Friday, July 15, 2022

TRỊNH CÔNG SƠN: PHẢN CHIẾN hay HÈN NHÁT

Hôm nay Thầy Bùi Văn Phú, một nhà báo tự do, đưa bài thầy viết năm 2008 về “Trịnh Công Sơn qua cái nhìn của một chỉ huy tình báo VNCH” và những ồn ào về phim Em & Trịnh nên tui cũng có vài hàng qua cái nhìn của một sinh viên và một người lính QLVNCH

Năm 1968 khi Trịnh Công Sơn xuất hiện với băng Ca Khúc Da Vàng và hát hò cùng Khánh Ly ở Cà phê Văn , Đại Học Văn Khoa , thầy Phú còn mài đủng quần ở sân trường Tiểu Học . Lúc đó tui đã là SVKH Saigon .

Nghe băng ca khúc Da vàng bằng cái Magnetophone mà 2 cuộn băng có chút xíu . TCS hát với tiếng đàn guitar phừng phừng. Giọng ca TCS awful nên không khoái lắm nhưng tui cũng có để ý câu hát (Người con gái VN da vàng) … “em chưa hát ca dao một lần , Em chỉ có con tim căm hờn” . Không hiểu là tại sao em chưa hát ca dao vì không biết, hay không thích hát . Em có mẹ không ? Mẹ không ru em bằng những bài ca dao hay sao , cho nên em chỉ có con tim căm hờn, mà em căm hờn cái gì và căm hờn ai . Sau nhiều lần nghe Khánh Ly hát ở Văn thì cũng không có gì đặc sắc . Nhạc của TCS rất đơn giản không cần hòa âm phối khí gì cả . Một cây guitar đàn phừng phừng là ca mệt nghỉ . Nhạc TCS rất dễ đàn dễ đệm . Nó khác xa với nhạc Cung Tiến, Thẩm Oánh , Vũ Thành, Dương Thiệu Tước… . Nói hay gọi TCS là thiên tài âm nhạc nghe cường điệu quá . Nghe tức cười quá .

TCS phản chiến hay thân cộng hay từng vào khu VC cũng khó tin . Với tui, TCS chỉ là một anh hèn . Bao nhiêu thanh niên thời đó , học nhiều hay học ít, đều chọn lối “sống hùng sống mạnh tuy không sống dai” TCS chọn : “ Sống chui sống nhủi sống lai rai “ Nhịn ăn , uống thuốc xổ để được hoãn dịch vì lý do sức khỏe . Khi không được hoãn dịch thì trốn . Rõ là anh hèn . Những cái như phản chiến , chống chiến tranh chỉ để bào chữa, che dấu cho việc trốn lính .

Nhạc TCS có phản chiến không ? Tui nghe nhạc TCS quá nhiều , có học âm nhạc, đờn ca xướng hát nên nghe nhạc đều đều . Hơn nữa thời sinh viên cà phê thuốc lá , đấu hót, tán gẫu mà không nghe nhạc thì rõ là anh cả quỷnh . Những tình ca , hay những bản nhạc ít được phổ biến như Ngẫu Nhiên , Cõi Tạm (bây giờ gọi là Ở trọ) hay Biết Đâu Nguồn Cội ( Em đi qua chuyến đò) ca mút chỉ lúc tù cải tạo . Sau Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam là Huế Saigon Hà Nội là nghe Như Cánh Vạc Bay và Cỏ Xót Xa Đưa , sau đó là Khói Trời Mênh Mông và Tự Tình Khúc . Tới đây là đứt phim 30 tháng 4 . Có điều khi có băng mới là không nghe băng cũ nữa . Thí dụ có Như Cánh Vạc Bay và Cỏ Xót Xa Đưa thì không nghe Ca Khúc Da Vàng. Khi có Khói Trời Mênh Mông và Tự Tình Khúc thì quên mẹ Như Cánh Vạc Bay và Cỏ Xót Xa Đưa …Có nghĩa nhạc TCS cũ thì chán không thèm nghe nữa . Tức là nó không có giá trị theo thời gian . Năm 1972 động viên vào quân đội mang theo ra chiến trường là một băng tuyển nhạc Cung Tiến , một băng Sơn Ca 10 Ban Thăng Long , Tứ Quý Lệ Thu, Tiếng Hát Châu Hà (nhạc Văn Phụng ), băng Thái Thanh , băng tuyển nhạc Kim Tước, Du ca số 1. .. và băng Khánh Ly 4, Khói Trời Mênh Mông và Tự Tình Khúc . Có người không tin bảo ở ngoài chiến trường mà đem theo cassette chắc nổ , là ba xạo . Tui là kỵ binh nên đi xe không có lội bùn dơ hay băng lau lách xuyên đêm . Máy cassette nhỏ chạy bằng bình điện xe Thiết giáp . Mỗi lần tui mở nhạc là lính bỏ đi chỗ khác . Lâu lâu còn có lời bình, thứ nầy mà gọi là nhạc à . Thông cảm, lính tui chỉ thích vọng cổ, nhạc Chế Linh , Duy Khánh , Thanh Tuyền, Hùng Cường , Mai Lệ Huyền … Có lần tui đàn và ca bài Em đi Trong Chiều …“Em đi qua cầu , có gió bay theo, thổi bùng khăn tang, trắng giữa khung trời”. Tụi lính nghe chả hiểu gì, bèn thắc mắc khăn tang , khăn sô thì tui nó thấy hoài mà đâu có thấy trắng cả trời chiều . Tui cười cười mới giải thích thật ra là em đi vô cầu (cá tra) có cơn gió thổi bùng soirée tím cả khung chiều . Tại sao ? Phải tả cho tụi lính biết cái soirée như thế nào, nên gió mới thổi tốc váy mà em mặc quần lót tím nên mấy thầy mắt chảy ghèn nên thấy cả khung trời màu tím,

Advertisements
REPORT THIS AD

Lính thì nhiều cả triệu , mà phần đông không thích không thèm nghe nhạc TCS và cũng chẳng hiểu nhạc TCS nói cái gì, diễn tả cái gì , làm sao ảnh hưởng tinh thần chiến đấu của lính . Số người nghe nhạc TCS không nhiều so với số người nghe nhạc sến Bolero . Ảnh hưởng gì ? phản chiến cái gì ? Thí dụ “Khi đất nước tôi không còn chiến tranh , mẹ già lên núi tìm xương con mình . Tìm xương cốt lính VC, chứ tử sĩ VNCH ít khi bị bỏ lại ngoài chiến trường hay là Tôi có người yêu chết trận Pleime, chết trận Đồng Xoài … nằm chết như mơ đâu có dữ dội như Ngày mai đi nhận xác chồng ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu hay hỏi anh bao giờ trở lại . Trở về bằng hòm gổ cài hoa hay là bại tướng cụt chân . Nhưng lính đâu có sợ , ra trận vẫn chiến đấu hào hùng oanh liệt . Ảnh hưởng gì , phản chiến gì ? Đó là một sự cường điệu .

Sau ngày đứt phim 1975 đến bây giờ, tui không còn nghe nhạc TCS nữa . Tui nhớ rất rõ khoảng năm 1977 tui đang bi tù cải tạo tại Katum . Lao động là vinh quang nên mỗi ngày gánh 200 đôi nước tưới rau muống. Sáng chơi vài củ khoai mì chạy chỉ, uống nước lạnh..rồi “gánh gánh , gánh nước về , gánh về gánh về” . Chiều chơi vài trái bắp luộc hay vài chén bo bo cao lương mỹ vị tiếp tục “gánh gánh , gánh nước về” , gánh về bá thở thì tụi quản giáo VC mở đài cho nghe bài “Em còn nhớ hay em đã quên” với lời ca điệp khúc:

“Em ra đi nơi này vẫn thế
lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
vườn xưa vẫn có tiếng Mẹ ru
có tiếng em thơ
có chút nắng trong tiếng gà trưa

Em ra đi nơi này vẫn thế
vẫn có em trong tim của mẹ
thành phố vẫn có những ước mơ
vẫn sống thiết tha
vẫn lấp lánh hoa trên đường đi
 …”

Đang mệt , tui buột miệng chửi thề . Mẹ nó , láo quá nơi nầy vẫn thế là sao ? Là bây giờ trong thân phận tù gánh nước tưới rau , gánh phân xanh bón rau thấy mẹ mà lá vẫn xanh, trong vườn xưa , có tiếng ru của mẹ có tiếng em thơ có chút nắng chút gió rồi có tiếng gà trưa nữa, lãng mạn êm đềm hết biết .Láo , láo toét . Rồi năm 1978 chuyển về trại tù Suối Máu cứ chiều chiều là đài ta chơi bản “Con Kinh Ta Đào “ của văn công Phạm Tuyên

Advertisements
REPORT THIS AD

Con kinh ta đào chưa có nước chảy qua
Chỉ có nắng mùa hè cháy bỏng
Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng ….con kinh ta đào chưa là con kinh xanh …

thì thấy TCS quá xạo , quá láo lếu . Phạm Tuyên, con học giả Phạm Quỳnh, tác giả bản nhạc Quảng Bình Quê Ta ơi và Như Có bác ‘hù’ …đã cho chúng ta thấy rõ mấy Tiểu Thư Saigon của tui giờ đang lao động bá thở đào kinh lấp đường mà mồ hôi muối lưng áo em đến bạc trắng thì kinh khủng quá . Đâu rồi thời những tiểu thư Saigon đã làm “Nắng Saigon chợt mát bởi áo lụa Hà Đông hay là những thiên thần áo trắng Gia Long Trưng Vương Nguyễn Bá Tòng , Lê Văn Duyệt đã làm bao nhiêu con tim của những chàng trai Saigon thổn thức si mê lúc em tan trường về, có anh theo em, trồng cây si cả một thời mơ mộng thần tiên . TCS bảo rằng em ra đi chẳng có gì thay đổi . Phạm Tuyên văn công VC thì cho biết mấy tiểu thư của chúng ta đã bị lùa đi lao động, đào kinh thủy lợi mà mồ hôi muối làm lưng áo em bạc trắng , mặt nám tay đen . Trời hỡi trời . Còn đâu tháng ngày với chút tình ngây thơ trong sáng êm đềm, lãng mạn ..

Năm 1979 đọc thêm bài viết TCS nâng bi bác ‘hù’ “Giòng Tình Cảm Ấy Vẫn Liên Tục Chảy ” đăng trên báo Tuổi Trẻ thì ai mà khộng chửi thề . Nâng bi hạ cấp quá dù sao TCS cũng được giao dục với ba triết lý: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng . Trong một bài viết của Công Tử Hà Đông , Hoàng Hải Thủy viết về những buổi “học tập chính trị” của các văn nghệ sĩ VNCH sau ngày phỏng dế . Công tử Hà Đông ca tụng mấy anh em kéo màn làm việc lao động trong đoàn cải lương bằng những tràng vỗ tay đuổi những người nói dai, nói dài , nói dở . Đặc biệt là các Văn nghệ sĩ VNCH ngồi với nhau thì có hai nhạc sĩ là Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu nhắc ghế ra ngồi riêng không muốn dính gì đến bọn Biệt Kích Văn Nghệ Saigon sắp sửa vào tù . Khoảng năm 1977 khi gia đình thăm nuôi dùng báo Tin Sáng của Ngô Công Đức gói đồ nhờ đó được đọc nhiều bài viết trứ danh như bo bo nhiều protein, Lá khoai mì bổ hơn thịt bò. Đặc biệt là thư của TCS gửi cho Joan Baez trong đó xì nẹt người bạn một thời phản chiến Joan Baez và yêu cầu Joan Baez đừng đâm một nhát dao vào vết thương đang mưng mũ khi Joan đã phản tỉnh cùng triết gia Jean- Paul Sartre phản đối nhà cầm quyền VC về chuyện cầm tù Quân Cán Chính VNCH và vượt biên tìm tự do . Đọc xong cả đám tù cải tạo chửi thề ỏm tỏi.

Advertisements
REPORT THIS AD

Khánh Ly là một ca sĩ bình thường , có nhiều người xưng tụng là danh ca tức cười . Họ quá dễ dãi hay biết ít về âm nhạc lại quá thích nhạc Trịnh Công Sơn nên thổi bà ta lên hàng danh ca . Nên nhớ chữ danh ca lúc mới qua để chỉ những người đánh cá đang tỵ nạn và hành nghề đánh cá trên đất Mỹ .

Đến Mỹ , KL một nách 3 đứa con, không nghề nghiệp ít học, nên làm việc bỏ dấu tiếng Việt cho Nguyễn Hoàng Đoan , chủ báo Hồn Việt, sau lấy NHĐ làm chồng cho tiện sổ sách . Ngày xưa trước khi bọn VC lập bang giao với Australia, người Việt xứ Úc còn gọi là người Việt miệt dưới chống cộng mạnh mẽ . Khánh Ly bị tẩy chay . Không hát hò gì cả . Ở Mỹ chống KL hát nhạc TCS và thời đó KL chỉ hát Tango. Mỗi lần lên sân khấu thì KL diện áo dài có hình cờ VNCH ca hát kiếm tiền nuôi con qua ngày đoạn tháng thấy thương hết sức . Sau đó người dân dễ tính từ từ KL hát nhạc TCS trở lại cho đến bây giờ đã 77 tuổi đời, hơi hám còn đâu nữa mà làm một cú lưu diễn VN hát nhạc TCS . Tui thật không hiểu đến giờ có người còn nghe KL hát nhạc TCS . Lại còn làm phim Đất Khổ và mới đây Em và Trịnh . Chữ Trịnh đã được mang dấu ấn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn . Tếu hết chỗ nói .

Ngày xưa người ta hay dùng lời rao kết bạn tâm thư như “Hiền, thích màu tím , yêu nhạc Trịnh , ưa bát phố chiều thứ bảy” để châm chọc những anh cả quỷnh có máu sến trong người . Trịnh Công Sơn, theo tôi chả phản chiến , thân cộng gì cả lại càng không phải là VC . Chỉ là một anh hèn , sợ chết , sợ ra mặt trận bèn trốn lính . Sau đó mang danh phản chiến, thân cộng để che để dấu cái hèn của một người trai trong cơn binh lửa . Có những quan to như Đại Tá Lưu Kim Cương hay Tướng Nguyễn Cao Kỳ che chở cho tay trốn lính vì những lý do ấm ớ “thương quý thiên tài âm nhạc “. Mấy ông đó đã lợi dụng binh quyền chứa chấp, để che chở cho một tay trốn quân dịch mấy ông phải chịu trách nhiệm trước quân đội trước tòa án Quân Sự Mặt Trận . Trốn lính khi bị bắt phải ra tòa tùy theo phán quyết của tòa án Quân Sự Mặt Trận hoặc là ở tù rồi đưa đi thụ huấn quân dịch tại quân trường Quang Trung với cấp bậc Binh nhì dù có bằng Tú Tài hay cao hơn . Nếu trốn nữa , bị bắt sẽ là Lao Công Đào Binh phải ra chiến trường làm lao công mà không được cầm súng với đầy đủ danh dự của người chiến binh QLVNCH . Hãy quên TCS đi , hãy trả TCS về vị trí của một tay trốn lính hèn nhát khi đất nước bị bọn Bắc Cộng xâm lược . Có hàng ngàn hàng vạn thanh niên đã tòng chinh để làm bổn phận người dân trong cơn binh lửa . Đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh , có bao nhiêu ca sĩ đã phục vụ Quân Đội đúng với khả năng của mình trong các Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hay Hoa Tình Thương hay các Tiểu Đoàn Chiến Tranh Chính Trị khắp 4 Quân Khu . Họ không trốn lính , Có nhiều người đã đền nợ nước khi đem tiếng hát của mình ra tận tiền đồn giúp vui cho binh sĩ hay sáng tác những bài ca chính huấn hào hùng vang vang khắp nước để vinh danh những chiến công như Bình Long Anh Dũng như Kontum Kiêu Hùng hay là Trị Thiên Vùng Dậy . Đất nước mến yêu của chúng ta , những người dân , những chiến binh anh hùng VNCH chúng ta không cần một nhạc sĩ trốn lính hèn mọn , cũng không cần nghe những bản nhạc được viết ra từ những ly rượu , những thức ăn, từ sự che chở của những quan quyền vi phạm luật pháp quốc gia .

Advertisements
REPORT THIS AD

Hãy đưa những bản nhạc của TCS vô nấm mồ nhục nhã của hắn ta tại Bình Dương . Hay ho gì những bản nhạc của một tay trốn lính , không làm tròn bổn phận của một người trai trong cơn binh lửa . Khi nước mất nhà tan viết nên những bản nhạc giúp cho kẻ thù VC bịp bợm với thế giới, với người dân và hạ mình tang bốc nâng bi cho bọn VC kẻ thù của toàn thể người Việt trong và ngoài nước . Nhạc VN đâu chỉ có nhạc Trịnh . Kho nhạc Việt vô tận . Dòng nhạc Bolero bất tử, những ca khúc của Cung Tiến , của Thẩm Oánh, Vũ Thành , Dương Thiệu Tước , Văn Phụng, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang và hằng trăm nhạc sĩ tài danh khác

Hãy quên nó đi . Hãy cho tất cả những gì thuộc về nó vào dĩ vãng và cũng đừng bao giờ nhắc nhở nó dù bằng một tiếng chửi .

Kb NguySaigon

No comments:

Post a Comment