NHỮNG NÉT BUỒN
Chúng tôi ra khỏi cổng bệnh viện. Từ từ theo con dốc để đi xuống khu chợ mới. Ngay dưới chân đồi bệnh viện, trước khi tới công viên Tao Phùng, ở dưới góc tay phải là nhà của anh Đức, em vợ Đại tá Tỉnh Trưởng, đã bị bỏ bom lầm nên nhà hoàn toàn bị sập. Nhà này chỉ cách bệnh viện chừng 150 thước thôi.
Trước khi đi, tôi không quên mang theo cái máy hình để nếu có gì thì chụp làm kỷ niệm. Tôi thấy một chiến xa địch bị bắn cháy nằm ngay giữa ngã tư nối liền chợ cũ với chợ mới. Tôi cẩn thận tiến lại gần chụp lại hai tấm hình xong chúng tôi rẽ xuống khu chợ mới. Tôi gặp Thiếu tá Cang chỉ huy đơn vị Pháo Binh đóng ngay công viên Tao Phùng. Tôi liền tạt vào thăm. Tôi với anh Cang là chỗ quen biết. Tôi biết anh từ khi còn là Đại úy Pháo Binh, đi hành quân chung với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 43, đóng tại đồi Kiệm Tân ở Dốc Mơ, Gia Kiệm yểm trợ cho Công Binh Mỹ làm Quốc lộ 20.
Gặp nhau chúng tôi đều mừng rỡ vì thấy mình vẫn còn khỏe mạnh. Thiếu tá Cang vẫn vui vẻ chịu chơi như ngày nào. Anh xem mọi nguy hiểm như trò đùa, chẳng có gì đáng quan tâm cả. Anh mời chúng tôi ngồi nhưng bác sĩ Chí chừng như nóng lòng về căn nhà của mình nên xin phép đi tới đó trước, chỉ cách nhà này có chừng ba căn thôi.
Tôi ngồi xuống chiếc divan. Anh Cang giới thiệu tôi với người chủ nhà. Cũng chẳng phải ai xa lạ vì là dân trong tỉnh nên anh ta đã biết tôi. Tôi không nhớ đã gặp anh ta ở đâu. Anh Cang mở đầu:
– Trông thấy bác sĩ còn mạnh khỏe là tụi tôi mừng lắm. Tôi nghe mấy thằng đàn em về nói là bác sĩ bận lắm phải không?
Tôi gật đầu đáp:
– Đúng, mấy tuần trước thì có. Nhưng nay tương đối được rảnh rang nên mới có dịp đến thăm ông đây.
Tôi nói thêm:
– Hiện nay bệnh viện gần như bị tê liệt hoàn toàn. Tôi không còn mổ xẻ được gì nữa. Ngay tiểu giải phẫu cũng không đủ phương tiện làm. Chỉ có thể làm first aid thôi. Cũng may tình hình đã bớt căng thẳng, nếu không thì kẹt lắm.
Anh Cang tiếp lời tôi:
– Tụi này cũng vậy. Mấy khẩu pháo của tôi cũng banh càng rồi, chỉ còn lại hai khẩu 105 ly còn xài được. Thôi, đến đâu hay đến đó. Tụi nó cũng vậy thôi. Chắc là ê càng hơn mình nhiều, nếu không chúng nó đâu có để mình dễ thở như bây giờ, khi chúng có 3 sư đoàn vây quanh.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi thấy anh chủ nhà, chắc cũng là công chức của tỉnh, có vẻ như xốn xang, có điều gì trong lòng như muốn hỏi tôi. Tôi thấy anh ta cứ đưa mắt ra dấu cho anh Cang hoài. Anh Thiếu tá Cang nói:
– À, bác sĩ, tụi này có một việc muốn nhờ bác sĩ coi giùm và cho biết ý kiến.
Nói xong anh chỉ cho tôi cháu gái nhỏ chừng 7 tuổi đang nằm dài theo chiếc divan sát tường. Anh tiếp:
– Đây là bé Thủy con anh chủ nhà, chẳng may bị một mảnh đạn ở xương sống, liệt cả hai chân từ tuần trước. Bác sĩ xem có thể mổ cứu được cháu khỏi bị liệt không?
Tôi đưa mắt nhìn cháu gái nhỏ. Tôi đã để ý thấy từ nãy giờ, cô bé nằm không cục cựa gì hết. Cháu gái cũng đưa mắt nhìn tôi mỉm một nụ cười thật tươi, có vẻ như chào đón, có vẻ như gây cảm tình để tôi đem khả năng y khoa ra cứu cho cháu. Gương mặt cháu trắng xanh, nét mặt thanh tú, trông có vẻ thông minh. Tôi thấy tội nghiệp cháu quá. Một cô bé xinh đẹp như vậy mà không may bị thương đứt tủy sống bị liệt cả hai chân. Sau khi khám cho cháu xong, tôi nói với anh chủ nhà:
– Vết thương ngoài da của cháu đã lành rồi, hiện tại không có dấu vết gì chứng tỏ vết thương bị làm độc cả. Đó là một dấu hiệu tốt. Chắc chắn mảnh đạn đã cưa đứt tủy sống của cháu. Hai chân đã bị liệt như anh đã thấy. Hiện giờ không ai có thể làm gì được. Chờ đến khi giải tỏa rồi đem cháu về Sài Gòn vào bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có những bác sĩ chuyên khoa về thần kinh để họ khám xem họ quyết định ra sao. Nhưng chắc chắn là khó khăn lắm.
– Chúng tôi cũng hiểu như vậy, thôi thì để bề trên định đoạt cho cháu. Cảm ơn bác sĩ.
Tôi từ giã hai người và không quên vỗ nhè nhẹ tay lên vai cháu gái và chúc cháu được nhiều may mắn. Với những buồn phiền chất nặng trong lòng, tôi bước qua nhà bác sĩ Chí. Tôi không thể quên được ánh mắt của cô bé, đã sáng lên khi biết tôi là bác sĩ. Chắc cô bé hy vọng rằng tôi sẽ chữa trị để cô có thể đi được như thường. Tôi thấy đau trong lòng. Phải mất bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian mới tạo nên được một con người như thế. Chỉ trong khoảnh khắc chiến tranh đã biến một mầm non tươi trẻ thành một sinh vật sống dở chết dở. Mặc dù qua ánh mắt ấy, tôi chưa thấy một nét buồn nào cả, có thể cô bé còn quá nhỏ để buồn khi biết mình đã trở thành một phế nhân.
Chỉ có người lớn là đau thôi. Tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má của mẹ đứa bé, đứng bên nghe tụi tôi nói chuyện.
Tôi bước vào nhà bác sĩ Chí. Không nói thì ai cũng biết, căn nhà tan hoang, bừa bộn, đồ đạc ngổn ngang. Một dòng chữ đỏ phía trên tường, đập vào mắt tôi ngay khi tôi bước chân vào phòng khách cũng là phòng chờ đợi: “Bao năm móc đít thiên hạ nay còn đâu!”
Tôi gặp Chí từ phòng trong đi ra, mặt mũi xám lại vì buồn vì tức. Tôi biết Chí không buồn lắm vì căn nhà mới xây của mình bị hư hại. Chẳng qua cũng là tai nạn chung của cả dân trong tỉnh. Không có gì đáng phàn nàn. Nhưng dòng chữ viết trên tường quả thật là một sự nhục mạ đối với Chí. Có thể chỉ là một sự đùa bỡn, nhưng là một sự đùa bỡn vô ý thức.
Tôi thông cảm nỗi đau buồn của người bạn cùng lớp. Tôi tới nắm lấy cánh tay Chí nói:
– Đừng để ý tới những chuyện lẻ tẻ đó. Đi với tao thăm một vòng khu chợ mới xem mấy người quen còn sống sót không?
Chí gật đầu, lẳng lặng theo tôi bước ra khỏi căn nhà với dòng chữ đáng buồn ấy. Qua hai căn nhà nữa chúng tôi được sự đón tiếp nồng hậu của những người quen biết với Chí ở khu chợ mới.
Tôi nghĩ thầm có lẽ họ tiếc căn nhà của họ nên liều mình ở lại không chịu đi. Cũng có thể họ cũng chẳng biết chạy đi đâu. Tôi gặp bà chủ nhà cho tôi thuê phòng mạch mấy tuần trước. Bà ta mời hai chúng tôi vào trong nhà uống nước trà. Lâu lắm rồi chúng tôi chưa được uống những chén trà ngon như thế. Tôi để ý ở đây nước non rất đầy đủ. Một bể chứa nước đầy tràn trông mát mắt lắm. Đặc biệt là những tường ngăn của những căn nhà này đã được đục phá ra để mọi người có thể di chuyển bên trong an toàn hơn là phải đi vòng phía ngoài. Nhà nào cũng có binh sĩ ứng chiến và đều có hầm hố khá tốt. Do đó, những căn nhà này đã trở thành những công sự chiến đấu rất kiên cố.
Đa số những nhà xây bằng vật liệu nặng, hai ba tầng lầu nên hầm hố ở tầng dưới lại càng an toàn hơn. Nếu không may bị trúng hỏa tiễn vẫn có cơ hội sống sót. Còn những loại bích kích pháo 61 ly thì chẳng ăn nhằm gì. Tôi hỏi bà chủ nhà:
– Sao nhà bà có đầy đủ nước thế?
Bà chủ nhà vui vẻ trả lời:
– Đó là nước giếng nhà tôi. Nhà chúng tôi ở dưới chân đồi nên giếng đào lúc nào cũng đầy nước. Tôi lại có máy phát điện riêng chạy xăng nên bơm nước từ giếng lên hồ chứa dễ dàng. Tụi tôi chẳng bao giờ phải lo thiếu nước cả.
– À, thì ra thế. Chẳng bù cho tụi tôi ở trong bệnh viện khổ sở vì thiếu nước. May hôm qua trời mưa, nếu không thì đã gần tháng tụi tôi không có nước tắm giặt.
– Bác sĩ khỏi lo, lúc nào muốn tắm thì cứ việc xuống đây, tha hồ tắm giặt.
Tôi cảm ơn bà chủ nhà đã có nhã ý ấy, nhìn bác sĩ Chí nói:
– Có lý quá Chí ạ. Mình chỉ cần cuốc bộ một chút xuống đây là mát mẻ sạch sẽ ngay.
Chí vui vẻ mỉm cười gật đầu. Tôi nhận thấy cơn buồn phiền của Chí đã tiêu tan được phần nào với sự tiếp đón nồng hậu của những người hàng xóm đầy tình người.
Bà chủ tiếp lời:
– Hay là tiện đây hai bác sĩ tắm luôn cho khỏe.
Tôi vội trả lời ngay:
– Thưa cảm ơn bà, tụi này mới tắm mưa hôm qua vẫn còn sạch chán. Xin để khi khác sẽ xuống nhờ bà. Tiện đây xin bà một bi-đông nước trà mang về để uống dần.
– Được rồi, cái đó thì dễ quá. Bác sĩ đưa bi-đông đây để tôi đổ nước vào cho.
Tôi vội rút bình bi-đông ra khỏi bao đưa cho bà chủ nhà rót nước từ trong ấm ra. Xong xuôi bà còn mời tụi tôi ở lại ăn cơm nhưng chúng tôi rời bệnh viện đã lâu sợ ở đó có người cần tôi nên vội cảm ơn bà chủ nhà tốt bụng cùng bác sĩ Chí trở về bệnh viện.
Sau khi rời khỏi khu chợ mới hoang tàn nhưng vẫn còn sức sống đó, Chí và tôi lại cuốc bộ trở về bệnh viện. Chúng tôi đều im lặng, không ai nói với ai một lời nào. Mọi người đều mang nặng một nỗi suy tư riêng. Liếc nhanh nhìn Chí, tôi thấy hình như tâm tư Chí vẫn còn ray rứt về những dòng chữ quái ác kia. Tôi không muốn đề cập tới vấn đề đó nữa. Những lời an ủi chỉ để khơi dậy niềm đau mà thôi. Tôi cứ để cho Chí được tự nhiên, hy vọng thời gian sẽ làm nhạt nhòa những hình ảnh không vui đó.
Thực ra ngay bản thân tôi cũng có những dằn vặt riêng. Đó là sự bất lực của một y sĩ đứng trước một người bệnh, nhất là một đứa trẻ rất dễ thương. Tôi không thể nào quên được nụ cười của cô bé khi tôi sửa soạn khám bệnh cho cô. Một nụ cười vừa hy vọng, vừa an phận, vừa như để lấy lòng người thầy thuốc để mong được chữa khỏi bệnh. Thật là buồn tủi khi bao nhiêu hy vọng đã trở thành hư không, khi chính người thầy thuốc cũng phải bó tay, không giúp gì được. Tôi nghĩ, nếu thay vì nụ cười đó là những tiếng khóc kêu la, chắc tôi không đến nỗi bị ám ảnh dằn vặt nhiều như thế.
Tôi lẩn thẩn tự hỏi, nếu có đủ phương tiện và săn sóc cấp cứu ngay vết thương đó, cô bé có thể bị liệt không? Hai trường hợp có thể xảy ra. Nếu mảnh đạn cắt đứt ngang tủy sống thì vô phương, không thể làm gì khác được. Nếu chỉ chạm nhẹ hay tủy sống chỉ bị thương một phần nào đó thôi, với sự săn sóc đúng cách, mổ ngay lấy mảnh đạn ra để giới hạn vết thương không làm hư hại thêm nữa, có thể cứu vãn được một phần nào. Lúc mới bị thương, thân hình không được giữ yên, sự di động cột sống càng làm cho mảnh đạn cắt sâu toàn bộ tủy nên cô bé mới bị liệt hai chân. Dù sao thì hy vọng có thể đi được rất là mong manh.
Từ khi ra trường, nhập ngũ, nghĩa là chính thức gia nhập cuộc chiến này, tôi đã được chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương do chiến tranh gây nên. Thượng Đế đâu có tạo ra chiến tranh. Chính loài người đã gây nên cảnh tàn sát chém giết lẫn nhau. Những từ ngữ độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ là những sáo ngữ, những cái cớ để một nhóm người thực thi cái thú tính của mình mà thôi.
Có thể nói thế hệ chúng tôi là một thế hệ không may mắn, đã sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh, và nay chính thức gia nhập chiến tranh. Trong suốt cuộc đời lớn lên của những người thuộc thế hệ chúng tôi, không bao giờ là không nghe thấy tiếng súng.
Thời thơ ấu cực khổ vì tản cư từ Hà Nội về miền quê, chân đi đất dưới trời mưa tầm tã, trơn té ngã, quần áo lấm lem, trên đầu tiếng rít của đạn trái phá làm mọi người đều sợ, rồi khi tới bờ sông, bao nhiêu người tranh nhau lên thuyền qua sông. Thuyền chở khẳm, may mà không bị lật. Nghĩ đến bây giờ mà vẫn còn rùng mình. Bác gái của tôi mặt đầm đề nước mắt, ngước mặt nhìn trời than:
-Trời ơi là trời, sao trời làm chúng con khổ thế này!
Thấy những nước khác, họ sống thanh bình, chẳng bao giờ có một tiếng súng. Những ngày Quốc Khánh, dân chúng nhảy múa vui chơi ngay cả trên đường phố. Tôi thấy thế mà thèm. Mơ ước sao cho nước mình được một ngày hòa bình để mọi người được vui sống bên nhau, gia đình đoàn tụ, cha con chồng vợ, anh em không phải xa nhau.
Khi mới nhập ngũ, lần đầu tiên va chạm với thực tế tôi đã thấy thế nào là bị bó buộc, là mất tự do của đời sống nhà binh. Trước đây sống ở nhà năm này qua năm khác, muốn đi đâu, ở đâu tùy ý rất thoải mái tự do. Nhưng khi vào quân đội, lần đầu tiên cầm tấm giấy 24 giờ phép, tôi thấy vô lý quá. Hai mươi bốn giờ làm được những gì, ngắn ngủi quá. Nhưng rồi cũng quen đi. Được 24 giờ là mừng rồi. Thoáng về thăm mẹ thăm em, tuy chẳng có gì nhưng được trông thấy nhau an lành khỏe mạnh là vui rồi.
No comments:
Post a Comment