Tôi biết Thuần ở gần mặt trời có nhiều tin hấp dẫn, nên cạch hỏi nó liên miên về tình hình sắp tới. Trước khi “cung khai” nó dặn tôi hãy kín miệng “là cứu nước” năm bảy lần. Tôi cũng hứa với nó năm bảy chục lần rằng tôi sẽ “kín miệng” để cứu nước, nó mới chịu nói như nói chuyện cấm đàn bà và trẻ con dưới hai mươi lăm tuổi.
Trước tiên tôi hỏi nó:
– Mày thấy tình hình giải phóng đã “meo” chưa?
– Meo là sao?
– Là sắp “bưng mâm”
– Chưa đâu ông nội! Đừng có tếu!
– Vậy hồi tao ở trong trường đi B ông Vịnh rồi ông Giáp có đến nói chuyện với tụi tao rằng thì là tình hình miền Nam sắp chín muồi rồi. Rằng thì là các đồng chí về tới trong đó thì tất cả đều khác xa. Vậy là cái nghĩa gì?
– Tao không biết nhưng thấy còn vất vả trăm ngàn mày ơi! Chưa có loé lên một tia sáng tia tối gì đâu. Mấy ổng còn đang lo ba cái vụ Mỹ đổ vô Đà Nẵng, Huế, Sàigòn gì đó.
– Lo là lo thế nào?
– Lo chỉnh huấn bộ đội.
– Chỉnh sao cho lại ba cái B52?
Thuần làm thinh. Tôi biết tôi vừa buông ra một mũi tên độc ác trúng tim đen của thằng bạn nên không hỏi thêm nữa. Gió rừng lao xao. Những chiếc lá rơi rào rào khua động trên rừng. Vài chiếc rơi trên nóc tăng nghe rõ mồn một. Thấy Thuần không nói tì thêm, tôi bèn rẽ sang chuyện khác:
– Mày sang đây để gởi con mày cho Văn Công à?
– Mày thấy còn chỗ nào cho nó trú ngụ không?
– Tao đâu có biết. Mày đến hỏi thử xem. Tao chẳng có quyền hạn gì với ai cả. Mày biết tính của tao không có muốn chỉ huy ai và không muốn ai chỉ huy mình. Nhưng mà mày gởi nó ở đó để học cái gì?
Thuần thở dài:
– Tao đâu có định cho nó học cái gì. Ở ngoài Sàigòn nó gần thi Tú Tài rồi, nhưng tao sợ nó thi rớt bị bắt đi học sĩ quan thì nguy lắm. Thằng con giết thằng tía mà không biết! Cho nên tao đưa nó vô đây để hai cha con gần gũi nhau, vậy thôi chớ ở trong này có cái gì mà học?
– Ừ đúng đó, mày có biết là con gái vô đây là hỏng bét hết không?
– Làm gì tao không biết. Ở bên Bộ Chỉ Huy toàn là con gái mấy ông lớn nhưng hư thì cũng cứ hư. Đám con gái đánh máy cho Lê Đức Anh và Hai Bứa, Ba Sinh, Ba Thắng, Chín Hô quá trời quá đất, không ai can nổi.
– Chúng làm gì?
– Còn làm cái gì nữa! Kể ra cũng bị mấy cha lớn bày chuyện cho chúng nó cả. Chính mấy chả không nên thân nên con nít bắt chước. Kể cả ông tướng Mặt Sắt nữa. Tao ớn lắm! Một là ớn B52, hai là ớn mấy chả.
Tôi hỏi:
– Chúng mày ở đâu cớ chứ?
– Mày không biết thật à?
– Tao từ ngày chui vô đây không có đi đâu ra khỏi cái “Bầu Lùng Tung” này. Biết cái gì mà biết?
– Chỗ tụi tao ở là Tà Bon. Nói phức ra cho rồi. Ở đó có động tịnh gì thì các chả có đường sinh lộ: vọt ngay sang Minốt bên xứ Thổ uống rượu thuốc không đau lưng.
– Minốt là cái giống gì?
– Là đồn điền cao su có sân bay. Các cha ở ngoải vô toàn là đi máy bay. Tao đeo vè xe hơi ông tướng Mặt Sắt được một đoạn. Ờ, trong chuyến đó có con nhỏ ba-lê của mày. Coi được lắm! Nhưng tao đâu có dám bỏ ngón vì nó là của mày mà.
– Đếch gì! Ở đời muôn sự của chung. Nó vô đây hết là của tao rồi. Chỉ đá lông nheo xa xa thôi không có rờ rẫm được nữa.
– Chuyến đó… ờ phải rồi. Gặp mày ở tại trạm 5, có Văn.Công sư đoàn 330 diễn kịch, rồi ổng hỏi ý kiến của mày chớ gì. Sau đó đoàn tụi tao tách ra. Đi ít hôm nữa là ổng trở về Hà Nội rồi đi máy bay luôn vô Nam Vang. Con Thu cũng đi xe hơi với tụi tao về Hà Nội, nhưng không được trở lại cơ quan và cũng không được liên lạc với gia đình. Kể như nó đã đi rồi. Sau đó lại đi…
– Không biết ổng có giấu con nhỏ trong văn phòng ổng hay không. Chuyện đó có trời biết !
– Ối ! Tao đâu có tính mấy chuyện đó. Nó vô đây là đụng thằng nởm của nó rồi.
– Mày không… gì nữa à?
– Tao có cấy rau muống thì cấy từ ngoài Hà Nội chớ về tới xứ rồi, rau muống đâu có giá nữa.
Tôi quay lại chuyện bên Bộ Chỉ huy:
– Ê! Bêka vô ngập hết rồi hả mậy?
– Thì vậy thôi. Để rồi mày coi, đấm đá thì dân Nam Cờ mình đi đầu, mâm cỗ dọn lên thì Bêka quơ sạch. Tụi mình bơ mỏ chó chứ được cái đếch gì. Mày không thấy hồi tập kết ra Bắc đó sao? Dân Thành Đồng Tổ Quốc hóa ra dân Thành Bùn Xó Hóc, lon gáo người ta mang hết sạch, lơ lơ láo láo đứng dựa gốc cột ngó một hồi rồi về nhà uống trà dảo nuốt hận. Lần này cũng vậy nữa. Bộ Chỉ huy toàn là dân cọc cạch và rau muống không thôi. Trần Văn Chè là dân khu “Nôm” đó nghe cha nội. Đừng có tưởng chả là Nam Cờ mà lầm đau đớn.
– Tao thực sự không hiểu thằng cha đó có ăn chịu gì với Trung ương mà nó lên chức vù vù vậy.
– Mày không biết thật à?
– Không!
– Nó canh gác cho Ba Duẩn đéo đứng mụ Nga ở U Minh. Nó kiếm gái cho Lê Đức Thọ chơi. Nó nịnh Văn Tiến Dũng. Có thế thôi. Bây giờ nó đội Nguyễn Chí Thanh. Chỉ còn thiếu dâng vợ nó…
– Mẹ kiếp! Nó ở khu 8, tao biết rành quá chời ! Nó có đánh đá gì đâu. Chiến công Giồng Dinh Giồng Dứa, Mộc Hóa, La Bang, Pắc Xa Ma, Vàm Nước Trong, Phú Lễ, Bàu Vơi v.v… và những trận khác toàn là của các tay tiểu đoàn trưởng và lính chớ nó có xía vô được phát súng nào. Vậy mà ra Bắc lên trung tướng, hiệu trưởng Lục quân Trần Quốc Tuấn, thứ trưởng Quốc phòng…
– Thói đời thằng nào đội giỏi thằng đó lên lon mau mày ơi ! Ông Bảy Trấn của tao đáng lẽ cũng là Trung tướng mà chẳng được cái mẻ gì hết. Tụi nó tống ổng ra dân, làm “giám cái mòng đóc” đại học.
– Nhưng tụi nó còn cho làm giám đốc đại học Nhân Dân cũng là đỡ lắm. Còn hơn Tư lệnh khu 7 Huỳnh Văn Nghệ chỉ được cho làm trọng tài thổi còi các trận đá bóng Sân Cột Cờ. Còn mày nữa, sao mày lọt sổ đi Liên Xô được vậy hả?
– Mày không biết là tao làm Phó giám đốc trường đại học “không có ai học” đó à? Bởi vậy nên ông Bảy ổng muốn tống tao đi nghỉ mát ở Liên Xô vài năm chơi cho biết mùi bơ sữa nước anh em.
– Qua đó thì bơ sữa đã đành, nhưng có biết mùi các em không?
– Chuyện đó khỏi nói rồi. Dễ cu thôi. Có xu, rủ em đi pic-nic vô rừng là ăn thua ngay, nhưng tụi nó khoa học lắm. Nó bắt thằng nhỏ phải mặc áo giáp như auto blindé, thì nó mới cho vào hang “bắt cọp.”
– Sao kỳ vậy ?
– Nó sợ mang “bị tương lai” chớ sao.
– Mày có để lại cái nào cho các em không?
– Hì hì…
– Tao hỏi chuyện này mày phải nói thật nghe.
– Tao sợ gì mày mà tao phải nói láo mậy?
– Tao nghe nói có một tay to lắm sang đó mò một con nhỏ hầu phòng vốn là đoàn viên Komsomol bị nó la nên Sứ quán mình mất mặt phải xin lỗi. Có không?
– Không có đâu ! Thằng nào ngu mà đi mò tụi đó. Có cần thì cho nó năm, sáu rúp là … nó suốt đêm, Komsômôn sô miếc cái đếch gì ? Có tụi thanh niên mình tin ở lý tưởng nọ kia chớ tụi Liên Xô chẳng tôn thờ cái món đó lắm đâu. Mày ra bãi biển với một em, mày có thể làm vịt Xiêm đạp mái dưới nước được mà.
– Không! Tao nghe nói lão bộ trưởng Phủ Thủ tướng bị em Komsomol la.
– Có thể là thằng chả xui xẻo mò nhằm một cái lập trường cứng rắn.
– Nghe nói con gái anh Ba Duẩn mê thằng cha thầy có không?
– Tao chỉ biết là các ông lớn, ông nào cũng có con học Liên Xô với tiêu chuẩn cao hết cả, chớ không biết vụ đó. Nhưng có biết vụ con ông lớn làm tiền ở bãi biển Krimée.
– Mày “trả thù xứ sở” được mấy lần?
– Nhiều.
– Mày khiển có xuể không?
– Khi ăn khi thua. Nói chung là mấy “ẻn” không chê dân ta lắm.
– En nào cũng trường túc hết cả hả?
– Có em mập có em ốm chớ. Nhưng nói chung là em nào cũng hảo ngọt cả. Ăn và chơi là hai môn các em thích nhất. Mười lăm, mười sáu ít khi nào còn nguyên. Tụi nó thực hành đâu hồi mười bốn tuổi hay sao ấy. Nó có mùi hôi hôi mày ạ. Không phải hôi hám đâu. Cũng không phải là nó ở dơ. Nhưng cái mùi của các em bên đó không có hợp với “khứu vị” của bọn mình.
– Nè ! Mày có biết thằng Lê An không?
– Không. Nhưng có nghe nói. Khi tao qua thì Sứ quán kêu một lũ “ma mới” đến dằn mặt ngay. Ông Kinh đại sứ bảo là chớ có lang bang. Lơ mơ là đóng thùng gởi về nước. Thằng Lê An nhạc sĩ violon chớ gì. Không biết nó làm cách nào lủi vô được Sứ quán Hòa Lan rồi dông về Sài Gòn. Cái thằng! Báo hại tụi sinh viên phải học tập cả tháng.
– Học tập cái gì ?
– Học tập lại lập trường vô sản chớ học tập cái gì.
– Vậy còn các cha Võ Văn Doãn và Lê Vinh Quốc qua học đại học Mác Lê rồi ăn phải bã của ông Trọc Khơ, học xong ở lại thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam bên đó, có học không?
– Tao qua thì cờ tàn rồi, nhưng cũng còn nghe dư âm. Khô rơi đài. Kốt-xi-ghin lên nắm, hai tên xét lại bị bỏ củi heo gởi về Việt Nam. Bây giờ mất tích luôn không thấy tụi đó đâu nữa.
– Vậy chắc đám sinh viên học tập đã đời về vụ đó hả ?
– Cũng vừa phải thôi ! Vì tư tưởng của già Khơ ăn ruồng ác lắm. Ai mà nghe lão nói chuyện cũng mê hết.
– Kể ra xừ lũy cũng có tài chớ hả. Lôi cả cái xác Stalin ra khỏi hồng trường thiêu hủy và đá văng cả bảy ông trong Bộ Chính trị ra khỏi ghế mà y không hề hấn gì cả. Đây rồi tới Mao chủ tịch.
– Ớn nhất là ông nội Bánh Bao này ! Vì lão bụng phệ này ở gần mình và mình ăn chịu với lão quá đậm. Lão ho một phát là mình rởn tóc gáy và quì xuống mà vâng dạ ỏm tỏi. Mày không thấy ông Mai nhà mình chỉ nói lão ta là “Mác xít mít xoài” là bị thưởng một chai nước ngọt, uống chưa hết là dẫy tê như cá lóc bị đập đầu hay sao?
– Không biết bên đó đang diễn cái trò gì mà lúc tao nằm giữa Trường Sơn tao nghe Đài Bắc Kinh nói oang oang Lưu Thiếu Kỳ là tên phản đảng và bị gọt gáy bôi vôi, hả mậy?
– Mình không có thể hiểu được mấy ông to đầu đâu mày ạ. Tao đã ở gần ông Mặt Sắt này khá lâu. Tao thấy ổng có vẻ bí hiểm lắm. Ổng lầm lầm lì lì như thánh con vậy. Ổng vô đây là toàn quyền đó nghe mậy, ổng muốn thay đổi tổ chức như thế nào thì cứ thay, không cần phải thỉnh thị Trung ương – Thuần tiếp – Sắp tới đây có hội nghị to lắm ở bên Bộ Chỉ huy. .
– Ổng ở bên đó hả?
– Thì ở bển chớ ở đâu. Ổng như vua trong cung điện vậy không có ai gặp mặt được, chỉ trừ con vợ thằng Trỗi thôi !
– Thằng Trỗi nào?
– Trời đất! Mày lú lẫn rồi hay sao? Mày quên cả anh hùng của mình à?
Thực tình là tôi đã quên. Hoặc nói theo duy vật biện chứng bá láp là trong tiềm thức của tôi không có ghi cái tên Trôi tên Trỗi này. Bây giờ nghe nhắc, nó mới bật ra. Và nhớ lại. Nguyễn Văn Trỗi mà Đài Phát Thanh Hà Nội đọc là Nguyễn Văn “Trôi” và các nhạc sĩ Hà Nội theo lệnh Tố Hữu đã làm hằng trăm bài hát ca ngợi chớ gì ? Nhà thơ cng thế, làm thơ đăng khắp các báo. Thứ thi sĩ con cóc nhảy ra chưa bao giờ được “hôn tòa soạn” để tòa soạn đăng cho một bài, thì nay có dịp trổ tài thi phú. Vần “ôi” trong chữ “TRÔI” thì dễ gieo dễ đáp quá, nên thơ rất nhiều, báo Văn Nghệ (mà tôi ở trong Bộ Biên tập) đăng không hết. Riêng Tố Hữu thì làm một bài xếp xầm đăng ở báo Nhân Dân có tựa là “Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi ?” trong đó có câu ‘”Phút thiêng liêng anh gọi Bác ba lần. ” (Có những cái mồm ăn mắm ăn muối cười toét với nhau hỏi: Sao không “bốn lần ? “, nói lái theo kiểu Nam Kỳ thì mất hết thiêng liêng). Chế Lan Viên và Xuân Diệu thì tha hồ biểu diễn lập trường thơ của mình.
Thuở đó tôi rất mệt vì phải chạy lăng xăng làm phóng sự nghĩa là đi tìm tài liệu trong “các tầng lớp nhân dân” để viết, nhưng rồi tôi không viết nổi vì xưởng Phim Tài Liệu Hà Nội đã thầu hết cả rồi. Họ làm phóng sự bằng hình ảnh, để chiếu ra liền. Riêng các họa sĩ thì thức đêm để vẽ áp phích… Nguyễn Văn Trôi đứng ngồi nằm đủ ba mươi sáu kiểu khắp Hà Nội, kiểu nào trông thấy cũng tê người hết cả. Đi đâu cũng nghe bàn tán, ở ngã tư, ngã ba, ba ngõ… hẻm nào cũng có hình Nguyễn Văn Trôi. Đùng một cái trên Thông Tấn Xã cải chính “Nguyễn Văn Trỗi.” Trỗi, chớ không phải Trôi. Thế là bỏ mẹ rồi ! Khổ nhất là các nhạc sĩ. Dấu nhạc đồ (gì) không đổi ra (xỏ) lá được. Vả lại muốn hát trên đài cho nhân dân nghe, phải có mủ-dích đi kèm, chứ chẳng lẽ cứ la như mãi võ sơn đông? Cho nên cuối cùng không sửa được cứ để “Anh Nguyễn Văn Trôi” nguyên con. Do đó dân Hà Nội vốn chúa dí dỏm và sáng tạo ngôn ngữ, bảo nhau: “Mình ca ngợi ông Trôi anh hùng, trong khi ông Trỗi lại chết bắn! ” Thành ra trớt he .
Nhưng còn một cái tai nạn khác khiến cho tôi không quên ông TRÔI được. Đó là quyển “Sống Như Anh,” một quyển sách độ trăm ngoài trang do Hà Nội in. Hai chữ SỐNG NHƯ màu đen, chữ ANH màu đỏ. Sách này là của một anh chàng làm ở báo Cứu Quốc rất vô danh chuyên nghề viết tin hợp tác xã. Để tống bớt nhân viên đi cho nhẹ tòa soạn, báo này cho anh ta hưởng cái vinh quang đi Nam. Và chó ngáp phải ruồi. Anh ta vớ được “vụ Nguyễn Văn Trỗi” trong cục R. rồi tương lên thành sách, kỳ là Trần Đình Vân. Bản thảo gởi ra Hà Nội, Tố Hữu sướng lắm, xách đi khoe ở Hội Nhà Văn và cho lệnh in hai mươi ngàn bản. (Thơ của Xuân Diệu, Chế Lan Viên chỉ đến sáu ngàn là thượng đỉnh. Chỉ có thơ họ Tố mới in hai mươi ngàn). In xong, họ Tố bảo Hội Nhà Văn họp để hoan nghênh và xé to ra cho có tiếng vang quốc tế! Trước nhất là các ông to bà lớn trong Hội phải viết bài để ca ngợi nghệ thuật và lập trường của ông anh hùng. (Tôi không có ý chế diễu một người đã chết dù chết cách nào đi nữa. Nhưng đây là sự thực. Chính Hà Nội đã làm cho người anh hùng của họ trở nên hài hước. Càng hài hước hơn nữa là đồng bào Sài Gòn ở vùng cầu Trương Minh Giảng đã biết rõ ông anh hùng này. Sau khi về Sài Gòn tôi có tìm hiểu để xem sự thực nằm ở cái lỗ mô: Một là “Ngô Đình Diệm bỏ thuốc độc giết cả ngàn tù ở Phú Lợi.” Tôi đã đến tận nơi hỏi, thì đồng bào ở đây ngơ ngác bảo chẳng biết vụ đó là gì ? Vụ thứ hai là Nguyễn Văn Trỗi đặt bom ở cầu Công Lý để giết Mac Namarra. Vài người bảo không rõ đầu đuôi nhưng bà con trông thấy một kẻ chui vô chuồng gà tưởng là tên ăn trộm gà nên kêu cảnh sát bắt… Rồi ở Hà Nội, tên “ăn trộm gà” lại hóa ra vĩ nhân!)
Tôi xách xe đạp chạy long cả đầu gối đi lạy từng ông từng bà một để mong ông bà viết cho một bài khen dùm quyển “Sống như anh ” của Trần Đình Vân.
Nguyễn Tuân bảo: Đó không phải là nghệ thuật văn chương gì cả mà chỉ là những bài bán, có thể ông Quang Đạm ông Như Phong (hai cây bút trụ cột của báo Nhân Dân) hoặc ông Hoàng Tùng (Việt Nam Thông Tấn Xã) khen thì cứ khen, còn tôi thì… hà hà bận quá!
Còn Tô Hoài chỉ cười nhếch mép: “Tôi chưa có đọc!”
Còn một ông, nhưng ông lại ở xa quá, ông Nguyên Hồng ở mãi nơi miền sơn cước Bắc Giang, nên tôi đành chịu… phoọc-phe. Tôi bèn xoay ra kế khác. Đi đến Thành Đoàn Thanh Niên Lao Động Hà Nội. ông Bí thư (tên gì tôi quên mất, hình như là Vũ Quang) buồn rầu bảo: Trong thanh niên Hà Nội có một luồng chế diễu quyển sách này, chúng tôi đang có chỉ thị dập tắt đây. Tôi hỏi : tại sao chế diễu? Ông Bí thư bảo: Thanh niên kháo với nhau rằng “Sống như anh” thì “chết sướng hơn.” Nghĩa là chết ở pháp trường bỏ vợ trẻ đẹp lại cho ai? Thế nên họ bảo: “Đừng sống như anh ! “
Tôi mất hứng quá, không còn biết cạy gỡ cách nào. Bèn chạy về tòa soạn tìm quyển sách. Đến lúc này tôi vẫn chưa đọc. Tôi chỉ đọc vài trang thì… quả như lời ông Tuân nói.
Tố Hữu cáu lắm, nhưng không làm gì được, đành tự tay viết một bài đăng báo Nhân Dân hay báo Văn Nghệ gì đó tôi không nhớ, hình như báo Nhân Dân thì phải. Rồi báo Văn Nghệ chụp in lại. Thế nhưng sau đó, khi tôi vào tới trong R thì nghe tin tác giả quyển Sống Như Anh được gởi đi Trung Quốc cùng với nhà thơ Thanh Hải và được “ăn cơm với Chủ tịch Mao Trạch Đông.”
Do đó bây giờ nằm ở R tôi làm sao quên được “Nguyễn Văn Trôi.” Tôi kể một mạch những sự việc trên cho Thuần nghe, và hỏi lại:
– Mày gặp bà anh hùng ở bên hả?
– Ừ!
– Bả có giống trong hình không?
– Hình nào ?
– Hình trong quyển sách Sống Như Anh !
– Tao đâu có thấy mặt mũi quyển đó, nhưng cô nàng xinh lắm. Còn trẻ ghê. Tên là Quyên.
– Tội nghiệp !
– Ông Sáu Vi cưng cô ta lắm… lắ…ắm hắc… hắc !
– Cưng thế nào? Như con hay như chá… áu?
– Cái thằng! Mày muốn đứt đầu hả?… Thằng Thép Mới muốn qua gặp cô ấy nhưng ông Sáu không cho gặp. Bảo cô còn buồn, không ai được phỏng… cô ta. Nếu ổng vô sớm thì thằng kia không được gặp đâu. Cô ta đi đâu ổng cũng cho vệ binh theo tò tò canh giữ cái của quí của ổng.
– Thì của quí…í chớ là gì nữa!
– Mày đừng có nghĩ bậy bạ nghe mày!
– Ơ kìa, mày nói cô ta là của quí thì tao nói là của quí chớ phải tao nói là của không quí sao mà mày bảo tao nghĩ bậy b…ạ? Tao có nghĩ bậy bạ gì đâu.
– Cô ta tắm thì vệ binh xách nước cho cổ tắm chớ ổng không cho cổ xuống suối…
– ..Sợ người ta nom thấy cái của quí… hí hí…. !
Thuần bật cười. Tôi hỏi:
– Mày đã được tiếp cận, ủa tiếp xúc với cái của quí đó chưa?
– Cái của quí nào?
– Thì cô Quyên ấy mà.
– Tao gặp hằng ngày !
– Bộ mày ở gần đó à??
– Trước đây thì tao ở chung một nhà để làm việc với ổng. Tao là “bí nhứt” của ổng mà. Hổng biết ổng kêu hay Mặt Trận tự động đưa cô ta qua cho ổng. Rồi ông Ba Chè cho vệ binh cất cho tao một cái chòi riêng cách chừng vài chục thước, ủa chừng trăm thước. Nghĩa là khi nói chuyện, người bên này không nghe người bên kia, mà phải gọi to mới nghe. Mày rõ chưa nào?
– Dạ em rõ ạ, rõ lắm ạ! Như vậy là mày bị tống ra xa chức bí nhứ để trở thành bí nhì.
– Cô Quyên về ngủ chung với ông một… chòi !
– Bậy mày !
– Gì mà bậy! Bác cháu ngủ chung một chòi. Có gì đâu? Cháu được bác cưng dữ dội.
– Hồi nãy mày bảo tao đừng có nghĩ bậy bạ, vậy còn mày thì sao ?
– Tao có nghĩ gì bậy bạ đâu. Cô Quyên là vợ một anh hùng liệt sĩ, còn ổng là một nhà cách mạng thứ dữ, chỉ có thua Hồ chủ tịch thôi. Ai mà dám nghĩ bậy về hai con người như vậy.
– Vậy sao tao nghe nói…
– Nói gì ? Mày nghe cái gì ?
– Hì hì… tao hổng có nghe cái gì hết ! Nhưng cái gì tao cũng nghe hết, không sót một cái gì !
Thuần im lặng một lúc lâu rồi ngóc đầu lên:
– Mày có nghe thiệt à?
– Mày nghe hổng nghe thì thôi chớ tao có hổng có nghe cái gì ráo trọi !
– Mày nghe gì thì nói cho tao biết, tao ngăn chận đứng dư luận. Để lan tràn ra kỳ lắm.
Thấy thằng bạn hơi hốt hoảng tôi càng nói hàng hai để thấu cáy hắn chơi.
– Nói thiệt với mày tao nghe nhiều lắm, nhưng không biết cái nào đúng cái nào sai.
– Không có cái nào đúng đâu!
– Ừ không đúng thì bỏ qua đi, hỏi tao làm đéo gì !
– Thì đâu mày nói tao nghe thử.
– Không phải ổng đâu mà thằng khác.
– Hả? Thằng nào?
– Mấy thằng bên Mặt Trận hay ở đâu đó, ai mà biết được? Có thằng nào lại chịu cha ăn cướp. Hổng chừng có mày trong cái danh sách dài dằng đặc đó.
Thằng Thuần bỗng ré lên cười khanh khách. Tôi biết là tôi đã thấu cáy hắn rất thành công nên bảo luôn:
– Nhưng mày chưa đi đến đâu đâu !
– Sao mày biết?
– Mày chỉ xạ giàn ngoài thôi!
– Giỡn hoài mậy!
Tôi biết tính thằng bạn. Nó “nhạy bén” lắm ! Hơn nữa có vó tài tử xi-nê. Dễ gì mà nó tha con nai tơ ngơ ngác nhoáng qua nhoáng lại trước mắt hằng ngày. Hơn nữa con nai đã bị treo mõm mấy năm vừa đói lại vừa khát. Nghe suối lòng reo rả rích róc ra róc rách làm sao chịu nổi. Tôi bảo:
– Mày dở thật. Của ngon treo trước mõm lại để sói già nuốt mất.
– Đếch họ ! Sói già chỉ ngửi vành ngoài thôi. Còn gân đâu mà đánh vô trung tâm ?
Tôi biết là hắn tự ái nên nói khích:
– Tao lết trên Trường Sơn ói ra máu cục vậy mà vẫn “trả thù dân tộc được mấy tháng liền,” còn mầy ăn no ngủ kỹ vậy mà người ta dâng dưa tới họng thì lại tu.
Thuần cười. Hồi lâu mới tiếp:
– Để tao kể cho mày nghe nhé.
– Đừng có nói láo ông nội ơi !
– Tao láo cho B52 ăn tao đi.
– Ừ thì kể nghe !
– Nhưng mày phải hứa là không có nói đi nói lại cho ai nghe nhé ?
– Chẳng có “nhé, nhỉ” gì hết. Nói thì tao nghe chơi. Sau này viết truyện tao đưa khéo vào.
– Ông nội ơi ! Cái “khéo” của ông là cũng đủ bỏ mẹ tôi rồi. Nhưng được, dám ăn dám chịu. Sợ đếch gì. Mánh khóe ở đời không phải là “anh có ăn vụng không” mà là “anh ăn vụng anh có chùi mõm sạch không?” Phải không mày ?-Thuần nói to lên trong lúc tôi vẫn nằm im không đáp – Tao biết nhiều vụ còn động đất hơn. Vụ này ăn thua chi ?
– Ừ nói nghe chơi. Chớ để chết đem theo à?
– Chẳng có lãnh tụ nào anh minh cả. Trước cái l…, thằng chó nào cũng hít hít và gằm mặt vào đó và mê mẩn cả thôi Tao biết hết ráo trọi.
– Cả bác Hồ?
-Ông già thì tao không có ở gần mà tao chỉ nghe vài giai thoại thôi, còn từ anh Ba Duẩn, anh Hai Hùng, anh Sáu Thọ, anh Ba Khiêm, anh Mười Kỉnh, anh đéo nào tao cũng có hồ sơ cả.
– Kỉnh nào ?
– Kỉnh đại sứ ở Liên Xô !
– Ổng cũng có thành tích dữ vậy à?
– Ông Trần Văn Chè, ông Sáu Nam.
– Nam nào ?
– Lê Đức Anh tham mưu trưởng khu 7 hồi kháng chiến chống Pháp. Vô đây đổi tên là Sáu Nam. Rồi ông đại tướng họ Võ, ông Văn Tiến Rũng, ông râu rìa mặt mốc nào cũng đội cái húm lên đầu chứ chẳng có đạo đứt họng gì cả. Nếu tao là nhà dăng thì tao sẽ ghi ra hết.
– Còn ông Phó Giám đốc trường Đại Học Nhân Dân?
– Là ai ?
– Là mày đó chớ còn ai? Mày quên mày à?
Thuần phá lên cười rồi nói:
– Ông Chánh của tao cũng vậy nên tao phải noi gương chớ sao. Ổng là một cây đó mày ơi! Sở dĩ ổng không vô trung ương được là cũng do cái sự ấy một phần. Tụi Bêka nó nại cớ đó ra mà đá ổng. Mày biết không, ổng làm tái đến bà “ích xì” nữa đó. (Bà phu nhân này là vợ của một nhà cách mạng rất danh tiếng đã qua đời từ lâu, nên tôi xin phép không nêu tên.) Hồi ổng còn làm Tư lệnh kiêm Chánh ủy miền Tây, vợ ổng ghen cạo trọc đầu và nhảy xuống sông tự tử cơ mà! Các cha Trịnh Khánh Vàng, Võ Quang Anh cũng là những con heo nọc trứ danh mày không biết à?
– Có biết chớ sao không.
– Chuyện anh Ba Duẩn mày không biết bằng tao đâu. Nhưng khui ra nó thối lắm. Tao không muốn xấu lá xấu nem. Bây giờ với mày và ở giữa rừng tao mới nói ra lần thứ nhất. Hồi ở khu 9 ấy mà. Anh Ba nhà mình không có chỗ chơi nên quơ con Nga là mèo của ông Chánh ủy quỉ nhà mình. Con nhỏ này ở thành mới ra, cái hổ phệ còn mới, ra khu để kháng chén chống Pháp. Nào ngờ ra khu lại gặp Tư lệnh khu yêu mông em liền. Tư lệnh khu bỏ em dưới ghe mui ống có hai máy gân chạy khắp sông nước miền Tây lang thang trữ tình còn hơn là Phạm Lãi Tây Thi nữa. Bà Tư lệnh nghe được bèn tới nơi đánh ghen một trận còn hơn cả trận Tầm Vu, Sóc Xoài. Ông Tư lệnh chỉ huy ba quân nhưng lại sợ Sư Tử Hà Đông bèn tìm cách dứt đường tơ với cô nữ sinh Sài Gòn hơ hớ cái xuân tình. Cũng may, thời đó anh Ba mình từ ngoài cụ Hồ vô Nam để lãnh đạo kháng chiến. Các tai to mặt bự trong mình tới tâng công bằng cách gợi ý cáp cô bé cho ông già sồn sồn mặt nám đen như trời đánh hụt.
Anh Ba mình thấy cô nàng da trắng như tuyết, tóc đen như mây thì mê tít thò lò rồi nhưng làm bộ chín hấu mại dưa leo, ra cái điều đạo đức cao “Tôi đã có gia đình rồi, làm vậy hơi khó coi ! ” Khó thì khó nhưng mấy ông Hai Hùng, Ba Khiêm, Chín Kỉnh ép tí nữa: “Anh xa nhà thiếu thốn tình cảm. Anh nên có chị để phục vụ cách mạng ! ” Thế là anh Ba nhắm mắt phục vụ cách mạng với em Nga ở dưới ghe ngay buổi tối đó ! Đạo đức con người dễ đánh rơi quá mày ạ !
– Mày có ở gần đó không?
– Tao ở trong cơ quan chớ đâu.
– Sao mày thấy cái đạo đức của anh Ba rơi mà mày không chịu khó lượm lên gắn lại dùm cho ảnh?
Thuần cười .
– Phải nó rơi một lần thì tao còn lượm được. Còn đàng này nó cứ rơi liền liền mà. Rơi nghe lủm bủm dưới nước. Cá chốt bu lại rỉa hết ráo, còn đâu mà lượm?
Ngưng một chút Thuần lại nói tiếp. Hắn nói mê man như xổ bầu tâm sự ứ đọng lâu nay.
– Tao nói thật với mày. Nhà thơ tao chỉ phục có mình Xuân Diệu thôi.
– Sao vậy ? Phục bài nào ?
– Một câu thôi.
– Mặt trời đi ngủ sớm hả ?
– Không! Câu này: “Khuyên ai chớ khá lại gần ta! Nhân loại trông gần cũng xấu xa ! “
– Là cái nghĩa gì ?
– Mày không hiểu nghĩa gì à? Sợ mày còn hiểu hơn tao chớ. Xưa kia tao đi theo “cách mệnh” tao coi trời hồng tươi, đẹp đẽ, rực rỡ, cao quí, cao thượng, vĩ đại, linh thiêng… vô cùng. Cho nên tao bỏ trường đi theo không học tiếp, bằng Tú tài chỉ còn sáu tháng nữa là nẫng cái một, vợ đẹp con xinh như chơi, nhưng tao không màng. Cách mạng đẹp quá! Đi theo cách mạng vinh quang hơn. Ở xa xa, nhìn cách mạng thì nó là mỹ nhân, khi tới với nó rồi, nó thành thường nhân, đi với nó lâu ngày, thì nó là thằng cùi, và bây giờ thì không biết nó là cái gì trong tao, tao ớn lắm. Nghe ai nói tới hai tiếng cách mạng là tao mắc cỡ thầm. Tất cả những thằng già thằng trẻ, con gái bà già đi theo cách mạng là để kiếm chác chớ chẳng phải có lý tưởng lý tung gì cả đâu. Cho nên khi họ nhìn rõ mặt cách mạng rồi họ “ô-rơ-voa” ngay.
– Giỡn hoài mậy!
– Để yên tao nói hết. Mày thấy sau khi tụi mình tập kết ra Bắc, cách mạng có còn đẹp và hấp dẫn như thời mình mới bỏ trường đi kháng chiến chống Pháp nữa không?
– Đẹp chứ, nhưng đẹp cách khác ! – Tôi gượng gạo đáp.
– Đẹp sao mày lên Ủy Ban Quốc Tế xin về Nam hả?
No comments:
Post a Comment