Sunday, July 31, 2022

Quán Hồng Vân - Vũ Đình Hải

Từ trái sang phải: Th/úy Vũ đức Tiềm, Th/úy Nguyễn văn Vân.
Hình chụp đầu năm 1974, thượng nguồn sông Ô Lâu, bắc Thừa Thiên. Dãy núi phía sau lưng là vùng địch, ban đêm nghe rất rõ tiếng xe cơ giới chuyên chở chiến cụ từ đường mòn Hồ chí Minh rẽ nhánh vào đây.


Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.

Như một nén hương tưởng nhớ về cố Đại úy Vũ Đức Tiềm, một trong những Trung đội trưởng xuất sắc nhất của Tiểu đoàn 8 ND, đã tử trận khi lọt vào ổ phục kích của địch trên chiến trường Thường Đức, Quảng Nam, ngày 23 tháng 9 năm 1974.


Tháng 7 năm 1972 khi mặt trận An Lộc, Bình Long vừa ngớt đi tiếng súng thì Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù được lệnh rút ra khỏi vùng hành quân. Không phải là được trở về hậu cứ để nghỉ ngơi dưỡng sức như mọi người thầm mong ước. Không một ngày nghỉ ngơi, toàn bộ tiểu đoàn được gấp rút không vận ra quân khu một, lăn lưng vào chiến dịch tái chiếm Quảng Trị. Mới ngày hôm qua còn ngửi mùi khét của B40 trên An Lộc địa sử, ngày hôm nay đã nghe tiếng dội ì ầm của pháo 130 ly vọng về trên vùng đất Quảng Trị xa xôi địa đầu giới tuyến. Tiểu đoàn 8 ND với khí thế hừng hực của một Bình Long anh dũng, hòa vào đoàn quân mũ đỏ, từng bước đẩy lùi địch quân ra khỏi mảnh đất Quảng Trị thân yêu.
Trung đội 2, Đại đội 84 được lệnh tiến quân, tiếp cận mục tiêu. Lấy con lộ đá làm chuẩn, bên cánh trái có trung đội 1, ít ra cũng ấm được một cạnh sườn, Thiếu úy trung đội trưởng Vũ Đức Tiềm yên tâm dốc trung đội tiến lên. Ba người trong tổ khinh binh dè dặt bước chậm rãi về phía trước, khẩu M72 đạn đã lên nòng, ngón tay chạm nhẹ lên cò súng. Bất thình lình một loạt AK nổ ròn rã. Ngay lập tức viên đạn M72 rời khỏi nòng súng mà không cần lấy điểm ngắm, bay về phía địch quân. Tiếng nổ của viên đạn M72 hớp hồn địch quân, đồng thời dõng dạc kích động giữ vững niềm tin cho đồng đội. Ba tay súng lăn người tìm chỗ nấp và bắn trả về phía đối phương. Địch quân từ những nơi ẩn nấp kín đáo bắn ra như mưa. Thiếu úy Tiềm vừa điều động trung đội tiến lên, vừa quan sát, lắng nghe, lặng lẽ tìm hiểu hệ thống phòng thủ của địch. Khoảng cách từ ta đến địch tương đối vẫn còn xa, phải thu ngắn khoảng cách hơn nữa rồi mới xin pháo binh bắn yểm trợ. Địch không có vũ khí nặng, lắng nghe chỉ thấy có tiếng nổ quen thuộc của đạn AK và B40.
Giữa lúc tiếng súng hai bên đang đáp trả, chợt tiếng binh nhất Huỳnh Ánh gào lên:
- Có người, Thiếu úy ơi, có người.
Tiềm bò vội lên, ẩn người sau mô đất, quan sát về phía trước. Khoảng 100 thước về phía bên trái, sau bụi chuối thấp thoáng 2 dáng người nhỏ nhắn đang cố thu người lại, lọn tóc dài đen óng lẫn trong những tàu lá chuối xanh nõn. Toàn bộ trung đội tập trung hỏa lực bắn thật rát vào các vị trí của địch quân, chờ cho đến khi tiếng súng của địch nhẹ đi, Tiềm và Huỳnh Ánh chồm người dậy, phóng nhanh về phía bụi chuối. Hai người nắm chặt lấy tay 2 người con gái tả tơi chạy loạn, lôi nhanh về phía trung đội. Nhưng họ ngã soài ra mặt đất vì đói lả, chẳng còn hơi sức nào nhấc nổi đôi chân. Người lính Dù vội xốc họ lên vai, chạy thật nhanh về phía sau. Tới lúc này thì địch quân đã nhìn thấy họ, những loạt đạn AK cày trên mặt đất đuổi theo, nhưng địch đã chậm mất một nhịp, 4 người đã lọt được vào tuyến phòng thủ của trung đội an toàn.
Người lính Dù đặt 2 cô gái ngồi tạm trên nền đất, lưng dựa vào vách tường. Nét mặt họ có phần tươi tỉnh dù hơi thở còn yếu ớt, đôi mắt mệt mỏi nhưng đã ánh lên màu hy vọng. Máu vẫn rỉ ra từ cổ tay người con gái, thấm ướt cả vạt áo. Tiềm vội tháo chiếc băng cứu thương của mình băng bó cho cô gái. Một lát sau 2 tô mì gói bốc khói nghi ngút được đem ra, ánh mắt 2 cô gái tươi tỉnh phấn chấn hẳn lên. Lúc đầu còn e ngại, sau đó thì có thực mới vực được đạo, 2 cô hăng hái húp soành soạch nhanh hơn cọp, 2 tô mì trong nháy mắt đã cạn queo. Lúc này cô gái mới ngẩng đầu lên, bắt gặp ngay ánh mắt đầy lo lắng của thiếu úy Tiềm, hai má cô chợt hồng lên, ngượng ngùng bẻn lẻn. Tiềm bước đến bên cô gái, cúi xuống đưa cho cô một túi nylon đựng đầy những bịch gạo sấy, những đồ hộp của khẩu phần ration C.
- Các cô cầm tạm chút lương khô này, đi về phía sau sẽ có anh em Nhảy Dù đưa các cô về đến vùng an toàn. Chúng tôi phải đi ngay bây giờ, chúc may mắn nhé.
Người trung đội trưởng Nhảy Dù quay lưng bước đi, màu áo ngụy trang lẫn vào cây lá.

Thiếu úy trung đội trưởng Vũ Đức Tiềm cùng tổ khinh binh bò sát mặt đất, trườn người về phía trước, quan sát tình hình. Căn nhà gạch mái đỏ có vẻ kiên cố lắm, lại nhô hẳn ra một góc so với những căn nhà cùng dãy. Tự nhiên Tiềm liên tưởng, nếu là mình thì sẽ bố trí trong căn nhà này một tổ hỏa lực thật mạnh. Mà sao từ nãy tới giờ không hề có một tiếng súng nổ từ trong căn nhà này bắn ra. Với linh tính nhạy bén của một người thợ săn, Tiềm khoát tay ra hiệu cho tổ hỏa lực của Kor Stul áp lên. Khẩu đại liên M60 trong đôi tay của xạ thủ Kor Stul nhẹ nhàng như người ta cầm cái chổi lông gà, hầm chiến đấu của Kor Stul bao giờ cũng đào lâu hơn người khác vì nó phải rộng hơn, sâu hơn. Hai khẩu M72 đạn đã lên nòng, kín đáo hướng về phía căn nhà mái đỏ, chờ đợi.
Từng loạt đạn pháo binh bắt đầu chụp lên mục tiêu. Trên trận tuyến mỗi khi người lính ND nghe được tiếng pháo quen thuộc của phe mình dóng vào trận địa, tự nhiên lòng trở nên ấm cúng lạ thường, niềm tự tin, lòng cảm quả bỗng nóng dần lên. Những viên đạn 105 ly chìm sâu xuống lòng đất rồi mới nổ ngược lên, hất tung hầm hố của địch quân lên cao, tung tóe thành muôn ngàn mảnh vỡ. Tinh thần chiến đấu của địch quân bắt đầu chao đảo, pháo Dù đi cơ rất chính xác, giò gà, mắt kiếng, gom bi vào lỗ dậu, đi một cơ mấy chục điểm thật dễ dàng. Ngay khi những loạt đạn pháo binh vừa bắt đầu chuyển xạ, Tiềm vẫy tay ra hiệu cho đồng đội, rồi đứng thẳng lưng băng lên phía trước, vừa bắn vừa gào to:
- Xung phong! Xung phong!
Đồng đội như được truyền cảm hứng, dũng mãnh lao lên, tiếng la xung phong khan cả giọng trộn lẫn trong tiếng súng ngập trời. Bỗng từng loạt tiếng nổ nhức nhối hớp hồn của loại súng phòng không 12.8 ly quét vào trận địa quật ngã ngay đợt xung phong đầu tiên của đoàn quân mũ đỏ, bóng những đứa con thân yêu ngã chúi xuống và không bao giờ gượng lên được nữa. Từ cánh cửa sổ vừa hé mở trong căn nhà mái đỏ, khẩu 12.8 ly khạc đạn ra như dông như bão. Hai viên đạn M72 vội vã rời nòng súng, vạch ra một làn khói mỏng, chui lọt vào cánh cửa sổ. Một nháng lửa loé lên, một cụm khói đen bùng ra che khuất khung cửa sổ. Mọi sự sống đều chấm dứt ở phía sau làn khói.
Tiềm đảo mắt nhìn lại hàng ngang của trung đội, khập khiễng rồi. Tiềm khoát tay ra hiệu tiếp tục xung phong, rồi vừa bắn vừa chạy càn lên phía trước. Những người lính còn lại của trung đội vội nhổm người lên, vọt theo người chỉ huy của mình. Nhờ loạt đạn của khẩu phòng không 12.8 ly đốn ngã đợt xung phong đầu tiên của đoàn quân mũ đỏ, địch đã kịp thời chấn chỉnh lại đội ngũ chiến đấu, bắt đầu nhả đạn ngăn cản những đợt xung phong kế tiếp. Nhưng sức càn lướt của trung đội Nhảy Dù quá mãnh liệt, địch chịu không nổi đành phải tốc hầm, bung tuyến tháo chạy.
Sau đợt xung phong lần thứ nhì, trung đội 2 của đại đội 84 đã chiếm lĩnh toàn bộ mục tiêu. Trung đội tung ra 4 vị trí canh gác về 4 hướng, sau đó lục soát, kiểm kê xác địch quân cùng vũ khí bỏ lại trên trận địa. Trong khi anh em đào hầm hố, củng cố vị trí chiến đấu, thiếu úy Tiềm rảo một vòng nghiên cứu địa thế, tổ chức hệ thống phòng thủ. Hai khẩu đại liên M60, linh hồn của trung đội, được bố trí về phía mà dự đoán địch sẽ chọn làm hướng tấn công. Bên cạnh khẩu đội M60 luôn luôn kèm theo một xạ thủ M79, sẽ rót đạn vòng cầu vào những mục tiêu mà đạn đạo bắn thẳng không thể sử dụng được. Người phụ xạ thủ M60 có nhiệm vụ gài một trái mìn Claymore ngay phía trước khẩu đại liên M60, đây là vật cản bảo vệ cuối cùng cho khẩu đội M60. Đánh tan một trung đội Nhảy Dù không phải là chuyện dễ dàng.
Địch bắt đầu pháo vào trận địa, tiếng nổ vang dội lẫn với đất cát cày lên hòa theo khói súng. Thiếu úy Vũ Đức Tiềm vẫn bình thản bước qua từng hầm chiến đấu, đôn đốc dặn dò anh em, nhưng mắt và tai thì vẫn bám theo tiếng pháo của địch. Viên đạn thứ nhì xa hơn về bên trái, viên đạn thứ ba lại rớt xa hơn nữa, hướng tản đạn càng lúc càng xa dần. Tiềm thoải mái thò tay vào túi áo lôi ra gói thuốc lá đã nhàu nát, moi ra một điếu cắn lên môi, châm lửa đốt, cuộc đời xem ra vẫn còn đẹp chán.
Anh em binh sĩ thì thầm thán phục:
- Thiếu úy mình lì quá, Việt Cộng pháo như giã giò mà ổng cứ đi khơi khơi trên giao thông hào, thiệt ổng lì hết chỗ nói.
Bỗng tiếng pháo của địch rót gần lại, rồi gần lại hơn nữa, Tiềm hiểu ngay địch quân đang điều chỉnh pháo lên vị trí đóng quân của mình. Không kịp dập tắt điếu thuốc, Tiềm vội vã phóng mình xuống hầm nhanh hơn một con sóc.
Anh em binh sĩ thì thào:
- Đi dạo mỏi chân, ổng xuống hầm kiếm ly café.

Rong ruỗi cuộc trường chinh, tiểu đoàn 8 ND hành quân dạt về căn cứ Nancy, núi Trường Phước, vùng Động Ông Đô, và nổi tiếng nhất là trận đánh chiếm lại căn cứ Barbara. Trong cuộc tổng công kích năm 1972 địch đã xua quân chiếm một loạt các căn cứ trong hệ thống phòng ngự kéo dài từ Quảng Trị xuống vùng tây nam Huế, Barbara là một cứ điểm rất kiên cố nằm trong hệ thống phòng ngự này do quân đội Mỹ thiết lập. Trong kế hoạch tái chiếm căn cứ Barbara, su đoàn ND dự trù sẽ nướng khoảng 200 quân nhân, và tiểu đoàn 8 ND nhận lãnh trách nhiệm xương máu này.
Trong đêm khởi sự cuộc chơi, Thiếu úy Trần Đình Ngọc, trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 84, dẫn toàn bộ trung đội còn được hơn 10 người, trang bị nhẹ, nép người vào bóng đêm chập chùng, lặng lẽ bám dần lên mục tiêu. Cuộc điều quân êm thắm đến nỗi khi địch quân phát hiện ra thì tiếng lựu đạn đã nổ rền trên khắp trận tuyến, địch quân đành thúc thủ, đa số yên giấc ngủ vùi dưới hầm sâu, một số nhỏ nhanh chân chạy thoát mà cứ ngỡ như vừa trải qua một cơn ác mộng, thiên thần ở đâu ra mà nhanh thế. Trung đội 1, đại đội 84 chiếm lại căn cứ Barbara chỉ bị tổn thất rất nhẹ, không đáng kể. Sau trận này, thiếu úy Trần Đình Ngọc được thăng cấp trung úy đặc cách tại mặt trận.
Năm 1973 trước khi hiệp định Paris được ký kết, tiểu đoàn 8 ND kéo quân về vùng núi Yên Bầu, thuộc quận Phong Điền, Thừa Thiên, cản địch về phía núi sâu, tạo ra một hành lang an toàn bảo vệ đoạn quốc lộ 1 này. Vừa lúc điều khoản ngưng bắn da beo được áp dụng thì tiểu đoàn 8 ND đã đóng chốt, mặt đối mặt với địch quân qua con suối Ô Lâu. Dòng suối Ô Lâu nghiễm nhiên trở thành “đây Bến Hải dòng sông chia cắt đôi bờ”, vào mùa mưa thì nước dâng lên ngập tràn cả 2 bên bờ, mấp mé muốn tràn vào giao thông hào, mùa nắng thì nước cạn ngang mắt cá chân. Hàng ngày ở những chốt đối diện nhau, 2 bên thường lời qua tiếng lại, tranh luận, chỉ trích, thách thức lẫn nhau. Thỉnh thoảng tiểu đoàn 8 ND lại thả những toán Đa Năng sang bên kia bờ suối Ô Lâu, xâm nhập, thăm dò tình hình của địch. Ngược lại địch cũng luồn những toán đặc công sâu vào vùng kiểm soát của ta. Có lần địch mạo hiểm nương theo màn đêm bất ngờ tấn công chốt đóng quân của trung đội 3, đại đội 83, do thiếu úy Trần Phan Kiệt trấn giữ, nhưng địch đã thất bại nặng nề vì chạm phải tuyến phòng thủ quá cẩn mật, vững chắc của đoàn quân Mũ Đỏ.
Căn cứ Bình Minh, phía bắc tỉnh Thừa Thiên, vùng trách nhiệm của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, sau ngày ngưng bắn năm 1973.

- Tiểu đoàn trưởng: Trung tá Đào Thiện Tuyển.
- Tiểu đoàn phó: Thiếu tá Nguyễn Quang Vân.
- Trưởng ban 3: Thiếu tá Trần Cao Khoan tạm thời thay thế Thiếu tá Trần Toán bận công vụ.
- Phụ tá ban 3: Trung úy Đỗ Việt Hùng.
- Đại đội trưởng ĐĐ 81: Đại úy Võ Thế Hùng.
- Đại đội trưởng ĐĐ 82: Trung úy Trần Văn Nam.
- Đại đội trưởng ĐĐ 83: Đại úy Phạm Văn Hiệu.
- Đại đội trưởng ĐĐ 84: Đại úy Đồng Văn Minh
Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng trên đỉnh núi Yên Bầu. Các đại đội 81, 82, 83 dựng tuyến phòng thủ trực diện với địch quân, bộ chỉ huy đại đội 82 đặt trên núi Cánh Dơi. Đại đội 84 nhẹ gánh hơn, nằm bảo vệ cho bộ chỉ huy tiểu đoàn và phòng thủ về phía quốc lộ 1. Các Trung đội trưởng của ĐĐ 84 gồm có:
- Trung đội 1: Trung úy Trần Đình Ngọc.
- Trung đội 2: Thiếu úy Vũ Đức Tiềm.
- Trung đội 3: Thiếu úy Nguyễn Văn Vân.

Đại đội 84 nằm sát bên mặt trời nên nóng nực lắm, chẳng ai dại dột mà vác mặt tới gần BCH tiểu đoàn để mà lãnh thẹo. Nơi duy nhất để anh em ghé thăm bộ chỉ huy tiểu đoàn chính là câu lạc bộ, nơi đây bày bán những thứ cần dùng như thuốc lá, bánh kẹo, đường sữa, mì gói…xếp xòng câu lạc bộ là Trung sĩ Kíp, tánh tình hiền hoà dễ chịu, phàm người hiền lành thì lại hay nổi cọc. Hàng ngày khi đi sưu dịch Tranh Tre Tràm thì anh em ĐĐ 84 đỡ vất vả hơn các đại đội khác vì đóng quân sát ngay bên cạnh tiểu đoàn. Các anh em thuộc ĐĐ 81, ĐĐ 82, ĐĐ 83 thì cơ cực hơn nhiều, 3 giờ sáng đã phải thức dậy, củi lửa nấu cơm để rồi sau khi lội bộ vượt mười mấy cây số đường rừng mãi đến 8 giờ sáng mới tới BCH tiểu đoàn, điểm danh chia toán xong lập tức biến vào rừng chặt tranh tre tràm, cuối ngày tranh tre tràm nộp không đủ chỉ tiêu thì tàn một kiếp hoa với Thượng sĩ Bến, ban 2 Tiểu đoàn.
Khách lạ lần đầu tiên xớ rớ tới gần BCH tiểu đoàn 8 ND sẽ không tránh khỏi giật mình kinh hãi vì tiếng nổ búa xua của 2 khẩu đại liên Đ.M. Đích thân thứ nhất thì luôn mồm đ. mẹ, đích thân thứ hai thì hở ra là đ. má, trời thần đất lở ơi, 2 khẩu đại liên này sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai đứng gần nó, thế nên các đích thân đi tới đâu là lính tráng nơi đó vội vã lỉnh đi chỗ khác ngay. Lớp sĩ quan trẻ thời kỳ tổng động viên năm 1972 bổ xung về tiểu đoàn 8 ND giật nẩy mình, khi không bị 2 khẩu đại liên này khạc đạn tới tấp, mình mới về trình diện đơn vị đâu đã kịp gây hấn với ai, sau này mới hiểu ra đây là cố tật của nhị vị đích thân. Trong tiểu đoàn 8 ND, từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ già tới trẻ, không ít thì nhiều đều đã từng ăn đạn từ 2 khẩu đại liên này, ngoại trừ 2 người. Khi đối diện với 2 nhân vật này thì 2 khẩu đại liên bỗng hạ nòng, chuyển sang súng vác vai.
Người thứ nhất là Trung úy Nguyễn Hợi, một trung đội trưởng lừng danh của đại đội 84, tiểu đoàn 8 ND thời trận chiến An Lộc hừng hực máu lửa. Người trung đội trưởng có lá gan bằng thép lại được trui bén bằng lò bễ chiến trường, mỗi lần Nguyễn Hợi dẫn trung đội đi tapi thì phần thắng nắm chắc trong tay nên các đích thân rất yên tâm. Khổ nỗi trung đội trưởng càng cứng thì anh em trong trung đội đó sẽ lại càng vất vả, lúc nào trung đội cũng đi đầu, cũng nằm ở tuyến xa nhất, mong manh nhất, cục xương nào khó nuốt nhất thì cũng lại chừa cho trung đội của Nguyễn Hợi. Nguyễn Hợi là một con cọp dữ dội không chỉ trên chiến trường, tiếc thay, vào một ngày tiết trời u ám, Trung úy Nguyễn Hợi lừng lẫy của tiểu đoàn 8 ND đã thiệt mạng sau một cuộc đấu súng ngay giữa trung tâm của Sài Gòn hoa lệ.
Người thứ hai là Thiếu úy Vũ Đức Tiềm, trung đội trưởng trung đội 2, đại đội 84, tiểu đoàn 8 ND, nổi lên như một ngôi sao kể từ khi tiểu đoàn 8 ND rời khỏi mặt trận An Lộc để dấn thân vào những trận đánh đẫm máu trong chiến dịch tái chiếm Quảng trị mùa hè năm 1972. Người trung đội trưởng gan góc, liều lĩnh, nhạy bén này có một kho kinh nghiệm chiến trường vô cùng phong phú, với một khả năng quan sát rất tinh tế Thiếu úy Tiềm có thể hình dung ra được một khe suối khi lướt đôi mắt trên tấm bản đồ hành quân, dù rằng trên tấm bản đồ đó không hề có một dòng chỉ màu xanh nào biểu thị cho dòng nước. Tiềm đã bước qua những chiến trường khốc liệt, từ căn cứ Nancy đến căn cứ Barbara, vào vùng động Ông Đô rồi đổ về tây nam Huế, trụ lại trên vùng căn cứ Bình Minh, miền đồi núi hoang vu có loài chim rừng buông tiếng kêu thiết tha vào những buổi chiều tàn:
- Tiểu đoàn 8…tà tà. Tiểu đoàn 8…tà tà.

Từ trái sang phải: Th/úy Vũ đức Tiềm, Th/úy Nguyễn văn Vân.
Hình chụp đầu năm 1974, thượng nguồn sông Ô Lâu, bắc Thừa Thiên.
Dãy núi phía sau lưng là vùng địch, ban đêm nghe rất rõ tiếng xe cơ giới
chuyên chở chiến cụ từ đường mòn Hồ chí Minh rẽ nhánh vào đây.

Từ căn cứ Bình Minh nhìn về phía quốc lộ 1, xa xa khuất sau những dãy đồi nhấp nhô là ánh sáng của thị trấn Phong Điền. Thị trấn Phong Điền nhỏ bé đã hồi sinh sau cuộc binh đao đẫm máu vào mùa hè năm 1972. Giờ đây phố xá, hàng quán đua nhau mọc lên như nấm, khách hàng đông nhất và hào phóng nhất vẫn là các chàng trai trong bộ quân phục hoa dù. Chợ búa, trường học đã náo nhiệt, ồn ào trở lại, nụ cười đã nở trên những khuôn mặt mà mới ngày nào đây còn nhăn nhúm những cơn sợ hãi. Quá khứ hãi hùng đã tạm thời lắng xuống, người người lăn vào cuộc sống với muôn vàn khó khăn mà lòng luôn luôn thầm nghĩ, còn sống là may phước lắm rồi.

Ánh đèn điện vàng vọt không đủ sức đẩy lùi bóng đêm, đành phải co cụm, èo uột ngáp dài trên những mặt bàn lỗ chỗ những câu, những chữ, những vạch kỷ niệm của người lính nào đó. Phố xá đã vắng vẻ, đêm lẻn về lặng lẽ buồn tênh, khách đã lần lượt đứng dậy ra về, trong quán café mù mờ chỉ còn lại một mình người con gái ngồi yên như không thở. Nàng vẫn nhớ, dù chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng người ấy trong buổi chiều kinh hoàng hôm nào, hai chị em chạy loạn rơi vào giữa 2 lằn đạn, sợ hãi trộn lẫn với đói khát làm tê liệt cả tứ chi. Hai chị em níu chặt lấy nhau chờ một lần phải chết, tiếng súng nổ đan kín không gian, những viên đạn đi sát qua người rít lên những âm thanh cuồng nộ của thần chết. Co rúm người lại mà vẫn thấy lưỡi hái của tử thần đang vung vẩy thật gần. Bỗng nhiên thoáng hiện trước mắt nàng một màu áo hoa Dù thật mong manh, màu áo mà nàng đã bắt gặp nhiều lần trên đường chạy loạn, những tấm áo hoa Dù nằm chết bên vệ đường để nàng còn có cơ hội chạy thoát về phía sau. Khi người lính nắm chặt lấy tay nàng lôi lên, nàng mới tỉnh hồn biết rằng đây không phải là một giấc chiêm bao hoang đường, vừa mới đứng lên nàng đã cảm thấy bủn rủn tay chân chực ngã nhào xuống đất. Người lính vội vã xốc nàng lên vai rồi ra sức chạy thật nhanh, bên tai nàng vẫn còn nghe tiếng súng nổ chát chúa đuổi theo, nàng thấy mình yếu dần rồi lả người đi. Nàng cứ ân hận mãi, dù đã cố gắng hết sức mà vẫn không tài nào hình dung ra nổi vóc dáng, khuôn mặt của người lính đã không ngại hiểm nguy xông ra cứu mạng cho 2 chị em nàng. Sau khi nấu cho chị em nàng tô mì gói, trao lại cho nàng chút đồ ăn, đoàn quân lại lên đường ngay. Cơn đói lả lẫn trong nỗi kinh hoàng đã làm mờ trí óc của nàng, để rồi bây giờ ngồi đây nàng tự oán trách mình đã vô tâm không nhớ được một chút gì về người ân nhân ấy. Nàng chỉ nhớ duy nhất có một điều, người ấy khoác trên vai một tấm áo hoa Dù. Nàng khắc khoải đợi chờ vô vọng, trời ơi biết đâu chừng chàng đã từng ngồi nhấm nháp café trong quán này mà nàng không hề hay biết, hay là chàng như cánh gió mây ngàn mãi mãi sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến nơi đây. Ân nhân ơi người là ai? cuộc đời này rộng rãi bao la quá so với ước ao thật nhỏ bé của nàng, mong sao được gặp lại người ân.
Sau khi căn dặn, cắt đặt mọi chuyện cho Trung sĩ nhất trung đội phó Thao ở lại trông coi trung đội, Thiếu úy Vũ Đức Tiềm dẫn Đức, người mang máy truyền tin của trung đội, băng đường rừng lặn ra thị trấn Phong Điền, làm một chuyến thăm dân cho biết sự tình. Từ quốc lộ 1 rẽ sang bên phải, hai bên con đường đất nườm nượp những quán ăn, những tiệm café, quán xá thật đơn sơ, chỉ là những mái tranh cất lên vội vã, mang dấu ấn của một điều gì đó sơ sài, tạm bợ. Khách phong lưu là những chàng trai mũ đỏ của các tiềm trạm, của bộ chỉ huy lữ đoàn đóng ở căn cứ Tư Tưởng. Còn lính chiến của các tiểu đoàn thì đang nằm chịu trên chạm tuyến sâu mãi trong rừng thẳm, và lính của tiểu đoàn 8 ND thì đang lủi vào rừng cong lưng chặt tranh tre tràm, làm gì có diễm phúc được ngồi rung đùi, ung dung tự tại nhấm nháp ly café quyện trong hơi thở rân rang của mùi thuốc lá.
Tiềm hơi cúi đầu bước qua cánh cửa, bên trong quán bày ra 5, 6 bộ bàn ghế hỗn độn chiếc cao chiếc thấp, trên vách tường treo lủng lẳng vài khung hình đơn sơ vẽ cảnh mộc mạc thanh bình của làng xóm Việt Nam, quả là một cố gắng đáng khen giữa chốn hoang tàn đổ nát. Vài người lính đang phì phèo điếu thuốc lá thả hồn theo điệu nhạc phát ra từ chiếc máy cassette đặt trên quầy tính tiền, Người yêu của lính, Chiều trên phá Tam Giang, Những đóm mắt hỏa châu, Trăng tàn trên hè phố …Vài nụ hoa cúc vàng rướn cổ cao trên chiếc bình sứ cũ kỹ, như cũng muốn góp phần làm dịu đi nỗi thương đau của mùa chinh chiến. Tiếng lách cách của ly tách chạm vào nhau từ dưới bếp, một mái tóc dài đen nhánh thấp thoáng sau khung cửa hẹp.
Tiềm và Đức chọn chiếc bàn khuất sâu trong góc, tránh voi chẳng xấu mặt nào, lỡ mặt trời có đi ngang thì cũng khó mà nhận ra 2 người thợ lặn này. Tiềm moi trong túi ra gói thuốc lá, móc tới móc lui cũng chỉ còn vỏn vẹn có 1 điếu. Tiềm đưa điếu thuốc lá cho Đức, Đức vội vã xua tay:
- Thiếu úy hút trước đi, em chờ một chút được mà.
Tiềm đặt điếu thuốc lá lên bàn:
- Thôi thì chờ một lát cùng hút cho vui.
Vừa lúc đó một giọng nói mềm mại dịu dàng cất lên, ngay sát bên cạnh Tiềm:
- Thưa hai anh dùng chi ạ?
Tiềm ngẩng mặt lên, một người con gái xinh xắn tóc xỏa ngang vai.
- Cho tôi một ly café đá, Đức uống gì kêu đi em.
- Tôi một café sữa đá, lấy dùm một gói Capstan cô nhé.
- Dạ vâng.
Người con gái nhỏ nhẹ trả lời rồi quay lưng bước đi, nửa chừng nàng bỗng sững ra điều gì, một điều gì đó mơ hồ bàng bạc ở tận đâu đâu. Nàng dừng bước khe khẽ quay người lại nhìn, người lính chiến này dáng vẻ phong sương đĩnh đạc, không có vẻ gì đặc biệt, cũng hao hao như bao nhiêu người đàn ông khác đã từng đặt gót tới nơi đây. Nàng lặng lẽ bước vào căn bếp, đặt 2 chiếc phin café lên 2 chiếc ly, xúc café đổ vào phin, vói tay nhấc chiếc ấm nước sôi lên rót nhè nhẹ mà thấy lòng mình hôm nay lao sao một cảm giác kỳ lạ.
Người con gái đặt 2 ly café lên chiếc khay, thêm 1 ấm trà nóng, 1 gói Capstan, nàng bước đến bàn 2 người lính, nhẹ nhàng cúi xuống đặt café lên bàn. Bỗng dưng một cảm xúc lạ thường bất ngờ dâng ngập trong lòng, lan nhanh trong nhịp thở của nàng.
Nàng nghĩ thật nhanh trong đầu rồi cố giữ giọng bình thản:
- Chào Thiếu úy, chẳng hay Thiếu úy… có từng cứu giúp một ai đó… trong cơn hoạn nạn ở ngoài Thạch Hãn không ạ?
Tiềm ngạc nhiên ngẩng lên nhìn cô gái, suy nghĩ một chút rồi trả lời:
- Không có đâu cô ạ.
Nàng lộ vẻ thất vọng, hỏi thêm:
- Thưa…vậy Thiếu úy có từng cho ai đồ ăn, như là gạo sấy, hoặc thịt hộp không ạ?
Tiềm bắt đầu tò mò, cố lục lọi trong trí nhớ của mình, rồi khẽ lắc đầu:
- Cũng không có cô ạ.
Không còn một chút hy vọng nào, cô gái buồn rầu đăm chiêu nghĩ ngợi.
Tiềm hơi khom người đưa 2 bàn tay ra phía trước che gíó bật hộp quẹt. Đột nhiên nàng chợt liên tưởng ra, cái dáng vẻ này đúng y hệt như lúc người lính đang lo lắng băng bó vết thương cho nàng. Cô gái bỗng giật mình, choáng váng như vừa lên cơn sốt, nàng gắng gượng vớt vát:
- Thế… Thiếu úy có từng băng bó vết thương ở cánh tay cho ai không ạ?
Tiềm mang máng nhớ ra, hình như có thì phải, chàng thừ người ra nghĩ ngợi.
Cô gái bỗng nấc lên, nàng cúi xuống sát lại bên Tiềm, kéo cánh tay áo lên cao, lộ ra một vết sẹo. Những giọt nước mắt bỗng lả chả tuôn rơi trên má, nàng nghẹn ngào:
- Thiếu úy ơi, chính là Thiếu úy đã cứu chúng em. Trời ơi, em vẫn cầu trời khấn Phật để có được ngày hôm nay.
Tiềm bỗng thấy lòng mình bồi hồi xúc động, trong suốt cuộc đời của chàng chưa hề có một người con gái nào vì chàng mà nhỏ lệ bao giờ. Tiềm đã nhớ ra, ngày hôm ấy trung đội sắp sửa xung phong tiến chiếm mục tiêu…Chỉ có điều hơi lạ, nàng thay đổi nhiều quá, bây giờ nàng duyên dáng, xinh đẹp hẳn ra!
Tiềm ngần ngại không dám nhìn sâu vào đôi mắt đẫm lệ của nàng. Chàng mỉm cười:
- Vâng tôi đã nhớ ra, cám ơn Thượng đế cuối cùng thì cô cũng đã được bình an, còn một cô nữa đâu rồi?
- Bích Vân đi học chưa về. Tên em là Hồng Vân, thưa Thiếu úy.
- Chết, đừng gọi tôi là Thiếu úy, mà cũng đừng thưa với gởi gì hết, tên tôi là Tiềm, tức vịt tiềm…
Bỗng dưng Tiềm tắt ngang câu nói nửa chừng, chàng vừa chợt nhìn thấy trong ánh mắt kia dịu sáng lên một nỗi niềm đắm đuối miên man.

Từ độ ấy Tiềm chợt thấy mây trên ngàn rực rỡ tươi tắn hơn bao giờ hết, lá hoa như đơm bông nở nhụy tự bao giờ, rừng núi bớt dần đi vẻ lạnh lẽo hoang vu vì tim chàng đang ấm dần lên ngọn lửa yêu đương. Mỗi khi ước chừng tình hình có vẻ như bình yên, không có gì thay đổi thì Tiềm lại giao trung đội cho Trung sĩ nhất Thao, chàng lội đường rừng tìm ra quán Hồng Vân. Những bữa cơm ngon canh ngọt mà Tiềm chẳng bao giờ tìm thấy giữa chốn núi rừng hun hút ngàn năm, ấm lòng hơn nữa là sự chăm sóc ân cần của cô chủ quán, với đôi mắt đượm nỗi thương yêu ngút ngàn, bờ môi mọng đỏ nũng nịu như muốn tìm kiếm một nơi để gắn bó tha thiết.
Hôm nay Tiềm thấy lòng mình rộn rã quá với niềm yêu thương chan chứa tràn ngập trong lòng, Tiềm quyết định mạo hiểm đêm nay không trở về vị trí đóng quân. Cơn gió lạnh bâng quơ thổi lung lay ngọn đèn mờ, đêm đã trở mình phủ lên vạn vật một làn sương lành lạnh, người khách cuối cùng vẫn ngoan cố ngồi lì bên ly café đã cạn từ lâu, bình trà cũng đã nguội ngắt tự bao giờ. Cô chủ quán lay hoay dọn dẹp, chùi rửa ly tách, lâu lâu lại chợt ngước lên nhìn người khách, rồi lại nhìn lên chiếc đồng hồ đặt trên nóc tủ, đã 10 giờ đêm rồi. Lau tay vào chiếc khăn cho khô, Hồng Vân bước đến bên cạnh Tiềm, khẽ nhắc:
- Anh Tiềm, khuya lắm rồi đấy anh ạ.
Tiềm ra vẻ lo lắng:
- Giờ này về nguy hiểm lắm Hồng Vân ơi, tối quá không nhìn thấy đường đi, lỡ…
Hồng Vân nhìn ra ngoài khung cửa, màn đêm mờ mờ lấp lánh ánh trăng sao.
Tiềm lên tiếng:
- Hồng Vân cho anh mượn chiếc chiếu trải bên ngoài hiên ngủ đỡ đêm nay nhé.
- Ai lại để anh nằm ở ngoài ấy, để em dọn giường cho anh nghỉ ngơi.
Tiềm vụt đứng dậy, nắm lấy tay Hồng Vân giữ lại:
- Không cần Hồng Vân ạ, đêm nay anh không buồn ngủ đâu.
Giọng của Tiềm bỗng trầm ấm lạ thường:
- Lại đây với anh, Hồng Vân ơi.
Tiềm bước tới ôm lấy tấm thân mềm mại xiết nhẹ vào lòng. Đôi mắt ướt của Hồng Vân chuyển từ bất ngờ đến ngạc nhiên rồi e thẹn, hình như nàng cũng đã thầm mơ ước điều này từ lâu lắm rồi, vậy mà sao lòng bỗng thấy chới với trong thinh không, nàng lặng người đi trong nỗi hạnh phúc đê mê, vòng tay người lính sao rắn chắc như một bức tường thành. Tiềm dìu người yêu bước ra khoảnh vườn nho nhỏ phía sau căn nhà, bước chân của đôi tình nhân làm xáo trộn những mảnh vỡ của cây lá. Tiềm đỡ người yêu ngồi xuống chiếc ghế dài bên khóm cây thoang thoảng mùi dạ lý hương. Chàng ngồi thẳng người lên, đưa tay nâng lấy khuôn mặt của người yêu và nhìn thật ngu ngơ vào mắt vào môi, vào chiếc cổ trắng kiêu kỳ, và giờ đây bao nhiêu ngôn từ cũng đều trở nên thừa thãi. Tiềm đặt một chiếc hôn nhẹ như sương khói lên trán Hồng Vân, luồn tay bế xốc người yêu nằm gọn trong lòng mình. Dưới ánh trăng non, dáng hài người con gái khỏa lên một nét liêu trai mời gọi, đôi mắt Hồng Vân nhắm nghiền nhưng đôi bờ ngực thì như đang chuyển động phập phồng, vươn lên đầy cám dỗ. Bàn tay của Tiềm vụng dại mân mê lên thảo nguyên đầy đặn nhấp nhô của người tình, ánh mắt chàng dán chặt xuống vùng da thịt trắng ngần ẩn hiện dưới hàng nút áo mong manh. Những ngón tay vô kỷ luật của Tiềm bắt đầu phiêu lưu mở nhẹ những chiếc nút áo, mảnh áo lụa lật sang một bên phơi bày hai bầu ngực mịn màng vun tròn sừng sững, Tiềm chết lặng người đi trong giây lát. Rồi đột nhiên, Tiềm đưa tay sửa lại cổ áo ngay ngắn cho người yêu. Chàng ngước mắt nhìn lên bầu trời mờ mờ ánh sao đêm, xa xa những đóm mắt hỏa châu héo hắt cuối chân trời, những tiếng súng đại bác âm u vọng về nghe vô vàn sầu não. Hình ảnh những vành khăn tang trắng xoá chit trên vầng trán goá phụ chợt thấp thoáng, tự nhiên Tiềm rút tay về và khẽ thở dài, màn đêm rung rinh nhè nhẹ rồi đắm lại trong giấc ngủ vùi.
Năm 1973 là năm nghỉ ngơi dưỡng sức của su đoàn Nhảy Dù. Một su đoàn tổng trừ bị với nhiệm vụ hàng đầu là tấn công tiêu diệt địch, thế mà suốt hơn một năm trời nòng súng không hề bám một chút khói nào, cả một su đoàn thiện chiến bậc nhất nằm phơi lưng trên các triền đồi, mỏm núi dọc theo dãy Trường Sơn che chắn cho hành lang tây nam Huế. Su đoàn Nhảy Dù nay đã trở thành lính Địa phương quân của vùng địa đầu giới tuyến, ngày đêm ôm súng ngồi giữ đất, ngán ngẫm dâng lên tới tận trời. Suốt năm 1973 chỉ xảy ra một trận đụng độ kha khá giữa tiểu đoàn 3 ND và địch quân khi trời đổ mưa to gió lớn liên miên gây ngập lụt khắp vùng Cổ Bi, Hiền Sĩ.
Mãi đến tháng 7 năm 1974, con ó Nhảy Dù mới được cởi trói , đưa về Quảng Nam để nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà ai cũng phải lắc đầu ngao ngán: 1 su đoàn Nhảy Dù đơn độc dàn quân tấn công 2 su đoàn chính qui thiện chiến 304 và 324B của địch để dành lại quận lỵ Thường Đức, một chiến trường mà địch đã xây dựng một hệ thống phòng thủ rất tỉ mỉ, rất chu đáo cho từng ngọn đồi, cho từng khe suối, và nhất là địch đã chuẩn bị một hỏa lực yểm trợ mạnh hơn gấp bội.
Những toán quân cuối cùng của tiểu đoàn 8 ND đã rút ra tới quốc lộ 1, cách chợ Phong Điền không xa lắm, sau khi bàn giao lại vùng trách nhiệm, căn cứ Bình Minh, cho lực lượng TQLC. Những người lính ND hân hoan ngồi nghỉ mệt bên những lùm cây, họ trò chuyện cười đùa chuyền tay nhau những hơi thuốc trong khi chờ đoàn xe quân vận. Thôi nhé tranh tre tràm ơi, chào mi.
Tiềm đứng dưới tàn cây tránh ánh nắng khắc nghiệt đang như thiêu như đốt. Chàng dõi mắt nhìn về phía chợ Phong Điền, nơi ấy không xa hơn nửa dặm đường, có quán café thân thương, có bóng hình ai mỗi lúc một in sâu trong tâm khảm. Trước chuyến ra đi không biết được ngày mai, tự nhiên Tiềm ao ước được nhìn thấy khuôn mặt, được nhìn thấy ánh mắt của người yêu dấu, và Tiềm quyết định đột phá chớp nhoáng. Nghe tiếng giày nện vội vã trước thềm nhà, Hồng Vân ngừng tay ngước mắt lên nhìn, nàng vô cùng sửng sốt khi thấy Tiềm bước ào vào nhà như một cơn lốc, nón sắt, dây đạn, khẩu M16 trên vai, nàng linh cảm có điều gì không được suông sẻ cho lắm. Tiềm bước đến nâng nhẹ cằm người yêu lên, nói nhanh như sợ sẽ không kịp:
- Anh sắp phải đi xa, anh đến chào em, em ở lại mạnh giỏi.
Hồng Vân bỗng sững người, nàng nghe như có tiếng đổ vỡ của thủy tinh, nước mắt chợt ứa ra nhưng nàng đã nuốt kịp trở lại, tự trong đáy lòng nàng đã từng suy nghĩ đến điều này, chỉ không ngờ lại là ngày hôm nay. Tiềm ơi, những ngày hạnh phúc bên nhau sao mà ngắn ngủi quá. Hồng Vân đưa tay vuốt lên má của Tiềm, sờ soạng trên làn da rám nắng ấy mà có cảm giác như là của chính mình, nàng vít khuôn mặt của Tiềm xuống và đặt đôi môi của nàng thật ân cần, thật dịu dàng lên vầng trán phong sương ấy. Nàng lặng lẽ ghi khắc vào lòng cái cảm giác rối bời thương yêu, lo âu, mất mát, và tự nhủ với lòng hãy can đảm lên, đừng khóc nhé. Hồng Vân buông Tiềm ra, nói nhỏ:
- Tiềm ơi, chờ em một chút nha.
Nàng chạy vội vào nhà rồi đem ra một gói giấy, mở ra và nói:
- Anh Tiềm, chiếc khăn quàng cổ em đan cho anh vừa xong, anh giữ lấy để dùng, mỗi khi quàng lên cổ thì lại nhớ đến em, anh nhé.
Tiềm cảm động đỡ lấy chiếc khăn quàng cổ rồi ôm chặt lấy người yêu vào lòng, chàng xoa nhẹ lên tấm lưng mềm mại quen thuộc, một cảm giác tiếc nuối dâng lên trong lòng. Tiềm đau khổ nói lời từ giã:
- Cám ơn em tất cả những gì em đã cho anh, dù ở bất cứ nơi đâu anh cũng sẽ luôn nhớ về em, anh đi nghe em.
Hồng Vân đứng chết lặng nhìn theo bóng Tiềm khuất dần dưới ánh nắng chói chang. Từ nay đêm sẽ thật dài trong cuộc đời của em, Tiềm ơi.

Hơn một năm trời nằm chạm tuyến bảo vệ sườn tây nam Huế, không bị hao hụt nên quân số của các tiểu đoàn ND rất đầy đủ, nếu không muốn nói là dư giả. Ngoài sĩ quan trung đội trưởng chính thức, mỗi trung đội còn có một hoặc hai sĩ quan phụ tá, quân số tại hàng của trung đội thường là trên 40 người. Dàn sĩ quan của tiểu đoàn 8 ND có sự thay đổi:
- Thiếu úy Đặng minh Sắt thuyên chuyển về Bộ tư lệnh Su đoàn.
- Trung úy Trần văn Nam, Thiếu úy Nguyễn văn Vân, Thiếu úy Nguyễn ngọc Trang thuyên chuyển về BCH Lữ đoàn.
- Thiếu úy Vũ đức Tiềm, Trung đội trưởng trung đội 2, đại đội 84, rút về BCH tiểu đoàn.

Tháng 7 năm 1974, Lữ đoàn I ND gồm các Tiểu đoàn 1 ND, Tiểu đoàn 8 ND và Tiểu đoàn 9 ND chuyển quân vào Đại Lộc, mở màn cho cuộc hành quân của Su đoàn Nhảy Dù nhằm tái chiếm quận lỵ Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam, đã rơi vào tay địch trước đó. Mục tiêu trước mắt của tiểu đoàn 8 ND là kiểm soát làng Hà Nha, đó là một giải đồng bằng hẹp chạy cặp theo chân của dãy núi Sơn Ya. Trong đêm đầu tiên vừa đặt chân lên Hà Nha, đại đội 83 đã mất ngay 1 trung đội, Thiếu úy trung đội trưởng Hoàng văn Tiến tử trận, sau đó mất thêm Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành. Đó là cái giá phải trả khi địch chơi trên sân nhà, quân số nhiều gấp đôi và hỏa lực yểm trợ vượt trội hơn nhiều. Trong hoàn cảnh thất thế đủ mọi bề, đoàn quân mũ đỏ vẫn dũng cảm xông lên, lớp trước ngã thì lớp sau bước lên xốc tới, đánh ban ngày không được thì đánh ban đêm. Trận chiến trở nên khốc liệt hơn khi tiểu đoàn 8 ND chuyển lên đánh địch trên những cao điểm của dãy núi Sơn Ya, những vòng cao độ vô danh nay được đánh dấu đỏ trên những tấm bản đồ hành quân, xoá đi quệt lại đã bao lần mà vẫn chưa yên. Máu của cùng một dân tộc Việt Nam đã đổ thành sông trên những vòng cao độ 126, 383, và 1062, cả hai bên thay phiên nhau làm chủ 3 ngọn đồi chiến lược này, mất đi dành lại biết bao nhiêu lần, hồn ma bóng quế chặc lưỡi thở than mỗi khi bóng đêm phủ xuống 3 ngọn đồi tử thần này.
Thiếu úy Nguyễn minh Trung xúc thìa cơm trong bao gạo sấy đưa lên miệng nhai ngon lành, từ sáng tới giờ dạ dày rỗng tuếch chưa có một thứ gì nhét vào bụng. Thiếu úy Nguyễn văn Trí, phụ tá trung đội trưởng, vừa dứt xong thìa cơm cuối cùng, ngả người dựa vào vách hầm móc ra điếu thuốc lá, châm lửa đốt. Chợt tiếng súng bùng lên từ ngọn đồi phía trước, mọi người nhanh như chớp lao vào vị trí chiến đấu, tay rà vào cò súng, mắt lăm lăm chờ đợi. Những tiếng la “hàng sống chống chết“ từ ngọn đồi phía trước chợt tắt ngang, tiếng súng dịu dần.
- 341 đây Minh Mạng, nghe rõ trả lời?
Mã ngọc Hiền trao ống liên hợp lại cho Nguyễn minh Trung:
- Thiếu úy, Đại úy chờ đầu máy.
- 341 nghe rõ, đích thân.
Tiếng Đại úy đại đội trưởng đại đội 84 Đồng văn Minh vang lên trong ống nghe:
- 251 rách áo rồi, 341 cho Nguyễn văn Trí lên thay thế ngay lập tức. Thằng con đưa 251 xuống sẽ dẫn Trí đi ngược lên, chuẩn bị ngay, nghe rõ trả lời?
- 341 nghe rõ đích thân.
Thiếu úy Nguyễn văn Trí kiểm soát lại vũ khí, ráp băng đạn vào khẩu M16, nâng súng lên ngang vai, kéo cơ bẩm về phía sau rồi buông mạnh, viên đạn nhảy lên nằm gọn trong nòng súng vang lên tiếng kêu khô khốc. Tri vừa mở khóa an toàn của khẩu súng thì nhìn thấy một toán quân của trung đội 2 kéo vào, dẫn đầu là Thiếu úy trung đội trưởng trung đội 2 Hà Mai Trường, một tấm băng thấm máu đỏ tươi băng ngang trên sống mũi. Trí bước tới, moi trong túi áo ra gói thuốc lá, lấy ra một điếu mời:
- Hút một điếu cho tỉnh người đi, anh Trường.
Hà Mai Trường vội xua tay:
- Tôi bị thương trên mũi, hút không được, Trí hút đi.
Trí cất điếu thuốc vào túi áo, gật đầu chào Trường rồi quay lưng đi theo toán quân trung đội 2. Hà Mai Trường lo lắng nói lời dặn dò:
- Trí lên trên đó cẩn thận nhé, tụi nó vẫn bám sát mình đấy.
Trí đi được một lát thì tiếng súng lại nổ ròn rã trên vị trí đóng quân của trung đội 2, tiếng lựu đạn vang dội trên vách đá hòa trong tiếng súng. 10 phút sau, thi hài Thiếu úy Nguyễn văn Trí được khiêng xuống, gói chặt trong tấm poncho. Thiếu úy Hà Mai Trường tản thương về BCH đại đội cùng với hình hài bất động của Trí cuộn trong tấm poncho vẫn còn nóng hổi.

Anh Tiềm ơi, đêm đã khuya lắm rồi mà em vẫn không tài nào ngủ được, trằn trọc mãi vì nhớ đến anh, nỗi nhớ thương như điên như dại dâng ngập lòng em. Ngày anh ra đi em đếm đã được 41 ngày rồi đấy, em trông ngóng từng ngày, đợi chờ người yêu dấu của em trở về. Em biết trên chiến trường dày dặc muôn vàn cạm bẫy hiểm nguy, người lính chiến xông pha giữa sa trường thì tính mạng như sợi chỉ treo mành. Tiềm ơi, em đã từng chứng kiến tận mắt những người lính mũ đỏ ngã xuống trong cuộc tử sinh trên suốt quãng đường em chạy loạn, những cái chết thật bi hùng, thật đáng kính phục mà suốt đời em sẽ không bao giờ quên được. Tiềm của em cũng là một chàng trai mũ đỏ anh hùng, người đã cứu thoát cuộc đời của hai chị em ra khỏi chốn hiểm nguy tưởng như không lối thoát. Thật là hạnh phúc cho em khi người yêu của em lại chính là đại ân nhân của mình. Ơn cứu tử này làm sao em dám quên. Cũng có lúc hình ảnh người lính ND ngã xuống dưới lằn đạn của đối phương chợt hiện về trong ký ức của em, rồi em lại liên tưởng đến anh, em tự hỏi lòng mình có hối tiếc hay không khi đã tự nguyện yêu anh, một người lính Nhảy Dù sống hùng sống mạnh nhưng không sống dai, như anh vẫn thường nói nửa đùa nửa thật. Dù cho có xảy ra điều gì ghê gớm lắm đi nữa thì em cũng vẫn cứ yêu anh, không ngại không sợ bất cứ điều gì, vì anh là Tiềm, chú vịt tiềm của em ơi. Anh Tiềm, từ bao lâu nay em vẫn hằng mong ước có được sự che chở của một đôi cánh tay rắn chắc, của một đôi vai mạnh mẽ, chẳng biết vì em đã trải qua nhiều nỗi kinh hoàng sợ hãi, hay đó chỉ là bản tính yếu đuối của một người phụ nữ mà thôi. Dù sao đi nữa thì em cũng vẫn luôn luôn ao ước được nằm gọn trong vòng tay của anh như những ngày nào, lúc ấy em có cảm giác được bảo vệ, được chở che, em thấy mình bỗng trở nên bé nhỏ yếu đuối lạ lùng, em cần anh, anh Tiềm ạ. Em cứ nhớ mãi buổi tối hôm ấy, giận anh ghê đi, bàn tay của anh di chuyển sờ soạng trên thân thể em, ngân lên những giai điệu nồng nàn nóng bỏng, da thịt em cứ như cuồng lên những đợt sóng vỗ, mạch máu trong người em căng ra như muốn vỡ tung, em muốn lả người đi vì nỗi khát khao cuồn cuộn tràn lan khắp cơ thể. Nhưng rồi tự nhiên anh ngừng tay lại, anh khép cổ áo và cài nút lại cho em, em cảm thấy hụt hẫng vô cùng, giận dỗi mở hé mắt ra nhìn, và em thấy anh đang ngước mắt nhìn lên bầu trời, em nhìn thấy những đóm hỏa châu lấp lánh trong đôi mắt anh, đôi mắt anh đêm hôm ấy buồn bã một cách kỳ lạ. Rồi em lại nghe thấy anh buông nhè nhẹ tiếng thở dài, lúc ấy có tiếng súng đại bác từ xa xôi vọng về. Tiềm ơi, em đang nhớ anh, nhớ như điên như dại cả hồn. Đừng bỏ em một mình nghe Tiềm, em sợ nỗi cô đơn lắm, về đây với em đi Tiềm…

Vai trò của người sĩ quan trung đội trưởng Nhảy Dù thường được ví như những tờ giấy bóng dán trên chiếc đèn trung thu, chỗ nào rách thì xé bỏ dán chồng lên đó một tờ giấy bóng khác, còn cái khung tre lúc nào cũng thế, chẳng có gì thay đổi. Sĩ quan trung đội trưởng Nhảy Dù ngã xuống nhiều vô kể, các hạ sĩ quan lên nắm quyền chỉ huy trung đội là chuyện thường tình xảy ra trên mặt trận, cứ sau một cuộc hành quân thì dàn sĩ quan trung đội trưởng lại thấy mới toanh. Kể từ ngày đầu tiên húc vào Hà Nha đến ngày sắp sửa tung quân đánh lên cứ điểm 1062, trận chiến khốc liệt đã cướp đi gần hết các sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Từ bộ chỉ huy tiểu đoàn, thiếu úy Vũ Đức Tiềm được lệnh vác ba lô tăng cường về lại đại đội 84, trở lại trung đội 2 thân yêu ngày xưa. Trung sĩ nhất trung đội phó Thao vẫn còn đó, Huỳnh Ánh, Kor Stul, Nguyễn Hy cũng còn đó, nhưng trung sĩ Lê mậu Giáo, hạ sĩ Võ On, hạ sĩ Nguyễn Tân xạ thủ M79 bách phát bách trúng và nhiều khuôn mặt thân thương khác không còn nữa. Anh em trong trung đội mừng rỡ vô cùng khi thấy người trung đội trưởng thân kính ngày xưa trở về chỉ huy trung đội, đem theo một luồng sinh khí mới, ai nấy đều cảm thấy phấn chấn hẳn lên. Tiềm chưa kịp nghỉ ngơi, xem xét tình hình thì tiếng thiếu tá tiểu đoàn phó đã vang lên trong ống nghe:
- Vịt Tiềm, đây 07 nghe rõ trả lời.
- Vịt Tiềm tôi nghe rõ 07.
- Xốc con cái lên nghe vịt Tiềm, ráng làm ăn cho ngon lành, giấy tờ 2 cục đang trên đường về Tây đô, khi nào tới tôi sẽ gởi kèm theo 2 chai Napoleon vào cho vịt Tiềm để rửa lon.
- Cám ơn đích thân.
Trung đội 2 của Thiếu úy Tiềm nằm về phía tây bắc của cao điểm 1062. Khi còn ở BCH tiểu đoàn, Tiềm đã chứng kiến biết bao xác đồng đội gói kín trong những chiếc poncho chuyển về tuyến sau, bao nhiêu là thương binh nằm tạm ở BCH tiểu đoàn chờ tải thương, Tiềm đo lường mức độ của trận chiến này vô cùng khốc liệt, khác hẳn với trận phản công tái chiếm Quảng Trị mùa hè năm 1972, ngày ấy còn có B52, còn có các loại phản lực cơ tối tân của đồng minh dội bom tan nát lên mục tiêu rồi sau đó các đơn vị bộ binh mới xung phong tràn ngập mục tiêu. Chỉ riêng hỏa lực pháo binh và hải pháo của đồng minh bắn từ ngoài khơi vào mục tiêu cũng đã đủ nấu nhừ tinh thần chiến đấu của đối phương thành cháo. Nay hỏa lực yểm trợ hùng hậu, lợi hại ấy đâu còn nữa, người bạn đồng minh khổng lồ, hùng mạnh nhất thế giới đã cuốn cờ tháo chạy không quên để lại lời hứa lèo, biết bao lần em đã hứa, hứa cho nhiều rồi lại quên, hứa tiếp tục viện trợ vũ khí đạn dược cho chính quyền miền nam để duy trì khả năng đối đầu với bắc quân, để rồi quên, một viên đạn viện trợ cũng không có. Su đoàn Nhảy Dù hành quân phải liệu cơm gắp mắm, hỏa lực yểm trợ yếu đi trong khi hỏa lực của địch lại mạnh lên gấp bội, quân mình ít hơn nên đi đánh người ta mà lực lượng chỉ bằng phân nửa của người ta, lại còn chấp người ta chơi trên sân nhà nữa, thiệt là mệt cầm canh.
Mặt trời đã ngả về tây, trải nhẹ ánh nắng chan hòa xuống núi đồi trùng trùng điệp điệp một màu xanh thẳm. Tiềm chuẩn bị rời BCH đại đội để trở về vị trí đóng quân, ngày hôm nay, 23 tháng 09 năm 1974, kế toán trưởng bay từ hậu cứ ra vùng hành quân để phát lương, sẵn dịp thiếu úy Tiềm đang có mặt ở BCH đại đội, ông ta nhờ Tiềm đem tiền lương về trung đội phát cho anh em. Sau khi chào Trung úy đại đội trưởng Ngô Huệ, Tiềm dẫn anh em trở về trung đội, dẫn theo mấy người lính tân binh vừa mới được bổ xung. Tiềm ào ào dẫn trước toán quân, theo sau Tiềm là Đức, người mang máy truyền tin. Bước đến khe suối trong vắt, điểm lấy nước của đơn vị, là đã đi được hơn nửa đoạn đường, chiều hôm nay khe suối vắng lặng, không khí lạnh lẽo một cách kỳ lạ. Phía sau những lùm cây rậm rạp trên triền đồi nhìn xuống điểm nước, những chiếc nón cối im lìm, lặng lẽ theo dõi. Người đi đầu của đoàn quân lăm lăm khẩu M16 cặp bên hông, dáng người nhanh nhẹn, thỉnh thoảng lại khoát tay thúc dục đoàn người cất bước nhanh hơn, theo sát phía sau là người mang máy truyền tin, chiếc cần antenna lá lúa dương cao trông rất rõ, người đi đầu này chắc chắn phải là một cấp chỉ huy.
- Các đồng chí tuyệt đối nghe lệnh tôi, chờ địch tới thật gần mới được bắn, thằng đi đầu là cấp chỉ huy, tập trung hạ nó không để xổng.
Vượt qua khỏi khe suối, tự nhiên Tiềm cảm thấy có điều gì bất an, giác quan thứ sáu của người lính dạn dày kinh nghiệm đã ngửi thấy mùi hiểm nguy. Nhưng không kịp nữa rồi, bất thình lình những loạt đạn AK dội lên chát chúa, từ trên cao địch xả súng bắn như mưa. Tiềm ngã gục ngay ở loạt đạn đầu tiên. Đội hình tản ra thật nhanh, lính Nhảy Dù vừa bắn cản về phía địch quân, vừa tìm vị trí ẩn nấp. Dù không còn người chỉ huy, những người lính thiện chiến vẫn nhìn nhau và tự động phối hợp chiến đấu, những người bị thương vẫn nghiến răng nhịn đau nhả đạn về phía địch quân. Trước hỏa lực phản công dữ dội của lực lượng Nhảy Dù, địch không dám xung phong, họ bắn thêm những loạt đạn cuối cùng rồi rút đi mất hút.
Đức quỳ xuống bên người trung đội trưởng, lật ngửa lên, khắp vùng ngực của Tiềm bể nát, máu vẫn ứa ra thấm đỏ cả chiếc áo hoa Dù, ướt đẫm cả chiếc khăn quàng mới tinh nguyên quấn quanh cổ. Hơi thở của Tiềm yếu ớt lắm rồi, mà vẫn cố gắng mấp máy đôi môi:
- Nhớ… phát lương… cho anh em…

Vào giai đoạn cuối của cuộc hành quân tái chiếm quận lỵ Thường Đức, công binh Nhảy Dù khai phá một con đường mới, khởi đi từ khoảng giữa quận Hiếu Đức và quận Đại Lộc, dẫn thẳng lên ngọn đồi chiến lược 1062, con đường mới này ngắn hơn và an toàn hơn rất nhiều so với con đường cũ phải đi qua Ái Nghĩa, cầu Chìm, vùng Hà Nha dưới tầm quan sát và tầm pháo của đối phương. Bộ tư lệnh su đoàn Nhảy Dù đã quyết định cho con đường chiến lược này mang tên Đại úy VŨ ĐỨC TIỀM , để tiếc thương, để tưởng nhớ đến một người trung đội trưởng xuất sắc đã tận tụy hy sinh, hiến trọn cuộc đời của mình cho binh chủng Nhảy Dù.
Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù thực hiện đợt xung phong cuối cùng với 3 đại đội cùng căng hàng ngang đồng loạt xung phong, đã chiếm lĩnh được ngọn đồi chiến lược 1062. Mất ngọn đồi, địch lập tức tập trung hỏa lực pháo binh dội tan nát lên đỉnh đồi, tiểu đoàn 8 ND lại căng lưng hứng chịu thêm tổn thất. Sau khi bàn giao trách nhiệm lại cho tiểu đoàn 3 Nhảy Dù, toàn bộ tiểu đoàn 8 ND rút ra khỏi Thường Đức, di chuyển về Tùng Sơn, Túy Loan nghỉ ngơi, củng cố lại đơn vị. Sau hơn 4 tháng kịch chiến với địch để cuối cùng chiếm lĩnh được ngọn đồi máu 1062, dàn sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn 8 ND gần như cạn láng, tiểu đoàn được bổ xung một số sĩ quan trung đội trưởng lấy từ các tiểu đoàn 7 ND và tiểu đoàn 11 ND.
Đoàn xe quân sự lăn bánh, vận chuyển toàn bộ tiểu đoàn 8 ND vừa được bổ xung quân số, vũ khí đạn dược, từ Tùng Sơn, Túy Loan hướng về vùng chạm tuyến sông Bồ, phía bắc Thừa Thiên. Đoàn xe GMC nhả khói phóng nhanh trên quốc lộ 1, Chuẩn úy Phạm văn Hải một tay giữ chặt khẩu M16, tay kia nắm chắc vào thành xe mà người vẫn lắc lư đứng không vững. Tất cả mọi khẩu súng trên xe đều hướng ra phía lề đường trong tư thế sẵn sàng, khẩu đại liên M60 đặt trên nóc xe đăm đăm gườm về phía trước. Rời khỏi vùng hành quân cơ cực đẫm máu hiểm nguy, ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, người này người nọ kể lại, nhắc nhở cho nhau nghe những khủng khiếp, những mất mát trên chiến trường mà ngỡ như mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Lắng nghe anh em lao xao nhắc nhở chuyện sinh tử vừa qua, chuẩn úy Phạm văn Hải cảm thấy mình may mắn vô cùng, tiểu đoàn 11 ND của Hải vừa bắt đầu dấn thân vào mặt trận Thường Đức thì Hải lại được bốc thảy qua tiểu đoàn 8 ND đang rút ra khỏi địa ngục kinh hoàng, đúng là giày dép cũng còn có số, huống chi con người.
Khi đến ngang thị trấn Phong Điền, đoàn xe từ từ giảm bớt tốc độ rồi ngừng lại bên vệ đường, Hải chợt thấy khung cảnh trong khu chợ Phong Điền đột nhiên nhốn nháo, Hải nghe ồn ào tiếng gọi nhau:
- Tiểu đoàn 8 về lại rồi, về lại rồi.
Người trong khu chợ túa ra vây quanh dưới đoàn xe, những ánh mắt phập phồng hồi hộp ngước lên dò hỏi tin tức. Một dáng con gái mảnh mai bước đến gần hông xe, khuôn mặt xinh xắn đượm nỗi lo âu hỏi vọng lên:
- Các anh tiểu đoàn 8 ơi, có biết thiếu úy Tiềm ra sao không?
Hải quay sang định hỏi lại anh em, thì từ cuối xe có tiếng trả lời:
- Thiếu úy Tiềm chết rồi, cô ơi.
Đột nhiên người con gái loạng choạng đứng không vững, lảo đảo ngồi bệt xuống vệ đường, hai tay bưng lấy khuôn mặt oà lên khóc nức nở. Vừa lúc ấy đoàn quân xa nổ máy bắt đầu chuyển bánh, khói xe lẫn bụi đường phủ kín lên người con gái trông xa như một nấm mồ.

04-05-2006.
Vũ Đình Hải

* Cho đến hôm nay, một số anh em Nhảy Dù sống sót sau cuộc chiến, vẫn nhớ đến quán Hồng Vân với cô chủ duyên dáng dễ thương. Quán không có bảng hiệu, anh em lấy tên cô Hồng Vân đặt tên cho quán.
 

No comments:

Post a Comment