Friday, July 15, 2022

TẢN THƯƠNG KHÓ KHĂN - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 TẢN THƯƠNG KHÓ KHĂN

Càng ngày nhịp độ pháo kích của địch quân càng gia tăng. Nhất là khi có máy bay trực thăng lên xuống. Điều này làm cho việc tản thương, tiếp tế thêm khó khăn. Mỗi lần di tản thường là cả một sự liều mình, là dấn thân vào vùng đất chết. Địch quân dường như đã đặt súng canh sẵn vào những bãi đáp. Mỗi khi thấy máy bay là là định đáp xuống là chúng khai hỏa liền. Chứng bắn đuổi theo trực thăng khiến máy bay đáp không được, phải bay trở về. Như vậy xe Hồng Thập Tự sau nhiều giờ chờ đợi, có khi gần cả một ngày trời dưới nắng, lại phải đưa thương binh về bệnh viện. Thương binh vừa đói vừa khát, về đến nhà thương lắm người lả đi vì mệt.

Hai giờ chiều hôm ấy, Thiếu úy Thu tới kiếm tôi:

– Thưa bác sĩ, bên Tiểu Khu vừa cho mình hay sẽ có chuyến tản thương. Mình phải sẵn sàng tám người. Ưu tiên cho những người nặng. Chừng 20 phút nữa, trực thăng sẽ tới bãi đáp ở sau sân vận động.

– Hay quá, ông cho các anh em biết để sửa soạn xe Hồng Thập Tự. Tôi sẽ chỉ định người được tản thương. Sáu người ở trại Hậu Giải Phẫu này sẽ được đi hết.

Tôi xuống trại Ngoại Khoa kiếm Trung sĩ Lạng:

– Chọn cho tôi hai người nặng nhất để tản thương ngay bây giờ. Không cho thân nhân đi theo.

Lát sau, xe Hồng Thập Tự đã đến và đậu trước cửa Phòng Hậu Giải Phẫu. Cửa xe vừa mở rộng để các y tá khênh những người bệnh nặng ra thì những người bị thương nhẹ đã tranh nhau nhảy tuốt lên xe ngồi. Dù tôi đã cố ý dấu họ, hoàn toàn giữ bí mật về việc tản thương này. Tôi ra lệnh cho y tá một cách kín đáo, sao những người này quá tinh ý, biết là có tản thương ùn ùn kéo ra đầy xe. Kẻ thì chống gậy, kẻ thì nhảy lò cò, những người bị thương ở tay, hai chân còn lành lặn đã lẹ làng nhảy vào trong xe ngồi giữ chỗ trước.

Tôi bực mình, ra ngăn họ lại, quát lớn:

– Các anh em hãy từ từ, nhường chỗ cho những người bị nặng đi trước. Chuyến sau sẽ tới lượt các anh em.

Một vài người nghe lời tôi, trở vào. Một số ngoan cố đã chui tọt vào xe ngồi yên không chịu xuống. Nói nhẹ không nghe, tôi phải dùng biện pháp mạnh, cho người lên kéo, khênh họ xuống. Chúng tôi phải làm gấp rút để tranh thủ thời gian cho xe ra bãi đáp đúng giờ hẹn.

Những lần đi hành quân với Trung Đoàn 43 Bộ Binh đã cho tôi nhiều kinh nghiệm về tản thương bằng trực thăng. Khi được báo 10 phút, là đúng lúc trực thăng sẽ tới. Thương binh phải sẵn sàng tại bãi đáp. Trực thăng không bao giờ chờ đợi. Nếu tới bãi đáp không thấy thương binh, phi công sẽ bay luôn không trở lại nữa. Sau này xin tản thương sẽ rất khó được thỏa mãn.

Ngay cả khi trực thăng tới mà thương binh ùa lên máy bay một cách vô trật tự, gây trở ngại cho việc cất cánh cũng là một điều lỗi của Quân Y. Phi công có thể viện cơ đó để từ chối tản thương. Bởi vậy thà mình tới sớm đợi máy bay còn hơn để lỡ chuyến, làm hư hết mọi chuyện và có ảnh hưởng tai hại tới sinh mạng của thương binh.

Mặc cho những lời van xin, những lời chửi rủa, văng tục. Có kẻ kêu chúng tôi là những người độc ác, tàn nhẫn vô lương tâm, lính bị thương mà không cho tản thương. Tôi giả điếc làm ngơ, cho người khiêng bốn băng-ca và dìu bốn người có thể ngồi được lên xe. Hai y tá đứng hai bên cửa xe. Một người nữa đứng ở phía sau. Sửa soạn xong xuôi, tôi cho xe ra phi trường. Xe đi rồi, chúng tôi thở ra như trút được một gánh nặng.

Nhưng chưa hết đâu, bao giờ xe không người trở về mới chắc. Có tản thương, không những thương binh mà cả chúng tôi cũng được vui vẻ vì bệnh viện lại giải tỏa thêm một số giường để lấy chỗ tiếp nhận thương binh mới. Tuy nhiên, trong tình trạng này, mặc dù xe đi rồi chúng tôi vẫn cứ thấp thỏm. Đã nhiều lần xe đi rồi lại về vì máy bay không đến hay không đáp xuống được.

Xe đi được chừng 15 phút, tôi lắng nghe thấy có tiếng trực thăng ở xa vọng lại, mỗi lúc một gần. Tôi quay sang nói với Thiếu úy Thu:

– Rồi, máy bay sắp tới!

Một lát sau, hai trực thăng bay qua đầu chúng tôi. Một chiếc hạ thấp, một chiếc vẫn bay cao dường như để canh chừng. Tôi nghe thấy ba tiếng nổ ở sân vận động. Thu nói:

– Nó pháo vào bãi đáp rồi.

Tôi lắc đầu chán nản. Tôi thấy chiếc trực thăng vọt lên như một mũi tên. Rồi hai chiếc trước sau bay về hướng Sài Gòn mất dạng. Tôi nghĩ lần này tản thương chắc lại đi không về rồi quá.

Quả nhiên 10 phút sau, xe Hồng Thập Tự trở về vẫn đầy nhóc người.

Tài xế Mệnh nhảy xuống xe nhìn tôi, lắc đầu:

– Suýt chết bác sĩ ạ. Mảnh đạn véo ngang đầu.

Tôi ngắt lời hỏi:

– Nó pháo gần không?

– Ngay boong à bác sĩ. Cách tụi em chừng mươi thước.

Binh nhất Nở xen vô:

– Máy bay vừa nhào xuống, định đáp là tụi nó rót vô. Binh..Binh..Binh. Tụi em bung người xuống, mạnh ai nấy tìm chỗ núp. Em chui đại xuống gầm xe.

Nó vừa nói vừa chỉ cho tôi xem quần áo đầy đầy những đất đỏ cùng với dầu xe. Mệnh chặc lưỡi:

– Nó canh sẵn hay sao mà bắn suya quá, làm trực thăng thấy pháo gần quá nên đi luôn. Em đành phải lái xe về.

Tôi vỗ vai Mệnh:

– Thôi, không ai bị gì là tôi mùng rồi. Đợi chuyến khác.

Tôi quay lại, kêu mấy y tá đang đứng tụm lại hỏi chuyện mấy người từ bãi đáp về:

– Các anh em lo khiêng giùm thương binh xuống xe đi chứ, để trong xe hoài, ngộp chịu sao nổi.

Tôi hỏi thăm mấy thương binh, thấy họ mệt nhưng tỉnh táo:

– Sợ không các anh?

– Dạ, sợ chứ nhưng tụi tôi đành nằm đó, mặc cho số mệnh chứ đâu có thể ngồi dậy chạy đi đâu được.

Câu nói tỉnh bơ như vậy nhưng đối với tôi thực là khủng khiếp. Cái cảnh cá nằm trên thớt, nhìn thấy con dao treo lơ lửng trên đầu mà không thể nhúc nhích được mới khiếp làm sao.

Uy kêu tôi lại, ngỏ ý xin về nhà nằm có hầm hố, có người nhà săn sóc chu đáo hơn. Tôi thấy không có gì trở ngại. Tình trạng của Uy giờ khá rồi. Tôi đồng ý cho Uy về nhà nhưng hẹn ngày mai phải lên sớm để tản thương.

Chiều hôm đó, tôi nhận được điện thoại từ Biên Hòa. Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 73 Quân Y, bác sĩ Lương Khánh Chí gọi lên trấn an chúng tôi và ngỏ lời khen ngợi toàn thể quân nhân các cấp thuộc Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long đã tỏ ra có nhiều thiện chí và bình tĩnh, sáng suốt làm việc trong những điều kiện hiểm nghèo.

Sau đó, chị Phúc và chị Chí nói chuyện bằng điện thoại với bác sĩ Phúc và bác sĩ Chí. Thì ra các bà nóng ruột đã tìm đường lên tới Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Quân Y để được điện thoại hỏi thăm các ông. Tôi còn độc thân, không vợ không người yêu nên chẳng có ai nói chuyện hỏi thăm cả. Tôi chỉ nhờ bác sĩ Chí nói lại với chị Chí rằng làm ơn tới nhà cho mẹ tôi biết là tôi vẫn bình an, mạnh khỏe đề mẹ tôi khỏi lo.

Chúng tôi đều không ai ngờ rằng đó là lần liên lạc chót bằng điện thoại với Biên Hòa. Vì ngay ngày sau, địch quân đã pháo kích đứt hết dây điện thoại. Ngày 12 tháng 4, Việt Cộng pháo vào Trung Tâm Truyền Tin Cố Định khiến cho bảy người chết, bảy người bị thương. Thành ra những hy vọng sửa chữa cũng như liên lạc bằng điện thoại tan thành mây khói.

Ngay như đối với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu hay các đơn vị quân sự trong tỉnh, bệnh viện cũng không thể liên lạc bằng điện thoại được. Mọi sự liên lạc chỉ có thể cho người đích thân tới. Nhưng trong tình trạng hiện tại, ai dám bỏ chỗ an toàn mà đi ra ngoài, không bị pháo kích cũng bị nghi ngờ là Việt Cộng.

Pháo Binh Sư Đoàn trước đóng ở sân vận động, sau bị pháo dữ quá phải dọn xuống công viên Tao Phùng. Công viên này nằm ngay dưới chân đồi của bệnh viện về hướng Tây. Thành ra bệnh viện ở giữa hai căn cứ quân sự mà địch quân cố tình triệt hạ cho kỳ được, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 và Pháo Binh. Thế là bệnh viện bị lãnh đủ. Mới đầu, đạn còn rót ngoài vòng rào, về sau trại nào cũng bị pháo trúng. Nhất là trại Ngoại Khoa của tôi, không phòng nào là không bị một trái.

Ngày 11 tháng 4, địch quân pháo suốt ngày. Mới 8 giờ sáng đã có nhiều trái rơi vào trường Trung Học, nơi tàn quân của Trung Đoàn 52 đóng ở đó ngay trước mặt bệnh viện. Cho tới chiều, khoảng 3 giờ 45 phút, ngớt pháo kích, bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cho người tới báo sắp có máy bay tản thương. Chúng tôi lại sửa soạn cùng với các anh em thuộc Tiểu Đoàn đem thương binh ra chất đầy ba xe Hồng Thập Tự để chở ra bãi đáp. Lại tranh giành, ồn ào, cãi vã, lại quát tháo giải thích mãi đến 20 phút sau, xe mới chuyển bánh được.

Xe đi đã lâu sao chưa thấy tiếng trực thăng tới. Mọi người đợi chờ trong lo lắng. Ai nấy đều thầm cầu mong trong lòng đừng có pháo kích để máy bay đáp xuống an toàn bốc hết thương binh đi.

Tôi đang mổ sạch một người bị thương nát mông trái, bỗng nghe tiếng xe đậu ngoài sân ngay trước Phòng Mổ. Rồi tiếng người lao xao, ồn ào. Tiếng cười nói huyên thuyên khác thường. Tôi lấy làm lạ, bảo Thượng sĩ Lỹ:

– Ông ra xem cái gì mà ồn quá vậy.

Lát sau, Thượng sĩ Lỹ vào cười nói:

– Thưa bác sĩ, tản thương được hết rồi. Đoàn xe đã trở về.

Tôi vui mừng:

– Vậy thì đỡ quá. Kỳ này mình cho đi được 24 người đó nghen. Không biết có bao nhiêu trực thăng mà đi được nhiều như vậy?

– Thưa nghe nói có Chinook xuống.

– À, thảo nào. Chinook hốt thì lẹ lắm.

– Mấy tài xế nói dân cũng đi được khá nhiều.

Tôi đứng dậy sau khi băng xong vết thương, tháo găng tay, bước ra ngoài kêu Mệnh lại, hỏi:

– Đi được hết rồi phải không?

Mệnh mặt mày tươi rói:

– Dạ hết. Hai Chinook xuống cùng một lúc nên chở được nhiều lắm. Cả dân cũng được đi nữa.

– Chắc họ tranh giành chen nhau ồn ào lắm phải không?

– Dạ thưa, mấy kỳ trước mất trật tự lắm. Rút kinh nghiệm, kỳ này có quân cảnh gác nên cũng đỡ. Họ cho thương binh lên trước rồi mới tới vợ con các sĩ quan, binh lính. Dân chúng lên sau cùng. Máy bay cất cánh rồi Việt Cộng mới pháo. Có lẽ kỳ này tụi nó ngủ gật. À, em thấy cô gì nho nhỏ, người làm ở trại bác sĩ cũng leo lên trực thăng đi luôn.

– À, đó là cô Sum đấy.

Cô Sum là y tá trại Ngoại Khoa, dáng người bé nhỏ. Chồng cô là giáo sư trường Trung Học Bình Long (em trai bác sĩ Trần Tam Lang, cùng lớp với tôi, sau này làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Quân Y) hiện đang kẹt tại Sài Gòn. Mỗi lần nghe tiếng nổ là cô sợ hãi lắm. Cô không còn thân nhân nào tại đây. Cô lại đang mang thai, tình cảnh thật tội nghiệp. Cô ngỏ ý xin phép tôi theo xe tản thương lên máy bay về Sài Gòn. Tôi thực không có quyền gì với nhân viên dân sự cả. Tôi nói:

– Cô lên xin bác sĩ Phúc, Trưởng Ty Y Tế xem sao.

Cô ngại ngùng:

– Tôi sợ bác sĩ Phúc không cho.

Tôi cũng đoán vậy. Trong tình trạng này, bệnh viện đang cần nhân viên, làm sao bác sĩ Trưởng Ty có thể chấp thuận lời cầu xin đó được. Các y tá khác sẽ bắt chước, bệnh viện còn ai mà làm việc.

Tôi nghĩ rằng, một người đã có ý tưởng ra đi dù bắt họ ở lại, họ cũng không còn tinh thần làm việc. Đôi khi sự có mặt của họ lại càng làm bận rộn thêm cho mình. Huống chi tôi biết cô mỗi lần sanh đẻ rất khó khăn, đều phải mổ cả. Nếu giữ cô lại, sau này đi không được vì trận chiến kéo dài hay rủi ro xảy đến cho cô thì tôi sẽ ân hận biết bao. Lỡ tới ngày cô sanh cần phải mổ, với phương tiện càng ngày càng thiếu thốn như ở đây, làm sao tôi có thể bảo đảm được sự an toàn cho hai mẹ con cô. Hơn nữa, nơi đây là bãi chiến trường, ngay như cô là người mạnh khỏe, không mang thai hay bệnh hoạn, chỉ với điều kiện là phái nữ, tôi nghĩ cô cũng không nên ở lại trừ phi cô tình nguyện.

Vì thế tôi nói với cô:

– Tôi thông cảm hoàn cảnh của cô. Cô muốn đi thì đi, tôi không ngăn cản. Nếu có ai thắc mắc, tôi sẽ giải thích giùm cô.

Cô Sum nắm lấy tay tôi, nói lời cám ơn và không quên chúc tôi ở lại được bình an. Tuy vậy như tôi đã nói, việc lên được máy bay không phải là dễ. Cô Sum đã phải mất hai hôm, vất vả và nguy hiểm lắm mới đi được. Tôi cũng mừng cho cô và trong lòng tôi cũng không có điều gì áy náy, ân hận vì đã bao che cho một nhân viên bỏ nhiệm vụ. (Sau này khi về tới Sài Gòn, tôi được biết cô đã phải mổ lần thứ hai và sanh được một đứa con trai nữa. Sau trận chiến, khi được đổi về Sài Gòn, tôi được gặp lại cô lần nữa tại Viện Bài Lao Hồng Bàng nơi cô đang làm việc.)

No comments:

Post a Comment