Friday, July 15, 2022

MẤT LỘC NINH Ngày 7 tháng 4 năm 1972 - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 MẤT LỘC NINH

Ngày 7 tháng 4 năm 1972

Ngày 7-4-72 tình hình trở nên khẩn trương. Việt Cộng vẫn pháo kích đều đều vào tỉnh lỵ. Nhất là vào phi trường, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 và Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận Bình Long.

Tin tức báo cáo về cho biết Việt Cộng đã tràn ngập Chi Khu Lộc Ninh. Một quận ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Long, sát biên giới Việt Miên và cách An Lộc chừng 25 cây số. Nghe nói một phần Bộ Chi Huy Trung Đoàn 9 bị bắt.

Thiết Đoàn 1 bị đánh úp, tan nát chỉ còn hai chiếc Thiết Vận Xa cố lết về An Lộc. Một chiếc hư đành nằm lại dọc đường và bị B40 bắn cháy cùng với một số thương binh nằm trong. Tôi đã thấy chiếc còn lại về tới An Lộc, bùn đất bê bết trông thật thê thảm.

Mấy ngày trước, các bệnh nhân từ Quản Lợi ra báo cho tôi biết Việt Cộng về đầy dẫy chung quanh đồn điền, đào hầm hố, công sự chiến đấu một cách công khai. Tôi có cho Thiếu tá Diệm biết và hỏi tại sao mình không có phản ứng nào hay mình không biết. Tin tức tình báo của mình đâu? Tại sao mình không cho máy bay dội bom xuống hay ít ra cũng pháo kích cho địch quân không có cơ hội sửa soạn chiến trường được. Ông Diệm không có câu trả lời. Bây giờ đến lượt Quản Lợi bị chiếm. Các tiền đồn dọc theo Quốc lộ 13 rút dần về phía tỉnh lỵ. An Lộc đã bị bao vây và cô lập. Những tin tức bất lợi dồn dập tới làm mọi người lo lắng xôn xao. Một số nhân viên ờ nhà thương đều có bà con thân thuộc ở Lộc Ninh. Họ không còn tinh thần làm việc nữa. Điều này không đáng trách.

Tôi gặp bà Tư đứng khóc một mình trong phòng mổ. Bà đã khá đứng tuổi. Tôi không biết tuổi thật của bà bao nhiêu nhưng chắc khoảng 50 tuổi. Bà là y công phòng mổ, dáng người gầy gò nhưng vẫn còn mạnh khỏe lắm. Tên thật của bà là Khánh.

Bà có một hàm răng mái hiên rất rõ ràng. Có lần tôi nói đùa với bà rằng nếu trời mưa ai đi với bà chắc chắn không sợ ướt. Bà chỉ cười không tỏ vẻ gì phật ý cả. Ở trại Sản Khoa của cô Đào cũng có một bà y công gốc Bắc Kỳ nữa tên là bà Đề. Một hôm trời mưa, tôi khám bệnh ở trại Sản Khoa xong ngồi lại nói chuyện với cô Đào, có cả bà Khánh, bà Đề. Tôi đọc trẹo một câu ca dao là: “Trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có nón trời đưa tôi về, trời đưa tới nhà bà Đề, trời bỏ tôi đó, tôi về mặc tôi”, làm cho bà Khánh, bà Đề cười sặc sụa. Tôi thấy những người đó rất chất phác và dễ cười thật.

Tôi tuy ít nói cười, thỉnh thoảng cũng hay nói chuyện khôi hài một chút nhưng luôn luôn có một niềm kính trọng người khác, không cậy thế, cậy thần, kiểu dưới mắt không người, nên tôi cũng được người ta quý trọng lại. Đặc biệt là đối với nhân viên dưới quyền, tôi rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần.

Bà Tư rất quý mến chúng tôi, coi như những người thân trong gia đình, đặc biệt là tôi, cũng người miền Bắc như bà. Mặc dù bà đã lập nghiệp ở đây từ mấy chục năm rồi. Tôi hỏi giọng nhẹ nhàng:

– Có chuyện gì vậy bà Tư?

– Con tôi chắc chết mất bác sĩ ơi! – Bà vừa mếu máo vừa trả lời.

– Nó ở đâu? Bị bệnh hay sao?

– Không ạ. Bà Tư vừa lau nước mắt trả lời. Cháu nó đi lính ở Lộc Ninh, Việt Cộng chiếm quận đó rồi thì nó còn sống làm sao được.

Những giọt nước mắt của người mẹ già khóc cho đứa con trai làm tôi xúc động. Tôi nghĩ tới mẹ tôi, giờ này ở Sài Gòn, chắc mẹ tôi nóng ruột và lo lắng cho tôi nhiều lắm. Tôi là con trai độc nhất, mẹ tôi đã ở vậy nuôi anh em chúng tôi từ khi thầy tôi mất, lúc bà mới 26 tuổi. Tới bây giờ tôi vẫn chưa giúp đỡ được gì cho gia đình cả. Mọi việc đều trông mong vào sự đảm đang của các cô em gái.

Hồi đầu năm về thăm nhà, mẹ tôi ân cần dặn dò:

– Này, năm nay con phải cẩn thận. Hạn sao Thái Bạch không phải tầm thường đâu.

Tuổi tôi năm nay 30 nhưng tính theo tuổi ta thì 31. Theo mấy ông thầy tử vi, đó là năm xui xẻo lắm. Tháng nào mẹ tôi cũng cúng sao giải hạn cho tôi. Tôi cũng tin là năm nay tôi gặp nhiều điều nguy hiểm nên tôi thầm mong lòng thành của mẹ tôi sẽ xui khiến tôi tránh được những rủi ro nếu có. Tôi biết rằng nếu tôi có mệnh hệ nào, mẹ tôi và các em tôi sẽ đau khổ vô cùng. Tôi là cột trụ, là niềm hy vọng của gia đình, tôi phải biết bảo trọng lấy thân. Các em tôi thường nhắc nhở:

– Anh ở trên ấy đừng đi chơi xa, Việt Cộng đầy dẫy, nguy hiểm lắm. Má và các em ở nhà lo lắng cho anh nhiều. Hôm nọ má đi xem bói, ông thầy mù nói hãy lưu ý đến đứa con tuổi Ngọ, vận hạn nặng lắm.

Tôi ngắt lời:

– Anh biết rồi, anh làm không hết việc, thì giờ đâu đi chơi xa.

Là con trai độc nhất, tôi nhận được nhiều tình thương của mẹ, lòng yêu kính của các em. Tuy nhiên vì vậy nhiều khi tôi không dám làm những việc theo ý mình. Tôi thích phiêu lưu, muốn có nhiều kinh nghiệm sống. Khi mới ra trường, tôi tính chọn vào một đơn vị Tổng Trừ Bị để có thể đặt chân trên khắp nẻo đường đất nước, để được mở rộng tầm mắt nhìn đối với quê hương. Nhưng nghĩ đến gia đình, tôi đành phải dẹp những ý định đó và cho đến bây giờ tôi vẫn quanh quẩn ở Vùng III Chiến Thuật, để khi cần chỉ trong vòng một hay hai giờ, tôi có thể có mặt ở nhà.

Vì có tâm sự như vậy, nên tôi rất thông cảm hoàn cảnh của bà Tư. Tôi kinh sợ cái cảnh tre già khóc măng. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ an ủi bà:

– Thôi bà đừng khóc nữa, sống chết có số mạng cả. Bà ăn ở hiền lành chắc cháu nó cũng không sao đâu. Bà lo phiền, hại cho sức khỏe.

Bà Tư đáp:

– Cảm ơn bác sĩ, chắc tôi phải xin nghỉ. Nghe tin đó, chân tay tôi rời rã không còn làm việc được gì nữa.

– Được rồi, nếu bà thấy khó ở, cứ xin nghỉ vài hôm cho khỏe.

Tôi từ giã bà Tư đi ra Phòng Cứu cấp. Tôi thấy cô Cúc gương mặt buồn rầu, cặp mắt đỏ hoe ngồi thu người trên chiếc divan. Khác với ngày thường cô là người ham hoạt động và hay nói chuyện huyên thuyên rất vui vẻ.

Tôi thường lưu ý tới đời sống nhân viên, sẵn sàng giúp đỡ họ nếu họ có gặp điều gì khó khăn. Một vài người kêu tôi là “bác sĩ nhà mình”. Danh từ đó nói lên tình thân giữa tôi và họ. Tôi hỏi cô Cúc:

– Có ai trêu chọc cô hả?

Cúc lắc đầu đáp:

– Nghe tin Lộc Ninh mất, em lo cho ba má em với thằng em trai của em đi lính trên đó. Ba má em già rồi, em còn mỗi thằng em trai, nó mà chết, chắc em sống không nổi.

– Năm nay nó bao nhiêu tuổi?

– Dạ, 17 tuổi.

– Nhỏ vậy chắc địch không thèm giết đâu, cùng lắm là bị bắt mà thôi. Nhưng tôi tin thế nào nó cũng trốn về được.

Những lời an ủi của tôi không làm vơi được nỗi buồn của cô. Sức làm việc của cô kém hẳn đi. Cô không còn tâm trí đâu để làm việc nữa. Thường cô và người em gái nhỏ chừng 12 tuổi rút vào phòng riêng khóc với nhau. Tôi thông cảm nỗi buồn của cô và để cô được tự nhiên.

Trước đây, cô Cúc thuê nhà ở ngoài phố nhưng từ khi có những cuộc pháo kích, cô và mấy y tá khác đã xin phép dọn vào văn phòng của phái đoàn Milphap ở vì nhân viên đoàn này đã không có mặt ở đây. Họ đã rút đi đâu mất tiêu từ khi Bác sĩ Risch đi nghỉ phép. Tôi rất vui lòng khi thấy họ ở đó vì chắc chắn lúc nào tôi cũng có nhân viên giúp việc, rất tiện cho tôi và cho bệnh viện và khỏi sợ họ trốn luôn ở nhà.

Bốn hôm sau khi tôi nói chuyện với cô Cúc, đi ngang qua chỗ cô ở, tôi ngạc nhiên lại nghe thấy tiếng cười vui vẻ rộn rã của cô. Tôi vội bước vào phòng hỏi:

– Có chuyện gì mà cô Cúc vui vậy?

Cúc mỉm cười quay sang bên trái, đưa ngón tay chỉ cho tôi một thiếu niên trong bộ đồ nhà binh nét mặt còn non choẹt nói:

– Bác sĩ, em trai em nó trốn về được rồi.

Tôi mừng rỡ:

– Vậy hả? Nó tên gì? về từ hồi nào?

– Nó tên Nhâm. Nó về đây từ chiều hôm qua.

– Giỏi quá, vậy mà cô không cho tôi biết để tôi mừng với.

Quay sang Nhâm tôi hỏi:

– Em đi bằng cách nào mà hay vậy?

– Em đi bộ từ Lộc Ninh xuống đây, – Nhâm rụt rè trả lời –, em đi cùng với mấy người bạn. Ban ngày thì trốn trong rừng, đêm đến mới dám lần mò tìm đường đi xuống đây.

– Đi như vậy có gặp Việt Cộng không?

– Dạ không, gặp thì nó đã bắt lại rồi. Tụi em biết lối đi, tránh né hết. Tụi em chỉ sợ Pháo Binh mình hoặc máy bay trông thấy tưởng là Việt Cộng bắn lầm. Về đến đây, gặp mấy anh Biệt Động Quân dơ súng định bắn. Tụi em phải dơ tay hàng, xuất trình giấy tờ nói là lính Nghĩa Quân trốn thoát từ Lộc Ninh về. Họ giữ lại điều tra kỹ càng rồi mới cho đi.

– Này, cô Cúc, thế là cô toại nguyện rồi nhé. Tôi nói đâu có sai. Em cô đã trốn về được rồi vậy cô phải làm việc thật hăng vào nghe không?

Cúc cười thật tươi đáp:

– Dạ, em của em sống sót trở về. Bây giờ em có phải làm gấp đôi gấp ba em cũng vui lòng.

No comments:

Post a Comment