Friday, July 15, 2022

NGƯỜI Ở LẠI BỆNH VIỆN - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

NGƯỜI Ở LẠI BỆNH VIỆN

Khoảng 5 giờ chiều, bác sĩ Phúc từ hầm chỉ huy trở về, trông anh có vẻ vui. Tôi nghĩ chắc chắn anh đã nhắn được tin về nhà. Tôi hỏi:

– Có gì vui không anh?

Bác sĩ Phúc mỉm cười đáp:

– May quá, vào phút chót, tôi đã nhắn được tổng đài gọi về cho nhà tôi. Có lẽ ngày mai bà xã tôi sẽ lên Bưu Điện Chợ Lớn gọi cho tôi.

– Như vậy đêm nay anh lại mất ngủ nữa rồi? – Tôi hóm hỉnh đùa anh.

– Chắc không đâu, vì đêm qua đã mất ngủ rồi, mệt lắm, đêm nay phải ngủ bù thôi. Hôm nay có khá nhiều chuyện vui, đặc biệt là cu Sơn đã được anh thông phổi và tản thương ngay, số thằng đó tuy xui mà rốt cuộc lại hoá hên. Hai nữa chúng mình lại thông tin được cho người nhà. Nhưng phải nói rời bỏ được bệnh viện, sang được bên này là điều đáng mừng nhất.

Tôi gật đầu, hoàn toàn đồng ý với anh:

– Từ khi sang bên này tôi mới thấy là mình mới có hy vọng sống. Ở bên bệnh viện nhất là khi còn ở phòng tôi dưới trại Ngoại Khoa, đầu óc tôi căng thẳng, lo sợ quá, không biết chết lúc nào. Thực đúng là sống trong địa ngục, cả nghĩa đen lẫn với nghĩa bóng. Chẳng gì mình cũng đã sống cùng với mấy trăm xác chết sình thối suốt mấy tuần liền. Ăn uống lại thiếu thốn. Tôi lại bị bó tay, muốn làm việc mà đành chịu không thể làm được, nản hết sức. Khi tôi lên ở cùng hầm với anh cũng thấy hơi yên tâm phần nào. Vì ở hầm an toàn hơn ở phòng tôi nhiều, lại có người bên cạnh nên dù sao cũng bớt cô đơn, đỡ sợ hơn trước.

Anh Phúc vội ngắt lời tôi với giọng trầm hẳn xuống:

– Nói đến cô đơn, để tôi kể anh nghe. Khi anh đi rồi, tôi xuống tinh thần kinh khủng. Như anh đã nói, trong cơn nguy hiểm chúng mình ở chung một hầm tôi thấy yên trí lắm. Khi anh dọn sang đây tôi thấy như hụt hẫng, tuy có thằng cháu Sơn nhưng nó là con nít, đâu có chia sẻ được những cảm nghĩ như tôi với anh được. Trong thâm tâm tôi chỉ sợ hai điều là bị bỏ rơi và đặc công lẻn vào tấn công. Bởi vậy khi anh đi rồi tôi cho đóng kín cửa lại ở trong hầm nằm cho chắc ăn. Tuy có nóng, ngộp một chút còn hơn cứ nơm nớp lo sợ tụi nó lẻn vào thịt mình.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi ngắt lời anh nói:

– Tôi quả thực phục sức chịu đựng của anh. Ở hoài trong hầm như vậy tôi thấy ngột ngạt chịu không nổi.

Anh Phúc lắc đầu nói:

– Tôi cũng đâu có hơn gì anh. Nhưng thực ra chẳng có cách nào khác. À anh để tôi nói tiếp. Sau khi rút vô trong hầm rồi, chùng 1 giờ sau, tôi bỗng nghe thấy tiếng bước chân lạ lắm, không giống như những bước chân thường. Nó đi lọc cọc, khấp khểnh chậm chạp từng bước một từ phía Phòng Mổ đi về phía văn phòng Ty Y Tế Nó dừng lại trước cửa.

Tôi ở trong hầm lắng tai theo dõi sợ muốn nín thở luôn. Ngay khi đó có tiếng gõ cửa gấp rút rồi có tiếng đàn bà gọi: “Bác sĩ Phúc có ở trong này không?” Tiếng của người nào lạ hoắc. Tôi ngẫm nghĩ: Mà sao nó lại biết tên mình. Xin lỗi anh, tôi sợ đến thiếu điều són đái ra quần. Tôi làm thinh không trả lời. Tiếng chân khập khiễng, lọc cọc lại đi về phía Phòng Hậu Giải Phẫu. Ngừng lại một hồi lâu lại tiếp tục quay trở lại, dừng trước cửa, gõ cửa nữa. Lại vẫn giọng nói đàn bà vang lên, lần này có vẻ khẩn trương hơn, hổn hển đứt quãng:

– Bác sĩ Phúc ơi, em là T.T. đây. Xin bác sĩ cứu em với, em đang chuyển bụng, sắp sanh rồi.

Nghe tới đây tôi mới hoàn hồn. Nhận ra tiếng của cô T.T. thư ký Tòa Hành Chánh tỉnh. Cô bị cụt một chân, đi nạng gỗ lại có thai sắp tới ngày sanh, nên ở trong hầm mới nghe thấy tiếng bước chân lạ lùng kỳ dị như vậy, làm cho tôi bị một phen sợ điếng hồn. Tôi bảo cu Sơn ra mở cửa. Cô T.T trông thấy tôi vội nói: “bác sĩ ơi em sắp sanh rồi bác sĩ đỡ đẻ dùm em.”

Cô T.T. ngày thường trông đẹp đẽ khả ái là thế, nay trông xanh xao, tiều tụy quá vì đang đau đẻ. Tôi chỉ thấy một mình cô với cái bụng mang thai lớn vượt ngực. Tay chống nạng, đeo một túi vải trên vai cùng với một người con gái có lẽ là người em của cô ta. Tôi vội dìu cô ta lên Phòng Mổ tính đỡ đẻ ở đó nhưng lên tới nơi thì phòng mổ tanh bành hết trơn. Bẩn thỉu không thể chịu được. Dưới sàn là những vũng máu đen xì. Bàn mổ thì ruồi bu đầy trên những vết máu.

Advertisements
REPORT THIS AD

Đã từ lâu, bệnh viện không có nước để chùi rửa làm vệ sinh nên chỗ nào chỗ nấy đều dơ bẩn lắm. Tôi thấy không thể đỡ đẻ ở đây được, lại dìu cô về văn Phòng Y Tế. Ở đó có cái bàn làm việc của tôi để ở giữa phòng. Tôi nghĩ có thể để cô nằm trên đó tạm thời đỡ đẻ cũng được. Tôi liền loay hoay giúp cô leo lên bàn. Vì cô ta có một chân nên rất khó khăn vất vả mới đặt cô ta nằm đàng hoàng lên bàn được.

Tôi giúp cô ta kéo quần xuống, gấp cái chân còn lại trong tư thế sẵn sàng để rặn đẻ thì đầu ối vỡ ra. Nước bắn tung tóe lên người tôi, văng cả lên mặt, ướt hết cả quần áo. Tôi chỉ biết cắn răng mà chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ. Đâu có nước mà rửa ráy đâu. Anh thấy mùi nước đầu ối nó khan khản như thế nào ấy. Vậy mà tôi phải lãnh đủ. Tôi ráng đỡ đẻ cho cô ta, cũng may cô này sanh khá dễ.

Sau khi cắt nhau xong, tôi đặt đưa bé vào lòng cô ta, sai cu Sơn đi kêu mấy tay y tá kiếm dùm một cái băng-ca khiêng cô ta ra Phòng Cấp Cứu để ở đó nằm tạm rồi tôi lo thay đồ. Tôi lấy miếng bông gòn nhúng alcool chùi rửa những chỗ bị nước đầu ối bắn vào. Rồi mới chui vào hầm nằm thở dốc vì quá mệt.

Tôi chợt hỏi một câu hơi lạc đề một chút:

– Thế đứa nhỏ là con trai hay con gái?

– Tôi cũng quên chẳng để ý nó là trai hay gái. Mình cố gắng giải quyết công việc cho nhanh, gọn, thấy nó vừa lọt lòng mẹ ra khóc được là mừng rồi. Chắc là sống rồi.

Óc khôi hài của tôi chợt nghĩ đến một việc khiến tôi phải cố gắng nín cười, sợ bác sĩ Phúc nổi giận vì đã cười giỡn trên sự đau khổ của anh. Tôi đang nghĩ, người đầu tiên trên thế giới được tắm bằng nước đầu ối đàn bà đẻ chắc chắn phải là bác sĩ Phúc. Tôi vội đánh trống lảng hỏi tiếp câu chuyện của anh đang kể:

– Thế rồi sau ra sao anh?

– Sau khi nằm nghỉ được một lúc, hơi lại sức, tôi vội ra xem coi cô ta và đứa bé có khỏe không thì không thấy đâu cả. Tôi hỏi mấy người y tá gần đấy thì nghe nói có một người đàn ông đi xe gắn máy tới chở cả hai mẹ con đi rồi. Từ đó tôi không được tin tức gì của họ cả.

Tôi nhìn anh Phúc thấy tội nghiệp cho anh đã phải trải qua một kinh nghiệm không được sạch sẽ lắm. Tôi đã không chọn sản phụ khoa chỉ vì sợ cái mùi nước ối và cái mùi nhau đẻ tanh tanh khan khản khó chịu. Tôi lấy làm may mắn là những sự việc như vậy thật không xảy ra cho tôi.

Tôi vội ỏi:

– Thế đêm qua nó pháo dữ như vậy bệnh viện có bị gì không?

– Cũng bị chừng hơn chục quả, may mắn là không bị hỏa tiễn. Nhưng trại Ngoại Khoa của anh bị nặng nhất. Trại Nội Khoa với Nhi Khoa hình như chỉ bị một hai trái. Có lẽ kỳ này nó điều chỉnh được nên pháo vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn với bên trường Trung Học nhiều hơn cả. Đặc biệt lần này Ty Công Chánh ở ngay sau bệnh viện, cách hầm của tôi có một con đường nhỏ chừng 10 thước chứ mấy. Pháo nổ liên hồi ở hướng đó làm tôi thấy sợ hãi khủng khiếp lắm. Cứ như là nó nổ sát hầm mình. Rung rinh cả nắp hầm. Cánh cửa Phòng Y Tế ban đêm gài chắc như thế, lại chèn thêm một cái bàn chắn ngang cửa nữa mà cũng bị bật tung ra. Thằng cu Sơn bò ra kê lại cái bàn, chèn lại cửa vừa xui bị ngay một trái nổ trước sân, mảnh xuyên qua cánh cửa bị thương ở ngực. Trong đêm tối nó kêu lên: “Cháu bị thương rồi bác ơi”. Làm tôi xanh mặt tưởng nó tiêu rồi. Nó lết vô phòng thở hổn hển, máu ra đậm cái áo thun. Tôi vội lấy cái băng cá nhân, băng lại cho nó chỉ sợ mảnh đạn xuyên qua bên tim hoặc đụng phải động mạch chủ là hết thuốc chữa. Anh thử tưởng tượng ngoài kia pháo kích nổ như mưa, trong hầm chỉ có mình tôi với thằng cháu bị thương rên hừ hừ kêu đau, kêu cứu, tôi thực sự kinh hoàng gần như phát điên lên. Tôi muốn trách thằng cu Sơn sao không hỏi tôi lại chạy ra đóng cửa làm gì trong lúc nó đang pháo tới tấp như thế, nhưng ai biết đâu chữ ngờ. Nó làm cũng phải, lại còn can đảm nữa nên tôi chỉ có nước ngồi chờ cho tới sáng xin xe cứu thương mang nó sang đây để anh đặt ống thông phổi cho nó đồng thời xem nó có còn bị thêm những gì khác không. Tôi thấy nó sống được qua đêm thì cũng đoán rằng vết thương ngực này không đến nỗi tệ lắm. Vẫn còn nhiều hy vọng. Tôi cứ phải canh chừng bắt mạch nó hoài. Thấy mạch nó vẫn còn mạnh, không quá nhanh, hơi thở điều hòa tuy có hơi nhanh một chút, tôi cũng hơi vững dạ. Nhưng thật là một đêm lo sợ kinh hoàng nhất của đời tôi. Tới khi nó ngớt pháo rồi tôi mới hơi yên tâm được một chút. Nhưng những tiếng súng nhỏ lẫn lộn AK với MI 6 ở đằng phía Ty Công Chánh lại càng làm tôi run nữa vì nghĩ rằng tiền pháo hậu xung đã bắt đầu. Tuy nhiên chắc có lẽ địch quân không tiến nổi với sức kháng cự của quân mình. Tới gần sáng tụi nó rút đi, tiếng súng phía đó mới im lặng. Khi trời sáng bảnh mắt ra thấy có tiếng của lính mình gọi nhau tôi mới biết là mình còn sống.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi ngồi yên lặng nghe anh Phúc kể lại cái đêm khủng khiếp hôm qua và thấy mình thật sự quá may mắn, không phải chịu những cảnh căng thẳng ghê gớm đó. Tôi bèn hỏi anh:

– Thế bên y tá của mình có ai bị thương không?

– Có mấy đứa bị thương nhẹ vào đầu, vào mình nhưng chỉ sớt bên ngoài vẫn đi lại như thường. Tôi nghe nói cô Cúc bị thương ở đầu khá nặng, mê man và có cho sang đây mà sao không thấy đâu nhỉ?

– Cô Cúc Đồng ấy à?

– Phải đó, nghe nói đã cho di tản sang bên này để anh xem có chữa trị cứu được không.

– Tôi thấy là vô phương, bị thương bể xương sọ mà bị mê rồi là hết thuốc chữa. Ờ mà sao không thấy tản thương cô ấy sang bên này? Để sáng mai tôi hỏi cô Bích chắc cô ấy biết. Anh thử tính sơ qua từ đầu trận đánh đến giờ Bệnh Viện Tiểu Khu mình tổn thương bao nhiêu người.

Bác sĩ Phúc ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:

– Về bên dân sự, có ba người nếu kể cả cô Cúc này nữa. Cô kia là cô Nhan ở Y Tế Công Cộng. Tội nghiệp cô này bị chết hai lần. Bên Quân Y có bốn người. Số người bị thương cả thảy 36 người. Đa số nhẹ thôi, không có ai bị nặng cả. Quân số của mình là 70 người, như vậy cho tới hôm nay, bị thương hơn 50% quân số. Tuy nói vậy nhưng trừ những người chết ra, những người bị thương vẫn đi lại được như thường. Thành ra quân số bất khiển dụng của mình trên thực tế rất nhẹ. Tôi cho thế là may mắn lắm rồi.

Tôi gật đầu đồng ý với anh:

– Tôi cũng nhận thấy thế. Mình hoàn toàn không phòng bị gì cả. Hầm hố rất sơ sài. Địch pháo cả mười ngàn trái vào những ngày nó tấn công, cả những ngày thường nữa, suốt tháng trời. Như vậy thật là may mắn.

Tôi nhìn anh nói đùa một câu:

– Chắc tại anh tên là Phúc nên các nhân viên được hưởng lây.

Bác sĩ Phúc cười buồn:

– Nếu thực sự là thế thì đã không có ai bị tử thương cả.

Tôi chợt nhớ ra điều gì vội hỏi:

– Thế còn anh Chí, có sang bên này chưa?

– Anh Chí đi sau tôi có lẽ giờ này cũng ở bên này rồi. Hình như ở hầm kế cùng với mấy nhân viên khác. Một số muốn ở lại bệnh viện không đi. Thật ra bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu có cho biết, chỉ có thể còn chỗ cho một số người thôi. Một phần đã di chuyển xuống làng, trong đó có Trung sĩ Tiếng. Xuống đó lập một trạm cứu thương ở chùa để giúp những đồng bào bị thương, băng bó làm sạch những vết thương nhẹ.

– Vậy hả, như vậy là ở bệnh viện chỉ còn các anh em thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y và một số ít lính của mình thôi. À còn cô Bông, anh có thấy ở đâu không?

– Cô ấy vẫn ở lại bệnh viện, ngay phòng của cô Bích cũ.

Nghe được những tin tức như vậy tôi cũng tạm thời yên lòng đối với các nhân viên của bệnh viện. Đợi chừng vài ngày nữa, nếu tình hình cho phép, tôi sẽ làm một chuyến xuống làng xem tình trạng dân tị nạn ra sao. Bây giờ vẫn còn sớm quá, không biết ở dưới đó có an ninh không và nhất là mới sau đợt tấn công lần thứ nhì. Tôi sợ còn nhiều thương binh đem đến nếu tôi không có mặt ở đây thì thật là phiền.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, hết chuyện nọ tới chuyện kia lan man hoài không dứt. Thực ra tuy làm việc với nhau cả năm trời nhưng chúng tôi chẳng có thì giờ ngồi nói chuyện với nhau thảnh thơi như thế này. Nói đúng ra dùng chữ thảnh thơi, không được chính xác lắm vì trong lòng hai chúng tôi vẫn còn nhiều vướng mắc, vẫn còn nhiều kinh sợ lo âu vì đã bị vây khốn trong trận này quá lâu. Nhưng tương đối so với mấy ngày trước quả có nhẹ nhàng trong lòng một chút.

Advertisements
REPORT THIS AD

Những ngày thường, chúng tôi đâu có cơ hội hoặc thì giờ để tâm sự với nhau, nói về đời riêng tư của mình cho nhau nghe. Do đó mà tôi lấy làm lạ khi anh Phúc cho biết đã có một thời anh làm Hội Trưởng Hội Khổng Học. Một điều tôi không thể ngờ được. Tôi đã nghe tới Hội Khổng Học hồi còn ở Sài Gòn. Tôi cứ nghĩ là ông Hội Trưởng chắc phải là một ông già cỡ như ông Khổng Tử tôi thấy ở trong những bức hình. Ai ngờ đâu lại là một ông bác sĩ trẻ tuổi như anh Phúc. Và còn lạ hơn nữa, trong thời buổi văn minh tân tiến này lại có một người trẻ tuổi để ý tới một hệ thống triết lý cổ thời như đạo Khổng.

Tôi có đọc qua cuốn Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim, nào là phần Hình Nhi thượng nào là phần Hình Nhi hạ. Tôi đọc để biết thôi chứ không đam mê nên không đào sâu lắm. Tuy nhiên để tiếp chuyện với ông cựu Hội Trưởng Hội Khổng Học, tôi cũng cố vận dụng sức hiểu biết của mình về Khổng Giáo, trao đổi với nhau cũng khá tốt, không đến nỗi làm ông nhàm chán.

Trong ánh mắt của anh Phúc, tôi cảm thấy là anh cũng hơi ngạc nhiên vì một tay đàn em cũng có sở thích và chú ý tới những việc mà anh không ngờ tới. Tôi cũng thích học chữ nho, đọc thơ Đường. Tôi đã đọc Đường Thi của cụ Ngô Tất Tố, của cụ Trần Trọng Kim, và của ông Trần Trọng San. Tôi thích cuốn thơ Đường của ông Trần Trọng San hơn vì ông viết tiểu sử của các thi sĩ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị khá chi tiết, giúp tôi hiểu thân thế sự nghiệp của các thi sĩ đời Đường chứ không chỉ dịch thơ và chú thích như những cuốn sách khác.

Chúng tôi nằm ngược chiều trên hai cái giường để nói chuyện cho nó thoải mái. Nhận thấy ánh trăng chiếu qua khe hở dùng làm chỗ thông hơi cho căn hầm tôi nhớ tới bài Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch nên đọc:

Sàng tiền minh nguyệt quang.

Anh Phúc ứng khẩu tiếp ngay:

Nghi thị địa thượng sương.

Tôi tiếp:

Advertisements
REPORT THIS AD

Cử đầu vọng minh nguyệt.

Anh đọc câu chót:

Đê đầu tư cố hương.

Xong chúng tôi đều mỉm cười thoải mái như tình cờ có được một khám phá mới. Hay nói cho nó có vẻ quan trọng, văn hóa hơn là gặp được tri kỷ, ít ra là về cái điểm thơ Đường. Bài thơ này diễn tả đúng tâm sự của chúng tôi lúc bây giờ.

Tính tôi hay thích đọc sách, đọc truyện, không phân biệt thể loại gì, có cái gì đọc cái nấy. Nhưng tôi lại là người ít nói. Chỉ khi nào gặp người hợp ý mới mở miệng mà thôi. Tôi thích nghe hơn là nói. Tôi có một quan niệm là ở bất cứ người nào họ cũng có một số sở trường của người ấy và đáng để cho tôi học hỏi. Tôi nhớ câu chữ nho: Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư. Tôi công nhận là rất đúng. Nếu chịu khó tìm hiểu và trao đổi thì bất cứ với một người nào tôi cũng có thể kiếm ra một điểm hay của họ tôi cần phải học.

Dù chỉ là một người rất tầm thường chẳng hạn như anh Châu chột của tôi, anh nói:

– Nếu Bác sĩ muốn có món nhậu bất thình lình, chỉ trong vài phút tôi sẽ có ngay cho bác sĩ, chẳng phải chờ đợi lâu.

Tôi hỏi anh thế làm thế nào mà nhanh thế. Anh Châu đáp:

– Có gì khó đâu tôi lấy con gà chặt phăng hai cái đùi rô-ti cho bác sĩ ăn. Trong khi đó tôi đun nước sôi làm lông gà rồi làm các món khác. Khi bác sĩ nhậu xong hai cái đùi gà là mọi thứ đều sẵn sàng cả.

Tôi thấy anh Châu cũng có lý. Dĩ nhiên là chẳng bao giờ tôi lại muốn chặt cụt chân con gà trong lúc nó vẫn còn sống nhăn. Thực quả là tàn ác với súc vật. Nhưng cái ý tưởng cái gì làm trước cái gì làm sau, phối hợp chặt chẽ với nhau như thế để hoàn thành công việc, có thể rút ra từ câu chuyện đùi gà của anh Châu.

Advertisements
REPORT THIS AD

Từ ngày tôi tới làm việc ở Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long, đối với bác sĩ Chí vì là bạn cùng lớp, cùng nhóm đi thực tập chung nên khi gặp lại chúng tôi đã thân nhau ngay, nói chuyện mày tao rất tự nhiên. Còn đối với bác sĩ Phúc vừa là cấp trên, vừa là lớp đàn anh, lại không quen biết trước nên tôi cũng có phần e dè, giới hạn. Tôi nhận xét giữa bác sĩ Phúc và bác sĩ Chí hình như có một điều gì hơi kỵ nhau. Bên ngoài thì cười nói vui vẻ nhưng bên trong thì hình như có một cái gì vướng mắc không thoải mái. Tôi cảm thấy như vậy, không biết có đúng không. Trước khi có tôi, không hiểu hai người đã có chuyện xích mích gì không.

Tôi có thể nói những mối bất hòa đa số là do thiếu hiểu biết nhau. Không có dịp trao đổi ý kiến với nhau nên dễ bị hiểu lầm. Mọi người đều có một vỏ bọc riêng. Xét đoán người qua vỏ bọc ấy thường là không đúng. Cá tính người sẽ bộc lộ ra khi vỏ bọc ấy bị phá bỏ. Mà cách thông thường nhất để nhìn xuyên qua được cái vỏ bọc bên ngoài ấy là nói chuyện với nhau vào những lúc thích hợp nhất.

Sau những phút nói chuyện với anh tôi thấy anh là người dễ mến. Anh xuất thân trong một gia đình cách mạng, thân phụ anh là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Vì anh mới lấy vợ được có mấy tháng, tôi tò mò hỏi anh:

– Anh có thể cho tôi một vài kinh nghiệm về đời sống gia đình, khác với đời sống độc thân như thế nào. Có gì thích thú không?

Anh mỉm cười hỏi đùa tôi:

– Sao, bộ muốn lấy vợ sao mà hỏi vậy?

Tôi lắc đầu đáp:

– Không, chắc số tôi còn lâu mới lấy vợ được, hỏi anh vì tò mò thôi.

Anh không đùa nữa, nét mặt có vẻ nghiêm trang hơn. Anh nói:

– Tôi nói thật với anh, đời sống gia đình rất vui. Tôi may mắn lấy được người vợ tôi ưng ý lắm. Anh biết không, tuy mới làm đám cưới với nhau không lâu mà mỗi khi tôi về thăm bên vợ tôi, gia đình bên đó đối xử với tôi thân thương như là người ruột thịt trong nhà từ lâu lắm rồi kìa. Mọi người cười nói vui vẻ tự nhiên thoải mái không có một chút hậu ý nào. sống rất hồn nhiên sung sướng. Không những không giống như bên gia đình tôi, chẳng ai nói với ai một tiếng nào, không khí gia đình rất lặng lẽ. Đôi khi tôi hơi lấy làm tiếc là gặp nhà tôi hơi muộn, gặp sớm hơn thì tôi đã đỡ mất mấy năm buồn tẻ trong đòi.

– Tôi nghe nói gia đình bên vợ anh có bà con với Trung Tướng Tôn Thất Đính phải không?

– Đúng, nhưng mạnh ai nấy sống chứ có nhờ vả gì đâu.

Chúng tôi nói chuyện lan man hết chuyện nọ ra chuyện kia. Tôi cho anh biết ý của tôi khi mới lên đây là nếu có dịp sẽ gây nên một phong trào học theo kiểu Journal Club của Mỹ. Anh gật đầu nói:

– Tôi cũng thích cách đó lắm. Nhưng mình bận việc quá nên không thực hiện được. Trước kia tôi có quen một một anh bác sĩ Đại Hàn. Anh này ham học ghê lắm. Các text book y khoa đều đọc từ đầu đến cuối, không bỏ một trang nào và không phải đọc một lần mà anh biết ông ta đọc mấy lần không? Tám lần cuốn Harrison’s. Vì đọc như vậy cái gì anh ta cũng biết. Có một lần anh ta hỏi tôi: anh có biết Osgood Schlatter Disease là gì không? Dĩ nhiên là tôi không biết. Anh ta nói đó là một bệnh đau đầu gối ở mấy đứa thiếu niên, gây ra bởi dây gân xương bánh chè kéo gần đứt mẩu xương ống trụ. Khám thì thấy một khối nhỏ ở mẩu xương trụ dưới đầu gối một chút, rất đau khi đụng tới. Chính nhờ lời khuyên của anh bạn đó mà tôi đọc sách rất kỹ từ đầu đến cuối.

– Nếu học như vậy thì công phu thật. Tôi chỉ đọc những chương nào cần thiết thôi. Thú thật với anh là chưa bao giờ tôi có đủ kiên nhẫn đọc một cuốn sách giáo khoa hết từ đầu đến cuối được.

Nói chuyện với anh tôi cũng học được những điều bổ ích. Tôi học được tính kiên nhẫn trì chí khi đọc sách. Phải đặt mục tiêu là phải đọc cuốn sách nào trong bao lâu thì xong. Ít ra là bây giờ nếu có ai hỏi Osgood Schlatter Disease là gì, thì tôi cũng trả lời được.

Chúng tôi nói chuyện đến đây, bỗng thấy cô Bích xồng xộc đi vào phòng chẳng nói chẳng rằng lục lọi như tìm kiếm một cái gì. Tôi vội hỏi:

– Cô Bích làm gì thế?

Cô Bích không trả lời cứ tiếp tục ngó quanh ngó quẩn tìm kiếm. Bác sĩ Phúc cười cười nói:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Cô này điên rồi chắc. Cô kiếm cái gì nói ra để tụi tôi kiếm dùm cho.

Lúc này cô Bích mới dừng lại nhìn chúng tôi, cặp mắt đỏ hoe vì khóc. Cô nói, giọng có vẻ xúc động, lại hơi có vẻ trách móc:

– Cô Cúc Đồng chết rồi! Đang ở hầm bên kia, có bác sĩ Chí săn sóc cho cô ta. Tôi đi tìm mấy cái quần áo mổ để liệm cho cô, vì chẳng có vải nào khác.

Tôi liền đứng dậy kiếm ở trong bọc một chiếc quần mổ màu xanh xám đưa cho cô, rồi nói:

– Vậy mà cô chẳng nói gì, cứ đi sục sạo thì làm sao mà thấy được. Đây cô cầm cái quần mổ này để thay cho cô ấy vậy.

Cô Bích nói tiếp:

– Các anh Quân Y liệm xong sẽ khênh lên để tạm ở nóc hầm. Ngày mai sẽ đưa đi chôn. Tôi lo cho đứa em gái của cô Cúc mới 13 tuổi, bây giờ chỉ có một mình. Người anh bị thương về Bình Dương rồi. Bố mẹ ở Lộc Ninh không biết sống chết ra sao.

Tin cô Cúc mất làm cho chúng tôi thấm buồn. Những phút nói chuyện thoải mái vừa qua đã tan biến mất. Tôi cầm đèn pin đưa cô Bích ra cửa hầm lên mặt đất. Tôi không đi theo nhưng đứng ở cửa hầm rọi đèn pin giúp cô đi khỏi vấp té. Vì hai hầm cách nhau có 10 thước nên chỉ vài giây là cô đã tới cửa hầm bên kia rồi lần theo bậc thang mà xuống.

Tôi đứng tại cửa hầm của tôi, nhìn mọi hướng. Đêm tối đã lâu. Chung quanh không có một ánh đèn nào. Mặt trăng trong phút chốc đã bị một đám mây đen che khuất làm cho cảnh vật lại càng tối đen hơn. Nhìn về hướng Nam, hướng Sài Gòn, tôi thấy vùng trời phía đó bừng sáng, khác hẳn ba phía còn lại. Đột nhiên tôi nhớ Sài Gòn quá. Tôi biết rằng mẹ và các em tôi cũng đang nhớ và lo lắng cho tôi đang bị giam hãm ở địa ngục này.

Tôi trở xuống hầm. Bác sĩ Phúc vẫn còn chưa ngủ. Tôi nói:

– Anh lên xem, nhìn về phía Sài Gòn vùng trời phía đó sáng như rạng đông, trông thấy ấm áp vô cùng. Nhớ nhà quá.

Bác sĩ Phúc an ủi tôi:

– Chẳng bao lâu nữa mình cũng được về thôi. Tôi nghĩ qua hai đợt tấn công thất bại như vậy, địch quân sẽ không còn lực lượng nào uy hiếp mình nữa đâu. Bao nhiêu quân đều bị nướng hết bởi B52 rồi.

Lúc bây giờ cục diện chiến tranh Việt Nam có vẻ đang tiến tới một khúc quanh quan trọng vì đàn anh Mỹ đang muốn rút, đề nghị Việt Nam hóa chiến tranh, rồi hội nghị hòa bình Paris vân vân. Tôi nghĩ tới ông Tổng Thống Kennedy đã đương đầu quyết liệt, cứng rắn với Thủ tướng Nga lúc đó là ông Khrushchev người đã ra lệnh đặt dàn hỏa tiễn ở Cuba tính khống chế đe dọa Mỹ. Nhờ sự quyết tâm của Tổng Thống Kennedy nên Khrushchev đã phải nhượng bộ, ra lệnh tháo gỡ ngay những dàn hỏa tiễn đó. Tôi nói:

– Giá còn Tổng Thống Kennedy thì tình hình Việt Nam bây giờ chắc khác trước, có lợi cho mình hơn.

Anh Phúc cười không tin, quả quyết nói:

– Anh lầm rồi, Tổng Thống nào cũng vậy mà thôi, cũng hành động vì quyền lợi của nước Mỹ, của dân Mỹ, chứ nước mình đối với họ có nhằm nhò gì.

Tôi không trả lời vì không muốn tranh luận về chính trị, cũng như về tôn giáo, hai đề tài tôi muốn tránh vì rất dễ mất hòa khí, không đi đến đâu cả. Đó là những đề tài mơ hồ không có số liệu chính xác chứng minh, không có đủ những dữ kiện thuyết phục được người đối thoại. Nếu ai cũng muốn giữ lập trường của mình thì sẽ đi đến cãi nhau mất, mệt lắm.

Tôi chỉ đồng ý với anh một phần. Đương nhiên Tổng Thống Mỹ phải hành động có lợi cho nước của họ. Tuy cùng mục đích ấy nhưng ý tôi muốn nói là cũng phải tùy người hành xử chính sách của ông ta. Một Tổng Thống diều hâu sẽ có những đường đi khác hơn một Tổng Thống bồ câu. Đường đi ấy có thể cong, có thể thẳng hay có thể uốn khúc nhưng mục đích cuối cùng vẫn là quyền lợi của nước Mỹ. Chính nhờ nương vào những dị biệt cá nhân đó, nếu Việt Nam có được một lãnh tụ khá thì cũng có thể làm lợi cho nước mình.

Chúng tôi nói chuyện một hồi lâu cũng khá mệt nên tôi đứng dậy tắt đèn đi ngủ. Không biết chúng tôi ngủ được bao lâu, đột nhiên bị đánh thức dậy bởi một tiếng nổ khủng khiếp rất gần làm rung rinh cả căn hầm. Đồng thời tôi cũng nghe một tiếng máy bay vụt qua. Với những kinh nghiệm đã có, tôi nghĩ chắc lại bỏ bom lầm rồi. Không thể nào là pháo kích được vì tiếng nổ dữ dội lắm, dù cho hỏa tiễn cũng không nổ lớn và mạnh như thế. Trong bóng đêm, tôi nghe tiếng anh Phúc hỏi:

– Tụi nó lại pháo kích sao anh?

– Tôi nghĩ máy bay bỏ bom lầm quá. Để đợi chút xem, nếu pháo kích thì sẽ có những tiếng nổ thêm.

Chúng tôi nằm chờ hơi lâu mà chẳng nghe thấy tiếng nổ nào khác nên lại ngủ tiếp cho tới sáng.

Sáng hôm sau, vừa ra khỏi phòng, tôi gặp ngay Thượng sĩ Lỹ, ông nói:

– Đêm qua, máy bay bỏ bom lầm ngay trại mình, trúng một tháp canh của Địa Phương Quân, làm bảy người ở đó biến mất, không còn một vết tích nào cả.

Tôi lè lưỡi nhìn Thượng sĩ Lỹ, nói:

– Số mình vẫn còn may. Tháp canh đó cách mình chừng 50 thước chứ mấy, nhích lại một chút là trúng hầm mình rồi. Tôi nghi quá, giữa đêm một máy bay lại đi bỏ có một quả bom rồi dọt mất. Không biết có một âm mưu nào nhằm ám sát Bộ Chỉ Huy hay chỉ nhầm thôi. Dù sao, mình vẫn còn sống là tốt rồi.

Đã có vụ trực thăng phóng hỏa tiễn, bắn nhầm Bộ Chỉ Huy Biệt Khu Thủ Đô ở Chợ Lớn đang giữ trọng trách phản công lại Việt Công trong vụ tổng tấn công của địch hồi Tết Mậu Thân, năm 1968. Dư luận đồn đại là có chủ ý thanh toán nhau, nhằm triệt hạ những vây cánh của tướng Kỳ vì đa số những sĩ quan tử nạn là những người thân cận của Tướng Kỳ. Tự nhiên, tôi đem lòng nghi ngờ tất cả mọi sự bắn lầm khác nếu nó xảy ra một cách vô lý. Nói vậy cho vui thôi, vì trong vụ bỏ bom lầm ở đây tôi không thấy có một lý do, một phe nhóm nào có âm mưu triệt hạ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu và Lữ Đoàn Dù cả.

Sau những cố gắng tấn công bất thành lần thứ hai vào thị xã An Lộc, địch quân có vẻ như đã kiệt quệ. Những chuyến trải thảm của B52 khá trúng đích, đã vô hiệu hóa một số lớn quân chủ lực của địch. Nghe nói Công Trường 9 của địch, quân số chỉ còn lại hơn một tiểu đoàn. Khai thác tù binh bắt được trong trận đánh, cho thấy có sự trục trặc trong chiến thuật đánh hợp đồng giữa Bộ Binh và xe tăng. Một phần vì Bộ Binh, khi tập trung quân để tấn công An Lộc đã bị B52 làm tê liệt. Chiến xa đành phải đơn độc tiến vào thị xã mà không có bộ đội yểm trợ nên đã làm mồi ngon cho quân ta và đã bị diệt gọn một cách dễ dàng.

Tuy bị thất bại nặng nề, địch quân vẫn còn bao vây chung quanh An Lộc và Quốc lộ 13 chưa được giải tỏa. Địch quân tiếp tục pháo lai rai vào An Lộc, gây nên một số thương vong cho quân ta. Cường độ pháo kích so với trước chỉ bằng một phần tư thôi. Địch quân thường nhằm vào những bãi đáp trực thăng, gây trở ngại trong việc tản thương.

Tuy nhiên cho tới nay, chưa có một trực thăng tản thương nào bị trúng đạn cả và chưa có một người nào chết vì tản thương. Cũng vì thế mà công tác tản thương rất căng thẳng và rất nguy hiểm. Các y tá lãnh nhiệm vụ này quả là những anh hùng vô danh, đáng được tuyên dương công trạng.

Những phi công tản thương, không biết là Mỹ hay Việt, phải công nhận họ là những sĩ quan can đảm, lại tài ba nữa vì họ đã đánh lừa được quân địch. Thay vì bình thường bay theo hướng từ Sài Gòn lên rồi là là xuống bãi đáp, địch sẽ biết ngay và không tránh khỏi bị pháo. Các phi công đổi hướng, đánh một vòng bay ngược lại từ hướng Lộc Ninh xuống một cách bất ngờ nên địch quân không đoán được chỗ nào trực thăng sẽ đáp xuống. Cho nên nhiều khi tản thương xong xuôi, máy bay đã cất cánh rồi địch mới pháo vuốt đuôi.

Chiến thuật mới đó đã giúp chúng tôi tản thương tương đối khá an toàn. Do đó chúng tôi không bị ối đọng thương binh như hồi trước nữa. 

No comments:

Post a Comment