Mến tặng các đồng đội thân thương
của tôi thuộc tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.
Như một nén hương tưởng nhớ về bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đã tử trận trên chiến trường Khe Sanh, năm 1968, và Nghiêm sĩ Thành, sinh viên năm thứ hai đại học khoa học Sài Gòn, thiếu úy trung đội trưởng, thuộc đại đội 83, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, đã tử trận trên chiến trường Thường Đức, Quảng Nam, tháng 8 năm 1974.
Cầm tờ lệnh gọi nhập ngũ trên tay, Nghiêm sĩ Thành ngậm ngùi nuối tiếc, vận nước nổi trôi đã nhận chìm công lao đèn sách của những chàng sinh viên đang độ tuổi thanh xuân. Sau chiến dịch tổng tấn công mùa hè năm 1972 của địch, lệnh tổng động viên của chính phủ ban hành đã tước đi biết bao kỳ vọng, ước mơ của những chàng trai trẻ.
Bảng đen phấn trắng ngậm ngùi chia tay những đứa học trò thân thương đang trút áo sinh viên để khoác lên người bộ chiến y, thay bút nghiên bằng những nòng súng lạnh lùng. Trong khuôn viên đại học, những chàng trai trẻ vẫn ngón tay kẹp điếu thuốc, cười đùa bàn tán đủ mọi thứ chuyện trên đời, nhưng thật ra trong đáy lòng của họ đang ưu tư suy nghĩ cho một đoạn đời sắp tới mà họ hoàn toàn chưa có một chút kinh nghiệm nào. Ngày mai đây họ sẽ xông pha vùng vẫy trên khắp các chiến trường, trong lửa đạn sẽ có những người nằm xuống, sẽ có những người ra đi mà không bao giờ quay trở lại, không biết những kẻ xấu số ấy sẽ là ai trong bọn họ. Mai đây khi họ cất bước ra đi về phía chiến trường xa, những cuộc tình dang dở sẽ đan những kỷ niệm buồn lên từng con dốc nhỏ.
Thành đưa mắt nhìn theo hàng cây ngả bóng trên đại lộ Cộng Hòa, con đường của Petrus Ký, của đại học khoa học, của biết bao kỷ niệm êm đềm mà chàng muốn được giữ mãi mãi trong lòng. Nắng chiều soi nhẹ qua khóm lá lao sao, lung linh trong gió, khiến Thành bất giác nhớ lại hình ảnh buổi chiều hôm ấy khi hai đứa bước song đôi trên con đường Phùng khắc Khoan, sau lưng hội Việt Mỹ. Gió chiều vờn lên mái tóc của nàng để nắng hanh vàng lùa những sợi nắng xuyên qua kẽ tóc tạo nên một bức tranh sinh động tuyệt vời mà Thành cứ nhớ mãi trong lòng. Lúc ấy sống mũi và khuôn mặt của nàng vẽ lên trên vạt nắng những đường nét vô cùng huyền ảo. Nàng ngước mắt lên nhìn Thành, ánh mắt nàng long lánh những giọt tình ái khiến Thành ngây ngất mê say, Ngọc Lan xinh đẹp dịu hiền quá.
Ngọc Lan cất tiếng than van:
- Anh Thành ơi, cái công thức kỳ cục, lộn xộn như thế này làm sao em nhớ cho nổi hở anh Thành.
Thành cúi xuống nhìn vào trang sách, thì ra công thức tính đạo hàm đây mà.
(UV)’ = VU’ + UV’
Thành chợt nhớ thời còn là học sinh trung học, trong đám bạn của chàng, có bạn đã nghĩ ra cách nhớ rất táo bạo.
- Ngọc Lan cứ nhớ như thế này thì sẽ không bao giờ quên:
Đạo hàm UV = Vú xuôi + vú ngược.
Ngọc Lan giật mình như chạm phải lò lửa, nàng đưa mắt trân trối nhìn Thành, hai má nàng đỏ hồng lên. Thành biết ngay là mình đã hố, nhưng Thành lại mắc thêm một sai lầm nữa khi chàng cố gắng chống chế:
- Thì Ngọc Lan cứ nhìn kỹ xem, rõ ràng đạo hàm UV = vú xuôi + vú ngược, anh đâu có nói sai.
Ngọc Lan mặt lạnh như tiền, không nói năng gì cả, nàng lạnh lùng gấp quyển sách lại, kéo ghế đứng lên:
- Về đi anh Thành.
Nàng bước nhanh ra cửa không hề quay đầu nhìn lại, Thành bối rối, lẽo đẽo nối gót theo sau, lòng rối bời chưa nghĩ ra được một lối thoát nào để cứu vãn tình thế.
Đã hai tuần lễ nay, Ngọc Lan không cho Thành gặp mặt, hễ cứ thấy bóng dáng của Thành là Ngọc Lan lại mở máy xe chạy thật nhanh, Thành nhìn theo khói xe, nỗi ân hận nuối tiếc lại dâng lên trong lòng. Có cách xa mới thấm thía được nỗi nhớ nhung dày xé tâm can. Nhớ lại những giây phút bên nhau sao mà đầm ấm thân thương quá, khuôn mặt xinh xắn của nàng khiến Thành chùng xuống, thấy lòng mình tím tái dần đi. Có những lúc sống lại trong tình yêu ấy, Thành cảm thấy mình chênh vênh như đang bước đi trên bờ đê trơn trợt sau cơn mưa tầm tã. Nhớ quá người ơi, không phải là anh bán cái để chạy tội cho mình, thực ra tác giả của câu khẩu quyết ấy là một người bạn của anh, chứ anh có bao giờ bạo mồm bạo miệng như thế bao giờ đâu.
Nắng Sài Gòn chói chang, vắt những giọt mồ hôi trên trán của gã sinh viên đang hốc hác vì tình. Thành dõi mắt nhìn theo con đường có hàng me xanh lá. Cổng trường vừa hé mở, đàn bướm trắng túa ra xôn xao huyên náo cả một góc đường, Thành nhận ra ngay Ngọc Lan lẫn trong đàn bướm ấy. Thành bước đến thật nhanh, đưa hai tay nắm chặt lấy tay lái. Ngọc Lan bối rối tìm cách lùi xe lại nhưng không được, nàng có cảm giác các bạn chung quanh đang bước chầm chậm lại, những đôi mắt tò mò tọc mạch, hai má nàng bỗng đỏ hồng lên vì xấu hổ.
Thành xúc động nhìn Ngọc Lan, nói nhỏ:
- Ngọc Lan, anh vừa nhận được lệnh gọi nhập ngũ, anh đến tìm để từ giã em.
Ngọc Lan lo lắng ngước mắt lên nhìn:
- Vậy hở anh.
Thành mừng thầm trong bụng, ít ra thì cái tấm giấy vô phước này cũng đã giúp cho chàng thoát ra được cái oái oăm ngộp thở này. Thành bỗng thấy mình phải có một bộ mặt đưa đám cho thích hợp với tình thế, giọng nói của Thành bỗng buồn hẳn đi:
- Anh buồn quá Ngọc Lan ơi, hay là mình đi ăn kem nhé.
Ngọc Lan khe khẽ dịu dàng:
- Vâng.
Thành mở cờ trong bụng, niềm vui sướng trong lòng như đang muốn nổ tung ra ngoài khiến chàng phải dằn lòng xuống, cố giữ vẻ mặt buồn bã thảm thương, có ai sắp xa cách người yêu mà lại vui tươi, hớn hở bao giờ đâu.
Thành đặt nhẹ ly kem lên bàn:
- Ăn kem đi Ngọc Lan, trời nóng ăn kem thì mới thật tuyệt vời.
- Trời hôm nay buồn cười quá anh Thành ha, nắng muốn vỡ cả đầu.
- Ừ, ăn kem đi không thôi nắng vỡ đầu bây giờ đó.
Ngọc Lan lặng lẽ ngắm nghía người yêu, đượm vẻ buồn bã:
- Khi nào thì anh phải lên đường hở anh Thành?
- Ba tuần lễ nữa thì anh sẽ lên trình diện trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, từ nay đến ngày ấy mình đi chơi nhiều nhiều một chút Ngọc Lan nhé.
- Vâng. Ngọc Lan ngoan ngoãn trả lời.
Ngọc Lan múc một thìa kem đưa lên miệng:
- Anh Thành ơi, tại sao đang đi học mà lại bị gọi động viên ngang xương như vậy hở anh?
- Ờ, tại vì chiến tranh đang lan rộng và càng lúc càng khốc liệt. Quân đội đang cần thêm quân, vã lại quân đội đồng minh đã rút hết về nước rồi. Chính phủ ban hành lệnh tổng động viên giảm tuổi hoãn dịch vì lý do học vấn xuống một năm, lấy sinh viên đưa vào guồng máy chiến tranh.
- Có uổng không, khi các anh có thể sẽ cần thiết để xây dựng lại đất nước sau này.
- Tương lai sẽ tính sau, hiện tại cần thiết hơn tương lai Ngọc Lan ạ.
- Mấy nhỏ bạn em cũng có anh nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ba má nhỏ bạn nói nếu cứ lính ma lính kiểng, tham nhũng hối lộ, mua quan bán chức tràn lan như thế này thì khó mà giữ được đất nước.
Nghe Ngọc Lan nói, Thành bỗng thấy đau nhói trong lòng khi nhớ đến người anh ruột thịt của mình, bác sĩ Nhảy Dù Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 ND đã tử trận khi đơn vị hành quân vào vùng rừng núi Khe Sanh, năm 1968.
*****
Hôm nay là lần đầu tiên Ngọc Lan nói dối bố mẹ.
- Mẹ ơi, lát nữa con xuống nhà dì Hiền thăm dì và các cháu, mẹ nhé.
Mẹ đâu có biết hôm nay cô con gái cưng của mẹ đã bắt đầu giở quẻ, mẹ vui vẻ:
- Con nhớ ghé qua chợ mua dùm mẹ ít trái cây làm quà cho các cháu, con nhé.
Ngọc Lan ghé thăm nhà dì được chừng nửa tiếng đồng hồ thì nàng tìm cách rút lui. Lần đầu tiên Ngọc Lan đi ra khỏi thành phố một quãng đường xa xôi đến như thế. Đường xá tấp nập xe cộ qua lại khiến nàng đâm lo, Ngọc Lan đã định bụng rủ một cô bạn đi chung cho đỡ sợ, nhưng rồi ngần ngại nên lại thôi. Thân con gái cặm cụi một mình đi thăm người yêu mãi trên tận Thủ Đức, trong lòng hồi hộp lo âu lắm nên quên cả nỗi áy náy sáng nay đã nói dối mẹ. Con đường dẫn vào trường bộ binh Thủ Đức hôm nay rợp bóng người, tiếng nói cười rộn rã chan hoà trong nắng sớm, những tà áo xum xoe khoe sắc lượt là khiến cả một khung trời như vừa thay áo mới. Bước chân Ngọc Lan như nghiêng đi vì giỏ đồ ăn nặng quá, nàng mua tất cả những gì mà nàng tưởng tượng ra. Bánh mì, xôi, giò chả, chà bông, nem, café, đường sữa, cam quit,… và cả một gói ô mai thật to để nhắc nhở Thành luôn nhớ đến mối tình thơ mộng mà Thành đã chắt chiu chăm sóc bằng những hạt ô mai xinh xắn. Ngọc Lan đâu biết rằng có những thứ mà Thành sẽ không bao giờ dùng đến, đời sống quân trường làm gì có thì giờ để mà lỉnh kỉnh nấu nước pha café.
Tên của Thành đã được nhắc trên loa phóng thanh đến lần thứ ba mà vẫn chưa thấy bóng dáng chàng nơi đâu. Những người lính quân trường nhìn qua ai cũng như ai, y chang một màu đen thui thủi, thấm mùi mồ hôi, cũng một bộ quân phục màu xanh cây lá, trên đầu là một chiếc nón nhựa. Những người khóa sinh này trông lầm lì dễ sợ mà sao lại vui tính quá, họ gắn lên ngực áo những chiếc khăn đủ màu sắc, người mang khăn màu đỏ, người mang khăn màu vàng, người thì tính tình phóng khoáng nên mang chiếc khăn màu xanh lá cây, có người lại lãng mạn mang khăn màu tím, rồi lại có màu hồng, màu nâu. Ngọc Lan thích màu xanh nước biển, nàng định bụng hôm nào sẽ may cho Thành một chiếc khăn màu xanh nước biển, mang chiếc khăn này trên ngực thì chắc chắn lúc nào Thành cũng phải nhớ đến nàng thôi. Nàng đâu biết rằng màu khăn khác nhau dùng để phân biệt các tiểu đoàn khoá sinh. Tiểu đoàn 1 mang khăn màu đỏ, tiểu đoàn 2 mang khăn màu vàng, tiểu đoàn 3 khăn màu xanh lá cây, tiểu đoàn 4 khăn màu tím, tiểu đoàn 5 khăn màu hồng, năm 1972 tổng động viên nên quân số quá đông phải thành lập thêm tiểu đoàn 6 mang khăn màu nâu.
Bàn tay ai vỗ nhẹ lên vai khiến Ngọc Lan giật mình quay lại, và nàng chợt mừng rỡ reo lên:
- Anh Thành.
Thành đưa tay nắm lấy vai nàng lắc nhẹ, giọng đầy xúc cảm:
- Ngọc Lan, đường xa quá em có mệt lắm không?
- Không anh ạ, gặp anh, em chẳng còn thấy mệt tí nào.
Ngọc Lan cười tươi tắn, bao nhiêu lo lắng bỗng nhòa đi thật nhanh, nàng đưa mắt ngắm nhìn người yêu, Thành của nàng hôm nay trông khác hẳn ngày xưa, vẻ thư sinh sách vở học trò đâu còn nữa, Thành giờ đây rắn rỏi trong nước da đen nhuộm nắng hồng, trông chàng cứng cáp khỏe mạnh hẳn lên.
Thành cúi xuống xách giỏ đồ ăn lên, nắm tay Ngọc Lan, đôi tình nhân bước bên nhau đi về phía góc xa của khu tiếp tân, nơi cây phượng vĩ đang giang tay che bớt ánh nắng mặt trời.
Ngọc Lan lấy ra tờ báo, nàng trải rộng lên thảm cỏ rồi bày ra các món ăn. Thành sung sướng nhìn người yêu lay hoay sửa soạn bữa ăn ngoài trời, nỗi hạnh phúc miên man cứ rộn lên trong lòng chàng.
- Ngọc Lan mua nhiều thức ăn quá, khổ thân em.
- Em mua nhiều để anh đem vào trại ăn dần, rồi anh còn mời các bạn của anh nữa chứ.
- Anh cám ơn Ngọc Lan thật nhiều.
Ngọc Lan đưa cho Thành một khúc bánh mì kẹp chả lụa:
- Anh Thành, ăn khúc bánh mì này trước đã nhé.
- Ngọc Lan cũng ngừng tay ăn một chút đi chứ.
Ngọc Lan âu yếm nhìn người yêu, Thành đen sạm đi vì mưa vì nắng, vì sương gió quân trường, nhưng lại tròn trỉnh hơn so với ngày còn ở nhà. Nhìn Thành rắn rỏi trong bộ quân phục màu lá cây rừng, Ngọc Lan chợt nhớ đến chuyện ngày xưa. Người ấy cũng trong bộ quân phục như thế này, đã lặng lẽ ra đi biền biệt, để lại trong lòng nàng những gợn sóng lăn tăn như tiếng gọi thầm trên biển vắng, gọi mà hình như không gọi.
*****
Năm ấy thầy được ban giám hiệu phân bổ làm giáo sư Việt văn và cũng là giáo sư hướng dẫn cho lớp của Ngọc Lan. Đúng là người văn, thầy giảng bài rất hay, rất hấp dẫn, lôi cuốn, lũ học trò mê mệt nghe thầy giảng bài mà quên cả tiếng chuông báo hiệu giờ tan học. Sự hiểu biết của thầy là cả một kho kiến thức, những lúc thầy lồng cuộc đời vào trong bài giảng hay những lúc thầy trải bài giảng ra ngoài cuộc đời chính là những lúc thầy đang dạo lên những biến khúc, thật là điêu luyện, tuyệt vời. Khi giảng bài, thầy thường hay dừng lại ở đôi mắt của Ngọc Lan, như ẩn hiện một điều gì sâu thẳm.
Buổi tất niên năm ấy, sau khi văn nghệ đã hết, tiệc đã tàn, Ngọc Lan cùng vài người bạn ở lại lo thu xếp dọn dẹp, thầy cũng ở lại phụ giúp một tay. Sau khi công việc xong xuôi, thầy ngỏ ý mời các cô đi ăn thạch chè Hiển Khánh. Ngọc Lan và các bạn không ngờ năm nay lại gặp may đến thế, hiếm khi nào học trò mời được thầy đi ăn, huống gì thầy mời trò lại càng là một việc rất hiếm khi xảy ra.
Sài Gòn đã vào những ngày cận Tết, những nhánh mai vàng phất phơ trong gió nhẹ khẽ báo hiệu nàng Xuân đang về đến ngõ. Bên hè phố người ta đã bày bán những tấm thiệp chúc tết đủ mọi màu sắc, đủ mọi đường nét phong phú đa dạng. Đây đó có tiếng pháo chuột thập thò nổ lẹt đẹt vài tiếng rồi tắt ngấm, đường phố vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, xuân đã về.
Khác hẳn với vẻ nghiêm trang như mọi ngày, hôm nay thầy rất vui tươi, rất cởi mở. Thầy kể chuyện thật là duyên dáng, dí dỏm, khiến các cô lăn ra cười từng cơn, trong khi thầy vẫn tỉnh bơ không hề hé môi cười một chút nào, thật là hay chi lạ. Thầy thăm hỏi từng cô rất thân tình khiến các cô cảm động ra mặt. Thầy cứ phải nhắc nhở, các em dùng kem đi chứ, các cô thì cứ ngại ăn nhiều mang tiếng, và nhất là đang được ngồi đối diện với người thầy thần tượng của mình. Ánh mắt của thầy thỉnh thoảng dừng lại, say đắm như muốn tan loãng vào trong đôi mắt của Ngọc Lan. Những lúc ấy Ngọc Lan như lên cơn sốt, trong lòng nàng rộn lên một cảm giác ngất ngây lạ lùng. Hôm ấy trên đường về, như có luồng gió lạ thổi vào hồn, nụ tầm xuân ngỡ ngàng đón ánh bình minh nên rạng rỡ, thẹn thùng.
Xuân đã qua và hè đang tới, tiếng ve kêu vang trên cao, hoa phượng vĩ rực đỏ trên những vòm cây, rơi xuống trải đầy trên lối đi màu của lưu bút ngày xanh. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là đến thời gian nghỉ hè, học trò sẽ tạm xa mái trường thân yêu, trở về với gia đình nghỉ ngơi sau một năm cặm cụi đèn sách. Hôm ấy đang giờ nghỉ giải lao, Ngọc Lan đứng bên khung cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh ngắt, ngắm những đám mây trắng đang chầm chậm trôi, thầy bước tới sát bên cạnh Ngọc Lan. Ngọc Lan bối rối chưa biết xử trí ra sao thì đã nghe thầy nói nhỏ, ngày mai thầy muốn gặp Ngọc Lan ở thạch chè Hiển Khánh, Ngọc Lan đi một mình thôi, đừng rủ các bạn đi theo. Thầy bước đi rồi mà Ngọc Lan vẫn còn như đang ngủ mơ, không biết lời hò hẹn này từ dưới đất chui lên hay từ trên trời rơi xuống, nàng không dám tin vào đôi tai của mình nữa.
Thầy ân cần chăm sóc Ngọc Lan, giọng thầy thật ấm áp:
- Ngọc Lan thích uống nước gì để tôi gọi.
Ngọc Lan e thẹn:
- Em uống nước gì cũng được ạ, thưa thầy.
- Ngọc Lan uống cam vắt hay đá chanh, trời nóng quá.
- Thưa thầy, sao cũng được ạ.
- Vậy thì dung hoà nhé, một ly cam vắt thả lên trên vài lát chanh mỏng sẽ thơm lắm.
- Vâng, cám ơn thầy.
- Tôi thì chỉ quen uống café thôi.
Thầy rút trong túi ra một bao thuốc lá, châm điếu thuốc, và nói như trong cơn say:
- Ước gì mỗi buổi sáng tôi được uống một ly café với Ngọc Lan rồi mới đi làm.
Ngọc Lan giật mình tròn xoe đôi mắt, nhưng rồi nàng chợt hiểu, một nỗi hạnh phúc lẫn trong niềm hãnh diện bất ngờ dâng ngập trong lòng.
Người ta trở nên thoải mái tự nhiên hơn sau khi đã nói ra được điều muốn nói. Và Ngọc Lan cũng bớt đi vẻ thẹn thùng mắc cỡ, nàng ngắm nghía người thầy si tình của mình. Vẻ nghiêm trang của một nhà mô phạm khiến thầy như già đi trước tuổi, bụi thời gian lưu lại trên khuôn mặt trông thầy dạn dày hẳn lên. Thế nhưng Ngọc Lan đã biết, phía sau những ngọn núi lởm chởm quanh co ấy là một đại dương bát ngát đầy thi vị, thầy là một nhà văn.
Thầy hỏi thăm Ngọc Lan rất ân cần khiến nàng vô cùng cảm động, thầy khuyên Ngọc Lan chăm học hơn nữa, nhất là chú ý nhiều về môn toán. Khác với mọi ngày, giọng nói của thầy hôm nay đượm vẻ ưu tư buồn bã. Thầy lại châm thêm một điếu thuốc, rít một hơi dài vào buồng phổi, ém lại thật lâu rồi từ từ thả ra làn khói nhẹ. Khuôn mặt kiều diễm của Ngọc Lan chập chờn qua khói thuốc trông huyền hoặc và quyến rũ làm sao. Ánh mắt thầy đắm đuối chìm sâu vào đôi mắt của Ngọc Lan, như muốn gắn chặt muôn đời vào nơi ấy. Thầy nói, giọng rất buồn:
- Ngọc Lan, hai tuần nữa tôi sẽ vào quân đội, đi xa sẽ nhớ nhiều lắm.
Âm thanh ấy dội lên vách tường, luồn vào trong lồng ngực bóp chết trái tim thơ ngây. Ngọc Lan thảng thốt chết sững người, đau đớn đến dường nào khi hạnh phúc chợt đến lại chợt đi, hạnh phúc ơi sao mong manh quá.
*****
Ngọc Lan lấy dao xẻ trái cam thành nhiều múi, nàng tách hai đầu múi cam rồi đưa cho Thành:
- Ăn cam đi anh Thành, cam sành ngọt lắm anh ạ.
Nhìn người yêu rắn chắc nhưng đen sạm hẳn đi, Ngọc Lan chạnh lòng nhớ đến người ấy, lúc bước chân vào quân trường chắc thầy cũng cơ cực như thế này đây. Từ ngày ấy thầy ra đi biền biệt không một lời chia tay, không một nét chữ luyến lưu, như chưa hề có một viên sỏi nào rơi xuống mặt hồ nước phẳng lặng triền miên.
Tự dưng Ngọc Lan thấy buồn xa vắng:
- Năm ấy thầy đã ra đi, bây giờ lại đến lượt anh, đất nước mình sau thảm thương quá.
Thành ngạc nhiên hỏi lại:
- Ngọc Lan nói thầy nào vậy?
- Thầy dạy Việt văn của em ngày xưa đó mà. Ngày ấy thầy đang dạy học thì nhận được lệnh gọi nhập ngũ, cũng giống như trường hợp của lớp sinh viên các anh bây giờ.
- Ngọc Lan có biết thầy đang ở đơn vị nào không?
- Em không biết, nhưng thỉnh thoảng em vẫn thấy truyện của thầy đăng trên các tạp chí văn học. Thầy nói chuyện thật hay, thật tuyệt vời anh Thành ạ.
- Sao lại nói chuyện thật tuyệt vời, thầy hay gặp Ngọc Lan lắm hở?
Ngọc Lan ấp úng:
- À, em chỉ gặp thầy có hai lần thôi…Ý của em là thầy giảng bài rất hay, cả lớp đứa nào cũng mê.
- Ngọc Lan có biết tin tức gì của thầy không?
- Từ ngày ấy đến giờ em không hề biết một chút tin tức nào của thầy.
Thành bỗng linh cảm có điều gì đó không ổn, chàng vội gạt ý tưởng ấy ra khỏi đầu óc, lúc này phải tạm quên đi tất cả để tận hưởng hạnh phúc đang có trong tầm tay. Chàng tách múi cam ra khỏi vỏ:
- Ngọc Lan, nhắm mắt lại đi nào.
Ngọc Lan ngoan ngoãn khép đôi mắt lại, đôi môi của nàng khẽ mở ra, he hé đợi chờ.
*****
Tháng 4 năm 1968, lữ đoàn III Nhảy Dù được điều động về đánh giải tỏa căn cứ Khe Sanh, tạo điều kiện cho lực lượng TQLC Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ chiến lược nổi tiếng này. Toàn bộ lữ đoàn được trực thăng vận xuống phía sau lưng lực lượng Bắc quân đang vây hãm căn cứ Khe Sanh, địch quân đã sử dụng hơn 3 su đoàn, bao vây cứ điểm Khe Sanh từ nhiều tháng qua.
Lữ đoàn III Nhảy Dù tham chiến trận đánh Khe Sanh:
- Lữ đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn khoa Nam.
- Tiểu đoàn 3 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Trần quốc Lịch.
Y sĩ trưởng: BS Trần đức Tường.
- Tiểu đoàn 6 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Trương vĩnh Phước.
Y sĩ trưởng: BS Nghiêm sĩ Tuấn.
- Tiểu đoàn 8 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Nguyễn văn Thọ.
Y sĩ trưởng: BS Hồ trí Dõng.
Lữ đoàn III Nhảy Dù, dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn khoa Nam, đã chiến đấu dũng mãnh, đánh tan nát các lực lượng đối kháng của địch. Chỉ trong một trận đánh với TĐ 6 ND, địch đã bỏ lại trên trận địa hơn 50 xác chết. Đi kèm theo chiến thắng là nỗi đau thương của mất mát, su đoàn Nhảy Dù đã mất đi người bác sĩ trẻ tuổi tài hoa Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Nhảy Dù.
Hôm ấy, khi người lính Nhảy Dù từ trại Hoàng hoa Thám đến báo tin bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn đã tử trận trên chiến trường Khe Sanh, cả nhà lặng người đi trong đau đớn, sau đó là những giọt nước mắt, những tiếng khóc sụt sùi. Thành lặng lẽ bước vào căn phòng của anh mình, chàng ngước nhìn lên tấm ảnh treo trên tường, bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn tươi cười trong bộ quân phục Nhảy Dù, đầu đội mũ beret đỏ. Con người trông oai phong lẫm liệt biết bao mà sao lại đoản mệnh như thế hở trời. Thành biết rõ tính ông anh của mình, một người rất sính thơ văn, vừa kê toa thuốc vừa ngâm nga:
Nhạn quá trường giang ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn bất di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Ngày xưa mỗi lần anh Tuấn về phép, anh thường hay kể chuyện chiến trường cho các em nghe, anh hay nhắc đến những người lính Nhảy Dù với lời lẽ rất quí mến thân thương. Họ là những người lính trẻ đầy nhiệt huyết, vô cùng thiện chiến, có lối sống rất bạt mạng. Những người lính trẻ này có truyền thống đoàn kết bênh vực lẫn nhau một cách kỳ lạ, đây là một đặc tính rất dễ thương và rất đáng nể phục. Họ được trui rèn trong một thứ kỷ luật còn dữ dội hơn cả sắt thép, nếu không có những người lính không ai biết tới này thì dứt khoát sẽ không bao giờ có được những chiến tích lẫy lừng của một sư đoàn đã từng vang bóng một thời. Dần dần lũ em trong nhà đã nảy sinh một cảm tình thật sâu đậm dành cho những người lính Nhảy Dù. Từ ngày anh Tuấn mất đi, mọi người lại càng thương mến mầu mũ đỏ hơn bao giờ hết, mầu mũ đỏ của bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn, của anh em Nhảy Dù, và cũng là của mọi người thương yêu ngưỡng mộ các anh. Thành tự nhủ, một ngày nào đó, Thành cũng sẽ giắt lên cầu vai một chiếc mũ đỏ.
*****
Mùa hè năm 1972, sau những trận giao tranh đẫm máu, khốc liệt, su đoàn Nhảy Dù đã đẩy lùi địch quân sâu về phía rặng Trường Sơn, dựng lên một vòng đai an toàn trải dài từ Quảng Trị vào đến phía nam Thừa Thiên. Phòng tuyến dọc theo phía tây của quốc lộ 1 ngăn chận địch quân từ biên giới đổ về nay đã được trấn giữ nghiêm ngặt bởi những người lính Nhảy Dù thiện chiến.
Vùng trách nhiệm của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù trải dài từ khu vực quận Phong Điền, nhấp nhô về phía tây qua những dãy đồi thấp, ghé ngang qua núi Yên Bầu, núi Cánh Giơi, rồi dừng lại bên này con suối Ô Lâu. Bên kia suối là vùng địch. Con suối Ô Lâu vào mùa khô, nước cạn ngang mắt cá chân, nước róc rách luồn qua kẽ đá. Nhưng vào mùa nước lũ thì dòng nước trổi lên dữ dằn, nước đỏ ngầu sùng sục cuốn phăng đi những cây cối mọc ở hai bên bờ. Chỉ cách nhau khoảng chừng trăm thước, bên này và bên kia con suối là hai cuộc đời hoàn toàn xa lạ. Kẻ từ Hà Nội 36 phố phường đem theo hương vị cốm làng Vòng vào đến đây, buổi chiều đứng trên đỉnh núi, dáng người in lên nền trời trông rõ mồn một. Người từ Sài Gòn, bỏ lại sau lưng thành phố rực rỡ muôn mầu, ngồi đây trên ngọn đồi xa lạ, châm điếu thuốc nhìn đất trời mông lung.
Đây đó vẫn còn vương vãi dấu tích của những cuộc phong ba bão táp. Bên lề con đường rừng bỗng từ dưới đất nhô lên một chiếc dép râu với những đốt xương ngón chân. Chẳng hay người nằm dưới lớp đất mỏng manh, chôn vùi vội vã ấy quê quán nơi đâu, trúng đạn vào ngực hay vào bụng, đang lúc xung phong hay đang bị tràn ngập, lúc sắp chết có đau lắm không. Dưới khe suối trong vắt lạnh lẽo, bỗng hiện ra một bộ xương người, chiếc nón sắt nằm chơ vơ, tấm thẻ bài cầm lên vẫn đọc rõ được tên họ, số quân. Bộ tư lệnh su đoàn xác nhận tử sĩ thuộc quân số tiểu đoàn 9 Nhảy Dù.
Một phần của những dãy đồi thấp chạy dọc theo dòng suối Ô Lâu là khu gia cư của đại đội 83, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Không mái lều che nắng che mưa, người lính sinh hoạt, nghỉ ngơi dưới những căn hầm chiến đấu, hầm này liên lạc qua hầm kia bằng những tuyến giao thông hào đào sâu dưới đất. Trên miệng hầm, cắm xuống đất 4 nhánh cây chéo nhau thành 2 cái giá hình chữ X, khẩu M72 nằm ưỡn lưng trên chiếc giá cây, sạch sẽ mát mẻ. Khẩu M16 và dây đạn nằm ở vị trí thuận tiện nhất, chỉ cần chồm người tới là bắn được ngay. Sợi dây điện nối từ trái mìn Claymore chuyền xuống dưới hầm được gắn vào con cóc, một khi con cóc nghiến răng thì hàng trăm viên bi sắt sẽ bắn tung ra phía trước bởi sức nổ của thỏi C4, khi đã lọt vào tầm sát hại của mìn định hướng Claymore thì khó mà toàn mạng.
Ngay chỗ uốn khúc của dòng suối Ô Lâu, một chỏm đồi bỗng tách ra, chồm về phía trước sát đến bên bờ suối. Đây là vị trí tiền tiêu, tiếp cận với địch gần nhất, gọi là đỉnh Mùa Đông. Nếu địch mở một cuộc tấn công trực diện vào tuyến phòng thủ của đại đội 83 thì ngay trong tích tắc đầu tiên địch sẽ phải hủy diệt ngay ngọn đồi kỳ đà cản mũi này. Đỉnh Mùa Đông được chốt bởi 5 người lính của đại đội 83, tư lệnh chốt là chuẩn úy Nghiêm sĩ Thành, vừa mới tăng cường hành quân được vài tháng.
Nghiêm sĩ Thành trải rộng tấm bản đồ ra trước mặt, đặt chiếc la bàn lên trên, cạnh của chiếc la bàn trùng lên trục tung độ của bản đồ, xoay tấm bản đồ cho đến khi kim của chiếc la bàn trùng lên vạch chỉ hướng bắc thì ngừng lại. Thành nhìn kỹ những chấm mầu đen bằng bút mỡ đánh dấu vị trí của các chốt, đỉnh Mùa Đông rõ ràng lấn sâu về phía trước, sát tới bên dòng chỉ màu xanh, trông giống như mũi nhọn của một ngọn giáo. Vòng cao độ của những ngọn đồi bên này quá khiêm tốn so với những triền núi cao vượt lên ở bên kia dòng suối Ô Lâu. Càng suôi về phía hạ lưu thì dòng Ô Lâu lại càng mở rộng hơn, con nước sẽ đi ngang qua quốc lộ 1, rồi sẽ cùng với sông Bồ và sông Hương đổ nước vào phá Tam Giang.
Thành châm một điếu thuốc, khói thuốc chui vào buồng phổi khiến chàng cảm thấy dễ chịu hẳn ra. Thành đưa tay rà băng tần của chiếc radio, có tiếng rè rè rồi sau đó là tiếng nói quen thuộc của Mai Trang, hơi ấm này đã một thời âm vang đến tận từng ngõ ngách của giao thông hào trên miền hỏa tuyến, như một người bạn đồng hành sớt chia những vui buồn của đời lính. Thành chợt nhớ đến anh Tuấn, ngày xưa anh Tuấn cũng đã từng hít thở không khí của vùng hành quân như thế này đây, nếu như anh Tuấn còn sống, hai anh em ở cùng chung một đơn vị thì vui biết mấy.
Bỗng tiếng nói ồn ào của Tư lựu đạn cắt ngang dòng suy tưởng:
- Chuẩn úy, em mới vừa gài thêm mấy trái lựu đạn ở dưới mé suối.
Thành nhăn mặt:
- Đã dặn là đừng gài thêm gì nữa, mìn bẫy thiên la địa võng rồi. Lạng quạng dính chấu thì khổ đời.
- Không sao đâu chuẩn úy, em là Tư lựu đạn mà.
- Sơ xẩy một chút thì Năm lựu đạn cũng chết chứ nhằm nhò gì Tư lựu đạn.
- Tụi nó ở trên cao hơn mình mà lại sát một bên, gài thêm mấy trái lựu đạn em thấy ấm bụng hơn nhiều.
Tư lựu đạn nổi tiếng vì cái nghề gài lựu đạn. Lựu đạn gài phải thật nhạy nổ, chốt lựu đạn phải được kéo ra gần hết, chỉ còn chêm chí mí vào cái thìa, một cái ống quần phớt ngang qua thì bà cũng hú rồi, nói chi nguyên một chiếc dép râu phang vào. Tư lựu đạn còn có biệt tài gài lựu đạn rất nhanh, trên đường triệt thoái mà Tư vẫn bình tĩnh ngừng lại, gài nhanh một trái lựu đạn cản chân địch rồi chạy tiếp. Một hôm, Tư nhận được lệnh đi gài lựu đạn, gài xong một chục trái lựu đạn bỗng dưng đầu óc lộn xộn không còn nhớ mình đã gài ở những chỗ nào. Bước đi được vài bước thì Tư vướng ngay vào trái lựu đạn mà mình vừa mới gài. Trái lựu đạn nổ tung, một cụm khói bục lên, đất đá văng rào rào, Tư lựu đạn từ từ đứng lên, mặt mũi chân tay vẫn còn đầy đủ. Tư lựu đạn tà tà trở về chốt, bắt đầu nổ:
- Hà hà! xem ra Tư lựu đạn này còn…lựu đạn hơn cả lựu đạn nữa à nhe.
Sau đó Tư kể lại, lúc ấy phải vểnh tai lên để nghe ngóng thật kỹ, hễ nghe thấy tiếng thìa lựu đạn văng ra thì lập tức nằm rạp xuống đất. Tư lựu đạn không rách áo lần đó, nhưng về sau này, Tư bị cưa mất một chân vì không may đạp trúng mìn.
Theo bảng cấp số thì mỗi quân nhân được cấp phát 4 trái lựu đạn, nhưng khi kiểm tra vũ khí đạn dược của anh em thì Thành nhận thấy mỗi người thủ tới cả chục trái. Hỏi lấy ở đâu ra mà nhiều thế, anh em không nói chỉ nhe răng cười. Sau này khi hiểu ra, Thành lại càng quí mến anh em nhiều hơn nữa.
Khi bị tấn công vào ban đêm, lính Nhảy Dù hạn chế không nổ súng, chỉ dùng lựu đạn để cản phá những đợt xung phong đầu tiên của địch. Nếu nổ súng, địch dựa vào tia lửa thoát ra từ nòng súng sẽ xác định ngay được vị trí của ta, dùng lựu đạn thì địch không biết đâu mà mò, chẳng biết lúc nào lựu đạn sẽ rơi ngay vào đầu. Khi lính Nhảy Dù tấn công tiến chiếm mục tiêu, vừa bám được vào giao thông hào của địch thì một trái lựu đạn quăng xuống sẽ hủy diệt ngay được một hầm chiến đấu. Lính Nhảy Dù tràn ngập lên mục tiêu, lúc ấy sẽ chỉ nghe thấy tiếng lựu đạn nổ vang dội, và biết chắc là mình sẽ thắng. Người lính chiến đấu cần nhiều lựu đạn, vậy mà mỗi người chỉ được cấp phát có 4 trái, không đủ cho bữa ăn sáng.
Những ngày tập trung về bộ chỉ huy tiểu đoàn để đi sưu dịch tranh tre tràm, anh em thường hay lảng vảng gần những căn hầm của đại đội chỉ huy công vụ, hễ ngó trước ngó sau không có ai thì ra tay chôm chỉa, bỏ lựu đạn vào túi rồi ung dung thoải mái bước đi. Đuợc biệt phái đi nằm bảo vệ cho các vị trí pháo binh là những ngày thần tiên của lính Nhảy Dù, anh em nhà họ Pháo thích lắm vì có thêm quân, canh gác phòng thủ sẽ cẩn mật hơn, nên đối đãi với anh em rất tử tế. Anh em đi xin những thùng gỗ đựng đạn pháo binh, đem về chẻ nhỏ làm củi nấu cơm, hồi ở trong rừng sâu, anh em thường nấu cơm bằng củi không được khô, vừa nấu vừa khóc ràn rụa như trong nhà có người chết. Những ống sạc đựng thuốc súng pháo binh dùng làm dụng cụ chứa nước thì thật tuyệt vời, mỗi khi xuống suối tắm lại vác lên chốt một ống sạc nước dùng để nấu cơm và các sinh hoạt hàng ngày. Thường thì mỗi căn cứ pháo binh đều có câu lạc bộ, bày bán đủ thứ cần dùng, café thuốc lá, bánh kẹo đường sữa, xì dầu nước tương, anh em tha hồ mà mua sắm. Anh em lại còn có thể gởi nhờ mua dùm gà vịt, cá tươi, thịt heo, là những thứ không bao giờ thấy mặt trong vùng hành quân. Pháo Dù sài súng lớn chê súng nhỏ nên đạn dược rất dư giả, lượn qua lượn lại vài vòng là anh em biết ngay chỗ nào để lựu đạn. Biết chỗ để mà xin, xin không cho thì chôm cũng vậy thôi.
Mỗi năm, người lính Nhảy Dù được cấp phát hai bộ quần áo và một đôi giầy bố. Lính băng rừng vượt suối, gai góc cào sước cả chân tay mặt mũi, hai bộ quần áo và một đôi giầy bố kéo dài được bao lâu hở trời. Nghiêm sĩ Thành và các đồng đội vẫn lầm lũi trên đường hành quân, nhẫn nại chịu đựng như chiếc cuốc cán cây cột chặt trên nắp ba lô. Chiếc cuốc cán cây đã sát cánh chung lưng với những người lính tiểu đoàn 8 Nhảy Dù từ mặt trận An Lộc, qua đến chiến trường Quảng Trị, và nay lại cùng nhau phơi lưng trên những ngọn đồi vùng núi Yên Bầu.
Người lính Nhảy Dù ngã ngửa xuống đất, máu loang ra trên ngực áo, nhỏ xuống đất, bàn tay anh quờ quạng như muốn tìm lại khẩu súng. Đồng đội của anh lập tức xông lên tiếp cứu anh, anh được tải thương về tuyến sau, chiếc cuốc cán cây của anh được chuyền ngay cho một đồng đội khác. Cứ như thế, chiếc cuốc được chuyền từ tay người này sang tay người khác, ròng rã miệt mài theo chân cuộc chiến. Trên cán cuốc đã in chồng chất dấu tay của biết bao nhiêu người đã rời khỏi chiến trường, hoặc đã chết, hoặc đã bị thương. Chiếc cuốc cán cây đã chứng kiến biết bao cái chết không toàn thây, làm gì có băng ca, hai tay và hai chân của tử sĩ được cột lại thật chặt, một đòn cây rừng xỏ dọc qua, hai người đồng đội ở hai đầu ghé vai gánh xác bạn mình đưa về đại đội, từ đại đội lại gánh về tiểu đoàn. Những người quen thân cũ lần lượt ra đi, chỉ còn lại chiếc cuốc cần cù nhẫn nại bằm những nhát cuốc nháng lửa xuống vùng đất cày lên sỏi đá để bảo vệ mạng sống cho những người còn ở lại hay vừa mới tăng cường hành quân. Hai hoặc ba người lính dùng chung một chiếc cuốc, hễ dừng quân là lập tức đào hầm chiến đấu, đó là thứ kỷ luật tác chiến khắt khe của lính Nhảy Dù. Trên đường tiến sát lên mục tiêu, hễ chựng lại là đào hầm, không đào hầm thì địch pháo kích lấy gì mà đỡ, chiếc cuốc cán cây là vật bất ly thân của người lính Nhảy Dù. Chiếc cuốc cán cây tận tụy xả thân bảo vệ mạng sống cho người lính, từ chiến trường này cuốc sang chiến trường kia, giờ đây lưỡi cuốc đã mòn nhẵn, chỉ còn dài độ chừng hai đốt ngón tay mà người lính vẫn không dám bỏ đi, chẳng lẽ đào hầm bằng tay không, đã hai năm qua chưa hề có một đợt cấp phát cuốc xẻng nào.
*****
Suốt cả tháng nay trời mưa liên miên bất tận, hết mưa lớn lại đến mưa nhỏ, mưa cho thúi đất, mưa cho mặt trời xấu hổ trốn biệt tăm. Giao thông hào, chỗ nào cũng ngập nước, anh em phải lấy poncho giăng lên để dồn nước chảy ra ngoài, giữ cho chỗ nằm tương đối đỡ ẩm ướt. Gió vỗ vai mưa, rủ nhau đem cái lạnh kinh người thổi lên khắp vùng đồi núi, Thành đã nêm lên người hai bộ quần áo, lại khoác thêm một cái áo jacket bên ngoài mà vẫn thấy lạnh run. Trong căn hầm nhếch nhác, những giọt nước mưa không mời vẫn tìm cách lọt vào trong khiến chỗ nào cũng thấy ươn ướt, ghê ghê. Thành câu hai đầu của sợi dây điện vào cục pin của máy truyền tin PRC-25 đã cũ, ánh sáng tỏa ra từ chiếc bóng đèn nhỏ khiến cho mọi vật như khô ráo, ấm áp hẳn lên. Thành vói tay mở nắp ba lô lấy ra một lá thư màu xanh, chàng từ tốn lấy ra một điếu thuốc, châm lửa đốt. Hơi thuốc len vào buồng phổi mà nghe đời quá đã. Thành không nhớ mình đọc lá thư này đã bao nhiêu lần, càng đọc càng thấy cuộc đời thêm rắm rối.
Người gởi: Ngọc Lan.
Thành phố cũ.
Người nhận: Chuẩn úy Nghiêm sĩ Thành
Đại đội 83, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/HQ.
Anh Thành thương yêu,
Trời Sài Gòn bắt đầu trở lạnh sớm hơn mọi năm, sáng nay đi học em phải khoác thêm chiếc áo len. Gió ban mai se sẽ luồn trong tóc khiến em nhớ anh vô vàn, vậy là chúng ta đã xa cách nhau thật rồi ư? Em cứ ngỡ là anh vẫn còn hiện diện trong thành phố này, anh đang ngồi trong giảng đường hí hoáy chép bài, 11giờ rưỡi sẽ đến đón em, nên lòng em vẫn mong vẫn ngóng, để rồi tan học em lẻ loi đếm bước một mình.
Ở phương xa ấy anh có được khỏe không, thời tiết ở ngoài ấy khắc nghiệt lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe nghe anh. Không có anh ở bên cạnh chỉ bảo nên em phải cố gắng học nhiều giờ hơn, mà rồi vẫn thấy điểm kém hơn hồi anh còn ở nhà. Có thể nào anh sẽ là gia sư cho em suốt đời không hở Thành? Em không biết nữa, em chỉ thấy mình quay quắt trong nỗi nhớ nhung, nhớ khuôn mặt anh chững chạc hiền lành, nhớ những cử chỉ anh chăm sóc lo lắng cho em, nhớ những lúc em bắt nạt anh, có phải nhớ nhiều như vậy là đã yêu rồi phải không anh?
Thứ bảy vừa rồi em vào thư viện hội Việt Mỹ ôn bài, nhưng không còn tâm trí nào để học nên em phải về nhà, anh biết tại sao không hở anh Thành? tại vì em gặp lại quá nhiều kỷ niệm của hai đứa mình ở chốn này. Những lối đi, những kệ sách vẫn y nguyên như những ngày tháng cũ, dãy bàn ghế mà hai đứa mình thường hay ngồi học vẫn mòn mỏi đợi chờ ai. Cũng ngay trên chiếc bàn học này, em đã một lần giận anh khủng khiếp, em thật không ngờ…Mà lạ quá anh Thành à, cái công thức tính đạo hàm kỳ cục đó em muốn quên đi mà không được, nó cứ nằm ỳ trong đầu em không chịu nhúc nhích đi đâu cả, cũng tại anh đó Thành ạ.
Ông trời dạo này buồn cười lắm anh Thành ạ, khi không một cơn mưa rào đổ ập xuống, em vội vàng lấy áo mưa ra, vừa mặc xong thì cơn mưa đã chạy tuốt ra đằng kia, bực mình ghê. Em vừa cởi áo mưa ra để xếp lại thì một cơn mưa rào khác lại ào đến, thế có tức không hở anh? Từ ngày quen anh, em đã yêu lây những cơn mưa Sài Gòn, những cơn mưa ướt át làm nẩy mầm tình yêu đôi lứa. Từ ngày anh ra đơn vị dấn thân vào miền chinh chiến, hễ cứ thấy mưa là em lại nhớ đến anh, mưa làm đọng lại những kỷ niệm của hai chúng mình.
Anh Thành, hôm qua tạp chí Văn có đăng bài viết của thầy giáo cũ của em. Bài viết của thầy rất hay, anh đọc sẽ thích lắm, thầy viết về những câu chuyện xảy ra ở vùng địa đầu giới tuyến. Em để dành khi nào anh về phép em sẽ đưa anh xem.
Đã khuya lắm rồi, em xin ngừng bút, chúc anh luôn luôn khỏe mạnh bình yên.
Thương nhớ anh.
Ngọc Lan.
Thành lờ mờ cảm nhận ra, có điều gì đó không ổn, thì ra Ngọc Lan vẫn thường xuyên theo dõi bài viết của người thầy cũ trên sách báo. Nàng vẫn âm thầm, lặng lẽ dõi theo dấu chân của người này in trên nền cát trắng, bãi biển hoang vu không một bóng người. Ngọc Lan chắc chắn có gởi gấm tình cảm cho người thầy cũ này, ít hay nhiều thì Thành không thể nào đếm được. Một vài lần nhân lúc Ngọc Lan đề cập đến người này, Thành cố ý khai thác tình hình nhưng Ngọc Lan cứ nhất mực khẳng định chỉ là tình thầy trò không hơn không kém. Đã có những lúc Ngọc Lan lộ hẳn vẻ cảm động khi nhắc đến những chăm sóc chiều chuộng của người này. Thành nghe rõ nỗi bực dọc tức tối dâng lên trong lòng, chàng cố dằn xuống và tự nhủ, chuyện đâu còn đó, nóng nảy nhiều khi lại nghi oan cho người yêu của mình thì tội chết. Thành tự hỏi lòng mình sao lại bực tức như vậy, tại tự ái vặt hay do tính ích kỷ hẹp hòi muốn giữ đóa hoa ấy riêng cho mình. Nhưng mà Ngọc Lan đã là gì của Thành đâu mà Thành đòi giữ lấy để làm của riêng, một nụ hôn lên má cũng chưa có nữa là…Nhớ lại thái độ của Ngọc Lan khi nàng bênh vực cho người ấy, Thành tức lắm chỉ muốn cắt đứt đi cho xong, chẳng thà chịu đau một lần để được bình yên thanh thản còn hơn cứ kéo dài mãi cơn đau nhức nhối.
Thành bỗng thấy lòng mình chùng xuống khi hình dung đến khuôn mặt xinh đẹp tươi tắn của Ngọc Lan, nàng đẹp và dễ thương quá, nàng ngây thơ thánh thiện quá. Cuộc sống của Ngọc Lan đang xoay quanh một thần tượng, người đó chính là thầy dạy học cũ của nàng, chắc hẳn cuộc sống của nàng đang thăng hoa với bao hạnh phúc tràn đầy. Hãy để cho nàng được vui sống trong lâu đài ảo mộng như nàng công chúa ngủ trong rừng vừa thức giấc, nâng niu, trìu mến, tôn thờ thần tượng của mình. Thành tự nghĩ, vậy là mình cứ lờ đi, nhìn thấy nàng hồn nhiên hạnh phúc bao nhiêu với thần tượng của nàng thì mình lại càng mừng cho nàng bấy nhiêu. Thành bỗng cảm thấy ngạc nhiên với chính mình, sao tự dưng mình lại trở nên từ bi hỉ xả ác liệt đến như vậy.
Nhưng cửa thiền đâu đã dễ dàng để cho chàng lách qua. Ngay ngày hôm sau, cơn đau lại nhói trở lại, không nhấp một giọt rượu nào nhưng Thành cảm thấy chếnh choáng như trong cơn say, thương nhớ lẫn vào tuyệt vọng nên đau đớn khôn cùng. Nàng có coi thường chàng hay không, khi mà trong tâm tưởng vẫn còn nghĩ đến người ấy, vẫn còn dõi theo bước đi của người ấy, mà rồi người ấy có nhớ đến nàng đâu, sao mà nàng vẫn cứ nặng lòng với người ta, thật là quái lạ. Tại sao nàng đem tình cảm chia xớt cho kẻ khác mà vẫn hồn nhiên kể lại cho chàng nghe, nghĩ nát óc cũng không sao lý giải được, không thể dùng công thức để đi tìm đáp số cho những rắc rối tơ lòng.
Đứng trên đỉnh Mùa Đông ngóng về phương Nam, Thành ngắm nhìn những giải mây trời dắt tay nhau lặng lẽ trôi đi, ước gì Thành được hóa thân vào đám mây ấy, chàng sẽ gọi gió đưa chàng về thăm chốn cũ. Sài Gòn yêu dấu ngổn ngang biết bao kỷ niệm, có người con gái đẹp tuyệt trần mà chàng đã yêu đã nhớ đến lịm cả hồn. Vài tháng nữa tiểu đoàn 8 Nhảy Dù sẽ về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị, Thành nhất quyết lần này sẽ phải hôn lên đôi má nàng một lần, để đem hương vị ngọt ngào ấy rắc lên cuộc đời cho thêm nỗi ngất ngây.
*****
Tháng 7 năm 1974, quận Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam bỗng một sớm một chiều sôi thành chảo lửa khi địch quân tập trung về đây nhiều su đoàn, tổ chức thành nhiều mũi tấn công dữ dội vào các lực lượng trú phòng. Địch hy vọng sẽ khống chế được chiến trường bằng hỏa lực rất mạnh của pháo tầm xa 130 ly, đồng thời địch cũng không muốn nhường vùng không gian cho đối phương khai thác thế mạnh về không quân nên đã thiết lập một hệ thống phòng không đan dày dặc như mắt cáo . Trước thế áp đảo quá mạnh mẽ của địch quân, hệ thống phòng thủ của quận Thường Đức lần lượt sụp đổ, quân trú phòng tan rã, rút chạy tán loạn trên đường lộ, dân chúng hoảng hốt cũng gồng gánh chạy theo. Địch rướn người chồm về phía quận Đại Lộc, một chút nữa thôi, phi trường Đà Nẵng sẽ nằm trong tầm pháo của địch, và sau đó thì…
Nhưng địch sẽ không bao giờ thực hiện được cú rướn người này vì su đoàn Nhảy Dù đã kịp thời nhập cuộc. Lữ đoàn I Nhảy Dù đã chuyển quân cấp kỳ vào trận địa, chận đứng ngay cơn bão đang trên đà xô tới, tiếp theo đó là lữ đoàn II và lữ đoàn III Nhảy Dù nối gót vào vùng hành quân, hình thành thế trận công hãm ép địch phải lùi bước.
Đoàn xe quân sự vận chuyển tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đến được quận Hiếu Đức thì trời đã xế chiều, anh em nhanh chóng xuống xe, tạm thời tản rộng ra, án ngữ chờ lệnh. Các trung đội trưởng của đại đội 83 tập trung về bộ chỉ huy đại đội nhận lệnh hành quân. Bản đồ vùng Hiếu Đức, Đại Lộc, Thường Đức được phân phối cho các trung đội trưởng. Đại úy đại đội trưởng Phan văn Hiệu trải tấm bản đồ ra trước mặt, đánh dấu cốt tọa độ lên tấm bản đồ bằng một dấu thập đỏ đậm nét, các trung đội trưởng ghi lại cốt tọa độ lên bản đồ của mình. Sau đó từng trung đội trưởng đánh dấu vị trí đóng quân của trung đội mình bằng những chấm màu đen theo sự hướng dẫn của đại úy đại đội trưởng. Thiếu úy Lê mậu Sức, thiếu úy Hoàng văn Tiến, thiếu úy Nghiêm sĩ Thành lần lượt báo cáo quân số, tình hình vũ khí đạn dược của từng trung đội. Riêng trung úy Hoàng đắc Hùng sẽ chăm sóc hai trung đội của thiếu úy Hoàng văn Tiến và thiếu úy Nghiêm sĩ Thành. Lẽ ra trung úy Hoàng đắc Hùng đã là đại đội phó mang súng ngắn, nhưng Nhảy Dù không có chức vụ đại đội phó.
Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành dẫn trung đội di chuyển về phía ngọn đồi nhỏ, quây tròn thành một tuyến phòng ngự, đặt 4 vọng gác ra 4 hướng quan sát cẩn mật, anh em vác cuốc ra đào hầm chiến đấu, súng và dây đạn đặt ngay bên cạnh phòng khi hữu sự, số anh em còn lại đi lượm củi, kiếm nước lo nấu bữa cơm chiều. Như thường lệ, thiếu úy Nghiêm sĩ Thành đích thân chỉ định vị trí cho hai khẩu đại liên M60. Người lính Nhảy Dù lúc nào cũng đặt mình trong tư thế sẵn sàng tác chiến.
Cơm nước xong mà không có điếu thuốc thì cuộc đời trở nên vô vị lạt lẽo, khó chịu trong người. Có điếu thuốc mà không được một ly café thì khác gì ngứa mà không cho gãi. Nghiêm sĩ Thành đưa ly café lên miệng làm một hớp nhỏ, vị café tan ra trên đầu lưỡi, một hơi thuốc Capstan kéo vào quyện lẫn với mùi café tạo nên một cảm giác sảng khoái tuyệt vời. Thành ngồi đó, trên một ngọn đồi thấp thoáng những lùm cây, ngẩng mặt nhìn vầng trăng vừa sáng tỏ, ngẫm nghĩ không biết giờ này Ngọc Lan đang làm gì, có nhớ đến Thành hay không, có nhớ đến những phút giây đầm ấm mà dường như vẫn còn đọng trên má trên môi. Vậy là Thành đã hôn được Ngọc Lan rồi đó, làn da Ngọc Lan trắng nuốt mịn màng, hương thơm thoang thoảng từ mái tóc của nàng khiến Thành lâng lâng, vậy là đủ lắm rồi. Hạnh phúc là nơi mà người ta biết vừa đủ để ngừng lại, biết trân quí nâng niu những gì mình đang có. Hôn nhau xong, hai đứa cùng nhìn nhau cười, hai chiếc má lúm đồng tiền nho nhỏ trên khóe miệng nàng cũng đon đả cười theo. Nàng xinh đẹp dịu dàng như nụ hoa vừa chớm nở, Thành sung sướng ngắm nhìn người yêu, trong lòng rộn lên một nỗi thương yêu vô bờ bến. Nhưng đau khổ thay, mãi mãi về sau này Thành sẽ không bao giờ quên được nỗi hụt hẫng, nhói đau bất ngờ vào một buổi chiều sau đó vài ngày. Hai đứa ngồi trong quán kem, ngoài trời mưa gió ngả nghiêng, Thành kể chuyện quân hành trong nỗi ướt át, lạnh lẽo. Ngọc Lan chăm chú nghe, và rồi nàng tỏ vẻ ưu tư phiền muộn:
- Anh hành quân ở ngoài ấy, nếu chịu khó hỏi thăm thế nào cũng có được tin tức của thầy.
*****
Buổi sáng sớm ngày hôm sau, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù bắt đầu chuyển quân vào vùng lửa đạn. Đoàn quân xa chở đầy ắp lính Nhảy Dù, phun khói phóng nhanh trên liên tỉnh lộ số 4 hướng về quận Đại Lộc. Qua Ái Nghĩa, Cầu Chìm, anh em đã nghe thấy tiếng súng nổ, những loạt đạn đại bác gầm gừ đe dọa. Đoàn xe dừng bánh đổ quân xuống ven đường. Các đại đội lập tức di chuyển, đại đội 83 do đại úy Phan văn Hiệu chỉ huy vượt ngang về phía bên trái con đường, các trung đội được lệnh bung rộng đội hình, di chuyển về phía trước. Hướng trước mặt của đại đội 83 là dòng sông Vu Gia nước lừng lững trôi, phía bên kia sông sừng sững những ngọn núi rất cao, trên đó địch đã bố trí dày đặc và đang nhếch miệng cười, nhìn xuống giải đồng bằng hẹp, trông thấy rõ những cánh quân Nhảy Dù đang lặng lẽ nhập cuộc.
Xế trưa ngày hôm sau, đại đội 83 được lệnh di chuyển sang bên kia con đường. Đại đội nhận lệnh chuẩn bị đánh dọc theo trục lộ bên tay phải, hướng về phía đồi 52. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành và thiếu úy Hoàng văn Tiến dẫn hai trung đội mở đường tiến vào làng Hà Nha. Cánh quân này được đặt dưới quyền điều động của trung úy Hoàng đắc Hùng.
Trung đội tiến chậm trên cánh đồng trống, khi còn cách bìa làng khoảng 300 thước thì ngừng lại. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành bò lên phía trước, ẩn người sau một gò đất nhỏ, cẩn thận quan sát mục tiêu. Nhìn kỹ, thấp thoáng sau lũy tre có bóng người qua lại, tay cầm vũ khí, đầu đội nón cối. Nghiêm sĩ Thành bò trở về vị trí cũ, cho anh em đào hầm, canh gác cẩn mật. Màn đêm buông xuống, cảnh vật chìm dần trong bóng tối, anh em không ai ngủ được, ai cũng hồi hộp đợi chờ, trung đội đã nhận được lệnh tiến chiếm làng Hà Nha giữa khuya đêm nay.
Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành đích thân chỉ huy tiểu đội 1 tấn lên phía trước, hai tiểu đội còn lại căng ra hai cánh nối bước liền theo sau. Tiểu đội tiên phong vừa đặt chân vào tới bìa làng thì bất ngờ tiếng súng của địch nổ vang dội, ánh lửa lóe lên từ nòng súng trong những căn hầm kiên cố, tầm bắn thật gần, lựu đạn tung ra như mưa. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành gào to như muốn át tiếng súng nổ:
- Xung phong, xung phong!
Nghiêm sĩ Thành lao nhanh người về phía trước. Vừa lúc đó, một loạt đạn AK đón bắn ngay vào giữa ngực Thành, Nghiêm sĩ Thành ngã ngửa về phía sau, ngực bể nát, Thành chết rất nhanh.
Không gian như đóng sầm cửa lại, mọi âm thanh đột nhiên vụt ngưng bặt, trong nỗi im lặng thênh thang của cõi hư vô, có ai đó nhè nhẹ cất tiếng ngâm nga:
Nhạn quá trường giang ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn bất di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
10-15-2007.
Vũ Đình Hải.
Ghi chú của Bác sĩ Trần đức Tường, y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù:
Bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn tử trận tại 5 Km phía tây Khe Sanh khoảng tháng 4 năm 1968 ( giữa Khe Sanh và làng Vây, trên một ngọn đồi ). TĐ6 ND, TĐ3 ND, và TĐ8 ND hành quân với LĐ3 ND do Đại tá Nguyễn khoa Nam chỉ huy. Anh bị tử thương vì pháo kích ( cối 61) trước khi địch xung phong. Rủi cho anh và TĐ QY bị thiệt hại mất một bác sĩ, nhưng trận đó VC thua để lại trên 50 xác. Anh hy sinh khi đứng dưới hố cá nhân săn sóc vết thương cho 1 thương binh nằm cáng trên miệng hố. Anh chết liền ( khoảng 6 giờ chiều ) khi cuộn băng ( bandage ) còn cầm trên tay. Lúc đó tôi và TĐ3 ND cũng đụng trận cách đó khoảng 1 Km.
Vài chi tiết đóng góp kẻo quên mất, trận đánh vào tây Khe Sanh do lữ đoàn 3 Nhảy Dù chỉ huy nhằm chận hậu cho TQLC Mỹ rút khỏi căn cứ Khe Sanh. LĐ 3 ND đổ bộ bằng trực thăng từ phi trường Ái Tử, Quảng Trị và căn cứ Tà Lu, rồi từ Tà Lu được First Cavalry ( không kỵ ) đổ vào trận địa với hàng trăm trực thăng. Thứ tự đổ quân là TĐ6 ND rồi TĐ8 ND cộng BCH/ LĐ3 ND vào thiết lập FSB (Firing support base ), sau cùng là TĐ3 ND.
Lúc ở Cà Lu tôi có gặp Nghiêm sĩ Tuấn, lúc anh sắp sửa lên trực thăng vào trận địa. Tôi có hỏi anh:
- Nhiếp nó sẵn sàng thay toa rồi, sao không về?
Tuấn nhỏ nhẹ trả lời:
- Anh Lân cũng muốn mình bắt cái Đại úy, nhưng đó là chuyện nhỏ. Mình sống chết với tiểu đoàn, bỏ về trong trận lớn này không đành…
Rồi trực thăng tới mang theo thương binh của đợt đầu! Antenne Chirurgical của TĐ QY (hình như anh Thiều chỉ huy) take care. Vì thế Nghiêm sĩ Tuấn theo quân vào chiến địa.
Trích trong geocities.com/qynhaydu
* Bác sĩ thiếu tá Trần đức Tường, vị tiểu đoàn trưởng cuối cùng của tiểu đoàn quân y, su đoàn Nhảy Dù.
Như một nén hương tưởng nhớ về bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đã tử trận trên chiến trường Khe Sanh, năm 1968, và Nghiêm sĩ Thành, sinh viên năm thứ hai đại học khoa học Sài Gòn, thiếu úy trung đội trưởng, thuộc đại đội 83, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, đã tử trận trên chiến trường Thường Đức, Quảng Nam, tháng 8 năm 1974.
Cầm tờ lệnh gọi nhập ngũ trên tay, Nghiêm sĩ Thành ngậm ngùi nuối tiếc, vận nước nổi trôi đã nhận chìm công lao đèn sách của những chàng sinh viên đang độ tuổi thanh xuân. Sau chiến dịch tổng tấn công mùa hè năm 1972 của địch, lệnh tổng động viên của chính phủ ban hành đã tước đi biết bao kỳ vọng, ước mơ của những chàng trai trẻ.
Bảng đen phấn trắng ngậm ngùi chia tay những đứa học trò thân thương đang trút áo sinh viên để khoác lên người bộ chiến y, thay bút nghiên bằng những nòng súng lạnh lùng. Trong khuôn viên đại học, những chàng trai trẻ vẫn ngón tay kẹp điếu thuốc, cười đùa bàn tán đủ mọi thứ chuyện trên đời, nhưng thật ra trong đáy lòng của họ đang ưu tư suy nghĩ cho một đoạn đời sắp tới mà họ hoàn toàn chưa có một chút kinh nghiệm nào. Ngày mai đây họ sẽ xông pha vùng vẫy trên khắp các chiến trường, trong lửa đạn sẽ có những người nằm xuống, sẽ có những người ra đi mà không bao giờ quay trở lại, không biết những kẻ xấu số ấy sẽ là ai trong bọn họ. Mai đây khi họ cất bước ra đi về phía chiến trường xa, những cuộc tình dang dở sẽ đan những kỷ niệm buồn lên từng con dốc nhỏ.
Thành đưa mắt nhìn theo hàng cây ngả bóng trên đại lộ Cộng Hòa, con đường của Petrus Ký, của đại học khoa học, của biết bao kỷ niệm êm đềm mà chàng muốn được giữ mãi mãi trong lòng. Nắng chiều soi nhẹ qua khóm lá lao sao, lung linh trong gió, khiến Thành bất giác nhớ lại hình ảnh buổi chiều hôm ấy khi hai đứa bước song đôi trên con đường Phùng khắc Khoan, sau lưng hội Việt Mỹ. Gió chiều vờn lên mái tóc của nàng để nắng hanh vàng lùa những sợi nắng xuyên qua kẽ tóc tạo nên một bức tranh sinh động tuyệt vời mà Thành cứ nhớ mãi trong lòng. Lúc ấy sống mũi và khuôn mặt của nàng vẽ lên trên vạt nắng những đường nét vô cùng huyền ảo. Nàng ngước mắt lên nhìn Thành, ánh mắt nàng long lánh những giọt tình ái khiến Thành ngây ngất mê say, Ngọc Lan xinh đẹp dịu hiền quá.
Ngọc Lan cất tiếng than van:
- Anh Thành ơi, cái công thức kỳ cục, lộn xộn như thế này làm sao em nhớ cho nổi hở anh Thành.
Thành cúi xuống nhìn vào trang sách, thì ra công thức tính đạo hàm đây mà.
(UV)’ = VU’ + UV’
Thành chợt nhớ thời còn là học sinh trung học, trong đám bạn của chàng, có bạn đã nghĩ ra cách nhớ rất táo bạo.
- Ngọc Lan cứ nhớ như thế này thì sẽ không bao giờ quên:
Đạo hàm UV = Vú xuôi + vú ngược.
Ngọc Lan giật mình như chạm phải lò lửa, nàng đưa mắt trân trối nhìn Thành, hai má nàng đỏ hồng lên. Thành biết ngay là mình đã hố, nhưng Thành lại mắc thêm một sai lầm nữa khi chàng cố gắng chống chế:
- Thì Ngọc Lan cứ nhìn kỹ xem, rõ ràng đạo hàm UV = vú xuôi + vú ngược, anh đâu có nói sai.
Ngọc Lan mặt lạnh như tiền, không nói năng gì cả, nàng lạnh lùng gấp quyển sách lại, kéo ghế đứng lên:
- Về đi anh Thành.
Nàng bước nhanh ra cửa không hề quay đầu nhìn lại, Thành bối rối, lẽo đẽo nối gót theo sau, lòng rối bời chưa nghĩ ra được một lối thoát nào để cứu vãn tình thế.
Đã hai tuần lễ nay, Ngọc Lan không cho Thành gặp mặt, hễ cứ thấy bóng dáng của Thành là Ngọc Lan lại mở máy xe chạy thật nhanh, Thành nhìn theo khói xe, nỗi ân hận nuối tiếc lại dâng lên trong lòng. Có cách xa mới thấm thía được nỗi nhớ nhung dày xé tâm can. Nhớ lại những giây phút bên nhau sao mà đầm ấm thân thương quá, khuôn mặt xinh xắn của nàng khiến Thành chùng xuống, thấy lòng mình tím tái dần đi. Có những lúc sống lại trong tình yêu ấy, Thành cảm thấy mình chênh vênh như đang bước đi trên bờ đê trơn trợt sau cơn mưa tầm tã. Nhớ quá người ơi, không phải là anh bán cái để chạy tội cho mình, thực ra tác giả của câu khẩu quyết ấy là một người bạn của anh, chứ anh có bao giờ bạo mồm bạo miệng như thế bao giờ đâu.
Nắng Sài Gòn chói chang, vắt những giọt mồ hôi trên trán của gã sinh viên đang hốc hác vì tình. Thành dõi mắt nhìn theo con đường có hàng me xanh lá. Cổng trường vừa hé mở, đàn bướm trắng túa ra xôn xao huyên náo cả một góc đường, Thành nhận ra ngay Ngọc Lan lẫn trong đàn bướm ấy. Thành bước đến thật nhanh, đưa hai tay nắm chặt lấy tay lái. Ngọc Lan bối rối tìm cách lùi xe lại nhưng không được, nàng có cảm giác các bạn chung quanh đang bước chầm chậm lại, những đôi mắt tò mò tọc mạch, hai má nàng bỗng đỏ hồng lên vì xấu hổ.
Thành xúc động nhìn Ngọc Lan, nói nhỏ:
- Ngọc Lan, anh vừa nhận được lệnh gọi nhập ngũ, anh đến tìm để từ giã em.
Ngọc Lan lo lắng ngước mắt lên nhìn:
- Vậy hở anh.
Thành mừng thầm trong bụng, ít ra thì cái tấm giấy vô phước này cũng đã giúp cho chàng thoát ra được cái oái oăm ngộp thở này. Thành bỗng thấy mình phải có một bộ mặt đưa đám cho thích hợp với tình thế, giọng nói của Thành bỗng buồn hẳn đi:
- Anh buồn quá Ngọc Lan ơi, hay là mình đi ăn kem nhé.
Ngọc Lan khe khẽ dịu dàng:
- Vâng.
Thành mở cờ trong bụng, niềm vui sướng trong lòng như đang muốn nổ tung ra ngoài khiến chàng phải dằn lòng xuống, cố giữ vẻ mặt buồn bã thảm thương, có ai sắp xa cách người yêu mà lại vui tươi, hớn hở bao giờ đâu.
Thành đặt nhẹ ly kem lên bàn:
- Ăn kem đi Ngọc Lan, trời nóng ăn kem thì mới thật tuyệt vời.
- Trời hôm nay buồn cười quá anh Thành ha, nắng muốn vỡ cả đầu.
- Ừ, ăn kem đi không thôi nắng vỡ đầu bây giờ đó.
Ngọc Lan lặng lẽ ngắm nghía người yêu, đượm vẻ buồn bã:
- Khi nào thì anh phải lên đường hở anh Thành?
- Ba tuần lễ nữa thì anh sẽ lên trình diện trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, từ nay đến ngày ấy mình đi chơi nhiều nhiều một chút Ngọc Lan nhé.
- Vâng. Ngọc Lan ngoan ngoãn trả lời.
Ngọc Lan múc một thìa kem đưa lên miệng:
- Anh Thành ơi, tại sao đang đi học mà lại bị gọi động viên ngang xương như vậy hở anh?
- Ờ, tại vì chiến tranh đang lan rộng và càng lúc càng khốc liệt. Quân đội đang cần thêm quân, vã lại quân đội đồng minh đã rút hết về nước rồi. Chính phủ ban hành lệnh tổng động viên giảm tuổi hoãn dịch vì lý do học vấn xuống một năm, lấy sinh viên đưa vào guồng máy chiến tranh.
- Có uổng không, khi các anh có thể sẽ cần thiết để xây dựng lại đất nước sau này.
- Tương lai sẽ tính sau, hiện tại cần thiết hơn tương lai Ngọc Lan ạ.
- Mấy nhỏ bạn em cũng có anh nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ba má nhỏ bạn nói nếu cứ lính ma lính kiểng, tham nhũng hối lộ, mua quan bán chức tràn lan như thế này thì khó mà giữ được đất nước.
Nghe Ngọc Lan nói, Thành bỗng thấy đau nhói trong lòng khi nhớ đến người anh ruột thịt của mình, bác sĩ Nhảy Dù Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 ND đã tử trận khi đơn vị hành quân vào vùng rừng núi Khe Sanh, năm 1968.
*****
Hôm nay là lần đầu tiên Ngọc Lan nói dối bố mẹ.
- Mẹ ơi, lát nữa con xuống nhà dì Hiền thăm dì và các cháu, mẹ nhé.
Mẹ đâu có biết hôm nay cô con gái cưng của mẹ đã bắt đầu giở quẻ, mẹ vui vẻ:
- Con nhớ ghé qua chợ mua dùm mẹ ít trái cây làm quà cho các cháu, con nhé.
Ngọc Lan ghé thăm nhà dì được chừng nửa tiếng đồng hồ thì nàng tìm cách rút lui. Lần đầu tiên Ngọc Lan đi ra khỏi thành phố một quãng đường xa xôi đến như thế. Đường xá tấp nập xe cộ qua lại khiến nàng đâm lo, Ngọc Lan đã định bụng rủ một cô bạn đi chung cho đỡ sợ, nhưng rồi ngần ngại nên lại thôi. Thân con gái cặm cụi một mình đi thăm người yêu mãi trên tận Thủ Đức, trong lòng hồi hộp lo âu lắm nên quên cả nỗi áy náy sáng nay đã nói dối mẹ. Con đường dẫn vào trường bộ binh Thủ Đức hôm nay rợp bóng người, tiếng nói cười rộn rã chan hoà trong nắng sớm, những tà áo xum xoe khoe sắc lượt là khiến cả một khung trời như vừa thay áo mới. Bước chân Ngọc Lan như nghiêng đi vì giỏ đồ ăn nặng quá, nàng mua tất cả những gì mà nàng tưởng tượng ra. Bánh mì, xôi, giò chả, chà bông, nem, café, đường sữa, cam quit,… và cả một gói ô mai thật to để nhắc nhở Thành luôn nhớ đến mối tình thơ mộng mà Thành đã chắt chiu chăm sóc bằng những hạt ô mai xinh xắn. Ngọc Lan đâu biết rằng có những thứ mà Thành sẽ không bao giờ dùng đến, đời sống quân trường làm gì có thì giờ để mà lỉnh kỉnh nấu nước pha café.
Tên của Thành đã được nhắc trên loa phóng thanh đến lần thứ ba mà vẫn chưa thấy bóng dáng chàng nơi đâu. Những người lính quân trường nhìn qua ai cũng như ai, y chang một màu đen thui thủi, thấm mùi mồ hôi, cũng một bộ quân phục màu xanh cây lá, trên đầu là một chiếc nón nhựa. Những người khóa sinh này trông lầm lì dễ sợ mà sao lại vui tính quá, họ gắn lên ngực áo những chiếc khăn đủ màu sắc, người mang khăn màu đỏ, người mang khăn màu vàng, người thì tính tình phóng khoáng nên mang chiếc khăn màu xanh lá cây, có người lại lãng mạn mang khăn màu tím, rồi lại có màu hồng, màu nâu. Ngọc Lan thích màu xanh nước biển, nàng định bụng hôm nào sẽ may cho Thành một chiếc khăn màu xanh nước biển, mang chiếc khăn này trên ngực thì chắc chắn lúc nào Thành cũng phải nhớ đến nàng thôi. Nàng đâu biết rằng màu khăn khác nhau dùng để phân biệt các tiểu đoàn khoá sinh. Tiểu đoàn 1 mang khăn màu đỏ, tiểu đoàn 2 mang khăn màu vàng, tiểu đoàn 3 khăn màu xanh lá cây, tiểu đoàn 4 khăn màu tím, tiểu đoàn 5 khăn màu hồng, năm 1972 tổng động viên nên quân số quá đông phải thành lập thêm tiểu đoàn 6 mang khăn màu nâu.
Bàn tay ai vỗ nhẹ lên vai khiến Ngọc Lan giật mình quay lại, và nàng chợt mừng rỡ reo lên:
- Anh Thành.
Thành đưa tay nắm lấy vai nàng lắc nhẹ, giọng đầy xúc cảm:
- Ngọc Lan, đường xa quá em có mệt lắm không?
- Không anh ạ, gặp anh, em chẳng còn thấy mệt tí nào.
Ngọc Lan cười tươi tắn, bao nhiêu lo lắng bỗng nhòa đi thật nhanh, nàng đưa mắt ngắm nhìn người yêu, Thành của nàng hôm nay trông khác hẳn ngày xưa, vẻ thư sinh sách vở học trò đâu còn nữa, Thành giờ đây rắn rỏi trong nước da đen nhuộm nắng hồng, trông chàng cứng cáp khỏe mạnh hẳn lên.
Thành cúi xuống xách giỏ đồ ăn lên, nắm tay Ngọc Lan, đôi tình nhân bước bên nhau đi về phía góc xa của khu tiếp tân, nơi cây phượng vĩ đang giang tay che bớt ánh nắng mặt trời.
Ngọc Lan lấy ra tờ báo, nàng trải rộng lên thảm cỏ rồi bày ra các món ăn. Thành sung sướng nhìn người yêu lay hoay sửa soạn bữa ăn ngoài trời, nỗi hạnh phúc miên man cứ rộn lên trong lòng chàng.
- Ngọc Lan mua nhiều thức ăn quá, khổ thân em.
- Em mua nhiều để anh đem vào trại ăn dần, rồi anh còn mời các bạn của anh nữa chứ.
- Anh cám ơn Ngọc Lan thật nhiều.
Ngọc Lan đưa cho Thành một khúc bánh mì kẹp chả lụa:
- Anh Thành, ăn khúc bánh mì này trước đã nhé.
- Ngọc Lan cũng ngừng tay ăn một chút đi chứ.
Ngọc Lan âu yếm nhìn người yêu, Thành đen sạm đi vì mưa vì nắng, vì sương gió quân trường, nhưng lại tròn trỉnh hơn so với ngày còn ở nhà. Nhìn Thành rắn rỏi trong bộ quân phục màu lá cây rừng, Ngọc Lan chợt nhớ đến chuyện ngày xưa. Người ấy cũng trong bộ quân phục như thế này, đã lặng lẽ ra đi biền biệt, để lại trong lòng nàng những gợn sóng lăn tăn như tiếng gọi thầm trên biển vắng, gọi mà hình như không gọi.
*****
Năm ấy thầy được ban giám hiệu phân bổ làm giáo sư Việt văn và cũng là giáo sư hướng dẫn cho lớp của Ngọc Lan. Đúng là người văn, thầy giảng bài rất hay, rất hấp dẫn, lôi cuốn, lũ học trò mê mệt nghe thầy giảng bài mà quên cả tiếng chuông báo hiệu giờ tan học. Sự hiểu biết của thầy là cả một kho kiến thức, những lúc thầy lồng cuộc đời vào trong bài giảng hay những lúc thầy trải bài giảng ra ngoài cuộc đời chính là những lúc thầy đang dạo lên những biến khúc, thật là điêu luyện, tuyệt vời. Khi giảng bài, thầy thường hay dừng lại ở đôi mắt của Ngọc Lan, như ẩn hiện một điều gì sâu thẳm.
Buổi tất niên năm ấy, sau khi văn nghệ đã hết, tiệc đã tàn, Ngọc Lan cùng vài người bạn ở lại lo thu xếp dọn dẹp, thầy cũng ở lại phụ giúp một tay. Sau khi công việc xong xuôi, thầy ngỏ ý mời các cô đi ăn thạch chè Hiển Khánh. Ngọc Lan và các bạn không ngờ năm nay lại gặp may đến thế, hiếm khi nào học trò mời được thầy đi ăn, huống gì thầy mời trò lại càng là một việc rất hiếm khi xảy ra.
Sài Gòn đã vào những ngày cận Tết, những nhánh mai vàng phất phơ trong gió nhẹ khẽ báo hiệu nàng Xuân đang về đến ngõ. Bên hè phố người ta đã bày bán những tấm thiệp chúc tết đủ mọi màu sắc, đủ mọi đường nét phong phú đa dạng. Đây đó có tiếng pháo chuột thập thò nổ lẹt đẹt vài tiếng rồi tắt ngấm, đường phố vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, xuân đã về.
Khác hẳn với vẻ nghiêm trang như mọi ngày, hôm nay thầy rất vui tươi, rất cởi mở. Thầy kể chuyện thật là duyên dáng, dí dỏm, khiến các cô lăn ra cười từng cơn, trong khi thầy vẫn tỉnh bơ không hề hé môi cười một chút nào, thật là hay chi lạ. Thầy thăm hỏi từng cô rất thân tình khiến các cô cảm động ra mặt. Thầy cứ phải nhắc nhở, các em dùng kem đi chứ, các cô thì cứ ngại ăn nhiều mang tiếng, và nhất là đang được ngồi đối diện với người thầy thần tượng của mình. Ánh mắt của thầy thỉnh thoảng dừng lại, say đắm như muốn tan loãng vào trong đôi mắt của Ngọc Lan. Những lúc ấy Ngọc Lan như lên cơn sốt, trong lòng nàng rộn lên một cảm giác ngất ngây lạ lùng. Hôm ấy trên đường về, như có luồng gió lạ thổi vào hồn, nụ tầm xuân ngỡ ngàng đón ánh bình minh nên rạng rỡ, thẹn thùng.
Xuân đã qua và hè đang tới, tiếng ve kêu vang trên cao, hoa phượng vĩ rực đỏ trên những vòm cây, rơi xuống trải đầy trên lối đi màu của lưu bút ngày xanh. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là đến thời gian nghỉ hè, học trò sẽ tạm xa mái trường thân yêu, trở về với gia đình nghỉ ngơi sau một năm cặm cụi đèn sách. Hôm ấy đang giờ nghỉ giải lao, Ngọc Lan đứng bên khung cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh ngắt, ngắm những đám mây trắng đang chầm chậm trôi, thầy bước tới sát bên cạnh Ngọc Lan. Ngọc Lan bối rối chưa biết xử trí ra sao thì đã nghe thầy nói nhỏ, ngày mai thầy muốn gặp Ngọc Lan ở thạch chè Hiển Khánh, Ngọc Lan đi một mình thôi, đừng rủ các bạn đi theo. Thầy bước đi rồi mà Ngọc Lan vẫn còn như đang ngủ mơ, không biết lời hò hẹn này từ dưới đất chui lên hay từ trên trời rơi xuống, nàng không dám tin vào đôi tai của mình nữa.
Thầy ân cần chăm sóc Ngọc Lan, giọng thầy thật ấm áp:
- Ngọc Lan thích uống nước gì để tôi gọi.
Ngọc Lan e thẹn:
- Em uống nước gì cũng được ạ, thưa thầy.
- Ngọc Lan uống cam vắt hay đá chanh, trời nóng quá.
- Thưa thầy, sao cũng được ạ.
- Vậy thì dung hoà nhé, một ly cam vắt thả lên trên vài lát chanh mỏng sẽ thơm lắm.
- Vâng, cám ơn thầy.
- Tôi thì chỉ quen uống café thôi.
Thầy rút trong túi ra một bao thuốc lá, châm điếu thuốc, và nói như trong cơn say:
- Ước gì mỗi buổi sáng tôi được uống một ly café với Ngọc Lan rồi mới đi làm.
Ngọc Lan giật mình tròn xoe đôi mắt, nhưng rồi nàng chợt hiểu, một nỗi hạnh phúc lẫn trong niềm hãnh diện bất ngờ dâng ngập trong lòng.
Người ta trở nên thoải mái tự nhiên hơn sau khi đã nói ra được điều muốn nói. Và Ngọc Lan cũng bớt đi vẻ thẹn thùng mắc cỡ, nàng ngắm nghía người thầy si tình của mình. Vẻ nghiêm trang của một nhà mô phạm khiến thầy như già đi trước tuổi, bụi thời gian lưu lại trên khuôn mặt trông thầy dạn dày hẳn lên. Thế nhưng Ngọc Lan đã biết, phía sau những ngọn núi lởm chởm quanh co ấy là một đại dương bát ngát đầy thi vị, thầy là một nhà văn.
Thầy hỏi thăm Ngọc Lan rất ân cần khiến nàng vô cùng cảm động, thầy khuyên Ngọc Lan chăm học hơn nữa, nhất là chú ý nhiều về môn toán. Khác với mọi ngày, giọng nói của thầy hôm nay đượm vẻ ưu tư buồn bã. Thầy lại châm thêm một điếu thuốc, rít một hơi dài vào buồng phổi, ém lại thật lâu rồi từ từ thả ra làn khói nhẹ. Khuôn mặt kiều diễm của Ngọc Lan chập chờn qua khói thuốc trông huyền hoặc và quyến rũ làm sao. Ánh mắt thầy đắm đuối chìm sâu vào đôi mắt của Ngọc Lan, như muốn gắn chặt muôn đời vào nơi ấy. Thầy nói, giọng rất buồn:
- Ngọc Lan, hai tuần nữa tôi sẽ vào quân đội, đi xa sẽ nhớ nhiều lắm.
Âm thanh ấy dội lên vách tường, luồn vào trong lồng ngực bóp chết trái tim thơ ngây. Ngọc Lan thảng thốt chết sững người, đau đớn đến dường nào khi hạnh phúc chợt đến lại chợt đi, hạnh phúc ơi sao mong manh quá.
*****
Ngọc Lan lấy dao xẻ trái cam thành nhiều múi, nàng tách hai đầu múi cam rồi đưa cho Thành:
- Ăn cam đi anh Thành, cam sành ngọt lắm anh ạ.
Nhìn người yêu rắn chắc nhưng đen sạm hẳn đi, Ngọc Lan chạnh lòng nhớ đến người ấy, lúc bước chân vào quân trường chắc thầy cũng cơ cực như thế này đây. Từ ngày ấy thầy ra đi biền biệt không một lời chia tay, không một nét chữ luyến lưu, như chưa hề có một viên sỏi nào rơi xuống mặt hồ nước phẳng lặng triền miên.
Tự dưng Ngọc Lan thấy buồn xa vắng:
- Năm ấy thầy đã ra đi, bây giờ lại đến lượt anh, đất nước mình sau thảm thương quá.
Thành ngạc nhiên hỏi lại:
- Ngọc Lan nói thầy nào vậy?
- Thầy dạy Việt văn của em ngày xưa đó mà. Ngày ấy thầy đang dạy học thì nhận được lệnh gọi nhập ngũ, cũng giống như trường hợp của lớp sinh viên các anh bây giờ.
- Ngọc Lan có biết thầy đang ở đơn vị nào không?
- Em không biết, nhưng thỉnh thoảng em vẫn thấy truyện của thầy đăng trên các tạp chí văn học. Thầy nói chuyện thật hay, thật tuyệt vời anh Thành ạ.
- Sao lại nói chuyện thật tuyệt vời, thầy hay gặp Ngọc Lan lắm hở?
Ngọc Lan ấp úng:
- À, em chỉ gặp thầy có hai lần thôi…Ý của em là thầy giảng bài rất hay, cả lớp đứa nào cũng mê.
- Ngọc Lan có biết tin tức gì của thầy không?
- Từ ngày ấy đến giờ em không hề biết một chút tin tức nào của thầy.
Thành bỗng linh cảm có điều gì đó không ổn, chàng vội gạt ý tưởng ấy ra khỏi đầu óc, lúc này phải tạm quên đi tất cả để tận hưởng hạnh phúc đang có trong tầm tay. Chàng tách múi cam ra khỏi vỏ:
- Ngọc Lan, nhắm mắt lại đi nào.
Ngọc Lan ngoan ngoãn khép đôi mắt lại, đôi môi của nàng khẽ mở ra, he hé đợi chờ.
*****
Tháng 4 năm 1968, lữ đoàn III Nhảy Dù được điều động về đánh giải tỏa căn cứ Khe Sanh, tạo điều kiện cho lực lượng TQLC Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ chiến lược nổi tiếng này. Toàn bộ lữ đoàn được trực thăng vận xuống phía sau lưng lực lượng Bắc quân đang vây hãm căn cứ Khe Sanh, địch quân đã sử dụng hơn 3 su đoàn, bao vây cứ điểm Khe Sanh từ nhiều tháng qua.
Lữ đoàn III Nhảy Dù tham chiến trận đánh Khe Sanh:
- Lữ đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn khoa Nam.
- Tiểu đoàn 3 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Trần quốc Lịch.
Y sĩ trưởng: BS Trần đức Tường.
- Tiểu đoàn 6 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Trương vĩnh Phước.
Y sĩ trưởng: BS Nghiêm sĩ Tuấn.
- Tiểu đoàn 8 ND, tiểu đoàn trưởng: Thiếu tá Nguyễn văn Thọ.
Y sĩ trưởng: BS Hồ trí Dõng.
Lữ đoàn III Nhảy Dù, dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn khoa Nam, đã chiến đấu dũng mãnh, đánh tan nát các lực lượng đối kháng của địch. Chỉ trong một trận đánh với TĐ 6 ND, địch đã bỏ lại trên trận địa hơn 50 xác chết. Đi kèm theo chiến thắng là nỗi đau thương của mất mát, su đoàn Nhảy Dù đã mất đi người bác sĩ trẻ tuổi tài hoa Nghiêm sĩ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Nhảy Dù.
Hôm ấy, khi người lính Nhảy Dù từ trại Hoàng hoa Thám đến báo tin bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn đã tử trận trên chiến trường Khe Sanh, cả nhà lặng người đi trong đau đớn, sau đó là những giọt nước mắt, những tiếng khóc sụt sùi. Thành lặng lẽ bước vào căn phòng của anh mình, chàng ngước nhìn lên tấm ảnh treo trên tường, bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn tươi cười trong bộ quân phục Nhảy Dù, đầu đội mũ beret đỏ. Con người trông oai phong lẫm liệt biết bao mà sao lại đoản mệnh như thế hở trời. Thành biết rõ tính ông anh của mình, một người rất sính thơ văn, vừa kê toa thuốc vừa ngâm nga:
Nhạn quá trường giang ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn bất di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Ngày xưa mỗi lần anh Tuấn về phép, anh thường hay kể chuyện chiến trường cho các em nghe, anh hay nhắc đến những người lính Nhảy Dù với lời lẽ rất quí mến thân thương. Họ là những người lính trẻ đầy nhiệt huyết, vô cùng thiện chiến, có lối sống rất bạt mạng. Những người lính trẻ này có truyền thống đoàn kết bênh vực lẫn nhau một cách kỳ lạ, đây là một đặc tính rất dễ thương và rất đáng nể phục. Họ được trui rèn trong một thứ kỷ luật còn dữ dội hơn cả sắt thép, nếu không có những người lính không ai biết tới này thì dứt khoát sẽ không bao giờ có được những chiến tích lẫy lừng của một sư đoàn đã từng vang bóng một thời. Dần dần lũ em trong nhà đã nảy sinh một cảm tình thật sâu đậm dành cho những người lính Nhảy Dù. Từ ngày anh Tuấn mất đi, mọi người lại càng thương mến mầu mũ đỏ hơn bao giờ hết, mầu mũ đỏ của bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn, của anh em Nhảy Dù, và cũng là của mọi người thương yêu ngưỡng mộ các anh. Thành tự nhủ, một ngày nào đó, Thành cũng sẽ giắt lên cầu vai một chiếc mũ đỏ.
*****
Mùa hè năm 1972, sau những trận giao tranh đẫm máu, khốc liệt, su đoàn Nhảy Dù đã đẩy lùi địch quân sâu về phía rặng Trường Sơn, dựng lên một vòng đai an toàn trải dài từ Quảng Trị vào đến phía nam Thừa Thiên. Phòng tuyến dọc theo phía tây của quốc lộ 1 ngăn chận địch quân từ biên giới đổ về nay đã được trấn giữ nghiêm ngặt bởi những người lính Nhảy Dù thiện chiến.
Vùng trách nhiệm của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù trải dài từ khu vực quận Phong Điền, nhấp nhô về phía tây qua những dãy đồi thấp, ghé ngang qua núi Yên Bầu, núi Cánh Giơi, rồi dừng lại bên này con suối Ô Lâu. Bên kia suối là vùng địch. Con suối Ô Lâu vào mùa khô, nước cạn ngang mắt cá chân, nước róc rách luồn qua kẽ đá. Nhưng vào mùa nước lũ thì dòng nước trổi lên dữ dằn, nước đỏ ngầu sùng sục cuốn phăng đi những cây cối mọc ở hai bên bờ. Chỉ cách nhau khoảng chừng trăm thước, bên này và bên kia con suối là hai cuộc đời hoàn toàn xa lạ. Kẻ từ Hà Nội 36 phố phường đem theo hương vị cốm làng Vòng vào đến đây, buổi chiều đứng trên đỉnh núi, dáng người in lên nền trời trông rõ mồn một. Người từ Sài Gòn, bỏ lại sau lưng thành phố rực rỡ muôn mầu, ngồi đây trên ngọn đồi xa lạ, châm điếu thuốc nhìn đất trời mông lung.
Đây đó vẫn còn vương vãi dấu tích của những cuộc phong ba bão táp. Bên lề con đường rừng bỗng từ dưới đất nhô lên một chiếc dép râu với những đốt xương ngón chân. Chẳng hay người nằm dưới lớp đất mỏng manh, chôn vùi vội vã ấy quê quán nơi đâu, trúng đạn vào ngực hay vào bụng, đang lúc xung phong hay đang bị tràn ngập, lúc sắp chết có đau lắm không. Dưới khe suối trong vắt lạnh lẽo, bỗng hiện ra một bộ xương người, chiếc nón sắt nằm chơ vơ, tấm thẻ bài cầm lên vẫn đọc rõ được tên họ, số quân. Bộ tư lệnh su đoàn xác nhận tử sĩ thuộc quân số tiểu đoàn 9 Nhảy Dù.
Một phần của những dãy đồi thấp chạy dọc theo dòng suối Ô Lâu là khu gia cư của đại đội 83, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Không mái lều che nắng che mưa, người lính sinh hoạt, nghỉ ngơi dưới những căn hầm chiến đấu, hầm này liên lạc qua hầm kia bằng những tuyến giao thông hào đào sâu dưới đất. Trên miệng hầm, cắm xuống đất 4 nhánh cây chéo nhau thành 2 cái giá hình chữ X, khẩu M72 nằm ưỡn lưng trên chiếc giá cây, sạch sẽ mát mẻ. Khẩu M16 và dây đạn nằm ở vị trí thuận tiện nhất, chỉ cần chồm người tới là bắn được ngay. Sợi dây điện nối từ trái mìn Claymore chuyền xuống dưới hầm được gắn vào con cóc, một khi con cóc nghiến răng thì hàng trăm viên bi sắt sẽ bắn tung ra phía trước bởi sức nổ của thỏi C4, khi đã lọt vào tầm sát hại của mìn định hướng Claymore thì khó mà toàn mạng.
Ngay chỗ uốn khúc của dòng suối Ô Lâu, một chỏm đồi bỗng tách ra, chồm về phía trước sát đến bên bờ suối. Đây là vị trí tiền tiêu, tiếp cận với địch gần nhất, gọi là đỉnh Mùa Đông. Nếu địch mở một cuộc tấn công trực diện vào tuyến phòng thủ của đại đội 83 thì ngay trong tích tắc đầu tiên địch sẽ phải hủy diệt ngay ngọn đồi kỳ đà cản mũi này. Đỉnh Mùa Đông được chốt bởi 5 người lính của đại đội 83, tư lệnh chốt là chuẩn úy Nghiêm sĩ Thành, vừa mới tăng cường hành quân được vài tháng.
Nghiêm sĩ Thành trải rộng tấm bản đồ ra trước mặt, đặt chiếc la bàn lên trên, cạnh của chiếc la bàn trùng lên trục tung độ của bản đồ, xoay tấm bản đồ cho đến khi kim của chiếc la bàn trùng lên vạch chỉ hướng bắc thì ngừng lại. Thành nhìn kỹ những chấm mầu đen bằng bút mỡ đánh dấu vị trí của các chốt, đỉnh Mùa Đông rõ ràng lấn sâu về phía trước, sát tới bên dòng chỉ màu xanh, trông giống như mũi nhọn của một ngọn giáo. Vòng cao độ của những ngọn đồi bên này quá khiêm tốn so với những triền núi cao vượt lên ở bên kia dòng suối Ô Lâu. Càng suôi về phía hạ lưu thì dòng Ô Lâu lại càng mở rộng hơn, con nước sẽ đi ngang qua quốc lộ 1, rồi sẽ cùng với sông Bồ và sông Hương đổ nước vào phá Tam Giang.
Thành châm một điếu thuốc, khói thuốc chui vào buồng phổi khiến chàng cảm thấy dễ chịu hẳn ra. Thành đưa tay rà băng tần của chiếc radio, có tiếng rè rè rồi sau đó là tiếng nói quen thuộc của Mai Trang, hơi ấm này đã một thời âm vang đến tận từng ngõ ngách của giao thông hào trên miền hỏa tuyến, như một người bạn đồng hành sớt chia những vui buồn của đời lính. Thành chợt nhớ đến anh Tuấn, ngày xưa anh Tuấn cũng đã từng hít thở không khí của vùng hành quân như thế này đây, nếu như anh Tuấn còn sống, hai anh em ở cùng chung một đơn vị thì vui biết mấy.
Bỗng tiếng nói ồn ào của Tư lựu đạn cắt ngang dòng suy tưởng:
- Chuẩn úy, em mới vừa gài thêm mấy trái lựu đạn ở dưới mé suối.
Thành nhăn mặt:
- Đã dặn là đừng gài thêm gì nữa, mìn bẫy thiên la địa võng rồi. Lạng quạng dính chấu thì khổ đời.
- Không sao đâu chuẩn úy, em là Tư lựu đạn mà.
- Sơ xẩy một chút thì Năm lựu đạn cũng chết chứ nhằm nhò gì Tư lựu đạn.
- Tụi nó ở trên cao hơn mình mà lại sát một bên, gài thêm mấy trái lựu đạn em thấy ấm bụng hơn nhiều.
Tư lựu đạn nổi tiếng vì cái nghề gài lựu đạn. Lựu đạn gài phải thật nhạy nổ, chốt lựu đạn phải được kéo ra gần hết, chỉ còn chêm chí mí vào cái thìa, một cái ống quần phớt ngang qua thì bà cũng hú rồi, nói chi nguyên một chiếc dép râu phang vào. Tư lựu đạn còn có biệt tài gài lựu đạn rất nhanh, trên đường triệt thoái mà Tư vẫn bình tĩnh ngừng lại, gài nhanh một trái lựu đạn cản chân địch rồi chạy tiếp. Một hôm, Tư nhận được lệnh đi gài lựu đạn, gài xong một chục trái lựu đạn bỗng dưng đầu óc lộn xộn không còn nhớ mình đã gài ở những chỗ nào. Bước đi được vài bước thì Tư vướng ngay vào trái lựu đạn mà mình vừa mới gài. Trái lựu đạn nổ tung, một cụm khói bục lên, đất đá văng rào rào, Tư lựu đạn từ từ đứng lên, mặt mũi chân tay vẫn còn đầy đủ. Tư lựu đạn tà tà trở về chốt, bắt đầu nổ:
- Hà hà! xem ra Tư lựu đạn này còn…lựu đạn hơn cả lựu đạn nữa à nhe.
Sau đó Tư kể lại, lúc ấy phải vểnh tai lên để nghe ngóng thật kỹ, hễ nghe thấy tiếng thìa lựu đạn văng ra thì lập tức nằm rạp xuống đất. Tư lựu đạn không rách áo lần đó, nhưng về sau này, Tư bị cưa mất một chân vì không may đạp trúng mìn.
Theo bảng cấp số thì mỗi quân nhân được cấp phát 4 trái lựu đạn, nhưng khi kiểm tra vũ khí đạn dược của anh em thì Thành nhận thấy mỗi người thủ tới cả chục trái. Hỏi lấy ở đâu ra mà nhiều thế, anh em không nói chỉ nhe răng cười. Sau này khi hiểu ra, Thành lại càng quí mến anh em nhiều hơn nữa.
Khi bị tấn công vào ban đêm, lính Nhảy Dù hạn chế không nổ súng, chỉ dùng lựu đạn để cản phá những đợt xung phong đầu tiên của địch. Nếu nổ súng, địch dựa vào tia lửa thoát ra từ nòng súng sẽ xác định ngay được vị trí của ta, dùng lựu đạn thì địch không biết đâu mà mò, chẳng biết lúc nào lựu đạn sẽ rơi ngay vào đầu. Khi lính Nhảy Dù tấn công tiến chiếm mục tiêu, vừa bám được vào giao thông hào của địch thì một trái lựu đạn quăng xuống sẽ hủy diệt ngay được một hầm chiến đấu. Lính Nhảy Dù tràn ngập lên mục tiêu, lúc ấy sẽ chỉ nghe thấy tiếng lựu đạn nổ vang dội, và biết chắc là mình sẽ thắng. Người lính chiến đấu cần nhiều lựu đạn, vậy mà mỗi người chỉ được cấp phát có 4 trái, không đủ cho bữa ăn sáng.
Những ngày tập trung về bộ chỉ huy tiểu đoàn để đi sưu dịch tranh tre tràm, anh em thường hay lảng vảng gần những căn hầm của đại đội chỉ huy công vụ, hễ ngó trước ngó sau không có ai thì ra tay chôm chỉa, bỏ lựu đạn vào túi rồi ung dung thoải mái bước đi. Đuợc biệt phái đi nằm bảo vệ cho các vị trí pháo binh là những ngày thần tiên của lính Nhảy Dù, anh em nhà họ Pháo thích lắm vì có thêm quân, canh gác phòng thủ sẽ cẩn mật hơn, nên đối đãi với anh em rất tử tế. Anh em đi xin những thùng gỗ đựng đạn pháo binh, đem về chẻ nhỏ làm củi nấu cơm, hồi ở trong rừng sâu, anh em thường nấu cơm bằng củi không được khô, vừa nấu vừa khóc ràn rụa như trong nhà có người chết. Những ống sạc đựng thuốc súng pháo binh dùng làm dụng cụ chứa nước thì thật tuyệt vời, mỗi khi xuống suối tắm lại vác lên chốt một ống sạc nước dùng để nấu cơm và các sinh hoạt hàng ngày. Thường thì mỗi căn cứ pháo binh đều có câu lạc bộ, bày bán đủ thứ cần dùng, café thuốc lá, bánh kẹo đường sữa, xì dầu nước tương, anh em tha hồ mà mua sắm. Anh em lại còn có thể gởi nhờ mua dùm gà vịt, cá tươi, thịt heo, là những thứ không bao giờ thấy mặt trong vùng hành quân. Pháo Dù sài súng lớn chê súng nhỏ nên đạn dược rất dư giả, lượn qua lượn lại vài vòng là anh em biết ngay chỗ nào để lựu đạn. Biết chỗ để mà xin, xin không cho thì chôm cũng vậy thôi.
Mỗi năm, người lính Nhảy Dù được cấp phát hai bộ quần áo và một đôi giầy bố. Lính băng rừng vượt suối, gai góc cào sước cả chân tay mặt mũi, hai bộ quần áo và một đôi giầy bố kéo dài được bao lâu hở trời. Nghiêm sĩ Thành và các đồng đội vẫn lầm lũi trên đường hành quân, nhẫn nại chịu đựng như chiếc cuốc cán cây cột chặt trên nắp ba lô. Chiếc cuốc cán cây đã sát cánh chung lưng với những người lính tiểu đoàn 8 Nhảy Dù từ mặt trận An Lộc, qua đến chiến trường Quảng Trị, và nay lại cùng nhau phơi lưng trên những ngọn đồi vùng núi Yên Bầu.
Người lính Nhảy Dù ngã ngửa xuống đất, máu loang ra trên ngực áo, nhỏ xuống đất, bàn tay anh quờ quạng như muốn tìm lại khẩu súng. Đồng đội của anh lập tức xông lên tiếp cứu anh, anh được tải thương về tuyến sau, chiếc cuốc cán cây của anh được chuyền ngay cho một đồng đội khác. Cứ như thế, chiếc cuốc được chuyền từ tay người này sang tay người khác, ròng rã miệt mài theo chân cuộc chiến. Trên cán cuốc đã in chồng chất dấu tay của biết bao nhiêu người đã rời khỏi chiến trường, hoặc đã chết, hoặc đã bị thương. Chiếc cuốc cán cây đã chứng kiến biết bao cái chết không toàn thây, làm gì có băng ca, hai tay và hai chân của tử sĩ được cột lại thật chặt, một đòn cây rừng xỏ dọc qua, hai người đồng đội ở hai đầu ghé vai gánh xác bạn mình đưa về đại đội, từ đại đội lại gánh về tiểu đoàn. Những người quen thân cũ lần lượt ra đi, chỉ còn lại chiếc cuốc cần cù nhẫn nại bằm những nhát cuốc nháng lửa xuống vùng đất cày lên sỏi đá để bảo vệ mạng sống cho những người còn ở lại hay vừa mới tăng cường hành quân. Hai hoặc ba người lính dùng chung một chiếc cuốc, hễ dừng quân là lập tức đào hầm chiến đấu, đó là thứ kỷ luật tác chiến khắt khe của lính Nhảy Dù. Trên đường tiến sát lên mục tiêu, hễ chựng lại là đào hầm, không đào hầm thì địch pháo kích lấy gì mà đỡ, chiếc cuốc cán cây là vật bất ly thân của người lính Nhảy Dù. Chiếc cuốc cán cây tận tụy xả thân bảo vệ mạng sống cho người lính, từ chiến trường này cuốc sang chiến trường kia, giờ đây lưỡi cuốc đã mòn nhẵn, chỉ còn dài độ chừng hai đốt ngón tay mà người lính vẫn không dám bỏ đi, chẳng lẽ đào hầm bằng tay không, đã hai năm qua chưa hề có một đợt cấp phát cuốc xẻng nào.
*****
Suốt cả tháng nay trời mưa liên miên bất tận, hết mưa lớn lại đến mưa nhỏ, mưa cho thúi đất, mưa cho mặt trời xấu hổ trốn biệt tăm. Giao thông hào, chỗ nào cũng ngập nước, anh em phải lấy poncho giăng lên để dồn nước chảy ra ngoài, giữ cho chỗ nằm tương đối đỡ ẩm ướt. Gió vỗ vai mưa, rủ nhau đem cái lạnh kinh người thổi lên khắp vùng đồi núi, Thành đã nêm lên người hai bộ quần áo, lại khoác thêm một cái áo jacket bên ngoài mà vẫn thấy lạnh run. Trong căn hầm nhếch nhác, những giọt nước mưa không mời vẫn tìm cách lọt vào trong khiến chỗ nào cũng thấy ươn ướt, ghê ghê. Thành câu hai đầu của sợi dây điện vào cục pin của máy truyền tin PRC-25 đã cũ, ánh sáng tỏa ra từ chiếc bóng đèn nhỏ khiến cho mọi vật như khô ráo, ấm áp hẳn lên. Thành vói tay mở nắp ba lô lấy ra một lá thư màu xanh, chàng từ tốn lấy ra một điếu thuốc, châm lửa đốt. Hơi thuốc len vào buồng phổi mà nghe đời quá đã. Thành không nhớ mình đọc lá thư này đã bao nhiêu lần, càng đọc càng thấy cuộc đời thêm rắm rối.
Người gởi: Ngọc Lan.
Thành phố cũ.
Người nhận: Chuẩn úy Nghiêm sĩ Thành
Đại đội 83, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/HQ.
Anh Thành thương yêu,
Trời Sài Gòn bắt đầu trở lạnh sớm hơn mọi năm, sáng nay đi học em phải khoác thêm chiếc áo len. Gió ban mai se sẽ luồn trong tóc khiến em nhớ anh vô vàn, vậy là chúng ta đã xa cách nhau thật rồi ư? Em cứ ngỡ là anh vẫn còn hiện diện trong thành phố này, anh đang ngồi trong giảng đường hí hoáy chép bài, 11giờ rưỡi sẽ đến đón em, nên lòng em vẫn mong vẫn ngóng, để rồi tan học em lẻ loi đếm bước một mình.
Ở phương xa ấy anh có được khỏe không, thời tiết ở ngoài ấy khắc nghiệt lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe nghe anh. Không có anh ở bên cạnh chỉ bảo nên em phải cố gắng học nhiều giờ hơn, mà rồi vẫn thấy điểm kém hơn hồi anh còn ở nhà. Có thể nào anh sẽ là gia sư cho em suốt đời không hở Thành? Em không biết nữa, em chỉ thấy mình quay quắt trong nỗi nhớ nhung, nhớ khuôn mặt anh chững chạc hiền lành, nhớ những cử chỉ anh chăm sóc lo lắng cho em, nhớ những lúc em bắt nạt anh, có phải nhớ nhiều như vậy là đã yêu rồi phải không anh?
Thứ bảy vừa rồi em vào thư viện hội Việt Mỹ ôn bài, nhưng không còn tâm trí nào để học nên em phải về nhà, anh biết tại sao không hở anh Thành? tại vì em gặp lại quá nhiều kỷ niệm của hai đứa mình ở chốn này. Những lối đi, những kệ sách vẫn y nguyên như những ngày tháng cũ, dãy bàn ghế mà hai đứa mình thường hay ngồi học vẫn mòn mỏi đợi chờ ai. Cũng ngay trên chiếc bàn học này, em đã một lần giận anh khủng khiếp, em thật không ngờ…Mà lạ quá anh Thành à, cái công thức tính đạo hàm kỳ cục đó em muốn quên đi mà không được, nó cứ nằm ỳ trong đầu em không chịu nhúc nhích đi đâu cả, cũng tại anh đó Thành ạ.
Ông trời dạo này buồn cười lắm anh Thành ạ, khi không một cơn mưa rào đổ ập xuống, em vội vàng lấy áo mưa ra, vừa mặc xong thì cơn mưa đã chạy tuốt ra đằng kia, bực mình ghê. Em vừa cởi áo mưa ra để xếp lại thì một cơn mưa rào khác lại ào đến, thế có tức không hở anh? Từ ngày quen anh, em đã yêu lây những cơn mưa Sài Gòn, những cơn mưa ướt át làm nẩy mầm tình yêu đôi lứa. Từ ngày anh ra đơn vị dấn thân vào miền chinh chiến, hễ cứ thấy mưa là em lại nhớ đến anh, mưa làm đọng lại những kỷ niệm của hai chúng mình.
Anh Thành, hôm qua tạp chí Văn có đăng bài viết của thầy giáo cũ của em. Bài viết của thầy rất hay, anh đọc sẽ thích lắm, thầy viết về những câu chuyện xảy ra ở vùng địa đầu giới tuyến. Em để dành khi nào anh về phép em sẽ đưa anh xem.
Đã khuya lắm rồi, em xin ngừng bút, chúc anh luôn luôn khỏe mạnh bình yên.
Thương nhớ anh.
Ngọc Lan.
Thành lờ mờ cảm nhận ra, có điều gì đó không ổn, thì ra Ngọc Lan vẫn thường xuyên theo dõi bài viết của người thầy cũ trên sách báo. Nàng vẫn âm thầm, lặng lẽ dõi theo dấu chân của người này in trên nền cát trắng, bãi biển hoang vu không một bóng người. Ngọc Lan chắc chắn có gởi gấm tình cảm cho người thầy cũ này, ít hay nhiều thì Thành không thể nào đếm được. Một vài lần nhân lúc Ngọc Lan đề cập đến người này, Thành cố ý khai thác tình hình nhưng Ngọc Lan cứ nhất mực khẳng định chỉ là tình thầy trò không hơn không kém. Đã có những lúc Ngọc Lan lộ hẳn vẻ cảm động khi nhắc đến những chăm sóc chiều chuộng của người này. Thành nghe rõ nỗi bực dọc tức tối dâng lên trong lòng, chàng cố dằn xuống và tự nhủ, chuyện đâu còn đó, nóng nảy nhiều khi lại nghi oan cho người yêu của mình thì tội chết. Thành tự hỏi lòng mình sao lại bực tức như vậy, tại tự ái vặt hay do tính ích kỷ hẹp hòi muốn giữ đóa hoa ấy riêng cho mình. Nhưng mà Ngọc Lan đã là gì của Thành đâu mà Thành đòi giữ lấy để làm của riêng, một nụ hôn lên má cũng chưa có nữa là…Nhớ lại thái độ của Ngọc Lan khi nàng bênh vực cho người ấy, Thành tức lắm chỉ muốn cắt đứt đi cho xong, chẳng thà chịu đau một lần để được bình yên thanh thản còn hơn cứ kéo dài mãi cơn đau nhức nhối.
Thành bỗng thấy lòng mình chùng xuống khi hình dung đến khuôn mặt xinh đẹp tươi tắn của Ngọc Lan, nàng đẹp và dễ thương quá, nàng ngây thơ thánh thiện quá. Cuộc sống của Ngọc Lan đang xoay quanh một thần tượng, người đó chính là thầy dạy học cũ của nàng, chắc hẳn cuộc sống của nàng đang thăng hoa với bao hạnh phúc tràn đầy. Hãy để cho nàng được vui sống trong lâu đài ảo mộng như nàng công chúa ngủ trong rừng vừa thức giấc, nâng niu, trìu mến, tôn thờ thần tượng của mình. Thành tự nghĩ, vậy là mình cứ lờ đi, nhìn thấy nàng hồn nhiên hạnh phúc bao nhiêu với thần tượng của nàng thì mình lại càng mừng cho nàng bấy nhiêu. Thành bỗng cảm thấy ngạc nhiên với chính mình, sao tự dưng mình lại trở nên từ bi hỉ xả ác liệt đến như vậy.
Nhưng cửa thiền đâu đã dễ dàng để cho chàng lách qua. Ngay ngày hôm sau, cơn đau lại nhói trở lại, không nhấp một giọt rượu nào nhưng Thành cảm thấy chếnh choáng như trong cơn say, thương nhớ lẫn vào tuyệt vọng nên đau đớn khôn cùng. Nàng có coi thường chàng hay không, khi mà trong tâm tưởng vẫn còn nghĩ đến người ấy, vẫn còn dõi theo bước đi của người ấy, mà rồi người ấy có nhớ đến nàng đâu, sao mà nàng vẫn cứ nặng lòng với người ta, thật là quái lạ. Tại sao nàng đem tình cảm chia xớt cho kẻ khác mà vẫn hồn nhiên kể lại cho chàng nghe, nghĩ nát óc cũng không sao lý giải được, không thể dùng công thức để đi tìm đáp số cho những rắc rối tơ lòng.
Đứng trên đỉnh Mùa Đông ngóng về phương Nam, Thành ngắm nhìn những giải mây trời dắt tay nhau lặng lẽ trôi đi, ước gì Thành được hóa thân vào đám mây ấy, chàng sẽ gọi gió đưa chàng về thăm chốn cũ. Sài Gòn yêu dấu ngổn ngang biết bao kỷ niệm, có người con gái đẹp tuyệt trần mà chàng đã yêu đã nhớ đến lịm cả hồn. Vài tháng nữa tiểu đoàn 8 Nhảy Dù sẽ về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị, Thành nhất quyết lần này sẽ phải hôn lên đôi má nàng một lần, để đem hương vị ngọt ngào ấy rắc lên cuộc đời cho thêm nỗi ngất ngây.
*****
Tháng 7 năm 1974, quận Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam bỗng một sớm một chiều sôi thành chảo lửa khi địch quân tập trung về đây nhiều su đoàn, tổ chức thành nhiều mũi tấn công dữ dội vào các lực lượng trú phòng. Địch hy vọng sẽ khống chế được chiến trường bằng hỏa lực rất mạnh của pháo tầm xa 130 ly, đồng thời địch cũng không muốn nhường vùng không gian cho đối phương khai thác thế mạnh về không quân nên đã thiết lập một hệ thống phòng không đan dày dặc như mắt cáo . Trước thế áp đảo quá mạnh mẽ của địch quân, hệ thống phòng thủ của quận Thường Đức lần lượt sụp đổ, quân trú phòng tan rã, rút chạy tán loạn trên đường lộ, dân chúng hoảng hốt cũng gồng gánh chạy theo. Địch rướn người chồm về phía quận Đại Lộc, một chút nữa thôi, phi trường Đà Nẵng sẽ nằm trong tầm pháo của địch, và sau đó thì…
Nhưng địch sẽ không bao giờ thực hiện được cú rướn người này vì su đoàn Nhảy Dù đã kịp thời nhập cuộc. Lữ đoàn I Nhảy Dù đã chuyển quân cấp kỳ vào trận địa, chận đứng ngay cơn bão đang trên đà xô tới, tiếp theo đó là lữ đoàn II và lữ đoàn III Nhảy Dù nối gót vào vùng hành quân, hình thành thế trận công hãm ép địch phải lùi bước.
Đoàn xe quân sự vận chuyển tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đến được quận Hiếu Đức thì trời đã xế chiều, anh em nhanh chóng xuống xe, tạm thời tản rộng ra, án ngữ chờ lệnh. Các trung đội trưởng của đại đội 83 tập trung về bộ chỉ huy đại đội nhận lệnh hành quân. Bản đồ vùng Hiếu Đức, Đại Lộc, Thường Đức được phân phối cho các trung đội trưởng. Đại úy đại đội trưởng Phan văn Hiệu trải tấm bản đồ ra trước mặt, đánh dấu cốt tọa độ lên tấm bản đồ bằng một dấu thập đỏ đậm nét, các trung đội trưởng ghi lại cốt tọa độ lên bản đồ của mình. Sau đó từng trung đội trưởng đánh dấu vị trí đóng quân của trung đội mình bằng những chấm màu đen theo sự hướng dẫn của đại úy đại đội trưởng. Thiếu úy Lê mậu Sức, thiếu úy Hoàng văn Tiến, thiếu úy Nghiêm sĩ Thành lần lượt báo cáo quân số, tình hình vũ khí đạn dược của từng trung đội. Riêng trung úy Hoàng đắc Hùng sẽ chăm sóc hai trung đội của thiếu úy Hoàng văn Tiến và thiếu úy Nghiêm sĩ Thành. Lẽ ra trung úy Hoàng đắc Hùng đã là đại đội phó mang súng ngắn, nhưng Nhảy Dù không có chức vụ đại đội phó.
Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành dẫn trung đội di chuyển về phía ngọn đồi nhỏ, quây tròn thành một tuyến phòng ngự, đặt 4 vọng gác ra 4 hướng quan sát cẩn mật, anh em vác cuốc ra đào hầm chiến đấu, súng và dây đạn đặt ngay bên cạnh phòng khi hữu sự, số anh em còn lại đi lượm củi, kiếm nước lo nấu bữa cơm chiều. Như thường lệ, thiếu úy Nghiêm sĩ Thành đích thân chỉ định vị trí cho hai khẩu đại liên M60. Người lính Nhảy Dù lúc nào cũng đặt mình trong tư thế sẵn sàng tác chiến.
Cơm nước xong mà không có điếu thuốc thì cuộc đời trở nên vô vị lạt lẽo, khó chịu trong người. Có điếu thuốc mà không được một ly café thì khác gì ngứa mà không cho gãi. Nghiêm sĩ Thành đưa ly café lên miệng làm một hớp nhỏ, vị café tan ra trên đầu lưỡi, một hơi thuốc Capstan kéo vào quyện lẫn với mùi café tạo nên một cảm giác sảng khoái tuyệt vời. Thành ngồi đó, trên một ngọn đồi thấp thoáng những lùm cây, ngẩng mặt nhìn vầng trăng vừa sáng tỏ, ngẫm nghĩ không biết giờ này Ngọc Lan đang làm gì, có nhớ đến Thành hay không, có nhớ đến những phút giây đầm ấm mà dường như vẫn còn đọng trên má trên môi. Vậy là Thành đã hôn được Ngọc Lan rồi đó, làn da Ngọc Lan trắng nuốt mịn màng, hương thơm thoang thoảng từ mái tóc của nàng khiến Thành lâng lâng, vậy là đủ lắm rồi. Hạnh phúc là nơi mà người ta biết vừa đủ để ngừng lại, biết trân quí nâng niu những gì mình đang có. Hôn nhau xong, hai đứa cùng nhìn nhau cười, hai chiếc má lúm đồng tiền nho nhỏ trên khóe miệng nàng cũng đon đả cười theo. Nàng xinh đẹp dịu dàng như nụ hoa vừa chớm nở, Thành sung sướng ngắm nhìn người yêu, trong lòng rộn lên một nỗi thương yêu vô bờ bến. Nhưng đau khổ thay, mãi mãi về sau này Thành sẽ không bao giờ quên được nỗi hụt hẫng, nhói đau bất ngờ vào một buổi chiều sau đó vài ngày. Hai đứa ngồi trong quán kem, ngoài trời mưa gió ngả nghiêng, Thành kể chuyện quân hành trong nỗi ướt át, lạnh lẽo. Ngọc Lan chăm chú nghe, và rồi nàng tỏ vẻ ưu tư phiền muộn:
- Anh hành quân ở ngoài ấy, nếu chịu khó hỏi thăm thế nào cũng có được tin tức của thầy.
*****
Buổi sáng sớm ngày hôm sau, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù bắt đầu chuyển quân vào vùng lửa đạn. Đoàn quân xa chở đầy ắp lính Nhảy Dù, phun khói phóng nhanh trên liên tỉnh lộ số 4 hướng về quận Đại Lộc. Qua Ái Nghĩa, Cầu Chìm, anh em đã nghe thấy tiếng súng nổ, những loạt đạn đại bác gầm gừ đe dọa. Đoàn xe dừng bánh đổ quân xuống ven đường. Các đại đội lập tức di chuyển, đại đội 83 do đại úy Phan văn Hiệu chỉ huy vượt ngang về phía bên trái con đường, các trung đội được lệnh bung rộng đội hình, di chuyển về phía trước. Hướng trước mặt của đại đội 83 là dòng sông Vu Gia nước lừng lững trôi, phía bên kia sông sừng sững những ngọn núi rất cao, trên đó địch đã bố trí dày đặc và đang nhếch miệng cười, nhìn xuống giải đồng bằng hẹp, trông thấy rõ những cánh quân Nhảy Dù đang lặng lẽ nhập cuộc.
Xế trưa ngày hôm sau, đại đội 83 được lệnh di chuyển sang bên kia con đường. Đại đội nhận lệnh chuẩn bị đánh dọc theo trục lộ bên tay phải, hướng về phía đồi 52. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành và thiếu úy Hoàng văn Tiến dẫn hai trung đội mở đường tiến vào làng Hà Nha. Cánh quân này được đặt dưới quyền điều động của trung úy Hoàng đắc Hùng.
Trung đội tiến chậm trên cánh đồng trống, khi còn cách bìa làng khoảng 300 thước thì ngừng lại. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành bò lên phía trước, ẩn người sau một gò đất nhỏ, cẩn thận quan sát mục tiêu. Nhìn kỹ, thấp thoáng sau lũy tre có bóng người qua lại, tay cầm vũ khí, đầu đội nón cối. Nghiêm sĩ Thành bò trở về vị trí cũ, cho anh em đào hầm, canh gác cẩn mật. Màn đêm buông xuống, cảnh vật chìm dần trong bóng tối, anh em không ai ngủ được, ai cũng hồi hộp đợi chờ, trung đội đã nhận được lệnh tiến chiếm làng Hà Nha giữa khuya đêm nay.
Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành đích thân chỉ huy tiểu đội 1 tấn lên phía trước, hai tiểu đội còn lại căng ra hai cánh nối bước liền theo sau. Tiểu đội tiên phong vừa đặt chân vào tới bìa làng thì bất ngờ tiếng súng của địch nổ vang dội, ánh lửa lóe lên từ nòng súng trong những căn hầm kiên cố, tầm bắn thật gần, lựu đạn tung ra như mưa. Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành gào to như muốn át tiếng súng nổ:
- Xung phong, xung phong!
Nghiêm sĩ Thành lao nhanh người về phía trước. Vừa lúc đó, một loạt đạn AK đón bắn ngay vào giữa ngực Thành, Nghiêm sĩ Thành ngã ngửa về phía sau, ngực bể nát, Thành chết rất nhanh.
Không gian như đóng sầm cửa lại, mọi âm thanh đột nhiên vụt ngưng bặt, trong nỗi im lặng thênh thang của cõi hư vô, có ai đó nhè nhẹ cất tiếng ngâm nga:
Nhạn quá trường giang ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn bất di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
10-15-2007.
Vũ Đình Hải.
Ghi chú của Bác sĩ Trần đức Tường, y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù:
Bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn tử trận tại 5 Km phía tây Khe Sanh khoảng tháng 4 năm 1968 ( giữa Khe Sanh và làng Vây, trên một ngọn đồi ). TĐ6 ND, TĐ3 ND, và TĐ8 ND hành quân với LĐ3 ND do Đại tá Nguyễn khoa Nam chỉ huy. Anh bị tử thương vì pháo kích ( cối 61) trước khi địch xung phong. Rủi cho anh và TĐ QY bị thiệt hại mất một bác sĩ, nhưng trận đó VC thua để lại trên 50 xác. Anh hy sinh khi đứng dưới hố cá nhân săn sóc vết thương cho 1 thương binh nằm cáng trên miệng hố. Anh chết liền ( khoảng 6 giờ chiều ) khi cuộn băng ( bandage ) còn cầm trên tay. Lúc đó tôi và TĐ3 ND cũng đụng trận cách đó khoảng 1 Km.
Vài chi tiết đóng góp kẻo quên mất, trận đánh vào tây Khe Sanh do lữ đoàn 3 Nhảy Dù chỉ huy nhằm chận hậu cho TQLC Mỹ rút khỏi căn cứ Khe Sanh. LĐ 3 ND đổ bộ bằng trực thăng từ phi trường Ái Tử, Quảng Trị và căn cứ Tà Lu, rồi từ Tà Lu được First Cavalry ( không kỵ ) đổ vào trận địa với hàng trăm trực thăng. Thứ tự đổ quân là TĐ6 ND rồi TĐ8 ND cộng BCH/ LĐ3 ND vào thiết lập FSB (Firing support base ), sau cùng là TĐ3 ND.
Lúc ở Cà Lu tôi có gặp Nghiêm sĩ Tuấn, lúc anh sắp sửa lên trực thăng vào trận địa. Tôi có hỏi anh:
- Nhiếp nó sẵn sàng thay toa rồi, sao không về?
Tuấn nhỏ nhẹ trả lời:
- Anh Lân cũng muốn mình bắt cái Đại úy, nhưng đó là chuyện nhỏ. Mình sống chết với tiểu đoàn, bỏ về trong trận lớn này không đành…
Rồi trực thăng tới mang theo thương binh của đợt đầu! Antenne Chirurgical của TĐ QY (hình như anh Thiều chỉ huy) take care. Vì thế Nghiêm sĩ Tuấn theo quân vào chiến địa.
Trích trong geocities.com/qynhaydu
* Bác sĩ thiếu tá Trần đức Tường, vị tiểu đoàn trưởng cuối cùng của tiểu đoàn quân y, su đoàn Nhảy Dù.
Binh La
08-15-2009, 09:18 AM
Đọc
bài của Vũ Đinh Hải khiến người ta nhớ lại thời xa xưa tươi trẻ, lòng
phơi phới trên con đường Cộng Hòa có lá me bay, cây phương vĩ trước cổng
trường ĐH Khoa Hoc, nằm kế bên trường Pétrus-Ký. Trường cũng không xa
con đường nhà tôi lắm ,nhưng đứa nào cũng đi Honda đến đó ,sau giờ học
thì hẹn hò bạn bè hay bồ bịt ở trường Luật,Văn Khoa... có cây dài bóng
mát, đi cinema , đi ăn hàng hay chỉ để lang thang và hớp vội chút tình
đầu dầy đam mê say đắm, nhất là ghiền ăn chè ở trường Gia Long, để nghe
lòng rộn rã theo từng bước chân người yêu đang dẫm lên cuộc đời mình ..
Thời đó, với những yêu thương và nhung nhớ, vô tư và phá phách, chiến
tranh chỉ hiện về khi bắt đầu có những cuộc chia tay đầy nước mắt và một
tương lai mờ mịt trước mặt. "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng"...
Xin cám ơn tác giả Vũ Đình Hài với những bài viết thật hay.
Xin cám ơn tác giả Vũ Đình Hài với những bài viết thật hay.
loibangTQLC
08-20-2009, 10:25 PM
Cám ơn Thuyduong đã chọn một bài viết quá hay để anh em thưởng thức .
Cũng thành thật cám ơn tác giả Vũ đình Hải đã làm tôi xúc động thật nhiều vì câu chuyện có phần nào giống hoàn cảnh trong gia đình tôi : ông anh lớn khóa 16 Võ Bị Đ/úy Đ/Đ Trưởng Dù và ông anh kế khóa 18 Võ Bị cũng chọn Binh Chủng Dù Đ/Úy T/Đ phó đều hy sinh trong cuộc chiến nên khi đọc bài viết này đã tạo cho tôi một cảm xúc rất lớn khi nhớ lại đến những cái tang trong gia đình của hơn 40 năm trước . Ngày ông anh lớn ( Dũng ) ra đi , ông anh kế ( Tuấn ) có khuyên tôi phải ráng thi vào Y Khoa vì tôi là đứa con trai duy nhất còn lại sẽ được hưởng quy chế " miễn dịch " để làm vui lòng bố mẹ nhưng phần số đã an bày , năm 66 tôi " rớt " Y Khoa nên phải vào Luật Khoa chờ thời , năm 67 anh đến lượt anh Tuấn tôi hy sinh khi là Tiểu Đoàn phó Sư Đoàn Dù . Căm thù lên cực độ dẫn dắt tôi trốn nhà gia nhập KQ vào cuối năm 67 làm bố mẹ tôi buồn phiền , có lẽ các anh tôi chết quá trẻ nên đã giúp tôi ( có thể các bạn cười tôi mê tín ? ) qua được 2 lần bị bắn rơi ( trận An Lộc ) và 3 lần bị thương vẫn qua khỏi tai nạn và vượt thoát qua đất Mỹ . Tóm lại bài viết của tác giả đã để lại trong tôi một ấn tượng thật buồn khi nhớ lại ngày tháng cũ . Niềm tự hào còn lại là các anh tôi đã có thời gian phục vụ Binh Chủng Nhảy Dù nổi tiếng ngày xưa và thằng em còn lại tuy là KQ nhưng vẫn theo gót các anh mình làm Biệt Đội Trưởng cho Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến cho đến ngày tan hàng .
" Anh Hùng Tử , Khí Hùng Bất Tử " Một nén hương lòng đến các anh em Nhảy Dù Oai Hùng .
Cũng thành thật cám ơn tác giả Vũ đình Hải đã làm tôi xúc động thật nhiều vì câu chuyện có phần nào giống hoàn cảnh trong gia đình tôi : ông anh lớn khóa 16 Võ Bị Đ/úy Đ/Đ Trưởng Dù và ông anh kế khóa 18 Võ Bị cũng chọn Binh Chủng Dù Đ/Úy T/Đ phó đều hy sinh trong cuộc chiến nên khi đọc bài viết này đã tạo cho tôi một cảm xúc rất lớn khi nhớ lại đến những cái tang trong gia đình của hơn 40 năm trước . Ngày ông anh lớn ( Dũng ) ra đi , ông anh kế ( Tuấn ) có khuyên tôi phải ráng thi vào Y Khoa vì tôi là đứa con trai duy nhất còn lại sẽ được hưởng quy chế " miễn dịch " để làm vui lòng bố mẹ nhưng phần số đã an bày , năm 66 tôi " rớt " Y Khoa nên phải vào Luật Khoa chờ thời , năm 67 anh đến lượt anh Tuấn tôi hy sinh khi là Tiểu Đoàn phó Sư Đoàn Dù . Căm thù lên cực độ dẫn dắt tôi trốn nhà gia nhập KQ vào cuối năm 67 làm bố mẹ tôi buồn phiền , có lẽ các anh tôi chết quá trẻ nên đã giúp tôi ( có thể các bạn cười tôi mê tín ? ) qua được 2 lần bị bắn rơi ( trận An Lộc ) và 3 lần bị thương vẫn qua khỏi tai nạn và vượt thoát qua đất Mỹ . Tóm lại bài viết của tác giả đã để lại trong tôi một ấn tượng thật buồn khi nhớ lại ngày tháng cũ . Niềm tự hào còn lại là các anh tôi đã có thời gian phục vụ Binh Chủng Nhảy Dù nổi tiếng ngày xưa và thằng em còn lại tuy là KQ nhưng vẫn theo gót các anh mình làm Biệt Đội Trưởng cho Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến cho đến ngày tan hàng .
" Anh Hùng Tử , Khí Hùng Bất Tử " Một nén hương lòng đến các anh em Nhảy Dù Oai Hùng .
No comments:
Post a Comment