Cuộc vạn lý trường…sình đạt mục đích cuối cùng. Đoàn khách đến một cái nền chòi khá rộng, có thể dùng làm chỗ nghỉ chân cho trăm người , đất cứng chớ không đến nổi sình lầy như nơi chị cán bộ nằm nghỉ. Ở đây khách được ngồi bóp, băng bó chân hoặc trải ni-lông ra đất mà nằm. Trời đã tạnh mưa nhưng còn gầm. Bạn phải vượt qua sáu, bảy tiếng đồng hồ lội bươn liên tục dưới sình lầy thì bạn mới có thể hiểu hết cái hạnh phúc đứng trên một gò đất cao và nghỉ ngơi nó to lớn vĩ đại như thế nào. Anh giao liên không nói gì cả. Cũng không ai hỏi gì. Sợ anh ta phát cáu.
Tư Mô làm quen với hai ba ông bạn và cho họ thuốc hút. Cái ống quẹt Zippo tỏ ra có hiệu lực vô cùng. Một ngọn lửa bật lên giữa đêm đen có tác dùng như một lò sưởi. Một làn thuốc lá thoảng qua trong màn sương lạnh làm ta tưởng đến mùi trầm hương của Tiên Phật.
Anh giao liên đến xin thuốc Tư Mô. Tư Mô rất hân hạnh tặng cho anh ta. Vừa bập bập điếu thuốc, anh ta nói:
– Bữa nay dám ở dưới đó không lên lắm đa!
– Ở dưới nào, đồng chí!
– Ở trạm dưới. – Anh ta cắt nghĩa tiếp – Cái gò này là nửa đường đi. Tôi ở trên đưa khách xuống, tụi nó ở dưới dắt khách lên đây. Hai bên giao khách cho nhau rồi mạnh ai quay về trạm nấy.
– À ra thế!
– Chớ chú nghĩ coi, giò cẳng nào mà lội cho nổi cánh đồng này. Cứ vài ngày lội một chuyến. Quần áo rã hết. Móng chân tưa ra. Ở trên đâu có bồi dưỡng cái gì ngoài ba cây súng.
Tôi bắt đầu lo lắng, nên hỏi phăng:
– Nếu ở dưới không lên rồi làm sao đồng chí?
– Thì tôi dắt khách trở về để vài hôm lại dắt đi.
– Trời đất! – Tôi kêu lên.
Anh giao liên hơi cáu:
– Các chú đi có một lần, qua rồi thôi, còn tôi ở đây đi hoài mà!
– Đã có xảy ra lần nào chưa?
– Có chớ sao không? Hễ ở dưới bị chụp thì nghẽn đường đâu có dẫn khách lên được. Coi đường dễ đi vậy chớ không dễ đâu. Ban đêm mù mờ là dắt khách vô tuốt trong bót đấy.
– Bộ có xảy ra rồi à?
– Có chớ !
– Rồi làm sao ?
– Thì nạp thịt cho chằng chớ làm sao?
(Hồi chín năm cũng có một vụ long trời lở đất như thế ở Sài Gòn. Đâu khoảng 48-49 gì đó ban Công Tác Thành Sài Gòn Chợ Lớn của Việt Minh hoạt động rất mạnh. Ban này chuyên môn ám sát và bắt cóc. Tên đầu sỏ của nó là Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thi. Một hôm Thi ngồi xe Jeep cho tài xế lái đi công tác trong nội thành Sài Gòn. Thình lình tên lái xe chạy thẳng vào bốt Ca-ti-na nộp cho mật thám Pháp. Thi bị tù Côn Đảo tới 1954 mới được thả ra miền Bắc. Xin đọc hồi ký Củ Chi).
Nhưng đó là một sự cố ý. Không biết ở đây giao liên có thực sự lạc đường không? Tôi cạch hỏi, thì anh ta bảo:
– Ai mà biết được. Nhưng chuyến đó ba chục khách bị bắt, một số chạy bị bắn chết.
– Rồi thằng dắt đường đi đâu?
– Đi đâu ai biết đi đâu ! – Anh giao liên đáp cộc lốc nên tôi không dám hỏi phăng tới nữa.
Chờ mãi không thấy bóng dáng trạm dưới đưa khách lên, anh ta càu nhàu:
– Kiểu này thì bỏ mạng rồi !
– Ở dưới bị chụp hả đồng chí?
– Chắc là vậy rồi !
– Mỗi khi gặp sự bất thường ở dưới không cho trên này ám hiệu gì hết sao đồng chí?
– Ám gì được mà ám. Phải như ở bờ sông bên này với bờ sông bên kia thì còn quơ khăn được còn đây cách nhau cả “triệu” cây số mà làm sao quơ?
Vài loạt cà nông nổ xa xa, làm mọi người giật mình. Anh giao liên bảo:
– Đó là cà-nông Đồng Tâm. Mỹ Tho ở hướng đó đó.
Nghe hai tiếng Mỹ Tho tôi thấy mình gần lại quê nhà vô cùng. Hồi còn đi học hễ về tới Mỹ Tho qua Bắc Rạch Miễu là tới đất Bên Tre rồi. Bây giờ nghe nói đó mà không biết chừng nào mới lết tới. Chờ thêm một tiếng đồng hồ nữa vẫn không thấy tăm hơi của trạm dưới, anh giao liên bảo:
– Bà con mình chuẩn bị đi trở về.
– Đi trở về hả đồng chí ?
– Chắc là nó không lên được rồi.
– Chờ chút nữa xem sao đồng chí.
– Chờ thì được, nhưng sợ sáng mình bị lòi lưng trực thăng nó xớt, thủy phi thuyền nó gắp như cò gắp cá cạn.
– Rồi mai phải trở lại à, đồng chí !
– Chớ còn cách nào nữa! Ai muốn đi về thì về. Ai muốn ở thì cứ ở! – Anh ta nói xẳng giọng rồi lội đi.
Khách lao nhao một lúc rồi cũng lội theo. Ai mà dám ở lại thi gan cùng bù nốc và phi thuyền. Đi ngang chỗ gân bờ lúc nãy thì thấy chị cán bộ còn ở đấy. Chị đã ngồi dậy. Anh giao liên ra lệnh:
– Đồng chí nào khỏe thì kè chị ấy. Còn một đồng chí vác ba lô giùm.
Nói vậy thôi, anh ta không cần biết có ai thi hành lệnh hay không. Thi hành hay không cũng đều không phải trách nhiệm của anh ta. Tôi cũng không quan- tâm đến việc đó nữa. Vì tôi cũng là kẻ không có trách nhiệm trong việc chị đi, chị nằm hay chị chết ở đó. Cũng như Nguyệt vậy. Nàng bị cây ngã đè, nhưng các ông Bộ Chỉ Huy ở ngay cạnh đó có trách nhiệm gì đâu. Ngay cả một lời chia buồn cũng không mà !
Tôi và Tư Mô lại nằm ăn hút bên bờ sông Vàm Cỏ được vài ngày thì có lệnh đi. Lần này thì mọi việc suông sẻ nghĩa là hai trạm trên dưới gặp nhau tại cái nền nhà hoang giữa đồng. Chúng tôi đi theo anh giao liên để về Mỹ Tho. Thay vì lội một lần Đồng Chó Ngáp thì chúng tôi lội hai lần. Tinh thần cách mạng càng cao, chớ sao !
Quê hương gần hơn trên đường đất. Tôi bắt đầu thấy xóm dừa và ruộng lúa. Nhưng sức đã kiệt. Lội suốt một đêm dầm mình dưới nước phèn và nước mưa. Da móp như vỏ sò, chân bước lên ngọn năn nhọn không còn biết đau. Ở Trường Sơn có một chặng lấy đường thủy làm đường bộ suốt một ngày. Con đường đó so với cái Đồng Chó Ngáp này, không biết cái nào ác hơn. Tư Mô còn dẻo giò cứ khuyến khích tôi: “Ráng lên chú. Chút nữa mình nghỉ!” Mắt tôi đã thấy lá dừa xanh ngăn ngắt kia rồi. – Ráng lên chú. Ở ngoài đồng lòi lưng trực thăng đến nguy lắm.
Tôi vẫn biết vậy, nhưng cặp giò đâu còn nghe theo ý chí của mình. Còn chừng vài bước nữa thì tới mé vườn, nhưng tôi không tài nào lết được. Tư Mô coi lơ mơ vậy mà khoẻ hơn tôi. Anh bảo:
– Chú cứ đi tà tà, để tôi vô trước lo cơm nước.
Tôi ngã khuỵu xuống ngọn năn không cần biết gì nữa. Bình nước đã cạn, sức cũng kiệt theo. Những người giỏi giò đã vô tới chân vườn từ lâu. Có lẽ họ đã cơm nước xong treo võng nghỉ ngơi. Mặc kệ họ, tôi không cần. Nhưng ngọn năn đã mẹp xuống, lưng tôi chạm nước, thứ nước phèn bị nắng nung sắc lại chạm vào da rát như muối. Có một kinh nghiệm tôi được Đăng Vi Trùng phổ biến là khi cần nghỉ ở giữa đồng thì lấy ní-lông trải ra rồi nằm trên đó. Người mình sẽ lún xuống như nằm trong cái chảo, không bị ướt. Nhưng tôi không còn nhớ cái kinh nghiệm đó nữa. Đã ngâm nước suốt đêm rồi, bây giờ thêm chút nữa cũng chả sao. Nhưng ngọn năn yếu không đủ sức giữ tôi, cả người tôi bị ngập dần trong nước. Bạn có từng thấy ai ngủ dưới nước chưa? Nếu có thì đó là nhà văn hồi kết Xuân Vũ.
Tôi giật mình thức dậy thì thấy nước đã ngập tới cổ. Tôi đã ngủ một giấc thần kỳ. Trời nắng chang chang. Mặt trời lên cao mú. Da thịt xốn xang lạ lùng. Tôi cố nắm gốc năn ngồi bật dậy. Tôi sực nhớ cái kinh nghiệm và rút tấm ni lông trải trên đầu ngọn năn rồi gieo mình lên đó. Như vậy, cứ yên chí lớn nằm phểnh ra ở giữa đồng, lòi lưng nguy hiểm vô cùng. Chắc không ai có gan nằm như tôi vậy. Trực thăng qua lại, nếu trông thấy thì sà xuống xớt như diều xớt gà. Tôi lấy tay lôi quặc những mớ năn ngụy trang lấy lệ. Mặc kệ, năm ăn năm thua.
Vừa nằm tịnh dưỡng bắp thịt được một chút thì lại nghe nước ngập lưng. Tôi ngồi quàng dậy. Một trũng nước đục và tanh rình. Tôi quyết định một cách anh dũng không thèm nghỉ nữa, cuộn ni-lông và nhắm chân vườn trực chỉ .
Đúng là cái Đồng Chó Ngáp. Chó ngáp mà cả người cũng hả họng. Tôi cố gắng tối đa. Tôi dùng tay nhổ chân lên và nhắc tới từng bước. Nghĩa là nếu không có tay, chân lún sình không rút lên nổi. Và cứ thế mà trở thành Đường Thế Dân sa lầy. Bằng cách đó, tôi lết tới chân vườn thì thấy Tư Mô ngồi trên võng. Anh lột ba lô tôi xuống lấy võng mắc ngay cho tôi ngả lưng. Trà đã châm sẵn trong bi đông. Anh bao giờ cũng thủ một chút phòng thân chớ không như tôi khát là nốc hết. Anh nhường võng, rót nước cho tôi. Tôi nốc một hơi rồi bật ra võng mặc kệ tất cả, kể cả chụp dù. Nhưng Tư Mô bảo:
– Nghỉ chút rồi đi !
– Hả? Tôi la lên.
Viết tới đây tôi nhớ Hoàng Việt, người bạn đường của tôi từ Hà Nội đến R. Giữa Trường Sơn lắm lúc đi không kịp đoàn, phát cáu, anh đứng lại, gục xuống gậy quát:
– Ê mày Xuân Vũ ! Mày bảo tụi nó đứng lại chờ tao ! Tao không phải là súc vật mà đi không cho nghỉ, nghe chưa?
Nếu anh lội Đồng Chó Ngáp chắc anh còn la to hơn. Vì ở Trường Sơn tuy vất vả nhưng có chỗ ngồi và chỉ có một con đường mòn. Muốn nghỉ thì cứ ngồi phệt xuống mà nghỉ rồi lọ mọ cũng tới nơi, không mấy khi lạc đường. Còn ở đồng này, ngồi không được, đứng im thì đỉa vắt còn nếu lọt lại sau thì không biết đường đi, lạc loài giữa đêm tối, thật hãi hùng.
Tư Mô nói tiếp:
– Chú coi quanh đây, dấu chụp dù còn ràng ràng!
– Hả? – Tôi lại la lên.
– Nó chụp hôm qua !
Tôi tỉnh người ngay. Tư Mô nói:
– Tụi mình vậy mà may. Nều cồn cả đi chuyến trước thì xuống tới đây đụng tụi nó rồi.
Tôi đâm ra sợ sệt: Về chưa tới nơi, bỏ xác dọc đường! Dám lắm ! Thiếu gì người.
Tôi hỏi:
– Giao liên đâu?
– Nó đi trước rồi.
– Sao kỳ vậy ?
– Nó đã bảo mà ! Chặng đường này nó không dừng lại chờ ai hết. Vừa đến đây nó thấy dấu “chụp” nó dắt khách đi tới điểm mới.
– Rồi mình làm sao?
– Cứ mò đi.
– Tôi hết đi nổi rồi.
– Tôi cũng vậy. Nhưng phải rời khỏi chỗ này ngay.
– Đây là đâu?
– Chắc là Kiến Tường hay Mỹ Tho gì đó. Giao liên bảo là sau khi chụp, nó thường chơi pháo. Đôi khi nó chụp phát nữa. Tôi có hỏi đường tới điểm mới.
– Xa không?
– Giao liên bảo là cứ thẳng vô xóm nhưng xóm không có người. Quẹo trái hai phát rồi quẹo mặt. Thấy cây cầu gãy thì lội qua sông. Trạm ở bên kia sông.
– Sông gì ?
– Ai biết sông gì.
Tuy muốn nằm vạ ở đây nhưng nghe nói, tôi cũng nổi da gà, nên không dám liều nữa. Uống thêm miếng trà rồi lom khom đi tiếp. Đường đi dọc theo một bờ cau. Những cây cau tơ bị thương nát mình. Vết thương còn mới. Một miếng giấy dán trên thân cau bên đường. Tôi đưa tay gỡ lấy đưa lên mắt đọc: “Đù má Việt Cộng,” một quãng nữa, “Đả đảo Minh Râu” và “Hoan hô thằng chủ tịch hãm con nít. “ Tư Mô hỏi:
– Giấy gì đó?
– Tụi nó chửi mình !
– Chửi gì ?
Tôi làm thinh, đưa mẩu giấy cho Tư Mô. Tư Mô không cầm vì anh đang cúi xuống nhặt một bao thuốc Ruby Queen và bảo:
– Thuốc chú ạ ! Tụi nó hủy của quá ! Hút mới nửa bao mà ném đi !- Vừa dứt lời lại kêu lên: – Cái hộp quẹt Zippo!
– Đâu nào?
– Ở bờ mương kìa. Chú giỏi giò nhảy qua lấy!
Tôi tụt ba lô nhảy phốc cái qua liền, nhưng tôi khựng lại. Bên mương kế một xác người nằm dưới nước. Sợi thắt lưng bị đạn đứt đôi máu đỏ một vùng nước. Tôi nhảy trở qua, nói cho Tư Mô nghe.
– Tử sanh hữu mạng chú ạ ! Tôi cứ giật mình mạng mình lớn lắm. Nếu ông bà không cầm chân mình ở lại trạm trên thì bây giờ mình nằm ở mương cau này hoặc vô khám lớn rồi.
Như hai thằng què cô độc, tôi và Tư Mô không biết sợ gì nữa, cứ đi ẩu, tới đâu tới. Xóm thôn vắng ngắt.
– Đây có phải là Ấp Bắc không anh ?
– Không biết.
– Hồi ở ngoài đó tôi có nghe Nguyễn Ngọc Tấn về tận Ấp Bắc để lấy tài liệu viết, tôi nôn quá! Kế đó lại nghe Nguyễn Văn Bổng đi tận Bến Tre mình.
– Đừng có nôn ! Xuống đó rồi lo mà nhảy nai chứ nôn gì !
Hai bàn chân bị củi tràm lục đâm nát như xâm mứt, giày dép tuột mất hết, chỉ còn hai bàn chân trơn, bước trên đất khô lởm chởm, đau thốn tới óc, nhưng phải bặm môi mà đi, ngồi ở đây một phút chết một phút.
– Không biết ai nằm ở đó?
– Ở đâu ?
– Dưới mương cau !
– Chắc không ai thấy.
– Có thấy cũng không làm gì được!
– Không biết mùa Thu hay mùa Đông?
– Tôi gặp thiếu gì “ca” như vậy ở Trường Sơn ! Còn ác hơn nữa cơ! Nó leo lên cây treo võng nằm rồi đi luôn, không có ai biết.
– Người mình sống thảm mà chết cũng thảm.
Đến chiều chúng tôi tới trạm. Đúng lúc khách sửa soạn vượt qua lộ Đông Dương. Chừng mười người. Quân dân chánh đủ hạng. Anh giao liên với một giọng không vui vẻ chút nào đứng trên một thềm nhà hoang nói:
– Nó mới phục kích đoàn trước. Chúng tôi định cắt đường mới, nhưng tìm không ra khúc nào vắng, thành thử cứ đi đường cũ.
Mấy ông dân chánh nhát gan ở lại muốn chờ có đường mới bớt nguy hiểm hơn sẽ đi, nhưng các cha quân sự thì hầm hầm bảo: “Bi nhiêu bi cũng phải qua cho khỏi lộ trong đêm nay.” Thế là đi.
Tôi ngỏ ý với Tư Mô nên nằm lại nghỉ một chuyến vì tôi biết cái phong cách qua lộ Đông Dương từ hồi kháng chiến chống Pháp rồi. Không phải chỉ vọt qua lộ là xong đâu. Vọt qua được rồi phải đâm đầu phóng bạt mạng không còn nhớ tên tuổi gì hết, đến chân vườn mới được ngừng. Với cặp giò đầy thương tích làm sao chạy? Giao liên nghe bèn quát:
– Các đồng chí phải đi. Chúng tôi không nhận ai ở lại trạm hết. Chúng tôi sẽ dời trạm nội đêm nay.
Đêm tối ngửa bàn tay không thấy. Cứ mò mẩm mà đi như những thằng mù. Giao liên đã dặn gắt gao: không được đứt đuôi. Không kêu la hoặc làm tiếng động, không hút thuốc. Như chiến sĩ ra trận, người ngậm thẻ, ngựa không đeo lạc. Cứ đi một chốc lại được lệnh ngừng. Hoặc ngồi xuống. Đây có lẽ là ấp chiến lược. Nên nhà nào cũng treo đèn trước cửa đề phòng “ăn trộm.” Thỉnh thoảng lại nghe tiếng mõ cốc cốc, không biết là mõ của ai ? Đánh để làm gì .
Đi cà lắc cà lắc như vậy cho tới khuya thì được lệnh:
– Chuẩn bị !
Chỉ một tiếng đó thôi cũng làm cho tôi nổi da gà. Qua lộ bạc đầu. Qua cầu giảm kỷ là đây ! Nhìn ra phía trước thấy một làn gân đen vắt ngang nền trời xám xịt thì biết đó là cái tử điểm mình phải vượt qua: Lộ Đông Dương.
Chỉ qua một lần thôi mà đã run en phát rét còn giao liên thì đi ra đi và gần như hằng ngày. Đụng phục kích đưa ngực hứng đạn là cái chắc. Kháng chiến thành công, giao liên lùi vào bóng tối. Chỉ một vài nhạc sĩ nhớ tới họ thôi. Thời kháng Pháp, nhạc sĩ Hoàng Lưu có làm một bài “Anh Chín Giao Liên” rất hay:
Ai có đến Trường Thành (Bà Đầm) có qua Cái Tắc (Thát Lác) đường về Đông Sơn (Long Nia).
Thấy anh Chín liên lạc người ôm ốm đen đen, độ hai mươi ngoài đầu hớt chải cao.
Mấy năm trời kháng chiến, gian khổ lòng không nao.
Mấy năm trời kháng chiến, anh đốc lòng thi đua.
Đêm tối gió mưa, trên chiếc xuồng ba lá
Đầy công văn, anh chống, anh chèo, anh hát, anh hò
Ngập tình yêu nước non
Bàn tay anh chai ngắt, anh giết hết quân thù
Mặt mày anh sạm nắng, cả đồng bào yêu anh
Kia bốt, kia đồn, trầm chiếc thân cô đơn
Vượt lộ băng ngàn, . . .
Ngày xưa con lộ này không đến nỗi nguy hiểm như bây giờ. Thời đó, còn trẻ tuổi, tôi coi mỗi lần vượt lộ là một lần lập chiến công. Tôi đã từng qua lộ Cầu Trắng, từng đẩy xuồng chui qua cầu Bình Thân (cũng là tuyến lộ Đông Dương) tuy có nguy hiểm, nhưng vui vui. Bây giờ thì không. Vì tủy trong xương sống đã cạn, đầu gối đã khô chất nhờn, nhất là vừa qua Đồng Chó Ngáp. Xe trên lộ chạy không ngớt. Xe ở đâu mà dữ vậy? Cứ chiếc này qua, chiếc kia tới, đèn pha cứ vượt tới sáng lòa trước mặt. Ngồi quan sát mà đái trong quần hồi nào không hay.
Bỗng được lệnh tiến lên. Đám người nhổm dậy đi khòm khòm. Đúng là một lũ ăn trộm. Trên Trường Sơn thì thay tên đổi họ, xuống đồng bằng thì đi rình mò ban đêm. Giao liên không còn ra lệnh nữa. Cứ sờ vào lưng người trước, hễ thấy họ đi thì đi, họ dừng thì dừng. Gốc rạ khua rào rào dưới chân.
Dế gáy ren ren trong những mô đất. Bờ cỏ đã ướt sương. Mạng ai nấy lo, hồn ai nấy giữ. Thấy người trước vọt chạy, tôi cũng phóng theo. Tôi trườn lên bờ và phóng chừng bốn, năm bước. Gan bàn chân chưa kịp có cảm giác ấm lạnh dường nào thì đã tới bên kia, rồi nhào xuống ruộng. Chẳng ngờ chạy được ít bước thì súng nổ.
Cái lô cốt ở gần đó bắn vét dọc ven lộ. Đạn đi như tàn đuốc. Tôi đang rối loạn thần kinh thì có tiếng kêu ở ven bờ: “Chú Hai.” Tôi quay lại. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy Tư Mô đang ở dưới mương. Không biết anh khôn vong nhảy xuống đó để tránh đạn và kêu tôi nhảy xuống đó cho chắc ăn, hay anh trật chân té xuống mương, nhưng dù thế nào tôi cũng như cái máy đang chạy không “phanh” lại được. Tôi chạy thẳng một mạch vô vườn. Cũng may, lính ở lô cốt chỉ bắn chứ không đuổi theo. Nếu nó đuổi theo thì nguy to.
Độ gần sáng tôi mới gặp lại Tư Mô.
Tôi hỏi:
– Anh xuống mương làm gì ?
– Tôi bị lọt xuống đó. Tôi đưa tay cho chú kéo lên mà chú chạy tuốt. Bộ không thấy tôi sao ?
– Có thấy chớ. Nhưng tôi tưởng anh kêu tôi xuống để tránh đạn.
– Tôi không thấy đường nên nhảy xuống đó. Bị bông súng quấn lên không được.
– Tôi hoảng quá. Đâu còn hồn phách gì mà nghĩ tới việc cứu anh.
Hai anh em mò mẫm đi bậy trong xóm. Té ra giao liên phía bên kia mép lộ không có sang qua bên này. Anh ta dắt khách ra gần đến đường, chỉ hướng rồi xua khách chạy qua. Mạnh ai nấy chạy đến chân vườn phía bên này thì có người rước. Bây giờ lại không có ai rước cả. Có lẽ nghe súng, anh ta lẩn trốn ở đâu đây ?
– Đạn nó bắn rớt trước mặt nghe ớn quá, chú.
– Tôi đâu có để ý gì. Cứ chạy thả ga thôi.
– Coi có mất giống gì không ?
– Kệ nó, mất gì mất, miễn mình còn thì thôi.
Cũng may, chập sau anh giao liên tới gom chúng tôi lại rồi dắt đi. Vừa đi, Tư Mô nói:
– Tử sanh hữu mạng thiệt chú ạ!
– Sao vậy?
– Nếu mình chậm chân thì bị nó bắn vét rồi – anh dừng lại rỉ tai tôi – chắc có vài cậu “nằm đường.”
Chiều hôm đó đến bờ sông Cửu Long. Xuồng đã đến đây đậu sẵn hồi nào không rõ. Máy đuôi tôm hẳn hoi. Nước lớn ngập mé bờ. Nước đỏ au, cuồn cuộn chảy. Những giề lục bình trôi phăng phăng như những bầy thủy quái sút xiềng trồi lên mặt nước đi phá phách dân gian. Tôi bỗng nhận ra một anh bạn quen. Phát ! Phát ở xưởng phim Hà Nội. Tội nghiệp nó không phải người quay phim, không phải đạo diễn cũng không phải diễn viên xi-nê. Nó chỉ là thằng quản lý lo cơm áo gạo tiền cho đoàn quay phim mỗi khi đi quay bên ngoài. Vậy đưa nó về làm gì, tôi cũng không hiểu nổi.
Mọi người đã ngồi dưới xuồng chờ nổ máy, nhưng hắn cứ đứng chết trân trên bờ. Anh giao liên thúc giục cách mấy hắn cũng không nhúc nhích. Trông nét mặt thì biết hắn sợ. Hắn chưa lấy lại tinh thần vì chết hụt đêm qua.
Cái sợ của nó lây sang tôi. Anh giao liên hơi cáu trước thái độ của Phát:
– Nếu đồng chí không đi thì đồng chí cứ ở lại một mình, tôi không chịu trách nhiệm.
Phát đáp không chút suy nghĩ:
– Đồng chí cứ đi !
Thấy tình thế gay go, tôi bước lên bờ.
– Thôi đi xuống ông nội ơi ! Làm gì mà sọc dưa vậy?
– Ai đi cứ đi tôi ở lại chuyến sau.
Hắn đi tới miền Tây. Tôi biết vậy. Từ đây về đó nếu không may thì bỏ xác dọc đường như chơi. Càng về đồng bằng càng lội vào gai góc. Lúc nào cũng thấy cái chết chờn vờn trước mặt. Khách dưới xuồng mỗi người một tiếng, kẻ thì thúc giục, người lại chê bai nhưng Phát không lay chuyển. Đang dang ca bỗng có tiếng máy xình xịch trên sông càng lúc càng gần. Anh giao liên quát:
– Ho bo, hô bo !
Mọi người ngơ ngác. Các ông cán mùa Thu có lẽ không biết hô bo là cái gì, nhưng thấy mấy người kia nhảy lên bờ thì cũng nhảy theo và chạy tản vô vườn. Chập sau, tiếng máy xa dần. Anh giao liên mặt mày cắt không được hột máu, lắp bắp:
– Nó đi tuần sông đó !
Tư Mô hỏi:
– Nó đi thường xuyên hay lâu lâu mới đi, đồng chí?
– Không chừng, không đổi gì ! Nó muốn đi thì nó đi.
Một ông cán đeo K54 hỏi:
– Không qui luật gì hết à?
– Qui rùa gì đâu !
– Không nắm được qui luật mà hành quân thì ớn quá !
– Nắm gì được mà nắm ?
– Vậy cứ đi liều à?
– Liều không liều, nhưng chắc thì không chắc.
– Trời đất! – ông cán quân sự kêu lên – Đi vậy khác gì chỉ mành treo chuông. Nếu ông kia không dùng dằng, mình qua sông thì đụng rồi.
Anh giao liên nói tỉnh bơ:
– Thì vậy thôi !
– Vậy sao được đồng chí !
– Hô bo nó chạy lướt trên mặt nước nhanh như máy bay. Nó tới mình không có né kịp.
Tư Mô nói:
– Nó vừa qua, mình tém đuôi nó được không đồng chí ?
– Tém thì tém. Cái gì cũng may rủi hết.
– Không có ai làm hiệu ở ngoài sông à?
– Hiệu gì mà hiệu. Nó núp trong những lùm bần rậm, dùng ống dòm canh chừng mà. Mình lú ra là nó chơi. Có lần nó quào luôn một xuồng lớp bắt sống lớp chết. Ý mà thôi, nói tới nói lui tôi cũng nhợn quá ! Có đi thì xuống xuồng. Ăn thua chỉ mười lăm phút thôi !
Vâng! Mười lăm phút đó có phép làm cho đám ăn trộm này hãy còn là một đám ma bùn trên dương thế hay thành một lũ quỉ dưới đáy sông. Cuộc sống như treo dưới lưỡi gươm máy.
Hồi kháng chiến, con sông này cũng đã bao phen nhuộm máu những người cán bộ lưu động: Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã từng bị tàu Pháp bắn chìm ghe trên sông này. Ông ta đeo be ghe. Tàu tới. Một tên Pháp giơ súng định bắn. Ông la lên: “Tôi là bác sĩ.” Tên Pháp ngừng tay và vớt ông lên đem về thành. Sau đó ông lại lén trở ra khu chống Pháp.
Cuối cùng rồi chiếc đuôi tôm của giao liên vẫn chở khách tách bến. Không ai nói một lời nào. Tôi ngồi sau lưng Tư Mô nhưng nhìn thấy nét lo âu khủng khiếp trên nét mặt anh. Tấm lưng còm cõi của anh phập phồng. Chiếc cần cổ teo tóp của anh rụt xuống. Hai tay giăng ra nắm cong ghe. Không ai nói gì. Mắt trố ra nhìn, dáo dác.
Có lẽ không ai trông thấy gì ngoài những cây bần ngâm mình dưới nước. Máy chạy êm ru. Xuồng từ trong khém đâm ra sông rộng. Anh giao liên bảo:
– Mấy đồng chí ngồi trước ngó sang phải, mấy đồng chí ngồi sau ngó sang trái. Hễ thấy nước tỏa trắng đó là hô bo thì cho tôi hay ngay. Không ai được lao chao. Chờ lệnh tôi.
Anh ta chỉ lo việc lái xuồng. Dòng sông hiện ra trước mặt, đỏ như pha máu.
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sông trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy
Mọi người mặc quần tiều cởi trần trong tư thế nhảy xuống sông lặn. Bao nhiêu dũng khí của thời kháng Pháp bị rơi rớt trên Đồng Chó Ngáp cả rồi. Tôi nhìn mút mắt. Chỉ thấy những chiếc ghe buôn trên sông. Ước gì mình được đi thảnh thơi như họ.
Tôi nói:
– Chắc nó đi thẳng rồi đồng chí !
Anh giao liên nói:
– Nếu nó đi thẳng thì nói làm chi. Sợ nó quay lại hoặc có chiếc sau đi tới.
Chiếc xuồng vẫn nghếch mũi phóng sang bờ bên kia. Không xa lắm. Hàng bần ven sông hiện ra càng lúc càng rõ nét. Trong cái màu xanh kia đang ẩn núp những họng súng, có thể lắm. Chúng thừa biết chẳng có ghe xuồng nào đi như vậy. Chúng vừa uống bia với tôm khô vừa chờ chúng tôi ra giữa sông mới xả súng bắn rồi chạy hô bo tới xách óc từng tên lên.
– Tôi là bác sĩ – Tiếng la của bác sĩ Thành vang lên trong tâm khảm tôi. Bỗng anh giao liên chửi thề. Tôi không biết chuyện gì. Thì ra máy hỏng. Cái đuôi tôm đang quay như gió bỗng chậm lại rồi ngừng hẳn như con cá bị chặt đuôi. Một luồng gió lạnh buốt tâm tư chạy khắp đoàn khách. Anh giao liên quát:
– Lấy dầm bơi ! – rồi bật đuôi tôm lên quay ngược gác ra phía trước.
Anh đóng cột chèo và tra chèo vào trong lúc đám khách quơ những cây bụp lá lót dưới ghe làm dầm bơi lia lịa. Chiếc xuồng loay hoay một lúc rồi tiếp tục trườn tới với tốc độ rùa bò. Sóng bắt đầu vỗ mạnh vào mạn xuồng vì đã ra giữa dòng nước xoáy. Thằng Phát ngồi chết trân. Hai tay nó ôm gối, đầu nó gục xuống không muốn nhìn gì hết. Nó lâm râm khấn vái. Không nghe rõ nó kêu ai phù hộ: Chúa, Phật, hay đức Huỳnh Giáo Chủ. Có lẽ đây là Vương quốc của Hòa Hảo. Hồi 1948 tôi theo bộ đội vượt sông này ở khúc Cần Thơ để xuống miền Tây và bị bộ đội Hòa Hảo chận đánh ở Bù Hút. Vị đại đội trưởng bị dân làng chém chết bằng dao trong trận đó.
Thấy ghe đi chậm mọi người tự động dùng tay bơi tiếp. Tốc độ không tăng mà chiếc ghe lại chòng chành. Sóng tạt ướt mặt. Nước vào từng chập. Một người ngồi gần lái cầm miếng bẹ chuối tát xành xạch như một thứ nhịp trường canh hướng về cuộc sống.
Bỗng… Rắc ùm!
Cây chèo trái của anh giao liên gãy ngang. Anh chúi lủi thay vì nhảy trên lưng khách anh lại nhào xuống sông. Loay hoay một lúc anh mới leo lên được. Và tiếp tục chèo một chèo. Anh chửi thề:
– Đ.m. chèo mục, xui quá ? – rồi quát – bơi riết lên !
Những chiếc dầm tay lại thọc xuống nước. Bỗng anh giao liên kêu lên:
– Quên rồi !
– Quên gì đồng chí ? – Đám khách lao nhao hỏi .
Anh ta không đáp, buông chèo ngồi xuống giở sạp lái rút lên một chiếc thùng móp méo. Anh mở nút rồi đổ vào máy. Thì ra cái thùng xăng. Anh quay máy ra sau rồi giật. Máy nổ. Xuồng phóng nhanh. Đám khách cười ré lên. Một người nói:
– Trời ngó lại !
– Nhờ tôi van vái nãy giờ! – Phát bảo.
Tính lại thử xem, đến nay, trên đường qui cố hương, tôi đã qua bao nhiêu con sông, lạch suối ? Suối sông vô danh thì không nhớ hết. Bên cạnh đó, những con sông hữu danh thì bây giờ nhìn lại bản đồ mới thấy: Sông Bé, Sông Đồng Nai Thượng, Đồng Nai Hạ, Vàm Cỏ Đông, Sông Cửu Long. Thời kháng chiến có câu: Qua sông bạc đầu, qua cầu giảm kỷ. Tôi đã qua bằng ấy con sông với phương tiện vô cùng “hiện đại” như vừa thấy ở trên, nhưng hãy còn khá hơn những chặng đường Trường Sơn lắm khi chết hụt. Và tôi đã từng trông thấy một anh lính miền Bắc chết đuối , đồng đội không vớt được vì không ai biết bơi.
No comments:
Post a Comment