TÁI LẬP PHÒNG MỔ DÃ CHIẾN
Chúng tôi vừa đi vừa suy nghĩ chẳng mấy chốc đã tới chân đồi bệnh viện. Bắt đầu từ đây là đường lên dốc. Vì lâu ngày chúng tôi không có đi bộ nhiều, chỉ quanh quẩn ở mấy góc phòng nên các bắp thịt trở thành yếu đuối. Lên tới dốc chúng tôi đã “mỏi gối chồn chân” và cũng hụt hơi luôn. Vừa mới ló mặt vào qua cổng bệnh viện đã thấy Binh nhất Thiện reo lên:
– A, Bác sĩ Quý đây rồi, tụi em đi tìm bác sĩ mãi không thấy. Có ông Thiếu tá ở bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đang kiếm bác sĩ đó.
Tôi nghĩ thầm chắc là Thiếu tá Diệm chứ không phải ai khác. Tôi vừa rẽ vào cuối trại Nội Khoa đã thấy chiếc xe Jeep của ông Diệm đậu ở trước cửa văn phòng Ty Y Tế Ông Diệm đang đứng nói chuyện với bác sĩ Phúc. Thấy tôi ông ngoắc lại:
– Đợi ông mãi, ông đi đâu vậy?
– Chào ông. Tôi xuống khu chợ mới xem xét tình hình một chút.
Thiếu tá Diệm nhăn mặt:
– Sao ông liều vậy, không sợ Việt Cộng nó bắn sẻ sao?
– Tôi cũng có đề phòng chứ, nhưng thấy lính đi lềnh khênh dưới đó, chắc an ninh nên tôi mới dám mạo hiểm xuống chứ.
– Tôi mới nói chuyện với bác sĩ Phúc xong. Đại tá Nhựt hỏi bệnh viện có còn khả năng tiếp nhận thương binh hoặc mổ xẻ gì được không?
Tôi đưa tay chỉ phòng mổ và các trại bị pháo sập rồi nói:
– Ông thấy đấy, bệnh viện không có điện nước, hai Phòng Mổ đều bị hư hại nặng. Chúng tôi bị bó tay không làm gì được cả.
Bác sĩ Phúc tiếp lời:
– Tụi tôi còn được một ít y cụ bông băng thuốc men, nên chỉ có thể băng bó vết thương thôi, không thể mổ lớn được.
– Nếu vậy thì không xong rồi. Nếu có những trường hợp nặng cần mổ gấp thì làm sao. Chả nhẽ lại để cho thương binh chết dần mòn vì không thể tản thương, làm sao giữ được tinh thần binh sĩ. Đại tá Nhựt cho tôi biết là nếu bệnh viện không còn hoạt động được, bác sĩ Quý sẽ tổ chức một Phòng Mổ Dã Chiến ở ngay tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
Tôi ngắt lời Thiếu tá Diệm:
– Ý kiến đó hay lắm. Tôi sẽ thành lập ngay một toán giải phẫu cấp cứu. Bảo đảm với ông chỉ trong hai ngày thôi là chúng tôi có thể bắt tay vào việc tiếp tục mổ xẻ được. Nhưng có chỗ để cho chúng tôi làm việc không đã?
Thiếu tá Diệm cười tin tưởng:
– Ông khỏi lo. Tôi đã nói với ông Nhựt dành cho Bệnh Viện Tiểu Khu nguyên một dãy hầm, có đầy đủ tiện nghi để làm việc. Có điện đàng hoàng. Hầm ngầm ở dưới đất an toàn lắm. Ông cứ yên chí làm việc chẳng sợ pháo đâu.
Nghe vậy tôi rất lấy làm phấn khởi. Đã trót mang danh y sĩ mà cứ phải bó tay chẳng làm gì được để cứu những đồng đội của mình tôi cảm thấy rất khó chịu, rất tội lỗi. Tôi không còn mong muốn gì hơn. Tôi quay sang bác sĩ Phúc bàn:
– Toán cấp cứu giải phẫu tôi đã có sẵn rồi. Chỉ cần ra lệnh là có thể di chuyển ngay được. Tôi và các nhân viên sẽ qua bên đó trước, thu xếp mọi việc xong sẽ báo tin để anh qua tiếp tay với tôi.
Quay qua ông Diệm tôi hỏi:
– Bao giờ tôi có thể dọn dọn sang đó được?
– Càng sớm càng tốt, ngay bây giờ nếu ông muốn.
– Vậy thì nhờ ông làm ơn chờ tôi một chút. Tôi sẽ cắt đặt nhân viên mang theo một số dụng cụ cần thiết để mổ, phải dùng một xe Hồng Thập Tự chở đồ còn tôi quá giang theo xe ông.
Tôi để ông Thiếu tá Diệm nói chuyện với bác sĩ Phúc. Tôi đi kiếm Thượng sĩ Lỹ và ra lệnh cho ông ta đi kêu toán giải phẫu cấp cứu của tôi tới. Lát sau mọi người đều có mặt đầy đủ ở trong Phòng Hậu Giải phẫu. Tôi nhìn ra thấy có hai chuyên viên tê mê là Trung sĩ Xòm, Binh nhất Thiện, một chuyên viên Phòng Thí Nghiệm, Trung sĩ Tăng để có người phân loại máu trong trường hợp cần truyền máu cho thương binh. Tôi kêu cô Bích, chuyên viên phụ tá mổ cao tay nghề nhất, để giúp tôi. Thượng sĩ Lỹ chuyên viên dụng cụ lo bao quát điều hành mọi việc.
Như vậy kể cả tôi tất cả là 6 người. Tôi ra lệnh cho mọi người ai lo việc nấy đi thu thập tất cả các dụng cụ phòng mổ, thuốc, bông băng chất lên xe Hồng Thập Tự. Tôi không quên mang theo máy gây mê, và một bàn khám bệnh bằng thép không rỉ để làm bàn mổ vì bàn mổ quá nặng không thể di chuyển được, nhất là lại phải mang xuống hầm, rất khó khăn.
Sắp xếp xong, tôi về hầm bác sĩ Phúc và đem theo những vật dụng cần thiết của tôi, rồi từ giã bác sĩ Phúc. Chúng tôi lên đường sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Phải mất hai chuyến xe nữa chúng tôi mới đem được khá đầy đủ những dụng cụ cần thiết qua hẳn chỗ mới. Nghĩa là phải tới ngày hôm sau mọi sự mới được coi như xong.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi, khi chiếc xe Jeep của ông Diệm chở tôi vượt qua vọng gác Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để tiến vào trong trại là một cảm giác ngỡ ngàng, một bất ngờ khi tôi nhìn cái căn cứ B15 của Biệt Kích Mỹ, nay biến thành Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những dãy nhà tiền chế san sát của một trại binh rộng lớn quy mô mà mấy tháng trước đây, tôi có dịp vào thăm cùng với bác sĩ Risch, nay hoàn toàn biến dạng. Trước mắt tôi chỉ còn một vòng rào kẽm gai bị cháy đen. Gần như mọi kiến trúc trên mặt đất đều bị đốn sụm. Chỉ còn lại một tháp gác cũng cháy đen, đứng xiêu vẹo ở một góc sân, và những mái tôn thấp sát mặt đất của những dãy hầm ngầm nằm song song với nhau.
Xế trước mặt tiền trại, ngay vòng rào kẽm gai, hai xe tăng bị bắn cháy đen thui. Đằng sau Bộ Chỉ Huy cũng có một xe tăng bị bắn nằm hơi nghiêng, giơ ngọn pháo hổng lên trời. Phía xa hơn nữa gần rừng cao su, ba chiếc xe tăng nằm ngổn ngang cùng một xác trực thăng ở gần đó.
Thì ra trận chiến ở mặt này khá ác liệt, không như mặt trận phía Bắc gần bệnh viện. Ông Diệm đậu xe trước cửa một hầm rộng chừng hai thước có bậc thang xây bằng xi măng đi thẳng xuống sâu chừng ba thước. Thiếu tá Diệm nói:
– Đây, hầm của ông đây. Hầm này dài chừng 25 thước, dành riêng cho bệnh viện Tiểu Khu. Toàn quyền ông sử dụng. Ông cho nhân viên khênh đồ xuống đi. Để tôi dẫn ông xuống coi chỗ ở mới của ông, chắc chắn ông sẽ hài lòng. Có ông ở đây chúng mình còn chạy qua chạy lại với nhau được. Ông ở bên bệnh viện chẳng có hầm hố gì cả làm tôi lo quá.
Tôi hiểu ý ông Diệm muốn nói gì. Nếu lỡ có phải di tản chiến thuật vì địch quân đánh dữ quá, ông cũng có thể kịp thời báo tin cho tôi biết, không nỡ bỏ rơi tôi. Tôi nói:
– Cảm ơn ông lắm, hầm này kiên cố quá, không biết pháo trúng có sao không?
Ông Diệm chỉ cho tôi chỗ nóc hầm bị pháo. Mái tồn thủng một lỗ nhưng hầm chẳng hề hấn gì:
– Ông thấy không, như gãi ghẻ thôi.
Hầm này có hai lối đi xuống rất rộng, khiêng băng-ca người bị thương lên xuống rất dễ dàng. Hầm có ngăn ra từng phòng. Tất cả có sáu phòng. Mỗi phòng rộng chừng 3 thước dài 4 thước. Có một hành lang rộng chừng thước 2 thông suốt dẫn tới hai cửa hầm. Trong hầm tôi thấy đã có những thương binh nằm dài dọc theo hành lang. Quần áo họ lấm be bét đất cát. Tất cả chừng hơn một chục người. Đa số bị thương ở chân tay. Một vài người ở đầu, chắc cũng nhẹ thôi. Trong hầm, hơi người cũng khá nặng nhưng còn dễ thở hơn sống với mấy trăm xác chết ở bên bệnh viện cũ. Điều quan trọng có hầm an toàn để làm việc. Sau này chúng tôi sẽ làm vệ sinh rồi di tản thương binh đi, hầm lại sạch sẽ thơm tho ngay.
Ông Diệm nói:
– Tôi đề nghị phòng đầu tiên để làm Phòng Mổ. Phòng thứ nhì sẽ là của ông ở đồng thời cũng để những dụng cụ y khoa. Phòng thứ ba và thứ tư dành cho thương binh. Phòng cuối cho y tá.
Tôi gật đầu nói:
– Tôi đồng ý với ông, như vậy rất tiện. Nếu có nhiều thương binh, tôi sẽ cho nằm ở dọc hành lang. Ngoài ra ông còn chỗ nào chứa thêm được không?
– Nếu cần cũng có thể được. Nhưng ông yên trí đi, chỉ có những thương binh nặng mới được mang vào cho ông mổ, còn những trường hợp nhẹ có các bác sĩ của đơn vị họ lo rồi nên cũng không nhiều lắm đâu. Thôi ông đi với tôi lên chào ông Nhựt để báo là ông đã tới đây.
Tôi theo Thiếu tá Diệm đi về phía hầm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Hầm này hình vuông, rộng hơn hầm chỗ tôi và kiên cố hơn nhiều.
Tôi gặp Đại tá Nhựt ngay tại nơi phòng họp chính giữa hầm. Chỗ ông ở là một phòng nhỏ gần đấy được che bằng một vách ngăn. Ông vui vẻ hỏi thăm sức khỏe các anh em bên Bệnh Viện Tiểu Khu. Tôi báo cáo sơ qua tình hình và tổn thất của nhân viên bệnh viện. Chết mất sáu, bị thương 36 nhưng không nặng lắm. Tôi cũng nói qua về việc phối hợp làm việc với anh em Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Đồng thời cũng báo cáo đã thành lập đoàn giải phẫu cấp cứu và Phòng Mổ Dã Chiến tại căn hầm đã được chỉ định. Đại tá Nhựt ngồi chăm chú nghe xong ông nói:
– Sau khi bác sĩ ổn định xong Phòng Mổ rồi, nếu có rảnh bác sĩ làm một chuyến xuống làng phía sau trại mình xem dân chúng có cần giúp đỡ săn sóc gì không. Tôi được báo cáo là dân tản cư về đó đông lắm. Nếu không phòng ngừa trước thì sẽ xảy ra bệnh dịch đó.
Tôi gật đầu đồng ý, tiếp lời Đại tá Nhựt:
– Chúng tôi đã nghĩ tới vấn đề này, và ngay từ ngày đầu khi dân tụ về đã có cho chích ngừa dịch tả rồi. Nếu có thể xin Đại tá gửi một công điện về Bộ Chỉ Huy Tiếp Cận Vùng III yêu cầu họ gửi lên chừng 10 ngàn liều thuốc chủng ngừa dịch tả nữa. Chúng tôi sẽ xuống làng chích cho dân.
Tôi nhấn mạnh thêm:
– Có tiếng nói của Đại tá thì mọi sự sẽ nhanh hơn.
– Cái đó dễ mà, bác sĩ khỏi lo, để tôi bảo họ gửi lên cho bác sĩ. Bác sĩ cần gì cứ cho tôi biết.
Vừa lúc đó một sĩ quan Dù đi vào, dáng cao lớn cỡ ông Tỉnh Trưởng. Đại tá Nhựt chỉ tôi giới thiệu:
– Đây là bác sĩ Quý, bác sĩ giải phẫu của bệnh viện Tiểu Khu của moa.
Rồi ông quay sang tôi nói tiếp:
– Đây là Đại tá Lưỡng, Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù lên đây cứu mình.
Tôi đưa tay lên chào với một lòng biết ơn vị Đại tá Dù đã đem quân lên cứu tụi tôi. Ông chuyển điếu xì gà sang tay trái rồi đưa tay ra bắt tay tôi, miệng hơi mỉm cười. Tôi nói:
– Tôi mong quân Dù lên đây từng ngày để giải cứu tụi tôi. Cảm ơn Đại tá đã tới và hân hạnh được biết Đại tá.
Đại tá Nhựt nói:
– Bác sĩ Quý là bác sĩ của moa từ hồi còn ở Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Sau khi học xong khóa Giải phẫu Binh Đoàn, thấy moa ở đây bác sĩ Quý lại lên đây làm việc với moa.
Rồi Đại tá Nhựt cười cười nói với tôi:
– Này bác sĩ muốn lấy vợ thì phải lo o bế Đại tá Lưỡng đi, ông ấy có cô con gái đẹp như Thẩm Thúy Hằng ấy.
Xong ông quay đầu về phía Đại tá Lưỡng nói tiếp:
– Bác sĩ Quý này tuổi trẻ tài cao vẫn còn độc thân, đang kén vợ đấy. Lê Lai của tôi đấy.
Nói rồi ông cười khà khà có vẻ khoái chí lắm.
Đại tá Nhựt thực sự vui tính, giữa lúc dầu sôi lửa bỏng mà ông vẫn tỉnh bơ nói chuyện tếu được. Tôi biết Đại tá Nhựt nói chơi cho vui, để không khí đỡ tẻ nhạt khi hai người không quen biết được giới thiệu với nhau. Tôi vẫn thầm phục ông sếp lớn của tôi có biệt tài giao tiếp với bất cứ hạng người nào, từ người sang đến kẻ hèn, cỡ nào ông cũng tỏ ra thích nghi với mọi trường hợp. Tuy vậy tôi vẫn thấy hơi ngượng khi bị đưa vào chuyện mai mối vợ con. Giữa lúc tôi đang bối rối thì may quá, anh Đức, em vợ Đại tá Nhựt nghe tiếng tôi vội chạy ra thăm hỏi. Thành ra tôi thoát nạn. Tôi xin phép hai vị Đại tá ra khuất một góc phòng có kê cái giường của Đức để nói chuyện .
Tôi biết Đức từ khi còn ở Trung Đoàn 43. Chúng tôi hay nhậu nhẹt với nhau và cùng với ban văn nghệ của Trung Đoàn. Có cả nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, một tài danh về đàn guitar classic. Thực ra Đức là đầu tàu, lôi kéo mọi người vào cuộc nhậu. Chúng tôi đa số là những người trẻ xa nhà. Đêm tối rảnh rỗi, được ngồi lại với nhau nhậu nhẹt cũng đỡ buồn. Lại thêm nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, những lúc cao hứng lấy guitar biểu diễn vài tuyệt chiêu thì cũng thấm lắm. Tôi có hỏi Phương về cách học, thấy rất công phu. Ngoài việc năng khiếu ra, còn phải tập luyện 8 tới 10 tiếng mỗi ngày.
Đức là cây nhậu nhà nghề. Nghĩa là không cần mồi, chỉ một ít muối tiêu, xả ớt là cũng đủ chơi suốt đêm. Còn tôi nhậu là phải có mồi. Hạng bét cũng phải có xoài tượng, khô mực, tôm khô, củ kiệu, nếu có vịt quay, gà quay hoặc lòng heo là nhất. Trong nhóm, chuyên viên phá mồi là tôi. Đức có thể uống cả két bia như không. Tôi chỉ giới hạn tối đa là sáu lon Budweiser hoặc sáu chai 33 thôi. Nhậu xong rồi đi ngủ, tuy vậy cũng phải tới 2 hay 3 giờ sáng là thường.
Đức mang cho tôi một ly nhỏ nước đá lạnh, nói:
– Mời bác sĩ uống nước. Bác sĩ thấy không, đánh giặc mà vẫn có nước đá uống như thường.
Quả thật tôi hơi ngạc nhiên sao bây giờ mà vẫn có nước đá uống. Tôi uống một hơi sạch bay ly nước. Đã lâu tôi chỉ uống nước trà nguội bây giờ được uống một ly nước đá lạnh, tôi thấy thật tuyệt vời. Chưa bao giờ trong đời tôi lại được uống một ly nước ngon như thế. Nó ngọt ngào thấm dần vào từng thớ thịt của tôi. Một cảm giác khoan khoái, tươi mát nhẹ nhàng thoải mái theo từng dòng nước lạnh vào trong bao tử tôi. Thực giống như ruộng khô gặp mưa rào. Nếu nước Cam Lồ của Phật Bà Quan Âm có ngọt ngào như trong sách tả thì cũng chỉ đến thế là cùng. Tôi thực không nói ngoa, chỉ một ly nước đá lạnh cũng đủ cho tôi cái cảm giác khoan khoái như vậy.
Cảm giác của con người, vui sướng, khổ sở đúng là tương đối thôi. Miếng ăn có ngon cách mấy nếu được ăn uống phủ phê mãi rồi cũng hóa nhàm chán. Còn khi đói khát thì chỉ một món ăn thức uống tầm thường cũng trở thành hơn cả cao lương mỹ vị.
Trình diện Đại tá Tỉnh Trưởng xong, tôi xin phép rút lui để lo sắp xếp đồ đạc. Trước khi rời hầm Chỉ Huy, anh bạn Đức đưa cho tôi ăn thử một miếng bào ngư nhỏ bằng đầu đũa, nhưng tôi lắc đầu từ chối không ăn.
Về tới hầm của tôi, thấy khoan khoái rồi. Các nhân viên đã khênh hết đồ xuống để tại phòng thứ nhất. Tôi bước vào phòng thứ nhì là phòng tôi sẽ ở. Trong phòng tôi đã thấy có sẵn hai cái giường gỗ ép kiểu divan kê dọc hai bên vách ngăn, giữa là một lối đi nhỏ chừng 30 phân. Chắc là của binh lính Mỹ để lại. Như vậy cũng tiện.
Toán Giải Phẫu Cấp Cứu của tôi đã phải làm việc suốt ngày hôm đó, khuân vác di chuyển các y cụ cần thiết tới chiều mới xong. Tổng cộng phải cần tới ba chuyến xe Hồng Thập Tự mới tạm di chuyển đủ số y cụ tôi cần dùng.
Đồ đạc tạm thời để ở mấy phòng chưa có thương binh. Chúng tôi dự trù sẽ dành ngày hôm sau để lắp ráp máy thuốc mê, máy hút, đèn mổ, rồi dở đồ đạc, phân chia từng khu từng món để dễ tìm. Dĩ nhiên chúng tôi không có máy hấp khử trùng. Các dụng cụ y khoa sẽ được rửa sạch bằng xà bông “Surgical soap” rồi đổ alcool vào đốt cháy là xong. Khử trùng dã chiến như vậy, tôi thấy không đúng quy cách nhưng chúng tôi không có phương tiện làm hơn được nữa.
Khoảng 5 giờ chiều ngày hôm sau, trong khi chúng tôi đang cố gắng sắp xếp đồ đạc, có người mang mảnh giấy viết tin từ Bác sĩ Tích hỏi xem chúng tôi đã sẵn sàng để mổ chưa. Một y tá thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y bị thương ở bụng ngày hôm qua. Tưởng là sơ sài thôi nhưng nay thấy bụng cứng rồi, muốn xin chuyển qua cho tôi mổ. Tôi chỉ cho người đưa tin thấy tình trạng bề bộn của chúng tôi chưa sửa soạn xong, không thể nào mổ được. Tôi nhờ anh ta về nhắn lại với Bác sĩ Tích rằng cách hay nhất là xin trực thăng tản thương. Với tình trạng thiếu thốn, chưa dự bị như hiện nay mà mổ một vết thương bụng đã có biến chứng viêm phúc mạc rồi thì thường thường số tử vong rất cao. Sư đoàn có nhiều uy quyền và phương tiện xin tản thương dễ dàng hơn Bệnh Viện Tiểu Khu nhiều.
Suốt ngày hôm sau chúng tôi ra sức thu dọn, sắp xếp các dụng cụ thật nhanh vậy mà tới 3 giờ chiều mới tạm xong. Tôi dự trù ngày mai nếu có bệnh, tôi có thể khai trương Phòng Mổ Dã Chiến này được. Lợi dụng thời giờ rảnh rỗi, tôi kêu cô y tá tới để kiểm điểm mình cần những gì, đúc kết làm thành một phiếu xin tiếp tế để nhờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu gửi về Liên đoàn 73 Quân Y. Gửi gấp lên, dĩ nhiên là bằng cách thả dù.
Vì bệnh viện đã chính thức dọn sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu tuy rằng đã bị thu gọn lại, nên có lệnh là tất cả các y cụ thuốc men thả xuống, ai nhận được đều phải đưa về bệnh viện hết. Tuy nhiên chỉ trừ máu là được trao lại 100 % còn các thuốc men y cụ bông băng chỉ đến tay chúng tôi được 30% là cùng. Bởi vì các đơn vị ở ngoài cũng cần phải có tiếp tế mới săn sóc sơ khởi cho thương binh được. Điều đó cũng tốt thôi. Tôi không có điều gì phàn nàn cả. Máu thì phải dùng ngay vì không có tủ lạnh chứa. Tất cả đều là máu loại O cả. Nếu kỹ thì bảo Trung sĩ Tăng bên Phòng Thí Nghiệm phân loại máu. Nếu cần gấp, tôi cứ việc truyền cho thương binh, không sao cả.
Đến 6 giờ chiều, mọi sự xong xuôi hết. Mọi người ai về chỗ nấy lo ăn uống nghỉ ngơi. Tôi lấy bao cơm sấy đổ nước lạnh vào. Chờ cho cơm khô ngâm nước mềm rồi mới ăn được, cũng phải đợi đến gần một tiếng. Nếu có nước nóng thì nhanh hơn. Nhìn qua khe thông hơi gần nắp hầm ngang với mặt đất ở phía trên, tôi thấy bên ngoài đã bắt đầu hết ánh nắng mặt trời.
Hoàng hôn đã hết và đêm tối sẽ dần tới. Máy phát điện của Bộ Chỉ Huy đã chạy. Trong phòng tối mờ mờ nhờ có chút ánh sáng hắt vào từ kẽ thông hơi phía gần nóc hầm. Có một ngọn đèn điện ở giữa phòng với cái bóng đèn đặc biệt của Mỹ để lại có xoáy trôn ốc. Không như bóng đèn thông thường của Việt Nam có hai chấu để dễ gắn vào chốt điện. Tôi lười biếng ngồi dựa lưng vào vách tường, nhìn qua kẽ hở cửa sổ thông hơi chưa chịu bật đèn lên. Tay cầm cái muỗng nhỏ múc từng muỗng cơm sấy lên ăn từ từ với thịt chà bông. Thỉnh thoảng lại uống một nắp bi-đông nước trà cho dễ nuốt.
Tôi không đói lắm, chỉ hơi mệt thôi. Nhưng dù sao đến bữa cũng phải ăn nếu không sẽ bị mệt dễ xỉu lắm. Rút cuộc tôi cũng chỉ ăn được nửa bát cơm sấy đã thấy no rồi. Tôi gói lại, cất bịch cơm còn dư lên một cái kệ trên tường để dành ngày mai ăn sáng. Tôi đang nằm trên giường nghỉ ngơi thì có tiếng gõ cửa, rồi giọng cô Bích hỏi:
– Bác sĩ có ở đây không, sao không có đèn đuốc gì cả vậy.
– Cô Bích đó hả? Mời cô vào, phiền cô bật đèn giùm tôi. Công tắc ở ngay bên cửa ấy.
Cô Bích đưa tay tìm chỗ bật điện. Dường như không quen, cô tìm một hồi vẫn chưa thấy. Tôi vội lấy cây đèn pin chiếu vào chỗ công tắc điện. Cô bật lên, một ánh điện yếu đuối vàng vọt tỏa ra khắp phòng. Tôi ngồi dậy tựa lưng vào túi quần áo ở đầu giường. Cô Bích ngồi xuống một chiếc ghế mây chắc của lính Mỹ bỏ lại, cũng khá tốt. Cô hỏi tôi:
– Bác sĩ ăn cơm chưa?
– Tôi mới ăn xong, còn cô thì sao?
– Tôi cũng ăn xong rồi, cơm nóng đàng hoàng, ăn với xúc xích nướng, ngon lắm.
Nói xong cô cười một cách khoái trá vì thấy tôi cứ thộn mặt ra ngạc nhiên.
Tôi nói:
-Vậy là cô chơi trội hơn tôi rồi. Trong khi tôi phải ăn cơm gạo sấy với nước lạnh thì cô lại được ăn cơm tươi. Cô làm cách nào mà hay vậy?
Thấy tôi thán phục, cô Bích thích chí cười khanh khách, chưa chịu nói ngay.
Tôi chợt nghĩ ra, vội hỏi chặn họng trước:
– Cô nấu bằng lon gô chứ gì? Đúng không?
Cô Bích vẫn ỡm ờ đáp:
– Đúng một nửa thôi.
Tôi nghiêm giọng nói:
– Này, cô cẩn thận đấy không được nấu ở dưới hầm này đâu, lỡ cháy thì chết cả đám đấy, vả lại ông Tỉnh Trưởng mà biết được thì cũng rắc rối lắm, cô biết không?
Cô Bích vẫn đủng đỉnh cười cười đáp:
– Thưa quan đốc nhà cháu biết rồi.
Cô vừa nói vừa kéo dài cái miệng ra cho có vẻ khôi hài, lại như có vẻ trêu tức tôi vì tôi không biết cái mà cô biết. Một lúc sau cô mới chịu tiết lộ:
– Đúng là nấu bằng lon gô, nhưng không phải trong hầm này mà ở nhà bếp Tiểu Khu. Muốn ăn phải lăn vào bếp. Sau khi họp xong, tôi lên trên hầm thấy chỗ nào có khói là tới. Ngoại giao với họ là có quyền ghé lon gô vào nấu. Chỉ 20 phút là xong, có cơm tươi ăn ngon lành.
Cô Bích vừa dứt lời tôi vội khen cô:
– Hay lắm, cô cũng khá lắm chứ chẳng phải chơi đâu.
Tôi chuyển sang đề tài khác, tiếp tục hỏi cô:
– Dọn sang đây cô thấy làm sao?
– Tôi thấy an toàn hơn ở bên bệnh viện nhiều. Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi đi theo.
Tôi mỉm cười nửa đùa nửa thật:
– Cô cảm ơn tôi là đúng. Cô nên nhớ mạng tôi lớn lắm, ai theo tôi sẽ được an toàn. Cô không nhớ bao nhiêu lần tôi chết hụt sao, cứ bỏ chỗ nào là chỗ đó bị ăn pháo ngay.
Tôi liếc nhìn cô. Tôi thấy cô hơi bĩu môi một chút vì lời nói tự cao tự đại của tôi nhưng chỉ một thoáng rất nhanh nét mặt cô đã trở lại bình thường. Có lẽ vì cô Bích thấy tôi nói cũng đúng phần nào. Nhất là hiện tại trước mắt, tuy rồi sau này chưa biết ra sao, nếu tôi không kéo cô đi theo làm sao cô được ở trong một cái hầm kiên cố như thế này. Hơn ở bên bệnh viện rất nhiều. Vừa an toàn pháo, vừa an toàn đủ mọi thứ. Bởi vậy cô cám ơn tôi là đúng.
Cô ngồi trầm ngâm, một lúc sau cô ngẩng đầu lên hỏi tôi:
-Tôi muốn về Sài Gòn. Ở đây bom đạn tôi sợ quá. Bác sĩ có cách nào cho tôi về không?
– Dễ lắm, cô cứ ở đây chờ. Vì cô là nhân viên dân sự, cô muốn rời khỏi đây lúc nào cũng được. Không ai ngăn cấm cô. Khi nào có chuyến tản thương, cô đi theo săn sóc thương binh lên máy bay là sẽ thoát khỏi địa ngục này ngay. Mặc dù cô thuộc toán giải phẫu của tôi và tôi cần cô nhưng nếu cô đi được trước thì cứ đi. Anh Sáu và ông Lỹ có thể thay cô được. Vậy cứ kiên nhẫn chờ.
Tôi lại nửa đùa nửa thật nói tiếp:
– Này cô có thuộc bài hát nào, cứ việc hát cho tôi nghe đi để tôi dễ ngủ.
Lại thêm một sự ngạc nhiên nữa là nghe tôi nói vậy, cô liền hát ngay chẳng chút khách sáo ngượng ngùng gì cả. Cô hát liên tiếp gần một chục bài, dĩ nhiên là hát nho nhỏ trong miệng đủ để cho chúng tôi nghe thôi. Giọng hát của cô không có gì hay lắm, hát chỉ để làm đỡ căng thẳng tinh thần thôi. Và cũng chẳng cần trình diễn cho ai cả, kiểu hát hay không bằng hay hát như Phạm Duy đang hô hào cho phong trào du ca đang thịnh hành lúc bấy giờ.
Tôi cũng thuộc lõm bõm năm bẩy bài nên hát theo cô. Tôi không có tài ca hát. Trời sanh ra giọng của tôi không được mạnh, lên cao không được mà xuống thấp cũng không xong. Vậy mà hồi nhỏ lúc 12 tuổi trước khi di cư vào Nam năm 54, trong một đoàn Thiếu Nhi thi hát tôi lại được nhất, thế mới lạ.
Mới đầu tôi cũng hát theo, sau tôi mệt mỏi, giấc ngủ từ từ tới. Thấy tôi im tiếng, cô đoán tôi đã ngủ rồi liền rón rén về phòng cô, không quên tắt đèn để tôi ngủ khỏi chói mắt.
No comments:
Post a Comment