Friday, July 22, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 5 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

 

– 5 –

Nằm nói chuyện trời trăng với ông nhạc sĩ Ba Mực một chập, tôi ngồi dậy vác gậy ra về. Ông Tư Mô là người bạn “chung lều” với tôi. Từ hôm ông Hai Tân, phó ban tuyên huấn cho tôi hay rằng tôi được ở trên chấp thuận cho đi đồng bằng, tôi đến ở chung lều để bàn việc hành quân với anh. Anh là nhà thơ từ đầu kháng chiến, có nhiều bài đăng báo mà tôi chép trong tập “lượm lặt” của tôi. Đời Tư Mô là cả một chuỗi éo le chua xót. Anh cỡ tuổi với cậu với chú tôi, học cùng trường với chú tôi và đi kháng chiến với cậu tôi.

Khi tỉnh Bến Tre bị lực lượng UMDC (Unités Mobile de Défense Chrétienne) của Một On tức là Thiếu tá Le Roy người Tây lai ở An Hóa, chiếm đóng, anh Tư và gia đình chạy xuống miền Tây, tỉnh Rạch Giá ở đậu với một người nông dân trong Rạch Cái Nhào. Anh và chi Tư mới có đứa con trai đầu lòng tên là thằng Lê. Cậu bé còn ẵm nhưng bị bịnh xụi hết một tay, hình như tay mặt (bây giờ nó đã ba mươi bảy tuổi và đã có con). Hai vợ chồng đi mua dừa khô và đường mía (bà con thương tình bán rẻ) về làm mứt dừa đi bán cho các quán cóc trong vùng giải phóng. Khu giải phóng thời kháng Pháp rộng ba tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng chèo xuồng đi mệt không hết chứ không phải như thời đánh Mỹ không có lấy một cái chợ làng. Nhờ cái “lò” kẹo dừa này mà chị Tư đã nuôi được chồng con. Tang thương thay, một người có bằng cấp Tú tài (thời đó đâu có nhiều! Đốt đuốc kiếm cũng không ra) mà phải đi mua từng trái dừa khô và từng kí đường mía !

Hồi đó tôi mới bắt đầu viết báo, làm phóng viên đi theo bộ đội trong các chiến dịch hoặc những trận đánh lẻ tẻ của chủ lực hoặc của bộ đội địa phương và du kích, nhưng hăng lắm. Chính anh đã dịch bài thơ Attends-moi (Đợi anh Về của Simonov và chép một bản đưa cho tôi. Sau này khi ra Hà Nội tôi so bản dịch của anh và bản dịch của Tố Hữu thì thấy chẳng kém tí nào, nhưng không hiểu sao anh không được Tố Hữu gọi ra Bắc như anh Phạm Anh Tài (Sơn Nam).

Hòa bình sau Giơ-neo đã là một cái nạn cho anh. Anh về Sài Gòn bị ông Diệm bắt. Rồi tù. Tập kết là một chánh sách mọi rợ và ngu xuẩn. Nó được Sơn Nam phê phán như sau: “Một đám đi, một đám ở lại bị đám đi trói quăng vô chuồng cọp.” Cái chánh sách này đã phá nát hằng triệu gia đình cán bộ và quân đội kháng chiến chống Pháp.

Theo anh Tư thì sau 54, cán bộ cũ của Bến Tre bị “xúc” sạch vì tên tỉnh ủy viên thường vụ ra đầu thú và chỉ điểm. Hắn tên Tuất. Đồng bào gọi là thằng chó.

Tôi biết hắn khi tôi còn làm ở cơ quan Thanh Niên Cứu Quốc tỉnh của hai anh Trần Chính và Mạch Văn Tư. Sau này Cao Thái Tôn thay thế. Tên thật của hắn là Quang. Quang là cán bộ Thanh Niên Cứa Quốc tỉnh không có gì xuất sắc nhưng vì sự thiếu hụt nên đưa hắn vào tỉnh ủy. Hắn lấy một cô giao liên trẻ nên sợ bị kỷ luật và hai cu cậu dông luôn cho được việc.

Anh Tư Mô được thả ra vào khoảng 1960 là lúc manh nha có Mặt Trận Giải Phóng cái mà ông Diệm gọi là Mặt Trận Côn Đồ. Tư Mô đang ngồi nhậu đầu cá ở Chợ Đũi thì có người tới quèo. Cột kèo cũ không rủ cũng về. Thế là anh ra khu. Tưởng ngon lành: Ai dè ra khu anh bị coi là tên đầu hàng phản bội, bị xử lý nặng nề trong đảng đến đỗi không còn được coi như đồng chí mà chỉ là một nhân sĩ lô-can. Tư Mô buồn lắm, nhưng lỡ tay trót đã nhúng chàm rồi, không còn làm gì được nữa. Đêm đầu tiên tôi gặp lại anh, hai anh em nằm đâu đầu võng tâm sự suốt sáng.

Chuyện tù tội khổ ải và cay đắng lắm, đã qua thì cho qua chứ nhắc lại làm gì. Anh cho tôi biết, anh có ý định gả cô em cho tôi khi nghe tôi về gần tới.

Anh chưa biết gì về những chuyện đây mơ rễ má của tôi khắp từ Nam chí Bắc, ngoài chuyện một người con gái khác nữa. Cô này là đạo diễn kịch nói đã về trước trong Nam (cũng bằng đường Trường Sơn) nhưng khi về tới R thì được ông Trần Bạch Đằng cho giao liên thành đưa về Bạc Liêu quê cô ta. Cũng may, nếu cô còn ở lại Tiểu ban Văn Nghệ này thì sẽ có một Đông Châu Liệt Quốc R.

Tôi về tới lều thì Tư Mô đang ngồi chiên khô cá trèn hay cá mè gì đó. Mùi thơm bốc ngào ngạt. Anh bao giờ cũng nấu nướng hoặc chế biến thức ăn “tùng cựu đáo tân” như anh nói, tức là thức ăn “gốc” của nhà bếp lãnh về tanh lắm, thô sơ lắm, không thể để vậy mà ăn được. Với bàn tay của anh nó sẽ thay hình đổi dạng phi thường. Anh là tay nấu bếp rất có “gu” ăn uống giống như công tử. .

– Cơm chưa ?

– Tôi ké đằng chòi ông Bảy Cò rồi.

– Tôi đang “ngào” lại ba con khô. Có sum sum đây chú làm thêm ít miếng!

– Tôi nhậu đằng đó với ông Xuân Chiến Sĩ rồi.

Tư Mô nói ngay:

– Coi bộ tình hình “găng xi-măng” lắm nghe chú !

– Tình hình gì, anh?

– Ở trên cho biết là Mỹ sẽ mở chiến dịch Johnson City.

– Chiến dịch Johnson City là chiến dịch gì ?

– Đại khái đó là chiến dịch của nó cũng như tụi nó có những cái tên chắc chú chưa nghe. Như Phượng Hoàng Vồ Mồi, Bủa Lưới Phóng Lao v.v… vậy đó.

– Tên gì mà nghe ớn vậy?

– Về đồng bằng còn ớn nữa chú em !

Bây giờ ngồi ghi lại cái quãng thời gian trước CZ Johnson City tôi bỗng rừng mình. Nếu tôi không sớm quất ngựa chuối thì có lẽ tôi đã theo ông theo bà. Chuyện đó cách đây ít nhất là hai mươi bảy năm ! (1963-1990). Tình cờ một hôm tôi đi tìm một số các loại đá cho con gái tôi làm bài về địa dư Texas, thì tôi đi ngang qua Johnson City nơi sinh ra Tổng Thống Johnson.

Khi lái xe đi ngang qua tấm bảng có chỉ mũi tên cho biết lối rẽ vào nhà của tổng thống, tôi vụt nhớ lại khu rừng của R. Trong đầu tôi như có một sợi tơ ngàn dặm mà một đầu là khu rừng Tây Ninh một đầu là nơi nhau rốn của người đẻ ra cái chiến dịch kể trên. Hai mảnh đất này hoàn toàn xa lạ với nhau nhưng lại nhờ ký ức của tôi mà trở nên gần gũi. Ghê gớm thay, tôi nghĩ vậy như một tia chớp. Nhưng tôi cũng chẳng biết là cái gì ghê gớm và tại sao ghê gớm. Có lẽ là cái thằng tôi ghê gớm chăng? Tôi đã đi từ đó đến đây. Đi từ cái hoang vu đến ánh sáng văn minh, đi từ đổ nát đến kiến thiết, đi từ cái chết ra sự sống. Ghê gớm là vì thế chăng? Hai mươi bảy năm một cái chớp mắt.

Tôi với Tư Mô bây giờ đã cách nhau nửa quả địa cầu. Ai ngờ nổi chuyện đó. Vừa rồi (1988) nhân có người quen đến Mỹ có cho biết Tư Mô vẫn còn sống và vẫn viết truyện. Tôi có tìm đọc được một truyện của anh. Thì vẫn như thuở nào: giọng văn chua chát mỉa mai !

Bây giờ trở lại với Tư Mô ở rừng Tây Ninh năm trước.Tư Mô nói tiếp:

– Ông Hai Tân bảo mình đi sớm chừng nào hay chừng ấy. Vì khi nó khởi sự thì nó bao vây tất cả và chặt đứt mọi đường huyết mạch mình sẽ không đi được.

Tôi chưa nếm bom đạn Mỹ nhiều nên lơ lửng trả lời:

– Chừng nào anh đi thì tôi đi, chớ tôi có biết gì !

– Chú lại đằng kho quản lý tìm một đôi giầy bắt heo thủ sẵn đi !

– Chi vậy ?

– Lội Đồng Chó Ngáp.

– Đồng Chó Ngáp là đồng nào?

– Đồng Tháp Mười ! Nó nằm ở tỉnh Kiến Phong Kiến Tường tức Mộc Hóa hồi trước.

– Nhưng giầy đâu ở đó mà tìm. Dép Trường Sơn này không đủ hay sao ?

Tư Mô dọn cơm ra ăn một mình còn tôi leo lên võng lắc lư. Cái lều lung lay như cái răng rụng của Tú Xương và gầy guộc như Tú Mỡ tưởng chừng cây đu của Hồ Xuân Hương. Anh bao giờ cũng ăn uống chậm rãi, tươm tất, dù thiếu thốn cũng có vẻ sang trọng phong lưu như Nguyễn Tuân, chứ không ăn ẩu tả bạt mạng như tôi. Hễ đói bụng thứ gì ăn được cũng nuốt càn.

Anh nhấm nháp rượu rót từ trong một cái chai thuốc tây có nút vặn cũng do anh pha chế cho đúng miệng. Anh giải thích tiếp về vụ giầy dép:

– Lội Đồng Chó Ngáp là giẫm lên củi tràm lục, nó đâm lủng gan bàn chân, chú biết không? Cho nên phải có dép. Nhưng dép không xài được. Vì lội lút bùn rút chân lên thì dép mắc ở dưới. Cho nên phải mang giầy. Ràng rịt vô chân như cầu thủ đá bóng vậy.

– Trời đất! Tôi kêu lên – Lội lầy mang giầy thì chỉ có mình thôi !

– Chứ ai mà kỳ cục như vậy được. Nhưng nếu không mang giầy thì không lội nổi.

– Củi tràm ở đâu mà kỳ vậy?

– Tràm đâu thời Thiên Hộ Dương ai biết !

– Rồi giầy ở đâu mà có?

– Thì tiếp phẩm họ mua để sẵn cho ai đi đồng bằng thì sẽ “võ trang” cho. Hoặc những ông bà từ đồng bằng lên. Ông bà nào có kinh nghiệm thì cũng thủ sẵn một đôi trong ba lô để cho Chó Ngáp.

Cơm nước xong lên võng “ru hồn” với ma sốt. Đêm ở rừng thật là kinh khủng. Trẻ cũng hóa già. Vì nghĩ tới tương lai thì mù mịt và là bịnh hoạn hoặc cái chết. Cho nên chỉ hồi tưởng là mang lại chút ít an ủi mà thôi. Tư Mô ló đầu ra vách mùng hút thuốc và hỏi tôi:

– Chú năm nay bao nhiêu rồi ?

– Ba mươi ba.

– “Meo” lắm rồi. Chú là con một phải không?

– Tôi còn một đứa em gái.

– Vậy là phải lo gấp !

– Nếu tôi biết đi ra Bắc mà lâu vầy thì tôi đã rụt trở lại rồi.

– Chịp ! Ai mà biết trước cái sự đời.

– Bố tôi đâu có cho tôi đi. Kể cả kháng chiến cũng không. Nhưng tôi trốn đi, rồi đi luôn.

– Hồi đó ai cũng hăng. Bây giờ ai cũng hết. Tôi lơ mơ suy nghĩ nhiều điều lung lắm. Chú đừng có nghe tôi mà bị ảnh hưởng.

– Ảnh hưởng gì ?

– Lý lịch chú chưa bị “đổ mực tàu.”

Tôi thở dài. Tôi biết đó là tâm sự cay đắng của anh. Vô cộng sản hồi 48, kháng chiến mười năm ngon hơ. Hòa bình bị bắt. Khi ra tù bị kỷ luật vì những chuyện không đáng gì. Bây giờ gặp tôi, có lẽ là người hiểu gốc rễ của anh nhất nên anh mới nói tới câu đó. Tôi né đi vì sợ động tới vết thương của anh. Tôi nói sang chuyện khác.

– Bây giờ mình tính cách về quê đi anh. Anh xa quê mình bao lâu rồi ?

– Thì hồi UMDC của Một On chiếm tỉnh. Rồi vô miền Tây gặp chú ở xã Hồ Văn Tốt gần Cái Nhào đó. Nhớ không?

– Nhớ chớ sao không – Tôi nói luôn một mạch – Hồi đó anh có thằng Cu đầu lòng.

– Có đứa con gái nữa chớ. Thằng bé bị Polio xụi một tay. Mẹ nó phải làm kẹo dừa bán cho quán ở Vàm Cái Dứa gần nhà thằng Phục.

– Anh lấy tên là Trường Kháng phải không? Anh có cho tôi một bản dịch bài thơ Đợi Anh Về của Simonov. Tôi có đưa cho báo đăng.

Tư Mô thở dài:

– Hôi đó cũng khổ nhưng mình sống với dân. Dù gì cũng có tiếng chó sủa gà gáy, thấy cái xuồng, cái ghe, thấy cây dừa cây cau. Còn bây giờ chẳng thấy cái gì cả. Tối ngày chỉ nấu cơm là hết giờ.

– Làm sao về được nhà anh Tư?

– Tôi cũng nôn nóng lắm nhưng cái đó còn do trời. Trời cho thì đi tới. Trời không cho thì mình “nằm đường”.

– Tưởng về tới đây là đến. Chẳng ngờ chưa.

– Sốt rét và bom đạn đều nguy hiểm cả nhưng sốt rét thì có thể chữa được nhưng bom đạn thì vèo một cái là xong.

– Anh bi quan dữ vậy anh Tư?

– Mấy chú mới về còn lạc quan lắm. Vì sau một thời gian leo núi đã đến nơi nằm nghỉ khỏe hơn. Còn tôi ở đây đã mục mấy cái võng rồi. Ngó xuống đồng bằng không thấy gì cả. Hy vọng thì to còn triển vọng lại bé.

Hai cái võng đưa, rung lắc làm cọc lều rưng rinh như trời đất sắp đổ! Chính ra trời đất đổ tự trong lòng người. Tư Mô trở lại vụ cô Thu buổi chiều.

– Sao ở Bắc tám năm mà không vợ con gì hết vậy?

– Cưới sao được mà cưới.

– Sao người ta được mà chú lại không? ?

– Tôi biết thế nào cũng đi. Rủi có con bỏ lại ai nuôi? Vô Nam đâu phải chuyện chơi.

– Còn vụ cô ba-lê .

– Cô ba-lê nào ?

– Tôi nghe tụi nó nói cả rồi.

– Tôi cũng có định nhưng đem một cô Bắc về nhà Nam sợ e không hợp phong thổ. Ông già bà già tôi khó lắm. Khi tôi còn ở ngoài Bắc đã có thư đi đường Cao Miên ra cho biết ở nhà đã đi hỏi vợ cho tôi.

– Làm sao?

– Hỏi những chỗ quen từng là bạn học cũ ở trường của tôi.

– Bây giờ vấn đề vợ con của mấy chú là nan giải. Ngoài ba mươi cả rồi. Sợ khó ai ưng. Còn con nít mới lớn lên thì đi dân công, văn công, cán bộ hư hỏng cả.

Tôi cười:

– Vậy ở ngoài Bắc tôi nghe Ban Thống Nhứt cho biết là các cô chờ đợi dân Mùa Thu dữ lắm. Các cô sẵn sàng trừ mười tuổi cho dân Mùa Thu.

– Vậy chú còn hai mươi ba. Khỏe quá hả. Tư Mô bật cười, ném cái tàn thuốc vạch một vòng cung trong màn đêm và tiếp:

– Mấy ông mình tuyên truyền giỏi lắm. Hồi Đồng Khởi cũng thế đó. Đến chừng rõ ra mới ngã ngửa.

Tôi lặng thinh. Ở đâu cũng một phách với báo Nhân Dân. Cái gì nghe cũng phấn khởi cả. Đụng vào thực tế thì mới rõ là ở trên nói láo. Ngay con đường mòn cũng thế. Khi bắt đầu vào trường đi B thì người ta bảo là dọc đường sẽ có các mậu dịch bán đủ thứ hàng bằng ba loại tiền Việt Miên Lào. Ngay cả ông Bảy Cò cũng còn tin nữa là ai. Nhưng khi vào vài trạm thì hỡi ôi ! Đến muối cũng không có.

Tư Mô bảo:

– Thôi bây giờ chú hãy ở lại R một thời gian đã.

– Rồi sau, tôi đi với ai ?

– Tôi chờ.

– Để làm gì ?

– Thì nghe nói có cô Nguyệt nào vô tới đó.

Tôi lặng thinh. Đây là một chuyện vừa vui vẻ vừa là…nguy hiểm. Tôi gặp Nguyệt ở Cần Thơ năm 1952. Ra Bắc vì ba cái vụ Cải Cách Ruộng Đất, lập trường bần cố nông nọ kia nên tôi và Nguyệt hiểu lầm nhau. Cuối cùng chia tay. Nhưng rồi hai bên giảng hòa. Khi đi vào Trường Sơn chúng tôi lại gặp nhau và cuộc giảng hòa đã đi đến kết thúc tốt đẹp. Lúc đó Nguyệt là Trưởng đội văn công của Quân Đội Nam Bộ. Vì biểu diễn cho các đơn vị trên đường Trường Sơn nên Nguyệt phải trở ra Hà Nội sau khi xong công tác. Nhưng Nguyệt đã hứa với tôi là nàng sẽ xin trở về Nam. Con gái ba mươi tuổi mà chưa chồng, kể cũng hiếm có. Vả lại ra vào con đường chết này những hai lần, lại càng hiếm có hơn.

Quả thật nàng xin vô. Và đã vô tới.

Khi ở trên đường Trường Sơn thì gặp nhau là hạnh phúc. Bây giờ gặp nhau lại là trở ngại công tác vô cùng. Ai cho ở đây để cưới vợ. Và nàng ở bên Bộ Chỉ Huy Giải Phóng còn tôi ở bên dân chánh. Sự điều động của hai bên sẽ trớt he như lần tôi và Phương sắp trở thành vợ chồng mà Phương bị đưa về Bác Kế, còn tôi thì lại đi tuốt da cây me ông Cụ.

Phen này có thành chuyện gì thì cũng lại sẽ chia loan rẽ thúy. Vậy ra cưới vợ để phục vụ công tác cách mạng chớ chẳng phải để gần nhau. Cách mạng là dã man. Đó là lời của Bảy Cò nói hồi chiều. Tôi đã nghĩ vậy từ lúc Kim Ly cho biết Nguyệt đã vô tới.

– Vậy bây giờ chú tính sao?

– Đâu anh tính giùm tôi thử.

– Về đồng bằng không còn ma nào đâu. Coi chừng chú buông hình bắt bóng cho mà coi.

– Hổng chừng anh nói đúng. Tôi với Nguyệt biết nhau cả chục năm rồi. Vì cái lập trường Cải Cách Ruộng Đất (Nguyệt là con địa chủ học trường Tây) nên Nguyệt bị dọa đủ điều. Do đó Nguyệt tự ái với cách mạng và giận lẫy cả tôi. Tôi còn trẻ quá, cũng giàu tự ái như ai, đâu có chịu năn nỉ và giải thích cho ra nhẽ hoặc liều mạng tương một câu như ông đạo diễn Bích Lâm đã dạy tôi nói với Nguyệt: “Anh yêu cả những sai lầm của em ! ” (Đúng ra Nguyệt không có sai lầm gì . Có chăng là cách mạng sai lầm với Nguyệt.) May mà tôi chưa kịp nói câu ấy. Chứ nếu tôi nói câu ấy thì nàng càng tự ái mạnh hơn.

– Chú nên quyết định đi ! Tư Mô bảo.

Chả là Tư Mô cũng biết mối tình “màu hoa anh đào” đó của chúng tôi hồi kháng chiến nên mới khuyên tôi đi tới.

– Con gái giải phóng nứt mắt ra là có chuyện rồi vì ba cái Thanh Niên Xung Phong, ba cái cán bộ lưu động, chú ơi. Tôi có con thà bỏ nó ở thành nó hư mình không tức, chứ cho nó đi theo giải phóng mà mình cũng giải phóng, nó lại hư với giải phóng thì tức lắm. Không có đứa con gái nào chịu trừ cho chú tám năm ở miền Bắc đâu. Thà là nó chửa hoang với tỉnh ủy huyện ủy.

Tôi lùng bùng lỗ tai. Tư Mô lắc lư cái võng và tiếp:

– Con bé ba-lê của chú là gì ?

– Là gì nghĩa là gì?

– Nghĩa là có ăn thua gì lắm chưa ?

– Thì cũng chỉ tình cảm thôi.

– Thằng hôn phu của nó đang bị một cú kỷ luật nặng. Nó nghe rồi, nó sẽ không có ngó tới nữa đâu. Bây giờ nó đeo chú là cái chắc. Nhà văn không hơn thằng diễn viên múa lang ba à?

– Vậy anh không rõ vụ nhà văn Anh Đức nhà mình à?

– Không !

– Ở Hà Nội có một cô đào xi-la-ma mê anh ta lắm vì anh ta có cái truyện được trung ương cho làm phim. Cô nàng muốn đóng vai chánh. Thế nhưng đá bóng với nhau vài lần không hiểu sao cô nàng lại yêu một anh thơ ký xoàng thay vì trao trái tim cho nhà văn.

– Ở đây lại khác. Nàng diễn viên ca múa lại muốn trao tim cho nhà văn hơn. Tôi bói chắc trúng đó.

Tôi bối rối. Về sắc đẹp thì cô ba-lê hơn Nguyệt xa, lại trẻ nữa. Đâu hai mươi, hai mươi hai là cùng. Từng đi học ngoại quốc, nói chuyện rất là hơi hám tiểu thuyết. Còn Nguyệt thì cũng là nữ sinh nhưng đã trung niên rồi. Nhưng tôi có hơi nghiêng về Nguyệt vì là người cố cựu và bản sở. Cắt với Thu thì dễ nhưng quay lưng lại Nguyệt thì quả là không thể .

Tiếp theo chương 6

No comments:

Post a Comment