Friday, July 22, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 11 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 11 –

Tôi không thấy buồn ngủ. Cặp mắt cứ trong veo không cay, mi mắt không nặng chút nào. Tụi Bắc Kỳ hi sinh dân Nam Kỳ cho địa vị của chúng nó không thương tiếc. Bốn mươi năm rồi chứ không phải mới vài mươi năm nay thôi. Nhưng dân Nam Kỳ bị cùm chặt quá không gỡ ra được thành thử cứ phải vái lạy mãi, chứ nếu sút cùm ra dân Nam Kỳ sẽ vùng lên giết lũ Cộng Sản còn hơn giết Tây nữa.

Khi tôi ra Bắc tôi mới sáng mắt ra dần. Dân Nam Kỳ không có nhà cửa đi lang thang ngoài bờ hồ và gặp nhau ôm khóc như mưa. Một số lớn bị đưa lên rừng khai hoang ở những nơi không có đàn bà con gái. Nhất là ở Lam Sơn. Lính như tù. Mười ngàn lính giải ngũ cuốc đất trồng khoai, chủ nhật lấy rượu làm vui. Nông trường Lam Sơn với quân số kể trên, uống một số rượu bằng hai triệu dân Thanh Hóa.

Khi tôi đi lao động ở đó, có mấy vụ “dâm ô” làm tôi hết biết nghĩ sao. Tôi thù Hà Nội tận xương tủy vì những chuyện như vậy. Đây là những sự dã man do chính thằng Hồ gây ra.

Một hôm anh lính B, người Bắc, có vợ con đến thăm. Vì không có chỗ, anh B phải khiêng tấm gỗ ván ra ngoài rừng để hưởng tuần trăng mật. Còn đứa con gái năm tuổi thì anh gởi ngủ với chú A. Sáng hôm sau, trong bữa cơm, con bé nói oang oang trước mặt cả trăm người: “Chú thơm con!” Vợ anh B lườm con: “Chú thương nên chú thơm!” Con bé nói tiếp: “Rồi chú kê miệng chú vô môi con chú nút làm con tê cả người!” Không ai bụm miệng con nít được !

Nhưng cũng chưa tệ lắm! Bên cạnh trại lính chúng tôi có một cái nhà. Không biết tại sao người này lại lên ở đây có một mình như vậy. Để cho việc của tôi sắp kể ra đây có chứng cớ, tôi nêu rõ tên đơn vị: Đại đội 2, Đại đội trưởng là Nguyễn Văn Quý. Trung đội trưởng quyền đại đội phó là một người bị thương nặng ở tay nhưng không có sổ thương binh. Chủ nhà có một đứa con gái mười hai, mười ba tuổi. Đêm nào tôi cũng nghe tiếng chân đi rậm rật về phía nhà cô bé. Được một thời gian, bỗng một hôm nghe ông già tri hô lên rằng con gái ông chết. Nhiều người chạy tới. Tôi cũng sang. Thì thấy dưới giếng sâu có hai bàn chân thòi lên và một mảnh tóc bập bềnh. Vì vùng đồi nên giếng không có nhiều nước. Ông già nghèo không có tiền mua quan quách nên nhờ bộ đội ném đất đá chôn luôn. Rồi bỏ nhà đi. Trong đơn vị xầm xì. An ninh của nông trường (Lam Sơn) xuống điều tra, nhưng không kết luận được. Dù vậy người ta vẫn biết cô bé bị hiếp hằng đêm. Những tên hiếp dâm là lũ quỉ nông trường. Có lẽ sợ lộ bí mật, mất “danh dự” ( !) nên lũ quỉ giết và ném con bé xuống giếng.

Vụ thứ ba: Chú đưa cháu ngủ trên võng. Cháu gái mới có một tuổi. Chú vừa hát vừa trật quần đút dương vật vào âm hộ cháu. Cháu khóc thét lên. Người ta chạy tới bắt quả tang giữa ban ngày. Chú bị bắt giam…

Ông Đại tá Trần Thắng Minh còn sống không, xin xác nhận ba chuyện này?

Bạn đọc tới đây có lẽ sẽ vứt sách tôi xuống đất mà chửi: Thằng nhà văn viết tởm quá! Nhưng sự thực còn tởm hơn nhiêu, tởm đến mức độ tôi chỉ dám viết một phần. Không có nhà văn nào bịa nổi những chuyện như vậy, cũng không có con người nào làm những chuyện như vậy. Chính là bọn súc vật Hà Nội dồn những con người vào hang cùng, và biến con người thành những con vật. Bạn thử nghĩ lứa tuổi mười tám hai mươi đi kháng chiến chống Pháp, ra Bắc chín mười năm liền không biết đàn bà con gái là gì. Trong khi đó các lãnh tụ ở Hà Nội vợ bé vợ mọn tha hồ, bơ sữa no phè, lại còn có tên ủy viên trung ương là Nguyễn (Văn) Quyết dùng vi trùng giết vợ lớn để lấy con gái nuôi (hãy giở báo Nhân Dân lại mà xem, tôi không có bịa đâu !)

Và trong khi lính chết như gà toi trên Trường Sơn thì các ông tướng họp nhau trong triều đình ở Cục R, uống bia hút thuốc lá thơm, phân chia chế độ cơm bưng nước rót, cần vụ giặt quần áo, vệ binh khiêng các mệnh phụ phu nhân như hoàng hậu lại còn dâm dật loạn xà bì. Cách mạng đó! Thắng lợi một trăm phần trăm rồi đó và những con người ở rừng ngày nay đã cởi bỏ . hết bộ mặt dã man chưa ? Xin thưa rằng họ còn dã man hơn lúc ở rừng. Họ bậy bạ hơn chính họ trước đây. Đất nước mà họ dẫn dắt sẽ đi đến một nơi thôi: đó là một cơn đại nguy đại loạn.

Khuya quá rồi, tôi hỏi Thuần ráng một câu để ngủ:

– Mày qua đây để gởi con, còn có việc quốc gia gì đại sự nữa không?

– Tao qua bảo Văn Công chuẩn bị sang biểu diễn cho đại hội mừng công.

– Công gì mà mừng?

– Pháo binh R vừa bắn tan mười ba chiếc B57 ở sân bay Biên Hòa.

– Có thật mười ba chiếc hay kiểu như hai ngàn chiếc phản lực bị bắn rơi ở miền Bắc?

– Mừng công to lắm, có đám trí “ngủ” Sè-goòng. Nào giáo sư, văn sĩ, kỹ sư, nào bác sĩ nào các thứ đạo dụ mắm tôm, mắm cáy, đầu cua mắt ếch không thiếu thứ nào. Có cả thằng thầy chùa Lỗ Mũi Trâu nữa.

– Thầy chùa nào mà Lỗ Mũi Trâu?

– Tao không biết mặt nhưng nghe xầm xì thì ông Sáu Vi hứa cho nó làm thủ tướng nếu lật được Nguyễn Văn Thiệu.

– Bộ thầy chùa đeo súng lục à?

– Nghe nói thằng này đang làm loạn ở ngoài SàiGòn, tên là Thích gì đó.

– Mẹ kiếp, nó làm thủ tướng thì mình ăn tương chao bỏ mạng.

– Đừng lo. Đám thầy chùa này là con cháu Lỗ Trí Thâm ăn lòng chó gặm đùi dê, khoác áo cà sa nhưng bụng một bồ dao găm chớ không phải loại thầy chính thống của Thích Ca đâu. Không nói mày cũng phải hiểu rằng thầy chùa mà chạy vô tới đây để gặp ông Sáu Vi là loại thầy chùa gì chớ? Bọn Sài Gòn vô đây ông Sáu Vi ổng coi như rác nhưng ngoài mặt thì ổng làm bộ kính trọng mày hiểu không. Có mấy thằng đồng nghiệp của mày nữa.

– Đồng nghiệp nào?

– Ba thằng văn sĩ chết nhát có lẽ ăn bơ sữa của Mỹ hết nỗi nên vô đây tìm thịt cà khu chớ gì. Lại có một con đĩ lũng răng bàn nạo. Tao thấy mấy cái mặt dày vô kiếm ăn ké tao đếch có thèm ngó.

– Vô đây làm gì đông dữ vậy?

– Bảo là vô dự đại hội mừng công mà. Sẵn dịp chia chác ghế Bộ trưởng thứ trưởng. Tư Siêng nhà mình nẫng cái ghế Bộ Trưởng Văn Hóa là chắc rồi. À quên, có mấy ông thầy cũ của tao nữa.

– Ai đó?

– Nguyễn Văn Chì và Nguyễn Văn Chí. Nghe nói thầy Chì được xếp cho ngồi ghế Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên, thầy Chí thì làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân SàiGòn Chợ Lớn. Còn hai đồng nghiệp của mày thì ôm cẳng Lưu Hữu Phước tức là Thứ Trưởng Văn Hóa.

Tôi cười:

– Còn mày giữ bộ nào?

– Tao à? Chắc là bộ DTR, tức là Bộ-dùi-trống, hoặc bộ ĐKZ.

– Là bộ gì?

– Là bộ Đ… không giật.

– Đ… không chạy mới đúng chớ. Ê, tao hỏi thiệt nghe. Mà mày hứa là mày nói thiệt thì tao mới hỏi.

– Hỏi đi.

– Cô anh hùng sang tố khổ với mày, mày có cảm động không?

– Cảm chớ.

– Cảm rồi ngồi y nguyên hay là kéo tay em ngồi giằn lên bụng?

– Thôi mày ơi ! Còn nhiều chuyện bí ẩn ở màn hai, màn ba lắm nhưng để hồi sau sẽ phân giải.

– Có mày một chân trong đó hả? Ê, mày ở như mày có ăn chung mâm với ổng không?

– Chung sao được mà chung. Ổng ăn đặc tiểu táo, còn tao là trung táo cách nhau ba bậc mày không biết chế độ trong quân đội à ?

– Mày đi Liên Xô học lấy bằng Phó Tiến sĩ triết học rồi mà !

– Cái bằng đó chẳng hơn gì cái tấm tả con nít.

– Vậy sao thằng cha Khiết đi Liên Xô một lượt mày nó về nước rồi vô đảng làm Trưởng Phòng Huấn Học của Ba Trà.

– Ba cái thứ đó tao ỉa cũng ra. Thằng Khiết học ngu như bò. Nó đếch có dám phát biểu ý kiến gì mới. Giáo sư bảo nó nên nghỉ đi đừng có học môn triết học vì biết nó không có óc sáng tạo. Những thằng có óc sáng tạo, về nước đều văng dênh hết cả. Hễ trong học bạ, bên Liên Xô phê cho mấy câu “sáng tạo” hoặc “có tìm tòi nghiên cứu, có ý kiến mới” thì về Hà Nội bỏ mạng sa tràng ngay. Sáu Thọ chẳng đề bạt lại còn đày đi đất trích.

– Sao vậy ?

– Vì Trung ương sợ nuôi ong tay áo cái kiểu Lê Vinh Quốc và Võ Văn Doãn tao nói hồi nãy chớ sao. Lãnh tụ đảng mình gồm những bộ óc bò, vô học nên rất sợ văn hóa văn minh. Nói ra câu gì đảng muốn một trăm năm sau nhân dân nhắc lại y như vậy không được thêm bớt chữ nào.

– Vậy sao ông đại tướng bắt mày làm bí thư cho ổng?

– Ổng thích nghe triết học. Tao thường giảng cho ổng nghe. Ổng có óc cầu tiến hơn xừ Giáp. Xừ Giáp ỷ ba cái chữ Tây nhưng về việc tổ chức thì Sáu Vi giỏi hơn vì ông ta có óc thực tế lại muốn tìm hiểu triết học. Lắm khi ổng thú thật với tao rằng ổng dốt và chẳng biết Mác Xít là cái gì. Ổng không học Mác Xít ngày nào cả, nhưng vì ghét Tây, yêu nước nên ổng chiến đấu vậy thôi.

– Thế à?

– Thì ổng xưng tội thế, ai biết đâu !

– Vậy sao mấy lần ổng đến nói chuyện với văn nghệ sĩ ổng khạc ra Mác vậy.

– Ừ thì lập trường ai nói chả được, nhưng vận dụng triết học Mác là chuyện khó chớ mậy.

– Mày có khá không?

– Tao chẳng hiểu giống máu gì cả. Đại khái như cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam này thì ai làm cũng thế thôi nghĩa là cứ nhắm mắt đánh bừa may ăn rủi thua chớ có ai thấy Các Mác Xít là ở chỗ nào. Tao học thì thuộc bài lắm, nhưng nhiều khi tao tự hỏi: Tốn cơm đi nhai ba cái này để làm gì? Đi cày một vạc đất trồng mấy cây lúa còn có ích hơn.

– Luận án của mày có gì khác không?

– Là Chủ Nghĩ Mác và Vấn Đề Tôn Giáo thôi, không có gì khác hết.

– Mày định luận thế nào để nẫng cái bằng Phó Cối?

– Tao nêu lên một luận điểm chính là tôn giáo là kết quả của cả triệu năm lạc hậu của nhân loại. Khi được ánh sáng Mác Xít rọi vào tôn giáo sẽ tan ngay không cần phải dùng những phương pháp giết chóc tù tội tàn bạo như đảng làm đối với Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo ở nước mình. Tao lấy ví dụ về những chiến dịch mình tàn sát dã man các vùng Hòa Hảo ở Láng Linh năm 1947, ở Ba Dầu Định Mỹ năm 50-57 và nêu những trò hề dùng Mười Trí làm một loại keo để hàn gắn sự đổ vỡ đó. Tất cả đều chỉ mang lại một kết quả: TẤT CẢ ĐẠO GIÁO Ở VIỆT NAM ĐỀU THÙ CHÚNG TA MỘT MỐI THÙ BẤT CỘNG ĐÁI THIÊN.

Đọc bản thảo luận án của tao xong chắc ông thầy cho tao điểm cao nhất. Ngoài ra còn điện riêng về Ban Tuyên Huấn nhà hãy nhận tao vào làm công tác tuyên huấn đảng, ổng còn nói rằng ở Liên Xô đảng có giết phản động nhưng không có trường hợp nào Hồng Quân bắn vào dân chúng giết một lúc cả trăm người hoặc thiêu hủy các làng mạc tôn giáo như thế.

Khi tao về nước, Tố Hữu không ngó ngàng gì tới tao mà lại đưa tao làm bí thư cho ông Vịnh. Ông này thì chả biết gì cả ngoài cặp mông bà vợ nhỏ. Tao than với ổng rằng tao xa nhà lâu quá, muốn về Nam chiến đấu, ổng bèn đưa tao vô Bộ Quốc Phòng nằm chờ. May sao Cục Tổ Chức chộp được, đưa tao cho ông Sáu Vi.

– Bây giờ mày định làm long-tong suốt đời à?

– Ở thế, sau đây tao xin về tỉnh nhà.

– Ở đâu?

– Gò Công. Thôi nhé ! Đừng có hỏi thêm nữa ! Tao đã vui miệng mà khai hết nỗi lòng của tao cho mày rồi. Đó là sự thực tao đã sống qua. Chắc mày cũng có những điểm giống tao! Nhưng bây giờ làm gì ? Chúng mình đã đi từ đầu, thì phải đi đến cuối, mặc dù hết muốn, cũng phải đi.

Tôi buồn vô kể. Đêm rừng là một thứ day dứt tàn nhẫn cả thể chất lẫn tâm hồn. Nghe thằng bạn tâm sự mà chán chê tê tái. Tôi nói:

– Mai mốt tao đi đồng bằng.

– Đi đâu?

– Về xứ! Thăm cha mẹ ông bà, mồ mả tổ tiên. Đi hai mươi năm chẳng ra cái tích sự gì .

– Đi cho cẩn thận nhé. Mày là con một trong gia đình. Nếu hồi ở Hà Nội mày nghe lời tao lấy vợ thì đã có con rồi. Dù bề gì gia đình mày cũng có người nối dõi. Nói không phải trù, nhưng cây một trái, rủi mưa gió sái mùa, nó rụng rồi làm sao. Do đó khi tao về tới nơi tao kêu vợ vô. Thấy thằng con trai lớn xộn, tao mừng quá cỡ. Tao bắt nó vô luôn với tao.. Vợ tao bảo để cho nó học xong Tú Tài đã. Tao nhất định đem nó vô đây. Cha con nghĩa nặng mà mậy. Dù sao cũng có nhau. Cha con hai bên chàng hảng, ra trận giết nhau đau lắm. Mày về đồng bằng phải cưới vợ ngay đi. Muộn mẹ nó rồi. Nhưng muộn còn hơn không.

Nghe bạn khuyên tôi luống ngậm ngùi. Mải mê đi theo cách mạng mà “cách cái mạng” mình luôn. Người ta đi theo cách mạng cưới cả vợ bé vợ mọn thứ hai thứ ba cơ đấy. Mình thì tuổi cứng cạy rồi vẫn không ngờ. Chả biết vợ con là gì.

Ngu thật, ai biểu tôi mê cụ Hồ, mê xã hội chủ nghĩa, mê những thứ gì đâu đâu. Nữa thôi ?

– Mai biết ‘còn gặp nhau không! Tao khuyên mày nhớ lời tao nhé.

– Như Nguyễn Văn Trôi trối “Hãy nhớ lấy lời tôi” vậy hả?

– Bậy nào! Tao đã sắp chết đâu mà trối. Thôi ngủ đi, gần sáng rồi. Mai tao gặp bà Thanh Loan bảo bả sửa soạn đem mấy chục cái “trống” qua cho người ta “thử.”

Tư Mô vốn là tay mất ngủ thường xuyên. Đêm nào cũng nuốt vài viên Tranquinol để vỗ an giấc điệp, nghe Thuần bảo “ngủ đi” thì cười xòa:

– Làm sao ngủ được mà ngủ ! Nghe chú kể chuyện có lẽ tôi phải uống cả ống Tranquinol họa may mới ngủ được.

Tôi bảo Thuần:

– Ổng cũng xa vợ hằng chục năm rồi đó. Bởi do cái tánh ham vui. Phen này hai anh em tao lội Đồng Chó Ngáp về Bến Tre một keo, coi nhà cửa ra sao !

– Ủa ổng cũng dân bà Ba Định à?

– Ừ, làm thi sĩ sớm lắm.

– Còn chuyện cái bà Tư Lệnh Phó của mày nữa. Có lẽ phải mất một đêm mới kể hết.

– Chuyện gì ? Bả được ông Sáu Vi đề bạt ngồi chồm hỗm trên đầu tụi “trí ngủ” ngoài thành là vinh quang tột đỉnh rồi còn chuyện gì nữa.

– Cái gì lên tột đỉnh rồi cũng rơi xuống đáy cả. Thôi ngủ đi. Để sáng mai có “dưa hấu” rụng còn sức mà đội.

– Bậy bạ hoài mậy!

Sáng hôm sau Thuần cuốn võng uống trà rồi đi về.

Tôi rất buồn. Những thằng bạn cũ dám nói với nhau những chuyện bất mãn của mình và chuyện lăng nhăng của thượng cấp không phải là nhiều. Ở gần những thằng đạo đức giả như thằng Hồ Chí Meo, Lê Xuẩn và thằng cha X,Y,Z… thiệt không thoải mái chút nào. Tôi vốn là tên thích nói nhảm, nói tục, nói tào lao, không ưa lễ mễ dạ thưa thì ở rừng là phải lắm nhưng lại không có bạn. Nếu có thì sắp xa nhau rồi: thằng Sáng.

Sáng hôm đó vừa ăn cơm xong thì cơ quan lại họp để quyết định phân tán tránh CZ Johnson City. Những ai ở lại tiểu ban thì lo chuẩn bị dời sâu vô đất Con Mên. Bên bộ phận nhạc nhọt gì của Lưu Hữu Phước gồm năm, sáu ngoe trong đó có anh chàng chơi vĩ cầm có hạng ở Hà Nội. Anh ta treo cây violon trong lều ni-lông thấy mà tội nghiệp. Sợ nó ướt khi trời mưa, anh ta trùm ba bốn lớp ni-lông. Lâu lâu mới mở ra kéo một vài bản. Chẳng ai buồn để ý. Vì nó lạc lõng, chối tai thế nào ấy. Ai lại đói thấy mẹ còn ngồi nghe Schubert hay Mozart? Anh ta mê một cô vũ ba-lê cùng vượt Trường Sơn vào cùng chuyến với tôi tên là Hồng. Hồng đẹp lắm, tay chân vóc mình gì cũng tuyệt cả. Đi học Liên Xô mới về xung phong đi Nam để “biểu diễn cho đồng bào Sài Gòn xem.” Vô tới đây cặp đùi ngọc trở thành hai con lươn bông, mặt mũi bủn xì, tóc rụng có nùi, đầu gần trọc hết. Và không có nhảy một bản nào cả.

Mặc dù vậy cô nàng cũng được coi là một mỹ nhân. Và ông vĩ cầm vẫn cứ mê như thường. Nhưng cô Hồng thì tối ngày cứ ngồi thở hắt ra hoặc gỡ mài ghẻ ở chân. Ai hỏi gì, ai bảo gì cũng lắc!

Bạn của Hồng là Điệp. Điệp kém hơn nhưng đã có “chồng” rồi. Chúng nó “lễ gai cho nhau” từ trên đường Trường Sơn, vào đến đây thì xin làm đám cưới, nhưng tổ chức không cho. Bảo rằng vào đây là để phục vụ không phải để yêu đương. Nhưng chúng cứ đánh du kích hoài hoài, cơ quan can không lại nên đành chịu thua.

Anh chàng cũng là nhạc sĩ, nhưng thổi kèn đồng, học bên Hungari mới về, có sứ mệnh đi vào đây để xây dựng đội quân nhạc cho giải phóng quân đi “ô pà” trong ngày diễu binh mừng chiến thắng. Anh ta hít vô hay thở ra đều rặc bất mãn. Nghe kẻng đánh gọi lãnh cơm, anh em bảo hắn đi.. Hắn bảo: “Cơm cần nhưng không cần bằng nói thật!” Được mời họp, hắn bảo: “Họp để nói láo thêm chuyện gì ? ” Kiểm thảo hắn léng phéng với cô bạn, hắn nói toạc ra: “Các đồng chí cứ thiến tôi đi, chớ để tôi nguyên thế này thì chỉ mất công kiểm thảo.” Hắn chỉ phục có mỗi một mình Hoàng Việt nhưng Hoàng Việt bảo hắn có lý nên không khuyên can gì cả. Thế là ông Cai kèn cứ bất mãn lồng lộng chẳng nể nang ai. Ông Cai gặp ông họa sĩ Đức thì kể như hết chỗ chê. Một ông thì châm biếm, một ông bất mãn, nói toàn những danh từ trời ơi ! Khỉ nghe cũng chạy tét.

Rồi một hôm tôi nhận được thư chính thức của Nguyệt ở bên Bộ Chỉ Huy Quân Giải Phóng. Thiệt là vui mà cũng thiệt là buồn. Vui là vì phen này tôi có vợ. Buồn là từ nay, không có làm thơ tình, cũng không có viết thơ loại trời trăng mây nước nữa. Tôi phải nghe lời ông Mô và thằng Thuần: lấy vợ!

Thư của Nguyệt gởi từ Bộ Chỉ Huy qua đến đây mất một tháng. Nàng đã đến nơi. Khi vô đây tôi có nghe danh từ “bên Bộ” nhưng đâu có biết “bên” Bộ là bên nào. Rừng thì ở đâu cũng như ở đó. Cây cao bạt ngàn, lá che bít mặt, khỉ già khỉ con lao xao, đâu đâu cũng chỉ là người sống chung với khỉ, hoặc người trở thành khỉ sống chung với người.Tôi bàn tới bàn lui với Tư Mô rồi tôi quyết định đi sang gặp Nguyệt. Đi bằng cái gì? Ở đâu thì cũng chỉ xe đạp muôn năm. Cả tiểu ban có ba cái, một cái cho tiếp phẩm, một cái cho ông trưởng tiểu ban và một cái cho toàn thể thần dân Văn Nghệ.

Như nguyên lý của cuộc sống, cái gì chung thì tồi tệ, cái gì riêng mới đẹp đẽ. Cái của tiếp phẩm thì không thể mượn được, cái của thần dân thì nát bét ra rồi, hai lốp chưa xì nhưng một cái pê-đan đã lọi, nghĩa là không thể đạp được. Đó là điều quan trọng nhất. Đã kêu là xe đạp mà pê-đan hư thì làm sao đạp. Mà đã không đạp được thì bánh xe không thể lăn. Tôi muốn làm gan mượn chiếc xe riêng của đồng chí trưởng tiểu ban nhưng Tư Mô can:

– Ổng để làm chân làm cẳng lên họp trên Ban (Tuyên Huấn), chú mày đi ít nhất cũng vài ba tuần, ở nhà rủi có chuyện gì hỏa tốc ổng làm sao ?

Thế là còn cái xe của tiếp phẩm, nhưng tiếp phẩm không xe, thì anh em nhịn đói ! Khả năng giao thông cuối cùng là chiếc xe công cộng. Tôi xem tới xem lui bèn sực nhớ cái xe đạp của ông bưu điện trong Quê Người của Tô Hoài. Một hôm chiếc xe bị hỏng ghi-đông, ông ta đẽo nhánh dúi thay vào. Thế mà lại có một cô nàng mê ông ta ốm lăn ốm lóc ra cơ đấy. Vậy cái xe này chỉ gãy pê-đan thì hãy còn khá hơn xe của ông ta nhiều. Tôi bèn vác dao đi đốn một nhánh cây tra vào trong cái cần pê-đan. Thế là ổn. Tôi từ giã Tư Mô với sự cảm động còn hơn buổi Kinh Kha sang Tần. Tư Mô cũng rưng rưng nước mắt như tôi:

– Chú đi cho cẩn thận nhé. Mau mau rồi về đi Bến Tre !

– Đi thì đi chớ biết cẩn thận là thế nào anh !

– Bom đạn phía bên đó nhiều hơn bên này. Tôi ở nhà lo sắm sửa đủ hết chờ chú về rồi đi !

– Tôi sang gặp cô ấy bàn định công việc rồi trở về ngay.

– Chú nói vậy sao được ! Ít gì cũng ở chơi một tuần lễ chớ!

Tối hôm đó anh em họp lại đông đủ ở lều Tư Mô. Ai cũng tỏ vẻ mừng cho tôi cả. Con quỉ phen này chịu phép rồi, không còn “phá tán” ai nữa. Thế là tôi đi. Bạn có tin rằng câu chuyện sau đây là sự thực không? Xin hãy đọc tiếp.

Tôi đạp xe đi một lúc thì cái khúc cây thay cho pê-đan gãy lọi. Tôi phải chặt một khúc khác tra vào. Đạp một lúc lại gãy. Bởi vì đường rừng, phải đạp mạnh xe mới trườn tới được. Một khúc gỗ chỉ to bằng ngón tay cái thay cho thỏi thép tra vào cần pê-đan thì làm sao bền được ?

Nhưng tôi cũng không bỏ chiếc xe đạp. Có ai dùng xe đạp một pê-đan trên thế giới này không? Nếu có thì đó là nhà văn Xuân Vũ của tiểu ban Văn Nghệ R năm 1963. Thiệt là một kỳ quan kỳ cục. Vứt nó đi thì không thể, còn dùng nó với chức năng bình thường thì cũng không được. Tôi đành phải nhảy xuống dắt nó đi. Cho đến chiều tối đến một cái xóm không biết tên 1à gì. Tôi vào đại một ngôi nhà bên đường xin nước uống. ..

Tôi bèn trỏ cái xe cho chủ nhà là một người Miên xem. Thời may ông ta có cái sườn xe đạp hư treo lủng lẳng trên vách. Ông ta lấy xuống, tháo chiếc pê-đan tra vào cho xe tôi. Tôi trả cho ông một, hai trăm rịa (gì đó không nhớ). Ông ta tỏ vẻ thương người nên tối hôm đó tôi ngủ nhờ trong chuồng trâu của ông. Hai con trâu nằm trong vũng sình để khỏi bị muỗi chích, hôi hám lạ lùng: Giống như RẶC TRÂU ở vùng Nghệ Tỉnh ta vậy.

Ông cho tôi ăn cơm nếp hấp trong giỏ mây với mắm bò hóc. Ối chao ơi ! Ngậm miếng mắm mãi và phải vận dụng tất cả lập trường mới nuốt nổi. Chỉ một miếng thôi, rồi chỉ ăn cơm nếp không.

Đêm ngủ tôi sợ quá ! Đi như thế này liều mạng thật. Nếu lão già Miên giết tôi chết để lấy chiếc xe đạp và cái ba lô thì chắc không có ai hay. Nhưng cũng may, sáng hôm sau tôi vẫn còn sống. Lão già lại cho tôi ăn cơm. Tôi trả thêm rịa và lên đường một cách hùng dũng. Trưa hôm đó mới tới con đường đá. Cứ theo bản đồ của anh em ở nhà vẽ cho mà đạp miết. Gần đến chiều thì lại vỡ lốp.

Mẹ kiếp tai nạn gì mà liên tục thế này ! Thấy một cái xe bò đi tới, tôi bèn hỏi đi nhờ. Thì ra là xe bò chở gạo tiếp tế của phe ta. Người đánh xe bò là dân Mùa Thu và là cán bộ chăn bò ở nông trường Lam Sơn nơi tôi từng vào lao động thực tế sáu tháng. (Do đó có mấy chuyện tôi kể ở trên kia). Anh ta tên là Tư Thêu (sau này gặp lại ở Củ Chi, cũng vẫn “lái” xe bò). Tư Thêu cho cả tôi và xe đạp lên xe bò. Tôi ngồi ngất nghểu trên những bao gạo và nói chuyện ba đồng bảy đổi với Tư Thêu:

– Về hồi nào ?

– Mới mấy tháng đây thôi, còn anh ?

– Vừa vô tới ! Có bỏ cọng rau muống nào ngoài đó không ?

– Tôi chưa bị quấn, chớ tụi đại đội 2, đại đội 4 bị thiếu gì. Có đứa cưới vợ Mường nữa anh ạ. Vui lắm. Bây giờ về hết rồi.

– Rồi làm sao?

– “Dang mi ra” cho ta về nước chớ làm sao ! Chuyến tôi đi liên hoan to lắm. Hùn tiền mua gà vịt mấy bội, nhậu sáng đêm. Mấy bà bầu tới khóc lóc, nhưng đi thì vẫn cứ đi.

– Về trong này cưới vợ chưa?

– Tôi quê ở Thanh An, mấy ổng cho về công tác Củ Chi. Về một tháng là gia đình cưới vợ cho xong.

– Rồi sao lên đây?

– Lên đây cũng gần. Lâu lâu xách xe đạp chạy về rồi trở lên. Tôi tính đưa vợ lên cất chòi ở trên này luôn. Nhưng coi mòi găng quá nên tôi chưa quyết định. Còn anh đi đâu lang bang đây?

– Cũng đi cưới vợ!

– Giỡn hoài anh !

– Bên Bộ Chỉ Huy ! Thiệt mà !

– Ờ phải. Nhưng anh ở đâu tới?

– Bên dân chánh.

– Rồi cưới ai bên này?

– Người này chắc chú biết.

– Ai vậy ?

– Văn Công Sư Đoàn 330.

– Ai?

– Cô Nguyệt, trưởng đoàn.

– À tôi biết rồi. Tôi quen nhiều người trong đoàn đó lắm. Tôi coi họ hát hoài mà.

– Ai?

– Tám Thơm, Huyền Tung, chị Cuộc, chị Hiên v.v… Sao ở ngoài anh không cưới, để về trong này mới cưới.

– Chịp ! Thì khổ vậy đó chú ơi !

– Chị ấy vô hồi nào?

– Vừa vô tới, cô ta gởi thơ cho tôi, tôi phóng qua ngay đây !

– Làm gấp gấp, kẻo không kịp.

– Không kịp gì ?

– Coi bộ Mỹ nó làm tới nơi rồi. Nó chơi cái kiểu xây cù bắt chuột. Nó gom mình vô rọ rồi hốt một phát là sạch.

– Đây vô đó còn xa không?

– Không xa lắm, nhưng anh có giấy giới thiệu đặc biệt không?

– Đặc biệt gì ?

– Vô tới trong cái “nồi gọ” đó không có dễ đâu nghen anh. Toàn là thứ dữ không thôi. Anh phải qua mấy trạm gác mới tới được.

– Chiều nay tới không?

– Tới nhưng mà tối rồi, nó không có cho anh vô đâu.

– Xe bò ở đâu vầy nè?

– Của đảng chớ ở đâu anh !

– Sao chú lại làm cái việc này?

– Đảng bảo thì phải làm. Hồi ở ngoải tôi có hứa miễn về được trong này, làm gì tôi cũng làm, bất kể là chuyện gì. Đánh xe bò cũng vinh quang lắm chớ. Nhưng chỉ một mình tôi mới liều mạng đánh xe đi giữa đường ban ngày như thế này. Anh coi giờ này có bóng dáng chiếc xe nào không. Độc một mình tôi thôi.

– Sao vậy?

– Vì máy bay nó thấy là nó xơi tái ngay thôi. Tôi ớn lắm, nhưng đi đêm rất cực. Bây giờ tôi sợ chết hơn hồi đi trên Trường Sơn. Anh biết tại sao không?

– Không.

– Vì sắp có con rồi !

– Ủa, mau vậy hả?

– Thì nàng tắt kinh ngay tháng đầu mà. Còn tám tháng nữa thì có con nít oe oe. Ít nhất con tôi phải nhìn thấy mặt bố rồi bố nó hãy chết chớ.

– Sao chú bi quan vậy ?

– Không phải tôi bi quan đâu anh ơi. Cái chiến tranh này ác lắm. Mình không có sống được để ăn mừng thống nhất đâu !

– Chú nói thiệt chớ !

– Chết lạ lắm anh ạ. Mới thấy đó lại chết liền. Ngay trên đường này. Đêm hôm kia. Một đoàn xe bò nhé. Bỗng một trái pháo bắn rầm. Hai con bò tan xác. Hai người chủ cũng văng theo bò. Bốn chiếc hỏng, ba bị thương. Xe tôi đi chót nên không việc gì. Con người có mạng anh ạ. Tôi lụt tụt đi đằng sau nên chẳng việc gì ! – Tư Thêu móc túi lấy thuốc hút và tiếp. – Tháng trước xe tôi đi đầu thì pháo bắn vét trúng khúc đuôi. Tôi chết hụt hai lần rồi. Chắc lần thứ ba thì dính. Không lẽ tôi hên hoài.

– Sao không về quê công tác?

– Tôi cũng định xin về Thanh An làm cán bộ xã để ở gần nhà, nhưng ở trên bảo thiếu người nên cứ xét tới xét lui hoài.

– Đánh xe thế này chừng nào thì lên đại tướng được?

– Lên đâu mà lên anh. Tôi đi bộ đội mười năm, ra Bắc đào đất tám năm, anh biết tôi lãnh quân hàm gì không?

– Quân hàm gì?

– Thượng tá. Há há… há. Thiệt mà, nhưng Bộ Quốc Phòng phát lộn cho ông Cống đeo dùm, nên được thượng sĩ. Tôi đeo được vài hôm thì ở trên lại bảo phát lộn nữa nên tôi chỉ còn trung sĩ. Vô đây thì không còn gì hết. Nhưng tôi thấy không cần nữa. Tôi đâu có công gì. Chính con bò mới có công chứ. Nếu ở trên gắn quân hàm thì xin gắn cho nó. Ờ ờ… gắn ở chỗ Nguyễn Công Trứ lấy cái quạt che.

– Chú về trong này rồi rượu ở Thanh Hóa ai uống cho hết ?

– Tại tụi tôi uống bạt mạng cho nên họ mới kháp nhiều chớ nếu không có tụi tôi thì họ kháp bán cho ai ?

Chiều hôm đó tôi tá túc với Tư Thêu. Y chở gạo tới giao cho quản kho rồi trở ra:

– Bây giờ hết giờ làm việc rồi. Anh ra chòi tụi tôi nghỉ đỡ. Ở đây toàn là dân thuộc F330 hồi trước. Ở ngoài đó chăn bò, móc gốc lim, về trong này lại đánh xe bò vác gạo. Kể ra lính Nam Kỳ mình cũng hân hạnh lắm đấy!

Tôi nôn nóng muốn vào gặp Nguyệt ngay, nhưng Tư Thêu bảo:

– Nói là tới, nhưng anh cũng phải mất nửa ngày nữa ! Thủ tục phiền phức lắm.

– Thủ tục gì ?

– Thủ tục vô khu vực của Bộ Chỉ Huy chớ thủ tục gì. Xin lỗi anh cấp bực gì ?

– Tôi đâu có cấp bực gì.

– Muốn vô đó phải là đại úy trở lên. Cỡ tụi tôi còn khước mới vô được.

– Vậy muốn vô đó phải làm sao?

– Anh cứ ở đây nhậu chơi đã, để tôi lo cho. Anh chân ướt chân ráo lại không có cấp tước, vô đó bị tụi nó xài nguyên tắc, có khi bảy ngày anh chưa gặp được chị Nguyệt. Tụi tôi tuy là đám chăn bò nhưng có đường dây riêng. Chăn bò móc với chăn trâu, đi cửa sau mau hơn cửa trước.

Tôi đành nghe theo Tư Thêu, mắc võng lắc lư nằm chờ. Tổ đánh xe bò toàn là dân Nam Kỳ, anh nào anh nấy đều quá lứa cả. Họ rất vui mừng coi tôi như một thằng đồng bệnh Nam Kỳ ế vợ ở miền Bắc. Họ có thừa gạo còn thức ăn cũng không thiếu. Họ có một tốp đi săn thịt rừng. Cho nên ăn uống rất phè phỡn.

Tôi uống rượu cũng khá lắm. Hồi ở Hội Nhà Văn tôi uống rượu nổi tiếng hơn viết văn mà ! Tôi đóng góp thêm rịa và tiền Sài Gòn. Một người vác xe đạp chạy đi, một tiếng rưỡi đồng hồ trở về với bốn bình toong rượu óc ách máng trên ghi đông xe đạp. Thịt mển nướng nguyên con như bê thui. Không chặt ra. Cứ để trên bếp xẻo từng miếng ăn và tu rượu như dân thiểu số dọc Trường Sơn.

Một anh tên là Biều cụt hai ngón ở bàn tay phải rót rượu mời tôi rồi hỏi:

– Anh còn nhớ tôi không?

– Đồng chí cũng ở Lam Sơn à?

– Đại đội trồng cao su. Anh đến coi rồi về Hà Nội viết bài “Lam Sơn Quê Hương Mới” gởi vô tụi này đọc khóc muốn chết.

– Tôi viết cái gì trong đó.

– Lúc anh vô thì báo nói là trong Nam Ngô Đình Diệm bỏ thuốc độc giết cả ngàn tù ở Phú Lợi. Anh em trong đại đội biến căm thù thành sức mạnh thức suốt đêm, đốt đuốc đỏ rừng để trồng hột cao su.

– Ờ, ờ, tôi nhớ rồi.

– Lúc đó trời lạnh nên tụi này phải quạt khói cho ấm để cao su không chết.

– Rồi sau đó có mọc lên được không?

– Có.

– Chắc bây giờ gần có mủ rồi.

– Nó chỉ lên được hơn gang tay rồi héo đọt chết ráo anh ạ.

– Sao vậy?

– Đâu có biết. Chắc là vì trồng không đúng đất chớ gì. Cũng như cây so đũa vậy, ở Ba Vì và Viện Nông Học Hà Nội trồng lên rất tốt nhưng không có trái.

Tôi buột miệng nói:

– Đúng là trồng sai đất, như cây vú sữa vậy thôi.

– Cây vú sữa nào ?

– Cây vú sữa của Hồ chủ tịch đấy mà.

– Vẫn không có trái à anh ?

– Trái gì được mà trái !

Con người cũng thế. Sống ở miền Bắc dân Nam Kỳ vất vơ vất vưởng như một lũ ốc mượn hồn. Bây giờ được vứt về Nam cũng chẳng làm được gì ngoài sự cúi đầu phục tùng sự đô hộ của bọn Bắc Kỳ xâm lược.

Tôi hớp một ngụm to rồi bảo:

– Bây giờ sắp tập kết một phát nữa đó các bạn ạ.

– Sao?

– Sắp tập kết lần nữa . Hì..hì..!

– Giỡn hoài anh Hai ơi ! Chuẩn bị bỏ vợ bỏ con phát nữa hả?

Vừa đến đó thì Tư Thêu từ bên ngoài đẩy một người vào:

– Ê thằng Bắc Kỳ này chơi được lắm. Cho nó đi vài chầu đôi rồi chốc nữa sẽ bàn công việc giúp ông “nhà dăng” của mình. Nè, Tám Nghĩa mày muốn chơi với tụi này thì phải lấy bằng cấp mới được.

Tám Nghĩa nói giọng rặc su hào:

– Dưa hấu chơi tới đâu rau muống chơi tới đó, sợ gì !

Tư Thêu cầm bi đông rượu mở nút kê vào miệng Tám Nghĩa:

– Hết bình này là cao cấp, nửa bình là trung cấp, một phần ba là sơ cấp. Làm đi. Không có nói nhiều.

Tám Nghĩa ngửa cổ ra nốc hai ba cái bị sặc, lấy bi đông ra, chùi mồm và nói:

– Có gì đưa cay không chứ?

– Ờ quên !

Tư Thêu bẻ cái giò mển khét cháy đưa cho Tám Nghĩa. Tám Nghĩa nhai rau ráu rồi nốc tiếp một hơi dài, đưa bi đông cho Tư Thêu. Tư Thêu lắc lắc bi đông và nói:

– Mày chỉ đậu sơ cấp thôi. Cho ăn đại táo!

– Thế cũng được ! – Tôi bảo – Tửu bất khả ép.

Tám Nghĩa lắc đầu:

– Em chịu thua các đại ca thôi.

Một anh to lớn, mắt đỏ lừ, râu ria như chổi xể, tay chân như hộ pháp nãy giờ không nói gì cả, bây giờ mới rót rượu cho tôi và hỏi:

– Bộ quên tôi à ?

– Ơ …ơ…

– Vương Tư Đồ đội trưởng đội đánh cá của nông trường Lam Sơn nè cha!

– Ờ ờ…Tôi có gặp ông ở kho gạo trên Trường Sơn mà.

– Về đây vẫn làm thủ kho.

– Còn đờn “vặn cổ bà con” không?

– Mới gởi mua được cây Xi-ta ở ngoài chợ Long Hoa.

Đó là Bảy Nguyên, một tay chơi nhạc cổ rất khá nhưng không chịu vô Văn Công. Ngón tay y thật to, bấm bít cả phím đờn. Tôi hỏi:

– Mấy thằng Mỹ giam trong hầm ở kho gạo ông trên Trường Sơn ông giao lại cho ai ?

– Chết mẹ nó hết ráo còn giao cho ai gì?

– Sao vậy ?

– Nó không muốn sống thì nó chết chớ sao! Thôi bỏ đi, uống!

– Uống thì uống!

Một chập Vương Tư Đồ nói với tôi:

– Chú muốn vô trong Bộ thì tôi bảo thằng Bắc Kỳ này dắt đường cho ! Nó là cai ngục ở đây đấy. Nè Nghĩa, đây là nhà dăng Nam Kỳ của tao, mày có cách nào đưa ổng vào trỏng được không?

– Để làm gì ?

– Cưới vợ !- Vương Tư Đồ kể luôn câu chuyện của tôi và hỏi: – Có cô Nguyệt ngoài Bộ Tổng vừa vô phải không? Vợ chưa cưới của ông này đấy !

– Thế à ?

– Có không?

– Có một đoàn vừa nam vừa nữ, nhưng không thấy ai tên Nguyệt . . . .

Tư Đồ cười :

– Đây là lũ ăn trộm như tụi mình vậy, đâu có ai dám giữ nguyên tên họ mà mày biết. Nè nhớ nghe, mai mày vô trong đó hỏi có ai tên là Nguyệt Văn Công F330, thì xin phép ra đây có chồng cô ta tới thăm.

– Dạ được rồi. Tưởng chuyện gì chớ chuyện đó thì dễ mà. Em là trưởng phòng thường trực, ai ra vào em đều nhật ký cả. Nhưng muốn vô bên trong phải là đại úy trở lên.

– Tao biết rồi, nhưng văn sĩ làm gì có cấp bậc.

– Được rồi, để em lo.

– Nội đêm nay mày phải tìm cho ra cô Nguyệt và cho cô ấy hay như tao nói.

– Dạ được.

– Được thì thưởng cho nửa bình toong đấy !

Tư Thêu vừa nói vừa ấn cái miệng bình rượu khóa mồm Tám Nghĩa. 

No comments:

Post a Comment