Friday, July 15, 2022

THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG

Một hôm có phái đoàn của Tổng Tham Mưu tới điều nghiên trận đánh, dẫn đầu là Đại tá Phạm Văn Sơn, nghe nói ông ta là giám đốc Nha Quân Sử.

Ông đến để thu thập tài liệu viết chiến sử cho trận đánh. Các sĩ quan khác thì lo nghiên cứu những kinh nghiệm có thể rút ra được từ những bài học quý báu của trận đánh lịch sử này.

Phái đoàn có ghé qua hầm cứu thương của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Đại tá Phạm Văn Sơn, người mà tôi đã nghe danh từ lâu. Đúng ra tôi đã biết tên ông từ năm tôi lên 11 tuổi, khi tôi còn học tiểu học ở ngoài Hà Nội trước năm 1954. Khi đó gia đình chúng tôi chưa di cư vào Nam. Tôi còn nhớ một buổi chiều, mẹ tôi đi làm về, đưa cho tôi một cuốn sách thật dầy. Mẹ tôi nói:

– Này cho con đó, con đọc đi, hay lắm.

Tôi rất thích đọc sách. Từ thuở biết đọc đến giờ tôi chưa bao giờ có được một cuốn sách dầy như thế. Tôi vội giở ra thì thấy đó là cuốn Việt Nam Tranh Đấu Sử của Phạm Văn Sơn.

Tôi say mê đọc cuốn sách cả mấy tuần liền. Không những tôi đọc một lần mà tới nhiều lần. Tôi không nhớ là bao nhiêu lần. Tôi biết rành Việt sử là nhờ cuốn sách này. Từ ngày đó cho tới khi tôi học năm học chót của chương trình trung học, tôi không cần phải học môn Việt sử nữa, vì tôi đã thuộc cả rồi. Có nhiều đoạn, nhất là những đoạn văn trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, hay bài Hịch Tướng Sĩ củaTrần Hưng Đạo cho tới bây giờ, đã mấy chục năm tôi vẫn còn nhớ nằm lòng.

Tôi nói với Đại tá Phạm Văn Sơn:

– Hân hạnh được gặp Đại tá ở đây. Tôi nghe danh Đại tá từ lâu rồi.

Chắc Đại tá ngạc nhiên lắm, nếu biết rằng tôi biết tên ông từ năm tôi lên 11 tuổi.

Đại tá Sơn ngạc nhiên thật. Tôi thấy ông hơi mỉm cười nhướng mắt lên như dò hỏi, như chờ đợi lời giải thích câu nói của tôi. Tôi không đi thẳng vào vấn đề, mà đọc mấy câu trong bài Bình Ngô Đại Cáo cho ông nghe:

-Tượng mảng. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo.

Sau đó tôi kể lại trường hợp tôi được mẹ tôi cho tôi cuốn Việt Nam Tranh Đấu Sử, và tôi đã say mê đọc cuốn sách đó như thế nào. Đặc biệt là những trang ông viết về vua Hàm Nghi bỏ triều đình, ra Hịch Cần Vương chống Pháp; hay vua Duy Tân, vị vua trẻ tuổi, mới có 18 tuổi mà đã có lòng yêu nước triệt để chống Pháp, rồi bị tù đày ra đảo Reunion.

Đại tá Sơn nghe xong cười nói:

– Bác sĩ có trí nhớ hay quá.

Tôi vội hỏi:

-Thưa Đại tá, trong trường hợp nào ông đã viết bộ sử đó.

Đại tá Sơn nói:

– Tôi thực sự không phải là nhà sử học. Hồi đó tôi làm công chức cho ban Quốc phòng thuộc Phủ Thủ Hiến Bắc Việt. Vì người Pháp theo hiệp định Genève sẽ phải rút khỏi Việt Nam, chính quyền sẽ về tay mình, nên cấp trên có trao cho tôi nhiệm vụ viết một bản tường trình tóm tắt về lịch sử nước Việt, để làm sáng chính nghĩa quốc gia Việt Nam, làm căn bản cho cuộc chiến đấu của chúng ta. Sau đó mọi người đọc thấy được nên mới phổ biến rộng rãi, và cuốn sách đã được nhiều người biết đến. Đó chỉ là một cuốn tóm lược thôi. Sau này tôi có viết lại đầy đủ hơn gọi là cuốn Việt Sử Tân Biên. Không biết bác sĩ có đọc cuốn này chưa?

– Dạ thưa chưa. Tôi có nghe quảng cáo cuốn này hồi 1959, nhưng chưa mua xem.

Chúng tôi mải nói chuyện về sử Việt Nam nên những chi tiết về trận đánh này ông đã không có thì giờ hỏi tới. Sau đó ông phải rời Bình Long gấp vì trực thăng đã đến đón. Tuy nhiên những người tháp tùng với Đại tá Sơn đã có đầy đủ những dữ kiện rồi, nên ông cũng không cần phải làm gì thêm. Vả lại về phía Quân Y thì cũng không quan trọng bằng những đơn vị chiến đấu, đặc biệt là về những chiến thuật đã được thực hành để giữ vững An Lộc.

Khi phái đoàn Tổng Tham Mưu đi rồi, Thiếu tá Diệm tới rủ tôi:

– Ông Quý, đi một vòng chơi không? Tôi có xe Jeep đây.

Tôi nghĩ ông Diệm là tay cẩn thận lắm, nếu rủ tôi đi chơi một vòng như vậy, chắc là vòng đai an ninh của mình đã khá rộng, và an toàn. Tôi gật đầu chịu liền, nhân tiện tôi cũng muốn trở lại bệnh viện thăm một lần chót xem sao, vì biết nếu có đổi về Sài Gòn, tôi chắc cũng chẳng có cơ hội trở lại đây. Tôi rủ anh Phúc:

– Anh Phúc có muốn theo tụi tôi đi một vòng không?

Anh Phúc hưởng ứng liền. Thật ra ở mãi trong hầm cũng chán, bó cẳng lắm.

Anh nói:

– Đi chứ. Tôi cũng muốn trở qua bệnh viện xem anh em mình có cần gì không và tình trạng hiện giờ ra sao.

Thế là sau một tháng trời, tôi trở về thăm Bệnh Viện Tiểu Khu. Bệnh viện vẫn còn đó nhưng điêu tàn hơn trước. Hàng tên TY Y-TẾ, BỆNH-VIỆN BÌNH-LONG trên cổng đã bị mảnh pháo văng trúng nhiều lần làm rơi rớt cả năm, sáu chữ.

Chúng tôi nhảy vội xuống. Tôi đưa mắt nhìn quanh, cố ý tìm kiếm những khuôn mặt quen thuộc.

Tôi chỉ thấy nhiều khuôn mặt lạ, lẫn lộn với những anh em thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y. Bác sĩ Tích ở trong phòng nghe tiếng máy xe nổ, vội chạy ra, thấy tôi bèn ngoắc vào:

– Các anh vào trong này, đứng đây nguy hiểm lắm. Mấy ngày trước, tụi Việt Cộng đã chiếm được Ty Công Chánh ngay sau Phòng Mổ đó. Không biết bây giờ chúng đã rút đi chưa. Một Tiểu Đội Nhảy Dù đã được tăng cường tới đây để chận chúng, không cho tụi nó đánh sang bên này. Hai bên cầm cự mấy ngày liền, không bên nào dứt điểm bên nào. Tụi nó có những tên đặc công cảm tử bò qua ban đêm nhưng qua đứa nào chết đứa đó. Bên Dù cũng đã có ba người tử thương. Mồ chôn tại ngay sân bệnh viện đây.

Tôi nhìn anh Tích với anh Nam Hùng, thấy cảm thương cho hai anh đã phải trải qua những giây phút hiểm nghèo. Cái chết chỉ cách đường tơ kẽ tóc.

Tôi thở ra, nói:

– Có ai ngờ đâu các anh lại ở ngay tuyến đầu, cách địch chỉ có một con đường nhỏ. May mắn các anh không bị hề hấn gì. Thấy các anh bình an như thế này, tôi mừng lắm. Có lễ những giây phút nguy hiểm đã qua. Tụi mình sắp được đổi đi nơi khác rồi. Chỉ cần chịu đựng vài tuần nữa là khỏe thôi.

Anh Phúc cũng tiếp lời tôi, hỏi hai anh Tích và Nam Hùng:

– Ở bên Tiểu Khu đã phát lương cho binh sĩ. Bên Sư Đoàn đã có lương chưa, các anh?

– Có, tụi này mới lĩnh lương hôm qua. Nhưng anh thấy đó, cầm tiền cho vui vậy thôi chứ đâu có mua sắm được gì. Giờ đây, nhân có tiền lại được thảnh thơi một chút, tệ nạn đánh bạc bắt đầu xuất hiện. Nhiều đứa thua nhẵn túi. Cũng may, ở đây tiền chẳng còn giá trị mấy vì có gì để mua đâu. Đợi đến tháng sau lại có nữa, lúc đó chắc đã về hậu cứ rồi.

– Tôi thấy anh cũng nên can ngăn họ một chút. Đánh bạc chơi cho vui thôi, nếu cứ mê mải rồi đêm đến buồn ngủ không canh gác cẩn thận. Đặc công nó bò vào là chết cả đám.

Anh Tích gật đầu nói:

– Tôi cũng bảo họ thế. Một số nghe lời còn một số vẫn ham chơi.

Tôi đi ra cuối Trại Nội Khoa, nhìn ra sân ngăn cách trại này với Phòng Mổ và Văn Phòng Hành Chánh. Tôi thấy ba ngôi mộ nằm song song với nhau. Mỗi ngôi mộ đều có một mũ sắt Dù treo trên một cái cọc ngay trước mộ. Thấp thoáng trong phòng y tế, tôi thấy có những người lính Dù còn bố trí bên trong nhưng không căng thẳng lắm. Tôi đoán tụi địch bên phía Ty Công Chánh đã rút đi rồi. Tôi hỏi một người lính Dù gần đó:

– Chào anh, anh đóng ở đây đã lâu chưa?

– Thưa Đại úy được hơn hai tuần rồi.

Tôi dơ ngón tay chỉ về phía Ty Công Chánh, tiếp tục hỏi:

– Tụi Việt Công bên kia đường còn đó không?

– Tôi chắc tụi nó đã rút đi rồi, không thấy động tĩnh gì bên đó cả. Mấy ngày trước có máy bay tới dùng súng radar điều khiển bắn phá dữ dội lắm. Tôi nghĩ tên nào may mắn còn sống sót chắc cũng chém vè hết rồi.

– Vậy cũng đỡ lắm. Mình ở đây cũng được an toàn.

Tôi nhìn về phía nhà Bảo Sanh, thấy cũng có lính mình đóng chốt ở đó.

Tôi cũng yên dạ. Tôi muốn đi xuống Trại Ngoại Khoa của tôi xem có còn ai không. Tôi cẩn thận đi vòng ra phía trước rồi men theo hành lang đi lần vào lối phòng cũ của tôi. Trại bây giờ đây hoàn toàn hoang vắng. Hầu hết các phòng đều bị ăn đạn pháo kích, chẳng có phòng nào còn nguyên vẹn. Tôi ghé qua phòng bên xem người tù binh có sao không, chỉ thấy một bộ xương khô nằm trên giường, nơi cổ xương tay vẫn còn cái còng số tám khóa chặt vào thành giường. Thế cũng xong một đời người.

Tôi đi nhanh ra cửa lên chỗ đậu xe. Mọi người đã sẵn sàng trên xe, chỉ còn đợi tôi. Ông Diệm rồ máy chạy ra cửa, vừa khi ấy tôi thấy cô Bông hiện ra ở cửa sổ, chỗ phòng cô Bích cũ. Cô vẫn mặc áo màu xanh lá mạ tươi mát của mấy tháng trước. Tôi chỉ kịp ngoắc tay vẫy vẫy chào cô. Cô cũng vẫy tay chào lại, miệng mỉm cười. Tôi thấy cô vẫn mạnh khỏe là tôi yên trí và mùng cho cô. Cho đến giờ phút này mà vẫn còn cười được là tốt rồi. Chúng tôi không kịp trao đổi lời nói nào cả. Xe đã phóng ra khỏi bệnh viện, đi theo con dốc xuống công viên Tao Phùng rồi vào khu Chợ Mới.

Nơi đây cũng vậy, chỉ tháng trước đây khi tôi và bác sĩ Chí xuống thăm khu này, con đường giữa dãy nhà lầu và cái khung chợ vẫn còn rộng thênh thang. Nay đã bị hẹp lại vì một dãy mộ mới, chừng 13 cái nằm song song với nhau, trải dài theo dãy nhà lầu đó. Một tấm biển bằng gỗ pháo binh ghép lại. Trên có ghi một câu đối:

An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân

Tôi nghe nói câu này do một cô giáo làm ra. Cô là người được mấy anh Biệt Cách Dù cứu sống khi cô bị thương, gãy xương đùi. Cô được mang vào khu nhà lầu đó và được săn sóc bởi những anh Biệt Cách Dù. Chiều chiều, cô đã ngồi trong căn nhà lầu nhìn ra con đường trước mặt để cứ thấy từng ngày, cùng với mức độ giao tranh lên cao, những ngôi mộ mới của những anh Biệt Cách Dù, những ân nhân của cô tăng lên dần. Trong nỗi xót thương những người lính chiến quả cảm ấy, cô đã viết lên câu đối lịch sử này.

Xét về câu đối, tôi thấy hai câu này không hoàn hảo lắm. Nhưng cần gì. Những áng thơ hay thường thoát ra ngoài khuôn sáo tầm thường, gò bó của quy luật. Người ta đã không cần để ý tới hình thức nữa mà chỉ chú ý tới ý nghĩa, nội dung thôi. Câu đối trên, quả nhiên đã nói lên những hy sinh to lớn của những chiến sĩ can trường Biệt Cách Dù. Đồng thời nó cũng ngầm nói lên tấm lòng tri ân của người dân và đặc biệt của cô giáo đối với những ân nhân của cô. Cái hay trong hai câu đối đó, chẳng có một chữ nào nói lên lòng tri ân cả nhưng đọc lên, tôi lại cảm nhận ngay những điều đó. Thế mới tài tình. Mặc dù những chữ trong hai vế, thật ra chẳng có gì mới mẻ. Nhưng có lẽ vì đối cảnh sinh tình nên nó có được cái sức lôi cuốn rất mạnh, không giống như những câu đối ước lệ khác.

Do câu đối này, tôi được biết những ngôi mộ mới. Đó là của các anh em chiến sĩ Biệt Cách Dù đã hy sinh để bảo vệ An Lộc trong cuộc tấn công đợt hai của địch. Như vậy, lần tấn công đó cũng ác liệt lắm. Tôi may mắn được ở dưới hầm an toàn nên đã không có cơ hội quan sát. Vì vậy đã không biết được cuộc diện chiến trường lần đó ra sao. Mới sơ sơ nhìn qua những tổn thất của mình thì thấy cuộc tấn công đợt nhì quả thật rất kinh hoàng, đẫm máu chứ không phải chỉ pháo kích suông.

Chúng tôi tiếp tục đi ngược lên hướng Lộc Ninh, rẽ trái qua một con đường nhỏ. Chúng tôi thấy ngay ba chiếc xe tăng mới tinh bị bắn hạ nằm sắp hàng ngay ngắn trên con đường An Lộc – Lộc Ninh. Tôi ghé tai nói với anh Phúc:

– Anh trông tụi nó sắp hàng đi vào An Lộc như đi diễn binh ấy. Chẳng trách bị xơi tái hết là phải. Tôi chẳng hiểu sao tụi nó đánh đấm gì mà kỳ vậy.

Ông Diệm ngắt lời, nói:

-Trông bên ngoài tưởng đó là cái may mắn của ta. Thực ra cũng nhờ những yếu tố khác.

– Tôi nghe nói tụi nó xích chân những tài xế xe tăng lại. Không biết có đúng thế không?

– Muốn kiểm chứng, cứ vào trong xe tăng của tụi nó mà coi.

Tôi đồng ý liền vì quả thực tôi muốn biết sự thực. Hay là bên ta lại tuyên truyền kiểu tâm lý chiến. Tôi nói:

– Phải đấy, để tôi chui vào một xe tăng xem. Nhưng những xe tăng này cao quá. khó có thể nào trèo lên để vào bên trong được.

Ông Diệm nói:

– Có cách, bỏ mấy xe này đi. Chúng mình lên chỗ Chợ Cũ. Nơi đó cũng có mấy xe tăng bị máy bay bỏ bom trúng, chúi đầu xuống hố bom nên pháo tháp gần mặt đất hơn, dễ trèo vào lắm.

Thế là chúng tôi lại vòng lên phía Chợ Cũ. Tôi chợt thấy một xe tăng tương đối còn mới dù đã qua gần một tháng trời phơi mưa nắng. Tôi vội bảo ông Diệm ngừng xe lại, nhảy xuống và tiến về chiếc xe tăng. Vì chiếc xe bị bom thả trúng, chúi mũi xuống hố bom cũng khá sâu. Tôi thấy pháo tháp hơi bật ra về phía bên trái. Tôi và ông Diệm trèo lên nhìn vào bên trong chiếc xe tăng. Tôi thấy một bộ xương người ngay chỗ của tài xế. Chiếc xương sọ gục xuống bên tay lái. Cổ xương chân trái có một sợi dây xích cột vào cần lái xe. Mọi hồ nghi của tôi về việc này trong giây phút đó đã được hoàn toàn giải tỏa.

Trong xe không còn bộ xương nào khác. Trong cơn nguy hiểm, tài xế xe tăng đã chết một mình. Đồng đội đã thoát thân, đã bỏ đi. Người tài xế không thể trốn được vì đã bị xích chặt vào xe. Tôi có thể hình dung được nỗi tuyệt vọng, nỗi kinh hoàng của người tài xế trước khi chết ra sao. Xe còn, người còn. Xe mất thì người chết theo. Đó là cái ý nghĩa quyết tử của binh đội lái xe tăng của địch.

Đứng về bên phía ta, ta có thể lên án tính cách vô nhân đạo của địch. Bất cứ một người nào cũng ghê tởm phương pháp sắt máu này.

Nhưng đây là chiến tranh. Chiến tranh tự nó đã vô nhân đạo rồi, huống chi với một chế độ độc tài như chế độ Cộng Sản thì việc xích chân vào xe chẳng có gì phải một chút bận tâm.

Trong thời chiến, thiếu gì những trường hợp quyết tử như ôm bom lao vào xe tăng địch, ôm bộc phá phá hàng rào đồn binh địch, lao đầu vào lỗ châu mai của địch để lấy thân mình bịt kín nòng súng địch cho đồng đội tiến lên. Ngay như phía bên ta, trong trận này, chính mắt tôi đã thấy sáu cánh Dù nhảy xuống ngay trong vùng đóng quân của địch. Đó cũng là những hành động cảm tử một đi không về của những người lính chiến. Nhưng khi thấy những hành động trên chúng ta chỉ thấy cảm phục, thương xót nhưng không ghê tởm như thấy những trường hợp bị xích chân vào xe tăng hay vào mấy khẩu thượng liên. Có lẽ vì hình ảnh bị xích cho ta cái ấn tượng bị ép buộc phải làm những việc nguy hiểm ngoài ý muốn của người lính, không để cho họ một cơ hội thoát thân dù rất nhỏ.

Cụ Phan Bội Châu đã viết, Thánh Cam Địa (Gandhi) rất ghét chế độ Cộng Sản cũng chi vì họ chủ trương lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Tức là có thể dùng bất cứ một mưu kế nào dù cho vô nhân đạo đến đâu cũng được, miễn là chúng đạt được mục đích tối hậu.

Tôi đã chui vào hẳn bên trong xe tăng. Không có mùi hôi thối, chứng tỏ cái thây này đã chết từ lâu, chắc từ đợt tấn công thứ nhất, hơn một tháng rồi. Tôi chỉ ngửi thấy một mùi hôi khăm khẳm giống như mùi mốc chà bông để lâu ngày bị thiu. Tôi nhìn quanh bên trong xe tăng, thấy khá rộng. Tôi chợt để ý thấy một dãy đạn đại bác 100 ly vỏ bằng đồng sáng loáng mói tinh, xếp ngăn nắp bên góc phải của xe. Nếu mang về gõ làm bình bông chắc đẹp lắm. Nghĩ là làm liền. Tôi tháo hai viên đạn ra, không ngờ nó cũng khá nặng vì đạn 100 ly dài tới gần một thước. Tôi cố mang ra ngoài để lên xe Jeep rồi cùng ông Diệm và bác sĩ Phúc lái về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.

Chúng tôi đi chơi cũng hơi lâu, thấy quang cảnh chỗ nào cũng giống nhau, cũng bị tàn phá thành bình địa hết. Như nhà hàng Tứ Hải, một nhà hàng Tàu xây bằng bê tông cốt sắt, hai tầng lầu, nấu ăn cũng khá ngon. Tôi đã ăn vài lần ở đó, bây giờ xẹp lép giống như một ngôi nhà bằng giấy bị một bàn chân khổng lồ giẫm lên. Tôi đề nghị đã đến lúc nên quay về. Mọi người đều tán thành vì thực ra cũng chẳng còn gì hay để xem nữa.

Khi về đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, ai trông thấy hai viên đạn đại bác 100 ly, chiến lợi phẩm của tôi cũng đều thích cả. Ông Thượng sĩ Thiện thuộc ban An Ninh tỉnh đề nghị:

– Bác sĩ nên cho tháo đầu đạn, đổ thuốc bồi đi, lấy cái vỏ đạn cho nhẹ, dễ di chuyển và an toàn không sợ bị nổ bất tử.

– Đúng rồi, để thế này nguy hiểm mà lại quá nặng. Nhưng tháo đầu đạn ra có dễ không?

– Nếu bác sĩ muốn, tôi bảo mấy thằng em nó làm cho. Tụi nó nhà nghề mà, làm chừng nửa tiếng là xong à, nhanh lắm. Chứ bác sĩ không quen, làm mất thì giờ lại nguy hiểm nữa

Tôi lắc đầu nói:

– Tôi không dám sờ tới đâu, nhỡ nó nổ một cái thì khốn nạn ngay.

Tôi bèn giao hai viên đạn đại bác đó cho Thượng sĩ Thiện. Chỉ gần một giờ sau, ông ta mang lại hai cái vỏ đạn, đưa cho tôi. Ông dặn tôi:

– Cái chốt ở dưới đáy vẫn còn nguyên đấy. Bác sĩ đặt nó nhè nhẹ, đừng vất mạnh, đụng vào nó, có thể nổ lắm đó. Tuy không hề gì, nhưng đề phòng vẫn hơn.

Tôi mừng lắm, cám ơn ông Thiện rồi mang hai vỏ đạn xuống để ở một góc phòng, chờ ngày mang về Sài Gòn, có dịp sẽ thuê người gõ thành hai bình bông, chắc đẹp lắm.

No comments:

Post a Comment