Tấm Huy Chương Muộn Màng
Lời Phi Lộ:
Nhân đọc bài viết : “Mặt Sau Tấm Huy Chương Cấp Muộn“ tác giả Phan Nhật Nam…
Trích:” Thượng Nghị Sĩ Joe Biden của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện/Đảng Dân Chủ là người ĐÃ quyết liệt cắt bỏ 722 Triệu quân viện khẩn cấp trong phiên nhóm ngày 14 tháng 4, 1975 …”
Đến bây giờ chúng ta đã biết được số phận của VNCH, sau khi các hồ sơ mật đã được giải tỏa . Hoa Kỳ đến VN để ngăn chận làn sóng đỏ . Mất VNCH (Miền Nam VN) , HK sẽ bị thiệt hại trong một trật tự của thế giới . Cho nên năm 1965 đã đổ bộ TQLC vào Đà Nẵng, bắt đầu tham chiến tại VN để “ngăn chận chiều hướng thua trận” Nếu HK không đem quân tham chiến , VNCH sẽ bị mất 30 giây . Năm 1972 sau khi President Nixon bắt tay Mao xếnh xáng, chiến lược ngăn chận làn sóng đỏ không còn cần thiết, nên mới có chuyện rút quân và Việt Nam Hóa chiến tranh .
Để khỏi mất mặt mang tiếng chạy làng, bỏ rơi đồng minh… HK bắt Hà Nội phải ký cái hiệp định Hòa Bình Paris 1973, bằng cuộc dội bom Hà Nội tàn bạo 11 ngày đêm bằng B52 và phong tỏa hải cảng Hải Phòng . Xong HK xoa tay tuyên bố “Hòa Bình Trong Danh Dự “ . Rút quân và đem POW về Hoa Kỳ
Câu trích dẫn trên của tác giả Phan Nhật Nam có tính chất cá nhân hoặc thuộc phe Cuồng Châm . TNS Joe Biden không phải là lãnh tụ đa số của Thượng Viện , cũng không phải trưởng Tiểu Ban Ngoại Giao hay Quốc Phòng Thượng Viện cho nên lá phiếu, hay tiếng nói của TNS Joe Biden không phải là lá phiếu quyết định .
Cắt viện trợ từ 2 tỷ 4 xuống 700 triệu rồi xuống 350 triệu rồi không tháo khoán năm 1975 thể hiện rõ rệt chiến lược “Hòa Hoãn với Kẻ Thù” để thay thế chiến lược “Ngăn Chận Làn Sóng Đỏ “ tiến đến chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh
Tại sao bây giờ mới vinh danh những chiến binh anh hùng Hoa Kỳ đã tham chiến trong chiến tranh VN như Thiếu Tá John Duffy, cố vấn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù và Binh sĩ Bộ Binh Dennis Fujii . Điều nầy cũng dễ hiểu . Bọn nhà báo , phóng viên bất hảo đã cùng bọn phản chiến bôi nhọ QLVNCH bằng những những hình ảnh bịa đặt , những tin tức bất lợi cho VNCH cho nên hình ảnh Tướng Loan xử tử Bảy Lốp hay Ba lém gì đó hay bức hình “Em Bé Napalm” đã đem vinh quang cho hai nhiếp ảnh gia bằng hai giải Pulitzer về báo chí . Nhưng đã gây bất lợi cho VNCH trên trường quốc tế .Bọn phản chiến đã hoạt động mạnh mẽ, cho nên những chiến binh Hoa Kỳ khi hồi hương đã bị bọn phản chiến xúi dục, đã bị ném đá, ném cà chua trứng thối vào đoàn quân Hoa Kỳ, đã bị kỳ thị đã bị lên án đã bị gọi là bọn giết người, giết trẻ thơ . Cả một phong trào chống đối lan rộng, làm cho những những chiến binh Hoa Kỳ bị trầm cảm , nhiều người đã tự tử . Cả một trời đau thương cho người lính Hoa Kỳ . Họ là những công dân tốt, đã tuân lệnh động viên và đến VN tham chiến . Họ không lợi dụng quyền thế để tìm cách hoãn dịch, hoặc trốn qua Canada với chiêu bài chống chiến tranh . Không một Tổng Thống nào muốn vinh danh những chiến binh anh hùng, đã đáp lời động viên của chính phủ nhập ngủ đi chiến đấu ở một phương trời xa xôi, có thể trở về nhà bằng hòm gổ cài hoa hay ngồi xe lăn như một “bại tướng cụt chân “ . Sự bất công , sự hắt hủi của người dân Hoa Kỳ đã làm thương tổn hằng triệu chiến binh Hoa Kỳ đã tham chiến ở VN kể cả những người may mắn không “bỏ mạng sa trường “ hay để lại một phần thân thể trên một xứ sở xa lạ .
Giờ đây khi phong trào phản chiến đã biến mất . Nhờ sự chiến đấu của những chiến binh anh hùng đó mà một trật tự mới đã được thiết lập trên thế giới, Hoa Kỳ đã vượt lên trên tất cả . Đã chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh . Chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung . Đây là giờ phút mà những anh hùng Hoa Kỳ phải được vinh danh vì những chiến công của họ . Đã đọc qua tác phẩm “Mùa Hè Đỏ Lửa “ hay Chiến trận Lam Sơn 719 Hạ Lào , chúng ta đã thấy rõ phẩm chất tuyệt vời , cao cả của người chiến binh Hoa Kỳ khi chiến đấu cùng người lính QLVNCH , cùng chung chiến hào , họa phúc cùng nhau, nêu cao được tinh thần huynh đệ chi binh trên khắp mọi miền đất nước . Cái kéo tay của Thiếu Tá John Duffy để đưa Thiếu Tá Đoàn Phương Hải lên trực thăng mà không hề sợ hãi, cũng như Binh sĩ Dennis Fujii đã sát cánh chiến đấu cùng các chiến binh mũ nâu Biệt Động Quân đã nói lên được tính bi hùng của những chiến binh không phân biệt màu da sắc tộc .Chúng tôi xin được chia vui cùng những chiến binh đã được vinh danh bằng Huy Chương cao quý của Tổng Thống Hoa Kỳ , Chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của hơn 58,000 chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh cho nước VNCH chúng tôi . Cùng sự chiến đấu của hàng triệu thanh niên, thanh nữ Hoa Kỳ giúp cho chúng tôi được sống trong Tự Do Dân Chủ trong hơn 20 năm . Máu của quý bạn đã tô thắm ngọn cờ Quốc Gia của chúng tôi . Lá cờ đã theo chân chúng tôi trên khắp thế giới . Lá cờ của Tự Do.
Chiến tranh Việt Nam dã là bi kịch, là thảm kịch, là nỗi bất hạnh mà chúng ta, người dân VNCH, và cả nước VN bây giờ phải gánh chịu . Chúng ta đã không quyết định được số phận của chúng ta . Không nên đổ lỗi , đổ thừa cho cá nhân hay quốc gia nào làm sụp đổ VNCH . Đã ở vào thế thua trận thì phải thua trận như Thi hào Nguyễn Du đã nói:
“ Bắt phong trần phải phong trần
“Cho thanh cao mới được phần thanh cao “
Hay Danh sĩ Bắc Hà Ngô Thời Nhậm đã để lại câu nói để đời:
“Thế Chiến Quốc , Thế Xuân Thu
Gặp thời thế, thế thời phải thế “
KB NguySaigon
Mặt sau tấm huy chương cấp muộn
Chân thành tưởng niệm những Người Lính Việt-Mỹ,
Sống/Chiến Đấu/Hy Sinh trong chiến trận nơi Miền Nam VN.
Riêng gởi,
Quách Thưởng-TĐ21/BĐQ
Lê V. Mễ, Đoàn P. Hải, Tô P. Liệu và J. J. Duffy - TĐ11ND
Dẫn Nhập: Ngày 5/7/22, tại đại sảnh cánh Đông Bạch Cung, Joe Biden nhân danh Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng Huân Chương Danh Dự (Medal of Honor)/Huân Chương Quân Đội cao nhất cho bốn Chiến Binh Mỹ đã từng chiến đấu ở VN trước 1975 trong đó có Cựu Thiếu Tá John J. Duffy nay đã hồi hưu với cấp bậc Đại Tá. Thiếu Tá John J. Duffy (tính tại 1972) đã phục vụ bốn đợt trong Chiến Tranh Việt Nam vào các năm 1967, 1968, 1971, và sau đó 1973-1974. Lần trao tặng huân chương hôm 5 Tháng 7 có sự hiện diện của Trung Tá Lê Văn Mễ, Nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11ND, đơn vị đã tử chiến với một trung đoàn cộng sản trong trận chiến Mùa Hè 1972 tại cao điểm Charlie, Kontum. Cựu Thiếu Tá Duffy là cố vấn của Tiểu Đoàn 11 và là một của những nhân vật chính của bi hùng kịch Charlie, lần Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo tử trận, 12/4/1972. Bài viết có chủ điểm trình bày Người Lính Hoa Kỳ John Duffy và những người Lính Nhảy Dù VNCH đã sống/chiến đấu/chết nơi cao điểm Charlie tháng 4/1972, năm-mươi năm trước khi được tuyên công muộn màn hôm nay. Bởi sau tấm huy chương danh dự còn có một điều gì khác nữa?!
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trao HUy Chương cao quý nhất của Quân Lực Hoa Kỳ cho Thiếu tá hồi hưu John Duffy về những chiến tích trong chiến tranh Việt Nam vào ngày 14-15 1972 tại tòa Bạch Ốc- HTĐ (AP/PTI)
Một.
Trong số quân nhân được tuyên công cùng lần với Thiếu Tá John Duffy hôm 5 Tháng 7 còn có Binh Sĩ Lục Quân Bậc 5 Dennis M. Fujii; Trung Sĩ Nhất Edward N. Kaneshiro (tử trận 1966 tại VN); Binh Sĩ Lục Quân Bậc 5 Dwight Birdwell; Đại Tá Lục Quân Hồi Hưu Ralph Puckett Jr. và Thượng Sĩ Lục Quân Thomas P. Payne.
Họ là ai, từ đâu, tại sao cùng lúc lại được nhận lãnh vinh dự cao nhất của Người Lính Quân Lực Mỹ, một ân thưởng quá đổi muộn màng sau 47 năm sụp đổ Miền Nam, 30 tháng 4, 1975. Đó là thời điểm kết thúc một cuộc chiến mà quốc hội, chính quyền Mỹ (Cộng Hòa lẩn Dân Chủ); giới học giả, truyền thông báo chí tả hoặc hữu; cùng nhiều thế hệ người Mỹ đã có ý hướng tẩy xóa, bỏ qua, muốn quên đi như một vết thương vẫn tác động lên lương tâm, lương tri người Mỹ! Của tất cả dân chúng Mỹ? Không loại trừ Cộng Đồng Mỹ gốc Việt. Tại sao? Muốn tìm hiểu đúng, rõ tận sâu vấn đề, chúng ta cần lưu ý trước tiên vào trường hợp của anh Binh Bậc 5 Dennis Fujii (trước khi đề cập đến Thiếu Tá Duffy). Bởi Fujii đã có mặt tại một chiến trường lớn có tác động chính trị quyết định đối với chiến cuộc VN, ảnh hưởng lên toàn khu vực, chính sách ngoại giao sách lược của nước Mỹ. Lịch sử sau hơn nửa thế kỷ cho phép chúng ta có thể xác định như thế mà không sợ sai lầm – Fujii đã có mặt tại chiến trường Hạ Lào/Hành Quân Lam Sơn 719.
Kế hoạch Hành Quân Lam Sơn 719 khai diễn vào Ngày 8 Tháng Hai, 1971, trong vùng hậu cần đường giây tiếp vận Bắc- Nam của cộng sản Miền Bắc, với mục tiêu là Tchépone, Hạ Lào. Chính phủ, giới lãnh đạo quân sự Mỹ thiết kế chiến lược và quân Nam VN là thực hiện chiến thuật. Từ phòng tuyến Khe Sanh, đại quân Miền Nam được tổ chức thành ba lực lượng tấn công chính với ba hướng tiến quân, lấy Đường Số 9 làm địa giới trung tâm khu vực hành quân. Giai đoạn thứ nhất của cuộc hành quân bắt đầu với các Tiểu Đoàn 39, 37, 21 dưới quyền của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn I Biệt Động; Các Tiểu Đoàn 2, 3 Dù và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn III Dù do Đại Tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy được trực thăng vận xuống chiếm đóng, thiết lập, trấn giữ những căn cứ hỏa lực từ bắc xuống nam, tả ngạn sông Tchépone, nơi các cao điểm được đặt tên: Ranger North (39BĐQ); Ranger South (21BĐQ); Căn cứ hỏa lực 31 (TĐ3ND); Căn cứ hỏa lực 30 (TĐ2ND) để bảo vệ mặt bắc trục tiến quân trung phong trên Đường số 9. Bài viết chỉ tập trung phần trình bày về cánh quân mặt Bắc nầy, với hai căn cứ Ranger North (39BĐQ), Ranger South (21BĐQ) mà vô tình Binh Fujii có mặt.
Cần nói rõ về phía Mỹ, Tướng Abrams đã thay thế Tướng Westmoreland từ giữa năm 1968, và bắt đầu áp dụng chiến thuật “Chiếm và Giữ” thay vì “Lùng và Diệt” của Westmoreland.
Ngày 8 tháng 6, 1969 kế hoạch rút 25,000 quân chính thức được công bố với đơn vị đầu tiên, Sư Đoàn 9 Bộ Binh rời khỏi Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tiếp theo, 29 tháng 9, quân số Mỹ ở Thái Lan rút đi 6000 ngườị.
Ngày 9 tháng 10, 1970 sau nhiều tính toán đầy kịch tính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird công khai trình diễn màn kịch lớn – Việt Nam Hóa Chiến Tranh – Viên đá tảng của chiến lược Nixon – Hành Quân Lam Sơn 719 là bài toán trắc nghiệm.
Đánh giá kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh là giải pháp có khả năng thực hiện để giải quyết mối rối Việt Nam – Cũng là phương cách hữu hiệu và an toàn nhất để “tháo gỡ” trục liên kết Nga-Hoa, đánh vỡ sự cân bằng cố kết của phe cộng sản trong chiến lược phạm vi chính trị toàn cầu - Tổ chức lại, tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương- Miền Nam có tồn tại được hay không theo sau kế hoạch lớn nầy là một chuyện khác?! Qua Thế Kỷ 21 hôm nay, chúng ta có thể nói chắc như thế mà không sợ sai lầm.
Cũng nên nói rõ, kể từ Ngày 2, Tháng Hai, một tuần trước “Ngày N-Ngày 8” khai diễn chiến dịch, tin tức và lời tố cáo “hành vi xâm lăng Lào” đã tràn đầy trên trang nhất của báo chí Mỹ cũng như toàn thế giới nghĩa là “Hành Quân Lam Sơn 719 là “bí mật quốc phòng” mà ai cũng biết!”. Hơn nữa, tai họa đã thực sự xẩy ra khi chiếc trực thăng chở phái đoàn báo chí ngoại quốc có Đại Tá Phạm Vy, Trưởng Phòng 4, kiêm Tham Mưu Phó Tiếp Vận Quân Đoàn bị bắn rơi trong tuần thứ hai khi chiến dịch đang khai diễn – Toàn bộ hồ sơ trận liệt, diễn tiến hành quân đã bị phía cộng sản thâu giữ. Người Lính Quân Lực VNCH gánh hết hậu quả tai họa oan nghiệt nầỵ
Hai.
(Chỉ tập trung vào phần của BĐQ, có liên quan đến chủ đề “tấm huy chương” của Fujji)
Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn1/BÐQ do Ðại Tá Nguyễn Văn Hiệp chỉ huy đóng tại căn cứ Phú Lộc trong phần đất VN phối trí các đơn vị như sau: 1/TÐ21/BÐQ đóng tại căn cứ BÐQ/Nam (Ranger South) do Thiếu Tá Nguyễn Hiệp TĐT; Đại Úy Quách Thưởng, TĐP. 2/TÐ37/BÐQ, trừ bị tại căn cứ Phú Lộc, bảo vệ BCH Liên Ðoàn do TĐT/Thiếu Tá Trần Văn Nghênh chỉ huy; TÐP, Ðại Úy Lại Thế Thiết. 3/TÐ39/BÐQ, đóng tại căn cứ BÐQ/Bắc (Ranger North), TĐT/Thiếu Tá Vũ Ðình Khang; TÐP/Ðại Úy Ðỗ Ðức Chiến.
Ngày 8 Tháng 2, TÐ21/BÐQ được trực thăng vận tới Bãi Ðáp/LZ Ranger South để yểm trợ cho nỗ lực chính trên Đường Số 9 tiến xa hơn về hướng Tây nhắm đến mục tiêu Tchépone. Tiếp ngày 9, Bộ Tư Lệnh/HQ quyết định tung thêm các đơn vị bảo vệ sườn Bắc và Nam vào trận địa. TÐ39/BÐQ được trực thăng vận tới Bãi Ðáp/LZ Ranger North tăng cường TÐ21/BÐQ.
Căn cứ Ranger North của TĐ39 bị tấn công trước nhất. Sau nhiều ngày thám sát, dò đường chung quanh căn cứ, sáng 19 Tháng Hai, 1971, Trung Đoàn 102, Sư Đoàn 320/CSBV sau nhiều giờ pháo kích bằng đại pháo tầm xa 130 ly, đến lượt sơn pháo bắn thẳng che cho bộ binh tấn công từ mặt đông căn cứ, nơi tuyến phòng thủ mỏng manh nhất (Theo tỉ lệ 4 đánh 1/Một trung đoàn CS có 4 tiểu đoàn cơ hữu). Biệt Động Quân giữ vững căn cứ qua ngày thứ hai, mãi đến đêm tối hôm sau trận chiến mới tạm chấm dứt.
Tin căn cứ TĐ39 bị đánh bay về Sàigòn, Tổng Thống Thiệu ra lệnh Trung Tướng Lãm, tư lệnh cuộc hành quân tạm đình chỉ kế hoạch tiến chiếm Tchepone như trù liệu vơi Lữ Đoàn I Dù và thiết kỵ?! Nhưng cũng có ý kiến sáng suốt, đấy là Tướng Abrams đã thúc dục Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên hãy ra lệnh Tướng Lãm đừng để phí thời gian, lúc cộng sản chưa chuẩn bị đủ. Ngày 14, Abrams quá nóng ruột, đích thân cùng Tướng Viên ra Đông Hà gặp Tướng Lãm và Tướng Sutherland (Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Vùng I) để quan sát tại chỗ và dục ông Lãm hãy khai triển gấp Sư Đoàn I Bộ Binh trên những cao độ nam Đường 9 để bảo vệ cạnh sườn cho nhảy dù và thiết kỵ tiến chiếm Tchépone như kế hoạch dự liệu trong vòng ba đến năm ngày. Tướng Lãm đã để khỏang thời gian quý giá nầy trôi qua cho đến ngày 18, 19.
SĐ/320CSBV thay đổi các đơn vị cơ hữu tiếp đánh vùi TĐ39, quyết dứt điểm Ranger North để có khí thế ban đầu. Ngày 20, trực thăng cố vào vùng để tản thương và tiếp tế đạn cho TĐ39, xạ thủ phòng không cộng sản bắn hạ một trực thăng Mỹ tản thương, y tá Dennis Fujii phải ở lại cùng căn cứ. Trong cái rủi có điều may, Fujii trở thành y tá của căn cứ kiêm luôn nghiệp vụ hướng dẫn phi cơ Mỹ oanh kích cận phòng. Cuối cùng, Fujii cũng được móc ra, nhưng trực thăng chở anh lại bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp xuống Ranger South. Y Tá Fujii trở nên là nhân chứng sống cho cuộc chiến đấu quyết liệt của Biệt Động Quân, bởi có những tay viết báo người Mỹ muốn khai thác khía cạnh bất lợi đối với quân đội miền Nam. Đã có nhiều lúc, những phi công F4 Phi Đoàn 40 Chiến Thuật Mỹ nhìn thấy binh sĩ TĐ39/BĐQ nằm trong màn lửa bom Napalm do họ thả xuống chung quanh căn cứ. Không được tiếp tế đạn, lính TĐ39BĐQ phải xử dụng lại súng, đạn của kẻ địch để tiếp tục trận chiến.
Cuối cùng, chiều tối 21 Tháng Hai, sau hơn ba ngày đêm đương cự, với 178 người chết và bị thương nặng, quân số TĐ39 chỉ còn 107 người, kể cả bị thương nhẹ có thể chiến đấu; quân cộng sản xử dụng một lực lượng (không phải gấp ba, bốn lần hơn như những ngày đầu trận đánh) tới 2,000 người với vũ khí mới trang bị, để thay thế cho hơn sáu trăm xác bỏ lại lềnh kênh quanh căn cứ (không ảnh đếm được số chính xác là 639), quyết trả hận Biệt Động Quân.
Cuối cùng, vào nửa đêm, nương bóng tối, TĐ39 phải bỏ căn cứ rút về Ranger South. Cộng quân không chịu mất đà, dồn nỗ lực pháo cối dập xuống căn cứ Ranger South. Để giữ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ còn lại và đỡ gánh nặng cho TĐ21, một cuộc hành quân không vận với phối hợp chặt chẽ giữa phi cơ chiến thuật và trực thăng võ trang, 13 trực thăng đã hoàn tất một cuộc tải thương chớp nhoáng, lấy ra được 112 thương binh kể cả anh chàng “tiền sát viên bất đắc dĩ” Fujii. Tiểu Đoàn 21 sau khi mất điểm tựa phía Bắc (Ranger North), cùng thành phần còn lại của TĐ39 rút về Đồi 31 của nhảy dù, sau đó được di tản khỏi vùng hành quân.
Năm mươi năm sau, Y Tá Binh Sĩ Lục Quân Bậc 5 Hoa Kỳ Dennis Fujii được ân thưởng huân chương là do, từ “chiến công” Tháng 2/1971 với máu xương của Biệt Động Quân/VNCH đổ xuống nơi Hạ Lào. Phần cuối bài viết sẽ nói về mặt sau tấm huy chương cao quý nầy.
Ba.
(Phần viết sau tổng hợp từ hai trích đoạn: Phan Nhật Nam- Người Ở Lại Charlie, Tên nghe quá lạ/MHĐL, SG, 1972; Đoàn Phương Hải –Máu Lửa Charlie, US, 2015 – Chỉ tập trung phần lớn Thiếu Tá Cố Vấn TĐ11ND. J. Duffy, 1972 – Để so sánh với huy chương 2022)
Đầu tháng 4, 1972 Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù được không vận lên Pleiku, sau đó vào vùng hành quân để giải tỏa áp lực địch đang đè nặng lên hai tỉnh Pleiku và Kontum. Từ Tân Cảnh, nhìn xa thấy Charlie ẩn hiện trên nền trời ảm đạm mờ sương. Charlie gồm ba đỉnh đồi, cao độ trên dưới 1000 thước, nối liền nhau bằng những sườn đồi thoai thoải. Phía bắc là Ngã Ba Biên Giới Việt-Lào-Cambốt, phía đông-bắc là quận Tân Cảnh, và xa xa về phía nam là tỉnh lỵ Kontum chìm trong rừng xanh núi đỏ. Mặt trận B3 gồm ba sư đoàn chính quy CSBV 2, 3 và 320 (phân biệt với lực lượng vũ trang Mặt Trận Giải Phóng nơi chiến trường Nam bộ), lực lượng địa phương, và các trung đoàn pháo, phòng không liên tục tấn công tạo áp lực nặng nề cho Quân Khu/Quân Ðoàn II đóng ở Pleiku. Cộng quân công khai xử dụng xe Molotova tiếp tế quân trang, quân dụng cho Mặt Trận B3 trên hệ thống “đường mòn” Hồ Chí Minh - Đã hoàn chĩnh là một tuyến đường cho xe vận tải nặng, chiến xa, có ống dẫn dầu. Charlie đã trở thành cái gai nằm ngay trên phần "xa lộ" tiếp vận chính yếu này.
Ngày 6 Tháng 4, cứ điểm Delta của Tiểu Đoàn 2 ND ở phía Nam bị đánh trước. Tiểu Đoàn 11 ở Charlie chờ đợi và theo dõi qua loa khuếch đại máy truyền tin để nghe kết quả. Trời sáng dần, Delta giữ được, nhảy dù thắng. Trung Tá Bảo nhìn Thiếu Tá Mễ, tiểu đoàn phó: “Chúng sẽ chơi với mình cũng với cách này, chúng sẽ lấy kinh nghiệm ở Delta để "dứt điểm" mình”. Toàn thể bộ chỉ huy TĐ11 đồng im lặng. Mọi người đều có ý nghĩ chung. Bao giờ đến lượt mình? Bao giờ?
..
Ngày 11, Tháng 4 trận địa pháo bắt đầu. Pháo thật sự của 122 ly và 130 ly ào ào trút xuống C1/ĐĐ113, C2/Căn cứ chính và C/ĐĐ111. Không phải từng trái, nhưng từng chùm, từng loạt. Bốn mươi lăm phút sau, pháo tạm im, Anh Năm/Trung Tá Bảo lên hầm chong ống nhòm xem ÐÐ111 bên đồi C1 lục soát chiến trường. Súng và xác bộ đội cộng sản nằm lềnh kênh chật kín đồi đất đỏ.
Ngày 12 Tháng 4. Trong hầm chỉ huy, anh Năm chỉ những điểm ước tính Bắc quân đặt súng:
- Chắc chắn chúng chôn súng ở đây. Anh chỉ ngón tay trên các đỉnh Kngok Toim, Kngok Im Derong. Toàn là cao độ trên 1,500 thước, ở đấy, tụi nó thấy mình rõ như ở đây mình thấy “Thằng 1” dưới Charlie. Mình chỉ có mấy đỉnh đồi nầy để vinh quang hay gục ngã. Tao đã xin Lữ Ðoàn để lại một đại đội tại Charlie, còn toàn bộ tiểu đoàn phải di chuyển hàng ngày để phát giác và tiêu diệt địch sớm hơn, nhưng lữ đoàn không chấp thuận và lệnh phải giữ Charlie bằng mọi giá. Ngày hôm qua nó bắn mình không trật một phát ra ngoài. Hải (Đại Úy, Sĩ quan hành quân) mày xin mấy phi tuần để sẵn, có gì mình dội xuống liền. Dội ngay trên tuyến mình cũng được. Xong, ông Mễ và bác sĩ Liệu về hầm đi, đừng tụ vào một chỗ.
11 giờ 5 Phút ngày 12, pháo lại bắt đầu. C2 bị nặng hơn C và C1. Bắc quân từ Tây và Tây-Nam đồng nhào lên C, những người ở C2 nhìn xuống sườn đồi lúc nhúc những bóng áo vàng đục dắt lá cây di chuyển chậm chạp, lui tới. Hải gọi máy báo cáo với Anh Năm, nhưng không có tiếng trả lời. Có chuyện gì xẩy ra? Hải chạy lại hầm của anh và Duffy. Hầm anh trúng đạn, mấy thân cây lớn đặt ngang hầm sụp đổ hoàn toàn. Cùng lúc, Duffy vừa chui ra đầu ngực đầy máu. Mễ, Liệu, Hải và Long chú đệ tử của anh vội moi đất kéo anh ra khỏi hầm, mặc cho pháo vẫn đang rơi đều trên căn cứ. Mang anh ra khỏi hầm, đặt ngay dưới giao thông hào. Thân thể anh còn nóng, Hải bịt chặt vết thương, máu ấm chảy qua kẻ ngón tay. Liệu cúi xuống coi kỹ lại vết thương rồi ngẩng lên, lắc đầu: "Anh đã đi...". Anh mất đi, Mễ lên thay, lãnh trách nhiệm chỉ huy đơn vị trong hoàn cảnh quá đổi khó khăn.
Đêm xuống thật nhanh, TÐ11ND chuẩn bị nhận một định mệnh tàn khốc vào ngày, giờ sắp tới. Bởi nơi những rặng núi mịt mùng về phía tây, từng đoàn xe Molotova địch đang di chuyển, ánh đèn pha sáng rực góc rừng. Kêu pháo bắn tiêu diệt, pháo bắn không tới, kêu không quân oanh kích thì không có phi vụ. May thay nhờ Duffy xin mấy phi vụ B52 sẽ thả lúc nửa đêm. Duffy đưa ngón tay cái lên trời, tay kia chỉ hướng nam.. Trời đất rung chuyển, lửa cuốn cuồn cuộn bốc lên trong tiếng nổ giây chuyền của hàng ngàn trái bom 500 cân Anh từ B52 trút xuống. Không khí như nghẹt thở. Người lính phải đứng tựa mình vào giao thông hào, bịt chặt hai lỗ tai, mồm há to để chống lại sức dội đến muốn tắt thở, máu muốn ào ra từ lòng ngực, người rung lên, đất đá, cành cây rơi lộp bộp trên nón sắt. Ðợt ném bom chấm dứt sau vài phút, lửa vẫn cuồn cuộn bốc lên phía nam C2.
Ngày 13, Bác Sĩ Liệu nói với Mễ: Hôm nay là ngày 13, con số không lành, thế nào chúng cũng pháo và tấn công mình nữa. Tôi lo cho thương binh quá. Nếu không có thuốc và di tản kịp thì chắc sẽ không qua khỏi. Tôi hết thuốc men rồi!!
Mễ ra lệnh cho Hùng “móm”/ĐĐ112 lục soát kiếm bãi đáp phía bắc Charlie/ĐĐ111 để cố tải thương. Hùng báo cáo đụng địch khi kiếm ra bãi đáp. Thinh dẫn ĐĐ111 bung mạnh về hướng đông, giao tranh dữ dội khi Thinh ra khỏi căn cứ hơn nửa cây số. Trung úy Thinh hy sinh lúc trận đánh trở nên quá tàn khốc, Trung sĩ Lung, tổ trưởng nổi tiếng tháo vát, lỳ lợm, chưa bao giờ thất bại trước bất kỳ một nhiệm vụ nào, gục ngã cùng lần với Thinh. Xế chiều ngày 13, địch tấn công sau khi đã dội mưa pháo lên cứ điểm từ lúc trưa. Giao tranh tiếp diễn suốt đêm. Hỏa châu bập bùng soi sáng núi đồi...
Trời sáng dần, ta và địch vẫn quần thảo, bám sát lấy nhau. Ðã có lúc Mễ, Hải, Bác Sĩ Liệu và Duffy chiến đấu như những khinh binh khi địch đánh vào tới sát hầm chỉ huy.
Thế cùng lực kiệt, không tiếp tế, không tản thương, không lương thực thuốc men mà vẫn phải đương đầu với hàng hàng lớp địch quân. Cuối cùng, Mễ, Hải, Duffy lấy quyết định: Bỏ Charlie vào lúc xế chiều, sau khi Duffy xin được mấy phi vụ B52 thả xuống phía nam và phía đông căn cứ để tiểu đoàn di tản. Ðợt bom lửa cuối cùng thả ngay trên tuyến phòng thủ ĐĐ114.
Chiều 13 di tản, thương binh nhẹ gắng mang đi theo, còn thương binh nặng thì sao?! Không còn một phép nhiệm mầu nào đến với Tiểu Đoàn 11. Hải và Hùng "móm"/ĐĐ112 lấy hướng 800 dẫn đầu đoàn quân ào ra khỏi Charlie khi ánh nắng chiều cuối cùng vừa khuất sau dẫy núi phía tây, trong khi pháo binh bắn ngăn chặn phía sau và bên hông để ngăn địch truy kích. Xuống khỏi chân đồi chừng 400 thước thì B52 do Duffy yêu cầu rải từng thảm bom ở phía nam, đông-nam căn cứ. Hải và Mễ cố tránh thả bom ngay đỉnh đồi, vì nghĩ rằng biết đâu những thương binh nặng còn chưa theo kịp và thân xác Anh Năm cùng bao đồng đội tử thương còn nằm tại đó! Cơn địa chấn bom và sức ép làm cả đơn vị lăn lộn bên sườn núi. Tất cả đều kiệt lực. Mễ nằm gục vì vết thương hôm qua, Hải ứa máu do quá mệt mỏi và kiệt sức. Duffy cũng chẳng hơn gì, Bác Sĩ Liệu gục xuống bên gốc cây bất động.
Ðêm tối đen, lính nắm vai áo nhau mà đi, kẻ mạnh dìu kéo thương binh, tựa lưng vào cây rừng để lấy thêm sức tiến qua cây khác. Kim địa bàn lân tinh giao động, hướng 800, hướng của sự sống và hy vọng. Hỏa châu vẫn bập bùng trong đêm tối.
-Đây nhá Duffy, vùng tập trung của mình, 113 bên trái, phe ta bên phải cùng "move" lên. Mình làm một cái LZ/Bãi đáp, xong you gọi "Mỹ" đem máy bay tới móc mình ra, OK?
- OK Do! Duffy gật đầu đồng ý mau mắn.. Good. Very good, you’re the best commander! Duffy đưa ngón cái lên ca tụng Mễ. Mễ gượng cười nhưng không nổi
Ðiểm hẹn mà Mễ và Hải chọn là một trãng trống ngay cạnh bờ sông Pôkô để đơn vị lấy nước và di tản thương binh. Trãng trống là điểm hy vọng, điểm mong đợi cuối cùng của những người lính TĐ11Dù sau bảy ngày, bảy đêm quần thảo với hai trung đoàn cộng sản BV dưới những trận mưa pháo trên hỏa ngục có thật tên gọi Charlie. Trời sáng dần, bắt tay được với ĐĐ113 của Hùng "mập" đang rải quân sát bìa rừng và tung các toán tiền đồn ra xa. Nhưng như một gáo nước lạnh tạt vào mặt vì BCH/Lữ Ðoàn cho biết chưa có trực thăng và ra lệnh cố gắng chiến đấu để về Tân Cảnh!!
"Chiến đấu?! Chiến đấu trong thế cùng lực kiệt với quân số 167 người, kể cả thương binh đang kiệt sức vì đói khát đã ba ngày. Nhưng Nhẩy Dù là "cố gắng", Hải, Mễ nhìn Duffy cầu cứu, viên Thiếu Tá Lực Lượng Ðặc Biệt đã sống cùng nhau như anh em, chia nhau từng bao cơm sấy, hộp cá.. Vết thương rỉ máu trên đầu, trên ngực, nhưng Duffy vẫn cứng như một thỏi thép với cây XM18 và chiếc máy truyền tin đặc biệt của các toán Lực Lượng Ðặc Biệt khi nhảy xâm nhập mật khu cộng sản.
"Chúng ta sẽ có máy bay Mỹ trong vài phút! Duffy chắc giọng bảo đảm
Nhưng chưa tàn điếu thuốc thì có tiếng súng nổ của các toán tiền đồn của ĐĐ113; Hùng “mập" báo cáo tất cả đều chạm địch. Pháo 82, B40, B41 và AK nổ vang một góc rừng. Ðịch ào tới tấn công. Tiểu Ðoàn 11 vùng lên chống trả, lính ĐĐ113 ào ra ngăn địch. Giọng Hùng “mập” sang sảng điều động các trung đội. Giặc Bắc Việt ào vào vị trí đóng quân. Lính TĐ11 vừa bắn vừa rút vào khu rừng lau cao quá đầu người... Ðơn vị tan thành mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, Hải ra đầu hàng! Ngay lúc đó, Duffy cũng vừa liên lạc được với hai chiếc trực thăng võ trang Cobra, một chở quân và một O2 quan sát. Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. Toán còn 36 người di tản làm 5 đợt vì chỉ có một trực thăng chở quân. Với hỏa lực mạnh và chính xác của Cobra, địch khựng lại, trực thăng đáp xuống.. Bác Sĩ Liệu, ông đi trước đi! Chân ông bị thương ông không chạy nổi đâu! Liệu phản đối: Tôi không đi, tôi ở lại với các ông. Hải gắt.. Ði đi, chân cẳng như thế mà ở lại. Ông nặng bỏ mẹ, tôi cõng không nổi! Vừa nói, Hải lùa Liệu lên trực thăng với sáu người lính khác.
Ðịch lại ào tới, cả toán vừa chạy vừa bắn lại. Nhờ hỏa lực yểm trợ của Cobra, thêm được ba đợt bốc quân an toàn. Toán cuối cùng chỉ còn lại Mễ, Duffy, Hải và Trung Úy Long mà địch cố đuổi bắt tới cùng. Duffy nói với Hải và Mễ: "Trong mấy chuyến trực thăng di tản vừa rồi, phi công Mỹ muốn tôi được bốc đầu tiên, nhưng tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh!
Ngay lúc đó, cặp Cobra, trực thăng võ trang mới vào vùng.. Trực thăng vừa đáp, Hải lên sau cùng. Máy bay vừa lên cao vài thước thì một loạt AK bắn lên tàu, Hải trúng đạn ở chân phải, rớt từ trực thăng xuống đất, chỉ kịp nhìn đuôi trực thăng vút lên.. Thảng thốt Hải ước tính từ đây về Tân Cảnh chỉ còn 5 cây số, nhưng là năm cây số đồi cao vực thẳm, năm cây số đường rừng và lại đang bị thương ở chân thì làm sao có thể đi được?! Anh sẽ gục chết ở một xó rừng, khe suối và bầy kiến sẽ kéo nhau rúc vào thân thể, thịt xương, sẽ rữa nát hình hài! Tiếng trực thăng trên đầu làm Hải vụt đứng lên bằng bàn chân trái. Anh đưa cao tay vẫy, miệng hét lớn.. Trực thăng xà xuống bãi cỏ. Duffy giang tay nắm chặt giây đạn và một tay của Hải kéo mạnh.. Máy bay vút lên với một loạt đạn bắn trúng thân tàu. Chiếc trực thăng nghiêng một bên xong bay thẳng.. Máu phun có vòi từ anh xạ thủ đại liên người Mỹ làm ướt mặt Hải và Duffy. Duffy chồm tới bịt chặt vết thương trên ngực người xạ thủ đại liên. Mễ kéo Hải vào nằm lên sàn tàu.. Hải không thể tin mình còn sống do tình chiến hữu cao cả của hai người lính ở hai đất nước khác nhau. Duffy ôm lấy Hải. Nghẹn ngào trong mắt. Vì vết thương quá nặng, anh xạ thủ đại liên Mỹ qua đời, phi công phụ gục đầu bên cửa máy bay với vết thương ở tay.
Khi về đến trạm cứu thương, Hải mới biết xạ thủ đại liên Mỹ đã hết nhiệm kỳ, ngày mai anh sẽ về Mỹ!
Do đang có mặt trên trực thăng thì vô tình chiếc máy bay nhận được lệnh vào cứu TĐ11. Ôi! Ðịnh mệnh oan nghiệt có bao giờ buông tha cho phận người!
Bốn.
Kết luận sau 50 năm
Ngày 5/7/22, tại đại sãnh cánh Đông Bạch Cung, Joe Biden nhân danh Tổng Thống Hoa Kỳ Mỹ trao tặng Huân Chương Danh Dự (Medal of Honor)/Huân Chương Quân Đội cao nhất cho bốn Chiến Binh Mỹ từng chiến đấu ở VN trước 1975 điễn hình với Cựu Thiếu Tá John J. Duffy, và Binh Sĩ Lục Quân Bậc 5 Dennis M. Fujii như phần trên bài viết đã trình bày chi tiết. Tiếp buổi lễ Ngày 6, Tháng 7, nhân danh Quân Đội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd J. Austin III có lời hàm khích: “Hôm nay, chúng ta ghi danh những chiến binh nầy vào Sãnh Đường Anh Hùng để vinh danh thành tích của họ và cũng để nhắc nhớ tại sao Người Chiến Binh Hoa Kỳ hằng chiến đấu. Chúng ta vinh danh những vị anh hùng nầy bởi họ đại diện cho những người tốt đẹp nhất trong chúng ta. Và khi vinh danh những anh hùng nầy đồng thời khởi động cho những thế hệ tương lai..” Ở đâu và tại sao đã có những lời tốt lành và lần gắn huân chương quá muộn sau hơn 50 năm? Thượng Nghị Sĩ Joe Biden của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện/Đảng Dân Chủ là người ĐÃ quyết liệt cắt bỏ 722 Triệu quân viện khẩn cấp trong phiên nhóm ngày 14 tháng 4, 1975 – Đòn cuối cùng khai tử VNCH. Có một điều gì (không thành thật) đằng sau những huy chương tuyên dương muộn?! Buổi tuyên dương quá trễ có mặt Trung Tá Lê Văn Mễ, Thiếu Tá Đoàn Phương của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, những người “không ở lại Charlie” như cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo năm 1972 nhờ giải cứu trong gang tất sinh, tử thực hiện bởi Thiếu Tá Duffy. Từ nỗi Đau của Người Lính-Lính Việt và Lính Mỹ chúng ta tìm ra nguyên ủy của sự muộn màn với lời an ủi, chịu đựng - Thôi muộn còn hơn không.
Cần trở lại điểm khởi đầu Bi Kịch Việt Nam/Miền Nam VNCH: Từ quan điểm chiến lược: Lá chắn Cộng Sản/Trung Cộng ở phía Nam Châu Á là tại Nam Việt Nam, TT Mỹ đời thứ 36 Lyndon B. Johnson (1908-1973) đã đi tới quyết định mang quân bộ chiến vào Việt Nam tháng 3, 1965. Ông đã leo thang thật cao trong chiến lược "Ngăn chận TC/Containment” mà các TT Truman, Eisenhower, Kennedy đã đề ra và thực hiện từng phần. Nhưng đến đời ThThg thứ 37, Richard Nixon (1913-1994) thì chiến lược này được xét lại vì quan niệm cho rằng có thể đổi thù thành bạn, nên đã đề ra sách lược hòa hoãn với TC. Chủ mưu, khởi động thay đổi chiến lược do Cố Vấn Henry Kissinger. Ngày nay, thì Chính Phủ/Quốc Hội/ Giới Lãnh Đạo Mỹ có thể “hối tiếc/rất hối tiếc” về sự việc đã giúp cho TC trên bốn thập niên, trở nên hùng mạnh đến mức ra mặt thách đố Hoa Kỳ - Tuyên bố chính thức của Tập Cận Bình, Lễ Quốc Khánh 1/10/2019. Nhưng đây không phải chủ đề của bài viết với thân phận Việt Nam.
Năm 1965 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ Đà Nẵng, chính quyền Mỹ đẩy chiến tranh lên cao. CS Hà Nội được Liên Xô-TC chi viện tối đa đáp ứng đủ yêu cầu chiến tranh với máu xương dân lính hai miền đổ ra không thương xót. Nhưng trong giao tranh khốc liệt của chiến cuộc Việt Nam có một chỗ rất mực an toàn - An toàn hơn bất cứ thành phố, thị trấn, thủ đô nào của một nước đang lâm chiến, quốc gia đang xẩy ra chiến tranh:” Thành phố Hà Nội, thủ đô nước VNDCCH”. Điều nghịch lý này xẩy ra do chính Tổng Thống Liên Bang Bắc Mỹ, L.B. Johnson trong một diễn văn ở Houston (của rất nhiều lần tuyên bố): “Chúng tôi không nhắm đến một cuộc chiến tranh mở rộng”.
Đại Hội Đảng 1987, kỷ niệm 60 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga, hơn một trăm nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí Thư các đảng cộng sản, thủ lãnh phong trào công nhân trên toàn thế giới tập trung về Mạc Tư Khoa để tuyên dương cuộc cách mạng toàn cầu do Liên Xô cầm đầu đã dành thắng lợi lớn qua sự kiện cộng sản Hà Nội thâu đạt ở Miền Nam (30/4/1975) – Tức sắp đến giai đoạn thoái trào của chủ nghĩa tư bản với cái hố mai táng do giai cấp công nhân hiện thực theo như tiên tri của Karl Marx, Lenin – Thắng lợi cụ thể với việc Hải Quân TC chiếm Hoàng Sa của VNCH trước mắt Hạm Đội Mỹ (19/1/1974); lần Hạm đội Nga vào Cam Ranh - Trong lịch sử “Địa Lý Chính Trị” toàn cầu chưa bao giờ tộc Slave, Cosaque xuống đến phương Nam sâu đến như thế. Cộng Sản Việt Nam và Tư Bản Mỹ đã giúp tập đoàn hung hãn hiếu chiến nhất thế giới hoàn tất một ước vọng lâu dài suốt hai mươi thế kỷ không thực hiện được. Nga công khai xâm lăng Ukraina từ ngày 24 Tháng 2, 20022 không hề là một điều bất ngờ, ngạch nhiên.
Tóm lại, nhận xét của McNamara về Việt Nam khi đi thăm Hà Nội (1995) là một nhận xét chung nhất được giới chức (Mỹ) có thẩm quyền xử dụng để giải thích về thất bại ở VN. Giải thích này được sự hỗ trợ từ báo chí (tả lẫn hữu), và dư luận quần chúng phản đối chiến tranh VN. Khiến người lính có lương tri, Đô Đốc Moorer (1912-2004), Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã phải gầm lên lời phẫn nộ: “Tôi đã từng tham gia ba cuộc chiến tranh, nhưng đây là cuộc chiến điên khùng nhất chưa hề biết tới ! Nước Mỹ đã điều động một lực lượng đến năm chiếc hàng không mẫu hạm, mười ba phi đoàn chiến đấu, chưa kể đến B 52, chống đối một nước nhỏ hơn tiểu bang Texas, dân số chỉ bằng Cali (ý nói chỉ mỗi miền Bắc VN)”. Nhưng, nói như thế chỉ mới được nửa phần sự thật, phải nói thêm rằng: “Nước Mỹ không bao giờ xử dụng (hết) sức mạnh của mình !!” Và để tránh né điều quái gở này, luận cứ từ Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara luôn được nại ra - Tất cả sự hư hại này do từ Nam Việt Nam - Và thủ phạm đầu tiên cuối cùng đã làm hỏng chương trình tốt đẹp của người Mỹ không ai khác - Chính Phủ Sài Gòn và quân đội ở đấy. Xuất hiện lên báo Mỹ là cáo buộc: ”Quân đội Nam VN không có ý chí chiến đấu”
Sau phiên họp điều trần của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện 14/4 như trên đã trình bày, ngày 17 tháng 4, 1975 Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện/Đảng Dân Chủ kiểm soát biểu quyết không chấp thuận bất cứ viện trợ quân sự bổ sung nào cho VNCH. Qua ngày 18 Tháng 4, lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật về viện trợ quân sự tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la dành cho nhiều nước trên thế giới, nhưng không có VNCH. Như vậy có nghĩa là sau Ngày 30 Tháng 6 năm 1975, dù còn tồn tại, VNCH cũng sẽ không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa, không còn ngân khoản nào để mua súng đạn, nhiên liệu, và cũng không còn để trả lương cho quân đội nữa.
Hóa ra buổi lễ tuyên công ngày 5 Tháng 7 là để thay cho lời nhận lỗi quá muộn sau khi thấy ra từ chiến tranh Ukraina-Nga hiện nay. Thế giới, nước Mỹ mắc một món nợ rất lớn từ máu xương Dân Tộc Việt Nam/Người Lính VNCH đổ xuống trong một cuộc chiến dài, giữ mối an toàn cho thế giới từ sau 1945 cho đến biến cố 911 năm 2001 – Mở đầu cho thế kỷ nguy hại hôm nay.
Phan Nhật Nam,
Để nhớ Ngày Đất Nước chia phân
Khởi cuộc máu xương 1960-1975
(20/7/1954-2022)
No comments:
Post a Comment