Saturday, June 5, 2021

Bức Chân Dung và Ngôi Mộ Buồn – Phạm Thành Nhân

Kính dâng hương hồn những người lính cuả QLVNCH, những người đã một thời áo trận, giầy sault chiến đấu dũng cảm cho một miền Nam Tự Do.

TQLC Phạm Thành Nhân.

Trong cuộc chiến bảo vệ miền nam tự do, quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã mất đi một số tướng lãnh tài ba. Một tướng Đỗ cao Trí tư lệnh quân đoàn 3 tử nạn khi chiếc trực thăng cuả ông nổ trên vùng trời Tây Ninh khi ông đang chỉ huy để đánh vào trung ương cục R cuả cái đám được gọi là mặt trận giải phóng miền nam nhưng thực chất là con đẻ cuả cộng sản Bắc Việt, tướng Nguyễn viết Thanh tư lệnh quân đoàn 4 tử nạn khi hai chiếc trực thăng đụng nhau trên lãnh thổ quân khu 4 trong lúc ông đang thị sát mặt trận, tướng Trương quang Ân tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh cùng với chiếc trực thăng nổ tung trên trời khi vừa cất cánh, tướng Pháo Binh Phan đình Soạn cùng chiếc trực thăng rơi xuống biển vì đụng phải một dàn antena trên một chiến hạm cuả Mỹ thuộc Đệ Thất Hạm Đội khi ông cùng bộ tham mưu đi nghiên cứu để thành lập một đơn vị pháo binh phòng không cho quân khu1 và còn một số các vị tướng lãnh khác cũng bị tử nạn vì máy bay. Nói chung thì đa số đã tử nạn vì tai nạn máy bay nhưng không thể phủ nhận những công lao to lớn mà các vị tướng đó đã phục vụ cho tổ quốc và đất nước, do đó mọi người đều thương tiếc, truy điệu và tưởng nhớ đó cũng là một cách tri ân những anh hùng đã vị quốc vong thân.
Tại trung tâm cuả Sài Gòn có một số hình ành cuả vài vị tướng đã hy sinh được dựng lên trong các công viên cuả thành phố, như bức chân dung cuả cố Đại Tá Nhẩy Dù Nguyễn đình Bảo được nổi bật hơn hết với trận đánh trên một ngọn đồi Charlie và được gọi là ngưòi ở lại một mình, nhưng thực ra ông không ở lại đó một mình mà đã có nhiều người lính mũ đỏ khác cũng vĩnh viễn nằm lại ở đó cùng ông. Phải công nhận rằng ông là một người sĩ quan chỉ huy cuả binh chủng Nhẩy Dù đã tạo nhiều chiến công hiển hách, điển hình là trận đánh Damber nhưng với xương máu cuả những người lính mũ đỏ đã tạo nên chiến công vang lừng đó, cho nên thiết nghĩ phải vinh danh tất cả những anh hùng đó.

Xương Máu Tạo Anh Hùng.
Đã có biết bao nhiêu thân xác người lính nằm trong mộ buồn cuả một nghiã trang có tượng đá người chiến binh ngồi gác súng,mắt ngước xa xôi dưới vành nón sắt cuả một buổi chiều hoàng hôn giăng tím làm nổi bật những hàng mộ bia trắng xoá cả một vùng trời với hai hàng liễu buồn ủ rũ chạy dài trong nghiã trang, thinh không vắng lặng, u buồn với tiếng nỉ non cuả những con dế mèn khi màn đêm vừa xuống. Những người lính đã một thời cầm súng giữ gìn quê hương, đã một thời giầy sault in dấu, áo trận bạc mầu rong ruổi trên khắp nẻo đường quê hương, máu cuả họ đã đổ xuống để cho một phần đất tự do còn lại được yên lành, ấm no.

Trong khi đó trong trung tâm thành phố khi màn đêm phủ xuống, thành phố tràn ngập ánh đèn muôn mầu sáng toả lung linh cùng với điệu nhạc quay cuồng từ các vũ trường, phòng trà đã làm cho những bức chân dung trong công viên trở thành thời thượng, bức chân dung như muốn nhảy nhót theo điệu nhạc, như muốn nhộn nhịp cùng công viên thay vì những bức chân dung này được đặt trong nghiã trang nơi có hàng ngàn, hàng ngàn ngôi mộ cuả những người lính đã một thời xả thân giữ nước, ôi! cao cả biết bao!

Một chiếc máy bay lâm nạn, không phải chỉ có một mình vị tướng hy sinh mà là có cả một phi hành đoàn, người phi công lái chiếc trực thăng cùng với phi hành đoàn cũng hy sinh, nhưng vị tướng thì được truy thăng, truy điệu một cách long trọng còn những người xấu số không hề được nhắc nhớ và hầu như bị lãng quên, phải chăng đó là sự bất công và bất hạnh cuả kiếp làm Lính, chữ LÍNH được viết đậm nét đúng với ý nghiã cuả nó. Một kiếp lính sống trong nỗi cùng cực cuả chiến tranh đã kéo dài, kéo dài một cách thê thảm cùng với thân phận cuả người lính, một tích tắc có thể người lính ngã xuống trong ngỡ ngàng và bi thảm.

Gian khổ và hiểm nguy hầu như lúc nào cũng vây quanh người lính, trong sự sống và cái chết chỉ là một đường tơ, kẽ tóc. Một cuộc hành quân khai diễn, một bàn tay được xoè ra cuả người tư lệnh trên phóng đồ hành quân, vài ô vuông trên bản đồ nhưng ngoài thực tế người lính đã phải còng lưng với chiếc ba lô,súng đạn trèo đèo vượt suối băng mình trong lửa đạn để tiến đôi khi gục ngã nửa đường, những người lính còn lại có khi phải dẫm qua những vũng máu cuả đồng đội mình để đi đến mục tiêu. Một ngọn đồi chiến lược chiếm được, người sĩ quan chỉ huy cùng với đám đàn em lính sống sót cuả mình ngồi nốc vội bi đông nước còn nồng nặc mùi sình, một bịch gạo xấy lạnh tanh ăn vội vã cho qua cơn đói, chung quanh một hàng dãy poncho quấn tròn những thân xác bất động, xác cuả những người lính đã gục ngã trong lúc giao tranh. Trong khi đó người đã xòe năm ngón tay trên tấm bản đồ mở chai sâm banh vang nổ ăn mừng khi được thêm một vì sao lấp lánh trên aó, công lao đó chính là xương máu cuả những người lính thuộc quyền tạo nên. Thêm một cái huy chương đỏ thẫm trên ngực aó, đỏ như máu cuả người lính, mộ người lính xanh cỏ, đỏ ngực người tư lệnh. Chiến tranh quả thực tàn nhẫn và đau xót.

Người lính ôm súng, mặt cúi xuống xác người đồng đội được quấn trong chiếc poncho, người lính lầm bầm nói:

– Đù mè! tao đã nói rồi, hôm nay đến lượt mày đi khinh binh thì ráng mà cẩn thận, cây thượng liên cuả địch bắn như mưa mà mày chạy thẳng người trong thế xung phong, ham chi ba cái huy chương lẻ tẻ đó, có lần mày đã nói với tao là cố tìm một cái để về le lói với bạn bè. Đù má, bây giờ mầy toại nguyện rồi đó, cái huy chương thì không được đeo, cấp bậc thì không được mang mà để trên bàn thờ cúng giỗ, chung qui chỉ có gia đình mày chịu thiệt thòi mà thôi! Người lính chết trận chiều qua, ngày mai người đời quên lãng. Thôi! mày hãy yên nghỉ, hãy quên đi chiến tranh hận thù! hãy để hồn thanh thản nơi miền miên viễn đó.

Nước mắt người lính nhỏ lên xác bạn cuả một ngày nắng chói chang trên đỉnh đồi đẫm máu khi bom đạn vẫn nổ chung quanh.

Bóng chiều nghiêng nghiêng đổ nơi nghiã trang, đài tử sĩ với những bậc thang cao vút, bóng người goá phụ với vành khăn tang quấn trên mái tóc đen huyền, cô đơn lạc lõng với những hàng mộ bia trắng, tiếng gió vi vu như réo gọi hồn ai!

Nàng ngồi bên cạnh mộ chồng, lần từng ngón tay trên mộ bia khung hình bầu dục như muốn tìm lại một chút da thịt người chồng cuả một thuở mặn nồng.

Lá thư được viết từ chiến trường:

Đỉnh đồi căn cứ Sarge, ngày…tháng3 năm 1972.
Em yêu dấu,
Ngày hôm nay địch pháo dữ dội quá! những trái đạn 130 rít trên bầu trời nghe đến rợn người như muốn xé nát không gian, những trái đạn pháo nổ lóe sáng trong đêm tối, những mảnh đạn rơi lộp bộp trên nắp hầm trú ẩn, anh thấy cuộc sống mong manh quá! Chiến tranh đã làm mất đi bao nhiêu bạn bè, anh chỉ muốn chiến tranh chấm dứt, để anh trở về với em, với nhưng người thân thương, bạn bè cuả anh để sống lại cuả thuở yêu đương mặn nồng…


Chiến tranh chưa kết thúc, nhưng lá thư đang viết dở dang, dang dở như số phận người lính với cái chết đến thật bất ngờ và ngỡ ngàng.

Người góa phụ cầm chặt lá thư trong tay bước lần ra cổng nghiã trang giữa hai hàng liễu đong đưa trong tiếng gió u buồn, sau lưng những dãy mộ trắng chạy dài thẳng tắp tận cuối chân trời khi những tia nắng nhạt cuối cùng đang chìm dần vào tối và xa xa nơi thành phố, những ánh đèn sáng toả muôn mầu. Nơi ấy, có những bức chân dung sáng toả trong công viên.

TQLC Phạm Thành Nhân.

No comments:

Post a Comment