Friday, July 15, 2022

CƠN MƯA ĐẦU MÙA - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 CƠN MƯA ĐẦU MÙA

Từ ngày tản thương được toàn bộ số thương binh, bệnh viện trở nên yên tĩnh. Mấy ngày qua cũng không thấy pháo kích nhiều nên số thương vong gần như không có. Chúng tôi vì vậy được nhàn nhã đôi chút.

Đã gần một tháng nay không có nước nên chúng tôi chẳng ai tắm rửa gì cả. Nước uống thì không hiểu mọi người kiếm được ở đâu ra. Tôi có hỏi mấy anh em Quân Y, họ nói là đi kiếm ở mấy nhà dân chung quanh. Nhà nào cũng có một hồ chứa nước riêng hoặc có giếng nước. Nói chung thì nước uống vẫn kiếm được mặc dù khan hiếm. Riêng tôi vì dùng dè sẻn nên hai bình phisohex cũ đựng nước uống đã tiêu một bình vẫn còn một bình, có thể cầm cự được thêm vài ngày nữa trước khi phải đi kiếm hoặc xin những người khác.

Mỗi sáng tôi chỉ mất một nắp bi-đông nước, tức là khoảng một muỗng canh nước để rửa mặt. Nên tôi chẳng tốn nước bao nhiêu. Lấy một miếng gạc nhỏ nhúng chút nước rồi quét lên mặt cũng thấy khoan khoái rồi. Chiều hôm qua mây đen kéo phủ kín một góc trời. Tôi cứ nghĩ là đêm sẽ mưa nhưng chờ tới sáng, vẫn chưa thấy gì.

Tôi chắc chắn sẽ mưa ngày nay vì mây đen càng ngày càng nhiều. Tôi và mọi người trong bệnh viện đều đổ xô đi tìm đồ để sửa soạn hứng nước mưa. Những thùng đều được gom lại để dọc theo mái hiên. Những tấm tôle bị pháo đánh bay xuống sân được gom lại uốn thành những máng dã chiến để hứng nước mưa từ mái xuống.

Chúng tôi sửa soạn xong thì trời bắt đầu chuyển. Mới đầu là những cơn gió nhè nhẹ mang hơi lạnh không biết từ đâu tới rồi trời hình như tối sầm lại. sấm chớp liên hồi và một cơn mưa dữ dội đổ xuống. Một cơn mưa mang nguồn sống, nguồn nước cần thiết cho chúng tôi. Không ai bảo ai, mọi người đều lợi dụng cơn mưa như thác lũ đó để tắm rửa tối đa, gột bỏ những cáu bẩn, mồ hôi mấy tuần nay cũng như giặt những quần áo hôi hám trên người.

Tôi cẩn thận hơn, mang quần áo sạch và những đồ dùng cần thiết xuống trại Ngoại Khoa. Tôi chọn một phòng bị tróc mái vì pháo kích, vào trong đó khởi sự tắm. Tắm ở đây an toàn hơn tắm ngoài trời. Lỡ có pháo kích thì có các vách tường chung quanh bảo vệ khỏi lo bị miểng văng trúng.

Nước mưa từ lỗ hổng trên mái nhà đủ để cho tôi tắm thoải mái giống như ở phòng tắm có bông sen nước. Tôi nhắm mắt lại lấy xà bông gội đầu rồi kỳ cọ khắp mình. Sạch sẽ xong xuôi mở mắt ra tôi mới ngạc nhiên nhìn thấy nước mưa đen ngòm như mực tầu loãng. Chỉ sau vài giây tôi chợt hiểu là khói của những đám cháy trong trận chiến này đã nhuộm thành màu nước như vậy. Cũng chẳng sao tôi đã được tắm thoải mái sạch sẽ rồi dù nước có đen hay không cũng từ trên trời rơi xuống không bị ô nhiễm bởi bùn đất, phân người, xác chết là được.

Trận mưa cứu tinh này quả thật đã rửa sạch bên ngoài bệnh viện. Chúng tôi hứng được rất nhiều nước. Ít nhất trong vòng một tuần, chúng tôi có đủ nước thỏa thuê. Tôi để ý thấy mặc dù bệnh viện không có hồ chứa nước nhưng trên trần hành lang xây bằng xi măng chắc chắn còn chứa được một số nước đáng kể. Quả nhiên mấy ngày sau khi đã cạn nước, tôi nói với cháu Sơn, cháu của bác sĩ Phúc, leo lên trên cái cầu xây nối liền Phòng Cấp Cứu với trại Nội Khoa xem có nước không. Sơn ngồi ở trên nóc báo cáo xuống:

– Cháu thấy nhiều nước lắm, mình có thể dùng tới hai tuần mới hết.

Tôi và Bác sĩ Phúc vui mừng bảo Sơn xuống để khi nào cần thì sẽ leo lên múc nước dần để dùng. Dù cho nước có bốc hơi bay đi thì cũng phải mất mấy ngày nữa. Hy vọng sẽ có thêm vài trận mưa nữa tới tiếp sức thì vấn đề nước non cũng tạm giải quyết xong.

Advertisements
REPORT THIS AD

Việc gì cũng có mặt trái, mặt phải, phần tích cực và phần tiêu cực. Cơn mưa đã mang đến niềm vui cho mọi người vì có nước uống, vì được tắm giặt sạch sẽ, cuốn trôi những rác rưởi làm cho sân bệnh viện được sạch. Cũng cơn mưa này làm cho chúng tôi ngất ngư vì hậu quả tiêu cực của nó mà ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã phải chịu khổ rồi.

Những đống rác chung quanh bệnh viện gặp nước mưa trở thành nơi sản xuất ruồi bọ cùng những mùi hôi hám rất khó chịu. Tôi đề nghị toàn bệnh viện làm vệ sinh thu dọn rác rưởi về phía đầu cuối của bệnh viện. Có ý kiến nên đào hố sâu để chôn vùi. Ý kiến khác là đốt đi đỡ tốn sức lao động. Dĩ nhiên là cách giản dị nhất đã được mọi người vui vẻ chấp thuận.

Đống rác đã được mồi bằng xăng rồi đốt. Chúng tôi xoa tay khoan khoái đứng nhìn ngọn lửa lan dần rồi đốt cháy ngay cả những gì trước đây đã sũng nước. Chúng tôi đang dự định giải tán ai về chỗ nấy thì được lệnh của Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn đòi hỏi báo cáo việc gì đã xẩy ra ở bệnh viện mà khói lên nhiều như vậy.

Sự việc được báo cáo lên Sư Đoàn. Ít lâu sau chúng tôi được lệnh phải dập tắt ngay đám cháy vì sợ địch quân điều chỉnh tọa độ pháo ngay vào Bộ Tư Lệnh gần đó. Đến giờ thì vô phương dập tắt đám cháy này vì làm sao chúng tôi có nước để bơm vào đó. Vả lại đống rác cũng cháy gần hết, không thể lan ra chung quanh được. Cho nên chúng tôi miệng nói tuân lệnh, sẽ thi hành ngay nhưng trên thực tế cứ để nguyên như cũ, lại còn mong sao nó cháy mau cho chóng xong. Quả nhiên chỉ 20 phút sau, đám cháy cũng tự nó lụi tàn.

Tôi thấy một số người thật vô lý, cả chục ngày nay địch đã pháo vào Bộ Tư Lệnh rồi. Chúng đã biết rõ tọa độ rồi đâu có phải đợi đến bây giờ mới cần điều chỉnh tọa độ để pháo vào đó nữa.

Dù sao mọi sự đã được thu xếp khéo gọn. Bệnh viện đã được dọn dẹp sạch sẽ hơn trước. Chẳng lẽ một cơ sở y tế mà lại bê bối về vấn đề vệ sinh. Ngay cả trong trường hợp thiếu thốn, khó khăn như bây giờ cũng khó mà biện minh được.

Tuy nhiên với tình trạng hiện tại, bệnh viện đã bị vô hiệu hóa gần như hoàn toàn. Nghĩa là các cuộc mổ lớn không thể nào thực hiện được. Phòng mổ chính và phòng mổ phụ đã bị hư hại nặng. Mặc dù thuốc men, y cụ chúng tôi vẫn còn nhưng không điện, không nước, nhân viên dân sự đã di tản hết nên chúng tôi chỉ còn có thể rửa sạch các vết thương, làm tiểu giải phẫu rồi băng bó, và chờ chuyển thương thôi.

Trận chiến hình như bớt căng thẳng. Tôi nói với Bác sĩ Chí:

– “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh

Mượn nhan đề của một cuốn tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, để chỉ tình trạng của mặt trận An Lộc trong giờ phút này.

Không biết địch quân đang tính toán gì đây. Tôi chắc chắn là sau khi bị B52 trải thảm bên địch đã bị thiệt hại khá nặng. Nay là lúc họ đang bổ sung quân, tiếp nhận thêm đạn dược để sẽ tung ra đợt tấn công kế tiếp.

Nhìn xuống khu chợ mới đã bị cháy rụi. Những căn nhà lầu xây bằng vật liệu nặng phía bên tay trái của tôi, đứng từ bệnh viện nhìn xuống, trong đó có nhà của Bác sĩ Chí, tôi thấy vẫn còn nguyên, có thể ở được mặc dù bị sứt mẻ vì những mảnh đạn pháo kích. Phía bên hông phải của khu chợ cũ, đa số các căn nhà đều bị pháo sập. Trong đó có một căn đã bị một xe tăng vì bị bao vây bắn rát quá, đã chui đại vào ngay cửa chính để rồi sau đó bị tiêu diệt luôn. Hiện giờ xác xe vẫn còn nằm tại chỗ. Quá nửa, bên tay phải của tôi về phía chợ cũ, nơi có phòng mạch của tôi đã bị san thành bình địa. Tôi chỉ nhận ra được chỗ của phòng mạch nhờ có một cây cổ thụ cao, đã bị cháy đen, đứng đơn độc trên những xác nhà xẹp lép tới nền.

Từ bệnh viện, tôi chỉ có thể nhìn xa được đến thế mà thôi. Lác đác tôi thấy những binh sĩ của mình di chuyển một cách bình thản trong khu chợ mới lẫn chợ cũ. Tôi nghĩ rằng những khu vực đó đã được quân đội ta kiểm soát và có thể nói là tương đối an toàn.

Tôi lợi dụng giờ phút rảnh rang này, nói với bác sĩ Chí:

– Tao thấy ở khu chợ mới và chợ cũ có vẻ an toàn. Mày có muốn xuống dưới đó xem nhà của mày giờ ra sao không?

Bác sĩ Chí đồng ý liền:

– Phải đó, đi phiêu lưu một chút cho đỡ bó cẳng. Ở mãi trong bệnh viện này dám khùng mất.

No comments:

Post a Comment