Friday, July 22, 2022

Chương III CÔ GIAO LIÊN B.39 - BÓNG TỐI ĐI QUA (Kim Nhật) – Quyển I

Chương III
CÔ GIAO LIÊN B.39

Tôi giã từ quê hương, trở lại Sàigòn vào ngày hôm sau. Tôi biết ba má tôi buồn lắm. Các em tôi cũng buồn, lo lắng cho tôi. Trên con đường tôi sẽ đi, chông gai lắm lắm. Tôi sẽ phải chịu đựng nhiều.

Gian khổ về vật chất, đói khát, lạnh lẽo, chết chóc, tất cả những thứ ấy tôi coi thường. Tôi chỉ sợ đau khổ về tinh thần, vì nó có thể đẩy tôi sa vào một con đường không lối thoát, một địa ngục chính tại giữa tim mình. Nó sẽ dằn vặt tôi, đeo đuổi, ám ảnh mãi không thôi.

Nếu một triết nhân phương Tây bảo : « Cuộc đời là một vở kịch không có màn chót » thì tôi đúng là một diễn viên. Tôi sẽ thủ vai tuồng tự mình mâu thuẫn với chính mình.

Trước khi tôi bước lên xe trở về Sàigòn, trong một cử chỉ đau khổ, tuyệt vọng đến tận cùng, ba tôi nói với tôi lần cuối:

– Lâu rồi… ba giả câm, giả điếc, an phận thủ thường. Nhưng bây giờ họ cũng không tha… Ba buồn quá con ! Ba biểu để mặc ba mà, con không nghe. Coi như bao nhiêu năm trời nay ba đem hết sức, hết tâm trí vào việc gầy dựng cho con nên người, ba hy vọng biết bao nhiêu vào con… Hết rồi! Thôi hết rồi…

Ba tôi nghĩ rằng tôi đã làm một việc vô ích. Nhưng ba tôi làm sao hiểu được rằng, qua cách nói chuyện và thái độ của họ, bắt buộc tôi phải trả lời dứt khoát và chỉ được phép trả lời theo ý họ muốn.

Chuyện học hành của tôi, tôi biết lắm, nhưng họ đâu cần biết đến những chuyện riêng tư của tôi. Họ muốn tôi phải dở dang… Nếu tôi bảo họ chờ tôi thi cử xong, có lẽ họ giữ tôi lại, cho là tôi thiếu thật thà.

Đối với họ, học càng cao lại càng khó giáo dục vì cái trí thức đó không phải là thứ trí thức cách mạng mà chỉ là thứ trí thức phản động, mất gốc do đế quốc nhồi sọ, truyền cho.

Có hiểu như vậy, ba tôi sẽ thông cảm và chấp nhận với tôi về hoàn cảnh thực tại vô phương giải quyết. Đời tôi đã liệng đi rồi thì cái chuyện thi cử có nghĩa gì ! .Tôi chỉ cầu mong mỗi một điều là các em tôi sẽ làm được những điều tôi không làm được, thỏa được kỳ vọng và niềm mong ước lớn nhất của ba tôi.

Tôi bước lên xe. Xe chuyển bánh. Hình ảnh ông già thất thểu đứng tần ngần, mất hồn giữa bến xe đò đông đúc của ba tôi khuất hẳn.

Tiếng động cơ rú ga, tiếng gió lùa vào mặt, trong một phút làm dịu hẳn mọi nỗi ưu phiền, đè nặng lòng tôi.

Xe ra khỏi thành phố Mỹ Tho, vượt qua cầu đúc Đạo Thạnh rồi ngã ba Trung Lương chạy về Sàigòn. Hai bên đường đồng rộng thênh thang, nhà cửa nhân dân thoạt ẩn thoạt hiện qua mấy rặng cây thưa. Cảnh sống yên tĩnh, thanh bình. Hình ảnh đó nhắc cho tôi nhớ là đất nước này đẹp quá, nhân dân hiền hòa vui sống trong cái hồn nhiên bình dị.

Trời ơi ! Vậy mà chiến tranh đã và đang xảy ra trên đất nước này! Và tôi, mai đây cũng lao vào cuộc chiến tranh đó, góp sức gió làm cho ngọn lửa hừng hực vượt lên cao

***

Đêm 28 tháng Chạp, cuối năm 1962, tôi và Cúc, Dũng ba anh em đang lui cui lo dọn dẹp, rửa nhà, sơn phết để sửa soạn Tết thì tôi nghe có tiếng xe Vélo xịch ngừng trước cửa. Tôi đang trần trùng trục bê thùng nước dội giữa nhà cho Cúc quét, vội quay đầu nhìn ra.

Bên ngoài, một cô con gái mặc chiếc áo dài màu hồng quay lưng vào nhà lúi húi dựng và khóa xe. Tôi đinh ninh là bạn của Cúc nên tôi nháy mắt ra hiệu, hỏi nhỏ Cúc :

– Con nhỏ nào vậy ?

Cúc đăm đăm nhìn ra, trả lời tôi :

– Coi bộ lạ. Đâu phải bạn em.

Và lạ thật. Cô ta cầm cái ví tay nhỏ, bước vào rụt rè ở cửa, chào Gúc :

– Chào chị !

Cúc bước ra :

– Cô muốn hỏi ai ạ ?

– Thưa chị, em muốn hỏi anh Hùng !

Cúc quay đầu nhìn tôi, ngơ ngác. Tôi cũng ngơ ngác không kém :

– Dạ tôi là Hùng đây ! Cô gặp tôi có việc chi cần ? Dạ tôi chưa hân hạnh được biết cô…

Cô ta cười như không nghe lời tôi nói :

– Em muốn được nói chuyện riêng với anh, bàn với anh một số vấn đề.

Nghe qua kiểu cách nói chuyện, tôi sực nhớ ngay đến chuyến về Mỹ Tho và tôi hiểu cô này là ai rồi. Tôi nói :

– Mời cô theo tôi! Lên gác nói chuyện cho tiện nghe cô. Chà! Chúng tôi đang lo dọn dẹp nhà cửa bề bộn quá.

Cô ta theo tôi bước vào gian nhà trong và leo lên gác.

Tôi mời cô ta ngối xuống bàn học, đối diện với tôi và hỏi :

– Chuyện chi đấy cô ?

Cô ta không trả lời, chầm chậm mở xắc tay đưa cho tôi một mảnh giấy con gấp tư. Tôi đón lấy mở ra :

« Thân gửi anh Hùng.

Theo tinh thần cuộc thảo luận hôm trước đây, anh đồng ý giúp chúng tôi mở một trường mới. Vậy chúng tôi xin tin anh rõ, mồng bốn Tết trường ta bắt đầu khai giảng.

Bây giờ anh chuẩn bị bài vở là vừa.

Chúc anh ăn Tết vui vẻ và một năm thành công trong mọi việc.

Thân mến
QUANG
 »

Điều tôi hiểu là đúng. Tôi chưa kịp có phản ứng gì, cô ta đa cười nửa miệng, hỏi tôi :

– Dạ, anh rõ rồi chớ ? Em là người được tổ chức gửi đến tiếp xúc với anh và sẽ rước anh đi.

– Tôi hiểu! Tôi trả lời.

– Như vậy mồng bốn Tết, em đến rước anh! Vào dịp Tết, đường đi dễ dàng, ít ai để ý.

– Đi bằng cách nào cô?

– Tùy anh! Phương tiện của mình thì dồi dào lắm. Anh muốn đi bằng xe du lịch cũng được, xe đò cũng được. Anh muốn đi với em và một chị nữa lái xe cho anh đi hay đi với mấy anh khác cũng được. Nói chung, về vấn đề di chuyển xin để anh quyết định. Anh nhứt trí chớ ?

Nghe cô ta nói, tôi ngạc nhiên hết sức. Tôi ngạc nhiên vì không ngờ tổ chức cơ sở nội thành có thể mạnh và dồi dào đến như vậy ! Tôi muốn hỏi nhiều việc, muốn biết nhiều việc, nhưng hỏi thì thực không nên.

Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, công tác cơ sở phải hết sức bí mật, hết sức cảnh giác. Có cảnh giác cao độ mới bảo toàn được cơ sở. Cảnh giác đối với mọi người chung quanh, cảnh giác cả với những đồng chí công tác chung với mình. Việc ai nấy biết, không được tò mò hỏi công việc của người khác. Nếu có hỏi cũng không ai nói. Nói cho người khác biết công việc của mình là khuyết điểm. Còn hỏi công việc người khác sẽ bị để ý, nghi ngờ, theo dõi chặt chẽ.

Như vậy, tôi là một người ngoài tổ chức của cô ta, một thứ lính mới, cần phải để ý theo dõi đề phòng. Tôi tò mò muốn biết công việc của cô ta, chắc cô ta không bao giờ nói. Chẳng những vậy còn có ấn tượng xấu, nghi ngờ. Biết thì biết vậy, nhưng tò mò tôi vẫn tò mò.

Ngồi đối diện với tôi là một cô gái rất trẻ. Mặt non choẹt, tưởng chừng đưa tay bấm là ra sữa ngay. Tóc uốn quăn. Đôi má phinh phính. Mắt lá răm, sắc sảo, đong đưa. Cái miệng mỗi khi nói chuyện là cong lên, cong xuống, mất hẳn vẻ tự nhiên. Qua sự quan sát đó, tôi đoán cô ta nhiều lắm chừng mười tám là cùng, thuộc loại thích làm dáng, ba hoa chích chòe, nhí nhảnh, dạn dĩ, lắm lời đến cái độ mà dân Nam bộ thường gọi là «xạo»

Tôi đang tìm câu nói để khích cô ta, chưa nói cô ta đã lên tiếng trước :

– Lâu nay, em cũng tiếp xúc với sinh viên học sinh rất nhiều. Em đưa họ vào khu như ăn cơm bữa nhưng chưa lần nào em thấy mấy anh ở trên quan tâm đặc biệt như đối với anh lần nầy. Trong việc đi đứng phải thảo luận với anh trước và nên nghe theo ý kiến của anh.

Tôi mỉm cười. Cô bé định cho tôi uống nước đường, đưa tôi lên mây xanh chắc ? Tôi cũng hỏi một câu chiếu lệ :

– Nghĩa là từ bây giờ tôi phải thu xếp đồ đạc sẵn ? Sáng ngày mồng bốn cô đem xe đến đây rước tôi cùng với một người lái xe ?

– Dạ, đúng bảy giờ sáng ngày mồng bốn Tết!

– Ngoài chuyện thu xếp gia đình, khi tôi vào trong ấy, theo cô, cô thấy tôi cần phải chuẩn bị những gì, sắm những gì cho nó thích hợp với đời sống ở đó ?

– Tùy anh! Nhưng em nghĩ, nếu cần sắm trước anh nên chọn nylon dầu, thứ thiệt tốt, mua ba thước để may võng. Kế đó là vài bộ đồ thay đổi. Thêm nữa là một cái mùng chiếc. Vậy thôi ! Coi vậy chớ trong đó không thiếu gì đâu. Anh không có thì cách mạng cấp cho.

– Khi đi, mình đi bằng xe du lịch hả cô?

Cô ta cười vui vẻ:

– Đúng như vậy đi anh ! Anh biết hông ? Suốt nửa tháng nay ngày nào em cũng đưa mấy anh chị em sinh viên học sinh vào khu. Sáng đi chiều về. Có hôm phải đi suốt cả ban đêm, sáng chưa về tới Sàigòn. Đông quá anh ơi ! Anh chị em sinh viên, học sinh tinh thần cách mạng họ cao lắm. Tụi này nhiều xe, cả chục chiếc, vậy mà có hôm không đủ chở, phải chờ cả ngày, đến tối mới đi được chuyến thứ hai. Chiếc nào cũng chất bảy, tám người, chật cứng như xe lô. Ngay tối hôm qua, em phải thức đưa họ sáng đêm. Chín giờ sáng nay mới về tới Sàigòn. Để rồi coi, vào trong đó thế nào anh cũng gặp vô số bạn quen.

Tôi bắt đầu tò mò :

– Đường đi chắc xa lắm phải không cô ? Nhưng đi với mấy cô, mấy cô lội bộ nổi thì tôi chắc cũng kham nổi, không lẽ tệ hơn.

– Anh muốn nói đường bộ sau khi xuống xe ?

– Dà!

– Đường xe thì đi theo lộ Đông Dương xuống Tân An, rẽ vào Thủ Thừa thẳng đến Mộc Hóa. Tới Mộc Hóa mình ngừng lại. Ở đó có xuồng gắn máy chờ sẵn, thành ra mình đâu có đi bộ, anh ! Toàn ngồi xuồng. Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau đến nơi. Anh ở lại, em xuống xuồng trở ra xe về Sàigòn liền.

Advertisements
REPORT THIS AD

– Trước giờ có khi nào gặp khó khăn, bị lính bắt không cô ?

– Không, anh! An toàn lắm. À anh ! Anh có định mang theo cái gì nặng cồng kềnh không ? Nếu có, đưa ngay cho em bây giờ để em mang vào trong đó trước. Chớ lúc đi, mang theo cồng kềnh chỉ nặng anh và có thể gặp khó khăn trên đường đi.

Tôi suy nghĩ một giây. Được mang theo ít đồ dùng thì hay quá. Tôi nghĩ đến cây đàn violon và cái radio transistor :

– Nếu được, tôi sẽ mang theo cây đàn vĩ cầm và radio transistor. Tôi vốn thích nhạc. Và tôi nghĩ ở chiến khu, mang theo một cái Radio để nghe tin tức thật cần thiết. Còn trong những lúc rảnh rỗi được chơi vài bản nhạc, thú biết mấy. Nó cũng chẳng cồng kềnh nặng nhọc gì. Đi xe nhà, chừng đó tôi mang theo cũng được. Bây giờ, chỉ sợ làm cực cô.

– Có gì cực đâu anh! Có người của tổ chức phụ trách mang những thứ đó mà ! Tuy chẳng cồng kềnh gì nhưng họ mang tiện hơn mình. Biết đâu ngay chỗ dừng xe, rủi có bọn “điệp” ở đó, địa điểm sẽ bị lộ ngay. Anh không hề gì, chỉ cực cho tụi em khi trở về gặp phải chuyện nguy hiểm thì sao ? Nhất là đường mình đi nó bị lộ…

– Nếu vậy tôi phải đưa cho ngay bây giờ ?

– Dạ !

Tôi đứng dậy lấy hộp đàn vĩ cầm máng trên tường xuống và cái radio để sẵn trên bàn đưa cho cô ta :

– Xin cô cho tôi gửi hai món này. Nếu người khác mang đi, cô dặn họ làm ơn nhẹ tay dùm cũng như đừng để nó bị ướt.

– Anh khỏi lo! Họ kỹ lắm. Tín nhiệm lắm !

– Ơ! Bây giờ cô đi xe vélo làm sao chở hộp đàn vĩ cầm ?

Cô ta cười, từ tốn:

– Cái hộp đàn này nhỏ hơn cây ghi-ta nhiều, em còn chở được. Không sao đâu anh. Chút nữa anh xuống coi em chở. Bảo đảm không hề hấn gì. Bây giờ em về nhé ! Hẹn với anh đúng 7 giờ sáng ngày mồng bốn Tết đó.

Tôi đưa cô ta xuống thang gác, ra đường. Cô ta ràng hộp đàn vĩ cầm lên yên sau chiếc vélo. Trông cô ta nhanh nhẹn, gọn gàng, thoăn thoắt như một con sóc.

Cho đến giờ phút này, nghĩa là hơn một giờ đối diện nói chuyện với nhau, tôi vẫn không thể nào biết cô ta thưộc tổ chức nào, cho đến cái tên của cô ta tôi cũng không biết nốt. Điều đó vô lý quá.

Cô ta ngồi lên yên xe, sửa soạn đạp đi:

– Chào anh! Em về !

Tôi hấp tấp, la lên:

– Khoan ! Cô cho tôi hỏi chút l

– Dạ, chi anh ?

– Cô tên gì nhỉ ? Biết sau này để còn gọi…

Cô ta nhướng mắt lên, làm một điệu bộ như ngạc nhiên lắm:

– Ý chết! Em vô ý quá! Đáng lẽ em tự giới thiệu với anh lúc mới tới. Xin lỗi anh!

– Không có chi!

– Ơ…em xin tự giới thiệu. Em tên Hồng. Thu Hồng.

Nói vừa xong cô đó, cô ta đã vội rướn người lên đạp xe vọt ra đường. Mở máy chạy thẳng. Không hề quay lại.

Như vậy là sáng mồng bốn Tết tôi sẽ lên đường. Xa Sàigòn, xa gia đình thân yêu, tôi từ bỏ nếp sống thường ngày để lăn mình vào một cuộc sống mới.

Tôi cố hình dung, tưởng tượng cái cuộc sống tương lai nhưng không sao dựng lên được trong đầu mình một hình ảnh nào. Ngày xưa, ở Đồng Tháp Mười và rừng U Minh, các tỉnh miền Tây, khắp nơi chằng chịt những sông rạch, đồn bót của Pháp rất ít, đóng thưa thớt theo các trục lộ giao thông lớn. Nhà cửa nhân dân đông đảo, vườn rộng, ruộng cò bay thẳng cánh, suốt mấy ngày liền nhiều nơi chưa hề nghe được tiếng phi cơ dù ở xa xa. Cho nên ngoại trừ những đơn vị chiến đấu, những vùng gần đồn bót người ta mới biết mùi vị của chiến tranh.

Những cơ quan, những đơn vị không chiến đấu thì chiến tranh, chết chóc chỉ là những danh từ trên sách báo và trong những buổi trà dư tửu hậu. Dù rằng thỉnh thoảng năm ba tháng cũng có tiếng bom nổ gần, vài ba năm có một trận càn quét phớt qua, nhưng chiến tranh mà như vậy thì có nghĩa gì?

Sinh hoạt của nhân dân vẫn bình thường. Dười sông ghe xuồng vẫn tấp nập đi lại. Trên bờ nhà cửa vẫn dày đặc. Mua bán phồn thịnh, cà-phê, hủ tíếu vẫn đều đặn sáng, chiều . Quả thực là một cuộc kháng chiến với đời sống đầy đủ, sung sướng và nhàn hạ. Cán bộ, chiến sĩ tha hồ đi lang thang, không phải băn khoăn bất kỳ với lý do nào.

Chiều chiều vẫn có những chiếc xuồng thả trôi trên sông, ngắm trời, ngắm nước tâm tình vụn. Đêm đêm tổ chức chè chén ăn nhậu lai rai. Đi công tác cứ chèo thuyền lêu bêu trên sông. Trước mũi để chừng một chục khóm, sau lái một quày chuối sứ chín vàng. Hai bên hông xuồng là hai bó mía.

Đói thì ghé nhà đồng bào xin môt bữa ăn. Mệt thì cắm xuồng lại nằm bắt chân chữ ngũ, hút thuốc phì phèo dưới một bóng cây, hoặc trời mát thì thả trôi nằm khểnh ra đọc sách, xước mía liền miệng.

U Minh kháng chiến chống Pháp như vậy đấy. Nhưng danh từ «gian khổ » cứ vẫn nhắc đi nhắc lại mãi trên báo chí, trong các buổi họp, học tập chính trị và ở cửa miệng mọi người. Bởi vì ở miền Đông gian khổ thật sự, khổ cực vô cùng, thiếu gạo, thiếu cơm. Ăn thì ăn khoai mì trừ cơm. Ở thì ở trong rừng với chiếc võng bố, không nhà không cửa, sốt rét liên miên, không thuốc uống. Mỗi khi tìm được một viên ký-ninh vàng phải bỏ vào một tô nước quậy ra chia cho nhau uống. Miền Tây phải biết đến, phải học tập gương hy sinh, chịu đựng gian khổ của miền Đông.

Cho nên ngày nay, trước khi đi vào cái miền nổi danh gian khổ dó, tôi muốn biết nó gian khổ đến độ nào, cuộc sống nó ra sao. Nhưng nghĩ, tưởng tượng để tưởng tượng. Tôi không sao hình dung được.

Và theo lời cô Hồng- Thu Hồng chứ – này cho biết tổ chức của cô có hàng chục chiếc xe du lịch để đưa sinh viên học sinh vào khu. Nhiều khi còn đưa không hết, không kịp. Như vậy, theo cái đà cô ta nói, suốt ba năm nay, chỉ riêng tổ chức của cô ta không thôi cũng đã đưa vào khu đến hàng vạn người là ít. Rồi còn các tổ chức khác nữa cùng một nhiệm vụ như tổ chức của cô Hồng. Rồi các tỉnh ở miền trung Nam bộ, các vùng nông thôn của những tỉnh quanh Saigon như Long An,Tây Ninh, Gia Định, Bình Dương, Biên Hòa v.r… Ui dào ! Như vậy chiến khu chắc là đông đảo, vui vô kể.

Ngày trước, ít người còn gian khổ đến như thế kia. Bây giờ số lượng người đông đảo gấp bội, cuộc sống, sự sinh hoạt của họ như thế nào ? Vấn đề ăn uống, cung cấp là vấn đề sinh tử. Ít ra ngày nay họ phát triễn được một cơ sở cung cấp đầy đủ, thừa thải vững vàng, khác hẳn ngày xưa, mới dám đưa người vào chiến khu theo nhịp độ đó. Nếu không, họ đâu dại gì và nhắm mắt liều lĩnh đưa người vào chiến khu để tự sát tập thể, chịu chết chùm với nhân số khổng lồ như vậy ?

Chịu, tôi suy nghĩ, tưởng tượng cho mấy cũng không sao hình dung nổi cái cảnh sống, thực trạng cụ thể của chiến khu. Tôi cũng nghĩ đến có thể ở chiến khu bây giờ nhà cửa phố xá đông nghịt, sinh hoạt thịnh vượng như những thành phố miền Nam, nhưng tôi thấy vô lý. Lý lẽ đó, hình ảnh đó không đứng vững dược. Vì chiến trường du kích, vũ khí đã thô sơ không đủ dùng làm sao người ta có thể bảo vệ được căn cứ trước phi cơ, bom đạn và những cuộc hành quân lớn? Vô lý!

Một ý nghĩ khác chợt đến với tôi. Chà ! Có lý nào mấy năm nay tôi sống giữa Sàigòn, dù lo học hành nhưng đâu đến nỗi tôi sống như một người bị lạc ngoài hoang đảo, không còn một người nào khác bên cạnh nên đâm ra lạc hậu tình hình. Có mắt như mù, có tai như điếc ?

Nếu có một khối lượng đông đảo như vậy, tất nhiên phải có một cuộc vận động rầm rộ, liên tục, phải có một hệ thống cơ sở hoạt động dày đặc như màng nhện. Và như vậy, ít ra cũng phải một đôi lần tôi được nghe người khác nói chuyện về « kháng chiến chống Mỹ Diệm », nói chuyện về Mặt Trận Giải Phóng chứ ! Người ta thường bảo rằng không nơi nào dễ tuyên truyền, gây cơ sở bằng học đường, bằng các giới sinh viên học sinh, giới sống nhiều bằng lý tưởng, ham thích hoạt động, nhạy chống đối, cởi mở tình cảm và nhất là ngây thơ, dễ tin hơn bất cứ giới nào khác.

Đàng này, bạn bè tôi cũng đông, người quen cũng không thiếu, cả số học trò tôi nữa, nhiều lắm nhưng chưa hề tôi được nghe ai nói đến cái danh từ « Mặt Trận Giải Phóng» hay « Cách Mạng », « bọn đế quốc xâm lược Mỹ »

Lạ! Hay tôi ngày nay đã trở thành một loại người kỳ quặc, lạ lùng cho nên ai ai cũng không thèm đem vấn đề này ra nói chuyện tranh luận, nói chuyện với mình ? Điều nên rõ là trong giới sinh viên học sinh ngày nay việc tranh luận, bàn cãi chính trị, hội thảo v.v… trở thành một thói quen mất rồi.

Tôi à ? Tôi thì tại sao một cuộc vận động rộng rãi, gần như tranh thủ không chừa ai cả lại không ai thèm nói cho tôi nghe ?

Một thắc mắc, một nghi ngờ mà tôi không tài nào trả lời được..

Qua mấy ngày Tết, tôi nằm lì ở nhà, chả buồn thăm ai. Các em tôi đều về quê. Tôi phải ở Saigon giữ nhà. Cái chuyện về quê mấy năm trước đây có đứa nào được về? Vì tình hình không yên ổn, vì sợ chuyện không hay xảy ra nên ba má tôi lên Sàigòn thăm Tết cùng ăn Tết ở Sàigòn. Mới 28, 29 Tết là người lo chở gà vịt, bánh trái đến rồi.

Riêng năm nay, tôi nghĩ, gia đình tôi đã có tôi thoát ly theo họ thì các em tôi về chắc sẽ không gặp một sự rắc rối phiền hà nào.

Mồng ba Tết, các em tôi trở về Sàigon. Cùng đi các em, còn có má tôi. Má tôi đến chơi và đưa tiễn tôi lên đường.

Sáng mồng bốn Tết, tôi dậy rất sớm. Đồ đạc cần dùng, tôi cho vào trong cái túi vải cao su có quai mang, loại túi thông dụng trong các cuộc đi chơi xa.

Tôi chờ Hồng đến. Cả nhà tôi cũng đều ngồi quanh tôi chờ đợi, ngóng ra đường mỗi khi có tiếng động cơ xe du lịch nào chạy qua. Trong cái giờ sắp sửa ra đi đó, sao mà trang nghiêm, nặng nề thế không biết nữa. Gần như chẳng ai nói với ai câu nào.

Tự dưng, tôi nhớ đến những ngày tôi còn bé, cắp sách đến trường. Tôi đọc trong sách « Quốc văn giáo khoa thư » bài « Kẻ ở người đi ». Bây giờ, sau gần hai mươi năm, tôi vẫn còn thuộc lòng… « Chiều nay cơm nước xong rồi. Thầy me tôi tiễn tôi xuống bến… Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy ?»

Má tôi, hai em tôi, người nào mắt cũng đỏ hoe. Nước mắt long lanh đọng ở rèm mi. Tôi cúi đầu xuống, không dám nhìn, vì tôi không muốn để má tôi và các em biết tôi cũng đang sắp sửa khóc, lòng tôi đang trải qua một cơn xúc động đến nghẹn ngào. Tôi là con trai…

7 giờ trôi qua một cách thản nhiên. Rồi 8 giờ vậy. Hồng vẫn bặt vô âm tín. Tôi thấy khó chịu và cáu thật sự. Trong đời tôi, tôi ghét phải đợi chờ. Nhất là bị đợi chờ, bị người ta cho ăn « thịt thỏ » không giữ lời hứa.

Gần 8 giờ 30. Tôi hầm hầm đứng dậy, bực dọc nói một mình:

– Chó thiệt! Không thèm đi đâu hết!

Giữa lúc tôi định lột giày, cởi áo thì Hồng xuất hiện ở cửa. Cô ta cúi đầu chào má tôi và các em tôi. Quay sang tôi, cô ta nhoẻn miệng cười, cái cười hết sức thoải mái, tự nhiên cố hữu : ·

– Xong rồi hả anh ? Mình đi ngay, kẻo trễ đó!

Tôi không cười được mà hét lên vì bực dọc :

– Tại sao cô hẹn tôi đúng 7 giờ sáng, bây giờ cô mới đến ? Có biết mấy giờ rồi không ?

– Thôi mà anh ! Tại sáng nay em bận qua Gia Định có việc nên về trễ. Còn sớm mà ! Mình đi anh, để xe đợi lâu không tiện.

Nói xong, Hồng bước ra cửa, đứng chờ. Không biết làm thế nào, tôi đành khoác túi vải cao su lên vai. Tôi lẩm bẩm:

– Thưa má con đi ! Anh đi nghe hai đứa l

Má tôi sụt sịt khóc, đứng dậy. Hai em tôi cũng đứng dậy. Tôi năn nỉ má tôi :

– Má đừng buồn nghe má! Con đi, ít lâu yên ổn con lại về. Con không chết đâu ! Má đừng đưa tiễn gì… Ra đường mọi người chung quanh thấy má khóc coi chừng họ biết. Không tiện đâu má. Con đi!

Tôi bước ra cửa như trốn chạy.

Hồng đang đứng ở lề đường đưa mắt nhìn xuôi ngược, dáng chừng đang tìm xe. Tôi đến bên Hồng :

– Cô Hồng! Cô đến đây bằng gì? Xe đâu ?

Hồng lơ đãng :

– Em đến bắng taxi !

– Nếu vậy xe chờ ở chỗ khác à ?

– Dạ! Bây giờ mình đón taxi đến đường Lê Đại Hành đi xe khác !

Một chiếc taxi trờ đến, tôi đưa tay chận lại. Tôi mở cửa băng sau cho Hồng leo lên trước, tôi lên sau và đóng cửa lại. Xe vọt đi. Tiếng đồng hồ tính tiền nhảy tích tắc đều đều.

Tôi nghĩ là cô Hồng này cẩn thận, không dám cho rước tôi tại nhà. Cẩn thận như thế tốt lắm. Tôi liên tưởng đến cái chuyện sai hẹn của cô ta, tôi nghĩ chắc không phải do cô ta mà do trở ngại ngoài ý muốn nào đó, không ngoài mục đích bảo vệ tôi và tổ chức khỏi bị lộ. Nghĩ đến đó lòng tôi thấy dịu lại. Nỗi bực dọc vơi dần.

Bỗng anh tài xế taxi lến tiếng hỏi :

– Dạ, cô cậu đi đâu ?

Tôi thấy lúng túng. Anh tài xế ngờ tôi và Hồng là vợ chồng, nếu không cũng là cặp tình nhân đi chơi Tết. Không có liên hệ như vậy thì sao hai người lại ngồi chung ở băng sau? Tôi muốn đính chánh nhưng thấy vô lý và không đáng gì, nên thôi.

Tôi liếc nhìn Hồng. Hồng thản nhiên như không, bảo tài xế :

– Anh cho đến đường Lê Đại Hành. Góc trường đua Phú Thọ, ngã tư Trần Quốc Toản đó.

Xe chưa đến ngã tư Lê Đại Hành – Trần Quốc Toản, Hồng đã ra hiệu cho xe dừng lại ở một quãng trống. Dựa lề bên hông trường đua không có một người nào, cũng không một chiếc xe du lịch nào đậu sẵn.

Trả tiền taxi xong, tôi bước xuống đường hỏi cô ta:

– Xe đậu ở đâu cô ?

Hồng hỏi ngược lại tôi:

– Xe gì, anh?

Tôi gắt :

– Xe du lịch mà cô nói, chở cô và tôi đi vào trong ấy chứ còn xe nào nữa !

Hồng cười :

– Không ! Mình đi bằng xe đò mà ! Em cũng không đưa anh đi. Hôm nay bận, em đưa anh đến đây rồi có một người khác đến đưa anh vào Chợ Lớn, đón xe đò. Anh ấy sẽ đưa anh đi đến nơi.

Hai tai tôi nóng ran. Thì ra cô ta đã nói láo. Nói láo một cách trơn tru, vui vẻ, thản nhiên như tôi là một đứa trẻ con. Tôi giận run lên. Tôi thấy thù và ghét cô ta kinh khủng :

– À ! Vậy mà cô bảo với tôi, cô cùng một cô nữa lái xe du lịch đưa tôi vào trong ấy. Mới khi nãy đây, lúc còn ở nhà tôi, cô hối đi nhanh lên để xe đợi lâu. Trước lúc lên taxi, cô cũng bảo đến đây có xe khác. Bây giờ rõ ra, chẳng có xe cộ gì hết. Lạ thực ! Cô dám nói láo với tôi một cách trắng trợn. Không ngượng miệng thế này… Tôi phục cô lắm đó cô Hồng ! Những người ở chung với cô có nói cái kiểu như cô không ?

Hồng lại cười, như trêu tức tôi. Cô ta liếc xéo tôi :

– Anh sao khó quá hè!! Kìa, anh ! Anh ấy đến đó. 

Theo tay Hồng chỉ, một thanh niên đứng tuổi mặc sơ mi trắng bỏ ngoài, vận quần tây xám, mang dép cao su cởi xe đạp từ bên kia đường băng sang. Nét phong trần, đen xạm trên mặt anh ta gây cho tôi chú ý. Có lẽ ít ra, anh ta cũng ngoài ba mươi lăm rồi.

Anh ta vừa xuống xe, Hồng đã vội vã giới thiệu :

– Giới thiệu với anh, đây là anh Hùng. Và đây là anh Út. Anh Út sẽ đưa anh đi đến nơi. Bây giờ tôi về. Chào anh!

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì cô ta đã giằng chiếc xe đạp trên tay anh Út phóng đi ngay.

Anh Út có vẻ ngượng nghịu bắt tay tôi :

– Tui là Út. Tôi… có nghe và được giới thiệu về anh. Hình như cô Hồng đã làm điều gì anh khó chịu ?

– Cô ấy nói láo với tôi nhiều quá.

– Nói gì vậy anh ?

– Thôi anh! – Tôi nói.- Bây giờ lo đi cái đã.

Út ra đường vẫy tay đón một chiếc taxi. Chúng tôi leo lên và bảo chạy thẳng vào bến xe đò Chợ Lớn.

Khi xuống xe, Út bảo nhỏ tôi :

– Anh có thấy chiếc xe đò sơn màu vàng, bên hông đề hàng chữ «Chợ Lớn- Đức Hòa – Bàu Trai » đó không? Mình đi xe đó đấy ! Khi lên xe, tui sẽ ngồi ở hàng băng trước. Anh ngồi sau tui hai băng nghe ! Chừng nào tui xuống xe, anh cứ xuống theo. Mình làm như không quen biết gì hết. Phải cẩn thận để ý mới được. Anh nhớ mua vé đi Bàu Trai.

Theo lời Út dặn, sau khi nói xong, tôi và Út như hai người không quen biết. Tôi đi mua một gói thuốc lá. Út lên xe ngay, ngồi ở băng thứ hai. Tui tiến lại, bước lên băng thứ năm.

Xe hãy còn trống, lưa thưa vài người khách. Để túi cao su đựng hành lý xuống sàn xe ngay chỗ ngồi, tôi móc thuốc lá ra hút, quan sát chung quanh.

Chẳng có gì lạ cả, quang cảnh bến xe đò nào cũng có những nét giống nhau. Cũng ồn ào náo nhiệt, cũng đủ mọi thứ tiếng động, tiếng xe nổ máy rì rầm, tiếng rao hàng, bán kem, bánh mì, báo chí v.v… Cũng quang cảnh rước khách, xe đậu hàng dãy, người tấp nập ở bến.

Tôi bắt đầu băn khoăn. Không biết trên đường đi có chuyện gì xảy ra đây ? Trước, tôi cử tưởng mình đi xe nhà, xe du lịch với Hồng đi theo con đường quốc lộ số 4, rẽ qua Thủ Thừa Mộc Hóa, tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường, giữa lòng Đồng Tháp. Trên các lộ giao thông, dẫy đầy những đồn bót, những trạm kiểm soát dân sự và quân sự. Trong thời chiến tranh, sự kiểm soát rất cần thiết để ngăn chận những hoạt động của đối phương.

Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng những câu trả lời hợp lý, hợp tình nhất, mỗi khi có lính hỏi. Nhưng thực tế không giống như lời người ta báo trước với tôi. Người ta chỉ nghĩ đến chuyện thổi phồng sự việc, tạo nên những phương tiện di chuyển đầy đủ nhất, hách nhất để quan trọng hóa, để động viên tinh thần, gây thêm tin tưởng vào sự lớn mạnh của Cách mạng, gây phấn khởi cho người được tuyên truyền như tôi.

Họ chỉ quan tâm đến kết quả nhất thời, coi thường hậu quả của sự dối trá, của thủ đoạn, của những phương thức có tính cách tiểu xảo, lòe người..

Bây giờ trên đường đi, nếu các trạm kiểm soát họ xét giấy tờ tôi, hỏi tôi đi đâu ? Làm gì ? trong khi tôi không phải là người sinh quán ở Long An, Đức Hòa, Đức Huệ, cũng không quen một ai, không biết cả tên một xã, một con đường nào ở các địa phương này. Nhất là một sinh viên đang trong thời gian sửa soạn thi cử, bỏ trường đi phất phơ. Tôi sẽ trả lời sao cho xuôi đây ? Phải chi bảo thẳng cho tôi biết trước, dặn dò về đường đi nước bước, đâu đến nỗi phải âu lo phiền phức thế này ?

Xe đã chật người và bắt đầu chuyển bánh.

Ra khỏi Phú Lâm, Bà Quẹo, hai bên đường toàn đồng ruộng hoang vu, chạy dài xa tít như tận cuối chân trời xa. Con đường này, lần đầu tiên tôi đi nên mọi cảnh đều lạ.

Nắng càng ngày càng lên cao. Kim đồng hồ chỉ mười một giờ. Tuy gió lùa qua cửa xe rào rào, cái nắng hanh ngoài trời vẫn còn làm cho hành khách đổ mồ hôi, bực bội, ướt cả áo lót bên trong.

Người ta thường bảo mùa xuân mát mẻ, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, thực là mùa lý tưởng nhất trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng ở miền Nam này chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thì mưa như trút nước, trên trời bao giờ cũng đầy mây. Mưa đó, tạnh đó. Đang nắng đó bỗng mưa đó. Mưa dầm suốt cả mấy ngày liền. Về mùa nắng, cái nắng nóng như thiêu, ngột ngạt khó thở chẳng khác cái nắng mùa hạ có gió lào thổi mạnh trên đất Bắc.

Tôi tựa tay lên thành xe, nhìn ra cảnh đồng khô rung rinh, chập chờn sao nắng giữa ban trưa.

Xe đến cầu kinh xáng, dừng cho mấy hành khách xuống rồi lại tiếp tục chạy đi. Đường từ đây gồ ghề, xốc xếch làm xe dằn tung người lên, cứ nhấp nha nhấp nhỏm như cỡi sóng, đau đít và khó chịu lạ thường. Tôi thò đầu ra cửa xe. À, thì ra đường lồi lõm chỉ vì bị phá hoại. Dấu vết đào rồi đắp đi đắp lại. Kẻ phá người đắp như thi gan cùng nhau. Đất cũ, đất mới trộn lẫn. Đầy dẫy nhiều mô nhỏ còn sót dọc hai vệ dường. Chả trách, sao xe lại không xóc !

Xe đang chạy ngon trớn, bỗng dừng lại giữa đồng. Ở phía trước nhiều người nhóng cổ dậy, bàn tán, ở phía sau cũng nhao nhao lên hỏi :

– Gì đó ? Gì đó mấy ông mấy bà ?

– Gì vậy ? Đường bị kẹt mô phía trước hả ?

Ở phía trước có người đáp lại :

– Chưa biết! Ở đằng trước nữa ! Xe đậu cả dọc có thấy gì đâu !

Bác nông dân khăn cột đầu rìu ngồi phía trong tôi, lấy cánh tay hích nhẹ tôi mấy cái :

– Cậu, cậu ! Cậu cho tôi xuống xe chút, coi cái gì vậy!

Tôi nép người, co chân cho bác ta bước ngang, đẩy cửa nhảy xuống dất :

– Chà, nắng dữ !

Phía trước, phía sau cũng nhiều người tò mò, xuống xe. Tiếng cửa đóng, mở nghe ầm ập.

Một lúc sau, bác nông dân trở lại. Bác ta hơ hãi nói phân bua với mọi người :

– Mèn ơi! Ở đằng trước có chiếc xe Lam bị mìn thiệt là ghê ! Máu me đổ đầy đường. Chiếc xe nát bấy. Mỡ óc văng tùm lum, tanh muốn mửa. Mới mùng bốn Tết…

Một người trên xe nói vọng xuống :

– Tội nghiệp ! Ông nghe người bị nạn có đông không ?

– Nghe nói đâu mười một mười hai mạng gì đó. – Bác ta nói- . Đâu in như là hai người đàn ông. Còn bao nhiêu là đàn bà với con nít. Họ được một chiếc xe đò khác chở về Đức Hòa hết rồi. Bây giờ, mấy chú Dân vệ, Bảo an đương dọn dẹp cho trống đường xe chạy. Gần xong rồi !

– Ứ hự ! Thiệt khổ ! Mấy ông giải phóng có đánh, có giết thì đánh nhau với lính Quốc Gia chớ đàn bà con nít tội tình gì mà giựt mìn chết thảm thiết vậy ! Đường này chỉ có xe đò, xe lam chạy thôi. Có xe nhà binh nhà bung gì đâu ! Cứ cái cảnh vài bữa phá đường, vài ngày đắp mô rồi gài mìn, có nước dân chúng chết hết.

Bà già ngồi băng trên, nẫy giờ ngồi hít hà, chép miệng niệm Phật không ngớt cũng lên tiếng :

– Thôi cho tôi xin đi mấy ông mấy bà ơi! Thời buổi bây giờ khó lắm. Phải sao chịu vậy! Nói động phạm tới người ta còn khổ nhiều hơn nữa đa!

Người kia dường như nổi nóng :

– Bộ tôi nói hỏng phải sao ? Chết oan chết ức chịu sao nổi ? Thấu trời chưa ! Là con người, phải có lòng nhân đạo với chớ !

– Tui thì tui sợ lắm. Tui hổng dám đụng chạm ai. Tui sợ tai vách mạch rừng nên nói vậy thôi.

Bác nông dân đứng dưới đường la lên :

– Xe chạy được rồi kia. Thôi lên xe bà con ơi!

Tôi ngồi lặng người đi, buồn vô hạn. Chiến tranh là như vậy đó. Nó không từ ai cả. Đã nói đến chiến tranh là nói đến chết chóc, đau khổ, chia ly, là nói đến địa ngục tối tăm nhất của con người. Chiến tranh làm gì có thứ chiến tranh nhân đạo?

Xe chạy ngang, tôi đưa mắt nhìn cảnh đã xảy ra với một sự chua xót tận cùng. Nơi bị mìn, men đường hiện ra một cái hố đất rộng bị mìn đào sâu hoắm. Đất đá trộn lẫn vào nhau vương vãi lấy mặt đường. Mấy miếng vải trắng be bét máu, máng lên một chà tre khô, lắc lư theo gió.

Chiếc xe lam được kéo vào lề, chỉ còn mấy miếng sắt vụn, bẹp dúm, nám đầy khói đen, với máu đã ngã màu nâu thẫm và mỡ óc lầy nhầy, nhớp nháp màu vàng nhợt. Một mùi tanh đến buồn nôn, làm tôi nổi gai ốc ở sống lưng rùng mình lại.

Như vậy, tai nạn có lẽ xảy ra từ sáng sớm, cho đến bây giờ này mới dọn dẹp xong. Mấy anh lính Dân vệ đứng dưới đường, súng máng trên vai, thẫn thờ nhìn xe qua, mồ hôi chảy giọt, bất động như những pho tượng buồn được người ta mang ra dựng ngoài trời nắng chang chang.

Trên xe tiếng thì thào bàn tán thưa dần, sau cùng chẳng còn ai nói đến nữa. Trời càng ngày càng ngã về chiều. Thị xã Bàu Trai, tỉnh lỵ Hậu Nghĩa, với những chấm trắng, xám, đỏ của phố xá, nhà cửa hiện rõ dần.

Út chồm về phía trước, ra hiệu cho tài xế ngừng xe lại. Còn chừng năm trăm thước nữa mới đến thị xã. Xe hiện đang còn ngoài đồng trống. Mé trái là một bờ mẫu đắp cao khỏi mặt ruộng, cũng là một con đường mòn dẫn vào xóm.

Út xuống xe băng ngang đường. Tôi cũng hấp tấp đẩy cửa bước xuống. Tôi hồi hộp lạ. Vì cái lô-cốt nhỏ về phía Bàu Trai chỉ cách một quãng ngắn tương đương với bìa xóm, lố nhố những lính đứng ngoài đường. Dọc theo bờ mẫu lại trống trơn, xa xa mới có được một cây trâm bầu trơ trọi, cheo leo.

Nếu lính ở lô-cốt thấy khả nghi gì đó, gọi tôi và Út lại thì vô phương chạy thoát. Mặt khác, không biết trong bìa xóm có ông lính phất phơ nào đi chơi, tán gái, hoặc nằm phục kích sẵn trong đó, thực là tai hại vô cùng. Dù sao, đã xuống xe tức phải đi, phải chấp nhận sự thực hiện hữu không còn cách nào khác hơn.

Phía trước, Út cứ rảo bước không hề ngoái cổ lại, đi càng ngày càng xa. Tim tôi đập loạn nhịp. Đưa mắt liếc về phía lô-cốt lần nữa, tôi ôm cái túi vải cao su băng qua đường, bước vội theo.

Càng cố gắng bước nhanh, tôi thấy quãng đường càng dài. Cự ly giữa Út và tôi cứ lớn dần thêm. Sao anh ta đi nhanh thế không biết nữa ! Tôi muốn vọt chạy theo cho kịp nhưng không dám. Sợ rằng mình chạy, khác nào tự mình tố cáo, gây sự chú ý cho lính ở lô-cốt, tai họa sẽ đến ngay. Lúc đó, đối với tôi, một phút dài bằng một thế kỷ. Tôi quên cả cát nóng dưới chân lọt qua kẽ giày và ánh nắng gay gắt buổi ban chiều xiên thẳng vào mặt.

Hú vía ! Bước đến bụi cây trâm bầu đầu xóm, bóng mát đầu tiền làm tôi thấy khỏe lên. Và cái lô-cốt cũng khuất sau bụi trâm bầu. Tôi thở phào, nhẹ nhỏm như vừa trút gánh nặng nghìn cân.

Út đi chậm lại chờ tôi. Nhìn gương mặt anh ta, tôi cũng đọc được những cảm nghĩ bất thần, hồi hộp vừa xảy ra. Anh ta cười, cái cười nhẹ nhỏm và tươi :

– Khỏe rồi ! An toàn được bảo đảm chín chục phần trăm đó, anh Hùng ! Anh hồi hộp dữ hả ?

Tôi cũng cười :

– Đủ đổ mồ hôi lạnh!

– Mình đi vào buổi chiều êm lắm ! Ít khi nào găp lính. Tụi tui cũng cho điều tra, nghiên cứu kỹ tình hình rồi đó chứ! Trời nắng như cháy da vậy, tụi lính nó làm biếng đi lắm. Tụi nó cũng dâu có ngờ mình đi con đường này. Ngoài ra tụi tui có đặt hệ thống canh gác ngầm ở đây. Có lính thì có dấu hiệu báo cho biết liền từ lúc chưa xuống xe lận kia !

– Làm sao biếi được anh ?

– Khăn trắng ! Khăn trắng phơi trên cái sào kia cà! Ngoài ngã ba thì có mấy cục đất !

Vừa đi chầm chậm, tôi vừa hỏi Út :

– Có lẽ anh đi con đường này hằng ngày ?

– Phải đi hàng ngày tui đâu có hồi hộp. Đàng này có khi năm mười ngày, nửa tháng mới đi một lần.

– Những ngày kia chắc cô Hồng và anh chị em khác đi thay anh ?

Út lắc đầu :

– Không ! Cô Hồng quanh năm chỉ nhỏng nhỏng ở thành phố thì nhiều. Những anh em khác thì bận những việc khác. Họa hoằn lắm mới có một đôi lần đi thay, khi nào tui bịnh. Nói ra thì nó kỳ chớ mấy anh chị em kia họ có chịu nhận việc này đâu. Nguy hiểm mà ! Chỉ có tui, tui lãnh đủ.

– Sao cô Hồng, cô ấy bảo cô ấy đi hàng ngày. Có khi đi suốt cả đêm, vì anh chị em sinh viên học sinh tham gia cách mạng đông đảo lắm. Hàng chục xe không đủ chở. Chẳng những vậy, đi toàn xe du lịch, xe nhà. Hôm 28 Tết, cô Hồng hẹn với tôi 7 giờ sáng nay sẽ đem xe du lịch đến đón tại nhà, có một cô khác lái xe.

Út nhếch mép cười. Mắt anh ta nhướng lên, tỏ vẻ không vừa ý, kể lể một hơi dài :

– Cái kiểu động viên tinh thần làm cho người ta phấn khởi bằng cách nói láo thì cô Hồng thiện nghệ lắm. Anh nghe làm gì cho mệt. Cả chục chiếc xe, cái đó thì có ! Xe đò Chợ Lớn nè !! Không phải một chục mà hàng trăm chiếc. Còn đưa người vào chiến khu thì tui nè ! Mỗi một mình tui chớ ai đâu. Có mấy lần họp đơn vị tôi phê bình cách động viên láo đó, nó hại uy tín chung, nhưng mấy anh ở trên bảo là tui ngây thơ, kém kỹ thuật tuyên truyền, cần phải được học tập thêm. Thật hay không thật không thành vấn đề, tuyên truyền mà chất phác thật thà sẽ không mang lợi ích gì hết. Mục đích, yêu cầu của tuyên truyền cái chính là làm sao gây được sự phấn khởi, lôi kéo được quần chúng theo mình. Từ đó đến giờ, tui không phê bình ai nữa. Nói chẳng ai nghe thì nói làm gì ! Miễn rằng tui giữ sao cho khỏi phạm vào điều đó thì thôi. Mình học ít, lý luận kém, đâu có ý kiến gì hay nên có ai thèm nghe làm chi.

– Ở Sàigòn anh làm việc ở đâu anh ?

– Anh hỏi nghề nghiệp tui hả? Tui chỉ đạp xích lô chớ có làm việc chi đâu.

– Mỗi ngày trung bình anh kiếm chừng bao nhiêu? Dễ thở chứ ?

– Cũng dễ chịu ! Ngày vầy ngày khác !! Ít lắm cũng kiếm được một trăm. Nhiều thì vài ba trăm.

Tôi khen :

– Chà, vậy là sướng quá rồi!

Út tiếp :

– Cũng khá là nhờ sống một mình, không phải nuôi gia đình vợ con gì, nên kể ra dễ chịu lắm. Nhưng anh thử coi, mỗi ngày trả tiền mướn xe hết hai chục, cà phê cà pháo, thuốc hút cũng hết bốn, năm chục nữa. Ba bữa ăn sáng trưa chiều, mỗi bữa chừng vài ba chục. Có khi tối đói bụng phải ăn thêm. Có thừa chút đỉnh đó anh, nhưng đâu phải ngày nào cũng đạp xe đều đều. Còn phải nghỉ vì bịnh hoạn, nghỉ lo công tác hoặc đưa khách như hôm nay. Đó là chưa kể chè chén, qua lại với anh em. Như tối hôm qua gặp mấy anh em bạn quen, rủ họ qua đường làng 21 bên Gia Định nhậu thịt chó, bốn năm trăm liền. Dư dả gì anh! Vay mượn hoài thôi.

– Tôi tưởng những ngày như thế này có tiền công tác phí chứ ?

– Có! Chỉ có tiền xe bận đi bận về 30 đồng và tiền hai bữa ăn 30 đồng nữa. Tất cả là 60 đồng. Vậy thôi.

Nghe anh ta nói, tôi thấy thương anh ta nhiều. Tuy chưa có dịp được nói chuyện tâm tình, đi sâu vào tâm tư ý nghĩ thầm kín nhất của Út nhưng qua vài câu nói tôi thấy có một cái gì gần gũi, thân thiết đáng yêu. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hoàn cảnh của anh chắc cũng không khác gì tôi. Tôi nghĩ đến một thắc mắc khác :

– Công tác ở nội thành phức tạp thiệt, anh Út!

– Cái đó là vốn rồi ! Phức tạp mà nguy hiểm nữa.

– Tổ chức không khéo dễ bị lộ lắm ! Chẳng những vậy, những anh chị em tư tưởng không vững, gặp chuyện bất mãn đi tố cáo với địch thì tổ chức bị bắt hết, không còn sót một mống.

– Coi vậy chớ việc kiểm soát nội bộ chặt chẽ lắm anh. Ai có hiện tượng gì bất thường đều được thuyên chuyển về căn cứ ở chiến khu hết. Sau đó tiến hành kiểm thảo và có biện pháp giải quyết.

– Thuyên chuyển người ta không đi thì sao ?

– Bộ gan trời sao anh ? Như vậy vô hình trung đã là phản động rồi.

Tôi hiểu lời anh ta giải thích. Tuy chỉ vỏn vẹn mấy lời nhưng thật là đầy đủ.

Phản đối, không bằng lòng vẫn phải nhắm mắt làm. Biết là sai, vô lý vẫn phải chấp nhận, vẫn phải cho là có lý.

Tôi nghĩ đến thân tôi. Buồn lắm ! Cuộc đời có bao giờ giản dị và theo ý muốn của chúng ta đâu. Tôi đã thế, anh phu xích lô này có lẽ cũng chẳng khác gì ? Anh ta vẫn phải chấp nhận điều anh ta không thích, như tôi. Từ sáng đến giờ, tôi không bị toàn bực dọc ấm ức đó sao ?

Hôm nay là mồng bốn Tết, là bước vào mùa xuân đầy hoa, đầy hương, trời mát rợi nhưng sự thực vẫn là cái nóng thiêu người, là cánh đồng hoang nẻ đất, cỏ úa vàng hoe. Tất cả những hoa, những hương, những mùa lý tưởng chỉ còn là sách vở, là những sáo ngữ. Xưa rồi…

Út đưa tôi đi sâu vào xóm, lộn tới lộn lui, có hơn nửa giờ sau đến một cái chòi lá bỏ trống ở ven ruộng. Mái chòi lợp đưng gợi cho tôi nhớ những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười. Ở Đồng Tháp mới có đưng mọc. Đây có đưng thì ít ra đây cũng là ven Đồng Tháp chứ chẳng không.

Út ra hiệu cho tôi dừng lại, chỉ vào chòi :

– Anh vô chòi nghỉ chưn một chút. Tui lại nhà đằng kia chút xíu trở lại liền hè!

Cái chòi trống hoang, trơ nền đất, lỗ chỗ những đốm nắng tròn xuyên qua mái như những trứng gà. Tôi để cái túi vải cao su xuống, ngồi lên một miếng cây mục. Út đi vòng sau chòi men theo bờ tre ven ruộng đến căn nhà đằng kia.

Hơn mười phút sau, Út trở lại cùng với một cô gái mặc đồ bà ba đen. Tóc kẹp sau ót. Chiếc khăn rằn kẽ ô đen quấn ngang ở cổ. Hai người dừng lại bên bụi tre gai, đứng nói chuyện thầm thì một lúc. Tôi biết hai người đang nói chuyện về tôi.

Một lúc, Út rút bút máy trên túi áo sơ mi xuống lấy một mảnh giấy trắng nhỏ, ngồi chồm hỗm kê lên đầu gối hí hoáy viết. Anh ta viết gì nhỉ ? Chắc lại báo cáo hay nhận xét gì đây ! Anh ta đưa mảnh giấy cho cô gái. Cô ta xem xong xếp lại liếc mắt vào chòi nhìn trộm tôi.

Út cũng nhìn vào chòi. Bắt gặp tôi đang nhìn ra, Út cười, đưa tay vẫy vẫy ra hiệu từ giã. Đoạn vuốt lại quần áo, quay người đi trở về căn nhà hồi nãy. Vậy là Út từ giã tôi ở đây, trao tôi cho cô gái này dẫn đến một nơi mới.

Ngước mắt nhìn trời một thoáng như để định giờ, cô gái thong thả bước về phía tôi, nhoẻn miêng cười như quen tôi tự bao giờ :

– Mệt lắm không, anh Hùng ?

Tôi cũng vui vẻ trước thái độ cởi mở của cô ta:

– Cám ơn cô ! Thường thôi, không mệt gì lắm !

– Anh Út anh gởi lời chào từ giã anh, chúc anh đi đường vui vẻ, tiến bộ nhiều.

Tôi không nói gì, cô ta tiếp :

– Bị xế rồi, ảnh sợ trở về Sàigon không kịp nên vội vàng không kịp đến từ giã anh.

Đột nhiên tôi nhớ từ sáng đến giờ bụng tôi chưa có một hột cơm. Giờ «kiến» đang bò cồn cào trong bụng. Tôi hỏi cô ta :

– Bây giờ cô lại tiếp tục dẫn tôi đi nữa phải không cô ?

– Dà !

– Đi lâu không cô ?

Cô ta nhìn tôi xoi mói, suy nghĩ một giây :

– Lâu hay mau tùy ở anh! Sớm thì năm giờ, trễ thì sáu giờ, sáu giờ rưỡi cũng tới chỗ nghỉ. Có chuyện gì không anh ?

– Chẳng có chuyện gì… chỉ hơi đói thôi. Gần đây, hoặc trên đường đi có quán bán thức ăn chứ cô ?

– Có quán hơi xa một chút. Mà Tết nhứt vầy, mấy ngày nay chẳng có ai bán buôn gì đâu. Anh ráng một chút được không ? ‘

– Ráng gì, cô ?

– Ráng chịu đói ấy mà ! Hay là… anh ngồi chờ tui một chút! Tui lại đằng nhà bác Ba hỏi thử coi. Hình như bả còn vài đòn bánh tét. Để tui xin cho anh một đòn ăn tạm cho đỡ đói.

Không biết gì hơn, tôi xuýt xoa :

– Phiền cô quá. Cám ơn cô lắm đó !

Cô gái bước đi. Tôi lo sợ vẩn vơ. Ở đây vắng quá.

Lác đác có vài nhà lá, nhưng sao vắng hoe, không thấy người thấp thoáng. Kể ra từ đây đến tỉnh lỵ Hậu Nghĩa không xa xôi gì lắm. Chừng vài cây số là cùng. Rủi Dân vệ hay Bảo an bất ngờ thả rong đến đây thì tôi chạy trốn đường nào, hoặc ăn nói làm sao cho trôi ?

Tôi thầm trách Út, nhưng nghĩ cho cùng, tôi thấy Út cũng chẳng có trách nhiệm gì. Nếu có, là tổ chức của anh ta, mà tổ chức của anh ta cho đến giờ phút này tôi chẳng biết gì hơn ngoài những tên Thu Hồng, tên Út và vài câu chuyện suy đoán vẩn vơ cộng với sự tiết lộ « láo thiên láo địa » của Hồng. Giờ đến cô gái này, và tôi thì bơ vơ ngồi đây.

Có những điều mà những kẻ trong bước thoát ly đầu tiên bỡ ngỡ, băn khoăn, hồi hộp lo sợ hằng trăm thứ. Người dẫn đường nên giải thích, động viên, an ủi họ để họ yên lòng vì đó là một tác động tâm lý cần thiết. Người mới, bước vào một khung cảnh mới, sinh hoạt mới, làm sao không bỡ ngỡ băn khoăn, làm sao không úng túng giữa một khung trời lạ, ngoài sự hiểu biết, ngoài sự tiên liệu của cuộc sống bình thường.

Tôi cũng vậy ! Đáng lẽ, tổ chức của Út phải dặn anh ta trước khi trở về Saigon, nên nói với tôi mấy câu tóm tắt sơ lược những gì có thể xảy ra trên đường tôi đi tới. Tôi sẽ ăn ở đâu và ngủ ở đâu? Tôi sẽ đến nơi nào, nên quan tâm những gì, đề phòng những gì v.v… Và tác động tâm lý cần thiết không kém quan trọng là cho tôi viết mấy chữ gởi về gia đình, báo sơ rằng tôi vẫn bình yên để gia đình tôi đỡ lo, cá nhân tôi được yên lòng.

Cái chuyện động viên, gây phấn khởi, niềm tin cho tôi lúc tôi còn ở Sàigòn thì được người ta quan tâm, chú ý dù phải bịa đặt, dựng đứng những sự kiện không bao giờ có, người ta cũng không từ. Bây giờ đã đưa tôi ra khỏi Sàigòn, đã ném tôi ra khỏi khung trời cũ, quen thuộc của tôi thì không quan tâm nữa làm gì, phải không ?

Không biết từ đâu đến, chỗ nghỉ còn bao xa nữa ? Tôi sẽ gặp những ai ở đó ? Cuối cùng, tôi sẽ đến tận đâu ? Chiến khu mà tôi ở thuộc vùng nào, người ta đối xử với tôi ra sao ? Những điều đó làm tôi băn khoăn không ít.

Bây giờ, 3g chiều ngày mồng bốn Tết, ngày đầu tiên tôi rời khỏi Sàigòn tham gia Cách mạng, bụng tôi hãy còn trống trơn. Thấy đói. Cái đói cộng với nỗi sợ hãi bâng quơ làm tôi nhũn người ra, không khác sợi dây đàn mới được mắc vào trục lỏng lẻo, bất lực không thể nào tạo được bất cứ một âm thanh nào.

Cô gái đã về tới. Cô ta đưa cho tôi hai đòn bánh tét to bằng cổ tay :

– Bánh tét nhưn chuối đây. May cho anh, bả còn hai đòn, tôi lấy hết. Anh ăn cho đỡ đói, tới nơi lo cơm nước sau.

Tôi nuốt nước miếng ực qua cổ họng :

– Cám ơn cô ! Rất cám ơn nữa là khác ! Không nhờ cô, tôi chắc đói nằm vạ ở đây rồi.

Cô ta nhíu mày lại, tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi lấy làm lạ, không hiểu tại sao cô ta phản ứng như vậy. Hay tôi đã làm một cử chỉ vụng về ? Tôi đang phân vân thì cô ta tiếp :

– Anh ăn lẹ lên rồi còn đi ! Tối rồi đó!

– Cô dẫn tôi đi ?

– Dà !

Tôi thấy khó chịu qua cử chỉ đó. Tuy vậy, tôi cũng tuột dây cột đòn bánh tét, định mở. Cô ta đứng dựa vào cột chòi, đăm đăm nhìn tôi và hỏi :

– Sao anh hay « cám ơn » quá vậy?

Tôi ngơ ngác hỏi lại :.

– Cô nói sao ?

– Tui muốn hỏi tại sao anh ưa dùng tiếng « cám ơn » hoài vậy ? Nãy giờ, anh nói ba bốn lần với tui rồi l

Tôi lấy làm lạ, quên hẳn đòn bánh tét :

– Cô không thích hai tiếng đó à ? Tôi nghĩ đó là phép lịch sự cần phải có của con người. Tôi cám ơn cô với nghĩa đó chứ tuyệt nhiên không vì một lý do nào khác. Thế từ nhỏ đến giờ cô chưa nói « cám ơn » ai bao giờ à?

– Hồi đó thì có. Bây giờ là không!

– Nghĩa là sao ? Tôi chưa hiểu !

– Nghĩa là từ hai năm trở về trước, ba má tui dạy tui «cám ơn » mỗi khi người ta cho mình hay giúp mình việc gì. Cho nên tui nói hồi đó tui có nói. Từ ngày theo Cách mạng đến giờ bị phê bình riết, tui bỏ đi.

Tôi cười :

– Dùng hai chữ « cám ơn » mà bị phê bình ? Kỳ cục! Tôi mới nghe cô nói lần đầu tiên trong đời tôi đó! Lạ thiệt!

Mặt cô ta đỏ ửng lên, nói một hơi không thở :

– Gì mà lạ? Gì mà kỳ cục ? Mấy anh chị lớn dạy rằng « cám ơn » là hiện tượng của nô lệ tính, mang đầy tính chất tiểu tư sản, phong kiến. Làm chiến sĩ cách mạng, thấm nhuần tư tưởng, giác ngộ lập trường giai cấp công nông phải thủ tiêu hai tiếng đó đi ! Giúp đỡ lẫn nhau, cho lẫn nhau là một bổn phận, việc gì phải cám ơn. Bổn phận, trách nhiệm thấy thì phải làm. Không làm thì bị phê bình, kiểm điểm. Cũng như hỏi thăm anh mệt không, anh nói cám ơn. Tui nói để tui đi kiếm bánh tét cho anh, anh cũng nói cám ơn. Rồi kiếm được hai đòn mang về cho anh, anh lại cám ơn, rất cám ơn ! Cám ơn gì cám ơn hoài vậy ? Anh thấy chưa ? Hỏi thăm anh, đi kiếm bánh tét cho anh là trách nhiệm, bổn phận của tui mà ! Đâu phải đợi anh cám ơn tui mới làm đâu. Cám ơn hoài tui nghe nó bực bội lắm. Anh nhứt trí chớ ?

– Thôi thì cô nhứt trí với mấy anh chị lớn của cô đi! – Tôi nói -. Còn tôi nhứt trí hổng nổi. Có nhức đầu thì có. Chín năm kháng chiến trước đây, tôi chưa nghe ai đưa ra cái lý luận kỳ cục này. Cô mới tham gia cách mạng giỏi lắm vài năm nay nhưng tôi đã đi kháng chiến từ năm 45, 46. Lần này là lần đầu tiên tôi nghe cô nói, bắt bẻ, sửa lưng tôi. Tôi nghĩ bất kỳ xã hội nào, bất kỳ chế độ nào, phép lịch sự cũng cần phải có. Thủ tiêu phép lịch sự, con người sẽ trở thành cái gì đây? Chà… có lẽ tại tôi chưa giác ngộ cách mạng…

Cô ta cướp lời :

– Chắc chắn chớ có lẽ gì nữa ! Anh còn phải học tập nhiều, đảng còn phải uốn nắn, giáo dục anh mới tiến bộ được. Anh đi kháng chiến, đi làm cách mạng sao anh lại ở thành, không đi tập kết như mấy anh cán bộ mùa thu ? Thôi, nè anh ! Vùng này là vùng mất an ninh, giặc đột kích thường. Phải tranh thủ vừa đi vừa ăn, không ngồi ăn ở đây được. Tui hổng bảo đảm, hổng chịu trách nhiệm.

Chưa hả hơi, cô ta nhìn vào giày dưới chân tôi, trề môi ra :

– Ơ kìa! Anh còn mang đôi giày bóng ngời đó, sao không cởi ra đi? Bộ anh tưởng đi làm cách mạng như đi trên đường tráng nhựa, đi ăn giỗ, lên xe xuống ngựa chắc ? Giày này liệng bụi tre kia là vừa! Ở chiến khu chỉ xài dép râu, sao anh không mua dép râu ?

Thực là quá quắt không chịu nổi ! Mặt tôi cũng nóng bừng, nổ đom đóm mắt. Tôi cười, cái cười hết sức ngạo mạn mà có người thường bảo là giọng cười « ó đâm » chọc thẳng vào ruột người nghe :

– Tôi chưa khùng nên tôi không thể mang đôi dép râu, mặc đồ bà ba đen nghễu nghến trên đường phố Sàigòn để cho công an, mật vụ vỗ tay hoan hô. Cô nên hiểu, Sàigòn không phải là chiến khu như cô tưởng !

– Nè, anh không được ăn nói vô tổ chức như vậy nghe ! Anh tưởng anh là trí thức, anh giàu có, Cách mạng cần tới anh hả ? Đi anh ! Không nói chuyện với anh nữa !

Cô ta giận dữ, bực tức ngoe nguẩy bỏ đi ra đường mòn.

Tôi vừa giận, vừa tức cũng không sao nhịn được cười. Quả là chuyện chẳng có gì, chẳng đâu vào đâu lại có thể bỗng dưng đâm ra gây gỗ, cãi cọ một cách vô lý như thế được. Cô ta dù gì cũng chỉ là một cô bé con mới lớn. Tôi lớn hơn cô ta nhiều. Lớn đầu đi cãi lộn với trẻ con, không hay chút nào. Tôi chợt thấy ngượng lẫn với ấm ức vì những cái mà không hiểu vô tình hay cố ý, người ta dành để «tặng» tôi.

Tôi nhìn đến đôi giày. Tôi cũng biết đôi giày của tôi, từ đây cũng chỉ có vất vào bụi tre gai. Cô gái ấy nói đúng! Lội sình, lội ruộng, băng đồng, đòi giày da bóng là một hài hước, một sự trái ngược dị thường .

Tôi lặng lẽ lột giày, ném mạnh ra ven ruộng, chỉ chừa lại đôi vớ vì nghĩ có lúc sẽ còn cần đến nó. Quàng túi cao su lên vai, tôi thấy hết đói, no ngang đến tận cổ. No thì còn giữ làm gì ? Tôi vất hai đòn bánh tét xuống đất và vội vàng bước theo bóng cô gái vừa khuất ở khúc quanh.

Trong một phút, niềm tự ái dâng cao. Tôi mong cho cô gái dẫn đường đừng chờ tôi và đã đi thật xa. Ra đến lối mòn mà nếu không thấy cô ta đâu, nhất định tôi sẽ trở ra đường đón xe trở về Sàigòn, kết quả sau này ra sao cũng mặc.

Ra đến khúc quanh, cô gái vẫn còn chờ. Cô ta đang đưa tay ngắt mấy đọt tre. Cô ta quay nhìn tôi, nhìn đôi chân trần không giày vớ của tôi rồi thong thả bước tới, dường như thỏa mãn và hơi xúc động về hình ảnh đó. Đôi chân mang dép Nhật Bản của cô ta như ngượng ngập, quấn vào nhau, thiếu tự nhiên.

Kẻ trước người sau, cứ như thế chúng tôi ra khỏi xóm, lội ruộng khô trơ gốc rạ, băng vào khoảng rừng tràm con mới mọc cao quá đầu người. Dọc theo rừng tràm con là con lộ đá đỏ Bàu Trai đi Vàm Xáng ở bờ sông Vàm Cỏ Đông. Con lộ đã bị phá hoại, san phẳng thành bình địa, đầy những hố, mương sâu. Quay nhìn đầu con đường, tôi thấy những ngôi nhà gạch nóc đỏ vượt khỏi ngọn cây.

5 giờ 40 chiều, sau khi vượt nhiều con kinh đào. vượt những rẫy mía, khoai mì, rẫy thơm, chúng tôi đến một con kinh đào khác, cách sông Vàm Cỏ chừng năm trăm thước. Tràm mọc thành hàng, bông trắng rụng đầy mặt đất. Thỉnh thoảng có vài thanh niên bước vội, ngược chiều, vai vác súng trường Mas hoặc khẩu súng hai nòng đi ngang qua. Không hỏi nhưng tôi hiểu họ là những du kích ở đây.

Dẫn tôi vào một căn nhà lá ở bờ kinh, trơ hai chiếc chõng tre, không một bóng người, cô gái dẫn đường lấy khăn lau mồ hôi và bảo :

– Tới nơi rồi, anh để đồ xuống nghỉ, tắm rửa đi. Chút nữa sẽ có người đến tiếp xúc với anh.

Cô ta chỉ nói vậy rồi quay trở ra đường. Tôi ngồi xuống chõng tre. Hai chân mỏi rã rời. Bụng lại đói. Người mệt lã. Giá mà lúc ấy có ai bảo tình hình khẩn cấp phải di chuyển ngay, chắc chắn tôi cũng đành chịu, không sao bước nổi thêm bước nào nữa. Hai bàn chân trần không giày dép của tôi dẫm lên cát nóng, đá sỏi vụn, suốt từ trưa đến giờ làm nó sưng mọng lên.

Tựa lưng vào vách lá, tôi với lấy chiếc nón lá rách của ai bỏ nằm tênh hênh ở góc chõng, quạt phe phẩy cho đỡ mệt. Quần áo tôi sũng mồ hôi như nhúng nước. Giữa lúc đó từ sau nhà, một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, quần áo vàng quách những phèn, bước vào. Tay chị xách mấy trái thơm. Chị đưa mắt nhìn tôi :

– Anh mới tới hả ?

Tôi nhích người ngồi ngay lại nhưng không nổi, gật nhẹ đầu, chào :

– Dạ ! Chào chị !

– Anh đi với ai ?

– Với một cô dẫn đường nhưng cô ấy vừa đi đâu rồi !

Chị để mấy trái thơm xuống góc bếp :

– Cô giao liên đó ! Cổ đi lại đàng kia! Đằng văn phòng của anh Bảy. Vậy ra, anh ở Sàigòn lên ?

– Dạ !

Suốt từ hôm 28 Tết đến nay, tôi cứ thắc mắc không hiểu tổ chức của cô Hồng, thực chất của nó là tổ chức gì? Nhiệm vụ công tác của nó ở Sàigon, chỉ chuyên việc đưa rước người vào chiến khu như một trạm của giao liên, hay còn có công tác nào khác ? Nó là tổ chức thuộc về cơ quan nào, cấp nào của miền Nam ?

Tôi thắc mắc vì tôi không thể nào nhắm mắt đi theo người ta mà không biết họ là ai, họ sẽ xử dụng mình như thế nào. Dẫu rằng trước kia anh Nam, huyện ủy viên châu thành Mỹ Tho có cho biết là tôi sẽ được về Miền theo lời tôi yêu cầu, tôi không thể nào không thắc mắc băn khoăn. Hỏi thì chắc chắn trăm lẻ một phần trăm không ai trả lời. Ngược lại tôi còn bị nghi ngờ, nhận xét này nọ. Vì vậy, tôi thắc mắc muốn biết nhưng không sao dám mở miệng.

Bây giờ nghe nói đến «văn phòng của anh Bảy », tôi muốn hỏi thêm ít điều, may ra có biết thêm được gì không. Tôi bắt đầu làm quen :

– Thưa… chị thứ mấy ?

– Tui thứ Tư !

– Dạ… chắc nhà này là nhà chị, anh Bảy ảnh mượn để cho khách ở ?

– Dạ !

Vậy đúng chị Tư này là chủ nhà rồi. Tôi vờ như vô tình :

– Hồi nãy cô giao liên dẫn đường dẫn tôi đến bỏ ở đây. Đi với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ liền mà quên hỏi tên cô ta, nghĩ cũng tệ thật, cô ấy tên gì vậy chị Tư ?

Chị Tư chúm chím cười :

– Anh hỏi chi vậy ? Ra vô ở đây có tới ba bốn cô, anh hỏi vậy tui có biết cô nào là cô nào ? Cô đó dáng dấp làm sao ?

– Tóc kẹp…

Chị Tư hớt ngang, không kịp cho tôi nói tiếp :

– Rồi ! Tui biết rồi ! Cô Bông đó ! Một mình cô Bông là tóc kẹp. Ờ, anh tên gì, thứ mấy ?

– Tôi tên Hùng ! Chị gọi Hùng được rồi!

– Mà anh hỏi tên cô Bông chi vậy ?

– Để đề nghị lên cấp trên thưởng huy chương.

Chị Tư cười:

– Cần gì anh phải đề nghị. Hôm rồi, tui nghe mấy anh chị em ở đây, họ bàn tán với nhau là cô Bông được bầu làm chiến sĩ gì đó cho đơn vị B.39 của anh Bảy. Thế nào cô Bông cũng đươc thưởng huy chương.

Tiếp theo chương 4

No comments:

Post a Comment