Thursday, October 8, 2020

TOÁN BIỆT KÍCH ALABAMA BỊ PHỤC KÍCH - 12 quân nhân đương đầu với 10,000 lính Bắc Việt!

Toán biệt kích SOG (Đoàn Nghiên Cứu, Quan Sát) Alabama gồm 12 quân nhân đương đầu với 10,000 lính Bắc Việt! Amazon.com xuất bản ngày 21 tháng Bẩy năm 2011.

“Phục Kích Trong Rừng” (Jungle Ambush) là một ấn bản video, kể lại chuyện xẩy ra hôm 5 tháng Mười năm 1968, khi toán biệt kích Alabama 12 người, do nhầm lẫn được trực thăng đưa vào bãi đáp trên đất Lào, đúng “tổ ong” có khoảng 10,000 lính Bắc Việt võ trang đầy đủ.

Câu chuyện xẩy ra dựa trên tác phẩm của Lynn Black “Whiskey Tango Foxtrot” (WTF-What’s The Fuck. Chuyện không may xẩy ra. Tiếng lóng trong quân đội Hoa Kỳ). Hồi ức của một cựu quân nhân Mũ Xanh Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ Lynn M. Black, tình nguyện phục vụ trong đơn vị SOG (Đoàn Nghiên Cứu, Quan Sát), những kinh nghiệm “sống chết”, rất ít người phải trải qua trong trận chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện của một quân nhân, phải đối phó với những nguy hiểm, gian nan thử thách, và cuối cùng vẫn chiến thắng. Câu chuyện về những quân nhân biệt kích bí mật (SOG là một đơn vị huyền thoại, bí mật): Đằng Sau Phòng Tuyến Địch với những Chiến Sĩ Tinh Nhuệ thuộc đơn vị SOG.

Tác giả Black chào đời ngày 22 tháng Tư, năm 1945, ngày nhà độc tài Quốc Xã Hitler tự sát, để không bị quân đội Đồng Minh bắt sống. Ông ta học xong bậc trung học năm 1963 ở Seattle, tiểu bang Washington (state). Ngay sau đó, cha mẹ của ông cho biết, phải đi làm để trả tiền nhà hoặc dọn ra ở riêng, Black trả lời bằng cách đăng lính. Với mức độ chiến tranh gia tăng trong vùng Đông Nam Á, ông ta sẽ được thuyên chuyển đến một thế giới mới, đầy thử thách cho sự can đảm của người quân nhân Hoa Kỳ.

Black đến Việt Nam lần đầu trong tháng Năm 1965, phục vụ trong một đơn vị tác chiến bộ binh. Điều này cho anh ta cơ hội học hỏi kinh nghiệm chiến trường, trước khi anh ta được 21 tuổi (trưởng thành thực sự). Đến khi Black được 25 tuổi, anh ta đã phục vụ thêm được hai tours (nhiệm kỳ) trong khu vực Đông Nám Á, trong một đơn vị “tối mật” Lực Lượng Đặc Biệt “Đoàn Nghiên Cứu, Quan Sát”, gọi tắt là đơn vị SOG. Chuyến đi cuối cùng (xâm nhập), Black cùng với tám (8) quân nhân biệt kích SOG khác rơi vào ổ phục kích của quân đội Bắc Việt. Khi lớp khói bụi lắng xuống, ba quân nhân biệt kích SOG nằm chết trên đất Lào, cùng với 17 quân nhân Hoa Kỳ phi hành đoàn trực thăng, bay vào yểm trợ việc triệt xuất, cấp cứu toán biệt kích Alabama.

Bộ chỉ huy B-52, hành quân (chương trình) Delta, ghi lại con đường anh ta đi, sau khi ghi danh gia nhập quân đội, Black được đưa đến căn cứ Fort Ord, California, huấn luyện phần căn bản quân sự. Thời gian đó khoảng tháng Bẩy năm 1963, nếu có được kinh nghiệm chiến trường, ông ta sẽ suy nghĩ kỹ hơn để tránh khỏi trận phục kích ngày 5 tháng Mười năm 1968. Tiếp theo, Black được gửi đến căn cứ Fort Knox, Kentucky học hỏi thêm kinh nghiệm chỉ huy và Thiết Giáp. Cũng tại căn cứ Fort Knox, ông ta tình nguyện học nhẩy dù trong căn cứ Fort Benning, Georgia để được tăng lương thêm $55 mỗi tháng. Sau khi thụ huấn xong khóa nhẩy dù, Black được thuyên chuyển đến sư đoàn 82 Nhẩy Dù trong căn cứ Fort Bragg, North Carolina (đại bản doanh sư đoàn 82 Nhẩy Dù và Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ).

Lúc đó người lính Nhẩy Dù Black nghĩ rằng, mình sẽ được thuyên chuyển đến một đơn vị đang đóng quân ở Đức, và sẽ có dịp đi thăm các viện bảo tàng ở Âu châu. Giấc mơ không thành sự thật, sau 6 tháng phục vụ trong sư đoàn 82 “American Airborne” Nhẩy Dù, Black sửng sốt khi nhận lệnh thuyên chuyển đi lữ đoàn 173 “Sky Soldier” Nhẩy Dù đang ở Okinawa, Nhật Bản, và được bổ sung về đại đội D, tiểu đoàn (chi đoàn) 16 Thiết Giáp (cơ hữu của lữ đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ) trong tháng Tư năm 1964. Lữ đoàn 173 Nhẩy Dù là một đơn vị tác chiến lục quân, đầu tiên được đưa sang tham chiến tại Việt Nam, từ tháng Năm 1965 cho đến năm 1971 (rút về nước). Trong tháng Năm 1965, Lynne Black có mặt trong đơn vị đầu tiên của lữ đoàn đến Việt Nam, và nhiệm vụ đầu tiên đợc trao cho lữ đoàn là bảo vệ phi trường Biên Hòa, gần Saigon, thường bị địch pháo kích bằng súng cối và hỏa tiễn. Black học được bài học đầu tiên, đối phó với một kẻ thù với chiến thuật du kích, lúc ẩn lúc hiện, tấn công bất ngờ rồi biến mất.

Trên vùng đất xa lạ của miền nhiệt đới, khi hậu nóng và ẩm tỏ ra rất khắc nghiệt đối với một quân nhân Hoa Kỳ như Lynne Black, nhưng ta vẫn không sờn lòng, phục vụ hơn một năm (tất cả 13 tháng). Black tham dự cuộc hành quân của lữ đoàn 173, tấn công vào chiến khu D, một khu vực “bất khả xâm phạm” của địch. Ông ta phục vụ trong đại đội Trinh Sát của lữ đoàn, đưa các toán viễn thám vào lục soát, tìm kiếm dấu vết, căn cứ, binh trạm của địch trong chiến khu D để phá hủy. Black tin rằng, lữ đoàn 173 Nhẩy Dù sẽ hết thời gian phục vụ sớm, quay trở về Okinawa trong dịp lễ Giáng Sinh.

Hugh Black, một trong hai người em trai của Lynne, đã đến tuổi “quân dịch”, bắt đầu “đoạn đường chiến binh”, đó cũng là lý do để cho Lynne Black ghi danh thời gian phục vụ tại Việt Nam thêm hai lần (tours) nữa. Người em Hugh phục vụ trong đại đội Công Binh của lữ đoàn 173 Nhẩy Dù. Đơn vị này bị địch pháo kích làm cho Hugh bị thương nặng (gần chết) và kết thúc cuộc đời binh nghiệp của chàng ta. Trong tháng Mười 1965, đại đội của Lynne rời Biên Hòa di chuyển đến khu vực hành quân mới, khu vực Tam Giác Sắt trong một cuộc hành quân “lùng và diệt”. Trên đường di chuyển đến khu vực Tam Giác Sắt, xe chở quân của quân đội Hoa Kỳ cán phải mìn, giết chết một tài xế và ba binh sĩ bị thương nặng.

Trong lần phục vụ đầu tiên (tour) với lữ đoàn 173 Nhẩy Dù, Lynne Black chưa từng trông thấy một tên địch nào (Việt Cộng), cho đến ngày trở về Hoa Kỳ trong tháng Bẩy năm 1966. Sau đó ông ta di chuyển đến tiểu bang Hawaii, làm việc cho một đài truyền hình điạ phương chuyên tường thuật về chiến tranh (Việt Nam). Được dịp tiếp xúc với nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, nhiều người đã mất đi chiến hữu, và xác quân nhân Hoa Kỳ tử trận trong những hộp sắt, trên đường trở về quê quán, làm cho Lynne Black ước muốn trả thù.

Trong tháng Sáu năm 1967, Black được khám nghiệm sức khỏe và qua khỏi, được tái ngũ, trở về đơn vị gốc, sư đoàn 82 Nhẩy Dù trong căn cứ Fort Bragg, North Carolina. Lần này, Black được huấn luyện về Chiến Tranh Đặc Biệt (Special Warfare), đến tháng Sáu năm 1968, Black trở lại Việt Nam, cầm trên tay sự vụ lệnh (được bảo mật) trình diện đơn vị tối mật Đoàn Nghiên Cứu, Quan Sát trực thuộc thẳng bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ (MACV/SOG).

Nhiệm vụ đầu tiên dành cho Lynne Black, ông ta được đưa lên căn cứ Hành Quân Tiền Phương 1 (FOB-1) của đơn vị SOG ở Phú Bài, ngoại ô thành phố Huế. Trong trận Tết Mậu Thân (1968) vừa qua, thành phố Huế bị thiệt hại nặng nhất. Trên căn cứ hành quân tiền phương 1, các toán biệt kích SOG (Lôi Hổ, Nha Kỹ Thuật) được đặt tên các tiểu bang của Hoa Kỳ (Alabama, Alaska, Pennsylvania, California,…) và Lynne Black được đưa về toán biệt kích mới thành lập Alabama. Thực ra toán Alabama được “tái lập”, toán Alabama (cũ) trước đó “biến mất” trong khu vực kiểm soát của địch, bị giết hay mất tích… Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV/SOG) là một đơn vị tối mật gồm toàn các quân nhân tình nguyện, được xử dụng trong Chiến Tranh Ngoại Lệ (Un-conventional Warfare). Các toán biệt kích SOG thường xâm nhập vào đất địch (hậu phương địch như miền Bắc Việt Nam, Lào và Cambodia), phá hoại, tâm lý chiến… Mặc dầu hai quốc gia Lào, Cambodia trung lập, nhưng quân đội Bắc Việt xử dụng hai quốc gia này làm nơi đóng quân, xây các căn cứ, binh trạm, kho tiếp vận, nên các toán biệt kích SOG được lệnh xâm nhập tìm kiếm các căn cứ, binh trạm, kho tiếp vận của quân đội Bắc Việt cho phi cơ oanh kích, tiêu hủy. Hơn nữa, hệ thống đường mòn HCM đưa quân chính quy Bắc Việt, quân dụng, vũ khí vào miền Nam nằm một phần trên hai quốc gia này. Không lực Hoa Kỳ từ biển, từ căn cứ không quân bên Thái Lan thả bom, oanh kích không hiệu qủa, vẫn cần các toán biệt kích SOG xâm nhập, nhìn thấy tận mắt, điều khiển các trận oanh kích.

Các toán biệt kích SOG “vượt biên” được trao cho năm (5) nhiệm vụ: ngăn chặn, theo dõi đường mòn (địch thường xử dụng), bắt sống tù binh (để khai thác), đặt máy nghe lén điện đàm của địch, và phục kích tiêu diệt địch. Quân biệt kích SOG lúc xâm nhập, không được đem theo giấy tờ, chứng chỉ tại ngũ, căn cước… Họ trang bị súng không có số, hoặc AK của khối cộng sản hay tiểu liên K-9 Thụy Sĩ. Một toán biệt kích SOG 12 người thường có ba (3) quân nhân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ tình nguyện làm việc cho SOG và 9 quân nhân thuộc sắc dân thiểu số (người Thượng…). Người lính Mũ Xanh Hoa Kỳ trưởng toán có danh hiệu “Một-Không” (1-0), toán phó là “Một-Một” (1-1), Người quân nhân Hoa Kỳ thứ ba “Một-Hai” (1-2) chịu trách nhiệm liên lạc truyền tin. Chín (9) quân nhân sắc tộc thiểu số được đơn vị SOG trả lương, người trưởng nhóm danh hiệu “Không-Một” (0-1), “Không-Hai” (0-2) là người thông dịch viên trong toán biệt kích, “Không-Ba” (0-3) là người quân nhân tiền đạo nhiều kinh nghiệm đi đầu toán biệt kích.

 Đơn vị SOG được yểm trợ “cùng mình”, có đơn vị không yểm riêng, phi đoàn 90 Hành Quân Đặc Biệt. Phi đoàn “đặc biệt” này bao gồm một phi đội trực thăng UH-1F Green Hornet, thường được trao nhiệm vụ tìm kiếm, cứu toán biệt kích, trường hợp toán biệt kích bị tấn công, phân tán, chạy lạc trong rừng. Phi đoàn trực thăng lừng danh “King Bees” 219 được Không Quân VNCH biệt phái, có những phi công can đảm ngoại hạng, lái loại trực thăng cũ kỹ H-34, không sợ chết được trao nhiệm vụ xâm nhập và triệt xuất cấp cứu các toán biệt kích SOG.

Trong những cánh rừng nhiệt đới mênh mông trên đất Lào, gặp trường hợp tìm bãi đáp không ra hoặc cấp cứu toán biệt kích. Quân biệt kích xâm nhập, hoặc triệt xuất bằng dây thả xuống từ trực thăng. Mới đầu quân biệt kích SOG xử dụng dây “McGuire Rigs” bằng nylon để thả, hoặc bốc (xâm nhập, triệt xuất) toán biệt kích, nhưng người đã bị thương có thể rơi xuống đất, sau đó thay bằng dây Thụy Sĩ “Swiss Seat” có vòng số 8 cho người lính biệt kích cho hai chân ngồi vào. Cuối cùng là dây “Stabo Rigs”, câu người lính biệt kích lên.

Lynne Black phục vụ đơn vị SOG trong toán biệt kích Alabama rồi Idaho từ tháng Bẩy 1968 cho đến tháng Sáu 1969, Black trở thành “Một-Một” (1-1), toán phó cho huyền thoại, toán trưởng John Stryker “Tilt” Meyer (Ông này rất nổi tiếng, viết nhiều sách về đơn vị SOG). Khi Meyer hết thời gian phục vụ, trở về Hoa Kỳ trong tháng Tư năm 1969, Lynne Black lên thay làm trưởng toán biệt kích Idaho. Người quân nhân Mũ Xanh Black sẽ để lại cho chúng ta câu chuyện xẩy ra ngày 5 tháng Mười, năm 1968, số phận nghiệt ngã dành cho toán biệt kích Alabama, ba quân nhân biệt kích 1 Hoa Kỳ, 2 BK việt nam cùng với 17 nhân viên phi hành đoàn hy sinh khi cố gắng vào cứu toán biệt kích Alabama.

Trong ngày “định mệnh” đó, toán biệt kích Alabama đưa vào “đúng ổ” một binh trạm của quân đội Bắc Việt, và có một đơn vị cấp trung đoàn đang đóng quân bảo vệ gần đó. Lúc đó, trưởng toán biệt kích Alabama “Một-Không” (1-0) là James “Bulldog” Stride, toán phó “Một-Một” (1-1) là Stephen Engelke, và nhân viên truyền tin “Một-Hai” (1-2) là Black. Quân biệt kích VNCH gồm có: trưởng nhóm “Không-Một” (0-1) là Loc A. Hua, người phó “Không-Hai” (0-2) là Đoàn “Cowboy” Khánh (Cowboy hiện đang sống ở California), và Hòa Nguyễn, người đi đầu toán biệt kích (nhiều kinh nghiệm) “Không-Ba” (0-3), trúng đạn chết chỉ ít phút sau khi xuống bãi đáp, cùng với người xạ thủ đi sau cùng Cường T. Nguyễn.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn, không toán biệt kích nào nhận, để rồi định mệnh đưa đẩy đến toán Alabama. Mười hai toán biệt kích xâm nhập vào trước đó đều bị thiệt hại, biến mất hoặc vừa bắn vừa chạy trối chết tìm đường sống. Đó là mục tiêu “Oscar Eight”, được coi như nơi bất khả xâm phạm của quân đội Bắc Việt, chỉ những toán biệt kích nào muốn tự sát mới nhận nhiệm vụ (vào nhưng không ra). Do đó cấp chỉ huy đưa ra chuyện bốc thăm, toán nào “xui tận mạng” phải lãnh nhiệm vụ xâm nhập vào Oscar Eight… và toán biệt kích Alabama “nhận” lãnh nhiệm vụ. Hôm 3 tháng Mười, năm 1968, hai ngày trước khi lên đường, trưởng toán biệt kích Stride cùng với Black bay thám sát mục tiêu để chọn bãi đáp, bãi triệt xuất. Chiếc máy bay quan sát U-17 không quân VNCH chở theo hai người lính biệt kích SOG cất cánh từ phi trường Phú Bài, bay vòng ra biển, Black để ý, nhiều ngư dân trên các ghe đánh cá quan sát chiếc máy bay rất kỹ, khi họ bay ngang qua, trên đầu các ghe đánh cá.

Khi chiếc phi cơ bay vào đất liền về hướng tây, khung cảnh rừng núi trùng điệp hiện ra. Khi gần đến biên giới Lào, Stride yêu cầu viên phi công bay xuống thấp, ngang qua khu vực chọn làm bãi đáp trống trải để chụp ảnh. Viên phi công từ chối nêu lý do an toàn. Stride đập tay vào nón bay, ép viên phi công phải xuống thấp để chụp ảnh cho rõ. Khi chiếc phi cơ xuống gần đến đầu ngọn cây, Black vừa chụp được một tấm ảnh, đạn nổ vang trời, nhiều viên đạn xuyên qua thân máy bay, xé một lỗ trên trần phi cơ chui ra. Đầu viên phi công phụ trúng đạn văng óc ra, một phần rơi rớt tên đùi Black. Lynne Black nghi ngờ mấy ngư dân đã thông báo cho đơn vị Bắc Việt trong binh trạm chuẩn bị trước. Tấm ảnh Black chụp được… đạn lửa của đại liên phòng không 12 ly 7 Bắc Việt bắn lên chiếc U-17.

Ngày định mệnh, thứ Bẩy 5 tháng Mười 1968, hai trực thăng King Bees (phi đoàn 219 KQVN) chở toán biệt kích Alabama cất cánh từ căn cứ hành quân tiền phương (FOB-1) Phú Bài, bay về hướng biên giới Lào Việt. Theo đúng nguyên tắc của toán biệt kích SOG, chiếc H-34 bay đầu đem theo trưởng toán “Một-Không” (1-0), và nửa toán biệt kích (toán A), chiếc thứ hai sẽ đem theo toán phó “Một-Một” (1-1) cùng với nửa còn lại (toán B). Toán phó Lynne Black ngồi trên chiếc thứ hai kể lại: Khi còn cách bãi đáp vài thước, tôi nhìn thấy lá cờ của quân địch cắm nơi bìa rừng… tôi chỉ biết “kêu trời” và thầm nghĩ, chuyến xâm nhập phải được hủy bỏ ngay tức khắc.

Sau khi toán biệt kích Alabama đã xuống bãi đáp, hai chếc H-34 King Bees ra khỏi bãi đáp, bay về. Đủ loại súng của địch nổ vang dội, chiếc H-34 thứ hai chở Black trúng đạn phòng không trên bầu trời, rơi xuống đất một cách tàn bạo. Trong bãi đáp, toán biệt kích vội vàng chạy nhanh vào rừng tránh đạn, trong khi đó quân Bắc Việt, rải quân, siết chặt vòng vây toán biệt kích Alabama. Người lính đi đầu (nhiều kinh nhiệm) Hoa cảm thấy nguy hiểm, khuyến cáo người trưởng toán biệt kích SOG Stride, gọi máy yêu cầu triệt xuất khẩn cấp ngay tức khắc, nhưng ông ta không nghe, ra lệnh cho toán biệt kích tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Mặc dầu đã có kinh nghiệm trong trận chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trưởng toán Stride phạm lỗi lầm lớn, chết người, đưa đến cái chết cho chính ông ta và người đi đầu (hướng đạo) Hòa, ra lệnh cho toán biệt kích băng qua một con đường mòn có dấu hiệu địch di chuyển thường xuyên. Tôi (Black) cũng phản đối nhưng Jim Stride không chịu, lấy quyền trưởng toán ra lệnh cho cả toán biệt kích theo lệnh ông ta một cách tuyệt đối. Ngay tức khắc là một loạt đạn của địch bắn về phiá toán biệt kích Alabama, người đi đầu Hòa trúng nhiệu viên vào ngực và bụng. Jim Stride trúng hơn 20 viên đạn, ba viên vào đầu giết chết Stride ngay tức khắc.

Black lên nắm quyền trưởng toán biệt kích Alabama, ông ta ra lệnh cho những người còn lại làm thành tuyến phòng thủ vòng tròn 360 độ, bắn trả lại địch quân. Quân Bắc Việt áp sát vào phòng tuyến, một qủa lựu đạn ném vào giữa phòng tuyến biệt kích SOG, nổ tung làm hư hỏng khẩu CAR-15 của Black và sức ép làm ông ta ngất đi, trúng mảnh lựu đạn đầy người. Toán viên Cowboy Đoàn Khánh cho Black uống nước làm ông ta tỉnh lại, gửi đi mật hiệu “Prairie Fire” (Cánh đồng lửa). Trong hành quân Prairie Fire, xâm nhập vào đất Lào, khi tín hiệu Prairie Fire được gửi đi, có nghiã một toán biệt kích SOG đang bị quân đội Bắc Việt bao vây, tấn công, có nguy cơ bị tiêu diệt (100%). Lúc đó tất cả mọi phi cơ, trực thăng trên bầu trời gần đó, sẽ được điều động vào để cứu toán biệt kích. Kết qủa rơi thêm trực thăng, và 17 phi công, nhân viên phi hành tử trận lúc vào cứu toán biệt kích Alabama.

TOÁN BIỆT KÍCH ALABAMA

(Phần 2)

Trước khi toán biệt kích Alabama có thể thở ra nhẹ nhõm, lính Bắc Việt siết chặt vòng vây, chuẩn bị tấn công. Bãi chiến trường bỗng nhiên im lặng, một sự im lặng của tử thần, không có tiếng chim hót, không một tiếng nói (âm thanh) của loài người, tuyệt đối im lặng, không có cả tiếng lá cây chạm vào nhau xào-xạc. Trên bầu trời nơi toán biệt kích Alabama bị bao vây, không có tiếng động cơ máy bay. Người toán phó “Một-Một” Stephen Engelke vẫn chưa bắn một phát súng lúc đó đã lên nắm quyền chỉ huy toán biệt kích SOG, đang cầu nguyện. “Một-Hai” nhân viên truyền tin Black băng bó vết thương cho Cowboy Đoàn Khánh để cầm máu, chích cho anh ta một mũi morphine cho đỡ đau. Đúng lúc có tiếng hô lớn của lính Bắc Việt “Tất cả đầu hàng!”, tiếp theo là tiếng súng của địch trúng “hậu vệ” Cường, người lính đi sau cùng bảo vệ phiá sau toán biệt kích, ngăn chận địch đuổi theo, truy kích.

Lúc đó chiếc phi cơ quan sát (điều không tiền tuyến) FAC, chở theo một quân nhân SOG có kinh nghiệm ngồi ghế sau Watkin danh hiệu truyền tin Spider đã quay trở lại bao vùng. Thấy tình trạng nguy kịch ở dưới, Spider liên lạc phi đoàn 37 Không Quân Cấp Cứu trong phi trường Đà Nẵng vào cứu toán biệt kích Alabama. Trong cuộc chiến Việt Nam, các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi ngoài miền Bắc Việt Nam, trên đất Lào, phi đoàn 37 Không Quân Cấp Cứu được gọi đến nhiều nhất. Phi đoàn này xử dụng loại trực thăng Jolly Green Giant HH-3E, có nhiều phi công, nhân viên phi hành rất sốt sắng với nhiệm vụ được trao phó.

Chiếc trực thăng cấp cứu Jolly Green Giant đầu tiên, danh hiệu JG 28, giảm cao độ bay vào bãi đáp. Họ quan sát tìm kếm dấu hiệu “phe ta” tấm Pano mầu cam nơi góc đông nam. Bất ngờ các phi công Hoa Kỳ nhìn thấy một tấm Pano mầu cam khác (không ngờ địch quân cũng có) làm chiếc trực thăng JG 28 khựng lại, tiếp theo là tiếng đạn AK-47, phòng không 12 ly 7 nổ dòn trúng ống dẫn dầu chẩy tràn lan bên trong chiếc trực thăng Jolly Green HH-3E, JG-28 phải bay ra khỏi bãi đáp, được một chiếc khác hộ tống về phi trường Đà Nẵng.

Trực thăng cấp cứu thứ hai danh hiệu JG10 bay tránh ra khỏi bãi đáp một khoảng cách an toàn, đợi cho Watkins (Spider) điều động mấy chiếc trực thăng võ trang bắn phá xung quanh toán biệt kích Alabama, không cho quân Bắc Việt tấn công, không cho địch ngóc đầu lên đủ thời gian cho chiếc JG10 bay vào bãi đáp cứu toán biệt kích.

Sau mấy tour (vòng) oanh kích xung quanh bãi đáp, chiếc Jolly Green JG10 do Thiếu Tá Không Quân Vernon R. “Sam” Granier được “bật đèn xanh” bay vào cứu toán biệt kích. Đó là nhiệm vụ đầu tiên cho ông ta, kể từ khi biệt phái cho hành quân Prairie Fire (các chuyến hành quân đơn vị SOG trên đất Lào).

Khi được lệnh từ Covey (phi cơ quan sát điều không tiền tuyến FAC), Thiếu Tá Granier biết rằng có hai quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ đang gặp nguy hiểm cùng với quân biệt kích Nam Việt Nam, và gần hết quân biệt kích đã bị thương hoặc chết. Granier bình tĩnh lái chiếc trực thăng HH-3E vào, không như  JG28, Thiếu Tá Granier biết vị trí toán biệt kích Alabama (ở góc nào) trong bãi đáp. Đủ loại súng AK-47, đại liên phòng không nổ vang trời.

Viên trưởng toán cơ khí báo cáo, đạn xuyên qua thân máy bay làm một lỗ thủng lớn rộng 6 inches trên sàn phi cơ. Đạn trúng vào cả hai động cơ máy bay, làm bốc cháy, đèn báo hiệu chớp liên tục. Thiếu Tá Granier bẻ quặt tay lái 180 độ sang phía bên kia, cố gắng lái chiếc trực thăng trúng đạn ra khỏi bãi đáp, trong khi hai xạ thủ đại liên bắn liên tục để trấn áp hỏa lực của quân Bắc Việt.

Chiếc JG10 bị trúng đạn cả hai động cơ, không thể bay xa được. Bay được khoảng vài trăm thước ra khỏi bãi áp,  Granier thông báo cho phi hành đoàn biết chuẩn bị vì chiếc trực thăng phải đáp khẩn cấp. Hai xạ thủ đại liên tiếp tục bắn cho đến khi chiếc trực thăng đang cháy rơi xuống cánh rừng phía dưới. Toán biệt kích Alabama rung động, Watkins trên chiếc Covey, cùng những phi công đang bay bao vùng, chứng kiến chiếc Jolley Green lâm nạn hãi hùng.

Trong khi đó, nơi căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1) Phú Bài, mọi người chăm chú lắng nghe lời đối thoại giữa Black và Covey. Mọi người lo ngại cho số phận toán biệt kích Alabama, lúc đó chạy trở lại hố bom bên trong bãi đáp để tránh đạn, lập tuyến phòng thủ. Trên đầu họ, chiếc FAC với Watkins và Spider vẫn tiếp tục điều động trực thăng võ trang, bắn phá để cứu toán biệt kích SOG. Một biệt kích quân VNCH bò xung quanh nhặt súng đạn AK-47 của địch bỏ lại trên chiến trường để xử dụng khi cần.

Sau khi chiếc trực thăng JG10 rơi xuống đất, Covey được biết có hai người trong chiếc Jolley Green sống sót, và “hỏi” toán biệt kích Alabama, nếu có thể tìm kiếm những người còn lại trên chiếc trực thăng xấu xố. Thiếu Tá Granier gẫy xương lung nhưng chui ra khỏi chiếc trực thăng HH-3E. Người sống sót thứ hai là Trung Sĩ Earnest Dean Casbeer, bị rơi ra ngoài trước khi chiếc trực thăng đâm xuống đất. Cả hai không biết vị trí của nhau. Đến lúc đó, tất cả các phi cơ của Hải, Không quân và TQLC/HK đều được lệnh tập trung nỗ lực cứu toán biệt kích Alabama.

Khoảng 6 giờ chiều (1800 hours), một phi công Jolly Green khác, Thiếu Tá Không Quân Don Olsen gọi trên làn sóng truyền tin “Blackjack, đây là JG32. Tôi đang đáp nơi hang cây gần chỗ bạn. Bạn có 20 phút trước khi tôi cất cánh… Người đầu tiên, chúng tôi muốn trông thấy phải là người Hoa Kỳ… Nhanh lên! Chúng tôi bị địch bắn dữ dội”

Tất cả những gì không thể đem theo được phải vất bỏ… Những ai còn di chuyển được, nhanh chóng chạy về hướng chiếc trực thăng đang chờ họ. Viên phi công đầy kinh nghiệm, Olsen xử dụng cánh quạt chém bớt cành cây nhỏ, “khai quang” đủ cho chiếc trực thăng đáp xuống, bên ngoài bãi đáp, có hàng cây che khuất, cản bớt hỏa lực của quân Bắc Việt.

Khi toán biệt kích Alabama chạy ra khỏi bãi đáp, họ phải băng qua lùm cây rậm rạp, leo lên một ngọn đồi để đến chiếc Jolley Green JG32 đang đợi. Họ khám phá một binh trạm của địch nằm khuất dưới hàng cây che phủ, nhưng không có địch, may mắn gặp Trung Sĩ cơ khí Earnest Dean Casbeer, sau đó họ tìm được Thiếu Tá Granier.

Quân Bắc Việt đuổi theo bị Covey điều động mấy chiếc A1 Skyraider bắn chặn không lên được. Trên chiếc Jolley Green JG32, nhân viên phi hành khai hỏa mấy khẩu M-79, đại liên M-60 liên tục làm chậm bước tiến của địch. Khi toán biệt kích bắt đầu leo dốc lên đồi nơi chiếc trực thăng đang đợi, người biệt kích “hậu vệ” Cường trúng đạn, mặt xanh mét, biết Cường không qua khỏi, đồng đội phải bỏ lại tiếp tục di chuyển.

Sau khi mọi người (các biệt kích sống sót, Thiếu Tá Granier và Trung Sĩ cơ khí Casbeer) lên được trực thăng. Thiếu Tá Olsen báo cho Covey biết, rồi từ từ cất cánh lên cao, dưới hỏa lực của địch. Ngồi bên trong, Black nghe tiếng đạn đập vào thân máy bay “Bộp, Bộp…”, thầm nghĩ… chiếc Jolley Green khỏe thật và viên phi công … rất “sư phụ”.

Sau khi được biết phần còn lại của toán biệt kích Alabama cùng hai quân nhân Không Quân đã thoát nạm, Watkins điều động các phi tuần còn lại vào bắn phá tan nát khu vực bãi đáp… cho hả giận.

FHSU Oct. 9 2020 vđh

No comments:

Post a Comment