NHỮNG NGÀY ĐẦU
Ngày 5 tháng 4 năm 1972
Sau khi săn sóc và khám lại những bệnh nhân mổ hôm qua, tôi từ Phòng Hậu Giải Phẫu đi ra phòng Ngoại Chẩn. Vừa tới ngang Phòng Hấp Y Cụ, tôi bỗng nghe thấy một tiếng hú rất kỳ lạ rít qua đầu và trong tích tắc một tiếng nổ dữ dội vang lên gần đâu đây. Biết có pháo kích, tôi và tất cả những người trong bệnh viện vội tìm chỗ núp. Chỉ trong nháy mắt, tôi đã thấy mình ngồi nép sát bên một kệ đựng dụng cụ y khoa trong Phòng Hấp. Trống ngực tôi đánh thình thình, hồi hộp chờ đợi một tiếng nổ thứ hai và có thể nhiều hơn nữa, nhưng vài phút trôi qua vẫn yên lặng.
Tôi hoàn hồn nhìn quanh, thấyTrung sĩ Đắc, Binh nhất Đức, và cô y tá Huệ cũng ở trong Phòng Hấp như tôi. Tôi mỉm cười từ từ đứng dậy, rảo bước đi về trại Ngoại Khoa của tôi ở sau Phòng Hấp. Tôi nghĩ rằng, nếu còn pháo kích nữa thì nấp ở trại Ngoại Khoa có vẻ an toàn hơn, nhất là ở hành lang giữa trại. Vì trại có mái ngói, có trần nhà, và hai bên có tường gạch nên có thể tránh được miểng đạn. Mặc dù trần nhà làm bằng vật liệu rẻ tiền rất đơn so; nhưng theo kinh nghiệm chiến trường của những người lính tôi quen, nếu pháo kích bằng súng cối 82 ly, đầu đạn chạm vào mái ngói là nổ ngay, thành ra không đáng sợ. Còn như pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly thì vô phương, lúc đó chỉ đổ tại cho số mạng thôi.
Vào trong trại, tôi thấy tất cả các bệnh nhân còn ngồi dưới sàn nhà. Người nào không đi đứng được đành nằm trên giường, giương đôi mắt lo lắng nhìn tôi. Tôi thấyTrung sĩ Lạng, y tá trưởng trại xuất hiện ở cửa PhòngTrực Y Tá, nhìn tôi cười gượng gạo, khịt khịt cái mũi bị viêm mũi dị ứng kinh niên. Tôi tiến đến chiếc bàn kê trước phòng trực ở ngoài hành lang, dùng để làm nơi phát thuốc và ghi chép giấy tờ. Tôi vừa định ngồi xuống, một tiếng rít bay qua mái ngói bệnh viện. Mọi người lại rạp xuống, nhưng nghe tiếng nổ hơi xa. Hình như ở phía Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nên mọi người cũng đỡ sợ.
Lần này rút kinh nghiệm, khi đạn réo qua đầu nó sẽ không nổ ở chỗ mình đang đứng nên tôi vẫn ngồi yên trên ghế. Vả lại, ở hành lang này tôi cảm thấy yên lòng hơn ở ngoài sân nhiều. Tôi trầm ngâm ngồi chờ đợi. Chừng mười phút sau, tôi thấy không có gì, bèn đi lên Phòng Cấp Cứu xem có ai bị thương không. Không có ai cả. Nhân viên túa ra sân nói cười vui vẻ. Bệnh viện trở nên huyên náo lạ. Từ chục năm nay họ đã quen với những vụ pháo kích rồi. Sau khi thấy mình vô sự, họ hân hoan kể cho nhau nghe những cảm giác sợ hãi khi nghe tiếng đạn réo qua đầu.
Tôi bước vào Phòng Hậu Giải Phẫu. Cô Lâm, cô Trí, hai cô y tá Phòng Mổ đang cười ngặt nghẽo. Cô Lâm vừa cười vừa nói:
– Bác Sĩ ơi, chị Trí chui xuống gầm bàn.
Cô Trí thu người lại, làm dáng điệu rùng mình nói:
– Em sợ quá, nghe đánh vèo một cái, lạnh cả xương sống. Thấy cái bàn em chui đại vào, chắc bây giờ vẫn còn run.
Tôi mỉm cười, nghĩ tới phản ứng tự nhiên của con người khi gặp nguy hiểm, đôi khi vô lý tới tức cười như núp dưới một chiếc bàn gỗ mong manh để mong tránh đạn pháo kích. Thực ra tôi cũng vậy, tôi đã chả nép sát bên tủ đựng dụng cụ Y Khoa trong Phòng Hấp là gì. Nhưng nhờ thế mà một số người đã tránh được những thương vong.
Cửa phòng bật mở, một y tá hấp tấp bước vào:
– Thưa bác sĩ, ông Long chết rồi!
Tôi giật mình hỏi:
– Ông Long nào?
– Thưa bác sĩ, ông Long gác cổng đó. Trái hỏa tiễn đầu tiên rơi sát vòng rào bệnh viện, gần cổng, làm thủng một lỗ lớn ở vách tường nhà gác, mái tôn bay đi mất luôn. Một anh thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y ra xem hố pháo kích, thấy cạnh đấy một đống đen, lại gần mới hay là ông Long đã nằm chết tự bao giờ.
Tôi bước nhanh ra cửa, vừa tới thềm nhà thì thấy hai người lính đang khiêng thi hài ông Long đi ngang qua. Đàng sau, cô con dâu đi theo khóc nức nở. Chồng cô ta là lính cũng mới chết cách đây mấy tháng. Xác ông Long nằm trên chiếc cáng, đầu nghẹo về bên phải để hở một vết thương lớn phía trên cổ gần sau ót, và một vết nữa ở ngực gần vai trái. Máu nhuộm đỏ thẫm chiếc áo màu xám rách nát và đầy đất đỏ. Chắc chắn ông Long đã chết ngay sau tiếng nổ, và như vậy ông đỡ phải chịu nhiều đớn đau do vết thương gây nên.
Tôi ít tiếp xúc với ông, nhưng hình dáng một ông già gầy gò, độ 55 hay 56 tuổi, có bộ ria mép muối tiêu, dáng đi khập khễnh khó khăn, đã quá quen thuộc đối với tôi sau gần một năm làm việc tại bệnh viện này. Một nhân viên nói với tôi, ông ấy lúc trước cũng là lính, bị thương hai lần, lần chót do mảnh B40 ghim ngay đùi trái, vết thương làm ông thành tật, đi bước thấp bước cao. Ông được giải ngũ sau đó và giữ chân gác cổng cho nhà thương này được vài năm nay.
Tôi ngậm ngùi nhìn theo đám người đưa thi hài ông ra nhà xác. Định mệnh oan nghiệt đã không buông tha cho gia đình ông. Tôi nghĩ đến thân phận con người thời chiến, thực không biết thế nào mà lường được. Nay sống mai chết, chỉ một tích tắc thôi là thay đổi tất cả.
Tin ông già Long chết làm mọi người trong bệnh viện xôn xao. Những nụ cười đã tắt trên môi để nhường cho những nét mặt đăm chiêu, tư lự. Họ đang nghĩ tới những cuộc pháo kích sắp tới, và những nguy hiểm đang rình rập chờ đợi họ. Nếu tai nạn xảy ra ở một nơi nào khác trong tỉnh thì không ảnh hưởng gì, nhưng nay lại xảy ra ngay tại bệnh viện thì đương nhiên làm nhiều người phải suy nghĩ lo âu.
Những tin đồn về địch quân đánh chiếm LộcNinh, tấn công Quản Lợi, cắt đứt Quốc lộ 13 lan đi nhanh chóng, càng làm mọi người hoang mang. Tôi bối rối. Bệnh viện giờ chỉ còn hai bác sĩ, bác sĩ Lê Hữu Chí và tôi. Bác sĩ Nguyễn Phúc – Trưởng Ty Y tế không có mặt, vì mắc đi dự khóa hội thảo Bình Định Phát Triển tại Vũng Tàu và kẹt tại đó chưa về được. Trung úy sĩ quan quản lý Phạm Ngọc Quý cũng bị kẹt ở Biên Hòa vì đi công tác liên lạc Liên Đoàn 73 Quân Y. Về phía Hành Chánh chỉ còn Thiếu úy Phạm Quang Thu phụ trách về nhân viên.
Tôi là bác sĩ giải phẫu độc nhất tại bệnh viện và sau này của cả chiến trường An Lộc, được chỉ định làm Xử Lý Thường Vụ thay thế bác sĩ Phúc đi công tác. Vì vậy, ngoài công việc giải phẫu điều trị cho các thương binh và nạn nhân chiến cuộc càng ngày càng gia tăng, tôi còn phải lo điều hành chỉ huy mọi việc vừa hành chánh lẫn quân sự trong đơn vị và Ty Y Tế. Thật là một gánh nặng cho tôi. Nhất là trong tình trạng hiện tại, nhìn mấy chàng lính Quân Y ngơ ngơ ngác ngác không quen chiến trận. Vũ khí của họ chỉ là khẩu súng Carbine M1 với vài băng đạn, làm sao tôi có thể bảo toàn được đơn vị trong trường họp tỉnh Bình Long bị tấn công? Đặc biệt là về phương diện y tế, liệu với khả năng hiện có của bệnh viện, tôi có thể hoàn tất mỹ mãn công tác điều trị và tản thương cho một số lớn vừa quân vừa dân không? Câu trả lời rất dễ, chắc chắn là không rồi. Nhưng tôi tự nhủ là sẽ cố gắng làm hết sức mình, tới đâu hay tới đó. Trong những công tác khó khăn, mình có hoàn thành được mới hơn người. Ý tưởng đó làm tôi phấn khởi.
Tôi tự nghĩ, điều quan trọng hiện giờ là vấn đề tổ chức và phối trí. Hơn lúc nào hết câu châm ngôn “chỉ huy là tiên liệu” vang lên trong óc tôi. Cũng cùng một mối lo như tôi, bác sĩ Chí nhắc tôi:
– Mày cho lệnh cấm trại 100 phần trăm đi, không tụi nó trốn hết bây giờ.
Tôi đồng ý. Tôi đã dự trù xong kế hoạch sơ khởi về phòng thủ và cấp cứu tản thương. Tôi kêuTrung sĩ Xòm:
– Anh Sáu ra mời Thiếu úy Thu tới gặp tôi.
Vài phút sau, Thiếu úy Thu tới:
– Thưa bác sĩ kêu tôi?
Tôi gật đầu. Chúng tôi đứng nói chuyện trước hiên phòng mổ.
– Ông cho tập họp tất cả các binh sĩ lại. Điểm danh. Đọc nhật lệnh cấm trại 100 phần trăm. Chỉ thị cho các anh em xem lại súng đạn, giày vớ, mũ sắt. Cắt toán gác cổng, cắt toán tuần phòng ban đêm. Sửa sang lại các hầm hố cá nhân, các hầm trú ẩn. Cắt các toán cấp cứu. Xem xét lại máy móc của các xe Hồng Thập Tự, xăng nhớt phải đầy đủ. Tài xế xe Hồng Thập Tự phải thay phiên nhau trực 24 trên 24. Mỗi xe, không kể tài xế phải có bốn nhân viên khiêng cáng và có ít nhất hai cáng với túi cứu thương. Nội trong ngày hôm nay phải làm xong tất cả rồi báo cáo cho tôi biết. Phần ông như vậy tạm đủ. Mình đang thiếu người, làm việc hơi cực một chút, ông nên khuyến khích anh em đừng coi thường, kỳ này đánh lớn đó.
Từ trên thềm khu Hậu Giải Phẫu, cao hơn sân bệnh viện chừng 40 phân, tôi bước xuống sân đi tới phòng cấp cứu gặp cô Cúc và cô Phúc, y tá phòng cấp cứu đang đứng ở đó. Cô Cúc có biệt danh là Cúc Lùn hay Cúc Đồng vì tên cô là ĐồngThị Cúc và hơi thiếu bề cao. Cô có dáng người khỏe mạnh, cô học một năm Vovinam. Tôi được nghe kể lại, có lần không hiểu vì cớ gì cô đá bay một chàng lính Quân Y, khiến hắn ta dậy không nổi. Cô rất thích nghe chuyện tiếu lâm. Lúc nào thấm ý cô cất tiếng cười, cả nhà thương bốn trại, năm phòng đều nghe tiếng. Vừa thấy tôi, cô cất cao giọng tinh nghịch hỏi:
– Bác sĩ, sợ không bác sĩ?
Tôi gật đầu, cười đáp:
– Sợ chứ. Nhưng hiện giờ tôi có việc này nhờ cô làm ngay cho.
Cô Cúc nhanh nhẩu cướp lời:
– Việc gì bác sĩ?
Vẫn giọng tinh nghịch, Cúc tiếp:
– Bác sĩ có việc gì cứ ra lệnh, là em làm ngay.
Tôi không trả lời vội, đưa mắt nhìn qua tủ thuốc trực, thấy chỉ còn vài ba chai Ringer’s Lactate, Destrose, và Sodium, một dãy hộp thuốc chích, thuốc viên đủ loại. Chiếc ống nghe, cái máy đo huyết áp để lỏng chỏng phía góc tủ.
Tôi nhìn cô Cúc nghiêm trang nói:
– Như cô đã thấy, với tình hình khẩn trương như hiện nay, có thể bệnh viện sẽ tiếp nhận một số lớn người bị thương. Tôi muốn mọi người lúc nào cũng phải có ít nhất hai mươi chai nước biển, cùng dây truyền nước đầy đủ, các loại thuốc cấp cứu như SAT, Demerol, thuốc trụ sinh, thuốc cầm máu… cùng bông băng, các thuốc sát trùng như Phisohex, hoặcThimerosal và những thứ khác nữa. Bây giờ cô lo lập phiếu xin ở kho và lãnh ngay càng sớm càng tốt, tôi sẽ ký sau.
Nói xong tôi để Cúc đi làm phiếu lãnh thuốc. Tôi đứng trầm ngâm nhìn quanh Phòng Cấp Cứu. Thật không có Phòng Cấp Cứu nào tồi tệ hơn. Phòng lúc nào cũng thiếu ánh sáng vì không có bóng đèn điện. Phòng rộng 4 thước, dài 7 thước. Hai mặt có cửa sổ, một cửa ra vào và một cửa hông thông ra Phòng Ngoại Chẩn. Mái lợp tôn và không có trần nên từ 11 giờ trở đi là nóng như thiêu như đốt. Mùa mưa thì dột vì mái bị thủng do những mảnh pháo kích mấy năm trước chưa được sửa lại.
Phụ trách Phòng Cấp Cứu có tám nhân viên (bốn Quân Y, bốn Dân Y). Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết, số nhân viên có thể tăng lên nhiều do các y tá ở các trại bệnh khác được điều động tới để tiếp tay. Đó là một ưu điểm của một bệnh viện nhỏ, không thủ tục giấy tờ hành chánh rườm rà, lúc nào cũng gọn nhẹ, và năng động, rất dễ dàng điều khiển cho hợp vói nhu cầu. Tôi đặc biệt thích điểm này vì nó đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhiều thì giờ, và có khi cả sinh mạng nữa.
Với một Phòng Cấp Cứu nhỏ xíu như vậy chỉ cần năm bệnh nhân vào một lúc là phòng chật cứng khó bề xoay sở. Lại thêm những kẻ hiếu kỳ, và thân nhân của bệnh nhân, đã xông đại vào phòng, bất cần lời cấm đoán của bác sĩ và nhân viên, lại càng gây thêm trở ngại trong việc săn sóc bệnh nhân.
Những người đó làm tôi bực mình không ít. Tôi ít khi nào to tiếng với ai vì lúc nào tôi cũng tôn trọng nhân vị người khác và rất thông cảm mối quan tâm của họ với người thân. Vậy mà đôi khi tôi phải lớn tiếng hoặc dọa bỏ đi không làm việc nữa, họ mới lùi lại một chút để khi có cơ hội lại lấn vào như cũ.
Tôi thông cảm với một bệnh viện nhỏ thiếu thốn đủ mọi phương tiện, riết rồi cũng quen đi. Tôi cứ chú tâm vào việc mình làm, không cần để ý tới những khó chịu ấy nữa.
Trong trường hợp nếu có trận chiến xảy ra, vào cả trăm người thì sao? Tôi thầm tự hỏi. Tôi ngước lên nhìn dãy hành lang khu Nội khoa, nằm phía trước phòng cấp cứu. Dãy hành lang cao ráo sạch sẽ dài tới 40 thước, có thể tạm làm nơi cấp cứu nạn nhân trong khi chờ đợi di chuyển những người đã được chăm sóc xuống trại.
Có tiếng thắng xe làm tôi nhìn ra. Một chiếc xe Jeep không mui đã ngừng trước cửa. Hai người lính trên xe nhảy xuống, nhanh nhẹn lấy một chiếc băng-ca dựng dọc theo tường phòng cấp cứu để xuống đất, rồi cố gắng khênh một người lính bị thương đặt lên cáng đem vô phòng.
Tôi cúi xuống nhìn người bị thương. Đó là một người lính Thượng. Anh ta hãy còn tỉnh, nằm giương cặp mắt mệt mỏi nhìn tồi. Ở phần bụng có băng một băng cá nhân lớn. Vết máu trên miếng băng đã khô. Cô Phúc nhanh nhẹn lấy kéo cắt giải băng. Tôi lật băng lên, hai vết thương nhỏ, một ở gần rốn, một ở sườn phải. Tôi ấn nhẹ tay xuống thành bụng. Bụng hơi cứng. Bệnh nhân nhăn mặt rên nhỏ:
– Đau lắm bác sĩ à. Mảnh đạn chắc đã xuyên vào bụng.
Tôi hỏi:
– Anh bị thương lúc nào?
– Hồi hai giờ đêm qua.
– Mìn hay lựu đạn?
– Em không biết, chắc mảnh B40.
Tôi khám nhanh người bệnh. Hai bên phổi thở đều. Vết thương ở bên sườn chắc chỉ sượt bên ngoài, chưa xuyên vào phổi, bệnh nhân thở không khó khăn. Các vùng khác không có gì, ngoài cánh tay trái bị trầy sơ. Tôi nói với cô Phúc:
– Cô cho chuyền một chai Ringer’s, thuốc chích ngừa phong đòn gánh, cho phân loại máu, đo Hematocrit, chụp QuangTuyến bụng thẳng và nghiêng, chụp phổi, rồi chuyển lên Phòng Mổ ngay cho tôi.
Bây giờ là 10 giờ kém 15 phút. Tôi vừa nói vừa ghi nhanh vào tờ bệnh nghiệm. Ký thêm năm sáu phiếu thử nghiệm và phiếu thuốc do cô Phúc đưa cho tôi. Sau đó tôi đi lên phòng mổ.
Đó là một dãy nhà tiền chế, nằm chận ngang khu Nội Khoa, thành hình chữ T. Nền nhà cao hơn mặt đường 40 phân. Nhà lợp tôle có trần bằng carton, được chia làm ba phần. Phần đầu làm Phòng Quang Tuyến, phần giữa Phòng Mổ và phần cuối Phòng Hậu Giải Phẫu. Muốn đi qua Phòng Mổ, phải qua Phòng Hậu Giải Phẫu. Tôi đẩy cánh cửa xanh màu lá cây quê mùa bước vào phòng mổ, miệng kêu:
– Mổ bụng, mổ bụng!
Cồ Thìn, cô Lâm, anh Xòm đang ngồi nói chuyện bên chiếc cáng có bánh xe đẩy gần máy lạnh quay ra. Cô Lâm nhăn mặt nói:
– Trời ơi, lại mổ bụng nữa!
– Đừng than, sẽ còn nhiều. Bây giờ cô sửa soạn mang bộ Major set ra. Cô Thìn kêu chị Huyên đi mời cô Đào, cô Bích lên đây, anh Xòm lo sửa soạn máy gây mê đi.
Có tiếng động mạnh ở cửa phòng mổ, tôi mở rộng cửa để người y công đẩy xe chuyển bệnh nhân vào. Tôi giúp mọi người khênh bệnh nhân sang bàn mổ. Quay sang anh Xòm tôi nói:
– Anh nhớ đặt ống thông tiểu sau khi đo áp huyết xem có máu trong nước tiểu không.
Tôi đi vào nơi rửa tay để thay áo, mang mask và mũ. Chỗ rửa tay là một phần phòng mổ lấn sang Phòng QuangTuyến, dài 3 thước và rộng 1 thước rưỡi. Ở đó có hai chậu rửa làm theo đúng quy cách của một phòng giải phẫu nhưng không có nước. Người ta phải để một sô lớn và ba sô nhỏ đựng nước. Dọc sát vách tường, có hai kệ lớn đựng dụng cụ y khoa như băng bột, bông, chỉ may và những dụng cụ hư hỏng. Rửa tay bằng bàn chải chà thuốc Phisohex. Có một y công đứng cạnh dùng lon xối nước cho mọi người rửa tay.
Ở đây không có nước máy chạy liên tục. Nước do công ty Công Chánh cung cấp mỗi ngày hai giờ. Hứng nhỏ giọt chưa được mộ thùng phuy. Những ngày mổ nhiều có khi hết nước rửa tay, phải đi xin các trại khác. Tình trạng khan hiếm nước như vậy đã có từ lâu, có thể từ ngày thành lập bệnh viện. Tới giờ vẫn chưa có sự sửa sang cải tổ hữu hiệu nào.
Nói cho ngay, đàng sau bệnh viện đã có xây xong một bồn nước cao, nhưng không có máy bơm nước lên vì giếng ở trên đồi, làm gì có nước và chuyện này dường như chẳng ai để ý tới nữa.
Tôi nghe thấy tiếng cười của cô Đào ở ngoài phòng, vội bước ra. Cô là nữ Hộ Sinh Trưởng của bệnh viện, kiêm chuyên viên gây mê, năm nay chừng 28 tuổi. Cô là người dễ mến. Cô làm việc chăm chỉ và tận tâm. Cô có một đứa con trai mới được 8 tháng rất kháu khỉnh, ai hỏi gì cũng cười. Trông thấy tôi, cô hỏi:
– Mổ bụng hả bác sĩ?
Tôi gật đầu:
– Cô cho bệnh nhân ngủ đi. À anh Sáu, nước tiểu ra sao, huyết áp bao nhiêu?
– Thưa bác sĩ, nước tiểu trong ạ.
Anh Sáu Xòm vừa nói vừa đổ ether vào máy thuốc mê vừa nói:
– Tension 10 trên 7, mạch 96.
– Tốt! Chúng ta bắt tay vào việc là vừa.
Trong số các nhân viên phòng mổ, tôi thích nhất anh Sáu Xòm. Anh quê ở Sa Đéc, không hiểu sao lại lưu lạc tới tận vùng đất đỏ này. Anh ăn nói lễ phép, hiền lành, chịu khó làm việc, chịu khó học hỏi. Anh có bằng CC1 phòng mổ, nhưng hiện giờ anh có thể đảm nhiệm việc gây mê một cách hoàn hảo, mặc dù anh không được gửi đi học khóa nào.
Chính cô Đào đã truyền nghề cho anh. Cho tới nay, anh đã gây mê được gần 100 trường hợp với kết quả tốt đẹp, không có gì trục trặc xảy ra. Có anh, cô Đào đỡ được một phần gánh nặng. Trong suốt hai tháng cô Đào nghỉ phép đi sanh, anh đã giúp tôi gây mê nhiều trường hợp. Nếu không có anh, tôi thực là bối rối, vì không ai gây mê cho bệnh nhân cho tôi mổ. Từ xưa đến giờ cô Đào là chuyên viên gây mê độc nhất ở đây.
Tôi còn nhớ, có một lần chính tôi phải vừa gây mê, vừa mổ vì cô Đào đi công tác vắng. Một buổi tối, một đứa nhỏ bị nhân dân tự vệ bắn bị thương ở bụng, cần mổ gấp mà không có chuyên viên gây mê. Tôi phải gồng mình cho nó ngủ một cách khó khăn, vì nó đã ăn rồi, bị sặc và ói mửa, nhưng rốt cuộc nó cũng ngủ yên. Tôi liền giao cho môt y tá giữ máy, và dặn xem chừng huyết áp, mạch và nhịp thở, rồi tôi hối hả đi rửa tay, mặc áo mổ thật lẹ. Cũng may thằng bé chỉ bị một vết thương nhỏ ở gan, chừng ba phân. Tôi khâu lại bằng hai mũi Catgut chronic để cầm máu. Kiểm soát các cơ quan trong bụng, thấy không còn vết thương nào nữa, tôi vội vã khâu đóng bụng lại. Cuộc giải phẫu kết thúc mau lẹ, chưa đầy một giờ đã xong. Tuần sau đứa nhỏ xuất viện mạnh khỏe. Thật là may mắn cho cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.
Rút kinh nghiệm lần đó, tôi đã đề nghị với bác sĩ Giám đốc cho anh Xòm được tập sự gây mê với cô Đào. Vì anh Xòm là chuyên viên Phòng Mổ lại có thiện chí học hỏi, nên chẳng bao lâu, anh Xòm đã có thể gây mê một mình được.
Sau này bệnh viện có thêm một chuyên viên gây mê mới đi học CC1 về, là Binh nhất Thiện. Thành ra kể cả anh Xòm, bệnh viện có cả thảy ba chuyên viên gây mê. Chắc chắn tôi sẽ không còn gặp cái cảnh này vừa gây mê, vừa mổ nữa.
Tôi nhìn quanh không thấy cô Bích. Tôi hỏi cô Lâm:
– Cô Bích đâu, chưa tới à, cô Lâm?
– Thưa quan Đốc, nhà cháu đây ạ.
Cô Bích mở cửa bước vào, nhái giọng Bắc Kỳ trả lời tôi, làm mọi người cười vui vẻ. Cô Bích cũng cười khoe hàm răng trắng đều và đẹp. Cô là Cán Sự Điều Dưỡng. Nghe nói quê của cô ở Long An, gần Sài Gòn, cùng lớp với cô Bông. Sau khi tốt nghiệp cán sự y tế, hai cô chọn nơi đây làm việc. Trước đây cô là Y tá Trưởng phòng mổ. Cô phụ mổ hơn một năm nay nên công việc rất thành thạo. Cô mới được cử qua làm Điều Dưỡng Trưởng trại Nội Khoa Nam. Điều Dưỡng Trưởng Phòng Mổ hiện thời là cô Nga, đang nghỉ phép nên tôi phải mời cô Bích tới phụ mổ.
Cô Bích và cô Bông, Điều Dưỡng Trưởng của bệnh viện ở chung với nhau tại một phòng trong khu Ngoại Khoa, nên lúc nào cần, hầu như các cô đều có mặt. Cô Bích làm việc hăng hái lắm, nhưng có từng cơn. Cô vui giận bất thường nên làm việc với cô phải tế nhị mới được. Hiện tượng này chỉ có gần đây thồi. Chứ trước kia cô vui vẻ yêu đời lắm. Những ngày đầu tôi làm việc ở đây, tôi thấy bác sĩ giám đốc bệnh viện đi thả bộ cùng cô ở sân bệnh viện, nói cười thân mật vui vẻ lắm. Nhưng sau khi bác sĩ lập gia đình rồi thì thấy tánh tình cô hơi đổi khác, nhưng phải tinh ý lắm mới nhận biết được. Có thể vì tính cô hồn nhiên hay cười nói nên khó nhận ra. Chỉ khi làm chung với cô mới biết được thôi.
Vài tháng sau, tôi thấy có một Trung úy Dù tới thăm cô tại bệnh viện. Tôi cũng mừng cho cô đã tìm được người bạn mới. Có một lần tôi thấy cô ngồi đan áo. Tôi hỏi:
– Cô đan áo cho ai vậy?
Cô cười cười không trả lời, bà Khánh đứng cạnh nhanh nhẩu đáp thế:
– Chắc đan áo cho bồ chứ còn ai nữa.
Cô Bích vẫn cười cười không công nhận mà cũng không chối bỏ. Tôi đoán mò, hỏi:
– Chắc chàng Trung úy Dù đẹp trai, to khỏe hôm trước phải khồng?
Cô Bích ỡm ờ trả lời:
– Có thể lắm. Anh ấy cũng to cỡ bác sĩ. À nhờ bác sĩ đứng thẳng để tôi ướm thử xem cái vai nó có vừa không.
Tôi cau mặt nói:
– Cái cô này lạ nhỉ. Tại sao không đo ngay trên người anh ta, mà lại lấy tôi làm người mẫu.
Cồ Bích năn nỉ:
– Thôi mà, xin bác sĩ làm ơn làm phước giùm một chút, có mất mát gì đâu.
Tôi làm bộ giận nói:
– Bộ cô tưởng tôi là phường giá áo túi cơm sao mà đo với ướm áo.
Cô biết tôi nói chơi nên cười ngặt nghẽo:
– Đâu ai dám nói bác sĩ như vậy đâu. Nhờ bác sĩ một chút thôi, tôi muốn làm món quà tặng bất ngờ mà, lại sợ áo không được vừa nên mới mạo muội như vậy. Tôi năn nỉ.
Bà Khánh đứng bên cũng nói vô:
– Bác sĩ thử cho cô ấy đo xem sao.
Thực ra tôi thấy cô có ý nghĩ lạ. Nên muốn làm khó chơi một lúc xem sao chứ đo thì đo đâu có nhằm nhò gì. Tôi đứng lên cho cô Bích ướm thử bề ngang cái vai. Cô nói:
– May quá, nếu không thử thì hư mất rồi. Áo sẽ bị chật. Cám ơn bác sĩ.
– Cô cảm ơn bằng gì? – Tôi hỏi cắc cớ.
– Một nồi cà ri gà.
– Cũng được.
Một tuần sau vào một buổi trưa nhàn rỗi, mọi người đang ngồi nói chuyện ở phòng Hậu Giải phẫu. Cô Bích mang một gói đồ tới, nói:
– Tôi lại phiền bác sĩ một lần nữa. Áo đã đan xong rồi, nhờ bác sĩ thử xem có vừa không.
Tôi nghĩ thế này thì quá lắm. Tôi tưởng cô nhờ một lần rồi thôi. Ai đời đi đan áo cho bồ mà lại cứ bắt tôi thử. Tôi không nói gì, đứng dậy cầm lấy cái áo lên mang vào phòng mặc thử. Thấy vừa in, màu xám rất nhã. Tôi ra ngoài nói với cô Bích:
– Áo vừa quá cô ạ. Mặc vào đẹp lắm.
Rồi tôi cứ thản nhiên ngồi nói chuyện như chẳng có gì xảy ra cả. Cô Bích nóng ruột nói:
– Bác sĩ cởi áo ra trả lại chứ, thử thôi mà.
Tôi nói ngang một cách rất nghiêm trang, cù không cười:
– Áo này rất vừa và rất đẹp, không thể nào cởi được.
Cô Bích năn nỉ:
– Tội nghiệp mà bác sĩ. Trả áo cho tôi đi. Mai mốt tôi sẽ đan cho bác sĩ một cái áo khác.
Tôi nghe trong giọng nói của cô chẳng có gì thực sự muốn đòi lại cái áo cả. Có thể là do chủ quan chăng? Bà Khánh, chị Huyền, cô Lâm, cô Thìn chỉ ngồi cười, mặc cho cô Bích năn nỉ. Có thể họ cũng cùng một ý nghĩ như tôi. Tôi nói:
– Để cho công bằng tôi sẽ về Sài Gòn mua mấy cuộn len để đền lại cô. Còn cái áo này nó dính chặt vào người tôi rồi không cởi ra được nữa. Cảm ơn cô nhiều lắm.
Tôi vừa nói vừa cười, đứng dậy tỉnh bơ đi về phòng.
Mấy ngày sau, mỗi lần gặp tôi cô đều đòi áo, nhưng đời nào tôi trả. Cô không giận mà hình như lại còn thân hơn trước. Cô nói tôi lì quá chứ ai lì như
vậy.
Cô Đào đã cho bệnh nhân ngủ yên. Cô Lâm đã rửa sạch vùng sắp mổ. Mọi người đều đã sửa soạn xong. Tôi vào phòng rửa tay. Vài phút sau tôi bước ra, cô Thìn đã cầm một chiếc áo mổ màu xanh xám đợi sẵn, giúp tôi mặc vào, đeo găng tay xong, tôi cùng với cô Bích trải khăn mổ phủ lên người bệnh trong khi cô Thìn lo sửa soạn dụng cụ.
Tôi cầm con dao mổ hỏi cô Đào:
– Mổ được chưa cô?
– Dạ được. – Cô Đào nhanh nhẩu trả lời.
Tôi ấn mạnh lưỡi dao xuống lằn da bụng. Thẳng một đường từ cuối chấn thủy xuống, vòng qua phía trái của rốn tới gần xương mu. Màu đỏ dợm chảy theo vết cắt. Mỗi lần cầm dao mổ tôi lại có cảm giác sung sướng như đã đạt được một cái gì.
Hồi tôi mới vào trường Y Khoa, thấy các thầy và các bậc đàn anh, tay thoăn thoắt con dao cái kéo làm việc, ánh mắt đầy vẻ tự tin, khi thì nghiêm trang khi thì bông đùa, tôi lấy làm phục lắm. Tôi ước mơ một ngày nào đó tôi sẽ được như vậy. Chính vì thế nên dù biết nghề giải phẫu vất vả, tôi vẫn theo học. Một phần nữa, tôi thấy giải phẫu cho ngay kết quả trước mắt. Có nhiều bạn bên Nội Khoa bó tay phải nhờ tới thủ thuật của nhà giải phẫu mới chữa được.
Đôi khi, tôi còn cảm thấy giải phẫu làm chơi mà được việc. Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian ngồi khâu lại một động mạch bị đứt có thể cứu được cả một cẳng chân, một cánh tay tránh khỏi bị cưa cắt. Đó là một trường hợp mới xảy ra hai tháng trước. Tôi được nghỉ phép về thăm nhà, tính ra ngày hôm sau mới phải về lại bệnh viện nhưng có xe người bạn đi về nên theo lên sớm hơn một ngày. Không ngờ vừa lên đến nơi thì có một người bị thương đứt động mạch đùi do mảnh lựu đạn. Tôi liền vào bệnh viện mổ ngay nối lại động mạch nên chân người lính khỏi bị nguy hiểm vì phương tiện tản thương ban đêm không có, để chậm thì có thể chân bị cưa. Những kết quả nhỏ nhoi ấy thực không đáng kể nhưng ít ra nó cũng làm cho tôi vui và xoa dịu được phần nào mặc cảm tự ti khi đọc thấy những tiến bộ lớn lao của y khoa thế giới.
Trong khi ở các nước tiên tiến, y khoa đang đào sâu tới tận phân tử của các hóa chất, nhằm giải đáp những nguyên nhân bệnh để đi tìm những phương thuốc hữu hiệu và hợp lý để trị bệnh thì y khoa của nước nhà vẫn còn phôi thai chưa vượt được mức chặn tế bào. Tuy nhiên mục đích tối hậu của y khoa cũng chỉ là để cứu sống người bệnh. Ngay tại tỉnh nhỏ này, có rất nhiều thiếu thốn.
Tôi đang làm điều đó với nhiều nhiệt tâm. Tôi đã cứu sống nhiều người bệnh. Tôi rất vui và nghĩ rằng mặc dù mình không có những phát minh cao siêu, những kỹ thuật tân kỳ nhưng mục đích tối hậu đã đạt được. Tôi cũng đỡ mặc cảm nhiều lắm.
Tâm trí tôi lúc nào cũng mong muốn phát minh ra một cái gì độc đáo. Chính vì vậy khi tôi còn là Y Sĩ Trưởng Trung Đoàn 43, một vấn đề nan giải lúc bấy giờ là lở loét bàn chân của đa số binh lính đi hành quân trong mùa mưa. Hồi đó, giày của Bộ Binh đều là giầy vải. Bị ngâm nước trong bùn suốt ngày, da chân mềm ra, lại thêm bị cọ sát với thành giầy khi di chuyển nên da chân bị tróc, gây nên lở loét, đau đớn. Binh sĩ không thể nào tiếp tục cuộc hành quân được.
Trong mùa mưa, nhiều đơn vị có số binh sĩ bất khiển dụng vì lở loét chân lên tới già nửa. Tinh thần binh sĩ xuống, có nhiều trường hợp tự hủy hoại thân thể để khỏi phải đi hành quân như tự bắn vào chân vào tay, vào bụng do chính mắt tôi thấy để hy vọng được tản thương về hậu cứ hoặc xuất ngũ.
Để chữa trị chứng lở loét đó, Quân Y thường lấy thuốc đỏ tức là Mercurochrome thoa lên chỗ vết lở. Nếu làm độc thì cho thêm thuốc trụ sinh. Phương pháp đó hoàn toàn không hữu hiệu, lại làm tăng thêm sự đau đớn của bệnh nhân. Nhiều trường hợp sau khi thuốc thoa thuốc đỏ lên, chân còn bị phản ứng sưng vù thêm, không thể di chuyển được.
Tôi nghĩ cần phải kiếm ra một phương thuốc công hiệu nhanh chóng. Chỉ cần một hai giờ hay cùng quá qua đêm là phải dứt điểm sự đau đớn lở loét chân, đồng thời phải giản dị và rẻ tiền để có thể áp dụng cho hàng loạt mấy trăm người một lúc.
Tôi đã nghĩ được phương thuốc đó, đã thí nghiệm thành công cho các binh sĩ của bốn Tiểu Đoàn Bộ Binh của Trung Đoàn 43. Các sĩ quan Trợ Y báo cáo về cho tôi biết thuốc công hiệu, binh sĩ rất thích thuốc thứ này. Hành quân trong mùa mưa, khi dừng chân hay nghỉ qua đêm, những người lính được lệnh tháo giày thoa thuốc, để khô chừng 20 phút rồi lấy vớ khô đi vào. Từ đó quân số bất khiển dụng do đau lở bàn chân giảm rất nhiều. Phương thuốc này vừa chữa trị, vừa phòng ngừa được chứng lở loét bàn chân rất hữu hiệu khi phối hợp với vệ sinh bàn chân.
Đó chính là dung dịch nitrate bạc 0.5 % (Silver Nitrate solution 0.5 %.) với hai đặc tính rất cần thiết để trị chứng lở loét bàn chân: sát trùng và khô da (astringent).
Từ Trung Đoàn tôi đã điện thoại với Y Sĩ Thiếu tá Phạm Hữu Hảo, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 18 Quân Y để trình bày về phương thuốc mới này và đã được sự đồng ý của anh Hảo. Anh đã ra lệnh cho các dược sĩ của Tiểu Đoàn 18 Quân Y pha chế dung dịch Nitrate bạc đem phân phát cho các binh sĩ. Thí nghiệm này ít người biết vì chưa được công bố ra nhưng những kết quả sơ khởi đó làm tôi rất hài lòng.
Sau khi dùng kẹp cầm máu xong, tôi dùng kéo mổ bụng. Ruột phình lên, máu bầm tràn ra thành bụng. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho biết chắc chắn 100 phần trăm có vết thương trong bụng và cũng đã xác sự định bệnh đã đúng. Bây giờ chỉ cần đi kiếm xem vết thương ở đâu để dùng thủ thuật giải phẫu chữa trị. Tôi lấy khăn thấm máu. Kêu cô Lâm mở máy hút. Sau khi hút hết máu bầm, tôi khỏi sự khám ruột non. Tôi thấy một khúc ruột dài chừng 30 phân bị thủng tới mười mấy lỗ. Tôi quyết định cắt đi rồi nối hai đầu lại.
Đúng lúc tôi khâu xong mũi chỉ đầu tiên, đèn phòng mổ lu dần rồi cả phòng chìm trong bóng tối. Tôi thở dài, mặc dù đã quá quen với cảnh này tôi cũng muốn văng tục. Từ gần một năm nay, máy điện bị trục trặc hoài, sửa không hết. Đèn lúc sáng lúc tối. Đã hơn một lần tôi phải mổ dưới ánh đèn pin, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi vì nóng. Cả toán mổ ai nấy đều phải choàng khăn kín thân mình từ đầu tới chân chi để hở đôi mắt. Chân phải đi đôi giày cao su tới đầu gối để tránh nước rửa vết thương lẫn máu thấm vào người. Quanh bụng còn phải quấn một mảnh nylon, bởi vậy khi không có đèn điện, phòng mổ không có máy lạnh thì chúng tôi khổ sở đến chừng nào. Anh Xòm cười nói:
– Ban ánh sáng sửa soạn làm việc.
Hiểu ý, cô Lâm và Thượng sĩ Lý, mỗi người lấy một cái đèn pin để sẵn trong tủ thuốc soi cho tôi tiếp tục làm việc.
Nắng tháng Tư đổ xuống mái tôn làm cho căn phòng mổ kín mít này ngột ngạt vô cùng. Mồ hôi từ trán chạy xuống mắt tôi cay xè. Cô Lâm thỉnh thoảng lại phải lấy khăn lau sạch mồ hôi trên mặt tôi vì sợ để rơi xuống vùng đang mổ gây nhiễm trùng. Cũng may, chúng tôi không phải chịu cực hình đó lâu hơn nữa. Khi tôi vừa nối xong hai đầu ruột, tôi thấy tiếng máy điện chạy rồi đèn phòng mổ bật sáng và tiếng máy lạnh bắt đầu. Mọi người đều reo vui mừng. Tôi thở ra nhìn cô Đào nói:
– Thoát nạn.
Cô Đào không nói gì chỉ nhe răng cười, tay cầm mảnh băng chùi vội những giọt mồ hôi trên trán.
Tôi vá thêm hai lỗ thủng ở ruột non. Sau đó tôi khởi sự khám các cơ quan khác, thấy tất cả đều bình thường không còn một vết thương nào nữa, liền sửa soạn khâu bụng lại. Khi tôi đang khâu da, Thiếu úy Thu đứng ở ngoài cửa Phòng Mổ ló đầu vào nói:
– Thưa bác sĩ, tôi đã đọc nhật lệnh cho các anh em. Chia họ làm ba toán cứu thương, thay phiên nhau làm việc. Ban đêm 50 phần trăm quân số ở lại bệnh viện và 50 phần trăm về canh gác trại gia binh.
Tôi gật đầu hài lòng:
– Ông lo kiểm soát anh em, có gì báo cáo cho tôi ngay.
Mổ xong tôi ra Phòng Hồi Sức lấy tờ bệnh nghiệm cho thuốc và ghi các phương thức săn sóc hậu giải phẫu. Sau đó tôi viết nghi thức giải phẫu vào cuốn sổ. Khi tôi ra khỏi nhà thương đi bộ về nhà, nhìn đồng hồ chỉ đúng 12 giờ 30 phút.
Bệnh nhân mổ vừa rồi là người đầu tiên trong tổng số các vụ mổ tại chiến trường AnLộc. Cũng như ông già Long là người đầu tiên đã nằm xuống vĩnh viễn vì trái hỏa tiễn phục kích mở màn trận đánh. Đó là ngày 5 tháng 4 1972.
No comments:
Post a Comment