Sau một lúc hoang mang, buồn đau đến cực độ, tôi thấy rằng bổn phận của tôi đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, giành lại độc lập cho đất nước đến đây là hết.
Tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một công dân.
Bấy giờ, mục đích đã đạt, người ta thải hồi, vất bỏ những kẻ đã góp công sức, góp xương máu vào cuộc kháng chiến, chiếm đoạt công lao của mọi người biến thành công lao của một nhóm, công lao của Đảng. Biết sao giờ ?
Ngay trong đêm đó, tôi chèo xuồng suốt sáng về đến chợ Ngang Dừa thuộc quận Gò Quao, Rạch Giá, ở tại nhà một người bạn cũ, từng công tác chung với tôi trước đây. Tại đây nhờ sự giúp đỡ của gia đình bạn, tôi chuẩn bị một cuộc trở về Saigòn, tạo lập lại cuộc đời mới mà tôi biết chắc là tôi còn nguyên vẹn thuộc về tôi.
Mấy hôm sau, tôi đón đò máy từ chợ Ngang Dừa ra Rạch Giá rồi quá giang xe hàng về Saigòn. Tôi lại đến ở nhờ nhà của một người anh bà con và báo tin về Vĩnh Kim cho ba má tôi hay.
Từ đó, tôi sống lại cuộc đời học sinh, tiếp tục ngày hai buổi cắp sách vào trường, học với “tốc độ bù” để đền lại những năm đã mất.
Đậu Tú tài toàn phần xong, tôi đến ghi tên ở Đại học Luật Khoa.
Tôi đã lớn lên trong kháng chiến, nếp sống nay đây mai đó, gót chân của tôi gần như đi cùng khắp các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ. Nó đã tạo cho tôi, trong tiềm thức, một ước muốn mãnh liệt về nếp sống giang hồ, bay nhảy đi khắp đó đây.
Tôi ghi tên vào Luật khoa cũng vì muốn thỏa mãn ao ước đó. Vì rằng, xong phần cử nhân Luật, tôi sẽ xin xuất dương sang Pháp học về khoa chính trị ngoại giao. Rồi tôi sẽ cố cậy cục xin một cái chân nhân viên của Tòa đại sứ Việt Nam tại ngoại quốc. Thế là tôi thỏa được cái mộng giang hồ, được ngao du nhiều nước trên thế giới.
Ước muốn của tôi chỉ là một ước muốn khiêm nhường, hết sức tầm thường, nó không là một hoài bảo nhằm vào một mục đích chính trị nào cao xa. Danh vọng, địa vị làm sao thích hợp được cái mộng sông hồ có tính cách riêng tư của một cá nhân đi tìm những niềm vui nho nhỏ.
Những tưởng cuộc đời tôi sẽ êm ả trôi đi theo thời gian với cái nguyện vọng nhỏ nhoi, ghép mình trong cái sinh hoạt bình thường và khung cảnh chính trị đặc biệt của Việt Nam bị Hiệp định Genève 1954 phân cách làm đôi.
Tôi cũng đã nghĩ đến, nhớ đến sách lược đấu tranh chính trị và những công tác chính trị cho miền Nam, chuẩn bị Tổng tuyển cử 1956 theo kế hoạch Trung Ương Cục miền Nam đề ra mà tôi đã được học tập nhiều lần trong những ngày đầu sau đình chiến.
Tôi vẫn biết miền Nam sẽ còn đấu tranh, máu lửa và hỗn loạn rối bời cho đến khi nào đảng Lao Động thống nhất được cả miền Nam trở thành nguyên vẹn một quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như miền Bắc. Chưa giải phóng được miền Nam trở thành vùng đất xã hội chủ nghĩa, thuộc nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” là nhất định “cách mạng” còn tiếp tục, còn có chiến tranh xảy ra, còn có cướp chánh quyền do Đảng lãnh đạo thực hiện bằng mọi cách. Không một người tham gia kháng chiến chống Pháp nào là không được học, không biết điều sơ đẳng đó qua những tài liệu chính trị học tập ở cơ quan.
Nhưng 1956 trôi qua một cách nhẹ nhàng, êm xuôi. Việc Tổng tuyển cử không thành. Các cơ sở đấu tranh chính trị được Trung Uơng Cục cài lại ở khắp miền Nam bị chính quyền Quốc Gia phá vỡ, dẹp tan gần như chẳng còn gì. Muốn thực hiện một cuộc đấu tranh phải gây dựng cho được một hệ thống cơ sở, tổ chức vận động sâu rộng khắp nhân dân quần chúng, với một hàng ngũ cán bộ lãnh đạo thật đông đảo từ trên xuống dưới.
Bây giờ cả cái hệ thống cơ sở, cả cái hàng ngũ cán bộ được Đảng phân công cài lại ở miền Nam đã bị phá vỡ, tóm sạch, gần như tan nát hết chẳng còn gì thì làm sao thực hiện nổi kế hoạch đề ra trước đây ?
Mặt khác, kinh nghiệm Triều Tiên cho tôi biết khối Tư Bản, khối Đồng Minh của Thế giới Tự Do nhất định không khi nào để miền Nam tái diễn được cuộc chiến tranh giống như Triều Tiên ở miền Nam Việt Nam này. Bài học Triều Tiên là bài học đắt giá mà chánh quyền miền Nam cũng như Mỹ và khối Đồng Minh không thể nào không học, không rút kinh nghiệm, không có một kế hoạch đề phòng hữu hiệu.
Qua sự hiểu biết nông cạn về chính trị của tôi như trên nên sau năm 1956, tôi không bao giờ vướng mắc chút nghi ngờ nào về tương lai đen tối của vùng đất tự do ở miền Nam. Tôi ngây thơ mà tin như vậy.
Tôi vui vẻ xây rất nhiều mộng đẹp cho tương lai của riêng tôi. Cứ ngày hai buổi, cắp sách đến trường.
Đùng một cái, năm 1959, cuộc Đồng Khởi mở màn cho chiến tranh ở miền Nam bắt đầu lan rộng. Kinh nghiệm của chiến tranh Triều Tiên không được ai quan tâm nữa rồi !
Chính quyền và cả các đảng phái cũng như những nhân vật được gọi là chính trị gia, chính khách của miền Nam tự do này chống Cộng nhưng không biết Cộng ra sao nữa rồi !
Trời ơi, sao họ dốt, họ ngây thơ quá vậy ? Tôi buồn. Tôi không sao không đánh giá họ thấp qua những điều đã nghĩ. Tôi ngây thơ thì là chuyện thường, nhưng họ, những người nắm vận mạng miền Nam, mang danh là chính trị gia, chính khách, nếu họ cũng ngây thơ như tôi thì… dep họ cho rồi ! Tôi ức lắm.
Thế là chiến cuộc đau thương, tang tóc và tàn bạo càng ngày càng lan rộng mãi trên mảnh đất thân yêu miền Nam. Cuối tháng 12 năm 1962, một chiều, tôi ở giảng đường Luật khoa về nhà muộn hơn mọi hôm thì gặp má tôi từ Vĩnh Kim lên thăm chúng tôi, cũng vừa xuống xe xích-lô trước cửa. Nguyên từ ngày tôi trở về Sàigòn, ba má tôi mua cho mấy anh em tôi một căn nhà ở để đi học.
Cúc, em gái tôi chường mặt ra cửa, reo lên :
– Má lên ! Má lên ! Má mạnh hả má ?
Má tôi cười, nếp nhăn ở đuôi mắt chạy dài ra thái dương :
– Con chó con ! Làm gì la om sòm lên vậy ? Hổng biết mắc cỡ à! Xung quanh phố người ta cười cho.
– Người ta mừng má mà! Má đưa giỏ xách đây cho con!
Tôi cũng nhoẻn miệng cười :
– Má!
– Ờ! Sao bữa nay về trễ dữ vậy con ?
– Dạ, khi nào nghe thuyết trình ở giảng đường thì thường về muộn đó má !
Em gái tôi nhao nhao lên :
– Hổng phải đâu má ! Má đừng có tin anh Tư. Ảnh dám chở đào đi chơi lắm đó má !
– Đào lộn hột hả ? – Má tôi vừa nói vừa cười.
Cả ba má con tôi vui vẻ kéo vào nhà. Thằng Dũng em trai út của tôi lúc đó mới hay, đâm đầu nhảy hai bậc một đùng đùng chạy xuống thang gác. Tay nó còn cầm cái cọ hàn điện, dây nhợ lòng thòng.
Má tôi hỏi :
– Làm gì chạy đùng đùng dữ vậy con ?
Dũng chưa kịp trả lời, miệng còn đang cười toét ra, Cúc đã nói ngay :
– Nó mừng má mà như vậy đó. Má biết hông, lúc này nó thành thợ điện, thợ sửa radio rồi ! Ngày nào cũng vậy hễ đi học về quăng sách ra là y như chúi mũi với cái cọ hàn. Nó tháo, nó ráp, nó hàn, nó chế tạo radio. Vậy mà cả nửa tháng nay chẳng nghe cái radio của nó ọ ẹ được tiếng nào.
Dũng cười nói:
– Bữa nay xong rồi ! Chút nữa em vặn nó la ầm nhà cho chị coi.
Sau bữa cơm tối, ba anh em tôi ngồi quây quần quanh chiếc divan trên gác. Má tôi nằm ở giữa. Tôi cất tiếng hỏi:
– Sao bữa nay má lên tối vậy má ?
Trầm ngâm một lúc, má tôi chậm rãi trả lời :
– Thì cũng có chuyện tao mới đi tối vầy chớ!
Cúc chồm lên hỏi :
– Chuyện gì vậy má ?
– Chuyện của mấy đứa bây ! Khổ lắm ! Mấy bữa rày ba bây ổng bỏ ăn bỏ ngủ, lo rầu. Tao cũng vậy. Tao tính lên cho bây hay mà ổng cản mấy bữa nay không đi được.
Tôi sửng sốt, không hiểu. Chuyện của ba anh em tôi? Ba anh em tôi lo học hành, nào đã làm chuyện gì nên nỗi ? Lạ thực. Tôi ngơ ngác hỏi :
– Tụi con đã làm điều gì để ba má lo rầu đến nỗi…
– Không ! Tụi bây giờ có gì đâu ! Người ta kìa!
– Ai? Ai vậy má ? Cúc hỏi.
– Mấy ông “tối trời” chớ ai! Tối bữa trước, cách nay bốn năm bữa, mấy ông “tối trời ” đến nhà mình biểu ba bây với tao phải kêu tụi bây về cho họ gặp mặt. Nếu không họ sẽ “mời” đi học tập vì có tội với nhân dân là để cho con cái làm việc với Quốc Gia.
– Trời đất ! Má coi tụi con có đứa nào là làm việc cho Quốc Gia ? Anh Tư thì sửa soạn thi nốt cái chứng chỉ cử nhân Luật cuối cùng. Con thì đang học đại học sư phạm. Còn thằng Dũng đang học đệ nhất. Sao má không chịu nói cho họ biết là tụi con còn đương đi học.
Đang nằm, má tôi ngồi ngay dậy :
– Tao nói cả chục lần chớ không nói ! Có một thằng nó thắc mắc với tao, biểu ” Cử nhân là phản động gắt rồi chớ còn gì nữa”. Nó còn hỏi sư phạm là cái gì ?
Cúc trố mắt lên : ·
– Trời đất ơi ! Dốt đâu lại dốt đến lạ lùng! Ăn nói ngớ ngẩn , con tức muốn bể bụng ra.
– Cái thằng tự giới thiệu là ủy viên gì đó thì coi bộ khá hơn. Nó nạt thằng kia biểu đừng nói bậy mất chánh sách. Sau hết thì thằng đó yêu cầu tao cho bây hay là nó mời về nói chuyện. Nếu bây không về thì nó mời tao với ba bây đi.
Cúc đột ngột đập vào tôi một cái thực mạnh :
– Anh Tư, nghe coi chịu nổi không anh Tư ?
Tôi nhìn Cúc một thoáng, lặng yên không trả lời. Chịu nổi hay không chịu nổi gì cũng phải chịu. Vì nó là một thực thể, một hiện hữu đang xảy ra trên đất nước này đây. Dù hành động này phi lý, không có môt thứ luật pháp nào quái gở như vậy, nhưng nó hiệu nghiệm, thỏa mãn được điều họ muốn.
Đường lối của Cách mạng, của Đảng không hiểu giai đoạn này ra sao nhỉ ? Hoàn cảnh cuộc kháng chiến năm trước đây khác biệt với ngày nay quá xa, tôi không thể nào hiểu được.
Tôi không ngăn dược tiếng thở dài. Cúc buột miệng
– Con hổng thèm đi đâu hết! Anh Tư với thằng Dũng có muốn về gặp họ thì về !
Dũng vốn ít nói, nó buông một câu trách móc :
– Chị thì nghĩ gì đến ai ? Ba má khổ sở ra sao mặc ba má, miễn chị cứ sống đầy đủ, ăn no ngủ kỹ thì thôi chứ gì !
Không thể dừng được, tôi lên tiếng rầy Dũng :
– Để tao về ! Chuyện đó là chuyện của tao. Hai đứa bây đừng có lộn xộn càng làm má buồn thêm thôi.
Không khí lúc ấy đột nhiên nghiêm trang, không ai nói với ai câu nào, im phăng phắc, ngột ngạt hết sức. Một chốc sau, má tôi đưa mắt lo lắng nhìn tôi:
– Hùng… Con về rồi có sao không con? Liệu có gì không ?… không lên cho bây hay thì cũng khổ, mà bây về thì….
– Cũng không đến nỗi nào đâu má ! Con sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa với họ, không sao đâu.
– Ba con trưa nay biểu má lên cho con hay, hỏi con nên tính cách nào chớ ổng dặn má là con khoan về đã. Khổ lắm ! Mà con không về thì.. cũng khổ, Má sợ…
Tôi cười để má tôi được yên lòng :
– Không có chuyện gì đâu má ! Họ mời con về để điều tra, để rủ con tham gia làm việc với họ chớ không có chuyện gì đâu. Cái chuyện của họ là rún ép gia đình, dọa nạt gia đình để tạo áp lực đó thôi. Hồi 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều nơi người ta cũng đã dùng hình thức này rồi. Chuyện này con hiểu lắm. Không có gì nguy hiểm đâu, má đừng sợ.
Má tôi thở dài, hạ thấp giọng xuống, bắt đầu kể cho chúng tôi nghe :
– Lâu nay tao giấu bây, không cho bây hay sợ bây không yên tâm học hành. Suốt ba tháng rồi, tối nào mấy ông “tối trời ” cũng vác loa thiếc đứng xế cửa ngõ nhà mình, bới móc, nói nặng nói nhẹ, nói xiên nói xéo tao với ba bây đủ điều. Ho không kêu đích danh tên tuổi ai ra. Họ chỉ nói là bọn ăn bơ thừa, sữa cặn, bọn có đầu óc phản động, có con em đi làm tay sai cho Mỹ Diệm, bọn cầu an lưng chừng, nối dáo cho Quốc Gia chống lại nhân dân. cách mạng. Rồi họ nói đến bọn kháng chiến cũ mất gốc, đầu hàng nhục nhã, đủ thứ. Đêm nào cũng vậy, họ nói mắc mỏ, nói hành nói tỏi, nhục mạ đến điều độn thổ mà chết luôn. Thiệt tao với ba bây nhức mình không chịu nỗi. Mình vậy còn khá, vợ chồng anh chín Khoa thì thảm thương làm sao! Tội nghiệp… Ảnh chỉ chất phác thiệt thà, cả làng ai cũng chắc lưỡi kêu trời.
Tôi ngạc nhiên, sửng sốt : ·
– Ủa, vợ chồng bác Chín chết rồi sao má ?
– Ảnh thì họ chặt đầu rồi. Còn chỉ thì họ dẫn đi biệt cả tháng nay chưa về.
Cúc cũng thảng thốt không kém :
– Trời đất ! Bác Chín làm gì mà họ chặt đầu, má ?
– Có gì đâu ! Thằng Mười trước đây được đi học nhờ ảnh chỉ tiện tặn, chắt mót từ đồng nuôi nó đi học bò lên được cái tú tài một. Rồi nó nghỉ, nhảy qua học sư phạm. Ra trường dạy đâu được vài năm ở Chợ Gạo. Hôm Tết bị kêu quân dịch, đi Thủ Đức học sĩ quan. Tháng trước họ cũng vác loa đứng ngoài lộ, chửi xiên chửi xéo như vậy.
– Vậy sao họ chặt cổ, kỳ vậy má ? – Cúc nóng nảy hỏi.
– Thủng thẳng đã chớ! Anh Chín, ảnh tức, nhịn không được nên mới nói đổng ra ngoài : ” Mấy ông muốn nói gì thì lên Thủ Đức kiếm thằng Mười mà nói với nó. Còn tui là nông dân cày ruộng ăn còn chưa đủ, tui có động chạm tới ai, tui cũng hổng có tội lỗi gì sao tới đây nói mắc mỏ, mắng nhiếc tui”
– Vậy rồi họ bắt chặt đầu ?
– Ờ! Tối hôm đó họ xông vô nhà anh Chín, khép tội ảnh để con đi lính Mỹ Diệm chống lại cách mạng, không biết ăn năn hối lỗi còn thách thức cách mạng lên Thủ Đức. Họ kéo ảnh ra ngoài lộ chặt đầu rồi dẫn chỉ đi biệt tới nay. Thiên hạ kêu trời như bộng nhưng đâu có dám hở môi nói điều gì. Tao với ba bây hết hồn hết vía, cứ tối là đóng chặt cửa, tắt đèn.
Sáng hôm sau, tôi theo má tôi về nhà ở Vĩnh Kim để gặp họ. Tôi nghĩ rằng anh em chúng tôi không đứa nào là công chức hay lính tráng gì thì họ cũng chẳng bắt tròn bắt méo vào đâu được. Bất quá, tuyên truyền “giáo dục ý thức cách mạng”, điều tra sơ sơ một chút rồi thôi. Quá nữa thì người ta “đặt vấn đề”, mời tôi tham gia cách mạng đi theo họ là cùng.
Việc gặp họ chưa phải là một vấn đề nguy hiểm, sinh tử gì. Chứ nếu tôi không về thì dĩ nhiên ba má tôi chắc không sao tránh được tai ách. Cái chết của bác chín Khoa dù sao cũng là một ám ảnh, lo sợ đối với tôi.
Tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nhà cửa, quê hương, đưa ba má tôi về Sàigòn, nhưng trước đây, ướm thử một lần, ba tôi nhất định khăng khăng không chịu. Vì như vậy thì ai sẽ trông nom mồ mả ông bà nội tôi, ai sẽ săn sóc vườn tược và thu hoa lợi ? Nhất là mảnh vườn năm mẫu rưỡi đó đã nuôi sống gia đình tôi, đã giúp cho anh em tôi được học hành đến nơi đến chốn ở Sàigòn. Chưa chi, người ta đã úp mở cho ba tôi biết rằng, nếu gia đình tôi rời bỏ mảnh vườn này thì coi như tự ý giao cho cách mạng. Vậy là mất hẳn, bị tịch thu. Gia đình tôi sẽ sống bằng cách nào đây ? Ba tôi khăng khăng không chịu về Sàigòn là như vậy.
Bây giờ, chỉ có mỗi một cách là tôi phải về. Ít ra nó cũng giúp cho tôi tìm ra một biện pháp giải quyết để ba má tôi được yên vui. Tôi chỉ cần ba má tôi được sống bình thản, yên lành, vui với tuổi già, không bị bất cứ một điều phiền muộn nào làm trắng thêm mái tóc đã bạc và nhăn nheo thêm đôi má hóp gầy, chứng cớ của một đời hy sinh lo lắng chăm sóc cho các con.
Đó là niềm mong ước lớn nhất của bất cứ một người con nào yêu thương cha mẹ.
***
Chương II
ĐƯỜNG VÀO LÝ TƯỞNG ?
(tiếp theo)
Nhà tôi nằm bên bờ sông Cửu Long Giang, thuộc xã Vinh Kim. Từ chợ về đến nhà gần 3 cây số. Xóm tôi ít nhà, vườn rộng nên tối đến là không khí yên lặng, quạnh hiu và vắng vẻ vô cùng. Ngoài tiếng sóng vỗ rì rầm trên sông và tiếng gió xào xạc khua động mấy tàu dừa, không còn thứ tiếng gì khác. Cái vắng lặng đến dễ sợ cho những người không quen sống trong cảnh cô tịch này.
Nếu còn, chỉ có tiếng chó sủa, tiếng gà gáy xa xa. Nhưng chó thì bị người ta ra lệnh bắt buộc bà con phải “thủ tiêu” từ 1959-1960. Người ta bảo rằng chó sẽ báo động cho Quốc Gia biết sự di chuyển, đi lại của lực lượng cách mạng. Nhà nào không thủ tiêu chó, là phản động, là “điệp” của Mỹ-Diệm. Cách mạng sẽ thẳng tay trừng trị, chừng đó đừng có than van.
Nhà nào nuôi chó, có tiếng chó sủa sẽ bị cách mạng chặt đầu thì ai còn dám nuôi ?
Còn gà, dường như trong cảnh u buồn đó, cũng chẳng buồn gáy. Cho nên, chỉ có tiếng gió lồng lộng trên mặt sông, vi vút qua mấy tàu dừa hòa với tiếng sóng rì rầm của sông Cửu Long là âm thanh muôn thuở, điệu nhạc buồn cho thế giới ở đây.
Theo thói quen, gia đình tôi thường ăn cơm tối. Mặt trời lặn đã lâu, tôi và ba má tôi mới vào bàn ăn, bên ngọn đèn Hoa Kỳ cháy sáng. Bữa ăn thực im lìm. Tôi lên tiếng hỏi ba tôi :
– Ba, lâu nay ở nhà họ làm tình làm tội nhà mình nhiều lắm phải hông ba ?
Nét mặt ba tôi bỗng nhiên cau lại suỵt khẽ :
– Nói nho nhỏ vậy con ! Họ nghe thì khốn !
– Ai rình nhà mình làm gì ba!
– Biết đâu được con! Ở dưới này, từ hôm anh chín Khoa chết tới nay, ai cũng sợ hết hồn. Không ai dám hé môi, nói động gì đến họ hết. Tai vách mạch rừng mà! Rủi họ nghe được chỉ có nước bỏ xứ mà đi. Họ không từ đâu !
Tôi hồi tưởng lại những năm dài theo kháng chiến chống Pháp. Ngoại trừ cái thời hỗn độn 45-46, tôi chưa hề gặp và nghe thấy một áp lực nặng nề khó thở, kinh hoàng trong nhân dân đến thế này. Tôi không thể không nói cho ba tôi biết cái ý nghĩ đó :
– Hồi kháng chiến 9 năm có tàn bạo, kinh khủng đến mức này đâu ba. Phải chi ở cái thời hỗn loạn năm 1945- 1946 thì không nói làm gì. Trong buổi giao thời, hỗn quan hỗn quân, thù vơ oán chạ, chính tà khó phân biệt không ai kiểm soát, còn bây giờ… chính nghĩa gì, nhân đạo gì vậy ba ?
Ba tôi hốt hoảng :
– Đừng! Đừng! Thôi con! Để mai hãy nói. Ban ngày ban mặt dễ hơn. Thời kỳ này là thời kỳ đảo điên, mạng con người như cỏ rác.
Tôi đành ngậm miệng. Nhưng một lúc, tôi không chịu nổi sự im lặng cũng như không nén được những ý nghĩ của mình, tôi lại thì thầm với ba tôi :
– Theo như con biết, hồi năm 1954, chủ trương chính sách của họ về công tác cơ sở là lấy dân làm gốc, dựa vào dân mà sống. Bám vào dân, sống chết với dân để gây cảm tình, phát triển cơ sở, tuyên truyền, giáo dục nhân dân thấm nhuần tư tưởng cách mạng, giác ngộ cách mạng. Chớ như vầy thì làm sao tuyên truyền, lôi kéo được ai ?
Như khơi đúng niềm u uất bị dồn nén lâu ngày, ba tôi quên mất những điều đã can ngăn tôi. Ba tôi buông đũa xuống, khom mình về phía trước :
– Mấy thằng con nít chưa ráo máu đầu, đáng tuổi cháu nội ba mà nó nói với ba thế này thì con coi còn trời đất gì nữa. Nó nói, đối với cách mạng con người như cây mía. Khúc gốc già, cứng như củi bửa ăn không được. Khúc ngọn thì non, lạt nhách ăn cũng không được. Gốc, ngọn phải liệng hết xuống mương. Chỉ có khúc giữa ăn được mới giữ lại thôi. Nó muốn nói những người già như ba thì liệng đi. Nó còn nói bọn kháng chiến cũ “mất gốc” tức là mấy người tham gia kháng chiến trước đây, giờ không liên lạc với tụi nó nữa là cầu an, đầu hàng, phản động cũng chẳng khác gốc cây mía không dùng được nữa. Trước khác, giờ khác.
Tôi nghe chướng tai hết sức. Sao người ta lại có thể lý luận một cách vô luân thường, đạo lý ? Tôi muốn biết rõ hơn :
– Bộ có ai đến đây nói với ba như vậy, hả ba ?
– Không! Nó không vô nhà chạm mặt ba. Tối tối nó vác loa đứng ngoài lộ, la ong óng cái họng như vậy đó. Vậy chớ ba cũng biết thằng nói là đứa nào rồi.
Ngưng một lát ba tôi tiếp :
– Ba vì miếng vườn này, vì sự học hành của mấy con, ba phải giả mù, giả câm, giả điếc chớ đâu phải ba không biết gì ? Nghĩ tới của cải, sản nghiệp này ba phải đồ mồ hôi nước mắt suốt đời ba mới tạo nên nó. Vì vậy mà ba cứ núm níu, bám giữ lấy nó, đi không đành…
Thấy hai cha con tôi càng ngày càng đi sâu vào chuyện nguy hiểm nên má tôi ngắt ngang :
– Thôi ông ! Ban đêm ban hôm… Rầu cha con ông quá. Khổ lắm đa, ông !
Hai cha con tôi không nói gì nữa, lặng yên trở lại, tiếp tục ăn cơm. Cái cảnh có miệng mà không được nói này làm tôi thấy ngột ngạt, khó chịu vô cùng. Đã quen với không khí ăn nói bừa bãi nó quen rồi.
Từ xa vang lại văng vẳng tiếng mõ đánh hồi một. Mấy giây sau, càng nhiều tiếng mõ nổi lên gần hơn. Rồi có cả những hồi trống chầu. Khắp xóm tôi, từ lúc lên đèn đến giờ lặng trang, cũng đột nhiên tiếng mõ u, tiếng phèng la, đập thùng thiếc, đủ thứ mọi tiếng động nổi lên khắp đầu trên xóm dưới. Phía trong, phía ngoài, đông, tây, nam, bắc đủ cả. Ngoài đồn Vĩnh Kim vài loạt súng máy nổ dòn. Và phía trên Xoài Hột bắt đầu có tiếng đại bác nổ “oành oành” rung rinh mái ngói.
Tôi cảm thấy sợ hãi bâng quơ. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi ngơ ngác, hoang mang :
– Ba! Cái gì vậy ba? Bộ có ăn cướp hả ba ? Mõ hồi một, chắc mõ ăn cướp quá!
Trái với thái độ ngơ ngác, kinh mang của tôi, ba tôi vẫn thản nhiên như không :
– Ối ! Có gì mà sợ con ! Đêm nào mõ ống cũng nổi lên như nhái đầu mùa mưa. Đánh mõ, đánh trống, khua thùng để “phát động” đó.
– Phát động cái gì kỳ cục vậy! Giống mõ trống ăn cướp hồi cái thời 45, 46 quá ba.
– Đợt phát động là vậy đó. Tối nào họ cũng bắt bà con trong xóm, ấp, trong xã, bất kể già trẻ, bé lớn gì hết, phải xách mõ, xách thùng thiếc ra trước nhà đập lên. Không mõ không thùng thiếc thì đập phên đập vách. Họ bảo làm như vậy là “phát động” , làm cho lính Quốc Gia đóng trong đồn mất tinh thần, sợ sệt.
– Có thể lúc đầu, ngày đầu không hiểu chuyện như con đây thì sợ thiệt. Nhưng khi biết rồi, đêm nào cũng nghe, ai mà sợ nữa ? Chỉ có làm ồn ào, phá làng xóm không ai ngủ nghê gì được chứ ích gì ? Kỳ cục quá ba ! Súng nổ nữa…
– Lính ở đồn Vĩnh Kim bắn đó đa! Cà-nông thụt nữa đó.
– Xúi dân làm vậy, đồn bót bắn đại vô làng, vô vườn chết dân thì ai chịu trách nhiệm đây ?
Má tôi nhìn tôi :
– Thôi, Hùng ăn cơm đi con ! Thây kệ thiên hạ làm gì họ làm, cứ giả đui giả điếc như ba má đây mới yên thân đa con !
Tôi chưa kịp nói môt câu để má tôi hiểu tôi đang nghĩ gì thì ở ngoài cửa nhà trước, hình như có tiếng gõ cửa nhè nhẹ :
– Cộp! Cộp!
Đúng rồi! Có tiếng gõ cửa thật. Cả nhà tôi im phăng phắc. Má tôi lo lắng, bối rối ra mặt. Và ba tôi vặn nhỏ ngọn đèn thấp xuống .
– Cộp ! Cộp ! Cộp !
Lần nầy tiếng gõ cửa lớn hẳn lên, rõ mồn một, nặng hơn trước nhiều. Hai mắt má tôi mấp máy, môi run run. Má tôi dậm chân, thì thào trách móc ba tôi :
– Khổ lắm! Tôi đã nói ban đêm ban hôm… Cha con ông nhiều chuyện. Khổ lắm! Làm sao bây giờ ông ?
Mặt ba tôi hơi tái đi, nhưng cũng suỵt khẽ :
– Gì mà bà quýnh quáng vậy ? Đâu bà lên tiếng thử coi.
Cửa nhà trên lại “cộp, cộp !” rồi từ bên ngoài một giọng nói đàn ông vọng vào :
– Bác Hai ơi ! Bác Hai !
Má tôi bước chầm chậm lên phía nhà trên, tay bưng chiếc đèn chong nhỏ, ngập ngừng, lạc giọng :
– Ai… đó? Ai kêu cửa đó ?
Tôi hồi hộp, ngồi sững trên ghế. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình tôi đêm nay? Tôi đứng dậy rón rén chân bước lại gỡ chốt cửa sau. Có gì, tôi sẽ tông ra đó, men theo nhà kho chứa lúa, lần vào đám vạn thọ với mồng gà cao tới ngực là yên thân.
Má tôi lập lại câu hỏi :
– Ai đó?
Lần nầy, tiếng phía bên ngoài vọng vào, nhỏ hơn :
– Cháu đây ! Cháu là Năm đây! Bác mở cửa cho cháu vô với !
– Xin lỗi!… Chú Năm nào vậy… cà…
– Dạ, cháu là Năm. Hôm trước đến thăm hai bác và nhờ bác mời mấy anh chị về chơi đó !
– Ờ! Tệ quá! Chú Năm mà lại tưởng ai. Già cả rồi, tai nghễnh ngãng vậy đó.
– Dạ, cháu nghe có anh Hùng về nên cháu tới thăm chơi !
– Ờ! Ờ! Cám ơn chú Năm !
Má tôi mở khóa, rút cây thanh gài cửa và mấy chốt ngang. Ba tôi thở phào, nhẹ nhõm, thì thầm cho tôi biết :
– Thằng Năm ! Thằng ủy viên huyện ủy, tỉnh ủy gì đó! Nó đến đây gặp ba bữa hỗm , biểu mời mấy con về chơi đó ! ..
Tôi đóng chốt cửa sau và trở lại bàn ăn ngồi xuống, vặn cao đèn lên.
Má tôi kéo cửa ra :
– Mời chú Năm vô chơi!
Lần này tiếng nói bên ngoài rõ và lớn hơn :
– Dạ, chào bác ! Anh Hùng về rồi bả bác ? Hai bác mạnh chớ ?
– Ờ, cảm ơn chú ! Nó về rồi chú ! Về hồi trưa này nè
– Dạ, cháu có nghe anh em báo cáo. Cho nên tối nay cháu đến thăm anh Hùng, nói chuyện chơi cho vui !
Ngưng một chút, giọng nói ở ngoài cửa cao lên :
– Các đồng chí án ngữ ở mặt sông và mặt lộ nghe! Có gì cứ nổ súng báo động cho tôi biết. Tôi vào một mình được rồi.
Tôi nghe có tiếng xì xào ngoài sân trước một thoáng rồi có tiếng chân bước xa dần về phía cổng.
Thì ra họ biết tôi đã về nên họ đến “thăm “. Chà người ta tử tế quá! Thương tôi quá ! Như vậy, câu chuyện cha con tôi nói trong bữa ăn họ không nghe. May thực. Tôi nói khẽ với ba tôi :
– Thế là yên ! Họ không nghe đâu ba à!
***
Chương II
ĐƯỜNG VÀO LÝ TƯỞNG ?
(tiếp theo)
Ba tôi cầm đũa trở lại, nâng chén cơm lên, nói một câu bâng quơ, không ăn nhập vào đâu hết :
– Cha! Trời độ này trở lạnh. Đúng là tiết đông thiên .
Bóng một người đàn ông mặc đồ bà ba đen từ ngoài bước vào cửa trước. Má tôi đóng cửa, bưng đèn bước xuống.
Người đàn ông bước theo sau.
Má tôi nói :
– Ông à! Có chú Năm bữa hỗm tới chơi nè ông!
Đó là một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi. Tóc hớt thấp, nước da trắng xanh. Chiếc khăn rằn quấn cổ. Đôi mắt lá răm, nhỏ và dài dưới hai hàng chân mày đậm nét. Khuôn mặt xương với đôi má nổi cao.
Chiếc áo bà ba được anh ta xắn tay lên gần đến cùi chỏ. Hai túi áo lớn và phồng lên, không biết chứa gì mà đầy thế. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là như vậy, khi anh ta từ phía sau lưng má tôi tiến ra trước vùng ánh sáng của chiếc đèn Hoa Kỳ để ở đầu bàn.
Tôi chưa kịp nhìn kỹ hơn và có phản ứng gì thì anh ta đã nhếch miệng cười, óng ánh mấy chiếc răng vàng :
– Dạ, chào bác Hai ! Chào anh Hùng ! Bác mạnh chớ bác Hai ?
Ba tôi cũng cười đáp lễ :
– Chào chú ! Cám ơn chú! Tôi cũng mạnh thôi.
Anh ta đảo mắt nhìn chung quanh một thoáng rất nhanh. Rồi ánh mắt đó ngừng lại trên mắt tôi :
– Anh mạnh giỏi chớ anh Hùng ! Tôi rất vui được gặp anh hôm nay đó ! Bắt tay anh cái đi !
Tôi đứng dậy, chìa tay ra. Anh ta siết thật mạnh. Tôi cười:
– Cảm ơn anh ? Tôi vẫn mạnh !
Anh ta nói thật nhẹ nhàng. Giọng ấm áp làm sao:
– Đáng lẽ, tôi đến thăm anh sớm hơn nhưng thấy anh mới về, chắc có lẽ mệt nhiều cần phải nghỉ ngơi nên chưa dám đến làm rộn. Vả lại tôi cũng bận vài công tác khác. Anh về hồi trưa mà! Anh mặc cái áo sơ-mi trắng cụt tay, cái quần tây mầu xám tro, đi đôi giày đen, tay xách giỏ ni-lông cho bác gái mà !
Tôi hết sức ngạc nhiên. Má tôi cũng ngạc nhiên hỏi:
– Ủa, sao chú Năm biết rõ vậy ? Bộ chú Năm thấy tui với thằng Hùng về ở dọc đường hả ?
Anh ta cười nhẹ :
– Dạ không, bác ! Cháu đâu có thấy nhưng cháu biết Bác với anh Hùng đi ngang cầu đá về tới xóm ngoài đã có anh em cho cháu hay rồi.
Ba tôi mời anh ta :
– Sẵn dịp mời chú Năm dùng cơm với tôi một bữa chú Năm ! Mời chú ngồi !
– Dạ cháu ăn rồi! Bác để mặc cháu mà !
Anh ta đưa tay kéo ghế ngồi bên tôi. Vạt áo nặng chồm tới trước, để lộ ra một súng lục có dây cột tòn ten ở cán, đang nằm trong bao lủng lẳng dưới hông trái. Tôi đưa mắt quan sát anh ta lần nữa và thầm đánh giá con người đang đối thoại với mình.
Ngồi chưa yên chỗ, Năm đã hỏi ngay :
– Chà ! Nhà sao ăn cơm tối dữ, bác ?
Ba tôi trả lời :
– Bữa nay thằng nhỏ tôi nó mới về nên ăn trễ hơn mọi bữa đó chú !
Năm liếc nhẹ về phía tôi, mỉm cười :
– Dân trí thức, dân thành thì chắc khác nông dân tụi tui tôi nhiều chớ anh Hùng? Người ta ăn ba bữa, sáng sớm đã có bánh mì, hủ tiếu, cà-phê nên một hai giờ mới ăn cơm trưa. Buổi chiều phải để bảy, tám giờ chớ đâu như nông dân mình dưới ruộng hả bác?
Tôi cũng mỉm miệng cười. Giọng nói của anh ta cho tôi hiểu rằng tính chất của cuộc viếng thăm này, không phải là một cuộc viếng thăm thường tình, vui vẻ như anh ta nói. Gay cấn sắp bắt đầu xảy ra rồi đấy..
Chưa chi anh ta đã cố ý “động” đến lập trường giai cấp, đặt “đối tượng” và đã chọn thế đứng rồi. Linh cảm của tôi, dựa vào kinh nghiệm kháng chiến 9 năm, nó báo cho tôi biết. Tôi vờ như không hiểu cái chiều sâu của câu nói đó, đứng dậy vui vẻ mời anh ta:
– Dạ, xin mời anh Năm lên nhà trên uống nước !
Anh ta nắm lấy tay tôi, săn đón :
– Được, được anh! Anh cứ tự nhiên ! Gấp gì, anh! Cứ ăn cho xong bữa đi. Anh em với nhau cả. Anh cứ coi tôi như người trong nhà có phải khách khứa gì đâu!
– Tôi ăn xong rồi, anh !
Anh ta theo tôi bước lên nhà trên, ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn dài. Trên bàn đã sẵn bộ chung trà, ly, tách, mấy trái quýt đường, dĩa bánh ngọt. Tôi rót nước và mời anh ta.
Tôi bắt đầu vào chuyện :
– Tối hôm qua, má tôi lên Sàigòn thăm tụi tôi, có cho mấy anh em tôi biết là anh có ý muốn gặp tụi tôi nên hôm nay tôi về. Chắc anh cũng hơi trông ?
– Dạ, cũng sốt ruột chút chút thôi !
– Có việc chi quan trọng lắm không anh ?
– Cũng… không quan hệ gì lắm! Trước tiên, để tôi xin tự giới thiệu, anh được biết là… tôi tên là…
Anh ta ngập ngừng, nhấp nháy đôi mắt rồi đằng hắng mấy tiếng :
– Tôi thứ năm. Anh gọi tôi là anh Năm cho nó thân mật. Tôi là Huyện ủy viên của quận Châu Thành. Xin lỗi, anh thứ mấy, anh Hùng?
– Dạ thứ tư.
– Thay mặt và thừa lệnh Tỉnh ủy, trước là đến thăm anh và hai bác, sau tôi muốn được trình bày cùng anh vài vấn đề công tác cách mạng.
– Cảm ơn anh. Tôi xin nghe !
Tôi đưa gói thuốc Ruby, rút một điếu mời anh ta nhưng anh ta lấy tay ngăn lại, đoạn cho tay vào túi áo mình lấy ra một cái hộp to bằng mủ, loại hộp đựng âu dược, dựng đầy thuốc rê và giấy quyến. Anh ta vừa vấn thuốc, vừa hỏi :
– Năm nay anh Tư còn đi học, chưa làm gì chớ?
– Dạ, còn đang học.
– Anh học gì vậy ? Lớp mấy ?
– Tôi học Luật. Năm nay là năm thứ ba, cũng là năm cuối cùng của cử nhân Luật khoa. Vài tháng nữa tôi bắt đầu thi lấy chứng chỉ cuối cùng đó.
– Anh cũng chịu khó và học giỏi thiệt ! Bỏ học một thời gian khá lâu, đi kháng chiến vậy mà trở về Sàigon là lo chăm chỉ học hành. Phục anh ! Còn mấy em của anh ?
Tôi không biết anh ta khen tôi thật tình, phục tôi thật tình hay đó là một câu nói mỉa. Tôi không đủ thì giờ để suy nghĩ. Tôi trả lời tiếp :
– Hai đứa em tôi cũng còn đang đi học. Con em gái kế tôi thì học ở đại học sư phạm và thằng Dũng, út hết thì nó đang học đệ nhất, sang năm thi tú tài toàn phần.
Năm uống ngụm nước rồi bật lửa đốt thuốc bập bập . Khói lên như một đống un. Điếu thuốc to quá, gần bằng ngón chân cái :
– Hai bác cứ đều đều mỗi tháng mang tiền lên cung cấp cho mấy anh chớ?
– Dạ ! Ngoài ra, riêng tôi, tôi còn đi dạy học thêm ở mấy trường tư để phụ vào mới đủ đó anh!
Anh ta cười :
– Sao ? Dễ chịu chớ anh Tư ?
– Dạ, cũng tàm tạm. Này anh, mời anh ăn bánh ngọt uống nước, anh Năm !
Anh ta lấy một chiếc bánh, hững hờ đưa lên miệng, hỏi tiếp :
– Tình hình Sàigòn độ này thế nào anh ? Phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị chống bọn Mỹ Diệm lên cao lắm phải không ? Nhất là giới sinh viên học sinh và Phật giáo thì thật là phấn khởi hết sức. Xin anh kể cho nghe với ?
Tôi đưa tay rót nước, băn khoăn suy tính không biết phải trả lời thế nào ? Cái phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị, anh ta hiểu theo một cách khác, được nghe theo một cách khác. Cách đó không phải là cách thông thường như mọi người hiểu. Đối diện đàm thoại với “cán bộ cách mạng “, cán bộ của đảng bao giờ cũng phải có lý luận đề cao cách mạng, phải “giác ngộ cách mạng “, nhìn thấy đà thắng lợi cũng như ảnh hưởng lãnh đạo của đảng trước mắt. Vì rằng nơi nào cũng có mặt đảng, có sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt của đảng mà ! Chỉ có những phần tử chẳng ra gì, cầu an, lưng chừng hay phản động mới không thấy sự thắng lợi, ảnh hưởng lãnh đạo của đảng.
Nếu phủ nhận cái gọi là cao trào cách mạng đang lên tức là phản động. Chỉ có phản động mới phủ nhận, xuyên tạc sự có mặt và sự lãnh đạo sáng suốt, tất thắng của đảng bất cứ ở vị trí nào, nơi nào, thời gian, không gian nào trên trái đất này. ·
Vấn đề này trở thành một nguyên tắc từ lâu mà đảng đã giáo dục cho đảng viên, cho cán bộ tuyên vận xem nó như là một chân lý, một định lý cố định. Bây giờ nghe anh ta hỏi, tôi bối rối, thực không biết phải trả lời sao.
Nếu bảo tôi không biết gì, không thấy gì thì bất lợi cho tôi nhiều lắm. Mà trả lời theo kiểu mắt thấy tai nghe, không có dính dáng gì đến sự lãnh đạo cũng như uy danh của Đảng thì dễ bị chụp mũ “Quốc Gia phản động” hơn bao giờ. Như vậy, chưa biết tôi có còn nguyên vẹn để trở về Sàigòn?
Nhưng nếu nói láo, đặt điều, thêu dệt đúng với ý muốn của anh ta, tưởng tượng ra một thứ “cao trào cách mạng”, “phong trào nổi dậy của nhân dân đô thị”, “giác ngộ cách mạng” mà tôi chưa hề thấy có một sự kiện cụ thể, một hình ảnh nào để chứngg minh thì tôi không nói được.
Lòng tự ái và tự trọng không cho phép tôi hèn hạ láo lếu như thế. Đồng tình cho người khác nói láo là điều nhục. Tự mình đặt điều nói láo càng nhục hơn, không thể tha thứ được. Nhân cách, phẩm giá của con người một phần lớn do ở chữ tín mà ra.
Phải trả lời thế nào đây cho ổn ? Tôi băn khoăn vậy. Thôi thì đành… Tôi thở dài nhè nhẹ nói với anh ta:
– Riêng tôi, tôi không được rõ lắm. Vì mãi bận học hành với đi dạy học kiếm tiền thêm sinh sống, tôi ít đi đâu. Cũng không tiếp xúc với nhiều người nên… thú thật anh tôi dốt tình hình lắm, không rõ những sự việc xảy ra..
– Anh vừa là sinh viên, vừa là giáo sư đi dạy mà anh bảo ít đi, ít tiếp xúc với nhiều người khác ? Vậy thì ai tiếp xúc nhiều bây giờ, anh Tư ? Huống hồ phong trào sinh viên, học sinh đấu tranh cách mạng trong đó có anh mà.
– Thực tôi cũng dở qua anh ạ ! Tôi không được rõ về phong trào đó. Tôi chỉ được biết một điều là gia đình Ngô Đình Diệm càng ngày càng độc tài. Ai ai cũng oán ghét, bất bình về chỗ anh em ông Diệm xem quốc gia là của gia đình, quyền lợi của mọi người dân là của riêng anh em ông ta và bè đảng, phe nhóm của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Ngoài ra còn có chuyện kỳ thị tôn giáo… anh em ông Nhu ông Diệm ngược đãi Phật giáo, đàn áp Phật giáo cho nên mọi người đều tức giận. Các chùa chiền, các sư sãi đang vận động xóa bỏ những bất công. Sau này không biết sẽ ra sao. Trước đây, vụ ném bom xuống dinh Độc lập, vụ đảo chánh năm 1960, anh em ông Diệm…
– Thằng Diệm chớ ! – Anh ta ngắt ngang câu nói của tôi. – Ông cái gì anh Tư? Anh em thằng Diệm bán đứng miền Nam, làm tay sai cho Mỹ mà ! Những vụ đảo chánh hụt, ném bom xuống dinh Đọc Lập là cao trào cách mạng của nhân dân đô thị đó chớ ! Vậy là dốt thật sự rồi.
– Vâng, thú thật với anh, tôi dốt thật mà !
Anh ta uống thêm một ngụm nước, hút một hơi thuốc dài :
– Anh Tư nè ! Anh biết không, tất cả mọi người đều hướng về Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng để đấu tranh chống bọn đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động. Nào là những phong trào chống bắt lính, phong trào đuổi Mỹ về nước thống nhất Nam Bắc, đòi Tuyển cử Tự do, đòi lên án Mỹ Diệm. Hàng trăm, hàng ngàn người nhào ra đường vây chặt những xe chở lính quân dịch, đánh lộn với bọn lính ngụy để giải thoát cho con em, chồng con họ. Rồi những phong trào đuổi Mỹ về nước với sự ủng hộ rầm rộ của anh em ngụy quân. Họ bảo tại Mỹ cho nên họ mới bị bắt linh mới bị đi đánh giặc, chết chóc vì chiến tranh.
Mới đây có một cuộc biểu tình của nhân dân, căng biểu ngữ thật lớn tại chợ Sàigòn với hàng chữ : ” Hoan hô Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược, đế quốc Mỹ cút đi “. Cảnh sát được lịnh đàn áp nhưng bị nhân dân tuyên truyền lôi kéo thành ra cảnh sát làm lơ, còn vỗ tay hoan nghinh nữa chớ ! Người ta còn thấy trong hàng ngũ biểu tình còn có sĩ quan ngụy quân nữa. Kìa! Phong trào đấu tranh chống Mỹ Diệm của thanh niên, sinh viên, học sinh hiện giờ có thể nói là lên cao chưa từng thấy. Họ đang vận đổng quy mô, rầm rộ chuẩn bị một cuộc tổng bãi khóa để phối hợp với nhân dân, thợ thuyền tổng đình công, tổng bãi thị. Những chuyện động trời như vậy xảy ra giữa Sàigòn. Anh ở tại Sàigòn mà anh bảo anh không hay biết, anh dốt tình hình ? Lạ! Lạ thiệt ! Trong khi đó, tôi ở tận nông thôn hẻo lánh, không đọc báo, cũng không nghe radio tôi lại biết rất rõ từng chi tiết một. Sao lạ vậy anh ?
Tôi thấy nóng mặt. Tại sao anh ta lại có thể bịa ra đươc những sự kiện động trời, dựng đứng lên cái gọi là Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị ? Tôi là sinh viên và cũng là một giáo sư dạy ở trường Nguyễn Bá Tòng, ở Nguyễn Văn Khuê, sao tôi không nghe không thấy các bạn tôi, các học trò tôi ai nói gì. Nơi nào tôi cũng thấy một bộ mặt bình thản, một sự chăm chỉ học hành.
Còn cái chuyện biểu tình ở chợ Saigon, căng biểu ngữ với những câu ủng bộ, đả đảo thế kia, có sự tham gia của binh sĩ… Lần đầu tiên tôi được nghe anh ta nói.
Mãi cho đến sau này, từ tháng 5 năm 1963 trở đi mới có cái chuyện biểu tình và tình hình rối rắm, nhưng rối rắm theo cái kiểu khác đâu phải là kiểu binh lính sĩ quan xuống đường tham gia biểu tình ủng hộ Mặt Trận ?
Đành phải giả dại qua ải, tôi ngượng ngập nói với anh ta :
– Thì tôi đã nói trước với anh là tôi dốt thực sự mà! Cứ lo học hành và đi dạy kiếm thêm tiền cho đủ sống, tối ngày ở một xó, anh xem tôi phải làm sao theo kịp tình hình được ?
Anh ta xoa xoa hai tay :
– Anh thấy chưa ! Anh là người của Sàigòn mà anh còn không rõ tình hình chung thì trên toàn quốc anh không thể nào hiểu được. Anh biết không, trên khắp các chiến trường, giải phóng quân đang làm chủ tình thế, thắng như chẻ tre. Bọn Mỹ Diệm cụp đuôi chạy dài. Từ kế hoạch “Xít ta lây” đến “quốc sách ấp chiến lược” rồi những chiến thuật “Phượng hoàng bay” , “Mãnh hổ vồ mồi” hoàn toàn bị phá sản. Ta kiểm soát ba phần tư đất đai, hai phần ba dân số. Đấy, tình hình phấn khởi như vậy đó. Ở Sàigòn anh bị Mỹ Diệm bịt mắt lại, làm sao anh biết rõ được. Anh có nhứt trí ý kiến tôi không ?
– Dạ, anh nói thì tôi xin nghe !
– Không ! Tôi muốn anh nhứt trí kia ! Anh nhứt trí với tôi kia !
– Dạ, thì cũng… nhứt trí!
Anh ta cười khẩy :
– Sao lại cũng ? Yếu xịu vậy ! Nhứt trí mạnh chớ !
Anh ta bắt sang vấn đề khác :
– Vấn đề động viên thế nào anh ? Tôi được báo cáo là hiện tại ở Sàigòn tụi nó bắt lính dữ lắm. Nửa đêm đang ngủ, Cảnh sát, hiến binh đến vây nguyên cả khu phố. Xét từng nhà, hễ gặp thanh niên là bắt lùa hết lên xe, chở lên trại quân dịch Quang Trung. Còn cái chuyện đi vào rạp hát hay đón đường vào những giờ đi làm, giờ tan sở để lùa đi không ngày nào không có. Mấy năm trước thì xét giấy lựa hạn tuổi, bây giờ khộng cần biết tới giấy tờ luật lệ gì cả. Tôi không hiểu sao mấy anh lọt lưới được những cuộc chận đường, những đêm làm ráp xét nhà? Bộ đường anh ở, chỗ nhà anh ở không có xét hỏi sao ?
Mắt anh ta nheo lại, nhìn tôi xoi bói nghi ngờ. Quả tình tôi bực dọc và khó chịu về cái hiểu biết hàm hồ vô căn cứ, chỉ chực rình chụp mũ, tấn công tôi. Tôi phải giải thích cho anh ta biết :
– Việc xét tờ khai gia đình là việc kiểm soát dân số, nhà tôi cũng bị xét luôn. Nhưng xét đâu phải hễ gặp thanh niên là lùa đi. Việc chận đường, đón ngõ để lùa thanh niên đi lính, chà… điều đó tôi e không được đúng lắm. Anh nghĩ thế nào mà cho là tôi may mắn, lọt lưới? Còn có luật lệ chứ, anh Năm!
– Anh cho là tôi nói thêm à? Anh tưởng tụi nó tốt lắm sao? Đế quốc, phản động càng thua đau càng lồng lộn. Chúng nó có từ chối một hành động gian manh, đàn áp tàn nhẫn nào đâu? Chuyện đó ai mà không biết! Luật lệ gì cái bọn đó! Nói cho ngay…tôi cũng hơi thắc mắc, tại sao anh chưa bị tụi nó bắt lính? Ngoại trừ anh là…
Tôi tức đến muốn nổi đom đóm mắt. Tôi chận lời anh ta:
– Không! Chuyện thật dễ hiểu anh à! Một lần nữa tôi lập lại với anh là sinh viên theo luật lệ tôi được hoãn dịch cho đến khi nào tôi học xong mới phải đi lính.
Tôi cho tay vào túi móc bóp, lấy thẻ trưng binh, giấy hoãn dịch ra, đưa vào mặt anh ta. Tôi nói với tất cả bực dọc :
– Đây, giấy tờ quân dịch của tôi nè. Anh xem đi để biết tại sao ? Anh nghi ngờ, anh nói tôi láo với anh sao ?
Anh ta lạnh lùng, không nói năng gì cả, cầm lấy giấy tờ, đưa ra trước đèn xem xét rất lâu, dường như muốn tìm ở đó, một kẽ hở mới nào.
Tôi nói với anh ta:
– Đấy, anh hiểu rõ tại sao rồi chứ ?
Anh ta lúng túng gấp giấy tờ, trả tôi. Trên môi anh ta cũng nở được nụ cười, xem như không có việc gì xảy ra. Bất chợt, anh ta nói lảng đi :
– Này… anh Hùng! Có bao giờ anh thấy tiếc không ?
– Tiếc gì anh ? -Tôi hỏi-. Tôi chưa hiểu anh định nói gì ?
– Tôi tiếc cái sự nghiệp chính trị của anh đó ! Công lao 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp giờ anh bỏ không tiếp tục nữa sao ?
Châm một điếu thuốc lá, tôi thở phì ra :
– Anh Năm ! Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ công dân đối với đất nước tôi đã làm tròn. Tôi tự hào chớ sao tôi lại tiếc ? Kháng chiến chống Pháp 9 năm, Pháp đã phải cuốn gói về Pháp. Nhiệm vụ của tôi đương nhiên hoàn tất, tôi hãnh diện với mọi người về sự đóng góp công lao đó chớ !
– Nhưng anh quên rằng cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp chỉ mới thành công phân nửa. Vì đất nước ta hãy còn bị chia đôi. Độc lập chỉ có phân nửa nước thuộc miền Bắc. Còn miền Nam. Mỹ hất chân Pháp nhảy vào xâm lược, thực hiện thủ đoạn thực dân kiểu mới để rồi thôn tính nốt miền Bắc bằng âm mưu gây chiến tranh đặc biệt. Do đó, cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chưa kết thúc khi đế quốc Mỹ còn trên vùng đất này. Anh chỉ mới chống Pháp chớ anh chưa có đánh Mỹ. Vậy có nghĩa là anh bỏ cuộc nửa chừng thì làm sao có thể bảo là đã làm tròn bổn phận đối với Tổ quốc ?
Tôi bối rối trong một thoáng vì lập luận của anh ta. Nếu tôi cứ tranh luận theo kiểu thẳng thừng, không phải sợ hãi, không kiêng dè, theo quan điểm của tôi thì anh ta sẽ phản ứng ra sao đây ? Và những gì sẽ chờ đợi tôi và gia đình tôi ? Nếu không tranh luận cho ngã ngũ thì tôi là người có tội, một người bị kết án, luôn luôn phải cúi đầu không được ngẩng mặt lên, chịu sự sai khiến, phán quyết của anh ta. Nhưng làm thế nào bây giờ ?…
Ra vẻ thành khẩn, thật thà, tôi hỏi anh ta :
– Riêng tôi, tôi có thắc mắc này… Tôi nghĩ câu trả lời của anh nó sẽ xác định việc tôi đã làm tròn hay chưa tròn đối với Tổ quốc đó !
– Ờ! Ờ! Anh cứ hỏi tôi vui lòng giải thích cho anh được thông suốt.
– Mục đích, ý nghĩa của cuộc kháng chiến 9 năm trước đây là gì, anh Năm ?
Anh ta xếch mắt lên, tỏ vẻ bất mãn, khó chịu vì câu hỏi của tôi. Hỏi như vậy khác nào tôi xem anh ta tầm thường… Giọng anh ta gắt lên, thiếu bình tĩnh rõ rệt :
– Là làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, chủ quyền cơm no áo ấm, người cày có ruộng, dep bỏ mọi bất công…
Tôi chen vào, xoa dịu sự phẫn nộ của anh ta :
– Xin anh đừng giận. Tôi không dám có ý nghĩ chất vấn hay xem thường anh đâu, nhưng vì có một thắc mắc nên tôi thành thực nói ra để anh giải thích dùm… Điều tôi muốn nói là mục đích kháng chiến 9 năm để chống Pháp thì khi Pháp bị đuổi về nước, mục đích của chúng ta đã hoàn thành…
Anh ta cũng dịu giọng xuống, cướp lời tôi :
– Chưa ! Còn đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai cấu kết với đế quốc nữa chớ ! Mỹ với Pháp chỉ là một.
– Anh cho tôi nói, tạm thời chưa xét đến Mỹ vội, chốc nữa đã ! Mình nên giải quyết vấn đề Pháp. Bởi thế, vấn đề được đặt ra là kháng chiến chống Pháp. Pháp về nước, mục đích của ta thực hiện được chưa ?
– Chưa ! Anh quên Mỹ với Pháp chỉ là một. Mỹ hất chân Pháp ở miền Nam này mà, tách rời vai trò Mỹ với Pháp ở Việt Nam đâu được.
– Khác với anh…
– Không ! – Anh ta ngắt ngang câu nói của tôi. – Đế quốc và thực dân tất cả đều giống nhau. Huống hồ mục đích cách mạng giải phóng dân tộc đâu chỉ có chuyện chống Pháp hay chống Mỹ ? Anh đã từng tham gia kháng chiến, anh đã là một cán bộ cũ, anh cũng rõ con đường cách mạng mà Bác và Đảng vạch ra nhằm đưa nước Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa, thiên đường hạnh phúc của nhân loại kia mà !
Và đột nhiên, anh ta ngồi ngay dậy, nhìn tôi không nháy mắt :
– Anh nghĩ sao ? Cuộc kháng chiến chống Mỹ Diệm của nhân dân miền Nam ngày nay, anh đứng về bên nào? Không thể có chuyện đứng giữa, xem mình là người ngoại cuộc, bàng quan..Chỉ có hai con đường, hoặc đứng về phía nhân dân, hoặc theo Mỹ Diệm chống lại nhân dân. Vậy anh đứng về bên nào ?
Tôi bối rối đến cùng cực. Anh ta tấn công một loạt từ chập tối đến giờ. Và bây giờ, anh ta dồn tôi vào chân tường. Buộc tôi phải trả lời, buộc tôi phải chọn một trong hai con đường anh ta vừa nêu ra. Tôi sững sờ đến độ ngây người ra.
Tôi những tưởng đàng nào đi nữa, mục đích của chuyến mời tôi về lần này, người ta sẽ nhằm vào việc chính là thuyết phục bằng mọi cách để tôi theo ra chiến khu chống Mỹ Diệm. Nhưng tôi chỉ hình dung được sự thuyết phục bằng những sự gợi lại tình cảm cũ, bằng những nụ cười và những câu nói thân tình theo kiểu xưa kia từng áp dụng. Tôi không thể nào hình dung được cái trạng thái như “đối diện với kẻ thù” và dồn vào chân tường như đêm nay.
Trong hoàn cảnh này, Tôi, cả gia đình tôi đều nằm trong bàn tay to lớn của họ, chịu áp lực khống chế của họ thì còn biết làm sao ?
Tôi nuốt ực nước miếng qua cổ họng, định trả lời anh ta là bao giờ tôi cũng đứng về phía nhân dân, phía cách mạng nhưng chưa kip nói thì anh ta tự phá tan không khí nghẹt thở bằng nụ cười của kẻ chiến thắng :
– Vì không bằng lòng cho anh đứng ngoại cuộc hay hơn thế nữa, đứng về phía chống lại nhân dân nên chúng tôi mời anh về gặp mặt chúng tôi hôm nay. Mời anh tham gia kháng chiến lần nữa, kế tục sự nghiệp cách mạng anh bỏ dở từ 1954 đến nay. Anh có thể tham gia kháng chiến tại tỉnh nhà, hoặc bất cứ nơi nào anh muốn. Nếu anh không thuận, từ chối lời mời của chúng tôi hôm nay, điều đó có nghĩa là… anh… anh… bắt buộc chúng tôi xem anh là người của đối phương.
Anh ta đứng dậy, xô ghế, cười nụ:
– Anh nghĩ thế nào ? Trả lời cho tôi biết sau cũng được. Theo kháng chiến, tương lai anh sẽ tiến bộ, rực rỡ, được nhân dân hoan hô chào đón, nhớ ơn đời đời. Gia đình hai bác cũng hãnh diện, được mở mặt mở mày với bà con xóm làng. Vinh quang biết bao nhiêu…
Và anh ta nắm lấy tay tôi kéo đứng dậy, lắc mạnh:
– Bây giờ cũng khuya rồi. Tôi về. Đêm nay anh nghĩ kỹ đi. Ngày mai tôi trở lại. Chào anh, anh Hùng nhé !
Buông tay tôi, anh ta lừng lửng tiến tới đẩy cửa, bước ra sân. Ngoài sân, trời tối mịt mùng.
***
Chương II
ĐƯỜNG VÀO LÝ TƯỞNG ?
(tiếp theo)
Anh ta về rồi, tôi ngồi thẫn thờ một lát lâu. Dù biết trước rằng người ta thế nào cũng đặt vấn đề này, thế nào người ta cũng mời tôi tham gia vào tổ chức của họ. Từ lâu, vấn đề này được coi như là một phương thức cổ điển, một nguyên tắc bất di, bất dịch.
Biết vậy, nhưng khi vấn đề được đặt ra, tôi kinh ngạc đến sững sờ. Tôi sững sờ vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến người ta sẽ bắt buộc tôi..
Thấy anh ta về, từ nhà trong ba tôi bước ra :
– Thằng Năm đó, nó nói gì lâu dữ vậy con ?
Tôi thờ thẫn trả lời :
– Anh ta bảo thừa lệnh Tỉnh ủy, anh ta mời con tham gia cách mạng, bất kỳ ở nơi nào cũng được. Điều đó có nghĩa là về Mỹ Tho cũng được mà chỗ khác họ cũng giới thiệu cho.
– Con trả lời ra sao ?
– Chưa ! Con chưa trả lời. Và anh ta cũng không cho con trả lời, xô ghế đứng dậy đi về liền, bảo đêm mai anh sẽ trở lại để biết ý kiến quyết định của con. Anh ta bảo chỉ có hai con đường, hoặc theo bên này, hoặc theo bên kia chứ không thể đứng giữa trả lời phân hai được.
Ba tôi thở dài. Tôi cũng thở dài. Hai cha con cùng yên lặng. Sau cùng ba tôi rầu rầu bảo tôi :
– Thôi con! Ngày mai con về Sàigòn đi. Ở dưới này ba sẽ lựa lời tìm cách nói lần hồi, đưa đẩy với họ cho xuôi thì thôi.
– Không xuôi đâu ba. Họ sẽ làm dữ với ba má chớ không để yên đâu ba!
– Bất quá tụi nó chở ba qua cồn cho học tập gì đó, giam giữ mười bữa nửa tháng rồi thả về. Quá nữa nó giết ba là cùng!
– Con đâu chịu được. Con sống sao nổi ba! Này ba! Hay… ba má bỏ hết nhà cửa, vườn tược về Sàigòn ở với mấy con đi ba. Con nghĩ, chiến tranh này cũng không kéo dài lâu đâu. Yên ổn mình lại trở về, tu bổ lại. Hồi thời kháng chiến 9 năm mình chẳng bỏ nhà cửa đất đai là gì ! Về Sàigòn ba đừng lo, tụi con sẽ đi làm, không việc gì phải ngại đến vấn đề sinh sống đâu ba!
– Ba nghĩ nhiều rồi, Hùng ! Không được đâu. Thà ba chết thì thôi, chớ công lao mồ hôi nước mắt cả đời ba bỏ lại cho bọn đó nó hưởng. nó còn thêu dệt, đặt điều, rêu rao này nọ, ba chịu sao được ?! Rồi còn mộ ông bà nội con đó… ai chăm sóc? Ai thăm viếng ? Bỏ nội ở một mình sao con ?
Tôi ngậm ngùi :
– Vậy thì con đâu thể về Sàigòn để ba má phải chịu cho họ hành hạ được. Giết ba, con nghĩ họ không đến nỗi làm việc đó. Vì sau lưng gia đình mình cũng còn có 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi còn có anh Hai con tập kết miền Bắc nữa chi ? Nhưng họ sẽ bắt ba đi, hành hạ ba, không chừng còn tịch thu tài sản nhà mình, cho mình là địa chủ ngoan cố. Chừng nào tụi con về theo họ, họ mới thôi. Ba, con năn nỉ ba mà ! Ba má về Sàigòn với tụi con đi . Thời chiến tranh ly loạn, xa ông bà, ông bà không nở trách đâu.
Ba tôi vẫn lắc đầu :
– Ba nói là ba nghĩ kỹ rồi. Không được con ! Sáng mai, nắng lên một chút, ba trét chai lại chiếc xuồng đưa con xuống chợ Mỹ. Con về Sàigòn đi ! Đi đường sông, họ không hay đâu. Đừng lo gì, ở nhà ba sẽ tìm cách đẩy đưa với họ. Ba má giờ già rồi. Họ có giết ba hay làm gì ba cũng được. Uớc nguyện của ba là lo cho các con được nên người, học hành tới chốn. Chờ còn vài ba tháng nữa, ăn Tết ra ngoài ngày là con thi xong cái cử nhân Luật rồi.
Ngưng một chút, ba tôi rưng rưng nước mắt nói tiếp :
– Nếu họ có làm gì ba… thì con có thể ra đời làm việc được. Con đem má con về nuôi dưỡng, săn sóc mấy em con thay ba… chớ để con phải vì ba… bỏ học hành, lỡ dở cả đời. Đi theo họ thì ba khổ lắm. Hổng được đâu con !
Sau một đêm trằn trọc, không ngủ, tôi thấy rằng tôi không thể để ba má tôi chịu đựng những nỗi khổ sở điêu đứng vì tôi do người ta gây ra.
Trong cuộc đời, không gì đẹp bằng sự hy sinh. Hy sinh cá nhân mình để cho mọi người chung quanh được vui sướng. Cha mẹ hy sinh cho con cái thi tại sao tôi không thể hy sinh lại cho người và các em tôi ? Ba má tôi già rồi, đời sống chẳng còn bao lâu nữa, người sẽ được yên vui, hưởng nốt những ngày còn lại. Tuy lòng tôi chua xót nhưng tôi bằng lòng chọn giải pháp này..
Tôi không biết là mình sẽ chịu đựng với họ bao lâu, nhưng ít ra, họ cũng để cho ba má tôi được yên thân. Các em tôi được tiếp tục học hành trong thời gian tôi còn đi theo họ. Biết đâu, trong thời gian đó có nhiều may mắn xảy đến, quê tôi thoát khỏi cảnh câm nín, không tiếng cười cả đến tiếng chó sủa cũng không !
Họ thấy gia đình tôi khá giả, dù rằng sự khá giả còn thua kém rất xa hàng ngàn gia đình khác. Sự khá giả được tạo bằng chính công sức lao động, mồ hôi nước mắt của ba má tôi.
Trong chế độ của họ, họ không bằng lòng. không chấp nhận cuộc sống no ấm đầy đủ của những người không phải là họ. Họ ghét cả những người được đi học, ghét cái tri thức hiểu rộng, biết nhiều của người khác.
Mặt khác trước kia tôi đã từng đi kháng chiến, biết nhiều về tổ chức của họ, am tường những phương thức hoạt động cơ sở, tôi mà bị gọi vào học trường sĩ quan Thủ Đức hoặc làm việc cho Quốc Gia thì có thể gây nhiều thiệt hại cho họ về phương diện tuyên truyền hay cả về vật chất cũng nên.
Có lẽ vì những lý do đó, họ mới dùng đến hạ sách cuối cùng, thủ đoạn rún ép. Hạ sách nhưng có kết quả. Như những trường hợp tương tự xảy ra bấy lâu nay. Những gia đình ở thôn quê, có con em học hành, làm việc ở Sàigòn, ở hàng ngũ Quốc Gia, họ ép buộc gia đình đến thuyết phục, lôi kéo con em trở về với họ. Nếu gia đình không chịu, không lôi kéo nổi thì họ tìm đủ mọi cách để hành hạ, làm khổ gia đình, con em phải động lòng trắc ẩn, nặng tình cảm gia đình đành nhắm mắt hy sinh.
Trong 9 năm kháng chiến, họ đã làm như thế. Ngày nay họ vẫn làm như thế. Kinh nghiệm qua lịch sử đông tây từ nghìn xưa đã dạy họ. Trường hợp Đổng Kim Lân, trường hợp Từ Thứ trong truyện Tầu không là những điển hình nổi bật hay sao ? Và người anh hùng Nguyễn Trung Trực vang danh với chiến công Nhật Tảo đã không vì mẹ phải chịu nộp mình cho bọn Pháp cướp nước chặt đầu sao ?
Bây giờ đây, với tôi, tôi đã thua họ rồi. Tôi chấp nhận giải pháp của họ. Chỉ khổ một điều, làm sao thuyết phục cho ba má tôi bằng lòng, chấp nhận sự hy sinh của tôi…
Đêm sau, tôi ngồi hút thuốc lá chờ anh ta ở trước sân nhà. Tiếng sóng Cửu Long vẫn giận dữ dập ào ào vào bờ. Gió vẫn xao động mấy tàu dừa như thầm thì than thở. Trời đêm nay đầy mây, lắp mất cả những vì sao.
Có tiếng chân đi trên đất phía ngoài cổng. Tôi lên tiếng hỏi :
– Anh Năm hả, anh Năm?
Giọng nói quen thuộc, khe khẽ, từ cổng nói vọng vào :
– Phải ! Tôi đây, anh Hùng !
Tiếng chân bước của anh ta càng rõ dần. Anh ta đến. Tiến lại bắt tay tôi rồi ngồi xuống băng đá cạnh tôi, anh ta hỏi ngay :
– Thế nào anh ? Anh quyết định xong rồi chớ ?
Tôi cười, như không việc gì xảy ra :
– Có gì mà phải quyết định, anh Năm? Tôi chỉ tiếp tục lại công việc tôi đã làm. Tôi nghĩ vấn đề này thật dễ dàng.
Giọng cười anh ta trở nên sôi nổi lạ. Và anh ta đứng dậy :
– Hoan hô anh ! Bắt tay anh cái nữa đi ! Tôi xin thay mặt cách mang, nhân dân hết sức vui mừng đón tiếp anh ! Anh ở lại với chúng tôi lần này chớ ?
– Chưa được, anh Năm ! – Tôi trả lời.- Tôi còn phải về Sàigòn thu xếp việc gia đình, những chuyện riêng tư của tôi. Ăn Tết xong mới đi được.
– Cũng tốt ! Nhưng ý anh thế nào ? Anh muốn công tác ở đâu ?
Tôi chưa kịp trả lời, anh ta tiếp :
– Tôi xin trình bày để anh rõ. Về vấn đề công tác nơi nào cũng là công tác cách mạng, đều vinh quang như nhau. Tổ chức ở nơi nào cũng là tổ chức của đảng. Thực tình mà nói, những người trí thức như anh, ở tỉnh nhà rất cần nên tỉnh ủy mới chỉ thị cho tôi đến tiếp xúc với anh. Nhưng dù sao giải quyết vấn đề công tác còn dựa vào nguyện vọng của anh nữa. Nếu anh không muốn ở tỉnh nhà mà về Miền, về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, chỗ ông chủ tịch luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chúng tôi cũng xin giới thiệu và đưa anh đi. Nếu anh muốn ở lại Sàigòn, công tác cho cơ sở nội thành thì chúng tôi sẽ giới thiệu với Thành ủy, ở đó các đồng chí sẽ trực tiếp tiếp xúc với anh. Nơi nào cũng được, tùy anh chọn.
Tôi trả lời :
– Nếu tham gia kháng chiến, tôi thấy tôi không có khả năng hoạt động cơ sở. Bởi tôi có nhược điểm là hay ăn to, nói lớn dễ bị lộ lắm.
– Vậy anh chọn nơi nào? Về đây với tụi tôi nhá?
– Trước giờ, miền Đông, chiến khu D là tôi chưa được biết. Nhưng được nghe người ta ca tụng về miền Đông vô cùng gian khổ, tôi sẵn sàng chịu sự gian khổ đó. Vậy, xin anh cho tôi về Miền đi. Ở đó, vấn đề phân công tác cũng dễ. Người ta xử dụng hết khả năng của tôi. Anh đồng ý chớ ?
– Dĩ nhiên là đồng ý! Anh muốn vậy cũng được. Để tôi về báo cáo lại với ở trên. Ở trên sẽ thu xếp và liên lạc với anh sau. Điều cần nhất, từ bây giờ, về Sàigòn anh chuẩn bị sẵn, ghi địa chỉ của anh vào cuốn sổ này dùm tôi. Sau này người ta biết chỗ đến tìm anh.
Anh ta lấy viết và sổ tay ra đưa cho tôi, bấm đèn pin soi cho tôi viết địa chỉ. Xong anh ta cất vào túi.
– Giờ nào anh thường có mặt ở nhà ?
– Sáng sớm, trưa và buổi tối. Không có tôi, còn các em tôi chi ?
– Mấy em anh đâu biết việc gì?
– Để tôi đặn, nhưng anh phải nhớ là sau Tết.
Anh ta đứng dậy :
– Anh có còn nói gì thêm nữa không ?
– Không !
– Vậy xin từ giã anh ! Hiện giờ tôi còn bận nhiều công việc khác nữa.
Cùng lúc đó, tiếng trống, mõ nổi lên như đêm qua. Anh ta khoa tay làm một cử chỉ :
– Đợt phát động bắt đầu rồi đó! Từ bây giờ chúng mình là đồng chí với nhau rồi.. Chào anh ! Mong rằng trên đường cách mạng mình còn nhiều lần gặp lại. Chúc anh tiến bộ nhiều.
No comments:
Post a Comment