Những ngày nằm sốt rét lây lất ở Hội Văn Nghệ Giải Phóng, tôi gặp lại Hoàng Việt đi móc vợ ở sông Sài Gòn trở về. Sau một thời gian tẩm bổ, anh khỏe lên nhưng tóc thì bạc hết và mặt như sưng, da mặt láng như vỏ vú sữa. Anh khoe:
– Tao đạt mục tiêu rồi ?
– Mục tiêu gì ?
– Mục tiêu tao nói hồi ngoài Trường Sơn đó !
– À anh đã móc chị Bảy vô rồi hả?
– Tao về tới là móc vô ngay.
– Còn yếu vậy mà cũng cả móc!
– Hì hì… mày cũng nên tính việc móc đi. Cơ quan đài thọ tiền móc.
– Nhưng tôi có quen với ai đâu mà nhờ.
– Cơ quan lo luôn cho mày. Có móc chuyên nghiệp. Họ đi một phát móc luôn năm, bảy gia đình.
– Anh gặp chị Bảy thật không?
– Cái thằng ! Không chị Bảy mày thì ai ?
– Có lòi mấy cái hình em bé tóc vàng Bungari ra không?
– Tao đốt hết trước chứ mày !
– Bả có hạch hỏi gì không?
– Hạch gì mà hạch. Tao dẫn cái xác về tới được cho bả thấy là quới rồi. Nhiều thằng từ Sài Gòn đi một lượt với tao đâu có về nữa.
Hoàng Việt móc trà bao chì, lấy sữa Con Chim ra pha cho tôi uống. Anh bảo:
– Của bả đem ra đấy. – Rồi vung tay lên – Cái đồng hồ Movado này nữa. Rồi cả bộ đồ này nữa. Tao lột xác Trường Sơn vứt cả rồi.
– Còn cái võng đâu ?
– Tao cũng có võng ni-lông mới. Hoàng Việt vừa móc thuốc lá thơm ra hút vừa đáp – cái gì cũng mới cả chỉ có vợ cũ Nhưng vieille marmite, bonne soupe ! (nồi cũ canh ngon!)
– Sao chỉ biết mà mua võng mua dù cho anh?
– Mấy bà móc nói cả chứ! Chắc chắn là thằng Lê Tương phùng ra đời vào năm tới !
– Lê Tương Phùng nào?
– Cái thằng ! Hoàng Việt trợn mắt – Mày mau quên quá mậy . . .
Tôi sực nhớ ra đó là thằng con mà anh dự định sẽ có sau khi gặp chị.
Anh đem nào sữa nào cà phê ra liên hoan với tôi và kể chuyện bốp trời.
Sữa Con Chim thơm bát ngát cả một vùng rừng âm u man rợ. . .
Chợt nhớ tới hộp sữa của thằng Thuần cho trên đường Trường Sơn, tôi hỏi:
– Anh biết con Thu về tới đây chưa?
– Nó vô đây lâu rồi. Nhờ nó đi chung với đoàn của ông Mặt Sắt. Bộ mày muốn sưu tầm vốn cũ dân tộc hả? Để tao chỉ cho. Nhưng mà phải chờ.
– Chờ gì?
– Chờ cho mày lấy lại sức chớ chờ gì. Mày bây giờ ruồi đậu lỗ mũi không đập nổi mà ! Gặp làm gì ?
– Chậc! Thì hỏi cho biết vậy thôi ! Nó đến nơi, tôi mừng chớ tôi có muốn gặp làm gì đâu ?
– Thiệt không muốn gặp không? Mày mà bò đi được là mày tìm nó ngay chớ không muốn. Nó ở ngoài đoàn của chị Ba Thanh Loan kia kìa. Tao vừa gặp bả. Tức cười quá. Hồi ở Sài Gòn trông bả mướt xầy, vô đây lùi xùi quá đỗi.
– Thanh Loan nào?
– Mày nhớ Thanh Hương không?
Thằng cha ác thật. Cái gì chả cũng biết. Toàn chặn họng mình. Thanh Hương là em Thanh Loan. Thanh Loan là đào thương của Đoàn Cải Lương Văn Nghệ Nam Bộ từ hồi kháng chiến. Tập kết ra Bắc là đào số một đoàn cải lương Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Bạch em ông bác sĩ Hưởng, Phó chủ tịch Quốc Hội bù dìn. Thanh Hương trẻ đẹp (giống in như Kiều Lệ Mai bây giờ). Tình duyên trắc trở sao đó nên đang ở Sài Gòn hái ra bạc, bỗng bỏ đi bưng biền năm 1950. Ra Hà Nội đóng vai Nguyệt Nga và Điêu Thuyền độc chiếm sân khấu Cải Lương Nam Bộ ở Hà Nội năm, sáu năm liền. Thanh Hương có quen với tôi, tới lui nhiều lần và làm mai cho tôi một cô đào Nam Bộ cũng ở trong gánh hát này. Nhưng tôi không khứng, mà tôi lại muốn người khác tuy rằng tuổi cao hơn tôi. Nói thẳng ra là bà mai tốt số.
Tại sao Hoàng Việt cũng biết mà khơi lại vết thương cũ?
– Mày có muốn ra đầu quân làm lính của nữ tướng Thanh Loan không?
– Sao kêu bả là nữ tướng?
– Bả đóng các vai Phàn Lê Huê Lưu Kim Đính ở SàiGòn nổi tiếng chớ sao.
– Rồi tôi vác cà bắp đi hầu bà nữ tướng à?
– Mày soạn tuồng cải lương cho bả.
– Tôi đâu biết món đó. Mà đã có Nguyễn Ngọc Cung về rồi ! Ở trên đã cân đo sắp xếp cả.
– Thằng Cung đi về Bạc Liêu luôn để móc gia đình chưa thấy lên.
Tôi lại nhắc vụ Lê Tương Phùng:
– Anh có chắc năm tới chị Bảy ẵm Thiếu Nhi Cứu Quốc vô thăm anh không?
– Chắc. Bài bản tao thuộc làu mà. Tuy mấy em tóc vàng bóc lột kha khá nhưng cây đờn kìm vẫn lên dây ngon như thường.
– Anh chị trăng mật được mấy ngày?
– Đếch họ chớ mấy ngày !
Hoàng Việt mắc võng nằm song song với tôi và đốt thuốc hút. Anh hút không hở miệng. Một gói Ruby Queen đốt một ngày không đủ. Tôi cũng hút tới ngủ mới thôi. Ngủ mà hút dược chắc anh cũng hút. Anh thò đầu qua rỉ tai tôi, nói bằng tiếng Pháp:
– Révolution égale barbarisme. Cách mạng có nghĩa là dã man! Mẹ, thằng anh đã mười bảy tuổi, thằng em mới oe oe chào đời. Tao đi vòng quanh trái đất mất bằng ấy thời giờ. Tưởng đi đâu ai dè cũng quay về chỗ cũ!
Hoàng Việt rít khói rồi tiếp:
– Trăng mật gì mà trăng mật. Dập mật thì có.
– Sao vậy? Ở đâu?
– Bị ruồng chạy ra khói đít chớ sao. Bờ sông Sài Gòn đẹp lắm mày ạ. Có thể ngồi ở đó mà tưởng tượng sông Cửu Long cũng được nhưng bom pháo tơi bời chạy tuột quần tuột áo, ở đó mà trăng với mật. Gặp nhau chỉ hai mươi bốn tiếng mà thấp thỏm như ngồi bàn chông. Trực thăng nó bay như chuồn chuồn ! Cuộc chiến tranh này không có thơ mộng kiểu Lá Xanh, Nhạc Rừng (*) đâu đấy nhé. Để mầy về đồng bằng rồi sẽ nếm mùi tân khổ.
(*) Những bài hát của anh sáng tác hồi chín năm.
Tôi hỏi:
– Tình hình căng như vậy anh làm sao biết chắc Lê Tương phừng sẽ ra đời ?
– Bởi vì… chịp ! Tất cả đều từ ước mơ. Attends-moi ! Je reviendrai ! Đợi anh, anh sẽ về. Về rồi ! ước mơ đã thành sự thực. Nhưng rồi lại có ước mơ mới.
Hoàng Việt ném cái tàn thuốc đưa tay lên miệng hú to và nói:
– Để tao kêu Ba Mực về nhậu.
– Ba Mực nào.
– Thằng Xuân Hồng !
À, ra Xuân Hồng, tác giả nhiều bài nhạc giải phóng rất nổi tiếng ở Hà Nội, nổi tiếng hơn cả trong Nam, có cái tên là Ba Mực. Tôi chưa hỏi thêm thì Hoàng Việt đã nói tiếp:
– Nó là huyện ủy viên một huyện nào đó của Thủ Dầu Một tao quên rồi, không hiểu tại sao nó không lên tỉnh ủy mà lại nảy nách ngang làm nhạc sĩ mới kỳ chứ!
Nhạc sĩ Xuân Hồng là một con người khỏe mạnh, cù lự như nông dân cơ bản. Ở rừng tối kỵ là xoay trần và mặc quần tiều (phơi sơ hở ra cho đòn xóc tiêm kí-ninh !) nhưng Ba Mực lại mặc quần tiều và ở trần, khoe bắp thịt còn rất cợm và rắn chắc.
– “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng. Rét run người nắng rám màu da!” – Hoàng Việt vừa nói vừa cười – Làm một miếng trà Thiết Quan Âm cái đã rồi tính tiệc mặn !
– Chứ không phải “chiến sĩ ta ngồi đâu ỉa đó, ỉa trong quần không biết mùi hôi” à? – Xuân Hồng tự chế diễu.
Tôi cười xã giao:
– Có bài nào mới không, hát nghe chơi ta !
Hoàng Việt xỏ ngang:
– Y đang sáng tác trường ca dài hai trăm tám chục nhịp.
– Vậy hả, tên gì ? Gởi ra Hà Nội chưa ? Ở ngoải đang chờ tác phẩm trong này gởi ra như chờ nước uống.
Hoàng Việt cười:
– Chưa. Còn chờ sả ớt !
– Bản gì mà có sả ớt trong đó.
– Trường ca “Săn Mển”!
Tôi bật cười. Hoàng Việt tiếp:
– Mục tiêu của nó là một tuần phải hạ được hai khỉ, một mển, một cà khu còn chim cóc thì không kể. Mày mới về chưa biết danh nó đâu. Để nay mai tao bảo nó sẽ bắn một con mển liên hoan mừng mày về tới nơi.
Hoàng Việt quay sang Ba Mực:
– Vợ con có ra được không bồ .
– Ra gì nổi mà ra anh Bảy !
Ba Mực đưa tay cào cái đầu tóc xùi lên như cái bùi nhùi thợ rèn và nói tiếp:
– Khó lắm anh Bảy ơi ! Hôm anh đi rước chị Bảy tôi muốn cản anh ghê lắm vì tôi sợ anh không thành công nhưng vì thấy anh nôn nóng quá xá, nên tôi không dám .
– Nóng chớ nguội sao được ! Hai mươi năm trời vợ con bất biết, bây giờ về tới đây sống chết cũng phải gặp
Hoàng Việt nấu nước châm trà. Quần áo có làn xếp thẳng hăng như giặt ủi. Trà rót ra ly tách văn minh đàng hoàng chứ không uống bằng chén sắt Hungari hoặc nắp gà-mèn quốc doanh Hà Nội đâu. Hớp một ngụm trà, rít một hơi thuốc thơm rồi lắc lư cái đầu bùi nhùi, Ba Mực hỏi phong long:
– Biết ông Bảo không?
– Bảo nào?
– Nguyễn Văn Bảo, dân chiến khu Đ hồi kháng chiến trước và là đồng chí Nam Kỳ 40 với Tô Ký.
Tôi vọt miệng:
– Phải Bảo sư đoàn 330 không? Tôi biết. Người cao lớn, mặt mũi hiền hậu, ổng là Chánh ủy Sư đoàn của Đồng Cống Bến Tre tôi mà. Ông có cho tôi đi ké xe jeep lên Nông trường Lam Sơn hồi văn nghệ sĩ đi lao động thực tế sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1958.
– Chết rồi ? Ba Mực nói gọn khô.
– Trời đất ! Tôi kêu lên.
– Ổng về đến bở sông Sài Gòn thì biệt kích bắn chết. Ở trên đưa ông về làm chính ủy I/4.
– Vậy à? Vậy là lên chức dữ dội. Từ chánh ủy F lên chánh ủy Quân khu.
Hoàng Việt ngồi lặng lẽ uống trà và phà khói mịt mù như núi lửa phun, để mặc cho tôi và Ba Mực tân cổ giao duyên chơi, hồi lâu mới trút xác trà ra và nói.
– Lên chức con mẹ gì !
– Từ chánh ủy F lên chánh ủy một khu mà không lên chức à? Tôi cãi lại.
Hoàng Việt chậm rãi châm trà mới rồi nói:
– Mày ở ngoài Bắc cả chục năm mà vẫn còn ngây thơ. Chỗ nào bỏ mạng sa tràng dễ dàng thì thằng Nam Kỳ đi đầu hết cả. Ngã rạp như cỏ lác bị phát rồi kế đó…
-…mới tới mình ! Ba Mực vuốt.
Hoàng Việt lắc đầu:
– Không! Mình đâu có được đi tiếp theo. Mà là tụi Bắc Kỳ. Tụi nó dẫm lên xác mình và đi tới nẫng chiếu nhất chiếu nhì ngồi chật hết. Xong đâu đó mới tới tụi mình chầu rìa đứng bốn góc chiếu chờ chúng nó ném cái xương nào lên đầu thì mới nhào ra giật lấy mà gặm.
Ba Mực cười:
– Anh đi mấy năm trời bên “Bun-da-ri” mà cũng còn bất mãn dữ vậy sao anh Bảy?
– Thì tao nói để rồi tụi mày coi có đúng không? Bắc Kỳ vô đặc rừng này hết rồi đó. Chừng nữa đây rồi từ Bộ trưởng cho đến tổ phó tam tam chế cũng đều Bắc Kỳ xực hết ráo, chứ đám dưa hấu chả có được cái con mẹ gì. Tao bảo đảm tụi mày như thế. Giỏi lắm thì chỉ “phó” thôi. Phó nháy, phó may, phó nhòm, phó cối, phó vịn, phó đè, phó đội!…
Ba Mực cười:
– Ông Tư Siêng vô đây là để làm Bộ trưởng Bộ Văn Hóa đó cha nội !
– Ừ, thì ở trong rừng, nó phong chức đủ hết ! Nhưng khi về thành phố, bày đặt ra tiêu chuẩn xe hơi nhà lầu phiếu đi mậu dịch quốc tế kìa, chừng đó dân Nam Kỳ mới bị đá văng một cách rất đau đớn mà đếch có dám la. Bây giờ ở trong rừng với ba con cà khu này, thằng nào cũng ăn cơm nấu bằng chảo đụng, hơn nhau vài viên thuốc sốt rét, Bắc Kỳ nó đâu có thèm tranh giành cho mang tiếng mậy!
Ba Mực ngẩn người ra. Tôi cũng có một bụng bất mãn giống y như Hoàng Việt nhưng để Hoàng Việt sôlô cho Ba Mực nghe êm ái hơn. Vì tôi là thằng ăn nói lỗ mãng hay chửi thề bọn Bắc Kỳ nên ngồi im rung đùi cho khỏe bộ giò Trường Sơn nhão.
Hoàng Việt chưa chịu xì tốp. Anh uống trà liền liền đốt thuốc liên miên và tiếp:
– Hồi kháng chiến chống Pháp tao thấy các ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần mà thương. Hai ông ấy có ở chiến khu D với tao một thời gian. Tao phục các ông lắm. Đại trí thức như vậy mà không thèm bơ sữa xe hơi nhà lầu, bỏ tất cả để đi kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Còn Luật sư Thái Văn Lung người Công giáo, hy sinh trong kháng chiến, Lê Trần nhạc sĩ nữa, kể sao cho hết. Nhưng qui luật của tụi Bắc Kỳ là như thế này: khi mò cua bắt ốc thì cục muối cắn làm hai nhưng khi mâm cỗ dọn lên rồi thì Bắc Kỳ quất trọn.
– Bộ anh thấy vụ đó sao anh Bảy? Tôi cười khảy chọc tức anh bạn Nam Kỳ sồn sồn chơi.
Hoàng Việt nguýt tôi một phát kinh hồn rồi bảo.
– Mày biết rõ hơn tao chứ! Phạm Văn Bạch thì ở hang chuột còn Phạm Ngọc Thuần thì bị đày đi làm đại sứ bên Đức Quốc.
Tôi nói:
– Nói làm mẹ gì mệt cái mồm, để uống trà Thiết Quan Âm cho nó ngọt.
Ba Mực nói:
– Tôi còn một mớ khô nai đây đem ra “chống sốt” chơi.
Ba Mực và Hoàng Việt ở chung một chòi một cách tương đắc. Khi Hoàng Việt vừa về là Ba Mực rước tới chòi luôn. Vì Hoàng Việt không còn khả năng dựng nổi một cái sườn chòi và cũng không có đủ ni-lông để mà lợp. Cả tôi lẫn ông nhạc sĩ Giao hưởng số một của chế độ được xếp vào hạng sơ cấp (Xin phép dừng lại địt mẹ thằng Hồ và Trung ương đảng mỗi đứa vài phút) trong khi anh vợ thằng Lê Đức Thọ và mụ già trầu vợ Nguyễn Chí Thanh thì lại đi vô Nam bằng máy bay Hàng không dân dụng và trực thăng Liên Xô. Chí công vô tư của đảng đấy !
Hoàng Việt đến trạm cuối cũng là Kà Tum Kà Teo gì đó thì không còn lết được nữa. Trần Bạch Đằng nghe tin bèn cho hai nhân viên ra cõng khiêng vác lôi anh nhạc sĩ về tới nơi thì ngáp ngáp.
Bây giờ đã lấy lại sức khỏe đi rước vợ, đi lung tung là nhờ ba cái thịt rừng của Ba Mực và ba cái xa xỉ phẩm Sài Gòn được tiếp tế qua tay bà vợ. Ba Mực ở chung với Hoàng Việt được cái lợi là học hỏi thêm ở đàn anh tiên tiến còn Hoàng Việt thì được Ba Mực săn sóc như một người yêu.
Ba Mực lấy khô đem dụi vào bếp. Thứ khô này rất nhát lửa. Chỉ nháy mắt là đem ra dần là mềm mại ăn được ngay. Ngon lắm. Lại có cả rượu Tây. Quên là hiệu gì nhưng không phải “đế quốc Miên”. Thế là từ trà bắt qua rượu, từ việc nhà bắt qua việc nước, việc kia việc nọ lung tung.
No comments:
Post a Comment