Thursday, July 21, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 3 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 3 –

Từ hôm về tới nay, tôi chỉ toàn ăn chực, uống chực chứ không có tiền mua sắm một thứ gì. Sáng dậy thì đầu này hú, đầu kia hú đến uống trà, trưa lãnh cơm xong một bạn nào đó bí mật xì cho một ít ruốc thịt rừng hoặc một dúm lạc rang muối. Vậy là đã quí vô cùng rồi. Còn chỗ ở thì tấp vào cái chòi chung với nhà phê bình nòi là Từ Sơn con của ông Hoài Thanh.

Anh này nghịch lắm. Đi ăn cơm về là nhào lên võng nằm là rớt cái ạch thôi. Đó là do anh ta sửa dây võng. Ở với anh ta nhưng tôi chỉ về để ngủ và những lúc bị ma rét hành, còn thì suốt ngày tôi đi la cà hết lều này sang lều khác để hỏi thăm tình hình trong Nam và tìm gặp người quen từ kháng chiến chống Pháp.

“Tiệc” sắp dọn ra thì có tiếng cười khúc khích rồi tiếng chân khua lá khô. Tôi ngoảnh nhìn ra thì thấy một bầy tiên cô tay ôm quần áo từ từ đi tới.

Như một ảo ảnh xa vời, đám con gái vụt hiện ra trước mặt tôi, ngay bên thềm chòi.

– Đi tắm hả các em ? Ba Mực nhắp miếng khô rồi hỏi – Đừng có quậy ngọp đục hết nước, để các anh uống trà nhé !

Tôi vụt kêu lên:

– Thu !

Cô gái đi sau cùng còn lếch thếch ở phía bụi cây vừa nhô ra đi tới chòi cũng khựng lại như tiếng gọi của tôi.

– Thu với chả Đông ! Hoàng Việt càu nhàu một cách vui vẻ – Mày đi đâu cũng gặp nợ !

Thu vừa tới thì lũ con gái đi trước đã quá chòi khuất dạng về phía suối.

Thu đứng lại bên thềm ngẩn ngơ. Tôi hỏi tiếp:

– Em vào đây đã lâu chưa?

– Cả tháng rồi !

– Ngồi trên võng kìa em gái, đứng mỏi chân ! Ba Mực trỏ cái võng mời khách một cách ga-lăng.

– Em phải đi, kẻo tụi nó trêu. Nó lại báo cáo với đoàn

– Trêu cái giống gì ? Báo cáo cái gì ?

– Đoàn có kỷ luật nghiêm lắm. Đi đâu phải đi tập thể!

– Ừ thì đi đi ! – Hoàng Việt lúc nào cũng tỏ vẻ “ghét” các vụ nam nữ lăng nhăng.

– Bữa nào em xin phép đoàn vào thăm anh ! – Thu nói xong quay lưng đi.

Tôi nhìn theo, sững sờ.

Kể từ chia tay ở cái trạm gặp ông Mặt Sắt tới bây giờ là một trăm năm hay một tháng, tôi cũng không còn nhớ được. Tôi đã chết năm bảy lần và cũng đã sống lại năm bảy lần, tôi cũng không hiểu. Tôi càng không ngờ là tôi còn gặp được Thu.

Thu bây giờ trông có vẻ trắng trẻo trơn tru không lùi xùi bủn beo như hồi đó.

– Cái gì mà ngẩn ngơ thế kia? Này, uống một chút cay hâm bầu nhiệt huyết ! Hoàng Việt bảo.

– Đoàn gì mà có kỷ luật nghiêm dữ vậy anh Bảy?

– Đoàn Văn Công chứ còn đoàn gì ?

– Trời đất ? Tôi kêu lên – Văn Công gì ?

– Thì Văn Công chớ còn Văn Công gì ? Cái thằng !

– Ở đây diễn cho ai coi ?

– Cà khu, khỉ mặt xanh, khỉ mặt đỏ, nai, mển, rắn rít và tụi mình ! Ba Mực tiếp.

Tôi mới sực nhớ ra rằng trong đoàn tôi đi có đến cả chục cô em đẹp nhất lấy từ trường Múa và các đoàn Văn Công Trung ương trong đó có Phương của tôi và Thu.

Phương đã bị phục kích chết ở Eo Máu trên đường về quê khu Năm. Còn Thu thì còn sống sót vô đến đây để gặp người yêu, nhưng dọc đường chúng tôi đã đi quá xa trên con đường tình cảm. Tôi muốn biết thêm về việc gặp lại người yêu của Thu ở trong này. Nhưng không tiện hỏi thẳng Thu mà cũng hơi khó hạch Ba Mực. Nhưng Ba Mực biết tỏng bụng tôi nói:

– Vụ đó xù rồi ! Thằng kia ở trong này lại lăng nhăng với một con nhỏ cải lương.

Hoàng Việt cười, nhìn tôi một cách trêu chọc:

– Mày nên báo cáo với tổ chức đi là vừa. Để nó trống chân lâu ngày có thằng nhảy vô đấy.

Ba Mực cười:

– Ra thế à ?

– Thì nó thế đấy. Còn hơn thế nữa. Hà Nội đỡ rắc rối là nhờ nó và một thằng nữa đi vô đây.

Ba Mực hỏi:

– Thằng nữa là thằng nào?

– Thằng Sáng ủy viên Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn. Đó là hai con quỉ chùa phá nhà chay ở ngoài đó, cho nên để cho dân Hà Nội an cư lạc nghiệp, người ta tống hai thằng vô rừng này.

Ba Mực hớp miếng rượu khà một cái to và tiếp:

– Muốn làm gì thì dắt đi đâu chứ ở đây không được đâu cha nội ơi !

– Dắt đi đâu là đi đâu?

– Không có đi đâu được hết, nghĩa là không có làm gì được hết.

– Sao quái gở vậy? Hoàng Việt hỏi.

– Các anh mới về nên chưa có thông tình hình ở trong này đâu! Đoàn Văn Công không cho ai yêu ai, không có nói tới cái vụ yêu đương trong lúc này. Để toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng.

– Vậy sao cái thằng của con Thu lại lăng nhăng với con nhỏ nào?

– Hai đứa vừa bị kiểm thảo một trận trời long đất lở.

– Thế à? Hoàng Việt cười khè – Bà trưởng đoàn đã “lên mốc” nên không cho đám trẻ con chơi trò hú tim chớ gì !

– Chị Ba ở Sài Gòn mới ra nhưng chỉ giác ngộ mau lắm. Chỉ còn nghiêm hơn các ông ngoài ta.

– Chị Ba nào? Tôi hỏi.

– Chị Ba Thanh Loan chớ chị Ba nào. Anh không biết sao? – Ba Mực nói.

– Không !

Hoàng Việt trả lời thay.

– Thanh Loan là chị Thanh Hương Nguyệt Nga Điêu Thuyền của ông Tám Danh rõ chưa nào?

– Ủa!

– Ủa cái gì ! Bả là ủy viên trung ương Mặt Trận ta đó chú em.

– Hiện phụ trách đoàn Văn Công Giải Phóng của mình.

– Vậy thì “chú em” có muốn “đút đờ-măng” vô con Thu phải báo cáo với nữ chúa nghe ! Vô đây là cơ quan rồi không có đấu phép như trên đường Trường Sơn được nữa. Coi chừng sụp hầm chông đấy!

Tôi thở dài một cách vui vẻ:

– Vấn đề là tui có muốn oánh phép hay không thôi chứ không phải vấn đề xin phép ai đâu!

Hoàng Việt cười ré lên:

– Mày là con quỉ. Đi đâu thì phá làng phá xóm tới đó.

– Tôi tu lâu rồi anh Bảy!

– Ừ mày sắp thành ở ngoài trường đi B rồi đấy nhỉ.

– Trường đi B nào? – Ba Mực hỏi.

– Tức là cái trường tên mang gạch mang đá của tụi này đấy. Trước khi vô đây phải trải qua một khóa luyện nội công ba tháng. Ở đó vách tường khít rim mà nó còn đấu phép rần rần kia kìa, vô đây rừng cây không có hàng rào nó coi như đồ bỏ.

Tôi hỏi sang vấn đề khác:

– Chị Ba có anh Ba không?

– Không có ai cả!

– Vậy ai làm người tình của nữ chúa? – Hoàng Việt cười ngặt nghẽo hỏi.

Ba Mực ngó quanh rồi nói:

– Có ông Tám Năng nhà mình mới xứng, nhưng ổng đạo đức lắm, ổng không dám đánh du kích đâu. – Ba Mực nói.

– Tám Năng nào?

– Huỳnh Minh Siêng đấy! Trại cưa Kim Hữu, nhớ không?

– Á, à… ổng vô đây đổi Tư Siêng ra Tám Năng hả?

– Ừ thì đại khái là ở rừng thì cũng lấy tên cho nó có vẻ rừng rú một chút. Nay mai rồi mày cũng phải vứt bỏ cái tên Trường Sơn của mày đi để tra một cái tên rừng vào. Xuân Vũ thì đổi ra Tư Cọp, Năm Cheo hay Tám Bò Hóc vậy đó. Không thấy Xuân Hồng lại hóa ra Ba Mực sao?

– Ba Mực là tên cũ của tôi bây giờ đem ra xài rất hợp ní ! Còn anh thì lấy tên gì ?

– Tớ thì có sẵn rồi. Tụi nó bảo Hoàng Việt cũng như Hoàng Cò… Thôi thì để cho Mỹ Ngụy nó không tìm ra tác giả Tiếng Còi Trong Sương Đêm (*), sẵn rượu thịt đây, tôi tự đặt cho tôi là Bảy Cò luôn nhé. Còn thằng Xuân Vũ thì tao đặt cho là Hai Cọc, được không?

(*) Bài hát nổi tiếng của Lê Trực tức Hoàng Việt.

Tôi cười ngất:

– “Cộc hay “cọc” ? Cộc thì có nghĩa là cồng cộc bắt cá dưới đìa còn cọc là cây cọc, cọc gỗ, em gái ngồi phải cọc. Anh muốn cho tôi là cồng cộc hay cọc cho em gái ngồi ?

Ba Mực đáp:

– “Cọc” hay hơn.

– Tại sao?

– Vì “cọc” không có “ô” cho nó khỏe và khoái nữa. Còn “cộc” thì có “ô” mệt lắm. Ở đây mà bị một phát “ô” thì sầu đời vô cùng.

– Ô che nắng che mưa, gì mà rầu.

– Không ! Cái ” ô” kia cơ !

– Ô trong này ăn cực ăn khổ thế mà cũng phạm cái “ô” đó nữa sao?

– Cả hai cái, “ô” này dẫm lên chưa rút chân ra khỏi lại dẫm lên “ô” nọ. Có thằng dẫm một, có thằng dẫm cả hai. “Buồn tình quê” lắm ông văn sĩ xã nghĩa ơi! ông về đây thì nên mau mau xin xuống đồng bằng mà công tác đi thôi. Ở trên này chẳng có đề tài đâu.

– Đi đâu bây giờ?

– Ông ở Bến Tre thì về viết Đồng Khởi. Ông Bảy Cò thì đi sông Cửu Long viết Giao hưởng số hai như ông đã từng tâm sự với tôi.

– Còn ông ở đây à?

– Ở đây thì sớm muộn gì cũng kênh cần cổ lên đội “dưa hấu” thôi, nhưng nếu đi hết thì ai thường trực? Tôi với thằng họa sĩ Đức kia kìa được phân công ở lại thường trực.

– Đức nào ?

– Đức cháu họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đại biểu quốc hội hồi 46 đó!

– Ủa… Thế à !

– Ông ra ngoải có gặp ổng không?

– Có chớ đi họp gặp hoài, ổng có minh họa truyện của tôi đăng trên báo nữa.

– Nhưng mà nói chuyện với ông họa sĩ này thì nên chú ý nghe !

– Tại sao ?

– Nó toàn dùng ngôn ngữ đặc biệt không hè.

– Thí dụ như gì?

– Thí dụ như đi săn khỉ, cà khu thì nó gọi là đi săn Tổ Tiên. Đi bệnh xá thì nó gọi là đi Diêm Vương, uống kí-nin nó gọi là “thỉnh thị”, trà hiệu con khỉ nó gọi là con khỉ hộc máu… hoặc con khỉ có tháng.

– Anh ta có định nghĩa “Rờ” là gì không? Tôi cứ nghe nói rờ, rờ, mà không hiểu rờ gì !

Ba Mực nói:

– Tôi không hiểu cũng không rõ nó có từ đâu. Ai đặt cho nó từ thời nào? Tụi tôi nói riết quen miệng, thành thói quen luôn. Cũng như chứ “I”. I ngắn ông hiểu không. Chẳng hiểu tại sao người ta không gọi là Khu Tư, Khu Ba, Khu Tám, Khu Chín như thời chống Pháp, mà lại gọi là “I.” I Tư là khu Tư tức Sài Gòn Chợ Lớn. I Ba là khu 9. I Hai là khu 8 cũ. Rờ có lẽ là một tiếng lóng lấy từ câu “Rờ Râu, Râu Rụng, Rờ Rún, Rún Rung Rinh” chăng?

– Không phải!- Hoàng Việt cãi lại-. Rờ là “Ròm Rỉn Rầu Rỉ Rét Rên Rũ Riệt Rã Rời.”

– Vậy mình xài cái tiếng mà chính mình không hiểu à?

– Có nhiều tiếng quái gở hơn thế nữa cơ.

– Như tiếng gì ?

– Ví dụ như tiếng “Học.” Mình dùng tiếng này một cách phổ thông là: Tôi đi học, học trường nào. Phải không? Thế nhưng nếu ông xuống đồng bằng thì ông nghe các ông tỉnh ủy nói: “Tôi đi học cho các đồng chí cơ quan ! ” . . .

– Nghĩa là sao ?

– Nghĩa là “tôi đi dạy cho các đồng chí cơ quan một bài gì, một chỉ thị nào của ở trên!”

– Tiếng gì lạ vậy ai mà hiểu cho nổi.

Ba Mực cười khè khè hiền hậu:

– Ở trong này nó toàn ngược ngạo như thế. Anh ở đây hoặc xuống đồng bằng rồi sẽ thấy. Không có giống bất cứ sinh hoạt nào hồi kháng chiến hết.

– Thí dụ coi.

– Thí dụ như tất cả sinh hoạt đều về đêm. Chợ họp đêm, mít-tinh đêm, đi đêm, ngủ ban ngày và ở hầm bí mật. Ở rừng này cũng vậy thôi. Chúng ta chỉ sống về đêm, chỉ hưởng được sự yên ổn về đêm. Nhưng bây giờ đêm cũng không còn yên ổn nữa.

– Tại sao ?

– Trên rừng thì bị B52. Đồng bằng thì bị trực thăng. Thằng Mỹ này ác gấp ngàn lần thằng Pháp. Khi nó đã đánh thì nó đánh triệt để. Đại khái như nó bỏ bom nhé. Bom bỏ xong, đến pháo bắn. Pháo bắn dứt trực thăng đến tỉa. Ba cuộc tấn công liên tiếp không cho mình ngóc đầu dậy.

Ba đứa đã nhậu hết rượu và khô. Kẻng cơm khua leng keng vừa đủ nghe. Ba Mực đứng dậy:

– Để tôi đi lãnh khẩu phần !

Đoàn tiên nữ tắm suối lại vừa cười rúc rích vừa dẫm lên lá nát trở về.

Ba Mực nói:

– Chừng vài bữa nữa bọn đực rựa các anh sẽ câm hết.

– Sao vậy? Một nàng gắt yêu.

– Tụi anh ở dưới nguồn chứ sao. Hà hà hà…

Hoàng Việt đỡ giùm các cô:

– Bậy nào, uống nước tiên tắm, giọng hát mới thanh tao chớ.

– Mấy anh ngày nào không ghẹo tụi em là mấy anh bị sốt hả?

– Đâu tui có ghẹ… ẹo gì. Các em chê tui xấu xí mà!

Hoàng Việt tiếp:

– Đứa nào sôlô Xuân Chiến “Xĩ” đâu, vô đây tác giả thưởng miếng khô dê, ủa khô na..ai!

– Ảnh láu ăn lắm. Hôm nọ ảnh săn được con nai, ảnh vác ngang đoàn tụi em, ảnh không đi đường mòn mà cắt đường mới, sợ tụi em xin một đùi.

– Ai mà sợ ! Xin một đùi cho liền, sợ bắt nguyên con chớ.

Thu đứng xa xa nhìn tôi qua vai các bạn. Bây giờ tôi thấy khó gặp nàng. Có lẽ nàng cũng muốn nói gì với tôi nhưng không tiện đứng lại. Cho nên khi các cô kéo nhau đi thì Thu cũng chỉ giơ tay vẫy nhẹ tôi rồi quay lưng đi.

Ba Mực nói với theo:

– Mai anh bắn cho con tổ tiên nhé.

– Con tổ tiên là con gì ?

– Là con tổ tiên ở trên ngọn cây kia chứ con gì.

Hoàng Việt kêu giật lại:

– Ấy Thu ! Trở lại anh Bảy gởi bài hát của anh về cho chị Ba phân công cho em nào dượt trước đi. Mai anh sẽ ra duyệt.

Có lý do chính đáng, Thu quay lại. Ba Mực xách gà-mèn lãnh cơm, vừa đi vừa hát:

“Chiến sĩ ta ngồi đâu ngủ đó…đó… !”

Hoàng Việt hỏi Thu.

– Thế nào? Thằng kia chơi đểu rồi hả?

Thu cúi xuống lí nhí trong miệng:

– Chuyện của người ta, em không để ý.

– Giỡn hoài ! Không để ý mà leo hết dãy Trường Sơn vào đây !

– Em đi công tác chớ !

Hoàng Việt cười khẩy:

– Ờ, không để ý thì đừng có nhờ anh Bảy giúp đỡ nghe ! Muốn nói gì, nói một câu đi ! Kỷ luật đoàn gắt gao lắm. Nay mai anh Bảy đi đồng bằng, ở trên này không có ai hiểu em đâu.

Thu đứng trơ trơ không nói gì . Hoàng Việt quay sang tôi:

– Nam Bắc chừng nào thống nhất một nhà hả mậy?

Tôi rót miếng trà đưa cho Thu:

– Em uống tí trà chặn cứ sốt chút đi. Em cứ tự nhiên. Chúng ta vẫn là bạn.

Hoàng Việt gắt:

– Bạn gì? Bạn đường, bạn đời hay bạn trăm năm. Năm bảy thứ, thứ nào? Không được nói bạn này mà ra bạn nọ. Tao thấy mày nên quyết định đi. Tình hình địch găng lắm. Mày không còn thì giờ để nhởn nhơ như ở Hà Nội nữa đâu. Thằng Anh Đức nó khôn đấy. Vô đây là quèo con nhỏ vô đám cưới liền. Nhảy pa-dô-đớp luôn đi, ở đó mà rà rê tango!

Tôi uống trà cầm chừng chờ xem Thu tỏ thái độ ra sao. Nhưng dù thái độ của Thu sao đi nữa, tôi cũng không thể đi tới bước nào. Vì hiện đang có một người con gái Nam Bộ từ Hà Nội vào đây. Chắc Thu dư biết điều đó. Cũng như Thu biết tôi đã hứa với Phương…

Thu đã hớp hết chén trà và trao cái bát cho Hoàng Việt. Hoàng Việt gắt:

– Trà ngọt không?

– Em không biết nữa! Thu lắc đầu và hơi nhếch môi.

– Đắng à?

– Không.

– Không ngọt cũng không đắng hả em? Không có trà ngọt hay trà đắng! Nó đắng hay ngọt là do cái lưỡi của mình.

Thấy Ba Mực xách cơm về, Hoàng Việt chạy ra đỡ tiếp, đứng rù rì rồi rẽ vào một lối mòn đi sang chòi khác.

Lạnh lùng, Thu đứng dậy cáo từ. Tôi hỏi:

– Em có hay Phương đã hy sinh chưa?

– Hồi nào? Thu kêu lên – Anh bày đặt hả?

– Thiệt mà.

– Các anh là ghê gớm lắm.

– Anh không đùa đâu. Chốc nữa hỏi Hoàng Việt thì biết !

Thu sững sờ. Tôi cũng lặng thinh. Và không hiểu mình nói ra chuyện đó để làm gì trong lúc này. Để cho Thu yên trí rằng tôi không còn vướng bận ai nữa chăng? Tôi đã đi tới với Thu một cách bất ngờ.

Thu gạn hỏi thêm. Tôi cho thêm chi tiết về vụ phục kích ở Eo Máu mà kẻ sống sót là Thiệp chồng của Xuân Anh.

Thu hỏi:

– Chị Xuân Anh bị bắt à?

– Thì như thế đó. Truyền đơn bay xuống từ phi cơ và tiếng loa nghe rõ ràng.

– Rồi anh Thiệp ở đâu?

– Thiệp định đi vào luôn với anh, nhưng sau khi nghe tiếng nói của vợ thì nằm nín lại đó…

– …Để làm gì?

– Ai biết ! Đau chân thì há miệng vậy thôi chứ còn biết làm gì !

Tiếp theo chương 4

No comments:

Post a Comment