Friday, July 15, 2022

NGÀY 06-4-1972 - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

NGÀY 06-4-1972

Bẩy giờ sáng, tôi thức dậy. Suốt đêm qua yên tĩnh, tôi đã ngủ một giấc thật ngon. Tôi thay quần áo ra khỏi phòng đi lên Phòng Hậu Giải Phẫu, gặp cô Trí đang đo nhiệt độ cho bệnh nhân. Tôi hỏi:

– Đêm qua có gì lạ không cô?

– Dạ thưa không, các bệnh nhân đều ngủ yên cả, chỉ có người bệnh bị gẫy tay mà bác sĩ mới nối động mạch hồi chiều kêu đau, em có chích một mũi Demerol. Ông ta nằm ngủ tới tận bây giờ mới thức.

Tôi hài lòng chào cô rồi đi bộ về nhà rửa mặt và sửa soạn ăn sáng.

Tháng Tư trời sáng rất sớm. Ánh sáng trắng không vẩn một chút sương mù. Những dẫy đồi và rừng cao su phía xa hiện ra những nét rõ ràng. Khu chợ mới ngay dưới chân đồi bệnh viện đã nhộn nhịp những người. Khí trời cao nguyên vào buổi sáng vừa trong và mát lạnh. Tôi hít thở một cách khoan khoái.

Tôi nhớ mãi những sáng mùa đông vừa qua, hẹn đánh tennis với bác sĩ Edward D. Risch, một bác sĩ Hoa kỳ trưởng phái đoàn Milphap 10 cùng làm chung với tôi về ngoại khoa. Khi đó bầu trời âm u, mây mù dầy nặng, chúng tôi phải chờ tới 7 giờ rưỡi mới đủ sáng để có thể trông thấy trái banh. Khi ra sân, chúng tôi phải hâm nóng người bằng cách làm những động tác thể dục tại chỗ hoặc chạy vòng quanh sân. Nếu không, nhiệt độ buổi sáng khá lạnh đến cóng cả tay.

Bây giờ là mùa Hạ, mới 6 giờ trời đã sáng tỏ rồi. Nhưng bác sĩ Risch đã đi nghỉ phép và trong tình hình này, chưa chắc đã trở về được. Nếu có bác sĩ Risch thì tôi cũng đỡ được một tay. Nhưng với tình trạng nguy hiểm như bây giờ, tôi thực không muốn ông ta có mặt. Tôi chịu nguy hiểm thì được vì đây là đất nước của tôi. Nếu có chuyện gì không may xẩy ra, tôi cũng gọi là đền nợ nước, còn bác sĩ Risch, người ngoại quốc không dính dáng gì tới nước tôi cả nên rất vô lý nếu ông ta phải nằm xuống ở nơi đây. Chính vì thế tôi mừng thấy ông đi nghỉ mát, tránh được những hiểm nguy ở trận chiến này.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi về tới nhà, anh Châu đang hâm lại nồi cháo đậu đen cho tôi. Một năm nay, từ ngày tới Bình Long, tôi chỉ ăn sáng bằng cháo đậu đen với đường. Ăn như vậy vừa bổ, vừa no, rẻ, lại hợp vệ sinh. Tôi không thích đi ăn tiệm, đã mất thì giờ lại chắc chắn không được sạch sẽ bằng ở nhà.

Sau bữa cơm trưa, anh Châu bắc nồi cháo lên đun sôi trong một giờ cho đậu thật nhừ. Sáng hôm sau anh chỉ hâm nóng lại là tôi có ngay một bữa ăn sáng ngon lành giản dị rất hợp khẩu vị của tôi.

Ăn xong, tôi đi bộ ra phòng khám bệnh của tôi ở đường Nguyễn Huệ, cách nhà tôi chừng 300 thước. Tôi mới dọn lại đây được năm ngày. Cũng nhờ Thiếu tá Diệm cho thợ tới sửa sang giùm nên phòng mạch rất khang trang rộng rãi. Phòng mạch trước của tôi ở chợ cũ, chật hẹp hơn phòng mới nhiều, lại rất bất tiện vì người chủ vẫn ở phía sau. Khi tôi về nhà, con cái họ vào phòng mạch nghịch ngợm, không còn gì là riêng tư nữa.

Do đó tôi quyết định đi thuê chỗ khác, hơi đắt tiền hơn một chút nhưng thoải mái hơn, không ai dòm ngó. Tôi đã phải trả trước sáu tháng tiền nhà, mất 42 ngàn. Nhà rộng 6 mét, sâu 15 mét, có khá đủ tiện nghi. Bà dược sĩ tiệm thuốc Tây An Lộc khuyên tôi đừng thuê chỗ này vì con đường có vẻ chạy thẳng vào nhà lại ở dưới dốc nữa. Tôi cũng biết vậy nhưng quanh đây không có nhà nào cho thuê nên tôi thử làm đại xem sao. Tuy dọn sang chỗ mới nhưng không xa chỗ cũ bao nhiêu nên mọi người đều tìm đến dễ dàng. Công việc làm ăn tiến triển rất tốt, dù chỉ mới có mấy ngày thôi.

Khi tôi đến nơi, cô Liên, cô y tá riêng của tôi đang thu dọn quét sạch nhà. Cô tươi cười chào tôi và tiếp tục làm việc. Cô chăm chỉ và chịu khó, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tôi biết cô là con gái lớn trong một gia đình đông con nên cô quen quán xuyến mọi việc. Cô tiếp khách rất tự nhiên và dịu dàng. Cô là một trong 10 người được Ty Y Tế Tiểu Khu chọn cho thụ huấn một khóa y tá để sau này làm việc cho Y Tế Cộng Đồng. Cô vào khoảng 18 tuổi thôi. Khi cô tới bệnh viện thực tập, cô có dịp làm việc dưới sự chỉ dẫn của tôi ở Phòng Ngoại Chẩn. Tôi biết cô có thể là người phụ tá tốt, vì vậy khi tôi quyết định mở phòng mạch tư, tôi mời cô làm việc. Cô đã vui vẻ nhận lời.

Advertisements
REPORT THIS AD

Sau khi khám xong người bệnh đầu tiên, tôi đứng lên ra tiễn người khách quen. Vừa quay trở vào thì một tiếng nổ vang lên ở phía phi trường, rồi liên tiếp ba tiếng nữa nổ rải rác trong thành phố. Ở sân sau của phòng mạch có một cái hầm chìm do chủ nhà đã xây từ lâu trông rất kiên cố, an toàn. Tôi bảo cô Liên:

– Cô xuống hầm đi

– Dạ để khi nào nó pháo gần gần em mới xuống. Hầm này bỏ hoang lâu ngày sợ có rắn rết, chuột bọ bên trong, mà em sợ chuột lắm. – Cô ngần ngừ nói như vậy.

Tôi cũng không muốn xuống hầm vội, vì đạn còn xa chỗ tôi lắm. Nếu nó pháo bừa bãi thế này chắc chắn sẽ có người bị thương, và như vậy tôi sẽ phải về ngay bệnh viện. Quả nhiên 5 phút sau, xe Hồng Thập Tự đến đón tôi thắng ngay trước cửa. Tôi dặn cô Liên:

– Thôi cô khóa cửa rồi mau mau về nhà đi. Về nhà dù sao cũng an toàn và yên trí hơn.

Tôi bước vào ngồi trên ghế xe hỏi tài xế Mệnh:

– Có người bị thương hả?

– Vâng có hai người Thượng.

– Bị nặng hay nhẹ?

– Dạ thưa một người bị ở đùi, một bị ở bụng.

Tôi lặng thinh không nói gì. Xe về tới bệnh viện, rẽ vào đậu trước Phòng Cấp Cứu. Mấy người Thượng cởi trần, đóng khố, thân hình đen sạm, đúng lố nhố ở cửa phòng. Tôi lách mình tiến vào. Tôi ngửi thấy mùi máu tanh pha lẫn mùi mồ hôi khét nặng, mùi thuốc lá rê tạo thành một thứ mùi rất khó chịu.

Một người đàn bà Thượng già, chỉ mặc một cái xà-rông đen viền chỉ ngũ sắc, vú để dài lòng thòng đang đứng khóc cạnh một người đàn ông Thượng được đặt nằm trên bàn khám bệnh. Một người đàn bà Thượng nằm trên chiếc divan, chân trái của bà ta đã được bó im bằng hai cành cây cao su. Dưới sàn nhà tôi còn thấy để chiếc cáng dã chiến bằng một chiếc xà-rông buộc hai đầu vào một cây gậy dài làm võng khiêng.

Tôi khám người đàn ông trước. Y chừng 30 tuổi, có vẻ bị thương nặng.

Tôi thấy hắn ói đầy ra sàn nhà. Khóe miệng còn dính dãi nhớt với cơm. Anh ta cởi trần mặc quần đùi. Tôi kêu y tá cắt băng quấn quanh bụng. Một vết thương nhỏ chừng lcm ở dưới sườn phải vẫn còn rỉ máu. Tôi ấn tay xuống bụng thấy bụng hơi cứng. Bệnh nhân nhăn mặt kêu đau và gạt tay tôi ra.

Người đàn bà Thượng già cầm lấy tay tôi kêu xin:

– Bác sĩ cứu con tôi. Trước kia nó đã bị thương một lần rồi, vợ nó cũng bị thương nữa.

Giọng của bà ngang ngang lớ lớ; nhưng tôi nghe hiểu rất rõ.

Tôi gật đầu không nói gì, dùng ống nghe khám kỹ phổi, thấy bình thường.

Tôi kêu y tá Trọng, một nam y tá thuộc Dân Y chứ không phải Quân Y.

– Anh cho truyền nước Ringer’s lactate, thử máu chụp hình phổi, hình bụng rồi cho lên phòng mổ ngay.

Trọng dạ nhỏ, rồi đưa tôi ký mấy giấy tờ cần thiết. Tôi tới khám người đàn bà Thượng nằm trên divan. Các băng và nẹp cây đã đượcTrung sĩ Tiếng cắt bỏ đi để lộ ra một vết thương xuyên qua đùi trái, ở phía trên đầu gối chừng 20 phân. Trông người bệnh có vẻ bình tĩnh và không có dấu hiệu bị kích xúc nào cả. Tôi bắt mạch cổ chân. Mạch nhẩy tốt. Tôi khám xương đùi thấy không gẫy. Thật là may mắn.

Tôi kêu Trọng:

– Anh chích SAT và PNC rồi cho ngay lên Phòng Mổ. Tôi mổ sạch bà này trước trong khi chờ đợi chụp hình bệnh nhân bị vết thương bụng.

Tôi đảo qua về phòng thay áo. Khi tôi lên tới Phòng Mổ thì bệnh nhân đã được để nằm chờ trên bàn. Tôi nói với cô Lâm:

– Sửa soạn dụng cụ để tôi làm ngay bà này thật nhanh còn dành thì giờ mổ bụng nữa. Anh Xòm lấy Lidocain đi.

Cô Lâm đi lấy cho tôi bộ suture set nhỏ. Tôi đeo găng tay. Trong khi anh Xòm rửa sạch vết thương bằng Phisohex. Tôi trải khăn bao phủ vết thương xong, sửa soạn chích thuốc tê, lấy kéo cắt bỏ những phần thịt hư nát, mổ sạch rồi bơm rửa vết thương bằng nước hấp pha với nước Oxygene và Phisohex. Tôi để hở vết thương không khâu, thoa thuốc Furaeine lên rồi băng lại. Mười phút sau mọi việc xong hết tôi kêu:

– Cô Lâm, cho gọi chị Huyên mang băng-ca chuyển người này xuống trại Ngoại Khoa ngay.

Sau khi chuyển bệnh đi chúng tôi hối hả giúp nhau dọn dẹp phòng cho sạch.

Chúng tôi trải khăn mới lên bàn mổ vừa xong thì mấy người y tá đẩy người bị thương bụng vào. Tôi nhìn anh Sáu Xòm:

– Ca này anh đánh thuốc mê nghe, khỏi cần gọi cô Đào, có Thiện nó giúp một tay.

Rồi tôi quay sang chị Huyên:

– Chị đi kêu cô Bích giùm tôi.

Tôi cầm hai khung phim ướt treo lên Negatoscope. Một mảnh đạn hình tam giác to bằng đầu ngón tay út còn nằm trong bụng phía phải xương sống. Tôi đi rửa tay. Mười lăm phút sau chúng tôi sửa soạn đâu vào đấy. Tôi đứng bên bàn mổ. Cô Bích đứng trước mặt là người phụ mổ chính. Cô Thìn đứng cạnh cô Bích làm nhân viên dụng cụ, có nhiệm vụ đưa cho tôi những dụng cụ tôi cần và xỏ chỉ để tôi may vết thương.

Cô Thìn dáng người khỏe mạnh, nhưng không được cao lắm. Cô với cô Cúc tranh chức vô địch lùn ở nhà thương. Cô ăn nói lễ phép và dịu dàng, khi cô nói đầu cô hay nghiêng qua nghiêng lại, ánh mắt linh động, và lúc nào cũng tươi cười. Tôi bảo cô trông giống như con chim sẻ. Thường những khi phụ mổ với tôi, cô phải dùng một bục gỗ kê lên để đứng cho vừa tầm tay. Trong bệnh viện có tiếng xầm xì đồn rằng ông Đắc già là “Sugar Daddy” của cô, vì thấy hai người thường đi chung với nhau và nói chuyện có vẻ thân mật lắm. Tôi không tin như vậy. Có thể họ có bà con với nhau, chắc chắn không có chuyện gì khuất tất xẩy ra. Tôi chỉ tin khi nào có bằng cớ hẳn hoi, còn những tin đồn nhảm tôi thường để ngoài tai. Tôi cũng không có thì giờ để tìm hiểu chuyện của người khác.

Tôi hỏi anh Xòm:

– Mổ được chưa anh Sáu?

– Thưa bác sĩ mổ được rồi ạ.

Tôi cầm con dao mổ, vẽ trước một đường trên da giữa bụng, tới rốn, vòng qua phía trái của rốn rồi lại đi thẳng xuống. Mặc dầu mổ đã nhiều lần, tôi vẫn không bỏ thói quen đó, nó giúp tôi mở rất chính xác giữa hai bắp thịt bụng, và như vậy ít chảy máu hơn. Có lần tôi nói đùa:“Mọi người coi, quanh năm suốt tháng tôi vẽ mãi hình này mà vẫn chưa xong” khiến cả toán giải phẫu đều cười.

Tôi lấy kéo cắt màng bao cơ giữa hai bắp thịt bụng và phúc mạc. Ruột phồng lên, máu bầm trào ra cùng với chất nước trong một non xanh như rau bị nghiền nát. Tôi không ngửi thấy mùi hôi. Chắc không có vết thương ruột già. Kinh nghiệm cho thấy rằng bị thủng ruột già, khi mổ bụng ra lập tức ngửi thấy mùi hôi ngay. Tôi lấy máy hút sạch máu rồi dùng khăn thấm sạch một non. Tôi tìm thấy bốn lỗ thủng ở ruột non. Ruột già và các cơ quan khác đều không có gì lạ.

Tôi sửa soạn khâu lỗ thủng đầu tiên. Vừa khâu được một mũi, tôi nghe một tiếng hú của hỏa tiễn rít ngang trời. Mọi người đều ngừng tay đưa mắt lo lắng nhìn nhau. Qua mảnh kính vỡ của cửa sổ phòng mổ, tôi nhìn thấy một cột bụi nâu đen bốc lên ở vòng rào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 cách bệnh viện chừng 100 thước. Bệnh viện và Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5 nằm gần nhau tạo thành một góc 90 độ. Mấy ngày nay chắc địch quân bắn điều chỉnh để sửa soạn pháo kích sư đoàn nên nhà thương bị vạ lây.

Tôi kêu Thượng sĩ Lỹ lấy thêm Cagut 3.0. Chưa nói dứt lời, một tiếng nổ nữa vang lên thật gần làm rung chuyển phòng mổ. Mảnh đạn và đất đá văng lên mái tôn nghe rào rào như mưa. Bụi trên trần nhà rơi xuống. Tôi hét cô Bích lấy khăn mổ đậy ruột lại. Cô lúng túng làm rơi khăn xuống đất. Tôi xòe hai bàn tay che lấy đống ruột, trong khi cô Thìn đưa cái khăn tay để phủ lên bụng bệnh nhân.

Ngoài sân bệnh viện vắng tanh không một bóng người. Họ đã kiếm chỗ ẩn núp hết rồi. Trong phòng mổ, tôi thấy chị Huyên rúc đầu dưới cái xe đẩy bệnh để gần máy điều hòa không khí. Chúng tôi, toán giải phẫu đành đứng trơ mình chịu trận… Hai trái nữa nổ bên trường Trung Học. Chúng tôi không thế nào bỏ bệnh nhân tìm chỗ núp trong trường hợp này. Bệnh nhân sẽ chết. Chúng tôi đành liều đứng làm việc như thường.

Trong lòng tôi thấy hồi hộp lắm. Tôi tiếc là không mang theo áo giáp, nón sắt để sẵn ở đây. Bề ngoài tôi làm tỉnh để mọi người bình tĩnh làm việc, nhưng tôi thấy không an toàn chút nào. Nếu như phòng mổ kiên cố một chút cũng đỡ sợ. Đàng này mái tôn, trần bằng carton không bảo đảm chút nào.

Tôi thay găng và tiếp tục khâu lại vết thương ruột. Có điều lần này tôi khâu nhanh tay hơn trước. Vừa làm tôi vừa nói để mọi người quên sợ:

– Quý vị yên trí đi, mình làm công việc cứu người, trời không để hỏa tiễn rơi trúng đâu. Nếu địch có nhắm trúng đây, trời cũng lái nó ra chỗ khác chơi. Phải không cô Bích?

– Vâng ạ, nhưng hình như tay bác sĩ khâu còn hơi run run thì phải.

– Sức mấy mà run, người hùng làm sao run tay được.

Tôi nói móc lại:

– Không biết lúc nãy ai sợ quá đánh rớt cả khăn xuống đất nhỉ.

Mọi người cùng cười quên hết nỗi lo sợ vừa qua.

Nửa giờ sau tôi đóng bụng xong. Băng bó cẩn thận rồi tôi ra phòng ngoài ghi nghi thức giải phẫu, không quên dặn anh Sáu đặt ống Levine để hút bao tử liên tục.

Tôi vừa đặt bút lên cuốn sổ, y tá Trọng từ Phòng Cấp Cứu hấp tấp chạy vào:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Trình bác sĩ, ngoài kia có hai người bị thương.

Tôi thở ra thật mạnh, đứng dậy rảo bước ra Phòng Cấp Cứu. Trong phòng đặc những người. Tôi bực mình kéo bay một người đứng ở cửa ra ngoài, gạt những người khác ra, miệng nói:

– Ra ngoài. Xem cái gì?

Vài người lùi lại, nhưng vẫn chưa chịu ra. Tôi ra lệnh choTrung sĩ Tiếng:

– Đuổi hết họ ra ngoài đi.

Tiếng quát lớn:

– Mấy người kỳ vậy. Nói hoài không nghe. Ra cho rộng chỗ để bác sĩ làm việc. Đứng đầy ra, thiếu không khí, bệnh nhân thở làm sao được.

Tôi nhìn quanh phòng. Một người băng đầu ngồi ở divan, một băng chân. Trông họ còn tỉnh táo và có vẻ nhẹ. Một người đàn bà ăn mặc sạch sẽ nằm ngay dưới sàn nhà mặt mét xanh, mê man như chết rồi. Tuy nhiên khắp người không có dấu máu.

Tôi quỳ xuống bên cạnh, bắt mạch cổ. Không có. Nghe tim, im lặng. Tôi vạch mắt thấy đồng tử nở lớn. Bệnh nhân kể như đã chết.

Tuy nhiên tôi thấy tôi cần phải làm một cái gì, may ra có thể làm hồi sinh được hoặc ít ra cho thân nhân biết rằng tôi đã cố gắng cứu mà không được.

Tôi kêu Trọng mang Ambu-bag lại bơm giúp cho bệnh nhân thở. Hối cô Cúc truyền một chai Normal Saline. Tôi nhấn mạnh ngực bệnh nhân theo phương pháp hồi sinh cấp cứu. Vừa làm tôi vừa hỏi người đàn ông ngồi cạnh đấy, dáng điệu đau khổ, bồn chồn lo lắng, gương mặt tái xanh.

– Ông là chồng bà này phải không?

– Vâng.

Cúc đứng cạnh nhanh nhẩu nói:

– Ông ấy là giáo sư bên trường Trung Học.

– Ông kể lại tại sao bà ấy ngất đi như vậy.

– Trái đạn vừa rồi nổ ngay sau nhà tôi, ở cư xá công chức. Tường sập nhưng vợ tôi không việc gì cả. Chạy vào bồng đứa con nhỏ ra tới cửa thì xỉu. Tôi liền mang lại đây.

Tôi nhờ Cúc thoa bóp tim. Tôi khám khắp người, không có dấu vết gì khác lạ. Không có vết thương.

– Bà có bị bệnh tim không? – Tôi ngước mắt lên nhìn người chồng hỏi tiếp.

– Thưa tôi không biết.

Thật lạ lùng, trường hợp này đến bây giờ tôi vẫn không biết rõ nguyên nhân đã gây ra cái chết của bà đó. Có thể bị sức ép của vụ nổ, có thể vì quá sợ hãi, kinh hoàng đến độ tim ngưng đập.

Hai mươi phút trôi qua. Hồi sinh không kết quả. Tôi đành chịu thua tử thần, để ông giáo sư mang xác vợ về chôn.

Hai người kia bị nhẹ. Tiếng rửa sạch các vết thương, chích thuốc trụ sinh, ngừa Phong Đòn Gánh xong tôi cho về.

Một cảm giác buồn phiền nhen nhóm trong tôi. Tôi không hiểu được nguyên do cái chết vừa rồi. Nếu được mổ khám nghiệm tử thi, chắc tôi sẽ tìm được nhiều điều bổ ích và các thắc mắc sẽ được giải đáp thỏa đáng. Nhưng việc đó chỉ có thể làm được ở những nhà thương lớn, còn trong tình trạng này không thể và không nên làm. Tôi nghĩ vậy. Tôi phải dành thì giờ và dành sức để làm những việc khác khẩn cấp hơn.

Tôi thấy thương hại người chồng, nét đau khổ hằn trên gương mặt. Chỉ trong khoảnh khắc ông đã mất đi người vợ thân yêu. Trong thời chiến, những cái chết thật đột ngột, thật bất ngờ như Trịnh Công Sơn viết “chết như mơ” . Có những người bạn mới bắt tay cười nói ngày trước, ngày sau thân xác đã vùi trong đất lạnh. Bị hãm trong tận địa pháo của Việt Cộng trời thương ai nấy sống, không còn biết trốn tránh chỗ nào.

Sát ngay Phòng Hậu Giải Phẫu, nơi Phòng Trực Y Tá, trước đây có một cái hầm nổi khá tốt. Vì tình hình an ninh khả quan, gần một năm nay không xảy ra một vụ pháo kích nào nên tôi đề nghị với ban giám đốc phá bỏ hầm đi để Phòng Trực Y Tá rộng rãi và sạch sẽ hơn vì trong hầm thường hay có chuột bọ rắn rết rất nguy hiểm.

Mọi người đều hoàn toàn đồng ý và chỉ trong một ngày hầm đã được dọn sạch. Nay phá xong rồi mọi người đều tiếc. Thành ra cả nhà thương chỉ còn lại bốn hầm mà thôi. Hai hầm ở gần cổng, một hầm chìm ở nhà Bảo Sanh và một hầm trong văn phòng giám đốc bệnh viện.

Khi có pháo kích, ở trong hầm thì yên tâm thật nhưng nếu có người bị thương tôi vẫn phải ra làm. Không ai bắt buộc tôi cả nhưng tôi không thể nào đang tâm ngồi yên được. Đợi ngớt pháo, tôi chui ra khỏi gầm giường chạy lên Phòng Mổ làm việc. Được cái là những ngày đầu Việt Cộng pháo lai rai vài ba quả rồi ngưng, cũng đỡ khổ.

Lúc này hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng vào số mệnh. Nếu tới số thì tránh cũng không khỏi. Chính vì vậy tôi vẫn làm việc như thường không ru rú ở trong hầm như những người khác.

Có điều công việc giải phẫu làm việc phải được tổ chức thành một toán. Tối thiểu ba người: một y sĩ, một người phụ và một chuyên viên tê mê. Tôi có thể liều được nhưng tôi không muốn bắt buộc nhân viên chịu chung sự nguy hiểm của tôi. Lỡ ra họ có mệnh hệ nào, tôi sẽ phải ân hận biết bao. Do đó tôi chỉ dùng những người tình nguyện mà thôi.

ADVERTISEMENT
REPORT THIS AD

May mắn cho tôi, tất cả nhân viên Phòng Mổ đều sát cánh bên tôi. Họ đã tỏ ra can đảm, giúp đỡ tôi rất đắc lực khiến tôi có thể hoàn thành mỹ mãn công tác giải phẫu điều trị thương binh. Mặc những trái đạn pháo kích nổ rất gần làm thầy trò đều xanh mặt, chúng tôi vẫn lì lợm làm công việc. Xong xuôi rồi mạnh ai nấy tìm chỗ núp.

Ngày hôm ấy địch quân pháo lai rai suốt ngày. Trưa tôi không thể về ăn cơm được, đành nuốt vội mấy bánh Biscuit, uống một hộp Coca lót lòng. Nằm nghỉ trưa được một giờ, tôi lại dậy tiếp tục làm việc tới 10 giờ tối mới xong. Tính ra ngày đó có một người chết, bẩy người bị thương, toàn là dân do đạn pháo kích mà thôi. Khi lên giường nằm nghỉ, tôi phải để chân lên chiếc gối cao để máu được lưu thông dễ dàng hơn. Mắt tôi lóa lên vì quá chăm chú nhìn khi mổ. Tôi tắt đèn đi, bóng tối tràn ngập căn phòng và tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

No comments:

Post a Comment