Sunday, July 17, 2022

TIẾP XÚC ỦY-BAN YỂM-TRỢ CHIẾN-TRƯỜNG VÀ NÓI CHUYỆN TRÊN VÔ-TUYẾN TRUYỀN-HÌNH TẠI HUẾ. - TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)


 TIẾP XÚC ỦY-BAN YỂM-TRỢ CHIẾN-TRƯỜNG

VÀ NÓI CHUYỆN
TRÊN VÔ-TUYẾN TRUYỀN-HÌNH TẠI HUẾ.

Ngày 2-4-1971, thi hành chỉ thị của Trung-tá Chỉ-huy Trưởng Pháo-binh Quân-đoàn I, tôi hướng dẫn một số chiến hữu Pháo-binh có công trong cuộc Hành-quân Lam Sơn 719, tháp tùng Phòng Tâm-Lý-Chiến thuộc Bộ Tư-lệnh Quân-đoàn I vào Huế – do lời mời của Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường sở tại tổ chức, đồng thời cũng là dịp để trình bày cho đồng bào hậu phương, những sự kiện trung thực đã xảy ra tại mặt trận Hạ Lào, tại mỗi nơi mà chính mỗi chúng tôi đã chứng kiến trong lúc chiến đấu.

Hơn 9g00 chúng tôi rời Đông Hà. Đi với tôi có B1 Huy, Đại-úy Thìn đại diện cho các chiến hữu Tiểu-đoàn 62 Pháo-binh. Thiếu-úy Hiền đại diện cho Tiểu-đoàn 64 Pháo-binh cùng một vài Hạ-sĩ-quan, binh sĩ thuộc các tiểu đoàn liên hệ trực tiếp tham dự cuộc chiến Hạ Lào.

Đến Huế, chúng tôi nhận ngay sự tiếp đón nồng nhiệt của Đại-úy Tôn-Thất-Đàm, Đại-đội Trưởng Đại-đội Chiến-tranh Chính-trị. Mặc dầu Đại-úy đã đặc tâm lo lắng cho chúng tôi chỗ nghỉ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi… nhưng đa số anh em chúng tôi lại chỉ muốn tự do trong thơ mộng của «Đêm tàn Bến Ngự», «Trăng nước sông Hương»!…

Ngày 3-4-1971 khoảng 8g00, Đại-úy Đàm hướng dẫn chúng tôi đến Đài Truyền Hình Huế. Tại đây, một số các bạn trong Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường, cùng một số đồng bào và các em Nam-Nữ-sinh đang đợi chúng tôi. Trên khuôn mặt mọi người đều tỏ vẻ vui mừng, niềm nở…

Trong thời gian chờ đợi nhân viên Đài Truyền Hình chuẩn bị hệ thống thu hình, một nữ sinh trạc độ 17 tuổi, sau khi xem được những tấm hình do tôi chụp được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, nhằm lúc tác xạ yểm trợ, tịch thu vũ khí địch… đã hỏi tôi:

– Thưa Đại-úy, mình đánh thắng vậy, sao em nghe các anh Pháo-binh rút lui, bỏ súng lại bên Lào hết?

Câu hỏi thật ngắn, gọn, nhưng quả thật là một câu hỏi rất khéo mà chắc rằng đồng bào hậu phương – những người quan tâm đến cuộc chiến hẳn ít nhiều cũng thắc mắc như thế. Tôi không ngờ câu hỏi ấy lại được thốt trên đôi môi mọng đỏ, duyên dáng của một cô bé học sinh!

Tôi đã trả lời không suy nghĩ:

– Để giải đáp câu hỏi của em, hay đúng hơn, những thắc mắc mà em vừa nêu lên, anh sẽ giải đáp từng điểm một, những gì anh biết và nhìn thấy tận mắt trong những ngày các anh tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – Nơi đó, chính anh và các chiến sĩ Dù trực tiếp chiến đấu từ đầu đến cuối.

Trước tiên, anh đề cập đến việc «rút lui». Các anh đã rút lui như thế nào? Lúc tất cả các đại bác của các anh bị tê liệt, các anh phải di chuyển theo Tiểu-đoàn 2 Dù chiến đấu. Sau đấy, các anh được trực thăng vận về Khe Sanh nhận súng mới, rồi trở lại chiến trường, tiếp tục tác xạ yểm trợ. Việc rời Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 là nhiệm vụ các anh tuân hành thượng lệnh. Riêng Tiểu-đoàn 2 Dù, sau khi đưa các anh về, vẫn tiếp tục đánh bọc ra mặt Tây căn-cứ, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm, phá hủy rất nhiều kho tàng trữ quân trang dụng, máy quay ronéo, máy truyền tin… mãi đến ngày 20-3-1971 – nghĩa là sau 17 ngày chiến đấu nữa, mới triệt thoái về Khe Sanh. Như thế là các anh đã chiến đấu, chứ có lui theo cái nghĩa địch tấn công, đẩy lực lượng ta ra khỏi căn-cứ đâu.

Thứ nữa, các anh có bỏ súng cho địch dùng không? – Đối với các anh là những Pháo-thủ chuyên nghiệp. Mỗi đại bác có hàng trăm cơ phận… các anh chỉ cần siết chặt một con ốc, đại bác tức khắc sẽ biến thành một khối sắt khổng lồ, cho dù có xử dụng đến xe cần trục hàng chục tấn cũng không thể lôi khỏi cơ bẩm để nạp đạn vô nòng! Lại nữa, các anh có thể rút bỏ vài cơ phận thật nhỏ nhưng rất quan trọng như kim châm hỏa, cần vận dụng… thiếu một trong hai món này, đại bác 155 ly của anh chỉ còn có mỗi một công dụng: triển lãm! Việc tháo gỡ những cơ phận đó, để chôn giấu hoặc vứt ra ngoài vị trí, rất dễ dàng, nhanh chóng.

Chắc các em đã đọc báo tường thuật trận đánh ở căn-cứ LoLo? Ở đấy cũng có Pháo-binh. Khi địch bám sát căn-cứ, lệnh triệt thoái ban hành thật khẩn cấp… Hàng chục trực thăng đáp xuống chớp nhoáng trong vòng 5-10 phút, di chuyển tất cả quân nhân rời căn-cứ. Địch không kịp trở tay: sau đó, chúng ào lên căn-cứ thu chiến lợi phẩm với dụng tâm lấy chiến cụ của ta làm phương tiện tuyên truyền, khuếch trương chiến quả… nhưng, đồng thời, B52 lao đến, lấy căn-cứ làm tâm điểm, dội bom phá tan căn-cứ!… Dẫu có khó tính bao nhiêu, ta cũng không thể phủ nhận cái giá mà địch phải trả về sinh mạng – giá đó – tính ra hàng ngàn tên chứ không thể ít hơn được!

Thế cho nên, khi để lại những khối sắt khổng lồ – sau khi đã tiêu hủy những cơ phận thiết yếu – đem đánh đổi hàng ngàn Cộng quân, là điều không chối cãi rằng chúng ta đã thắng. Phương chi, đối với Quân Lực ta, các vị Tướng Lãnh đều có đồng một quan niệm bảo vệ tối đa sinh mạng của binh sĩ, tiết kiệm tối đa xương máu của thuộc hạ – Để chứng minh điều này, có bao giờ các em nghe Quân Lực VNCH dùng chiến thuật biển người chống cộng không? Trong lúc đó thì Cộng quân thí mạng một cách điên cuồng.

Từ những sự kiện trình bày trên, hẳn các em đã có một ý niệm việc để lại các khối sắt khổng lồ hàng ngàn ký kia, đã nằm trong chiến thuật «đánh lừa địch» của Bộ Tư-lệnh Hành Quân chớ đâu phải bỏ súng bên Lào để Cộng quân tịch thu một cách dễ dàng!

Tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 của anh cũng vậy. Với cao độ 727 thước, địch đã «ê răng, ê càng» thảm bại suốt 7 ngày tấn công liên tiếp đến nổi chúng không dám xung phong nữa! Mặc dầu các anh em đã rời căn-cứ hai ngày. Về sau, căn-cứ được phá hủy bằng bom do phản lực cơ và B52 thi hành, chắc chắn không còn sót một mảy may nào quân trang quân dụng dưới sức công phá khủng khiếp của những trận mưa bom này!

…Lúc vào phòng thu hình, chúng tôi trả lời đủ các câu hỏi của mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi xác nhận rằng: Những câu trả lời của mỗi chúng tôi là những lời trình bày lại một sự thật, ở mỗi chỗ chúng tôi chiến đấu, thấy và nghe được những gì đã xảy ra, chứ không là đại diện cho cả binh chủng, cho tất cả các chiến hữu đã tham dự cuộc hành quân, kéo dài từ Khe Sanh đến Tchépone, từ ranh giới hoạt động phía cực Bắc của Liên-đoàn Biệt-Động-Quân đến phía cực Nam của Sư-đoàn I Bộ Binh…

Nhân dịp này, tôi không quên đề cập mẩu chuyện của Đại-úy Thìn thuật lại việc săn tin của các phóng viên ngoại quốc. Mẩu chuyện ấy điển hình – có lẽ thế – cho một vài phóng viên chiến trường say mê với thiên chức:

…Hôm ấy, Thìn cùng Pháo-đội anh được trực thăng vận vào Căn-Cứ Sophia, đó là căn-cứ có Pháo-binh chiếm đóng, sâu nhứt trong nội địa Lào để yểm trợ trực tiếp cho các tiểu đoàn thuộc Sư-đoàn I Bộ Binh hoạt động tại Tchépone.

Ngay khi đặt chân đến vị trí, Cộng quân liền chào Pháo-đội anh bằng những loạt pháo kích hỏa tiễn! Vì vậy, quân nhân trong Pháo-đội anh vừa phải bắt tay thiết lập các công sự, lại vừa phải phản pháo và tác xạ yểm trợ… thôi thì không còn một phút nào ngơi nghỉ. Tại đấy, có một phóng viên người Nhật (tôi quên tên) – kể ra anh cũng khá can đảm, và là một phóng viên chiến trường duy nhất, đi theo một đơn vị chiến đấu vào sâu nội địa Lào nhất – đã từng lao mình thu được những tấm hình cận chiến giữa lúc thiết giáp ta giao tranh với chiến xa địch, bằng viễn vọng kính cài trên máy ảnh.

Không biết bấy giờ anh định làm gì mà ôm đồ nghề vượt sườn đồi tiến lên vị trí Thìn. Cùng lúc đó, một Pháo-thủ đang vác trên vai một khúc cây khá dài, nặng, tiến song song và cách chàng phóng viên ngoại quốc nọ vài ba thước. Bỗng có tiếng hú ghê rợn của hỏa tiễn thấp dần… thấp dần… vượt qua đầu… anh bò lê bò càng, để tung tóe đồ nghề trên đất… trong lúc, Pháo-thủ của Thìn thả một đầu cây xuống đất, một đầu tựa vào vai đứng nhìn anh ta cười ha hả!… Anh có vẻ mắc cở – theo lời Thìn – lồm cồm đứng dậy đi lượm lại ống kính, máy ảnh…

Có lẽ anh ta đã khiếp đảm vì trải qua nhiều trận pháo kích nặng nề, hoặc có thể anh chưa kinh nghiệm với những tràn pháo kích «lai rai» của địch mà lệ thường, khi còn nghe được tiếng hú của hỏa tiễn, của đại bác địch, thì chắc chắn chỗ đứng của mình yên như bàn thạch. Vì như thế, điểm nổ đã cách xa, do đó, chàng Pháo-thủ nhà ta bình chân như vại!

Sau đấy, anh ta tiến lên gặp Thìn, xin được quay phim cảnh làm việc của Pháo-thủ, cảnh tác xạ của Pháo-đội… Đang khi nói chuyện, anh đăm đăm nhìn cái nón sắt bị thủng một lỗ lớn, do mảnh đạn pháo kích xé rách, trên đầu một Pháo-thủ đang bê càng súng…

Lân la đến cạnh chàng Pháo-thủ, anh tự tay cầm lấy cái nón sắt hai lớp mới toanh của anh, xin đổi lấy nón sắt của chàng Pháo-thủ. Nhưng đổi không được, vì đó là kỷ niệm hi hữu trong đời binh nghiệp của chàng ta. Anh bèn gạ gẫm xin bù thêm 10 đô-la cùng với bộ nón sắt mới ấy!… Cuối cùng, chàng Pháo-thủ vẫn khăng khăng không «thèm» đô-la! Dĩ nhiên, trong cuộc mặc cả này, anh phóng viên ngoại quốc kia xử dụng loại ngôn ngữ «quốc tế» bằng cử chỉ hơn là bằng tiếng nói. Vì anh là người Nhật.

Ngoài ra, Thìn còn kể cho tôi nghe việc các phóng viên ngoại quốc đi săn tin tại chiến trường: Họ không bao giờ dám rời trực thăng quá 5 phút! Đến nơi là họ nhào vội vào hầm tránh pháo kích. Còn hỏi thì được mấy ai biết rành sinh ngữ để trả lời?!… Bởi vậy, các bản tin chiến trường do các vị phóng viên này gởi đi, hầu hết thiếu hẳn sự trung thực, mặc dầu có vài trường hợp may mắn họ đã đến tận nơi… Đã không trung thực lại chắp nối những hình ảnh trận Điện-Biên-Phủ của năm 1954, thì quả thật là khôi hài!

Sự kiện trên, làm cho tôi tưởng tượng – mà không nhầm – rằng, nếu chàng Pháo-thủ của Thìn bằng lòng đổi bộ nón sắt kèm theo thêm 10 đô-la kia, thì sau này cái nón sắt lủng nọ, sẽ tạo biết bao huyền thoại oai hùng cho vị phóng viên Nhật!

Trong buổi nói chuyện hôm nay, riêng phần Pháo-binh, Đại-úy Thìn trình bày hoạt động do Pháo-đội Thìn chỉ huy, từ lúc trực thăng vận chiếm đóng Căn-Cứ Sophia, với tất cả những hiểm nguy, gian khổ, kéo dài cả tuần lễ. Nhưng cuối cùng, nhờ sự gan dạ và nhất là tình đồng đội gắn bó, Thìn đã cùng các Pháo-thủ của anh hoàn tất nhiệm vụ yểm trợ một cách hữu hiệu, nhất là diện đối diện trực xạ với Cộng quân mà cả đôi bên đều nhìn thấy nhau, thách thức nhau…

Thiếu-úy Hiền, bằng giọng nói «pur » Quảng Nam trung thực thuật lại những lúc vừa tác xạ hỗ tương cho căn-cứ chúng tôi lại vừa trực xạ với khoảng cách dưới 1000 thước chống các ổ súng 57, 75 ly bắn thẳng của địch tại Căn-Cứ Phú Lộc.

B1 Huy kể lại trận đánh tràn vào bãi đáp mà chính Huy đã chạy đến góp phần với các nhân viên Khẩu 4 của HS1 Cũ, trực xạ với khoảng cách ngắn nhất từ 50 đến 100 thước, chận đứng cuộc tấn công biển người bên ngoài tuyến thứ nhì.

Trung-úy Lân kể lại phút nghẹt thở nhất khi trực xạ chống thiết giáp địch…

Cuối cùng, chúng tôi được Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường mời về dùng cơm tại Câu Lạc Bộ Huế, trước khi chia tay trở lại đơn vị.

Cùng buổi sáng này, toàn bộ Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh di chuyển từ Đông Hà về Đà Nẵng. Trung-úy Vinh thay tôi lãnh trách nhiệm tháp tùng các Pháo-đội và Bộ Chỉ-huy theo quốc lộ I trở lại Hòa Cẩm.

…Sau khi rời Đại-úy Đàm, tôi đi thẳng về hậu cứ tiếp tục nhận lãnh công tác mới do Tiểu-đoàn chỉ định. Rạng ngày 5-4-1971, chúng tôi di chuyển đến thay thế nhiệm vụ của một Pháo-đội 155 ly, thuộc Tiểu-đoàn 20 Pháo-binh của Thiếu-tá Trần-Thanh-Hào, đồn trú tại đồi 55 Đất Sơn.

Trình diện Trung-tá Thục, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 51 xong, tôi bắt đầu làm việc với chức vụ Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C kiêm Sĩ Quan Phối Hợp Hỏa Lực của Trung Đoàn này.

…Lân rời bệnh viện, liền được Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn đề cử đi Sàigòn, theo lời mời của BCH/PB/QLVNCH… Rồi từ đấy, Lân không còn hợp tác với tôi nữa mà nhận một chức vụ mới tại BCH/TĐ.

Được tin Pháo-đội C/TĐ44 PB về Đà Nẵng, đồng bào Đại Lộc gởi quà cáp đến biếu, gởi thư hỏi han và đến tận nhà thăm viếng! Tôi không ngờ đồng bào đã dành cho Pháo-đội chúng tôi một niềm ưu ái lớn lao như thế! Thâm tâm của mỗi chúng tôi, thường vẫn nghĩ rằng: công tác xã hội thực hiện tại Đại Lộc vừa qua là bổn phận của mỗi quân nhân trong Đại Gia Đình Quân Đội. Nhưng dù sao, lòng cảm mến chân phác của đồng bào cũng đã an ủi chúng tôi, và hơn thế nữa, đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ chiến đấu, tạo cho chúng tôi một quan niệm sống phù hợp với lý tưởng mà Quân Đội đòi hỏi «Do dân mà ra – Vì dân mà chiến đấu» và cứu cánh là phải «Bảo vệ dân – Giúp đỡ dân» trong mọi trường hợp với khả năng cơ hữu.

Bây giờ, Pháo-đội tôi chỉ còn hai bàn tay trắng! Tất cả công trình kiến tạo nên những phương tiện thiết yếu tại Đài Tác-xạ, cho nếp sống tập thể của Pháo-đội do mồ hôi và sức lực của anh em, đều bị tan nát tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30. Duy chỉ còn tinh thần đồng đội, thiện chí làm việc, chịu đựng gian khổ nảy thêm lợi tức – Cái lợi tức ấy vốn dĩ đã tiềm ẩn trong buồng tim, khối óc của mỗi Pháo-thủ, trộn lẫn với hoàn cảnh vào sanh ra tử, chung lưng đấu cật, chịu đựng gian khổ trong một chiến trận vô cùng khốc liệt kéo dài cả tháng… Quả thật, anh em chúng tôi thương yêu nhau hơn bất cứ lúc nào.

Âm thầm xây dựng lại Pháo-đội, chúng tôi đã thách thức trở ngại, can đảm dấn thân trong nhiệm vụ mới với tất cả sự thiếu thốn về vật chất. Khởi điểm bằng con số «không», nhưng dồi dào nghị lực và kiên trì vào sự hình thành tốt đẹp bởi những thực hiện cụ thể, hữu hiệu hôm nay và ngày mai tại Pháo-đội C này

No comments:

Post a Comment