Sunday, July 17, 2022

ĐÔNG-HÀ NHỮNG NGÀY TẠM-TRÚ - TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)

ĐÔNG-HÀ
NHỮNG NGÀY TẠM-TRÚ

Sáng 26-3-1971, tôi thi hành bàn giao nhiệm vụ lại cho Pháo-đội 155 ly cho Đại-úy Khôi thuộc Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh đến thay thế. Kế đấy, tôi hướng dẫn Pháo-đội C với đầy đủ 6 đại bác, di chuyển theo các đơn vị tiền trạm.

Khởi hành từ Khe Sanh lúc 14g15, chúng tôi theo sau một đơn vị Pháo-binh phòng không Hoa Kỳ. Đoàn xe rất dài, nối tiếp nhau có đến 10 cây số. Đường đi được Công Binh sửa chữa thêm trong suốt thời gian hành quân nên bây giờ trở nên rộng rãi như xa lộ, và tuy là đường đất không rải nhựa nhưng mặt đường ít lồi lõm. Có điều quanh co và hai bên cạnh đường vẫn còn những vách núi chằng chịt cây rừng, khuất lấp. Chính Cộng quân đã lợi dụng địa thế này, đặt những toán phục kích nhỏ, xử dụng B40 bắn vào đoàn xe của ta.

Sau một tiếng đồng hồ lăn bánh chậm chạp, chúng tôi phải dừng lại để các đơn vị tiền phong chiến đấu với một toán phục kích địch. Khi xe tiếp tục chạy, chúng tôi vượt qua chặng phục kích, nhìn thấy chiếc xe cần trục (wrecker) cháy dở nằm bên vệ đường, cùng một xe jeep với 4 chiến hữu tử thương tại chỗ!

Di chuyển trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, riêng Pháo-đội tôi liên tiếp thoát khỏi 3 lần phục kích tại 3 địa điểm khác nhau trên lộ trình. Lúc thì địch quân đánh vào đằng trước, giữa hoặc sau đoàn xe, nhưng may mắn, không có lần nào ngay trong đoàn xe của chúng tôi.

Để khích lệ tinh thần anh em, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng dùng trực thăng vần vũ bay theo chúng tôi, liên lạc từng phút với lòng lo lắng cực độ.

Suy nghĩ lại, quả thật Pháo-đội tôi có số đỏ! Đã vinh dự tiền phong vượt biên giới Lào-Việt sau khi Tổng Thống hạ lệnh tấn công và cuối cùng rút về sau rốt đối với các Pháo-đội tác xạ trong Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh này!

…18g00, thị trấn Đông Hà hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ trên trực thăng, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng ra lệnh cho tôi đưa Pháo-đội vào đóng quân chung trong doanh trại Pháo Hồng của Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh. Nơi đây, các Pháo-đội A, B đang tạm chiếm từ hai hôm qua.

Bấy giờ chúng tôi mới cảm thấy nhẹ cả người, mặc dầu thỉnh thoảng địch vẫn pháo kích hỏa tiễn vào phi trường đối diện với chúng tôi không quá 1000 thước, không làm bận tâm cho ai cả!

Tuy nhiên, công việc nhà binh là thế. Hết nhiệm vụ này, lập tức có ngay nhiệm vụ khác. Thôi thì đủ việc để làm, không có lấy một giờ «thất nghiệp». Chúng tôi bắt tay ngay vào việc tu bổ đại bác, liên lạc Quân-cụ xin cơ phận thay thế, tu bổ quân xa, chuẩn bị «banderoles» duyệt binh, lập phúc trình tổn thất, lập bản đề nghị thăng thưởng cấp bậc, tưởng thưởng huy chương cho các anh em Hạ-sĩ Quan, Binh-sĩ… cơ hồ không còn đủ giờ để làm hết việc…

Chính lúc này, chúng tôi, những người hiện diện tại đơn vị, được nhận một ít tặng phẩm của Phu Nhân Tổng Thống Thiệu gởi đến. Món quà tuy nhỏ, mỗi người được 5 gói thuốc Ruby Quân tiếp vụ và 1 lọ dầu cù là, nhưng cử chỉ ưu ái này phần nào đã an ủi được lòng các chiến binh xông pha ngoài trận tuyến.

…Chẳng bao lâu, nhờ các Sĩ-quan giàu thiện chí và ham việc, Pháo-đội tôi hoàn tất các công tác của Tiểu-đoàn giao phó. Rồi theo lệnh mới, tôi tiếp nhận Trung-úy Vinh làm Sĩ-quan Tác-xạ Pháo-đội thay thế Trung-úy Lân. Vinh là người dong dỏng cao, nước da cháy nắng, là một Sĩ-quan gan dạ, đã đi đoạn hậu triệt thoái được 2 khẩu đại bác 155 ly từ A-Lưới về Khe Sanh bằng đường bộ, trong đoàn của Đại-úy Vẹn và Trung-úy Phương.

Suốt thời gian từ 27-3 đến 3-4-1971, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở cổng trại Pháo Hồng chờ đợi những chỉ thị của Thượng-cấp… Anh em đi phép, nhân đấy lần lượt trở về đầy đủ. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống bình thường như trước khi đi hành quân.

Vào một buổi tối, tôi tiếp nhận thư của một đồng bào Đại Lộc – lại là người đang kiêm Hiệu Trưởng Trung học Đệ I, Đệ II cấp sở tại – gởi đến. Lời lẽ trong thư đã an ủi cho tôi cùng toàn thể quân nhân Pháo-đội C/44 Pháo-binh rất nhiều.

Ông ấy viết:

Hội An, ngày 16 tháng 3 năm 1971

Anh Hy,

Trong những ngày bận rộn lo thủ tục xuất ngoại tại Sàigòn, tôi thật sự băn khoăn khi nghĩ đến anh và Pháo-đội C. Chiến trường Lào với những khó khăn lúc đầu làm tôi không yên tâm. Tôi cố gắng tìm những liên lạc về anh để trả lời câu hỏi hằng ngày của quý vị Giáo-sư trong trường tôi, của mấy em Nam-Nữ-Sinh thơ ngây và thành thật khi chúng hỏi về anh – Vị Sĩ-quan trẻ, hào hoa mà chúng mến đậm đà. Tin thất thủ từ Đồi 31 làm tôi thêm bối rối. Tôi thường không say mê tin chiến sự, bỗng dưng tôi thấy quan trọng lạ thường. Tôi tìm đọc tin tức về Lào, nhưng làm sao để biết bây giờ anh ở đâu? Tôi biết chắc là trong Lào Quốc đèo heo hút gió, có lúc anh nghĩ đến trường do anh đỡ đầu – thật là kỳ lạ, chỉ có thể hiểu mà không lý giải được có hàng ngàn người đang chiến đấu tại Lào – Tại sao, ở đây quận Đại Lộc này, từ cụ già đến em học sinh, từ người thứ giả đến thứ dân đều nghĩ đến anh, hỏi về anh, lo cho anh. Đây quả là trường hợp hi hữu. Vì như anh rõ, anh cùng Pháo-đội C chỉ ở đây mấy tháng – Thời gian không đủ để sự cảm mến, những khả tín nơi anh lan tỏa rộng rãi thế này.

Chúng tôi đi ngang qua Cà-phê Trâm, ngang nhà Huynh đều bị chận lại hỏi về anh. Trời tháng 2 mà trở lạnh. Chúng tôi ngồi trong văn phòng, nhìn vật kỷ niệm anh tặng, nhìn lên Đồi 37 rồi bất giác thở dài:

«Un seul être vous manque et tout est dépeuplé..» quả đúng như vậy. Sự ra đi của anh và Pháo-đội C để lại một khoảng trống quá lớn tại địa phương này, nhưng với tôi mới là điều quan trọng. Vài đêm ngủ trên đồi anh, tôi không quên được. Có cái gì đó khiến tôi tự nghĩ là «Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu» với anh, nó có thể là quan niệm sống về những «goût» giống nhau, những cảm nghĩ về cuộc chiến như nhau.

Tôi biết anh không có thì giờ để buồn khi chiến đấu ở Lào. Chính cái điều làm ta băn khoăn là ta ý thức quá rõ về thân phận của ta và tha nhân.

Xông pha trăm trận, chắc anh không quản ngại da ngựa bọc thây, nhưng lo là sau mình, không biết có ai tiếp tục sự nghiệp mà mình phải trả bằng mồ hôi và xương máu? Thú thật với anh, tôi không tin tưởng bao nhiêu ở thế hệ mai sau.

Dù vậy, cả tôi, cả anh, chúng ta sinh ra dưới vì sao lung linh, chúng ta không chịu an nhàn trong vô vi. Chúng ta đủ an tâm thủ phận, nhưng không yên lòng vì hoàn cảnh hiện tại của nước nhà. Tôi cố gắng tạo một triết lý trong tôi khi nghĩ đến nỗi gian lao của anh. Nhưng tôi tầm thường quá, nghĩa là thấy lo lắng ưu tư, vẫn thấy có cái gì chua xót khi nghĩ về anh đang chiến đấu trong cực kỳ thiếu thốn gian nan. Trong tiềm thức đó, từ Sàigòn – không chiến tranh, tôi theo dõi tin tức ở Lào, và thật là huyền diệu, ngày 14-3-1971 tôi tìm được tin anh trên mặt báo Tin Sống.

Anh Hy, tôi thật sự sung sướng khi đọc mẩu tin nhỏ này, tôi tin là đồng bào ở Đại Lộc cũng thế và chắc là Nam-Nữ Giáo-sư và học sinh trường tôi không còn sống trong lo sợ phập phồng, ít ra là lúc này – ngay khi đọc bài báo ngắn này.

Bây giờ thì có lẽ anh đã trở về bên này biên giới. Tôi hy vọng rất ít, lá thư này sẽ đến tay anh, dù vậy, không viết cho anh tôi không chịu được.

Tôi vừa từ Sàigòn về ngày qua, và ngày mai định đi Đà Nẵng ra thăm chị, lũ cháu để được biết ít nhiều về anh.

. . . . . . . . . . . .

Tôi đã trải qua một cuộc thi trắc nghiệm hào hứng và hy vọng nhiều về chuyến xuất ngoại sắp đến. Trước khi được đi, tôi sẽ ghé thăm chị và lũ cháu.

Nắng lên, trường ta bắt đầu những hoạt động rất ngoạn mục. Tôi đã tổ chức được một Chi Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự và Toán Nghĩa Sinh để làm công tác cứu giúp đồng bào. Cả trường mong tái ngộ anh. Anh cho chúng tôi gởi lời thăm Trung-úy Lân, Thiếu-úy Thiện và tất cả anh em trong Pháo-đội C 44 Pháo-binh. Xin nói giùm với các chiến hữu trong Pháo-đội anh là thầy trò chúng tôi đang chờ các anh từng giờ từng khắc, cầu mong các anh được nhiều may mắn trong sa mạc tử thần.

Thân kính,
PHAN-THẾ-TẬP
Hiệu-trưởng Trung-học Đại Lộc.

Lá thư khá dài, cả 4 tờ pelure lớn viết bằng tay! Nội cái công ngồi viết cho xong bức thư, đã nói lên được những gì mà Pháo-đội tôi gặt hái được trong lòng dân Đại Lộc trước ngày xuất quân.

Những hoạt động tích cực của Pháo-thủ Pháo-đội C chúng tôi – khơi nguồn từ thiện tâm, thiện chí, tự nguyện của anh em, dầu sao cũng xoa dịu phần nào, dù là một phần rất bé nhỏ – đối với đồng bào sống trong thảm họa thiên tai bão lụt tại quận Đại Lộc trước đây.

Tôi vô cùng cảm động sau khi đọc xong bức thư trên, và không đợi đến sáng, tôi ra điếm canh, nhờ cái bàn nhỏ ở đấy viết phúc đáp ngay…

Trong thư, tôi thuật sơ lược những gian nan nguy hiểm cùng những chiến thắng vẻ vang thu đoạt được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 trong 7 ngày tử thủ, trước khi rời vị trí. Tôi nhờ ông hiệu trưởng chuyển lời thành kính biết ơn của tôi và Pháo-đội C đến đồng bào đã đặc biệt lưu tâm lo lắng cho chúng tôi. Tôi không quên xác nhận rằng, lòng thương mến của đồng bào ở Hậu-phương là niềm khích lệ lớn lao cho toàn thể quân nhân Pháo-đội C/44 Pháo-binh chúng tôi.

Qua ngày kế tiếp, tôi nhận được một gói báo do gia đình tôi gởi ra, gồm có các nhật trình Hòa Bình, Ngôn Luận, Tin Sáng, Xây Dựng… mà vợ tôi mua từ mấy tuần trước. Trong đó có đăng những tin tức Pháo-đội C chúng tôi liên quan đến cuộc hành quân tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30… Kèm theo với gói báo, có thư của Thiếu-úy Thiện gởi cho tôi, viết tại Tổng Y Viện Duy Tân:

Bệnh viện, ngày 23 tháng 3 năm 1971

Kính Đại-úy,

Lá thư này đến tay Đại-úy, trước kính thăm Đại-úy, các vị Sĩ-quan và anh em binh sĩ Pháo-đội C – cũng không gì hơn – kính chúc Đại-úy và tất cả được an lành, luôn luôn may mắn, dù có hành quân ở bất cứ nơi nào.

Kính Đại-úy, bây giờ tôi cũng khỏe hơn hồi Đại-úy cùng Cô đến thăm tôi nhiều. Tuy nhiên, cái chân bị cưa vẫn còn nhức nhối, khó chịu, nhất là vào buổi tối – một đôi khi cũng rất mệt lúc tiết trời thay đổi, mưa nắng bất thường.

Tôi bị cưa chân như thế này, tuy rất giận ông Bác-sĩ nhấp nhem ngoài bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhưng bây giờ tôi cũng đã an phận của tôi rồi – Phần Đại-úy tôi rất lo lắng. Thú thật là tôi rất thương và cảm phục Đại-úy – Đại-úy đã sống thực và tình cảm. Kể ra, tôi sống với Tiểu-đoàn trong thời gian gần hai năm, nhưng chỉ sống với 4 vị Đại-úy Pháo-đội Trưởng, mà Đại-úy là người tôi chịu sống và thích sống nhất. Còn nói về tình cảm mà Đại-úy dành cho tôi thì không thể nào kể cho xiết tôi mang ơn Đại-úy và Cô quá nhiều – Chúa nhật nào Cô cũng dẫn mấy cháu lên thăm tôi kèm theo món quà – Ơn này không biết khi nào tôi mới trả cho xong!

Kính Đại-úy, tôi kính tin Đại-úy rõ: hôm trước có Hạ-sĩ Phan Mai lên giúp đỡ cho tôi, còn trước đó một tuần có Hạ-sĩ Hường lên săn sóc tôi vào buổi sáng.

Đôi dòng kính thăm Đại-úy, các vị Sĩ-quan và anh em binh sĩ Pháo-đội C – Lạy Phật gia hộ cho Đại-úy và tất cả được an lành.

Thiếu-úy cụt giò
HUỲNH-CÔNG-THIỆN

Bây giờ Thiện chỉ còn một chân! Nhưng tôi tin tưởng là Thiện đã hãnh diện với chiến tích của đồng đội gặt hái ở Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, những người bạn đã từng chia vui xẻ buồn trong đời quân ngũ của Thiện. Đổi một chân, cá nhân Thiện hẳn bị thiệt thòi, nhưng xác địch hàng ngàn tên quanh căn-cứ là một sự trả thù nhãn tiền và hiệu quả của tất cả chúng tôi, những chiến hữu thừa kế sự nghiệp Thiện – làm cho Thiện, ít ra cũng vơi được sự hận lòng khi Thiện nhìn xuống cái chân cụt của mình.

Trước và sau Thiện, còn biết bao chiến hữu mà lòng họ không bao giờ quên được hình ảnh một người bạn, một người anh, một người em trong tập thể gia đình Pháo-đội C, đã sống với nhau qua bao ngày tháng gian khổ, nguy nan… Tất cả điều đó phải là tia nắng sưởi ấm lòng Thiện trong những phút suy tư về kiếp sống tàn phế của mình.

Thiện! Tôi muốn nói, muốn hét to trong không gian bao la này: Thiện luôn luôn vẫn là mẫu người lý tưởng của Pháo-đội C, thể hiện nơi em tất cả những gì cao đẹp nhất, khơi nguồn từ tình đồng đội… sẽ mãi mãi in sâu vào lòng mọi người – trong đó có anh.

…Vào một buổi sáng, tôi nghe Đài Phát Thanh Quân Đội thuật lời phỏng vấn tôi tại Khe Sanh. Ít hôm sau, Đài Tự Do tái phát thanh chương trình ấy vào 4 buổi trưa liên tiếp.

Cùng lúc Đài Phát Thanh Hà Nội cũng lại nói về tôi! Nhưng lại xuyên tạc một cách trắng trợn rằng, Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 bị bọn chúng tràn ngập và tôi đã thất lạc 6, 7 ngày trong rừng, nhịn đói, nhịn khát không tìm thấy đường về!… Quả đúng là lời tuyên truyền của Việt cộng! Trong lúc, chính chúng tôi, luôn luôn sát cánh chiến đấu với Tiểu-đoàn 2 Dù, thi hành viên mãn nhiệm vụ của Thượng-cấp giao phó. Vả lại, tôi hiện hữu, tưởng chỉ bấy nhiêu cũng đủ trả lời cho bọn chúng rồi vậy.

No comments:

Post a Comment