Trên một chuyến bay của chương trình Operation Babylift,
1975.
Trong những ngày cuối cuộc chiến Việt Nam, chiến dịch di tản nhân đạo các
trẻ em mồ côi sang Hoa Kỳ với tên gọi Operation Babylift đã được thực hiện theo
sự chuẩn thuận của Tổng Thống Gerald Ford. Ông tuyên bố rằng, ” Trong khi truy
điệu những người đã mất, chúng ta không thể quên những người còn sống” để không
chỉ có kế hoạch di tản hàng chục ngàn nhân viên người Việt, mà còn là chiến dịch
dành riêng cho trẻ mồ côi sẽ được di tản bằng phi cơ quân sự, có ngân sách
khoảng hai triệu đô la. Theo số liệu từ bộ phim tài liệu Precious Cargo của PBS,
đã có ít nhất 2,700 trẻ em mồ côi VN được đưa sang Mỹ và khoảng 1,300 em được
đưa sang Canada, Úc và Âu Châu trong sứ mạng này.
Rất không may, chiến dịch mở màn bằng một tai nạn thương tâm. Ngày 4
tháng 4 năm 1975, tin chiếc phi cơ C-5 bốc trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ trong
chiến dịch Operation Babylift gặp nạn làm thiệt mạng 153 trẻ em, phi hành đoàn,
nhân viên thiện nguyện và nhân viên văn phòng DAO tại Sài Gòn, đã gây bàng hoàng
và xúc động cho những người theo dõi tình hình chiến sự tại Nam Việt
Nam.
Chiếc phi cơ C-5 mang ký hiệu 68-0218 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất
sang căn cứ Clark Air Base tại Phi Luật Tân vào chiều thứ Sáu, là chuyến bay đầu
tiên chở các trẻ em mồ côi VN được đưa sang Mỹ trong chiến dịch này. Theo kế
hoạch dự tính, các em sẽ tiếp tục được chuyển sang máy bay dân sự từ Phi Luật
Tân để bay tiếp đến San Diego với sự chờ đón của chính TT Ford ngay phi trường.
Dù tai nạn thảm khốc xảy ra đã gây thiệt mạng gần một nửa trẻ em và các nhân
viên trên phi cơ, chiến dịch vẫn được tiếp tục. Và cũng không vì điều này mà có
thể cản chân hàng chục y tá trẻ người Mỹ, đang làm việc tại Hồng Kông đã quyết
định tình nguyện bay sang Sài Gòn để giúp đưa các trẻ em VN về Mỹ.
Một thương gia Mỹ là ông Robert Macauley đã cầm nhà mình để lấy tiền thuê
một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Pan Am, tiếp tục bốc dỡ những trẻ em
sống sót, khi ông biết rằng các phi cơ quân đội phải mất hàng tuần để đưa các
trẻ em này sang Mỹ. Câu chuyện trở thành một cổ tích tuyệt đẹp giữa những đổ
nát, thương đau của buổi ly loạn trong giờ phút cuối cùng của miền Nam tự do.
Không chỉ câu chuyện đầy tình người của Robert Macauley gây xúc động, mà cả
chiến dịch nhân đạo Operation Babylift có lẽ sẽ mãi còn là câu chuyện đẹp trong
chiến tranh Việt Nam cho những ai nhìn lại ở một góc nhỏ khác.
Những ngày đầu tháng Tư năm 1975, tình hình chiến sự tại Nam Việt Nam xem
ra đã thay đổi nhanh chóng, nhất là từ sau khi Ðà Nẵng bị thất thủ. Các tổ chức
quốc tế giúp đỡ và nuôi trẻ mồ côi tại Việt Nam đã có những kế hoạch riêng để di
tản các trẻ em này cùng nhân viên của họ. Nhưng với kế hoạch di tản chính thức
từ TT Gerald Ford, hàng ngàn gia đình người Mỹ đã sẳn sàng đón nhận các em bé mồ
côi này. Theo dự định ban đầu, khoảng 30 chuyến bay sẽ di tản hàng chục ngàn trẻ
mồ côi sang Mỹ. Trên thực tế, vì tình thế thay đổi quá nhanh cũng như vì sự an
toàn nên con số cuối cùng chỉ còn tổng cộng khoảng 4,000 em được di
tản.
Ðây là nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ cùng một số các tổ chức quốc tế như
Holt, Friends of Children of Vietnam (FCVN), Friends for All Children (FFAC),
Catholic Relief Service, International Social Services, International Orphans và
The Pearl S. Buck Foundation thực hiện. Không chỉ với các phi cơ vận tải C-5 của
quân đội, còn có hàng chục chuyến bay dân sự lớn nhỏ khác cùng tham gia việc di
tản đến tận ngày 26 tháng Tư, khi phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo
kích.
Theo lời bà Joyce Harrington, một nữ y tá trong nhóm bác sĩ và y tá người
Mỹ tình nguyện từ Hồng Kông bay sang Tân Sơn Nhất, có cả phu nhân Ðại Sứ Hoa Kỳ
tại Hồng Kông tham gia chiến dịch này. Họ đã nghe tin về chuyến bay gặp nạn cũng
như tình hình chiến sự Việt Nam đang giao tranh khốc liệt, không phải không
lường được bất trắc có thể xảy ra, nhưng chẳng có gì ngăn cản bước chân họ trong
sứ mạng cao cả đến với những em bé mồ côi đang cần sự giúp đỡ kia. Có cả một số
cha mẹ nuôi đã bay thẳng sang Việt Nam để cùng tham gia nhóm nhân viên thiện
nguyện, chăm sóc các em trên đường về Mỹ.
Ðây là sứ mạng mà những người từng tham dự cho rằng những thiện nguyện
viên, những vị nữ tu, những nhân viên các tổ chức cứu trợ trực tiếp tham gia là
những con người có tấm lòng hy sinh cao cả, làm xúc động lòng người. Trong hồi
ký “Đây đích thực là người anh em tôi” (This Must Be My Brother), bà LeAnn
Thieman-một y tá trẻ thiện nguyện lúc bấy giờ kể rằng, trên chuyến bay mà bà
tham gia, có một người đàn ông tóc muối tiêu lặng lẽ và vụng về thay tả cho các
em bé. Nhiều người không biết ông là người có vợ bị tử nạn trên chuyến bay đầu
tiên gặp nạn nói trên.
Một đường dây điện thoại khẩn cấp được thiết lập tại Washington D.C để
những cha mẹ nuôi tương lai gọi đến các nhân viên các tổ chức lo vấn đề con
nuôi. Bên cạnh hàng ngàn gia đình Mỹ, có cả một số tài tử, chính trị gia, triệu
phú, nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi. Melody, em bé còn sống sót trên
chuyến phi cơ C-5 Galaxy gặp nạn là em bé mồ côi đã được tài tử Mỹ gốc Nga Yul
Brynner chờ đón để nhận nuôi. Chính Brynner đã mượn phi cơ riêng của tỉ phú Hugh
Hefner, chủ nhân tạp chí Playboy để đưa Melody cùng khoảng 40 em bé khác sang
New York. Hay như Kym, một bé gái mồ côi Việt Nam đã may mắn được em gái tổng
thống Kennedy là bà Jean Kennedy Smith nhận làm con nuôi.
Những em nhỏ từng được di tản trong sứ mạng Babylift ngày ấy nay đã là
những người quá tuổi trung niên, trên dưới 50. Ðược các gia đình người Mỹ nuôi
nấng từ nhỏ, theo các tự bạch trên các trang mạng, một số người thú nhận rằng họ
không hề có những khái niệm hay sự liên hệ gì đến Việt Nam cùng quá khứ. Dù vậy,
cũng đã có khá nhiều những trang mạng được thiết lập để những người trong cuộc
tìm lại với nhau. Hay thông qua sự bảo trợ của một vài tổ chức cùng giới truyền
thông, một số người cũng đã quay về Việt Nam sau vài chục năm với những cảm xúc
lẫn lộn, kể từ khi họ được đưa sang Mỹ. Phần lớn là sự tò mò hơn là để tìm lại
cội nguồn.
Trong bài thơ “Bản thể” (Identity) mà Jane Burns, một cô bé năm tháng
tuổi ngày nào, đã viết bài thơ dài, so sánh giữa người mẹ ruột đã từ bỏ mình
trong chiến tranh loạn lạc cùng người mẹ nuôi của mình rằng:
“… I awake from this nightmare and am shivering uncontrollably
Scenes of my biological mother have disappeared
And in her place stands my mother.
The woman who came to the airport to get me
When I was just five months old.
The woman who has been there to share
My laughter
My joys
My tears
And my sorrows.
My mother tells me that even though I did not grow
Under her heart,
I grew in it.
Someday, I may decide to return to my homeland,
But for now,
This is where I belong”
“… chợt rùng mình tỉnh giấc sau ác mộng
mẹ ruột tôi đã biến khỏi giấc mơ
chỗ bà đứng, chỉ còn mẹ tôi đó
người đón tôi chiều phi trường năm ấy,
đứa bé con chỉ vừa năm tháng tuổi
người đã sẻ chia qua cùng năm tháng
những tiếng cười
niềm vui
những giọt nước mắt ngậm ngùi
cùng nỗi buồn của tôi
người đã bao lần từng bảo
mẹ chẳng cưu mang con trong bụng
mà ấp ủ bằng trọn cả con tim
ngày nào đó tôi sẽ về thăm đất mẹ
còn bây giờ
tôi thuộc về chính nơi đây”
(ĐYT phỏng dịch)
Không biết bao nhiêu sách báo và phim ảnh đã nói về Operation Babylift,
nhưng quả chẳng thừa để nhắc đến sứ mạng nhân đạo chứa đầy tình người trong
những ngày tháng Tư này. Bởi nhìn lại nỗ lực nhân đạo tột bực này từ nước Mỹ, từ
không ít bao nhiêu tấm lòng bác ái và hy sinh của những thiện nguyện viên tham
gia Operation Babylift, để nhắc rằng cũng với tinh thần nhân đạo đó, nước Mỹ đã
cưu mang hàng triệu người Việt vượt biển cùng những người đến Mỹ qua các chương
trình nhân đạo sau này. Nên nếu có ai đó viết câu thơ như Jane Burns rằng “Tôi
thuộc về chính nơi đây” thì quả cũng là điều tự nhiên.
ST
No comments:
Post a Comment