Hết vượt núi, ở rừng bây giờ tới lội sình. Toàn những cực đoan của sự đi đứng. Leo núi thì có đoạn đường hai ngày không có nước, ở rừng thì không thấy ánh nắng mặt trời, da bủn xì như da người chết còn lội sình thì ngâm nước suối suốt ngày đêm, thân mình như con mắm sống. Đường đi thật là dài và vô cùng ngao ngán với sức khỏe xuống dần từng ngày.
Những người đã đi đồng bằng như Mỹ Tho, Long An, Bến Tre, Rạch Giá, Cà Mau vẽ lại cho tôi con đường đó bằng mồm một cách chi tiết. Nghe xong, muốn nghĩ chơi luôn, nằm tại R tiếp tục lãnh thưởng của muỗi đòn xóc. Nhưng… sứ mệnh thiêng liêng của tôi là về tận Bến Tre viết cho được quyển tiểu thuyết về Đồng Khởi kia mà ! Đâu có “sọc dưa” nửa chừng như vậy được ! Hơn nữa, tôi còn có một thúc giục khác có lẽ còn to hơn. Đó là trở lại quê nhà thăm lại ông bà cha mẹ và hàng xóm mà khi ra đi từ 45 tôi mới mười lăm tuổi bây giờ đã ba mươi ba.
Mười tám năm xa cách. Đứa bé mới sinh thời đó có thể đã có con bây giờ! Biết bao nhiêu biến đổi. Thế là tôi tự động viên lấy quyết tâm đi !
Ông Hai Tân phó Ban Tuyên Huấn R đến bảo tôi: “Anh đi cho cẩn thận nhé ! ” Biết thế quái nào là cẩn thận. Với bom đạn ai có đám đùa chơi mà không cẩn thận. Tôi trả lời bằng một tiếng “Vâng” cũng vô nghĩa như lời khuyên của ông ta.
Đêm. Chúng tôi được đưa xuống ghe tiếp vận ở một bến sông mà chúng tôi không biết đó là sông nào.
Khi ngồi dưới ghe người lái ghe (chạy bằng đuôi tôm) bảo chúng tôi nằm xuống không được ló đầu lên. Vì có bọn “Thầy Bùa” Cao Miên hay rình bắn bậy để giật đồ. Chúng nó vừa làm mấy phát. Ghe tiếp vận bị cướp sạch, người bị giết chết. Tôi nằm ngửa. Bầu trời đen kịt như mặt táo tầu bị gà mổ tóe ra với những mụn rỗ xanh, giống như một truyện cổ tích hãi hùng nào. Đường đi từ làng Ho vô đến đây không biết là bao nhiêu trạm đã qua rồi. Một điều tôi nhận thấy là cuộc trường chinh này rất phiêu lưu. Mạng sống của cán bộ không có được một sự bảo đảm tối thiểu. Ơ vùng Cao Nguyên thì bị thổ phỉ, Fulro, vô tới đây thì lại bị “Thầy Bùa.”
Bất cứ lúc nào cũng có thể chết được cả. Anh tài công ghe có cây cạc-bin nạp đạn sẵn để ở sau lái còn tôi thì vừa được “nhà văn” Bùi Kinh Lăng “ủy viên” Hội Văn Nghệ Giải Phóng cấp cho một cây P38 còn tốt. Thủy Thủ cho tôi một sợi dây dù để buộc vào thắt lưng cho đúng mốt con nhà binh. Như ở trên đã nói, chỉ những cán bộ trung cấp mới được phát đồ ni-lông K54 Trung Quốc. Tôi không được nhận lãnh súng ở trường đi B. Cũng may, nếu tôi được cái ân huệ đó thì một là tôi vứt bỏ vì không mang nổi, hai là đổi đồ ăn.
Bây giờ tôi mới thấy cần súng vô cùng. Trên đường Trường Sơn tuy là tay trơn nhưng lúc nào cũng có AK của bộ đội đi chung “bảo vệ” cho. Bây giờ ra đi chỉ có hai đứa, ông bạn già thì không có gì cả ngoài cái mái tóc hoa râm và những khớp xương lỏng lẻo khô chất nhờn.
Máy chạy êm ru. Độ một lúc thấy không có gì xảy ra, tôi ngủ quên hồi nào không hay. Khi được đánh thức dậy thì đã đến nơi. Anh tài công ghe máy giao chúng tôi cho giao liên xuồng bơi.
Tôi bấm đèn pin để thấy đường bước qua xuồng. Trời đất một chiếc thuyền bể còn tang thương hơn cả tôi. Nếu tôi không nạo vét hết cả nghị lực cách mạng còn sót lại trong người thì tôi không thể bước sang chiếc xuồng này nổi.
Chỉ một mảng lấp lánh ở ven bờ hiện ra dưới ánh đèn nhưng tôi vẫn thấy nước xoáy. Tôi buột miệng hỏi:
– Sông gì đây đồng chí ?
– Vàm Cỏ Đông !
– Waico oriental ! Chú nhớ hồi mình học Địa Dư không?
Tư Mô pha trò “Oàm” Cỏ Đông ơi “Oàm” Cỏ Đông. .
Chúng tôi bước qua xuồng, nghe cái chết nhẹ bông như chiếc lá. Anh giao liên vừa xô xuồng ra vừa bảo:
– Có pháo bắn các đồng chí cứ ngồi yên nghe.
– Vâng!
– Có pháo nữa sao đồng chí ?
– Có pháo bầy chứ không phải pháo độc chiếc đâu.
– Pháo bầy là pháo gì đồng chí ?
Anh giao liên không trả lời, nói một cách quạu quọ:
– Tình hình dưới này động lắm! Mai dám có chụp!
– Chụp là gì đồng chí?
– Nhảy giò ít nhất là một trung đoàn.
– Nhảy giò là gì đồng chí?
– Tụi này thường là Sư 7 hoặc Sư 9. Sư 9 mới trên Cao Miên về đóng ở Mỹ Tho. Vùng này là mục tiêu của nó.
Anh giao liên bơi nhanh ôm doi lách vịnh theo nước xuôi như thuộc lòng. Anh không chú ý những câu hỏi của tôi. Không rõ anh ta đang bận tâm lái xuồng hay không thèm trả lời những câu ngớ ngẩn. Vốn là kẻ đã từng sống trên sông nước miền Tây nên đi được một lúc, tôi nghe xuồng lướt chậm, tôi bèn quơ tìm đồ tát nước. Tôi đụng nhằm miếng bập lá dẹp tả tơi. Điều này chứng tỏ chủ nhân dùng nó liền tay. Tôi tát lia lịa.
Tôi hơi yên tâm vì thấy không đến nỗi chìm xuồng.
Hồi ở nửa đường Trường Sơn tôi đã nghe những đoàn cán bộ từ Nam ra Bắc kể về tình hình miền Nam. Họ đã dùng những danh từ chụp, pháo, nhảy giò, nhưng tôi chưa nghe họ nói tới pháo bầy.
Tôi lại hỏi :
– Pháo bầy là pháo gì đồng chí?
– Nó bắn “la-phan” nổ như súng máy chứ không có bắn cắc bùm đâu !
– Nghĩa là sao? Tôi vẫn chưa hiểu nên hỏi tiếp.
– Nghĩa là nó bắn lia lịa chứ không có bắn từng phát từng phát, mỗi phát cách nhau hai, ba phút và đạn nó nổ rồi mới nghe tiếng đạn đi veo véo. Cho nên đâu có nhảy hầm kịp.
Tôi vẫn không hiểu gì hết. Tư Mô đáp thay cho anh giao liên:
– Cái thứ đạn pháo này độ nhanh trước tiếng động như phản lực vậy chú ạ. Khi máy bay qua khỏi đầu mình rồi thì mới nghe tiếng động cơ ầm ầm. Loại pháo này bắn đạn nổ xong mình mới nghe tiếng đạn đi và tiếng tống đạn ở lòng pháo. Siêu âm là nó đó.
Anh giao liên tiếp:
– Tụi nó có một giàn ở Đồng Tâm Mỹ Tho hay Long An gì đó.
– Ở Mỹ Tho Long An mà bắn vô tới đây?
– Tới chớ ! Ở đâu thì tôi không biết chớ ở tỉnh này chỗ nào nó bắn cũng tới hết cả. Không một ngõ hẻm hang cùng nào nó không với tới.
Nghe tiếng nói của anh giao liên tôi đoán anh ta chưa tới ba mươi tuổi. Đêm tĩnh mịch gần như chết. Cái thứ im lặng rợn người.
Tôi sợ cả tiếng nói vang to nên chỉ thầm thì:
– Đồng chí có tham gia kháng chiến chống Pháp không?
– Hồi đó tôi còn nhỏ. Ba tôi đi tập kết thì tôi mới mười lăm tuổi.
– Ủa, đồng chí có bố đi tập kết?
– Bố là cái gì ?
– Bố là tía. Tư Mô trả lời thay tôi – Đó là tiếng Bắc.
Bỗng có tiếng “hụp hụp hụp” ở xa xa. Rồi tiếng nổ oàng oàng oàng.
Anh giao liên vẫn điềm nhiên bơi.
– Nó thụt đấy ! Nhưng pháo nhỏ, không phải pháo Đồng Tâm hoặc Long An.
– Nó bắn xa không?
– Xa lắm.
– Bao xa ?
– Không rõ, hai ba chục ba bốn chục cây số, tôi không rõ – Anh giao liên tiếp – Bữa nay nó thụt ven bên kia Đồng Tháp Mười.
– Thụt là sao ?
– Là bắn đó ! – Tư Mô giải thích – Hai bên cùng là Nam Kỳ mà xa lạ trong ngôn ngữ. Chú em không hiểu bố nghĩa là gì, còn chú thì không rõ thụt là sao! Người mình quan niệm cà-nông bắn như ống thụt nước, nghĩa là dồn vô ống trúc rồi thụt bắn ra cũng vậy!
Tôi cười ngất:
– Như trẻ con chơi nhà chòi à?
– Nó bắn mình đỡ không kịp mấy chú ơi ! – Anh giao liên nói với giọng buồn nghiến – Nó nổ mình chết rồi mình mới biết là mình chết mấy chú ơi ! – Anh giao liên gọi chúng tôi bằng chú.
Giao liên ở đây cũng giống như giao liên Trường Sơn ở cái điểm là bi quan và bất mãn cực độ, nhưng mới nghe qua vài câu tôi cũng đã thấy rõ anh giao liên ở đồng bằng kề cận tử thần gấp mười lần anh giao liên Trường Sơn.
Tôi hỏi:
– Ban nãy nó thụt ở vùng nào vậy đồng chí ?
– Nó cắt đường dây của mình đó. Nó biết hết đường đi của mình hai chú ạ !
– Mình không mở đường khác được sao?
– Mở đường mới luôn nhưng đi vài tháng là nó biết, nó lại cắt.
– Ban nãy đồng chí có nói là ông già đi tập kết?
– Dạ! Mấy chú ở ngoải về phải không?
– Phải ! Sao biết ?
– Chú nói giọng Bắc.
– Ủa vậy sao? Tôi giật mình hỏi.
– Còn “ủa” gì nữa. Ăn rau muống tám, chín năm líu lưỡi nghe rõ lắm. – Tư Mô nói.
– Anh có nhận thấy điều đó ở tôi không?
– Có chứ. Vâng, nhỉ, nhé, thế à ! Những chữ đó đầy trong tiếng của chú. Hổng chừng trong máu của chú cũng có “chất Bắc.”
Tôi quay lại anh giao liên:
– Bố cháu ở đơn vị nào ?
– Cháu đâu có biết. Cháu không có gặp ổng. Cháu chỉ nghe má cháu nói lại thôi. Ổng thoát ly đâu hồi cháu bảy, tám tuổi gì đó lận !
Tôi định lấy cảm tình với anh giao liên bằng cách nói vòng quanh sự tiến bộ của dân Nam Kỳ tập kết, những đơn vị và cá nhân Nam Bộ được khen thưởng, được huân chương và được tuyên dương anh hùng quân đội, anh hùng lao động. Trước nhất tôi nịnh đám dân Long An một phát. Tôi nói:
– Ở ngoài Trung ương khen ngợi dân Long An dữ lắm. Sau Bến Tre là Long An. Hai tỉnh này được Trung ương Đảng tuyên dương là “Lá cờ đầu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ! ” Bí thư Trung ương Cục Miền Nam bây giờ là đồng chí Sáu Lầu gốc Long An.
Thấy anh ta im lặng tôi chắc anh ta “thấm bài” nên tương thêm một loạt để chiếm thêm cảm tình.
– Thống nhất đất nước rồi đồng chí dắt gia đình ra thăm Hồ Gươm, Tháp Rùa, Chùa Một Cột… cho biết.
– Đẹp lắm hả chú?
– Sau đó đi thăm lăng Bác !
– Ủa, Bác Hồ chết rồi sao?
– Chưa, chưa, nhưng chừng đó thì chắc Bác không còn sống! – Tôi tiếp – Miền Bắc ta tươi đẹp vô cùng. Dân chúng đang hăng hái xây dựng xã hội chủ nghĩa. Lúa tốt gấp mấy lần lúa trong ta nhờ lai giống lúa Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên. Có những hợp tác xã được mùa, lúa chín bông lúa dầy đặc đến nỗi mình leo lên đứng trên ngọn mà lúa không sập.
– Trúng quá hả chú ?
Tôi tuôn ra thao thao bất tuyệt, tuyên truyền anh giao liên mút mùa, còn Tư Mô thì ngồi im hút thuốc. Anh ghiền nặng. Trước khi đi anh đã nhờ mấy cậu tiếp phẩm mua giùm thuốc rê dồn cứng một bịt ni-lông to bằng nửa chiếc gối đệm, anh dự định cục nhựa này có thể đủ xài trong cơn thắt ngặt chạy không ra chất đốt trên đường. Nghe tôi tuyên truyền hơi mạnh cho anh giao liên, anh nhắc khéo:
– Chú không phải lo! Mai mốt bố về sẽ nói cho con nghe !
Xuồng lách vào trong rạch nhỏ quanh co tối om.
Độ hai ba giờ sáng về đến trạm. Không biết trời đâu đất đâu cứ việc lao vào mò mẫm tìm chỗ mắc võng. Anh giao liên đến bảo:
– Chú nào có muốn mua gì cháu mua dùm cho !
– Ủa, ở đây có quán sao cháu? Tôi kêu lên.
– Dạ có ! Mắm, khô, xà bông thơm, thuốc lá thơm, kẹo đậu phộng, trà con Tôm, con Khỉ, đường cát, đường tán có đủ hết.
– Tôi muốn mua cây bút máy có không?
– Trấu gì ba cái đó ?
Tư Mô nói:
– Bút Bic có thiếu gì. Ở trong này không xài Stylo Kaolo hay Pilot hút mực ngòi vặn ló ra thụt vô như thời kháng chiến nữa!
– Vậy à? Tôi không biết.
– Vậy ở ngoài Bắc xài bút gì ?
– Toàn ngòi bút lá tre chấm mực trong lọ.
– Cơ quan xài gì ?
– Cũng thế.
– Trong này một cây bút giá mấy xu thôi.
Tôi bảo:
– Mua cho tôi một “lố.” – Tôi móc tiền đưa cho anh. – Mua luôn các thứ ăn uống và một cục xà bông thơm.
Tôi giăng võng nằm chụm đầu với Tư Mô. Anh giao liên xuống mé rạch tát nước xành xạch rồi bơi đi. Tôi thấy trong người khỏe khoắn vô cùng vì cái quán mà anh giao liên vừa nói. Bằng ấy mặt hàng ở trong một cái quán cóc trong vùng giải phóng ư? Khác nào Tổng Hợp Bách Hóa Hà Nội ? Mà ở đây lại không cần phiếu.
Tư Mô hút thuốc và chậm rãi cất giọng:
– Tôi nói với chú chuyện này, chú đừng có giận tôi nghe.
– Chuyện gì ? Anh cứ nói đi ! Gì mà giận !
– Mấy việc tốt đẹp chú nói hồi nãy ở trong này người ta biết hết rồi.
– Vậy hả? Sao biết ?
– Thì cũng mấy ông ở ngoài đó về trong này nói tùm lum ra. Họ còn biết nhiều chuyện đẹp ác nữa. Tiểu ban mình cũng đã ngập tràn những chuyện như vậy rồi. Ấy là mấy cha ngoài Bắc về còn giữ kỷ luật cơ quan đấy. Còn mấy tướng bung ra ngoài, bất mãn đâu hồi đời nào, đi tới đâu họ ria tới đó. Bây giờ không có ai tin mấy ông tập kết nữa đâu.
– Có vụ đó nữa sao anh Tư?
– Có chớ !
– Sao anh chưa đi đồng bằng mà anh biết ?
– Thì mấy cậu ở tiểu ban mình đi về, uống trà nói. Dân mình trong này bây giờ không có muốn thống nhứt đâu. Đây tôi nói nhỏ với chú thôi. Chú của chú cũng từng đi kháng chiến như tôi, nhưng tại sao bỏ ngang? Đó là một vấn đề. Các ông bà tập kết ra Bắc rồi về đây toàn nói chuyện bất mãn. Đó là hai vấn đề.
Tôi thở dài. Mệt còn hơn lội một keo Trường Sơn.
Tư Mô tiếp:
– Dân Nam Kỳ ra ngoài đó bị chết xe chết tàu dữ hả chú?
– Đâu có ai bị chết tàu đâu ! Chỉ có ông Mười Kỉnh Tổng Thư Ký ủy Ban Hành Chánh Tỉnh mình ra đó làm gì ở Bộ Nội Vụ, thay mặt cho Bộ đi Hải Phòng đón tiếp Việt kiều ở Tân Đảo về, khi chuyền qua tàu, ông bước hụt chân té và chết chìm thôi chớ đâu có ai chết tàu chết xe gì .
Tư Mô thở khói một hơi dài rồi bảo:
– Thôi, ngủ đi. Mai tình hình dám “động” lắm! Xuống đồng bằng thì phải chuẩn bị cặp giò và cái lỗ mũi. Tụi đi trước về cơ quan khuyên như vậy.
– Chuẩn bị cặp giò thì phải, còn cái lỗ mũi, tại sao?
– Chém vè dưới lục bình lú lỗ mũi lên thở. Hiểu chưa ?
Buổi sáng chúng tôi dậy thì mặt trời đã ló lên ba sào. Tình hình yên tĩnh. Trong trạm đã có trên ba bốn chục khách vì đường nghẽn nên bị ứ lại. Có những người đã nằm cả tuần lễ, cứ nhao nháo đi ra đi vào, chặc lưỡi gãi đầu gãi tai: “Kiểu này thì bỏ mạng sa tràng rồi !” “Kiểu này thì… thì…” v.v…
Tôi và Tư Mô chẳng “bỏ” gì cả. Cuộc sống rừng khan hiếm đủ thứ, kể cả không khí và trời xanh, nên ló đầu ra được khỏi tàng cây rậm bịt đến đây hít thở không gian mênh mông thì sốt ruột cái gì ?
Anh giao liên đem về các thứ mua ở quán. Tôi muốn kêu lên như một đứa trẻ con. Sau năm tháng không biết, cái mái nhà, không biết mua một món hàng… bây giờ có tất cả.
Buổi sáng hôm nay là buổi sáng lịch sử. Tôi thấy một mái nhà. Cái nhà của anh giao liên, một cái nhà nhỏ hai mái như chòi trâu nhưng có vách phên và lợp bằng lá dừa nước… Tuy vẫn phải giăng võng ngoài bờ ngoài bụi nhưng mắt được nhìn thấy một cái nhà.
Một điều lạ lùng nữa là ở đây nấu nướng tha hồ, nước nôi ở ngay bờ mương, củi, không phải đẽo gốc cây đứng như ở Trường Sơn và có cả quán bán đồ.
Ơn Bác ơn Đảng con suýt làm phân bón rừng Cao Nguyên, nhờ hồng phúc của Bác mà con được trông thấy miếng kẹo đậu phộng và cục xà bông thơm. Nhưng không phải của Hợp Tác Xã Thống Nhứt hoặc nhà máy Cao Xà Lá sản xuất mà là của nguy Sài Gòn.
Có cá mắm sặc, khô mực, khô cá đuối, cá hố, đường, đậu v.v…. những thứ ở Hà Nội rất khó mua hoặc không có để mua. Tôi nói với Tư Mô:
– Mình nhậu một ván tẩy trần đi anh Tư!
– Tẩy Rờ đó chớ!
– Sao mình gọi là R anh Tư?
– Hừ, chú hỏi cắc cớ vậy ! Chính tôi cũng không hiểu R là cái gì. Rờ gì, rờ rún hay rờ m… Nhưng tôi cứ hiểu R là Rừng. Không có tự vị để tra nghĩa.
– Bây giờ trước nhất là làm ba con khô mực đi !
– Nhờ chú giao liên đi mua giùm một xị “sum sum” mới được.
Tôi gọi anh giao liên tên là Tôn đến và nhờ thi hành lệnh của anh Tư. Tôn sẵn sàng đi ngay. Tôi hỏi:
– Ngày mai có chuyến đi xuống chưa đồng chí ?
– Chưa đâu chú à! Đường còn kẹt. Nó đang đổ dù ở miệt dưới.
– Nghĩa là phía nào ? Tôi chẳng biết đâu là trên đâu là dưới cả.
– Dưới là dưới chứ còn chỗ nào nữa – Tư Mô pha trò – Chú nốc một xị rồi sẽ thấy cái chỗ dưới nó đổ dù ngay.
Tôn cười và hỏi:
– Có thịt trâu hai chú có làm vài kí không?
– Bộ trong này dư trâu làm ruộng hả chú?
– Trâu bị cà-nông hồi hôm !
– Bắn sơ sơ vậy mà có thiệt hại rồi à?
– Có chứ. Chuyện đó xảy ra hằng ngày. May mà không có người chết. Đạn pháo là đạn mù mà chú. Nó đâu có ngắm mục tiêu. Nó chỉ nhắm mắt thảy đùa trúng ai trúng? Chú gặp dịp may, mua vài kí đi. Lớp ăn tươi lớp làm lương khô. Đường đây còn dài, và còn nhiều việc chông chênh lắm chú ạ. Có ba cái lương khô giắt lưng là vững bụng nhất.
Tôi gật và đưa tiền, rồi nói với Tư Mô:
– Lương khô heo, gà, chó, nai, khỉ, voi, rồi bây giờ tới lương khô trâu ! Còn thứ gì làm lương khô được nữa không?
– Cá chú ạ!
– Cá đã đành rồi!
– Chuột chúng cháu cũng làm lương khô luôn!
– Vậy nữa ?
– Chuột tháng mưa mập lắm. Chú mua vài con làm thử coi. Ăn cũng chết giấc chứ chẳng chơi đâu! Bữa nào tình hình yên tĩnh, vài ba chúng cháu đi dậm cù bắt chuột lớp ăn lớp bán tự túc.
– Dậm cù là sao ?
Tư Mô nói:
– Chú đi ra Bắc lâu quá rồi quên mấy cái vụ quen thuộc của xứ mình. Dậm cù là một trận chiến gồm năm sáu người bao vây một đám lác ruộng, dùng chân dậm lác ngã xuống và càng ngày cụm lác càng thu nhỏ lại. Chuột rút vào. Cuối cùng bị đuổi nột, chúng liều chết vọt ra. Mình chụp đầu. Dậm cù có càng nhiều người càng tốt vì chuột khó chạy thoát.
– A, tôi nhớ ra rồi. Hồi tôi ở nhà mỗi lần bãi trường về quê cũng chơi cái trò dậm cù này. Tụi ở vườn có đứa bắt chuột giỏi, chúng chụp ngay đầu và bóp cổ con chuột nhăn răng, nhưng cũng có đứa chụp cái đuôi chuột quay lại cắn la trời.
Tôn đứng đó, chưa chịu đi làm sứ mạng. Tôi giục thì nó nói mua có một xị không đủ đổ lỗ mũi mua làm gì. Nghe nói thế Tư Mô móc túi đưa thêm tiền và dặn:
– Đong một lít chẵn đi, còn bao nhiêu thì mua đậu phộng. Nếu dọc đường có gặp lá cách quơ dùm một mớ. Có mỡ heo không? Chậc, quên mất cái vụ mỡ dầu. Xào thịt trâu không có mỡ thì xào làm sao?
– Ôi ồi ! Mỡ đằng quán thiếu chi. Tôi đãi mấy chú mỡ Mỹ.
– Mỡ Mỹ là mỡ gì ? Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Mỡ từ bên Mỹ đem qua bán cho mình.
– Sao Mỹ lại bán mỡ cho mình ?
Tư Mô trả lời giùm thằng Tôn:
– Đây là mỡ của dân Mỹ tặng cho dân Việt Nam tức là ba thằng Nguy đó ! Tặng phẩm của Mỹ nhưng vợ quan chộp lấy đem bán đầy các chợ. Mình mua đem về ăn. Vậy chớ chú không thấy mấy cái thùng mỡ tổ nải ở nhà bếp tiểu ban mình đấy à?
– Tôi tưởng là thùng không chớ?
– Còn ba cái thịt hộp nữa. Hộp sơn màu cứt ngựa là của nhà binh. Nó đem sang cho lính Mỹ nhưng cũng chạy tọt vô trong này tiếp tế cho mình. Chú chưa thấy hộp thịt heo nạc năm kí lô trút ra cục nào cục nấy bằng đầu gối mình vậy.
Tôn xen vô:
– Ở dưới này cũng có thiếu gì ba cái ngữ đó chú. Bà chủ quán này cứ mỗi chuyến đi chợ là mua về cả xuồng. Tha hồ bán cho cán bộ, bộ đội.
Tư Mô vụt hỏi :
– Ở gần đây có bán dừa khô không chú? Thịt trâu xào lá cách thì phải xài nước cốt dừa mới đúng điệu.
– Trời đất ! Nước cốt dừa ! Tôi kêu lên.
– Sao? Xào lá cách thì phải nước cốt dừa chớ la cái
– Thì đúng rồi ! Nhưng tôi sực nhớ ra rằng gần mười năm tôi không có ăn dừa.
– Sao vậy? Ngoài đó không có dừa à?
– Có nhưng ít thôi.Ở Quảng Xương Thanh Hóa! Nhưng chánh quyền cấm bán. Chính phủ mình mua hết cả để gây vườn dừa.
– Thế à?
– Tôi quên mất xứ mình là xứ dừa.
Thấy thằng Tôn cứ đứng lần chần mãi không chịu đi, tôi giục, hắn bảo:
– Chờ cho tan phèn mới đi được.
– Tan phèn là sao? – Tôi lại hỏi.
– Là chờ cho trưa trưa thì đi mới bảo đảm ! Điểm bán thịt trâu hơi xa. Đi bỏ trạm rủi nó chụp dù bơi về không kịp. Nó tới nhanh lắm chú ơi. Trước khi tới nó chào mừng bằng nửa giờ pháo bầy. Không có thứ gì ngóc đầu lên được. Xong pháo bầy thì trực thăng tới. Vài cặp cá lẹp ria như mưa bấc. Nếu không có cá lẹp thì phản lực bỏ bom. Xong đâu đấy mới cho đầu láng tới.
– Cá lẹp, đầu láng là cái gì?
Tôn nói :
– Đầu láng là một trong các loại trực thăng tụi nó dùng để chụp mình đó chú ạ. Nó cũng là trực thăng bành bạch thôi nhưng mình nó như còn cá chẻm có vảy sáng trưng và cái đầu nó láng dùng để chở cấp chỉ huy, còn đen thui và có càng trông rất dị hợm thì dùng chở lính.
Còn cá lẹp, chời ơi ! Cái thứ cá lẹp, nhắc tới đâu teo tới đó. Cũng là trực thăng thôi nhưng mình nó dẹp và mỏ nó dài. Trước khi đổ dù nó thả hai con cá lẹp tới phóng rốc-kết tàn nhẫn. Mỗi phát bốn quả. Ai lọt vô giữa thì lượm không được miếng da ! Rồi còn bắn nữa. Nó bắn không có nghe rồn rột như trung liên đâu. Súng của nó nổ như bò đái… e e e… éc. Mỗi loạt dài chừng hai phút. Nó phóng rốc-kết rồi bắn thì hầm nào cũng không chịu nổi.
Tôi chú ý nghe còn Tư Mô thì phớt lờ.
Lúc lội Trường Sơn, tôi có nghe một cán bộ từ trong Nam ra Bắc nói cho nghe cái vụ nhảy giò của trực thăng… Hồi đó tôi chỉ hiểu mơ màng, bây giờ đến thực địa mới hình dung rõ hơn.
Vụ nhậu thịt trâu quy mô thực hiện một cách dễ dàng nhờ nhiệt tình của thằng Tôn. Liệu chừng tan phèn nó đi mua rồi bơi xuồng theo mé sông tìm hái được cả lá cách và mua được một trái dừa khô trong xóm. Tư Mô là người ăn uống kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chứ không phải như tôi món gì cũng ăn, chín sống gì cũng xực không kén thứ gì. Anh đòi cho được lá cách và dừa khô để xào thịt trâu “ăn cho nhớ nhà chơi” chứ không chịu xào bằng mỡ Mỹ. Nhưng được dừa khô rồi thì không có bàn nạo. Đó là món đồ nghề thiết thân với dừa khô. Không có bàn nạo thì chỉ ăn dừa kho thôi ! Cho nên đành chịu vì không tìm đâu ra cái bàn nạo ở giữa cái chốn ma quỉ này.
Thằng Tôn đem thức ăn của nó chung ty với chúng tôi. Nó có vẻ thân mật hơn với những người khách khác. Nó cũng uống rượu. Uống được vài hớp nó hỏi một cách bất ngờ:
– Ai tập kết cũng đều về hết hả hai chú?
Tôi nói:
– Có người về có người không.
– Tại sao vậy chú ?
– Chọn lựa dữ lắm chứ đâu phải hốt ngang hốt ngửa như mua tép ngoài chợ!
– Không biết chừng nào ba cháu mới về ?
Ba cái vụ tập kết tập kiếc Hà Nội Hà Niếc Miền Bắc Miền Biếc xã nghĩa xã nghiếc, có lẽ nghe đã đầy tai chán ngấy rồi nên Tư Mô để cho tôi đối đáp, còn anh cứ chăm chú tiêu diệt những miếng thịt trâu thơm nức. Tôi nói lấy lòng thằng Tôn.
– Sớm muộn gì cũng về thôi ! Cháu đón ở đường dây này thì chắc gặp.
Thằng Tôn không tỏ vẻ vui mừng gì hết. Nó hơi ngó xuống và uống rượu liên tục. Tôi đoán là nó nhớ bố nên lựa lời mà an ủi:
– Dân Nam Bộ mình ra ngoài đó được đề cao dữ lắm. Ba cháu ở bộ đội, biết đâu đã được gởi đi học Liên Xô, Trung Quốc rồi !
Thằng Tôn vẫn im lặng. Tư Mô liếc ngang tôi, ý bảo: Coi chừng tới hố! Tôi hiểu ý nhưng tôi vẫn cứ tuyên truyền miền Bắc xã nghĩa để bù đắp lại “công ơn” miền Bắc đã thắt lưng buộc bụng nuôi những thằng Nam Kỳ ăn hại, trong đó có tôi. Hơn nữa, tôi đoán là ở nơi đìu hiu hút gió, những ông bạn giao liên trẻ này ngày ngày dầm mưa dãi nắng đội pháo bom đều một lòng tin tưởng ở ngày mai sáng lạn của miền Nam và họ không thể biết những chuyện tang thương ngẫu lục của dân tập kết ở ngoài đó, cho nên tôi không ngại “phóng đại tô màu” mặc cho ông bạn già háy liếc:
– Nếu hồi đi tập kết ba cháu là đại đội trưởng thì khi về phải ít nhất là tiểu đoàn trưởng.
Thằng Tôn lắc lia:
– Chắc không có đâu chú ơi !
– Sao vậy? Thiếu gì chiến sĩ ta ra ngoài đó được đề bạt vượt cấp.
– Ai chớ còn ba cháu thì chắc không được đâu. Cháu biết mà.
– Tại sao ?
– Vì ba cháu không có chữ nghĩa gì ! Cháu nghe má cháu nói mà. Riêng cháu cũng biết là hồi cháu lớn thì ba cháu còn đi ở cho người ta.
Tôi vỗ đùi như đóng kịch:
– Nếu vậy thì càng hay nữa. Cháu không biết chớ thành phần bần cố nông là thành phần được Bác Hồ chiếu cố nhất vì đó là nòng cốt của cách mạng.
Tư Mô xen vô một cách móc họng:
– Bần cố cỡ Nguyễn Văn Sơ không chú ? – Anh gắp miếng bầy nhầy vứt xuống mé ao và tiếp – Đó mới thiệt là bần cố bảy mươi lăm phần dầu của xà bông Trương Văn Bền hả?
Tôi háy lại ông bạn già. Tôi không ngờ ông bạn lại biết những chuyện hóc búa này.
(Xin mở một cái ngoặc khá dài để bạn đọc hiểu đầu đuôi câu chuyện:
Thật ra thì đó cũng chẳng phải là chuyện đại chúng nhưng cũng chẳng phải là chuyện phòng the nên người ta có biết thì cũng chỉ xầm xì với nhau vì đây là một trong những cái sự hố to của đảng và quân đội: Chuyện này để đời, tôi có muốn giấu giùm cho đảng cũng không giấu được. Bây giờ ngó lại thấy nó quá ư kỳ cục: Không hiểu tại sao người ta có thể phạm sai lầm như vậy.
Số là hồi cải cách ruộng đất, lính ông Viết Thắng Hồ (tên viết theo kiểu Mỹ) đuổi lính ông Giáp Võ Nguyên chạy tét nước. Cũng vì cái thành phần mà thôi. Ai có gốc bần cố nông thì kể như ngủ khỏe ru, còn anh nào tiểu tư sản trở lên phú địa mệt cầm canh, không khác nào cái án treo trên cổ. Trong quân đội có một anh cần vụ tên là Nguyễn Văn Sơ. Sơ chuyên môn xách dép và nấu cơm cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn tức là Nguyễn Văn Tây dân đại địa chủ ở Vĩnh Long vô đảng hồi 1930. Kháng chiến nổ ra ở Nam Bộ, tôi không biết ổng làm gì, ở đâu; nhưng khoảng 1948 tôi được thằng em trai của ổng rủ đi Cao Miên: “Anh tao làm Tư Lệnh Tình Nguyện Quân của mình trên đó.” Nhưng tôi không đi. Khi tập kết, tôi có gặp ổng ở bến Chắc Băng trong đoàn Tình Nguyện Quân hồi hương. Ra Bắc nghe đâu ông ấy được phong (miệng – chớ không thấy đăng báo) Thiếu tướng. Tôi chỉ gặp thằng em trai của ổng thôi. Một hôm nó cho tôi hay rằng ông Thiếu tướng văng mất hết lon gáo. Tôi hỏi nó tại sao? Nó bảo là tại vì thằng ở đợ (tức là tên cần vụ Nguyễn Văn Sơ) tố khổ ông. ông gốc là địa chủ gộc, Vĩnh Long ai còn không biết, nhưng ổng giác ngộ vô sản từ khuya làm tới chức Tướng, cần gì phải tố ra đảng mới rõ.
Thế nhưng ông vẫn mất chức như thường. Còn tên Sơ thì được đề bạt lên làm hiệu trưởng trường Cải Cách Ruộng Đất cao cấp của quân đội. Trường này là cái “ải thứ ba” đẫm nước mắt của cán bộ từ Thiếu tá trở lên. Có lắm anh chỉnh huấn tại trường này xong, lon gáo rớt hết vì thành phần không cơ bản ! Còn đại tướng Tổng Tư Lệnh và Hồ Chủ Tịch, Hoàng Văn Hoan, Phạm Văn Đồng thành phần gì ? Sao vẫn là lãnh tụ ? ?
Lúc đó tôi còn ở trong quân đội, không đeo lon mang gáo gì cả, coi cái tuồng Cải Cách Ruộng Đất cũng vui vui vì mình là tiểu tư sản, tội không nặng mấy.
Nhiều anh bạn Nam Kỳ đi học ở cái trường này, khi về khóc khóc mếu mếu trông rất thảm thương. Báo Quân Đội Nhân Dân đăng ảnh và tiểu sử Nguyễn Văn Sơ như anh hùng Cải Cách Ruộng Đất với thành tích tố cáo làm ngã ngựa một ông Tướng từng là chủ cũ và là thủ trưởng của mình. Sau đó, tôi có gặp lại thằng em ông Tướng. Nó cười khẩy: Thằng ăn trộm tố điêu! Nó giải thích thêm: Hắn ăn trộm dừa nhà tao có lần bị người nhà bắt được. Bây giờ nó oán, nó dựng chuyện và bịa ra cái thảm cảnh của gia đình nó chứ chẳng có cái đếch gì ? – Sao ở trên dễ tin thằng cần vụ hơn một ông Tướng vô đảng từ 1930? Ba mươi năm qua, tôi vẫn không tìm ra câu trả lời ! Đi theo cách mạng vô sản chẳng phải dễ đâu bà con làng xóm ơi !)
No comments:
Post a Comment