MƯA SAIGON
(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)
Suốt mấy ngày về Saigon, tôi chỉ ăn không ngồi rồi, mọi thứ đều có em gái tôi lo liệu, cơm dâng nước hầu, hết cà phê lại đến thuốc lá, hết ti-vi lại đọc sách. Quen với lối sống ở Mỹ làm việc quần quật như trâu, cả ngày lúc nào cũng chạy đua nước rút với cái đồng hồ, giờ đây nhẫn nha, rề rà ngồi chơi xơi nước khiến tôi có cảm tưởng một ngày ở Việt Nam dài bằng năm bảy ngày ở Mỹ. Cái câu nhàn cư vi bất thiện nghe bắt đầu thấm, sang đến ngày thứ ba, tôi đành phải chào thua, lò dò mò ra phố.
Vẫn những con đường ngày xưa, vẫn dãy phố năm nào nhưng Saigon giờ đây trông lạ hẳn. Thêm nhiều nhà mới cao lêu nghêu, lỏng khỏng bên cạnh những căn nhà tối tăm lụp xụp có từ mấy chục năm về trước, cái đổi thay rõ ràng nhất mà tôi thấy được là một rừng người và xe gắn máy, di động theo một thứ trật tự hổ lốn, xe cứ bóp còi người cứ như điếc, phớt tĩnh mà đi. Gần hai mươi lăm năm rồi chỉ nghe nói, nghe hứa hẹn hơi nhiều, cho nên dân Saigon nếu không điếc thì cũng đội một chiếc mũ ni.
♣
Tôi thả bộ dọc theo lề đường, bước trên những phiến đá hoa cương ngày cũ, chân đi mà hồn như lạc tận đâu đâu. Mỗi bước tôi đi, thêm một hình ảnh của quá khứ lại hiện về khiến lòng bùi ngùi thương nhớ, dĩ vãng chập với hiện tại khi thực, khi ảo, lúc có, lúc không. Chiếc xe nước mía của chú Sáu dưới gốc me già không còn nữa, thay vào đó là một thằng bé mình trần trùi trụi, đen như củ súng, đang ngồi vá xe bên cạnh thau nước váng bụi lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đến đầu ngã tư, tôi ghé vào tiệm cà phê có cái tên ngồ ngộ “Quán bên đường”. Ngày xưa nó là cái quán bán cháo huyết của vợ chồng ông tàu già, vợ chạy bàn, chồng múc cháo. Ngày ấy tôi vẫn thường say mê theo dõi cái lối múc cháo một cách điêu luyện của ông ta. Ông múc cháo với một cái vá cán dài, bằng một động tác vừa nhanh vừa gọn, ông vục cái vá vào nồi cháo, nhấc lên cao, nhịp nhẹ vài ba cái rồi úp ngược vào tô. Chưa bao giờ tôi thấy một hạt cháo rớt ra ngoài. Mỗi tô cháo ông đếm đủ sáu miếng huyết không hơn, không kém. Riêng tôi trăm lần như một, tôi luôn luôn kèo nài xin thêm không những một, mà là hai miếng huyết nữa để được nghe ông lầm bầm trong miệng: “Một miếng thôi à”. Miệng thì nói một nhưng tay ông bốc thêm hai miếng bỏ vào tô. Miếng huyết chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng yếu tố tâm lý quan trọng hơn, nó lừa được cái dạ dày lép kẹp của tôi. Không biết giờ này vợ chồng ông ta lưu lạc phương nào, sống chết ra sao, có biết rằng hôm nay tôi trở về đây để tình cờ bắt gặp lại những hồn ma cũ.
Tôi chọn một chiếc bàn nhỏ ngoài hiên, ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ xíu như đồ chơi con nít, nhâm nhi ly trà đá, nhìn những giọt cà phê đen quánh rỉ rả nhỏ xuống chiếc ly thủy tinh cáu bẩn cũ xì. Vẫn xe cộ ngược xuôi tất bật, vẫn bụi bặm mịt mù nhưng lòng người hình như đã chết lặng từ lâu rồi.
Một cơn mưa dông nhiệt đới kéo đến thật lẹ, chưa kịp thấy bầu trời đổi sắc đã thấy những hạt mưa lộp bộp rơi xuống tự lúc nào. Phản ứng tự nhiên, tôi nhích chiếc ghế sát vào mái hiên để tránh mưa, vô tình chạm phải một người phía sau.
-Chú mua giùm con mấy tấm vé số.
Tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người, giọng nói nhỏ xen chút rụt rè như sợ làm phật ý người nghe.
Sau lưng tôi, một thằng bé khoảng chừng bảy hay tám tuổi với chiếc nón vải rách bươm úp lên đầu, gương mặt lem luốc, quần cụt áo cộc. Gọi là áo nhưng tôi chẳng thấy hột nút nào, manh áo không đủ che thân để lộ rõ đôi cánh tay khẳng khiu, mấy cái xương sườn nhô lên trên cái bụng lép lẹp, phập phồng theo hơi thở.
Tôi nhớ lại lời dặn của bạn bè ở Mỹ: “Cho ăn mày hay mua vé số cũng tốt nhưng phải coi chừng sau đó liệu mà đối phó với hàng chục người nữa bu lại!”
Tôi trả lời dứt khoát:
-Không mua đâu!
Khi nói xong tôi mới biết rằng câu nói chưa đủ sức mạnh khiến cho đứa bé phải bỏ đi. Tôi gằn giọng:
-Không đi đi! Còn chờ gì nữa!
Đứa bé nhìn tôi với ánh mắt buồn buồn như muốn nói với tôi rằng, con có xin gì chú đâu.
Mưa đã ngớt hột. Ly cà phê vẫn còn đang nhỏ giọt. Mưa đó rồi tạnh đó ấy mà.
Tôi dõi mắt nhìn theo cái bóng ma ốm đói thất thểu băng qua đường. Thằng bé ngồi bệt xuống một gốc cây, lật ngửa chiếc nón để vào giữa lòng. Nó chuyền từng tấm vé số một, từ tay trái sang tay phải. Cứ đúng mười tấm nó lại đặt vào chiếc nón rồi lại tiếp tục mười tấm nữa, mười tấm nữa.
Tính hiếu kỳ khiến tôi theo dõi trò chơi kỳ cục của thằng bé. Tôi nghĩ hoài vẫn không hiểu nó muốn gì, đành đoán già đoán non là nó không biết đếm. Khả năng của nó có thể chỉ từ số một tới số mười. Con số mười một hình như còn xa vời quá.
Tôi lặng người đi vì thương xót, hối hận vì đã hành xử không phải với một đứa nhỏ. Đã mấy lần tôi giợm đứng lên, chạy qua đường để mua hết xấp vé số cho thằng bé nhưng một ma lực nào đó đã giữ tôi ngồi yên trên ghế. Lòng tôi quằn quặn, xốn xang khi thấy thằng bé lửng thửng đi dọc theo hàng cây bên kia đường, mỗi lúc một xa.
Tôi nhớ lại Saigon những ngày mưa trước, những cơn mưa của kỷ niệm, cũng bong bóng nước đuổi nhau chạy dài trên hè phố, cũng những chiếc thuyền giấy mắc cạn bên lề đường, những cơn mưa ngày đó kéo dài cho đến hôm nay chợt làm đẫm ướt đời mình. Đột nhiên cảnh vật trước mắt tôi như nhòa đi. Đời mình lầm lỗi đã nhiều, lầm cũng nhiều mà lỗi cũng không ít, cớ sao ngần này tuổi đầu lại vướng vào một lầm lỡ tuy nhỏ nhưng không thể nào tha thứ được.
Như một kẻ mộng du, tôi dằn mười ngàn dưới ly cà phê mà tôi chưa nếm lấy một giọt. Uống làm gì cho thêm đắng.
♣
Những ngày sau đó, tôi thường trở lại cái quán bên đường với chút hy vọng là sẽ gặp lại thằng bé. Hơn ai hết, tôi biết rõ luật hè phố của Saigon. Những đứa trẻ đánh giầy hoặc bán vé số thường chỉ họat động trong khu vực của mình, hiếm khi có chuyện lấn sang phạm vi kẻ khác. Mỗi giang sơn một anh hùng. Rừng nào cọp nấy, chẳng ai dại gì phá rào để bị tước đoạt phương tiện hành nghề mà còn bị dần cho một trận nên thân để dằn mặt. Thằng bé như bóng chim tăm cá, như mưa dông của Sàigòn chợt đến rồi chợt đi.
-Chú mua giùm con mấy tấm vé số, chiều xổ.
Tôi nhìn con bé bán vé số rồi tự hỏi, tại sao lại phải tìm cho được thằng bé của mấy ngày trước. Ai cũng vậy thôi. Không lý đi dâng hương lại lựa Phật, xuất gia phải chọn chùa! Tôi vui vẻ cười đùa với con bé.
-Mua chớ, mà con mấy tuổi rồi?
-Dạ mười.
Tôi hơi ngạc nhiên, trông nó chỉ bằng đứa bé năm hay sáu tuổi là cùng.
-Con đếm thử coi, còn bao nhiêu vé ?
-Một, hai, ba…mười một, mười hai.
Con bé đếm một cách trơn tru, ngon lành.
-Dạ bốn mươi tám vé, chú muốn mua mấy vé?
-Mua hết.
-Hổng dám đâu.
Tôi không biết dân Saigon bây giờ dùng chữ này với nghĩa gì và dùng trong trường hợp nào.
-Có gì mà không dám. Bao nhiêu một vé?
-Dạ hai ngàn.
-Bốn mươi tám vé vị chi là chín mươi sáu ngàn, chú đưa con một trăm ngàn, còn dư bốn ngàn cho con luôn.
Tôi đọc được sự sung sướng vô ngần trong đôi mắt ngây thơ của con bé. Bằng cả hai tay, nó run run nhận lấy số tiền rồi quay đầu như muốn chạy trốn, có thể nó sợ tôi đổi ý. Con bé vừa đi được vài bước, tôi đổi ý thật.
-Nè con !
Đứa bé quay lại, hai tay vẫn nắm chặt lấy số tiền.
-Chú muốn mua ít thôi phải không?
-Không!
-Vậy chú muốn gì ?
-Cho con luôn xấp vé số này.
-Chú đừng có giỡn, tội con.
Tôi cầm xấp vé đặt vào lòng bàn tay con bé.
-Cho con đó, đi về đi. Nhớ mua cho em con vài trái ổi, me hoặc tầm ruột ngâm đường, thứ gì cũng được, nhớ nghe!
♣
Bước xuống taxi, phải mất vài phút định thần tôi mới nhớ lại phần nào con đường ngày xưa. Nếu tôi nhớ không lầm, căn nhà cuối ngõ hẻm phía bên trái là nhà của Quân. “Quân nhẩy dù” là bạn cùng khóa, cùng đơn vị với tôi. Bạn bè của tôi hầu hết đều qua Mỹ, không diện HO thì cũng đoàn tụ bảo lãnh.
Tôi đi tìm Quân chỉ vì bốc đồng, đi tìm mà tin rằng sẽ không bao giờ gặp, bởi vì chẳng ai dại gì đi tìm một người mà gần hai mươi lăm năm rồi không thư từ, không tin tức. Biết đâu giờ này Quân đang ngồi ở Mỹ lai rai dăm ba lon Budweiser đấu láo với bạn bè, kể chuyện Hạ Lào, chuyện mùa hè đỏ lửa. Cũng có thể nó đang làm ruộng ở Cà Mau hay hái cà phê ở Ban Mê Thuột, không chừng.
Sau một thoáng ngần ngừ, tôi mạnh tay gõ cửa. Phải ba bốn lần gõ liên tiếp cánh cửa mới được hé ra:
-Ông tìm ai ?
Tôi nhìn người đàn bà đối diện, hơi chột dạ. Bà ta ăn mặc luộm thuộm, bộ đồ bà ba cũ mèm bạc phếch, mớ tóc biếng chải, gương mặt xanh xao như người bệnh.
-Thưa bà, cho tôi hỏi có phải đây là nhà của ông Quân không ?
-Dạ phải, ông tìm nhà tôi có chuyện gì ?
Tôi mừng như trúng số. Không ngờ mình đi xin xâm lại được quẻ xâm thượng thượng.
-Tôi là bạn của Quân, từ Mỹ về.
Người đàn bà nhìn tôi thật lâu, bỗng dưng đôi dòng lệ từ từ tuôn tràn theo khóe mắt. Bà đưa hai tay bụm mặt, nghẹn ngào.
– Anh ấy mất từ hơn hai năm nay rồi.
Tôi đứng ngây người, chết lặng như tượng đá không biết phải ăn nói làm sao cho hợp với tình huống bất ngờ như thế này.
Người đàn bà nói qua những giọt nước mắt:
-Mời anh vô nhà uống miếng nước.
Tôi đảo mắt một vòng, căn phòng sặc mùi ẩm mốc, chứng tỏ chủ nhân ít khi mở cửa. Tôi đưa tay bịt mũi mà không nghĩ đến mình đã làm một hành động vô ý thức, cũng may là vợ Quân không nhìn thấy. Căn phòng trống rỗng chỉ có một cái bàn và bốn chiếc ghế đặt giữa nhà, gọi là bàn ghế cho có chứ thực sự bàn không ra bàn, ghế không ra ghế, chỉ là những mảnh ván chắp nối vụng về dùng để ngồi ăn cơm. Một chiếc kệ nhỏ gắn lên tường, trên đó bức ảnh bán thân của Quân, một bình bông giả, một ly thủy tinh đổ đầy gạo thay thế bát nhang.
Rõ ràng là tôi đã đánh mất không gian lẫn thời gian, đầu óc chập chờn chao đảo, không biết là mình đang sống ở đâu. Trần gian cũng được mà địa ngục cũng xong.
Vợ Quân hấp tấp bước ra cửa, vừa đi vừa nói:
-Mời anh ngồi chơi, tôi trở về liền.
Bị dồn vô thế thụ động, tôi đành ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp, nhìn quanh.
Trên bàn thờ, Quân đang mỉm cười nhìn tôi. Trông nó vẫn ngang tàng ngạo nghễ như ngày nào, trái với cảnh hương tàn tro lạnh. Mấy cái hoa giả rẻ tiền, bụi bặm bám đầy trông giống như những cái hoa héo.
Vợ Quân trở về với lon Coca trên tay.
-Mời anh dùng nước.
-Chị cho tôi được tự nhiên. Tôi là Đức bạn của Quân. Ngày xưa chúng tôi cùng một đơn vị.
-Có phải anh là Đức … Đức Cùi ?
-Dạ phải.
-Hồi còn sống, anh Quân mỗi khi uống rượu ngà ngà say lại nhắc đến anh, nhắc đến chuyện anh thí mạng cùi ở Hạ Lào. Trong số bạn bè của ảnh, anh là người được nhắc đến nhiều nhất.
-Cám ơn chị. Tôi hơi tò mò. Cho tôi hỏi anh chị lấy nhau được bao lâu? Có mấy cháu ?
-À … Chúng tôi lấy nhau năm tám lăm, được hai cháu.
-Mấy cháu đi học?
-Dạ…dạ.. tụi nó đi… cũng sắp về.
Tôi nhìn lên bàn thờ rồi nói với vợ Quân:
-Chị cho tôi đốt nén nhang cho ảnh.
-Dạ.
Trong cái nhá nhem của buổi chiều, ánh lửa que diêm bùng cháy soi rõ gương mặt của Quân. Tôi nhìn được cái nốt ruồi ở cuối chân mày, không lý đây là cái nốt ruồi yểu tướng. Mùi nhang thơm đánh bạt cái ẩm mốc ngột ngạt. Tôi cầm nén nhang khấn thầm: “Vì hoàn cảnh mỗi đứa một nơi vắng bặt tin tức, tao không ngờ vợ chồng mày đói khổ đến như vậy! Thôi thì hôm nay gặp được mày âu cũng là duyên số. Tao muốn giúp đỡ vợ con mày chút đỉnh gọi là, hãy yên tâm nghe thằng bạn vắn số, hẩm hiu”.
Tôi cắm mấy cây nhang lên bàn thờ. Vợ Quân nước mắt giọt vắn giọt dài.
-Hôm anh ấy bệnh, cứ nghĩ là cảm xoàng cho nên chỉ uống mấy viên thuốc nội, nếu lúc ấy có tiền đưa đi bác sĩ chắc không đến nỗi nào.
Tôi an ủi vợ Quân bằng câu nói lảng nhách đầy khách sáo:
-Định mệnh đã an bài, mình làm gì được bây giờ. Chị cố gắng nuôi mấy cháu nên người, được như vậy tôi nghĩ rằng anh Quân cũng mãn nguyện, ngậm cười nơi chín suối.
Giọng nói của vợ Quân trở nên nức nở.
-Anh nghĩ coi tôi bịnh hoạn, ốm yếu như thế này. Ảnh mất đi trong nhà không còn lấy một đồng làm sao tôi lo nổi cho hai con. Nhìn hai cháu mỗi ngày một còm cõi, tôi chỉ muốn đi theo ảnh để được thảnh thơi nhẹ nhàng.
Nghĩ đến người khuất mặt, nhìn thấy hoàn cảnh đói rách của vợ bạn, tôi sắp sẵn trong đầu mọi chuyện. Lát nữa đây trước khi ra về tôi sẽ tặng vợ Quân một ít tiền, vài trăm đô chẳng hạn. Số tiền tuy khá lớn đối với tôi nhưng tôi biết rằng mình có thể xoay xở được. Đang miên man suy tính tôi chợt rùng mình, khi nhìn thấy thằng bé thấp thoáng nơi cửa.
-Mẹ ơi, hôm nay con bán được hơn…
Thằng bé ngừng nói, im bặt há hốc mồm nhìn tôi. Đôi mắt của nó tôi không bao giờ quên được.
Vợ Quân nhanh nhẹn nói:
-Bạn của ba con ở Mỹ về, chào bác đi con !
Thằng bé đến bên tôi, nó vòng tay, cúi đầu. Vẫn quần cụt áo cộc, đôi cánh tay gầy ốm khẳng khiu, mấy cái xương sườn nhô lên trên cái bụng lép lẹp.
-Thưa bác.
Máu trong người tôi dường như chảy mau hơn. Mặt tôi đỏ bừng. Tôi nói như mê sảng:
-Xin phép chị tôi về. Hôm nào rảnh tôi ghé lại thăm chị sau.
Tôi bước đi như chạy, bỏ mặc vợ Quân ngẩn ngơ, ngơ ngẩn không biết chuyện gì xảy ra.
♣
Một cơn gió từ bờ sông thổi đến mang theo cái mát lạnh của hơi nước khiến tôi bình tĩnh lại. Mấy tờ giấy bạc một trăm đô vẫn còn nằm yên trong túi.
Tôi đi lang thang giữa đường phố Saigon. Đèn đêm vàng võ, soi rõ cái bóng của mình chập chờn nghiêng ngã trên hè phố, vẫn xe cộ ngược xuôi tất bật, vẫn bụi bặm mịt mù. Bâng khuâng tôi tự hỏi: Không biết mình có còn đủ can đảm để trở lại thăm vợ con Quân nữa hay không ?
Huy Văn Trương
No comments:
Post a Comment