KHAO MỪNG CHIẾN THẮNG
LAM SƠN 719
Để thu thập những kinh nghiệm trong cuộc Hành-quân Lam Sơn 719, các Phái-đoàn thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, thuộc trường Pháo-binh Dục Mỹ… lần lượt đến các đơn vị trực tiếp tham chiến trao đổi kinh nghiệm, đúc kết thành quả…
Từ vị trí hành quân, tôi nhận được công điện của Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn triệu hồi, lãnh phần thuyết trình. Tôi đã chuẩn bị thật chu đáo những vấn đề thiết yếu và trước các Phái-đoàn , lời nói đầu tiên của tôi là một lời minh xác:
«…Với ý thức buổi thuyết trình hôm nay là để rút tỉa kinh nghiệm chiến trường – chứ không phải là buổi diễn thuyết về một đề tài văn chương. Vì vậy, những lời trình bày của tôi trước Phái-đoàn, trước quý vị sẽ không có những từ hoa mỹ, những sự kiện tiểu thuyết hóa… trái lại, chỉ có những nhận xét trung thực, và tôi chỉ biết nói lên những điều trung thực do chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy… tại trận chiến, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, và cảm nghĩ của tôi đối với cuộc viễn chinh lịch sử này…»
Nhờ những buổi thuyết trình trên, các Phái-đoàn đã giúp cho chúng tôi khá nhiều kinh nghiệm quý báu, nhờ ở sự khách quan nhận xét trong nhiều cuộc thuyết trình trước đó của binh chủng bạn…
Trở lại hành quân, ngày 17-4-1971, tôi được biết là ngày Đại lễ «Khao Quân Mừng Chiến Thắng Lam Sơn 719» tổ chức trọng thể tại Cố Đô Huế, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn-Văn-Thiệu.
Từ Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, Thiếu-tá Nguyễn-Văn-Tự – Tiểu-đoàn Trưởng, hướng dẫn Trung-úy Quang – Sĩ-quan Tiếp-liệu, Trung-sĩ nhất Mân – Hạ-sĩ-quan truyền tin trong các Ban Tham-mưu Tiểu-đoàn, đại diện cho toàn thể 3 Pháo-đội Tác-xạ A, B, C ra Huế tham dự… và cũng đại diện nhận lãnh những tưởng thưởng mang lại bởi các chiến tích của chính chúng tôi gặt hái được tại Căn-Cứ A-Lưới, 30, Lao Bảo!
…Lúc 8g00, từ đồi 55, tôi mở radio nghe trực tiếp truyền thanh tất cả những gì đang xảy ra trong buổi lễ… Tiếng nhạc quân hành đến những lời giới thiệu các Quân Binh Chủng, cùng những chiến quả vẻ vang… dồn dập… dồn dập… khơi lại trong lòng tôi bao cảm nghĩ miên man về những gì tôi đã thấy được, nghe được và ngửi được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30: Chiến xa địch cháy, biển người Cộng quân tan xác quanh căn-cứ… trên bãi trực thăng, mùi hôi thúi nồng nặc phả vào vị trí… tất cả… tất cả… hiện dần trong tâm tư tôi như cuộn phim quay chậm, thật chậm… hình ảnh rất nổi, rất rõ!…
Nằm dài trên ghế bố với bộ quân phục tác chiến, tôi nhìn vơ vẩn lên nóc Đài Tác-xạ, tay không rời điếu thuốc… tôi hút như điên. Hết rít hơi này đã tiếp hơi khác, hết điếu này lại đến điếu khác. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh chém giết, sát phạt mà hậu quả là xác người chồng chất lên nhau, kẻ mất đầu lòi ruột, kẻ nát thây, cháy đen!… Trong đó, chính tôi đã chỉ huy Pháo-đội C 155 ly góp phần với Tiểu-đoàn 2 Dù, Pháo-đội C3 Dù thu đạt được.
Tôi không tin số thương vong của Cộng quân là 16.244 mạng! Tôi không tin! Ít ra phải gấp đôi, gấp 3 lần số đó. Vì hơn ai hết, chúng tôi – những người đã tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – nhìn được tận mắt không biết bao nhiêu xác giặc trên lộ trình di chuyển, lúc rời căn-cứ. Số xác ấy, Tiểu-đoàn 2 Dù đã không thể kiểm được, sau những trận đánh liên tục, kéo dài từ ngày 26-2-1971 đến ngày 3-3-1971! Và đó mới chỉ là số xác chúng tôi khám phá khi di chuyển về hướng Nam, trên một triền đồi do chúng tôi tự vạch lau cỏ mà đi, rộng không quá 20 thước, dài khoảng 1000 thước – huống hồ kiểm kê cả chu vi rộng lớn bao quanh vị trí, nhất là hướng Bắc, Đông Bắc và Đông, thì đếm sao cho xuể!
Bất giác tôi thở dài, tự làm một so sánh: tỷ lệ thiệt mạng giữa ta và địch – dưới mắt tôi, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – ít ra cũng là 1/100. Thật là khó tin nếu không chứng kiến như chúng tôi.
…Dĩ vãng trở về với tôi nhanh quá! Mới ngày nào đây, trên đồi đầy sỏi ở Hạ Lào, tôi cùng các chiến hữu đã kiên cường chận địch, vui buồn chia xẻ cho nhau, nguy nan không rời bỏ nhau… khơi lại cho tôi cái điều làm cho tôi quyết tâm chiến đấu lúc bấy giờ… Điều đó là:
– Tôi muốn sống trong chế độ tự do của Miền Nam thân yêu này.
– Tôi không muốn tôi cùng các chiến hữu bị bắt làm tù binh.
– Tôi không muốn sống dưới chế độ độc tài đảng trị – mà hơn một lần tôi đã chứng kiến cảnh đấu tố dã man rùng rợn ở Quảng Nam.
– Tôi không muốn chết bỏ thây nơi xứ người.
Chỉ có bấy nhiêu điều đã thúc đẩy tôi chiến đấu một mất một còn với địch. Ấy vậy mà lúc thấy xác giặc la liệt trên bãi chiến, lòng tôi đâm se lại! Trong tình thương yêu bao la đối với các chiến hữu đã hy sinh đền nợ nước của ta, có một tí khoảng trống nào đó, để tôi nghĩ đến cái chết thê thảm của những người Bắc-Việt đã bị đầu độc bởi tà thuyết Cộng sản, Chủ nghĩa Mác-Lê!
Sông Gianh, một sỉ nhục của Quốc gia trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh ở thế kỷ trước, hậu quả là tạo nên cảnh tương tàn đằng đẳng nửa thế kỷ! Cuối cùng, ông cha chúng ta đã phải trả một giá rất đắt bằng chém giết vô cùng man rợ, mới thống nhất được giang sơn về một mối.
Ngày nay, giòng Bến Hải, «Giòng sông ô nhục» lại giẫm lên vết xe cũ, do tập đoàn lãnh đạo Cộng đảng, đang tâm chia cắt hai miền, rồi xảo trá tạo ra những «bình phong» che mắt dư luận nước ngoài bằng «Mặt trận» này, «Tổ chức» nọ… phát động cuộc trường kỳ chiến tranh gọi là «Chiến Tranh Nhân Dân» – đến ngót một phần tư thế kỷ – cố tình khuất phục hai miền Nam-Bắc hủy diệt bản ngã con người, bất chấp mọi hành động, mọi phương diện, miễn đạt được cứu cánh: Nhuộm Đỏ toàn vùng Đông-Nam-Á!…
Với dã tâm trên, giới lãnh đạo miền Bắc đã nhẫn tâm xua đám dân đen, đẩy vào lò lửa đỏ, dùng chiến thuật biển người đối với vũ khí, cơ giới, của thời đại tân tiến này! Tiếng hò hét xung phong điên cuồng của hàng ngàn hàng vạn Cộng quân, không át nổi tiếng nói thì thầm khơi lên từ lương tri của những ai có nhiệt tâm muốn vá lại «tấm dư đồ rách». Mọi công dân Việt Nam chúng ta, tự thấy công phẩn trong hành động của Cộng nô!…
Nếu đã chứng kiến và thật tâm đau xót trước cảnh con mất cha, vợ mất chồng, hoặc bùi ngùi cảm động khi nghĩ đến các chiến hữu gan dạ đã gởi một phần thân thể ở chiến địa, để bảo vệ chính đáng miền Nam tự do này – Tôi lại chua xót liên tưởng đến những tan nát của hàng vạn gia đình người Việt, vì áp lực của guồng máy cai trị miền Bắc, vì nghe lời đường mật, bịp bợm, với một hệ thống tuyên truyền xảo trá tinh vi của tập đoàn Cộng sản miền Bắc… giờ đây, phải sống thoi thóp trong cảnh bần cùng hóa, chịu tất cả những thiếu thốn cùng cực từ tinh thần đến thể xác của một kiếp người, sau khi cha, anh họ đã hóa ra những chiến sĩ vô danh, gởi xác chốn rừng thiêng nước độc, nơi đất lạ quê người, để nhận những lời ca tụng hão huyền của Đảng và Bác!…
Thật sự, tôi không hãnh diện khi nghĩ rằng chính mình đã góp công giết hàng ngàn hàng vạn «Việt» cộng. Trái lại, tôi hãnh diện vì đã góp một phần nhỏ, rất nhỏ, trong công cuộc phá tan hậu cần vĩ đại, gồm cả nhân vật tài lực của tập đoàn lãnh đạo Cộng sản miền Bắc. Chính nhờ vào nguồn nhân vật lực tồn trữ ở Hạ Lào này, chúng đã gây rối cho cả ba quốc gia ưa chuộng hòa bình nhất: Nam Việt-Nam, Cao-Miên, Ai-Lao, triền miên từ năm này qua năm khác!…
Giờ đây, xa cái phút háo hức sát phạt tại chiến trường để bảo vệ mạng sống cho chính mình và đồng đội, tôi có đủ bình tĩnh nhìn lại bước đường đã qua với sự thanh thản trong lòng, vì đã hoàn thành sứ mạng của một giai đoạn. Cái sứ mạng đó là chúng tôi đã thực hiện phần nào công cuộc chận đứng, hoặc ít ra đã làm giảm thiểu những sách nhiễu, giết chóc, khủng bố của cái gọi là «Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam» – một chiêu bài của chính quyền Cộng sản miền Bắc.
Các nhà độc tài, chủ trương Đảng trị miền Bắc phải biết rõ, thấy rõ, nghe rõ… và chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc. Nhưng trí họ bị nhiễm độc «Duy Vật Biện Chứng», mắt họ đui, tai họ điếc… Hậu quả họ đã gây nên tang tóc cho cả một dân tộc, gây nên tai nạn khủng khiếp cho cả một thế hệ trẻ của thế kỷ 20 này!…
…Tiếng kèn khai quân hiệu, bế quân hiệu kéo tôi về thực tại. Tôi im lặng, lắng nghe những diễn tiến nối tiếp vang vọng từ chiếc radio bé nhỏ… hẳn giờ phút này không ít kẻ như tôi – những người từng đối diện với tử thần trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 – không được may mắn tham dự Đại Lễ «Mừng Chiến Thắng», đang ngồi trước máy truyền thanh, tự mình ôn lại những kỷ niệm khủng khiếp vừa qua. Chắc chắn tâm hồn họ bàng bạc những suy tư về một nghĩa vụ cao cả mà họ đã hoàn thành.
Chiến tranh, tự nó đã tiềm ẩn những hành động dã man! Những kẻ tạo ra chiến tranh lại còn dã man hơn nữa! Kẻ đó lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ tha thứ, cho dù nó có ngụy trang dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Nhân dân miền Nam sẽ không bao giờ quên mối hận «Giòng sông ô nhục Bến Hải» mà kẻ đang tâm chia cắt, không ai khác hơn là chính quyền miền Bắc, bọn Cộng nô cho quan thầy Trung-Xô!
25 năm chinh chiến trôi qua! Bao nhiêu ruộng vườn tan nát! Bao nhiêu xương máu con dân Việt trải khắp nẻo đường quê hương! Chưa vừa ư? Đất mẹ đã bao lần rên rỉ dưới gông cùm xiềng xích của Tàu phù hằng mười thế kỷ, không đủ là kinh nghiệm cho bọn lãnh đạo miền Bắc ư? Bài học Đức Quốc ngày nay không đủ thức tỉnh cơn mê loạn háo sát của chính quyền miền Bắc ư? Từng ấy ý tưởng cứ quay cuồng trong tâm trí tôi như là một duyên cớ chính đáng, để tôi nghĩ rằng, tôi và các chiến hữu đã có lý khi tham dự cuộc chiến Hạ Lào.
Với ba năm mang cấp bậc Đại Úy, tôi đã liên tiếp nắm giữ Pháo-đội Chỉ-huy, rồi Pháo-đội Tác-xạ. Từ hai năm sau cùng, không rời cuộc sống tập thể trong giây phút nào, tôi đã thông cảm quá nhiều những ưu tư của Pháo-thủ thuộc hạ trong cuộc sống bình thường, cũng như lòng gan dạ phi thường lúc đối đầu với địch…
Thượng tuần tháng 10-1970, ngày tôi chính thức về sống với Pháo-đội C – Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 quả thật là cuộc hành quân vĩ đại! Hân hạnh Pháo-đội C được tham dự ngay từ phút đầu của cuộc vượt biên với một chiến quả đáng kể. Do chiến quả này, Pháo-đội tôi có 101 quân nhân được tưởng thưởng. Trong đó, 3 Hạ-sĩ-quan và 7 binh sĩ mang cấp bậc mới. Tất cả số còn lại – kể cả tôi, đều được huy chương!
Sau hai tháng «Mừng Chiến Thắng Lam Sơn 719», ngày 18-6-1971 tôi được gọi về Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, cùng một số Pháo-thủ đại diện Pháo-đội C dự lễ gắn huy chương.
10g00, Đại-tá Vũ-Đình-Chung đến chủ tọa buổi lễ…
Tôi được Đại-tá đại diện Đại-tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH gắn một anh dũng bội tinh với nhành dương liễu ngay tại sân cỏ Tiểu-đoàn! Lân, một anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng!
…Giờ đây, tất cả những gì đã qua, sẽ theo thời gian chìm vào dĩ vãng! Định luật của tạo hóa quay theo thời gian không bao giờ trở lại khởi diễn – nhưng dư âm của cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào – chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức những ai đã tham dự trực tiếp, đối diện với Tử Thần.
Viết xong tại Đồi 55 Đất Sơn lúc 12g00 ngày 9 tháng 5-1971
(Phật lịch 2515, 15-4 Tân Hợi)
(Thêm chương cuối ngày 20 tháng 6 năm 1971)
Tác giả:
TRƯƠNG-DUY-HY
No comments:
Post a Comment