Friday, July 15, 2022

ĐI PHÉP ĐỢT ĐẦU - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 ĐI PHÉP ĐỢT ĐẦU

Thấm thoát cô bé An Bình ra đời đã được nửa tháng. Đúng là trời sinh trời dưỡng. Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, rất may không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Cả hai mẹ con được anh Sáu Xòm hết lòng chăm sóc nên chẳng thiếu thứ gì. Cả hai đều mạnh khỏe. Em bé rất dễ nuôi, chỉ ăn rồi ngủ chẳng quấy khóc làm rộn ai cả.

Lúc này trời mưa thường hơn trước. Hầu như chiều nào cũng có một trận mưa, không lớn lắm nhưng cũng đủ làm nước thoát đi không kịp, đọng thành những vũng nhỏ ở những chỗ trũng hay ở các vết lún của bánh xe. Thỉnh thoảng có được một trận mưa lớn. Chúng tôi lợi dụng ngay những cơn mưa ồ ạt ấy để tắm mưa và hứng nước để uống dần.

Dù cho cuộc chiến đã có vẻ bớt phần căng thẳng nhưng tôi vẫn phải đề phòng. Chỉ những khi nào thật cần thiết, tôi mới ra khỏi căn hầm. Tôi nghiệm rằng địch quân rất ít khi pháo kích trong những cơn mưa lớn. Có lẽ họ cho rằng pháo như vậy vô ích, ít gây ra thương vong vì mọi người đâu có đi ra ngoài. Do đó, tôi mới liều tắm mưa nhưng cũng vẫn để nón sắt và áo giáp trong tầm tay của mình.

Bây giờ tôi không sợ bị thiếu nước uống nữa. Cuộc sống có vẻ thoải mái hơn trước rất nhiều. Đi từ một cái khổ nhiều tới một cái khổ ít là thấy sướng rồi, tuy cái cảm giác có một trái đạn đại bác lúc nào cũng treo lủng lẳng trên đầu vẫn còn, nhưng lúc này, sợi dây ấy có vẻ hơi lớn hơn trước.

Tôi nghe tin Quân Đoàn III đang cố gắng lập một chiến đoàn để giải tỏa Quốc lộ 13. Nhưng đã mấy tuần nay, mọi sự đều giậm chân tại chỗ. Địch quân đã cho đóng chốt rải rác ở quãng đường giữa Chơn Thành tới ấp Tân Khai.

Quân mình không thể tiến lên được. Vì vậy, cho tới bây giờ mọi tiếp tế từ bên ngoài vẫn bằng không vận.

Có lệnh cho đi phép một phần quân số. Tôi vội vã cho anh Xòm biết, đồng thời xin anh Phúc cho phép anh Xòm được ưu tiên đi phép trước. Tôi có ý cho anh đi như vậy để anh có dịp đem vợ con về dưới Sa Đéc, quê anh càng sớm càng tốt để chóng được sum họp với gia đình.

Cho tới nay, mọi sự đều như êm đẹp đối với anh. Tôi muốn anh phải được thật toàn hảo, nghĩa là anh phải cùng vợ con về tới quê nhà an toàn thì tôi mới hả lòng.

Tôi giúp anh Sáu lo tất cả các giấy tờ cần thiết, từ giấy phép đến giấy khai sanh cho đứa trẻ, rồi tiền lương lãnh trước một tháng, rồi giờ máy bay đến v.v… Tôi đã chạy đi chạy về giữa hầm cứu thương và hầm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu dưới cơn mưa chiều hôm ấy đến 8 giờ tối. Mọi giấy tờ xong xuôi, tôi mới thấy yên trí về phòng nằm nghỉ. Trong bụng vẫn cầu mong sao cho chuyến bay ngày mai được suông sẻ thì lúc đó, tôi mới yên tâm.

Về chung với anh Sáu chuyến này có cả cô Bích. Thành ra toán Giải Phẫu Cấp Cứu của tôi bắt đầu từ ngày mai chỉ còn lại tôi, Binh nhất Thiện và Thượng sĩ Lỹ. Thế cũng đủ rồi. Tôi chỉ cần chuyên viên tê mê là Thiện thôi, còn những người khác kiếm người thay thế cũng không khó mấy.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm. Tôi và anh Phúc đang ngồi ăn sáng với bịch cơm sấy, anh Sáu Xòm và vợ ghé qua. Anh Phúc nói:

– Sao, anh Sáu sẵn sàng chưa?

– Thưa bác sĩ, xong hết cả rồi. Vợ chồng chúng em đến chào hai bác sĩ. Chúc hai bác sĩ ở lại mạnh giỏi.

Tôi đứng dậy bắt tay anh Sáu, nói:

– Tôi cũng chúc gia đình anh đi đường được may mắn và về tới nhà an toàn.

Vợ chồng anh Sáu đi ra. Cô Bích bước vào. Tôi hỏi đùa:

– Cô cũng tới chào tụi tôi đấy hả?

– Dạ.

Miệng cô hơi mỉm cười, dáng điệu làm ra vẻ thản nhiên nhưng nét mặt có vẻ hơi xúc động. Đó cũng là phản ứng bình thường trong mọi cuộc chia tay. Cô nói tiếp:

– Hai bác sĩ ở lại mạnh giỏi.

– Cô đi đường cẩn thận. Chỉ nửa tiếng thôi, ra khỏi vùng này là an toàn rồi. Một giờ sau, cô lại có quyền thảnh thơi dạo phố Sài Gòn, sướng nhé.

Cô gật đầu chào chúng tôi một lần nữa rồi mang cái túi xách tay đi lên miệng hầm, theo vợ chồng anh Sáu lên xe Hồng Thập Tự ra bãi đáp.

Lát sau, tôi nghe thấy tiếng trực thăng từ đàng xa vọng lại, càng ngày càng gần rồi nửa tiếng sau, mọi sự lại yên tĩnh như cũ. Tôi biết trực thăng đã tới bốc mọi người đi rồi. Tôi thấy mừng thầm trong lòng là không nghe thấy tiếng pháo kích nào cả. Như vậy mọi người đã được an toàn lên máy bay. Chỉ còn sợ quãng đường từ An Lộc tới Chơn Thành thôi nhưng chắc cũng không sao.

Tôi nghe nói để tránh hỏa tiễn của địch bắn lên, những máy bay trực thăng đều bay ở tầm rất thấp, là là trên ngọn cậy. Vì vận tốc rất nhanh nên địch quân không thể nào quay súng cho kịp đề nhắm bắn.

Anh Phúc chợt nói:

– Rồi, bây giờ tới lượt tụi mình. Anh tính bao giờ đi phép?

– Bây giờ tình thế cũng lắng dịu rồi. Chúng mình ế khách, rảnh rang, cũng nên đi phép về thăm nhà một chuyến.

– Vậy, chuyến tới anh có muốn đi không?

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

– Anh đi trước đi. Một tuần sau anh lên, tôi sẽ đi cũng không muộn. Anh sang hầm Chỉ Huy nói với ông Nhựt một tiếng rồi làm giấy tờ sẵn sàng. Khi nào có chuyến bay là về cho lẹ.

– Vậy cũng được.

Mấy ngày sau có chuyến bay. Anh Phúc đã được về phép một tuần. Trong hầm cứu thương chỉ còn có tôi, Thượng sĩ Lỹ và Binh nhất Thiện. Không có việc gì làm, tôi tha hồ viết nhật ký, vừa để giết thì giờ vừa để ghi lại những cảm nghĩ của tôi lúc bấy giờ.

Bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu lại cho người sang hỏi tôi đã lên Đại úy thực thụ lâu chưa? Có huy chương nào không? Tôi nói đã lên thực thụ được sáu tháng. Huy chương cũng có một hay hai cái gì đó. Tôi biết trận chiến sắp kết thúc, đây là lúc Đơn Vị Trưởng lo đề nghị thăng cấp và ban thưởng huy chương cho những người xuất sắc. Những thứ này đối với tôi có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Điều đáng mừng nhất là tôi đã được may mắn sống sót, không bị một vết thương nào. Công việc làm do muốn chu toàn bổn phận một cách tự giác. Nhìn lại những nỗi khổ của tôi trong trận này so với những người khác thật ra chẳng đáng là bao.

Tổng kết ra, tôi đã mổ được 254 trường hợp đại giải phẫu. Chết mất sáu người ngay tại mặt trận, số tử vong của những thương binh đã được di chuyển về các bệnh viện khác, tôi không tài nào biết được.

Bác sĩ Vũ Thế Hùng bên Tiểu Đoàn 5 Quân Y có đòi tôi báo cáo những trường hợp đã mổ từ đầu trận chiến tới giờ. Tôi không có được những danh sách đó vì cuốn sổ nghi thức giải phẫu đã để lại bệnh viện khi tôi di chuyển sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Vả lại, nghi thức giải phẫu chỉ được ghi đàng hoàng trong tuần lễ đầu. Về sau, địch pháo dữ quá, mổ làm sao cho nhanh cho chóng xong, rồi đi kiếm chỗ núp. Ai còn nghĩ tới nghi thức giải phẫu làm gì. Mổ xong, gắn được giấy chuyển thương với đầy đủ tên tuổi, số quân và đơn vị trên người thương binh là quá đẹp rồi. Tôi chỉ ghi số ca mổ trong ngày rồi cộng lại thôi chứ không ghi rõ như thời bình. Do đó, tôi chỉ biết được tổng số, còn muốn đi vào chi tiết thì đành chịu.

Tôi nghĩ đó cũng là một thiếu sót của tôi vì đã không giữ được danh sách các thương binh tôi đã mổ. Ngay tại mặt trận như vậy, thật tình mà nói, tôi thấy không có hứng làm những chuyện đó. Trong khi cái chết lúc nào cũng lởn vởn bên mình thì tôi còn cần gì nữa. Đúng ra phải có một thư ký lo về việc này. Đó là cô Trí nhưng chỉ sau đợt tấn công lần đầu, các nhân viên dân sự đều bỏ bệnh viện di tản cùng với gia đình. Tôi có nhắc Thượng sĩ Lỹ tiếp tục làm nhưng chúng tôi làm việc mờ người ra. Xong việc lại còn tự mình đi lo cơm nước thi ai còn nghĩ tới phúc trình làm gì nên tôi cũng thông cảm và làm lơ cho Thượng sĩ Lỹ.

Tôi đoán bác sĩ Vũ Thế Hùng có thể hiểu lầm tôi có danh sách thương binh nhưng cố tình không báo cáo cho anh. Anh cho người sang đòi hai lần, tôi đều nói không có . Tôi chỉ có con số thôi. Không có cơ hội trực tiếp nói chuyện với nhau nên tôi đã không có cách trình bày, giải thích cho anh Hùng hiểu.

Tôi biết, với nhiệm vụ Y Sĩ Trưởng của Sư Đoàn, anh Vũ Thế Hùng phải báo cáo lên thượng cấp về tổng số thương binh đã được Tiểu Đoàn 5 Quân Y phối hợp với Bệnh Viện Tiểu Khu săn sóc. Tôi thấy anh chỉ cần báo cáo những gì anh có trong tay, tức số thương binh được Tiểu Đoàn 5 Quân Y đã điều trị, chẳng ai bới ra mọi chi tiết làm gì rồi mọi chuyện cũng qua đi.

Một buổi chiều sau khi cơm nước xong, tôi sang bên hầm chỉ huy chơi, xem có tin tức gì không. Đại tá Nhựt thấy tôi không mặc áo giáp, đội nón sắt như thường lệ khi đi ra ngoài hầm. Ông có vẻ không bằng lòng, nói:

– Bác sĩ nên cẩn thận. Đi ra ngoài là phải mặc áo giáp, đội nón sắt đàng hoàng, lỡ nó pháo bất tử mình còn có cái che thân. Anh mà bị thương, ai sẽ mổ cho anh?

Tôi biết ông nói đúng nên chỉ biết trả lời:

-Tại đi vội quá. Lần sau tôi sẽ không quên đâu.

Đại tá Nhựt không muốn tôi ở trong tình trạng khó chịu lâu, ông chuyển qua vấn đề khác, hỏi tôi:

– Bác sĩ Phúc đi phép, chắc sắp về rồi phải không bác sĩ?

– Dạ, chỉ đúng hai ngày nữa là đúng một tuần.

– Có thể Tổng Thống Thiệu sẽ lên đây thăm mình đấy. Bác sĩ ráng chờ đi, để tôi kiếm cái Bảo Quốc Huân Chương cho bác sĩ.

– Cám ơn Đại tá. Tôi đâu có đánh đấm gì đâu mà mong được cái huân chương cao quý ấy.

Đại tá Nhựt lắc đầu nói:

– Không phải cứ giết được địch nhiều mới là có công. Công việc bác sĩ làm tại chiến trường này ai cũng biết. Tụi cố vấn Mỹ ở Quân Đoàn đề cao bác sĩ lắm. Nhất là ông bác sĩ Risch, không tiếc lời khen ngợi bác sĩ. Dù sao, binh sĩ biết ngay tại mặt trận mà vẫn có bác sĩ mổ cấp cứu được thì họ lên tinh thần lắm chứ. Bác sĩ biết mổ được bao nhiêu ca không?

– Dạ, thưa từ đầu trận đánh này tới giờ vào khoảng 250 ca, trong đó có sáu tử vong.

Đại tá Nhựt tính nhẩm một lúc rồi gật đầu hài lòng và nói:

– Như vậy, số tử vong tương đối cũng thấp đấy nhỉ? Chưa tới 3 phần trăm.

– Đó cũng nhờ bị thương được mổ ngay, không phải đợi chờ lâu. Thương binh không bị mất máu nhiều. Kích xúc được điều trị ngay. Vi trùng chưa có đủ thời gian nẩy nở làm độc. Đó là những yếu tố căn bản để làm giảm số tử vong của thương binh.

Nói chuyện một lúc, tôi cáo từ đi về hầm của tôi. Vừa đi vừa ngẫm nghĩ những lời Đại tá Nhựt mới nói với tôi. Tôi đoán ông biết trong tuần này có chương trình để Tổng Thống lên đây thị sát chiến trường An Lộc cùng ủy lạo các anh em binh sĩ. Nhân cơ hội này, chắc chắn Tổng Thống sẽ gắn huy chương ngay tại mặt trận cho những người được đơn vị trưởng đề cử. Cũng có người sẽ được thăng cấp đặc cách tại mặt trận vì những thành quả xuất sắc của họ.

Tôi bước vào hầm, đi về căn phòng của tôi. Bây giờ căn phòng thật lặng lẽ. Mọi khi có anh Phúc, tôi còn có người nói chuyện, nay chỉ còn có một mình. Tôi thấy lẻ loi quá. Thuở bé tôi là đứa trẻ hay sợ ma lắm và nhất là sợ chuột nữa. Vậy mà mấy tháng nay sống gần với mấy trăm xác chết, tôi chẳng thấy có con ma nào cả. Tuy rằng trông thấy xác chết thì cũng ơn ớn. Có thể vì pháo dữ quá nên các hồn ma cũng sợ, lỉnh đi chỗ khác chăng.

Tôi còn nhớ mấy tháng trước khi xảy ra trận chiến này, ngủ trong phòng của tôi ở bệnh viện Tiểu Khu, tôi hay bị bóng đè lắm. Cứ nằm xuống liên tiếp mấy đêm liền là bị một bóng đen đè dậy không nổi. Tôi có về kể lại cho ông Diệm nghe. Ông Diệm nói:

-Vậy để tôi cho bác sĩ mượn cái tượng ảnh Chúa đã được Cha làm phép, để ngay đầu giường bác sĩ nằm. Chắc sẽ không bị nó quấy rầy nữa đâu.

Tôi nghe lời, đem tượng ảnh Chúa treo ngay trên đầu giường nhưng vẫn bị bóng đè như thường. Tôi mang mấy củ tỏi để ngay đầu giường cũng chả ăn thua gì. Mỗi lần tôi nằm sấp xuống là bị bóng đè liền. Có lần tôi đang mơ mơ màng màng thì bị bóng đè. Nó còn lôi tôi ra khỏi giường, vẫn ở trong cái thế nằm, giữ tôi lơ lửng trên không một hồi rồi đặt tôi lại vào giường như cũ. Thế có láo không chứ. Tôi cũng chẳng sợ. Tôi không tin mấy là ma làm. Có thể vì ban ngày, tôi làm việc mệt nhọc nên đêm đến, đặt mình xuống là bị ảo tưởng chăng. Có điều tôi hơi thắc mắc, ảo tưởng gì mà cứ lập đi lập lại hoài, liên tiếp cả tuần lễ.

Khi dọn sang hầm này, tôi không còn bị bóng đè nữa. Nhưng hình như tôi lại bị ảo tưởng là trong hầm có chuột mặc dù tôi chưa thấy một con chuột nào cả. Vì sợ chuột nên lúc nào tôi cũng đề phòng. Bởi vậy, thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác có cái gì đụng đậy ở dưới chân hay dưới lưng khi đang ngủ.

Hai ngày sau, tôi đang nằm nghe radio theo dõi tin tức, chợt nghe thấy tiếng hắng giọng quen thuộc của bác sĩ Phúc. Tôi nhỏm dậy đã thấy anh tay xách hai túi hành lý khá nặng, bước vào cửa. Trông thấy anh, tôi mừng quá:

– Anh lên thật đúng lúc. Vắng anh có một tuần mà tôi thấy trống rỗng quá. Anh đi đường có gì nguy hiểm không?

– Hơi mệt thôi, cũng không có gì nguy hiểm lắm. Phi công bay rất thấp, là sát ngọn cây nên cũng an toàn, không sợ bị chúng bắn. Ở đây, mấy ngày nay có bị pháo kích không anh?

– Vẫn lai rai, vài trăm quả nhưng không có quả nào vô Bộ Chỉ Huy cả. Bà cụ và gia đình vẫn mạnh khỏe cả chứ?

Anh Phúc lấy tay gạt mồ hôi trán, nói:

– Cám ơn anh, má tôi vẫn mạnh. Gia đình thấy tôi về thì mừng lắm. Người về từ địa ngục mà lị. À, bà xã tôi có gửi biếu anh ít Mè Xửng ăn chơi cho đỡ buồn.

Kẹo Mè Xửng Huế là thứ tôi thích ăn nhất, kẹo có mè với đậu phọng, ăn vừa bùi lại vừa thơm. Trong lúc đói khổ, thiếu thốn như thế này mà lại có của quý đó thì vui biết mấy. Tôi reo lên:

– Ồ, vậy thì tốt quá. Cám ơn anh chị nhiều lắm. Món này là thứ khoái khẩu nhất của tôi. Chút nữa ăn cơm xong, tráng miệng thứ này với nước trà nóng thì thật tuyệt. Anh về thấy Sài Gòn ra sao?

Anh Phúc lắc đầu, thở dài nói:

– Dân chúng vẫn tỉnh bơ như không. Thanh thiếu niên thì vẫn ăn chơi như cũ, chẳng có ai biết An Lộc là gì cả. Chỉ những người có thân nhân sống ở Bình Long mới có một chút suy nghĩ tới trận đánh này thôi.

– Thế anh có đi chơi đâu không?

Anh Phúc lắc đầu, đáp:

– Đâu có thì giờ, anh. Về nhà được có hai ngày, tôi lại phải lên Liên Đoàn Quân Y họp rồi lại tới bệnh viện để rút kinh nghiệm trận đánh này, sửa soạn cho những trận sắp tới. Trong cuộc họp đó, họ đề cao anh quá. Có anh bác sĩ Trần Văn Tính, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Quân Y ở Mỹ Tho, ca ngợi anh hết lời. Đề nghị tuyên dương tinh thần phục vụ can đảm của anh.

Tôi ngạc nhiên, tự hỏi làm sao họ có thể biết được những việc làm của tôi, một khi chúng tôi bị bao vây nội bất xuất, ngoại bất nhập trong gần ba tháng trời. Tôi hỏi bác sĩ Phúc:

– Tôi lấy làm lạ, sao họ biết được hở anh. –Tôi nói đùa – Chính tôi còn không biết nữa là ai khác.

Anh Phúc nói:

– Có gì đâu, họ hỏi những thương binh được anh mổ, săn sóc và những nhân viên của bệnh viện tản cư xuống Bình Dương là biết hết chứ có khó gì. Dù sao đó cũng là điều tốt cho anh. Công việc mình hết sức làm mà được mọi người biết đến cũng đủ an ủi cho mình rồi. Vả lại, anh đừng quên phái đoàn cố vấn Mỹ đến thăm mấy tuần trước. Chính những người Mỹ đó đã nói rất tốt về anh nên ông Đại tá Lương Khánh Chí, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 73 Quân Y mới biết và báo cho những người khác biết để như một công tác tuyên truyền khích lệ các đơn vị khác cố làm được như mình ở đây.

– Anh nói đúng. Ai ở trong trường hợp tôi cũng phải làm như vậy. Nhưng được thiên hạ hoan nghênh thì cũng thú vị lắm. Phải nói thực là như thế. Thôi thì cũng bõ công ăn gạo sấy hơn hai tháng trời.

Anh Phúc chợt vỗ tay lên trán, nói:

– Ô, nhắc đến cơm gạo. Tôi có mang lên xôi với con gà quay mua ở Chợ Cũ, để tôi dọn đồ một chút rồi mình ăn kẻo nó hư thì uổng. Bà xã tôi còn nhét theo cả mấy ký gạo nữa vì sợ mình ở trên này đói.

– Chị ấy chu đáo quá. Có vợ như vậy cũng ấm lòng người chiến sĩ phải không anh?

Tôi nói đùa với anh Phúc. Anh mỉm cười, gật đầu công nhận mặc dù vẫn than:

– Tôi đã bảo nhà tôi sắp đổi về Sài Gòn rồi, không phải tiếp tế những thức ăn làm gì, mang đi nặng lắm. Nhưng nhà tôi cứ ấn đại vào bao: “Đâu có nặng gì đâu, trực thăng nó chở đi”. Bà ấy đâu có biết, từ bãi đáp vào đây tôi phải khênh mấy thứ này nặng muốn xỉu luôn.

Thảo nào tôi thấy anh mặt mày thất sắc vì phải mang những đồ đạc nặng nề như vậy. Tôi an ủi anh:

– Tội nghiệp anh phải mang quá nặng. Ở đây vẫn còn đầy dẫy nguy hiểm. Mình phải gọn nhẹ để di chuyển cho nhanh. Lỡ nó pháo bất tử thì sao. Rút kinh nghiệm của anh, tôi sẽ không đem theo gì hết. Tôi nghĩ nhiều lắm chừng một tháng nữa, mình có quyền vi vút ở Sài Gòn rồi phải không anh?

– Đúng vậy, tôi có hỏi ông Đại tá Lương Khánh Chí rằng chừng nào chúng tôi có người thay thế? Ông ấy nói chậm lắm là hai tháng, nhanh là một tháng. Ông ta đang chọn người làm Y Sĩ Trưởng thay thế tôi và mấy người nữa. Hình như đã có sẵn danh sách rồi. Tôi nghe ông ấy nói anh bác sĩ tên Lê Quang Tín sẽ lên thay tôi. Anh có biết anh Tín không?

– Có chứ, tôi với nó thân lắm. Nó sau tôi một lớp và cùng học lớp Giải Phẫu Cấp Cứu với tôi. Tay này được lắm, được cả về tính tình lẫn tay nghề nhưng lên đây cũng phí đi. Với khả năng của Tín, tôi thấy để hắn ở mấy bệnh viện lớn tốt hơn. Không hiểu sao nó lại thích lên đây.

-Chắc anh chàng thích phiêu lưu hoặc bị hào quang của bác sĩ Quý cám dỗ.

– Hào quang gì anh, tôi chỉ làm bổn phận mà thôi.

– Anh không biết chứ, như tôi đã nói, ở Liên Đoàn họ thích anh lắm. Ai cũng đề cao anh. Anh sẽ là người hùng Quân Y đấy.

– Thôi để người hùng hạ hồi phân giải. Bây giờ anh em mình làm bổn phận công dân, tiêu thụ mấy món này đã rồi sau sẽ tính.

Chắc anh Phúc đi về hơi mệt nên tôi thấy anh ăn vài miếng rồi than no, không tiếp tục nữa. Còn tôi thì nửa bịch cơm sấy ăn hồi trưa, bây giờ vẫn chưa tiêu hết nên chúng tôi ăn có vẻ uể oải, không như tôi nghĩ sẽ làm hết. Chứng tôi thu dọn chiến trường trong một thời gian kỷ lục. Đúng là no bụng đói con mắt.

Chúng tôi ngồi uống trà và thưởng thức mấy miếng kẹo Mè Xửng. Quả thực là thần tiên. Đã lâu lắm tôi không được nếm những thức ăn ngọt nên mấy miếng kẹo này đối với tôi lúc đó thật là tuyệt vời. Lại uống với trà nóng nữa mà tiếng nhà nghề gọi là “hãm” thì không còn gì thú vị hơn. Tuy nhiên, tôi không dám ăn nhiều vì sợ sẽ bị sôi ruột hoặc đi tiêu chảy, đau bụng vì không dùng đường đã lâu rồi.

Chúng tôi thu dọn nhanh giường của mình rồi anh Phúc nói:

– Hôm nay quá mệt, tôi đi ngủ sớm!

Đúng thế, tôi thấy nét mặt anh có vẻ bơ phờ, hốc hác. Tôi nghĩ bụng về phép thăm nhà mà lại mệt hơn ở đây thì lạ nhỉ. Tôi uống nước trà, chắc tối nay lại không ngủ được. Không sao, đối với tôi, không ngủ được chẳng làm tôi lo lắng. Tôi chỉ cần để óc làm việc một chút thì lại ngủ được ngay. Nhất là hiện nay nhàn nhã, không phải như hồi xưa, phải dậy sớm đi làm. Bây giờ, nếu đêm không ngủ được, sáng ra có mệt thì tôi vẫn có quyền ngủ nữa, chẳng ai quấy rầy cả.

No comments:

Post a Comment