Wednesday, January 13, 2021

MỤC TIÊU OSCAR EIGHT (O-8)

 Họ Tên: Stephen Paul Hanson

Cấp bậc / Quân chủng: Thiếu Tá / TQLC

Đơn vị: HMM 165, đoàn 36 Không Trợ TQLC

Ngày sinh: 04-01-1940

Quê quán: Burbank, California

Ngày tổn thất: 03-06-1967

Quốc gia: Lào

Tọa độ nơi tổn thất: 161914N 1064049E (XD795050)

Tình trạng năm 1973: Mất tích

Phân loại: 2

Phi cơ/Tầu bè/Xe cộ: Trực thăng CH46A “Sea Knight”

Người khác trong tổn thất: Timothy R. Bodden, Ronald J. Dexter, John G. Gardner và Billy Laney (tất cả đều mất tích), Ông Ky và Charles F. Wilklow (được cứu), Frank E. Cius (trao trả tù binh)

Loại trực thăng CH46 “Sea Knight” do Boeing-Vertol sản xuất được đưa sang vùng Đông Nam Á châu ngày 8 tháng Ba năm 1966, phục vụ trong quân chủng TQLC/HK cho đến khi quân đội Hoa Kỳ về nước. CH46 có ba hoặc bốn phi hành đoàn tùy nhiệm vụ chuyến bay. Loại trực thăng này có thể chở 24 quân nhân trang bị đầy đủ hoặc 4600 cân Anh hàng hóa, được xử dụng chuyên chở binh sĩ TQLC/HK và đồ tiếp liệu trong miền nam Việt Nam.

Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV-SOG) là một đơn vị hỗn hợp bao gồm các quân binh chủng trong quân đội Hoa Kỳ cho chiến tranh ngoại lệ, bí mật trong vùng Đông Nam Á. Liên đoàn 5 LLĐB/HK cung cấp người cho đơn vị SOG qua chương trình Hành Quân Đặc Biệt Mở Rộng (SOA) để ngụy tạo cho các quân nhân này trong thời gian biệt phái cho đơn vị SOG. Các toán biệt kích SOG thực hiện các công tác bí mật, xâm nhập sâu vào vùng địch kiểm soát, dò thám thâu thập tin tức tình báo chiến lược.

Mục tiêu Oscar-8 (O-8) là danh hiệu cho một khu vực hướng đông nước Lào, trong tỉnh Savanakhet, rừng núi rậm rạp, cách thung lũng “nổi tiếng” A Shau 25 dặm về hướng tây bắc. Khu vực này bao gồm giao điểm giữa đường 92, con đường huyết mạch chính trong hệ thống đường mòn HCM và đường 922, tách ra đi về hướng miền nam Việt Nam đến đầu hướng bắc thung lũng A Shau. Mục tiêu Oscar-8 nằm nơi hướng đông nam cánh rừng lớn che phủ thung lũng với hai con đường chạy xuyên qua, mỗi bên một đường. Đường 92 chạy dọc theo phiá tây và đường 919 theo phiá đông thung lũng. Một đường dây điện chạy song song với đường 92, thỉnh thoảng cắt ngang. Sông Hội An cũng chẩy qua thung lũng, băng qua giao điểm của hai con đường, cách chừng một dặm về hướng tây.

Nhiều phi cơ Hoa Kỳ bị rơi trong khu vực này hơn bất cứ nơi nào khác trên đất Lào. Lý do có bộ chỉ huy tiền phương của Tướng Võ Bầm, đoàn vận tải 559 đào sâu trong các ngọn đồi khu vực Oscar-8. Đó cũng là nơi theo dõi, chỉ huy các hoạt động trên đường mòn HCM, và có nhiều kho hàng, kho tiếp vận, căn cứ của quân đội Bắc Việt. Mục tiêu Oscar-8 được bảo vệ bới nhiều vòng đai súng phòng không đủ loại, ngụy trang rất cẩn thận. Thêm một lợi thế nữa, Oscar-8 chỉ có một khoảng đất trống cho trực thăng đáp nằm dưới đáy thung lũng, xung quanh có rừng cây che phủ, súng phòng không, pháo đài trên một độ cao, nằm trên sườn đồi.

Một trận tấn công lớn vào mục tiêu Oscar-8 xẩy ra ngày 2 tháng Sáu năm 1967, mở đầu với 9 phi cơ B-52 trải thảm bom. Sau khi làn khói, bụi tan đi, 9 trực thăng Kingbee phi đoàn 219 Không quân VNCH cùng với 5 trực thăng CH46 TQLC/HK đưa một đại đội Khai Thác (Hatchet Forces), biệt kích quân người Nùng với cố vấn Hoa Kỳ vào lục soát. Các quân nhân LLĐB/HK đi theo gồm có các Trung Sĩ Nhất Billy R. Laney, Ronald J. “Ron” Dexter, và Charles F. “Charlie” Wilklow.

Đại đội Khai Thác khoảng 100 quân biệt kích vừa được trực thăng đưa vào đã bị một quân số đông đảo chính quy Bắc Việt bao bây. Họ phải chạy lại những hố bom tránh đạn, gọi các phi tuần trực thăng võ trang, khu trục, phản lực yểm trợ. Giữa lòng thung lũng, quân biệt kích cố thủ trong các hố bom, không đủ sức mở cuộc phản công. Tình thế trở nên nguy ngập, trận đánh vẫn tiếp tục kéo dài từ buổi chiều cho đến tối, suốt đêm.

Rạng sáng hôm sau, ngày 3 tháng Sáu, hợp đoàn trực thăng được các phi cơ khác hộ tống cất cánh từ Khe Sanh, bay vào “triệt xuất” đại đội Khai Thác. Trong suốt thời gian phi vụ cấp cứu, các phi tuần khu trục A-1 Skyraider VNCH, phản lực của Hoa Kỳ thay phiên nhau bay vào thả bom, bắn hỏa tiễn, đại liên để yểm trợ cho cuộc triệt xuất. Hỏa lực phòng không Bắc Việt bắn lên dữ dội, rơi bốn phi cơ Hoa Kỳ: 1 khu trục A-1, 1 phản lực F-4 Phantom (Con Ma) và 2 trực thăng võ trang. Tất cả các phi công rớt máy bay, nhẩy dù ra và được cứu thoát, ngoại trừ phi công lái khu trục A-1E, Trung Tá Lewis M. Robinson, ông ta bị kẹt (?) không “bắn” dù ra được, đâm xuống khu rừng phiá nam cách bãi chiến trường khoảng 5 dặm. Trung Tá Robinson được báo cáo tử trận/không thâu hồi được xác.

Cuối cùng một trực thăng CH46 “Sea Knight” TQLC/HK đáp được xuống giữa các hố bom, mặc dầu bị trúng nhiều đạn súng trường, AK-47 vẫn “bốc” được một trung đội biệt kích quân Nùng, trong đó có Ông Kỳ, người chỉ huy phiá VNCH. Chiếc CH46 thứ hai, số thứ tự (150955), danh hiệu “Shark 03” xuống được bãi đáp do phi công Đại Úy Steven P. Hanson, phi công phụ Trung Úy John G. Gardner, Trung Sĩ cơ khí Timothy R. “Tim” Bodden và Hạ Sĩ xạ thủ đại liên Frank E. Cius. Ba quân nhân biệt kích Hoa Kỳ, Billy Laney, Ron Dexter, Charlie Wilklow cùng hơn hai mươi biệt kích Nùng leo lên trực thăng. Lính Bắc Việt bắn vào chiếc trực thăng dữ dội, trúng một trong hai phi công làm chiếc trực thăng mất thăng bằng, không kiểm soát được, chém vào cành cây, rơi từ cao độ 100 bộ (khoảng 20 mét) xuống, gẫy làm đôi cách bãi đáp khoảng 350 mét.

Lính biệt kích Nùng chết, bị thương nằm rải rác khắp nơi. Trực thăng cấp cứu nhìn thấy  quân nhân sống sót xung quanh hoặc gần xác chiếc trực thăng, nhưng không xuống được vì hỏa lực phòng không của địch. Ba biệt kích Nùng chạy trở lại bãi đáp và được trực thăng vào cứu cùng những quân nhân sống sót ngày hôm sau. Quân nhân Hoa Kỳ được cứu duy nhất trong trực thăng “Shark 03” là Charlie Wilklow, anh ta kể lại…

Khi chiếc trực thăng rơi xuống đất, Wilklow nhin xung quanh, Billy Laney nằm trên sàn trực thăng cùng viên cơ khí TQLC Tim Bodden. Trung Sĩ Laney đã bị trúng đạn vào ngực trước khi leo lên trực thăng, có thể anh ta bị sái chân, Bodden bị gẫy xương sống. Bất ngờ, xạ thủ đại liên Frank Cius bị trúng đạn vào đầu gục xuống khẩu đại liên. Trung Sĩ Wilklow bị trúng đạn vào chân phải, lăn ra khỏi trực thăng. Đại Úy phi công Hanson đang ở bên ngoài, ông ta nói phải vào lấy món đồ gì đó trong chiếc trực thăng. Wilklow cố gắng bò ra khỏi khu vực, bị mất máu nhiều, kiệt sức anh ta nằm ngửa mặt lên trời. Trước mắt Wilklow là một người lính Bắc Việt đang nhìn xuống anh ta từ một vị trí súng đại liên phòng không 12,7 ly cao khoảng 60 bộ (gần 20 mét). Wilklow nhận thức rằng mình đã bò vào căn cứ của địch với những ổ súng và lính Bắc Việt ở khắp nơi.

Trung Sĩ Charles Wilklow tin rằng mình sẽ bị bắt, nhưng lính Bắc Việt nhìn thấy anh ta đã bị thương, nên chỉ đi ngang qua. Sau đó Wilklow ngất đi. Khi anh ta tỉnh dậy, thấy túi “mưu sinh” của mình bị mất, và “được” lôi ra một khoảng đất trống, bên cạnh là tấm pano phản chiếu ánh sáng cho phi cơ Hoa Kỳ trông thấy và lính Bắc Việt đã bố trí khúng phòng không để bắn nếu có trực thăng xuống cứu tôi. Sau đó Wilklow lại ngất đi.

Qua ngày hôm sau, có trận mưa kéo dài cả giờ đồng hồ, Charles Wilklow lấy lại sức phần nào, ngày hôm sau nữa anh ta khám phá rằng viết thương nơi chân phải đã có giòi trông ghê gớm. Đêm đó lợi dụng không ai canh giữ, để ý, Wilklow bò lết đi. Đến sáng ngày hôm sau, anh ta đã bò ra khỏi căn cứ của địch khoảng hai cây số, sau đó một phi cơ FAC bay bao vùng tìm kiếm quân nhân mất tích trông thấy, gọi trực thăng đến cứu. 

Trung Sĩ Nhất Ron Dexter là người duy nhất chạy ra khỏi chiếc trực thăng không bị thương. Trước hỏa lực dữ dội của địch nơi mục tiêu Oscar-8, cuộc tìm kiếm, cấp cứu chấm dứt. Tim Bodden, Ron Dexter, John Gardner, Billy Laney, Frank Cius, và Stephen Hanson được báo cáo mất tích.

Hạ Sĩ Frank Cius bị bắt sống, đưa từ Lào ra miền bắc Việt Nam, và được trao trả tù binh ngày 5 tháng Ba năm 1973. Khi trở về Frank Cius kể rằng, anh ta bị thương nơi đầu, Ronald Dexter cũng bị bắt nhưng chết ngày 29 tháng Bẩy năm 1967.

Năm 1996, một đoàn tìm kiếm quân nhân mất tích đến tỉnh Savanakhet để tìm kiếm, họ được dân điạ phương đưa đến vị trí chiếc trực thăng lâm nạn năm xưa. Toán tìm kiếm đào thử một hố, tìm được mảnh xương vụn, răng và một tấm thẻ bài của Đại Úy Steven Hanson. Đến tháng Hai năm 1999, toán tìm kiếm quay trở lại đào thêm được mảnh xương, răng, vài món đồ vật của phi hành đoàn trực thăng. Tháng Sáu cùng năm, họ trở lại đào thêm được xương người đưa sang Phòng Thí Nghiệm Trung Tâm Nhận Diện ở Hawaii để khám nghiệm.

Ngày 14 tháng Tám năm 1999, phòng thí nghiệm báo cáo kết qủa như sau: Steven Hanson (răng), John Gardner (răng), Billy Laney (răng, xương cánh tay). Không tìm thấy bằng chứng của Tim Bodden. Những mảnh xương khác của biệt kích Nùng. Những di vật đó được trao trả về cho thân nhân tử sĩ để mai táng. Ngày 29 tháng Chín năm 2000, một lễ an táng cho tất cả các quân nhân tử trận trên chiếc trực thăng CH46 trong nghiã trang quốc gia Arlington.

American University of Nigeria

Computer Science Department

vđh

1 comment:

  1. Trong Đại đội BK Hatches force này có Hà Văn Sơn 17 tuổi vào BK ở CCN-Đà Nẳng chỉ có 3 ngày!.
    Chuyến công tác đầu tiên mà cũng là cuối cùng của HV Sơn là đây (bị bắt khi chuyến trực thăng CH46 thứ 2 đáp xuống, chiếc đầu bị bắn hư hại).
    Sau hơn mười mấy năm bị jam cầm ở Bắc, bị "tẩy nảo" và sau đó được đưa đi HCQ Mẽo để "wậy fá" CĐNVTD Hải ngoại!
    Mới gần đây cuối năm 2018 có trở về VN khen CSVN biến SG hiện nay hơn gấp
    mấy lần thời VNCH? Một người 17 tuổi chưa sinh sống ở SG, sau mấy chục năm ghé về SG thì biết jì về trước và sau 1975?!

    ReplyDelete