Thursday, July 14, 2022

GIẤC MƠ SÂN CỎ (trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)


 GIẤC MƠ SÂN CỎ

(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)

Mười hai tuổi tôi học đệ lục, học hành chẳng ra gì, lúc nào cũng lù đù như đạp xe leo dốc, càng học càng thụt lùi. Tất cả chỉ tại tôi ham chơi hơn học, thích chạy theo lũ bạn đi tắm hồ, ưa cỡi xe đạp phóng như bay và nhứt là mê đá bóng.

Tôi có ba thằng bạn nối khố, một thằng quê quán ở miền Trung, hai thằng còn lại đâu tận mãi miền Bắc.

Thằng miền Trung tên là Hợi Đen. So với ông chà Hynos trên hộp kem đánh răng thời bấy giờ, nó thua xa nhưng trong lớp nó là thằng đen nhứt nên được gọi là Hợi Đen. Hợi Đen to con, tay chân rắn chắc, đôi lông mày chổi sể nằm trên gương mặt bậm trợn đen đủi cộng thêm mớ tóc mọc vô trật tự. Những sợi tóc phía trước trán của nó cứng như bàn chải sắt, lúc nào cũng chĩa thẳng lên trời tạo cho nó có cái bộ mặt nghênh ngang, đằng đằng sát khí. Bọn trẻ khác lớp gặp nó thường lảng xa vì tránh voi chẳng xấu mặt nào. Lại gần nó, chỉ sợ nó buồn tình giựt cho một cái cùi chỏ thì chỉ có chết.

Thực sự Hợi Đen hiền như cục bột. Nếu cứ trông mặt mà bắt hình dong, nó là thằng sẽ bị hàm oan trước nhất. Hợi Đen có một cái tài đặc biệt là giữ gôn. Nó bắt banh dính như keo, trăm lần không sai một. Dám xả thân vì đại nghĩa, thà chịu u đầu, sứt trán chứ quyết không để banh lọt lưới. Người ta thường dùng chữ sân cỏ để chỉ sân đá banh, nhưng cái sân đá banh của trường trung học THĐ Đalat nơi tôi học không có lấy một cọng cỏ. Suốt mấy tháng hè, nhà trường dùng xe ủi đất san bằng bên hông của một quả đồi, khi có được hình dáng của một cái sân đá banh, đã chạm đến lớp đất nền cứng không thua gì cái sân bóng rổ được láng xi măng. Hợi Đen đã từng bay người xéo xéo lên không như một cái pháo thăng thiên, ôm gọn trái banh, rồi cắm đầu xuống đất, hai tay vẫn không rời trái banh. Nó nằm thẳng cẳng, không nói một lời. Khiêng nó đến phòng y tế của trường, cho ngửi éther, xoa dầu, giựt tóc hồi lâu mới thấy nó hơi nhúc nhích, ú ớ được vài tiếng. Nhờ thành tích đó, Hợi Đen được bầu làm trưởng ban thể thao kiêm luôn thủ môn đội bóng đá của lớp.

Thằng bạn thứ hai tên Lê, bạn bè gọi nó là Lê Cao. Nó cao thật, tôi đứng mới tới vai của nó. Nhiều lần giận tôi vì những câu hỏi ngớ nga ngớ ngẩn, nó lên giọng:

-Bố khỉ, mày thì biết cái đếch gì? Suốt đời chỉ quanh quẩn nơi cái xó núi này. Sáu tuổi tao đã đi tàu há mồm vào Nam. Hơn một nghìn cây số đường biển, suốt mấy ngày đêm đánh vật với sóng to gió lớn, tao coi chả ra gì sất.

Chữ nghĩa nó dùng lúc đầu nghe kỳ cục, chõi tai nhưng càng nghe càng thấm. Tôi đâm mê giọng Bắc kỳ từ đó. Mỗi lần nghe nó kể về chuyến hải hành thập tử nhất sinh từ Bắc vào Nam là tôi im phăng phắc và trong lòng lại thầm phục nó thêm một ít nữa.

Kỳ cắm trại tất niên tại hồ Than Thở, Lê Cao ôm cây đàn guitar lên sân khấu lộ thiên. Bên ánh lửa trại bập bùng nó vừa đàn vừa hát bản nhạc “Tàu đêm năm cũ”. Với tôi chỉ có mỗi một mình ca sĩ Thanh Thúy là hát được bản nhạc này thôi, ngoài ra các ca sĩ khác là đồ bỏ, huống chi thằng bạn của mình thì hát với hò cái gì, đã vậy còn bày đặt cõng thêm cây đàn. Tôi ngồi nghe nó hát mà trong lòng hồi hộp quá chừng cứ sợ nó làm xấu lây tới mình.

Nó hát say sưa, tôi nín thở nghe.

Bất chợt, tôi nghe được mấy anh đệ nhị cấp ngồi bên cạnh phê bình:

-Thằng hát hay quá mạng.

-Còn phải nói.

-Tay này lớn lên phải biết.

Khi nó dứt lời, cả trường hơn một ngàn người vỗ tay hoan hô không dứt. Cô giáo, thầy giáo khen ngợi nó hết lời. Thầy hiệu trưởng ngoắt nó lại gần, nói nhỏ vào tai nó. Nó lắc đầu. Nó lại lắc đầu. Cái thằng điếc không sợ súng, nói chuyện với thầy hiệu trưởng mà nó cứ tỉnh khô lắc đầu hoài. Cuối cùng nó gật đầu, tà tà leo lên sân khấu cưa thêm bản nữa.

Từ đó tôi biết mình ngoài cái hơi đần đần còn có thêm cái lỗ tai trâu. Lê Cao đàn giỏi, hát hay lại đá banh hết xẩy. Con người của nó văn cũng được mà võ cũng xong. Nó vừa làm trưởng ban văn nghệ của lớp thêm chức thủ quân của đội banh.

Thằng bạn thứ ba tên Thi, không có biệt danh gì đi kèm. Thiên tài khỏi cần biệt danh đi kèm. Nó học hành xuất sắc luôn luôn nhất, nhì lớp họa hoằn lắm mới thấy nó tụt xuống hạng ba. Cuối năm đệ thất lãnh phần thưởng ưu hạng, nó ôm gói phần thưởng được bọc giấy bóng kính màu đỏ cao nghều nghệu, nặng chình chịch đi xiên qua, xẹo lại trông tội nghiệp quá chừng, xém chút nữa tôi chạy lên khiêng phụ với nó, nếu không có mấy anh trong ban trật tự cản lại.

Còn về đá banh khó mà kiếm người hơn nó được. Nó là tay trung phong bạc triệu của lớp. Khi giao đấu với những lớp bạn thắng hay bại đều do công lao của nó. Nhìn nó dẫn banh nhanh như là tên bắn, lừa qua thằng này, lọt qua thằng khác rồi dứt thẳng vào khung thành của địch thủ, bảo đảm người ghét đá bóng đến đâu cũng phải mê. Nó giữ chức trưởng lớp.

Còn tôi? Tôi chẳng có chút tài gì cả. Bao nhiêu là cái hay, bao nhiêu là cái đẹp lũ bạn tôi lượm hết có chừa cho tôi chút gì đâu? Vì có ba thằng bạn thân tài hoa lại ở trong đội bóng đá của lớp cho nên tôi mê đá bóng lúc nào cũng không hay. Tôi vẫn thường an ủi mình: Về chuyện học vấn thông minh hay đần độn, xếp hạng cao hay thấp trong lớp là do trời định, chuyện đó khỏi phải lo. Chỉ lo làm sao được đá bóng chung với ba thằng bạn của mình, đó mới là chuyện đáng nói.

Tôi mê đá banh đến quên ăn, quên ngủ, quên luôn học hành, lúc nào trong đầu tôi cũng lởn vởn trái banh da. Tôi mơ ước được làm cầu thủ bóng đá của lớp mà quên mất là mình nhỏ con và chưa bao giờ tập đá bóng trước đó, chuyện rắc rối là ở chỗ này.

Mộng là đâu? Thực là đâu? Tôi nói với Hợi Đen:

-Tao muốn trở thành cầu thủ trong đội bóng đá của lớp.

-Cũng được, mày phải tập luyện. Cầu thủ cần có cặp giò bền bỉ chạy cho dai sức trước đã sau đó mới tập đá banh. Tao sẽ dợt cho mày, kể từ ngày mai mày đạp xe đưa đón tao đi học.

-Đưa đón mày đi học tao phải đi vòng, đường xa gấp đôi thêm sáu cây số nữa.

-Đúng, đã nói tập cho quen chân mà, hai mươi cây số một ngày cũng chưa gọi là nhiều đâu.

Nghe nó dọa tôi gật đầu lia lịa, chỉ sợ kèo nài nó đổi ý hoặc sau khi chở đi học nó lại đòi chở đi lang thang đây đó, lòng vòng ngoài phố chỉ có thiệt thân mình mà thôi.

Từ đó, ngày ngày tôi phải đi học sớm hơn nửa giờ và về trễ nửa giờ. Hợi Đen ngồi ngất ngưởng trên yên xe giảng cho tôi nghe một mớ lý thuyết về đá banh.

Trung học THĐ là trường công lập Nam duy nhất ở Đalat, nằm cách xa thị xã hơn sáu cây số cho nên tất cả học sinh đều dùng xe đạp để đi học. Bọn học sinh chúng tôi thường bảo nhau “Nhìn xe đạp biết chủ nhân”.

Những chiếc xe đạp nào sạch sẽ, bóng loáng có đầy đủ đèn, vè, thắng, yên sau để chở hoặc cột cặp vở, chủ nhân chiếc xe đạp đó là anh cù lần, dứt khoát là như vậy, không được phân trần, cấm có giải thích.

Tôi không có cù lần chút nào cho nên chiếc xe đạp của tôi trông rất là hùng dũng, bụi đời. Nó trần trùi trụi chỉ còn độc có mỗi một cái yên để ngồi mà đạp. Những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh, lẫm cẫm tôi vất tuốt. Như chưa vừa ý, Hợi Đen muốn nối cái tay lái dài hơn nữa, theo ý nó:

-Tay lái dài coi mới hách.

Nó tìm hai khúc cây tròn nho nhỏ dài khoảng hơn mười lăm phân, sau một hồi gọt, mài, đo tới đo lui độ chừng đã vừa vặn nó dùng một cái búa đóng khúc cây vào hai lỗ hổng ở hai đầu của tay lái, quấn thêm hai cuộn tape nhựa màu đỏ chói bên ngoài. Tay lái chiếc xe đạp bấy giờ đã dài hơn theo như ý muốn của chúng tôi. Nhìn toàn bộ, chiếc xe đẹp mất hồn, chỉ có hơi bất tiện là khi chở Hợi Đen tôi phải đứng mà đạp và cái tay lái lại quá dài, hai tay tôi phải lùi về phía sau mới cầm lái được cho nên đạp xe mà mỏi tay hơn là mỏi chân. Hợi Đen ngồi trên yên xe, bình thân như vại. Tôi vừa đạp xe vừa than thầm, ham đẹp làm chi cho nó khổ thân như thế này.

Từ nhà đến trường phải leo một con dốc dài hơn một cây số. Con dốc chỉ lài lài một người đạp xe lên dễ dàng nhưng nếu chở hai lại leo không nổi. Mỗi lần tới con dốc này tôi phải xuống xe chạy bộ. Hợi Đen đạp xe đi trước.

Trời Đalat lành lạnh quanh năm thế nhưng khi chạy bộ lên hết con dốc này, mặt mày của tôi đỏ kè như mặt trời say rượu, mồ hôi đổ ra như tắm. Tôi thở gần muốn đứt hơi. Hợi Đen nằm gác chân lên cẳng, dưới bóng mát của một gốc thông chờ tôi.

-Có tiến bộ, rán đi mày sẽ khá.

Vừa mệt, vừa khát nước tôi đổ quạu thọi cho nó một quả tận lực.

-Mày bắt tao đạp xe, mày bắt tao chạy bộ leo dốc nói là để tập dợt, còn mày có tập gì đâu?”

Nó xoa vai, chỗ vừa bị tôi đánh:

-Tao là cầu thủ rồi còn tập dợt gì nữa, mày đạp xe một tuần chưa mệt bằng tao đá một trận banh.

Muôn đời nó vẫn là thằng luôn luôn có lý:

-Khi nào tao được vô đội banh?”

-Để tao hỏi thằng Lê Cao và thằng Thi.

Trong suốt thời gian tôi lo tập luyện về thể lực (chở Hợi Đen đi học), ba thằng bạn của tôi tìm cách huấn luyện tôi về kỷ thuật. Ý kiến chung của tụi nó là tôi phải tập làm quen với sân cỏ. Có nghĩa là tôi phải ngồi sát khung thành để quan sát, học hỏi, giữ quần áo cho chúng và đem theo chai nước chanh đường để tụi nó uống giải lao.

Sau mỗi trận đấu ba ông bạn của tôi tì tì ngồi uống nước chanh, rút ưu khuyết điểm của trận đấu. Chúng hăng hái bàn cãi với nhau về nhiều vấn đề, làm thế nào trong tương lai đội banh phải tiến hơn nữa. Chẳng hạn sẽ đưa thằng này lên hàng tiền đạo, đem thằng A qua góc trái, kéo thằng B về làm hậu vệ, huấn luyện thêm nữa cho thằng C. Hình như chúng quên mất là có tôi đang ngồi bên cạnh, nhiều lần vì quá sốt ruột tôi hỏi:

-Khi nào tao được đá banh?

-Mày hả? Để coi.

Đó là câu trả lời không bao giờ thay đổi của tụi nó.

Bốn thằng, ba chiếc xe đạp chở nhau đi tắm hồ. Chuyện bơi lội là chuyện cơm bữa, tuần nào chúng tôi lại chẳng đi bơi ở hồ Xuân Hương vài lần. Vừa đến nơi là bọn chúng đã giao cho tôi một mớ quần áo kèm theo lời dặn.

-Thi hành nhiệm vụ của mày đi.

Mấy tháng qua lũ bạn của tôi bơi mỗi ngày một tiến bộ. Nhìn tụi nó bơi mà tôi phát thèm. Thằng tà tà thả ngửa trên mặt hồ, thằng bơi sải, thằng bơi bướm. Chúng cứ phăng phăng lướt trên mặt nước tựa kình ngư rẽ sóng, từ bờ này quặt sang bờ bên kia rồi quẹo sang bờ nọ. Đôi khi chúng lặn xuống nước mất tiêu phải cả phút sau mới trồi lên.

Chúng dạy tôi thế nào là bơi sải, lúc nào phải nín thở úp mặt xuống nước, lúc nào nghiêng đầu qua bên trái hoặc bên phải để thở. Tay chân phải đập xuống nước như thế nào. Đối với tôi mọi chuyện sao quá khó khăn, phức tạp và phiền nhiễu thêm. Tôi có phương pháp riêng của tôi, cứ theo lối dễ dàng nhứt là bơi chó, khỏi mất công suy nghĩ hay tập tành gì cả. Bơi chó thoải mái hơn nhiều. Mũi của mình lúc nào cũng ở trên mặt nước, tha hồ mà thở khỏi lo bị sặc, có chút ít nước vào miệng cứ phun phì phèo ra dễ ợt và nhẹ nhàng, tay tôi cứ cào xuống nước liên hồi, chân đập loạn đả không cần theo nguyên tắc gì tuốt. Người tôi vẫn nổi trên mặt nước và tiến về phía trước rõ ràng, tuy có hơi chậm và xấu chút đỉnh nhưng xét cho cùng cũng chẳng có gì phải mắc cỡ, vì có ai nhìn mình bơi đâu mà thắc mắc.

Cả cái hồ rộng mênh mông bát ngát, lũ bạn tôi bơi cùng khắp, riêng tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp chừng mươi thước đổ lại. Tôi cũng biết được rằng bơi chó mà bơi xa như lũ bạn của tôi, chỉ có nước chết chìm thôi. Sau này lớn lên khi về Saigon đi tắm ở hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước mặt không biết bao nhiêu là tài tử, giai nhân, tôi xác nhận là mình không biết bơi, thậm chí có chết chìm cũng đành lòng mà chịu chứ nhất định không dám bơi chó.

Bấy lâu nay tôi thi hành công tác mà lũ bạn giao phó một cách tốt đẹp. Bỗng dưng hôm ấy tôi buồn quá sức, không thiết tha gì đến bơi lội. Một mình tôi nằm trên chiếc cầu ván, gối đầu lên mớ quần áo, nhìn mây bay nghe thông reo, gió gọi.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Đalat, một thành phố du lịch đẹp nhứt Đông Nam Á. Đalat là thành phố của sương mù, của đồi núi chập chùng, của rừng thông xanh ngắt và của không biết bao nhiêu là thác nước với hồ. Chúng tôi đang tắm tại hồ Xuân Hương. Hồ nằm ngay trung tâm thành phố, quanh hồ với hàng cây dương, bốn mùa xanh lá. Nhà Thủy Tạ với màu trắng cố hữu, với những đường cắt hài hòa im lìm soi bóng nước, xa xa phía trái là trường Lyceé Yersin với tường gạch đỏ thẫm giữa rừng thông xanh, đỉnh tháp màu nâu đen vươn mạnh lên bầu trời xanh trong vắt. Thêm vào đó, những ngôi biệt thự kiến trúc theo kiểu Tây phương lác đác quanh đồi khiến cho mọi người tưởng như mình đang sống tại một thành phố êm đềm nào đó của Âu Châu thanh bình và an lạc.

Đối diện với nhà Thủy Tạ, bên này hồ là đồi cù. Ở chân đồi, nằm sát hồ là một căn nhà nhỏ được xây từ thời Pháp thuộc, có thể cùng thời với nhà Thủy Tạ. Nơi đây được dùng làm văn phòng của hai thầy đội. Hai ông cảnh sát già với nhiệm vụ duy nhất là ngày ngày đạp xe rảo quanh hồ để bắt những đứa trẻ nghịch ngợm như chúng tôi lén tắm ở hồ, bất chấp lệnh cấm tắm.

Tôi mải mê nhìn theo đám mây trắng lờ lửng ở cuối trời, bên tai tiếng thông reo buồn hiu hắt. Đang thả hồn mãi tận đâu đâu. Hình như có ai đập nhẹ lên vai, tôi quay đầu lại, cái quay đầu của vô thức, quay để mà quay. Toàn thân tôi bỗng lạnh toát, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc theo sống lưng, tôi ú a ú ớ không nói nên lời. Ông cảnh sát già đã ngồi bên cạnh tôi tự lúc nào. Ông lượm mớ quần áo tôi đang gối đầu đem cột vào sau yên xe đạp của ông, điều thêm ba thằng bạn của tôi lên bờ. Ông ra lệnh cho bốn đứa đạp xe theo ông về đồn.

Trời mưa có đất chịu. Tội lỗi bao nhiêu tụi bạn tôi trút hết lên đầu tôi. Lê Cao vừa đạp xe vừa càu nhàu:

-Mày ngủ phải không? Tao đã dặn rồi, mày thi hành nhiệm vụ gì kỳ lạ vậy?

Thằng Thi thêm dầu vô lửa:

-Thằng vô tích sự, có mỗi một việc cỏn con canh chừng ông cảnh sát mà làm cũng không xong.

Hợi Đen nói như tiếc rẻ:

-Uổng công tao huấn luyện mày bấy lâu nay, chắc phải khai trừ mày ra khỏi băng.

Nghe tụi nó nói mà tôi buồn muốn khóc. Mấy tháng trường chở Hợi Đen đi học, đi tắm, đi lang thang, cặp giò của tôi đã nhuyễn nhừ. Con dốc tới trường tôi coi như không có, tôi có thể chở nó đạp phăng phăng lên hết con dốc này một cách dễ dàng. Gặp đường bằng thì khỏi nói cứ như là đạp xe đi dạo mát, hai ba chục cây số một ngày chẳng thấm thía gì đến tôi. Có những sáng chủ nhật đạp xe ra khỏi nhà hình như tôi cảm thấy thiêu thiếu một cái gì, chiếc xe nhẹ đi một cách kỳ lạ, khi biết ra, tôi vòng xe đến nhà Hợi Đen, bỏ nó lên yên rồi chạy sang nhà thằng Thi hoặc Lê Cao. Tôi thích chở Hợi Đen để nghe nó kể chuyện trời, trăng, mây, nước. Từ chuyện ông Đực một, Đực hai đang làm thủ môn của đội tuyển Á Châu sang chuyện nó đi bắt dế ở phi trường Cam Ly bị ông Tây xách súng rượt bắn, nó chạy thục mạng, hên lắm mới còn sống trở về.

Bây giờ tụi nó đòi khai trừ tôi ra khỏi băng, còn gì buồn hơn nữa.

Ở đồn, ông cảnh sát già bắt mỗi đứa viết một bản lý lịch kê khai đầy đủ tên họ, địa chỉ của cha mẹ để cảnh sát đến nhà thông báo cho cha mẹ lãnh về.

Nhìn gương mặt giận dữ  của ông cảnh sát, nghĩ đến trận đòn sắp sửa nhận vào buổi chiều, có tệ lắm cũng hơn chục cái roi mây, chúng tôi tỏ ra ăn năn hối lỗi vô cùng, long trọng tuyên hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Sau khi đọc xong bốn tờ thú tội, tuy mỗi tờ một vẻ, tựu trung lại tất cả đều chân thành nhận lỗi, ông từ tốn cất xấp giấy vào tủ hồ sơ, cười nửa miệng rồi mồi một điếu thuốc, thả khói bay mù trời. Ông nhìn theo khói thuốc bay tản mạn trên trần nhà, thong thả nói:

-Tao tha cho bốn đứa bây lần đầu, nếu còn tái phạm đừng có trách, tao gọt đầu cả lũ, ra lấy quần áo mà đi về.

Bốn thằng ù té chạy như ma đuổi. Tôi đạp xe còn cố quay đầu nhìn lại, ông cảnh sát già đang lửng thửng đi trước đồn nét mặt hiền như ông bụt.

Trên đường về thằng nào mặt mày cũng hớn hở, vừa thoát nạn không vui sao được. Ba thằng bạn của tôi hình như hơi hối hận vì đã mạt sát tôi quá sức nên chúng đồng ý cho tôi vào đội banh của lớp, nhưng chỉ được đá dự bị.

Đội banh của lớp có mười một đứa chính thức, hai đứa dự bị một và hai. Tôi dự bị số ba. Có nghĩa là khi giao đấu nếu có người bị thương cần thay thế và dự bị một và hai không có mặt tôi sẽ được vào đá. Thôi thì cũng được đi còn hơn là không có gì hết như bấy lâu nay.

Một năm học có không biết bao nhiêu là trận đá banh giữa lớp của tôi và các lớp bạn. Khi trận đấu đang diễn ra trên cái sân đất cứng như láng xi măng, thay vì theo dõi trận đấu, tôi nhìn quanh để tìm hai thằng dự bị một và hai với hy vọng là hai đứa nó vắng mặt vì một lý do nào đó chẳng hạn như: nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm hoặc có thể ốm nằm liệt giường vài tuần, tôi càng mừng hơn.

Suốt năm, hai thằng dự bị một và hai mạnh cùi cụi như trâu, chưa bao giờ thèm vắng mặt lấy một ngày. Sự chờ đợi của tôi mỗi ngày một mòn mỏi, cho đến khi mấy con ve sầu bắt đầu cất tiếng kêu rả rích, báo hiệu mùa hè sắp đến thì mộng đá banh của tôi, giấc mộng lớn nhất thời thơ ấu cũng tan theo tiếng hát bãi trường.

Tôi vẫn chưa được tham dự trận đá bóng nào. Năm qua tôi chỉ quanh đi quẩn lại bên mớ quần áo của ba thằng bạn và mấy chai nước chanh èo uột, eo xèo. Thôi đành lấy buồn làm vui vậy, rót nước cho bạn uống, đợi năm sau. Năm sau có hay không? Tương lai mấy ai mà biết được.

Cuối cùng, xin thành thực khai báo với quí bạn: Tôi tên là Lâm Thành An, năm hai mươi hai tuổi từng khoác áo lực sĩ Việt Nam tham dự Đông Nam Á vận hội. Bộ môn: Đua xe đạp.

Huy Văn Trương

No comments:

Post a Comment