Chương VI
CHIẾN KHU D! CHIẾN KHU D!
Hai hôm sau, giữa lúc tôi đang ngồi học đánh bài «tu lơ khơ» với mấy anh em cảnh vệ ở bộ ván giữa nhà, Ba Dũng không biết đi đâu về cùng hai cán bộ lạ. Người nào cũng mang súng lục lủng lẳng bên hông. Quần áo là loại quân phục may bằng vải xám ngắt như màu đất, rộng thùng thình.
Cổ áo lại cao, cài nút cẩn thận. Hình ảnh đó làm tôi nhớ đến mấy bức hình mà tôi được xem trước đây về những người lính Hồng quân của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Ba Dũng nhìn tôi cười :
– Ông học đánh «tu lơ khơ» à ? Sao, sạch nước cản chưa ?
Tôi cũng cười, ngượng ngập :
– Dạ, mới biết sơ sơ…
– Có khách đến thăm ông nè!
Tôi lúng túng tuột xuống đất. Ba Dũng giới thiệu :
– Đây là anh Hùng. Còn tay này là Năm Râu. Bị râu rậm quá nên lâu ngày thành danh Năm Râu, hổng ai còn nhớ tới tên cúng cơm của ổng nữa. Và đây, anh Năm Bàng y sĩ trên Rờ (R) xuống liên hệ công tác với tụi tôi đó.
Tôi đã quen cái cách, cái công thức chung của «người ta» từ lâu rồi. Nên tôi hiểu «khách đến thăm» của Ba Dũng nói, nó không có ý nghĩa của tình cảm, xã giao mà là biểu hiện của công việc, của một thái độ chính trị không có lấy một chút tình, dù là tình người.
Tôi đã hiểu đúng. Sau một hồi thăm hỏi xã giao thường lệ, nhâm nhi vài ngụm trà bốc khói, Năm Râu để lộ chân tướng mình là anh ta và Năm Bàng thuộc Ban chỉ huy của một đoàn Tiếp nhận tân binh cho đơn vị U.50 – U.50 là một trong những cơ quan trực thuộc Rờ (R). Anh ta đến thăm tôi và cũng để «nhận» tôi đưa về U.50 sau khi được nghiên cứu lý lịch tôi và có sự đề nghị của Đảng bộ Phòng Tuyển Mộ I4.
Năm Râu giải thích cho tôi rõ, danh từ R là ám hiệu, mã tự của Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng võ trang, ban võ trang của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Nói cách khác gọn hơn, R là Bộ Tư lệnh tối cao Giải Phóng quân Miền Nam.
U.50 cũng là một cái tên nghi trang, tôi sẽ được rõ hơn nếu tôi ưng thuận về công tác ở cơ quan này. Và y sĩ Năm Bàng sẽ khám sức khỏe chung cho tôi ngay bây giờ, như Quốc Gia khám lính quân dịch đúng theo thủ tục quân đội. Tôi suy nghĩ một lúc trả lời cho Năm Râu biết :
– Xin anh cho tôi trả lời sau. Nhưng tôi còn băn khoăn điều này. Khi B39 rước tôi ra khỏi Sàigòn, anh Bảy Tân có nói với tôi, nếu tôi muốn, khi đến đây, tôi sẽ được giới thiệu về Ban Tiếp Tân của Mặt Trận. Mặt Trận sẽ xử dụng hợp khả năng tôi. Khả năng tôi không phải là khả năng quân sự, e rằng…
Không chờ tôi nói hết câu, Ba Dũng cười, ngắt ngang câu nói của tôi :
– Có, có anh ! Phòng Tuyển Mộ của tôi có điện về Trên báo cáo trường hợp anh. Ở Trên điện trả lời cho biết là công tác nơi nào cũng vậy. Công tác của Mặt Trận hay công tác quân đội đều là công tác cách mạng. công tác của Đảng. Hiện giờ quân đội đang cần người hơn nên ở Trên yêu cầu anh phục vụ bên phía quân đội. Nếu sau này anh thấy không hợp thì anh đề nghị. Mặt Trặn sẽ rút anh về. Anh nhứt trí chớ ?
Năm Râu tiếp theo Ba Dũng :
– Tôi xin nói để anh rõ, đâu phải hễ là quân đội thì ai cũng đi chiến đấu, đánh giặc hết đâu ! Ngay như U.50 cững không phải đơn vị chiến đấu. Anh hiểu lầm rồi. Quân đội cũng cần trí thức. Quân đội có biết bao nhiêu công tác quan trọng như nghiên cứu, công tác chính trị v.v… thiếu gì các ngành như quân y, quân nhu, điện ảnh, văn nglệ, báo chí… Tôi thiết nghĩ, thiếu gì chỗ hợp với khả năng anh, mặc sức anh tung hoành thi thố tài ba. Dù sao, chúng tôi cũng sẽ báo cáo về R trường hợp của anh. Anh đồng ý chứ ?
Không phải đợi Năm Râu nói tôi mới biết những ngành chuvên môn trong quân đội. Vấn đề đâu phải ở đó. Cái chính là tôi không thích quân đội. Tôi ghét chuyện bắn giết nhau.
Và nhất là tôi không thích bị gò bó vào cái người ta gọi là kỷ luật sắt của quân đội. Tôi vốn con người phóng khoáng, nhiều nghệ sĩ tính, gần như buông thả với chính mình. Quen rồi.
Lâu rồi. Nếp sống quen thuộc của tôi là vậy. Tôi hiểu tôi, tôi biết tôi cần gì, muốn gì, có thể làm được những gi khi đặt tôi vào một hoàn cảnh nào đó. Tôi cũng hiểu thật rõ đời sống và sinh hoạt về nội quy, kỷ luật của quân đội ra sao. Chính vì vậy, tôi cố tìm cách từ chối, ngần ngừ…
Nhưng giờ thì rõ ràng rồi đấy. Người ta cho biết quân đội đang cần người, người ta chỉ bằng lòng cho tôi phục vụ bên phía quân đội mà thôi. Tôi có kêu nài, xin xỏ cũng bằng thừa, vô ích !
Ba Dũng nhắc tôi lần nữa :
– Thế nào, anh Hùng ? Đồng ý chớ ?
Tôi thở dài và gật đầu.
Năm Bàng nãy giờ lặng thinh uống trà chờ phản ứng của tôi. Bây giờ anh ta cũng vui vẻ, thoải mái :
– Vậy là tốt quá ! Tôi khám sức khỏe ngay, anh nhé ? Nhé?
Tôi lại gật đầu.
Thế là từ giờ phút đó, tôi đã trở thành một chiến sĩ giải phóng quân thuộc quân số đơn vị U.50 của Bộ chỉ huy tối cao R. Người ta cấp phát ngay cho tôi một số trang bị cần thiết như bình ton, ca, muỗng, mùng, võng, tấm đắp, hai bộ quân phục vải ta đen, thắt lưng, dép râu, khăn tắm, nylon choàng, nylon nóc, bồng v.v… tất cả là mười sáu món.
Tôi liệng cái tủi vải cao su, cho đồ đạc đựng vào cái bồng mới, có quai mang như ba lô. Năm Râu cho tôi biết về nguyên tắc như vậy là xong. Tôi không còn dính líu gì đến Phòng Tuyển Mộ Tân Binh I4 nữa. Tôi phải vác đồ đạc theo Năm Râu đến một nhà đồng bào ở gần đấy sống với đoàn tiếp đón tân binh của U.50, chuẩn bị về U.50 vào mấy ngày sau.
Trước khi đi khỏi nhà Ba Dũng, tôi hỏi Dũng về cái radio và cây đàn vĩ cầm của tôi như thế nào ? Ba Dũng nhăn mặt :
– Chà ! Chuyện đó tôi không biết gì hết ! Như vậy chắc không ổn rồi ! Để tôi viết thư hỏi lại dùm anh xem sao… chớ chẳng hy vọng gì đâu ! Thôi, nó không đến tay anh thì đến tay người khác. Ở đâu cũng đều xử dụng cho cách mạng. Cũng tốt! Đồng ý chớ anh ?
Dĩ nhiên, tôi không thể nào đồng ý nổi. Nhưng không đồng ý thì làm gì bây giờ ? Suy cho cùng cũng tại tôi ngây thơ, quá tin người, có làm gì chỉ xấu hổ thêm.
***
Từ ngày vào chiến khu, để thống nhất giờ giấc với mọi người quanh mình tôi phải vặn đồng hồ lui lại một giờ. Giờ đó người ta không gọi là giờ Hà-nội mà gọi là giờ Đông Dương. Cho đến một vài danh từ, vài cách nói, rồi những thói quen tôi cũng phải soát lại cẩn thận trước khi nói, trước khi làm. Thực khổ cho tôi nhưng biết làm sao hơn ?
Có lẽ thông cảm được nỗi khổ sở đó, một buổi tôi, sau mấy ngày về ở chung nhà với Năm Râu, ngồi nhâm nhi trà Blao, anh ta nói nhỏ với tôi :
– Tôi coi bộ ông giữ gìn kỹ quá. Tội gì khổ vậy ông ? Con người sống phải tự nhiên, thoải mái nó mới khoái chớ ? Anh em đồng chí với nhau không mà.
Tôi chỉ cười tỏ vẻ phục thiện. Nhưng Năm Râu đâu phải là tôi. Vị trí đứng của anh ta, cương vị của anh ta, thuận lợi của anh ta v.v… những gì anh ta có, tôi không có một chút nào. Ở cương vị của một cán bộ chỉ huy, cương vị của Đảng, những người quanh anh ta nhìn anh ta với cặp mắt khác : kính nể, phục tùng. Ngay cả nếp sống thường ngày của anh ta là một nếp sống quen thuộc, từ cách nói, cách suy nghĩ, nhận xét phán đoán về một vấn đề gì, cách dùng danh từ để diễn đạt, nó đã được tinh luyện, nhồi nắn trong một cái khuôn đồng nhất với những công thức riêng, khác biệt với cái xã hội thông thường. Lâu ngày, nó đã hằn thành những nếp gấp, những thói quen, nhập vào cử chỉ, vào hơi thở của anh ta.
Còn tôi, tôi chỉ là một tân binh. Tôi còn thua cả một chiến sĩ quèn, đội viên quèn, thứ binh nhì «đơ dèm cùi bắp». Huống hồ tôi là sản phẩm của một chế độ xã hội trái ngược với chế độ xã hội của anh ta…
Đoàn Tiếp Nhận tân binh U.50 do Năm Râu làm Đoàn trưởng, ngoài ra còn có một Đoàn phó kiêm chính trị viên và Năm Bàng, y sĩ, cũng thuộc cán bộ chỉ huy. Phía dưới, là một tiểu đội võ trang.
Cái kẹt của tôi khi Năm Râu đưa tôi về đây là Năm Râu không xác định cho tôi một cương vị rõ rệt đối với đoàn. Đã đành, tôi không thể nào thuộc thành phần cán bộ, hàng ngày sinh hoạt với tổ cán bộ ba người này, mà với tiểu đội võ trang tôi cũng không thuộc vào tiểu đội đó, ghép vào sinh hoạt với họ, chịu sự phân công của họ đúng theo vị trí một tân binh, một tên lính mới như tôi.
Tình trạng đó đặt tôi vào loại lính không ra lính, quan chẳng ra quan, trên với không tới, dưới chẳng sờ đụng ai, chơi với đám nào cũng không được.
Mỗi sáng, tổ cán bộ kéo nhau ra ngoài sân xì xầm to nhỏ, họp với nhau. Tôi ngồi chong ngóc trong nhà, ngáp vặt Mỗi chiều, sau khi ăn cơm xong, tiểu đội lính chia thành từng tổ tam tam kiểm thảo ở góc nhà, ở ngoài sân, ở xó bếp thì tôi phải thả rong ra lộ, ngước mắt nhìn trời, liệu chừng khi nào thiên hạ họp xong tôi mới thất thểu đi vô. Dĩ nhiên trong những lần họp như vậy, người ta có nhận xét, có phê bình tôi, có nói gì đến tôi, không tài nào tôi biết được, cũng không thể thanh minh, thông cảm được với ai.
Nỗi khổ sở của tôi là vậy. Năm Râu có nói gì đi nữa, khuyên gì đi nữa tôi không sao không giữ gìn, sống một cách tự nhiên như mọi người được. Đối với tiểu đội võ trang, tôi trở thành một cái đích nhắm để suy bì, để công kích. Vì là lính, tại sao tôi không sinh hoạt như họ, không chịu sự phân công của tiểu đội như mọi chiến sĩ khác trong việc trực nhật nấu cơm hàng ngày, phải tập thể dục chung mỗi sáng, phải đi làm công tác lao động kiếm củi, xách nước, phải cầm súng đứng gác mỗi đêm… Tôi đâu phải là cán bộ, đâu được quyền «ngồi chơi xơi nước».
Với tổ cán bộ, dù người ta có viện cớ «chính sách chiếu cố trí thức», viện cớ «cán bộ cũ» trên lý lẽ nhưng tình cảm của họ không thể nào ưng thuận cho tôi được hưởng tiêu chuẩn cán bộ như họ được. Vì trong tổ cán bộ này, họ đều là nhũng người được tập kết ra Bắc 1954 rồi trở về Nam, họ đã đóng góp nhiều công sức cho chế độ, được học tập trường Đảng này, trường chính quy nọ, hơn thế nữa, họ là những đảng viên lâu năm, cấp bậc Đảng ít nhất cũng phải chi, ủy viên, họ lý luận giỏi, lập trường Cách mạng vững, lập trường giai cấp sắt đá, trung thành v.v… Hàng ngàn thứ.
Huống hồ, tôi là một anh chàng mang trong đầu thứ «trí thức phản động» do «đế quốc» nhồi sọ «dạy» cho. Thành phần lại là «tiểu tư sản trí thức, tư tưởng, lập trường lưng chừng, dốt nát về chính trị v.v…».
Tôi hiểu như vậy, hiểu rất rõ làm sao tôi không giữ gìn ? Nhất cử, nhất động của tôi đều bị người ta giám sát, theo dõi kia mà !.
Thấy không khí có vẻ thuận tiện, ngồi uống trà chỉ có tôi với Năm Râu, xung quanh không có ai, tôi thực thà trình bày hoàn cảnh đặc biệt của mình để anh ta hiểu rõ tôi hơn. Năm Râu cười, phủ nhận :
– Cái đó không thành vấn đề đâu ! Tại anh có mặc cảm nên nghĩ vậy, chứ tôi biết anh em không có những cái như anh vừa nói. Anh em ở đây có cảm tình với anh lắm.
Tôi thừa rõ đó chỉ là câu nói… xã giao, không thực.
Tuy vậy, tôi cũng làm ra vẻ thực thà, biết đâu nhân đó tôi sẽ tìm được điều tôi muốn biết. Nghï vậy, tôi nói với Năm Râu :
– Có lẽ điều anh nói đúng đó anh Năm. Tôi sẽ cố gắng sửa chữa, nhưng anh phải giúp đỡ mới được.
– Giúp cái gì ?
– Anh giúp nhận xét dùm tôi. Trong mấy ngày đến đây sống chung với mấy anh, anh thấy tôi có những khuyết điểm gì, anh em phê phán tôi ra sao anh làm ơn cho tôi biết. Tôi không tự ái đâu ! Chẳng những vậy, tôi còn ao ước, thành khẩn được nghe những lời phê phán. Có như thế mới tiến bộ được, chứ anh !
Năm Râu nhìn tôi một lúc như để đánh giá lời tôi nói.
Sau cùng, anh ta ngập ngừng :
– Tôi… tôi biết nói gì bây giờ ? Anh có khuyết điểm gì đâu… Tôi thì tôi không thấy gì, nhưng qua sự «phản ảnh» của các đồng chí trong đoàn, anh em họ «giới thiệu» với tôi mấy sự việc xin đề nghị anh «nghiên cứu» thử xem. Đó là ý kiến của anh em chứ không phải ý kiến của tôi, anh hiểu cho.
– Xin anh cứ nói!
– Một là, họ bảo anh tác phong tiểu tư sản, thiếu quan điểm quần chúng, ít xáp, ít chịu hòa mình với tập thể, cởi mở tâm tình với anh em. Hai là, anh ít… lao động. Ba là, ngày hôm qua nhân lúc anh em hỏi chuyện về gia đình, anh nói lúc còn ở Sàigòn, ngoài việc đi học, anh làm thêm nghề gõ đầu trẻ. Anh em đề nghị anh không nên dùng chữ «gõ đầu trẻ». Ba chữ đó nó biểu hiện bản chất phi giai cấp, phi cách mạng, khinh kẻ ít học, nặng đầu óc đế quốc phong kiến ! Quan niệm đứng đắn là thày và trò học lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, bình đẳng về chính trị, vậy thì tại sao lại gọi là nghề «gõ đầu» dù là trẻ cũng vậy.
Đã chuẩn bị sẵn, đã bảo là không tự ái nhưng những lời Năm Râu vừa nói làm tôi choáng váng đến ngây người ra. Năm Râu vừa nói vừa nhìn xuống, xoay xoay chung trà đậm nèn chưa phát giác được phản ứng trên mặt tôi. Giọng anh ta vẫn đều đều, thì thầm như tâm sự :
– Anh cũng nên thông cảm cho, anh em họ xuất thân thành phần bần cố nông, thành phần cơ bản nồng cốt của cách mạng nhưng thành phần đó cũng có cái nhược điểm là dễ thành kiến hẹp hòi, tự ái giai cấp rất cao. Họ nhạy phản ứng lắm. Như chuyện anh nói «Radio» ở Sàigon rẻ lắm, họ cũng phản ảnh với tôi, thắc mắc sao anh không gọi đó là cái đài. Các cán bộ mùa thu từ Hà nội về Nam ai cũng gọi đó là cái đài, nó trở thành danh từ thông dụng. Như anh nói cái túi vải cao su là cái «xắc», cái dây kéo là «phẹc mơ tuya », cái ống nghe của anh Năm Bàng là cái «S-tê-tò » và vài ví dụ cùng loại khác nữa. Họ bảo anh sao hay nói tiếng Tây quá, như vậy là vong bản, nô lệ tính. Nhưng cái điều họ đề nghị anh nên sửa chữa cấp thời là không nên dùng chữ «Ba Tầu», chữ «Chệt Chợlớn» mà nên gọi là Trung Quốc, là «Hoa Kiều Chợlớn». Vì anh gọi như vậy tỏ vẻ xấc xược với nước bạn Trung quốc vĩ đại, mất tình đoàn kết với các uước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa… !
Năm Râu còn nói nhiều, nhưng lúc đó tai tôi như ù lên, không còn nghe thêm được gì nữa. Tôi không biết phản ứng của mình đúng hay sai, nhưng trong nhất thời tôi không thể nào chấp nhận nổi những nhận xét phê bình kia. Tôi cho đó là một thậm vô lý, quái gở là đằng khác.
Bọn gian thương Chợ Lớn tôi kinh nể nó sao được ? Nó là bạn vĩ đại của tôi sao ? Theo cái đà đó, thịt heo kho Tàu, gà Tàu cũng phải kiêng cử, đổi lại là «thịt heo kho Trung Quốc» «gà Trung Quốc» sao ? Quá quắt, quái gở không chịu được !
Rồi cái radio phải gọi cái đài, không được gọi radio, vô lý hết sức! Nếu bảo tôi phải gọi là máy thu thanh để không phải nói tiếng Tây, điều đó khả dĩ nghe được. Nhưng radio nó trở thành thông dụng, bị Việt hoá đi rồi, chẳng khác nào cái tách (tasse), cái bu-gi (bougie), cái bù-lon (boulon), xì-gà (cigare), ô-tô (auto) v.v…Cho đến cái xắc (sac), cái phẹc-mơ-tuya (fermeture) bảo tôi là hay nói tiếng Tây, vong bản, nô lệ tính.
Ức không chịu được ! Nổ đom đóm mắt là đằng khác. Tôi muốn la lên, nhưng kịp nghĩ đến thân phận và hoàn cảnh mình lúc ấy không khác con cá đã nằm giữa ruộng khô thì có trườn, có dãy dụa, có làm gi đi nữa chỉ tróc vẫy trầy mình. Mau chết hơn thôi. Vô ích! Chế độ này, thằng nào ngu nhất, rách nhất sẽ được làm cha thiên hạ.
Tôi chỉ còn biết thở dài, cúi mặt xuống cho giọt nước mắt không còn đọng ở vành mi.
Nói xong, Năm Râu ngẩng đầu lên hỏi tôi :
– Anh thấy những lời phản ảnh, đề nghị của anh em đó thế nao ? Anh không buồn và thắc mắc gì chứ ?
Chợt thấy thái độ «hơi lạ» của tôi, Năm Râu hỏi ngay :
– Anh sao vậy ?
Tôi đang lấy khăn tay chùi nước mắt, vội dụi thêm mấy cái, cố lấy giọng hết sức tự nhiên nói lấp đi:
– Có con bù hóng hay con gì chui vô mắt tôi. Anh Năm ! Anh thổi đùm tôi đi, anh Năm.
Tôi đưa mặt tôi sát mặt Năm Râu chờ đợi. Anh ta tưởng thật, vạch lấy mi mắt tôi ra, thổi phù phù mấy cái :
– Sao ? Còn xót hết ?
– Ừ, hình như ra rồi.
– Nếu chưa, để tôi múc cho anh tô nước đầy, thọc mắt vô nháy nháy mấy cái hết ngay.
Nhờ chuyện thổi mắt, vấn đề được chuyển hướng sang hướng khác và tôi khỏi phải trả lời câu hỏi của anh ta.
Dường như quên chuyện vừa nói, anh ta chợt thốt lên
– Ơ, anh! Tôi quên chưa đưa tiền anh !
Tôi hỏi lại :
– Tiền gì vậy ?
– Tiền phụ cấp tiêu vặt tháng hai của anh !
Năm Râu cho tay vào túi quần móc ra đưa tôi hai mươi lăm đồng. Anh ta giải thích :
– Tiền này là tiền tiêu vặt, sinh hoạt phí hàng tháng. Mỗi người, hàng tháng ngoài tiền gạo, tiền ăn, tiền thuốc men, tiền quần áo v.v… Đảng còn trợ cấp cho mỗi người hai mươi lăm đồng để tiêu vặt. Các khoản tiền kia do quản lý đơn vị giữ. Tiền này đối với anh chẳng nhằm gì nhưng hiện giờ, trong khi Đảng còn nghèo, đấu tranh gian khổ với kẻ thù thì việc cung cấp hết cho mọi người như vậy là một cố gắng, một chi phí lớn lao.
Tôi ngượng nghịu lấy tiền cho vào túi. Năm Râu cười hỏi tôi :
– Anh có biết tôi năm nay bao nhiêu rồi không ?
– Bao nhiêu gì ?
– Tuổi chớ còn gì nữa ! Anh đoán chừng bao nhiêu ?
– Khó quá! Cỡ bốn mươi. Đúng không anh Năm ?
Anh ta cười to lên :
– Anh đoán kiểu đó chết tôi rồi ! Vậy làm sao còn kiếm vợ được ? Người ta mới có ba mươi đó cha nội! Sanh 1934. Tại anh thấy râu rậm, bó hàm anh tưởng tôi già. Tôi mà già là già râu thôi. Tôi đọc lý lịch anh, anh cùng một tuổi với tôi đó. Mà anh thì còn «măng» quá! Coi như mới hăm lăm !
Tôi cũng ngạc nhiên :
– Vậy mà mấy hôm nay tôi tưởng anh ít ra cũng là bốn mươi.
– Ừ, ai cũng nói vậy. Anh coi, vừa phong trần gian khổ suốt từ nhỏ tới lớn, giờ thêm bộ râu rậm như chổi chà, làm biếng cạo người ta không nói tôi già sao được. Mấy cô hăm bốn hăm lăm còn kêu tôi bằng bác thì anh biết! Còn trông mong cơm cháo gì nữa ! Ác thiệt l
– Anh chưa có gia đinh sao ?
– Chưa ! Anh coi, bôn Nam tẩu Bắc, chân đi không ngừng làm sao còn có thì giờ để tìm hiểu với ai. Lúc còn ở Bắc thì nhất định chờ về Nam mới lấy vợ. Về Nam năm ngoái, năm nay nhận nhiệm vụ ở U.50, tuốt trên rừng Đông Bắc chiến khu D. Kiếm đỏ con mắt cũng không ra chư vị nữ nào. Nữ hiếm như vàng. Còn đi công tác xuống đồng bằng như vầy, cứ đi đi về về như thăm bẫy, làm sao ? Đó, tôi mới trên rừng xuống đây bữa trước thì bữa sau gặp anh. Rồi mai này, tôi lại phải đưa anh trở về trên ấy theo lệnh của đảng ủy U.50.
– Ủa? Sáng mai nay tôi về U.5O với anh ?
– Ừ! Tôi với anh và hai cậu cảnh vệ nữa !
– Sao anh không cho tôi hay sớm để tôi chuẩn bị?
– Có gì phải chuẩn bị ? Bộ đội mà! Hô đi là đi ngay, chuẩn bị nhiều lắm là mười phút.
– Đường đi có xa không, lâu không ?
Năm Râu ngần ngừ một lúc :
– Mình ở khu A mà ! Đi lâu thì… bảy tám bữa. Sớm thì bốn năm bữa. Qua ba con lộ tới sông Bé thì coi như về gần tới nhà rồi.
Thấy tôi tò mò muốn biết, Năm Râu cho biết thêm vắn tắt U.50 là một bộ phận của Cục Hậu Cần R, quản lý khu A. Cục Hậu Cần là một trong ba Cục của Bộ chỉ huy R Cục Tham Mưu, Cục Chính Trị, Cục Hậu Cầu. Về khu A, anh ta cho biết đó là khu D cũ. Ngày nay ngôn từ chiến khu D không còn dùng đến nữa. Chiến khu, rừng núi miền Đông ngày nay được R phân định thành những khu A, khu B, khu C, khu E, khu H v.v… Tôi muốn biết rõ hơn thì khi về khu A, công tác ở U.5O ít lâu, tự khắc tôi sẽ biết rõ.
Mới 5g30 sáng, giờ Đông Dương, tôi đã thức dậy, súc miệng, ra sân cử động vài động tác thể thao. Phía đông, chân trời ửng hồng đẹp mắt với những đám mây viền ngang như những ngày tôi thức sớm, bất kỳ ở nơi nào trên đất nước này.
Không khí buổi sáng sớm, đồng quê thực trong lành mát mẻ, yên tĩnh khác thường. Những chiếc pháo dù cuối cùng ở đồn Trung Hòa bắn muộn vào rừng cao su bên kia suối từ Phú Hòa chạy dài đến tận Hố Bò, lơ lửng trên không, le lói màu thiếc mới, chóa mắt. Nếu không có những cái đó thì tôi ngỡ mình đang sống trong cảnh thanh bình, quên mất cuộc chiến tranh chết chóc tàn bạo này.
Mấy đồng chí của tôi trong đoàn cũng đều thức giấc. Tôi quay vào nhà, thu xếp đồ đạc cho vào bồng cột lại. Đồng chí cảnh vệ trực nhật lấy son cơm gạo đỏ, dĩa dưa leo xắt mỏng và chén nước mắm mỡ đem bày trước hàng hiên. Bữa ăn sáng thường ngày của chúng tôi như thế đó.
Năm Râu đã chuẩn bị đồ đạc xong xuôi, vừa bước ra sân, vừa cài sợi thắt lưng lủng lẳng những súng đạn và vật dụng quen thuộc. Anh ta hỏi tôi :
– Ông chuẩn bị đồ đạc xong rồi chớ ?
– Xong rồi ! – Tôi trả lời.
– Hôm nay lên đường về khu A, chỉ có ông, tôi và hai đồng chí bảo vệ nữa thôi ! Mình đi tự lực. không theo đường dây. Họ dẫn đường vòng xa lắm.
Đột nhiên Năm Râu nheo mắt, hấp háy hạ giọng xuống thì thầm vào tai tôi :
– Ngân quỹ của ông còn khá chớ ?
Tôi nhìn anh ta một thoáng để đoán hiểu ý định thực sự của anh ta qua câu nói đó. Dường như biết cái nhìn của tôi, anh ta nhe răng cười :
– Nếu anh còn khá thì mình ra lộ số 7, ghé quán hủ tiếu đớp một bụng la-ve, cà phê cà pháo rồi đi luôn cho nó sướng cái bụng. Tội cha gì cứ nước mắm mỡ với dưa leo.
Biết anh ta nói thật, tôi cũng hiểu cái khoái thường ngày của anh ta vốn đồng điệu với dạ dày tôi. Tôi gật đầu cười mỉm. Mắt anh ta sáng lên, mừng rỡ:
-Vậy thì đừng ăn cơm nhà ! Ông còn bao nhiêu tiền cố gắng xài cho hết trên đường đi từ đây đến lộ 16 đi. Ông có để đành, mang tiền vô rừng cũng vô ích, tổ cho nó đóng mốc, đóng meo chớ có gì đâu mà mua.
Tôi lại cười, gật đầu lần nữa. Anh ta nói đúng. Và dọc đường anh ta cũng được hưởng chung, cái đó còn đúng hơn nữa. Tôi tính nhẩm sơ qua… trong túi cũng còn hơn năm ngàn bạc. Ít ra cũng đủ vung phí dọc dường.
Chúng tôi bốn người, mang bồng lên vai. Ruột tượng gạo mười ngày ăn choàng qua cổ. Chúng tôi nhắm hướng lộ số 7 xuất quân, vừa đi nói chuyện bàn về những thực đơn khoái khẩu.
Theo chương trình dự định, sau khi ăn xong thì chúng tôi sẽ xuôi lộ số 7 băng qua rừng cao su xuống Hố Bò, rồi ra bến Bò Cạp sang sông Sàigòn, đổ bộ lên Bưng Còng đi về Đường Long. Chiều tối thì đến Long Nguyên. Nghỉ một đêm, ngày sau sẽ qua lộ 13 đến Phú Giáo. Ngày sau nữa sẽ qua lộ 16 đến Nước Trong. Rồi từ Nước Trong vượt qua sông Bé về đồi Tam Điệp. Kế đó sẽ qua sông Rạc, suối Bé, bàu Chân Ra, Bàu Đồng Triêng. Ngày cuối cùng, Bàu Đồng Triêng đi thẳng một mạch qua lộ Ủi, vượt Mã Đà cầu dây, chiều lại tới Phòng Thường Trực U.50.
Vị chi mất sáu ngày đường thì đến đơn vị. Quãng đường găng nhất là lộ 13 và lộ 16. Qua được hai lộ đó, xem như «thắng lợi hoàn toàn». Tuy hôm nay, ngày đầu sang sông Sàigòn, đổ bộ lên ấp chiến lược Bưng Còng và qua con lộ 23 tức lộ từ Bình Dương đi Bến Súc Dầu Tiếng, chỗ qua lộ chỉ cách đồn Bến Súc chừng năm cây số nhưng nguy hiểm không đáng kể lắm vì ở đây có du kích canh gác và đường xe cộ cũng ít chạy. Hai bên đường toàn rừng cao su.
Năm Râu cho tôi biết sơ qua lộ trình dự định như vậy. Mười một giờ rưỡi trưa, chúng tôi nhờ đò đưa ngang qua sông Sàigòn.
Không biết nghĩ sao, Năm Râu đột nhiên thay đổi lộ trình dự định là không đi ngõ ấp chiến lược Bưng Còng mà xuyên đường tắt ở bờ sông Sàigòn ra lộ 23. Chừng hơn mười lăm phút rời sông Sàigòn, đến một khoảng tranh thưa, Năm Râu ra hiệu dừng lại và nói với tôi :
– Tới lộ Bến Súc – Bình Dương rồi đó anh! Phía trước cách đây chừng trăm rưỡi thước. Phía tay trái mình là đồn Bến Súc chừng năm cây số. Phía tay mặt là đồn Rạch Bắp chừng hai cây số rưỡi.
Và Năm Râu chu miệng cười, cái cười ranh mãnh dí dỏm bảo hai cảnh vệ :
– Nè! Dân, Ngà ! Hai đứa bây chuyến này ra bám lộ cho Trung đoàn hành quân ngang qua nghe! Thằng Dân bên này, thằng Ngà bên kia. Năm phút nữa, không có gì thì Trung đoàn bộ sẽ qua trước. Sáu tháng nữa lính tráng của Trung đoàn sẽ qua sau !
Dân và Ngà, hai cậu cảnh vệ chúm chím cười, không nói. Năm Râu vỗ vai Ngà :
– Nè, tụi bây mà thấy có thằng nào cỡi xe đạp, xe gắn máy, hoặc đi bộ, cả đàn bà con nít cạo mủ cao su bên kia đường cũng xách súng chận lại hết.
Ngà hỏi :
– Chi vậy anh Năm ?
– Đéo quả ! Cái thằng dốt quá ! Trung đoàn hành quân qua lộ chiến lược phải giữ xe cộ lại chớ. Nó đi báo giặc thì làm sao ?
– Trời đất ! Mình chỉ có 4 ngoe. Vũ khí thì chỉ có một cây Mi Tuilles, một trường Mass và khẩu súng lục. Trung đoàn gì lực lượng có bấy nhiêu đó anh Năm ? Chơi rắn mắc kiểu này gặp xe lính nó rượt mình chạy vắt giò lên cổ đó.
Nău Râu hơi bực :
– Cái thằng khéo lo! Lâu lâu mình dọa lính Bến Súc chơi mà ! Nó mà nghe đồng bào về nói lại, có một trung đoàn quân giải phóng về đây nó hoảng vía liền. Chiến tranh cân não mà mậy ! Mầy thiệt dở ẹt. Thôi, tụi bay đi lẹ lên đi. Năm phút nữa, Ban Chỉ Huy Trung đoàn ra lộ dó ! Nhớ dồn người ta lại, bắt quay mặt vô rừng nghe !
Dân và Ngà lên đạn, súng xuống tay, miễn cưỡng bước đi. Năm Râu nheo mắt với tôi :
– Tụi tôi thỉnh thoảng qua lộ cũng chơi cái mững này hoài. Hai thằng này trước giờ chưa tham dự lần nào, coi bộ nhát quá ! Mình đi anh!
Năm Râu đi trước, tôi theo sau men lần ra lộ. Đường tráng nhựa kia rồi. Phía bên kia đường là rừng cao su từng hàng thẳng tắp. Năm Râu kéo tôi núp vào một bụi cây rau mui kín mít, rậm rạp cách đường mười thước, vạch lá nhìn ra.
Tôi nghe có tiếng xe gắn máy nổ xa xa về hướng Bến Súc. Và tôi cũng chợt nghe có tiếng con gái nói chuyện, đạp xe đạp cót két từ phía Bạch Bắp lên. Tôi nhìn dáo dác không thấy hai cậu cảnh vệ đâu cả.
Bốn cô con gái đạp xe hàng tư trờ tới. Trên ghi đông mỗi xe đều có mang những thùng sắt nhỏ. mấy cán dao lòi lên trên. Nhìn dáng dấp, kiểu cách của họ tôi hiểu ngay đó là bốn cô gái phu cạo mủ cao su của đồn điền.
Thình lình, từ sau đám cỏ ở vệ đường, Dân nhảy ra đưa tay cản lại. Khẩu Mi Tuilles quay ngang. Dân nói lớn :
– Dừng lại ! Mấy chị ngừng lại !
Bốn cô gái hoảng hốt, mặt tái xanh, ngưng cười thắng xe lại một cách hối hả, nhảy xuống đất. Bốn cô sợ sệt, giương mắt thao láo nhìn Dân. Dân khuỳnh chân ra dõng dạc, chỉ tay về phía bên kia rừng cao su:
– Mấy chị dẫn xe qua bên kia, đi sâu vô rừng cao su; quay lưng lại đường mòn, ngồi xuống không được nói chuyện. Cũng không được quay mặt nhìn lại. Trung đoàn giải phóng hành quân qua đây. Khi nào chúng tôi bảo thôi thì mới được quay mặt lại, ra đường. Ai nhúc nhích, có ý nhìn lén chúng tôi không bảo đảm an ninh đó !
Bốn cô gái ríu ríu dẫn xe đạp đi. Chiếc Mobylette từ hướng Bến Súc cũng vừa đến và dừng lại. Dân lập lại câu nói trên. Người cỡi xe là một đàn ông ngoài bốn mươi, ăn mặc chững chạc, mang giày, tuân theo lệnh của Dân.
Hơn ba phút sau, đường im phăng phắc. Dân quay đầu vào, nói lớn lên :
– Báo cáo thủ trưởng, đường đã dọn dẹp xong !
Ngưng lại một chút, Dân nhìn xuôi ngược, đoạn đưa tay che miệng làm loa, nói nho nhỏ vừa đủ nghe :
– Ra lẹ đi, anh Năm ! Thằng Ngà bên kia nó dẫn họ ngồi xuống hết rồi. Lẹ đi!
Năm Râu cười nụ, kéo tay tôi chạy lúp xúp ra đường rồi băng ngang qua đường mòn phía bên kia. Vườn cao su trống hoang, không có lấy một bụi cỏ, thẳng tắp, sâu mãi vào trong kia. Tôi thoáng nghĩ, trống quá, kiểu này có xe chạy tới không làm sao thoát kịp và tìm ra chỗ núp.
Tôi vừa chạy vừa nghĩ vậy thì Dân từ phía bên kia đường la toáng lên :
– Chết cha ! Xe lính ! Chạy mau lên đi, anh Năm ơi !
Năm Râu bứt tôi thực nhauh, vọt lên trước. Tôi điếng cả hồn vía, chân như muốn ríu lại, hấp tấp chạy thục mạng theo sau. Tiếng động cơ xe nhà binh rõ dần và… tạch tạch tạch…
Nhiều loạt súng máy nổ liên hồi, nhiều tiếng la hét ngoài lộ, phía sau lưng tôi. Tiếng đạn xé gió rít lên chung quanh lẫn với tiếng cành cây cao su gẫy đổ trước mặt. Chân tôi như rũ ra. Tôi té nhủi. Nẩy đom đóm mắt. Lại lồm cồm đứng dậy, cắm đầu chạy vắt giò lên cổ theo Năm Râu.
Thú thực, lúc đó tôi không hiểu tôi ra sao nữa, ngoài việc cắm cổ chạy như một cái máy, hết còn biết ngoại cảnh chung quanh ra sao ? Cho đến lúc gặp Năm Râu ngồi bệt xuống đường mòn, mở áo phanh ngực lấy nón quạt phành phạch nhe răng cười, chờ tôi, thì tôi thấy hai chân tôi như rời ra rồi khuỵu xuống ngồi phịch kế bên.
Một cơn mệt dường như không còn thở kịp đến với tôi. Thấy vậy, Năm Râu quay nón, quạt cho tôi. thở hổn hển nói :
– Dở… quá vậy ông !
Tôi mở miệng nhưng nói không ra tiếng, chỉ biết lắc đầu, thở dốc. Tôi thấy oán trách anh ta, giận anh ta vô kể. Cái đòn «chiến tranh cân não» của anh ta đã hại tôi suýt mất mạng và mệt đến thế này, vậy mà anh ta còn chê tôi dở , có ức cho chưa ?
Năm Râu thở phì phì, nói tiếp :
– Chút xíu nữa… «qua phần» rồi! Đạn đi chéo chéo bên tai… đéo quả ! Mất cái mặt hết sức !
Cơn mệt của tôi đã dịu đi nhiều. Đầu óc cũng đã tỉnh táo, hoàn hồn lại. Tôi sờ soạng chung quanh. Súng vẫn còn nổ từng loạt ngắn xa xa.
À, thì ra tôi đã chạy ra khỏi rừng cao su hồi nào mà tôi không biết. Chỗ tôi và Năm Râu đang ngồi đây là đường mòn giữa rừng cây tạp rậm rạp, mấy con sóc bông đang đuổi nhau trên ngọn cây trước mặt kêu chí chóe.
Cũng may, tôi không bị thương hay xây xát gì… Bỗng tôi phát giác ra rằng cổ tôi sao nghe nhẹ. Thôi, cái ruột tượng đựng mười ngày gạo rơi mất tự bao giờ rồi.
Tôi nói với Năm Râu :
– Cái ruột tượng của tôi rớt mất rồi anh Năm !
Năm Râu cười:
– Kệ nó ! Đến Long Nguyên kiếm cái khác!
Chợt có tiếng chân chạy thình thịch ngày càng rõ từ phía đường vọng vào. Tôi và Năm Râu giật mình, cùng nhổm người dậy. Nhưng nhờ có tiếng gọi «anh Năm ơi ! Anh Năm» nên chúng tôi yên tâm, biết đó là cậu bảo vệ của mình cũng vừa thoát chết.
Thực là một phen hú vía ! Cả bốn chúng tôi đều chạy thoát chỉ có đồ đạc bị rớt mất, phải để cho hai cậu bảo vệ lộn đi lộn lại nhiều lần tìm kiếm. Chính vì vậy, mãi đến 10 giờ đêm chúng tôi mới đến Long Nguyên thay vì 4 giờ chiều như đã định.
Xem chừng Năm Râu cũng ngán qua lần chết hụt đó và băn khoăn sợ chúng tôi về căn cứ báo cáo lại, tất anh ta sẽ bị kiểm thảo, cứ theo năn nỉ tôi và hai cậu bảo vệ, yêu cầu đừng nói lại nguyên cớ chuyện đã xảy ra.
Nghỉ tại Long Nguyên một đêm. Chiều lại, chúng tôi tiếp tục lên đường đi về đồn điền cao su Bầu Bàng qua lộ 13 đến Phú Giáo. Chúng tôi nằm lại ở Phú Giáo hai hôm rồi vượt Dinh Điền I, Dinh Điền II qua lộ 16 đi về sông Bé.
Ngày thứ sáu, chúng tôi đến sông Rạc, con sông mà công binh khu A phải bắc cầu bằng mây, treo lơ lửng giữa hai tàng cây rậm rap ở hai bên sông. Phía dưới, nước chảy qua mấy gộp đá ào ào như thác đổ. Đi trên cầu, cầu đong đưa như đưa võng, không cẩn thận rơi tõm xuống những gộp đá mất mạng như chơi.
Mấy anh lính bảo vệ cho biết con sông này chảy từ tỉnh ly Phước Thành đổ về. Nghĩa là từ đây là rừng sâu khu A, bóng cả cây già, lính Quốc Gia chưa bao giờ đi tới. Giang san này là của thú dữ, của «ông bà rừng» đối với đồng bào Thượng.
Tôi ngước mắt nhìn quanh. Những cây dầu, cây bằng lăng, cây gõ, vên vên và những giống cây khác mà tôi không biết tên, to hàng ba bốn người ôm, đứng thẳng, song song tựa những chiếc đũa khổng lồ đâm lên cao vút, ba bốn mươi thước. Tàng cây rậm, cành lá đan vào nhau che mất ánh sáng mặt trời. Tôi nghĩ đến những trại cưa máy, những nhà khai thác lâm sản, tính giá ba nghìn đồng một thước khối thì cây rừng ở đây quả thực là vô giá. Những súc gỗ được kéo về Sàigòn chỉ là những cây con, không nghĩa lý gì đối với những cây chung quanh nơi tôi đang đứng. Chỉ cần khai thác một mẫu rừng ở đây, người ta kiếm hàng triệu như chơi.
Đến suối Bé, chúng tôi dừng lại nghỉ, nấu bữa cơm chiều. Tôi và Năm Râu, kẻ thì đi vo gạo nhóm bếp, kẻ đi hái rau rừng. Hai cậu bảo vệ thì theo lệnh Năm Râu, khi đến gần suối Bé đã tách vào rừng săn giộc «ưu điểm» một bữa, bồi dưỡng lấy sức sau những ngày mệt nhọc đường xa.
Tôi kê đá, nấu chín nồi cơm. Có đến hơn hai tiếng đồng hồ sau hai cậu bảo vệ mang về một con giộc to, nặng chừng mười ký. Giộc là một loại khỉ to con, lông dài màu xám tro. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi tưởng chừng đó là một đứa trẻ con, có đôi tay rất dài, cái mặt xanh dờn trông đến dễ sợ, chiếc đuôi dài lê thê, lông lại trắng toát như bông.
Hai cậu bảo vệ đem lột da xong, đốt lửa thui lại. Thế là chúng tôi được một bữa cháo giộc và thịt giộc nướng chấm muối. Cái mùi giộc hơi hăng hăng, thịt vẫn ngọt vô cùng..
Trời đã tối hẳn. Năm Râu lấy chiếc đèn chai mang bên hông ra đốt để phụ họa với lửa bếp bập bùng. Bỗng Năm Râu nói to lên :
– Ê, máy bay nghe tụi bây !
– Còn xa mà ! – Một cậu bảo vệ nói.
Tôi nghe có tiếng động cơ rì rì của phi cơ từ xa vọng lại.
Tôi thắc mắc không hiểu, ban đêm ban hôm phi cơ có ảnh hưởng gì quan trọng đến chúng tôi đâu? Tiếng phi cơ càng ngày càng rõ. Qua kinh nghiệm, tôi phân biệt được đó là loại phi cơ vận tải thông thường.
Tức khắc Năm Râu thổi phụt, tắt đèn. Hai cậu cảnh vệ hấp tấp kéo củi ở bếp lửa ra, tạt nước xèo xèo, bếp lửa tắt ngóm. Chung quanh tôi tối đen như mực.
Năm Râu chửi đổng một câu :
– Đéo quả ! Mấy chiếc máy bay chó chết này hoạt động tích cực dữ ta ! Ban ngày chưa đã, còn bay đêm, bộ thèm thịt giộc lắm sao chớ ! Phá hoại không cho ông ăn hả?
Tôi tò mò muốn biết :
– Nó bay thì kệ nó. Dakota mà ! Đâu phải khu trục hay chuồn chuồn (tức LI9) mà mình sợ nó phát hiện anh Năm?
– Vậy là anh thiếu ý thức cảnh giác rồi ! Máy bay nào không là máy bay của địch. Dakota tuy nó không oanh kích nhưng nó cũng thấy được ánh lửa. Nhất là ở giữa rừng, đồng bào, nhân dân làm gì có, vậy chỉ có giải phóng quân thôi. Thế nào thằng phi công Dakota cũng báo cho thằng phi cơ khu trục. Nó mà báo thì mình «lãnh đủ» rồi.
Tôi lặng thinh. Điều anh ta nói cũng có lý thật. Anh ta nói thêm :
– Cái này đã trở thành kỹ luật, thành nguyên tắc của Đảng đề ra cho bộ đội. Ờ rừng ban ngày thì cấm khói. Ban đêm thì cấm lửa. Nấu cơm anh phải kiếm củi khô, nhóm củi vào bếp phải có kỹ thuật, làm sao cho lửa cháy nhiều, cháy tốt không có khói bay lên ngọn cây. Củi ướt anh phải xông cho khô, không bảo đảm được khói thì không được phép nấu, đói thì ráng chịu. Chớ nấu cơm mà không được ăn cơm lại bị ăn bom ăn đạn, chết còn bị đào mả lên kiểm thảo cảnh cáo nữa đó!
– Vậy ở căn cứ vào mùa mưa làm sao nấu ?
– Lò Hoàng Cầm! Đơn vị nào cũng vậy, đi đến đâu phải đào lò Hoàng Cầm đến đó.
Để cho hiểu về cái gọi là lò Hoàng Cầm, Năm Râu giải thích cho tôi nghe đến sùi cả bọt mép, quên đốt đèn dù tiếng phi cơ đã tắt mất từ lâu.
Theo Năm Râu nói, lò Hoàng Cầm là một kiểu lò đào dưới đất, do sáng kiến của một chiến sĩ anh nuôi (lính hoả đầu quân !) tên Hoàng Cầm, phát minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì ở chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội, dân công tham dự hơn trăm ngàn người. Ngày ba bữa vẫn phải nấu cơm ăn, tập trung ở khu vực chung quanh nên phi cơ Pháp phát hiện rất dễ nhờ khói. Do đó nhiều bộ phận bị phi cơ oanh tạc thiệt hại nặng. Anh nuôi Hoàng Cầm, phải lo nấu cơm suốt ngày để cung cấp cho đơn vị nằm ngoài chiến tuyến, nguy cơ bị phi cơ Pháp tiêu diệt nặng nề hơn ai hết nên đã tự chế tạo cho mình một kiểu lò không khói.
Kiểu lò này giống như những lò đắp nổi trên mặt đất, nhưng khác ở chỗ đào sâu xuống đất, khoét đất tạo thành căn hầm trước miệng lò, cũng như miệng lò v.v… làm cho chảo, nồi nắm thấp hơn mặt đất. Phía trong cùng của lò, lỗ thông hơi to bằng cổ chân theo chiều dốc, giáp những đường hầm dẫn khói. Mỗi đường dẫn khói dài chừng ba thước, chếch lên hướng mặt đất. Cuối đường dẫn khói là một cái hầm rỗng chứa khói, vừa sâu vừa rộng. Hầm khói đó là hầm một, được đào nối tiếp với hầm chứa thứ hai cách đó vài thước. Từ hầm chứa khói thứ hai, lại có một đường hầm khác rộng vài tấc chạy dài sâu vào rừng chừng năm đến mười thước. Cuối đường hầm là một lỗ khói xông lên, to bằng bắp tay.
Nhờ khói đi chu du trong lòng đất, qua hầm hố, qua những đường hầm, vốn đã ẩm ướt nên khi khói đến lỗ thông hơi đã bị hóa giải gần hết. Nếu còn, khói trở thành một thứ hơi nước nặng nề, trắng đục bay là là sát mặt đất, chỉ cần một làn gió nhẹ đưa qua, khói đó tan biến ngay, không để lại một vết tích nào. Như vậy, nấu cơm bằng kiểu lò đó, củi khô củi ướt gì chụm cũng cháy ráo trọi và «còn khuya» phi cơ trinh sát mới tìm thấy vết tích của khói vương trên ngọn cây rừng.
Kiểu lò này do Hoàng Cầm sáng chế, nên tên Hoàng Cầm được đặt cho tên lò. Và nhờ tác dụng tốt của nó, tác giả được Đảng phong cho chức anh hùng quân đội.
Và cũng từ đó, lò Hoàng Cầm trở thành duy nhất, bắt buộc các đơn vị quân đội sống ở núi rừng, nhất là ở chiến trường Lào và Nam Việt Nam.
Sau một đêm ngủ ở suối Bé, sáng dậy chúng tôi cuốn nylon, cuốn võng, đi một mạch đến trưa thì vượt qua lộ Đồng Xoài – Mã Đà và chiều tối thì về đến B2 tức Ban Chính Trị của U.50.
Khi vượt qua hàng rào chiến đấu thứ hai bằng dây xanh, gặp một cánh cổng bằng cây, mở hé, chận ngay lối mòn, vừa đủ một người lách qua. Chung quanh cổng và dọc theo đường đi, rải rác những hố chông trần chưa lấp.
Năm Râu nói với tôi :
– Đến nơi rồi đó, anh Hùng!
Tôi hỏi lại:
– Đến U.50 đơn vị mình đó hả anh Năm?
– Không phải đâu ! U.50 là một bộ phận lớn, là Đảng ủy khu A, quản lý cả vùng Đông Bắc chiến khu D cũ, từ đường quốc lộ 13 đến sông Đồng Nai Thượng. Đây chỉ là một bộ phận trực thuộc của U.50. Tên thông thường gọi là B2, tức Ban Chính Trị của Khu A đó.
– A! – Tôi khẽ thốt lên.
Tôi chợt nghe tiếng cười vang. Qua khúc quanh đầu lối mòn hiện lên bốn căn nhà lá và những cái sân rộng sạch sẽ, dưới những tàng cây dầu kín mít. Hầu như gian nhà nào cũng không phên vách, giống như những cái chòi ruộng ở làng tôi.
Năm Râu dẫn tôi vượt qua hai gian nhà đầu đến gian nhà thứ ba :
– Nhà này, chỗ anh Ba Biếu với anh Bảy Cảnh ở đây!
Tôi ngơ ngác chưa hiểu thì Năm Râu thì thầm nói tiếp :
– Anh Ba Biếu, thủ trưởng B2, anh Bảy Cảnh là phó thủ trưởng.
Lần đầu tiên, nghe danh từ thủ trưởng, rất lạ tai, nhưng tôi cũng kịp hiểu rằng thủ trưởng là người chỉ huy, người đứng đầu của một cơ quan, một đơn vị. Tôi nhìn vào nhà. Giữa nhà là một cái bàn dài, phía trên để một cái phích chứa nước sôi, kế bên là hộp trà và ba bốn lon sữa guigoz đã bóc giấy. Hai người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, một người mập phì, trắng trẻo mặc đồ bà ba đen, một người gầy ốm, đen đúa, măc quân phục cũng đen, đang ngồi đối diện nhau trước bộ bình trà, đăm đăm nhìn tôi và Năm Râu đang bước qua giữa sân nhà.
Người đàn ông, đen đúa, gầy ốm, nhe chiếc răng vàng ra cười:
– Chà ! Cậu từ Lộc Thuận mới về đó hả? Có phải cậu đưa đồng chí Vũ Hùng đến đấy không ?
Năm Râu lột nón vải xuống, bước qua thềm :
– Dạ, mới về tới, anh Bảy! Dạ báo cáo anh Ba với anh Bảy, đây là đồng chí Vũ Hùng đấy ạ !
Đúng người vừa hỏi Năm Râu là Bảy Cảnh, phó thủ trưởng, đứng dậy tiến ra bắt tay vồn vã, cười toét miệng đến mang tai :
– Mạnh giỏi đồng chí Hùng ? Đi đường xa chắc đồng chí mệt dữ lắm? .
Ba Biếu người mập mạp, trắng trẻo – cũng đứng dậy – đưa cái bụng phệ nhô về phía trước, ti hí mắt, cười vui vẻ không kém. Anh ta thay vì bắt tay, đưa hai bàn tay hộ pháp vồ lấy hai vai tôi như một người bạn rất thân lâu ngày mới được gặp nhau :
– Dữ ác ! Tới bữa nay mới được gặp anh ! Tụi tui chờ anh đến sốt ruột mấy bữa rồi. Lo sợ không biết anh đi dọc đường có được bình yên không ? Ngồi uống nước trà một chút cho ráo mồ hôi rồi tôi đưa anh ra suối tắm. Năm ! Ngồi uống nước cậu, rồi xuống bếp điều động chị nuôi đãi đằng khách khứa với chớ !
Giữa hai câu hỏi của hai người cùng một lúc, tôi không biết trả lời thế nào. Tôi vừa lột bồng để xuống ghé ngồi, vừa lúng túng :
– Dạ… cảm ơn hai anh ! Tôi đi đường vẫn bình yên, vui vẻ ạ! Dạ, cũng không… mệt gì lắm.
Ba Biếu đẩy cốc về phía tối, nghiêng bình rót một cốc nước trà đầy, bốc khói, đen như nước cau ngâm :
– Mời anh !
Tôi nâng cốc, và trả lời một thôi dài những câu hỏi về đủ mọi thứ chuyện.
Gọi là để chào mừng tôi, «chào mừng môt trí thức cách mạng», Ba Biếu ra lệnh cho chị nuôi làm gà nấu cháo, «chiêu đãi người xa». Trong khi gà la oang oác, dẫy chết ở nhà bếp, thì Ba Biếu cũng đang loay hoay pha mấy cốc cà phê sữa, lấy bánh bích quy, kẹo bày ra bàn để đãi tôi.
Cái chính sách chiếu cố, đãi ngộ này là một hình thức công tác chính trị hữu hiệu nhất, động viên phấn khởi tốt nhất. So với các cán bộ cấp dưới, dọc trên đường đi, việc đối xử với tôi quả là một sự khác biệt quá xa. Nhưng cái hình thức này càng làm cho tôi sợ hơn.
Tôi đã quen, đã hiểu quá rõ cái hình thức này rồi. Cái hình thức «buổi ban đầu lưu luyến ấy…», để rồi mấy hôm sau chỉ còn là một dư hưởng nhiều cay đắng mà thôi. Chính trong lòng tôi, tôi không biết nên buồn hay nên vui đây ?
Sau những phút «tao ngộ» qua chén trà, cốc cà phê sữa, bánh ngọt, Ba Biếu đưa tôi ra suối tắm giặt. Lúc trở vào nhà, trời đã nhá nhem tối. Đèn được đốt sáng tự bao giờ. Ba Biếu đang nằm dài trên chiếc chõng tre nghe đài BBC nói vang vang, vội nhổm dậy vặn nhỏ chiếc radio Phillip lại :
– Anh thấy thực khỏe khoắn chưa anh ?
Tôi đáp :
– Dạ, khỏe nhiều rồi anh !
– Có trên hai mươi năm rồi… tôi xa Sàigòn. Bây giờ chắc thay đổi dữ lắm ! Tối nay, thế nào cũng phải yêu cầu anh kể chuyện Sàigòn nghe cho «no» một bữa !
– Nếu anh xa lâu đến như vậy thì anh khó mà tưởng tượng đươc sự thay đổi đến mức độ nào!
– Chắc chắn là vậy rồi. Ngày tôi xa Sàigòn, ở đường xe lửa giữa, anh biết chớ? Đường Galliéni cái khoảng từ Nancy vô khỏi nhà thờ Chợ Quán nhiều khu đất hãy còn bỏ hoang, đường Hai Mươi toàn là ruộng..
– Đấy, bây giờ đường Galliéni, quãng anh nói đó, building, cao ốc, phố lầu năm bảy tầng. Nhà cửa phố xá, san sát. Đường Hai Mươi cũng vậy, chính trên những miếng ruộng, trên vũng rau muống đó bây giờ là những dãy phố lầu, những nhà bê-tông cốt sắt, đường ngang, ngõ dọc, không làm sao tìm ra một chỗ nào trống để cất thêm một căn nhà.
– Bây giờ tôi về Sàigòn chắc thể nào cũng bị lạc thôi.. Hôm anh đến Phòng Tuyển mộ I4, các đồng chí ở đó đánh điện báo cáo về Khu B trường hợp của anh. Ở bên đó, Rờ (R) lại đánh điện chỉ thị cho chúng tôi đón anh về. Vì vậy khi anh còn ở Lộc Thuận chúng tôi đã nôn nao chờ anh rồi. Chính tôi đến đằng B1 bảo bộ phận điện đài, điện xuống ngay cho đoàn tiếp nhận tân binh của U.50 hay liền, chỉ thị cho đồng chí Năm Râu đưa anh về đây gấp.
Tôi thấy cần phải khách sáo một câu trả lễ :
– Cám ơn anh đã quan tâm đến ! Tôi thì có đáng gì đâu để anh phải cực lòng như vậy. Bất quá, tôi chỉ là một lính mới, đi sau, còn phải cố gắng nhiều…
Ba Biếu cười:
– Anh cảm ơn, tôi ngại quá! Thôi ! Bỏ chuyện đó đi anh ! Anh em, đồng chí với nhau cả mà! Bổn phận, nhiệm vụ của mình được Đảng giao cho mình phải lo cho tròn, cho tốt, có gì đâu. Bây giờ, mời anh đi qua nhà ăn, mình nhậu lai rai được rồi đó. Cháo gà nhậu rượu đế thì tuyệt, chỉ tiếc thiếu cái món rau răm. Đi anh !
Ba Biếu nhảy xuống đất, bấm đèn pile soi lối bước ra. Tôi không biết uống rượu, nhưng vì «nể» tình nhau, không tiện từ chối nên trong bữa tiệc tôi cũng uống hết một ly rượu hồi «Anis». Nhờ thế, đêm đến tôi ngủ được một giấc ngon lành.
Sáng ra tôi dậy muộn, trong khi mọi người đã thức giấc từ lâu, đang sửa soạn ăn cơm sáng. Tôi xuống suối súc miệng, trở lên ngang qua nhà ăn tôi thấy trên mỗi bàn làm bằng tre, chôn chân sâu dưới đất để một thau khoai mì luộc. Tôi không hiểu khoai mì đâu thế này nhỉ ? Trên đường đi từ lộ 13 về đến đây, tôi chưa hề thấy một rẫy khoai mì nào. Chà ! Giữa rừng sáng sáng có khoai mì luộc ăn chơi thế này, sang thực !
Tôi đụng đầu Ba Biếu đang xách ca, muỗng giữa đường xuống nhà ăn. Thủ trưởng Ba Biếu nhoẻn miệng cười :
– Xong rồi anh xách ca, muỗng xuống đây mình ăn sáng nhe anh !
Tôi cũng cười đáp lễ, dạ một tiếng :
– Dạ ! Tôi xuống ngay. Xin các anh cứ dùng trước đi!
Tôi quay trở lại nhà ăn thì anh chị em trong Ban Chính Trị, tức B2 của U.50 non hai mươi người đã tề tựu. Mọi người xầm xì to nhỏ đưa mắt nhìn tôi. Người ta, anh chị em chắc đang bình phẩm, nói chuyện về tôi đó ! Tôi là bộ mặt mới, lính mới đến đây, đến hôm qua, giờ anh chị em mới dược biết, nhìn rõ mặt, trách sao người ta không đổ dồn mắt, xầm xì về mình.
Bước vào nhà ăn trước đông người, tôi thấy lúng túng thật sự. Tôi khẽ cúi đầu chào mọi người. Ba Biếu, Bảy Cảnh, Tám Chi và Năm Râu đang ngồi quanh một bàn giữa nhà ăn cũng đang mỉm cười nhìn tôi. Năm Râu đưa tay ra hiệu cho tôi lại ngồi chung. Ba Biếu đứng dậy nhìn mọi người, lên tiếng:
– Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là đồng chí Vũ Hùng vừa ở Saigòn ra tham gia cách mạng với chúng ta. Đồng chí Vũ Hùng là môt trí thức và cũng là một cán bộ cũ của cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống Pháp. Kể từ hôm nay đồng chí sẽ công tác chung với chúng ta ở B2 này trong khi chờ đợi Cục Chính Trị R xác định cấp bậc và vị trí công tác mới.
Tiếng vỗ tay lẹt đẹt nổi lên. Ba Biếu nhìn tôi nói tiếp :
– Trước lạ sau quen. Toàn là anh em đồng chí với nhau cả, thủng thẳng rồi anh sẽ biết hết, quen hết tên, tuổi, công việc của anh chị em ở đây. Thay mặt cho tập thể B2, chúng tôi rất hoan nghênh và vui mừng được anh đến công tác.
Tôi càng lúng túng, không biết nên làm gì cho thích hợp, đành phải nói lí nhí trong cổ họng :
– Xin cảm ơn anh ! Cảm ơn các đồng chí tập thể có lòng nghĩ đến tôi.
Ba Biếu kéo tay ngồi xuống bàn ăn, đối diện :
– Có gì mà cảm ơn, anh ! Khách khứa gì !
Tôi ngồi xuống. Trên bàn ăn, ngoài thau mì luộc còn có một dĩa nhôm thịt kho mặn và một dĩa nước mắm mỡ nổi màng màng.
Ba Biếu nói:
– Bữa ăn sáng của mình thế đấy. Khoai mì luộc, thịt nai kho mặn và nước mắm.
Tôi phát biểu một câu :
– Vậy là sang quá rồi anh Ba! Ở thành thị, khó kiếm được miếng ăn lạ miệng, ngon như thế này.
– Đấy ! Bữa ăn đầu tiên, anh thấy đây là món ăn lạ miệng, ngon lành, món ăn sang nhưng được vài hôm thì nhất định anh không còn giữ ý kiến này nữa đâu. Như tụi tôi người nào cũng ngán đến tận cổ.
Tôi tò mò, muốn biết sinh hoạt ăn uống ở đây.
– Sáng nào mình cũng ăn vầy à? Anh Ba!
– Lúc vầy lúc khác. Trước đây có mua gạo, tải gạo từ đồng bằng về dễ dàng thì sáng ăn cơm phải độn khoai. Bắt đầu từ tháng mười một năm ngoái đến nay thì khẩu phần gạo không được cấp phát nữa, phải ăn khoai mì thay gạo. Tuy vậy, ở trên vẫn hạn chế, ăn khoai mì cũng có khẩu phần. Một người một ngày là 2 ký, không được ăn quá số đó. Xui xẻo cho anh là anh đến khu A nhằm lúc này, mức chịu đựng gian khổ khó khăn lên đến đỉnh cao…
Bảy Cảnh ngồi bên tôi, chen vào :
– Như vậy phải có tinh thần hy sinh, chiu đựng gian khổ mới kham nổi, mới làm cách mạng được phải không anh Hùng ? Mà chịu đựng gian khổ, hy sinh, trải qua những thử thách, khó khăn, chiến sĩ cách mạng mới thấy vinh quang hơn bao giờ hết. Trước khi bước chân vào cách mạng chắc anh Hùng cũng rõ điều này chớ ?
Tôi thấy khó chịu trong lòng, nhất là phải ngồi nghe cái lý luận quá cổ điển đó. Lý luận chính trị tôi vốn không ưa nó lâu rồi. Nhưng giờ Bảy Cảnh hỏi, tôi đành phải vui vẻ trả lời:
– Thưa anh, tôi hiểu và tôi còn chuẩn bị tư tưởng chịu gian khổ hơn vầy nữa kia. Như thế này hãy còn là quá sướng. Có gì đáng gọi là gian khổ đâu ! Nếu sợ khó, sợ khổ thì tôi đã không vào đây.
Mọi người đều vui vẻ, tán thưởng lời tôi nói. Năm Râu hỏi tôi :
– Thịt nai ông ăn thấy thế nào ?
– Ngon, anh ! Khác gì thịt trâu, thịt bò!
– Vậy chớ ăn nhiều «Tào Tháo đuổi» xách quần chạy không kịp dó ! Các loài thú ở rừng chỉ có thịt bồ với thịt min là hiền nhất. Ăn nhiều bao nhiêu cũng không sao. Chớ heo rừng với nai, độc địa lắm!
Tôi hỏi:
– Thịt bồ là thịt gì anh?
– Thịt voi đó! Ơ đây ai cũng kêu là thịt bồ. Còn thịt min là thịt trâu rừng…
Nhân câu chuyện về thịt rừng, Năm Râu kể cho tôi nghe một mạch. Những thú lớn ở rừng Đông Bắc khu D săn bắn được gồm có nhiều thứ như voi, min, bò rừng, nai, heo rừng, cọp, gấu, hươu v.v… nhưng cọp, gấu thỉnh thoảng mới hạ được một con. Voi, min, bò rừng cũng khó săn hơn heo rừng với nai. Muốn bắn nai với heo rừng chỉ việc bò theo mấy rẫy khoai mì, rẫy bắp, hoa màu. Cho nên từ trước giờ, thực phẩm tươi, nai với heo rừng là món phổ thông nhất. Muốn ăn nai, heo rừng cứ vác súng lùng theo rẫy thế nào cũng bắn được.
Những trường hợp bắn được cọp hay gấu, hầu hết đều là những lúc tình cờ, do những anh em chiến sĩ đi công tác phất phơ hoặc những lúc đội đèn đi bắn cheo ban đêm, hay những lúc theo dấu một bầy heo rừng. Ở trường hợp này, người và cọp gặp nhau cùng mục đích. Cọp rình theo bầy heo để chộp, người cũng theo dấu heo để bắn. Rốt cục, cọp mê mồi, quên phía sau lưng mình còn có người và khẩu trường Nga, trường Mas hay Carbine M1.
Với voi hay min cũng vậy, tình cờ có một tổ võ trang nào đó đi cảnh giới hay công tác quanh vùng căn cứ, đột nhiên nghe tiếng càn rừng ào ào hoặc ngọn le gãy rôm rốp nom theo. Cuối cùng là súng nổ. Bắn min không khó lắm, nhưng bắn được voi là cả một vấn đề khó khăn. Súng trường bắn không nhầm chỗ, dù cho bắn đến hai mươi phát vẫn chưa hạ nổi nó. Hoặc là nó chạy mất, hoặc là bị nó rượt lại đạp cho nát thây để trả thù.
Muốn bắn hạ voi, người bắn phải nhắm đúng vào chỗ u lên, phập phồng theo hơi thở dưới mang tai. Ngoài chỗ đó ra, bắn vào đầu, vào ngực, vào bụng chỉ mất công toi lại còn có thể bị mất mạng vì nó. Nếu không bắn được chỗ u lên, thì bắn ngay vào ống chân trước, nó nhảy chồm tới, sức nặng của nó sẽ làm gãy ống chân, ngã quỹ xuống không tài nào đứng lên được. Sau đó sẽ tìm cách hạ cho nó chết sau.
Voi ở đây thuộc loại voi khổng lồ, đi ăn từng đàn nhỏ từ ba đến năm con. Sức nặng của mỗi con ước định có đến tám ngàn ký. Khi nó ngã xuống rồi, nó vẫn cao hơn đầu người ba bốn tấc. Người đứng bên này khoông làm sao thấy được người đứng bên kia. ·
Từ 1963 trở về trước, tại khu A, anh em cũng đã hạ hơn một chục rồi. Nhưng chưa lần nào lấy hết thịt của nó mang về. Vì rằng U.50 có đến mấy chục đại đội, trung đội trực thuộc những rừng núi khu A rộng mênh mông, có nhiều đơn vị cách nhau phải đến ba ngày đường rừng, việc thông báo nhau đến chia thịt là chuyện không thể thông báo được. Dù có cho hay, khi đến nơi, thịt cũng đã thúi từ mấy ngày trước. Việc thông báo nhau biết đến xẻ thịt mang về ăn chỉ vài đơn vị chung quanh.
Huống hồ việc tải thịt từ chỗ voi bị hạ về đến đơn vị, vừa đi vừa về ít ra cũng phải tròn 1 ngày đường. Và việc tải thịt khó khăn hơn tải bất cứ một thứ gì khác. Thịt cho vào bồng, mềm nhũn, đong đưa, khi mang trên lưng làm cho người mang đi đứng khó khăn hết sức.
Mỗi người mang nhiều lắm chỉ hai mươi kí thịt là cùng. Nhưng thịt một con voi xẻ ra có đến trên hai ngàn kí. Đơn vị nào có đủ người để đi tải từng ấy thịt ? Đơn vị nào có đủ người để ăn, tiêu thụ hết số thịt đó trong vòng hai ba ngày ?
Để lâu thì bằng cách nào ? Nồi niêu, thau, chậu đâu để chứa ? Muối, làm mắm không có gì đựng. Phơi khô, rừng không có nắng, quần áo giặt phơi hai ba ngày còn chưa khô huống gì phơi thịt voi ?
Vì những lý do kể trên, trong những lần bắn voi vừa qua, lần nào cũng để thịt thúi om rừng. Chuyện đó thấu đến tai Năm Quốc Đăng, Thủ trưởng của U.50. Đăng ra lệnh cấm bắn vì như vậy là phí phạm thịt rừng, còn làm mất vệ sinh khu căn cứ…
Năm Quốc Đăng ra lệnh trên, khu A không ai còn bắn voi lấy thịt nữa. Cho đến khi Hai Cà về thay Quốc Đăng làm thủ trưởng U.50, còn gắt gao hơn. Thường ngày, để cải thiện sinh hoạt, mỗi đơn vị đều nhắm vào việc săn giộc, săn heo rừng, nai, bắn mển, bắn cheo và những loài thú nhỏ.
Tôi vừa ăn vừa say mê theo chuyện săn thú rừng của Năm Râu. Bữa ăn lạ miệng, ngon sao là ngon. Khi Năm Râu ngừng nói thì mọi người chung quanh họ đã ăn xong, đi tứ tán tự bao giờ. Bàn tôi, Tám Chi, Bảy Cảnh cũng xách ca đi mất, chỉ còn lại tôi, Năm Râu và Ba Biếu.
Ba Biếu ngồi đối diện với tôi, nhai một cách uể oải mấy mẫu khoai mì nhỏ, theo kiểu cầm khách :
– Anh ăn coi bộ ngon thiệt ! Nhưng chắc chỉ đến mai là cùng. Anh nuốt không vô cho coi.
Tôi cười và hỏi lại :
– Khoai mì này mình trồng ở đây hả anh ?
– Gần đây, chung quanh đây thôi ! Anh cũng nên rõ U.50 của mình là một đơn vị hậu cần của Cục Hậu Cần, quản lý vùng khu A.
Cho nên công tác chính của U.50 là công tác Hậu Cần, cung cấp lương thực, thực phẩm, quân nhu, quân trang cũng như quân y, thuốc men cho quân chủ lực R. Ngoài những nhiệm vụ đó, U.50 còn mười mấy đơn vị trực thuộc chuyên phá rừng, trồng rẫy để sản xuất bắp, lúa, khoai mì. Chủ yếu là khoai mì. Nó được xem là thực phẩm dự trữ chiến lược, để bao lâu cũng không hư.
– Như vậy, mình ở đây hoàn toàn lấy khoai mì ăn thay gạo hả anh Ba ?
– Từ trước đến nay vẫn ăn gạo đấy chớ! Nhưng mới đây phải ăn khoai mì thay gạo vì cơ sở thu mua của mình ở Bình Mỹ – Vĩnh Tân bị địch phá vỡ, con đường vận chuyển của bộ phận vận tải xe cam nhông cũng bị địch chiếm đóng, án ngữ chận ngang trên đường đi. Trong tạm thời, Khu A mình đây bị phong tỏa, cắt đứt đường tiếp tế lúa gạo thực phẩm. Bây giờ còn một số gạo dự trữ khá lớn nhưng vẫn phải dự trữ… đâu dám xử dụng trước khi cơ sở thu mua của mình hoạt động lại bình thường. Chỉ có các thương bệnh binh tại ba bệnh viện G1, G2, G3 hoặc tại quân y của các đơn vị trực thuộc mới được cấp phát với tiêu chuẩn hạn chế là 10 lít một tháng. Tức là mỗi người một ngày được một lon sữa bò gạo. Còn tất cả chúng ta đều phải ăn khoai mì thay cho gạo. Trong khi đó, nếu đơn vị nào có khả năng tự mua lấy gạo được thì cứ lo. Tài Vụ sẽ thanh toán theo tiêu chuẩn.
Nghe Ba Biếu nói tôi tính nhẩm có lẽ quân số của riêng U.50 thôi cũng đã trên hai nghìn người. Chưa kể quân số của những bộ phận, đơn vị khác. U.50 mỗi ngày tiêu thụ ít ra cũng trên bốn ngàn kí khoai mì. Quả là một số lượng đáng kể, làm sao có thể cung cấp được trong nhiều tháng ? Tôi tò mò hỏi :
– Nhưng nếu tình trạng ăn khoai mì kéo dài trong nhiều tháng khoai mì đâu đủ…
– Kể cũng đáng ngại tlực. Tôi đang lo sốt vó đây!
Ba Biếu nhìn xuống bàn như mơ màng đến một hình ảnh xa vời nào đó, tay cầm chiếc muỗng «i-nốc» lơ đãng gõ nhẹ đều vào miệng dĩa kêu leng keng :
– Toàn khu A mình hiện giờ trồng được khoảng trên dưới ngàn mẫu khoai mì. Khổ nỗi, gần phân nửa là khoai mì non chưa ăn được. Số ăn được cũng phải để dự trữ ba trăm mẫu. Cấm xử dụng. dành cho mấy trung đoàn thực binh từ miền Bắc vào, có lẽ nay mai gì sẽ đến khu A.
Hơn tháng qua, số rẫy khoai mì được phép xử dụng, có đơn vị họ đã nhổ sạch cả rồi. Họ vừa báo cáo cho tôi biết và xin cấp thêm rẫy mới. Biết làm thế nào ?… Thôi ! Ta đi rửa ca rồi về nhà uống trà anh !
Ba Biếu đứng dậy. Tôi và Năm Râu đứng lên theo đi xuống suối. Nhà bếp cất trên gò đất cao. Suối nằm bên dưới cách chừng hai mươi thước. Đường đi xuống suối mòn lẳng, giữa những cây dầu, và nhiều cây khác gốc to đến mấy người ôm, cao vút che kín ánh nắng mặt trời. Dọc theo suối những bụi mây nước, cây to bằng cổ tay, lá um tùm, gai lởm chởm, bò quấn theo mấy cành cây trên cao.
Đêm qua, tối mò, lúc tắm không thấy được gì. Hôm nay nhìn rõ, hình ảnh trước mắt gợi cho tôi một cái gì hoang dã, rừng rợn lạnh, ngăn cách hẳn với đời sống con người bình thường. Đời sống ở đây chỉ có rừng và rừng, sống không ai biết, chết chẳng ai hay.
Lòng suối cạn, trong vắt. Nó lên đến tận gối, chảy nhanh. Đá suối toàn đá cuội, đá đỏ lớp lớp nằm chồng lên nhau. Tôi xắn quần cao, đứng giữa dòng nước chao mạnh dĩa. Dĩa nhôm dính đầy mỡ lầy nhầy. Không có xà-bông tôi càng kỳ cọ, nó càng dây thêm ra tay.
Năm Râu thấy vậy, liệng cho tôi cục xà-bông nhỏ :
– Bắt ông ! Xà-bông nè ! Sau này, khi nào kẹt không có xà-bông, rút kinh nghiệm tụi tôi, ông ngắt máy cái lá dầu non chùi dĩa. Khá lắm ! Nó sạch bóng. Chắc ăn hơn nữa, ông ghé bếp xúc một dĩa tro, cái gì ông rửa nó cũng sạch.
Tôi ngượng ngùng đón nhận «kinh nghiệm» của Năm Râu. Vào buổi sáng, nước suối lạnh như ngâm nước đá, tôi rửa mặt xong, lửng thửng bước lên bờ. Chợt nhìn xuống ống chân, tôi thấy một con vắt lớn hơn cọng chân nhang đang ngo ngoe, quơ đầu tìm chỗ bám để bò lên trên. Tuy dạn dĩ không sợ gì đỉa hay vắt nhưng tôi thấy nổi gai ốc. Tôi co chân, lấy tay búng cho nó rơi giữa suối, hỏi Năm Râu :
– Ở đay coi bộ nhiều vắt quá anh Năm ! Nó mới cắn tôi nè !
Năm Râu cười :
– Đủ xài thôi ! Coi vậy chớ chưa nhằm gì đâu, ông! Tháng nắng, vắt nó không ở trên khô, nó chui xuống đất hoặc xuống mé suối ở hết nên đi dọc đường chưa gặp. Thêm nữa, trên đường đi, anh em qua lại hằng ngày, chẳng còn mấy con. Đến mùa mưa, ông sẽ biết. Nhứt là sau mấy đám mưa đầu mùa, gần như là vắt bò đặc đất. Ra đường không dám bước, vừa đi vừa chạy phóng như bay cũng vẫn bị nó đeo đen chân. Con nào con nấy có sọc lưng, nghễnh cổ như súng cao xạ. Đi đường bị nó cắn, nếu ông đứng lại bắt nó tức khắc năm sáu con khác bám ông liền, ông không tài nào gỡ kịp. Cái cảnh vắt chui vào quần, vào bụng, bò lên nách, đến cổ cắn no nóc như múi bưởi là thường. Đêm, leo lên võng ngủ, sáng ra máu chảy đỏ cổ, đỏ áo, dính võng, dính mùng không ai là không bị. Thanh niên bọn mình không nói làm gì chớ mấy chư vị nữ, mới đến Khu A chư vị nào cũng sợ xanh mặt. Có nhiều tay, đang lúc máy bay khu trục oanh tạc, bom nổ ầm ầm vậy mà không chịu nằm xuống đất, cứ leo lên mấy rễ cây tránh vắt. Sợ vắt hơn sợ máy bay mà. Ông coi chừng có ngày thế nào cũng bị con gái khu A nó ôm ông cứng ngắt, gỡ không ra cho coi !
Tôi còn như thế, trách gì mấy cô gái từ bé đến lớn chưa hề biết mặt mũi con vắt ra sao ?
Khu vực của Ban Chính Trị U.50 gồm có sáu nhà, chưa kể nhà bếp, nhà ăn.
Nhà tôi ở là nhà của Ban Chỉ Huy mà Thủ trưởng là Ba Biếu. Hai ông phó là Bảy Cảnh và Tám Chi. Mái nhà lợp bằng lá trung quân khô, hiện lên một màu mốc, tròn và dài, khi chằm kết lại liền mí, chồng lên nhau, thoạt nhìn từ xa tôi ngỡ nhà lợp bằng ngói. Đến lúc lại gần nhìn rõ mới biết đó là một loại lá rừng.
Nhà không vách, trống trơn, từ ngoài nhìn vào không khác một cái chòi ruộng. Tất cả những gì trong nhà, ở ngoài thấy rõ mồn một. Nhà này trước đây chỉ có ba người, giờ tôi đến, được xếp ở chung thành ra bốn người. Ba Biếu có cái giường bằng tre đóng cọc chôn xuống đất ở một góc như Bảy Cảnh. Tám Chi và tôi ngủ võng. Võng giăng xéo qua bốn góc mhà. Mùng thì, bốn góc cứ hai góc mỗi đầu chập lại một thành ra mùng không nóc, cột dây giăng xuôi theo võng ở phía trên. Vách mùng buông phủ xuống bao lấy thành võng.
Cái lối ngủ võng này kể ra cũng tiện thật.
Giữa nhà kê một bàn dài, trên để một cái phích đựng nước sôi, bộ chung trà, mấy lon sữa guigoz đã bóc giấy xếp thành hàng, bên trong đựng trà, đường cát, kẹo đâu phọng.
Tất cả ngồi quay quần đối diện nhau quanh chiếc bàn dài uống trà, ăn kẹo. Thành thực mà nói, tôi chỉ khoái ăn kẹo chớ không thích uống trà đậm thế này.. Dầu rằng, kể từ hôm mồng bốn Tết đến nay, hai tháng rồi, tôi đã tập tành «u-tê-cu» (U.T.Q) nghĩa là «uống trà quạo» với Ba Dũng ở Phòng Tuyển Mộ tân binh I4, rồi với Năm Râu và đoàn Tiếp nhận tân binh của U.50, tôi vẫn chưa thể nào hiểu nổi, thông cảm nổi cái trình độ thưởng thức «u-tê-cu» đó.
Bởi «u-tê-cu» nó không phảng phất một hơi hướng tao nhã, «phong lưu quân tử » theo cái kiểu «tao nhân mặc khách» của trà đạo.
Nó chỉ là một thói quen, một tập quán hơn là ghiền.
Mặt khác, nó còn biểu hiện cho một trạng thái tâm lý bốc đồng, lập dị, bắt chước, khoe khoang không chịu nhường ai như một cái «mốt» thời trang.
Trà bỏ cho thật nhiều vào bình, nước ngả màu đen, uống vào chát quánh miệng, đắng hơn cả thuốc bắc, vậy tôi làm sao hào hứng thưởng thức trà ?
Ba Biếu đẩy chung trà sát vào tôi :
– Uống anh ! Thứ này khá lắm ! Blao chính cống đó !
Tôi đưa lên miệng nhấm nháp. Đắng thật. Trông thấy cử chỉ của tôi, Ba Biếu cười :
– Tại anh chưa quen, chứ khi quen rồi, pha cỡ này anh sẽ chê là pha dợt, uống không đã cho coi.
Bảy Cảnh nói thêm vào :
– Mình uống vầy chớ mấy anh em ở bộ đội chiến đấu, thấy mà phát sợ. Trà họ đổ cho đầy lon guigoz rồi chế nước sôi vào. Bấy nhiêu trà, bấy nhiêu nước. Đến nỗi, trà mới pha nước thứ hai nó nở ra, xác trà đội nắp hộp không đậy được nữa. Uống với họ, bọn mình ở đây có lẽ phải đợi đến nước thứ mười trở đi mới dám uống. Cái gì chớ ăn uống, bộ đội nó bạt mạng dữ lắm.
Tôi hỏi Ba Biếu :
– Dạ, hồi 9 năm đó anh Ba, bộ đội cũng uống trà, cũng «u-tê-cu» nhưng đâu có dữ vậy. Sao bây giờ uống dữ vậy anh Ba ?
Ba Biếu cười nụ, suy nghĩ một thoáng, trả lời tôi :
– Thực ra… thành thực mà nói, anh em bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc hồi 1951, ai cũng biết uống trà nhưng uống loảng, ít thôi. Chỉ có từ sau Tết năm 1957 cái hy vọng Tổng tuyển cử thống nhất đất nước không thành, việc anh em cán bọ, chiến sĩ miền Nam tập kết không biết đến bao giờ mới được trở về Nam, sum họp với gia đình nên hầu hết cán bộ chiến sĩ hai sư đoàn 330 và 338 đều sinh tật rượu chè be bét. Dạo đó, tôi ở sư đoàn 338 do anh Ba Tô Ký làm Sư trưởng kiêm Chính ủy. Ba ngày Tết đầu năm 1957 sao mà nó buồn ghê gớm nhớ nhà không chịu được. Đêm 30 Tết, rồi suốt ngày mồng một, mồng hai anh em tụm năm, tụm ba nhậu say mèm, ôm nhau khóc như đám ma. Không riêug gì sư 338 mà sư 330 do anh Bảy Cống làm sư trưởng cũng vậy, đứa nào đứa nấy khóc sưng húp cả mắt. Mấy ngày sau, cơn dịch khóc đó lan sang sư 304 của anh em bộ đội khu 5. Chuyện đó làm mất tinh thần anh em dữ lắm, có một số đâm ra vô kỹ luật, rồi hũ hóa, ăn nói bạt mạng không ai chịu nổi. Phòng Chính Trị sư đoàn đành bất lực không giải quyết nổi vấn đề đó, báo cáo lên Tổng cục Chính Trị rồi Quân Ủy Trung ương Đảng. Cuối cùng Hồ chủ tịch phải xuống từng sư đoàn an ủi, ủy lạo, động viên chính trị mới tạm êm. Đồng thời, Bộ Tổng Tư Lệnh kèm theo biện pháp đối phó là thuyên chuyển, cắt xén, thay đổi toàn bộ tổ chức về nhân sự để cách ly anh em ra, không còn sống chung với nhau để khóc lóc, ăn vạ nhà nước nữa.
Ngừng lại một chút, Ba Biếu kể tiếp :
– Đấy, bắt nguồn từ nỗi nhớ nhung gia đình vợ con, quê hương miền Nam, nên từ đó anh em bộ đội miền Nam cứ đêm đêm là uống trà thật đậm để thức, ngồi nhắc nhở tâm sự với nhau về những kỷ niệm miền Nam. Lâu dần nó thành thói quen. Hồi số anh em cán bộ chiến sĩ đó trở về Nam hoạt động mấy năm nay, mang theo cái thói uống trà đậm, chiến sĩ trong này nó bắt chước, nó đi quá trớn, ý muốn bảo mình đây cũng có cái thói quen sinh hoạt chẳng khác gì cán bộ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Anh em họ hãnh diện về cái miền Bắc xã hội chủ nghĩa đó, ai ngờ cái tốt không bắt chước lại đua nhau tập cái thói quen, suy cho cùng chỉ đáng xấu hổ chứ vinh hạnh gì đâu!
Năm Râu thấy ngứa miệng :
– Thiệt anh! Tết năm đó tôi ở Sư đoàn 330, không biết mắc ông mắc cha gì mà xúm ôm nhau khóc, như đám ma cha mình. Cho đến cái hôm bác Hồ xuống thăm an ủi, động viên tụi này, mới thấy mặt ổng là một đứa òa lên khóc. Đứa nào cũng vậy, bụng bảo dạ là sẽ không khóc nữa khi bác tới, nhưng có một đứa khóc là cả Sư đoàn ồ lên khóc theo. Đứa hu hu, hi hi, ho ho đủ hết. Cái kiểu khóc tập thể nghe sao nó thảm quá chừng. Sau này, có mấy đứa nó làm thơ, nó ví tiếng khóc đó như tiếng sấm làm lung lay Hà-nội, làm Đảng và nhà nước mất ngủ bỏ ăn.
– Rồi bác Hồ thế nào ? – Tôi hỏi.
Năm Râu cao giọng :
– Ổng khóc theo chớ làm sao !
Ba Biếu đưa gói thuốc ra trước mặt tôi :
– Hút thuốc anh!
Tôi nhón lấy một điếu châm lửa. Thuốc thơm này sản xuất ở Nam Vang nhưng cũng được chở lậu về Sàigòn bán đầy dẫy. Trong khi Ruby 15 đồng một gói, nó chỉ 10 đồng. Nhờ rẻ và hương vị chẳng kém Ruby bao nhiêu, giới ít tiền, bình dân, lao động tiêu thụ nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn hút nó. Tôi hỏi Ba Biếu :
– Thưa anh Ba, trong này thuốc thơm chắc hiếm lắm. Ruby chắc cũng ít khi có ?
– Không anh ! Không hiếm đâu ! Muốn mua bao nhiêu chẳng có. Chỉ có cái là tốn công đi xa. Còn Ruby cũng thiếu gì nhưng tại nó mắc hơn Ara nên không mua đó thôi. Anh nghĩ, anh em mình đi làm cách mạng, thoát ly gia đình, mỗi tháng chỉ có 25 đồng tiền sinh hoạt phí phải mua nào xà-bông tắm, xà-bông giặt, kem đánh răng rồi lưỡi dao bào cạo râu, đủ thứ vặt vạnh khác nữa. Chưa kể tiền trà lá, thuốc rê, đường… Những anh em có liên lạc được gia đình, gia đình tiếp tế cho thì không nói. Những anh em khác, hoặc vì gia đình nghèo, hoặc nhiều năm rồi không gặp gia đình thì anh tính xem tiền đâu hút Ara hay Ruby ?
Năm Râu giải thích thêm cái khoản làm thế nào để mua :
– Vấn đề mua dễ ợt thôi, anh ! Thượng vàng hạ cám. Ở đây anh muốn mua gì cũng có. Này nhé. một mặt cơ sở thu mua của U.50 họ mua dưới Sàigon, Bìnhh Dương hay ở đường 13, họ chở cam nhông về giao cho B4 cất giữ. Quản lý của đơn vị hàng háng đến mua lại, mang về chia cho anh em. Nếu không, mấy tổ tiếp phẩm của mỗi đơn vị, tự lực đi xuống đồng bằng hay đường 13, mua bán với đồng bào. Ngay những anh em đi công tác dưới đồng bằng như tụi tôi nè, ở nhà anh em nào cần gì thì gởi tìm, tụi tôi mua mang về dùm cho. Muốn rẻ thì vậy. Nếu không, qua bên kia hồ sông Bé, mấy cái quán ở Đất Cuốc, Nước Trong hay ở đồi Tam Điệp, những vật dụng cũng không thiếu món nào. Duy có cái là bọn con buôn đó, nó cắt cổ dữ lắm.
Tám Chi nãy giờ ngồi yên, nhai kẹo nhấm trà, giờ cũng lên tiếng. Luận điệu sặc mùi chính trị :
– Tôi cũng cần đả thông cho anh rõ. Cái chuyện thuốc thơm, cái chuyện ăn to xài lớn chỉ là bất thường. Khi nào có liên hoan, lễ lộc hoặc thỉnh thoảng có khách đặc biệt đến thăm, hoặc công tác tại đây. Hôm nay có anh đến, nên gọi là đặc cách chiêu đãi người xa. Đứng về phương diện lãnh đạo tư tưởng, Đảng không chấp nhận sự phung phí, xa xỉ. Dù rằng có nhiều đồng chí gia đình rất giàu, mỗi lần liên lạc gia đình đến thăm, có thể cho đến hàng năm bảy chục ngàn gọi là xài chơi. Đảng không cho phép các đồng chí đó nhận nhiều tiền như vậy. Vì có tiền thì tư tưởng nó cũng thay đổi. Nó biểu hiện tư tưởng ngại khó ngại khổ, tinh thần chịu đựng gian khổ kém, dễ mất lập trường, dễ bị địch mua chuộc, cám dỗ, lợi dụng. Nó còn gây nhiều ảnh hưởng không tốt khác đến tập thể, mất đoàn kết nội bộ, so sánh, suy bì v.v..Về việc hút thuốc, chỉ có thuốc rê, giấy quyến là trường kỳ. Chiến trường du kích, gian khổ mà…
Tôi hiểu những lời Tám Chi vừa nói. Và với cái vốn hiểu biết cũng như «nhạy cảm» của tôi, tôi còn có thể hiểu nhiều hơn, đo lường trước được những gì Tám Chi chưa nói hết, về tác phong, sinh hoạt, cũng như hành động thường ngày.
Kẹo trên bàn đã hết. Trà cũng nhạt màu, nước trắng nhách. Tám Chi kéo tay Năm Râu đứng dậy :
– Cậu xuống dưới này làm việc với tôi một chút coi !
Cả hai kéo nhau đi xuống nhà bếp. Sực nhớ lại mình, không biết kể từ hôm nay số phận tôi sẽ được định đoạt ra sao. Đây là B2, tức Ban Chính Trị của U.50, tức khu A. Tôi sẽ được phân công làm gì ở đây ? Hiện tôi có thể nhận công việc nào phù hợp với khả năng mình?
Tôi xoay tròn chung nước, thấp giọng xuống, lựa lời nói với Ba Biếu :
– Da. thưa anh Ba, mấy anh định… thu xếp công tác cho tôi ra sao ? Tôi nghĩ rằng hôm nay tôi có thể nhận…
Ba Biếu đưa tay xua lia lịa :
– Khoan ! Khoan đã, anh ! Vội gì! Anh đi đường xa hãy còn mệt. Anh phải nghỉ ngơi ít ra là ba bốn hôm cho khỏe đã !
– Dạ không sao, anh Ba ! Thú thực với hai anh, tôi muốn được làm việc càng sờm càng tốt. Trong lúc mọi người ai cũng tối mắt tối mũi vì công việc, mình ngồi không, trong lòng nó xốn xang làm sao.
– Cái chuyện tham công tiếc việc ai ai cũng có hết ! Nhưng anh hãy nghỉ đã ! Tôi với anh Bảy đây đã hội ý với nhau rồi. Để anh nghỉ ít hôm cho lại sức, nhứt là tập cho quen, thích ứng với khí hậu ẩm thấp của núi rừng, cũng chẳng muộn màng gì. Chừng đó, anh Bảy ảnh sẽ thay mặt Đảng ủy Khu A cũng như Ban Chỉ Huy U.50 về phía chính quyền, bàn bạc kỹ với anh về những công tác mà anh đảm nhận. Xin giới thiệu với anh, anh Bảy đây phụ trách về cán bộ. Những việc nghiên cứu, xử dụng, phân công, nói chung là những gì liên quan tới chính sách cán bộ, quản lý cản bộ của toàn khu A đều do anh Bảy phụ trách. Anh Bảy sẽ làm việc trực tiếp với anh.
***
Quả thực tôi ngán khoai mì lên đến tận cổ, ngay ngày hôm sau, khi tôi đến đây. Buổi sáng đầu tiên, ăn khoai mì luộc với thịt nai kho mặn sao mà ngon thế, không biết nữa. Đến bữa trưa, tuy tôi chưa ngán nhưng tôi không còn thấy thèm, thấy hào hứng khi bóc đến củ khoai mì.
Chiều lại, để thay đổi cách nấu cho dễ ăn, khoai mì không luộc nữa mà được mài ra, vò viên đem hấp chín. Thoạt trông như chiếc bánh bao. Duy nó không trắng, lại trong ngần, nhìn thấy những xơ vụn điểm lốm đốm trắng bên trong. Dù vậy, dù được thay đổi cách nấu và bụng tôi đang đói ngấu nghiến, cũng không tài nào nuốt hết viên thứ hai.
Và sáng hôm sau, khi thức dậy tôi đói một cách kỳ lạ.
Cái đói vừa xót xa, bào bọt không bắt nguồn ở chỗ dạ dày trống rỗng, cần ăn mà là cái đói của những trường hợp ăn me chua, của những đêm thức suốt sáng nốc vội ly cà phê dắng. Đói nhưng khi ngồi vào bàn ăn, tôi chỉ có thể gỡ từng mẩu khoai mì luộc nhỏ nhấm nháp với miếng thịt nai kho nhiều lửa nát nhừ.
Tôi thấy thèm cơm vô hạn. Cái thèm tôi tưởng chừng như mình chịu đói đã lâu, không ăn cơm từ nhiều tháng trước. Tôi ngán khoai mì luộc thực sự rồi. Nhưng tự ái của tôi không cho phép tôi nói điều đó với bất cứ một người nào ở đây. Tôi sợ bị người ta đánh giá thấp, bị người ta xem thường, bị người ta cho là ý thức chịu đựng gian khổ kém v.v… Tôi phải cố nuốt, phải ăn như mọi người. Tôi nghe bợn dạ buồn nôn, khó chịu, bứt rứt không tả được.
Tôi cố gắng hết sức, vậy mà Thủ trưởng của tôi, Ba Biếu, vẫn nhìn thấy rõ mồn một. Anh ta khuyến khích tôi :
– Lúc mới bắt đầu ăn khoai mì thay cơm tôi cũng phải trải qua mấy hôm xót xa, ngán mứa, khó chịu như anh bây giờ vậy ! Vài ngày sau nó sẽ quen lần. Mấy ông thầy thuốc của mình, họ giải thích đó là do cái phản ứng «lạ lùng» chưa quen dung nạp của dạ dày thôi. Tình trạng đó không lâu đâu. Anh nghĩ, có chịu đựng gian khổ, có thử thách nhiều thì giá trị cách mạng nó mới cao, vinh quang mới lớn chứ, phải không anh !
Vẫn biết mình không giấu giếm được ai, người ta trông rõ quá rồi, tôi vẫn thấy tự ái bừng lên mắt, tìm cách chối quanh. Cái cố tật của trí thức, tiểu tư sản nó vậy mà, ít khi chịu chấp nhận cái dỡ của mình. Tôi vờ đưa tay xoa bụng :
– Dạ, không phải ngán mứa gì đâu, anh Ba ! Có lẽ như anh nói, tại ăn khoai mì nó lạ bụng nên sáng nay tôi thấy đau ngầm trong bụng không muốn ăn ! Sợ không ăn nó đói nên miễn cưỡng ráng ăn đó thôi.
Ba Biếu tưởng thật, mắt mở lớn tròn xoe:
– Ý chết! Anh đau bụng sao anh không nói để đồng chí Thu y tá đưa thuốc cho anh uống. Bậy chưa!
Và Ba Biếu đứng lên :
– Thu ơi! Thu !
Có tiếng con gái dạ từ phía bếp. Và một cô con gái nhỏ nhắn, tóc kẹp đuôi gà ở dưới miệng hầm lò Hoàng Cầm thong thả bước lên :
– Dạ, chú Ba kêu cháu ?
– Ờ! Đồng chí làm gì đó ?
– Dạ, cháu nướng khoai mì để lát nữa đi tải khoai mì, đem theo ăn chơi.
Trời đất! Tôi nghĩ bụng, ớn đến tận cổ thế này mà cô ta còn nướng nổi khoai mì đem theo ăn chơi thì còn hiểu làm sao nữa!
Thu bước vội đến :
– Dạ, có chuyện chi, chú Ba ?
Bảy Cảnh ngồi bên tôi buột miệng :
– Bộ đội đâu có «bộ đội chú», «bộ đội cháu», đồng chí Thu ? Tác phong huynh trưởng, lối xưng hô chú cháu, thuộc về gia đình ở ngoài đời, đâu phải của cách mạng, đồng chí?.
Thu khép nép, cười bẽn lẻn ngó xuống đất :
– Dạ, cháu quên ! Tại cháu quen miệng rồi, cháu xin nhận khuyết điểm !
– Nữa, cháu nữa !
Ba Biếu mỉm cười :
– Nè, đồng chí Thu ! Đồng chí lấy cho anh Hùng mấy viên thuốc đau bụng. Anh Hùng bị đau bụng từ sáng giờ đó. À!.Này ! Còn thuốc phòng nữa, đồng chí có cho anh ấy uống chưa ?
– Dạ, chưa! Dạ để cháu đi lấy.
Thu thoắt chạy đi. Một chốc sau trở lại đưa cho tôi 2 viên thuốc lớn và hai viên thuốc nhỏ :
– Hai viên lớn này là Pa-re-go-ric, trị đau bụng. Còn 2 viên thuốc nhỏ là thuốc phòng. Thuốc Pa-lu-rinh đó. Anh uống đi.
Tôi cầm lấy, Paregorique tôi đã uống vài lần nên tôi hiểu. Còn Pa-lu-rinh, nghe Thu nói tôi đoán mãi không hiểu là thuốc gì. Thuốc phòng, phòng gì mới được chứ ?
Ba Biếu giải thích cho tôi biết :
– Mình ở đây có chế độ uống thuốc phòng. Bô đội là phải uống thuốc phòng. Lúc tụi này tập kết ra Bắc, cứ mỗi sáng thứ ba và sáng thứ sáu trong tuần, sau khi họp đơn vị điểm danh xong là phải đứng tại quân hàng, chờ uống thuốc. Y tá nó bưng bình ton nước chín, rê hết người này đến người khác, đưa ra hai viên Paludrine, loại 0,10 bắt uống tại chỗ. Uống xong mới được giải tán. Nhờ vậy mà ít bị sốt rét, nếu có, cũng nhẹ thôi không đến độ làm accès pernicieux.
À, thì ra Pa-lu-rinh của Thu là Paludrine, loại thuốc trị sốt rét hóa hợp. Tôi chợt nhớ đến lúc ở Lộc Thuận, Năm Râu nói với tôi về cái chuyện nói tiếng Tây là nô lệ tính, vong bản. Ba Biếu nói tiếng Tây dòn và đúng giọng đấy chứ! Không hiểu ai có dám nhận xét, phê bình anh ta không ? Và anh ta nghĩ thế nào về việc đó.
Ba Biếu nói iiếp :
– Từ khi anh em bộ đội mình ở Bắc trở về Nam kháng chiến lần thứ 2, chống Mỹ Diệm thì nguyên tắc uống thuốc phòng được áp dụng theo điều lịnh quân y của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Anh biết không, tôi nói anh đừng sợ nha! Vùng mình đang ở đây là vùng Mã Đà. Trong tất cả vùng rừng núi, khu A nổi danh là khu sốt rét. Nhưng toàn khu A chỉ có vùng Mã Đà này là găng nhứt, được xem như căn cứ địa của sốt rét. Ở đây, vi trùng sốt rét là vua. Không một người nào tại khu A này mà không bị sốt, dù cho phòng bệnh kỹ lưỡng đến đâu cũng vậy. Điều lịnh quân y như : bất luận ngày đêm, có đổ mồ hôi khi công tác lao động cũng không được cởi trần, buổi chiều phải mặc áo dài tay, quần dài để chống muỗi cắn. Ngủ phải ngủ mùng. Có tắm phải tắm nhanh đừng để bị lạnh. Uống nước phải uống nước chín. Hàng tuần, thứ ba, thứ sáu phải uống thuốc phòng đều đặn. Vậy mà. trung bình mỗi năm, người khỏe nhất, số ngày sốt rét cộng lại ít ra cũng phải hai tháng. Có người đến sáu tháng. Cho nên anh thấy tụi tôi người nào cũng xanh, xanh như mặt giộc. Như anh đó, mới đến chưa thấy gì, vài bữa rồi anh biết. Khác khí hậu, phong thổ, vì ở rừng khí hậu rất thấp, độ ẩm rất cao. Muỗi truyền bệnh sốt rét đầy dẫy. Cho nên trong thời gian đầu, tụi tôi xem như là để tập anh chịu sốt rét vài keo cái đã. Cho nó quen, thích ứng khí hậu ở đây cái đã.
Anh ta cười cười :
– Chưa đóng góp sốt rét với «ông bà rừng», chưa phải là chiến sĩ khu A. Có đóng góp thành tích sốt rét càng nhiều, giá trị chiến sĩ khu A mới càng lớn. Anh chuẩn bị tinh thần đi !
Tôi cũng cười. Tôi đã từng bị sốt rét, tôi không sợ điều đó. Ngay cả mọi thứ người ta gọi là gian khổ về vật chất, tôi cũng chẳng ngại chút nào. Người ta chịu được, tôi chịu được. Tôi chỉ sợ khổ về tinh thần, bị hành hạ về tinh thần, căng thẳng thần kinh, tôi sẽ hóa điên thôi. Trong suốt những ngày rời Sàigòn đến giờ, quả là tinh thần của tôi đã bị hành hạ, khổ nhiều rồi.
Mong rằng từ nay tôi sẽ không còn bị du vào cái thế đối xử hành hạ đó nữa.
Ăn xong trở về nhà, tôi vờ bưng ca nước trà pha loảng ra sân, ngưỡng cổ uống thuốc. Kỳ thực, tôi đã liệng bốn viên thuốc của Thu đưa cho ban nãy xuống suối mất rồi. Parégorique, tôi không đau bụng thì uống làm gì. Còn Paludrine đắng quá, đắng đến buồn nôn, cái chuyện uống nó, đành để khi nào bị sốt rét hẳn hay.
Kể ra về vấn đề phòng bệnh sốt rét cũng tích cực, ráo riết dữ đấy chứ ! Ráo riết đến thế mà khôpg người nào không bị sốt rét, theo như lời Ba Biếu nói. Quả bệnh sốt rét ở đây kinh khủng thật. Từ nam đến nữ, mặt mũi người nào người nấy xanh như mặt giộc, không sai!
Tôi liên tưởng đến những đơn vị chiến đấu, trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ lại sống giữa vùng đất mà vi trùng Falciparum làm chúa tể, thì chỉ có thể chiến đấu với sốt rét chứ đừng nói chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường. Những giai thoại về sốt rét của chiến khu D trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trước đây là chứng cớ hùng hồn nhất. Trong một đơn vị, tỷ lệ sốt rét năm mươi phần trăm thôi cũng đủ để cho đối phương «làm gỏi» với một lực lượng tương đồng, hoặc hơn cũng vậy. Phòng sốt rét là phải !
Mấy hôm nay, mỗi khi xuống bếp, tôi thấy trên miệng lò Hoàng Cầm bao giờ cũng có sẵn một nồi nước sôi. Lúc đầu tôi thấy băn khoăn ở chỗ nhà bếp trống trơn, chẳng có gì để đựng nước mang dưới suối lên. Nấu ăn, vo gạo phải xuống suối. Rửa chén đũa, thực phẩm, làm gà, làm giộc, làm nai cũng xuống suối. Múc nước nấu, lại xuống suối. Suối là cái bể chứa nước. Rồi mỗi nhà, cũng chẳng có vật gì để chứa nước chín uống. May là tôi ở chung nhà với Ban Chỉ huy, lúc nào cũng có trà, có phích đựng nước sôi. Nhưng giờ thì tôi hiểu rõ tác dụng của cái bình ton rất lớn. Ai cũng có binh ton riêng, ca, muỗng riêng, luôn luôn mang bên người. Mỗi người, sau khi ăn cơm phải đến đổ nước chín vào cho đầy bình ton để uống lấy. Ở nhà, cũng như đi công tác, bình ton là vật bất ly thân. Kẻ nào không có, quả là một khốn khổ, một bất hạnh nhất đời.
Thực ra, cái sinh hoạt và nếp sống trong chiến tranh, đối với tôi không phải là chuyện mới lạ gì. Nhưng trước kia, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, tôi chỉ được sống ở các tỉnh miền Trung miền Tây Nam Bộ nên tôi không sao hình dung rõ nét thực thể của nó. Và trong 9 năm chống Pháp, cách thức làm việc, lề lối làm việc, nguyên tắc chỉ đạo về chính trị, về tư tưởng nó cũng khác xa ngày nay, tôi tưởng chừng ngày nay mình bị lạc vào một thế giới mới lạ – thế giới mà mình chưa từng sống.
Thu hẹp cái nhìn của tôi trong phạm vi nhà bếp thôi, cũng đã vô vàn mới lạ rồi. Lần đầu tiên, tôi nghe gọi danh từ chị nuôi, anh nuôi, tôi ngơ ngác không hiểu nuôi theo cái kiểu nào đây ? Tôi tò mò, để ý xem công việc của anh nuôi, chị nuôi thì họ toàn nấu bếp. Trước kia người ta gọi là hỏa thực. Năm Râu giải thích cho tôi biết, Đảng và chính phủ không cho dùng danh từ hỏa thực nữa vì nó là tiếng Hán Việt, mất gốc, khó hiểu, cầu kỳ trái với bản chất giai cấp công nông. Giai cấp công nông là giai cấp nghèo đói, ít học. Đối với họ, việc dùng danh từ Hán Việt chẳng khác nào nói tiếng Tây, tiếng Ăng Lê. Điều đó có nghĩa là mất lập trường giai cấp, xa rời quần chúng công nông, nếu không nói là khinh thường, chống đối lại khối quần chúng căn bản đó. Vi vậy «hỏa thực» là tiếng Hán Việt phải thủ tiêu nó đi, thay vào danh từ «anh nuôi » nếu đàn ông nấu bếp và «chị nuôi» để gọi phụ nữ, thanh thiếu nữ.
Nuôi nghĩa là nuôi quân. Tôi cười. Với chút hóm hỉnh, tôi hỏi Năm Râu bên quân đội đúng là nuôi quân, còn nếu ở các cơ quan «dân, chính đảng» đoàn thể v.v… hỏa thực gọi là anh nuôi, chị nuôi, họ đâu phải nuôi quân vậy họ nuôi đảng, nuôi dân à ?
Năm Râu bảo tôi «ăn nói móc họng quá trả lời thế chó nào được ! »
Đến lò Hoàng Cầm, Năm Râu dẫn tôi «đi xem cho biết » và giải thích đó là kiểu lò chống khói, đào dướ đất cho phi cơ không phát hiện được chỗ đóng quân.
Trong chiến trường du kich miền Nam ngay nay, Đảng ra lệnh phải áp dụng triệt để lò Hoàng Cầm cho bộ đội như một thứ công tác bắt buộc, một thứ kỷ luật mà điều lịnh, nội quy bảo vệ đặt ra phải tuân theo.
Trong «tứ đại công tác» của bộ đội ở rừng núi miền đông Nam bộ hôm nay, đối với mọi người ai cũng phải nằm lòng như một Kinh nhật tụng là : Hầm, tải, lò, giếng . «Nhất hầm, nhì tải, tam lò, tứ giếng» như một khẩu hiệu, một ngạn ngữ. Không hiểu ai đã đề ra cái khẩu hiệu đó, sao mà nó đúng vô tả. Bộ đội muốn sống thì phải làm bốn công việc đó.
Hành quân đến bất cứ nơi nào, dù là 5 giờ sáng, buồn ngủ đến mắt phải chống sào mới mở ra được cũng phải đào xong hầm hố, công sự cái đã. Buồn ngủ chưa chết nhưng không có hầm hố, công sự nhất định khó sống nếu bị phi cơ địch oanh kích hay pháo địch hỏi thăm.
Hầm xong rồi, thứ đến phải lo đi tải gạo. Mỗi đại đội, trung đội đều phải cử ra một toán đi tải gạo. nếu không, không chết bom chết đạn cũng chết đói. Ông bà ta từ xưa đã bảo : «Dĩ thực vi tiên», vấn đề bao tử là nguồn gốc của vấn đề sinh tử, hục hặc đấm nhau đến bươu đầu sứt trán mà !
Hầm xong, tải gạo xong cũng chưa phải là sống. Vì có hầm, có gạo phải nấu ăn, nhưng nấu khơi trên mặt đất, nhất là về mùa mưa, củi rừng ướt mem, khói như cháy nhà, thế nào tử thần cũng đến viếng bằng khu trục, với bom, với pháo nhất là với bom B.52, không biết đường nào lẫn tránh.
Cũng chưa đủ… Nấu cơm, nấu nước đâu phải chỉ có nồi, có gạo, có lửa mà đủ ? Phải có nước nữa chứ. Nhưng, nước ở suối mới có. Chỗ có suối lại bị cấm không được để đại quân, đơn vị đông người đóng quân. Đóng quân theo suối có lợi thực. Tuy vậy suối cũng là điểm cho phi cơ, pháo oanh kích. Do đó, khi đóng quân ở rừng phải đóng quân cách xa suối để bảo toàn lực lượng. Xa suối thì nước đâu ? Người ta có thể nhịn cơm nhiều ngày chứ ai có thể nhịn nước nổi hai ngày ? Vậy thì phải đào giếng. Đất cao, mùa khô đào đến hai mươi thước mới có nước cũng phải hì hục mà đào. Nổ đom đóm mắt cũng phải đào.
Ấy thế là «Nhất hầm, nhì tải, tam lò, tứ giếng » ra đời, – truyền miệng với nhau như một thứ kinh nhật tụng về «tứ đại công tác ».
***
Suốt bốn hôm liền, tôi ở tại Ban Chính Trị (tức B2) của U.50, ăn rồi ngủ. Ngủ rồi thức dậy đọc sách. Đọc sách rồi ăn. Tám Chi đi moi ở đâu ra được mấy bộ truyện dài của Liên Xô và Trung Hoa đưa cho tôi mượn đọc. Nhìn chồng sách cao ngất, tôi nghĩ chắc mình không sao đọc hết trong những ngày đầu nghỉ ngơi chờ đợi này, dù tôi vốn rất mê đọc sách, đọc nhanh như gió, ngấu nghiến quên cả ăn, trong những ngày còn ở Sàigòn. Nhưng rồi, trong bốn hôm đó, tôi «nghiến » sạch chồng sách trên. Quả là một kỷ lục.
Đây là bộ tiểu thuyết nổi tiếng được giải thưởng Lénine : «Đoàn Thanh Niên Cận vệ đội» của Fadéev. Kìa là bộ «Thép đã tôi thế đấy». Nọ là «Mùa Xuân trên sông Ô Đe», «Những cuộc chiến đấu trên đường Vô Cô Lam xcơ ». «Thượng Cam Lĩnh» của Trung Quốc v.v… Nhiều quá ! Toàn sách dịch xuất bản ỏ Hà Nội, do nhà xuất bản «Quân đội Nhân dân» của quân đội miền Bắc ấn hành.
Thành thực mà nói, tôi rất mê đọc sách, nhưng tôi cũng rất sợ bị người ta nhận xét là thiếu tinh thần xung phong công tác, thiếu «lửa cách mạng » trong những ngày đầu bước chân đến đây. Tôi nghĩ bụng, mình không sao đọc hết đống sách này cũng vì lý do đó.
Tôi yêu cầu người ta phân công cho tôi một công tác nào cũng được. Tôi không muốn nằm không để đọc sách trong khi mọi người ai cũng có công việc làm. Trong đời, tôi ghét những kẻ lười, ăn không ngồi rồi, không chịu làm việc. Làm con người, ai cũng phải làm việc để biến mình thành một người có ích. Một con người hoàn toàn ý thức được sự có mặt của mình trong cuộc đời. Và nhất là sự làm việc làm cho mình vui vẻ, không phải suy nghĩ bâng quơ, chán nản, ray rứt với chính mình. Lần nào cũng vậy, hễ tôi mở miệng ra yêu cầu được làm việc thì Ba Biếu, Bảy Cảnh trả lời y như nhau :
– Anh đi đường mệt nhọc, cần phải nghỉ ngơi lấy sức mấy hôm. Anh cứ đọc sách cho vui. Vừa đọc vừa nghiền ngẫm những tư tưởng cách mạng chính yếu chỉ đạo qua tác phẩm để học tập. Như là trong quyển «Những cuộc chiến đấu trên đường Vô Cô Lam xcơ » với anh chàng Tiểu đoàn trưởng xây dựng tác phong, kỷ luật cho Tiểu đoàn ô hợp của mình. Hay là trong quyển «Thượng Cam Lĩnh» với tinh thần bất khuất gian khổ hy sinh cao độ của đội chí nguyện quân tử thủ một ngọn đồi, nhịn đói mà chiến đấu suốt tháng trường, kiên quyết không lùi trước bọn đế quốc Mỹ.
Kể cũng buồn cười. Người ta bảo mình đọc sách cho vui. Đọc sách cho vui mà «nghiền ngẫm những tư tưởng cách mạng chính yếu chỉ đạo trong tác phẩm để học tập », thế còn vui nỗi gì? Mấy lời nói đó, dù tôi kém thông minh nhưng tôi cũng hiểu được những gì ẩn chứa trong ấy.
Từ trước, từ 9 năm kháng chiến chống Pháp, tôi vẫn biết một cách rõ ràng là bất kỳ một nhân viên, cán bộ mới nào cũng phải được thử thách về công tác, thử thách về lập trường tư tưởng, về tác phong, đạo đức, sau đó mới có thể giao cho một công tác thích đáng, căn cứ vào sự thử thách đó.
Bây giờ, tôi đang ở trong thời kỳ «được» thử thách này.
Thử thách gì tôi cũng xin nhận, có từ chối đâu ! Riêng về phần tôi trong bước đầu, ngoài việc để ý, quan sát cách thức, lề lối sinh hoạt, làm việc để mình làm quen với không khí mới, thích hợp với môi trường mình sẽ sống, tôi còn muốn tìm hiểu thêm về tổ chức, về nhiệm vụ của đơn vị mình. Nhất là những cá tính, thái độ đối xử của cấp chỉ huy. Có thể mới «lựa cơm gắp mắm», mới tạo được sự thuận lợi, tình cảm công tác buổi ban đầu.
Tìm hiểu về tổ chức, nhiệm vụ thì tôi đã rõ U.50 là một cơ quan Hậu Cần, đơn vị Hậu Cần trực thuộc Cục Hậu Cần R. Nói cách khác, nó là một Phân cục của Cục Hậu Cần ở Khu A, quản lý suốt một vùng rừng núi thật rộng, giới hạn bởi đường quốc lộ 13, quốc lộ 1, sông Đồng Nai và biên giới Miên. Nhiệm vụ chính yếu của nó là sản xuất, cung cấp, dự trữ tất cả mọi nhu cầu chiến lược cũng như chiến thuật của quân đội chủ lực mỗi khi cần đến nó.
Rập theo nguyên tắc tổ chức chung của quân đội miền Bắc, ngoài những bộ phận trực thuộc về chuyên môn sản xuất tự túc, thu mua thực phẩm, vận chuyển dự trữ thực phẩm, thuốc men, súng ống, đạn dược, nó giống như bất kỳ đơn vị quân đội nào, cũng có các bộ phận có tính cách văn phòng.
B1 là Ban Tham Mưu, quân lực.
B2 là Ban Chính Trị.. nơi tôi đang ở đây , quản lý chính sách, quản lý cán bộ, quản lý tinh thần, tư tưởng chung cho đơn vị.
B3 là Ban Sản Xuất.
B4 là Ban Tài Vụ, tức Ban Tài Chánh lo việc phân phối kiểm soát tiền nong.
B5 là Ban Quân Y với hệ thống bệnh viện và xưởng dược bào chế thuốc men của nó.
B6 là Ban Tiếp Liệu vận tải v.v…
Theo tập quán chung, hễ khi nào nói đến B1, B2, B3, B4, B5 v.v… của bất kỳ đơn vị cấp Sư đoàn, hay cấp Tiểu đoàn, chủ lực hay địa phương, mọi người đều hiểu giống như nhau. B1 luôn luôn là tham mưu, quân lực. B2 luôn luôn là chính trị. B5 luôn luôn là quân y.
Nhưng tìm hiểu về cấp chỉ huy trực tiếp của tôi như Ba Biếu, Bảy Cảnh, Tam Chi v.v… thì bị tắc tị, chẳng tiến được bước nào. Mấy hôm nay, mỗi ngày sau những giờ ăn, tôi la cà ở nhà bếp để nói chuyện với chị nuôi, anh nuôi, với những chiến sĩ, nhân viên khác, làm quen, gây cảm tình với mọi người. Qua những cuộc nói chuyện đó, tôi thấy người nào cũng sợ hãi mỗi khi nói đến các thủ trưởng của mình, nhất là những việc gì có dính dáng đến «chất » Đảng. Họ không dám phê phán, không dám có một nhận xét nhỏ nhoi nào. Tôi không hiểu tại sao họ lại sợ kỳ cục thế nữa. Anh em, đồng chí với nhau việc gì lại sợ ?
Buổi tối ngày thứ năm, kể từ khi tôi đến đây, sau khi nghe đài BBC xong, Ba Biếu tắt radio mời tôi uống nước và hỏi :
– Sao, mấy hôm nay anh dễ chịu chứ ? Sách hay chứ ?
– Dạ, hay. Anh Ba ! – Tôi trả lời.
– Có gì lạ không anh ? Cũng không có triệu chứng gì báo hiệu là sốt rét chứ ?
– Dạ, không !
Ba Biếu cười :
– Những anh em khác khi mới đến khu A chừng bốn năm hôm sau, phần nhiều là nằm trùm chăn rên hù hù rồi. Kể ra sức khỏe của anh thuộc loại khá đấy.
– Dạ, sốt thì uống thuốc chứ lo gì, anh Ba ! Chắc bây giờ thuốc men mình ở đây đầy đủ lắm ? Tôi thấy mấy anh tuy người nào nước da cũng xanh nhưng vẫn khỏe mạnh cả mà !
Ba Biếu không trả lời, đột nhiên hỏi tôi :
– Anh Hùng ! Anh có thích rẫy bái không ? Không khí ngoài rẫy thật mát mẻ, khoảng khoát. Thích lắm ! Nó không nặng nề như ở nhà.
Tôi chợt hiểu, và trả lời :
– Dạ, thích chớ anh ! Cái không khí đồng ruộng, rẫy bái mát mẻ, dễ chịu đã đành, mà tôi cũng thích trồng trọt nữa.
– Chả là B2 mình có một cái rẫy trồng hoa màu ở ngoài suối Ràng đấy.’ Cách chừng ba bốn cây số thôi. Ngoài những thứ hoa màu mình trồng như rau, đậu, khoai môn, mướp, bí v.v… còn có cá ở dưới suối và gà rừng thật nhiều. Làm siêng biết cải hoạt, thức ăn đầy đủ gấp mấy lần ở đơn vị. Tôi cũng thích nó hết sức nhưng công tác bận rộn nên ít khi nào ra rẫy ở chơi.
– Ở dưới suối, cá gì nhiều, anh Ba ?
– Ồ, thiếu gì ! Nhứt là cá trê, cả lăng, cá mè, cá chạch lấu. Những loại cá khác cũng có nhưng ít hơn.
– Cá suối nhiều, mình ở đây tổ chức đi cắm câu mỗi đêm không chừng khá lắm anh !
– Câu thì đơn vị mình thiếu gì. Đồng chí quản lý B2 mình có mua nhiều lưỡi câu lắm. Vậy thì…
Ba Biếu ngập ngừng, nhìn tôi :
– Vậy thì… ngày mai anh ra rẫy cho biết, anh Hùng nhe! Anh tha hồ đi câu. Anh gặp ông quản lý hỏi xin lưỡi câu đi.. Trước khi nhận công tác mới, anh cũng nên đi chơi cho nó thoải mái, cho nó quen khí hậu núi rừng.
Tôi hiểu giai đoạn mới bắt đầu đến với tôi rồi đây ! Người ta muốn đưa tôi đi làm công tác lao động để cải tạo tư tưởng, thử thách sức chịu đựng và phản ứng của tôi ra sao. Thủ trưởng của tôi khéo thật. Nói chuyện toàn những việc đâu đâu rồi nhắc đến những cái thú, đời sống nhàn hạ ở rẫy bái để sau cùng mời tôi ra rẫy chơi. Ra rẫy để câu cá, để hưởng không khí trong lành. Ra rẫy để chơi mà ! Ôi, thú biết bao !
Sáng hôm sau, ăn xong nửa củ khoai mì luộc, tôi lẳng lặng thu xếp đồ đạc, quần áo, đồ dùng bỏ vào bồng và đến nhà quản lý xin ba chục lưỡi câu với năm mươi thước nhợ bằng nylon. Mười phút sau, Sơn, một chiến sĩ ở tiểu đội quản trị và Hoa, chị nuôi của đơn vị, đầu đội nón vải xanh, lưng mang bồng đến gặp tôi để chờ dẫn tôi ra rẫy.
Tôi mỉm cười, chào Ba Biếu, Bảy Cảnh rồi bước ra sân nhập bọn. Bảy Cảnh cũng cười lại :
– Chà ! Anh ra rẫy ít hôm thế nào cũng có sự khác lạ cho coi ! Mập mạp, hồng hào, lên cân như lực sĩ là chắc! Câu được nhiều cá, nhớ ăn dùm tụi tôi ở nhà với nghe l
Tôi vội vã nhanh bước theo Sơn, ra khỏi cổng chiến đấu. Không biết Sơn đarg nghĩ gì mà nói với tôi :
– Thủ trưởng mình bình dân lắm đó. Anh Ba với anh Bảy là cán bộ cao cấp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ông nào cũng Thiếu tá không, bình thường, dễ gì được gặp.
Tôi ngẩn ngơ, nhưng cũng cố bước theo Sơn.
No comments:
Post a Comment