Friday, July 15, 2022

BÁC SĨ PHÚC TRỞ VỀ Ngày 9-4-1972 - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

 BÁC SĨ PHÚC TRỞ VỀ

Ngày 9-4-1972

Sáng ngày 9-4, mới 8 giờ 25 phút, tiếng bom do máy bay B52 thả xuống đã nổ rền ba đợt, khá gần làm rung rinh cả vách tường. Cửa sổ và cửa ra vào phòng tôi đập ầm ầm theo nhịp bom. Tôi cài cửa bằng một thanh sắt dài 20 phân, được uốn cong thành hình chữ U nhét qua hai khoen sắt. Vậy mà nhiều đêm đang ngủ, B52 thả bom, cửa rung mạnh quá làm rơi cả thanh sắt đó, khiến tôi phải lồm cồm bò dậy, gài lại.

Sau cuộc dội bom, suốt sáng đó không thấy địch quân pháo kích nữa. Chừng một giờ sau, tôi nghe thấy tiếng trực thăng Chinook bay ngang qua bệnh viện. Khoảng 20 phút sau, khi tôi từ Phòng Hậu Giải Phẫu bước ra hè, tôi thấy bác sĩ Nguyễn Phúc, Trưởng Ty Y Tế vừa rời chiếc xe Mobylette do một người đàn ông chở tới.

Thấy anh, tôi mừng quá, vội rảo bước xuống sân tới đón anh. Có nhiều nhân viên khác cũng chạy tới chào anh. Khuôn mặt mọi người đều mừng rỡ khi thấy anh trở về. Tâm lý chung, những lúc nguy khốn ai cũng trông mong ở vị chỉ huy của mình.

Anh chỉ gật đầu chào mọi người vì còn mải quay lại cám ơn người đã cho anh quá giang. Anh dơ tay bắt tay tôi, miệng hơi mỉm cười. Tôi thấy anh có vẻ mệt. Nước da ngăm đen của anh hơi sạm lại hơn những ngày thường. Tôi chỉ nhìn thấy cặp mắt trắng của anh mà thôi. Tôi hỏi anh:

– Anh mới về, chắc mệt lắm?

Bác sĩ Phúc gật đầu:

– Tôi đi bằng Chinook mới đáp xuống đó.

– Trực thăng xuống chỗ sân vận động hả anh?

– Đúng. Tôi không thấy xe đón, phải đi bộ về. May gặp ông Chuyển cho quá giang xe.

Tôi liền đáp lời anh:

– Tụi tôi không được tin anh về. Mà sao anh cũng còn nhớ mang được áo giáp, nón sắt lên thế.

– Đâu có, tôi mới lấy ở bên nhà. Đợi mãi không có máy bay, tôi đành theo chuyến Chinook lên, đổ bộ cùng vói Biệt Động Quân. Họ trang bị vũ khí đầy người. Mình tôi đi người không, lọt vô đó trông không giống ai cả. Khi đi chỉ sợ máy bay đáp xuống một cánh rừng nào đó để Biệt Động Quân đánh bọc hậu Việt Cộng thì mệt. Vì như vậy, mình bắt buộc phải theo họ cho tới cùng. Lúc tới nơi thấy binh lính ùa xuống, chạy tìm chỗ nấp, bố trí sẵn sàng coi như sắp đánh nhau. Mình thấy ớn quá.

Thì ra từ bãi đáp, anh đã ghé qua nhà nên trông quần áo có vẻ tươm tất, sạch sẽ. Có lẽ ông Chuyển, người cho anh quá giang, trong lúc đi đường đã báo cáo sơ qua tình hình ở đây nên anh đã biết hiện thời không còn như những ngày trước nữa nên đã mang theo áo giáp, nón sắt để phòng thân.

Tôi tiếp tục nói:

– Cũng may trước khi máy bay đáp, B52 đã dội bom rồi thành ra không có pháo kích. Nếu không, cũng vất vả lắm.

Bác sĩ Phúc gật đầu, nói:

– Đi đường tôi thấy nhiều hố đạn pháo kích quá.

Tôi ngắt lời hỏi:

– Anh đi ngang cổng, có thấy hố hỏa tiễn 107 ly không?

– Tôi không để ý.

– Trái đó nổ sát rào bệnh viện, đã giết chết ồng Long.

– Thế à, mấy ngày nay chắc anh bận lắm nhỉ?

– Dạ, cũng kha khá.

– Chắc chỉ làm mấy cái nhỏ thôi, chứ mổ lớn như bụng biếc đâu có mổ được phải không?

Tôi trợn mắt lên:

– Mổ chứ anh. Kể từ ngày 5 tháng 4 đến giờ, tôi đã mổ được 36 trường hợp, trong đó có 10 cái mổ bụng. Binh lính đều được tản thương còn dân vẫn nằm tại đây.

Bác sĩ Phúc gật đầu hài lòng, nói tiếp:

– Vậy thì suya quá rồi.

Vừa nói chuyện chúng tôi vừa bước dần về văn phòng bác sĩ Phúc. Tôi nói sơ qua tình hình trong tỉnh và trong bệnh viện cùng những biện pháp tôi đã làm. Tôi nói thêm trước khi kết thúc câu chuyện:

– Anh về an toàn, tôi mừng lắm. Di chuyển bằng máy bay bây giờ rất nguy hiểm. Súng phòng không của địch bố trí quanh đây rất nhiều. Có anh chỉ huy đơn vị, tôi được rảnh tay lo mổ xẻ. Những ngày sắp tới chắc chắn sẽ gian nan, vất vả vô cùng.

– Ở Sài Gòn, tôi không tưởng tượng nổi tình hình lại bi thảm đến thế. Tôi cứ nghĩ như mấy lần trước, Việt Cộng dọa đánh, pháo kích lai rai vài quả, cùng lắm là chiếm mấy cái sóc, cái ấp xa xa. Chứ đâu có ngờ mình bị bao vây cô lập. À mấy thứ thuốc anh cần, tôi đã xin Liên Đoàn rồi. Họ đã gửi lên Lai Khê, chừng hai ngày nữa, có phương tiện họ sẽ gửi lên. Thôi cám ơn anh, để tôi gặp ông quản lý bàn mấy chuyện về Ty Y Tế một chút.

Tôi chào anh rồi đi về trại Ngoại Khoa tiếp tục làm việc. Một lát sau, tôi nhận được giấy mời họp vào 10 giờ sáng ngày mai. Tức 10-4-1972.

Buổi trưa hôm ấy, tôi mặc áo giáp lần đầu tiên. Đầu đội nón sắt, đi bộ về nhà ăn cơm. Chiếc áo này rất vừa với tôi, size Medium. Tôi cảm thấy hơi nặng nặng. Mới đi được mấy chục bước, tôi đã thấy mồ hôi sau lưng rịn ra chảy ướt cái áo ba lỗ phòng mổ tôi thường mặc. Nhưng không sao, có nó tôi cảm thấy an tâm khi đi ra ngoài. Dọc đường, tôi thấy hố pháo kích nhiều hơn trước. Con đường thay đổi bộ mặt mỗi ngày.

Anh Châu chờ tôi ở sau nhà. Anh than:

– Nước sắp hết rồi bác sĩ ơi! Còn chừng nửa phuy, dùng ngày nữa là hết.

Tôi cũng hơi lo. Bây giờ không thể cho xe vô Quản Lợi lấy nước như cũ được vì nơi đó đã bị chiếm rồi và những vùng quanh đây thì không được an ninh. Tôi nghĩ anh Châu có tài xoay sở, thế nào cũng tìm ra được nước cho mình. Tôi nói:

– Kẹt nhỉ, trời mà mưa được thì đỡ quá, cũng gần tới mùa mưa rồi. À, còn gạo thì sao.

– Cái đó bác sĩ khỏi lo. Gạo nhà mình còn hơn một tạ, ăn cầu ba tháng cũng chưa hết. Còn thêm hai thùng gạo sấy nữa và vài chục đồ hộp.

– Anh kiếm đâu mà hay vậy?

Anh Châu được tôi khen khoái chí, phập phồng hai cánh mũi, nhướng con mắt độc nhãn của anh, nhìn tôi mỉm cười:

– Lo xa mà bác sĩ. Gạo sấy xin bên bà Chín, đồ hộp mua ở Quân Tiếp Vụ.

Anh Châu vừa nói vừa sắp cơm cho tôi ăn ngay trên chiếc bàn gỗ sau nhà, dưới bóng mát của cây đa.

Tôi ăn hối hả vì đói và vì hai ngày chưa được ăn cơm. Vừa hết một bát thì một trái đạn pháo kích rớt ngay sân trường Trung Học, trước mặt tôi và cách chừng 30 thước. Đất đá nâu đen bắn tung lên rồi rơi lộp độp trên mái nhà. Tôi lom khom người thu vội chén bát nói:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Dọn vô hầm ăn, anh Châu.

Tôi đi vô nhà, xuống hầm trước. Anh Châu mang thức ăn theo sau. Tôi ngồi ngay xuống đất, tiếp tục ăn nữa. Bên ngoài, đạn pháo kích vẫn nổ ầm ầm. Đất cát, mảnh đạn tiếp tục văng lên mái ngói. Anh Châu ngó qua cửa sổ hầm kêu:

– Chết cha, một trái trúng trại Gia Binh Quân Y rồi.

Tôi nhón người nhìn ra, thấy đất cát bay mù mịt ở trại Gia Binh, cách chỗ tôi chừng 100 thước.

Có tiếng xe Jeep đậu ở ngoài sân, rồi tiếng chân người gấp rút chạy vào nhà. Qua cửa hầm, tôi thấy chú Út và một người lính đang hốt hoảng tông cửa vào núp. Tôi gọi:

– Vào đây Út.

Út là tài xế của Thiếu tá Diệm, Út lách mình xuống hầm, ngồi phệt ngay xuống đất, mặt mũi thất sắc, hơi thở dồn dập và nói:

– Em suýt chết bác sĩ ạ. Một trái nổ ngay trước xe. Mảnh văng làm bể kiếng chắn gió, nếu em không cúi đầu xuống kịp là tiêu rồi.

Quay sang người bạn, Út nói có vẻ trách móc:

– Anh cứ bảo chạy nhanh nữa đi. Mình chỉ vọt lên chút xíu nữa là lãnh đủ.

Người bạn chỉ biết ngồi, cười trừ. Tôi hỏi:

– Anh về lấy cơm cho Thiếu tá phải không?

– Vâng. À, thằng Xuân chết rồi. Bác sĩ biết chưa?

– Trời! Xuân chết rồi à. Nó hiền lành dễ thương. Tội nghiệp, nó lại mới cưới vợ được mấy tháng.

Xuân là lính của ông Diệm, rành về nghề mộc. Ông Diệm đã cho Xuân tới giúp tôi đóng vách ngăn phòng tại phòng mạch mới của tôi, vài ngày trước khi xảy ra những vụ pháo kích này. Út tiếp tục kể:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Nó bị thương chết ngay, không kịp mang đến bệnh viện.

Tôi hỏi thăm Út để lấy thêm vài tin tức mới:

– Ở Tiểu Khu có dễ chịu không?

– Cực lắm bác sĩ ơi. Ngày nào cũng phải làm bao cát. Canh gác ngày đêm, đâu có được ở không.

– Trong đó có đủ nước uống không?

– Dạ, có một cái giếng. Nước bơm lên có giờ. Mỗi lần lấy nước, tranh nhau cực lắm, khó khăn lắm. Nước này chỉ để uống, nấu ăn thôi, cấm không được tắm, giặt.

Nghe như vậy, tôi thấy hy vọng nhờ Thiếu tá Diệm kiếm nước cho tôi tan thành mây khói. Tôi hỏi tiếp:

– Có nghe thấy tin tức gì không?

– Em nghe nói viện quân Dù sắp lên.

– Nhà có hầm tốt không?

– Dạ, sơ sài lắm. – Út nhìn quanh, ngó lên trần hầm.

Tôi nói:

– Hầm này tốt lắm, hay Út mang vợ con sang đây ở an toàn hơn. Ở nhà Út gần trại Cải Huấn, nguy hiểm lắm. Quân mình phía đó ít.

Anh Châu cười, xen vô:

– Nhà này vững lắm, có Thần Cây Đa che chở. Bác sĩ thấy lúc nãy, nó pháo chỉ rớt chung quanh đây chứ có trái nào trúng nhà đâu. Dù có trúng, đạn chạm vào cành Đa cũng nổ rồi. Mình ở trong hầm đâu có việc gì.

Anh Châu chỉ có lý trong tháng đầu. Tháng sau, có lẽ bom đạn nổ nhiều quá làm kinh động tới Thần Cây Đa nên Thần phải di cư đi chỗ khác, hết linh. Thành ra nhà và hầm đó đều bị pháo trúng năm, sáu trái sập luôn. Một gia đình tị nạn ở trong đó, hai người bị thương đứt chân. Hiện cái chân gẫy vẫn còn để trong hầm. Ngay cái miễu thờ gốc cây Đa của Trung sĩ Hùng cũng bị pháo tan tành.

Anh Châu đã sắp sẵn xong cơm, đưa cho Út. Út đứng dậy nói:

– Em đi đây, bác sĩ.

Tôi vội nói:

– Cho tôi quá giang vào bệnh viện luôn. Anh Châu ở nhà cẩn thận nhé. Cứ nằm trong hầm cho chắc ăn.

Chúng tôi lên xe. Ngoài đường vắng ngắt, không một bóng người, Út dừng xe trước trại Ngoại Khoa. Tôi cảm ơn Út xong, bước xuống đi về phòng. Tôi ngả người nằm xuống mặt đệm mát lạnh. Bác sĩ Phúc đã trở về, thế là nhẹ được phần trách nhiệm. Tôi an tâm làm công việc của tôi hơn.


No comments:

Post a Comment