Friday, July 15, 2022

TẤN CÔNG ĐỢT HAI - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 TẤN CÔNG ĐỢT HAI

Thế là tôi đã dọn sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu được một tuần. Trong tuần rồi tôi đã bận rộn vừa phải. Mỗi ngày trung bình mổ được ba tới bốn trường hợp mà chỉ có hai cái mổ lớn là bị thương ở bụng. Hai ngày đầu tôi làm việc rất thoải mái vì ít thương binh. Nhưng mấy ngày sau, các đơn vị bạn được tin là Bịnh Viện Tiểu Khu đã hoạt động trở lại nên cứ có người bị thương là họ chuyển bệnh tới. Nhiều khi tôi làm việc không được nghỉ trưa. Tôi nhờ cô Bích xuống nhà bếp ngoại giao xin nước sôi để cho mọi người đổ vào bịch gạo sấy tranh thủ mấy phút giữa hai ca mổ để ăn cho lại sức.

Anh Sáu Xòm vì có người vợ mang thai gần đến ngày sanh nên vợ anh được đặc biệt theo anh vào ở chung với căn phòng của cô Bích. Đã từ lâu tôi không có những áo choàng mổ nên khi mổ chỉ mặc áo thường ba lỗ của phòng mổ với một tấm nylon quấn quanh người để phòng máu dây ra quần áo. Chúng tôi trông giống những tay đồ tể trong những tiệm bán thịt heo ngoài chợ.

Tuy làm việc mệt nhọc trong tình trạng thiếu thốn (chúng tôi đã quá quen với điều kiện làm việc như thế này rồi), tôi vẫn thấy là đã rất may mắn được dọn vào nơi đây. Thứ nhất là đã có một chỗ an toàn để làm việc. Thứ hai là đã có cơ hội để tiếp tục dùng khả năng của mình để có thể cứu sống người khác, hay ít ra cũng giúp được phần nào những chiến hữu của mình không may bị thương trong trận chiến này.

Chiều 15 tháng 6, sau một ngày làm việc mệt nhọc, toán giải phẫu chúng tôi thu dọn phòng mổ xong, ai về phòng nấy nghỉ ngơi cùng ăn uống cho lại sức. Tôi cũng lui vào phòng, mở bịch cơm sấy còn lại từ sáng ra ăn với mấy miếng xúc xích hộp của Quân Tiếp Vụ. Tôi ngồi trên cái ghế mây chân gác lên giường cho đỡ mỏi vì phải đứng suốt ngày. Bây giờ, ở ngoài hành lang hầm cứu thương đã đầy những thương binh của các đơn vị nằm. Đa số là những vết thương chân tay nhẹ thôi. Những trường hợp nặng, mổ xong được nằm ở trong hai phòng kế bên phòng tôi. Tất cả có bốn người. Tôi hy vọng ngày mai có chuyến tản thương cho đỡ kẹt vì hết chỗ rồi.

Theo thói quen làm việc đã học được khi còn ở quân trường Võ Bị Đà Lạt trong phần viết kế hoạch hành quân, phải dự trù những bước kế tiếp. Tiên đoán những sự việc có thể xảy ra để điều hợp các đơn vị tiếp ứng hỗ trợ cho nhau.

Tôi ngồi suy nghĩ cách phân tán thương binh để lấy chỗ cho những người mới tới. Việc này thật không đơn giản. Trả các thương binh về các đơn vị của họ là giải pháp dễ nhưng lại khó thực hiện. Không có phương tiện, các xe cộ gần như hư hỏng hết vì bị pháo kích. Vả lại các thương binh cũng chẳng biết đơn vị họ đóng ở đâu mà tìm. Nếu có chuyến tản thương thì làm sao gom thương binh cho kịp để đến bãi đáp.

Tôi nghĩ chỉ còn một cách duy nhất là phân tán mỏng các thương binh qua các hầm khác, để lỡ ngày mai có chuyến tản thương thì điều động cũng dễ. Sau khi quyết định như vậy, tôi dự trù sáng ngày mai giao cho Thượng sĩ Lỹ lo công việc này. Tôi yên trí ngã lưng xuống giường chờ giấc ngủ tới.

Không biết tôi đã ngủ được bao lâu, chợt tỉnh giấc vì những tiếng đạn pháo kích nổ thật gần. Những tiếng nổ càng ngày càng nhiều, phải nói như mưa. Tôi cố nhướng mắt nhìn đồng hồ có mặt dạ quang, thấy 2 giờ sáng. Việc gì tới đã tới, đúng như mọi người đã tiên đoán và chờ đợi, cuộc tấn công đợt hai vào thị xã An Lộc đã mở màn.

Khác với những lần pháo kích trước, lần này tôi tỉnh bơ, không có những cái sợ hãi lạnh xương sống như hồi còn ở bệnh viện. Với cái hầm kiên cố như hôm nay tôi yên trí lắm. Nhưng để đề phòng mọi bất trắc, tôi vẫn trở dậy đi giày vào đàng hoàng, mặc áo giáp, mũ sắt, đèn pin, bi-đông nước, tất cả mọi thứ cần dùng đều trong tầm tay của tôi cả. Tôi để cái ba lô có đầy đủ quần áo lương khô ngay đầu giường. Sau khi đã sắp xếp xong, tôi lại nằm xuống như cũ nghe ngóng tình hình.

Điều tôi sợ bây giờ không phải là Việt Cộng mà là B52. Tôi chỉ sợ trong đêm tối nếu nó trải thảm lầm, chỉ lạc đi một tí xíu thôi là cuộc đời của chúng tôi kể như giã từ vũ khí vĩnh viễn. Dù hầm này có kiên cố cách mấy cũng chẳng ăn thua gì với một trái bom. Từ đầu trận chiến tới giờ đã có hai lần máy bay thả bom lầm. Đó là do máy bay thường thôi nên tổn thất chỉ có giới hạn, nếu là B52 thì thê thảm lắm.

Tuy pháo như mưa nhưng kỳ lạ thay số đạn rơi vào vòng đai Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu thật không đáng kể. Đúng như tôi dự đoán, gần 1 giờ sau mặt đất rung chuyển liên hồi vì B52 đã bắt đầu trải thảm. Tôi thấy hơi yên trí một chút vì tiếng bom nổ xa hơn tôi tưởng. Như vậy chúng tôi sẽ được an toàn hơn, khỏi sợ bị trải thảm lầm. Những tiếng súng nhỏ cũng xa ở ngoài bìa rừng. Toàn bộ khu trại của chúng tôi yên lặng như vẫn ngủ say chẳng có một tiếng súng nhỏ nào.

Tôi vẫn nằm thao thức suy nghĩ, cố dùng đủ mọi hiểu biết của tôi phối hợp với những tin tức nhận được để suy đoán cũng như lượng định tình hình thắng bại giữa ta và địch. Tôi thấy từ khi viện quân Dù đã bắt tay được với Bộ Chỉ Huy ở đây, vòng đai đã được nới rộng nên chúng tôi được an toàn hơn đợt tấn công kỳ trước. Vả lại bên địch quân sau lần tấn công đợt nhất đã thấm đòn vì bị thiệt hại nặng. Dù có nhanh chóng tu bổ tăng viện cũng không thể nào bằng tình trạng lúc ban đầu. Tôi đoán chắc chắn chúng sẽ yếu hơn cả về phẩm lẫn lượng.

Sau lần thất bại đầu tiên nặng nề như vậy, tinh thần binh sĩ của địch làm sao cao được. Các đơn vị chiến xa của địch đã bị tiêu diệt gần hết, không thể bổ sung toàn bộ được. Dù cho quân số có thể xấp xỉ với lần đầu chăng nữa cũng chỉ vá víu mà thôi.

Về phía bên ta, binh sĩ đã có kinh nghiệm qua lần tấn công đợt đầu của địch, nên tinh thần cao, không hốt hoảng sợ hãi như lần đầu. Lại thêm có những đơn vị thiện chiến tăng cường như Lữ Đoàn Dù, Liên Đoàn Biệt Kích Dù, Liên Đoàn Biệt Động Quân. Nhất là lại có B52 trợ lực, sẵn sàng trải thảm khi có tin địch tập trung quân ở địa điểm nào. Cân nhắc kỹ càng cái thế ta và địch, tôi vững lòng tin mình sẽ lại thắng một lần nữa.

Tôi thấy an tâm và may mắn đã rời bỏ bệnh viện đúng lúc. Nếu không cũng mệt lắm với cường độ pháo kích lần này. Tôi lo cho các bạn tôi còn ở lại bệnh viện. Chẳng hiểu họ có được bình an không. Với độ pháo như vậy chắc chắn sẽ có thương vong. Chỉ cầu xin sao cho thật nhẹ, thật ít. Bác sĩ Phúc có hầm tốt rồi, thôi cũng đỡ lo. Chỉ sợ cho bác sĩ Chí, bác sĩ Nam Hùng, bác sĩ Tích và các nhân viên vì ở khu Nội Khoa chẳng có hầm hố gì cả. Các Quân Y Tá của Bệnh Viện Tiểu Khu, mọi người đã có một hố cá nhân nên cũng đỡ lo. Xui lắm pháo rơi trúng chỗ phải đành chịu thôi.

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi chợt tỉnh dậy, nhìn đồng hồ thấy 6 giờ. Tiếng nổ của đạn pháo kích đã không còn nữa. Thỉnh thoảng mới có một vài tiếng súng nổ ở xa. Tôi đoán rằng cuộc tấn công đợt hai của địch đã bị bẻ gãy. Bên ta đã giữ vững phòng tuyến đẩy lùi địch. Tôi nghĩ sáng ra thế nào tôi cũng có nhiều việc làm. Tôi không thấy buồn ngủ nữa . Nghe có tiếng động bên phòng đầu, tôi liền nhỏm dậy đi ra khỏi phòng xem có gì lạ không. Thấy Trung sĩ Xòm đang dọn dẹp đồ trong Phòng Mổ. Tôi hỏi:

– Sao anh dậy sớm vậy. Không ngủ được à?

Anh Sáu Xòm ngó ra thấy tôi vội chào rồi nói:

– Dạ, ngủ được chút ít. Hôm nay chắc sẽ có nhiều bệnh lắm vì hôm qua pháo kích nên em sửa soạn khử trùng sẵn mấy bộ đồ mổ.

– Vậy thì tốt lắm. À, mình còn Catgut 1.0, chỉ silk 1.0 không? Tôi cần mấy thứ đó để đóng bụng mới chắc, mấy thứ nhỏ hơn sợ bị đứt, bung ra.

Trung sĩ Xòm ngần ngừ một tí rồi nói:

– Em sợ hết mất rồi, hôm qua còn một sợi chót bác sĩ đã dùng rồi.

– Như vậy thì kẹt nhỉ.

Tôi đứng trầm ngâm suy nghĩ. Tìm cách nào để có được những sợi chỉ thật chắc như vậy để đóng bụng bây giờ. Nếu đánh công điện về xin Liên Đoàn chắc nhanh lắm cũng phải hai ngày nhưng biết có thể đến được tay mình hay không. Vì mọi thứ tiếp tế hiện giờ bằng Dù hết. Nhỡ lạc sang phía địch hay là sang đơn vị khác khó có thể thu hồi lại được.

Bỗng nhiên trong óc tôi chợt lóe lên một tia chớp. Tôi nhớ hôm qua sang bên hầm chỉ huy tôi thấy một túm dây nylon dùng để cột miệng bao cát đen nhánh rất đẹp, lại cùng cỡ với chi silk 1.0. Tôi nghĩ có thể dùng sợi dây này may tạm dưới da để đóng bụng được vì nó rất dai và chắc, nhất là rất dễ kiếm vì ở đây bao cát mới chỗ nào mà chẳng có.

Muốn khử trùng thì dễ quá, chẳng cần phải mất công gì cả. Cứ đem ngâm rửa sạch bằng xà-bông bột Quân Tiếp Vụ sẽ chẳng còn con vi trùng nào có thể sống được. Nếu có làm độc cũng ở bên ngoài bụng, dưới lớp da thôi, sẽ dễ dàng cắt bỏ thay thế bằng những dây khác một khi thương binh đã được di chuyển về những bệnh viện ở Sài Gòn hoặc Bình Dương, nơi có đầy đủ phương tiện hơn.

Ở đây cần phải cứu sống mạng người trước rồi mọi sự khác sẽ được tính sau. Nghĩ là làm liền. Tôi nói với anh Xòm đi kiếm cho tôi chừng ba túm dây nylon cột bao cát mang về cho tôi ngâm rửa trong xà bông chừng 20 phút. Sau đó cất vào một cái lọ để khi cần sẽ dùng.

Một lát sau tất cả các nhân viên toán mổ đã tề tựu đông đủ. Mọi người ai nấy đều biết bổn phận mình phải làm gì, tự động lo phần việc của mình vì chắc chắn chẳng bao lâu nữa sẽ có thương binh tới.

Tám giờ sáng mọi việc đều xong xuôi. Chúng tôi đang tính ngồi nghỉ mệt một chút thì có tiếng xe thắng trên mặt hầm. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau thầm hiểu là khách hàng đã tới.

Anh Xòm nhanh nhẹn đứng bật lên trước tiến ra phía cửa hầm, theo sau là Thượng sĩ Lỹ, Thiện, cô Bích. Tôi vẫn ngồi tại chỗ . Chợt tôi nghe tiếng anh Xòm nói:

– Chào bác sĩ.

Rồi tiếng bác sĩ Phúc hỏi:

– Bác sĩ Quý đâu anh Sáu?

– Thưa, Bác sĩ Quý đang ở dưới hầm này.

Tôi vừa ra khỏi phòng tiến tới cầu thang hầm lên mặt đất thì gặp bác sĩ Phúc đang chạy xuống. Tôi chưa kịp lên tiếng hỏi thăm, anh Phúc đã hấp tấp nói:

– Anh Quý coi giùm tôi thằng cháu Sơn, nó bị thương tối qua ở ngực phải. Nó rên suốt đêm làm tôi không ngủ được, lại kêu đau nữa.

Tôi nhận thấy Bác sĩ Phúc nét mặt hốc hác. Đúng là đêm qua anh đã không chợp mắt tí nào. Chắc vừa sợ, vừa phải lo cho thằng cháu Sơn bị thương của anh. Mới xa anh một tuần mà trông thấy anh có vẻ già đi hơn trước nhiều. Tôi vội theo anh lên khỏi miệng hầm tiến tới chỗ xe Hồng Thập Tự. Lúc này cu Sơn, một đứa con trai trắng trẻo, nhanh nhẹn mới có 16 tuổi, ngày thường vui vẻ, thế mà nay mặt mũi xanh rờn, mệt mỏi nằm trên băng-ca đưa mắt nhìn tôi miệng mấp máy nói:

– Bác sĩ Quý làm ơn cứu cháu, khó thở quá.

– Đừng sợ, để khiêng xuống dưới phòng mổ rồi bác chữa cho.

Sau khi đặt cu Sơn nhẹ nhàng ngồi trên bàn mổ dã chiến như đã nói ở trên, chỉ là một bàn khám bệnh thường bằng sắt không rỉ. Tôi khám nhanh ngực của Sơn. Một vết thương nhỏ ở cạnh sườn phải dài hai phân đã được băng bằng băng keo dán chặt. Tôi nhận thấy phía ngực phải hô hấp kém hơn bên trái. Đặt ống nghe tôi không thấy có tiếng thở. Tôi đưa mắt nhìn anh Phúc nói:

– Cu Sơn bị Hemothorax rồi anh ạ. Tôi phải đặt ống thông phổi để rút máu ra nó mới dễ thở được.

Bác sĩ Phúc gật đầu nói:

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Thôi trăm sự nhờ anh lo cho cháu. Anh có cần tôi giúp gì không?

– Không sao đâu, tôi làm một mình cũng được. Anh sang phòng bên nghỉ cho khỏe.

Tôi hối anh Sáu mang bộ đồ thông phổi ra. Chúng tôi không có đầy đủ dụng cụ như dây ống nhựa để dẫn máu xuống bình nên tôi dùng một bịch nylon bao gạo sấy đổ nước vào rồi cột vào một đầu của ống thông phổi. Tôi chích thuốc Novocaine xong rồi rạch da, dùng một kẹp Kelly cong tách các cơ giữa sườn. Sau đó dùng kẹp ống thông phổi ấn mạnh qua thành ngực vào sâu bên trong xoang phổi. Máu bầm tuôn ra xối xả theo ống thông phổi chạy vào bao nylon gạo sấy. Cu Sơn nhăn mặt kêu đau nhưng tôi làm nhanh lắm nên chưa hết tiếng kêu đã xong rồi. Tôi kêu Thượng sĩ Lỹ sửa soạn tiếp một bình đựng máu dã chiến khác. Rồi tôi lấy ống nghe kiểm tra lại phổi, nghe thấy có tiếng thở phế bào. Tuy nhẹ nhưng rõ ràng là phổi bên phải đã có thể làm việc trở lại được, không còn bị máu ở xoang phổi ép lại như trước nữa.

Tôi hỏi cu Sơn:

– Sơn thấy dễ thở hơn trước không?

Sơn trán còn rịn mồ hôi vì đau và sợ, trả lời:

– Dạ, đỡ khá nhiều.

Tôi bảo anh Sáu cho Sơn nằm xuống, lấy một bịch bông băng kê sau lưng cho đỡ mỏi và để cho máu bầm trong phổi chảy dễ dàng hơn. Tôi dặn anh Sáu cách thay bọc nước nếu đầy. Rồi trở về phòng. Bác sĩ Phúc đang ngồi đó chờ. Tôi vội nói:

– Xong rồi, cu Sơn sẽ không sao đâu. Có lẽ mảnh đạn chưa qua phía bên trái, chưa chạm tim và những mạch máu lớn. Nên tôi chắc chỉ vài ngày là nó sẽ khá thôi.

– Cảm ơn anh, thấy nó bị thương tôi bối rối quá. Cũng may mà nó không việc gì, nếu không tôi biết ăn nói làm sao với bố mẹ nó.

Tôi an ủi anh:

– Anh biết đấy, mình đâu có muốn như vậy. Chuyện xảy ra ngoài tầm tay của mình. À, anh có mang hết đồ đạc đi theo không? Anh ở lại đây luôn với tôi, có sẵn giường này, anh em mình ở phòng này tiện lắm. Có lẽ anh bảo xe Hồng Thập Tự về đưa anh Chí và các nhân viên ai muốn sang đây thì sang, an toàn hơn ở bệnh viện mình nhiều.

– Tôi cũng có ý ấy.

Anh Phúc gật đầu đồng ý trả lời tôi, anh tiếp:

– Để tôi bảo tụi nó cho anh Chí biết rồi dọn cả sang đây. Chúng mình có ba người, đi đâu cũng nên có nhau.

Nói đến đây, Thượng sĩ Lỹ vào cho tôi biết có nhiều thương binh đã được chuyển tới. Tôi ra lệnh đem hết xuống hầm để dọc theo hành lang và các phòng rồi đi khám xét một lượt chọn những người nào nên làm trước, người nào nhẹ làm sau. Chỉ có một người nặng, bị thương ở bụng còn bốn người kia bị thương nhẹ ở tay chân thôi. Thượng sĩ Lỹ nói:

– Đây là Đại úy Nghi của Pháo Binh Dù.

Tôi thấy ông ta tuy bị thương nhưng tinh thần vẫn còn tỉnh táo không có triệu chứng kích xúc. Theo kinh nghiệm của tôi thì tuy bị thương vào bụng nhưng chắc không mất máu nhiều và chắc không bị lủng ruột già. Vì những người đó sẽ có vết thương thường bị nhiễm trùng rất sớm, do viêm phúc mạc cấp tính bởi những vi trùng yếm khí và những vi trùng ghê gớm khác trong phân nên trông sắc mặt không được tươi tỉnh.

Trong trường hợp của Đại úy Nghi Pháo Binh Dù, tôi thấy nhận xét của tôi khá đúng. Sau khi mổ bụng ra, tôi chỉ thấy một vết thương ruột non và một vết thương ở bàng quang. Không có vết thương ruột già. Xoang bụng tương đối sạch. Tôi đã may các vết thương đó lại bằng Catgut. Cuộc giải phẫu kết thúc rất nhanh, mặc dù chúng tôi thiếu chỉ 1.0 để đóng bụng. Tuy nhiên tôi đã dự trù trước, nên đã có sẵn những sợi chỉ nylon của bao cát, dùng rất tốt, rất dai. Thành ra Đại úy Nghi là người đã được tôi dùng chỉ bao cát may lần đầu tiên tại chiến trường An Lộc. (Tôi đã theo dõi trường hợp này, và thấy không có bị nhiễm trùng như tôi đã lo ngại, vết thương của Đại úy Nghi đã lành đúng như dự định.)

Tôi đã dùng dây nylon cột bao cát như vậy cho ba trường hợp nữa trước khi tôi nhận được tiếp tế các chỉ may. Chính Y Sĩ Thiếu tá David Risch đã đích thân mang lên cùng với một phái đoàn y sĩ Mỹ thuộc Quân Đoàn III ở Biên Hòa.

Gặp nhau chúng tôi mừng lắm. Tôi nói với Bác sĩ Risch:

– Ông lên đây bằng trực thăng phải không? Tại sao ông lại lên đây làm gì, nguy hiểm lắm. Chỗ này là chiến trường. Không thể làm gì được nhiều như trước nữa. Tôi đề nghị ông nên ở lại Biên Hòa, giúp tôi bằng cách tiếp tế đầy đủ y cụ cần thiết và cho nhiều phương tiện để tản thương càng nhanh càng tốt.

Bác sĩ Risch gật đầu nói:

– Tôi biết chứ, nhưng tôi nghĩ tôi có thể giúp bạn một tay, vì tôi biết rằng bạn rất bận rộn. Vả lại ở Biên Hòa, trong Quân đoàn III các cố vấn Mỹ nghĩ rằng không ai có thể làm được những cuộc mổ lớn ở đây, ngay tại mặt trận này. Tôi đã nói với họ là có bác sĩ Quý ở Bệnh Viện Tiểu khu khá lắm và tôi tin rằng ông ta có thể làm được những điều đó. Họ vẫn không tin vì tin tức báo về là Bệnh Viện Tiểu Khu đã bị pháo sập rồi. Họ cá với tôi là nếu quả thực là ở mặt trận này Quân Y vẫn còn có khả năng mổ lớn và làm việc được như thường thì họ sẽ thua cuộc, phải chịu một bữa ăn.

Tôi thích thú vụ đánh cá này vì chắc chắn ông bạn to khỏe của tôi sẽ thắng, tôi cười nói:

– Như vậy là ông thắng 100% rồi. Tuy Bệnh Viện Tiểu Khu không còn sử dụng được nữa nhưng tôi đã dọn sang bên hầm này và vẫn tiếp tục mổ như thường.

Vừa nói tôi vừa dẫn bác Risch đi thăm những người tôi mới mổ sáng nay.

Bác Risch tỏ ra cảm phục tôi quá, nói:

– Tôi biết ngay mà, thế nào về Biên Hòa tôi cũng được một bữa ăn ngon lành. Để tôi kêu mấy người ấy tới đây giới thiệu với bạn, cho họ thấy tận mắt, không phải tôi nói ngoa.

Nói xong Bác sĩ Risch đi về phía hầm chỉ huy nơi các cố vấn Mỹ đang họp. Trong đó có cả mấy bác sĩ cố vấn của Quân đoàn III nữa. Khi Bác sĩ Risch vừa đi khỏi thì Thượng sĩ Lỹ vào cho tôi biết có một người bị thương ở bụng vừa mới chuyển tới. Tôi ra lệnh khênh vô để trên bàn mổ khám nghiệm. Quả thật anh ta bị một mảnh đạn xuyên vào bụng ở ngang rẽ sườn bên phải. Bụng đã hơi cứng nhưng mặt mũi vẫn còn tỉnh táo.

Tôi ra lệnh toán giải phẫu sửa soạn mọi thứ để mổ ngay. Vừa lúc ấy bác sĩ Risch dẫn phái đoàn cố vấn Quân Y Quân đoàn III tới. Họ gồm có ba người. Tôi nói với họ có một người bị thương bụng đang sửa soạn mổ. Một người trong phái đoàn, có lẽ là một bác sĩ giải phẫu, đề nghị với tôi cho ông ta phụ mổ. Tôi gật đầu bằng lòng. Nhưng trước khi đó tôi giải thích cho họ là chúng tôi làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, không được khử trùng một cách đúng quy tắc. Mổ dưới hầm này không có máy lạnh, không có áo choàng mổ, không có khăn mổ đàng hoàng như họ nghĩ đâu.

Ông bác sĩ đó gật đầu thông cảm. Tôi và ông ta rửa sạch tay bằng xà-bông Quân Tiếp Vụ. Ông ta cởi trần mặc áo thun lót, tôi mặc áo mổ lót ba lỗ ngắn, đeo găng tay. Chúng tôi đợi tín hiệu của anh Sáu Xòm cho biết bệnh nhân đã ngủ say, mổ được.

Tôi ung dung cầm dao mổ, đi một đường ngoạn mục quen thuộc rất nhanh rất chính xác, mổ bụng ra thấy có máu bầm trào ra. Như vậy định bệnh đúng là có vết thương bụng. Tôi khỏi sự tìm chỗ máu chảy, thấy từ gan ra. Gan bị một vết thương chùng ba phân ở thùy bên phải gần bờ dưới khuất sau xương sườn. Tôi hút sạch máu, lấy Catgut chromic 2.0 ra cố gắng may lại vết thương gan. Nhưng vì vết thương ăn sâu sau thành ngực nên rất khó mà may vì vướng. Ông bác sĩ phụ mổ cho tôi phải dùng tay kéo bờ sườn lên một chút và tôi đã may xong hai mũi.

Ông bác sĩ phụ mổ tôi hỏi:

– Trong trường hợp không có tôi ngày hôm nay thì anh làm sao?

– Tôi vẫn may lại được vết thương nhưng có điều mất thì giờ hơn một chút thôi.

Sau khi may xong tôi thấy máu ngừng chảy. Tôi sửa soạn khám xét tất cả các cơ quan khác trong bụng thấy còn không còn vết thương nào nữa. Tôi thấy bệnh nhân này may mắn thật. Những trường hợp này nếu không mổ cũng có thể sống được. Vì vết thương tương đối nhỏ và máu cũng không chảy nhiều lắm. Nó sẽ tự động ngưng lại nhất là nếu bệnh nhân nằm nghiêng về bên phải.

Cuộc giải phẫu kết thúc chưa đầy một giờ. Tình trạng bệnh nhân rất khả quan sau khi đóng bụng như anh Sáu báo cáo lại. Chúng tôi trút bỏ găng tay.

Bác sĩ Risch đứng xem mổ bên cạnh tới bắt tay tôi nói:

-I am very proud of you! You did a great job.

Tôi mỉm cười, nghiêng đầu chùi mồ hôi từ trên trán xuống, nói:

– Thank you.

Hai ông bác sĩ khác trong phái đoàn nhìn tôi có vẻ cảm phục lắm, làm tôi hơi ngượng vì mổ ca này quá dễ, chẳng xứng đáng gì được ngưỡng mộ cả.

Bệnh nhân được tiếp tục truyền nước biển có pha thuốc trụ sinh rồi được đưa sang phòng bên săn sóc hậu giải phẫu. Phái đoàn cố vấn Mỹ lại trở về hầm chỉ huy họp hành báo cáo gì đó.

Chừng một giờ sau bác Risch trở lại hầm tôi, cho biết là có chuyến tản thương, hỏi tôi có cần chuyển thương binh không. Tôi nói tôi có 7 thương binh kể cả người mới mổ cần phải tản thương ngay. Bác sĩ Risch nói:

– Để tôi lo việc tản thương cho. Nghe nói kỳ này có Chinook tới nên sẽ chuyển đi được nhiều lắm.

Tôi dặn ông ta:

– Bạn đi ra chỗ bãi đáp nên cẩn thận, Việt Cộng hay pháo vô đó lắm. Không nên ở đó lâu.

Bác sĩ Risch nói:

– Cảm ơn đã dặn dò. Tôi sẽ đề phòng.

Tôi cho mấy y tá theo xe Hồng Thập Tự chuyển hết thương binh trong hầm ra bãi đáp. Một giờ sau có tiếng Chinook bay qua Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Tôi nóng lòng chờ đợi chỉ sợ nó pháo lúc chưa tản thương kịp. Phải gần một giờ sau, các nhân viên của tôi trở về báo cáo đã tản thương xong.

Họ nói ông bác sĩ Mỹ đó tận tâm quá. Ngoài bãi không phải chỉ có binh sĩ mà còn thường dân bị thương cũng được chuyển ra đó tản thương. Bác sĩ Risch đã đích thân khiêng băng-ca chuyển lên máy bay cho lẹ.

Tài xế Mệnh nói:

– Em thấy ông ấy ôm một bà già bị thương đưa lên máy bay. Bà này máu mủ tùm lum hôi hám không chịu được thế mà ông ấy chẳng ngại gì. Làm việc nhanh gọn lắm, cũng nhờ vậy mà tản thương kỳ này được dễ dàng nhanh chóng.

Khi máy bay đi rồi, Bác sĩ Risch trở lại hầm chỉ huy gặp những người Mỹ trong phái đoàn đi với ông ta. Trong dịp này Bác sĩ Risch đã được Đại tá Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long gắn một huy chương Đồng tuyên dương công trạng đã can đảm trở lại An Lộc tiếp tế cho chúng tôi cùng giúp chúng tôi tản thương.

Sau khi tiếp nhận huy chương xong, Bác sĩ Risch cùng phái đoàn ở lại dùng cơm trưa rồi lên máy bay trực thăng về Biên Hòa.

Advertisements
REPORT THIS AD

Sau khi tản thương được hết các thương binh, tôi thấy nhẹ hẳn người. Trong khi các y tá của toán giải phẫu thu dọn hầm cứu thương cho đỡ rác rưởi, tôi ngồi nghỉ mệt ở trong phòng, có tiếng Thiếu tá Diệm gọi tôi bên ngoài:

– Bác sĩ Quý có đây không?

Tôi giật nhỏm mình đoán chắc có điều gì không hay, hoặc lại có thương binh về. Tôi vội lên tiếng:

– Ông Diệm đó hả, tôi đang ở trong phòng đây.

Thiếu tá Diệm hiện ra ở cửa phòng dục tôi:

– Có điện thoại từ Sài Gòn kêu ông kìa. Ông sang bên hầm chỉ huy nhanh lên.

Tôi vừa bật dậy vừa hỏi, vẫn chưa hết ngạc nhiên:

– Điện thoại gọi tôi?

– Bà xã tôi với cô Tuệ, em ông gọi hỏi thăm xem tụi mình có được bình an không. Thường thường ở đây cứ 3 giờ chiều, Đại tá ưu tiên cho một đường dây điện thoại liên lạc với Sài Gòn để cho nhân viên báo tin về cho gia đình.

À thì ra thế. Tôi lại cứ tưởng những tin gì ghê gớm không hay. Nếu vậy thì quá tốt rồi.

Tôi theo chân ông Diệm sang bên hầm chỉ huy đứng đợi đến lượt tôi. Chừng 10 phút sau tổng đài viên ra hiệu cho tôi. Tôi tiến đến cầm lấy ống nghe nói:

– Alô, Bác sĩ Quý đây.

Bên đầu dây bên kia tiếng quen thuộc của em Tuệ, tôi nghe rất rõ:

– Anh Quý đó hả, anh có mạnh khỏe không, ở đó có nguy hiểm không?

– Anh vẫn mạnh khỏe, ở trong hầm nên không nguy hiểm mấy. Ở nhà má có mạnh không?

– Má vẫn mạnh, chúng em chỉ lo cho anh thôi.

– Không sao đâu, anh vẫn mạnh khỏe bình an như thường. Thôi nhé để cho người khác nói chuyện.

Tôi dứt lời đưa ống nghe lại cho tổng đài. Lùi lại phía sau nhường chỗ cho ông Trưởng Ty Công Chánh. Thiếu tá Diệm nắm lấy tay tôi trở lại một chỗ khuất rồi hỏi:

– Này sao ông nói ít vậy. Ông phải biết là cực khổ lắm mới tiếp xúc được với nhau. Vợ tôi nói là đi với cô Tuệ từ 11 giờ sáng tới giờ, đói dài người ra mãi mới tới lượt mình. Công trình lắm chứ không phải chơi đâu.

– Ông có vợ con nó khác. Tôi chỉ cần nhắn về cho mẹ tôi biết tôi vẫn mạnh khỏe bình an là đủ rồi. Còn để dành thì giờ cho người khác nữa chứ. Dù sao tôi cũng vui mừng đã báo tin được cho gia đình biết tôi vẫn còn sống, mạnh khỏe. Tôi chắc ở nhà mẹ tôi lo lắng lắm, nay được tin tức này rồi bà cũng bớt lo âu.

Về tới hầm, tôi thấy bác sĩ Phúc đang nằm buồn thiu trên giường. Tôi biết chắc là anh bị triệu chứng NV thôi chứ chẳng có gì lạ cả. Triệu chứng NV là triệu chứng “nhớ vợ”. Anh mới cưới vợ chưa đầy một năm. Tôi đã đi dự đám cưới của anh. “Nửa năm hương lửa đang nồng” thì làm sao mà chẳng nhớ nhung cho được. Tôi bèn mách nước cho anh:

– Bên hầm chỉ huy cứ 3 giờ chiều họ có đường dây nói chuyện với Sài Gòn, anh sang đấy nhờ người nhắn về nhà bảo chị lên Ty Bưu Điện Chợ Lớn xin ghi tên nói chuyện với anh. Ưu tiên cho mình đấy. Vì bây giờ cả nước và có thể cả thế giới đang đang theo dõi trận đánh này. Nói chuyện với bà xã anh sẽ thấy yêu đời liền.

– Vậy hả.

Bác sĩ Phúc vui mừng nhổm dậy, anh nói tiếp:

– Để tôi qua đó nhờ họ nhắn dùm, may mắn thì ngày mai tôi có thể tiếp xúc được với vợ tôi.

Tôi nói:

– Anh đi ngay còn kịp đấy. Chúc anh may mắn.

No comments:

Post a Comment