Friday, July 22, 2022

Chương I MÙA THU QUA MAU - BÓNG TỐI ĐI QUA (Kim Nhật) – Quyển I


 Chương I

MÙA THU QUA MAU

Đầu tháng 10 năm 1954, công việc tiếp thu Cà Mau, Gia Rai đã hoàn tất suông sẻ. Cà Mau, Gia Rai là vùng tập kết quy định theo Hiệp định Genève cho các lực lượng kháng chiến ở miền Tây Nam bộ và miền Tây Nam Cao Miên.

Dạo đó, tôi được Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ và Trung Ương Cục chỉ định làm nhân viên của “Tổ Liên Hợp kiểm soát đình chiến” tại đây để lo việc tiếp thu.

Vào một tối, từ Gia Rai tôi trở về Cà Mau liên lạc với đoàn chiếu bóng của Sở Tuyên Văn Nam Bộ đang công tác tại Cà Mau, điều đình với đoàn thực hiện hai đêm cbiếu bóng ở sân vận động Gia Rai cho những ngày sẽ tới.

Sở Tuyên Văn nguyên là các Sở Thông Tin Tuyên Truyền Nam Bộ, Sở Giáo Dục Nam Bộ và Viện Văn Hóa kháng chiến Nam Bộ, qua đợt giản chính 1950, sát nhập lại làm một. Lưu Quý Kỳ một cán bộ đảng cao cấp từ miền Bắc vào cùng một lượt với Lê Đức Thọ, làm giám đốc Sở.

Đoàn chiếu bóng “đóng đô” tại nhà thương Cà Mau. Từ ngày tiếp thu, nhà thương này bỏ trống. Số nhân viên, dụng cụ, thuốc men được dời đi hết, biến thành một khách sạn vô chủ, chứa đủ mọi lớp người.

Tôi đi thẳng đến đó. Và tại đây, tôi chưa gặp anh Trưởng đoàn thì đã nhận được một thư tay do Cơ quan của tôi gửi cho. Ở góc thư có viết chữ “gấp “, gạch đít nổi bật lên, đập mạnh vào mắt.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi xé phong bì ra… một công văn đúng hơn là một thư riêng. Thư đánh máy, có ghi số và đóng dấu cẩn thận. Trong thư, báo cho tôi biết là do lệnh trên, cơ quan gọi tôi về gấp để nhận công tác mới. Sự thay đổi công tác này cơ quan tôi thông báo với Ban chỉ huy Tổ Liên Hợp ở Gia Rai rồi.

Tôi ngẩn ngơ một lúc, đoán mãi nguyên cớ của sự thay đổi đột ngột này nhưng không tài nào đoán nổi. Thôi, vậy thì mình khỏi phải trở lại Gia Rai, viết một thư ngắn báo tin kết quả việc tôi thu xếp với đoàn chiếu bóng và từ giã là xong. Thật tiện. Tôi nghĩ vậy và thực hành ngay.

Ngủ lại Cà Mau một đêm, sáng tôi dậy sớm vác ba-lô thảy xuống chiếc xuồng Cần Thơ mà khi từ cơ quan nhận công tác ở Tổ Liên Hợp tôi chèo nó đến, gởi lại đây.

Tôi chèo xuồng ra Vàm Tắc Thủ, ngược dòng sông Ông Đốc. Buổi trưa, ngang chợ Thới Bình, tôi ghé quán chú Xồi nằm bên bờ sông Trẹm ăn vội tô hủ tiếu; chiếc bánh bao rồi tiếp tục xuống xuồng rẽ Kinh Xáng Chắc Băng, chèo một mạch về kinh 30 Huyện Sử.

Trưa, gió Tây Nam thổi mạnh trên lòng kinh, dù nước ngược tôi cũng không vất vả gì mấy. Nhờ vậy, 5giờ30 chiều tôi về đến cơ quan.

Tôi cột vội xuồng, vốc nước rửa mặt, hí hửng bước lên bờ. Sau những ngày đi công tác, xa anh chị em trong cơ quan giờ về gặp lại, hẳn là vui phải biết. Giờ này tất cả chắc đã ăn cơm xong từ lâu, thả rong đi chơi quanh xóm.

Vào đến sân, trong nhà có tiếng nói vui vẻ vọng ra :

– A! Anh Hùng mới về đến à ?

Thái, trưởng cơ quan của tôi hiện ra ở cửa, nhoẻn miệng cười, tiến tới bắt tay tôi. Tôi cũng cười, đáp lại :

– Mới về tới thôi. Ở nhà cũng mạnh chứ, anh ?

– Đều đều ! Anh nhận được thư tôi hồi nào ?

– Hồi hôm! Số là tối qua tôi về Cà Mau điều đình với đoàn chiếu bóng, nhờ họ xuống Gia Rai ít hôm. Tôi nhận được thư anh ở đó.

– Vậy anh không cho các đồng chí ở Tổ Liên hợp biết à ?

– Có, tôi có viết thư.

Tôi để ba-lô xuống ván, nhìn quanh. Nhà sao vắng quá.

Hai vợ chồng bác Ba chủ nhà với cô Bạch- cô con gái lớn đi đâu mất.

Tôi hỏi ngay :

– Hai vợ chồng bác Ba với cô Bạch chắc ở sau rẩy hở anh ?

– Chắc vậy ! Anh ăn cơm chưa ?

– Chưa!

Làm ra vẻ lo lắng, chăm sóc cán bộ dưới quyền mình, Thái xuýt xoa :

– Để tôi ra rẩy gọi Bạch về, nhờ cô ta làm cơm cho anh ăn nhé ?

– Thôi, anh! – Tôi trả lời.

Và tôi mở ba-lô, sửa soạn để đi tắm.

Tôi nghĩ, những anh chị em trong cái nhóm “tập kết” chắc ai ai cũng đã chuẩn bị xong xuôi. Quần áo phòng lạnh cũng may sắm rồi. Thực phẩm dự trữ ăn đi đường đã mua chuẩn bị xong. Chỉ có tôi vì mãi lo công tác ở Tổ Liên Hợp nên đến giờ này vẫn chưa có gì. Tôi hỏi Thái :

– Ở nhà anh chị em trong cơ quan mình vẫn mạnh vui vẻ cả chứ, anh ?

Thái trả lời một cách thản nhiên :

– Anh chị em thì mạnh khỏe cả, nhưng vui thì… họ đã đi hết, chỉ còn loe hoe ở nhà mấy người.

– Đi đâu sớm vậy ? Cliếc tàu Libéria 5 sao của Balan đã đến đâu ? Chuyến tập kết ra Bắc đầu tiên, đợt một, phải đến cuối tháng mười một kia mà! À… hay anh chị em được lệnh đến tập trung ở Tân Duyệt ?

Thái cười, nói gọn :

– Không! Họ đi về nhà!

– Ủa ? sao lại về nhà ?

Tôi chưng hửng, ngạc nhiên quá đổi. Anh chị em trong cơ quan, quê quán họ hầu hết ở khu 8, khu 7, Sàigòn, Gia Định. Họ được chỉ định đi tập kết ra Bắc. Bây giờ họ đều về nhà, về gia đình họ thì làm sao trở lại cho kịp những chuyến tàu ? Hay trong thời gian tôi vắng mặt ở cơ quan đã có biến cố gì xảy ra?

Thái đứng ở cửa cho tay vào túi áo bà ba lấy gói Cotab, lơ đãng châm thuốc hút, nhìn ra sân :

– Mình mới được gia đình đến thăm, tiếp tế cho một mớ để sắm đồ lạnh chuẩn bị tập kết. Lâu ngày, hút thử Cotab ngon sao mà ngon lạ !

Cái thắc mắc càng ngày càng lớn dần. Tôi không chịu được nữa, hỏi Thái.

– Chuyện gì đã xảy ra vậy anh ?

Thái vờ như không hiểu câu tôi hỏi, hỏi lại :

– Chuyện gì ?

– Thì chuyện anh chị em bỏ cơ quan đi về nhà!

Thái cười nhẹ :

– Ờ ! Tưởng chuyện gì ! Vậy những việc xảy ra trong cơ quan mình về việc đi hay ở trước đây anh chưa rõ ?

– Chưa ! Tôi đi mãi có ở nhà ngày nào đâu.

Búng nhẹ điếu thuốc, tro tàn bay ra sân, môi Thái cong lên. khinh khỉnh :

– Sau đợt học tập chủ trương “đi và ở” nên tiêu chuẩn của Trung Ương Cục đề ra thì ai cũng rõ “đi là chiến thắng, ở lại là vinh quang”. Thế mà một số anh chị em bất mãn, thắc mắc về vấn đề này. Họ đem cái chuyện Đảng này, đảng kia, đối phó, đàn áp nhau. Cái đám đảng viên Dân Chủ cầm đầu vụ này đó. Anh nghĩ sao ?

– Tôi chưa có ý kiến gì…

– Điều đó biểu lộ một tư tưởng sặc mùi phản động. Mà cũng chả trách ! Có đám đảng viên Dân Chủ nào chả thế!

– Anh nói thế tội nghiệp cho những anh chị em ấy. Dù sao họ cũng đã đóng góp công sức trong 9 năm kháng chiến chống Pháp mà ! Và chánh sách đoàn kết…

Thái ngắt ngang :

– Úi dào ! Họ mà chính sách gì anh Hùng ! Họ có cách mạng cách mung gì đâu ! Toàn cái đám “tri, phú, địa, hào” tiểu sư sản. Học sinh tự ái vặt nhảy vào kháng chiến, sợ người ta cho là theo Tây, chứ có tinh thần cách mạng hay giác ngộ cách mạng gì ? Tư tưởng họ đâu phải là tư tưởng công nông, mà không phải công nông làm gì có lập trường cách mạng. Cái bọn cơ hội chủ nghĩa có khác gì phản động ?

Như chưa hả hơi, Thái ngưng một chút, lại tiếp tục :

– Cái đám đảng viên Dân Chủ lôi cuốn quần chúng ngoài đảng tự động bỏ cơ quan không chịu học tập tài liệu cho những người ở lại, ngang nhiên trở về quê quán một cách vô kỷ luật. Anh xem hành động đó có khác gì bọn phản cách mạng, phản giai cấp ? Bản chất giai cấp chúng nó là như thế đấy. Anh đi công tác được vài ngày, ở nhà xảy ra chuyện đó ngay. Kể cũng buồn và giận thật chớ ! Thôi, anh đi tắm đi! Ăn cơm xong ta sẽ bàn đến chuyện công tác sau.

Tôi thấy nhói lên ở ngực và nghĩ đến thân phận mình. Dù sao tôi cũng chỉ là một quần chúng ngoài Đảng, lại thuộc vào cái thành phần tiểu tư sản học sinh. Thành phần mà người ta kết án là lưng chừng, lãng mạn, dễ lung lay, thay đổi lập trường. Những người Thái kết tội phản động qua thành phần xã hội, trong số đó có tôi. Có khác gì Thái gián tiếp lên án tôi ?

Tự dưng tôi không còn thấy đói nữa. Dù chèo xuồng từ Cà Mau về đây, tôi phải chèo suốt một ngày trời và bụng đang trống không. Phải chi Thái là một cán bộ thường, giữ một địa vị không đáng kể, tôi chả trách làm gì. Đàng này Thái là một cán bộ cao cấp từ Trung Ương Cục phái đến lãnh đạo một cơ quan Nam bộ.

Tôi đi ra phía sau nhà, uống một ca nước lã trong rồi để nguyên bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi ngả lưng nằm xuống chiếc võng rách, nhắm mắt lặng yên, bất động. Cơ thể tôi dường như tan rã – tan rã vì nỗi mệt nhọc đường xa thì ít mà vì câu nói của Thái và sự thể xảy ra thì nhiều.

Từ những năm đầu của các cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy tôi hãy còn là một chú bé con nhưng cũng biết ghét Tây, dám thoát ly gia đình theo các anh chị lớn kháng chiến. Gia đình tôi, ba má tôi không bằng lòng, muốn đưa tôi lên Sàigòn tiếp tục học. Tôi phải lén trốn nhà, mới thoát được.

Những danh từ “Cách mạng”, “kháng chiến đánh Tây”, độc lập, tự do” v.v. thời ấy đối với tôi có một sức hấp dẫn lạ lùng. Những bài hát “Lên đường”, “Đoàn quân ma”, “Mùa đông binh sĩ”, “Bắc Sơn “, “Tuyên truyền xung phong”, Chiến sĩ Việt Nam”, “Đoàn giải phóng quân” v.v. nó ám ảnh tôi, gợi lên trong đầu tôi một nếp sống mới, hiên ngang, thật là anh hùng, quyến rũ tôi đến độ say mê.

Cái tiềm thức giang hồ, phiêu lưu ngang dọc, thích làm những chuyện phi thường của những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, được đọc trong sách Pháp, truyện Tàu và những sách Việt được phổ biến, xuất bản trong những năm trước 1945, đã gây trong đầu tôi một sự nổi dậy, một thèm muốn như nước thủy triều dâng cao.

Như vậy tôi đã tham gia từ những ngày đầu kháng chiến. Tôi cùng chịu với các anh chị lớn, với đồng bào tôi mọi gian nguy, khổ sở, vào sinh ra tử. Tôi đã chết hụt không biết bao nhiêu lần ở Đồng Tháp Mười, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long rồi suốt cả những năm dài ở U Minh Thượng, U Minh Hạ và các tỉnh miền Tây.

Tôi lớn lên trong kháng chiến, trưởng thành trong cuộc đấu tranh chống Pháp, tham gia từ những công tác nhỏ lặt vặt cho đến những công tác lớn, đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Duy chỉ có một điều, người ta giới thiệu tôi vào Đảng Lao Động, tôi không vào. Vây thôi !

Đáng lẽ, tôi cũng là đảng viên như ai, nhưng chỉ cái câu nói… “Tập thể chú ý tới anh vì thấy anh tích cực xung phong gương mẫu nên phân công tôi theo dõi giúp anh thấm nhuần lập trường giai cấp, nắm vững đường lối đấu tranh của Đảng để phát triển anh vào Đảng. Anh mà có vào Đảng, tương lai anh mới rực rỡ, tiến bộ. Làm cách mạng mà không vào Đảng thì chẳng nên trò trống gì đâu..”

Tự ái “học trò ” của tôi nổi dậy đùng đùng. không cho phép tôi chấp nhận câu nói đó. Những thằng không vào Đảng là không làm công việc kháng chiến đánh Tây, giành độc lập cho Tổ Quốc hay sao ? Không vào Đảng là không tiến bộ được, không làm ra trò trống gì à? Dễ thường, chỉ có những thằng đảng viên mới kháng chiến chống Pháp sao ? Chung quanh tôi, đại đa số đều không phải là đảng viên Đảng Lao Động…

Được ! Mình không vào thử xem có hơn những thằng đảng viên không cho biết ! Anh hùng tính của tôi to như núi, tôi đâu có thể nghe lọt tai câu nói khinh mạn đó được.

Tôi từ chối. Tôi trả lời rằng :

– Tôi đâu phải đi kháng chiến vì mục đích vào Đảng hay vì lý do nào khác, ngoài việc bảo vệ Tổ Quốc, thực hiện lý tưởng cao cả của một công dân bị nô lệ mất nước. Tôi chưa bao giờ nghĩ là vào Đảng tôi mới làm tròn bổn phận, tròn nhiệm vụ của một công dân.

Tôi đã quá ngây thơ nên mới nghĩ việc đó đâu phải là lý do để người ta khinh thường mình, hủy bỏ tất cả công sức của mình trong 9 năm qua. Tuy người ta không trực tiếp nói với tôi nhưng bây giờ câu nói của đồng chí Trưởng cơ quan nhận xét chung về thành phần, không phải là đã trả lời cho tôi biết đó sao?

Thôi ! Thế là hết ! Hết tình, hết nghĩa, cạn tàu ráo máng rồi.

Chín năm kháng chiến chỉ là một cơn gió thoảng, chỉ là công dã tràng xe cát biển đông !

Tôi nằm suy nghĩ miên man, không nghe tiếng của Thái từ nhà trên bước xuống, cùng với câu nói:

– Anh Hùng ngủ đó à ? Tối rồi, anh đi tắm rửa, ăn cơm rồi mình còn thảo luận công tác một chút. Chốc nữa, tôi đi họp sợ không đủ thì giờ. Ơ!… Anh bịnh à ? Trông người nó làm sao…

Tôi uể oải, gượng trả lời :

– Không ! Tôi không sao ! Bận công việc anh cứ đi. Nếu có thể được anh cho tôi biết ngay công việc định giao cho tôi. Hiện giờ tôi không đói.

– Chà ! Công tác này chắc phải thảo luận hơi lâu. Không thể năm, mười phút mà xong được.

– Anh tóm tắt cho tôi biết đại cương cũng được để chuẩn bị ý kiến. Chi tiết sẽ bàn sau.

Ngập ngừng một chút, Thái vịn lấy đầu võng :

– Xin báo vắn tắt anh biết, đại khái là anh được Trung Ương chỉ định đi dự lớp huấn luyện đặc biệt về công tác xây dựng cơ sở do Trung Ương tổ chức. Trễ lắm là ngày mốt phải có mặt tại địa điểm tập trung. Xem như từ mai trở đi, anh không còn là cán bộ của cơ quan này nữa, tùy thuộc vào quyết định điều động của Trung Ương.

Tôi tưởng mình nghe lầm. Tôi ngồi bật dậy, thảng thốt hỏi Thái :

– Nghĩa là… nghĩa là tôi được chỉ định ở lại miền Nam ? Không đi tập kết như quyết định trước đây nữa ?

– Phải ! Có lẽ ở trên thấy anh có khả năng về tổ chức cũng như dân vận khá nên để anh ở lại sẽ đắc dụng nhiều hơn là đi tập kết.

Không ngờ ! Thực không ngờ. Thái đi rồi mà tôi hãy còn ngồi ngơ ngẩn một lúc lâu. Tôi tưởng mình đang nằm mơ, nghe lầm mình được chỉ định ở lại.

Trước kia cũng cấp trên, cũng Trung Ương báo cho biết là tôi được chỉ định đi tập kết ra Bắc cho nên tôi được điều động đến công tác ở Ủy ban Hỗn hợp kiểm soát đình chiến. Công tác mà Trung Ương Cục giải thích là không thể giao cho những người ở lại vì công tác này hoàn toàn công khai. Công an, tình báo của địch sẽ biết rõ về lý lịch, cá nhân người đó. Ở lại miền Nam thực không khác gì tự nộp thân vào tù. Không khác gì tự vẫn.

Dẫu rằng khoảng a, điều 14, chương 2 của hiệp Genève có qui định rằng không được trả thù, bắt bớ cá nhân những người tham gia kháng chiến. Nhưng Trung Uơng khó bảo đảm điều đó được thi hành đứng đắn. Bởi nhũng người công tác ở Ủy Ban Hỗn Hợp hay các tổ chức liên hợp kiểm soát đình chiến phải là những người được đi tập kết ra Bắc.

Bây giờ, được chỉ định ở lại, đi dự lớp ” huấn luyện tổ chức cơ sở” sau một thời gian công tác ở Tổ Liên Hợp kiểm soát đình chiến tại Gia Rai. Điều đó, có nghĩa là Trung Ương muốn tôi vào tù, muốn tôi tự vẫn để tưởng thưởng công lao 9 năm kháng chiến chống Pháp của tôi. Đúng vậy chứ còn gì nữa l

Tôi không biết mình phải ra sao đây ? Tự dưng tôi cười. Lặng lẽ mà cười. Nóng ran cả mặt. Được. tôi sẽ noi gương anh chị em trong cơ quan. Vậy là hết rồi. Xong rồi.

Và lòng tôi lúc đó sao thản nhiên đến một cách kỳ lạ. Tôi không hề thấy một thắc mắc nào, một băn khoăn nhỏ nhặt nào cho số phận của chính mình. Tôi đứng dậy lửng thửng bước ra sân. Tôi muốn nhìn một chút trời xanh. Một đám mây hồng của buổi hoàng hôn. Muốn nhờ một vài cơn gió nhẹ làm cho quên đi câu chuyện vừa rồi.

Bước ra khỏi ngưỡng cửa, tôi gặp Bạch. Bạch con gái lớn của bác chủ nhà. Bạch từ ngoài rẩy về, tay cầm mấy trái ổi xá lị to, bóng, trông đến ngon.

Bạch mừng rỡ, chạy đến, nhoẻn miệng cười và nói một hơi :

– Ủa, anh Tư ! Anh mới về tới hả ? Vậy mà em cứ tưởng anh không thèm về đây nữa chớ ! Anh quên cái nhà này rồi mà… Phải hông anh ?

Tôi vui lây cái vui hồn nhiên, ngây thơ, dí dỏm của Bạch. Tôi cười theo Bạch. Nụ cười căng thẳng vành môi:

– Bạch, em đừng có khùng ! Cái gì thèm với không thèm, quên với không quên ? Anh mới về tới cách đây mười phút. Hai bác mạnh chớ em ?

– Mạnh ! Ba má cứ nhắc anh hoài! Lâu nay, ở Gia Rai, anh có ở chung với Tây không ?

– Không ! mình ở riêng, nó ở riêng chớ !

Bạch đưa cho tôi hai trái ổi xá lị :

– Ổi nè ! Anh ăn ổi nè ! Ủa, anh chưa tắm hả ? Mèng ơi, quần áo anh mồ hôi đóng trắng lớp kia cà! Anh đi tắm đi anh… Để em vô coi cơm nước cho anh ăn.

Tôi cầm lấy hai trái ổi. Bạch thoắt chạy đi. Được mấy bước, Bạch quay đầu lại:

– Ơ, ở Gia Rai anh có gặp mấy con đầm không ?

Nói xong, Bạch cười khúc khích chạy thẳng vào trong bếp không chờ tôi trả lời.

Giờ phút ấy, tôi thấy mình bi chi phối hoàn toàn bởi cái vui hồn nhiên, trong sáng của tuổi “trăng tròn lẻ” đó. Bạch thấy tôi về mừng rỡ như gặp lại người thân.

Cơ quan tôi đóng ở nhà Bạch và những nhà khác dọc theo kinh 30 Huyện Sử. Nhưng nhà Bạch thì chỉ vỏn vẹn có hai người : tôi và Thái, nên từ khi đến đây, bác chủ nhà thấy chúng tôi ít người, việc ăn uống, bắt ăn chung cho vui. Chúng tôi chỉ phải đóng gạo. Thức ăn ở nhà cho không. Bây giờ, tôi về, Bạch chạy đi lo cơm nước là thế.

Dù sao, cái vui của Bạch chỉ là cái vui nhất thời, không làm cho tôi quên hẳn được những gì vừa xảy đến. Tôi thấy mình cần phải có một quyết định, phải làm một cái gì đó, chứng tỏ tôi còn là một con người, còn có bản ngã, còn có sự suy nghĩ và biết giá trị của con người.

Tôi quay vào bếp, lắc đầu nhè nhẹ nói với Bạch :

– Thôi, Bạch! Anh không ăn cơm đâu! Anh phải đi ngay bây giờ !

Bạch đang nhen lửa, nhóm bếp, ngạc nhiên dừng tay lại, ngẩng đầu lên. Mắt xoe tròn :

– Ơ! Anh đi đâu mà gấp dữ vậy ? Có đi, anh cũng phải ăn cơm rồi đã chớ! Không thì đói chết !

Tôi không dám nhìn ngay mắt Bạch, cũng không dám nhìn khuôn mặt âu lo, ngơ ngác của Bạch. Tôi sợ rằng tôi không đủ sức ngăn một cử chỉ bộc lộ tình cảm bất thần nào đó, vốn đã manh nha, nhen nhúm giữa lòng tôi lâu nay.

Tôi chỉ biết cúi đầu như một kẻ đầu hàng, sợ hãi, thầm thì như nói với chính mình :

– Anh cũng không biết anh đi đâu nữa, nhưng thấy cần phải đi !

– Kỳ chưa ! Làm gì coi bộ anh buồn vậy ? Hay em đã làm gì anh buồn ?

– Không! Em tốt với anh lắm, anh cảm ơn em lắm. Nếu buồn thì anh buồn vì một chuyện khác. Lớn hơn, quan trọng hơn nhiều.

Trong một thoáng, tôi thấy mắt Bạch long lanh, nhìn tôi trân trối như sắp khóc. Hai tay nàng nắm chặt vào thành bếp. Tôi nuốt nước bọt đánh ực vào cổ họng, khẽ thở dài, lặng lẽ quay lên nhà, xách ba-lô, lấy nón úp lên đầu.

Bạch chạy theo, nắm lấy ba-lô tôi giữ lại. Hình như nàng cũng linh cảm biết có chuyện gì vừa xảy ra:

– Anh Tư, người ta làm gì anh ? Anh nói cho em nghe với đi! Trước đây, không biết ông Thái ổng nói gì với mấy anh chị kia mà họ tức tối, cải om sòm rồi bỏ cơ quan đi đâu mất hết. Bây giờ… tới phiên anh. Anh về có gặp ông ấy chưa ?

– Có! Anh gặp rồi. Nhưng không có chuyện gì với ông ta đâu.

– Vậy chuyện gì anh buồn ? Rồi bây giờ anh đi đâu ?

– Có lẽ lần này anh đi xa lắm, Bạch ! Em không thể hiểu được những chuyện phức tạp của mấy anh đâu.

Tôi khoác ba-lô lên vai, chầm chậm bước dần ra khỏi cửa, đi xuống bến, nơi xuồng đang đậu. Bạch như một cái bóng trung thành, lẳng lặng bước theo sau. Tôi nghe tiếng nàng sụt sịt khóc. Đã buồn, tôi thấy càng buồn hơn. Bước chân tôi dường như chùn hẳn lại và mềm đi :

– Bạch! Anh cám ơn em nhé! Bây giờ anh đi không chắc có còn trở lại lần nào nữa hay không. Cầu mong sau này yên ổn, anh sẽ trở lại thăm hai bác và em. Em cho anh kính gửi lời thăm và giã từ hai bác.

Tiếng nói nhẹ, tắt ngẹn từ phía sau tôi đưa tới :

– Anh !…

Bạch chỉ thốt được vậy rồi im hẳn, đứng sững bất động nhìn tôi. Tôi không muốn biết nguồn gốc thảng thốt này của Bạch đối với tôi phát xuất từ nguyên cớ nào. Tôi sợ lắm. Đây là Kinh 30 Huyện Sử của cái đất U Minh Thượng xa xôi ở tận cuối miền Tây Nam bộ.

Đường tôi đi, mai này tôi ở tận mãi Sàigòn hay ở một nơi nào đó cách nhiều trăm cây số, năm bảy con sông to, đường đi cách trở thì tôi còn dám nghĩ gì ?

Cầm bằng một cơn gió nhẹ thoáng qua. Tôi cúi đầu xuống, không dám nhìn Bạch nữa, chỉ biết thở dài, quay mặt bước vội, nhảy xuống mũi xuồng. Tôi mở dây cột ra khỏi cầu nước.

Tôi cố mỉm miệng cười nói to lên :

– Anh đi nghe Bạch ! Từ giã em nhé ! Này, mặt mày phụng phịu thế kia, xấu lắm đó ! Mai mốt về thăm, anh sẽ mua kẹo dỗ cho.

Tôi chỉ cố gắng đến được chừng ấy rồi buông hai má chèo xuống nước đẩy tới thật mạnh.

Chiếc xuồng giận dữ, chồm lên lao đi. Bóng của Bạch đứng ở bờ kinh ngã xuống đáy nước ngầu đỏ như màu nước cau ngâm của U Minh Thượng, run rẩy chới với rồi tan biến mất trong làn nước xao động mạnh. Hoàng hôn nhuộm đỏ những ráng hồng rực rỡ tít mãi trên cao.

Do theo bản năng điều khiển , tôi cứ cắm đầu đẩy mái chèo, đến chừng xuồng thoát ra kinh xáng Thới Bình – Chắc Băng thì trời đã tối om.

Nhà ở hai bên bờ kinh xáng lên đèn giăng giăng. Nhiều tiếng chèo khua nước lỏm bỏm, lẫn với tiếng cười nói vang trên lòng kinh rộng. Cái lò nấu đường mía bên kia bờ kinh đèn măng-sông đốt sáng choang. Hai con trâu đang đi vòng quanh “che” cán mía kẽo kẹt và ánh sáng lò nấu lửa bập bùng.

Tôi chưa biết bây giờ phải đi đâu nhưng cần phải đi để không nghe, không thấy những phản bội phũ phàng. Ngày tôi tham gia kháng chiến chống Pháp đâu có phải đợi ai đến đón, mời mọc thì bây giờ nhiệm vụ đánh Pháp đã hoàn tất rồi, đi ra khỏi cái guồng máy này, tôi cần gì phải có người đưa tiễn ?

Nếu có chăng, chỉ là một người con gái, một đồng bào của tôi tiễn đưa một cách bất ngờ, sững sốt và ít ra trong cuộc đời cũng còn nhớ đến một người con trai đem đời mình dâng cho đất nước, chiến đấu chống kẻ thù chung đã cướp nước VN trong hơn 80 năm qua.

Nhân dân, đồng bào thì bao giờ cũng như thế đó. Có tình, có nghĩa, biết yêu thương.

Tôi rẽ tay trái, xoay mái chèo cho xuồng đi thẳng về hướng Chắc Băng. Con đường này, hướng này sẽ đưa tôi về gần quê quán của tôi hơn, xa dần cái vùng đất đem đến cho tôi nhiều phiền muộn và đã nhẫn tâm xóa bỏ mất cái quá khứ kiêu hùng trong gian khổ của lý tuởng đấu tranh, giành độc lập, tự do cho Tổ quóc.

Cơn gió đêm Tây Nam cuối mùa thổi nhẹ trên kinh vi vút, tôi tưởng chừng như mang theo câu nói :

– Thôi giã từ nhé ! Giã từ quá khứ, quá khứ đời ta và quá khứ của non sông!

Bấy giờ là cuối mùa thu. Một mùa thu không rõ nét của cái miền chỉ có hai mùa mưa, nắng.

Tiếp theo chương 2

No comments:

Post a Comment