Ngày 10-4-1972
Sáng hôm sau, ngày 10 tháng 4 năm 1972 để có thể tới họp đúng giờ, tôi đã dậy sớm. Sau khi khám xong các bệnh ngoại khoa cũng gần 10 giờ. Tôi rảo bước tới văn phòng bác sĩ Phúc, đã thấy anh ngồi nơi bàn giấy đang ghi chép trên một cuốn sổ. Tôi chào anh rồi hỏi:
– Chưa có ai tới hả anh?
– Chưa, còn hơi sớm. Anh ngồi chơi đi.
– Hôm nay mình bàn về vấn đề gì anh?
– À, về vấn đề phối hợp với Tiểu Đoàn 5 Quân Y.
Vừa dứt câu trả lời, một tiếng hú của đạn pháo kích bay ngang mái bệnh viện nổ ở bên trường Trung Học. Bác sĩ Phúc phản ứng rất nhanh, phóng mình nằm soài trên mặt đất. Cái mũ sắt để trên bàn rơi xuống nền nhà kêu loỏng coỏng. Mặc dù tôi đã có kinh nghiệm về pháo kích hơn anh cả gần một tuần rồi, tôi vẫn phản ứng chậm hơn nên đành ngồi trơ trên ghế.
Vài phút sau bác sĩ Chí, bác sĩ Tích, bác sĩ Nam Hùng tới. Chúng tôi chia nhau ngồi chung quanh chiếc bàn giữa phòng. Bác sĩ Phúc hỏi:
– Anh Vũ Thế Hùng có được tin họp không anh Tích?
Bác sĩ Tích trả lời:
– Dạ, thưa anh có. Anh Hùng vì bận chút việc bên Sư Đoàn nên đến sau.
Bác sĩ Vũ Thế Hùng, bác sĩ Tích, bác sĩ Nam Hùng đều là y sĩ thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Bên Bệnh Viện Tiểu Khu thì có bác sĩ Phúc, bác sĩ Chí và tôi. Bác sĩ Phúc nói:
– Thôi được, chúng mình bắt đầu. Theo tôi nghĩ, trận này còn kéo dài và sẽ đánh lớn chứ không nhỏ đâu. Ở đây Quân Y mình có hai đơn vị khá lớn là Tiểu Đoàn 5 Quân Y và Bệnh Viện Tiểu Khu. Để công tác điều trị và tản thương được hữu hiệu, tôi thấy chúng ta cần phải phối hợp lại mới làm việc được. Các anh thấy thế nào xin cho biết ý kiến.
Bác sĩ Tích trả lời:
– Thưa anh nghĩ vậy rất đúng. Bên Bệnh Viện Tiểu Khu có đầy đủ dụng cụ và cơ sở điều trị. Còn bên tụi tôi xin phương tiện tản thương dễ dàng hơn. Nếu mình phối hợp thì sẽ bổ túc cho nhau và công việc đương nhiên sẽ chạy hơn.
Bác sĩ Phúc gật đầu:
– Nếu chúng ta cùng đồng ý về việc phối hợp thì tôi thấy có bốn điểm chính chúng ta cần thảo luận. Thứ nhất: vấn đề quân sự. Thứ nhì: vấn đề điều hành cấp cứu. Thứ ba: vấn đề tản thương. Cuối cùng là vấn đề y dược, về nhân sự, tôi muốn nói y sĩ, y tá. Y sĩ, chúng ta có sáu người. Tôi và bác sĩ Hùng giữ việc chỉ huy và điều hành tổng quát. Như vậy còn lại bốn. Bên các anh, có anh nào rành về giải phẫu cấp cứu không?
Bác sĩ Nam Hùng trả lời:
– Thưa anh không.
– Nếu vậy, chúng ta chỉ có mình anh Quý có khả năng làm đại giải phẫu. Tôi thấy như vậy, anh Quý làm không xuể.
Quay sang tôi, bác sĩ Phúc hỏi:
– Anh thấy có cần thêm y sĩ giúp anh không? Tôi đề nghị anh Nam Hùng vào phụ anh.
Tôi thong thả trả lời:
– Trước mắt, mình có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Không thể nào đòi hỏi thêm được. Nếu được thêm một bác sĩ có khả năng mổ lớn vào làm thay phiên với tôi thì tốt nhất, bằng không tôi thấy không cần thêm người nữa. Tôi và các y tá phòng mổ có thể đảm đương được công việc. Tôi đề nghị thế này, vì anh Tích và Nam Hùng không ở trong Bệnh Viện Tiểu Khu nên dụng cụ thuốc men và nhân viên y tá, các anh chưa quen thành ra khó làm việc, nên để các anh giữ phần nhận bệnh, lựa thương cấp cứu. Anh Chí giữ Phòng Tiểu Giải Phẫu. Tôi giữ Phòng Đại Giải Phẫu vì chúng tôi quen người, quen việc hơn.
Bác sĩ Phúc gật đầu nói:
– Vậy cũng được, anh Nam Hùng và anh Tích có ý kiến gì thêm không?
Bác sĩ Tích nói:
– Chúng tôi cũng đồng ý với anh Quý.
Bác sĩ Phúc tiếp lời:
– Anh Quý mới tổ chức xong được một Phòng Mổ mới ở dưới trại Ngoại Khoa. Thành ra bệnh viện hiện giờ có hai Phòng Mổ. Một phòng làm đại giải phẫu và một phòng làm tiểu giải phẫu. Thực ra vì mình thiếu người, nếu không, hai Phòng Mổ này đều có đầy đủ dụng cụ để làm những cuộc mổ lớn được. Anh Tích, anh Nam Hùng coi nhận bệnh lựa thương. Nếu bệnh nặng cần mổ lớn sẽ đưa lên anh Quý. Bệnh nhẹ sẽ đưa xuống cho anh Chí.
Nói đến đây, bác sĩ Vũ Thế Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y tới. Sau khi mời anh ngồi, bác sĩ Phúc tóm tắt cho anh biết mục đích buổi họp và những điều vừa mới thảo luận xong.
Bác sĩ Vũ Thế Hùng nói:
– Như vậy về phần y sĩ thì xong rồi. Còn về y tá, anh tính sao?
Bác sĩ Phúc trả lời:
– Ở các trại, Bệnh Viện Tiểu Khu lo. Còn ở Phòng Cấp Cứu, tụi tôi sẽ có sáu người, các anh cũng có sáu người nữa là đủ. Thêm một người làm thư ký ghi sổ nhập viện để báo cáo.
Bác sĩ Hùng nhấn mạnh:
– Ở Phòng Cấp Cứu, lựa thương chỉ cần những người giỏi, có thiện chí, lanh lẹ để làm việc. Nếu không thương binh sẽ bị ối đọng và không tài nào giải quyết kịp được.
Bác sĩ Phúc ngắt lời:
– Có, tôi có cho ra ngoài Phòng Cấp Cứu những tay có bằng B1.
Bác sĩ Hùng gạt phắt đi:
– Bằng cấp không cần thiết, chỉ cần thằng y tá quèn cũng được. Miễn là nó chăm chỉ, chích mạch truyền nước biển thật nhanh là được. Bằng B1, B2 làm gì nếu nó chích mạch không được. Chích đi chích lại, lụi mãi kim không trúng mạch thì còn làm ăn gì được, cấp cứu hồi sinh thế nào được.
Tôi thấy anh Hùng nói năng mạnh bạo đúng là tác phong nhà binh, dã chiến. Chúng tôi thuộc đơn vị tĩnh tại lại phối hợp với Dân Y nên có vẻ hiền hòa hơn. Thực ra ý kiến của anh Hùng rất đúng không ai chối cãi điều đó. Nhưng trên thực tế, những người anh Phúc đưa ra đều là những nhân viên giỏi, đã làm quen việc cấp cứu tản thương rồi. Chính tại bệnh viện, họ mới có dịp chích tĩnh mạch truyền nước biển nhiều hơn ở những chỗ khác.
Mọi người đều làm lơ để cuộc họp có kết quả tốt đẹp, để hai bên thêm đoàn kết, loại bỏ những dị biệt nhỏ không đáng kể. Mục đích chung của chúng tôi là làm sao chu toàn công tác cấp cứu tản thương, giảm thiểu hao tổn sinh mạng của đồng đội càng ít càng tốt.
Bác sĩ Chí nói:
– Về vấn đề Phòng Cấp Cứu nhận bệnh. Tôi đề nghị nên dời lên cửa chính vào trại Nội Khoa. Nơi đó vừa rộng vừa tiện cho xe Hồng Thập Tự ra vào mang bệnh tới, lại an ninh hơn Phòng Cấp Cứu hiện thời chỉ có mái tôn.
Mọi người đều tán đồng ý kiến đó. Bác sĩ Hùng nói thêm:
– Tôi thấy ở cạnh đấy có một phòng trống khá rộng nên dùng để làm phòng Dechocage (Phòng Hồi Sinh) trước khi mang bệnh đi mổ. Chỗ nhận bệnh để ở ngoài.
Bác sĩ Phúc quay sang tôi hỏi:
– Ý anh làm sao?
– Theo tôi, phòng đó để kho thuốc, còn cấp cứu hồi sinh làm ngay nơi nhận bệnh.
Bác sĩ Hùng gạt đi:
– Không được, toa làm như vậy trong trường hợp ít bệnh thì được. Trong trường hợp vào cả trăm người làm sao làm được?
Tôi lặng im không nói vì chi tiết đó không quan trọng, để trong hay ngoài cũng vậy thôi. Với kinh nghiệm tôi đã làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi nghĩ trái lại. Vào cả trăm người với điều kiện như bệnh viện này, làm hồi sinh tại chỗ mới đúng vì lúc đó không còn nhúc nhích gì được nữa. Còn chỗ đâu, còn người đâu mà khênh bệnh nhân đi chỗ này, chỗ kia. Làm như vậy vừa mất thì giờ vừa làm bệnh nhân đau và gây kích xúc thêm.
Sau này quả đúng như vậy. Phòng làm hồi sinh chi được ba ngày rồi biến thành kho thuốc và chỗ ở của anh em Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Thương binh về để nằm ngay tại hành lang nơi tiếp nhận và chữa kích xúc ngay tại đó trước khi mang xuống Phòng Mổ.
Bác sĩ Phúc tiếp tục:
– Bây giờ chúng ta bàn về vấn đề tản thương.
Bác sĩ Hùng ngắt lời:
– Tản thương để tụi tôi lo cho. Chúng tôi xin phương tiện trực thăng dễ dàng hơn các anh. Các anh cho tôi biết bệnh viện có mấy xe Hồng Thập Tự. Mỗi lần tản thương phải cần nhiều để chở thương binh tới bãi đáp.
Bác sĩ Phúc trả lời:
– Bên tôi có ba xe, hư một còn hai.
– Vậy được rồi. Tôi còn một Dodge và một Jeep Hồng Thập Tự. Bây giờ kẹt chưa mở đường được, nếu không tôi cho kéo lên từ Lai Khê cả chục chiếc. Bao giờ có tản thương, tôi sẽ báo cho anh biết để anh biệt phái xe cho tôi. Xăng nhớt, tài xế tôi có đủ, anh khỏi lo.
– Vậy thì tiện quá. Còn vấn đề chót là y dược, theo tôi rất giản dị. Thuốc men chúng ta đều dùng chung cả. Bên nào còn thì cho bên hết, rồi đánh công điện xin tiếp tế thêm. Có ai còn thắc mắc hay có ý kiến gì không?
Không ai thắc mắc cả, Các anh Tiểu Đoàn 5 Quân Y đứng dậy ra về. Chưa ra khỏi cửa phòng thì hai, ba tiếng nổ liên tiếp rất gần dội lại ngay sau nhà thương. Mọi người lại rần rần chạy vào.
Bác sĩ Hùng hỏi tôi:
– Hầm đâu? Có hầm không?
Tôi đưa tay chỉ vào phía trong văn phòng ngay phía bên góc trái, nói:
– Có hầm ở phía này.
Mọi người đều theo nhau chui vào hầm. Trong hầm còn để một đống súng Carbine, một đống hồ sơ với mấy khúc gỗ lớn nên hơi chật. Chúng tôi phải khuân bỏ đống súng vói hồ sơ ra ngoài mới ngồi vừa. Trong khi hối hả dọn dẹp, không may một chai Potassium Chloride bị bể làm bay ra mùi hăng của khí Chlor thật khó chịu, càng làm tăng thêm sự ngột ngạt do nhiều hơi người trong hầm.
Ngồi chừng 10 phút thấy không pháo nữa, các anh Tiểu Đoàn 5 Quân Y đều chào chúng tôi ra về.
Ngồi trong hầm, tôi nghe thấy tiếng xe Dodge thắng gấp rút phía Phòng Mổ. Mấy phút sau, tôi nghe thấy tiếng người gọi tên tôi. Rồi tiếng chân người gấp rút chạy vào văn phòng. Một đầu người ghé vào cửa hầm hỏi:
– Có bác sĩ Quý trong này không?
Tôi hỏi ra:
– Có chuyện gì vậy?
– Thưa bác sĩ có nhiều người bị thương.
Tôi chạy vội ra ngoài. Trên chiếc xe Dodge, mấy người lính đang cố gắng khiêng ba, bốn băng-ca xuống. Tôi thấy có ít nhất là bảy, tám người bị thương đang để nằm dài theo hàng hiên Phòng Mổ.
Một người lính mặt mũi đầy cát bụi tới kéo áo tôi lại gần một chiếc cáng. Anh có vẻ xúc động lắm. Nước mắt quanh tròng.
– Bác sĩ cứu giùm Thiếu úy Đại Đội Trưởng của em. Giọng anh có vẻ uất ức – chúng em bị bỏ bom lầm ngay Bộ Chỉ Huy Đại Đội. Tụi nó còn nằm như rạ ngoài kia.
Tôi quỳ xuống bên băng-ca. Một người nằm thiêm thiếp, mặt mũi tái xanh, chắc chắn bị kích xúc rất nặng. Tôi thấy hai cẳng chân (cẳng: từ đầu gối xuống cổ chân) bị thương nát tới đầu gối. Vết thương đầy bùn đất. Cẳng chân trái chỉ còn là một đống thịt, xương vụn nát dính vào đầu gối bằng mấy sợi gân trắng hếu. Nhìn nét mặt người thương binh thấy hơi quen quen. Tôi ngó xuống bảng tên: UY. Tôi ngửng phắt lên, nắm vai anh lính:
– Có phải Thiếu Úy Đại Đội Trưởng 212 không?
– Dạ phải.
Thôi rồi, tôi thấy lạnh buốt trong lòng. Một niềm thương cảm xót xa làm tôi thấy cay ở mắt. Tháng trước gặp và ăn nhậu với Uy lần đầu tiên, Uy nói tôi và Uy có họ với nhau. Uy là em họ tôi. Thực tình tôi không thể biết tôi và Uy có họ hàng gì hay không. Trong bữa tiệc, tôi không tiện hỏi kỹ. Tôi nghĩ bao giờ trở về Sài Gòn sẽ hỏi lại người nhà cho chắc chắn. Tuy nhiên ngay buổi gặp đầu tiên, tôi đã có cảm tình với Uy. Tôi đã nghe tiếng Uy từ lâu là một trong những Đại Đội Trưởng khá nhất của Tiểu Khu. Mặc dù anh có dáng người gầy gò, nhỏ nhắn nhưng lính rất sợ và nể phục vì tính tình anh rất phóng khoáng, gan dạ và chỉ huy rất giỏi.
Với vết thương như vậy, Uy sẽ bị tàn phế suốt đời. Tôi tiếc thương cho Uy. Tuổi đời chưa quá 30, tương lai còn dài mà nay đã trở thành phế nhân. Đau cho Uy và cho cả chúng tôi, cho tỉnh Bình Long này, vì một trong những sĩ quan giỏi của Tiểu Khu đã bị loại ra khỏi trận chiến quá sớm. Uy đã phải hy sinh cặp chân của mình không phải do đạn của kẻ thù mà do đạn của Đồng Minh bắn lầm.
Tôi chích cho một mũi Demerol cho đỡ đau. Tôi sai y tá cho đặt đai chỉ huyết ở hai đùi để cầm máu, đồng thời truyền nước biển rồi cho khênh Uy vào đặt trên bàn mổ. Tôi đang cầm tay Uy bắt mạch thì Đại tá Trần Văn Nhựt tới thăm cùng Trung Tá cố vấn Trưởng Tiểu Khu Colley. Đại tá Nhựt đứng nhìn Uy nằm thiêm thiếp trên bàn mổ, lo lắng hỏi tôi:
– Liệu có cứu được không bác sĩ?
– Thưa Đại tá, nếu có máu thì chắc cứu được.
– À, cái đó để tôi lo. Bác sĩ cần bao nhiêu?
– Thưa càng nhiều càng tốt. Nhưng tối thiểu là ba bịch.
– Được, để tôi bảo lính cho.
Đại tá Nhựt ra về. Tôi cho phân loại máu Uy. Chừng 30 phút sau, tôi nhận được hai bịch máu loại O. Tăng, y tá Phòng Thí Nghiệm hỏi:
– Bác sĩ cần nữa không? Còn ba người tình nguyện cho.
– Cứ lấy đi.
Tôi cho truyền máu gấp rút. Áp mạch lên được 11/8. Tôi nói cô Đào sửa soạn chích Penthotal. Theo kinh nghiệm của tôi, những người bị thương nát hai chân như trường hợp này thường hay chết vì kích xúc nếu không có máu nhiều để làm hồi sinh.
Cô Đào đã cho bệnh nhân ngủ xong. Tôi đeo găng tay khám nghiệm thấy hai cẳng chân bị gãy nát vụn, Mạch máu, dây thần kinh bị đứt hết. Tôi quyết định phải cắt cả hai chân. Tôi phải làm thật nhanh, cố gắng rút ngắn thời gian gây mê vì sợ có ảnh hưởng tai hại làm trầm trọng thêm tình trạng kích xúc. Sau khi cột các mạch máu, tôi lấy Phisohex rửa sạch vết thương. Sau đó rửa lại lần nữa với Hydrogen Peroxide rồi băng lại bằng băng thun và không quên làm skin traction (kéo da).
Tôi cắt một phần ba cẳng chân phải (cẳng: từ đầu gối xuống cổ chân) và cố giữ đầu gối để sau này Uy có thể sử dụng chân giả dễ dàng. Xong việc không tới 20 phút. Bây giờ thân hình Uy chỉ còn một khúc ngắn ngủn. Ai trông thấy cũng mủi lòng.
Tôi giúp y tá đặt Uy lên giường điều chỉnh, đẩy ra Phòng Hậu Giải Phẫu. Bà chị vợ vào thăm. Thấy thân hình Uy như vậy, ôm lấy tay Uy khóc nức nở khiến mấy người lính phải khuyên bà bình tĩnh vì Uy còn thấm thuốc mê mà làm náo động sẽ có hại. Bà nghe lời, chỉ ngồi sụt sịt khóc thầm.
Nhờ mấy bịch máu đó, mặt Uy hồng hào trở lại. Chung quanh giường, hai người lính Đại Đội 212 đứng canh chừng cho Uy. Một người kể lại:
– Ông bị sốt rét mấy ngày nay, vẫn còn được nghỉ phép mà phải ra cầm quân. Xui thật.
Tôi dặn cô ý tá:
– Nếu chút nữa ông ta tỉnh lại kêu đau, cô chích thêm một ống Demerol 50mg nghe cô Mỹ.
Cô Mỹ dạ nhỏ rồi tiếp tục làm việc thay băng cho những bệnh nhân khác. Trưa hôm đó, tôi đói mà ăn cơm không nổi.
Tôi vẫn còn cảm thấy đau trong lòng vì vụ bắn lầm. Hai bên đang dàn trận để quyết tử mà bên mình lại bị hại do chính người của phe mình gây ra. Hỏi ai không đau lòng. Nếu bị Việt Công bắn cũng còn đỡ tức. Nhưng thôi, để cho đời đỡ khổ, tôi lại đổ cho tại số để tự an ủi mà yên tâm tiếp tục làm việc.
No comments:
Post a Comment