Friday, July 15, 2022

MỘT SỰ CHỊU ĐỰNG KỶ LỤC Bài viết về trận đánh An Lộc đăng trên báo Time - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 MỘT SỰ CHỊU ĐỰNG KỶ LỤC

Bài viết về trận đánh An Lộc đăng trên báo Time

Chiến tranh Việt Nam đã đi vào dĩ vãng. Sau 30 năm ít người còn nhớ tới. Để quý độc giả có thể hình dung được tầm mức quan trọng của mặt trận An Lộc cũng như chia sẻ được sự khốn khổ của những người dân cũng như các chiến sĩ từ thủ tại mặt trận này, tôi xin trích ra đây một bài báo của tạp chí Time viết về trận An Lộc tháng 6 năm 1972 mà tôi đã lược dịch ra sau đây (Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù phóng viên chiến trường đã đến tận nơi quan sát, cũng không tránh phải một vài chi tiết sai lầm.)

An Lộc, quận châu thành của tỉnh Bình Long, cách thủ đô Sài Gòn miền Nam Việt Nam 60 dặm về hướng Bắc. QuÂn đội Bắc Việt khởi sự tấn công tỉnh này từ 30 tháng 3 năm 1972. Với 3 sư đoàn Cộng Sản bao vây, An Lộc đã bị pháo kích hằng ngày với những trận pháo khủng khiếp nhất trong toàn bộ chiến tranh Đông Dương.

Thành phố này cũng đã chịu đựng nhiều cuộc tấn công liên tiếp bằng bộ binh, xe tăng của quân đội Bắc Việt và cả những cuộc không tập không ngừng của phản lực cơ chiến đấu cơ Mỹ cũng như pháo đài bay B52.

Một đạo quân tiếp viện của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị cầm chân bởi địch quân dọc theo Quốc lộ 13 suốt trong hai tháng qua. Cho tới cuối tuần này vòng vây An Lộc vẫn chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, viện quân Dù đã bắt tay được với đội quân trong thành phố. Với sự yểm trợ của không lực đồng minh và sức chiến đấu cực kỳ dũng cảm của những chiến sĩ tử thủ Việt Nam Cộng Hòa, An Lộc đã được giữ vững lâu hơn trận Điện Biên Phủ.

Đặc phái viên chiến trường của tuần báo TIME, Rudolph Rauch và nhiếp ảnh viên Lê Minh đã tìm cách tới thành phố An Lộc bằng trực thăng tuần qua. Rauch là một trong hai phóng viên chiến trường Mỹ đã tới An Lộc ngay từ đầu của trận chiến. Sau đây là bài tường thuật của anh

Có lẽ chỉ còn lại sáu tòa nhà còn đứng vững trong thành phố, nhưng không một mái nhà nào còn nguyên vẹn. Không điện, không nước. Mọi đường phố đều bị cày nát bởi những hố pháo kích và ngổn ngang những đống gạch vụn như mọi bãi chiến trường.

Bất cứ nơi nào khi bạn đặt chân xuống là lại đạp nhầm lên những mảnh đạn đầy dẫy trên lối đi. Cả thành phố chưa tới 10 chiếc xe còn sử dụng được. Khi tôi tới chỉ còn độc nhất một chiếc xe Jeep là có đủ bốn đánh. Những chiếc còn lại vì bánh xe bị bể hết nên chạy trên những niềng xe và cảnh quen thuộc thường thấy 7 hay 8 người lính Việt ngồi trên những chiếc xe Jeep nghiêng ngả chạy vì bánh xe không còn nữa.

Mới hai tháng trước, có khoảng 30,000 thường dân ở An Lộc. Hiện hiện nay chỉ còn lại có 2,000. Không kể khoảng chừng 1,000 người bị sát hại bởi pháo của Việt Cộng, số còn lại chen chúc nhau tại một ven làng phía Đông của thành phố, làng Phú Đức. Không có địa điểm quân sự ở làng này nên ít là mục tiêu của pháo kích. Tuy nhiên khi cường độ mặt trận đã dịu xuống ở thành phố vào đầu tháng 6 thì số pháo kích tại làng này lại tăng lên.

Trắng Bạch Như Sứ. Bệnh viện tỉnh lỵ đã di tản vào 8 tháng 5. Sau khi đã bị pháo, có lẽ chẳng may thôi, làm cho 30 thường dân tránh nạn bị tử thương. Kể từ đó những thường dân bị thương đều được săn sóc tại một ngôi chùa ở Phú Đức. Ở đây không có giường nằm và chỉ có vài tấm nệm mà thôi.

Đa số những người bị thương nằm trên nền đất bẩn thỉu hay những đống vải rách. Một đứa nhỏ chết vì bệnh phong đòn gánh vì thiếu thuốc chủng ngừa. Nằm co xoắn lại như một con rắn được phủ bằng một tấm mền rách nát. Cách đó hai bước một bà già đang nằm hấp hối vì thiếu dinh dưỡng. Bà này đã nằm trong hầm hơn hai tháng, trước ăn cơm sau ăn cháo. Khi thực phẩm cạn dần, bà ta phải ăn bất cứ thứ gì có thể ăn được. Bà ta có một sắc mặt trắng bạch như đồ sứ và ruồi đậu phủ đầy mặt bà ta.

Ông Tỉnh Trưởng, Đại tá Trần Văn Nhựt, đã ra lệnh chia khẩu phần gạo cho từng người. Từng bao gạo đã được chuyển qua hàng rào dây kẽm gai cho những người nào còn có sức tới đó lấy được. Một người gầy đét với một chiếc chân cụt nhảy tới, đã lúng túng không biết nắm lấy gạo hay giữ cây nạng. Anh ta ngã bổ nhào xuống nhưng vẫn còn cố gắng nhét bao gạo vào cạp quần.

Thiệt hại bên phía quân đội còn đáng thương hơn bên phía thường dân. Bệnh viện độc nhất của họ hiện giờ đã biến thành một công sự chiến đấu. Một vài thương binh đã ở đó lâu cả tháng rồi. Người bị thương nhẹ nấu nướng săn sóc cho các đồng đội bị nặng hơn. Những dụng cụ không còn được khử trùng đúng quy tắc nữa, và chỉ may khâu vết thương cũng không còn. Bác sĩ Nguyễn Văn Quý đã giải phẫu 200 trường hợp trong hai tháng đã phải dùng chỉ bao cát để may vết thương.

An Lộc đã đứng vững sau những cuộc tấn công nặng nề hơn tất cả những thành thị nào trong cuộc chiến này. Ngày khủng khiếp nhất là ngày 11 tháng 5 khi khoảng 7000 trái đại bác, súng cối, hỏa tiễn đã rơi xuống một khu vực có thể dễ dàng băng qua được trong 10 phút. Một Cố vấn Mỹ đã nói đó là ngày mà một người mạnh khỏe muốn uống thuốc làm cho táo bón để khỏi phải đi ra ngoài. Nhu cầu thiên nhiên hình như còn dễ dàng chịu đựng hơn.

Không lực Mỹ và Việt liên tục thả bom suốt trong ba ngày tôi ở tại An Lộc. Đủ mọi loại hỏa lực đã được dùng đến: đại liên, bom CBU, bom thường. Cuối cùng hai giờ trước khi mặt trời lặn, một phi tuần B52 đã trải thảm khoảng 900 thước phía Tây Bắc vào một nơi tập trung xe tăng của Cộng quân. Tuy nhiên các khẩu pháo của địch quân vẫn di chuyển và vẫn tiếp tục pháo vào thành phố. Hiện nay tình thế ở An Lộc được coi như đã yên tĩnh mặc dù hằng ngày vẫn còn khoảng 200 trái pháo vào.

Không quân Việt Nam có nhiệm vụ tản thương đã không muốn tới một quãng đường thuộc Quốc lộ 13 này dùng để làm nơi bốc thương binh. Để đánh lạc hướng những xạ thủ Cộng quân tập trung súng vào quãng đường này để ngăn ngừa máy bay tản thương, các phi công trực thăng thường đáp xuống bất cứ chỗ nào trên khúc đường khoảng hai cây số ấy. Trên nguyên tắc, mỗi phi vụ tản thương, nơi hạ cánh phải được chỉ định trước để gom thương binh tới chờ sẵn gần đó. Nhưng chẳng bao giờ chuyện đó xảy ra. Thay vì đó, các trực thăng bay dọc theo quốc lộ rất thấp chỉ cách từ hai đến ba bộ trên mặt đường. Trong khi những người ở trên máy bay nhảy xuống thì chỉ những người bị thương nhẹ mới có thể leo lên máy bay được. Thỉnh thoảng những người nằm trên cáng, mà họ đã phải đợi tới hai giờ dưới sức nóng gần 100°F, được nâng cao ngang vai của đồng đội chờ để được tải lên máy bay. Nhưng lúc đó trực thăng sà xuống chừng 10 giây rồi lại bốc thẳng đi, để lại người bị thương với một lớp bụi đỏ mới của đất Bình Long và như vậy lại phải chờ thêm hai giờ nữa.

Nếu bị phá vỡ, An Lộc sẽ là một chiến thắng vĩ đại cho quân đội miền Bắc. Nhưng nó đã không bị sụp đổ do công của Không Lực Mỹ và ý chí kiên cường của những quân nhân Việt Nam và những Cố vấn Mỹ tử thủ trong thành phố đó. Những người lính đã bắn nhau để dành những đồ tiếp tế thả dù và viện quân thì không có công gì vì đã bị cầm chân tại quốc lộ 13 suốt hai tháng trời bởi một địch quân ít hơn nhiều.

Điều quan trọng là thành phố này đã đứng vững. “Một cách độc nhất để nói về trận An Lộc là phải nhớ rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có mặt ở đây, còn quân đội Bắc Việt thì không ” một Cố vấn Mỹ đã tuyên bố như vậy. “Bất cứ một lời phê bình nào khác đều là bất công cho người Việt Nam. ”

Tuy nhiên trong một tương lai gần, An Lộc đã chết – chết như hàng trăm bộ đội Bắc Việt đã chết trong vùng Bắc thành phố vì bị trúng bom của máy bay đồng minh mà mùi hôi thối từ những xác chết đó đã khiến cho sự hít thở không khí An Lộc thêm khó khăn khi những luồng gió nhẹ thổi về lúc xế chiều.

Cách hay nhất có thể nói là thành phố này đã chết một cách anh hùng và rằng – trong một năm kể cả việc mất Quảng Trị và Tân Cảnh – đó không phải là một thành quả tầm thường.

No comments:

Post a Comment