ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Tôi đã cắt mấy cẳng chân bị thương nát bấy. Xương vỡ ra nhiều mảnh vụn. Thit da tơi tả trông như miếng giẻ rách, bầy nhầy lẫn lộn đất cát và mấy sợi gân trắng hếu. Tôi thấy không tài nào giữ được những cẳng chân ấy. Chiếc cưa dây Gigly tôi dùng đi dùng lại nhiều lần, giờ đây không chịu nổi nữa. Tôi kéo cưa được mấy cái là đứt tung ra văng cả máu lên mặt. Trong tủ y cụ tôi chỉ còn có hai sợi chót. Sau khi thay, tôi chỉ còn một sợi độc nhất để dành. Sợi dây cưa Gigly rất dễ sử dụng. Cưa mau lại đỡ mệt hơn cưa tay thường. Tôi phục người nào đó đã sáng chế ra sợi dây cưa này. Tiện lợi vô cùng, vì nó chỉ là những sợi dây thép gồ ghề xoắn lại với nhau nên luồn lách dễ chỗ nào cũng được.
Trong tình trạng hiện tại, tôi quý sợi dây cưa này lắm. Nó giúp tôi làm việc mau lẹ để còn dành thì giờ mổ những người khác. Thiếu nó thì những trường họp thiết đoạn tứ chi tôi đành bó tay. Tôi cố gắng làm việc cho thật nhanh để thương binh khỏi phải chờ đợi và nhất là tránh phơi mình lâu ở những chỗ không an toàn.
Mọi nghi thức trong phòng mổ đều được giản dị hóa tới mức tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần một đôi găng tay. Mọi người trong toán mổ đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt để thay thế áo choàng mổ. Có như vậy chúng tôi mới yên lòng làm việc vì bên ngoài Việt Cộng vẫn pháo tới đều đều.
Máy phát điện đã bị pháo kích hư từ đêm hôm qua. Tôi phải mở rộng cửa sổ để có đủ ánh sáng làm việc. Chiếc bàn mổ luôn xoay ngang xoay dọc lộn đầu lộn đuôi tùy thuộc nơi mổ là ngực, bụng, đầu hay chân tay để có đủ ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ mổ. Phòng Hấp ngưng hoạt động vì không còn điện nữa. Các dụng cụ giải phẫu đều được khử trùng bằng cách đốt bằng rượu cồn hay ngâm rửa trong nước xà bông gọi là surgical soap.
Mặc áo giáp mổ vừa nặng vừa nóng. Trong phòng mổ kín mít, không máy lạnh, chỉ có một cái cửa sổ thông hơi nên đứng một lúc là mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bị mất nước nhiều quá thành ra mau mệt. Nước bây giờ quý hơn vàng, khó kiếm ra. Phòng Mổ bây giờ không còn một giọt nước. Những khăn mổ đã dùng rồi, dính máu không có nước giặt được chị Huyên đem gom lại vứt thành đống sau phòng trực y tá. Ngay đến nước rửa vết thương còn không có lấy nước đâu mà giặt đồ.
Ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến, tôi đã tiên liệu tình trạng này. Nhưng tôi thực không ngờ trận đánh kéo dài mãi không dứt và hình như hiện giờ mới chỉ là khỏi đầu. Tuần trước, tôi đã ra lệnh cho Thượng sĩ Lỹ chỉ huy các nhân viên phòng mổ thu gom tất cả các chai nước biển đã dùng rồi, đổ đầy nước vào, đem đi hấp để dự trữ hàng dãy dài mấy trăm chai dọc theo tường phòng mổ.
Một mặt dù chúng tôi dùng rất dè sẻn, chỉ để rửa các vết thương, số nước đó cũng chỉ được một tuần sau là hết. Cũng may tôi xuống dưới kho lớn đã đổ nát tìm được sáu gallon Phisohex và hai thùng Hydrogen Peroxide. Không có nước pha, tôi đành rửa các vết thương bằng Phisohex nguyên chất.
Phòng Mổ bây giờ thật xơ xác hoang tàn, nền nhà dơ bẩn vì không nước lau đã lâu. Dưới chân bàn mổ từng vũng máu đông đen xì hôi hám. Không khí ngột ngạt khó thở, không thể nào tiếp tục làm việc được nữa. Bệnh viện đã bị cô lập. Muốn liên lạc với các giới chức có thẩm quyền để xin trợ giúp chỉ còn một cách đích thân đi bộ tới tận các Bộ Chỉ Huy. Nhưng trong tình trạng này tôi không tin là họ có thể giúp cho bệnh viện một chút gì. Tôi tự nghĩ, có sao làm vậy, đến đâu hay đến đó, hết sức mình thì thôi.
Khoảng năm giờ chiều, bác sĩ Nam Hùng ở Phòng Cấp Cứu xuống cho tôi hay, có năm người bị thương bụng cần mổ gấp. Tôi nghe vậy muốn xỉu luôn.
Dù ở trong thời bình với đầy đủ phương tiện, tôi có thể làm suốt đêm đến sáng, chưa chắc một mình tôi có thể giải quyết xong số thương binh đó. Huống chi, trong tình trạng hiện nay, với một số nhân viên cố định, đã làm việc suốt ngày không nghỉ. Tôi nghĩ không tài nào làm hết nổi. Không biết trận chiến còn kéo dài đến bao giờ. Tôi phải giữ gìn giữ sức khỏe cho nhân viên và cho tôi để có thể tiếp tục làm việc trong những ngày sắp tới. Nếu phung phí sức khỏe làm việc trong một ngày để rồi sau đó kiệt sức nằm bẹp một chỗ thì thật là người bất trí.
Lại còn vấn đề cá nhân nữa, không ai lo cơm nước cho chúng tôi. Chúng tôi phải tự túc lấy. Sau vài ca mổ, trong giờ xả hơi tôi tạt qua phòng nhấp vội một hai nắp bi-đông nước cho đỡ khát. Ăn vội mấy thìa cơm sấy với thịt hộp cho qua cơn đói. Các nhân viên phòng mổ chắc cũng được bạn bè giúp đỡ nên họ cũng chưa đến nỗi kiệt sức lắm.
Tuy nhiên trong tình trạng hiện tại, không điện nước, không đèn đuốc thì dù có tinh thần cao cách mấy cũng không thể nào làm được. Lại thêm Việt Cộng vẫn tiếp tục pháo kích suốt ngày. Đạn pháo rơi bên trường Trung Học trước bệnh viện, bên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, bên Ty Công Chánh sau bệnh viện rồi rơi ngay cả vào bệnh viện khiến cho chúng tôi đứng mổ không yên. Mọi người đều cố làm thật nhanh để còn đi tìm chỗ núp.
Những vội vã trong lòng không biểu lộ ra nét mặt. Ai nấy đều có cái vẻ bề ngoài điềm tĩnh để làm việc. Có thể nói sợ quá hóa lỳ. Vì thực ra đâu còn cách nào khác. Tuy nhiên mỗi lần nghe tiếng rít của đạn bay qua đầu hay tiếng hú của hỏa tiễn thì những dấu hiệu kinh sợ mới thấy hiện ra trong ánh mắt mệt mỏi của mọi người. Riêng tôi, mỗi lần như vậy thì cảm giác sợ hãi làm co thắt các bắp thịt đến buốt nhói ở tim. Khi nghe thấy trái đạn nổ rồi, thấy mình không hề hấn gì mới yên tâm làm việc tiếp.
Càng ngày Việt Cộng càng pháo nhiều. Tinh thần mọi người ở đây thật căng thẳng, sống tính từng giờ, chết không biết lúc nào. Chúng tôi như những con chim đã bị tên, thấy cây cong là sợ. Một tiếng chép miệng, một tiếng thắng xe, tiếng xao động của mái tôn cũng làm cho chúng tôi giật thót mình. Bao giờ tôi cũng có cảm tưởng là có một trái đạn treo trên đầu mình sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào.
Tôi nhận thấy không tài nào làm hết những vết thương bụng đó được. Tôi chọn xem người nào nhẹ nhất tôi làm trước. Những người nặng và những người mất máu nhiều không có hy vọng sống sót sau khi mổ, tôi chỉ cho truyền nước pha với trụ sinh rồi giao cho số mệnh.
Trong số những người bị thương bụng không mổ, chỉ có hai người sống sót. Một cô gái và một người lính cao lớn tên Ba. Tiếc thay anh Ba sống được hai tuần thì một đêm kia, Phòng Hậu Giải Phẫu bị trúng một trái 61 ly. Người đàn bà nằm ngay chỗ trái đạn nổ cùng với đứa con không việc gì. Trái lại anh Ba bị một mảnh nơi cẳng chân trái. Một tuần sau anh chết vì bị phong đòn gánh.
Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều, trong không khí ngột ngạt oi bức tanh mùi máu của Phòng Mổ, tôi cùng Thiện, Xòm cố sức làm việc. Tôi cố khâu những vết thủng ruột non. Tôi thấy khó thở quá, mồ hôi chảy ròng ròng trong thân làm tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Thỉnh thoảng tôi lại phải nghiêng đầu dơ vai lên quẹt mồ hôi ở mặt từ trán chảy xuống.
Bây giờ không còn như mấy ngày trước nữa mà mong có người đứng bên lau mồ hôi cho mình. Trong hoàn cảnh khó khăn, tôi đã hình thành một triết lý sinh tồn là cố hết sức chú ý vào công việc mình làm, không cần để ý tới thời gian và những phiền toái chung quanh. Bởi vậy cuộc mổ chiều đó tuy cực nhọc khó khăn rốt cuộc rồi cũng xong.
Tôi mệt lả người. Trong lúc Thiện, Xòm đẩy bệnh nhân ra Phòng Hậu Giải Phẫu. Tôi bước ra ngoài cho dễ chịu một chút. Tôi không dám hít mạnh vì không khí bệnh viện hiện giờ chẳng trong lành, thơm tho gì. Cho tới nay gần 300 xác người nằm sấp lớp dưới nhà xe và sân sau của bệnh viện. Những xác chết đó có từ ngày đầu cuộc chiến, đến nay gần mười ngày mà chưa được đem đi chôn. Buổi chiều mùa hạ nóng bức cùng với mùi tử khí của những xác người bắt đầu chương phình làm cho không khí đặc quánh, thật khó thở.
Bệnh viện có một nhà xác chứa được hai xác. Khi tôi tới làm việc ở tỉnh này được chừng ba tháng, dự án nới rộng nhà xác của tỉnh đã được thông qua và bắt đầu. Một ông Thượng sĩ an ninh của tỉnh thì thầm với tôi:
– Bác sĩ đừng chê tôi dị đoan, nới rộng nhà xác là điều tối kỵ vì chắc chắn sẽ có nhiều người chết lắm. Để rồi bác sĩ coi tôi nói có đúng không. Trước tôi làm ở tỉnh Chương Thiện cũng vậy. Chi vài tháng sau khi nới rộng nhà xác là vô số người chết tới.
Lúc đó tôi gật đầu cho ông ta vừa lòng, nhưng trong bụng bán tín bán nghi. Nay thấy ông Thượng sĩ già này có lý.
Thoạt đầu những người tử nạn đều được tẩm liệm vô hòm đàng hoàng, có cả quốc kỳ phủ quan tài cùng hương đèn đốt cháy suốt ngày đêm. Trung Đội Chung Sự không đem đi chôn được vì pháo kích và khu nghĩa địa không được an ninh vì ở xa, ngoài vòng kiểm soát của quân mình nên xác chết cứ để lại tại bệnh viện.
Khuya, sau khi mổ xong, đi xuống phòng ngủ, tôi không dám nhìn ra phía nhà quàn với hàng quan tài có những ánh nến leo lét cháy. Cứ trông thấy là tôi lạnh người dựng tóc gáy rảo bước cho mau.
Dần dần người chết quá nhiều, bất cứ nơi nào có xác chết là họ thu về đem thẩy vào nhà xác bệnh viện. Mới đầu giới hạn ở nhà quàn, sau lan ra nhà xe, tới sân sau rồi tới ngang hông văn phòng Ty Y Tế ngay trước trại Ngoại Khoa. Các xác quấn poncho, có phiếu chứng tử đính kèm, nhiều xác để trần mặc áo giáp, xác nằm sấp, nằm nghiêng, co chân co tay, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Có xác nằm bình thản như người ngủ. Có xác chương phình, bụng căng cứng, bóng như bụng ễnh ương, chảy nước vàng, rữa nát vì để quá lâu, phơi nắng suốt ngày đã biến thành màu đen xạm như chì. Xác của người lớn, của trẻ con, của quan, của lính, của dân nằm lẫn lộn, xông lên mùi hôi thối suốt nửa tháng trời. Ruồi nhặng bu đầy trên mặt mũi, trên những vũng nước rỉ ra từ những thân thể sắp rữa nát.
Để ngăn ngừa ruồi muỗi sinh sản, có người đem rắc bột DDT lên những xác chết. Hành động này về phương diện vệ sinh, trên lý thuyết thì rất đúng. Nhưng đúng ở một nơi nào khác kia, ở một thời điểm nào kia, chứ thực tình tôi vẫn phân vân tự hỏi tại đây có tốt không? Trong nhất thời tôi cho là tai hại quá. Ruồi nhặng bị xua đuổi khỏi chỗ ở của nó liền quay vào tấn công bệnh viện. Khắp chỗ nào cũng có mồi nhặng. Chúng lì lợm đậu lên đầu lên mặt tôi, lên mặt những thương binh mệt mỏi nằm ngủ quên. Tôi đưa tay vuốt mặt ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết, kinh tởm đến lợm giọng. Tệ hơn nữa, hiện giờ chẳng kiếm được nước đâu mà tắm rửa. Tôi lấy một cục bông gòn thấm alcool lau qua cho đỡ bẩn. Mùi hăng nồng của alcool quả thực đã làm tôi thấy sạch sẽ hơn, dễ chịu hơn được môt chút.
Lại nữa, mùi DDT trộn với mùi của xác chết sình thối hợp thành một mùi khủng khiếp không tài nào ngửi được. Có những xác mồi bu đen suốt từ đầu đến chân, tôi trông thấy mà nôn nao trong ruột muốn ói.
Mấy ngày sau, anh Châu kiếm đâu được ít thịt heo, đem kho tàu và mang đến cho tôi nhưng tôi không thể ăn được. Cứ đưa miếng thịt lên miệng lại nghĩ tới đống thịt rữa nát chỉ cách đó không xa, đành phải bỏ xuống. Ấn tượng đó cho đến cả tháng sau, lúc dọn sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu mới hết.
Sau không thể chịu được những xác chết đó nữa, chúng tôi trình sự việc lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Một vị Đại tá được chỉ thị lo việc này. Đó là Đại tá Điềm, Nguyên Tỉnh Trưởng Long Khánh, hồi tôi còn ở Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 10 Bộ Binh đóng tại ngay tỉnh này. Không hiểu sao tôi lại gặp ông ở đây. Đích thân ông dẫn một tốp lính cùng 10 lao công đào binh để hốt xác đem lên xe cam nhông đưa đi chôn. Nhưng khi Đại tá Điềm ra lệnh xong, vừa quay về là lính, lao công đào binh cũng trốn luôn. Ai cũng ghê tởm không dám làm công việc khênh hàng trăm xác rữa nát, hôi thối lên xe.
Ở sân trường Trung Học, ngay phía trước cửa bệnh viện, môt chiếc xe ủi đất của Ty Công Chánh đang đào những hố thiệt lớn. Tiếng máy nổ khác thường làm mọi người chú ý. Ai cũng thắc mắc không hiểu họ đang làm gì. Mới đầu tôi tưởng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cho làm thêm công sự chiến đấu, sau mới biết là hố chôn tập thể. Xe phải đào tới gần một ngày mới xong.
Buổi chiều chừng 5 giờ, một xe GMC dẫn 10 lao công đào binh cùng năm người lính sang bệnh viện. Xe de quay vào đám xác. Lần này có lệnh của Đại tá Điềm là ai trốn chạy sẽ bị bắn tại chỗ. Chính nhờ nghiêm lệnh này công việc đã được tiến hành tương đồi chu đáo và có hiệu quả. Một Trung sĩ to con, mặt sát khí đằng đằng cầm súng M16 đứng chỉ huy.
Mấy người lao công đào binh đi kiếm bao nylon gạo sấy để làm bao tay, hì hục khênh từng xác vất lên xe.
Nước vàng hôi thối từ những xác người chảy ròng ròng. Bắt họ làm công việc này thật tội nghiệp. Nhưng nếu không bắt buộc thì không làm sao giải quyết nổi gần 300 cái xác đó. Sau khi chất lên được gần một xe, nhìn lại thấy số xác người gần như không suy suyển một chút nào, mấy anh lao công đào binh đã bắt đầu nản, xuống tinh thần. Phần vì mệt mỏi, phần vì tiếp cận ngay những cái xác đang rữa nát hôi thối đó, họ đều xin dừng tay nghỉ mệt và một anh đề nghị lấy xe ủi đất, ủi tất cả các xác đó vào một đống sau bệnh viện rồi đổ xăng đem đốt. Nhưng giải pháp này không được chấp thuận vì mùi khét lẹt của gần 300 cái xác đó xông lên thì chắc không ai chịu đựng nổi.
Bỗng một người lính la lên:
– Có thằng trốn.
Hai người lính liền đi lục soát tìm kiếm. Lợi dụng mọi người không chú ý, ba người nữa chạy vội ra, tính leo rào trốn khỏi bệnh viện. Một cuộc rượt bắt diễn ra.
Anh Trung sĩ phải bắn mấy phát chỉ thiên mới bắt lại được ba người, còn một người trốn mất luôn. Bắt được anh cho mỗi người một báng súng vô ngực, buộc phải quay lại làm tiếp. Anh hăm dọa:
– Tụi bay mà bỏ chạy nữa, tao bắn bỏ nghe.
Một người lao công đào binh, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm chiếc áo ka-ki bạc màu, nhăn nhó qua hàng nước mắt:
– Hôi thối quá làm sao tụi em làm được.
Anh Trung sĩ nạt lại:
– Bộ tao đứng canh tụi bay ở đây không ngửi thấy mùi sao? Cố làm cho xong rồi về.
– Khênh người sống còn đỡ, khênh người chết sình nặng quá, muốn hụt hơi luôn. Trung sĩ cho tụi em nghỉ một lát để thở.
– Được, cho tụi bay nghỉ 5 phút.
Mấy lao công đào binh ngồi ngay xuống thềm xi-măng văn phòng Ty Y Tế nghỉ xả hơi. Mặt người nào, người nấy phờ phạc có lẽ vì phải hít thở mãi những mùi xú uế từ những tử thi để lâu ngày. Một người trồng hãy còn trẻ, chừng 20 mươi tuổi, mặt mũi có vẻ thông minh, ngồi dựa vào tường than thở:
-Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa bao giờ tao phải làm một việc cực khổ, khốn nạn như thế này. Cực đéo chịu được, thà chết sướng hơn.
Tôi cho người đi kiếm mấy cặp găng tay đã dùng rồi, đưa cho họ mang để họ làm việc dễ dàng hơn là dùng những bao nylon gạo sấy.
Hết 5 phút xả hơi, họ lại được lệnh tiếp tục khênh xác lên xe. Đầy xe rồi tài xế liền lái ra hố chôn tập thể. Họ lại khênh xác vứt xuống hố. Tới 8 giờ tối mới xong được hai xe. Họ làm liên tục như thế trong hai ngày mới thanh toán hết số xác trong bệnh viện. Chiếc xe ủi đất phải đào thêm hố nữa, dài theo sân của trường trung học mới đủ chỗ chôn. Ngoài ngã ba Xa Cam dọc theo vườn cao su, Trung Đội Chung Sự Tiểu Khu còn đào thêm một hố chôn tập thể khác khá lớn. Tôi nghe nói hố đó chứa chừng gần 1000 xác.
Giờ đây, mồ mả mọc lên như nấm rải rác khắp thành phố. Những tấm bia bằng gỗ pháo binh, bằng giấy carton được mấy người bạn đồng đội viết nguệch ngoạc tên họ người chết và cắm vội vã. Họ phải làm thật lẹ vì rất nguy hiểm khi phơi mình quá lâu trên mặt đất vì đạn pháo kích có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Trước cửa nhà Tiểu Khu Phó, hai người đang đào hố chôn bạn, gần xong thì bị ngay một trái 105 ly. Chẳng một ai sống sót. Sẵn hố đã đào, người ta liền vùi tất cả vào một hố. Thành ra những người lính ấy đã tự tay đào hố chôn mình. Mấy anh lao công đào binh cũng bị tử nạn đang khi vất xác xuống hố. Thi thể họ cũng được vùi chung với những xác mà họ vừa mới khênh xuống.
Người ta kể chuyện, vì có những vụ như vậy nên mỗi lần đào hố chôn, họ lại đào rộng ra một chút để nếu có bất hạnh xảy ra thì có sẵn hố tự chôn mình luôn. Thật là bi thảm nếu quả thực là như vậy. Không biết chuyện đó có thật hay không.
Từ khi giải quyết xong mấy trăm xác chết đó, bệnh viện thấy dễ thở hơn được một chút. Tuy nhiên hàng ngày, trung bình có từ ba tới năm xác do các nơi đem tới Trung Đội Chung Sự. Vì vậy cứ cách ngày lại phải tới bệnh viện gom xác lại đem đi chôn. Công việc cứ tiến hành đều đều như vậy nên không còn sự ối đọng cả mấy trăm xác chết như trước nữa.
Ở đây không phải chỉ chết một lần mà hai lần, có trường hợp tới ba lần. Pháo trúng mồ, thân xác bị cầy nát lên. Được chôn lại, bị pháo trúng nữa, thịt xương nát văng tứ tung. Hôi thối khủng khiếp. Đó là trường họp của một nữ y tá thuộc Phòng Y Tế Công Cộng chẳng may bị tử thương, được bạn bè đem chôn tại bờ tường phía sau bệnh viện, đã bị chôn hai lần như vừa kể ở trên. Và đó cũng là trường hợp của bốn Quân Y Tá mà tôi là người nói chuyện với họ lần cuối cùng dưới tàn cây trứng cá trước cửa văn phòng Milphap.
Khi tôi từ Phòng Mổ đi xuống trại Ngoại Khoa, nửa đường gặp một nhóm Quân Y Tá đang đứng nói chuyện với nhau. Trông thấy tôi, Binh nhất Út tươi cười chào hỏi:
– Bác sĩ làm việc mệt không?
Tôi đứng lại, nhập bọn với họ và trả lời:
– Mệt lắm, nhưng cũng phải cố gắng, còn nước còn tát. Thế các anh em có chỗ núp an toàn không, ăn uống cơm nước ra sao?
– Thưa bác sĩ, nhờ có gạo sấy do thả dù tiếp tế nên cũng không bị đói. Chúng em cứ hai người chung một hố cá nhân đào dọc tường sau của trại Nhi Khoa, cho đến bây giờ, thì may mắn chưa có ai bị hề hấn gì cả.
– Thế thì tốt lắm, nhưng không nên đứng khơi khơi giữa trời như thế này làm gì, nguy hiểm lắm.
Nói xong, tôi liền tiếp tục đi xuống trại Ngoại Khoa. Mở khóa vào trong phòng, ngả lưng định nằm vài phút để lấy lại sức. Vừa nằm chưa ấm chỗ, tôi chợt nghe một tiếng nổ rất gần ngay trong bệnh viện, không to lắm. Mảnh đạn, đất đá văng lên mái nhà nghe rào rào. Tôi đoán là là đạn súng cối 61 ly. Vì đã có kinh nghiệm và quá quen với pháo kích rồi nên nghe tiếng nổ là tôi có thể đoán trúng được đó là loại đạn gì. Tôi nghĩ thầm loại này thì nhằm nhò gì, chỉ như gãi ghẻ mà thôi. Thôi chẳng thèm để ý, định bụng nằm trên giường như thường, chẳng cần phải chui xuống gầm giường như mọi khi nữa.
Đang suy nghĩ miên man, có tiếng gõ cửa gấp rút rồi tiếng Trung sĩ Lạng, Trưởng Trại Ngoại Khoa nói vọng vào:
– Xin mời bác sĩ ra ngay cho. Có bốn y tá của mình bị thương nặng!
Tôi vội ngồi bật dậy, đi ra ngoài, khóa cửa lại cùng Trung sĩ Lạng chạy ra phía đầu trại Ngoại Khoa. Ra tới sân trước văn phòng Milphap, tôi thấy một nhóm đông đang xúm xít săn sóc bốn người bị thương nằm dưới đất.
Tôi khám thật nhanh, thấy ba người đã chết vì vết thương quá nặng ở đầu và bụng. Còn có Binh nhất Út, thấy có vẻ tỉnh táo nhưng mặt mày xanh mét vì mất máu, vì đau. Tôi ra lệnh cho y tá khênh Út vào văn phòng Milphap, đặt anh ta trên chiếc bàn rồi bắt đầu khám lại kỹ càng hơn. Tôi thấy một vết thương do mảnh đạn xuyên vào phổi phải. Không có tiếng thở phế bào. Chắc máu ra nhiều trong phổi. Tim đập rất yếu. Chắc chắn bệnh nhân cần phải được thông phổi ngay. Nhưng những dụng cụ thông phổi nay đã hết. Nên tôi đành phải dùng valve Heimlitz là một hình thức thông phổi mà không cần bình nước vì valve chỉ cho phép đi một chiều. Tức là máu ra được nhưng không khí không vào được do hai lá cao su khi thở ra thì nó mở ra, khi hít vô thì nó tự động đóng lại theo sức ép của không khí.
Tôi biết vết thương này không đơn giản. Chắc chắn nó đã gây hư hại nhiều cho những cơ quan bên trong. Tôi chắc Út khó có thể qua khỏi được nếu không được di tản kịp thời. Nhưng với tình trạng hiện nay, tản thương là điều không thể có được. Tôi nghĩ đến nước này chỉ đành phó mặc cho Trời mà thôi. Sau khi truyền nước biển xong, tôi dặn mấy người bạn Út canh chừng trong đêm nay. Ngày mai nếu may mắn có chuyến tản thương sẽ cho Út ưu tiên đi trước.
Tôi đi vòng qua đống rác lớn ở cuối trai Nội Khoa, ra Phòng Cấp Cứu. Qua hành lang giữa trại, tôi thấy thương binh nhiều quá, nằm bừa ra cả lối đi. Tôi phải len chân lần từng bước. Ra tới cửa chính giữa, nơi được dùng làm Phòng Cấp Cứu. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Chừng 30 thương binh nằm đầy ra ở dưới đất. Một vài người có băng-ca, còn phần đông nằm ngay trên sàn gạch dơ dáy, đầy bông băng vấy máu. Một bàn kê sát vách tường, trên đó để đầy các thứ thuốc sát trùng, các thứ thuốc chính, cạnh đấy là những thùng băng đã được khui sẵn. Sáu y tá luôn tay làm việc băng bó. Bác sĩ Nam Hùng, bác sĩ Tích đi khám vết thương từng người rồi ra chỉ thị cho ý tá, cái nào rửa sạch băng lại cái nào cần giải phẫu thì chuyển xuống phòng mổ. Tôi đến gần bác sĩ Tích, anh nhìn lên lắc đầu thở ra. Tôi hiểu ý và nói:
– Nhiều quá phải không anh Tích?
Bác sĩ Tích gật đầu, mệt mỏi đáp:
– Tôi với anh Hùng làm từ sáng tới giờ mà vẫn không hết. Nghe nói họ còn mang tới nữa.
-Trời! lấy chỗ đâu cho thương binh nằm. Ở đây đầy rồi. Dưới trại cũng hết chỗ chứa.
Bác sĩ Tích ngao ngán, lắc đầu:
– Mấy thằng khiêng cáng viên dông hết rồi. Tụi nó mất tinh thần, tên nào tên nấy lờ quờ không muốn làm gì cả.
– Mình bận làm việc không hở tay đâu để ý được tụi nó. Giá có thêm người đứng ra chỉ huy tụi nó sợ, làm việc, thì đâu có ối đọng khổ sở như thế này.
Tôi đi thăm một lượt, may mắn không có ai cần phải mổ lớn cả. Phần lớn đều bị thương ở tay chân. Có nhiều người bị gãy xương, được các bạn đồng đội băng bó giữ yên tạm khúc xương bị gãy bằng những cành củi khô hoặc bất cứ vật gì mà họ kiếm được.
Một điều tôi lấy làm lạ là bị thương đau đớn như thế mà không có ai kêu la. Khi các y tá xức thuốc rửa những vết thương trầy trụa, họ chỉ xuýt xoa, nhăn mặt cắn răng chịu đựng chứ không như những ngày thường.
Trong số những người bị thương có mấy người dân, vừa đàn bà vừa trẻ con. Một đứa trẻ cụt cả 2 chân lên tới đầu gối, nằm gối đầu trên một chiếc hộp đựng băng, dơ đôi mắt lờ đờ nhìn tôi, miệng mấp máy một cách yếu ớt:
– Nước, nước…cho con hóp nước.
Sắc mặt nó vì bị mất máu nên xanh mét. Da môi khô. Cánh tay trái bị băng gần hết. Một sợi dây vòng qua cổ treo cánh tay trước ngực thành một góc 90 độ. Tay kia cũng được giữ im để truyền nước biển. Thân hình nó thành ra ngắn ngủn một cách thảm hại. Vệt nước mắt khô còn in trên má. Mắt nó ráo hoảnh, nó không còn nước mắt để mà khóc. Nó nhìn để mà nhìn. Đôi mắt dường như vô cảm giác. Tôi nghĩ nó đã quá mệt, tê dại không còn biết đau đớn là gì nữa. Nó bây giờ chỉ là một sinh vật, sinh vật “vô tri”. Cạnh đấy, một người đàn bà bị thương ở má phải. Tóc bê bết máu, nằm gục đầu trên đống băng vấy máu. Vết thương của bà ta đã được băng bằng một băng cá nhân nhà binh khá lớn che gần hết khuôn mặt, chỉ để hở một con mắt tím bầm, sung vù. Thỉnh thoảng bà cố nhướng lên mà không được. Bà ta nằm rên nho nhỏ.
Phía góc phòng, một người lính bị thương ở đầu, bị quấn băng kín mít, chốc chốc lại la lên:
-Trời ơi, khát nước quá. Ai cho tôi miếng nước.
Kêu xong, anh ta lại nằm yên như không có gì xảy ra cả. Mọi người đều bận rộn, không ai lấy nước cho anh vì thực ra, cũng khó kiếm được nước trong lúc này. Tôi yên chí không lo cho anh bị chết khát vì chai nước biển treo bên cạnh vẫn nhỏ đều đều từng giọt thẳng vào mạch máu.
Tôi nhìn những người y tá làm việc băng bó như máy. Không hiểu họ có nghĩ gì không. Suốt 20 năm chiến tranh, chết chóc, bị thương xảy ra quá thường như cơm bữa khiến người ta dường như không còn xúc động trước những cái chết của đồng loại. Tôi đã nhận ra được điều này ngay từ hồi tôi còn là sinh viên Y Khoa, thực tập tại khu Ngoại Khoa ở Bệnh Viện Chợ Rẫy. Hôm ấy, người ta khênh vào hai mẹ con bị thương. Tôi săn sóc, khâu vá vết thương của người mẹ. Tôi hỏi:
– Vì sao chị bị thương vậy?
Người đàn bà đáp:
– Bị máy bay bắn lầm trong khi cả nhà tôi đang ăn cơm. Hiện giờ, chồng tôi và đứa con Út bị chết, vẫn còn để nằm ở nhà.
Điều làm tôi kinh ngạc nhất là giọng nói thản nhiên, gần như vô cảm giác. Không một chút xúc động. Không một giọt nước mắt. Dường như bà ta đang nói về cái chết của người chồng, người con nào đó, không phải của bà ta. Tôi cứ tưởng bà ta phải gào thét, khóc nức nở hay tỏ ra đau đớn lắm khi nhắc tới cái chết của chồng con. Nhưng thực sự đã trái lại và điều này làm tôi chợt hiểu là chiến tranh đã làm chai đá lòng người.
Tuy nhiên cũng còn may, chiến tranh chưa hủy diệt hết tất cả tình cảm của con người vì sau này, trong những lần hành quân đụng địch tôi đã bắt gặp được những tiếng khóc thổn thức, những tiếng kêu thảng thốt của những binh sĩ khi nghe tin một người bạn đã ngã gục ở tuyến đầu. Thành ra, về một phương diện nào đó, đau khổ quá mức làm cho tê dại đi cũng là một phản ứng tốt để người ta có thể sống còn được.
Tôi tiến dần ra phía ngoài cửa. Nơi đây quả là một địa ngục trần gian. Người sống, người chết nằm lẫn lộn với nhau. Một người lính nằm dựa vào chân cột hành lang, mắt nhắm nghiền. Một bên má có một vết thương còn rỉ máu. Cánh tay trái băng kín treo trước ngực. Khắp người anh chỗ nào cũng có đầy những vết thương nhỏ.
Anh nằm gác chân lên cái xác mà anh tưởng là một người bạn. Thỉnh thoảng anh đập chân thì thào:
– Lấy tao hớp nước, mày.
Có lẽ anh ta mê loạn rồi chăng? Gần đấy, một ngưòi bị thương ở chân, nằm gối đầu lên đùi một người bị thương ở đầu, dường như đang ngủ mê mệt. Tôi tới gần xem. Người bị thương ở đầu đã chết từ bao giờ. Tôi, bỗng nghe tiếng gọi yếu ớt.
Tôi quay đầu lại, đưa mắt tìm kiếm xem tiếng nói từ đâu. Một cánh tay gầy khô như khúc xương, mệt mỏi vẫy tôi. Tôi nhận ra ngay Điểu Thoul, môt lính Địa Phương Quân, người Thượng đang nằm sát chân tường, gần cửa phòng bác sĩ Chí. Tôi tới gần, cúi nhìn vào hố mắt sâu hoắm của anh ta. Điểu Thoul giờ chỉ còn là bộ xương. Hắn quá yếu, không còn nhúc nhích gì được. Điểu Thoul bị thương ở bụng, thủng ruột già. Tôi đã mổ và làm hậu môn nhân tạo cho anh ta. Mấy ngày trước, tôi đã cho tản thương, khênh ra khênh vào mấy lượt nhưng rốt cuộc không đi được rồi chắc bị bỏ nằm ở đó.
Tôi ngồi xuống bên anh ta, một mùi hôi thối xông lên. Chung quanh chỗ nằm, chảy đầy bê bét toàn là phân. Cái túi nylon đựng phân buộc ở chỗ hậu môn nhân tạo, mấy ngày nay không được thay, phân tràn đầy ra ngoài. Những con bọ nhỏ bò lổn ngổn trông thấy mà nổi gai ốc. Tôi nói:
– Để tôi gọi người thay túi nylon cho anh, chịu không?
Điểu Thoul không nói gì, hai giọt nước mắt chảy dài trên đôi má hóp. Thường ngày cũng vậy, Điểu Thoul ít khi nói lắm. Bị đau nhức hay khó chịu trong mình chỉ biết ứa nước mắt khóc mà thôi. Tôi hỏi:
– Đói không, tôi cho người chuyển xuống trại nhé?
Điểu Thoul gật nhẹ đầu. Sau đó tôi nhờ anh Xòm, Thượng sĩ Lỹ làm sạch vết thương rồi khênh hắn xuống trại Hậu Giải Phẫu.
Trước cửa phòng bác sĩ Chí, ba xác nằm bình thản ngay lối đi. Xa hơn nữa, trước cửa Phòng Nha Khoa, hai xác nằm sóng đôi, được đậy bằng một tấm tôn cong queo, thủng lỗ chỗ vì bị mảnh đạn, chừa cặp chân tím ngắt sưng bọng nước. Những thây đó bắt đầu hôi, mùi tử khí làm cho mọi người ngột ngạt, khó thở.
Tôi thấy cô Bông, Điều Dưỡng Trưởng của bệnh viện, đang loay hoay băng bó một cách khó khăn cho một người lính bị thương ở đùi, cẳng chân bị ngắn lại vẹo về một bên. Tôi hấp tấp bước lại:
– Khoan hãy băng, người này bị gãy xương đùi, làm bậy bạ bị kích xúc, dễ chết lắm. Cô chờ tôi một chút, tôi đi lấy nẹp Thomas. Trong khi chờ đợi, cô cho truyền một chai Ringer và chích một syrette Morphin cho bớt đau.
Nói xong tôi rảo bước về Phòng Mổ, ào vô kho lục được một chiếc nẹp mang ra. Tôi hỏi người lính:
– Anh đã thấy bớt đau chưa?
Anh ta gật đầu nhè nhẹ. Tôi vẫy Trung sĩ Trọng:
– Lại đây giúp tôi một tay, anh bợ nhẹ chân này lên để cô Bông đặt nẹp vào.
Tôi nắm lấy cổ chân người lính, hơi kéo nhẹ nhàng vừa nâng lên cao. Người lính nhăn mặt kêu đau. Tôi vừa giữ chân vừa vỗ về anh:
– Chịu khó một chút, sắp xong rồi.
Năm phút sau, chúng tôi băng bó và giữ im xong. Trên trán người lính còn lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Anh đã can đảm cắn răng chịu đau khiến chúng tôi làm việc được mau chóng và dễ dàng. Tôi thấy cô Bông có vẻ mệt. Bây giờ là 8 giờ tối. Tôi biết cô và Trọng làm việc không ngừng suốt từ sáng tới giờ. Đầu tóc cô bơ phờ. Chiếc áo bà ba bằng lụa xanh màu lá chuối non và chiếc quần đen đều vấy máu.
Chúng tôi làm việc dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đèn biến chế bằng một chai thủy tinh đựng dầu lửa. Nút chai được đục thủng một lỗ để bấc đèn chui qua. Ngọn lửa có nhiều khói khét lẹt. Tôi nói với hai người:
– Chắc hết bệnh rồi, mình có thể đi nghỉ được.
Cô Bông đưa tay quệt mấy giọt mồ hôi trên trán, nói:
– Bác sĩ đi nghỉ trước đi. Tôi đi kiếm chút nước cho thằng bé nằm kia uống.
Tôi vội dặn cô:
– Coi chừng đấy, mấy người khác thấy được, ho nhao nhao lên đòi, cô không có nước đâu mà cho.
Cô Bông mỉm cười hiểu ý, nói:
– Tôi biết mà, bác sĩ yên chí đi nghỉ đi.
No comments:
Post a Comment