Tôi nghĩ anh ta chắc là cán bộ chỉ huy ở đây.
Đợi cho mọi người tề tựu đủ, anh ta lớn tiếng giới thiệu:
– Tôi xin tự giới thiệu mấy anh em, tôi là Ba Dũng, Cán bộ chỉ huy ở đây.
Anh ta ngừng lại một chút rồi đổi giọng :
– Các đồng chí là tân binh ở quận Bình Tân gởi tới phải không ?
Một thanh niên trong đoàn ngơ ngác trả lời.
– Dạ, không phải !
Ba Dũng khó chịu :
– Sao lạ vậy cà ? Vậy mấy đồng chí ở đâu ?
– Mấy anh em tôi ở trong ấp chiến lược Tân Nhựt.
– Ồ! Cái đó có quan hệ gì đâu ! Tôi muốn hỏi có phải là mấy anh do Huyện đội Bình Tân gởi tới hay không ?
Anh thanh niên trả lời nho nhỏ :
– Dạ… tui hổng biết !
Anh cán bộ Ba Dũng nổi cáu lên :
– Mấy anh này nói lạ ! Tại sao hổng biết ? Vậy mấy anh từ đâu tới ? Tại sao tới được chỗ này trình bày tôi nghe thử coi ?
Anh thanh niên im thin thít. Mọi người cũng im lặng e ngại nhìn Ba Dũng. Ba Dũng chỉ ngay anh thanh niên :
– Anh ! Đâu anh nói tôi nghe !
– Dạ,.. dạ mấy anh em tui ở trong ấp chiến lược Tân Nhựt. Nửa đêm đương ngủ, bỗng có mấy ông giải phóng tới tấn công tốp thanh niên chiến đấu, rồi phá rào tràn vô…
Anh thanh niên ngập ngừng. Ba Dũng nói :
– Anh cứ tự nhiên. Cứ thành thật kể tôi nghe!
– Dạ… mấy ổng vô từng nhà, biểu thanh niên tụi tui phải tập trung lại để nghe nói chuyện. Cán bộ Măt Trận giải thích một chút rồi về ngủ. Tụi tui tập trung được mấy chục anh em thì mấy ổng lại biểu ở đó không được an ninh, mời anh em ra ngoài kia nói chuyện xong mấy anh em trở về…
Ba Dũng khó chịu ngắt ngang :
– Anh nói vòng vo tam quốc, chẳng ra làm sao hết ! Mất thì giờ quá đi. Nói vắn tắt thôi.
– Dạ… tôi tưởng đâu đi theo mấy ổng ra ngoài ấp chiến lược cho mấy ổng nói chuyện, tuyên truyền một chút rồi trở về, ai dè mấy ổng hổng nói chuyện gì hết, lùa tụi tui đi cho tới sáng mới dừng lại. Chừng đó mấy ổng lại biểu mấy anh em tui lần lượt từng người vô nhà để làm lý lịch…
Ba Dũng nóng thật sự :
– Nữa! Tôi bảo anh đừng có cà kê dê ngỗng, không có ai dư thì giờ ngồi nghe, sốt ruột lắm.
– Dạ, phải kể cho có đầu có đuôi, ông mới hiểu hoàn cảnh tụi tui…
Ba Dũng không ngớt chắc lưỡi, lắc đầu nguầy nguậy :
– Thôi, ông ơi ! Ông cứ kể tiếp đi ! Ông mà giải thích thêm nữa thì tôi có nước trốn đi thôi. Rồi ! Vô nhà làm lý lịch rồi sao nữa ?
– Làm lý lịch xong mấy ổng lại dẫn tụi tui đi nữa, đến cái Trạm gì đó ở Vườn Thơm bảo tụi tui là tân binh. Tụi tui đòi trở về vì đã nhiều ngày không mang theo quần áo tiền bạc gì hết. Ở nhà cũng không biết tụi tui đi đâu. Mấy ổng canh giữ ngày đêm biểu tụi tui đứa nào chạy mấy ổng bắn chết thì ráng chịu.
Ba Dũng nói ngay :
– Rồi! Bình Tân. Vậy mà tôi hỏi có phải Huyện đội Bình Tân gởi mấy anh tới đây hay không, cứ cà kê mãi.
– Dạ tụi tui ở xã Tân Nhựt, quận Bình Chánh.
Ba Dũng vỗ tay một cái :
– Nữa! Khổ quá. . Mấy anh có biết Bình Tân là gì không? Là Bình Chánh và Tân Bình nhập lại.
Chợt có tiếng xì xào, sụt sịt của mấy người đứng ở phía sau. Ba Dũng nhón chân lên hỏi :
– Gì đó mấy anh ? Gì đó?.,.
Một anh thanh niên ngoài ba mươi tuổi nước da nâu bóng như tượng đồng đen, vẹt đám đông tiến ra trước mếu máo, kể lể :
– Như tui nè!… Đêm đó tui chở vợ tui ra nhà bảo sanh Chợ Đệm trở về lo soạn quần áo, mền mùng để đi nuôi nó đẻ ít ngày. Chưa kịp thì mấy ông tới lùa đi…
Nói đến đây, anh ta òa lên khóc thật sự như trẻ con. Tiếng khóc anh ta nghe sao buồn lạ.
Ba Dũng tỏ vẻ khó chịu :
– Việc gì thì nói ! Anh đừng có khóc kỳ cục vậy, ồn ào quá ! Anh không sợ anh em đây người ta cười sao ?
Miệng anh thanh niên vẫn méo xệch. Giọng nói anh ta bỗng lớn hơn, thê thiết hơn :
– Hổng biết… mấy ngày nay nó sanh đẻ mần sao, ai nuôi nó ? Hồi ở nhà, còn bốn đứa nhỏ lao nhao… Đứa lớn mới bảy tuổi, bà con thân thuộc hổng có, nhà lại hết gạo. Tui đi bất tử vầy, mấy bữa nay tụi nó sống ra sao trời!… Tui nói thiệt, mấy ông phải cho tui về. Nếu không mấy ông có bắn tui chết tui cũng chạy trốn ra lộ đón xe đò đi về nhà. Mấy ông làm vầy khác gì hại gia đình tui.
Ba Dũng át giọng anh ta :
– Nè! Anh kia ! Chuyện đâu còn có đó !Ở đây, không được ăn nói một cách vô tổ chức, vô kỷ luật vậy nghe ! Bộ muốn chết lắm hả ?
Lừ mắt nhìn anh thanh niên vài giây, đoạn Ba Dũng khoanh tay lại đảo mắt nhìn hết mọi người:
– Mấy anh nghe đây ! Tôi nói chung cho mấy anh biết ! Cái chuyện ở xã, ở quận, địa phương làm việc thế nào thì tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng, trên giấy tờ mấy anh là tân binh của huyện đội Bình Tân đưa tới.. Chút nữa, người ta sẽ đem võng, đem nylon đến cho mấy anh mượn để dùng trong thời gian còn ở đây. Khi nào đi tới nơi khác, mấy anh trả lại. Tôi cũng sinh hoạt cho mấy anh em rõ, vì vấn đề an ninh, bảo vệ căn cứ trong thời gian ở đây, mấy anh em phải theo nội quy của trạm. Không đốt đèn, đốt lửa, không được cười giỡn, nói chuyện lớn tiếng hay gây tiếng động. Ở đây rất gần đồng bào, gián điệp của Mỹ Diệm có thể đánh hơi ra. Điều cần nhất là không được tự tiện đi sâu vào rừng hay ra khỏi đây. Xung quanh đều có bố trí dầy đặc hầm chông, lựu đạn gài. Anh em trốn đi, ai chết thì ráng chịu. Chúng tôi không chịu trách nhiệm. Đó là chưa nói đến ban đêm ban hôm, mấy anh em ra ngoài, mấy đồng chí cảnh vệ của chúng tôi hay du kích xã địa phương hiểu lầm nổ súng, mấy anh hoàn toàn chịu trách nhiệm, mấy anh em nghe rõ chưa ?
Tất cả im thin thít. Ba Dũng buông tay thỏng xuống, bước tới ra lệnh :
– Bây giờ, yêu cầu mấy anh em, mỗi người phải nộp cho chúng tôi thẻ căn cước và các thứ giấy tờ mà chính quyền Mỹ Diệm đã cấp cho mấy anh.
Hết người này đến người khác, móc túi đưa thẻ căn cước cho Ba Dũng. Cũng có một vài người không có vì trong đêm bị lùa đi bất ngờ nên không mang theo.
Riêng tôi, tôi băn khoăn, nếu Ba Dũng hỏi đến tôi phải trả lời thế nào?
Từ ngày ra đi, tôi xem lần đi này như một cuộc «kết hôn tạm bợ». Cái chuyện sống với nhau cho đến khi «răng long đầu bạc» làm sao có được. Ý thức tạm bợ, bất mãn hiện rõ mồn một từ những ngày đầu… Bây giờ đưa căn cước cho Ba Dũng, sau này khi trở về Saigòn dọc đường giấy tờ đâu để tôi xử dụng làm «bùa hộ thân» khi người ta hỏi đến. Tôi đâu thể nào là một thứ công dân lậu. Xung quanh đó còn biết bao nhiêu rắc rối, phiền hà, nguy hiểm chờ đợi tôi.
Nhưng không đưa cho Ba Dũng, phải trả lời thế nào cho xuôi ? Nếu người ta lục soát ví của tôi, càng nguy hơn nữa. Một giải pháp trả lời chợt đến với tôi. Tôi nhớ đến B39.
Hết đám đông, Ba Dũng quay lại sau lưng và anh lững thững bước tới trước mặt tôi, chìa tay ra :
– Đâu, giấy tờ anh đâu ?
Tôi tỉnh bơ :
– Thưa anh, ở B39 họ đã giữ hết giấy tờ căn cước của tôi rồi. Lúc họ rước tôi ở Sàigòn ra hôm mồng bốn Tết, chứ đâu đợi đến bây giờ.
Ba Dũng nhìn tôi quan sát từ đầu đến chân
– Anh ở Sàigòn ra ? Không thuộc nhóm tân binh Bình Tân ?
– Dạ !
– B39 đưa anh đến ? Anh biết Bảy Tân thủ trưởng B39 chớ ?
– Dạ biết ! Biết nhiều !
Ba Dũng nhìn tôi lần cuối rồi quay đi :
– Thôi được, để tôi hỏi Bảy Tân sau.
Ba Dũng đi ra khỏi đây chừng mười phút thì mấy cảnh vệ khiêng mấy thúng cơm và thùng đựng thức ăn vào, gọi đoàn chúng tôi đến. Trước khi ăn, họ phát cho chúng tôi mượn mỗi người một chiếc võng nylon, một tấm nylon cao su làm nóc che, một dĩa nhôm và một cái muỗng để ăn. Họ hỏi tên từng người, ghi từng món, bắt chúng tôi ký nhận vào sổ.
Nhìn thúng cơm gạo đỏ và thùng dưa hường kho lều bều những nước, một anh tân binh nói nhỏ vào tai tôi :
– Mười mấy hai chục mạng, cơm có bấy nhiêu sao đủ ăn cà?
Mà thực, tôi chờ cho mỗi người xúc một dĩa cơm xong, thúng hết nhẵn chẳng còn gì, tôi đứng lơ láo, buồn hiu. Thấy vậy mấy anh em sau cùng, mỗi người sớt lại cho tôi một ít.
Anh cảnh vệ đứng trông chúng tôi ăn, «củng cố» tinh thần chúng tôi bằng câu giải thích, múa tay lên :
– Mấy anh thông cảm cho là cách mạng mình còn nghèo, Đảng mình còn nghèo nên nình mỗi người hy sinh một chút. Chúng ta gian khổ nhưng vinh quang. Tinh thần cách mạng chúng ta cao nên chúng ta mới như vầy, chớ như Ngô Đình Diệm đâu đi làm cách mạng như chúng ta được. Nếu cách mạng cũng xe hơi nhà lầu, bơ thừa sữa cặn, phồn vinh giả tạo, Diệm và bè lũ của chúng cũng vô đây làm cách mạng trước chúng ta.
Nghe anh ta thao thao bất tuyệt một cách hùng hồn tôi quay mặt đi cố nén tiếng cười. Không biết ai đã dạy anh ta lý luận cách mạng kiểu đó…
Sau một hồi thuyết về cách mạng và so sánh sống giữa rừng thế này chẳng khác gì ở trong ngôi nhà vĩ đại có lộng kiếng, lúc nào ngước mặt lên cũng thấy trời, thấy trăng, thấy sao trên đầu. Anh ta giải thích về bữa ăn :
– Vì Đảng còn nghèo như vậy nên khẩu phần gạo của giải phóng quân chúng ta chỉ được hưởng tiêu chuẩn hai mươi. Hai mươi lít cho ba mươi ngày. Nghĩa là mỗi người một ngày được hai lon sữa bò gạo cho ba bữa ăn. Cho nên mấy anh em nào xúc cơm trước, yêu cầu đừng xúc đầy dĩa, thiếu cho mấy người sau. Còn tiền khẩu phần ăn, Đảng phát cho mỗi người một ngày có hai đồng cho ba bữa, trong khi mắm ruốc hơn mười đồng một ký, dưa thì ba đồng, đậu đũa bốn đồng. Dĩ nhiên khẩu phần ít không thể có gì ăn khác hơn là mắm ruốc quậy ra lỏng bỏng, bỏ thêm muối vô kho cho mặn với mấy miếng dưa hường. Dầu vậy, anh em cũng nên biết là Đảng hy sinh lớn lắm, cố gắng dữ lắm. Hàng triệu người làm cách mạng, nội cái chuyện ăn, một ngày biết bao nhiêu là tiền, là gạo phải cung cấp. Mấy anh em nhứt trí với tui chớ ?
Ăn cơm xong, một anh cận vệ dẫn chúng tôi vào rừng trong cùng của căn cứ này, khoa tay một vòng, chỉ chỗ giăng võng và cách thức giăng võng, cột nylon và nóc che sương, che nắng.
Tôi leo lên võng, định ngủ một giấc thực dài. Giấc ngủ sẽ làm tôi quên được mọi nỗi buồn phiền, mặc định mệnh đưa đẩy những gì đến với tôi cũng được. Tôi mệt nhọc nhiều quá rồi, đầu óc tôi gần như đặc lại, không đủ sức để suy nghĩ nữa. Tôi chỉ muốn được ngủ và yên thân.
Những tiếng khóc sụt sùi, tỉ tê của anh thanh niên vợ đang ở nhà bảo sanh với bầy con nheo nhóc còn ở trong ấp chiến lược như xói vào tai tôi. Anh ta giăng võng sát tôi. Tôi không muốn nghe, cố lẫn tránh cũng không được.
Tôi định ngồi dậy để an ủi anh ta mấy câu, đột nhiên tôi nghe có tiếng hỏi lớn :
-Anh Hùng đâu rồi ? Anh Vũ Hùng đến cùng với đoàn tân binh hồi chiều đó ! Anh Hùng ơi !
Tôi ngạc nhiên, nhỏm đầu dậy. Ba Dũng đang dớn dác nhìn quanh. Tôi hồi hộp lên tiếng :
– Tôi… tôi đây !
Ba Dũng cười, xăm xăm bước tới :
– Anh Hùng đó hả ! Tôi kiếm anh quá trời !
Thấy thái độ cỏ vẻ thân thiện của Ba Dũng, tôi đỡ lo.
Tôi nghĩ mau rằng chắc anh ta kiếm tôi không phải vì cái chuyện anh ta khám phá ra tôi còn đang giữ căn cước, giấy tờ trong người. Tôi tuột xuống đất đứng chờ.
Ba Dũng bắt lấy tay tôi, lắc thật mạnh :
– Chào anh ! Mệt lắm không anh ?
– Dạ, cũng vừa vừa thôi ! – Tôi trả lời.
– Thiệt sơ ý hết sức! Xin lỗi anh nghe anh Hùng !
Tôi lấy làm lạ, không hiểu anh ta xin lỗi mình về việc gì. Chưa kip hỏi thì anh ta nói tiếp :
– Hồi nãy, ở đây về văn phòng, tôi đọc thơ giới thiệu của B39 và lý lịch của anh tôi mới hay anh là… Xin lỗi anh nghe. Bây giờ anh cuốn võng mang đồ theo tôi, đi anh!
Tôi thoáng hiểu thái độ vồn vã của Ba Dũng do nguyên cớ vì sao. Nhưng tôi cũng hỏi :
– Chi vậy anh ?
Chợt Ba Dũng hạ thấp giọng xuống, kê miệng gần vào tai tôi, thì thầm như sợ những người chung quanh nghe thấy :
– Anh ra ngoài nhà đồng bào ở chung với tụi tôi cho nó thoải mái hơn. Ở đây vất vả lắm, bực bội lại mất tự do đủ thứ ! Chỗ này là trạm nghỉ dành riêng cho tân binh.
– Tôi cũng là tân binh mà !
Ba Dũng suyt khẽ một tiếng :
– Nhỏ nhỏ vậy. Nói lớn hổng nên ! Anh là cán bộ cũ lại là trí thức. Đảng phải chiếu cố, có chính sách riêng biệt chớ ! Tụi tui đâu có coi anh như cá mè một lứa được.
– Sao trên đường đi, nơi nào họ cũng bảo tôi là tân binh, giống như mọi tân binh khác thôi?
Ba Dũng cười nửa miệng :
– Anh để ý làm gì ! Mấy trạm dọc đường toàn anh em cán bộ sơ cấp lớp dưới, thiếu hiểu biết, xin anh đừng để ý đến. Họ là những cán bộ thuộc đường dây của huyện, của tỉnh có nhiệm vụ dẫn đường tập trung đưa về đây để tụi tui giải quyết. Không nói chắc anh cũng đoán ra… đây là Phòng Tuyên Mộ tân binh của I tư.
– Tùy mấy anh, tùy tổ chức, tôi đâu có ý kiến gì
– Vậy thì, anh đi ! Anh dọn đồ đạc theo tôi.
Tôi cuốn võng, mang đồ đạc theo Ba Dũng đi ra khỏi rừng. Bấy giờ trời đã tối hẳn. Ba Dũng đi trước, ánh đèn pin loang loáng quất ngang dọc theo đường mòn, soi rõ lối đi.
Tôi không dám nghĩ rằng mình vừa thoát ra khỏi trại giam. Nhưng sau khi đến đây được nhìn cảnh hàng bao nhiêu thanh niên bị gò bó, không được đi lại trong góc rừng nhỏ, giăng võng ngổn ngang nằm một chỗ, chung quanh bao bọc bởi những hầm chông và hệ thống lựu đạn gài, rồi còn những anh lính cảnh vệ gác ngoài ngõ, làm tôi liên tưởng cảnh tù tội. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao người ta có thể làm được như vậy đối với những người sẽ là đồng chí của mình, những người được mình khoác cho những danh từ đẹp đẽ là giác ngộ cách mạng, là chủ nhân ông, giai cấp lãnh đạo của cách mạng.
Tôi hỏi Ba Dũng:
– Anh Ba, tại sao không để anh em tân binh cùng ở bên ngoài đồng bào, lại nhét họ vào rừng, e không có lợi về mặt chính trị đó anh?
– Anh xem, sinh hoạt của Phòng Tuyển Mộ tân binh, kẻ đi, người đến hàng ngày như đi chợ. Để họ ở ngoải không có lợi về mặt phòng gian bảo mật. Nhưng điều quan hệ hơn hết là để họ không thể đào ngũ trốn đi được. Vậy mà cái cảnh đào ngũ, trốn đi vẫn xảy ra luôn.
– Chung quanh toàn hầm chông, lựu đạn gài, còn có cảnh vệ canh gác làm sao trốn được ? Chưa nói đến dịa phương lạ, không thông thuộc đường đi nước bước…
– Vậy mà họ vẫn cứ trốn, trốn được như thường. Tôi nghĩ hoài không hiểu sao họ liều mạng quá vậy nữa. Từ trước đến nay chỉ có một số ít bị thương, bị chết vì hệ thống bố phòng thôi còn phần lớn vẫn thoát ra được. Có lần chúng tôi phát giác kịp, rượt theo gọi lại, họ không dừng đành phải bắn để họ không thể đầu giặc, khai báo cho giặc rõ về tổ chức hoạt động của ta.
– Làm sao mấy anh biết họ trốn đi về ngõ nào mà đuổi theo ?
– Anh không rõ chớ họ thì rõ lắm. Họ biết ở đây chỉ có cách trốn ra Trung Hòa. Họ trốn họ đâu có dại gì đi theo đường lộ, toàn băng đồng, lại trốn về đêm. Đêm thì đồn Trung Hòa bắn hỏa châu sáng đêm, khác gì chỉ đường cho họ. Biết vậy, tụi tui cho cảnh vệ chạy một mạch ra Sa nhỏ và Đồng lớn đón đường thấy họ ngay.
– Mấy anh em bị thương mình làm sao anh ?
– Anh xem có cách giải quyết nào khác hơn là đem họ về trong trạm băng bó cho họ. Mỗi ngày cho y tá vào chích thuốc, thay băng. Họ lành lại thì hay, còn không, có «qua phần» cũng đành chịu chớ đâu đưa họ đi quân y được. Đưa họ tới đó, ai làm sao canh giữ, càng rối rắm thêm.
Đến trước một căn nhà lá, đèn sáng hắt ra sân, tôi nghe tiếng cười của nhiều người vui vẻ. Một tiếng la lớn :
– Cu chủ đây ! Hốt ! Hốt lẹ lên chú em!
Và một giọng nói khác :
– Còn khuya mới hốt ! Già chủ nè ! Còn gì nữa hết? Thách đó !
Tôi ngơ ngác, không hiểu họ làm trò gì. Ba Dũng lên tiếng, nói vọng vào :
– Hăng dữ vậy tui bây ! Nho nhỏ vậy chớ ! Không thiên hạ đi ngoài đường nghe sao ? Ờ, ủa! Tối nay thằng nào gác, bỏ đi đâu rồi ?
No comments:
Post a Comment