Friday, July 15, 2022

VỀ PHÉP THĂM NHÀ Ngày 6-7-1972 - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 VỀ PHÉP THĂM NHÀ

Ngày 6-7-1972

Bây giờ đến lượt tôi được đi phép thăm nhà.

Tôi nhanh chóng làm mọi giấy tờ cần thiết, sửa soạn trong chớp mắt là xong. Tôi kêu tài xế xe Hồng Thập Tự, nhờ chở giùm tôi ra bãi đáp. Bây giờ hầu như hàng ngày đều có những chuyến bay trực thăng đi đi về về liên lạc giữa An Lộc và Lai Khê, hậu cứ của Sư Đoàn 5. Nhân dịp này tôi mang theo phần lớn đồ đạc của tôi, gần như dọn nhà, chất lên xe Jeep Hồng Thập Tự, vẫn do tài xế Mệnh lái. Thực ra cũng chẳng có gì nhiều: một thùng sách vở, cây đàn guitar Yamaha, hai vỏ đạn đại bác. Còn cái ba lô tôi đeo vai là đủ.

Kỳ này hành khách của chiếc trực thăng chỉ có năm người. Mấy người kia cũng đi phép như tôi. Do đó tôi ngồi trên máy bay rất thoải mái. Đứng ở dưới đất nhìn lên trực thăng, thấy nó bay có vẻ chậm, giống như khi ngồi trên trực thăng bay cao, ta cũng có cảm giác như vậy. Vì những cảnh ở dưới đường như không thay đổi nhanh như máy bay. Khi cất cánh xong, phi công cho trực thăng bay là là trên đầu ngọn cây để tránh hỏa tiễn của địch. Tôi thấy tốc độ của nó cũng nhanh lắm. Chẳng trách là dù địch có muốn bắn cũng không trở tay kịp.

Gần một giờ sau, tôi đã an toàn tại hậu cứ Sư Đoàn 5 ở Lai Khê. Tôi gặp Thiếu tá Diệm, ông đã được phái lên đây mấy ngày trước và cũng đang ở đó để lo việc tiếp vận cho Tiểu Khu Bình Long. Ông Diệm bảo tôi chờ ông một chút vì đang dở nói chuyện với một ông Trung tá thuộc Sư Đoàn 5. Sau đó, chúng tôi lên một xe Jeep rồi thẳng đường về Sài Gòn, rời rừng cao su nơi Tổng Hành Dinh của Sư Đoàn 5 đóng quân. Trong khoảnh khắc, tôi đã thấy hai bên đường toàn là ruộng lúa xanh tươi ngút ngàn. Trông rất vui mắt, rất thanh bình.

Thật trái ngược hẳn với những cảnh hầm hố, xe tăng, bom đạn ở mặt trận, chỉ trong một thời gian rất ngắn, tôi đã đi từ địa ngục để trở về khung cảnh bình thường của người đời. Tôi mới nhận ra một điều rất lạ là không khí sao thơm tho ngọt ngào như thế. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới được cảm nhận thấy vị ngọt của không khí. Suốt gần ba tháng trời sống trong mùi hôi hám của mấy trăm xác chết, của khói súng, của không khí tù hãm trong hầm. Ngay cả khi về tới Lai Khê nhưng ở trong vườn cao su vẫn còn khói xăng và mùi quần áo nhà binh. Chỉ khi xe ra tới ngoài đường với hai bên là đồng lúa, tôi mới cảm được vị của không khí, hương của lúa, của đồng nội và của thiên nhiên.

Thật là sảng khoái, thật là thiên đàng. Tôi hỏi ông Diệm:

– Ông có thấy không khí ngọt chưa?

Ông Diệm gật đầu, cười nói:

– Thấy chứ, tôi đang tính hỏi ông. Hít thở không khí này tỉnh cả người. Sau trận này, ông đã tính xin đổi đi đâu chưa?

– Tôi cũng chưa biết nữa. Nhưng chắc tôi xin về một bệnh viện nào đó khu Sài Gòn. Có thể là Tổng Y Viện Cộng Hòa cho gần nhà. Ông biết nhà tôi chỉ mình tôi là con trai. Mấy năm nay xa nhà rồi, bây giờ là dịp để tôi có thể được ở gần gia đình. Còn ông thì sao?

– Để xem đã. Mình đã chịu khổ nhiều rồi. Bây giờ mình có quyền lựa chọn. Tôi đợi xem chỗ nào ngon, cờ tới tay là phất liền.

Nghe ông Diệm nói, tôi nghĩ thầm: Ông này khôn thiệt! Chợt một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi liền hỏi:

– Còn ông Nhựt thì sao?

– Có thể ông ấy sẽ nắm một Sư Đoàn nào đó để mau lên Tướng. Đó là đường đi của các ông ấy.

– Ông có tính đi với ông ấy không?

– Cũng còn tùy. Như tôi đã nói với ông, nếu có chỗ ngon thì đi, không thì mình binh đường khác. Nhưng gì thì tôi chỉ ở Vùng III này thôi. Không đi đâu hết. Gia đình tôi ở Sài Gòn, các cháu đang đi học đâu vào đấy cả rồi. Nay mà dời đi xa thì lại xáo trộn tất cả, tội cho chúng nó.

Tôi chợt nhớ tới một thắc mắc từ lâu, vẫn để trong lòng chưa có dịp hỏi ai cả. Nay nhân tiện cùng ông Diệm về cùng đường, vui câu chuyện tôi liền hỏi xem ông có thể cho tôi biết được thêm gì không để giải tỏa những thắc mắc của tôi.

– Này ông, tôi có vấn đề này muốn hỏi ông thử xem ông có chia sẻ được gì không?

Thiếu tá Diệm nhìn tôi, nói:

– Ông cứ nói đi, tôi biết gì sẽ trả lời ông ngay.

– Này nhé, ông thấy trận này khá lớn phải không?

– Đúng! Sao ông?

– Quân mình cũng có tới cả sư đoàn chứ không ít, phải không?

Ông Diệm gật đầu, tôi nói tiếp:

– Tôi nghe radio, thấy họ so sánh trận này với trận Điện Biên Phủ nhưng trong thâm tâm, tôi lại thấy không có vẻ gì là ghê gớm cả. Có lẽ tại vì tôi không ở trên tuyến đầu nên không thấy những cảnh thịt nát xương rơi chăng? Hay là tại vì tôi không ở trong Bộ Chỉ Huy nên không có một cái nhìn tổng quát của trận đánh mà chỉ nhìn trên một phạm vi nhỏ hẹp nên không thấy được mức độ to lớn của trận này?

– Đúng vậy, thực ra ông chỉ nhìn được một mặt của trận này thôi. Đúng ra, ta phải nhìn trên một bình diện rộng lớn cả toàn tỉnh Bình Long. Những cuộc điều quân bố trí từ Lộc Ninh tới Chơn Thành mới thấy được sự nghiêm trọng của trận này. Ngay ở Lộc Ninh, Thiết Đoàn I rồi Trung Đoàn 48, Trung Đoàn 52 bị trận địa pháo vây khốn, bị phục kích ra sao. Nhất là ở cầu Cần Lê, quân mình bị thiệt hại ra sao. Còn khi tới An Lộc, đa số quân bao vây của địch đã bị B52 loại bỏ rồi. Như ông đã thấy đấy, cũng không có gì gay cấn lắm. Nhưng tại mặt trận đồn điền Quản Lợi, mình cũng phải trả một giá khá đắt mới giữ vững được An Lộc đấy. Thực ra còn nhiều chi tiết ghê gớm nữa trong trận đánh này. Quân Dù lên tiếp viện mình đã phải dùng những chiến thuật tốc chiến tốc thắng, phải hy sinh, phải quyết tâm như thế nào mới bắt tay được với mình. Nếu không, mình đã bị tụi nó xơi tái rồi còn đâu. Thôi, dù sao mình vẫn còn may mắn, còn được sống sót sau trận đánh kinh hoàng này là phúc đức bảy mươi đời nhà mình rồi ông ạ.

– Đúng vậy nhưng tôi thấy có một điều gì đó hơi bất công ông nhỉ. Những người đã hy sinh, đã nằm xuống, chẳng bao lâu sẽ bị lãng quên. Những người may mắn sống sót sẽ được lên chức, lên lon và được làm anh hùng.

Ông Diệm ngắt lời:

– Đời là vậy ông ạ. Thôi, cứ vui những cái mình có là được rồi. Ai có phận nấy nhờ, chẳng nên thắc mắc làm gì.

Vừa đi vừa nói chuyện, chẳng bao lâu đã tới Sài Gòn. Tài xế rẽ vào ngã ba Hàng Sanh rồi theo sự chỉ dẫn của tôi, đi theo đường Chi Lăng qua Lăng Ông, qua nhà thương Nguyễn Văn Học. Chẳng mấy chốc đã tới khu nhà tôi ở cư xá Chi Lăng, ngay ngã tư Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Xe dừng trước cổng. Tôi bấm chuông. Mẹ tôi ra mở cổng. Trông thấy tôi, mẹ tôi mừng lắm, nét mặt tươi cười rạng rỡ cả lên. Mẹ tôi thấy ông Diệm, liền mời:

– Mời ông vào nhà chơi xơi nước.

Ông Diệm cũng mong về nhà ngay nên thoái thác:

– Xin cụ cho để khi khác. Tôi vội về nhà ngay kẻo các cháu mong. Thế nào tôi và nhà tôi cũng đưa các cháu sang đây chào cụ.

Thông cảm với ông Diệm, mẹ tôi không ép:

-Vậy thôi, để ông về nhà cho sớm.

Ông Diệm lên xe, bảo tài xế vòng xe lại đi về nhà ông ở cư xá Trương Minh Giảng.

Lúc mẹ tôi vừa mở cổng ra, hai con chó của tôi, con Bi và con Lu chạy ra vẫy đuôi đón tôi. Chúng rít lên những tiếng vui mừng, tranh nhau quấn quít bên chân tôi. Bi cao hơn, nó thuộc loại giống chó Phú Quốc, có xoáy trên lưng hình thù như cái bình bông. Lông nó pha đen vàng xám giống như lông mấy con chó Béc-giê. Đôi khi tôi gọi nó là thằng Bình. Còn con chó Lukia, thấp và dài trông cục mịch, lông đen, không nhảy cao được, chỉ tới đầu gối tôi thôi. Cách đây mấy tháng trời không gặp mặt tôi, hai con chó vẫn còn nhớ, đón chào một cách nhiệt tình như thế.

Mẹ tôi giúp mang mấy đồ đạc của tôi vào nhà. Tôi đặt hai cái vỏ đạn chiến lợi phẩm của tôi ở chỗ nhà để xe. Mẹ tôi cầm giùm cây đàn guitar vào nhà. Tôi khuân thùng sách và cái túi ba lô để dưới chân cầu thang.

Tôi ngồi xuống cạnh cái bàn con trong nhà bếp. Mẹ tôi lúc này mới nhìn kỹ tôi hơn, bà nói:

– Sao con gầy thế?

– Tại ăn cơm sấy với thịt hộp không, nhưng con vẫn thấy khỏe, không sao cả. Tóc má cũng bạc đi nhiều. Các em đi làm chưa về hả má?

– Ừ, tụi nó năm giờ chiều mới về tới nhà. Thấy anh về, chắc tụi nó mừng lắm.

Mẹ tôi vừa nói vừa hỏi:

– Con có muốn uống nước chanh không?

Tôi lắc đầu, đáp:

– Cho con ly nước lạnh thôi. Con đang khát nước.

Mẹ tôi đi ra mở tủ lạnh, chợt bà vui mừng nói:

– May quá, còn bình cháo nước lạnh đây. Đang khát mà uống nước này thì đỡ khát ngay.

Vào mùa hè, mẹ tôi thường hay nấu cháo thật loãng, chắt lấy nước, pha thêm chút xíu đường cho ngon miệng rồi để tủ lạnh làm nước uống trong ngày. Tôi thích món giải khát này lắm. Tôi đỡ lấy ly nước cháo trong tay của mẹ tôi. Tôi uống từng ngụm đầy, thấy ngon ngọt vô cùng, uống tới đâu, tôi tỉnh người tới đấy. So với ly nước đá lạnh mà anh bạn Đức cho tôi uống dưới hầm Chỉ Huy thì ly nước này còn ngon và mát hơn nhiều.

Mẹ tôi ngồi nhìn tôi thưởng thức món nước cháo ướp lạnh. Nét mặt bà tươi vui, tràn đầy hạnh phúc. Người mẹ nào mà chẳng vui mừng khi thấy con mình trở về từ địa ngục. Tôi uống hết ly nước, mẹ tôi hỏi:

– Con uống thêm ly nữa nhé!

Tôi vội trả lời:

– Thưa, con đủ rồi. Ly nước cháo ngon quá nhưng không nên uống nhiều. Để từ từ đã, con sợ lâu ngày không uống, dạ dày chưa quen sẽ gây đau bụng.

– Thôi, con lên lầu tắm rửa đi. Mẹ sửa soạn làm cơm, nấu xôi cúng ông bà đã phù hộ cho con. Nhân thể cũng mừng con thoát nạn về đây được an toàn.

Trước khi đi lên lầu, tôi ra ngoài phòng khách đi xem một lượt những đồ vật quen thuộc trong nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên như cũ, chẳng có gì thay đổi. Phòng của tôi ở trên lầu cũng vậy. Tắm rửa xong, tôi cảm thấy buồn ngủ. Tôi vào phòng nhặt tờ báo lên coi, chưa được một phút thì mắt ríu lại. Những mệt mỏi từ mấy tháng nay, bây giờ mới thấm. Nhất là sau một thời gian di chuyển, hết trực thăng lại đi xe hơi về trên một quãng đường gần 100 cây số. Tôi đã thấm mệt và giấc ngủ đến với tôi nhanh chóng.

Tôi ngủ một mạch tới chiều. Tôi chỉ tỉnh dậy khi nghe thấy nhiều tiếng nói lao xao ở dưới nhà. Mở mắt ra. Tôi phải định thần một lúc mới nhận ra là mình đang ở nhà tại Sài Gòn chứ không phải còn ở trong hầm cứu thương ở Bình Long. Tôi nghe tiếng em Minh tôi hỏi:

– Ủa đồ đạc của ai đây má? Anh Quý về hả má?

– Ừ của anh đó, anh mới về trưa nay. Đang ngủ trên lầu.

Tiếng em Tuệ tôi nói:

– Vậy hả má. Thế là bà má mừng nhé.

Tiếng em Nguyệt tôi xen vào:

– Bộ chị Tuệ không mừng sao?

– Mừng chứ. Nhưng bà má mừng nhiều hơn. Con trai cưng của má đã về là bà yên chí rồi. Thế là bây giờ bà má hết rầu rĩ rồi nhé.

Em Tuệ tôi thường hay trêu má tôi nhất.

Rồi tiếng chân chạy nhanh lên cầu thang. Tôi đã tỉnh ngủ hẳn, đứng dậy bước ra khỏi phòng. Tiếng mẹ tôi vọng từ dưới bếp:

– Này, chúng mày để yên cho anh ngủ.

– Không sao đâu má, để cho anh dậy sửa soạn ăn cơm là vừa. – Em Tuệ tôi vừa đi vừa nói.

Tôi thấy ba bộ mặt tươi vui như Tết hiện ra đầu cầu thang. Vừa trông thấy tôi em Tuệ tôi cao giọng:

– Anh ấy khỏe như vậy mà ở nhà bà má cứ lo lắng cho anh ấy hoài.

Em Minh tôi từ tốn hơn:

– Trông anh ấy gầy đi nhiều chứ!

Nguyệt thì chỉ đứng mỉm cười thôi không nói gì. Trong nhà Nguyệt là người ít nói nhất.

Thế rồi anh em chúng tôi lại rần rần chạy xuống bếp ngồi ngay tại bàn ăn nhỏ cho tiện. Những câu hỏi lại được các em tôi thay phiên nhau đặt ra liên miên bất tận. Má tôi sau cùng phải nói:

– Thôi các con ngừng đi, dọn cơm ra ăn không có anh đói rồi.

Em Tuệ tôi nói:

– Anh biết không ở nhà má lo cho anh ghê lắm. Đêm nào tụi em cũng nghe đài BBC thấy nguy hiểm cho anh quá. Có đêm má nằm mơ thấy anh bị Việt Cộng bắt trói trong rừng cây cao su, quần áo trắng bê bết máu. Sáng ra má kể chuyện làm tụi em đứa nào đứa ấy mặt mũi buồn xo. Sau má bèn lên coi ông thầy bói mù người làng. Má vừa mở miệng ra hỏi ông về anh thì ông Mù biết ngay là anh, liền nói: Người con trai của bà, năm nay hạn nặng lắm nhưng nhờ phúc đức ông bà để lại nên tuy vậy mà cũng không sao.

Má lại hỏi về giấc mơ của má, thì ông Mù vẫn nói rằng không có đổ máu đâu. Tiền hung hậu kiết. Má nghe vậy cũng được yên lòng một tí nhưng ngày đêm vẫn lo.

Tôi vội ngắt lời hỏi:

– Thế ông Mù còn nói gì nữa không?

– Không, má chỉ cần hỏi xem anh có an toàn không mà thôi.

Tôi cười nói tiếp:

– Nếu anh là ông Mù thì sẽ đoán rộng ra là cuối năm anh sẽ được thăng cấp, được huy chương thì mới gọi là đoán mò mà hay. Vì sau những trận chiến lớn như vậy ai sống sót được đều có thưởng cả.

– Thôi để em kể tiếp cho anh nghe. Một buổi sáng bà Diệm tới nhà mình nói có mấy bà bạn biết nếu muốn liên lạc với Bình Long thì phải vào ty Bưu Điện Chợ Lớn mới có đường dây. Bà ấy rủ em đi chung vì bà ấy không biết đường. Em phải đi dò hỏi biết bao thì giờ, hẹn lên hẹn xuống, đợi cả nửa ngày mới tới phiên mình được nói chuyện với anh. Rốt cục ông anh lại ít nói quá. Nói có mấy câu rồi cúp. Chẳng hỏi được gì nhiều. Tức quá đi thôi.

Thấy em Tuệ tôi trách móc tôi cũng thông cảm, chỉ còn nước ngồi cười trừ. Tôi nói:

– Điều quan trọng nhất ở nhà muốn biết là anh có mạnh khỏe bình an không. Còn anh thì muốn biết ở nhà có sao không. Nếu mọi sự đều bình thường cả thì những chuyện lẻ tẻ khác đâu có gì đáng để nói đâu. Vả lại cần phải ngắn gọn để cho người khác khỏi phải chờ lâu.

– Đành rằng thế nhưng cũng phải nói một vài câu cho bõ công em chờ đợi, chứ cụt lủn thì chán chết.

Em Minh tôi xen vào, chuyển câu chuyện sang đề tài khác:

– Thế kỳ này anh về được bao lâu?

– Được một tuần. Sau đó chừng một tháng có người thay thế rồi sẽ xin đổi về Sài Gòn luôn.

Mẹ tôi nghe nói vậy mừng lắm. Bà vội hỏi:

– Thế con đã biết được đổi về đâu không?

– Con chưa biết. Nhưng nếu muốn gần nhà chỉ có Tổng Y Viện Cộng Hòa thôi. Nhưng ở đó thì làm việc cũng cực lắm.

– Ừ, gần nhà là được rồi. vất vả một chút cũng không sao.

Tôi cũng nghĩ vậy, cực đến mấy cũng không thể nào bằng những ngày tháng tôi làm việc trong trận chiến này. Hơn nữa về làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, được coi như là một bệnh viện cấp cao nhất trong quân đội, chắc sẽ có nhiều nhân tài, có nhiều cơ hội để tôi học hỏi thêm, có cực một tí cũng không sao.

Bữa cơm gia đình đoàn tụ tuy giản dị nhưng thật vui. Tôi ăn cơm rất ngon miệng. Xong xuôi chúng tôi ra ngồi ngoài phòng khách tiếp tục nói chuyện. Hết chuyện nhà đến chuyện họ hàng. Tôi hỏi thăm tin tức của anh Cương, con trai bác Hai tôi, thì được biết anh hiện đóng ở Kontum ngành Pháo Binh. Mặt đó cũng đang có áp lực nặng của địch. Ngoài ra mọi người khác trong họ đều bình an cả. Trước khi lên phòng, tôi không quên lấy ra hai cuốn phim tôi chụp ở Bình Long đưa cho em Tuệ. Tôi nhờ gửi đi Hawaii rửa vì tôi không tin mấy quán ảnh ở Sài Gòn, sợ chưa rửa được hình màu dương bản. Các em tôi phải đi ngủ sớm để đến mai tiếp tục đi làm.

Ngày hôm sau là ngày tôi đi chào họ hàng. Tôi ra thăm bác Hai tôi, cô chú tôi, và ông anh trưởng tộc, anh Quyền, con trai bác Cả tôi, người rất vui tính, tất cả mọi người đều thích anh ấy. Chính anh là người đã dạy cho tôi chích thuốc, chích thịt, chích mạch, dùng ngay thân thể anh để làm vật thử cho tôi. Thành ra khi tôi vào học Y Khoa tôi đã có kinh nghiệm chích đủ mọi thứ rồi. Gần chiều tôi trở về nhà vì không muốn mẹ tôi ở nhà một mình, sợ bà buồn.

Ăn cơm chiều xong chúng tôi ra phòng khách coi TV. Đến tin chiến sự Bình Long. Những hình ảnh quen thuộc hiện lên. Tôi chợt chú ý khi xướng ngôn viên cho biết Tổng Thống Thiệu đang đi thăm viếng, ủy lạo các anh em chiến sĩ tử thủ ở An Lộc. Hình ảnh Tổng Thống Thiệu đứng giữa các anh chiến sĩ, đằng sau là một xe tăng của địch bị bắn hạ. Nhiều người leo lên cả xe tăng. Tổng Thống Thiệu tươi cười sau khi xuất khẩu đọc một bài diễn văn ngắn ca tụng sự chiến đấu anh dũng của toàn thể quân dân các cấp tại mặt trận Bình Long. Tổng Thống tuyên bố: Tất cả quân nhân tham chiến tại mặt trận Bình Long đều được đặc cách thăng lên một cấp. Vì có công giữ vững được Bình Long qua bao đợt tấn công của địch quân với quân số gấp ba lần, Tổng Thống tặng cho danh hiệu Bình Long Anh Dũng.

Những ngày sau tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ tôi, không muốn đi đâu cả. Tôi biết mẹ tôi đã lo lắng cho tôi quá nhiều, nay tôi thoát hiểm về thăm nhà, tôi muốn dành nhiều thì giờ với mẹ tôi cho bà được vui. Thực ra tôi cũng chẳng thích đi chơi nếu không có gia đình cùng đi. Tôi có nhiều sách báo truyện ở nhà tôi tha hồ đọc. Tôi chẳng thấy buồn chán gì cả.

Thấm thoát đã hết một tuần phép. Đến ngày tôi trở lại Bình Long, ông Diệm cho xe tới đón tôi lên Lai Khê rồi từ đó đi trực thăng trở vào An Lộc. Tôi tới nơi vào khoảng 3 giờ chiều. Xuống máy bay tôi đã thấy có xe Hồng Thập Tự ra đón. Thì ra ông Diệm đã liên lạc với Bộ Chỉ Huy sau khi rời Lai Khê, cho biết ngày giờ tôi lên nên mọi sự mới được ăn khớp như vậy.

Bước trên từng bậc thang xuống hầm, tôi đi qua Phòng Mỗ tới phòng tôi. Vừa bước vào đã thấy anh Phúc nằm ngước mắt lên nhìn trần nhà như đang nghĩ ngợi điều gì. Tôi chắc đàn anh lại nhớ tới vợ thôi chứ chẳng có việc gì khác. Nghe thấy tiếng động, anh Phúc nhìn ra, thấy tôi anh vội nhổm dậy nói:

– Anh thật hên, ở Sài Gòn anh có nghe tin gì không?

Tôi ngơ ngác hỏi:

– Không, mà chuyện gì vậy anh?

Anh Phúc thở ra nói:

– Mới ngày hôm qua thôi, một phái đoàn cố vấn Mỹ tới thăm, vừa ra khỏi trực thăng di chuyển về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu thì bị một trái 75 ly của Việt Cộng bắn trúng làm một thông dịch viên và hai sĩ quan Mỹ chết ngay tại chỗ. Một thiếu tá Mỹ gẫy tay, còn ông Thiếu Tướng Tallman bị thương trầm trọng mang vào hầm này cấp cứu. Nhưng người Mỹ này nặng lắm. Mang được vào vào hầm rất là khó khăn, vất vả lắm mới khiêng được vào để trên bàn mổ. Nhưng vết thương nặng quá không thể làm gì được. Chỉ băng bó xong, truyền nước biển rồi có ngay trực thăng chở về Long Bình. Thật là náo loạn cả lên, khẩn trương vô cùng. Lúc đó chỉ có mình tôi lo đủ mọi thứ, nếu có anh thì đỡ cho tôi hơn. Anh hên thật, đỡ phải chịu những những cảnh giật gân khổ sở như vậy. Khi phái đoàn bị trúng đạn, nằm la liệt ở ngoài bãi đáp, họ gọi xe Hồng Thập Tự cùng bác sĩ đem đồ tới cấp cứu rồi chở những người bị thương về đây. Chỉ có mình tôi chỉ huy mấy tay y tá mà tới năm, sáu người vừa chết vừa bị thương lại còn sợ chúng pháo nữa vì ở ngay khu trống trải. Địch quân ở trên đồi gió trông xuống rõ mồn một. Thực là khủng khiếp. Tới lúc máy bay trực thăng tản thương tới, bốc hết nạn nhân đi xong tôi mới hoàn hồn, thân thể rã rời, mệt mỏi lạ lùng.

Tôi thấy tôi may mắn thực. Tôi đã không phải chịu cảnh kinh hoàng đó. Mà cũng tội cho anh Phúc phải ra tay nhận lãnh một số thương binh nhiều hơn là y tá của mình. Đồng thời anh lại không phải là bác sĩ giải phẫu cấp cứu, nên điều hợp những việc này thật ngoài tầm tay của anh. Nhất là người bị thương lại là một sĩ quan cao cấp của Mỹ.

Tôi an ủi anh:

– Rồi cũng xong, phải không anh? Định mệnh đã an bài. Khi Tổng Thống Thiệu đến đây sao êm, không một trái pháo nào vậy. Tôi thấy cũng lạ. Ông Tổng Thống hên thật. Còn ông Tướng Mỹ này thì lại xui cùng mình. Thế Đại tá Nhựt có sao không anh?

– Mạng ông ấy lớn lắm. Không hiểu sao hôm ấy ông không ra đón.Thường thường có Tướng tới thăm, ông Tỉnh Trưởng hay thân hành ra đón lắm. Nếu ông Nhựt mà ra bãi đáp là lãnh thẹo rồi. Đúng là con người có số mạng. À mà anh về kỳ này thấy có tin tức gì mới không?

– Không, tôi về cũng chỉ ở nhà thôi không đi đâu cả. Nên không biết gì hơn anh ở đây. Nhưng dù sao tôi thấy chúng mình cũng sắp sửa được đổi đi chỗ khác rồi.

No comments:

Post a Comment