Chị Tư nhìn tôi :
– Anh nghỉ ở đây đó! Ít lắm cũng vài ba bữa mới tiếp tục đi. Từ Sàigòn ra, đây coi như là chặng đường đầu. Anh đi tắm rửa đi ! Thay quần áo nằm nghỉ cho khoẻ một chút rồi ăn cơm với tui. Chà ! Mấy anh không quen đi bộ mà lội đường đất từ Bàu Trai vô tới đây, đuối phải biết!
– Đuối thiệt chị !
Bếp là mấy cục đất được đẽo gọt sơ sài dựng làm ông Táo trên nền đất. Trên bếp, một nồi nhôm nhỏ đen thui nham nhở những lọ và khói đóng. Quanh bếp, than tro được banh ra khỏi đít nồi thành đống nhỏ và bừa bãi những cọng rơm tắt ngúm nửa chừng. Chị Tư ngồi xuống bếp, giở nắp nồi nhôm. Lửa đã tàn từ lâu, nguội lạnh. Chị lẩm bẩm như nói một mình:
– Đủ mà ! chắc hổng thiếu gì đâu !
Chị lấy dao ngồi gọt thơm. Trước mặt tôi, cách chõng tre hơn một thước là chiếc ghế cao, cũng làm bằng tre, trơ trọi để giữa nhà. Phía trên, một cốc thủy tinh sứt miệng cắm đầy những chân nhang. Kế bên là nãi chuối sứ chín vàng, một cái cốc sành ngã nghiêng đè lên bao nhang đỏ còn sót lại mấy cây.
Tôi hỏi chị Tư :
– Anh Tư đi đâu vắng rồi chị ?
Chị Tư ngưng dao, quay nhìn chiếc ghế tre một thoáng, thở dài :
– Nhà tui mất rồi, anh ! Mất hồi năm ngoái.
– Ảnh bị bệnh sao vậy chị ?
– Không ! Ảnh bị pháo bắn! Hồi năm ngoái, ở xã người ta kêu anh đi cuốc lộ Bàu Trai. Quốc Gia bắn pháo cạnh đường, bắn nhằm ngay khúc lộ bị cuốc nên… ảnh chết chẳng toàn thây. Xóm này, trong đêm đó cũng bị như ảnh hết bốn người…
Chợt có tiếng đằng hắng phía ngoài sân. Chị Tư dừng lại quay ra. Tôi cũng ngoái cổ nhìn theo. Một người đàn ông đội nón vải màu xanh vành rộng, mang bộ quân phục đen bước vào đến sân. Lưng anh ta mang một sợi thắt lưng Mỹ to bản, lủng lẳng khẩu súng lục xệ bên hông. Chân mang đôi dép râu «Bình Trị Thiên». Anh ta khoảng chừng bốn mươi. Mới đến sân, anh ta đã cười lên vui vẻ :
– Chị Tư! Mạnh giỏi chị Tư !
– Cha ! Anh tới đây hằng ngày mà làm như cỡ mười năm chưa đặt chưn tới vậy ! – Chị Tư nói.
Anh ta vẫn tươi cười, nhanh nhẩu bước vào nhà và chìa tay bắt lấy tay tôi :
– Chào anh ! Anh là anh Hùng đây hả ? Mạnh giỏi anh ?
– Dạ, chào anh ! – Tôi vừa bắt tay vừa đáp.
Anh ta ngồi ghé xuống chõng :
– Tôi vừa được nghe đồng chí giao liên của tôi báo cáo là mới đưa anh tới đây. Chúng tôi rất sung sướng được gặp anh. Nên nghe xong là tôi đến thăm anh liền.
– Dạ, cám ơn anh !
– Có gì đâu anh !
Anh ta sờ vào vai tôi, thân mật:
– Chắc mệt dữ lắm phải không anh? Anh đi tắm rửa thay quần áo cho khoẻ. Mặc đồ ướt coi chừng bị cảm đó!
Đoạn anh ta gọi chị Tư:
– Chị Tư ơi!
– Gì đó anh Bảy ?
– Chị cho tôi gởi anh Hùng ở đây vài hôm nghe ! Chị lo dùm cơm nước cho anh Hùng luôn. Chút nữa, tôi sẽ cho một anh em của tôi đến ở với anh Hùng cho có bạn, phụ giúp chị công việc cơm nước một thể.
– Sao bữa nay anh nói chuyện gởi gấm nghe hay vậy? Tui thấy mọi lần, chưa lần nào anh gởi, anh nói gì cả! Có bao giờ anh không gởi rồi tui không giúp đỡ, lo cơm nước cho mấy anh em đó ăn không ?
Anh ta cười to lên :
– Thôi mà, chị! Anh Hùng là khách đặc biệt của tôi đó! Ờ ! Chị Tư ! Đâu chị làm ơn quầng thử xóm này kiếm giùm tôi một con gà hay một con vịt gì được không chị ? Tối nay tôi muốn đãi anh Hùng một bữa cháo gà, nhậu ba xi đế, tâm tình chơi cho vui!
Chị Tư chép miệng :
– Chà!… Ở đây kiếm được một con gà, đỏ con mắt cũng không ra đâu… Thôi thì… anh bắt con gà trống của tui đó ! Bữa nào tui đi chợ Hiệp Hòa mua con khác về nuôi thay. Tui cho mượn thôi đó!
– Ừ! Vậy còn gì bằng. Hoan hô chị hết mình! Tối nay, chị bắt nấu cháo xé phay, làm dùm tôi vài dĩa rau ghém. Rau ghém làm bằng bắp chuối hay đọt thơm, cho giấm vào, ngon tuyệt !
– Ờ! Anh để đó tui!
Bảy rút một điếu thuốc thơm mời tôi và thấp giọng xuống :
– Anh Hùng, hình như đi dọc dường, mấy anh chị em giao liên của tôi làm phiền anh nhiều chuyện lắm phải không anh ?
Tôi chợt thấy ngại ngùng :
– Cũng… chả có gì đáng kể lắm !
– Tối nay chúng mình sẽ bàn chuyện với nhau nhiều. Thăm anh một chút, giờ tôi có công chuyện phải về. Tối tôi trở lại.
Anh ta làm ra vẻ nghiêm trang trịnh trọng :
– Tôi muốn yêu cầu anh một điều… Vì nguyên tắc cảnh giác cách mạng, trong thời gian ở đây, anh không nên đi đâu chơi để tránh sự dòm ngó của mọi người và có thể có nhiều phiền phức xảy ra. Ấy là chưa kể cluyện lộ bí mật cơ quan…
Tôi lặng thinh, không biết phải trả lời sao. Anh ta nhìn tôi một thoáng rồi đứng dậy ra về.
Tôi thở dài. Anh ta có lẽ là trưởng cơ quan, là đơn vị trưởng của cái tổ chức đưa tôi từ Sàigòn vào đây. Anh ta định giở trò gì đây nhỉ?
Anh ta nhờ chị Tư làm gà, nấu cháo xé phay, để đãi tôi ? Úi dào.
Tôi uể oải mở túi vải cao su lấy pyjama, cà nhắc đi xuống kinh tắm rửa. Nước lớn, dâng lên đầy. Tôi ngụp đầu xuống. Làn nước mát thấm vào da thịt tôi thấy dễ chịu lạ.
Tắm xong tôi trở lên nhà. Hai bàn chân sưng mọng mỗi bước đi làm cho tôi đau đớn, khó khăn vô cùng. Giờ này có lẽ nhà tôi đang ăn cơm chiều. Tôi hình dung đến gương mặt buồn bã của má tôi và các em tôi. Trong bữa ăn, chắc mọi người chỉ nói chuyện về tôi, nhắc lại những kỷ niệm buồn đã qua, lo âu đoán chừng những sự thể xảy ra của bước đường tôi đang đi tới. Tôi như thấy thiếu một cái gì không biết nữa, cùng với một nỗi nhớ nhung, buồn nhẹ bâng khuâng.
Bước vào nhà, trên chõng tre, chị Tư chủ nhà đã dọn sẵn một mâm cơm. Gọi là mâm cơm cho nó oai chứ mâm gì đâu. Chỉ có hai cái chén đá, hai đôi đũa tre, một nồi cơm nhỏ nấu bằng gạo đỏ, một dĩa nước mắm ớt, một dĩa thơm xắc nhỏ và một dĩa khô sặc nướng. Tất cả những thứ ấy được bày trên chiếc chõng tre.
Chị Tư mời tôi :
– Mời anh ăn cơm ! Ăn cực ăn khổ vầy chắc anh nuốt không vô.
Tôi vui vẻ, cười lấy lòng chị :
– Coi vậy chứ cực mà ngon đa chị Tư! Tôi bảo đảm với chị, soong cơm không còn một hạt cho coi
– Anh nói lấy lòng tui mần chi anh Hùng! Bữa nay mới mồng bốn Tết mà như vầy kể cũng «hẻo» thiệt!
Ngồi xếp bằng trên chõng, tôi so đũa và bắt đầu ăn. Tôi nhớ đến nồi thịt heo kho tàu, dưa giá, nhớ đến cái món cà ri gà, cá lóc nấu canh chua v.v… ở nhà tôi chiều hôm qua. Không chỉ nhà tôi mà những nhà khác ở Sàigon còn có nhiều thức ăn hơn thế nữa. Thực là hai thái cực. Dù sao cũng là một bất công xã hội quá đáng, một sự chênh lệch về cuộc sống con người cần phải san bằng, cải tạo lại. Chính vì sự chênh lệch đó nên người ta lợi dụng để tuyên truyền cổ võ cho một thứ cách mạng mới, gây căm thù sâu sắc, giết chóc lẫn nhau.
Nhịn đói cả ngày lại phải vất vả, xuôi ngược, tôi ăn bữa cơm gạo đỏ, khô nướng chấm nước mắm ớt và thơm, ngon sao là ngon. Ngon hơn những bữa cơm cao lương mỹ vị nhiều. Nồi cơm gạo đỏ khô khốc, thế mà hết sạch.
Nhà chị Tư nghèo, hoàn cảnh góa bụa của chị, đáng thương. Tôi thắc mắc, băn khoăn không hiểu người ta gởi tôi ở ăn cơm nhà chị, người ta có cung cấp gạo hay tiền nong gì để chị không phải thiệt thòi ? Tôi hỏi chị Tư :
– Chị Tư! Chị nấu cơm cho tôi ăn, chị gánh chịu những phí tổn này à ?
Chị Tư nhìn xuống mâm cơm :
– Không, anh ! Gạo thì anh Bảy cho người mang tới. Tính khẩu phần cho mỗi người một ngày là hai lon rưỡi thứ lon sữa bò, ba lon vô một lít đó. Tiền mua thực phẩm mỗi người một ngày là năm đồng, ba bữa ăn. Tiền ăn năm đồng đó, anh Bảy đưa tui nhưng thực ra là khách đưa. Khi đi khỏi chỗ này, ảnh Bảy ảnh bắt anh phải đưa cho ảnh mỗi ngày năm đồng tiền ăn. Anh Bảy lấy tiền anh, đưa lại tui.
– Năm đồng thì chị mua được gì ? Thời buổi này cái gì cũng đắt đỏ quá ! Chỉ chuyện ăn khô sặc nướng vầy chị cũng phải chịu lỗ rồi!
Chị Tư không trả lời tôi mà nhìn ra sân. Có tiếng chân bước thình thịch. Chị lên tiếng :
– Cậu Mười! Ăn cơm cậu !
Ngoài sân, một cậu thanh niên vai mang cây súng trường, lưng cõng một «cà ròn» gạo, trả lời :
– Tui ăn rồi, chị!
– Cậu mang gì vậy ?
– Gạo! Tui mang gạo lại để chị nấu cơm cho anh Hùng ăn, luôn tui nữa. Tối nay tui tới đây ở với anh Hùng cho có bạn.
Cậu thanh niên tên Mười bước lên thềm. Tôi chào cậu ta :
– Chào anh !
– Dạ, chào anh !
Mười liệng «cà ròn» gạo đánh phịch xuống đất, đoạn lôi quai súng trên vai xuống, kéo cơ bẫm lách cách. Một viên đạn trong ổ đạn nhảy ra. Chị Tư chắc lưỡi :
– Gì mà lên cò, xuống cò nghe ghê quá vậy cậu? mấy cậu sao hay táy máy cái đồ giết người đó quá!
– Lính mà ! Ra đường thì lên đạn. Vào nhà thì xuống đạn. Nguyên tắc bắt buộc vậy mà !
Mười nói xong, khuỳnh tay ra túi quần sau móc một tập giấy học trò cuốn tròn, mở ra lấy một tờ giấy mỏng đánh máy sẵn rồi xé đưa cho tôi mấy tờ giấy trắng :
– Anh Hùng ! Anh Bảy gởi tui đưa anh cái mẫu lý lịch để anh dựa theo đó viết hai bổn lý lịch của anh. Tui xé đưa anh mấy tờ giấy tập nè, viết thiếu tui đưa thêm cho.
Chị Tư chen vào :
– Gì gấp vậy cậu? Người ta đương ăn cơm.
– Ăn thì ăn chớ, ngưng một chút nhằm gì!
Tôi hỏi Mười:
– Lý lịch viết hai bản giống nhau phải không anh? Chừng nào anh Bảy lấy ?.
– Ừ! Viết hai bổn. Ăn cơm rồi anh viết liền thì tốt quá. Được vậy, tối nay anh Bẩy ảnh lấy về ghi nhận xét, thẩm tra lại rồi viết giấy giới thiệu, sáng mai đi kịp chuyến giao liên, khỏi đợi chờ lâu.
– Được, ăn cơm xong tôi viết. Nhưng ngày mai thì tôi chỉ có thể đi ra đi vô chứ đi xa chắc… không xiết đâu !
– Sao vậy anh ?
– Nè, anh cứ nhìn hai bàn chân tôi thì biết.
Chị Tư xen vào lần nữa :
– Thôi chớ cậu Mười ! Để cho anh ấy ăn cái đã, xong rồi mặc sức nói gì thì nói.
Ăn cơm xong, chị Tư đốt riêng cho tôi mot chiếc đèn chai. Tôi ngồi viết hai bản lý lịch theo lời người ta yêu cầu. Anh lính trẻ tên Mười loay hoay bên bếp lửa, làm gà nấu cháo.
Nhìn mẫu lý lịch, hàng chữ lớn tiêu đề «LÝ LỊCH TÂN QUÂN», đột nhiên mắt tôi sựng lại và như có một cái gì vướng ngang ở cổ. Hai chữ «TÂN QUÂN» đủ diễn tả hết nội dung về chính sách xử dụng người, cũng như người ta xác định một cách rõ ràng vị trí của tôi trong cuộc knáng chiến này. Người ta đưa tôi vào lính.
Giờ tôi có tức tối, có la hét, có phản đối cũng bằng thừa. Vô ích. Chẳng những vậy, chỉ thiệt hại thêm cho tôi mà thôi. Người ta xem tôi là một tên lính mới, đặt tôi ở vị trí thấp nhất, đặt tôi đứng ở điểm mới bắt đầu khởi hành. 9 năm kháng chiến trước kia của tôi chẳng mảy may có chút giá trị trong cuộc kháng chiến ngày này. Tôi ngồi ngây người ra…
Khi đã hiểu rõ vị trí của mình, hiểu rõ sự xác định của người ta về tôi, qua cơn xúc động lòng tôi lắng xuống.
Không có cách nào khác hơn là chấp nhận im… Thôi, hãy chọn cho mình một cách bắt đầu làm lại cuộc đời tốt nhất, suông sẻ nhất. Dale Carnégie trong «Đắc nhân tâm» cũng từng khuyên bảo mọi người như vậy.
Và như vậy, có nghĩa là tôi đã chịu thua rồi. Tôi lại đầu hàng lần nữa. Đầu hàng trên hình thức cũng là một sự đầu hàng không thể biện minh bằng cách này hay cách khác.
Mẫu bản lý lịch, cũng như những bản trước đây người ta đã dùng. Cũng tên họ thật, bí danh, ngày, tháng, năm sinh cùng tên cha mẹ, vợ con, anh em, thành phần gia đình, thành phần bản thân, đảng phái, tôn giáo, trình độ văn hóa, chuyên môn, cùng thành tích kháng chiến từ 1915.., thưởng phạt, tù tội, liên hệ gia đình, anh em thân nhân trong hàng ngũ địch. Sau cùng là nguyện vọng.
Nếu có khác, trong phần liên hệ gia đình phải kể rõ bà con, anh em họ hàng có những ai làm việc cho Quốc Gia, cho biết nhiệm vụ, cấp bậc, địa chỉ cũng như khuynh hướng của những người đó.
Đối diện trước đèn, tôi đặt viết xuống, viết một mạch. Về thành phần bản thản, để người ta khỏi phải sửa tới, sửa lui, tôi viết bằng chữ hoa «TIỂU TƯ SẢN TRÍ THỨC». Và nguyện vọng, tôi ghi : «NHẬN BẤT CỨ CÔNG TÁC NÀO TÙY THEO NHU CẦU CÁCH MẠNG ĐÒI HỎI».
Tôi biết người ta sẽ rất hài lòng nguyện vọng đó. Người ta sẽ ghi nhận xét tốt vào lời phê trong bản lý lịch của tôi, cũng như đánh giá «tinh thần giác ngộ cách mạng cao».
Tôi nhớ đến định nghĩa : «chính trị là thủ đoạn, là gian manh lật lọng, là khốn nạn trên mọi sự khốn nạn của cuộc đời này». Vậy thì, từ nay tôi bắt đầu vào cuộc đời chính trị tôi phải biết giấu ý nghĩ thực của tôi, giấu tình cảm của tôi, trở thành con người mới, vững vàng. Có như vậy mới «tiến bộ», mới hòng được yên thân và mọi người kính nể.
Ký tên xong vào hai bản lý lịch, tôi mỉm cười một mình, gấp lại. Tôi gọi Mười đang ngồi bên bếp nhìn chị chủ nhà xé thịt gà trộn rau ghém:
– Anh Mười ! Lý lịch tôi viết xong rồi nè! Anh xem thử coi viết đúng không ?
Mười ngẩng đầu lên :
– Anh viết mau thiệt. Anh cất đó, một chút anh Bảy tới đây rồi đưa cho ảnh. Ảnh là thủ trưởng mới có quyền xem. Xem rồi ghi nhận xét vào đó chớ tui đâu có quyền xem, anh!
Tôi cười với Mười :
– Anh tham gia kháng chiến được bao lâu rồi ?
– Mới năm ngoái !
– Anh có tham dự trận đánh nào chưa ?
– Chưa ! Tui thuộc loại lính cơm mà ! Có học hành quân sự ngày nào đâu, đánh giặc chỉ có nước ông cuốc, ông xẻng kêu là cái chắc !
Chợt có tiếng nói của Bảy nổi lên ngoài sân. Hình như anh ta đã đến nãy giờ:
– Vậy các đồng chí ở mấy đơn vị chiến đấu của mình bị ông cuốc, ông xẻng kêu hết sao Mười ? Ă nói cái gì lạ vậy cậu ?
Mười bối rối nín thinh. Chị Tư lên tiếng :
– Anh Bảy tới hồi nào mà êm ru, không ai hay gì hết vậy ?
– Mới tới chị! Sao ? Chị Tư ! Cháo gà xong rồi chớ ?
– Chút xíu nữa ! Còn muối chanh ớt chưa đâm!
Bảy với nét mặt rạng rỡ, ngồi xuống chõng nhìn tôi :
– Tốt ! Vậy tôi làm việc với anh Hùng một tí, anh Hùng nhé !
Tôi dạ một tiếng. Bảy cho tay vào túi quần móc ra xị rượu đế đầy ắp, để xuống chõng, xum xoe :
– Rượu đế thứ thiệt, chánh hiệu con nai đó ! Anh nhậu khá hôn ?
Tôi bẽn lẻn, ngập ngừng :
– Tôi… tôi không biết uống rượu anh ạ! Chỉ có bia thì chấm chút được vài ngụm.
– Anh dở thiệt ! Anh phải tập uống rượu đế. Có uống rượu đế mới gia nhập vào hàng ngũ nông dân được. Bia, tư sản quá, không phù hợp với nông dân. Phải không chị Tư?
Chị Tư cười :
– Ai biết đâu nè !
Anh ta đột nhiên hỏi tôi :
– Anh Hùng viết xong lý lịch rồi hả ? Mau vậy!
– Xong rồi ! Đây, anh xem coi có chỗ nào không được rõ ràng hay thiếu sót gì không ?
Bảy cầm lấy hai bản lý lịch của tôi, hạ xuống sát mặt đèn, đưa mắt đọc. Hình nnư anh ta chỉ liếc mắt cho có chừng để làm vừa lòng tôi, nên thoáng cái, anh ta xếp lại, lơ đãng nói một câu :
– Trí thức có khác ! Anh viết chữ đẹp, kê khai chi tiết rõ ràng… Anh Hùng nè…
– Gì anh
– Trước đây, 9 năm kháng chiến anh ở vùng nào nhỉ?
– 46 – 47 ở Đồng Tháp. 48 đến 54 ở U Minh, với các tỉnh miền Tây.
– Năm 1954 về Sàigon là do anh tự động về hay phân công ? Trung ương có giới thiệu anh không?
Tôi biết anh ta bắt đầu điều tra, thẩm vấn tôi rồi đây. Sự quan trọng đã bắt đầu. Tôi trả lời chầm chậm :
– Tôi tự động về Sàigòn nhưng cũng không phải tự động nữa.
– Ủa ! Sao anh? Thế, ở cơ quan, đơn vị cũ của anh giải quyết vấn đề đi ở thế nào ‘?
– Tôi được chỉ định ở lại, nhưng vì sau khi hết nhiệm vụ ở Tổ Liên hợp, trở về cơ quan thì cơ quan đã dời đi nơi khác, tìm suốt mấy ngày không được nên tôi tự động về Sàigòn.
– Anh có được tiếp xúc với ai, cơ sở nào ở Sàigòn không ?
– Dạ… không !
– Từ ngày về Sàigòn đến giờ thì anh tiếp tục đi học lại ? Anh học luật khoa ?
– Dạ !
Bảy cười vui vẻ, như không quan tâm đến câu mình hỏi, đoạn hỏi tiếp:
– Tiện đây, vui vẻ, mình cũng tâm tình với nhau chơi. Anh cho biết động cơ nào thúc đẩy một người trí thức như anh thoát ly làm cách mạng ?
Tôi hiểu rằng bước khởi hành của con đường tôi đi hôm nay có suông sẻ hay không, tốt đẹp hay không đều do câu trả lời này quyết định một phần lớn.
Cách điều tra tư tưởng, thẩm tra lý lịch nó nhẹ nhàng, đơn giản thế đấy. Chỉ là một cuộc thăm hỏi bình thường, nhiều khi hơn thế nữa, được lồng vào trong những phút tâm tình thân mật ngọt ngào như những giọt mật ong đượm giọng.
Cái nồi cháo gà hôm nay vừa là một hình thức động viên tình cảm, vừa là một phương tiện điều tra tư tưởng. Những điều nay sẽ được tóm tắt, thu gọn thành những nhận xét ghi vào lý lịch của tôi.
Câu hỏi anh ta vừa đưa ra, tôi thấy thực khó trả lời hết sức. Khó, không phải vì tôi không biết nói, không biết lý luận mà khó vì phải nói láo, nói không đúng sự thực mình đã nghĩ.
Nhưng nếu không nói láo thì những nhận xét tai hại sẽ ghi vào lý lịch, ảnh hưởng suốt khoảng thời gian tôi phải sống trong chế độ vô sản chuyên chính này.
Dù đã chấp nhận và tự đặt cho mình vào một khuôn khổ mới, thích hợp với tình huống xảy ra, nhưng tôi vẫn không sao dứt bỏ được cái mặc cảm tội lỗi, hèn hạ ray rứt giữa lòng mình. Người ta khinh mình, mình xấu hổ nhưng còn có thể trốn tránh được, không gặp họ là xong. Còn mình tự khinh mình, trời ơi ! Sống sao nổi ? Suy cho cùng, nổi hay không nổi cũng phải nói. Ổn thỏa nhất là cách nói buông lửng nửa chừng. Người đối diện muốn hiểu thế nào cũng đúng cả.
Tôi mỉm cười, trả lời anh ta :
– Anh xem, nếu tôi chỉ nghĩ đến một cuộc sống đầy đủ, hay nói cách khác là nếu không có động cơ nào thúc đẩy gần như mãnh liệt thì tôi đâu có vào đây. Hành động của tôi nhằm vào một mục đích nào đó, chớ đâu phải một hành động vu vơ, anh Bảy ?
Anh ta cười :
– Trí thức có nói bao giờ cũng nói văn hoa, tế nhị, bay bướm. Đó là một cái tật. Nhược điểm cố hữu của thành phần đó! Nhưng xuyên qua ý kiến anh, tôi hoan hô anh. Thực sự anh đã giác ngộ cách mạng cao độ, lập trường cách mạng rất vững vàng. Chả trách, anh là cán bộ cũ được đào luyện từ cuộc kháng chiến chín năm.
Anh ta vỗ vai tôi, nói với giọng kẻ cả, người trên dạy dỗ kẻ dưới :
– Phải đó anh Hùng ! Có giác ngộ cách mạng, có lập trường đấu tranh, có căm thù sâu sắc người ta mới hy sinh từ bỏ cái phồn vinh giả tạo của chế độ Mỹ Diệm, quên mình, vì dân vì nước đấu tranh cho lý tưởng. Huống hồ anh là một cán bộ cũ, tinh thần cũng như lý luận cách mạng được Đảng giáo dục, uốn nắn, võ trang cho anh trước đây, là căn bản đảm bảo hành động, tư tưởng anh hôm nay.
Anh ta nắm lấy tay tôi :
– Bắt tay anh cái đi ! Chị Tư ơi! Cho tụi này nhậu được rồi đó chị. Đồng chí Mười, dọn thịt gà lên chớ !
Mười mau mắn:
– Dạ, xong nãy giờ rồi. Thấy anh mắc làm việc với anh Hùng nên chưa dám đem lên.
– Bậy nè! Tôi với anh Hùng tâm tình, trao đổi quan điểm, nói chuyện chơi thôi chớ có làm việc gì đâu. Anh Hùng, anh có nhớ cái câu nông dân ta thường nói : «rau răm nó hại gà giò chết tươi» không ? Cái mùi gà xé phay trộn rau răm hấp dẫn kỳ cục.
Mười dọn thịt gà, rau ghém lên. Bảy bước lại ghế thờ lấy hai cái cốc sành mẻ miệng, nhấc xị rượu lên cao, rót xuống. Bọt rượu tràn, Bảy chép miệng :
– Cha ! Rượu này bọt dữ ! Anh phải cụng ly với tôi mới được ! Không biết uống cũng phải uống chút ít cho nó ấm ruột. Anh đừng sợ say. Ngày mai chưa lên đường đâu, nghỉ ngơi cho lại sức. Có «quắc cần câu» ngã lăn tại mâm cũng chẳng sao mà ! Nhứt trí chớ anh Hùng ?
***
Ăn cháo gà xong, Bảy nắm tay tôi dẫn ra kinh, ngồi trên một khúc cây dài nói chuyện. Anh ta cho tôi biết sơ qua về tình hình an ninh ở vùng này. Việc đi đứng, ăn ở, phòng gian bảo mật và phổ biến những điều cần biết trên đường đi về «Miền». Anh ta bảo :
– Về vấn đề an ninh ở đây cũng tương đối thôi. Nếu địch có càn, đồng chí Mười sẽ hướng dẫn anh rút lui, tránh né. Phi pháo thì từ hai năm nay chỉ có một lần pháo ở Bàu Trai bắn vô đâu năm bảy quả gì đó. Máy bay cũng thỉnh thoảng tới quần thảo một hồi rồi rút lui, chả đáng kể lắm.
Tôi thắc mắc, hỏi :
– Tôi thấy xung quanh nhà chẳng có hầm hố gì thì trốn núp vào đâu ?
– Đồng bào đây họ ơ hờ cái chuyện này lắm ! Tụi tôi, chỗ tôi ở thì công sự, hầm hố tốt lắm chớ ! Mình không phải chính quyền địa phương nên vấn đề bảo vệ sinh mạng đồng bào để địa phương họ lo. Mình đâu có trách nhiệm gì.
– Nhưng nhà chị Tư này cũng coi như là nhà của cơ quan anh mượn clo khách ở. Mà khách thuộc về trách nhiệm bảo vệ của mấy anh rồi, sao không tổ chức đào vài cái hầm núp cho chắc ý?
– Ai đào bay giờ ? Tụi tôi không ở đây, lại cũng không có người rảnh để làm công việc đó. Có khách, họ đến ngày trước là ngày sau đi rồi..
– Nếu có trường hợp rủi ro, phải đáng tiếc không?
– Hễ chết thì thôi chớ làm sao giờ ? Việc ăn ở cho họ, tụi tôi còn mệt đờ người. Nào phải tải gạo, mua thực phẩm. Nói vậy chớ khó chết lắm…
Tôi ngắt lời :
– Sao tôi nghe chị Tư nói việc mua thực phẩm, nấu ăn anh đã nhờ chị ấy lo? Ngay cả tiền nuôi ăn mỗi ngày, một người phải đóng cho chỉ năm đồng. Tiền đó, cá nhân khách chịu lấy chớ đâu phải mấy anh cấp phát ?
– Đúng, chị Tư nấu ăn, đi chợ dùm. Tiền ăn khách đóng nhưng tôi cũng phải lo vậy.
– Tôi nghĩ, đã vào cách mạng mà còn bắt khách đóng tiền ăn mỗi ngày, hơi kẹt đó, anh Bảy !
– Nói là khách chớ khách khứa gì ? Thực sự chỉ là tân binh. Mà mang tiếng là tân binh nhưng họ chưa thuộc về đơn vị nào, ai lo cấp phát cho ? Cực chẳng đã, khi nào có ai nghèo quá đổi, không có đồng xu nào thì chừng đó mới lo cho họ. Nói chung, trên đường đi, mỗi người phải tự túc lấy. Bây giờ, việc đi đứng trong khi anh ở đây, như tôi đã yêu cầu anh hồi chiều. Anh không nên đi đâu hết. Anh là người lạ mặt. Việc đi lại của anh ở đây dễ bị «Điệp» phát giác, theo dõi, phăng lần ra mấy cơ sở nội thành của đơn vị tôi. Và nhiều khi ở địa phương có thể hiểu lầm, gây nên những việc đáng tiếc cho anh.
– Đi lại nghĩa là thế nào anh ?
– Đi tới đi lui ngoài đường. Đi dạo xóm, đi tiệm mua đồ hay đi rong rỗi sau rẫy, vậy đó.
– Vậy ra tôi bị cấm cố ở trong nhà hoài sao? Muốn mua một gói thuốc lá, mua vài trái thơm cũng không được đi sao ?
Bảy cười. Thấy tôi có vẻ gắt gỏng, thắc mắc, anh ta vỗ nhẹ vai tôi :.
– Bậy nè ! Anh cho là cấm cố như tù… thì tôi không nhứt trí tí nào. Anh cần mua gì, nhờ đồng chí Mười mua hộ cho. Mỗi ngày, anh xuống kinh tắm rửa, anh ra sân dạo chơi vẫn bình thường thì việc chi anh phải nặng lời, dùng đến cái tiếng cấm cố, tội quá. Anh thông cảm cho là vì để tránh con mắt của “Điệp”, tránh tai hại cho anh…
Tôi chép miệng :
– Thôi, cũng dược ! Bình thường tôi cũng không hay đi chơi.’
– Hình như anh đi chân đất, không giày dép gì phải không ?
Đúng là anh ta giả mù sa mưa. Anh ta biết quá rõ tôi đã liệng đôi giày của tôi xuống ruộng rồi mà. Cô giao liên báo cáo với anh ta, và anh ta đã chẳng úp mở cho tôi biết hồi chiều đó sao. Dù vậy, tôi cũng nói :
– Từ Sàigòn ra đi, tôi mang giày. Nhưng lúc còn ngoài xóm gần lộ, cô giao liên của anh bắt tôi cởi phăng liệng xuống ruộng rồi. Cô ấy không nói cho anh nghe sao ?
– Có ! Tôi có nghe đồng chí ấy báo cáo sơ qua. Được ! Ngày mai anh nói với đồng chí Mười, bảo đồng chi ấy gửi đồng bào mua hộ cho đôi dép râu đi ! Những thứ khác, cần gì anh cứ nhờ đồng chí Mười. Võng nylon anh mua tự lực rồi hả ?
– Có.
– Đã may nuông và có giây dù chưa ?
– Chưa !
– Vậy anh đưa cho Mười. Mai, đồng chí Mười sẽ tìm người may giúp cho. Từ đây về đến Miền phải đi nhiều ngày. Nhất định là mệt, gian khổ nhiều rồi đó. Cho nên những thứ nào cần thiết lắm anh hãy mang theo, tôi sợ e dọc đường nặng mang không nổi phải liệng đi uổng. Anh có gì cần hỏi tôi không ?
Tôi không thể không nói cái thắc mắc lớn nhất từ khi viết hai bản lý lịch đến giờ :
– Trước kia, đại diện tỉnh ủy Mỹ Tho có đến gặp tôi cho biết là sẽ có người đến rước tôi về Mặt Trận Miền. Tôi sẽ làm công tác dân chính do Mặt Trận nghiên cứu khả năng tôi rồi phân công. Vậy sao bây giờ tôi lại được đưa sang quân đội, xem như một tân binh ?
Anh ta lặng thinh một lúc, đoạn trả lời :
– Cơ quan của tôi đây là một cơ quan quân sự, một đơn vị quân giải phóng. Những người nào đươc xem là tân binh người ta mới sắp xếp đưa đến đây. Trường hợp của anh hơi đặc biệt đó. Nhưng không sao, khi về tới chiến khu anh sẽ trình bày với các đồng chí trên, ở trên sẽ thu xếp đưa anh về Ban Tiếp Tân của Mặt Trận.
– Nơi nào vậy anh ?
– Cơ quan mà anh sẽ được đưa tới ở chiến khu đó… tôi… cũng chưa biết là cơ quan nào, bởi… tôi không rõ lắm.
Lạ ! Anh ta đưa tôi đi mà không biết là đưa tôi về cơ quan nào ! Vô lý thực. Anh ta muốn giữ bí mật với tôi hay là muốn trốn trách nhiệm, sợ phải trả lời ? Tôi nói thẳng :
– Vậy trong giấy giới thiệu, anh sẽ giới thiệu tôi đi về đâu ? Anh viết mà anh không biết sao ?
– Ơ.. không ! Không phải tôi. Ai nói với anh vậy?
Tôi muốn nói thẳng cho anh ta biết rằng tôi đâu phải là loại sinh viên, trí thức ngây ngô chưa biết một tí gì về tổ chức, về nguyên tắc, phương pháp làm việc của Đảng đề ra; mà tôi còn biết quá nhiều. Bởi tôi là một cán bộ có 9 năm kháng chiến, quá quen thuộc với lề lối làm việc ấy. Huống hồ Mười, lính của anh ta đã chẳng vừa nói cho tôi biết là anh ta viết nhận xét ghi vào lý lịch tôi, và viết giấy giới thiệu «gởi» tôi đi theo đường giây liên lạc hay sao? Anh ta muốn chối…
Thôi, có tranh luận đến nơi đến chốn cũng chẳng giải quyết được gì. Anh ta sẽ có ác cảm với tôi, phê vào lý lịch…. chừng đó còn điêu đứng gấp nghìn lần.
Thấy tôi im lặng lâu quá, Bảy tưởng lừa được tôi, lên tiếng :.
– Đó, anh rõ rồi chớ ‘? Không phải tôi mà! Việc này ở trên đã lo sẵn hết rồi. Tôi chỉ có nhiệm vụ liên lạc đưa anh đi thôi. Anh có thắc mắc gì nữa không ?
Tôi sực nhớ đến cái hộp đàn vĩ cầm và cái radio transistor:
– Hôm 28 Tết, cô Hồng ở Sàigòn có nhận của tôi một cây đàn vĩ cầm và cái radio transistor mang vào đây trước, chắc anh đang giữ dùm tôi ?
– Ơ! không! Chưa ! Tôi chưa nhận được gì hết!
– Ủa ! Sao lạ vậy anh ? – Tôi chưng hửng hỏi lại.
– Chắc có lẽ vì bận việc hoặc có trở ngại gì đó nên các đồng chí trong ấy chưa mang ra được. Anh yên trí đi. Ngày mai tôi sẽ nhắn vào trong ấy, anh chị em họ sẽ mang ra cho anh. Tôi bảo đảm với anh không thất lạc đâu mà sợ.
Tôi vẫn không sao hết băn khoăn :
– Nếu tôi đi rồi, hai món đó mới gởi ra đây thì sao?
– Anh yên trí! Cứ yên trí thế nào anh cũng nhận được lúc còn ở đây mà! Nếu anh có lên đường rồi, tôi sẽ theo đường dây liên lạc gởi đến tận tay anh.
– Làm sao anh biết tôi ở đâu mà gởi ?
– Ồ, biết chớ! Biết rõ quá chớ ! Tôi giới thiệu anh đi, tôi không biết sao được…
Chợt khám phá ra là mình đã lỡ lời, vô tình thú nhận cái chuyện mình vừa chối nên anh ta vội đứng dậy nói luôn:
– A… này anh ! Bây giờ khuya rồi, anh nên đi ngủ sớm nhé ! Vì sáng còn phải thức sớm phòng bị chống càn. Có gì, tôi sẽ gặp lại anh sau.
Không kịp chờ tôi có phản ứng, anh ta quay lưng bước vội đi.
Hai hôm sau, anh lính tên Mười đưa tôi đi khỏi nơi đây. Và cũng hai hôm đó tôi không hề gặp lại Bảy, người cán bộ, thủ trưởng của B39.
Hôm đó sáng sớm, khi ngủ dậy tôi không thấy Mười đâu cả. Chị Tư thì đang vần nồi cơm bằng lửa rơm. Kế bên, một chảo sắt nhỏ sứt quai, lỏng chỏng những tóp mỡ nổi trên mặt nước muối, chờ kho.
Tôi súc miệng, rửa mặt chải đầu xong xuôi thì chị Tư đã dọn cơm. Mười cũng vừa về tới. Trên tay cậu ta cầm một xấp thư, phong bì bằng loại giấy học trò, nhỏ nhắn như những thẻ căn cước bọc nhựa. Cậu ta không nói gì, lặng lẽ nhét xấp thư đó vào trong cái túi vải, loại bao vải đựng bột mì cũ xì, bê bết những vết bẩn, cột lại. Mười gọi cái túi vải đó là bồng. Cái bồng dùng liện lợi hơn cái ba lô nhiều – món gì thồn vào cũng được, cột lại khoác lên vai là xong.
Ngồi lên chõng ăn cơm sáng, lần đầu tiên Mười giải thích cho tôi nghe lý do tại sao ăn cơm sáng này :
– Anh không quen ăn cơm sáng sớm vầy chớ tụi tui quen rồi. Sáng sớm ra phải có cơm để ních cho chặt bụng để chuẩn bị chống càn. Nếu không, rủi Quốc Gia nó đi càn, bụng trống chạy sao xiết ? Khẩu phần gạo, khẩu phần thực phẩm cứ chia đều thành ba bữa ăn.
Chợt Mười hỏi tôi :
– Anh có khăn vắt cơm không ?
Tôi ngơ ngác :
– Khăn vắt cơm là khăn gì ?
– Khăn vải dù đó ! Khăn để gói cơm, mang theo bên hông dành để chống càn, hay khi hành quân khỏi phải nấu cơm trưa. Rồi còn phải có lon «ghi gô» đựng lương khô như mắm ruốc, khô kho chẳng hạn. Nếu có thêm muối tiêu, bột ngọt còn tốt hơn nữa.
Tôi không hiểu, lắc đầu :
– Ai mà biết! Tôi đâu có gì…
– Vậy trưa nay làm sao ? Anh lấy gì vắt cơm bây giờ?
Tôi ngạc nhiên :
– Ủa, sao trưa nay phải vắt cơm ?
– Đi chớ sao ! Ăn cơm rồi thì lến đường. Tui dẫn anh đi tới trạm Bình Tân. Cũng phải tới chiều tối mới tới chỗ .
– Sao anh Bảy… sao anh không cho tôi hay trước để chuẩn bị ?
– Giở cơm vắt theo là đủ lắm rồi chớ chuẩn bị gì nữa anh ?
– Còn chớ ! Còn nhiều chuyện… Tôi còn phải gặp anh Bảy để hỏi vài vấn đề.
Mười không nói, thản nhiên tiếp tục ăn cơm. Ăn xong Mười xúc cơm đổ ra cái khăn dù trắng đã trở thành màu đất, nhồi mấy cái, cột lại treo vào sợi thắt lưng Mỹ bên hông
Tôi nôn nóng muốn gặp Bảy để hỏi vì thắc mắc và số phận cây đàn vĩ cầm, cái radio transistor của tôi ra sao? Tôi nói với Mười :
– Anh dẫn tôi đi gặp anh Bảy một chút đi, anh Mười! Hay là anh chỉ chỗ tôi đến một mình cũng được.
Mười đang lom khom ở góc chõng tre, đổ gạo vào ruột tượng, ngần ngừ:
– Anh Bảy, ảnh… ảnh … cũng đi công tác rồi!
Tôi nhìn Mười đăm đăm, Mười nói thêm :
– Hồi nãy, tui đằng văn phòng ảnh về đây thì ảnh cũng vừa đi.
Thôi, vậy là xong ! Tôi lặng thinh, ấm ức một mình. Mười mang bồng, máng ruột tượng vòng quanh vai, lên cò súng trường Mas rồi thủng thẳng bước ra sân :
– Thôi, đi anh Hùng. Đường xa…
Không biết làm sao hơn. Tôi quảy túi vải cao su lên vai chào chị Tư chủ nhà rồi thất thểu bước theo. Vậy là hôm nay tôi lên đường. Kết thúc chặng đường đầu, đi sâu vào quãng đời mới mẻ mà tôi chưa biết nó sẽ ra sao với đầy ấm ức và phiền muộn.
Tôi tính nhẩm. Bây giờ là bảy giờ sáng mồng bảy Tết – ngày hạ nêu- Nguyên Đán năm Quý Mão.
No comments:
Post a Comment