Thursday, July 14, 2022

HOANG TƯỞNG (trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)

 

HOANG TƯỞNG
(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)

Tôi tên là Nguyễn văn Thành, họ và tên đúng là Việt Nam, thế nhưng người thì không.

Ông nội của tôi gốc ở Quảng Đông bên Tàu, di dân đến Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ thứ hai mươi. Người Tàu vốn nổi tiếng là giống dân lưu lạc khắp năm châu bốn bể, cho nên người ta thường nói: Ở đâu có khói ở đó có người Tàu. Chuyện người Tàu đến Việt Nam sinh sống đã có tự ngàn xưa. Năm 39 sau Công nguyên, đã có một ông quan Thái thú Tàu tên là Tô Định sang cai trị Việt Nam. Tô Định cai trị dân quá sức tàn ác nên Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định về Tàu. Ba năm sau phải nhờ Mã Viện đem quân sang đánh báo thù. Chuyện bại trận của Hai Bà Trưng khiến cho Việt Nam bị Tàu đô hộ hơn một nghìn năm. Đó là sử sách khi tôi học ở bậc tiểu học nói như vậy. Không biết tôi nhớ có đúng hay không?

Ai cũng biết, thường có hai lý do chính khiến người Tàu bỏ nước ra đi. Ở Trung Hoa vào những năm đói kém, mất mùa, dịch bịnh người Tàu lại xuống tàu đi về phương Nam, đó là di dân kinh tế. Mỗi khi ở Trung Hoa thay đổi một triều đại, những người không thần phục chế độ mới lại trốn sang Việt Nam tìm đất sống, đó là di dân chính trị.

Tôi đoán, ông nội tôi đến Việt Nam là vì lý do kinh tế, bởi vì căn nhà của ông ở làng mộc Kim Bồng, nằm bên kia sông Hoài, đối diện với phố cổ Hội An, nó không lớn hơn cái chuồng bò là bao nhiêu. Qua lời kể của ba tôi, tôi phải vận dụng trí tưởng tượng của mình mới hình dung được cái căn nhà như thế nào. Đó là một căn nhà tranh, vách đất, nhỏ xíu chỉ vào khoảng hai mươi thước vuông, tường xiêu mái dột, gió lùa tuốt tuồn tuột từ trước ra sau, vì nhà chỉ có khung cửa chứ không có cửa. Bên trong, nơi góc trái của căn nhà, nằm sát tường là một chiếc chõng tre ọp ẹp dùng làm chỗ ngủ. Bên phải là nơi đặt ba cục đá làm bếp nấu ăn, trên đó một chiếc nồi cũ kỹ, móp méo, cháy đen, hai cái quai nồi sứt mất một chỉ còn lại một. Có thể đây là cái nồi mà ông nội tôi đem từ bên Tàu qua. Tôi đoán như vậy, bởi vì thời bấy giờ người dân trong làng thường dùng nồi đất hay nồi đồng. Ngoài cái nồi và chiếc chõng tre, trong nhà không còn bất cứ vật dụng gì khác. Đã vậy nhà được dựng lên sát bên bờ sông, năm nào miền Trung có lũ lụt to, ông tôi lại dẫn ba tôi lên núi tránh lụt. Ở miền Trung năm nào lại không có lụt, chỉ là nhỏ hay to mà thôi.

Bình thường cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, huống chi là những ngày mưa gió bão bùng, sống trốn lụt trên núi cao, đói rét là chuyện không thể tránh được. Hàng ngày ông tôi và ba tôi phải đào củ chuối, củ mài, nhặt nhạnh rau cỏ, trái rừng hay bất cứ thứ gì ăn được để sống qua ngày. Một ngày nọ, khi lang thang trong rừng để kiếm thức ăn, ba tôi bắt gặp một ổ gà rừng với ba cái trứng. Còn gì vui mừng hơn, ông vội vàng nhóm một bếp lửa, đợi khi có tro, ông vùi ba cái trứng vào. Nướng trứng gà cũng giống như chuyện ông nướng khoai lang, khoai mỳ hàng ngày, có gì khó đâu. Trong khi chờ cho trứng chín, ông đã tính sẵn trong đầu, ông sẽ ăn một trứng thôi, còn hai trứng để dành cho ông nội tôi. Đang mơ màng khi nghĩ đến nét mặt vui mừng, hớn hở của ông nội tôi lúc được ăn trứng gà, ông chợt nghe mấy tiếng nổ lụp bụp trong đống lửa cùng lúc ấy tro bụi bay tán loạn. Sau cả phút đồng hồ sửng sốt, ba tôi mới biết là cả ba cái trứng đều bị nổ. Miếng ăn đã đem tới miệng còn bị mất, ông ôm mặt khóc ngon lành. Không một ai giải thích cho ba tôi hiểu, tại sao củ khoai có thể lùi trong bếp được nhưng trứng gà thì không. Năm đó ba tôi được mười tuổi.

Mới có bảy năm sống tạm dung trong làng hết bốn lần trốn lụt ở trên núi. Khi nước rút trở về, căn nhà chỉ còn trơ lại cái nền đất và bụi tre xiêu vẹo ngả nghiêng. Nhờ vào bụi tre như là một cái mốc, xác định vị trí của căn nhà, ông nội tôi lại đốn cây, cắt tranh dựng lại căn nhà khác, tiếp tục sống trong đói rách, đợi mùa lũ lụt năm tới.

Ngày đó, mỗi khi nghe ba tôi kể lại chuyện nghèo đói ở làng quê, tôi thường nghĩ phải chi ông nội tôi có được dăm ba chỉ vàng lận lưng khi đến Việt Nam, chắc cuộc sống của ông tôi và ba tôi không đến nỗi nghèo đói, khổ sở như vậy. Nhưng mà xét cho cùng đã là di dân kinh tế ngoài bộ quần áo mặc trên người, làm gì có đồng xu cắc bạc nào để mang theo.

Ba tôi, ông là một người có một chiều cao bình thường như bao nhiêu người Việt Nam khác, nhưng đôi mắt và cái trán của ông không bình thường chút nào. Ông có đôi mắt sáng quắc và dữ như con cọp đang rình mồi còn cái trán thì cao vời vợi. Ba tuổi, ông theo ông nội của tôi đến Việt Nam. Lớn lên trong làng quê, tiếp xúc với trẻ con Việt hàng ngày, nhờ vậy ông nói tiếng Việt với giọng Quảng Nam nghe cứ như là người dân bản xứ. Đi ngoài đường, khi tiếp chuyện với ông, đố ai biết được ông là người Tàu.

Tuổi thơ của ba tôi, là một chuỗi ngày dài sống trong đói rách khổ cực. Ông biết được thế nào là đói, thế nào là lạnh, trước khi ông nhận thức được sự hiện hữu của mình. Mười tuổi, ông đã nhận được công việc giữ trâu cho một nhà giàu trong làng, để đổi lấy manh áo ông mặc trên người, chén cơm ông vẫn ăn hàng ngày. Nói là chén cơm, nhưng thật ra là trong chén: “một hạt gạo cõng một lát khoai”. Đó là nguyên văn lời ông nói. Ông không bao giờ than phiền vì chuyện đói ăn bởi vì gia đình chủ nhà cũng ăn uống giống như vậy. Mơ ước thuở nhỏ của ông là được ăn chén cơm trắng, hoàn toàn là cơm, không có lát khoai nào cả. Ước mơ tầm thường đó, phải đợi hơn chục năm sau mới thực hiện được, khi ông rời bỏ làng Kim Bồng, di dân một lần nữa đến lập nghiệp ở Saigon.

Với nghề chăn trâu, không biết đó có phải là nghề hay không? Suốt sáu năm trường sống ngoài đồng với mấy con trâu, làm bạn với đám trẻ con trong làng, lêu lổng, lang thang từ đầu làng tới cuối xóm, tắm sông lội suối, đánh nhau với lũ mục đồng làng bên, lúc nào ông cũng được bọn trẻ trong làng tôn làm thủ lãnh, vì cái tính gan lì, không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ một sức mạnh hay một áp lực nào cả.

Ông đã từng lấy trộm một chiếc ghe, cùng với hàng chục đứa trẻ ở trong làng, chèo ghe lên tận Gò Nổi, hái trộm bắp đem về nướng để khao quân, mừng chiến thắng. Chuyện trộm ghe bị bại lộ, ông bị ông nội của tôi phạt nhịn đói ba ngày. Ở một vùng quê nghèo đói quanh năm, hình phạt bỏ đói ba ngày, xem ra không có gì là nặng cho lắm. Sau đó ông tôi, gởi ba tôi theo học nghề mộc với một gia đình làm nghề mộc danh tiếng trong làng. Năm đó ba tôi được mười sáu tuổi.

Nghề mộc ở làng Kim Bồng, cả miền Trung đều biết tiếng. Cứ nhìn vào những bức phù điêu khắc cạn hoặc những bộ bàn ghế được chạm trổ tinh vi của những nhà giàu nơi phố cổ Hội An, sẽ biết được tay nghề của thợ mộc Kim Bồng. Đặc biệt vào những năm của thập niên ba mươi, bốn mươi, những con thoi do thợ mộc Kim Bồng gọt giũa, chạy trơn tru trên khung cửi không bao giờ bị trở ngại.

Suốt tám năm trường theo học nghề mộc, ba tôi để dành được một số tiền, đủ mua một cái vé xe lửa đi từ Hội An đến Saigon. Ngày ông rời Hội An, phố cổ vẫn còn chìm trong làn nước bạc, chung quanh mây nước một màu, nước và nước, người đâu không thấy, chỉ thấy những mái nhà lợp ngói âm dương bồng bềnh, nhấp nhô trong biển nước mênh mông. Ông bước chân lên xe lửa, hành trang cho cuộc phiêu lưu tìm đất sống, là một bộ đồ gói trong bọc giấy thêm một xâu bánh ú xách tay. Xe lửa chạy ì à, ì ạch, phun khói mù trời, băng ngang những cánh đồng loang loáng màu nước trắng, bỏ lại đàng sau miền Trung điêu tàn đói khổ. Hai ngày sau, ông đặt chân đến ga xe lửa Saigon, sau khi ăn hết chiếc bánh ú cuối cùng.

Với nghề thợ mộc trong tay, ba tôi kiếm được việc làm một cách dễ dàng. Miền Nam đất rộng, người thưa. Dân tình ở đây phóng khoáng hào sảng, hào sảng đến mức quá độ, làm được mười đồng phải xài cho hết mười đồng, cấm có để dành. Ba tôi từ thủa nhỏ sống ở miền Trung, cầm miếng ăn trên tay, nghĩ đến cái đói ngày mai. Làm được mười đồng, ông để dành lại chín đồng phòng khi đói rách. Chưa đầy chục năm ở Saigon, ông đã tạo được một cơ ngơi tươm tất, nhà cao cửa rộng.

Thay vì sống an phận với những gì đã có, ông lại muốn đi xa hơn nữa. Cái máu giang hồ, phiêu bạc hình như không bao giờ ngưng chảy trong người của ông. Tin vào câu nói: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, ông gom góp tiền bạc cùng vài người bạn rủ nhau lên cao nguyên khai thác lâm sản. Những loại gỗ quí hiếm như gõ, gụ, trắc, cẩm lai ở Ban Mê Thuột, Peiku, Kontum thiếu giống gì, đâu có khan hiếm như Saigon, quăng khúc gỗ quý, chục người bu lại đòi mua. Sau mấy năm miệt mài nơi rừng thiêng nước độc chẻ tre, đốn gỗ, ông trở về Saigon với hai bàn tay trắng. Thay vì nhận mình làm ăn thất bại, ông lại nói:

-Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt hoặc của rừng phải trả lại cho rừng.

Ông nhất định không chịu nói mình làm ăn thua lỗ. Khi mà chim trời mỏi cánh, ông về Saigon tiếp tục làm lại nghề thợ mộc. Được vài năm, khi có chút tiền dư, ông lại lên đường mạo hiểm. Phá sơn lâm không được, ông thử đâm hà bá. Ông bán căn nhà gạch mà ông đang ở, thêm tiền bạc để dành, có được bao nhiêu, ông ôm xuống Rạch Giá tậu ghe, sắm cần câu, mua lưới ra khơi đánh bắt cá Ngừ đại dương, vòng qua Phú Quốc lưới cá Cơm làm nước mắm. Cuộc đời của ông là một chuỗi ngày dài phiêu lưu mạo hiểm không ngừng.

Riêng tôi, tôi biết ông có cái máu Từ Hải trong người. Cái máu: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” làm gì cũng được, nhọc nhằn, khổ cực bao nhiêu cũng chẳng sao miễn là đừng đi làm công để bị chủ sai khiến.

Ngày xưa khi nghe ba tôi kể chuyện rời làng Kim Bồng đi Saigon, sau đó là Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum rồi Rạch Giá. Tôi hỏi ông.

-Tại sao ba bỏ ông nội ở quê một mình để đi Saigon, ai săn sóc ông nội lúc tuổi già?

Ba tôi, nhìn tôi với đôi mắt giống như là đôi mắt của con cọp đang rình mồi, gương mặt đỏ bừng biểu hiệu cho sự giận dữ tột cùng. Ông xán cho tôi một bạt tai, cái bạt tai mạnh như trời giáng. Người của tôi quay đủ một vòng, mắt đổ đom đóm.

-Tổ cha mày tao mà ở lại cái xứ đó, mày chỉ có nước chăn trâu, chăn bò hay lên rừng đào củ chuối, củ mài mà sống. Làm sao, mày có thể đến trường mà học hành như bây giờ.

Hình như sự giận dữ của ông là do dồn nén, uẩn ức của những năm tháng sống thiếu thốn, nghèo đói ở miền Trung.

Sau lần bị đánh, tôi tởn tới già không bao giờ dám hỏi bất cứ câu nào khi nghe ba tôi kể chuyện, cho dù câu chuyện ông kể có sai sót hoặc phi lý tới đâu tôi vẫn giữ im lặng.

Những năm sau đó, ba tôi không bao giờ nói đến ông nội của tôi cho đến khi tôi đậu tú tài một. Ngày hôm đó, ba tôi mở tiệc ăn mừng, nói là tiệc cho oai chứ thật ra chỉ là bữa cơm thịnh soạn trong gia đình. Giữa buổi tiệc, ba tôi trịnh trọng đem ra một miếng ngọc xanh.

-Đây là vật duy nhất của ông nội để lại.

Ông kể cho mấy anh em tôi nghe về nguồn cội, gốc gác của chúng tôi. Chuyện nghe hơi là lạ, nếu không muốn nói là hoang đường.

“Ông nội của tôi, vốn dòng dõi danh gia vọng tộc, gia đình giàu có nức tiếng ở Quảng Đông. Ông là anh em kết nghĩa với một vị hoàng tử con của đương kim hoàng đế ở bên Tàu. Vị hoàng tử này tính tình phóng khoáng, ưa giao du thân mật với đủ mọi giới, thường cãi lời vua cha. Một lần cả gan làm trái ý, chống đối lịnh vua nên bị đuổi ra khỏi nhà. Với cái tội khi quân phạm thượng, chuyện mất đầu dễ như chơi. Ông nội tôi cùng vị hoàng tử chạy trốn sang Thượng Hải. Tại đây hai người chia tay. Theo lời khuyên của vị hoàng tử, ông nội tôi nên đào thoát trốn về phương Nam, đi càng xa càng tốt và nhớ là phải thay tên đổi họ để tránh sự truy lùng của quan binh triều đình. Đó là lý do, tại sao ba tôi và tôi mang tên họ Việt Nam. Khi chia tay vị hoàng tử lấy miếng ngọc đeo trên người, tròng vào cổ ông nội tôi và dặn dò: Hãy giữ gìn cẩn thận miếng ngọc, coi như là tín vật để sau này con cái hai bên còn nhận ra nhau. Chuyện của hoàng tử, ông tôi khỏi cần lo. Hoàng tử sẽ về thú tội với vua cha, dù có giận bao nhiêu, vua cũng phải tha tội bởi vì hùm dữ không bao giờ ăn thịt con.”

Tôi vẫn ấm ức mãi vì câu chuyện quá sức vô lý.

Nếu, ông nội tôi giàu có nức đố đổ vách ở Quảng Đông, danh gia vọng tộc tại sao phải di dân đến Việt Nam để sống trong nghèo đói khổ cực, còn nói rằng đến Việt Nam vì lý do chính trị lại càng vô lý hơn. Theo tôi biết, Phổ Nghi là ông vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh, lên ngôi năm 1908 khi được hai tuổi làm gì có con để làm bạn với ông nội của tôi. Ông tôi sinh năm 1890, hơn nữa Phổ Nghi làm vua được ba năm, năm 1911 cách mạng Tân Hợi xảy ra, chấm dứt chế độ quân chủ bên Trung Hoa, làm gì còn vua chúa để mà nói đến chuyện thái tử với hoàng tử. Tôi nghĩ rằng, ông nội tôi hoặc ba tôi, một trong hai người mắc bệnh hoang tưởng. Nghĩ như vậy nhưng tôi không dám nói ra bởi vì cái tát tai năm nào vẫn còn nằm yên trong trí nhớ của tôi.

Tôi là con trưởng, là cháu đích tôn nên có bổn phận phải giữ gìn miếng ngọc. Tôi đeo miếng ngọc mà cứ như là đeo cục nợ.

Suốt mấy năm trường đeo cái của nợ, tôi quên bẵng, coi như không có. Rồi một lần tình cờ, tôi đọc được một bài báo nói về Viên Thế Khải tái lập chế độ quân chủ ở bên Tàu.

Năm 1915 Viên Thế Khải lên ngôi hoàng đế, làm vua được tám mươi ba ngày. Viên Khắc Văn là con trai thứ của Viên Thế Khải, sinh năm 1889, là một trong tứ đại công tử của thời Dân Quốc. Viên Khắc Văn là người kịch liệt phản đối việc cha mình lên ngôi hoàng đế, khiến Viên Thế Khải giận dữ đuổi ông ra khỏi nhà. Viên Khắc Văn rời nhà trốn sang Thượng Hải, cho đến khi Viên Thế Khải chết, ông mới quay về Thiên Tân.

Chừng đó chi tiết đủ cho tôi suy luận:

Ông nội tôi giàu có, thua Viên Khắc Văn một tuổi, kết nghĩa anh em với ông này không có gì là lạ. Ba tôi sinh năm 1912, đến Việt Nam 1915, năm đó là năm Viên Thế Khải lên ngôi hoàng đế.

Câu chuyện ba tôi kể, tới giờ này coi như đã bớt phần hoang tưởng, có thể là sự thật tuy nhiên tôi cần xác minh một vài chi tiết nhỏ khắc trên miếng ngọc. Cần gì phải hỏi đâu xa, tôi vội vàng chạy đến tiệm thuốc Bắc gần nhà, đưa cái cục nợ cho ông thầy thuốc người Tàu.

-Ông đọc dùm tôi mấy cái chữ Tàu trên miếng ngọc này được không?

Ông thầy Tàu cầm miếng ngọc, chăm chú nhìn, ông nhìn mặt trước rồi lật qua mặt sau, đưa lên ánh sáng mặt trời, nghiêng qua rồi nghiêng lại. Sau cùng, ông dùng một cái kính hiển vi để nhìn cho rõ hơn, ông nhíu mày.

-Nị tên gì?

-Nguyễn văn Thành.

-Nị là người Việt Nam?

-Đúng rồi.

-Ở đâu mà nị có cái này.

-Của ông nội tôi, truyền lại cho tôi.

Ông thầy Tàu nhìn tôi rồi lắc đầu.

-Nị nói láo.

Tôi giận quá sức nhưng cố nén giận, vì mình đang nhờ người ta.

-Tôi không có nói láo.

-Nị là người Việt Nam, ông nội nị là đại công tử ở bên Tàu, không nói láo còn gì nữa.

Ông thầy Tàu ra chiều đắc ý.

-Theo sự hiểu biết của ngộ, miếng ngọc này của một vị công tử tên là Viên Khắc Văn, con của Viên Thế Khải. Cái tên Viên Khắc Văn rành rành trên miếng ngọc, nị cãi được không?

-Ông nội của tôi là anh em kết nghĩa với người chủ miếng ngọc này.

Thấy ông thầy Tàu nhìn tôi, cái nhìn không mấy tin tưởng cho lắm, tôi đành phải kể cho ông thầy Tàu nghe chuyện gia đình của tôi. Câu chuyện bắt đầu từ lúc ông tôi địu ba tôi sau lưng đi lánh nạn ở Thượng Hải, cho đến khi ba tôi vào sinh sống ở Saigon.

Nghe xong, ông thầy Tàu gật gù.

-Theo ngộ đoán, đây là miếng ngọc dùng để xác định thân phận của người đeo nó. Miếng ngọc này do những người thợ chạm ngọc nổi tiếng trong hoàng cung làm ra. Nị nhìn cho kỹ hình con rồng với đầy đủ năm móng, biểu tượng cho vua chúa. Thứ dân như ngộ với nị, nếu muốn vẽ con rồng cũng chỉ được vẽ con rồng ba móng mà thôi, đừng có dại vẽ con rồng năm móng, sẽ mang tội âm mưu soán đoạt ngôi vua.

Lúc Viên Thế Khải xưng vương, mặc dù chỉ có mấy chục ngày nhưng những người thợ ngọc trong hoàng cung muốn lấy công với vua, họ chạm miếng ngọc này dành cho hoàng tử Viên Khắc Văn. Theo ngộ suy đoán không phải chỉ có một miếng này thôi. Viên Thế Khải có bao nhiêu con, có bấy nhiêu miếng ngọc như vậy.

Ông thầy Tàu, đưa miếng ngọc tới trước mắt tôi, nghiêng qua rồi nghiêng lại.

-Nị nhìn thấy không? Trình độ điêu khắc chạm trổ của mấy ông thợ này thuộc vào bậc thầy, lên đến hàng siêu đẳng. Khi nị nghiêng miếng ngọc qua bên trái, nị sẽ thấy con rồng quẫy mình uốn qua bên trái. Nị nghiêng qua phải, con rồng lăn mình cuộn qua bên phải. Có phải vậy không?

Tôi có thấy gì đâu, dù có xoay ngang, quay dọc thế nào đi nữa thì nó cũng nằm yên đó thôi. Vì muốn vừa lòng ông thầy Tàu, tôi nói:

-Có, tôi có thấy.

Nói xong, tôi lấy miếng ngọc bỏ vô cái bị vải, đeo vào cổ, cảm ơn ông thầy Tàu rồi đi ra.

Đi được vài bước, tôi nghe tiếng nói của ông thầy Tàu vọng theo.

-Ê thằng nhỏ, giữ gìn miếng ngọc cẩn thận nghe mày, tao có bán hết gia tài, sản nghiệp cũng không mua được cái miếng ngọc đó.

-Ông yên chí, tôi sẽ giữ gìn nó cẩn thận.

Bây giờ tôi biết rõ, ba tôi và ông nội tôi không mắc bệnh hoang tưởng mà người mắc bệnh hoang tưởng chính là tôi. Tôi không giống ba tôi chút nào.Tôi sẽ không bao giờ lên cao nguyên khai thác lâm sản, cũng không bao giờ xuống biển, giăng lưới bắt cá Cơm, câu cá Ngừ đại dương. Tôi đang nghĩ cách trở về Quảng Đông ở bên Tàu, để đòi lại cái gia tài khổng lồ của ông nội tôi. Tôi là cháu đích tôn mà.

Huy Văn Trương

No comments:

Post a Comment