CHIẾN SĨ XUẤT SẮC 1972
Tôi nghỉ ở nhà được một tuần. Sau đó tôi lên trình diện tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 73 Quân Y Biên Hòa. Tôi nghe danh ông Liên Đoàn Trưởng, Đại tá Lương Khánh Chí lâu rồi. Từ hồi tôi còn ở Trung Đoàn 43, ông có sở thích chơi súng và bắn súng rất cừ. Tôi được nghe ông Trung Đoàn Trưởng, Trung tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng, kể rằng có lần ông đi cùng Đại tướng Đỗ Cao Trí ra Côn Sơn chơi. Hôm đi săn, một con sóc vừa vọt qua, ông chỉ dơ súng lên để nhẹ một cái đã bắn trúng con vật ngay trước những cặp mắt khâm phục của mọi người. Tôi ngây thơ hỏi:
– Thế ông ấy không nhắm sao bắn trúng được.
Trung tá Hùng cười:
– Ông ta không cần nhắm. Ông ta chỉ có một con mắt thôi.
Quả thực vậy, nghe nói ông ta bị thương bể mặt, hình như bị mìn, hư mất một con mắt. Do đó ông bắn không cần nhắm. Ông ta nhỏ con, gương mặt méo mó vì mất một phần xương khá lớn trên mặt.
Tôi được Trung tá Liên Đoàn Phó, bác sĩ Lâm Đại Quang dẫn đến chào ông Đại tá Liên Đoàn Trưởng. Ông thấy tôi đi đôi giày rách vì pháo kích làm thủng một lỗ lớn ở phần trước, tỏ vẻ không bằng lòng. Ông nói:
– Về đây hết đánh nhau rồi, anh nên bỏ đôi giày ấy đi.
Tôi vội nói:
– Thưa Đại tá tôi không có đôi nào khác.
– Vậy thì anh Quang, ra lệnh cho tụi nó trang bị lại toàn bộ cho những quân nhân của mình về từ mặt trận Bình Long đi.
Y sĩ Trung tá Lâm Đại Quang vội nói :
– Dạ được, tôi sẽ làm ngay bây giờ.
Rồi ông kêu thủ kho tới ra lệnh cấp phát quân trang, quân phục cho tôi.
Thực ra thay vì phải đi xin, tôi đã đi đôi giày rách ấy, dụng ý khổ nhục kế để các xếp lớn thấy tự động cấp đồ cho.
Sau phần trang bị xong, hai ông Liên Đoàn Trưởng và Phó kéo tôi vào văn phòng nói chuyện.
Đại tá Lương Khánh Chí mở đầu:
– Liên Đoàn tuy ở xa nhưng những việc làm của các anh trên đó chúng tôi đều được báo cáo đầy đủ. Liên Đoàn rất vui mùng vì anh đã tận tâm làm việc giúp các thương binh ở mặt trận. Hiện nay với tình thế chiến trường như anh đã thấy, nhu cầu về cấp cứu Quân Y rất cao. Liên Đoàn đã tổ chức xong một Đại Đội Cấp Cứu và thấy anh rất xứng đáng để điều khiển Đại Đội này. Với kinh nghiệm giải phẫu và kinh nghiệm chiến trường sẵn có của anh, tôi nghĩ rằng anh sẽ giúp cho Liên Đoàn rất nhiều nếu anh nhận lời làm Đại Đội Trưởng mới thành lập này.
Khi nghe ông Liên Đoàn Trưởng ngỏ lời với tôi như thế, tôi nghĩ rằng ông đang ở trên mây. Ý kiến của ông không hợp lý chút nào. Vì khi mới ra trường tôi đã là Đại Đội Trưởng Đại Đội 43 Quân Y rồi. Nay thêm những kinh nghiệm giải phẫu dã chiến, kinh nghiệm chiến trường mà ông lại đề nghị cho tôi một chức vụ như vậy thì tôi không thấy hợp lý. Tuy nhiên để tránh làm phật lòng ông, tôi nói:
– Thưa Đại tá, tôi chỉ muốn làm việc trong một bệnh viện lớn để có cơ hội học hỏi thêm. Nhất là tôi không phải Quân Y Hiện Dịch mà chỉ là Y Sĩ Trưng Tập thôi. Đáng lý ra tôi không phải nhập ngũ vì là con trai độc nhất của một góa phụ. Như Đại tá đã thấy, tôi đã tình nguyện phục vụ hết mình. Nay tôi muốn được làm việc tại một đơn vị tĩnh tại như Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi không còn muốn phiêu lưu nữa.
– Tôi thông cảm tình cảnh của anh. Đó là đề nghị của Liên Đoàn thôi. Anh cứ suy nghĩ đi rồi trả lời tôi sau cũng được. Nhân tiện đây tôi muốn anh Quang lái xe đưa anh Quý đi một vòng coi bệnh viện của Liên Đoàn mới thành lập thuộc Đại Đội Quân Y Cấp Cứu. Nếu anh nhận lời anh sẽ là Chỉ Huy Trưởng của căn cứ này. Nó ở trong khu Long Bình, một trong những doanh trại của Mỹ bàn giao lại cho quân đội ta. Liên Đoàn được chia một số trại dùng để làm bệnh viện như một thứ Bệnh Viện Dã Chiến vậy.
Tôi liền theo Y sĩ Trung tá Lâm Đại Quang ra xe Jeep lái về hướng Long Bình, nơi căn cứ cũ của Mỹ.
Trong thời gian thụ huấn khóa Giải Phẫu Cấp Cứu Binh Đoàn, tôi đã đi thực tập tại bệnh viện 24th Evac và bệnh viện 93rd Evac của Mỹ tại căn cứ Long Bình nên không lạ gì những căn nhà tiền chế mái tôn cong vòng bán nguyệt này. Chỉ khác là mấy năm trước, những căn nhà này trông còn vững chắc, còn trang bị đầy đủ, nhà nào cũng có máy lạnh. Nay bàn giao lại cho phe ta với chỉ sau hai năm tôi không ngờ nó lại xuống sắc đến mức độ tàn phai như thế.
Máy lạnh hoàn toàn không còn. Các cửa sổ và cửa ra vào đều phải mở rộng, nếu không những căn nhà tôn chùm hụp ấy sẽ biến thành những lò nướng. Tôi bước vào bên trong chỉ thấy hai hàng giường bệnh, ngoài ra chẳng có trang bị gì cả. Tôi thấy đã có một số thương binh nằm đây, toàn bệnh nhẹ, có vẻ như là một nơi an dưỡng hơn là một bệnh viện. Vì khu này không có cây cối nên hôm đó gió thổi luồn vô những căn nhà tiền chế đó một cách khá tự do khiến những người thương binh phải lấy áo trùm đầu cho dễ chịu.
Ông Liên Đoàn Phó hỏi tôi :
– Sao, anh Quý thấy sao?
Tuy trong lòng tôi nản lắm, nhưng nhìn ánh mắt của ông tôi thấy ông không thể nào chấp nhận một câu trả lời phủ định được. Nên tôi tìm cách đánh trống lảng lái qua một khía cạnh khác mà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi.
– Thưa, tôi thấy chỗ này rộng lắm, có thể chứa đến 400 thương binh. Khi cần, có thể còn hơn nữa.
– Anh nói đúng. Chúng tôi phải tranh đấu ghê lắm mới được Quân Đoàn chia cho chỗ này. Mọi việc đều sẵn sàng cả. Anh nào về đây thì coi như cỗ đã dọn sẵn chỉ mời ông xơi thôi. Thực ra Liên Đoàn đang cần một người biết giải phẫu, tận tâm, có kinh nghiệm nắm chỗ này. Nếu anh nhận lời ông Liên Đoàn Trưởng vui lắm. Ông đã nhắm anh từ lâu rồi.
Tôi lại cố tình lái câu chuyện sang vấn đề khác. Tôi hỏi:
– Thế nhiệm vụ chính của Đại Đội Cấp Cứu này là gì? Có phải di chuyển không?
– Có chứ. Trong tương lai sẽ có nhiều trận đánh lớn. Nơi nào cần thì đại đội sẽ đến. Nhưng anh đừng lo. Ít khi anh phải đi lắm. Anh ở đây chỉ huy thôi. Dưới quyền anh sẽ có ba y sĩ phụ tá cho anh.
– Thưa anh, theo tôi khi hữu sự đơn vị trưởng phải đi trước, lo tổ chức đơn vị đàng hoàng rồi mới giao cho phụ tá. Còn cứ ở nhà không chỉ huy được đâu.
– Khá lắm. Đồng ý hoàn toàn.
Tôi nói chuyện đưa đẩy một hồi rồi ra xe về lại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. May quá ông Liên Đoàn Trưởng đã về rồi vì hết giờ làm việc nên tôi không phải trả lời những câu hỏi tôi không muốn. Tôi lái xe về Sài Gòn. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ và phải làm nhanh, không sẽ kẹt. Dù sao trong quân đội khi cấp trên đã ra lệnh, dù muốn dù không tôi vẫn phải tuân theo.
Tôi nghĩ cách hay nhất phải đi từ trên cao xuống. Tôi dự định sáng mai sẽ tới Cục Quân Y gặp Phụ Tá Lục Quân, Y Sĩ Trung tá Nguyễn Đức Liên để trình bày ý định của mình là muốn xin về làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa đúng với khả năng chuyên môn về giải phẫu của tôi.
Đúng mười giờ sáng tôi tới Cục Quân Y. Đúng là số tôi gặp may. Tôi ngồi đợi ở văn phòng Phụ Tá Lục Quân chưa đầy 5 phút, bác sĩ Liên tới. Bác sĩ Liên vui vẻ nói chuyện rất cởi mở. Tôi biết Bác sĩ Liên từ khi mới vào năm thứ nhất sinh viên Y Khoa. Lúc ấy Bác sĩ Liên đang học năm thứ năm. Nhìn năm ngôi sao đỏ chót thẳng hàng trên túi áo của anh, tôi phục lắm. Trên túi áo tôi chỉ có một ngôi sao. Còn lâu lắm tôi mới có nhiều sao như vậy. Đó là người đàn anh đầu tiên tôi tiếp xúc khi tôi bước chân vào Bệnh Viện Bình Dân thực tập về ngành Ngoại Khoa. Có thể anh không còn nhớ tôi, một đàn em rất non mới bước chân vào ngưỡng cửa của bệnh viện, nhưng tôi đã có cảm tình với anh ngay từ ngày đầu, vì anh đối với tôi rất tử tế, chỉ bảo từng tí một. Do đó tôi đã không quên anh.
Sau khi tôi trình bày xong, Bác sĩ Liên nói :
– Anh xin về Tổng Y Viện Cộng Hòa rất hợp lý. Chuyện bày vẽ lập ra một Đại Đội Quân Y Cấp Cứu có vẻ không thực tế lắm. Vì bây giờ mình có những phi vụ trực thăng tản thương rồi. Nếu có thương binh chỉ cần tản thương gấp về các bệnh viện. Nơi đây có đầy đủ phương tiện săn sóc thương binh hơn là tạo một Đại Đội di động theo chiến trường. Tôi thấy hoàn toàn không hữu hiệu, lại còn tốn công tốn của, tốn thêm các đơn vị Bộ Binh phải lo bảo vệ cho Đại Đội. Việt Cộng chỉ bắn vào vài chục quả thì đại đội ấy cũng bị tê liệt ngay chẳng còn làm gì được nữa. Lúc đó lại ôm đầu máu mà chạy thôi. Hao tổn bao nhiêu quân trang quân dụng cùng những dụng cụ thuốc men nữa.
Tôi hơi thắc mắc hỏi :
– Nếu Cục đã thấy sự vô ích của đại đội tại sao lại không ngăn cản Liên Đoàn?
– Cục không muốn xen vô những quyết định của Liên Đoàn. Thực ra sau khi Mỹ bỏ căn cứ Long Bình, một căn cứ quá rộng lớn. Quân Đoàn III không đủ người để sử dụng toàn bộ căn cứ đó nên mới chia cho Liên Đoàn một phần. Chẳng biết làm gì nên anh Chí mới cho tổ chức Đại Đội đó. Tôi cho rằng chẳng chóng thì chày nó cũng đi vào quên lãng thôi.
Bác sĩ Liên gốc Nhảy Dù, hình như có vẻ thích tôi lắm. Anh nói tiếp:
– Anh Quý cứ ở lại đây. Không đi đâu hết. Tôi sẽ trình lên Thiếu Tướng Cục Trưởng bổ nhiệm anh về Tổng Y Viện Cộng Hòa làm việc. Nhưng trong thời gian chờ đợi tôi đề nghị anh hãy viết lại mọi việc xảy ra ở Bình Long như một cuốn hồi ký vậy. Tôi sẽ để dành cho anh một văn phòng có bàn giấy đàng hoàng. Mỗi ngày anh đến đây ngồi viết như đi làm, bao giờ xong hãy sang bên Cộng Hòa làm việc.
Rồi không để tôi trả lời có bằng lòng hay không, anh Liên bốc điện thoại gọi Y Sĩ Đại úy Quản Quan Hoa coi về báo chí của Cục Quân Y ở phòng bên, tới giới thiệu với tôi và nói ý định của anh về việc để tôi viết hồi ký trận An Lộc.
Anh Hoa mồm mép nói như nước chảy, đúng là nhà báo. Anh tán thành ngay ý kiến của xếp. Còn nói thêm nếu tôi cần gì anh sẽ hết lòng giúp đỡ. Xong anh Liên nói với tôi:
– Bây giờ để tôi vào trình Thiếu Tướng Vũ Ngọc Hoàn xem ông có rảnh không, tôi sẽ dắt anh vào chào ông một tiếng.
Vài phút sau anh Liên hiện ra ở cửa gật đầu làm hiệu để tôi vào chào Thiếu Tướng Cục Trưởng. Tôi bước vào văn phòng giơ tay nghiêm chỉnh chào theo đúng lễ nghi quân cách. Thiếu Tướng Hoàn, mặt mũi phương phi, lấp lánh cặp kiếng trắng mỉm cười ra hiệu cho tôi và Bác sĩ Liên ngồi xuống hai chiếc ghế trước bàn làm việc của ông. Ông nói:
– Anh bác sĩ Liên có cho tôi biết ý định của anh muốn xin về làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Việc đó đối với tôi không có gì trở ngại. Rồi ông quay sang Bác Sĩ Liên nói tiếp: Anh cứ bảo tụi nó làm sự vụ lệnh thuyên chuyển anh Quý về Cộng Hòa khu Ngoại Khoa. Cục Quân Y đã được Liên Đoàn báo cáo rất tốt về anh trong những ngày anh làm việc tại An Lộc. Chúng tôi rất hãnh diện về anh. Anh về Cộng Hòa làm việc là đúng lắm rồi. Không phải đi đâu nữa.
Tôi nghe nói vậy, trong lòng rất mừng. Tôi nói :
– Xin cảm ơn Thiếu Tướng.
Ông giơ tay ra bắt tay tôi:
– Bây giờ anh về nghỉ ngơi. Sửa soạn tinh thần vào làm ở Cộng Hòa. Sẽ rất bận rộn.
Tôi đứng dậy cảm ơn ông Cục Trưởng một lần nữa rồi theo Bác sĩ Liên ra cửa. Sau khi khép cửa lại, tôi nói với Bác sĩ Liên:
– Xin anh miễn cho vụ tới đây viết hồi ký. Thực ra tôi đã viết ngay tại đó rồi. Giờ chỉ cần xem lại sửa vài đoạn văn để đọc cho nó đỡ ngang tai thôi. Khi nào xong tôi sẽ đưa cho anh Hoa xem. Cuốn hồi ký này thực ra tôi viết cho những người trong gia đình đọc để có thể chia sẻ những tin tức và cảm nghĩ của tôi trong những giờ phút thập tử nhất sinh ở An Lộc.
– Không sao nếu anh không muốn tôi cũng không ép. Vậy anh cứ về nghỉ ngơi, chừng tuần sau khi có sự vụ lệnh anh sẽ tới trình diện tại Tổng Y Viện Cộng Hòa để làm việc.
Anh bác sĩ Liên nói xong, bắt tay tôi. Tôi từ giã đi về, trong lòng rất vui vì đã tránh khỏi phải đi Biên Hòa nhận công tác. Tôi không thích và thấy không thực tế như Bác sĩ Liên cũng đã đồng ý.
Chỉ trong vòng nửa ngày tôi đã giải quyết được một công việc rất vừa ý. Nếu biết được việc gì đã xảy ra chắc ông Y Sĩ Đại tá Lương Khánh Chí không vui lắm vì thấy tôi đã dám qua mặt ông, đi thẳng lên tận thượng đỉnh nói chuyện, không qua hệ thống quân giai.
Khi biết tôi đã chọn Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y Sĩ Trung tá Trịnh Cao Hải, Y Sĩ Trưởng khu ChỉnhTrực của bệnh viện đã cười khẩy, nói với tôi:
– Sai lầm, cậu chọn đây là sai lầm. Cậu đã chịu cực khổ bao nhiêu ngày rồi tại sao không chọn những bệnh viện khác như Trưng Vương, Trần Ngọc Minh cho khỏe mà lại đem đầu vào đây chịu cực nữa. Tôi đã chán ở đây lắm rồi. Tôi đang muốn xin ra thì cậu lại xin vào.
Tôi biết đàn anh có lý. Nhưng tôi cũng biết đàn anh đã già rồi đâu còn trẻ như tôi, hăng say như tôi. Tôi cũng có cái lý của tôi khi chọn ở đây.
Tôi thích đàn anh nói thẳng như vậy. Những tay khác không dám nói ra điều đó. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng, qua giọng nói, thì hình như đàn anh có vẻ cay cú một cái gì. Tôi được biết đàn anh lên Trung tá lâu lắm rồi mà vẫn dậm chân tại chỗ không chịu rửa lon mới. Đàn anh lại có tài. Hồi còn là sinh viên, đàn anh là một trong những sinh viên xuất sắc của trường. Tôi nghĩ bụng nếu đàn anh được trọng vọng một chút, được cất nhắc một chút chắc chắn sẽ không có những lời bất mãn đâu. Tôi cũng nghe nói bác sĩ Hải sắp sửa được giải ngũ đúng như nguyện ước của anh. Có lẽ sau đó anh sẽ hết giọng bất mãn.
Đúng một tuần sau tôi được tôi nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa như Y Sĩ Thiếu Tướng Cục Trưởng đã hứa. Trong thời gian đó tôi cũng được tin bác sĩ Phúc và bác sĩ Chí, hai người bạn cùng tử thủ ở An Lộc với tôi cũng đã từ chối những lời mời mọc về Liên Đoàn để về làm việc tại Trung Tâm 3 Hồi Lực, sát bên Tổng Y Viện Cộng Hòa. Thì ra hai ông bạn tôi cũng khôn không kém. Lại chọn được một bệnh viện lý tưởng, không bị bận rộn như tôi. Hai vị cứ tà tà làm việc không phải thức đêm trực gác khổ sở như bên Tổng Y Viện.
Khoảng tháng 9, tôi nhận được sự vụ lệnh thăng cấp Thiếu tá đặc cách tại mặt trận từ Bộ Tổng Tham Mưu gửi tới, đúng như lời hứa của Tổng Thống. Tuy trong lòng khoái chí lắm, nhưng tôi không vội đeo lon ngay. Tôi ỉm đi, tỉnh như không, vẫn đi làm với cái lon Đại úy màu đen dã chiến như thường.
Người đầu tiên được biết tin mừng này dĩ nhiên là mẹ tôi. Bà mừng lắm. Bà đã cho các em tôi biết ngay khi chúng đi làm về. Em Minh tôi nói:
– Má mở tiệc ăn mừng đi chứ!
– Đương nhiên rồi. – Em Tuệ tôi tiếp lời.
Má tôi nói:
– Để Chủ Nhật tuần sau. Má nghe nói có cả anh Cương cũng từ Kontum về nữa. Mình làm mời luôn cả anh ấy tới với hai bác, cô chú cho vui.
– Như vậy là Bình Long anh dũng với Kontum kiêu hùng sẽ gặp nhau. – Em Nguyệt tôi vội nói xen vào.
Buổi chiều đó cả nhà tôi đều vui vẻ bàn chuyện về bữa tiệc ấy cùng hoạch định những món ăn phải làm.
Được lên Thiếu tá tôi cảm thấy cảm thấy thích thú lắm. Vì thuộc ngành Quân Y, lên lon hoặc được tưởng thưởng huy chương rất là khó khăn vì Quân Y có đánh đấm gì đâu. Nên lúc nào cũng bị lép vế hơn bên tác chiến. Năm 1971 khi tôi về theo học khoa Giải Phẫu Binh Đoàn tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi mới là Trung uý vậy mà chỉ sau một năm trở lại đây tôi đã lên Thiếu tá rồi. Vì khi tôi rời Cộng Hòa lên Bình Long nhận nhiệm sở mới, tôi cũng nhận được sự vụ lệnh lên Đại úy. Những ai không biết thì thấy như là một năm lên hai lon. Dù sao thì tôi cũng là một trong những người lên lon nhanh trong ngành Quân Y.
Một buổi chiều sau khi làm việc xong tôi lái xe ra về. Nửa đường chợt nhớ là tôi để quên quyển sách ở văn phòng. Tôi bèn lộn lại lấy, gặp hai anh bạn tử thủ của tôi đi về từ Trung Tâm 3 Hồi Lực. Tôi thấy trên cổ áo hai người sáng choang cái lon mai bạc. Tôi mỉm cười vui vẻ giơ tay lần lượt vẫy chào hai người.
Anh Chí và anh Phúc sung sướng chào trả lại tôi nhưng đồng thời hai người đều có phản ứng giống nhau khi nhìn thấy trên cổ áo tôi vẫn ba bông mai đồng đen dã chiến tối tăm, không có gì thay đổi. Hai người, xe trước xe sau đều giơ tay đập đập vào cổ áo ra hiệu, nhướng mắt như hỏi tôi sao không mang lon mới. Tôi chỉ hơi nhún vai nghiêng đầu trả lời hai người bằng dấu hiệu như vậy. Không biết họ nghĩ làm sao. Vì đi ngược chiều nên chỉ trong một hai giây là chúng tôi đã xa khỏi tầm nhìn của nhau rồi. Tôi nghĩ rằng họ đoán là tôi chưa nhận được sự vụ lệnh thăng cấp. Chứ không thể nào ngờ được rằng tôi cố tình ỉm đi xem sao.
Tôi thích thú cái trò chơi trẻ con đó của tôi. Là mình đã nắm chắc cái tin vui trong tay rồi nhưng vẫn tỉnh bơ như chẳng có gì thay đổi cả. Tôi giữ kín cái vui của mình không muốn chia sẻ với ai khác. Cho đến cuối tháng mười, một tuần lễ trước ngày Quốc Khánh 1 tháng 11 năm đó, tôi nhận được một lệnh từ Tổng Tham Mưu qua văn phòng của Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện ra lệnh cho tôi phải tới trình diện tại Cục Tâm Lý Chiến để sửa soạn tham dự lễ Quốc Khánh. Vì tôi đã được Liên Đoàn 73 Quân Y đề nghị làm chiến sĩ xuất sắc toàn quốc về tham dự lễ Quốc Khánh năm nay, 1972.
Tôi nghĩ rằng đến nước này thì đành phải mất tiền mua lon mới rồi. Thế là trước khi tới Cục Tâm Lý Chiến, tôi bèn lái xe lên đường Lê Thánh Tôn vào một tiệm chuyên bán đồ huy chương cùng những thứ quân trang, quân dụng mua vội một cặp lon Thiếu tá rồi trở về nhà, tự đứng trước gương gắn lấy cho mình.
Đợt chào mừng ngày Quốc Khánh năm nay, tất cả có được 195 người chiến sĩ xuất sắc được đề cử từ các đơn vị chiến đấu gửi về. Trong đó tôi lại là người có lon cao nhất. Thành thử đương nhiên tôi là người đại diện cho toán chiến sĩ xuất sắc năm nay.
Trong toán này cũng có hai bác sĩ được tuyển chọn. Đó là Y sĩ Trung úy Lê Văn Thại thuộc Liên Đoàn Biệt Động Quân và Y sĩ Trung Uý Tô Phạm Liệu thuộc Sư Đoàn Dù. Bác sĩ Liệu là người về từ căn cứ căn Charlie nơi Trung tá Nguyễn Đình Bảo,Tiểu Đoàn Trường đã đền nợ nước khi hầm qua ông bị trúng một pháo.
Bác sĩ Liệu đã may mắn thoát chết trong trận này. Bác sĩ Liệu tướng to con rất oai trong bộ đồ Dù cùng cái mũ đỏ mà Liệu đã nói với tôi là gửi mua từ bên Pháp. Bác sĩ Liệu là người có tài ăn nói đâu ra đấy, lưu loát. Bất cứ chuyện gì trên trời dưới biển đều được trình bày một cách rành mạch như đọc trong sách ra vậy. Liệu vẫn thường tự nhận là mồm ăn mồm, tức là chỉ dùng lời nói cũng đủ thắng đối phương rồi. Bác sĩ Thại nhỏ con hơn, người Bình Định có đệ tam đẳng Thái cực đạo. Anh đã từng nổi tiếng đánh một tên Mỹ đen to lớn dềnh dàng, ỷ thế ăn hiếp một anh xích lô đạp khiến tên Mỹ này kêu cha kêu mẹ ôm đầu máu chạy có cờ. Hai ông bác sĩ xuất sắc này lại là bạn cùng lớp với nhau nên tâm đầu ý hợp lắm, nói chuyện liên miên không ngừng nghỉ. Vì tôi là lớp đàn anh, lại lớn lon nên hai tay y sĩ anh hùng này hơi nể và chúng tôi trở thành một toán riêng.
Nhưng khi Liệu hỏi tôi:
– Anh ở đơn vị nào về đây vậy?
Tôi biết tay này muốn thử bản lãnh của tôi xem ra sao. Có phải là dân ngon lành không. Nghĩa là có phải dân chì ra tuyến đầu không, mà được chọn làm chiến sĩ xuất sắc. Bởi vì một Y sĩ Thiếu tá thì không thể làm đi hành quân ở những đơn vị tác chiến được. Ở những đơn vị này chỉ có những Y sĩ Trung uý mới ra trường mà thôi.
Tôi đoán hai bạn trẻ này nghĩ tôi có cổ cánh, quen biết lớn mới được đẩy lên thôi chứ không thể nào bì với những người đã xông xáo nơi tuyến đầu như họ được. Tôi muốn trêu hai vị y sĩ xuất sắc này bên trả lời:
– Tôi ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Nói xong tôi cười thầm trong bụng. Tôi biết hai người bạn trẻ này sẽ bị hố to với tôi, sẽ hiên ngang đi vào bẫy của tôi. Tôi chỉ muốn đùa cho vui thôi chứ không có ác ý. Vì dù mới quen nhau tôi đã thấy mến hai vị đồng nghiệp trẻ tuổi vui tính và nhiều tài lạ này.
Quả nhiên vừa nghe thấy tôi trả lời như vậy, cả hai cùng nhướng cặp mắt lên nhìn nhau tỏ vẻ vừa kinh ngạc vừa hơi có chút khinh thường, như thầm nói với nhau là: Ở hậu cứ an toàn như vậy mà cũng được đề cử làm chiến sĩ xuất sắc. Liệu hỏi tiếp giọng có vẻ hơi mỉa mai:
– Chắc trong năm vừa qua anh đã mổ nhiều lắm, cứu được nhiều người lắm? Hay là anh đã phát minh ra được nhiều phương thức mổ tân kỳ phải không?
Tôi vẫn chưa chịu buông tha, tôi gật đầu trả lời:
– Đúng vậy. Tôi đã cứu được gần 250 người, đúng ra là 248 người.
Liệu với Thại gật gù nhưng trông nét mặt của hai người, tôi vẫn thấy có những nét không phục lắm. Liệu cho hỏi:
– Thế anh làm ở Cộng Hòa lâu chưa?
Đến nước này thì tôi thấy không thể nào giấu được nữa. Tôi làm bộ nhún vai trả lời:
– Tôi làm ở đó cũng được gần ba tháng.
Thại từ nãy đến giờ im lặng chợt hỏi tôi:
– Thế trước đây anh ở đơn vị nào?
– Tôi ở bệnh viện tiểu khu Bình Long.
Cả hai đều ồ lên một tiếng, cùng cười thoải mái. Liệu nói:
– Thế là đàn anh chơi tụi này một cú đau lắm đấy nhé. Đàn anh cứ làm bộ ỡm ờ. Tụi này nghi ngay mà. Ở những đơn vị tĩnh tại như Cộng Hòa làm sao được đề cử vào chiến sĩ xuất sắc. Đàn anh đùa dai quá. Được lắm. Khâm phục, khâm phục. Đúng rồi bây giờ tôi mới nhớ ra có đọc bài báo TIME có nhắc đến tới tên anh. Phải anh là người đã dùng chỉ nylon bao cát để may các vết thương không?
Tôi mỉm cười gật đầu:
– Đúng rồi, chính tôi đó. Lúc đó hết chỉ đành phải tự xoay sở lấy. Nhưng chỉ có hai, ba ca thôi. Mấy ngày sau tiếp tế được nên không xài chỉ bao cát nữa vì sợ bị nhiễm trùng.
Sau lần nói chuyện đó, ba chúng tôi trở nên thân nhau hơn. Trong suốt tuần lễ chào mừng các chiến sĩ xuất sắc nhân ngày Quốc Khánh năm đó, chúng tôi đều đi chung với nhau.
Vì là người đại diện cho các chiến sĩ xuất sắc đợt đó nên tôi được ban tổ chức tức Cục Tâm Lý Chiến đưa cho mấy bài diễn văn đã làm sẵn. Tôi chỉ đứng đọc mà thôi. Bây giờ tôi mới thấy đằng sau hội trường chính trị. Một chút thôi. Ý tôi muốn nói là những sắp xếp khi ra trước đám đông. Sĩ quan hướng dẫn cho phái đoàn chiến sĩ xuất sắc này là hai người, một Đại úy, một Trung úy thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Hai người này lo phần ăn ở cho phái đoàn. Chúng tôi được ở tại khách sạn Ambassador đường Công Lý do dòng họ Lê ở Bình Định làm chủ.
Thoạt đầu phái đoàn được vào dinh Độc Lập yết kiến Tổng Thống, dự dạ tiệc ngay tại khuôn viên dinh Độc Lập. Mỗi chiến sĩ xuất sắc được Tổng Thống tặng 10000 đồng và một hộp quẹt Zippo có khắc chữ ký của Tổng Thống. Đại tướng Cao Văn Viên tặng mỗi chiến sĩ 5000 đồng.
Các chiến sĩ ai cũng được thưởng huy chương, đồng thời ghi rõ tiểu sử cùng chiến công vào một cuốn sách. Tôi được trao tặng Nhân Dũng Bội Tinh.
Tôi chưa bao giờ nghe tới tên cái thứ huy chương này. Không hiểu nó đã có từ đời nào hay mới được tạo ra. Tôi hỏi hai sĩ quan phụ trách, họ nói huy chương này quý lắm, chỉ sau có Bảo Quốc Huân Chương thôi. Họ còn nói thêm: bác sĩ được huy chương này là nhất rồi. Tôi cũng cố tin như vậy cho xong việc.
Trong bữa dạ tiệc tại vườn dinh Tổng Thống, tôi được ngồi bàn đặc biệt, có Tổng Thống, Đại tướng Cao Văn Viên, Đề Đốc Chung Tấn Cang, bà Nguyễn Thị Hai, chủ nhân công ty dược phẩm cùng tên và quý vị Chủ Tịch Thượng Hạ Viện. Cùng với tôi có thêm ba chiến sĩ xuất sắc nữa. Tôi ngồi cạnh Đại tướng Cao Văn Viên. Ông hỏi tôi:
– Thiếu tá thuộc đơn vị nào?
– Thưa Đại tướng, tôi ở Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long, An Lộc.
– À, Thiếu tá là bác sĩ ở An Lộc hả?
Tôi gật đầu đáp:
– Thưa vâng. Tôi tham dự trận này suốt từ đầu tới cuối.
Đại tướng Viên liền quay sang Tổng Thống Thiệu nói:
– Thưa Tổng Thống, Thiếu tá đây là bác sĩ tại Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long, An Lộc.
Ông Thiệu đang nói chuyện với bà Hai nghe vậy liền quay sang nhìn tôi, mỉm cười rồi nhíu mày như cố nhớ một điều gì. Ông nói:
– Tôi có lên đó, hình như tôi không gặp bác sĩ ở đó.
Tôi thầm nghĩ ông này hay thật. Làm đến Tổng Thống chắc cũng phải có một cái tài nào đó. Tôi vội giải thích:
– Khi Tổng Thống lên ủy lạo binh sĩ thì trùng với ngày tôi về phép nên không được hân hạnh tiếp kiến Tổng Thống.
Câu trả lời của tôi làm Tổng Thống Thiệu thích thú. Mọi người trong bàn cùng trầm trồ nhân cơ hội này ca ngợi trí nhớ dai của Tổng Thống có một không hai. Ông Thiệu cười hài lòng và có vẻ hãnh diện về trí nhớ của ông.
Tôi nhận thấy tiếng ông như tiếng chuông. Chắc là một thứ quý tướng nên ông mới lên tới chức vị cao nhất nước như vậy. Trong buổi tiệc ông cũng hay nói chuyện tiếu lâm làm mọi người vui vẻ, đỡ căng thẳng vì ngồi gần mặt trời.
Tôi thấy Đại tướng Viên là gốc Dù nên vuốt ông một câu:
– Thưa Đại tướng, An Lộc giữ vững được một phần cũng nhờ những đơn vị của sư đoàn Dù và Biệt Cách Dù.
Đại tướng Viên gật đầu đáp:
– Đó là một trong những đơn vị xuất sắc nhất của quân đội ta.
Tôi tiếp tục hỏi một câu mà vừa ra khỏi miệng tôi thấy là hơi cù lần một chút:
– Thưa Đại tướng thế tại sao mình không cho thành lập thêm vài sư đoàn Dù nữa để áp đảo tụi nó giành thắng lợi cho mình?
Đại tướng Viên nhìn tôi, thấy tôi hoàn toàn ngây thơ cụ về vấn đề nhà binh nên ông, như một người anh cả kiên nhẫn giảng giải cho tôi hiểu vì sao:
– Tại bác sĩ không biết chứ, thành lập một sư đoàn nhiêu khê lắm, có cả một danh sách rất dài để làm. Người thì mình có nhưng tiền thì không. Thành lập một sư đoàn Bộ Binh không thôi đã tốn rất nhiều rồi, nói chi tới một sư đoàn Dù lại tốn gấp đôi. Quân đội không đủ tiền làm chuyện đó.
Sau khi yết kiến Tổng Thống, chương trình ngày hôm sau phái đoàn phải đi tới thăm viếng Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hòa, cũng có Tổng Thống cùng các nhân vật trong chính phủ đi tế lễ các hương hồn tử sĩ đã vị quốc vong thân. Buổi chiều chúng tôi được Tòa Đô Chánh đãi tiệc, có ông Đô Trưởng Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu chủ tọa, Lại những bài diễn văn đã được soạn sẵn cho tôi đọc, lại vỗ tay, lại đủ thứ. Thú thực tôi không khoái lắm. Ngày hôm sau chúng tôi được đi coi triển lãm chiến lợi phẩm tịch thu của Việt Cộng trên khắp các mặt trận đem về trưng bày tại sân vận động Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng. Tôi thấy trong đó có ba chiếc xe tăng T54 của Việt Cộng còn mới nguyên được trưng bày trên sân cỏ. Tôi biết một trong những chiếc đó đã bị quân ta tịch thu tại An Lộc. Nhiều súng lớn đủ loại, cả những súng phòng không cao nghều nghệu.
Tổng Thống Thiệu chủ tọa xong, đi xem một lượt rất nhanh rồi đi về. Tôi ngồi trên những ghế cao phía xa cùng với một số người khác không hòa mình vào đám đông. Tôi đề phòng nhỡ có đứa nào muốn ám sát Tổng Thống, mình đi gần lại bị vạ lây. Tôi thấy có một đoàn nữ sinh mặc áo trắng đứng quanh sân chào mừng Tổng Thống và quan khách.
Tôi nhận thấy họ chỉ là nữ sinh giả thôi. Vì trong đó có nghệ sĩ Mộng Tuyền cũng mặc áo dài trắng lẫn lộn với mấy người đẹp khác. Tôi thấy Tổng Thống đứng hơi lâu bên Mộng Tuyền, cười nói thoải mái. Tôi có nghe đồn Tông Tông khoái cô nghệ sĩ này lắm. Mà quả thực cô có duyên và rất đẹp.
Sau khi đi xem hết một vòng, Tông Tông lên xe về. Tôi mới lững thững đi xuống, chợt thấy Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đeo kính trắng đang tà tà tới. Tôi định tiến lại chào ông, nhưng thấy hai bên ông có đám vệ sĩ gườm gườm nhìn, còn ông Thủ Tướng thì mặt lạnh như tiền coi như không có ai ở chung quanh cả. Tôi vội quay đầu đổi hướng lui nhanh ra phía khác.
Sau buổi sáng đi xem triển lãm chiến lợi phẩm, chiều hôm đó đoàn chúng tôi được Quốc Hội đãi tiệc. Tiếp tục ngày tới là Thượng Viện rồi lần lượt các quận trong đô thành Sài Gòn thay phiên nhau mỗi quận một ngày tiếp đãi chúng tôi.
Tôi còn nhớ ngày Quốc Hội đãi tiệc phái đoàn chúng tôi. Sau khi tan tiệc ra về, chúng tôi đi thang máy xuống đường cùng một số dân biểu. Một vị dân biểu trẻ tuổi bước tới tự giới thiệu:
– Tôi là Nguyễn Trọng Nho, rất biết ơn các bạn đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ nền Cộng Hòa công chính của chúng ta.
Anh đưa tay bắt tay tôi rất chặt. Chưa bao giờ có người bắt tay tôi một cách chí tình đến thế. Anh như muốn chuyển cho tôi tất cả những nhiệt tình yêu nước của anh. Tôi thấy anh có một sức hấp dẫn lạ lùng với người đối diện. Tôi chỉ nghe danh anh từ những năm trước là vua sinh viên xuống đường chống độc tài gia đình trị. Bây giờ tôi mới được hân hạnh nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, thật là thích thú. Tôi thấy buổi tiếp tân hôm nay ít ra gặp được Dân Biểu Nguyễn Trọng Nho cũng làm cho thấy tôi thấy đỡ nhàm chán một chút. Chúng tôi không có cơ hội nói chuyện nhiều, chỉ gặp gỡ trong giây phút thôi rồi mọi người lại đi một ngã. Nhưng chỉ trong giây phút ngắn ngủi đó, tôi cảm thấy vui và có cảm tưởng như đã gặp một người mình tin tưởng được.
Ngày hôm sau là ngày Thượng Viện đãi tiệc chúng tôi tại một tửu lầu ở trong Chợ Lớn. Đáng lẽ chúng tôi phải đi cùng với phái đoàn nhưng bác sĩ Liệu có sẵn xe Jeep ở hậu cứ sư đoàn Dù, đề nghị ba chúng tôi dùng xe đó đi riêng.
Vị Trung úy Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị có nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn giống như một ông bầu, ngần ngừ có ý định không chịu vì ông ta không muốn gây xáo trộn trong chương trình ông đã có trách nhiệm thi hành cho thật đúng. Sau vì cả nể, ông đồng ý cho tụi tôi được dùng xe Jeep đi riêng đến địa điểm tiếp tân. Không ngờ hôm đó kẹt xe. Chúng tôi đến trễ nửa tiếng, vào tới bàn tiệc thì mọi sự đã bắt đầu. Thay vì tôi lên đọc bài diễn văn soạn sẵn cảm ơn các vị Thượng Nghị Sĩ, một chiến sĩ xuất sắc khác đã được ông bầu phái đoàn đưa lên thay.
Vì đến trễ nên chúng tôi quả thực đã làm xáo trộn chương trình đã ấn định từ trước. Ông sĩ quan điều hợp phái đoàn chắc phải một phen lên ruột. Ông nhìn chúng tôi với ánh mắt như trách móc. Chúng tôi chỉ có nước ngồi cười trừ thôi. Sau bữa tiệc, cả ba chúng tôi đến ngỏ lời xin lỗi ông sĩ quan điều khiển chương trình. Dĩ nhiên ông ta cũng bỏ qua.
Nhân dịp tham dự phái đoàn chiến sĩ xuất sắc này tôi đã được biết thêm hai người bạn mới, ngoài hai ông bác sĩ trẻ ở đơn vị Dù và Biệt Động Quân. Đó là Hạ sĩ Cường của tiểu đoàn 2 Nhảy Dù và Thiếu úy Trí, Trung Đội Trưởng Trinh Sát thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Thiếu Úy Trí người Sa Đéc. Một sự tình cờ ban tổ chức đã sắp xếp cho hai chúng tôi ở chung một phòng tại khách sạn Ambassador trong suốt những ngày thủ đô chào mừng phái đoàn chiến sĩ xuất sắc toàn quốc nhân ngày Quốc Khánh. Vì vậy chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau sau những bữa tiệc khi về phòng. Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi thấy thoải mái sau một ngày tiệc tùng tại các quận đô thành. Tôi gợi chuyện anh bạn cùng phòng.
– Anh được chọn làm chiến sĩ xuất sắc về trận nào vậy?
– Trận Bắc ChơnThành
Tôi vội cướp lời anh:
– Trên Quốc lộ 13 phải không?
Trí ngạc nhiên hỏi tôi:
– Ủa, sao bác sĩ biết?
– Tôi là bác sĩ Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long, An Lộc. Tụi tôi bị vây ở đó cả tháng rồi. Cũng chỉ vì mấy cái chốt tụi nó đóng tại phía bắc Chơn Thành, nên chiến đoàn đặc nhiệm lên không được để giải tỏa cho tụi tôi.
– Đúng rồi vì tụi Việt Cộng nó đóng chốt chặn giữ giữa Quốc lộ 13 trên đường vào An Lộc. Sư đoàn chúng tôi lên không được. Hao tốn cũng khá nhiều. Thay hết đơn vị này đến đơn vị khác. Sau cùng tới lượt đơn vị tôi. Tôi cũng chỉ là thư sinh mới ra trường thôi, thực ra cũng được gần hai năm. Nhưng những thời gian đầu tôi ở bên tiếp vận. Vì thiếu sĩ quan nên tôi bị đổi ra đơn vị này.
Tôi cũng thấy như vậy, ông bạn mới của tôi nhỏ con, không có vẻ gì là dân tác chiến cả. Bề ngoài trông ông bạn trẻ của tôi chỉ hợp với nghề văn phòng. Nên tôi cũng tò mò muốn biết chiến thuật của ông làm sao mà thắng được địch để trở thành chiến sĩ xuất sắc. Tôi hỏi tiếp:
– Rồi sau đó thế nào?
– Nhận được lệnh, tôi lo, chỉ sợ làm không được việc thì tức lắm. Tôi hỏi mấy đơn vị trước xem tụi Việt Cộng đánh đấm ra sao. Họ đều nói, tụi nó có đánh đấm gì đâu. Nó cứ cho đóng chốt rải rác. Chốt nọ bảo vệ chốt kia. Tên nào chết thì có ngay tên khác thay thế. Cho nên quân mình dường như không thể tiến lên được một bước nào. Biết được vậy, tôi nằm suy nghĩ mấy đêm liền, kêu mấy Hạ sĩ quan nhiều kinh nghiệm chiến trường tới bàn bạc tìm kế phá tụi nó. Họ đều nói là muốn phá chốt chỉ có một cách là phải đánh đêm thôi. Không dùng súng mà dùng lựu đạn. Ban ngày chúng tôi quan sát địa thế chiến trường. Những chỗ nào tình nghi có chốt đều được ghi rõ. Ban đêm chúng tôi dùng Starlight scope của Mỹ viện trợ cho dùng để quan sát ban đêm. Rồi chúng tôi cho lính mình bò lên tận nơi thẩy lựu đạn vào chốt. Cứ từ từ như vậy chúng tôi đã tiến lên được cả cây số. Chúng tôi đã nhổ cả mấy chục cái chốt mà thiệt hại của quân mình rất ít. Ông Chỉ Huy Trưởng của tôi rất mừng. Vì vậy tôi mới được tuyên dương và trở thành chiến sĩ xuất sắc.
– Hay lắm. Đúng là muốn nhổ chốt chỉ có cách đó thôi. Nhưng tôi lấy làm lạ, là tại sao không đem B52 trải thảm là dẹp chốt dễ dàng không?
– Tôi thấy không lợi. Dùng B52 chỉ có hiệu quả khi nào địch tập trung quân lại thôi. Còn nó đóng chốt, tổng số quân chỉ chừng một đại đội là cùng thì không bõ, rất tốn kém, lại có khi không trúng nữa vì diện tích mục tiêu quá nhỏ.
– Nếu vậy mình dùng nghi binh. Chắc chắn tụi nó có kiểm thính. Mình làm bộ là sẽ cho B52 trải thảm. Để cho địch bắt được mấy cái tin ấy qua radio. Chúng tưởng thật, rút quân về khu an toàn thế là mình có quyền đường hoàng đi mà không bị một thiệt hại nào cả.
Thiếu úy Trí cười nói:
– Bác sĩ cũng giàu tưởng tượng thật. Kế đó cũng hay lắm. Nhưng làm sao mình biết được là tụi nó bắt được tin B52 trải thảm, làm sao kiểm chứng được tụi nó sẽ rút quân. Tôi nghĩ chỉ có một cách như tôi đã trình bày là tung quân cảm tử đánh đặc công như tụi nó. Nghĩa là gậy ông lại đập lưng ông thì mới có kết quả.
– Không sai, bằng chứng là anh đã thành công và đang về đây dưới danh nghĩa chiến sĩ xuất sắc nên tôi mới có cơ hội gặp anh.
Sau lần đó anh lại trở ra đơn vị nhưng lần này anh cho tôi biết là đơn vị của anh sẽ rút về Vùng IV không còn ở Vùng III nữa. Từ ngày đó tôi không còn có duyên gặp anh nữa. cầu mong sao anh được bình an, sống sót qua được cuộc chiến này.
Còn trường hợp của anh Hạ sĩ Nhảy Dù tên Cường, tôi được biết khi ngồi chung xe buýt với anh trong chuyến đi các quận đô thành dự tiệc. Cũng cùng một câu hỏi:
– Anh đã dự trận nào mà được trở thành chiến sĩ xuất sắc vậy?
– Thưa anh, em dự trận Quảng Trị.
Cường xưng em với tôi rất tự nhiên. Không giống như một cấp nhỏ đối với cấp trên. Trong cách xưng hô của Cường đối với tôi, tôi cảm thấy có một điều gì đặc biệt. Một sự tình cảm thật thà giữa những người trong gia đình, ruột thịt. Chỉ cần một giây phút đầu mà thôi, là chúng tôi đã cảm thấy thân nhau như từ lâu lắm. Đó là đầu mối của một tình thân lâu dài về sau.
– Kể cho anh nghe chiến công của em đi.
– Chiến công của em dễ dàng lắm. Chính em chẳng thấy có gì đặc biệt cả. Em ngạc nhiên khi thấy mình được đề cử làm chiến sĩ xuất sắc năm nay. Em cứ nghĩ là được cái Anh Dũng Bội Tinh gì đó là cùng.
Đúng lắm, đó là tâm trạng chung của hầu hết các chiến sĩ xuất sắc. Khi cố gắng thi hành phận sự, có ai nghĩ là mình sẽ được đền bù này nọ đâu. Chúng tôi chỉ cốt sao chu toàn bổn phận là mừng rồi. Cường còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Trông anh Hạ sĩ Nhảy Dù can trường này vẫn còn những nét học sinh mặc dù cũng đã hơn hai tuổi lính và dự khá nhiều trận rồi. Nhưng theo Cường trận Quảng Trị là trận gay go nhất. Tôi khuyến khích Cường kể tiếp:
– Chiến công nào cũng là chiến công cả. Cường kể tiếp đi.
– Hồi ở Quảng Trị, tiểu đội của em ở ngay tuyến đầu. Hai ngày rồi tụi em bị dậm chân tại chỗ vì mấy cái chốt ngang sườn đồi. Nó nhìn thấy mình mà mình không thể nhìn thấy nó. Vì tụi nó có lợi thế ở trên cao, lại có hầm núp đàng hoàng. Trong khi quân mình từ dưới đi lên rất là trống trải. Dù hy sinh cách mấy cũng không tài nào lên để phá chốt được. Có kiểm soát được ngọn đồi đó thì mình mới có lợi thế đánh ngang hông để dứt điểm tụi nó được. Ông Đại Đội Trưởng của em rầu rĩ quá. Em thương ông quá vì ông không phải thuộc loại thí quân coi thường sinh mạng binh sĩ. Em suy nghĩ làm sao dẹp được mấy chốt đó thì mới sướng được. Em bàn với ông Thiếu Úy Trung Đội Trưởng của em là để em dẫn hai tay tình nguyện theo em đi vòng xa mấy chỗ đó, lên cao hơn một chút rồi đi thẳng xuống cái chốt khó nhai nhất ở ngay chính giữa sườn đồi rồi bất ngờ đánh xuống lật ngược lại cái thế thượng phong của tụi nó làm cái lợi thế của mình. Túng thế quá ông Trung Đội Trưởng của em đành gật đầu ưng thuận cho em đi. Vì biết rằng rất nguy hiểm cho tụi em. Chết dễ như chơi vì mình không biết địch còn bao nhiêu chốt nữa chưa phát hiện được đang chờ đón mình.
Tôi ngắt lời Cường, nói:
– Nguyên cái vụ tình nguyện đi phá chốt nguy hiểm như vậy cũng đáng tuyên dương công trạng lắm rồi. Vậy mà Cường còn khiêm nhượng mãi. Thôi kể tiếp đi, đến hồi gay cấn rồi đó.
Cường mỉm cười gật đầu tiếp:
– Em dẫn 2 đồng đội tình nguyện đi ra xa khoảng nửa cây số rồi thận trọng tụi em bò lên đỉnh đồi. Em chọn chỗ có cỏ tranh mọc cao hơn đầu người, cẩn thận đi từng bước một vì sợ nó gài mìn. Em bò lên được lưng chừng sườn đồi thì có tiếng hỏi: K nào vậy? Em giật thót cả người, nhanh trí khôn em đáp bừa: K3 đây đồng chí. Đồng thời em đứng thẳng dậy, thấy lố nhố ba thằng lính chính quy Bắc Việt. Chúng nó cũng đã trông thấy em, một thằng kêu lên:
– Ngụy Dù đồng chí ơi.
– Nó chưa nói dứt câu em đã lia một băng M16 vào cả ba tên. Chúng gục ngay tại chỗ không kịp bắn một phát nào. Em cho một người lên trước thám hiểm xem có còn đứa nào không. Chúng chỉ có ba tên mà thôi. Em cho một anh bạn về báo cho trung đội em biết. Đồng thời chuyển quân qua con đường tụi em đã dọn sạch. Nếu tụi nó biết, tấn công hai đứa tụi em thì em cũng có quân tiếp viện. Sau khi còn lại hai tụi em, em đặt một trái mìn Claymore trên lối mòn mà em đoán tụi địch sẽ đi qua. Xong xuôi chúng em vô hầm chốt của tụi nó ngồi chờ. Vì chung quanh không có chỗ nào trốn núp được. Chừng 10 phút sau em thấy ba tên đi dọc theo lối mòn nói chuyện với nhau rất tự nhiên như chẳng có gì xảy ra cả. Thì ra nơi tuyến đầu tiếng súng nổ là thường và chắc tụi nó ỷ y phía này không có quân mình nên không quan tâm mấy. Em bấm quả mìn khi chúng nó còn cách đó chừng 10 thước. Tiếng nổ của trái mìn vang lên, em thấy ba đứa biến mất chẳng thấy vết tích đâu cả. Chỉ thấy dấu máu đầy chỗ chúng đứng thôi. Hai mươi phút sau thì trung đội của em lên tới nơi. Từ đó chúng em nhổ những chốt còn lại rất dễ dàng. Đó, chiến công của em đó anh ạ. Cũng là may thôi. Nếu địch đừng tưởng lầm tụi em là quân tụi nó, cứ chờ cho tụi em tiến lên, lia một tràng AK là em đâu có dịp gặp anh ở đây.
– Đúng rồi Cường ạ. Con người ta có số cả. Nhưng Cường quả thật can đảm và cũng đa mưu túc trí chứ chẳng chơi đâu.
Cường cười hồn nhiên, nhưng chợt giọng em trầm xuống:
– Chiến tranh cả anh ạ, vì mạng sống của mình em phải làm thế. Em thấy nếu mình không hạ nó thì nó cũng chẳng tha mình. Nên em phải ra tay trước. Tuy nhiên em thấy thế nào ấy. Tụi nó còn trẻ lắm, em độ chừng 18, 19 tuổi thôi, bằng tuổi thằng em trai em. Em còn ông bác ở ngoài Bắc. Biết đâu mấy tên địch không may đó lại là bà con của em thì đau lắm.
Tôi vội an ủi Cường, mà thật ra cũng như nói với chính tôi để quên đi cái cảnh nồi da xáo thịt:
– Thôi chuyện đã qua rồi. Miễn là mình còn sống là may rồi. Đừng nghĩ lẩn thẩn nữa.
Rồi tuần lễ chào mừng các chiến sĩ xuất sắc toàn quốc nhân ngày Quốc Khánh năm 1972 cũng qua đi. Mọi năm, phái đoàn còn được cho đi xuất ngoại sang bên Đài Loan thăm viếng và trao đổi kinh nghiệm chống cộng tại nước này một tuần. Nhưng năm nay vì thời sự chiến cuộc có vẻ khẩn trương, lại thêm Mỹ Việt Nam hóa chiến tranh cũng như những diễn biến về hội nghị Hòa Bình Paris giữa Mỹ với chính phủ Cộng sản Hà Nội nên cái món du lịch nước ngoài bị hủy bỏ. Số tôi là thế. Có tiếng nhưng chẳng có miếng. Đã là số mạng thì còn gì nữa đâu để buồn.
Thế là sau một tuần phè phỡn, tôi lại được trở về với công việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi lại bắt đầu một cuộc đời mới, lại có những kinh nghiệm mới, vui có buồn có. Tôi lại có cơ hội phục vụ các đồng đội của tôi, tuy cùng một môi trường, nhưng với một kỹ thuật cao hơn, hữu hiệu hơn. Đứng như lòng mong muốn của tôi là tay nghề của mình phải lên cao, lên cao mãi.
No comments:
Post a Comment