Friday, July 15, 2022

MAY RỦI TRONG CUỘC CHIẾN - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

 

MAY RỦI TRONG CUỘC CHIẾN

Một buổi trưa, bác sĩ Phúc và tôi đang ngồi nghỉ trong phòng. Lợi dụng thời gian rảnh rỗi, tôi tiếp tục viết nhật ký. Tôi chợt nghe nhiều bước chân người từ cầu thang xuống hầm. Đoán là có thương binh chuyển tới, tôi liền đứng dậy, nhét xấp giấy xuống dưới bọc quần áo và bước ra khỏi phòng. Vừa gặp ngay một người Mỹ mặc đồ phi hành rất trẻ, tuổi chừng 24-25 gì đó. Bên góc trán bên trái bị bầm và trầy một chút xíu, không có vẻ gì nặng lắm. Anh ta vẫn tỉnh táo, đi đứng nhẹ nhàng như thường. Theo sau là mấy sĩ quan bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Tôi nhận ra Trung úy Lành Phòng l Tiểu Khu. Ông nói:

– Đây là Trung úy phi công Mỹ, lái máy bay thám thính mới bị bắn rơi sáng nay. May quá, anh ta nhảy Dù và được cứu mang về đây. Đại tá bảo tôi mang anh ta sang đây cho bác sĩ khám xem có cần phải chữa trị gì không.

– Ồ vậy hả. Trông ông ta như vậy chắc không có gì nặng đâu. Nhưng để tôi khám toàn bộ xem sao đã.

Tôi quay sang vị Trung úy phi công Mỹ nói:

– Welcome to An Loc. How do you feel?

Anh ta mỉm cười nói:

– Tôi đang bay qua thành phố này để tìm kiếm những vị trí của địch quân thì thấy hỏa tiễn bắn lên. Tôi than thầm trong miệng: “Chúa ơi, con bị bắn rồi”. Tôi vội bẻ tay lái, bay quặt lại thành hình chữ U nhưng không kịp nữa. Hỏa tiễn đã bắn trúng máy bay tôi. Nhưng may cho tôi là phản xạ của tôi khá nhanh, quẹo cua kịp thời nên nó chỉ trúng cái đuôi của máy bay thôi. Tôi còn đủ thì giờ mở nóc máy bay nhảy ra ngoài bung Dù ra kịp. Tôi chỉ sợ Dù rơi xuống vùng Việt Cộng là đi đứt. Nhưng may cho tôi, nó lại rơi xuống địa khu của lính bên ta nên được cứu sống mang về đây.

Tôi ngắt lời anh ta:

– Ông thật là may mắn. Ông thấy có bị đau ở đâu không? Ngoài vết thương nơi trán của ông.

– Khi tôi rơi xuống, bị té chúi đầu xuống đất nên trán hơi bị trầy một chút. Ngoài ra, tôi không thấy bị đau ở đâu cả. Tôi thoát chết nên sung sướng lắm. Tôi chẳng có gì ngoài một bao thuốc lá hút dở dang trong túi, tôi liền đem tặng lại mấy người lính đã cứu tôi, gọi là chút đền ơn vậy thôi. Sau đó, họ báo cáo cho cấp trên của họ và dẫn tôi về đây.

Đối với những người ở thành thị thừa mứa thuốc hút, một bao thuốc hay ngay cả một bịch thuốc lá cũng chẳng có gì là quý cả. Nhưng đối với những người lính tác chiến trong rừng, thiếu đồ tiếp tế và nhất là đối với những dân nghiện thuốc lá, dù chỉ là một điếu cũng rất quý. Đặc biệt là điếu thuốc ‘cám ơn cứu tử’ thì nhất rồi, không còn gì ngon hơn, đậm đà hơn và đã hơn.

Tôi không hút thuốc lá nhưng tôi hiểu được những cái thú của người hút thuốc. Đi hành quân trong đêm rừng lạnh lẽo, được một điếu thuốc phì phèo thú vị biết chừng nào. Nhất là sau khi đã đói thuốc mấy ngày rồi. Trong thời gian tôi còn ở đơn vị tác chiến, mỗi lần đi hành quân mọi người đều được phát mỗi ngày một khẩu phần ‘ration C’ của Mỹ. Trong đó có một bao thuốc lá nhỏ, khi thì Lucky, khi thì Marlboro, khi thì Pall Mall. Tôi để dành những gói thuốc này, đợi đến khi mấy người nghiền hết thuốc, thảy cho họ để họ thấy cuộc đời lên hương một chút. Tôi cảm thấy sung sướng cái sướng của họ, rất nhỏ, rất đơn giản và rất ngắn. Nhưng cần gì, mỗi ngày một niềm vui là thích rồi.

Tôi khám qua toàn bộ, quả nhiên thấy không có gì nặng ngoài vết trầy ở trán. Nhưng để an toàn, tôi vẫn chích cho anh ta một mũi SAT để ngừa phong đòn gánh. Sau đó anh trở về Bộ Chỉ Huy để chờ một chuyến tản thương bốc anh trở lại đơn vị.

Xong việc, tôi trở về phòng ngồi kể chuyện lại cho bác sĩ Phúc nghe. Vừa xong thì anh Sáu Xòm bước vào phòng, rủ chúng tôi xuống nhà dân ở dưới làng, cách Bộ Chỉ Huy chừng một cây số để mua thêm mấy thứ cần dùng và thức ăn tươi cho vợ anh sắp sanh trong nay mai. Lối đi từ phía trong trại, tôi hỏi anh:

– Dưới đó có an ninh không mà anh tính đi?

– Thưa bác sĩ, an ninh lắm. Mấy người lính ở trong Bộ Chỉ Huy này vẫn xuống đấy hàng ngày. Dưới đó đầy lính của mình và chưa bao giờ bị pháo cả. Dân của mình tị nạn ở đó đông lắm.

Tôi quay sang bác sĩ Phúc hỏi ý:

– Anh Phúc này, nếu vậy mình thử làm một chuyến xuống đó xem sao. Đại tá Nhựt cũng lưu ý tôi về vấn đề y tế công cộng ở khu đó. Bây giờ mình rảnh, nên đi xem xét tình hình. Có gì mình sẽ nhờ ông Tỉnh Trưởng xin thuốc chủng ngừa cho dân sẽ nhanh hơn là mình xin.

– Vậy thì mình nên đi lắm. Nhưng lỡ có người bị thương tới thì sao?

– Anh đừng lo, tôi sẽ nói Thượng sĩ Lỹ và cô Bích ở nhà coi chừng. Nếu có gì qua mời bác sĩ Chí tới trông hộ một chút. Mình đi nhiều lắm hai tiếng là cùng.

– Bác sĩ đi nhớ mang theo quần áo để thay. Mình sẽ tắm ở dưới đó. – Anh Xòm dặn tôi và nói tiếp – mấy người ở Tiểu Khu đều xuống dưới đó tắm cả vì ở đây mình không có nước. Em nghe nói dưới đó có nhà của một Trung sĩ Địa Phương Quân, thuộc Bộ Chỉ Huy, có một giếng đầy nước. Tha hồ cho mình tắm giặt thoải mái.

– Như vậy thì tốt quá. Đã gần 10 ngày nay tôi chưa được tắm từ khi cơn mưa đầu mùa tới giờ. Thôi chúng mình đi là vừa.

Trước khi đi, tôi có tạt qua hầm bác sĩ Chí dặn coi dùm vài tiếng để chúng tôi đi thăm dưới làng. Bác sĩ Chí cười:

– Bây giờ mày mới xuống đó sao. Hôm qua tao đã đi rồi. Xuống đó tắm giặt, sướng lắm. Mày nên ghé qua chùa, ở đó có trạm cứu thương nơi Trung sĩ Tiếng vẫn làm, băng và rửa các vết thương cho dân.

– Được rồi, kỳ này mày chơi trội hơn tao, khá lắm. Thôi ở đó trông nhà dùm tao. Tao với đốc-tờ Phúc đi một tí rồi về ngay. Có gì Thượng sĩ Lỹ sẽ gọi mày. Cám ơn trước.

Ba người chúng tôi liền rời Bộ Chỉ Huy đi ra phía cổng sau. Trại được bao quanh bởi một bức tường đất. Bên ngoài là những hàng rào kẽm gai chằng chịt, rộng tới 20 thước. Qua một trạm gác, chúng tôi đi theo một con đường mòn dẫn xuống tới khu làng ở dưới đồi. Ở một khúc quanh, tôi thấy gần một đám cây nhỏ rậm rạp, một ngôi mộ mới được phủ bằng một mảnh Dù lỗ nên trông như một con rùa thật lớn. Tôi lấy làm lạ, dừng lại ghé qua đọc dòng chữ viết nguệch ngoạc trên tấm bia bằng gỗ pháo binh. Chữ viết đã bị trận mưa đầu mùa làm mờ đi nên đọc không rõ lắm. Tôi chỉ đọc được: Bác sĩ Quốc. Anh Xòm nói:

– Đây là mồ của bác sĩ Quốc, thuộc Trung Đoàn 52.

Tôi nghe nói anh Quốc chết được gần một tháng nay, không biết chôn ở đâu. Không ngờ lại gặp mộ anh ở chỗ này. Lần chót tôi gặp anh Quốc tại Bệnh Viện Tiểu Khu vào những ngày đầu cuộc chiến khi anh chuyển thương binh đến cho tôi săn sóc.

Hình ảnh một ông bác sĩ đeo kính trắng, dáng người thư sinh, hiền lành và có vẻ hơi gầy một chút. Trông anh mệt mỏi, ít nói cười. Tôi biết anh đã thoát chết nhiều lần khi Trung Đoàn rút lui từ Lộc Ninh, về qua cây cầu tử thần Cần Lê bị Việt Cộng phục kích, nã đại liên vào đám binh sĩ đang qua cầu, không có một chỗ ẩn núp nào.

Tôi biết anh ra sau tôi mấy khóa. Anh ở Trung Đoàn 52 cũng khá lâu. Đáng lẽ anh phải được đổi về những đơn vị tĩnh tại rồi. Không hiểu sao anh vẫn còn ở Trung Đoàn. Vì theo thông lệ, các bác sĩ khi mới ra trường đều được cử xuống các đơn vị tác chiến trước rồi từ từ các đàn em ra sau, sẽ đến thay thế để các lớp đàn anh về dần các đơn vị lớn hơn. Hình như bác sĩ Quốc không hợp với ông Trung Đoàn Trưởng sao đó. Tôi chỉ nghe tin đồn mà thôi.

Các binh sĩ ở Trung Đoàn đều thương mến bác sĩ Quốc. Một người hiền lành, tận tâm đối với các anh em binh sĩ và gia đình họ. Những thương binh thuộc Trung Đoàn 52 khi được tin bác sĩ Quốc chết đã kể lại với tôi như thế.

Về trường hợp bác sĩ Quốc bị tử thương, tôi được nghe nói đang trên đường đi về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, anh Quốc thấy một người lính bị thương kêu cứu, bèn dừng lại săn sóc người lính này nhưng không may, một trái pháo rơi trúng chỗ anh đang ngồi. Bác sĩ Quốc đã bị chết ngay tại chỗ. Nay tình cờ, tôi lại được trông thấy phần mộ của anh.

Nghĩ tới anh, tôi lại thương lấy thân phận của tôi. Anh Quốc đã làm xong nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống Quân Y, quên mình cứu người. Còn tôi, bị vây hãm trong trận địa này không biết sống chết lúc nào. Đã có lúc tôi nghĩ thà chết còn hơn bị thương, vì bị thương sống lây lất khổ lắm. Cũng may cho tôi, giờ phút này tôi đã thoát hiểm bao nhiêu lần, bao nhiêu lần chết hụt. Chỉ nhờ một may mắn hoặc một run rủi nào đó đã đưa tôi ra khỏi nơi nguy hiểm trong đường tơ kẽ tóc.

Không có sẵn nhang đèn nên khi đi ngang qua phần mộ của anh Quốc, tôi đã cầu nguyện cho hương hồn anh chóng được siêu sinh tịnh độ và cũng không quên thầm khấn anh sống khôn thác thiêng phù hộ cho tôi được mọi sự an lành trong những ngày sắp tới.

Với tổng số 16 bác sĩ tham dự trận đánh này, anh là người độc nhất đã ở lại An Lộc. Các vị khác, chỉ có bác sĩ Trương Văn Châu ở Tiểu Đoàn Dù là bị thương nhẹ ở mắt nhưng không sao cả.

Chỉ vài phút sau chúng tôi đã đặt chân tới Phú Đức. Một làng tương đối an toàn mà dân tị nạn đã kéo về đây rất đông. Trận mưa vừa qua, tuy đã hơn một tuần rồi, vẫn để lại những vũng nước bùn hai bên bờ đường. Chứng tỏ vùng này rất nhiều nước nên đất ở đây không thể rút nước đi dễ dàng. Điều này cũng dễ hiểu vì khu này ở dưới chân đồi nên nước ngấm từ trên cao đều đổ dồn về đây cả.

Điều nhận xét đầu tiên khi đặt chân vào đây là đông người quá. Đi ngang qua một căn nhà, tôi chợt nghe thấy một tiếng đàn bà gọi tên chúng tôi:

– Bác sĩ Quý, bác sĩ Phúc.

Tôi ngoảnh cổ lại nhìn sang bên trái. Tôi thấy cô Đào đang ngồi trên một cái võng căng trên một cái giường, tay ôm đứa con. Cạnh đấy là cô bé Hồng, em cô Đào, chừng 13 tuổi đang nhìn tôi, nhăn răng ra cười. Tôi vẫy tay chào cô, hỏi:

– Cô và cháu bé mạnh không?

– Dạ cũng đỡ, chỉ thiếu sữa cho cháu thôi. Bệnh viện còn làm không bác sĩ?

– Chúng tôi không còn ở bệnh viện nữa, đã dọn sang bên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu rồi. Cũng gần đây thôi nên mới đi bộ xuống đây được.

Bác sĩ Phúc đứng bên tôi, tiếp lời:

– Để chờ một ít bữa nữa cho an toàn hơn rồi cô cũng nên kiếm cách về Sài Gòn đi. Ở đây thiếu thốn không tốt cho cháu bé. Cô liên lạc với mấy nhân viên Hành Chánh Tỉnh ở quanh đây để nếu có phương tiện, họ cho cô biết. Thường thường, tản thương bằng trực thăng Chinook rất rộng, họ hay cho dân chúng quá giang về Lai Khê, rồi từ đó, cô kiếm xe về Sài Gòn.

– Cám ơn hai bác sĩ.

– Thôi chào cô, chúng tôi đi đây.

Chúng tôi đi về phía chùa. Hai cây Phượng Vĩ bên cổng chùa nở hoa đỏ rực rỡ trên cành. Nếu là những người khác, họ sẽ trách móc sao thiên nhiên quá vô tình. Ngay trong sân chùa, nằm la liệt những người dân tị nạn hẩm hiu, khốn khổ thì phía trên, hoa Phượng Vĩ vẫn khoe sắc tươi đẹp của mình. Hình như chỉ có mình tôi để ý tới những chùm hoa tươi thắm rực rỡ của hai cây Phượng Vĩ. Mọi người chẳng ai buồn ngó lên trên những ngọn cây đó. Tuy có một hình ảnh tương phản giữa sự khốn khổ của dân tị nạn và vẻ tươi đẹp của hoa. Ít ra trong cái địa ngục này cũng còn có một cái gì tươi mát, một tia hy vọng để cho đời bớt khổ.

Thấy hoa, tôi mới chợt nhớ bây giờ là mùa hè. Nếu không có trận chiến này, chúng tôi lại có dịp thưởng thức những trái cây đặc sản của Bình Long, Lái Thiêu, Long Khánh với những trái Mít, Chôm chôm tróc và đặc biệt là Sầu riêng mà có lần vì ngon miệng, tôi đã một mình ăn tới gần 10 ký liền, khiến cho ngay cả mồ hôi của tôi cũng có mùi Sầu riêng nữa.

Những trái cây tôi ăn được đặc biệt chọn lọc bởi những tay lành nghề. Đó là ba má cô Duyên, một nữ Hộ Sinh, phụ tá cho cô Đào. Nhà ba má cô ở Lộc Ninh, gần một vườn Sầu riêng và Mít. Cô thấy tôi mê Sầu riêng với Mít nên nhờ ba má cô chọn những trái ngon nhất cho tôi.

Tôi đã có lần mang những trái cây đó về Sài Gòn làm quà cho mẹ tôi. Cả nhà thưởng thức những trái cây đó đều phải công nhận là tuyệt vời. Chúng tôi là dân Bắc Kỳ di cư nhưng lại mê Sầu riêng ngay từ lần thử đầu tiên khi còn ở trại tiếp cư ở Phú Thọ. Nhưng khi đi mua, vì không biết chọn nên khi được khi không. Lắm lúc tức anh ách khi gặp một trái bị sượng mà bên ngoài trông có vẻ được lắm, hứa hẹn lắm. Khi mở ra thì hỡi ôi làm chúng tôi buồn 5 phút.

Bước vào trong chùa, chúng tôi không phải kiếm lâu. Chúng tôi đã thấy Trung sĩ Tiếng đang thay băng cho một người bị thương ở cánh tay. Tiếng ngước nhìn lên, thấy chúng tôi mỉm cười và cúi đầu chào. Bác sĩ Phúc hỏi Tiếng:

– Anh xuống đây làm từ hồi nào vậy, có ai tới giúp anh không?

– Dạ cũng được một tuần. Sau vụ tản thương đưa được hết thương binh đi rồi, em thấy ở lại bệnh viện cũng chẳng giúp được gì thêm vì phòng ốc bị hư hại nhiều quá nên em cùng với hai người bạn, tụi nó có nhà ở đây, rủ em xuống đây an toàn hơn. Em thấy đồng bào tị nạn nhiều người bị thương mà không được săn sóc đúng cách nên bị làm độc nhiều lắm. Sẵn có mớ thuốc cùng với bông băng mang theo phòng thân, em liền lấy ra giúp họ. Người này đồn người kia nên phòng này dần dà biến thành trạm cứu thương.

Tôi thấy bề ngoài Tiếng có vẻ lính chiến gồ ghề, dữ dằn lắm, nay nhờ có trận chiến này mới thấy Tiếng quả là người có tâm địa tốt. Tôi bình sinh lúc nào cũng quý trọng những người có một tấm lòng vì người khác. Tôi thấy dù tôi có đưa ra cả ngàn lời khen Tiếng bây giờ thì cũng bằng thừa. Những người có lòng thì những cái xảo xã giao đó, họ cũng không để ý tới nhiều. Bởi vậy tôi chỉ nói ngắn gọn sau khi thân mật vỗ vai Tiếng:

– Tiếng thật là người có lòng. Tôi cảm phục lắm.

Tiếng hơi ngượng vì lời khen tặng của tôi. Gương mặt anh hơi đỏ một chút. Nhưng trong ánh mắt, tôi cũng thấy những nét vui sướng, hài lòng khi sự dấn thân của mình được người khác biết đến. Nhất là người ấy lại là cấp trên trực tiếp của mình.

Bác sĩ Phúc chợt nhớ ra một điều, vội hỏi Tiếng:

– Anh ở đây lâu có thể đoán được có bao nhiêu người không? để tôi xin thuốc chủng ngừa dịch tả cho đồng bào.

Tiếng ngần ngừ đáp:

– Cái đó em không được biết. Thấy đông lắm nhưng không thể ước lượng được. Bác sĩ cứ xin đại chừng năm ngàn liều. Nếu thiếu, xin thêm.

– Mình không sợ thiếu mà chỉ sợ dư vì ở đây mình không có tủ lạnh. Quá 24 giờ là thuốc chủng sẽ hư, không công hiệu nữa.

Tôi đề nghị:

– Nếu vậy mình chỉ xin ba ngàn liều thôi. Mỗi ngày mình chích chừng một ngàn người, ba ngày là xong. Nếu chích được nhiều thì càng hay. Thuốc còn dư thì dùng phương pháp dã chiến, để trong bọc nylon ngâm trong nước mát dưới giếng sẽ để được lâu hơn. Nếu chúng ta huy động được chừng 10 y tá hay nhiều hơn nữa để chích thuốc cho dân thì sẽ hoàn tất công việc rất nhanh và thuốc sẽ không bị hư.

Bác sĩ Phúc nói:

– Tạm thời cứ theo như vậy mà làm. Anh Tiếng có thể có được chừng ấy y tá không?

– Nhiều hơn thì khó còn chừng 10 người thì có thể huy động được.

– Để tôi về liên lạc với Bộ Y Tế xin thuốc dịch tả cùng bông băng và kim chích. Nếu không có gì trở ngại, tôi nghĩ mình sẽ có thuốc trong vòng một tuần nữa. Thôi chào anh Tiếng. Tụi này đi kiếm chỗ tắm giặt rồi về, sợ có thương binh chờ.

Anh Xòm dẫn chúng tôi tới một căn nhà quen có giếng nước ở sau nhà. Chúng tôi đứng ngay ở bờ giếng múc nước tắm giặt đã đòi rồi cùng nhau thơ thới ra về. Chỉ có mỗi một việc tắm giặt đó thôi mà chúng tôi đã thấy vui sướng tràn trề. Hạnh phúc chẳng tìm ở đâu xa và cũng chẳng phải khó khăn rắc rối gì cả. Có nhiều người được sướng mà không biết sướng. Đứng núi này trông núi nọ, cứ tìm bắt hoài mà không thấy. Tôi vừa đi vừa triết lý vụn như vậy trong đầu.

Tôi còn nhớ hồi mới ra trường, anh bạn thân cùng lớp với tôi là Khánh. Anh chọn một đơn vị Thiết Giáp. Mỗi lần đi hành quân, tôi phải lội bộ, đi đứng vất vả, khổ cực, xuyên rừng, lội suối. Còn anh bạn của tôi, khi ra khỏi trại đã ở trên xe rồi. Anh chẳng bao giờ biết lội bộ là gì và lúc nào cũng có đầy đủ mọi thứ như ở nhà vậy. Đi hành quân mà có cả trái cây tươi, nước đá lạnh, sách vở đầy đủ. Thế mà lúc nào anh cũng than thở, chẳng thấy gì là sung sướng cả. Thành ra phải vui cái mình đang có, mới được thảnh thơi không vướng mắc, không khổ sở. Khi bị đụng trận, ông Thiết Đoàn Trưởng ra lệnh cho bác sĩ lên coi người lính bị thương, anh bạn tôi lại cho là ông ta chơi mình, muốn hành mình.

Trong khi tôi cũng ở trong một tình cảnh như vậy như trong một trận ở phía Bắc Gia Kiệm. Khi Tiểu Đoàn 2/43 bị đụng nặng với một bộ phận của Công Trường 9 của Việt Cộng, trong đó một cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn đã bị tử thương, không thể lấy xác được. Ông Nhựt, hồi đó là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43 đã ra lệnh cho tôi mang hai y tá xuống ngay tại mặt trận để giúp đỡ săn sóc các anh em thương binh. Tôi vẫn vui vẻ mang hai y tá lên xe Hồng Thập Tự đi liền, mặc dù biết sự có mặt của tôi ở ngay tại mặt trận sẽ chẳng giúp đỡ gì hơn được cho thương binh cả. Từ ngoài lộ, xe Hồng Thập Tự băng qua một trảng rộng cỏ tranh rồi tiến vào phía rừng. Nơi đó đang có tiếng súng nổ ròn rã, chứng tỏ đang có giao tranh ác liệt giữa hai bên.

Tới bìa rừng, xe Hồng Thập Tự ngưng lại. Tôi cùng hai y tá xuống xe mang theo một băng-ca và hai túi cứu thương. Tài xế xe Hồng Thập Tự là Hạ sĩ Xê hỏi tôi:

– Em đậu xe ở đây đợi bác sĩ được không?

– Không cần? cứ mang xe về đi, đợi ở đây nguy hiểm lắm.

Xê ngần ngừ chưa muốn về. Tôi biết Xê lo cho tôi. Hắn sợ chút nữa xong việc, ai sẽ đưa tôi về. Tôi lại lo cho Xê vì chỗ này sát ngay tuyến đầu. Khi chúng tôi tiến vào rừng tấn công địch, sẽ chỉ còn mình Xê ở lại với chiếc xe cứu thương. Nhỡ một vài tên địch chạy lạc ra ngoài, Xê sẽ bị nguy hiểm. Để giữ an toàn cho Xê, tôi thấy tốt hơn hết là cho Xê trở lại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Tôi đỡ phải áy náy lo lắng và để dồn tinh thần vào công việc nguy hiểm trước mắt.

Lúc đó Tiểu Đoàn 1/43 do Thiếu tá Hiếu chỉ huy đang ở bìa rừng. Tiểu Đoàn này đã bị thiệt hại khá nặng nên lui ra để Tiểu Đoàn 2/43 nhập trận. Thấy tôi Thiếu tá Hiếu ngạc nhiên, hỏi:

– Ủa, bác sĩ xuống đây làm gì? Nguy hiểm lắm.

– Ông Trung Đoàn Trưởng ra lệnh cho tôi xuống đây để săn sóc thương binh.

Thiếu tá Hiếu nhăn mặt:

– Tầm phào. Tụi nó còn đánh nhau tưng bừng trong đó, làm gì có thương binh mang ra đây đâu. Phải xong trận đánh rồi mới thu nhặt thương binh gom lại rồi tản thương ngay chứ bác sĩ đâu có cần phải xuống tận mặt trận làm gì. Đây là cấp Tiểu Đoàn đã có Trợ Y lo được rồi.

Nói đến đây, chợt có điện thoại reo qua máy truyền tin. Thiếu tá Hiếu đưa tay cầm ống liên hợp do một Trung sĩ truyền tin đưa cho ông. Ông nói chuyện xong, quay sang tôi:

– Ở trên ra lệnh Tiểu Đoàn của tôi phải bằng mọi giá mang cho được xác viên cố vấn Mỹ về. Chúng tôi phải vô rừng đây.Bác sĩ có muốn đi theo không hay ở lại chỗ này đợi tụi tôi?

Tôi trả lời không cần nghĩ ngợi:

– Tôi sẽ đi theo Thiếu tá.

– Được rồi. Bây giờ là đụng trận thật sự đấy, bác sĩ nên cẩn thận.

Tôi đã suy nghĩ rồi, tuy bổn phận tôi không phải đi theo Tiểu Đoàn vào trong trận. Nhưng đứng ở ngoài bìa rừng, chỉ ba thầy trò trơ trọi thì rất nguy hiểm. Lỡ Việt Cộng bung ra ngoài rừng thì thua là cái chắc.

Tôi ra lệnh cho Binh nhất Bá, cận vệ của tôi cùng với Trung sĩ Minh, y tá của tôi vác băng-ca theo tôi nhập bọn với Trung Đội Quân Y Tiểu Đoàn 1/43 theo đoàn quân đi vào trận tuyến.

Mới rời khỏi bìa rừng chừng hai trăm thước đã đụng trận rồi. Súng lớn, súng nhỏ bắn như mưa. Chúng tôi không đi nữa mà phải bò. Tôi đi cùng một toán lính, khoảng 20 người. Tay nào, tay nấy lấm lét nhìn nhau. Trong toán đó, tôi là sĩ quan cao cấp nhất. Trung úy nhưng lại là Trung úy Quân Y, không phải dân tác chiến. Nhưng tại mặt trận, cứ cấp bậc cao cao là chỉ huy. Lính đã được huấn luyện như vậy. Mọi con mắt đổ dồn vào tôi. Nếu tôi tiến là họ tiến. Nếu tôi chạy là họ chạy ngay. Với đám tàn quân này, họ mất tinh thần rồi, đâu còn nhuệ khí để đánh đấm gì.

Chúng tôi bò tới một hố bom rộng lắm. Không ai bảo ai, mọi người đều lăn mình xuống hố bom cho an toàn. Khi ở trong hố bom rồi, tôi nhìn chung quanh mới thấy cả mấy chục người dồn cục trong đó. Chỉ một trái pháo rơi trúng thì chúng tôi tàn đời trong ngõ hẹp. Tôi lo quá vì Việt Cộng hay chơi trò này lắm. Nó đã canh kỹ pháo những nơi nó nghĩ rằng mình sẽ ẩn núp khi đụng trận, rồi cứ thế mà pháo để gây thiệt hại cho mình rất nhiều như trong trận Đồng Xoài năm nào.

Mấy tay lính gan dạ, bò lên miệng hố bom, tính từ từ tiến dần vào trong. Chợt họ thấy xác viên cố vấn Mỹ nằm ngay trước miệng hầm của Việt Cộng, đầu đã bị chặt lìa khỏi thân rồi. Muốn tiến lên lấy xác mà không tài nào được vì súng ở bên trong bắn ra rát quá. Chúng tôi không nhúc nhích, cục cựa gì được mà cứ tụ lại cả ở hố bom cả mấy chục người như vậy thì nguy quá. Tụi nó mà xông ra quăng lựu đạn xuống thì chết hết.

Tôi đang tính kế thì ba người mặc phù hiệu của Tiểu Đoàn 2/43 từ trong rừng chạy vọt ra. Thoáng thấy một trong ba người đó là Trung úy Nguyễn Trí Phúc, sĩ quan truyền tin của Tiểu Đoàn 2/43 – một trong những người bạn thân của tôi, thuộc khóa 21 Võ Bị Đà Lạt. Tôi vội kêu lên:

– Phúc, có việc gì không?

Trung úy Phúc trông thấy tôi, vội nói:

– Rút ra ngoài đi. Tụi nó đang đánh gọng kìm đó.

Nghe nói vậy, không ai bảo ai chúng tôi rời hố bom, rút thật nhanh ra ngoài bìa rừng. Đi vào thì lâu nhưng khi rút ra thì không đầy 15 phút. Chúng tôi đã ra tới bìa rừng an toàn. Tôi với Bá, Minh nhân viên của tôi, ba thầy trò sau những giây phút căng thẳng đều rã rời mệt mỏi. Tôi rút bi-đông tu một ngụm nước rồi nằm ngả người trên một gò mối.

Đang nằm nghỉ, chợt tôi nghe có tiếng máy nổ đều đều rồi tiếng xích sắt nghiến trên đường cỏ dại. Tôi vội đứng bật dậy, thì ra một chiếc xe tăng M47 của Thiết Đoàn 5 đã tới, cách tôi chỉ có nửa thước. May, mắc cái gò mối nên nó đi chậm lại. Nếu tôi mệt quá ngủ quên thì sẽ bị nó cán xẹp lép như con tép chứ chẳng phải chơi đâu. Vì cỏ tranh cao ngang cổ nên tài xế đâu có trông thấy những người nằm trong cỏ.

Tôi bèn kiếm một chỗ khác, cạnh một gốc cây dựa lưng, ngồi cho an toàn. Nhìn vào phía rừng, tôi thấy thương binh bắt đầu được dìu hoặc cõng ra, trong khi bên trong rừng súng nổ liên hồi. Trận đánh có vẻ dữ dội lắm. Nhưng không phải giữa quân ta và Việt Cộng mà là giữa chúng với nhau. Trên trời lại thêm mấy phi tuần trực thăng Cobra bắn xuống như mưa. Tôi ngồi nghe Trung úy Phúc kể chuyện mà thấy khoan khoái trong lòng.

Thì ra sau khi gây tổn thương khá nặng cho Tiểu Đoàn 1/43, lính Việt Cộng lấy quần áo của các binh sĩ của ta bị tử thương bỏ lại, mặc vào giả làm lính Tiểu Đoàn 1 rồi chia thành hai đường tính vây bọc Tiểu Đoàn 2/43 và tàn quân của Tiểu Đoàn 1/43, đánh theo thế gọng kìm, quyết tiêu diệt toàn bộ quân ta. Nào ngờ, trời bất dung gian và cũng may cho phe ta, trong đó có tôi, đã rút ra kịp thời nên khi hai gọng kìm của chúng đụng nhau, chúng lại tưởng là quân của Tiểu Đoàn 1/43 vì chúng đã giả dạng như vậy. Chúng bắn nhau tưng bừng hoa lá lại thêm trực thăng bên trên bắn xuống, vì vậy thiệt hại của chúng chắc chắn rất cao.

Chúng bắn nhau phải tới nửa tiếng rồi chúng mới nhận ra nhau. Tôi đoán vậy vì sau đấy, tiếng súng đột nhiên ngưng bặt. Trả lại sự yên lặng cho khu rừng, lúc này đã đen thẫm vì mặt trời đã lặn từ lâu. Trời tuy vậy vẫn còn sáng mờ mờ. Tôi đoán chắc chỉ chừng nửa tiếng nữa là đêm tối sẽ xuống rất mau. Chúng tôi săn sóc nhanh chóng những thương binh. Cả thảy chỉ có 14 người, đa số là nhẹ, không có người nào bị tử thương cả. Chẳng bù cho trận đánh hôm trước, thiệt hại quá nặng cho cả hai Tiểu Đoàn. Nhưng hôm nay vì tụi địch tham thì thâm, tự chúng giết lẫn nhau. Như vậy so ra thì hai bên thiệt hại chắc cũng ngang nhau.

Trung úy Phúc kể rằng, khi Tiểu Đoàn 1/43 tiến sâu vào rừng, gặp ngay Việt Cộng mặc đồ của quân ta nên mọi người bị lọt vào ổ tụi nó. Chúng đánh xáp lá cà, ôm vật Thiếu tá Tân, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/43. May nhờ có Trung úy Phúc dùng súng Colt bắn hạ tên đó mới cứu được Thiếu tá Tân và chạy thoát ra ngoài. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2/43 bị hỗn loạn. Mạnh ai nấy chạy. May mắn đều thoát được cả.

Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lúc, xe Hồng Thập Tự tới đón tôi về. Tôi hỏi Hạ sĩ Xê:

– Sao biết tôi đã ra đây mà mang xe tới đón?

Xê cười tươi, khi thấy tôi và hai người bạn không hề hấn gì, nói:

– Dạ, ở Tiểu Đoàn báo về. Trung úy Kháng ra lệnh cho tụi em mang xe đi đón bác sĩ. Ở nhà, chúng em lo lắm, không biết bác sĩ đi có việc gì không. Hồi chiều, Trung úy Kháng thấy em lái xe về không có bác sĩ. Ông ấy la tụi em, bảo sao không ở đó chờ bác sĩ về. Em nói tại bác sĩ ra lệnh cho em mang xe về, còn bác sĩ đi theo Tiểu Đoàn 2/43 nhập trận rồi. Ông ấy cứ lắc đầu thở ra hoài. Em biết ông ấy lo cho bác sĩ lắm.

Khi tôi về tới Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, trời đã tối hẳn rồi. Người tôi gặp đầu tiên là Trung úy Kháng, ông cười nói:

– Này, quan đốc, ông liều quá. Tụi tôi ở nhà tưởng ông đi đứt rồi.

Tôi cười mệt mỏi, nói:

– Tôi đâu có liều đâu, lệnh trên bảo đi là đi. Mình ở trong quân đội mà, ông không nhớ sao!

– Tụi nó nói ông đi theo Tiểu Đoàn 2/43 nhập trận trước. Mấy phút sau, truyền tin Tiểu Đoàn 2/43 báo cáo về là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn bị đụng nặng, đánh xáp lá cà. Tiểu Đoàn Trưởng Tân ‘Hao Dầu’ suýt nữa bị bắt sống. Toàn bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2/43 bị banh càng hết. Ở nhà, tôi nghĩ bụng phen này đốc Quý chắc gặp nạn quá. Tôi tin là ông đi theo Tiểu Đoàn 2/43 như tụi nó mới đầu báo cáo vì ông thân với Trung úy Phúc. Tôi cứ hét trong trong máy truyền tin là “có bác sĩ Quý ở Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn không?” thì tụi nó lại cứ nói là “không!”. Tôi nghĩ là ông bị Việt Cộng nó cõng đi rồi. Cả ban Tham Mưu Trung Đoàn đều lo cho ông. Sau, tụi nó báo về rằng ông đi theo Tiểu Đoàn 1/43. Tôi gọi cho ông Thiếu tá Hiếu hỏi, ông xác nhận là có thấy bác sĩ Quý cùng đi với trợ y của tiểu đoàn vào trận nhưng sau đó thi không biết ông đi đâu cả. Tụi này lại càng tin ông bị Việt Cộng vồ rồi. Mãi sau, được tin ông an toàn ra khỏi trận rồi. Mọi người mới thở phào như trút được một gánh nặng. Thôi ông đi tắm rửa rồi còn ăn cơm và nghỉ ngơi.

Tôi đứng dậy định trở về khu Quân Y thì Trung tá Nhựt bước tới, cười cười nói:

– Sao cụ liều thế, dám đi vô trận như vậy, chắc cụ muốn kiếm một huy chương hả?

– Dạ, đâu có. Không phải tôi muốn huy chương, tôi chỉ làm theo lệnh thôi.

Vừa đi vừa suy nghĩ lẩm cẩm như vậy, chẳng mấy chốc tôi đã về tới trại. Gặp Thượng sĩ Lỹ, tôi hỏi:

– Ở nhà có chuyện gì lạ không ông?

– Dạ, thưa không.

-Vậy thì may quá. Ông đã xuống đó tắm rửa bao giờ chưa? Tốt lắm. Để ngày mai, có rảnh ông xuống đó một chuyến cho biết. Có thể vài ngày nữa, mình sẽ nhận được thuốc chủng ngừa dịch tả rồi mọi người đều xuống đó chích ngừa cho dân.

Vừa vào đến phòng, phơi đồ xong là bác sĩ Phúc bắt tay vào việc liền. Thảo công văn xin thuốc chủng ngừa dịch tả rồi anh sang bên hầm chỉ huy nhờ gởi công điện về Sài Gòn.

Tôi đang ngồi nghỉ ngơi thì ông Thiếu tá Diệm tới. Tôi mời ông ngồi nhưng ông từ chối, bảo có việc phải đi ngay, chỉ ghé sang có tí việc cho tôi biết. Thấy giọng ông có vẻ nghiêm chỉnh, tôi tưởng có sự gì quan trong, vội hỏi ông:

– Có chuyện gì thế ông?

– Có chuyện nhỏ thôi, nhưng cũng phải nói cho ông biết. Nhân viên của tôi báo cáo thấy cô Bích, quần áo lúc nào cũng ủi thẳng tắp. Như vậy không được đâu. Máy phát điện ở đây là để dùng vào những việc quân sự trọng đại chứ không có đủ điện ủi đồ. Đến nước này mà còn ăn mặc bảnh bao làm gì.

Tôi không tin cô Bích đã dùng bàn ủi điện để ủi đồ vì ai cũng biết điện ở đây rất yếu. Vả lại, ủi đồ làm gì khi không biết được ngày mai sống chết ra sao. Tôi nghĩ quần áo của cô thẳng nếp vì cô đã ủi bằng một phương pháp dã chiến mà tôi đã có lần dùng. Tức là để quần áo ngay ngắn lên một miếng gỗ thẳng rồi để xuống dưới nệm. Mình nằm qua đêm, sáng mai dậy sẽ có một bộ đồ thẳng nếp như ủi vậy. Vì ông Diệm không biết cách ủi dã chiến này nên nghi cô Bích đã dùng bàn ủi điện. Tôi đã không giải thích cho ông Diệm hiểu, tôi chỉ nói:

– Được, cám ơn ông đã cho tôi biết điều này. Tôi sẽ cho cô Bích biết Bộ Chỉ Huy cấm không được dùng điện để ủi đồ.

Sở dĩ tôi không giải thích vì tôi không biết sự thực có phải như lời ông Thiếu tá Diệm nói không. Dù sao cô Bích cũng là nhân viên của bệnh viện, lại trực tiếp làm dưới quyền của tôi. Nếu tôi giải thích thì lại sợ ông hiểu lầm tôi biện hộ cho cô ấy. Tôi không nên nói gì trước khi có đầy đủ những bằng cớ trong tay. Tôi sẽ hỏi cô Bích cho rõ ràng mọi chuyện rồi sẽ báo cho ông Diệm biết sau cũng chưa muộn. Nếu đúng như tôi nghĩ, cô Bích đã không dùng điện để ủi đồ thì sau này chỉ một lời giải thích cũng đủ. Còn quả như cô ấy đã dừng điện ủi đồ thi chỉ cần cho cô biết lệnh của Tiểu Khu là xong.

Ông Diệm đi rồi, tôi cho gọi cô Bích đến. Tôi hỏi:

– Sao dạo này cô diện vậy, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu mới cho người tới nói với tôi là cô đã dùng điện ủi đồ nên quần áo mới phẳng phiu như vậy. Thực sự ra sao, cô cho tôi biết.

Cô không trả lời tôi ngay mà hỏi lại tôi, tính cô là như vậy:

– Thế bác sĩ có tin tôi dùng điện để ủi đồ không?

Tôi lắc đầu, đáp:

– Không nhưng tôi muốn hỏi cô cho rõ ràng để tôi giải thích với người ta.

Cô Bích hơi mỉm cười vì thấy tôi có vẻ về phe cô. Cô lại hỏi tôi:

-Vậy tại sao quần áo của tôi vẫn phẳng như thế?

Tôi thấy cô này muốn thử tài tôi đây. Tôi nghĩ thầm, tôi là sư phụ của cô chứ có phải tay mơ đâu mà đòi thử tài. Tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi của cô mà chỉ nói:

-Thôi cô ạ, dù sao cô so với tôi cũng chỉ thuộc lớp hậu sinh khả ố thôi. Tôi đã qua cái kinh nghiệm này rồi. Tôi dùng điện trong cơ thể tôi này, đúng không?

Cô Bích cười, tỏ vẻ khâm phục, nói:

– Đúng, xin bái phục. Nhờ bác sĩ nói lại và giải thích cho họ biết giùm tôi.

– Đó là bổn phận của tôi. Tôi đã nghĩ như vậy, nhưng phải chờ mọi sự minh bạch rồi mới nói cho họ biết, kẻo họ lại tưởng kiểu phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Thôi chuyện này là chuyện nhỏ nhưng cô cũng nên biết là nhất cử nhất động của cô đều bị theo dõi. Vậy cô nên để ý đừng làm gì lệch đường. Chúng tôi sắp có chuyện nhờ cô rồi đó. Xuống làng chích ngừa dịch tả cho dân.

– Bao giờ đi bác sĩ?

– Chưa đi ngay đâu. Bác sĩ Phúc còn đi xin thuốc. Bao giờ có thuốc rồi, tôi sẽ cho cô biết. Chúng tôi cần một số đông y tá để giải quyết công tác này càng nhanh càng tốt vì mình không có tủ lạnh. Thuốc không để lâu được.

-Tôi sẵn sàng đi. Nhân tiện được dịp xuống làng xem có gặp người quen nào không.

– Tôi có gặp cô Đào ở dưới đó. Tôi có nghe Đại tá Tỉnh Trưởng dự trù cho di tản dân về Bình Dương. Sẽ có những chuyến trực thăng Chinook tới bốc hết những ai muốn tản cư rời khỏi nơi này. Có thể lúc đó cô sẽ đi với cô Đào. Được không?

– Tôi chỉ mong có thế thôi. Cám ơn bác sĩ.

Đến đây, cô liền từ giã tôi đi về phòng. Cô vừa rời khỏi thì bác sĩ Chí dẫn một người ngoại quốc tới. Bác sĩ Chí liền giới thiệu:

– Đây là ông phóng viên chiến trường báo Time, mới đến đây ngày hôm nay. Tao gặp ông ấy ở hầm Chỉ Huy. Ông ấy muốn phỏng vấn tụi mình để có thêm tài liệu viết bài. Tao thấy ở đây mày nắm vững tình hình về bệnh viện, về thương binh nên dẫn ông ấy tới đây nói chuyện với mày. Thực ra, ông ấy đến đây lần thứ hai. Lần trước cách đây chừng một tháng, vào ngày Việt Cộng tấn công đợt nhất. Ông bị thương ở cánh tay, tao có băng bó cho ông ấy rồi tản thương về Sài Gòn, nay khỏi rồi ông lại tới đây.

Tôi dơ tay ra bắt tay người phóng viên can trường này. Trông ông có vẻ nhỏ con so với người Tây Phương. Dáng điệu không có vẻ gì là gồ ghề phóng viên chiến trường cả. Lưng ông ta đeo hai cái máy ảnh Nikon. Tôi hỏi:

– Ông làm cho báo Time, chắc ông là người Mỹ?

– Không, tôi là người Canada. Tôi muốn biết tình trạng và khả năng y tế ở đây. Tôi biết những thương binh được đưa vào đây săn sóc. Còn dân chúng thì sao? Bác sĩ Chí cho tôi biết bệnh viện Tiểu Khu đã dọn cả về đây rồi.

Để cho ông ta có một khái niệm về tình trạng y tế ở đây. Tôi đã tóm tắt mọi sự ngay từ những ngày đầu rồi tôi nói tiếp:

– Hiện tại phòng mổ này tuy là dã chiến nhưng chúng tôi cũng có thể mổ lớn được. Mặc dù vất vả lắm vì thiếu thốn đủ mọi thứ. Có một trạm cứu thương ở dưới làng. Những người dân bị thương nặng vẫn được phép chuyển vào đây cho tôi săn sóc. Chúng tôi đang dự định một chương trình chích ngừa dịch tả trong vài ngày nữa khi chúng tôi nhận được thuốc từ Sài Gòn.

– Thế về y cụ có đủ không?

– Tạm đủ, tuy nhiên trước mắt tôi phải lấy chỉ từ những sợi dây nylon cột bao cát để may những vết thương dưới da khi đóng bụng. Sợi nylon này rất dai, bền và nhất là dễ khử trùng. Chúng tôi khử trùng bằng xà-bông bột Quân Tiếp Vụ.

Nói đến đây, bác sĩ Chí lôi từ trong túi ra một túm chỉ nylon của bao cát, đưa cho anh ký giả coi.

– Thế không bị nhiễm trùng làm độc sao?

– Tôi chưa thấy trường hợp dùng chỉ nylon nào bị làm độc. Có người bị thương, mổ xong không có chuyến tản thương, bị kẹt ở đây tới hai tuần mà vết thương lành luôn, lại tiếp tục chiến đấu. Lý do không bị làm độc vì đa số các vết thương đã được săn sóc ngay, thường là khoảng một giờ. Không như ở những bệnh viện xa nơi chiến trường, khi nhận được thương binh là đã trễ mất ba, bốn giờ có khi đến sáu, bảy giờ nên vi trùng có đủ thời gian sinh sản làm độc. Tôi mới nhận ra một điều, không có trong sách vở, là chẳng cần phải những thứ thuốc sát trùng đắt tiền rắc rối làm gì. Phương tiện khử trùng hay nhất theo như kinh nghiệm của tôi tại chiến trường này là nước xà-bông hay nước Javel pha loãng. Tôi dùng những dung dịch này để rửa vết thương thì thấy sau ba, bốn ngày mở ra vết thương vẫn còn đỏ tươi không một chút mủ, không có mùi gì cả. Vì vậy rất dễ mau lành.

Ông ký giả này nghe tôi nói vậy có vẻ thích thú lắm. Ông luôn mồm khen tụi tôi số một. Ông hứa hẹn tên của tụi tôi sẽ được đăng trên báo Time. Tôi vội ngắt lời và nói đùa:

– Như vậy, tụi tôi sẽ nổi tiếng trên thế giới sao?

– Đứng thế, các ông xứng đáng được như vậy.

Trước đây mấy tháng, trong những lần cùng Thiếu tá David Risch đi vào các làng, các xóm kiếm bệnh về mổ. Tôi đã có lần nói nửa đùa, nửa thật với ông ta rằng:

– Mình hợp tác với nhau, cố làm sao kiếm được một phương thức hay mổ được một bệnh gì độc đáo để được nổi tiếng khắp thế giới.

Bác sĩ Risch gật gù nói:

– Được lắm, ý kiến đó hay lắm. Chúng ta chắc sẽ có ngày đó.

Bây giờ, nghe ông phóng viên chiến trường này nói thế, tôi cũng thấy vui vui nếu được nêu tên trên báo Time.

Vừa nói đến đây, chúng tôi nghe một tiếng nổ ở ngay sân Bộ Chỉ Huy.

Anh ký giả Canada vội xin lỗi, chạy lên cửa hầm đứng chụp hình những chỗ pháo mới nổ tung tóe đất cát. Tôi thấy anh này gan cùng mình, tỉnh bơ như không. Anh ta còn vẻ khoái trá nữa, có lẽ vì anh đã chụp được những hình ảnh sống động ngay tại mặt trận. Địch vẫn tiếp tục pháo kích vào Bộ Chỉ Huy. Toàn bằng súng cối thôi nên thật tình chẳng gây được một tổn hại nào đáng kể. Tôi đứng bên cạnh anh ta nhìn xem những chỗ bị pháo nháng lửa lên chỉ cách chúng tôi chừng 30 thước. Sau khi ngớt pháo, anh ta từ giã tụi tôi, hả hê đi về hầm Bộ Chỉ Huy. Ít ra anh cũng có những hình ảnh pháo kích 100% đã do chính anh chụp được.

No comments:

Post a Comment