Friday, July 15, 2022

GIÃ TỪ BÌNH LONG Ngày 29 tháng 7 năm 1972 - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 GIÃ TỪ BÌNH LONG

Ngày 29 tháng 7 năm 1972

Kể từ ngày đi phép về được ba tuần, một hôm vào cuối tháng 7, tôi được tin bác sĩ Lê Quang Tín đang trên đường lên Bình Long để thay thế anh Phúc.

Ba tuần chờ đợi ấy thực dài. Thà không biết để sự việc tự nó đến lúc nào thi đến, nay biết rồi chúng tôi chờ đợi, đếm từng ngày một rất sốt ruột.

Trời dạo này ở Bình Long hay mưa, gần như ngày nào cũng có một trận. Mưa ở đây hơi đặc biệt một chút là mưa nắng cùng một lúc. Chính trong một trận mưa nắng đó mà bác sĩ Tín, người tụi tôi đang mong đợi đã tới.

Sau khi giúp bác sĩ Tín để gọn đồ vào một chỗ xong, tôi với anh Phúc sơ lược tình hình hiện tại cho bác sĩ Tín nghe, cùng kêu tất cả các anh em Quân Y từ các hầm khác tới giới thiệu với bác sĩ Tín để cho biết mặt nhau. Phụ tá với bác sĩ Tín là hai bác sĩ khác mới ra trường cũng đang trên đường lên đây.

Tôi và anh Phúc dẫn bác sĩ Tín sang hầm chỉ huy để giới thiệu Tín với Đại tá Tỉnh Trưởng. Nhân cơ hội đó tôi nói ngay:

– Thưa Đại tá bây giờ đã có người thay thế. Sau khi bàn giao xong chúng tôi muốn được từ giã Đại tá về Liên Đoàn 73 Quân Y trình diện để nhận công tác mới.

Đại tá Nhựt nói:

– Được rồi, bàn giao xong bác sĩ muốn đi lúc nào thì đi. Chừng một hai tháng nữa chắc moa cũng đi chỗ khác. Chỗ này đâu còn gì đâu, để cho ông Thành coi.

– Như vậy nếu ngày mai có trực thăng tới, xin phép Đại tá chúng tôi sẽ theo máy bay về Lai Khê luôn.

Đại tá Nhựt gật đầu:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Được, chúng mình sẽ còn có ngày gặp nhau.

Tôi với anh Phúc, Bác sĩ Tín lần lượt bắt tay Đại tá Nhựt rồi đi về hầm mình.

Sáng hôm sau, chúng tôi được tin có hai chuyến trực thăng tới vào khoảng 1 giờ trưa. Tôi với anh Phúc đã sửa soạn xong rất gọn và nhẹ. Tôi chỉ có một túi xách tay, anh Phúc cũng vậy. Chúng tôi từ giã các nhân viên và bác sĩ Tín rồi lên xe Hồng Thập Tự ra chỗ sân ở bãi đáp cùng với mấy người lính Nhảy Dù đi phép. Khi máy bay vừa đến, bay là là trên mặt đất, không đậu hẳn xuống đất, có lẽ là đề phòng, nếu địch pháo thì sẽ vọt lên lẹ hơn.

Chúng tôi chạy nhanh để nhảy leo lên máy bay. Tôi lên sau cùng vừa phóng người lên chưa nắm được điểm tựa nào thì máy bay đã bốc vọt lên cao làm tôi chới với suýt nữa té lộn xuống. May có người lính ngồi ở gần đưa tay kéo áo tôi kịp lôi vào. Lúc đó tôi mới ngồi lên được trên ghế, cột nịt dây an toàn xong nhìn ra thì thấy anh Phúc đã ngồi đối diện, đang mỉm cười nhìn tôi. Tôi thầm nghĩ: Tay này nhanh thật. Không biết dọt lên hồi nào mà đã yên vị như vậy.

Khi máy bay cất cánh lên đầu ngọn cây thì bắt đầu pháo địch nổ. Tôi thấy hai trái rơi cạnh bãi đáp khoảng 100 thước. Bụi đất tung mịt mù toàn cát đỏ. Chỉ trong tích tắc máy bay đã ra khỏi vòng pháo, lướt mình trên những ngọn cây cao su thẳng đường về hướng Lai Khê.

Thế là sau hơn một năm làm việc tại Bình Long-An Lộc, tôi đã rời khỏi tỉnh lỵ này với một số kỷ niệm khó quên.

Về tới Sài Gòn, đọc lại những tờ báo cũ tả trận chiến đó, tôi thấy nó lớn ghê gớm và cũng rất quan trọng. Nếu để địch quân chiếm đóng được tỉnh này thì ảnh hưởng tâm lý với dân chúng toàn miền Nam sẽ rất lớn. Các nhà báo cả trong và ngoài nước đã so sánh trận này với trận Điện Biên Phủ năm 54. Chỉ khác là trận này quân ta đã giữ vững được vị trí, đẩy lui được địch quân.

Năm trước khi tôi tới đây, thành phố đang trên đà phát triển. Tôi thấy nếu không có chiến tranh tỉnh này sẽ là một trong những tỉnh trù phú nhất của Vùng III Chiến Thuật. Khi tôi ra đi thì nơi này đã trở thành bình địa. Những thay đổi đó cùng với cái may mắn được sống sót đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi có cảm tưởng như là người vừa được sống lại. Vậy phải sống làm sao cho ra người.

Tôi chợt nhớ tới bài thơ “Bán Than” của Đại tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư khi ông bị cách chức vì đã thua quân Mông Cổ một trận. Ông lên rừng đốn củi bán than để làm kế sinh nhai. Tôi thích nhất hai câu:

Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài chi gốc củi tàn

Tôi thực ra bây giờ không phải là một gốc củi tàn, nhưng là một con người mới. Có những ngày địch pháo tới 10 ngàn trái vào tỉnh lỵ trên một diện tích giới hạn như vậy, mà tôi không bị một mảnh đạn nào. Kiểm điểm lại, tôi đã thoát chết bốn lần, hai lần tôi tin phải có một phép lạ nào đó đã run rủi cho tôi được thoát nạn. Đó là tôi đã di chuyển lên hầm bác sĩ Phúc đúng vào đêm phòng tôi bị pháo trúng và một lần khác khi đứng nói chuyện với mấy anh Quân Y Tá dưới tàn cây trứng cá tại sân bệnh viện. Tôi muốn sống cho xứng đáng với lòng từ bi của Trời Phật đã ban cho tôi. Làm gì thì làm cũng phải là đồng tiền tốt, phải lương thiện và cưu mang những người khốn khổ, giúp đỡ những người nghèo khó thế cô. Thực hành như vậy trong hoàn cảnh xã hội này thật khó. Nhưng cố gắng chắc cũng được, hoặc ít ra cũng vạch ra cho mình được một con đường đúng để đi, không bị cám dỗ bởi những đồng tiền không tốt.

Khoảng 45 phút sau, tôi an toàn xuống máy bay tại hậu cứ Sư Đoàn 5. Tôi với anh Phúc hỏi thăm đường tới doanh trại Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Tôi kiếm bác sĩ Trần Nguyên Tường, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Quân Y, bạn cùng lớp với tôi xin giúp đỡ phương tiện về Sài Gòn. Thời may có một xe Hồng Thập Tự sắp sửa rời Lai Khê chuyển thương binh về Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi với anh Phúc liền quá giang chuyến đó để khỏi phải chờ lâu.

Một giờ sau tôi đã có mặt tại Sài Gòn, bấm chuông nhà. Hôm ấy là ngày Thứ Bẩy, các em tôi đều ở nhà cả. Mọi người đều vui mừng đón tôi. Lần này không có cái ngạc nhiên bất ngờ như lần nghỉ phép kỳ trước. Nhưng thật vui vì mẹ và các em tôi được biết là tôi không phải trở về Bình Long. Tuy tôi chưa biết sẽ nhận công tác ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn là tôi được ưu tiên chọn chỗ mới.

No comments:

Post a Comment