PHÚT CHÓT CỦA CĂN-CỨ HỎA-LỰC 31
Tại Khẩu-đội, nhân viên vừa bắn vừa vác đạn không kịp thở. Nhưng không một Pháo-thủ nào lộ vẻ uể oải.
Với ý thức trách nhiệm cao độ và tình đồng đội ràng buộc chặt chẽ, Pháo-đội chúng tôi liên kết mật thiết với Pháo-đội C3 Dù của Trí, hết mình yểm trợ với cố gắng đẩy lui các đợt tấn công quyết liệt đang đe dọa sinh mạng Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Dù cùng Pháo-đội của Đại-úy Đương ở mặt Bắc và Đông căn-cứ.
…Về phía Tây Nam Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 Pháo-đội 155 ly và Pháo-đội 105 ly Dù ở Căn-Cứ A-Lưới cũng dốc hết hỏa lực tác xạ vào mặt Tây và mặt Nam, kề cận vòng đai phòng thủ của Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Dù.
Hỏa lực yểm trợ của chúng tôi càng lúc càng thu gần đến ngay trên rào phòng thủ theo sự điều chỉnh của đích thân Đại-úy Phương Tiểu-đoàn Phó Tiểu-đoàn 3 PB Dù. Mặc dù vậy vẫn không hề xảy ra một tai nạn nào đáng tiếc. Nhờ sự điều chỉnh hiệu quả đầy kinh nghiệm này, nhiều lần kim ghi điểm dường như cắm sát bên trong đường chỉ kẽ giới hạn Căn-Cứ Hỏa-Lực 31. Tôi lo lắng và hồi hộp… lắng nghe kết quả từng tràng đạn sau khi thoát ra khỏi nòng.
Tôi điện đàm với Trí qua điện thoại:
– Nguy hiểm quá anh! Sao Bạch Phú xin bắn sát thế! Có lúc kim ghi tọa độ của tôi lọt hẳn vào trong vị trí?!
– Đại-úy không nghe đó sao, tình hình ở trển nặng lắm! Ông Phó của tôi phải đích thân vào máy đấy. Đại-úy cố gắng giúp cho kẻo bị xài xể!
– Vâng, tôi biết bổn phận của tôi lắm. Anh yên trí, tôi đích thân đốc thúc từ Đài Tác-xạ đến Khẩu-đội. Với tôi, việc tác xạ như thế này là nhanh nhất đấy. Mỗi viên đạn của tôi ra khỏi nòng phải tốn 4, 5 động tác, làm không kịp thở!
…Ầm…ầm…! cùng lúc 2 quả đạn cối 82 ly từ hướng Đông nhẻo ngay vào bên ngoài bia súng Khẩu 4. Tôi vội đặt điện thoại xuống giá, nhảy lên khỏi Đài Tác-xạ. Khói và bụi đất còn vẩn vơ trôi theo gió là là trên mặt đất. May, nhân viên không ai bị thương.
Bây giờ đúng 11g15.
Tiếp theo, Cộng quân liên tục điều chỉnh vào vị trí tôi, cứ vài phút 1 quả. Thỉnh thoảng tiếng hú rợn người của đại bác địch bay vèo qua đầu từ Bắc xuống Nam, nổ ầm ầm sát rào căn-cứ.
Tôi gọi Bạch Phú:
– Bạch Phú…! Bạch Phú! đây 83… Hiện chỗ tôi có mưa rơi lác đác (ý tôi báo động cùng Bạch Phú rằng chúng tôi đang bị địch pháo kích).
– 83!… đây Bạch Phú, hãy cố gắng giúp tôi. Các bạn bắn đẹp lắm, hiệu quả lắm. Nhưng chúng đông quá, có cả chiến xa trợ chiến. Xin các bạn làm liên tục cho chúng tôi…
– Tôi sẽ cố gắng hết mình. Thẩm quyền hãy yên trí. Lúc nào còn tác xạ được, chúng tôi không nề hà gì cả. Tôi lo cho thẩm quyền nhiều lắm!
Trong lúc bối rối giải quyết áp lực địch tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, tiền đồn hướng Đông Nam chúng tôi khám phá được mục tiêu địch đặt súng cối và yêu cầu chúng tôi khẩn cấp tác xạ tiêu hủy.
Tôi vội vàng ra lệnh Khẩu 6 trực xạ. Bốn Khẩu còn lại vẫn tiếp tục yểm trợ Căn-Cứ Hỏa-Lực 31.
…Ầm!… một tiếng nổ kinh khủng với hàng trăm mảnh vụn của một quả đạn Pháo-binh địch tung tóe ngay giữa lòng Khẩu 5 — là Khẩu mà tôi đã gởi về Đông Hà sửa chữa, đặt sát Khẩu 6 — làm 2 Pháo-thủ Khẩu 6 của TS Đợi bị thương, 1 nặng và 1 nhẹ. Thật là may cho nhân viên Khẩu 5, vì nếu quân cụ sửa chữa xong gởi trả lại cho Pháo-đội thì lúc bấy giờ chắc chắn toàn thể nhân viên Khẩu 5 hứng hết từng ấy mảnh đạn.
Tôi đến quan sát điểm nổ, mặt đất bị lõm xuống khoảng 3 tấc và đường kính cỡ 8 tấc. Sỏi sạn nám đen, hàng ống nạp bằng sắt chứa đất làm ụ súng bị xô ngã và hơn 5, 6 ống bị cắt vụn tung tóe!
15 phút sau, mực độ pháo kích của địch gia tăng dần. Đến 12g00 đạn địch rơi ngay vào giữa các càng súng.
Cùng lúc đó, Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 ơi ới gọi về:
– Chúng đông quá, đang tấn công quyết liệt: chiến xa chúng tràn gần đến vị trí rồi… Thanh Phu (là danh hiệu của Pháo-đội C 3 Dù)! Thanh Phu!… 83! 83!.. hãy bắn đầu nổ cao, C.V.T cho chúng tôi.
Tôi điện đàm với Trí ngay:
– Coi bộ nguy hiểm lắm rồi! Anh có C.V.T không? Tôi chỉ còn đầu nổ cao thôi! Anh nghĩ sao? Có nên bắn các loại hỏa pháo đó không?
– Khổ quá, tôi chẳng biết tính sao đây!
Tiếng hối thúc vọng từ chiếc máy PRC-25 càng lúc càng cấp bách:
– Bắn ngay CVT, VT và đầu nổ cao cho chúng tôi Chúng sắp tràn vào vị trí. Cứ bắn ngay trên đầu chúng đi! Nhanh lên! Nhanh lên!
[Đầu nổ cao, VT, CVT là những loại đầu nổ có thể điều chỉnh để quả đạn nổ trên mục tiêu khoảng 18, 20 thước. Với sự điều chỉnh chính xác, cao độ điểm nổ này sẽ sát hại địch tối đa ngoài trời. CVT: Controlled Variable Time]…
(Viết đến đây, tuy đã xa chiến trận đến hai tháng mà tôi còn cảm thấy ớn lạnh cả người. Hình ảnh khủng khiếp ấy hiện rõ, quá rõ trong trí tôi!.)
Cùng một tần số làm việc, tôi nghĩ rằng các đơn vị phải yểm trợ cho Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, lúc bấy giờ hẳn cũng quýnh lên chẳng khác gì tôi. Bắn ư? Với hiệu quả đầu nổ cao, VT, CVT hẳn là tiêu diệt được nhiều địch đang vây quanh và sắp tràn vào vị trí, bãi đáp trực thăng trống trải của Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Dù, nhưng binh sĩ của ta thì sao? Tôi lo quá!
– Đ…m… tôi bảo các anh bắn — các anh có bắn không? Bắn gấp! Bắn gấp cho tôi! Nhanh lên!… Nhanh lên!…
Tiếng Đại-úy Phương – Tiểu-đoàn Phó Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù như là một nghiêm lệnh khẩn cấp!
Biết nguy hiểm, lo cho hậu quả của chính lực lượng mình tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, nhưng tôi không thể làm gì hơn, phải ra Khẩu thi hành tức khắc.
Bên Pháo-đội tôi hàng chục hỏa pháo nổ cao đã ghi sẵn thời nổ 38.5 giây, liên tục nạp vào nòng giật cò. Bên Pháo-đội Trí, CVT cũng được khẩn cấp chuyển đến mục tiêu.
Tôi khựng cả người vì nghĩ đến hậu quả của từng quả đạn! Im lặng nghe kết quả với lòng hồi hộp cực độ!…
– Tốt đấy, các anh tiếp tục nhiều cho tôi. Bọn chúng chết như rạ.
– Vâng, tôi tiếp tục.
Tôi có cảm tưởng kẻ vô hình nào đó đã nới tay ra, không bóp lấy khí quản của tôi nữa! Tôi thở phào nhẹ nhỏm, như chính mình vừa vượt qua một bãi cát nóng bỏng, trên vai quảy một gánh nặng ngàn cân, may gặp bóng râm mát của cây đa đầu làng!
Tôi ra lệnh cho các Khẩu giữ yếu tố về hướng, về tầm, cùng thời nổ tác xạ nhanh hơn nữa.
10 phút sau, khoảng 12g10, bỗng Khẩu bìa của Trí có một quả đạn nổ bất thường trong nòng súng. Kết quả gây cho 1 Khẩu-trưởng thiệt mạng và vài Pháo-thủ khác bị thương!
Tai nạn này xảy ra ngay trước Khẩu 3 và Khẩu 2 của Pháo-đội chúng tôi.
Đồng thời địch gây áp lực pháo kích bằng cả 57 ly bắn thẳng vào vị trí… Kế tiếp, có cả 75 ly không giựt cùng súng cối, Pháo-binh… uy hiếp nặng nề vị trí chúng tôi và vị trí PĐC 3 Dù.
12g20, Khẩu 2 bị địch trực xạ trúng các cung răng chiều cao về hướng, nhưng may mắn cho các Pháo-thủ không bị thương — nhưng khóa chặt Khẩu này không còn cách gì quay nòng súng được nữa.
Tôi bảo Bạch Phú:
– Bạch Phú!…Bạch Phú!… đây 83! Tôi trình với thẩm quyền hiện mưa rơi quá nhiều vào chúng tôi! Hầu hết mấy con gà của tôi bị ướt cánh!
– 83! 83!… Đây Bạch Phú! Chúng tôi thông cảm các anh lắm. Hễ ngớt mưa, xin anh cho anh em ra yểm trợ cho chúng tôi. Nhờ các anh cố gắng giúp đỡ chúng tôi với! Bây giờ chỉ còn nhờ vào sự hỗ tương của các anh thôi… Phi yểm chưa có…
Thế rồi các Pháo-thủ của tôi và Trí đành phải tạm thời nấp vào các hầm. Lừa lúc Cộng quân ngớt pháo kích, các Pháo-thủ nhào ra «thụt » vài quả — xong, vội vàng nhào vào hầm… cứ thế, vừa bắn… vừa nghe ngóng… vừa bắn…
Tin tai nạn tác xạ, cùng những khó khăn vì «mưa rơi » tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chúng tôi được Bạch Phú ghi nhận.
Sau đó không lâu, qua máy truyền tin PRC-25, tôi nghe Đại-úy Vẹn – Pháo-đội Trưởng Pháo-đội B/TĐ44 PB tại A-Lưới cũng báo cáo địch làm mưa khắp vị trí bằng hỏa tiễn 122 ly và cối 82 ly để khóa súng!
Đang loay hoay ở Đài Tác-xạ B1, Huân và HS Bình đã dọn sẵn bữa ăn tại hầm cho tôi. Tôi gọi các Sĩ-quan vào ăn. Trong lúc vừa ăn, tôi bảo Thiếu-úy Toại:
– Anh chuẩn bị sẵn sàng để về Khe Sanh lo tiếp tế đạn cho Pháo-đội. Đó là lệnh của Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng mới điện cho tôi. Đồ đoàn của anh có nhiều không?
– Tôi chỉ có một ghế bố, sac marin và một cái ba lô.
– Tình hình bây giờ mỗi lúc một khẩn cấp, bãi đáp cứ bị pháo kích hoài. Tiện nhất, khi xin được trực thăng, anh nên đi về với cái ba lô thôi… còn đồ đoàn tôi cho bỏ vào móc hậu nước gởi về sau cũng được. Các anh thấy trực thăng di tản Tiểu-đoàn 21 BĐQ sáng nay thì biết! Nó chỉ sà gần mặt đất rồi cất bổng lên ngay.
Lân, Thiện đều có gởi thư nhờ Toại mang về.
Ăn xong, tôi đứng ở ngạch thông với Đài Tác-xạ uống nước. Vừa lúc đó, một Đại-úy Hoa Kỳ đi nhanh từ Bộ Chỉ-huy TĐ2 Dù ra bãi đáp. Tôi chào và xin cho Toại tháp tùng. Vị Sĩ-quan đẹp trai và khả ái này vui vẻ nhận lời ngay. Sau khi bắt tay từ giã, ông ta vội vã đi ra hướng bãi đáp. Đồng thời, tôi quay vào hầm bảo Toại:
– Toại ra mau, tôi xin được trực thăng rồi. Ra gấp đi kẻo trực thăng không thể đợi lâu được.
Từ bàn ăn, Toại tuôn chạy về hầm của anh ta cách chỗ ngồi ăn một vách đất. Thiện chạy theo cùng Binh nhì Trợ. Cả hai, mỗi người xách một món đồ cho Toại. Tôi bực mình hết sức khi thấy Thiện chạy với đầu trần không đội nón sắt, không mặc áo giáp… vác cái sac thật nặng cho Toại. Còn Trợ thì vác cái ghế bố trong lúc Toại đang loay hoay mặc áo giáp, vừa vác cái ba lô… Tôi gọi giật ngược Thiện:
– Thiện!… Thiện!… đừng ra ngoài ấy! Nón sắt, áo giáp đâu mà chạy thí mạng thế?
Nhưng Thiện không nghe!
Chiếc trực thăng vẫn quay đều chong chóng… cố gắng đợi…
Bỗng… ầm… một tiếng nổ chát tại ngay chân trực thăng do 1 quả pháo kích của Cộng quân phát nổ. Đúng ngay lúc Thiện, Toại, Trợ đến bên hông trực thăng. Khói bốc lên và cánh quạt quay chậm… chậm… dần rồi đứng nguyên bất động. Đồng thời, tất cả mọi người tại chỗ nhào vội trên đất bò lê bò càng vào tuyến thứ hai, cố tránh xa trực thăng.
Vị Đại-úy khả ái cùng viên phi công chết ngay tại chỗ! Thiện, Toại, Trợ bị thương nặng.
Tất cả những cảnh tượng trên hiện ra trước mắt tôi không quá 75 thước làm cho tôi bàng hoàng như sống trong mơ. Thiện nằm sóng sượt trên bãi đáp rên rỉ.
Tôi giận quá! Phải chi tôi không dặn trước cách đó 3 phút thì những việc kể trên không đáng làm cho tôi bực tức, hoặc giả tôi không gọi Thiện để Thiện vô tình bị nạn oan, tôi đâu có ân hận! Tất cả… tất cả chỉ vì anh em không nghe lời tôi mà hậu quả mang lại trong phút chốc 2 Sĩ-quan và 1 Pháo-thủ của tôi bị loại ra khỏi vòng chiến.
Tiếp đó 4 Pháo-thủ khác tiến ra bãi đáp cõng anh em vào. Lại… ầm… thêm một quả đạn pháo kích của địch! Quả này cách điểm nổ quả trước non 10 thước, sâu vào hướng Thiện, Toại, Trợ đang nằm, làm cho 4 Pháo-thủ đi tải thương nằm liệt ngay tại chỗ!
Từ đó, tôi phải cho anh em bò sát đất ra tải thương nhưng lần này phải tải đến 6 nhân viên bị thương! Kết quả chỉ có Thiện bị thương nặng ở mông, chân và tay. Toại bị thương ở gót chân, Trợ bị thương khắp mình. Riêng 4 Pháo-thủ bị thương đợt sau nhẹ hơn, có thể đi lại được.
Khi chuyển tất cả anh em bị thương qua hầm bệnh xá của BCH/TĐ 2 Dù, tôi đích thân đến tận nơi khẩn thiết xin bác sĩ cố gắng cứu chữa cho Thiện, Trợ. Đồng thời nhờ Đại-úy Trần-Công-Hạnh can thiệp xin trực thăng tải thương. Đại-úy Hạnh nhận lời, gọi thẳng về Bộ Tư Lệnh Dù xin phương tiện.
Hầm cứu thương quá chật, ngoài binh sĩ Tiểu-đoàn 2 Dù, Pháo-thủ PĐC 3 Dù bị pháo kích, còn có các Pháo-thủ của tôi và vài binh sĩ BĐQ. Tất cả đều được khiêng vào đây nên buộc lòng tôi phải đưa thương binh của Pháo-đội trở lại vị trí, sau khi băng bó xong.
Tôi quay lại Đài Tác-xạ, được biết tình hình Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 quá nguy ngập, Cộng quân tràn lên bãi đáp — là con đường duy nhất tiến vào Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Dù và BCH/TĐ 3 Pháo-binh Dù.
Tôi điện đàm với Trí:
– Tình hình sao nguy hiểm đến thế mà chẳng nghe có kế hoạch gì mới cho Bạch Phú hả anh?
– Như tơ vò ở trển rồi Đại-úy! Tôi ráng cho binh sĩ ra tác xạ mà ra không nổi, nó pháo ngay chốc. Tôi bị 7 con bất khiển dụng rồi…
– Từ sáng tới giờ, chưa gì mà tôi đã bị 9 con rồi. Nhưng chỉ một nặng. Bên tôi có lẽ chúng dễ quan sát nên chúng bắn 57 ly dính ngay vào đại bác. Khẩu 2 của tôi xem như tê liệt hoàn toàn, các cung răng bị cắt, làm kẹt cứng tay quay chiều cao và hướng. Khẩu 3 và Khẩu 6 xẹp cả 2 lớp. Nhưng 2 Khẩu này không ảnh hưởng gì đến tác xạ vì súng tôi xử dụng kít. Tôi còn bị vỡ 2 máy nhắm nữa! Tai hại quá!
Bây giờ là 14g15.
Tiếng «check fire», «check fire» vang trong máy từ Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 gởi đi các nơi, sau đó 2 phản lực cơ bay đến oanh kích dữ dội.
Quanh căn-cứ, địch tiến như vũ bão, cố xé một khoảng trống cho bộ binh ùa vào vị trí… Rủi ro, một trong hai phản lực cơ bị lâm nạn, phi công thoát ra khỏi phi cơ với 2 cây dù đỏ treo lơ lửng trên không, chiếc jet phản lực còn lại bỏ nhiệm vụ yểm trợ, vần vũ bảo vệ mạng viên phi công ngộ nạn. Sau đó có 2 Cobra và 1 trực thăng tải thương tiếp đến, nhưng lại cũng với nhiệm vụ cố gắng cứu phi công mà thôi.
Cùng lúc, hầu hết các Căn-Cứ Hỏa-Lực Pháo-binh có nhiệm vụ tác xạ giải tỏa áp lực địch tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, đều bị pháo kích khủng khiếp, địch cố tình làm giảm khả năng yểm trợ hổ tương của chúng tôi, Dù vậy, Trí và tôi vẫn cố gắng, cùng với PĐB/ TĐ44 PB, PĐAI/Dù ở A-Lưới cho nhân viên ra Khẩu tác xạ… Sau mỗi lần giật cò, lại vội nhảy xuống hố cá nhân nấp, nghe ngóng động tĩnh xem có tiếng «départ » pháo kích địch không, xong lại lao lên nạp đạn… giật cò… Cứ thế, các Pháo-thủ tác xạ lai rai cho Bạch Phú.
Cuối cùng, Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 đành phải xử dụng hỏa lực cơ hữu chống trả.
Lúc bấy giờ, Pháo-đội Đại-úy Nguyễn Văn Đương vẫn còn xử dụng danh hiệu Huyền Phú — và chỉ có hỏa lực của Huyền Phú trực xạ chống chiến xa hữu hiệu hơn cả.
Đại-úy Đương xử dụng PRC-25 liên lạc với Bạch Phú:
– Bạch Phú!… Bạch Phú!… đây Huyền Phú!… tôi đã bắn hạ 3 chiến xa địch tại bãi đáp rồi. Bọn chúng không dám tiến vào nữa!
– Phải cẩn thận kẻo tốp sau chúng nhào lên đấy.
– Chúng tôi đang bắt sống mấy tên Việt cộng còn sót trên bãi trực thăng. Chúng chết nhiều lắm!
Im lặng một chốc, Đại-úy Đương báo cáo:
– Một trong ba chiến xa địch đứt xích nằm tại chỗ. Bọn tôi leo lên nhưng mở bửng không ra. Chúng khóa kỹ và bên trong chỉ còn một vài tên thôi.
– Nếu bắt sống không được, cho anh em dang ra, nấp dưới hầm cá nhân «thụt » M72 cho chúng chết đi chứ.
– Vâng, tôi sẽ thi hành.
Chiến trường bỗng nhiên lắng dịu, nhưng là cái lắng dịu trong sự hãi hùng nghiêm trọng!
Khoảng 16g00 đợt tấn công thứ nhì tái phát mạnh hơn trước, hàng chục chiến xa địch nối tiếp nhau bao vây Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 mang cả biển người theo sau và hai bên hông xe.
Ngồi tại Đài Tác-xạ, tôi chú tâm theo dõi từng giây phút với sự hồi hộp cực độ. Những tràng AK, những tiếng nổ chát chúa của M79 cùng lựu đạn hòa lẫn, vang dội trong ống nói mỗi lần Bạch Phú và Huyền Phú liên lạc với nhau. Không khí tại Đài Tác-xạ chúng tôi thật là nặng nề khó thở!
Súng nổ vài phút, Đại-úy Đương báo cáo khẩn cấp:
– Bạch Phú!… Bạch Phú!… đây Huyền Phú… Việt cộng tràn lên bãi trực thăng đông quá! 5 con gà của tôi bị hỏng hoàn toàn! Còn 1 con thôi! Tôi ra trực xạ đây!
Không ngờ, đó là lời nói cuối cùng của Đại-úy Nguyễn-Văn-Đương người bạn Tiền-sát-viên khả ái của tôi — và cũng là người hùng của Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 — mà từ nay không bao giờ, sẽ không bao giờ tôi được hân hạnh bắt tay anh nữa!
Từ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, dùng ống nhòm nhìn về Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, tôi thấy rõ những cột lửa, khói bốc cao, hậu quả của cuộc chiến đấu đẫm máu, quyết liệt làm cho lòng tôi se lại, âu lo!…
Chắc chắn bây giờ các bạn tôi đang bối rối trong chiến đấu đơn độc một mất một còn với Cộng quân.
Đến 16g15 tôi bắt được tiếng nói cuối cùng, nghẹn ngào và ngắt quãng của Đại-úy Hà-Minh-Phương –Tiểu-đoàn Phó Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù:
– Thành thật cho chúng tôi cám ơn các bạn… đã tác xạ… hết mình cho chúng tôi… Nhưng bây giờ… không còn cách nào… cứu vãn được nữa… Vĩnh biệt các bạn!… Vĩnh biệt các bạn!…
Bỗng dưng một cái gì ớn lạnh chạy dài xuống dọc tủy sống, xông lên ót tôi, hai bên thái dương ê như kim châm, chẳng khác một tia điện thoáng nhanh trong phút chốc lan khắp cơ thể tôi. Tôi sững sờ buông tiếng:
– Trời ơi!… thôi hết rồi!… Hết rồi Căn-Cứ 31!…
Không khí im lặng vô cùng nặng nề, phút chốc tràn ngập nhanh đè nặng tâm tư của mọi nhân viên hiện diện tại Đài Tác-xạ. Không ai bảo ai, mỗi người đều đồng một thái độ: kéo dài phút im lặng… hồi tưởng lại những tiếng nói quen thuộc xin tác xạ của Bạch Phú trước đây… Hầu như tâm tư mỗi người đang theo đuổi một suy tư riêng trước tình hình đen tối của Căn-Cứ Hỏa-Lực 31!
Một lần nữa, tôi như người mất hồn, như sống trong mộng!… thực hay mơ đây! Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 với toàn Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Nhảy Dù và BCH/TĐ 3 PB Dù lại có thể bị địch tràn ngập ư?
…Mặt trời hôm nay lặn chậm thế? Màn đêm ngập ngừng buông xuống đó đây… nặng trĩu… nặng trĩu… chẳng khác nỗi ưu tư đang đè lên tâm hồn tôi!…
Bên ngoài, địch pháo kích đều đều!
Bữa cơm tối, mãi đến 21g00 tôi vẫn không buồn nhìn! Miệng tôi trở nên đắng khó chịu. Ngồi trong hầm các Sĩ-quan mỗi người theo đuổi một ý tưởng riêng… Tiếng rên rỉ xin nước uống của Thiện ở hầm bên cạnh vọng lại làm cho lòng tôi thêm se thắt.
– Đại Bàng ơi! Đại Bàng… có thương thằng em thì cho thằng em một hớp nước! Khát quá! Khát quá… Trời ơi!… Ôi! nhức quá trời ơi!…
Tiếng «trời ơi» thống thiết của Thiện cứ nối nhau thoát ra miệng hầm dội vào tai tôi! Tôi không dám ra mặt, tôi không đủ can đảm bước sang hầm Thiện nữa! Bác sĩ bắt buộc tôi phải cấm ngặt không cho Thiện và các Pháo-thủ bị thương uống nước, ông dặn đi dặn lại khi chiều:
– Đại-úy phải cấm, đừng cho anh em bị thương uống nước, nhất là Thiện, Trợ, Đề. Hễ Đại-úy cho uống nước thì không cách gì cầm máu được mà máu ra nhiều thì chết đấy!
Nơi Thiện nằm lại sát với Đài Tác-xạ. Những lời bàn tán về tình hình Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 của các nhân viên tác xạ hẳn đã lọt vào tai Thiện, điều mà tôi lo ngại nhất! Vì e rằng Thiện sợ hãi sẽ nguy hiểm đến tính mạng, bởi vết thương khá nặng đang hành hạ nó!
Tôi ra lệnh cho HS Cang, y tá Pháo đội túc trực bên ghế bố Thiện đang nằm để săn sóc. Trong hầm không có một tí ánh sáng, chỉ có tiếng rên rỉ của Thiện nổi bật trong đêm tối!
Cầm lòng chẳng được, tôi gọi Cang đi lấy cho Thiện một cốc nước. Cang «dạ» thật to, nhưng lại bước vội qua hầm tôi, kề tai tôi nói nhỏ:
– Thưa Đại-úy, chứ Đại-úy không nhớ lời dặn của Bác Sĩ Quân Y khi chiều sao? Hễ cho Thiếu-úy uống nhiều nước thì máu ra không cầm nổi đâu!… Tôi lo quá! Thiếu-úy ổng nằm sắp máu bên hông cứ trồi lên chảy thấm cả ghế bố!…
– Tôi hiểu! Nhưng nó rên quá, tôi xót ruột lắm! Thôi anh đem một miếng bông qua đây nhúng vào ly nước của tôi, đưa cho Thiện nó ngậm đỡ!
Lân ngồi trước tôi với vẻ mặt buồn bã, lo âu không thốt một lời!… Bình thường Lân ít nói, lúc bấy giờ Lân lại ít nói hơn nữa. Có lẽ Lân sống bằng nội tâm nhiều hơn tôi. Giữa hai đứa tôi thật có khác nhau, khá xa về lối giao tế. Lân điềm đạm hay cân nhắc từng ý kiến khi trình bày bất cứ một vấn đề gì. Tôi thì trái lại, mọi việc tôi giải quyết bô bô. Tính tôi thường bộc lộ như chính tôi muốn moi cả tim ruột cho mọi người thấy lòng chân thật của mình — dù điều ấy có là tốt hay xấu! Giận ai tôi không bao giờ để bụng, thương ai tôi cũng không biểu lộ tình thương bằng lời nói hoặc cụ thể bằng hành động cử chỉ.
Tôi bảo Lân:
– Khổ quá! Bây giờ tính làm sao đây? Khi chiều tôi đã xin và được Đại-úy Hạnh can thiệp ngay với Bộ Tư Lệnh Dù cấp trực thăng tải thương, để đưa mấy anh em bị thương về Quân Y Viện cho nhẹ gánh. Nhưng chưa có kết quả nào! Rủi đêm nay bọn chúng tấn công vào đây và trường hợp bắt buộc phải rút bằng đường bộ thì làm sao cứu Thiện với các binh sĩ của mình?
Im lặng một chút, Lân tiếp:
– Vạn nhất có trường hợp không may như thế xảy đến, lúc đó phải cõng đi chứ biết làm sao! Đại-úy cứ bình tĩnh để anh em khỏi xao động. Tôi sẽ họp các Khẩu-trưởng rồi phân công cho từng Khẩu lo.
Nhìn qua Ngân, anh ta ngồi im không góp ý.
Cang cho Thiện ngậm miếng bông tẩm nước xong, bước trở lại hầm tôi, kề tai tôi nói nhỏ:
– Thưa Đại-úy, Thiếu-úy Thiện dỗ tôi tìm đưa cho ổng Khẩu Colt… Tôi sợ ổng muốn tự sát quá!
Cùng lúc đó, có lẽ Thiện không hy vọng gì Cang nghe lời đi tìm súng, nên Thiện hét lớn với giọng Huế giận dữ, uất ức:
– Nhức quá!… Trời ơi!… Nhức quá!… Đại Bàng có thương tôi thì bắn cho tôi một phát… một phát thôi!… Ôi! Nhức quá trời ơi!… Tôi chịu không nổi nữa Đại Bàng ơi!…
Hơn bao giờ hết, ruột tôi như ai đem chặt ra từng khúc. Tôi đau xót như chính Thiện đau xót. Tôi khóc! Lần đầu tiên chỉ huy tại trận chiến, tôi đã khóc vì Thiện! Một Sĩ-quan đa năng, bất chấp mọi khó khăn vất vả, góp phần đắc lực trong việc tổ chức Pháo-đội, là đứa em tôi thương mến đặc biệt, là một Sĩ-quan cộng sự trung thành của tôi trong 6 tháng qua, giờ đây lại khẩn cầu tôi ban ân huệ: Một phát súng!
Lời nói ấy tạo cho tôi một ý niệm quá rõ rệt về cảm giác đau đớn tột độ của Thiện cơ hồ xác thịt không còn chịu đựng nổi!
Lân khuyên tôi:
– Đại-úy đừng khóc, vẫn biết Đại-úy thương Thiện đấy, nhưng còn bao nhiêu binh sĩ nữa! Đại-úy cần giữ bình tĩnh để chỉ huy anh em, nhất là trong lúc này.
Nghe lời Lân, nhưng tiếng rên rỉ của Thiện tôi không thể xua đuổi ra ngoài tai tôi! Tôi khổ sở hơn bao giờ hết!
Cùng lúc, máy PRC-25 có tiếng gọi của Thiếu-tá Nguyễn-Văn-Tự, Tiểu-đoàn Trưởng của tôi, tôi mừng như bắt được vàng. Tôi cố gắng liên lạc qua giọng nói nghẹn ngào:
– Tôi xin Phượng Hoàng, với bất cứ giá nào, phải can thiệp cho được một phi vụ tải thương để đưa các anh em bị thương về cứu chữa. Phần tôi, tôi chấp nhận mọi nguy hiểm dù có hy sinh, tôi không tiếc. Nhưng tôi không thể nghe tiếng rên xiết đau đớn của Thiếu-úy Thiện. Tội nó quá, Phượng Hoàng cố gắng lo cho nó gấp đi.
Giọng khàn khàn ở đầu máy bên kia, kết quả của những đêm Thiếu-tá Tự không ngủ vì lo lắng và la hét đôn đốc nhân viên thực hiện công tác tiếp tế kịp thời cho Pháo-đội tôi cùng Pháo-đội Đại-úy Vẹn.
– Anh yên trí! Tôi biết tình cảnh của anh rõ lắm. Tôi đang lo đây, sáng mai, thế nào cũng có phi vụ tải thương lên cho anh…
Một cuộc họp khẩn cấp Thường-vụ và Khẩu-trưởng được triệu tập tại hầm tôi. Tôi thuật qua tình hình trầm trọng đã xảy ra cho Căn-Cứ Hỏa-Lực 31, xong, tôi chỉ thị kế hoạch đối phó khi địch tấn công vị trí, phân công trực xạ cho các Khẩu, mỗi Khẩu phụ trách khiêng hoặc dìu một thương binh, nhân viên truyền tin, tác xạ cũng thế.
Trung Sĩ Thìn báo cáo:
– Khẩu tôi mất Hạ sĩ I Đới! Không biết ảnh đi đâu từ trưa tới giờ không thấy về ăn cơm!
Thế rồi người bàn ý này, kẻ góp ý nọ, nghi ngờ anh ta bu theo trực thăng trở về Khe Sanh trước bữa cơm trưa. Nhưng sự thật, không ai biết anh ta ở đâu cả!
Tôi bảo HSI Bách khẩn liên lạc với Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, nhờ xác nhận có HSI Đới ở đấy không. Lát sau, được nhân viên Tiểu-đoàn 44 PB trả lời: Suốt ngày hôm nay không có một binh sĩ nào của Pháo-đội C chúng tôi về Khe Sanh!
Tôi đâm nghi ngờ và nghĩ đến những chuyện rủi ro có thể xảy ra cho HSI Đới trong những đợt pháo kích khủng khiếp vào vị trí từ sau 12g00 trưa đến chạng vạng tối. Nhưng tôi không dám bày tỏ ý nghĩ ấy cho anh em biết — chẳng qua đó chỉ là một nghi vấn.
Sau đấy, mọi người rời khỏi hầm. Trong hầm chỉ còn tôi, Lân và Ngân. Tôi cho nhân viên đi mời Trung-úy Kim (D.L.O của BĐQ).
…Gặp tôi, Kim vội hỏi:
– Thầy gọi tôi có việc gì cần không?
– Không có gì cần cả. Tại sao khi trưa em không theo Tiểu-đoàn 21 BĐQ về cho rảnh. Bây giờ BĐQ rút hết, em còn nhiệm vụ gì nữa mà ở lại đây cho nguy hiểm?
– Tôi chưa được lệnh gì cả. Tôi có hỏi Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn tôi, nhưng chưa có lệnh lạc gì mới. Thiếu-tá Hàng bảo tôi cứ chờ!… chờ!… thành ra tôi không dám về.
Kim tiếp:
– Thôi thì ở lại với thầy cho vui vậy.
– Trong lúc đợi lệnh mới, em qua đây ngủ với tôi cho bảo đảm.
– Hầm tôi đằng kia cũng chắc chắn lắm. Mấy tấm PSP của thầy cho, tôi cho gác lên trên và sắp bao cát dày lắm. Ở đó, tôi còn có hai thằng “tà lọt” nữa.
– Nhưng qua đây cho tiện, dầu sao với hai máy PRC-25, mình có thể liên lạc và nghe ngóng tình hình được nhiều nơi, thuận lợi hơn.
Nghe tôi nói có lý, Kim về gọi “tà lọt” mang các sắc và máy qua tá túc với tôi. Kim ngã lưng chung với Lân — vì là bạn đồng khóa của Lân — còn Ngân thì trải bản đồ, nằm ngay dưới đất.
Khoảng 22g00, Kim ra khỏi hầm nhìn vớ vẩn, bỗng thấy một đoàn Molotova địch pha đèn di chuyển, cách Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chúng tôi non 4 cây số ở hướng Bắc-Tây Bắc. Kim gọi bọn tôi ra xem.
Trên “xa lộ” Hồ Chí Minh từng chiếc vượt qua một cái eo thẳng hướng vào căn-cứ chúng tôi để lộ đôi đèn pha chọc thủng màn đêm — Đó là những đoàn xe vận tải nặng, di chuyển tiếp liệu phẩm chiến tranh của Cộng quân. Đoàn xe khá dài. Bọn chúng tôi có thể đếm được từng chiếc…
Tôi gọi máy xin Trung-tá Thạch và được chấp thuận cho chúng tôi tác xạ vào đấy. Đồng thời tôi cũng gọi điện thoại báo cho Trung-úy Nguyễn-Bá-Trí ra quan sát.
Lúc bấy giờ, cả Trí và tôi nhận sự chỉ huy của Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn 1 Pháo-binh Dù. Pháo-đội tôi cải danh hiệu là 93.
Khẩu 3 và Khẩu 4 thi hành tác xạ ngay. Khi đạn nổ, tại mục tiêu những ánh đèn pha tắt rụi… nhưng sau đó, ánh sáng lại vẫn tiếp tục soi đường di chuyển.
Ban ngày địch pháo kích khủng khiếp bao nhiêu thì ban đêm, trái lại, yên tĩnh bấy nhiêu. Địch sợ lộ mục tiêu chăng? Hay đang thi hành kế hoạch tiến quân bám sát vòng đai phòng thủ căn-cứ? Thật khó hiểu!
Trở lại hầm, chúng tôi ngồi bàn luận đủ chuyện. Ngân táy máy rà tần số làm việc của Bạch Phú, bỗng nghe tiếng nói rất khẽ của Trung-tá Bùi-Văn-Châu Tiểu-đoàn Trưởng Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù từ Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 gọi cho Tiền-sát-viên của các Đại-đội Tiền Đồn kế cận (những Đại-đội này chưa bị địch tràn ngập):
– Tôi đang bịt kẹt… trong góc… hầm chỉ huy… làm thế nào… cứu tôi với… Việt cộng trên đầu tôi nhiều lắm…
Giọng nói thật nhỏ như hơi gió! Có lẽ Trung-tá Châu rõ hơn ai hết những nguy hiểm của một tiếng động do Trung-tá tạo ra sẽ tai hại cho sinh mệnh Trung-tá tức khắc.
Lúc sẩm tối, tôi được Trí báo cho tôi về việc sống sót hi hữu của Trung-tá Châu… nhưng liên tiếp tôi phải giải quyết nhiều vấn đề của Pháo-đội nên không thể theo dõi được.
Bây giờ, chính tai tôi và các Sĩ-quan có mặt tại hầm nghe lời kêu cứu của Trung-tá, bỗng dưng chúng tôi im lặng nhìn nhau ngơ ngác, lại sợ cả tiếng động phá tan lời kêu cứu của Trung-tá! Cuộc đối thoại của Tiền-sát-viên, của các thẩm quyền thuộc các Đại-đội tiền đồn và Trung-tá Châu cho chúng tôi nhiều tưởng tượng về khung cảnh nguy hiểm mà Trung-tá đang sống.
Khoảng giữa khuya, có tiếng liên lạc… có lẽ từ phi cơ gọi xuống, đại khái, trên phi cơ ban hành một lệnh khẩn cấp…!
– Lệnh của Bạch Long … Đại-đội… phải tìm cách đột kích vào cứu Trung-tá Châu ngay trong đêm nay…
[Bạch Long: Danh hiệu của Trung Tướng Tư Lệnh Sư-đoàn Dù, xử dụng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719]
Bạch Long là danh hiệu của Trung Tướng Dư-Quốc-Đống, người anh cả khả kính của Binh-chủng Dù đã luôn luôn theo sát bước chân của đàn em trong những giờ phút quyết liệt tại trận chiến với những lo âu chân thật của một vị tướng giàu tình thương binh sĩ thuộc hạ.
Sau lệnh ấy, Đại-đội Tiền đồn liên lạc thường xuyên với Trung-tá Châu, đồng thời tìm cách tiến dần về Căn-Cứ Hỏa-Lực 31…
Đến 2g00 ngày 26-2-1971, tiếng nói của Trung-tá Châu tắt hẳn! Tôi nghe rõ câu hỏi qua giọng nói nghẹn ngào đứt quãng của Đại-đội này:
– Đích-thân!… Đích-thân!… Đích-thân còn ở đầu máy không?… Nếu còn xin Đích-thân thổi vào máy một hơi! Hãy thổi vào máy một hơi để chúng tôi biết chừng!… Chúng tôi đang cố vào với Đích-thân đây.
Im lặng một chút, vẫn không có tiếng trả lời, dù chỉ là một hơi thổi vào ống nói!
– Đích-thân!… Đích-thân!… (giọng nói run rẩy ở đầu máy)… chết tôi mất!… Làm sao thi hành lệnh của Bạch Long… làm sao báo cáo cho Bạch Long đây!… (giọng run rẩy đến lúc này đã trở thành tiếng thổn thức)… Đích-thân!… Đích-thân!… nếu chưa lọt vào tay địch, xin Đích-thân ráng thổi vào ống nói cho chúng tôi một hơi! Trời ơi!… chết tôi mất!…
Tình đồng đội từ một vị tướng lãnh cho đến một binh nhì của binh chủng thể hiện tha thiết trong mưu đồ giải cứu Trung-tá Châu hơn bất cứ lúc nào!
Tất cả chúng tôi lặng người! Trân tráo nhìn nhau thở dài, thương xót cho số phận mong manh của Trung-tá Châu!
Trung-tá Châu đã đền nợ nước hay bị địch quân khám phá, bắt được tại góc hầm chỉ huy đưa đi làm tù binh? Tôi chắc chắn không ai dám quả quyết, nếu không phải cùng cảnh ngộ với Bộ Chỉ-huy Lữ-đoàn 3 Dù.
…Lác đác, tiếng súng AK quanh Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 bắt đầu khuấy rối vòng đai phòng thủ.
Một trận mưa B52 cách vị trí chúng tôi khoảng hơn 1 cây số ở hướng Bắc, trải dài từ Đông sang Tây, làm thành một bức màn lửa, nối tiếp với những tràng tiếng nổ kinh khủng, chớp nhanh, sáng rực cả một vùng. Tiếng động làm lay chuyển tất cả hầm hố tại vị trí…
Phi cơ soi sáng tiếp tục thi hành nhiệm vụ trên không phận chúng tôi mãi đến 6g30 sáng.
7g00 ngày 26-2-1971, anh em Dù đi kiểm soát lại hệ thống mìn ven bãi trực thăng, bỗng phát giác thi hài của HSI Đới nhờ cái huy hiệu mang ở cánh tay trái.
TSI Bình cùng một số nhân viên ra lượm chân và gói xác Đới vào một cái poncho. Đới chết vì địch pháo kích trong lúc anh đang đi tiêu. Đạn rơi ngay vào chỗ ngồi của anh, phía dưới hầm đạn chính của Pháo-đội. Anh bị đứt lìa cả nửa người. Có lẽ anh đã chết ngay sau tiếng nổ.
Tổng kết lại, đến bây giờ tôi đã thiệt một binh sĩ và bị thương 7, hoàn toàn vì đạn pháo kích của địch.
Suốt buổi sáng, nhân viên các Khẩu lẩn quẩn trong hầm hoặc cộng sự — vì bây giờ địch pháo kích đủ loại kể cả súng bắn thẳng.
Đến 10g00 trực thăng tải thương sà thấp để đáp xuống bãi… cùng lúc, đạn pháo kích rơi ngay bãi đáp! Bắt buộc trực thăng phải bốc lên, không kịp nhận thương binh nữa.
Gần 1 giờ sau, bãi đáp số 2 được thiết lập khẩn cấp ở phía Nam, ngay bên ngoài vòng rào phòng thủ vị trí Pháo-đội, khuất sau một đám cây dày và thấp ở hướng Đông. Nhờ vậy, chúng tôi chuyển được tất cả anh em bị thương về hậu cứ — kể cả xác của HSI Đới.
Khổ sở nhất là việc tải thương cho Thiện! Mảnh đạn lớn ăn sâu vào hai mông, chân, làm Thiện không thể nằm ngửa được để khiêng bằng băng ca. Cửa hầm ngủ lại quá hẹp, bên ngoài địch pháo không dứt…
Cuối cùng, TS Đức tình nguyện cõng Thiện chạy xuống bãi đáp mới.
Lúc trở về, mặt Đức tái xanh vì mệt ngất, mồ hôi nhể nhại khắp cả đầu, cổ, mình mẩy. Nhìn Đức, tôi cảm động quá, tôi ôm đầu nó vào ngực vừa mừng, vừa tủi. Đức tuy nhỏ người, trẻ, nhưng can đảm và dạn dĩ như kẻ đã từng trải chiến trận.
Bình thường, lúc Pháo-đội còn đồn trú tại Quảng Nam, Đức có tiếng là lười và hay “dù” đi chơi lắm. Thế nhưng, từ lúc qua Lào, có lẽ bí đường “du hí” hắn ta lại hăng say làm việc hơn bất cứ một Hạ Sĩ-quan tác xạ nào, lại nêu cao tình đồng đội trong việc giúp đỡ bạn bè làm công tác, không nề hà vất vả.
Hoàn tất việc tải thương, tôi thở phào nhẹ nhõm vì đỡ được một nỗi lo. Giờ đây, tất cả chúng tôi rảnh tay để đối phó với tình hình mới.
Khoảng 12g00, một quả đạn pháo kích rơi vào bên trong miệng hầm Khẩu 2. Tất cả Pháo-thủ nhào ra bằng một ngách nhỏ, nhảy vội sang hầm Khẩu 4. Hai nhân viên chạy sau cùng bị cháy áo giáp, vừa lủi vừa cởi bỏ, nhưng may mắn chưa bị thương.
Cứ thế, các Pháo-thủ xử dụng hầm này đến hầm khác, nếu hầm trước bị sụp hoặc bị cháy.
Bên vị trí Pháo-đội C3 Dù, càng lúc đạn pháo kích địch rơi càng chính xác vào các ụ súng. Sự thiệt hại về sinh mạng lúc bấy giờ chưa đáng kể, nhưng các hầm làm bằng dư liệu tác xạ như thùng gỗ, ống giấy… đã bắt đầu tác hại vì dễ bắt lửa.
Về chiều, mực độ pháo kích gia tăng, chúng vẫn xử dụng súng cối 82 ly, các loại đại bác 57 ly và 75 ly bắn thẳng vào vị trí. Các vị trí súng cối bộ binh của chúng mỗi lúc một di chuyển đến gần căn-cứ hơn.
Tại Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn 2 Dù, Đại-úy Trần-Công-Hạnh khẩn đánh công điện xin các phi vụ B52 giải tỏa áp lực.
Trong những lúc ngớt pháo kích, khoảng vài ba phút, pháo đội lại ra sức tác xạ yểm trợ cho các cánh quân tái chiếm Căn-Cứ Hỏa-Lực 31. Tuy nhiên, công tác yểm trợ này gặp quá khó khăn nên Pháo-đội dẫu cố gắng tối đa vẫn không thể thi hành liên tục. Vì, sau vài quả đạn bắn đi, địch nghe tiếng “départ” của Pháo-đội, lại tiếp tục pháo kích, bắt buộc nhân viên phân tán vào hầm nấp.
Dây dưa như vậy cho đến tối chúng mới ngưng pháo kích. Phi cơ soi sáng trở lại với căn-cứ chúng tôi từ 19g30 liên tục thả hỏa châu, soi sáng chiến trường.
No comments:
Post a Comment